Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Chỉ có tình yêu mới cứu được thế giới


Chu Thập
23/06/17

Nghe các bạn trẻ kháo nhau về cuốn phim “Wonder Woman” (Người Phụ Nữ Kỳ Diệu), để tỏ ra mình cũng “ngang tầm thời đại” như ai, tôi cũng đi xem cho biết. Người cao niên như tôi chỉ trả có nửa giá vé, dại gì không đi coi!  Với vốn liếng Anh ngữ chỉ mới xong “bình dân học vụ” cho nên trước khi vào rạp, tôi cũng đọc qua chuyện phim để không phải xem phim câm như thời Charlot (Charlie Chaplin 1889-1977). Ngoài ra để cũng có thể góp chuyện với người khác trong lúc trà dư tửu hậu, tôi cũng lướt qua một số tin tức và bình luận liên quan đến cuốn phim.
Chuyện lạ tôi mới biết được là ngày 21 tháng 10 năm ngoái 2016, dưới thời Tổng thư ký Ban Ki Moon, Liên Hiệp Quốc loan báo chọn nhân vật tranh vẽ “Wonder Woman” làm đại sứ danh dự trong chiến dịch tranh đấu cho nữ quyền, đề cao phẩm giá và sức mạnh của người phụ nữ. Phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc, ông Jeffrey Brez, đã  giải thích trên đài CNN rằng mục đích của việc chọn “Wonder Woman” làm đại sứ danh dự là để gây ý thức nơi những người ngưỡng mộ nhân vật này về mục tiêu số 5 trong những mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc mà 193 nguyên thủ quốc gia đã thông qua hồi năm 2015. Mục tiêu đó là: đạt được sự bình đẳng giới tính và đề cao sức mạnh của tất cả mọi người phụ nữ và trẻ em nữ giới.
Tuy nhiên, quyết định trên đây của Liên Hiệp Quốc đã bị chính các nhân viên của Tổ chức này kịch liệt phản đối. Trong một thỉnh nguyện thư gởi cho ông Tổng thư ký Ban Ki Moon, những người này nói rằng nhân vật “Wonder Woman” trong chuyện tranh vẽ mà tác giả William Moulton Marston (1893-1947) đã sáng tác cách đây 75 năm, không phù hợp cho thời đại vì xét về mặt văn hóa không đủ tư cách để đại diện cho nữ giới trên khắp thế giới. Chỉ cần nhìn vào gương mặt của một người phụ nữ da trắng, mũi cao, mắt xanh, tóc vàng...cũng đủ để thấy điều đó.  Trước sự phản đối này, ngày 16 tháng 12 năm vừa qua, Liên Hiệp Quốc đành tuyên bố cho “Wonder Woman” nghỉ việc!
Riêng  nữ Diễn viên người Israel Gal Gadot, người thủ vai “Wonder Woman” trong cuốn phim do nữ Đạo diễn Patty Jenkins thực hiện, cũng bị chống đối không ít. Một số nước trong khối Á Rập như Liban và Tunisia đã tẩy chay cuốn phim chỉ vì người thủ vai “Wonder Woman” là một người Do Thái.
Trong một bài bình luận được đăng trên trang mạng của Đài Al Jazeera, thi sĩ kiêm  tiểu thuyết gia nổi tiếng người gốc Palestine Susan Abulhawa cũng tuyên bố tẩy chay cuốn phim. Lý do bà đưa ra để chống lại cuốn phim là: nữ Diễn viên Gal Gadot đã từng là một binh sĩ trong quân đội Israel khi nước này xâm chiếm và trải thảm bom bình địa miền Nam Liban hồi năm 2006. Ngoài ra, năm 2014, chính diễn viên kiêm người mẫu này cũng đã gởi đi một thông điệp để bày tỏ sự ủng hộ dành cho các binh sĩ Israel khi họ tàn sát trên 2.100 người Palestine bị nhốt trong một nơi không có lối thoát. Chính  diễn viên Gal Gadot cũng hãnh diện vì những năm tháng sống trong quân ngũ. Cô nhìn nhận rằng chính nhờ những kỹ năng học được trong quân đội và kinh nghiệm chiến trường mà cô đã được chọn để thủ vai “Wonder Woman”.
Tôi hiểu được phản ứng của Tác giả Susan Abulhawa và thông cảm với thân phận đọa đày của dân tộc Palestine cũng như những nước Á Rập đã từng có ân oán giang hồ với Israel. Nhưng tôi luôn phân biệt sân khấu và cuộc đời. Diễn viên nào muốn thành công cũng đều phải cố gắng nhập vai, nghĩa là diễn tả đúng những cảm xúc của nhân vật mình thủ diễn. Tuy nhiên, khoảng cách giữa diễn viên và nhân vật họ thủ diễn vẫn luôn vời vợi. Trên sâu khấu và màn ảnh, họ có thể là bậc thánh hay vĩ nhân, nhưng trong cuộc đời, nhân cách của họ có khi lại rất tồi tệ. Ngay cả giữa nhân cách tuyệt vời của Wonder Woman và cha đẻ của nhân vật này là ông William Moulton Marston cũng có một khoảng cách quá lớn. Theo một số sử gia, tác giả của truyện tranh vẽ nổi tiếng này đã từng có một cuộc sống hai mặt và đầy mâu thuẫn. Là một nhà tranh đấu cho nữ quyền, ông tin rằng về mặt tinh thần, phụ nữ mạnh mẽ hơn đàn ông, nhưng lại cho rằng họ chỉ có thể hạnh phúc nếu phục tùng đàn ông. Ông hô hào phụ nữ vùng lên chống lại chế độ phụ hệ, nhưng lại ngăn cản không để cho vợ mình trở thành một nhà nghiên cứu. Hơn nữa, mặc dù có một người vợ chính thức là bà Sadie Elizabeth Holloway, ông cũng âm thầm cưới thêm một cô sinh viên của mình làm vợ hai. Cả ba cùng sống với nhau dưới một mái nhà và ông cũng có con với cả người vợ hai. Với một cuộc sống như thế, nhiều người cho rằng cha đẻ của nhân vật “Wonder Woman” chỉ là một kẻ giả hình, nghĩa là không sống những gì mình “giảng dạy” (theo http://people.com/movies/wonder-woman-the-story-behind-her-creator-william-moulton-marston).
Nghĩ về cuộc đời của tác giả này tôi không thể không nhớ lại lời của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm!” 
Đi xem một cuốn phim hay một vở kịch, dĩ nhiên tôi ngưỡng mộ tài diễn xuất của các diễn viên. Nhưng điều tôi xem trọng trong một tác phẩm nghệ thuật chính là sứ điệp toát ra từ tác phẩm ấy. Đây chính là điều mà tôi đã tìm thấy trong cuốn phim “Wonder Woman”.
“Wonder Woman” trong cuốn phim do nữ Đạo diễn Patty Jenkins thực hiện không chỉ là một người phụ nữ hùng mạnh có thể tự vệ và bảo vệ cả nhân loại chống lại những sức mạnh của thù hận và hủy diệt. Cô cũng là một con người biết suy nghĩ, nghĩa là biết học hỏi từ những kinh nghiệm mình đã trải qua. Trước khi rời bỏ quê hương, nơi được xem như “địa đàng” và là nơi cô đã được rèn luyện để chiến đấu, cô luôn tin tưởng rằng với sức mạnh của cánh tay sắt và với ngọn kiếm thần, cô có thừa khả năng để chấm dứt chiến tranh. Nhưng dần dà khi chạm với thực tế cô mới học được rằng bản tính con người rất phức tạp. Trái tim con người là một bãi chiến trường giữa thiện và ác. Và cũng từ trái tim ấy mới có thể xuất phát sức mạnh đích thực là sự hy sinh và lòng vị tha để chiến thắng những sức mạnh của ích kỷ và hận thù.
Là con của thần Zeus và nữ hoàng đang cai trị Vương quốc Amazon, một xã hội hoàn toàn không có bóng dáng của một đấng  mày râu nào, cô không hề biết thế nào là đàn ông. Mãi cho đến khi gặp và cứu viên phi công lâm nạn trong một vùng biển gần Vương quốc Amazon, cô mới hiểu được sự khác biệt giữa nam nữ và tình yêu nam nữ. Nhưng giáo dục giới tính và sinh lý có lẽ không phải là điểm nhắm của cuốn phim. Cuốn phim muốn đưa ra một sứ điệp quan trọng hơn nhiều.
Kết hợp một số yếu tố của thần thoại Hy Lạp với câu chuyện sa ngã của ông bà nguyên tổ loài người trong sách Sáng Thế Ký của Kinh Thánh Do Thái- Kitô Giáo và cuộc chiến trong vườn địa  đàng trong thi phẩm “Paradise Lost” (thiên đàng đã mất) của thi hào Anh John Milton (1608-1674), cuốn phim đề cập đến một trong những đề tài muôn thuở của con người là cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa tình yêu và hận thù. Cuộc chiến ấy không diễn ra ở đâu xa mà ngay chính trong tâm hồn mỗi một con người. Vì cuộc chiến không bao giờ chấm dứt cho nên bao lâu còn thở là bấy lâu còn phải đối đầu với cuộc xung đột triền miên trong tâm hồn (x.https://www.psychologytoday.com/blog/minding-memory/201706/wonder-woman-how-i-wish).
Có lẽ “Wonder Woman” chỉ thực sự nhận ra được chân lý ấy vào cuối cuốn phim, sau khi cô đã đánh bại Thần chiến tranh Ares. Tha mạng cho nữ Bác học Isabel Maru, người đã chế ra hơi ngạt cho quân đội Đức, “Wonder Woman” đã nhận ra thực tế của cuộc chiến nội tâm trong mỗi một con người. Trước khi buông ngọn kiếm thần và sức mạnh của cánh tay sắt để sống như một con người bình thường như mọi người, “Wonder Woman” đã thốt lên một câu mà tôi cho là có thể tóm gọn sứ điệp của cuốn phim và đồng thời cũng là câu mà tôi nghe được rõ ràng nhứt: “Chỉ có tình yêu mới có thể cứu được thế giới” (only love can save the world).
Mặc dù không đưa ra bất cứ ẩn dụ nào về chính trị và tình hình thế giới hiện nay, nữ đạo diễn Patty Jenkins cũng đã nhắn gởi được đến các nhà lãnh đạo thế giới một sứ điệp rõ ràng. Cơn cám dỗ muôn thuở của con người, nhứt là các nhà lãnh đạo của các siêu cường, là muốn giải quyết mọi vấn đề của thế giới bằng sức mạnh của khí giới và ngay cả sức mạnh kinh tế. Vương quốc cộng sản Bắc Hàn luôn tin tưởng như thế cho nên bằng mọi giá phải chế tạo và nắm giữ trong tay vũ khí nguyên tử. Một số siêu cường và một số nước đang phát triển có lẽ cũng chỉ tin ở sức mạnh của vũ khí nguyên tử. Đồ tể Mao Trạch Đông đã nói một câu nghe rợn tóc gáy: “Chiến tranh chỉ có thể chấm dứt bằng chiến tranh và để loại bỏ súng ống cần phải mang dùng súng ống”. Nhưng ai cũng nhận ra rằng ngày nay nếu xảy ra một cuộc chiến tranh nguyên tử, chắc chắn thế giới sẽ bị tiêu diệt. Nhà bác học lừng danh của thế kỷ 20 là Albert Einstein đã từng tiên đoán: “Tôi không biết trong Đệ tam Thế chiến, người ta sẽ đánh nhau bằng vũ khí nào, nhưng trong Đệ tứ Thế chiến, người ta sẽ đánh nhau bằng gậy và đá mà thôi”.  Riêng tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ, Jimmy Carter, người  được trao giải Nobel Hòa Bình hồi năm 2002 vì những nỗ lực tìm kiếm những giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột quốc tế, đã nói một câu đáng suy nghĩ: “Đôi khi chiến tranh có thể là một sự dữ cần thiết. Nhưng dù có cần thiết bao nhiêu đi nữa, chiến tranh vẫn luôn luôn là một sự dữ chứ không bao giờ là một điều thiện. Chúng ta sẽ không bao giờ học sống với nhau trong hòa bình bằng cách giết hại con cái của nhau” (diễn văn nhận giải Nobel, 10/12/2002).
“Chỉ có tình yêu mới cứu được thế giới”. Tôi luôn tin như thế. Nhưng thế giới lại bao la và chuyện thế giới lúc nào cũng là chuyện đại sự, vượt khỏi sự suy nghĩ và tầm tay với của tôi. Ngoài ra chẳng có ý niệm nào mơ hồ và bị lạm dụng cho bằng hai chữ “tình yêu”.
Thành ra, mỗi khi nói đến tình yêu, tôi thường nghĩ đến những hành động cụ thể hơn như trao tặng, vị tha, hy sinh, quên mình, cảm thông, tha thứ, khoan nhượng và nhứt là tử tế. Làm được những hành động như thế mới thực sự là yêu thương. Vả lại, “cứu thế giới” nghe cũng quá viễn vông đối với tôi. Ở cuối cuốn phim, nhân vật “Wonder Woman” đã nhận thức được thế nào là cuộc chiến trong nội tâm mỗi người. Đây chính là cuộc chiến từng ngày của tôi. Tôi biết rằng tôi chỉ thực sự được giải cứu và thân tâm tôi được an lạc khi tôi biết sống yêu thương mà thôi.





Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

Một ngàn lẽ một lý lẽ để giết nhau


Chu Thập
26/11/13
Trong tháng 11, theo truyền thống Kitô giáo, tôi tưởng nhớ đến người quá cố và dĩ nhiên cũng suy nghĩ về cái chết. Người chết vẫn luôn hiện diện đâu đó để nhắc nhở người sống rằng ai cũng phải có một lần vĩnh viễn ra đi. Ý nghĩ này giúp tôi dễ chấp nhận cuộc sống và bình thản sống tuổi giả của mình. Nhưng năm nay, nhân dịp tưởng niệm 50 năm ngày cố tổng thống Ngô Đình Diệm, bào huynh Ngô Đình Nhu của ông và cố tổng thống Mỹ John F. Kennedy bị sát hại, tôi không chỉ nghĩ đến cái chết, mà còn bị dằn vặt bởi ý nghĩ: tại sao con người cứ mãi giết nhau! Thế giới đã tốn không biết bao nhiêu công sức để truy tìm ai đứng đàng sau vụ mưu sát nhà lãnh đạo của Đệ nhứt Cộng hòa Việt Nam và vị tổng thống tài hoa của Hoa Kỳ. Ai cũng biết một ông đại úy Nhung nào đó đã dùng súng để hạ sát tổng thống Ngô Đình Diệm. Chắc chắn ông Nhung cũng chỉ là một kẻ thừa hành. Nhưng ai là người ra lệnh cho ông sĩ quan này, cho tới giờ phút này, lịch sử có lẽ cũng chỉ ghi lại những giả thuyết mà thôi. Về cái chết của tổng thống Kennedy cũng thế. Dù có những phương tiện điều tra tinh vi cách mấy, cho tới nay các cơ quan điều tra của Mỹ cũng chưa xác định được Lee Harvey Oswald là kẻ sát nhân đơn độc hay ông chỉ là một con cờ thí của một tổ chức nào khác. 50 năm sau ngày tổng thống Kennedy bị ám sát, đa số người Mỹ vẫn nghĩ đến một âm mưu sát hại ông hơn là di sản ông để lại cho Hoa Kỳ và thế giới.
Cùng với tổng thống Ngô Đình Diệm và tổng thống Kennedy, còn có biết bao nhiêu nhân vật lịch sử khác đã ra đi bằng một cái chết mà cho tới nay lịch sử vẫn chưa giải mã được để nói ai hay tổ chức nào đã sát hại họ và lý do tại sao họ bị sát hại. Cái chết của những nhân vật lịch sử nổi tiếng như họ mà vẫn chưa được làm sáng tỏ thì số phận bọt bèo của không biết bao nhiêu sinh linh khác lại càng bi đát hơn. Mỗi ngày trên thế giới này có biết bao nhiêu người bị sát hại và họ bị sát hại vì một ngàn lý lẽ khác nhau. Lý do nào khiến con người cướp đi mạng sống của người đồng loại? Tại sao con người cứ mải mê giết nhau? Tại sao chỉ có con người mới là chủng loại duy nhứt trên hành tinh này sát hại lẫn nhau?
Gõ vào Google, tôi đọc được một bài giải thích của bác sĩ kiêm chuyên tâm lý trị liệu K.Sohail, hiện đang làm việc tại một bệnh viện ở Whitby, Ontario, Gia Nã Đại. Bác sĩ Sohail đưa ra một ghi nhận lý thú: ông nói rằng khi có một người, vì không kìm hãm được cơn giận của mình đã có hành động bạo lực và gây gấn, những người khác đôi khi bảo rằng người đó hành động chẳng khác nào thú vật trong thế kỷ 21 này. Điều đáng ngạc nhiên, theo bác sĩ Sohail, là người ta chẳng bao giờ nghe một con thú “tử tế” nào bảo rằng những con thú hung dữ  đã hành động chẳng khác nào con người. Trong cuốn sách “The Anatomy of Human Destructivenes” (Giải phẫu sự hủy hoại của con người), tâm lý gia nổi tiếng người Đức Eric Fromm (1900-1980) viết rằng thú vật có bạo động, nhưng bạo động một cách “hiền lành” hơn con người. Thú vật chỉ giết là để tự vệ hoặc khi đói mà thôi. Ngay cả một con sư tử cũng “hiếu hòa” khi nó không đói và không cảm thấy bị đe dọa. Mặt khác, con người “tệ” hơn thú vật khi họ bày tỏ sự bạo động: họ còn thêm nhiều ý nghĩa vào hành vi bạo động của mình. Họ biện minh cho tội ác của mình và hợp lý hóa những hành vi gây hấn của mình. Các tổ chức xã hội, các cơ chế chính trị và ngay cả các tổ chức tôn giáo cũng tìm cách biện minh cho các hành động bạo lực của mình . Thật là oan cho thú vật. Lâu nay, bất cứ hành động đồi bại xấu xa nào, tôi cũng đều trút  lên đầu thú vật. Chê trách ai, tôi cứ nghĩ chẳng còn từ nào xấu xa cho bằng “đồ thú vật” hay “đồ súc sinh”. Nhẹ hơn một chút là “đồ chó má”. Tôi cứ nghĩ rằng phần tốt nhứt trong con người là “người”, còn những gì đồi bại nhứt  đều thuộc về “con”, tức thú vật. Có lẽ đã đến lúc phải giải oan cho thú vật!  Mới đây, với cái chết của một người trượt sóng tại Tây Úc bị cá mập tấn công, người ta lại ra lệnh tiêu diệt loại cá này. Nghĩ cho cùng, người trượt sóng có bị tấn công và giết chết là bởi xâm nhập vào lãnh thổ của cá mập hoặc xuất hiện nhằm lúc nó đói mà thôi. Tự bản chất, cá mập hay thú vật nói chung đâu có “bạo động” theo kiểu của con người! Rõ ràng là chỉ có con người mới bạo động một cách “độc ác” và ngày càng tìm cách phát minh những vũ khí tối tân hơn để sát hại nhiều hơn, độc ác hơn và có bài bản hơn.
Theo bác sĩ Sohail, lịch sử đã chứng minh rằng cường độ và tính nghiêm trọng của bạo động của con người đã gia tăng theo thời gian. Chỉ trong thế kỷ 20, mới có cảnh hàng triệu triệu con người bị giết chết bởi người đồng loại của mình trong những cuộc tàn sát có tính toán và bằng những vũ khí giết người hàng loạt. Đây hẳn không phải là “thú chơi” mà là “trò chơi” của con người!
Nhưng tại sao con người lại thích chơi cái trò quái ác như thế? Bác sĩ Sohail tóm lược 7 lý do thúc đẩy con người tàn sát người đồng loại của mình.
Trước hết, đơn giản nhứt, con người sát hại người khác là để trả thù. Trong cộng đồng nào cũng có nhiều người gặp khó khăn khi phải làm chủ cơn giận của mình. Nếu có ai gây thương tổn cho họ, thay vì tha thứ hay trình báo vụ việc lên các cơ quan có thẩm quyền, họ tự làm ra luật và giết kẻ thù của mình. Khi kẻ thù lại chính là người họ đã từng yêu thương, thì cường độ của sự độc ác lại càng khủng khiếp. Một khi cảm thấy bị phản bội, con người biến tình yêu thành hận thù và người mình từng yêu thương thành kẻ thù. Mỗi năm, khắp mọi nơi trên thế giới, chúng ta phải chứng kiến biết bao nhiêu thảm kịch trong các gia đình.
Nếu có người chỉ sát hại những người đã từng là người thân của mình, thì cũng không thiếu những người lại đi giết những người lạ mặt. Chúng ta gọi họ là những kẻ giết người hàng loạt: hàng loạt không chỉ là năm ba người mà còn là từng trăm, từng ngàn và ngay cả triệu người cũng có. Điều đáng gây ngạc nhiên nhứt là một đất nước văn minh như Hoa Kỳ lại có số kẻ giết người hàng loạt nhiều nhứt thế giới. Cứ năm ba ngày, chúng ta lại nghe có kẻ buồn buồn xách súng bắn xối xả vào một đám người lạ mặt ở công sở, trường học, nơi giải trí hay chỗ buôn bán...Có người giết người hàng loạt để gọi là “trả thù đời”. Cũng có người thuộc loại giết người hàng loạt bẩm sinh (natural born killer).
Nhóm giết người thứ ba, theo phân tách của bác sĩ Sohail, là các băng đảng bạo động. Ngày nay, khắp nơi, số người rời bỏ thôn quê để ra thành thị kiếm sống ngày càng đông. Tại đây, trong cố gắng thích nghi với đời sống đô thị, họ không tránh khỏi tình trạng bị đẩy ra bên lề xã hội và nhứt là lâm vào cảnh thất nghiệp. Do bất mãn hoặc để kiếm sống, một số đành gia nhập vào các băng đảng tội phạm để buôn bán ma túy. Một khi đã đi vào thế giới băng đảng, họ không thể rút lui được nữa. Sự đụng độ giữa các băng đảng là chuyện không thể tránh được và một khi luật rừng đã trở thành luật sống thì chuyện thanh toán và chém giết lẫn nhau đương nhiên xảy ra. Đôi khi ngay cả các nhân viên công lực lại cũng dính vào các tổ chức tội phạm này.
Lý do thứ tư khiến nhiều người sát hại người khác là tâm bệnh. Mặc dù phần lớn những kẻ sát nhân không nhứt thiết phải là những người mắc bệnh tâm thần, nhưng cũng có những vụ giết người mà tác nhân là những người mắc chứng tâm thần phân liệt (Schizophrenia) hoặc những bệnh tâm lý khác. Một khi thần kinh bị rối loạn, họ cảm thấy bị đe dọa và tấn công cho nên họ nghĩ cần phải ra tay trước khi bị người khác giết.
Nhưng trong các lý do thúc đẩy con người sát hại người khác, tinh thần quốc gia và chủ nghĩa chủng tộc cũng có thể khiến con người cầm khí giới để tàn sát người khác. Chiến tranh là hình thức sát nhân dễ được biện minh nhứt. Trong hàng bao thế kỷ, binh sĩ của quân đội nước này giết hại binh sĩ của quân đội nước khác. Với quân phục trên người, người ta có thể giết người mà không sợ bị lương tâm cắn rứt hoặc bị bất cứ tòa án nào kết án. Tệ hơn, người ta còn cho mình cả cái quyền sát hại thường dân vô tội, nhứt là phụ nữ và trẻ em, của một quốc gia, một chủng tộc hay một tổ chức khác. Với bản án tử hình do luật pháp quốc gia xác định, các chính phủ lại cho mình quyền được giết chính người dân của nước mình. Đây là những vụ giết người được hợp pháp hóa.
Vì chủ quyền, vì danh dự quốc gia và dân tộc người ta chém giết nhau là điều đôi khi còn có thể chấp nhận được. Nhưng chiến tranh vì lý do tôn giáo là điều xem ra khó hiểu nhứt. Trong hàng bao thế kỷ, các tín đồ đã nhân danh Thượng Đế hay niềm tin của mình để sát hại người không cùng tôn giáo và tín ngưỡng. Có một lúc ở Âu Châu, người ta nói đến các cuộc chiến tranh giữa chính các Giáo hội của Kitô giáo. Nay, từ vài thập niên vừa qua, chúng ta lại chứng kiến các cuộc chém giết giữa hai hệ phái Sunni và Shia của Hồi giáo. Cứ vài ngày chúng ta lại nghe những vụ ôm bom tự sát để giết hại những người không cùng chung hệ phái. Đó là chưa kể đến vô số những cuộc khủng bố giết người do các phần tử cực đoan của các tôn giáo. Mỉa mai thay, tất cả những vụ sát hại đẫm máu đều được thực hiện nhân danh một Thượng Đế cao cả và nhân từ! Có nơi người ta khủng bố và giết người để thiết lập một quốc gia theo thần quyền. Có nơi những cuộc thảm sát lại do chính các nhà lãnh đạo tôn giáo truyền lệnh.
Cuối cùng, bác sĩ Sohail nói đến những cuộc chiến tranh nhân danh điều được gọi là dân chủ. Trong những thập niên gần đây, các chính phủ Tây Phương đã đưa quân sang một số nước khác để lật đổ chính phủ của họ và ngay cả sát hại nhiều thường dân vô tội với lý do để thiết lập dân chủ, nhân quyền và tự do.Theo bác sĩ Sohail, ai cũng biết rằng đây là những cuộc chiến tranh kinh tế nhằm thử nghiệm và bán vũ khí cũng như khai thác tài nguyên của các nước bị chiếm đóng.
Bác sĩ Sohail đưa ra kết luận như sau: “Thật đáng buồn khi nhận ra rằng ý thức bạo động ngày càng gia tăng và ranh giới giữa chiến tranh chính đáng và không chính đáng đã bị xóa mờ. Ngay cả trong thế kỷ 21, chúng ta vẫn chưa vượt qua được não trạng bán khai. Tôi sợ rằng nếu chúng ta không phát huy được ý thức hòa bình và không có tấm lòng cảm thông với toàn thể nhân loại, chúng ta có thể tự vẫn tập thể và không đạt đến một giai đoạn mới trong sự tiến hóa của con người.
Thật là mỉa mai khi các nhà lãnh đạo tôn giáo, các truyền thống tinh thần và thế tục của thế giới đương đại vẫn cho rằng các ý thức hệ và triết lý của họ giúp thăng tiến hòa bình, nhưng chúng ta lại thấy các tín đồ của họ vẫn tiếp tục tàn sát lẫn nhau. Dù cho họ là tín đồ của Kitô giáo hay Hồi giáo, Do thái giáo hay Ấn độ giáo, Chủ nghĩa Cộng sản hay Tư bản, họ vẫn giết những người vô tội và biện minh cho hành động sát nhân của mình.
Tôi nghĩ đã đến lúc tất cả mọi người chúng ta cần phải học cách thông đạt tốt hơn và tìm ra những cách thế để giải quyết  các cuộc xung đột cá nhân, xã hội, tôn giáo và chính trị một cách ôn hòa và tôn trọng nhau cũng như nhìn nhận rằng giết một con người cũng giống như giết toàn thể nhân loại” (Dr.K.Sohail, Seven Reasons to Kill)
“Giết một con người cũng giống như giết toàn thể nhân loại”, bởi vì “nhân loại” hay “tình nhân loại” và tính nhân bản nằm trong chính bản thân tôi. Không cần phải giết người, chỉ với một hành vi loại trừ người khác, cách này hay cách khác, cũng đủ để con người của tôi thui chột và nhỏ lại.
Bác sĩ Sohail đưa ra bảy lý lẽ người ta đưa ra để biện minh cho việc giết nhau, tôi lẩn thẩn tự hỏi, chẳng lẽ chúng ta không có hơn bảy lý lẽ để thương yêu nhau hay sao?




Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

Bắc Phi: những đứa con lạc lõng tại Đức


23/06/17
Một buổi sáng đầu tháng Tư 2017 vừa qua, trong khi các bạn tù khác đang ngủ thì người thanh niên tên Samir, 36 tuổi bị các cai tù tại một trung tâm cải huấn ở Đức đánh thức. Họ bảo anh thay quần áo vì cảnh sát sẽ đến đón anh để đưa anh ra phi trường Leipzig.
Samir là một trong những người tầm trú người Tunisia bị trục xuất về nước. Chỉ trong năm vừa qua, đã có trên 2.100 người ngoại quốc bị trục xuất từ phi trường này.
Đi cùng chuyến bay với Samir có 16 người Tunisia khác. Họ được 67 cảnh sát liên bang áp tải. Ngoài ra còn có hai bác sĩ và một thông dịch viên đi kèm. Lên máy bay, những người bị trục xuất vẫn tiếp tục bị còng tay. Các cảnh sát viên có nhiệm vụ áp tải những người bị trục xuất luôn trong tư thế ứng chiến đối với những người Tunisia. Nhiều người tìm cách chống cự hoặc tự gây thương tích để khỏi bị trục xuất. Cũng có người nuốt vào bụng những chiếc “pin” điện thoại di động. Có người ngậm cả dao cạo râu trong miệng hoặc bất thần rút dao từ trong giây nịt ra. Chính vì vậy mà cần phải có 3 cảnh sát viên để hộ tống một người Tunisia.
Trước khi lên máy bay, Samir được lệnh cởi quần áo ra để một bác sĩ khám xem anh có mang theo trong người bất cứ thứ gì không. Anh luôn tỏ ra bình thản cho nên không bị còng tay. Người thanh niên Bắc Phi nói: “Ở Tunisia, tôi không có hy vọng và tương lai”. Chính vì vậy mà năm 2008, anh đã tìm cách lên được một chiếc tàu nhỏ của những người chuyên tổ chức vượt biên tại Libya. Từ đây anh đã vượt qua biển Địa Trung Hải để đến Ý Đại Lợi là nơi anh đã sống một năm trước khi lần lượt đi qua các nước Bỉ, Hòa Lan và Thụy Sĩ. Và cuối cùng năm 2014, anh đã đặt chân đến Đức và làm đơn xin tỵ nạn. Anh cho biết: anh hy vọng tìm được việc làm và bắt đầu một cuộc sống mới. Tại Tunisia, anh đã bỏ học năm lên 12 tuổi và làm thợ cắt tóc. Ngoài ra anh chẳng có được kỹ năng nào khác. Anh còn cho biết năm lên 10 tuổi anh đã bắt đầu hút cần sa.
Mặc dù không được cấp quy chế tỵ nạn, Samir vẫn không bị trục xuất. Nhưng tại một trạm xe lửa ở Desden, Đông Đức, Samir đã bắt đầu bán ma túy. Bản thân anh là một con nghiện nặng. Mỗi ngày anh uống từ 7 đến 10 chai bia hoặc một chai vodka. Nhưng không may cho anh, vì một số người đến mua ma túy của anh lại là cảnh sát chìm. Tháng Bảy năm 2016, tại  một tòa án tại Dresden, Samir  đã bị buộc tội  vì  trộm cắp và buôn bán ma túy. Anh bị kết án một năm và chín tháng tù. Chính quyền địa phương cho rằng chính vì nghiệm ngập mà anh có thể phạm nhiều tội ác trong tương lai.
Vài phút trước khi máy bay cất cánh để đưa anh trở về Tunisia, Samir nói rằng anh đã “chán ngấy nước Đức”. Giấc mơ Âu Châu của anh đã hoàn toàn chấm dứt.
Tại Đức, trong những năm gần đây không có nhóm người ngoại quốc nào mang tiếng xấu cho bằng các thanh niên đến từ ba nước Bắc Phi như Morocco, Tunisia và Algeria. Trong năm 2016, chỉ có khoảng 2.4 phần trăm những người tầm trú đến từ ba nước Bắc Phi này. Vậy mà có đến 11 phần trăm di dân phạm pháp lại xuất phát từ ba nước này. Tại thành phố Cologne, trong năm 2015, có hơn 40 phần trăm những người di dân từ ba nước này bị tình nghi có hành vị trộm cướp ngay từ năm đầu tiên họ đặt chân đến Đức.
Trong đêm giao thừa 2015/2016 đã xảy ra những vụ tấn công nhắm vào các phụ nữ tại Cologne.  Kể từ đêm đó, cái nhìn của người Đức về người tỵ nạn và tầm trú đã hoàn toàn thay đổi. Chỉ cách đó vài tháng đã có hàng trăm ngàn người tầm trú đến Đức do tấm lòng nhân ái của Thủ tướng Angela Merkel, người dân Đức đã mở rộng vòng tay để đón nhận họ. Nhưng sau đêm giao thừa ấy, hình ảnh không mấy tốt đẹp của người tầm trú đã bắt đầu ám ảnh người Đức. Hầu hết những người bị tình nghi trấn lột và ngay cả lạm dụng tình dục các phụ nữ Đức đều là người Bắc Phi.
Tại Cologne và một thành phố khác là Dusseldorf, cảnh sát đã phải vất vả để đối đầu với những tên tội phạm người Bắc Phi. Chỉ trong năm 2016, cảnh sát đã điều tra đến 400 nghi phạm xuất phát từ Bắc Phi. Không riêng gì 2 thành phố này, nhiều nơi khác cũng đã bắt đầu chứng kiến những hành phi phạm pháp của những người Bắc Phi.
Mặc dù những kẻ phạm pháp thường có khuynh hướng tái phạm, Chính phủ Đức vẫn tỏ ra chần chừ trong việc trục xuất họ. Trong năm 2016, có đến 9000 người được lệnh bị trục xuất, những lệnh này chỉ được thi hành đối với 660 người Bắc Phi. Chính vì vậy mà hiện nay chính phủ liên bang muốn gia tăng các vụ trục xuất. Cách đây hai tuần, Quốc hội Đức cũng đã thông qua luật nhằm siết chặt việc cấp quy chế tỵ nạn cho người tầm trú, đặc biệt đối với những người đến từ Bắc Phi.
Đa số những tội phạm đến từ các nước Morocco, Tunisia và Algeria đều thuộc giai cấp thấp trong xã hội. Trước khi đặt chân vào Đức họ thường dính vào hồ sơ tội phạm, nếu không trộm cắp thì cũng nghiện ngập. Nhiều người chưa từng cắp sách đến trường. Một số không thể viết được ngay cả tên của mình.
Cho đến đầu năm 2016, có hơn một chục thiếu niên phạm pháp Bắc Phi sống trong trại cải huấn dành cho thiếu niên tại Wiesbaden. Nhưng vì bạo động họ được chuyển đến các nhà tù dành cho người lớn. Trong số thanh thiếu niên tầm trú Bắc Phi, chưa đến 4 phần trăm được cấp quy chế tỵ nạn.
Abdul, một thiếu niên Bắc Phi hiện đang bị giam tại một trung tâm cải huấn dành cho thiếu niên phạm pháp tại một thành phố nhỏ thuộc Bang Rhineland-Palatinate. Người thiếu niên này ra tòa nhiều lần vì trộm cắp.
Người thiếu niên Marocco này cho biết đã bỏ làng năm chỉ lên 10 tuổi. Không một đồng xu trong túi, cậu đã đi bộ nửa ngày để đến Fez, một thành phố nằm ở phía bắc Morocco. Tại đây Abdul đã nhảy xe lửa để đi về miền duyên hải. Sau đó, cậu sống vất vưởng trong một khu phố gần Melilla. Tại đây Abdul đã gặp những kẻ chuyên đưa lậu người ra nước ngoài. Cậu được giao cho công việc lén đưa người lên những chiếc xe tải. Cậu đã chứng kiến cảnh nhiều người đã thành công trong việc trốn sang Âu Châu. Cậu tin rằng nhiều người hiện sống tại Lục Xâm Bảo và họ có nhiều tiền. Đây là lý do thúc đẩy Abdul quyết định ra đi. Cậu đã đu được một chiếc xe bưu điện đến một chỗ có phà và tại đây cậu đã trốn sang Malaga, Tây Ban Nha. Cậu nói: “Đây là giây phút đẹp” nhất trong đời!
Tại Tây Ban Nha, Abdul bị bắt vì tội ăn trộm và được đưa vào một trung tâm dành cho thiếu niên tỵ nạn đi một mình. Một thời gian sau, Abbul cũng đến được Pháp quốc là nơi cậu không biết làm gì ngoài việc “ăn xin và sống ngoài đường phố”. Và cuối cùng, để gọi là “xem nước Đức như thế nào”, Abdul đã lên xe lửa để đến Frankfurt am Main. Nhưng vừa qua khỏi biên giới, cậu đã bị cảnh sát bắt giữ và đưa vào một trung tâm dành cho thiếu niên tỵ nạn đi một mình. Lúc đó cậu chỉ mới 15 tuổi. Mặc dù không được cắp sách đến trường, người thiếu niên này lại  nói tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha rất trôi chảy. Cậu còn cho biết nói được cả tiếng Đức nữa. Abdul  hy vọng sau thời gian bị giam giữ trong trại cải huấn dành cho thiếu niên, cậu sẽ cố gắng vươn lên để có được một tương lai tốt đẹp hơn.
Mimoun Berrissoun, một nhân viên xã hội gốc Marocco đã đưa ra dự án có tên “180 Grad Wende” (quay 180 độ). Dự án này nhằm giúp cho các thanh thiếu niên Bắc Phi hội nhập vào xã hội Đức. Người phụ nữ 30 tuổi này nói rằng nhiều thanh thiếu niên Bắc Phi bị lôi kéo vào cuộc sống tội phạm khi chỉ vừa đặt chân đến Đức. Thiếu học lại không có định hướng cho tương lai, họ dễ trở thành miếng mồi ngon của những tay tội phạm chuyên nghiệp.
Trong khối Bắc Phi, Marocco được xem là một quốc gia tương đối ổn định về chính trị. Trái với Tunisia là nơi dân chúng đã đứng lên lật đổ nhà độc tài Zine el-Abidine Ben Ali, Mùa Xuân Á Rập đã không tạo được một cuộc nổi dậy ở Morocco. Phần lớn dân chúng tại nước này vẫn còn ủng hộ Quốc vương Mohammed VI. Tuy nhiên, cảnh sát Morocco nổi tiếng là tàn bạo. Abdul nói: “Họ đánh bạn bất cứ lúc nào, ngay cả những đứa con nít”.
Các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền than phiền rằng tra tấn vẫn còn được sử dụng tại các nước Bắc Phi.
Algeria là một nước lệ thuộc quá nhiều vào dầu lửa và khí đốt tự nhiên. Chính vì vậy mà trong những năm vừa qua, vì giá của những thương phẩm này sút giảm, kinh tế của Algeria bị khủng hoảng trầm trọng. Trên 10 phần trăm dân số Algeria thất nghiệp. Riêng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên lên đến 25 phần trăm. Bài học đầu tiên và duy nhất mà trẻ con Algeria thường học được là móc túi trên đường phố. Ngoài ra, với chế độ độc tài, Algeria cũng là nơi cung cấp nhiều chiến binh cho các tổ chức hồi giáo cực đoan.
Riêng Tunisia là chiếc nôi khai sinh của Mùa Xuân Á Rập, nhưng  tình trạng của nước này càng tệ hơn. Nhiều người Tunisia cho rằng họ chỉ có 2 chọn lựa: một là lên tàu để trực chỉ Đảo Lampedusa của Ý Đại Lợi, hai là gia nhập “Quốc gia Hồi giáo”. Sáu năm sau khi người thanh niên bán dạo tên là Mohamed Bouazizi tự thiêu để phản đối chính quyền địa phương tại Sidi Bouzid và làm bùng nổ một cuộc nổi dậy cũng như điều thường được gọi là Mùa Xuân Á Rập tại Bắc Phi và Trung Đông, tỷ lệ thất nghiệp hiện nay tại nước này đã lên đến 40 phần trăm. Tỷ lệ này còn cao hơn tại những vùng xa xôi hẻo lánh. Tình trạng kinh tế èo uột của Tunisia được xem như là nguyên nhân chính khiến cho nước này trở thành nơi vun trồng chủ nghĩa khủng bố. Không có nơi nào trên thế giới có nhiều thanh niên tìm đến Syria, Iraq và Libya để chiến đấu cho các tổ chức khủng bố cho bằng Tunisia. Chính phủ Tunisia ước tính con số các chiến binh người Tunisia hiện đang chiến đấu cho các tổ chức khủng bố có thể lên đến 3000. Nhưng cũng có người cho rằng con số này lên gần 7000 người. Có khoảng 800 chiến binh được cho là đã quay trở về Tunisia, không phải để làm lại cuộc đời, mà là mang những thứ bom đạn đầy thù hận về nước để tàn phá xứ sở và nền dân chủ còn non dại tại đây.
Samir, người thanh niên vừa bị Đức trục xuất về lại Tunisia, không hề là một chiến binh của bất cứ tổ chức khủng bố nào. Sau 9 năm lây lất ở Đức, anh đã trở về nhà mình như một người xa lạ và nhất là như một người  hoàn toàn trắng tay. Mẹ anh là người thất vọng nhiều nhất. Bà trách móc người con trai: “Gia đình đã chạy mượn cả hàng chục ngàn Mỹ kim của những người hàng xóm để anh có thể ra đi và cho tới nay gia đình vẫn còn nợ họ. Vậy mà anh đã dám trở về với hai bàn tay trắng như thế? Thật là phung phí!”
Bà chỉ còn lại một niềm an ủi duy nhất: con trai bà đã không trở thành một chiến binh của các tổ chức hồi giáo cực đoan!

(Nguồn: http://www.spiegel.de/international/germany/migrant-crime-in-germany-focus-on-north-africa)




Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

Tên em là Vĩ Đại


Chu Thập
16/06/17
Cơn mưa đầu mùa đông hồi tuần qua làm tôi bị trói tay trói chân. Làm vườn không được. Đi câu cũng không xong. “Lên mạng” thét rồi cũng chán, mà đọc sách mãi thì mỏi mắt. Chẳng biết làm gì cho hết giờ, tôi bèn nghe nhạc. May quá, tình cờ lại mở trúng ca khúc “Tháng Sáu Trời Mưa”, thơ Nguyên Sa do Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc. Thích quá, nhất là mấy câu: “Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng.Tóc em mềm anh chẳng tiếc mùa xuân. Trên cuộc đời sẽ chẳng có gia nhân. Vì anh gọi tên em là nhan sắc”. Già rồi, tôi không còn ở cái tuổi mơ mộng và lãng mạn nữa. Tôi thích ca khúc này là bởi vì câu “vì anh gọi tên em là nhan sắc”  làm tôi liên tưởng đến nữ ca sĩ trẻ Ariana Grande.
Chưa bao giờ tôi thấy mình bị “bỏ lại đàng sau” cho bằng trong thời đại này. Tôi hoàn toàn bị đẩy ra bên lề các trang mạng xã hội. Với các phương tiện truyền thông hiện đại tôi cũng hoàn toàn mù tịt. Nói gì đến nhạc thời trang, nhứt là nhạc trẻ. Nghe như vịt nghe sấm! Nhưng mới đây sau khi xảy ra vụ khủng bố trong một buổi trình diễn nhạc trẻ tại Thành phố Manchester, Anh Quốc hôm 22 tháng Năm vừa qua, tôi thấy mình không thể đứng mãi bên lề được nữa. Tôi bắt đầu làm quen với tên tuổi của ca sĩ Ariana Grande. Lên mạng tìm hiểu, tôi mới biết cô ca sĩ kiêm diễn viên người Mỹ này chỉ mới 23 tuổi. Mở YouTube, nghe một ca khúc nổi tiếng của cô là Faith (niềm tin) do Nhạc sĩ mù Stevie Wonder sáng tác và cùng trình diễn với cô, tôi mới hiểu được tại sao nữ ca sĩ này đã có một sức thu hút đặc biệt đối với giới trẻ. Ca khúc này gợi lại cho tôi bài hát “Và con tim đã vui trở lại” của Đức Huy mà tôi đã từng say mê và nghe không biết bao nhiêu lần. “Lạc loài niềm tin, sống không ngày mai”, bỗng niềm tin trở lại, làm sao con tim không vui trở lại! Không biết tương lai sẽ đi về đâu trong thời đại đầy nhiễu nhương và bất ổn này, có lẽ giới trẻ ở đâu cũng cảm thấy lạc loài. Họ tìm trú ẩn nơi âm nhạc và ca sĩ Ariana Grande có lẽ đã mang lại cho họ chút niềm tin.
Người ca sĩ trẻ này đã đến Manchester để mang lại chút niềm tin cho giới trẻ Anh. Thế rồi niềm tin như vỡ tung khi thảm kịch xảy ra cho giới trẻ Anh và cho chính cô tối ngày 22 tháng Năm vừa qua. Chính cô đã chia sẻ trên trang mạng Twitter sau khi đã trở về Florida, Hoa Kỳ: “Tan vỡ, tận trong đáy lòng tôi” (broken, from the bottom of my heart).
Nhưng Ariana Grande đã không chấp nhận để cho niềm tin của cô và của giới trẻ ngưỡng mộ cô phải tan vỡ. Chính vì vậy mà giữa những hoang mang, nghi ngại và sợ hãi, chỉ một tuần lễ sau cô đã trở lại một nơi cách địa điểm khủng bố không đầy 3 cây số. Tại đây, một lần nữa, Ariana Grande đã mạnh mẽ đưa ra thông điệp: tình yêu thắng hận thù! Tình yêu và sự hiệp nhứt là liều thuốc mà ngày nay nhân loại cần để chữa trị. Cô đã đánh thức được những gì là tốt đẹp và nhân bản nhất trong con người.
Trong bầu khí hận thù, bạo động, khủng bố đang đe dọa khắp nơi, Ariana Grande đã nhắc nhở mọi người rằng nhân loại vẫn còn có thể xây dựng được những không gian của hòa bình, bao lâu con người còn biết lấy tình yêu để đáp trả lại hận thù. Từ trên bục giảng trong các nơi thờ phượng, có lẽ các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng chỉ nói được như thế là cùng!
Ariana Grande đã chứng tỏ sức mạnh và sự cảm thông khi quyết định quay trở lại Manchester để gặp gỡ với các nạn nhân của cuộc khủng bố và nhứt là để lập lại sứ điệp tình thương và can đảm của cô.
Nghe lại ca khúc “Tháng Sáu Trời Mưa” của nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm với câu “Vì anh gọi tên em là Nhan Sắc” và nhớ lại câu nói  nổi tiếng của  văn hào Nga Fyodor Dostoyevsky (1821-1881) “Cái đẹp sẽ cứu vãn thế giới” (Beauty will save the world), tự nhiên tôi cũng muốn đặt tên cho Ariana Grande: “Tên em là Vĩ Đại”. Thật ra, trong tiếng Ý, ngôn ngữ có lẽ đã từng được sử dụng trong gia đình di dân gốc Ý của cô, “Grande” có nghĩa là vĩ đại.
Với tôi, Ariana Grande “vĩ đại” không phải vì nhan sắc, vì tài năng, vì sự trẻ trung của cô, mà vì tâm hồn cô chứa đầy niềm tin, sự cương quyết, tình yêu và sự cảm thông. Đó cũng chính là “nhan sắc”, là vẻ đẹp đích thực của cô.
Đó cũng chính là sự vĩ đại mà tôi đã cảm nhận được nơi rất nhiều người xung quanh tôi. Họ vĩ đại không phải vì sự nghiệp vĩ đại, mà vì từ trong trái tim âm thầm của họ toát ra những đức tính cao cả nhứt nơi con người như lòng can đảm, tình yêu thương và sự cảm thông. Họ vĩ đại vì vượt qua được những bản năng đê hèn để vươn lên đến cái đẹp đích thực trong cuộc sống là tình người, sự tử tế và tha thứ.
Tôi đã tìm thấy một sự vĩ đại như thế nơi một người tài xế taxi trong một câu chuyện được ghi lại trong cuốn sách có tựa đề “The Law of the Garbage Truck” (Qui luật của chiếc xe chở rác) mà mới đây một ông bạn hiền đã chuyển đến cho tôi. Tác giả của cuốn sách là ông David J. Pollay kể lại rằng một hôm ông lên taxi để ra phi trường. Chiếc xe taxi đang chạy theo lằn ranh được qui định trên đường. Bỗng một chiếc xe màu đen phóng ra lấn đường. Người tài xế taxi đã nhanh chân thắng lại để tránh va chạm với chiếc xe của kẻ lấn đường. Vậy mà từ bên kia, kẻ vi phạm luật đi đường lại ngoái đầu ra mắng xối xả. Đáp lại, người tài xế taxi chỉ cười và vẫy tay chào lại. Tác giả của cuốn sách thắc mắc tại sao anh đã có thể có được một cử chỉ hòa nhã và bình thản như thế. Người tài xế taxi liền giải thích: “Nhiều người cư xử như xe chở rác vậy. Họ chạy vòng quanh mang theo rác rưởi của bực dọc, nóng giận và chán chường. Vì rác của họ đầy ắp, họ cần có nơi để tuôn ra và đôi khi họ trút lên bạn. Đừng mang nó vào mình. Chỉ cần mỉm cười, vẫy chào, cầu chúc họ may mắn và tiếp tục đi con đường của mình. Đừng lấy các thứ rác rưởi đó mang đến cho người khác nơi làm việc, dọc đường hay mang về nhà.”
Có được thái độ bình thản, cảm thông và tha thứ như ông tài xế taxi trên đây mới thực sự là người vĩ đại. Sự vĩ đại đích thực  không khua mõ đánh trống. Sự vĩ đại đích thực thường được thể hiện bằng sự thinh lặng và thái độ cảm thông.
Cũng trong cuốn sách “Qui luật của chiếc xe chở rác”, tác giả David.J Pollay còn chia sẻ một bí quyết khác có thể giúp mang lại sự bình an và làm nên sự vĩ đại đích thực cho con người. Ông gọi đó là “bí quyết 90/10”. Tác giả giải thích rằng 10 phần trăm cuộc đời là những gì xảy đến cho con người. 90 phần trăm còn lại là những phản ứng của con người trước những  hoàn cảnh sống. Hãy thử tưởng tượng một chuyện nhỏ: một buổi sáng nọ, đứa con gái nhỏ của bạn làm đổ cà phê lên áo bạn. Phản ứng tự nhiên của bạn là mắng đứa bé. Nó khóc. Bạn liền trách vợ bạn đã đặt tách cà phê quá gần rìa bàn ăn. Thế là hai vợ chồng cãi nhau. Bạn đùng đùng bỏ lên lầu thay áo. Khi bạn trở xuống, con gái bạn vẫn còn khóc và chưa kịp ăn xong bữa điểm tâm. Cháu bị lỡ chuyến xe đưa rước đến trường. Vợ bạn phải hối hả đi làm. Bạn phải lái xe đưa con đến trường. Sợ trễ, bạn chạy quá tốc độ cho phép. Bạn không những bị cảnh sát phạt nặng mà còn đưa con đến trường trễ. Bạn cũng đến văn phòng trễ và cũng nhận ra rằng bạn đã quên chiếc cặp ở nhà. Bạn đã bắt đầu một ngày mới một cách buồn bã. Cách cư xử của bạn với các đông nghiệp cũng không được hòa nhã. Chiều về đến nhà bạn lại thấy vợ con bạn không vui vẻ đón bạn như mọi ngày... Cả một ngày buồn thảm đã xảy ra cho bạn là bởi bạn đã không làm chủ được 90 phần trăm phản ứng của bạn...Đây có thể là hoạt cảnh thường xảy ra trong cuộc sống. Tự chủ được để tránh những phản ứng đáng tiếc có thể xảy ra, hẳn phải là một người vĩ đại mới có thể hành xử được như thế!
Chiều chúa nhựt vừa rồi, tôi được một số người bạn bao vé và  mời lên nhà hát con sò (Opera House) ở Sydney để xem cuốn phim có tựa đề “Mountain” (núi) được chiếu ra mắt trong đại thính phòng hòa tấu. Tính độc đáo của cuốn phim là những thước phim về núi được chiếu trên màn ảnh đi kèm với buổi hòa nhạc trực tiếp do dàn nhạc thính phòng “The Australian Chamber Orchestra” trình diễn. Cuốn phim tài liệu do nữ Đạo diễn Jennifer Peedom thực hiện với sự dẫn giải bằng giọng trầm ấm đầy thuyết phục của Tài tử Willem Dafoe (người thủ vai ác The Green Goblin trong phim Spiderman).
Những thước phim về núi được Đạo diễn Peedom thu thập vừa cho thấy cảnh bao la và hùng vĩ của núi non vừa ghi lại những bước chân táo bạo gần như ngu xuẩn trong công cuộc thám hiểm và những trò chơi chết người của con người.
Người viết truyện phim là ông Robert Macfarlane giải thích: “Những ngọn núi chúng ta leo không chỉ là đá và tuyết, mà cũng là những ngọn núi của những ước mơ và khát vọng. Những ngọn núi chúng ta leo chính là những ngọn núi của tâm trí”.
Nhưng như Willem Dafoe đã dẫn giải trong phần cuối của cuốn phim, núi vẫn cứ mênh mông, bao la  và im lặng để thách thức sự ngông cuồng và tính hung hãn của con người. Phải chăng núi chẳng muốn nói với con người rằng những ước mơ vĩ đại của họ thật ra cũng chỉ là những giấc mơ khờ dại, điên cuồng. Một khi tâm trí của con người không có được sự khiêm tốn và bình an, thì có lẽ những gì họ đeo đuổi cũng chỉ là hão huyền. Dường như người làm phim muốn nói lên điều đó chăng khi nhiều lần cho khán giả xem  hình ảnh của một vị sư già trên một vùng núi cao của Tây Tạng. Dù cho bên ngoài bão tuyết có đe dọa đến đâu, vị sư già vẫn bình thản thiền niệm. Như Đức Phật đã dạy, có lẽ ông chỉ chú tâm đi tìm Chân Như. Riêng tôi nhận ra sự vĩ đại đích thực nơi vị chân tu: trong sự thinh lặng, ông đã nhận ra tính mong manh, nhỏ bé và bất toàn của con người trong vũ trụ bao la.
Như Nhạc sĩ  Richard Tognetti, tay vĩ cầm chính và là người điều khiển dàn nhạc hòa tấu The Australian Chamber Orchestra, đã nói: “Ở trên một ngọn núi cao có thể làm cho tư tưởng con người trong sáng hơn và ở một mình trên một đỉnh núi có thể làm cho con người xích lại gần với nhân loại hơn”. Tôi tin như thế về vị sư già Tây Tạng thường xuất hiện trong cuốn phim. Có lẽ cũng như Đức Đạt Lai Lạt Ma là người cũng đã từng tu tập và thiền niệm trên vùng núi cao của Tây Tạng, nhà sư này hẳn cũng phải là một người rất gần gũi với người đồng loại. Gần gũi là bởi luôn biết sống trong thinh lặng và khiêm tốn. Gần gũi cho nên cũng dễ dàng cảm thông với người khác hơn. Ông chính là hiện thân của sự vĩ đại đích thực.





Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

Quít ngọt Hoài Nam…


Chu Thập
19/11/13

Sau cơn bão “Hải Yến”, Phi Luật Tân đã trở thành trọng tâm chú ý của toàn thế giới. Đã từng sống và làm việc tại nước này trong nhiều năm, tôi không thể không hướng nhìn về đất nước này với nhiều cảm mến, ngưỡng mộ, tri ân và xót thương.
Năm 1985, lần đầu tiên đặt chân đến Phi Luật Tân, tôi thực sự ngỡ ngàng về mức độ phát triển của quốc gia này nếu so với Việt Nam. Trước năm 1975,thỉnh thoảng tiếp xúc với một số người Phi làm việc tại Việt Nam, với cái nhìn của một con ếch còn ngồi trong đáy giếng, tôi cứ nghĩ rằng hễ dân tộc nào “ăn bóc” thì dân tộc đó còn “mọi rợ” bán khai. Nhưng khi bước ra khỏi phi trường Manila, nhìn cảnh xe cộ nối đuôi nhau trên các đường phố rộng thênh thang và sáng trưng, tôi thực sự choáng ngộp và tự hỏi: “họ văn minh vậy sao?”
So với Việt Nam, đất nước Phi Luật Tân mà tôi biết không phải là một quốc gia giàu tài nguyên . Với trên 7 ngàn hải đảo, Phi Luật Tân là một quốc gia còn gặp nhiều trắc trở trong vấn đề giao thông. Có những vùng chỉ có thể đặt chân đến bằng máy bay. Có những nơi chỉ có thể đi đến bằng tàu bè. Nhưng một khi đã đến đó, dù là nơi thăm sơn cùng cốc đến đâu, người ta cũng có thể thấy những con đường nhựa hoặc xi măng chắc chắn. Và dĩ nhiên, cửa hàng và siêu thị thì ở đâu cũng có. Ở Manila, người dân Phi vẫn tự hào rằng họ có những trung tâm thương mại lớn nhứt Á Châu. Còn nói về đại học thì tôi nghĩ ở Á Châu có lẽ chẳng có nước nào có nhiều cơ sở giáo dục từ cao đẳng trở lên cho bằng Phi Luật Tân. Với Anh Ngữ được xử dụng như phương tiện giảng dạy chính, dù không có Đại học nào của Phi được xếp vào hàng 100 đại học đứng đầu thế giới, Phi Luật Tân vẫn là nước sản xuất chuyên viên có tay nghề cao  có thể chiếm lĩnh thị trường lao động nước ngoài. Đây có lẽ là lực lượng kinh tế mạnh nhứt của Phi Luật Tân. Có lẽ nhờ sự đóng góp của trên 9 triệu  người Phi đi làm  hoặc sinh sống ở  nước ngoài mà kinh tế Phi mới có thể “cầm hơi” trước sự quản lý kinh tế yếu kém trong nước và nhứt là những thiệt hại do thiên tai gây ra hàng năm.
Nói đến Phi Luật Tân là nói đến bão lụt, động đất và núi lửa. Mỗi năm, quốc gia hải đảo này trải qua ít nhứt trên 20 trận bão. Trong 15 năm sống ở đây, tôi cũng học được sự bình thản của người Phi để xem bão lụt như chuyện thường ngày ở huyện. Năm 1990, tôi cũng đã được hân hạnh nếm mùi động đất. Đây là một trong những trận động đất được xem là mạnh nhứt trong lịch sử Phi Luật Tân và đã xảy ra ngay trên đảo Luzon, nơi tôi đang ở.  Cho tới giờ phút này, tôi vẫn còn nhớ rõ hình ảnh của một em học sinh tiểu học nằm kẹt trong ngôi trường đỗ nát trong mấy ngày liền. Chốc chốc truyền hình lại chiếu lên cái đầu của em đang cố gắng ngoi ra mà người ta vẫn không biết làm cách nào để cứu em. Có lẽ đây là cơn hấp hối lâu dài và khủng khiếp nhứt không chỉ của một em bé gái mà còn là của cả dân tộc năm nào cũng phải hứng chịu thiên tai.  Nhưng có lẽ kinh nghiệm khủng khiếp và hãi hùng nhứt mà tôi đã trải qua là vụ núi lửa Pinatubo, nằm cách Manila về hướng Bắc khoảng 80 cây số, phun ngày 12 tháng 6 năm 1991. Tôi nhớ rõ ngày tháng là bởi vì hôm đó tôi đang trên đường đi vào trại tỵ nạn Bataan, cũng nằm ở phía Bắc Manila. Cũng như nhiều người dân Phi, khi núi lửa phun lên và bụi khói che kín cả mặt trời, tôi có cảm giác như đã đến ngày tận thế.
Đã nghèo lại trải qua thiên tai triền miên, vậy mà người dân hải đảo này vẫn sống theo một thứ triết lý mà họ gọi là “Bahala na”.Đứng trước bất cứ thất bại, tai nạn hay rủi ro nào, người Phi thường thốt lên “Bahala na”, nghĩa là “để Trời lo” hay “tới đâu hay tới đó”. Tôi không biết có phải vì cái triết lý sống này mà người Phi thích “lè phè” và lạc quan không. Ở đâu và lúc nào xem ra họ cũng đều có thể vui đùa, ca hát được. Nếu như bên Mỹ người ta thường nói : “không ăn đậu không phải là Mễ, không đi trễ không phải là Việt Nam”, thì có bảo rằng “không vui đùa bỡn cợt không phải là Phi” cũng không phải là quá đáng lắm.
Nhưng tôi không chỉ học được tinh thần lạc quan, óc khôi hài của người Phi. Quan trọng hơn cả với tôi có lẽ là bài học về sự lương thiện, hiền hòa, hiếu khách, nhẫn nhục mà họ đã dạy cho tôi. Tôi còn nhớ năm 2004, tạp chí Reader’s Digest đã làm một cuộc trắc nghiệm về tính lương thiện của người dân tại 9 nước Á Châu. Kết quả cuộc trắc nghiệm cho thấy người dân Phi được điểm cao nhứt về sự lương thiện. Có đến 82 phần trăm người Phi cho biết họ sẽ báo cho nhân viên bảo vệ nếu thấy có người ăn cắp trong các cửa hàng buôn bán. Cũng với tỷ lệ đó, người Phi nói rằng họ luôn trả lại cho cửa hàng nếu có sự lầm lẫn của nhân viên tính tiền.
Tôi tận mắt chứng kiến tính lương thiện ấy của người Phi mỗi khi leo lên xe “Jeepney”, một loại xe di chuyển công cộng rất thịnh hành tại Phi Luật Tân. Trên xe, ngoài người tài xế ra không có bất cứ một người “phụ ếch’(aide) nào cả. Hành khách muốn gian lận, nghĩa là không trả tiền, có lẽ tài xế cũng chẳng làm gì được. Nhưng mọi thanh toán trên xe đều dựa vào tính lương thiện của hành khách: bất cứ ai lên xe cũng đều tự động nhờ người ngồi trước chuyển tiền lên cho tài xế. Người tài xế chẳng cần phải nhìn lại phía sau để biết có ai đó gian lận không. Ai không có tiền lẽ, ông vẫn nhớ và thối lại...
Còn chuyện người Phi hiền hòa, hiếu khách...tôi nghĩ có lẽ nên nhường lời lại cho bất cứ ai đã từng là người tỵ nạn tại Phi Luật Tân. Trên đường vượt biên, tàu thuyền của người Việt tỵ nạn có bị xua đuổi, trấn lột, cướp bóc, hãm hiếp và ngay cả sát hại ở đâu đó, như Thái Lan chẳng hạn, nhưng chưa từng nghe ai nói những chuyện như thế đã xảy ra trong vùng biển Phi Luật Tân. Đầu thập niên 1990, khi các nước Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan, Hong Kong tuyên bố đóng cửa các trại tỵ nạn và cưỡng bách người tỵ nạn hồi hương, Phi Luật Tân vẫn mở rộng vòng tay để tiếp tục ôm ấp vổ về họ.Những ai đã từng tỵ nạn tại đây đều thấy rằng đất nước này thực sự là đất của tình người và ngưỡng cửa của tự do.
Tôi thật sự ngưỡng mộ rất nhiều đức tính của dân tộc này. Nhưng trông người lại nghĩ đến ta. Về phát triển kinh tế, phải nhìn nhận Việt Nam chỉ trong một thời gian ngắn đã làm được những bước khá dài. Nhưng không hiểu tại sao cứ nói đến con người “xã hội chủ nghĩa” Việt Nam, không chỉ bên ngoài mà ngay cả trong nước, ai cũng đều nhắc đến những biểu hiện tiêu cực đáng xấu hổ. Tác giả Hạnh Nguyên từ trong nước đã ghi lại “cảnh tượng chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để tranh giành, vơ vét thức ăn, hàng hóa hay thậm chí là hôi của”. Như chuyện xảy ra tại Hà Nội ngàn năm văn vật hôm 24 tháng 10 vừa qua: một cửa hàng Sushi(Nhựt Bản) trong ngày khai trương đã thông báo mở cửa tự do, mời khách vào ăn miễn phí. Thế là người dân thủ đô cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tràn vào giành giựt thiếu điều cắn xé nhau như đám hỗ đói. Trước đó, cũng theo tác giả Hạnh Nguyên, năm 2012, một nhà hàng tại Sài Gòn loan báo giảm giá “Buffet size khủng giá 100.000 đồng”. Thế là người dân cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam lại hỗn chiến để tranh cho bằng được thức ăn giảm giá. Trong nhà hàng mà diễn ra cảnh tượng ấy thì huống hồ trong các siêu thị mỗi khi có giảm giá(x. Việt Luận thứ sáu 15/11/2013).
Cũng trên Việt Luận, tác giả Bửu Long còn nói đến cảnh chen lấn, giẫm đạp lên nhau diễn ra ngay trong những nơi thiêng liêng như Đền Bà Chúa Kho, Bắc Ninh  ngày 21 tháng 2 năm 2012.
Mới đây, nghe nói sau trận bão Hải Yến, đã xảy ra nạn cướp bóc tại một vài cửa hàng ở Tacloban, thành phố bị thiệt hại nặng nề nhứt. Bần cùng sinh đạo tặc. Trong cơn túng quẫn, con người dễ bị cám dỗ làm chuyện phi pháp. Chuyện ấy thì ở đâu cũng có thể xảy ra. Nhưng trong những điều kiện bình thường, trong suốt những năm tháng sống tại Phi Luật Tân, tôi chưa từng chứng kiến hay nghe nói đến những cảnh hỗn chiến, tranh giành, giẫm đạp lên nhau vì một chút thức ăn trong nhà hàng hay một vài món hàng hạ giá trong các cửa tiệm như đã xảy ra tại Việt Nam trong thời gian gần đây.
Ngẫm nghĩ và so sánh người dân Phi với người dân Việt dưới thời xã hội chủ nghĩa, tôi nghiệm ra rằng ở đâu thì con người ta  cũng có tính thiện cả, nhưng bản tính ấy có thể bị làm cho bại hoại và đồi bại khi phải sống trong những điều kiện hạ phẩm giá con người.
Người Việt nào mà không biết điển tích về ông Án Tử, một vị tướng tài ba, lại đạo đức và có tài ứng xử giỏi thời Đông Chu Liệt Quốc. Chuyện kể rằng có lần Án Tử sang thăm nước Sở. Trước khi ông đến nước Sở, vua nước này xin cận thần góp ý để tìm ra kế làm nhục ông. Theo nhục kế, người ta sẽ dẫn một người bị trói đến trước mặt Án Tử và bảo rằng đây là một người nước Tề. Khi Án Tử đến, vua nước Sở đã cho tổ chức một bữa tiệc để khoãn đãi “khách quý”. Lúc đang uống rượu, bọn lính điệu một người bị trói vào. Theo đúng kế hoạch, vua Sở hỏi lý lịch của tên tội phạm. Một người lính liền thưa: “ Tên này là một người nước Tề. Hắn phạm tội ăn trộm”. Nhà vua liền mỉm cười chế nhạo: “ Thì ra người quý quốc hay trộm cắp lắm phải không?” Án Tử bình tĩnh trả lời: “ Chúng tôi thiết nghĩ cây quít mọc ở đất Giang Nam(Hoài nam) có quả rất ngọt, nhưng đem sang trồng ở đất Giang Bắc(Hoài Bắc) thì quả lại chua. Đó là do thủy thổ khác nhau mà sinh ra thế. Người nước Tề chúng tôi không quen trộm cắp, nhưng sang nước Sở lại sinh ra ăn trộm có lẽ cũng vì thủy thổ giữa bản quốc và quý quốc khác nhau chăng?(x.Phùng Mộng Long, Đông Chu Liệt Quốc, hồi 69)
Đâu cần phải nhìn sang Phi Luật Tân cho xa, chỉ cần so sánh xã hội Việt Nam dưới thời Việt Nam Cộng Hòa với thời xã hội chủ nghĩa ngày nay cũng đủ để thấy sự khác biệt một trời một vực trong tâm tính và cách ứng xử của con người. Cuộc sống xã hội và tinh thần dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, trong gia đình, ngoài xã hội, trong trường học, tại công sở, nơi xóm giềng, bạn hữu...tất cả đều có nề nếp và “văn hóa” theo ý nghĩa cao quý nhứt của từ này. Học trò lễ phép với thày; vợ chồng, cha con, mẹ con thương yêu gắn bó với nhau. Thời đó làm gì có chuyện học trò hỗn láo xấc xược như ngày nay. Thời đó, dĩ nhiên cũng có tham nhũng, nhưng làm gì tới mức độ được “định chế hóa” và trở thành quy luật sống như ngày nay. Thời đó cũng như thời nào và ở đâu, cũng có những con người “vô cảm”, nhưng làm gì trở thành một “hiện tượng” phổ quát như ngày nay.  Thời đó, cũng có chửi thề như khắp mọi nơi trên thế giới này, nhưng làm gì có chuyện trở thành một thứ “văn hóa ứng xử” như ngày nay. Thời đó cũng có dối trá như khắp mọi nơi trên thế giới này, nhưng làm gì có chuyện trở thành luật sống như ngày nay.
Như hai ký giả Thiện Giao và Đinh Quang Anh Thái của báo Người Việt đã tường thuật từ thành phố Tacloban “người dân Phi vẫn mỉm cười trên hoang tàn, đổ nát”. Tôi xót thương vô số nạn nhân của trận bão Hải Yến. Và dĩ nhiên, tôi cũng ngưỡng mộ tính lương thiện, tấm lòng hiếu hòa hiếu khách và tinh thần lạc quan của người Phi. Và cũng lạc quan như bình luận gia Ngô Nhân Dụng trong bài “thư gởi ông ăn trộm” (x.Người Việt 15/11/2013), khi bè lũ hung tàn man dại trả lại đất nước cho dân tộc, tính “bản thiện” của người Việt trong nước cũng sẽ được hồi sinh và khởi sắc



Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

Qatar: những điều ít được biết


16/06/17

Qatar hiện đang là trọng tâm của một cơn bão mới trong vùng Vịnh Á Rập. Nại lý do Qatar tài trợ cho các tổ chức khủng bố, Vương quốc Á Rập Saudi đã lãnh đạo một liên minh gồm một số nước như Bahrain, Ai Cập, Yemen, Libya  và các tiểu vương quốc Á Rập thống nhất để cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước này. Không những cắt đứt quan hệ ngoại giao, liên minh chống Qatar còn phong tỏa nước này cả  trên không lẫn dưới biển. Nằm mãi bên Ấn Độ Dương, một nước nhỏ bé như Maldives cũng gia nhập liên minh chống Qatar. Riêng quốc gia dầu hỏa Kuwait lại chọn lập trường trung lập và đang tìm cách đứng ra làm trung gian hòa giải giữa hai phía. Còn Thổ Nhĩ Kỳ lại đứng hẳn về phía Qatar bằng cách gởi thêm quân đến căn cứ quân sự của mình tại nước này.
Cuộc khủng hoảng đã diễn ra sau chuyến viếng thăm của Tổng thống Donald Trump tại Á Rập Saudi và một số nước ở Trung Đông. Nhân dịp này, tổng thống Trump đã lên mạng Twitter để làm điều mà nhà báo Ngô Nhân Dụng gọi là một mình“ lo lấy việc ngoại giao”. Qua thông điệp được phóng đi trên Twitter, Tổng thống Trump xem việc một số nước Á Rập phong tỏa Qatar là một thành công rực rỡ của chuyến viếng thăm của ông, đồng thời lên án việc Qatar tài trợ cho các tổ chức khủng bố. Trong khi Tổng thống Trump hết mình ủng hộ liên minh chống Qatar thì Ngoại trưởng Rex Tillerson lại kêu gọi liên minh này hãy bình tĩnh và tự chế, bởi vì cuộc phong tỏa Qatar không những tạo ra một cuộc khủng hoảng về nhân đạo mà còn ngăn trở cuộc chiến chống khủng bố.
Với cuộc khủng hoảng này, Qatar, vốn đã được thế giới chú ý tới vì Giải Túc Cầu Thế Giới năm 2022, nay lại được nhắc đến nhiều hơn.
Trên bản đồ, Qatar chỉ là một bán đảo nhỏ với diện tích khoảng trên 11.000 cây số vuông nằm  trên bờ biển đông bắc trong vùng vịnh Á Rập. Nước láng giềng duy nhất của Qatar là Á Rập Saudi về phía nam. Còn lại bốn bề chỉ là biển!
Sau khi đế quốc Thổ Ottoman (kéo dài từ Thế kỷ 13 đến đầu Thế kỷ 20) sụp đổ, Qatar được đặt dưới sự bảo hộ của Anh Quốc và chỉ dành được độc lập vào năm 1971.
Kể từ đầu Thế kỷ 19, Qatar được cai trị bởi dòng họ nhà Al Thani. Người sáng lập Vương quốc Qatar là Sheikh Jassim bin Mohammad Al Thani. Hậu duệ của ông là Emir Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani hiện đang cai trị Qatar. Mặc dù là một vương quốc, tên gọi chính thức của nước này chỉ đơn thuần là Quốc gia Qatar (State of Qatar).
Tuy chỉ là một nước nhỏ, năm 1991, Qatar đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến Vùng Vịnh, tức cuộc chiến xảy ra sau khi Iraq đem quân sang xâm chiếm Kuwait vào ngày 2 tháng 8 năm 1990. Xe tăng của Qatar đã yểm trợ cho các đơn vị vệ binh quốc gia của Á Rập Saudi để tấn công quân đội Iraq. Ngoài ra Qatar cũng cho phép liên quân từ Canada sử dụng lãnh thổ của mình làm căn cứ không quân để ném bom xuống quân đội Iraq. Quân đội Mỹ và Pháp cũng được trú đóng tại Qatar để mở các cuộc hành quân.
Năm 1995, với sự ủng hộ của quân đội và nội các cũng như các nước láng giềng và Pháp, Thái tử Emir Hamad bin Khalifa Al Thani đã thực hiện một cuộc đảo chính để truất phế thân phụ là quốc vương Khalifa bin Hamad Al Thani. Tân quốc vương đã thực hiện được nhiều cuộc cải tổ. Đáng chú ý nhất là cho thành lập đài truyền hình Al Jazeera và cho phép phụ nữ được tham gia các cuộc đầu phiếu phổ thông. Ông cũng cho viết lại hiến pháp và cho các tôn giáo ngoài Hồi Giáo được nhiều tự do hơn.
Năm 2003, Qatar đã cho phép Hoa Kỳ thiết lập tổng hành dinh trên lãnh thổ của mình để từ đó điều khiển các cuộc hành quân xâm chiếm Iraq. Tháng 3 năm 2005, một cuộc đánh bom tự sát đã diễn ra tại một hí viện ở Thủ đô Doha khiến cho một giáo viên người Anh bị thiệt mạng. Đây là lần đầu tiên Qatar nếm mùi khủng bố. Thủ phạm của vụ đánh bom là một người Ai Cập bị tình nghi có liên hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda.
Năm 2011, Qatar liên kết với tổ chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để mở các cuộc hành quân vào Libya và trang bị cho các tổ chức đối lập tại nước này. Hiện nay Qatar cũng là một trong những nước tài trợ chính cho phe nổi dậy tại Syria. Ngoài ra cũng phải kể đến việc Qatar tham gia vào liên minh do Á Rập Saudi lãnh đạo để chống lại lực lượng Houthi tại Iran do Iran yểm trợ.
Riêng từ năm 1992, Qatar đã thiết lập quan hệ quân sự mật thiết với Hoa Kỳ. Hiện  Hoa Kỳ có 2 căn cứ quân sự quan trọng tại Qatar: một là căn cứ không quân Al Udeid và hai là căn cứ quân đội As Sayliyah. Tổng cộng có khoảng trên 11.000 binh sĩ của Hoa Kỳ và đồng minh trú đóng tại Qatar. Chính từ nước này mà Hoa Kỳ tổ chức các cuộc hành quân tại Trung Đông cũng như A Phú Hãn.
Tháng 6 năm 2013 Quốc vương Sheikh Tamin bin Hamad Al Thani đã lên ngôi kế vị vua cha. Tiếp tục các cuộc cải tổ của phụ vương, ông đã xem việc nâng cao đời sống của người dân lên ưu tiên hàng đầu, cách riêng chú trọng đến hệ thống y tế và giáo dục cũng như xây dựng hạ tầng cơ sở để chuẩn bị cho Giải túc cầu thế giới năm 2022.
Qatar được nhắc đến vì cuộc khủng hoảng hiện nay trong vùng vịnh cũng như vì những biến động trong vùng. Có một số sự kiện ít được biết đến, nhưng mang lại những sắc thái đặc biệt cho quốc gia nhỏ bé này.
Trước hết phải nói đến tính dị biệt của dân số nước này. Với dân số tổng cộng khoảng 2.5 triệu người, người dân Qatar chính hiệu chỉ là một thiểu số. Phần còn lại thuộc 87 quốc tịch khác nhau, trong đó cũng có 2000 người Việt Nam. Phần lớn là di dân tay nghề.
Trong số 2.5 triệu dân, nữ giới chiếm không tới 700.000 người. Sở dĩ có sự mất cân bằng về phái tính như thế là vì sự bùng nổ bất thần về dân số của Qatar. Đây là một đất nước được xây dựng bởi người di dân mà phần lớn là nam giới và giới trẻ. Năm 2003, dân số nước này không quá 700.000 người. Nay số này đã lên đến 2.5 triệu và ngày càng gia tăng, nhất là kể từ khi Qatar trúng cuộc đấu thầu để đứng ra tổ chức Giải túc cầu thế giới vào năm 2022. Được biết Qatar hiện đang ráo riết cho xây cất 9 sân vận động mỗi sân  có 80.000 chỗ ngồi và với những điều kiện đặc biệt để chống lại cái nắng của mùa hè thường lên đến 40 độ C. Việc xây dựng hạ tầng cơ sở cho các cuộc thi đấu và đón tiếp du khách đã thu hút được rất nhiều nhân công. Người di dân đến Qatar từ khắp thế giới. Nhưng phần lớn xuất phát từ Ấn Dộ và Nepal, khiến cho Ấn Giáo trở thành nhóm tôn giáo lớn thứ 3 tại Qatar, chỉ sau Hồi Giáo và Kitô Giáo.
Người di dân tay nghề tìm đến Qatar vì họ mong có được công ăn việc làm và một tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên theo các bản phúc trình gần đây  của nhiều tổ chức tranh đấu cho nhân quyền, người di dân tại Qatar bị cưỡng bách làm việc trong những điều kiện đáng lo ngại. Hơn một nửa số công nhân tại Qatar hiện vẫn còn sống trong những điều kiện chẳng khác nào các trại lao động khổ sai. Chính phủ Qatar cam kết sẽ cải thiện các điều kiện làm việc và cuộc sống của công nhân, nhưng theo một bản phúc trình mới đây của Tổ chức Ân xá Quốc tế, các công nhân vẫn tiếp tục phải đối phó với tệ nạn bóc lột và lạm dụng.
Về Qatar, còn có một sự kiện khác ít được nhắc tới: đó là nước này đã trở thành một trong những  nước đầu tư nhiều nhất vào Anh Quốc. Qatar hiện đang làm chủ một số  trung tâm thương mại hoặc cơ sở kinh doanh  nổi tiếng tại Anh Quốc như the Shard, Harrods, Chelsea Barracks và ngay cả làng Thế vận hội.
Dạo tháng Ba vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Qatar, ông Ali Shareed al-Emadi đã nói với đài BBC rằng nước ông đã đầu tư vào Anh Quốc từ 45 đến 51 tỷ Mỹ kim. Ông cho biết trong vài năm nữa, Qatar sẽ tăng thêm gần 10 tỷ Mỹ kim đầu tư vào Anh.
Mặc dù nổi tiếng là bảo thủ, trong những năm gần đây, Qatar đã đứng ra tổ chức rất nhiều cuộc triển lãm nghệ thuật. Riêng trong Phi trường Quốc tế Hamad tại Thủ đô Doha, Qatar đã cho đặt bức tượng khổng lồ của chú gấu bông (Teddy Bear). Đây là tác phẩm nghệ thuật được điêu khắc gia Thụy Sĩ Urs Fisher tạc cách đây hơn một thập niên. Bất cứ ai đặt chân vào Phi trường Quốc tế Hamad cũng đều nhìn thấy chú gấu bông bằng đồng nặng gần 20 tấn này. Theo giải thích của các nhân viên phi trường, chú gấu bông này mang lại bộ mặt nhân bản cho không gian trong phi trường và nhắc nhở hành khách về tuổi thơ hay những báu vật ở nhà họ.
Dĩ nhiên, Qatar đã bỏ ra một món tiền lớn mới có được chú gấu này: năm 2011, Qatar mua được nó với giá 6.8 triệu Mỹ kim trong một cuộc đấu giá!
Không riêng về nghệ thuật, Qatar còn được biết đến nhờ Đài truyền hình Al Jazeera. Được hoàng tộc Al Thani tài trợ một phần, Al Jazeera là một trong những mạng lưới truyền hình lớn nhất thế giới hiện nay. Ngoài tiếng Á Rập, đài Al Jazeera còn có một chương trình Anh ngữ được tiếp vận tại rất nhiều nước trên thế giới.
Mặc dù Al Jazeera là một cơ quan truyền thông của chính phủ Qatar, các nhân viên của đài này vẫn khẳng định rằng phần xã luận của đài hoàn toàn độc lập với quan điểm của chính phủ. Tuy nhiên, Al Jazeera vẫn bị nhiều nước, nhất là khối Á Rập tố cáo là một công cụ tuyên truyền của Chính phủ Qatar. Đôi khi đài này bị xem như có cái nhìn thiên vị đối với tổ chức “Huynh đệ Hồi giáo” tại Ai Cập cũng như ủng hộ hệ phái Hồi giáo Sunni và chống lại hệ phái Shiite. Dù vậy, Al Jazeera vẫn khẳng định rằng họ hoàn toàn độc lập trong việc đưa tin và bình luận: đài này trình bày quan điểm của Israel cũng như của Iran và ngay cả cho chiếu những băng hình do cố lãnh tụ Al Qaeda Osama bin Laden cho công bố!
Có một sự kiện khác về Qatar mà cuộc khủng hoảng hiện nay đã khiến cho nhiều người chú ý tới: Qatar là nước có thu nhập đầu người cao nhất thế giới! Thật vậy thu nhập đầu người hiện nay tại Qatar là 129,700 Mỹ kim, cao hơn nước đứng thứ nhì là Lục Xâm Bảo đến 20.000 Mỹ kim. Qatar có thu nhập đầu người cao như thế là nhờ trữ lượng dầu lửa và khí đốt cũng như nhờ các cuộc đầu tư. Nếu nhìn về phía cuối bảng, người ta sẽ thấy khoảng cách thật khủng khiếp: tại Somalia, thu nhập đầu người chỉ có khoảng 400 Mỹ kim.
Dĩ nhiên, không phải bất cứ người dân Qatar hay người di dân nào cũng có được một thu nhập béo bở như thế. Khoảng cách giữa Qatar và Somalia đã khủng khiếp, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo tại Qatar lại còn vời vợi hơn. Nếu tài sản của Quốc vương Hamad bin Khalifa al Thani lên đến 2.4 tỷ Mỹ kim thì người di dân làm việc tại Qatar mỗi tháng chỉ kiếm được 350 Mỹ kim.
Dù vậy, theo chỉ số hòa bình “Global Peace Index”, Qatar được xếp vào hạng một trong 30 nước an bình nhất thế giới và là nước an bình nhất tại Trung Đông và Bắc Phi.