Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

Tôn giáo thời Cô Vi



29/5/20

Thời đại dịch, mọi thứ đều thay đổi. Kể cả sinh hoạt tôn giáo. Từ vài tháng nay, mấy ông bạn già công giáo của tôi không cần phải tới nhà thờ vào mỗi cuối tuần nữa: ngồi nhà chú mục vào màn ảnh truyền hình, vừa rung đùi vừa “xem lễ” mà vẫn thấy tham dự đầy đủ vào “các phép” trong đạo!
Sinh hoạt tôn giáo là một nhu cầu thiết yếu của người có niềm tin tôn giáo. Bỏ nước ra đi, các tín đồ Việt Nam thường tìm đến định cư ở những nơi nào có chùa chiền, đền thờ, thánh thất, giáo đường và nhứt là có đông người đồng hương để tham dự các sinh hoạt tôn giáo. Đến nơi thờ phượng không chỉ để thỏa mãn nhu cầm tâm linh, mà còn để có được chút hơi ấm của tình đồng hương, bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa và những giá trị truyền thống của dân tộc. Có người còn tìm đến các sinh hoạt tôn giáo với một mục đích thầm kín khác. Một ông bạn người Úc của tôi tâm sự rằng lúc nhỏ ông đã được nuôi dạy trong một môi trường thuần công giáo: học trường công giáo, đi lễ mỗi ngày chúa nhựt. Nhưng ông thú nhận rằng ở tuổi đôi mươi, ông háo hức đến nhà thờ mỗi ngày chúa nhựt là chỉ để nhìn ngắm đàn bà con gái!
Nhưng sinh hoạt tôn giáo không chỉ là một nhu cầu, mà còn là một nghĩa vụ. Ngay từ thuở nhỏ, tôi đã được uốn nắn để lúc nào cũng xem sinh hoạt tôn giáo trước hết như một nghĩa vụ. Một cách cụ thể, tôi đã được dạy rằng thánh lễ chúa nhựt là một “lễ buộc”. Bà mẹ đạo đức của tôi luôn đe dọa rằng bỏ “lễ buộc” là phạm tội trọng và hễ phạm tội trọng mà lỡ chết tươi ăn năn tội chẳng kịp thì sẽ sa hỏa ngục đời đời kiếp kiếp chẳng cùng! Nghe khiếp quá cho nên có lười biếng và ham chơi cỡ nào, tôi cũng không bao giờ dám bỏ lễ chúa nhựt.
Cùng với lời đe dọa của mẹ tôi, tôi còn phải chịu sự rình mò theo dõi của các “công an tôn giáo” là các bà xơ và ông cha sở. Đây là những ông kẹ bà chằng lúc nào cũng giám sát chặt chẽ các sinh hoạt tôn giáo của tôi. Lúc nhỏ tôi đã chịu không biết bao nhiêu trận đòn chí tử trước mặt những đứa trẻ khác chỉ vì cái tội bỏ học giáo lý và trốn tránh các sinh hoạt tôn giáo khác ở nhà thờ. Bị đòn giữa nhà thờ, có lúc tôi cũng ngước mắt nhìn lên Chúa, nhưng dung mạo của Chúa mà tôi thấy được qua dòng nước mắt lại được phản ảnh qua hình ảnh hung bạo của ông cha sở và các bà xơ. Trong trí tưởng tượng của tôi, Chúa là một ông già râu tóc bạc phơ, trên tay lúc nào cũng cầm cây gậy và ánh mắt dữ dằn lúc nào cũng rình rập săm soi mọi sự “trong ngoài” của tôi để trừng phạt hơn là yêu thương. Nói cho cùng, tôi đã “giữ đạo” vì sợ hơn vì mến. Sách Châm Ngôn trong Kinh Thánh của Do Thái và Kitô Giáo đã chẳng dạy rằng “kính sợ Thiên Chúa là khởi đầu của sự khôn ngoan” (Châm Ngôn 9,10) đó sao?
Trong những suy tư về niềm tin tôn giáo của mình, tôi thường tự hỏi: niềm kính sợ Thiên Chúa đã được người lớn nhồi nhét vào  đầu óc thơ dại của tôi hay nó đã có sẵn trong máu của tôi?
Những cuộc nghiên cứu trong một số lãnh vực như khảo cổ học, xã hội học, nhân chủng học...về cuộc sống của những người sống vào thời hái lượm cho thấy rằng các tổ tiên tiền sử của loài người không hề có tôn giáo. Họ cũng tin có những thần linh vô hình đàng sau những sức mạnh của thiên nhiên. Nhưng ý niệm về một Đấng trên đầu trên cổ luôn có mặt để theo dõi và xét xử con người thì hoàn toàn xa lạ với họ. Họ không cần có một niềm tin vào Thiên Chúa hay một Đấng Tối Cao nào đó để theo dõi họ. Trong những bộ lạc nhỏ bé của họ, mọi người đều biết nhau; chẳng có gì là bí ẩn đối với nhau. Nói cách khác, họ không cần có một Đấng từ trên trời cao nhìn xuống  để theo dõi, giám sát và điều hợp thói ăn nết ở của họ.
Chỉ cách đây khoảng 10.000 năm, khi nông nghiệp xuất hiện thì các tôn giáo có tổ chức mới phát sinh. Biết canh tác cũng có nghĩa là có dư thừa thực phẩm có thể nuôi sống nhiều người một lúc. Làng mạc và đô thị càng phát triển thì con người càng trở thành xa lạ với nhau và cũng dễ có khuynh hướng vì tư lợi mà hãm hại người khác. Đó là định nghĩa dễ hiểu nhứt về thế nào là sự dữ và điều ác. Cảnh sát không phải lúc nào cũng có mặt khắp nơi để giữ gìn an ninh và trật tự trong xã hội. Chỉ còn mong đợi có một Đấng Toàn Năng và Toàn Tri may ra mới có thể làm điều đó. Chính vì vậy mà các nền văn minh của nhân loại mới “phát minh” ra các thần linh hay một Đấng Tối Cao để khuyến khích hay buộc con người phải biết ăn ngay ở lành, làm điều thiện và tránh điều ác và nhờ vậy mới bảo đảm được trật tự xã hội.
Ngay từ Thế kỷ 18, triết gia Pháp Voltaire đã muốn giải thích về nguồn gốc của tôn giáo khi ông nói: “Nếu Thiên Chúa không hiện hữu, thì  cần phải tạo ra Thiên Chúa” (1).
Theo Kinh Thánh, “Thiên Chúa đã tạo dựng con người” (Sáng Thế Ký 1, 26). Nhưng lịch sử nhân loại dường như lại nói với tôi rằng chính con người mới tạo dựng Thiên Chúa và vẽ cho Ngài một dung mạo với đủ mọi hình thái có khi hoàn toàn đối nghịch nhau. Thiên Chúa của dân tộc này ra lệnh tàn sát dân tộc của một Thiên Chúa khác.
Cứ mỗi lần xảy ra ôn dịch hay đại dịch, tôi cũng thường nghĩ đến Thiên Chúa do con người tạo ra. Oberammergau là một trong những thị trấn nổi tiếng nhứt của Đức. Nổi tiếng nhờ vở tuồng “Cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu” do chính người dân thị trấn đồng diễn xuất cứ 10 năm một lần và là cơ hội để thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. Lẽ ra năm 2020 này là năm thị trấn Oberammergau trình diễn vở tuồng này, nhưng vì đại dịch Covid-19 vở tuồng được dời vào năm 2022. Vở tuồng huy động đến 3000 diễn viên vốn là người dân của thị trấn. Những diễn viên chính trong vở tuồng sẽ phải tập dượt và nhập vai trong suốt 10 năm ròng rã!
Theo truyền tụng, vào năm 1633, một trận dịch đã càn quét làng Oberammergau. Chỉ trong 33 ngày, đã có 81 người, tức một nửa dân số trong làng, bị thiệt mạng. Những người còn sống sót liền bày tỏ cam kết với Thiên Chúa rằng nếu Ngài tha mạng cho họ thì cứ mỗi 10 năm kế tiếp, họ sẽ diễn lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Sau khi dân chúng dâng lên Thiên Chúa lời khấn nguyện đó, Thần Chết đã không còn bắt thêm một người nào nữa và đúng như cam kết, năm sau người dân làng Oberammergau đã trình diễn vở tuồng ấy. Từ đó cho đến nay, vì hoàn cảnh hoặc vì lý do bất khả kháng, vở tuồng đã bị đình hoãn nhiều lần, nhưng thị trấn Oberammergau vẫn cố gắng giữ truyền thống và lời cam kết của họ với Thiên Chúa, một Thiên Chúa mà người ta luôn tin là có vai chủ động trong  ôn dịch hay chiến tranh của con người (2).
Trong đại dịch Covid-19 hiện nay, tôi cũng nhớ lại quyển tiểu thuyết “Dịch Hạch” (La Peste) nổi tiếng của nhà văn Pháp Albert Camus (1913-1960) mà tôi đã có dịp đọc trong những năm cuối của thập niên 1960 khi tập tễnh làm quen với trào lưu triết học hiện sinh. Theo một trong những nhân vật chính của quyển tiểu thuyết là linh mục Paneloux, ôn dịch là một sự trừng phạt của Thiên Chúa đối với những kẻ cứng lòng tin nơi Ngài. Chứng kiến cái chết của một đứa trẻ, vị linh mục tuyên bố rằng đây là ý Chúa. Ông kêu gọi giáo dân hãy chấp nhận điều đó. Bị lây nhiễm, thay vì gọi bác sĩ đến, ông đặt niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa và nằm chờ Ngài đến cứu chữa. Và ông đã chết trong niềm tin tưởng ấy!
Tôi không biết có nên so sánh niềm tin của linh mục Paneloux trong quyền tiểu thuyết “Dịch Hạch” với thái độ thách thức của một số nhà lãnh đạo tinh thần ở Mỹ trong thời đại dịch hiện nay không. Một trong các nhà lãnh đạo Tin lành nổi tiếng ở Mỹ trong thời đại dịch này là mục sư Ralph Drollinger. Theo ông, đại dịch đang hoành hành tại Mỹ hiện nay là biểu hiện của “cơn thịnh nộ của Thiên Chúa”. Trong một lần thuyết giảng cho các nhân viên Tòa Bạch Ốc, ông quy trách cơn đại dịch cho những người đồng tính, những người tranh đấu để bảo vệ môi sinh cũng như những người mà ông gọi là “có đầu óc bại hoại”. Theo một cuộc thăm dò mới đây do hãng thông tấn AP thực hiện, có đến hai phần ba tín hữu Kitô, phần lớn là Tin Lành, tin lời của vị mục sư này. Trong số này, không thiếu người cho rằng thuốc chủng ngừa Covid-19 có thể là một cuộc tấn công nhắm vào Kitô Giáo.
Bất chấp lệnh đóng cửa tại nhiều tiểu bang, một số vị mục sư đã mở cửa nhà thờ để tổ chức việc thờ phượng. Người ta dựa vào Thánh Vịnh 91 trong Kinh Thánh để bày tỏ niềm tin tưởng vào Thiên Chúa: “Bạn không sợ cảnh hãi hùng đêm vắng hay mũi tên bay giữa ban ngày, cả dịch khí hoành hành trong đêm tối, cả ôn thần sát hại lúc ban trưa. Dù tả hữu có ngàn người quỵ ngã, dù hai bên có chết vạn người, riêng phần bạn, tuyệt nhiên không hề hấn”. Với niềm tin tưởng ấy, tại Tiểu bang Virginia, một vị giám mục Tin Lành đã tuyên bố: “Thiên Chúa vĩ đại hơn con siêu vi”. Và ông sẵn sàng đi tù hay vào nhà thương chớ không chấp nhận bị cấm cố trong thời đại dịch. Ngày 15 tháng Ba, ông đã công khai tổ chức một buổi thờ phượng với sự tham dự của khoảng 200 giáo dân. Một tháng sau đó, ông qua đời vì Covid-19. Tại Mỹ, đã có hàng tá nhà lãnh đạo tôn giáo chết vì không chấp nhận lệnh cấm cố trong thời đại dịch (3). Mới đây, ở Đức, tin tức cho biết cũng có nhiều người bị lây nhiễm vì tham dự các buổi thờ phượng bất chấp lệnh cấm cố.
Theo dõi cung cách thể hiện niềm tin tôn giáo trên đây, tôi không thể không nghĩ đến câu nói của nhà bác học lừng danh của Thế kỷ 20 là Albert Einstein: “Tôn giáo không có khoa học là tôn giáo mù quáng”.
Là người có niềm tin tôn giáo, tôi thường lấy câu chuyện sau đây ra nghiền ngẫm: “Một tín đồ nọ tin tưởng rằng Thiên Chúa luôn che chở và cứu thoát mình khỏi mọi nguy biến. Một trận lũ lụt xảy đến. Trong khi mọi người di tản thì ông lại leo lên mái nhà để chờ đợi Thiên Chúa đến cứu thoát. Nhiều đoàn cứu thương đã đi rảo qua khắp làng để tìm kiếm những người cuối cùng. Ngay cả một chiếc trực thăng cũng bay lượn mấy vòng. Nhưng mặc cho lời kêu gọi di tản, người tín đồ cứ ngồi chờ trên nóc nhà. Nước lũ ngày càng dâng cao và cuối cùng nhận chìm ông trong dòng nước. Ra trình diện trước mặt Thiên Chúa, người tín đồ trách móc tại sao Thiên Chúa đã không đích thân đến cứu thoát một người đặt niềm tin tuyệt đối vào Ngài như ông. Thiên Chúa mới trả lời: Ta đã cho mấy đoàn cứu thương đến tìm người. Ta cũng đã cho cả một chiếc trực thăng đến nài nỉ ngươi. Vậy mà ngươi có chịu lắng nghe lời Ta đâu!”





1.                                                  https://www.psychologytoday.com/us/blog/talking-apes/202005/when-god-is-watching-you-in-the-bedroom
2.                                                    https://en.wikipedia.org/wiki/Oberammergau_Passion_Play











Thứ Hai, 18 tháng 5, 2020

Tự do của tôi thời Cô Vi





Trong cố gắng tự túc và chạy theo cao trào “hữu cơ”, ngoài cây trái nhiệt đới và rau xanh đủ để có “mùa nào thức ấy”, tôi còn nuôi 5 chị gà mái. Nói theo ngôn ngữ nhà đạo của tôi, mấy chị gà mái này tuy đẻ trứng liên tục, nhưng vẫn thuộc loại “trọn đời đồng trinh sạch sẽ”.  Không biết từ thuở nào, cái thiên chức làm mẹ của mấy chị đã bị tước đoạt. Hội đồng thị xã của tôi lại cấm nuôi gà trống. Nhưng thỉnh thoảng tôi cũng xé rào thả một chú gà trống vào vui chơi với mấy chị một thời gian ngắn. Chị nào cũng hí ha hí hửng. Có chị hễ thấy chú gà trống xáp lại là nằm rạp xuống trong tư thế hiến dâng trọn vẹn. Trông thật  tội nghiệp! Nhưng dù sao, mấy chị gà mái của tôi vẫn có đủ một không gian thông thoáng vừa đủ để đi bộ và bới móc. So với cậu chó nhà tôi, các chị gà mái dường như vẫn tỏ ra bằng lòng với số phận làm gà “đi bộ” của mình hơn!
Cậu chó nhà tôi, vốn là thú cưng cho nên được cưng tới bến. Đồ ăn thức uống lúc nào cũng đầy đủ. Mỗi tuần nhà tôi tắm cho cậu một lần. Thỉnh thoảng cậu còn được đưa đến “viện thẩm mỹ” để được làm đẹp. Phía sau nhà tôi là cả một khu rừng vắng. Mỗi ngày cậu được tự do leo đồi xuống núi để săn đuổi  mấy con gà lôi rừng (bush turkey) mắc dịch chuyên phá hoại vườn tược của tôi. Mỗi buổi chiều cậu còn được nhà tôi dẫn đi dạo một vòng. Đây là lúc tôi thấy thương cậu chó nhà tôi nhứt: dù có được săn sóc và cưng chiều cỡ nào, cậu vẫn cảm thấy cô đơn. Mỗi ngày cậu ngồi buồn bã trong căn nhà nhỏ của cậu và trông ngóng từng  giây từng phút để được có người đến hỏi chuyện hay dắt đi chơi. Mà đi chơi thì có được tự do đâu: cậu phải bị tròng vào cổ một sợi giây và đi theo chủ! Tôi tin chắc là cậu rất buồn khi phải làm kiếp thú cưng, thui thủi một mình suốt ngày. Ngoài ra, đáng thương hơn cả là cậu chó nhà tôi không được sống trọn vẹn cái kiếp chó của mình. Không rõ từ lúc lên mấy tháng tuổi, cậu đã bị người chủ cũ bắt phải làm “hoạn quan” suốt đời. Nếu so với giống chó cỏ được nuôi ở quê tôi, thì quả thật, cậu chó cưng nhà tôi khốn khổ hơn nhiều. Chó ở nhà quê tôi được thả chạy rong, đi dạo chơi  suốt ngày từ nhà này sang nhà khác để “giao lưu” với bạn bè hàng xóm. Mỗi tháng Bảy về thì khỏi nói: các cô cậu chó trong xóm tôi họp quần lại để liên hoan thâu đêm suốt sáng và nhờ vậy dòng dõi nhà chó mới được truyền tử lưu tôn. Dù không được nuôi dưỡng đầy đủ, các cô cậu chó ở quê tôi xem ra có một cuộc sống xứng với “phẩm giá” của chó hơn!
Tôi không ghi danh vào bất cứ hội tranh đấu cho thú quyền nào cả. Nhưng cứ nhìn theo quan điểm của những nhà tranh đấu cho thú quyền thì quả thật việc tôi cướp đoạt thiên chức làm mẹ của mấy chị gà mái và nhứt là cưỡng bách cậu chó nhà tôi phải suốt đời sống cô đơn và độc thân thì đây hẳn phải là một hành động vi phạm thú quyền. Với tôi, nếu đi cho đến tận cùng của lý luận thì vừa tranh đấu cho thú quyền vừa nuôi thú cưng là một hành động đầy mâu thuẫn!
Thú vật mà còn được tranh đấu cho để được tôn trọng trong thú quyền thì huống chi là con người. Trong các quyền con người thì dĩ nhiên quyền sống là căn bản và quan trọng nhứt. Ngày nay tại một số nước Tây Phương, nhứt là tại Hoa Kỳ, tranh đấu cho quyền sống và chống phá thai đã trở thành một lá bài ăn khách trong sinh hoạt chính trị. Chính trị gia nào hô hào tranh đấu cho quyền sống và chống phá thai có nhiều may mắn để kiếm phiếu từ những cử tri có tôn giáo và bảo thủ hơn các chính trị gia khác.
Theo dõi các cuộc xuống đường đòi hỏi chính quyền của một số tiểu bang ở Mỹ  phải hủy bỏ lệnh đóng cửa trong thời đại dịch, tôi thấy rùng mình khi nhìn thấy hình ảnh của súng ống và một số khẩu hiệu vốn dễ làm cho một người tỵ nạn công sản như tôi bị dị ứng. Có nơi người ta giơ cao hiệu lệnh “Hãy giải phóng” (Liberate) của Tổng thống Donald Trump. Đã nếm mùi “giải phóng” của mấy ông cộng sản Việt Nam, hễ nghe nói đến “giải phóng” là tôi run. Có nơi, đoàn người biểu tình còn giương cao khẩu hiệu bằng tiếng Đức “Arbeit macht frei” nghĩa là “Lao động giải phóng” được Đức Quôc Xã cho treo lên ở cổng của các trại tập trung. Thế giới vừa kỷ niệm 75 năm Đệ nhị Thế chiến kết thúc. Thảm kịch của 6 triệu người Do Thái và vô số nạn nhân khác bị Đức Quốc Xã tàn sát không thể không hiện về trong ký ức tập thể của nhân loại. Với riêng tôi, khẩu hiệu “Lao động giải phóng” còn gợi lại câu thần chú “Lao động là vinh quang” mà mấy ông bà cộng sản Việt Nam đã tụng niệm để đẩy bao nhiêu người lên vùng kinh tế mới cho chết dần chết mòn với đói khát và đủ mọi thứ bệnh tật.
Khẩu hiệu “Lao động giải phóng” được giương cao trong các cuộc biểu tình đòi hỏi phải mở cửa kinh tế bằng mọi giá ở Mỹ không thể không gợi lại cho tôi chủ trương độc ác vô nhân đạo và giả nhân giả nghĩa của Đức Quốc Xã là: tiêu diệt những thành phần yếu kém và dễ bị tổn thương nhứt trong xã hội!  Với những người biểu tình đòi mở cửa kinh tế bằng mọi giá ở Mỹ, khẩu hiệu ấy có nghĩa là: phải hy sinh một số thành phần yếu kém trong xã hội để cho người khỏe mạnh được sống! Vô tình hay hữu ý, người ta lập lại câu nói nổi tiếng trong quyển tiểu thuyết giả tưởng “Trại súc vật” (Animal Farm) của nhà văn Anh George Orwell: “Tất cả mọi thú vật đều bình đẳng, nhưng có một số thú vật bình đẳng hơn”.
Trong các chính trị gia Mỹ đứng đàng sau những cuộc biểu tình đòi hỏi phải mở cửa kinh tế bằng mọi giá, ngoài Tổng thống Trump, tôi đặc biệt chú ý đến dân biểu Trey Hollingsworth, đại diện cho một đơn vị ở  Tiểu bang Indiana. Ông dân biểu này nổi tiếng là người tranh đấu cho quyền sống và chống phá thai. Năm 2017, ông đã tuyên bố rằng thai nhi là “quà tặng của Thượng Đế” và cam kết bẳng mọi giá “sẽ tiếp tục tranh đấu cho sự thánh thiêng của sự sống con người”. Nhưng trong các cuộc biểu tình đòi hỏi phải mở cửa kinh tế bằng mọi giá thì ông lại chủ trương vì kinh tế của đất nước và vì lợi ích của phần lớn người Mỹ, cần phải hy sinh những thành phần yếu kém và dễ bị tổn thương nhứt trong xã hội. Chủ trương như thế thì đâu có khác gì vừa tranh đấu cho thú quyền vừa nuôi thú cưng! (1)
Sự sống của con người là thánh thiêng. Tôi luôn tin như thế. Thánh thiêng từ lúc xuất hiện trong lòng mẹ cho đến lúc chết tự nhiên. Sự sống của thai nhi trong lòng mẹ thánh thiêng bao nhiêu thì sự sống của những thành phần yếu kém và dễ bị tổn thương nhứt  trong xã hội cũng thánh thiêng bấy nhiêu.
Trong thời đại dịch này, tôi đặc biệt nghĩ đến sự sống của những người nghèo khổ và cách riêng những người già cả trong các viện dưỡng lão. Trên toàn nước Úc, tính đến nay con số người bị nhiễm Covid-19 chỉ trên dưới 7000 người. Trong số này có đến 90 phần trăm đã bình phục và số người thiệt mạng cũng chỉ suýt soát 100 người. Chính phủ Úc có đủ lý do để hãnh diện vì đã thành công trong việc đối phó với cơn đại dịch. Nhưng cho tới nay tôi chưa thấy có nhà lãnh đạo nào trong chính phủ Úc khoe khoang về thành tích này. Riêng Thủ tướng Scott Morrison cũng chẳng phải họp báo mỗi ngày để khoe mẻ. Duy có một lần ông làm cho cả nước xúc động khi nói rằng ông không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh người dân Úc không được đến gần người thân trong những giây phút cuối đời và tiễn đưa họ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi chưa từng nghe thấy một giọt nước mắt nào như thế nơi Tổng thống Trump. Báo The Washington Post đã phân tích hơn 13 giờ họp báo của ông về đại dịch Covid-19 tại Mỹ.  Ông chỉ bỏ ra một phần trăm của thời lượng ấy để chia buồn với các nạn nhân của đại dịch. Toàn bộ các cuộc họp báo, ông dành để khoe thành tích và vận động bầu cử (2).
Thủ tướng Morrison không phải là một nhà lãnh đạo được đa số dân Úc ủng hộ. Nhưng ít ra nơi ông tôi vẫn còn nhìn thấy được một trong những đức tính quan trọng nhứt của một nhà lãnh đạo. Đức tính đó là sự đồng cảm. Trong thời đại dịch, mỗi cái chết là một thảm kịch chớ không phải là một con số để đo lường sự thành công của một chính phủ. Trong thời đại dịch, cái chết nào cũng là một thảm kịch và thảm kịch lại càng đau đớn hơn khi đó là cái chết của một người nghèo khổ vô phương tự vệ, nhứt là những người già trong các viện dưỡng lão, những người đã đóng góp cả một đời cho xã hội. Họ xứng đáng hưởng một cuối đời an bình và thanh thản.
Với tôi, sự đồng cảm phải là căn cước của một nhà lãnh đạo. Nhưng không riêng các nhà lãnh đạo quốc gia hay trong bất cứ lãnh vực nào, sự đồng cảm cũng phải là nền móng để xây dựng nhân cách của mỗi người, bất luận họ chiếm giữ địa vị nào trong xã hội. Thiếu sự đồng cảm con người khó có thể sống cho ra người tử tế.
Đồng cảm, nhứt là trong thời đại dịch này, có nghĩa là biết ra khỏi vỏ ốc ích kỷ của mình để cảm thông với những người đang đau khổ. Đồng cảm là biết tự khước từ, bởi lẽ, như tác giả Nguyễn Thế Tuyền đã ghi nhận một cách chỉ lý trong một bài viết trên báo mạng ethongluan.org: “Người biết tự khước từ là người tử tế, khôn ngoan” (3).
Đồng cảm cũng có nghĩa là biết hy sinh những thứ mà mình cho là quyền và tự do của mình, bởi lẽ chẳng có quyền và tự do nào là tuyệt đối. Ai đó đã nói một cách chí lý: quyền tự do của bạn chấm dứt khi nó chạm đến mũi của tôi.
Chu Văn
18/5/2020



Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2020

Minh triết cho thời Cô Vi







2/5/2020
Năm 1975, tôi trải qua một cơn bệnh thập tử nhứt sinh. Sau ngày Miền Nam rơi vào tay cộng sản, mấy ông bà du kích và bộ đội từ trong bưng và trên núi ùa về các thành phố, mang theo đủ thứ bệnh như lác đồng tiền, ghẻ hòm, hắc lào...và nhứt là sốt rét. Tháng Mười năm đó, lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nghiệm được thế nào là sốt và rét: mỗi ngày, đều đặn và đúng giờ, cứ sáng một cữ sốt, tối một cữ rét. Đã rét thì có trùm một chục cái mền cũng vẫn thấy lạnh và run cầm cập. Còn nóng thì cả khối nước đá đắp lên người cũng chẳng ăn thua gì. Đây đích thị là bệnh sốt rét do  mấy ông bà việt cộng lây cho tôi chớ chẳng còn ai khác nữa! Một ông y tá chuyên đi chích thuốc dạo, vốn là người thân của tôi, đã chuẩn đoán như thế. Đến một vài phòng mạch còn sót lại trong thành phố, tôi cũng được cho biết như vậy. May quá, ông y tá người thân của tôi còn trữ được một số thuốc chống sốt rét. Mỗi ngày ông đến chích cho tôi một mũi Quinimax. Ngoài ra, tôi còn được cho uống cả Fansida. Đây là loại thuốc được xem là hữu hiệu nhứt trong việc trị  bệnh sốt rét. Nhưng trong 2 tuần lễ, bệnh tình của tôi vẫn không thuyên giảm, các triệu chứng nóng lạnh vẫn còn nguyên. Ngoài ra, tôi còn phải hứng chịu thêm một số biến chứng như bí tiểu, nấc cục và đứng tim. Ai cũng nghĩ “ngày giờ của tôi” đã đến. Nhưng còn chút nước còn tát, tôi được đưa vào bệnh viện để cấp cứu. Tại đây, một viên bác sĩ trẻ mà tôi mang ơn suốt đời, đã chuẩn đoán ngay rằng tôi bị thương hàn, chớ không phải sốt rét. Ông kê toa cho người nhà của tôi đi mua thuốc typhomycine về chữa trị. Như một phép lạ: chỉ trong một ngày triệu chứng sốt và rét biến mất. Sau 3 ngày nằm trong một bệnh viện trong đó cứ 3 người nằm chung một giường và nhà vệ sinh còn dơ hơn cả một chuồng súc vật, hoảng quá tôi xin được về nhà đề tiếp tục điều trị bệnh thương hàn.
Mỗi lần nghĩ lại cơn bệnh thập tử nhứt sinh ấy, tôi nghiệm ra một điều: vì thiếu hiểu biết mà kê toa không đúng thuốc, người ta có thể nếu không giết người thì cũng gây nguy hại cho sức khỏe với những hệ lụy có khi kéo dài suốt đời. Đây là điều đã xảy ra sau năm 75. Chợ trời mọc lên như nấm. Ở đâu cũng có các “quầy” thuốc Tây  và không cần phải là bác sĩ hay dược sĩ, ai cũng có thể kê toa cho thuốc. Cho đến nay, cái lối chữa bệnh không cần chuyên viên y tế ấy vẫn còn thịnh hành ở Việt Nam. Cứ có một chút nhức đầu hay sổ mũi, người ta liền đi mua Amoxycillin về uống. Người ta đâu có biết rằng đây là một thứ thuốc trụ sinh. Nó giết vi trùng độc hại mà cũng tiêu diệt luôn cả những vi trùng tốt trong người, gây xáo trộn cho bộ máy tiêu hóa và cũng làm cho hệ thống miễn nhiễm của con người ra yếu nhược.
Nhìn về cách chữa bệnh mà không cần chuyên viên y tế ở Việt Nam, tôi không thể không nghĩ đến Tổng thống Mỹ Donald Trump. Dù có là thiên tài, thông minh và thông biết mọi sự đi nữa, Tổng thống Trump chưa bao giờ là một chuyên viên y tế. Vậy mà ổng vẫn ngang nhiên “kê toa” cho người ta chữa trị Covid-19 bằng thuốc Chloroquine, tức thuốc trị bệnh sốt rét. Tôi thấy lạnh cả người khi nghĩ lại hai tuần lễ trị bệnh thương hàn bằng thuốc sốt rét! Rồi mới đây, ông còn khuyên nên thử dùng thuốc sát trùng ngoài da bơm thẳng vào phổi để tiêu diệt Covid-19.
Nghe hãi hùng quá! Không biết sao cứ mỗi lần nghe tổng thống Trump làm “thày lang” kê toa cho thuốc, tôi lại nghĩ đến cảnh lên đồng trong làng tôi lúc tôi còn nhỏ. Cứ giữa trưa đứng bóng, nghe ở đâu có lên đồng là lũ trẻ chúng tôi kéo nhau đi xem. Gọi là đi xem, nhưng phải đứng thật xa, vừa theo dõi vừa run. Tuy đứng ở xa nhìn vào bên trong nhà có lên đồng, tôi vẫn thấy được một pháp sư trùm đầu bằng một chiếc khăn đỏ. Sau một hồi đọc thần chú hay tru tréo bằng một thứ ngôn ngữ không phải là tiếng Việt, thày đồng bắt đầu đổi giọng. Ai đó từ “cõi âm” nhập vào ông và truyền cho người nhà phải đi kiếm một thứ rễ cây hay pha một thứ nước gì đó để cho người bệnh uống. Dĩ nhiên, tiền mất tật mang. Chẳng có thần dược nào cả. Chỉ có người ngu dốt bị những kẻ lưu manh lường gạt mà thôi!
Tổng thống Trump có lẽ chưa bao giờ chứng kiến một cảnh lên đồng như tôi lúc nhỏ đâu. Nhưng rõ ràng ông thường hay “bốc đồng”. Hễ cứ “linh cảm” điều gì ông liền phán ngay điều đó. Mà hầu hết những điều ông “linh cảm” đều sai sự thật và phản khoa học. Vậy mà rất nhiều “tín đồ” của ông vẫn tin và làm theo. Về hậu quả phụ của việc dùng thuốc Chloroquine để trị Covid-19, các chuyên gia y tế vẫn còn bàn cãi. Nhưng việc bơm thuốc sát trùng vào phổi thì có lẽ bất cứ học sinh tiểu học nào ở đâu cũng đều thấy được sự độc hại giết người của nó. Vậy mà khi “thày lang” Trump đề nghị  cho thử bơm thuốc sát trùng vào phổi, vẫn có khối người đã làm theo. Thống đốc Tiểu bang Maryland, ông Larry Hogan, cho biết các đường giây nóng trong tiểu bang tràn ngập những cú điện thoại gọi đến để hỏi về việc sử dụng thuốc sát trùng để chữa trị Covid-19. Thống đốc Tiểu bang Michigan, bà Gretchen Whitmer cũng ghi nhận một hiện tượng tương tự. Riêng  phòng y tế của thành phố New York cho biết: chỉ trong 18 tiếng đồng hồ sau khi Tổng thống Trump nói đến việc thử bom thuốc sát trùng vào phổi để tiêu diệt siêu vi Corona, đã có ít nhứt 30 người gọi đến để hỏi về công hiệu của thuốc sát trùng Lysol và các thứ thuốc tẩy khác (1).
Dĩ nhiên, Tổng thống Trump bảo: “Tôi không thể tưởng tượng lại có chuyện như thế”. Nhưng với tôi, chẳng có gì khó hiểu cả. Bất cứ  lời nào thốt ra từ miệng  ông cũng đều được những người sùng bái ông tin như kinh “kinh Tin kính” của Kitô Giáo. Ông bảo rằng ông không có bất cứ trách nhiệm nào trong việc để cho đại dịch Covid-19 lan tràn khắp nước Mỹ, các “ tín đồ” của ông tin đó là sự thật. Ông quy trách nhiệm và chửi Trung Cộng, Tổ chức Y tế Thế giới, Truyền thông, Đảng Dân Chủ, người ta cũng hùa chửi theo...Dù ông có nói dối như cuội, có bóp méo sự thật cỡ nào, có dựng lên bao nhiêu thuyết âm mưu, có nói trước chối sau đến đâu, có tuyên bố những điều ngớ ngẩn và phản khoa học nhứt...lúc nào cũng có người tung hê và phục lụy!

Thời đại dịch, được “ngồi yên” một chỗ nhiều hơn, tôi cố gắng động não để suy nghĩ bằng cái đầu và để cho lòng lắng dịu xuống hầu lắng nghe những lời minh triết và lẽ khôn ngoan của các bậc cao kiến. Đức Đạt Đai Lạt Ma khuyên tôi:  trong thời đại dịch này hãy cố gắng thực thi sự cảm thông đối với mọi người. Không riêng những nhà lãnh đạo tinh thần, mà một số nhà lãnh đạo trên thế giới cũng dạy cho tôi những bài học xử thế đáng mang ra thực hành trong thời đại dịch này.
Tôi vẫn thắc mắc không hiểu tại sao những nước có tỷ lệ số người bị nhiễm và chết vì Covid-19 thấp nhứt thế giới đều là những nước được lãnh đạo bởi nhũng người phụ nữ như Thủ tướng Jacinda Ardern của Tân Tây Lan, Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, Thủ tướng Băng Đảo Katrin Jakobsdottir’s, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin và nhứt là Thủ tướng Đức Angela Merkel...Những người phụ nữ lãnh đạo quốc gia này đã thành công trong cuộc chiến chống lại Covid-19 vì họ luôn được dân chúng lắng nghe.
Theo tôi có lẽ mẫu số chung của sự thành công nơi những người phụ nữ lãnh đạo quốc gia này được làm nổi bật qua hình ảnh của bà Angela Merkel. Ngay từ lúc đại dịch bùng phát, bà dám nói lên sự thật khi cảnh cáo rằng sẽ có đến 70 phần trăm người dân Đức có nguy cơ nhiễm Covid-19. Khi ban hành những biện pháp nghiêm nhặt trong đó có việc hạn chế tự do đi lại, bà nhắc đến kinh nghiệm của những năm sống dưới chế độ cộng sản ở Đông Đức. Bà giải thích rằng bà rất trân quý tự do đi lại, nhưng vì sức khỏe và sự sống của mỗi người, mọi người đều có thể tạm thời hy sinh tự do ấy. Với bà, mỗi một cái chết trong thời đại dịch không phải là một con số vô hồn, mà là của “một người cha hay ông nội ngoại, một người mẹ hay bà nội ngoại, một người bạn tình...”
Là tiến sĩ hóa học lượng tử, nhưng Thủ tướng Merlel đã không dành sân lấn đất hay cướp micro của các chuyên viên y tế. Bà lãnh đạo đất nước trong thời khủng hoảng không chỉ bằng cái đầu thông thái của một nhà khoa học, mà còn bằng trái tim của một hiền mẫu. Người dân Đức đã có lý để gọi bà bằng tiếng gọi thân thương nhứt trong ngôn ngữ loài người là “mutti”, nghĩa  là“Mẹ”. Người Mẹ nào mà chẳng xem sự sống của mỗi đứa con là quan trọng.
Xét cho cùng, xem mỗi một người có mặt trên “sân khấu cuộc đời” của trái đất này là quan trọng, tôi cho đó là minh triết thâm sâu nhứt trong thời đại dịch này. Tôi nghe được minh triết ấy từ miệng của một danh hài Mỹ là ông Stephen Colbert. Trong một lần trở về thăm trường cũ nhân ngày lễ mãn khóa hồi năm 2011, ông nói: “Một trong những điều mà tôi đã được dạy từ lúc còn nhỏ là: bạn không phải là người quan trọng nhứt trên sân khấu. Bất cứ người nào khác mới là người quan trọng. Và nếu họ là những người quan trọng nhứt trên sân khấu, thì dĩ nhiên bạn phải chú ý đến họ và phục vụ họ. Nhưng điều đáng mừng là bạn cũng có mặt trên sân khấu. Vậy thì đối với họ, bạn cũng là người quan trọng nhứt và họ sẽ phục vụ bạn” (2)