Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

Raqqa: cuộc chiến chưa tàn!


27/10/17
Hôm thứ Sáu 20 tháng Mười 2017 vừa qua, các dân quân do Hoa Kỳ yểm trợ đã tái chiếm được Thành phố Raqqa, Bắc Syria khỏi tay “Quốc gia Hồi giáo”. Các lực lượng dân chủ Syria đã tổ chức ăn mừng chiến thắng tại Công trường Naim, nơi trước đây “Quốc gia Hồi giáo” đã từng chặt đầu vô tội vạ bất cứ người dân vô tội nào. Cũng chính tại Raqqa, nơi “Quốc gia Hồi giáo” chọn làm thủ đô từ tháng Sáu năm 2014, tổ chức khủng bố này đã điều động các cuộc tấn công dã man tại Pháp, Bỉ, Anh và nhiều nơi khác trên thế giới.
Raqqa đã chính thức được giải phóng. Nhưng cuộc chiến xem ra vẫn chưa tàn. Trung tướng Paul E. Funk II, người chỉ huy liên quân chống “Quốc gia Hồi giáo” cho biết: các tàn quân của “Quốc gia Hồi giáo” vẫn còn tiếp tục hoạt động tại Iraq và Syria. Bên cạnh cuộc hành quân truy quét các tàn quân, công tác trước mắt là phải tạo điều kiện để các hoạt động nhân đạo được tiến hành một cách dễ dàng. Tướng Funk II tuyên bố: “Một cuộc chiến cam go đang chờ đợi ở phía trước”.
Mặc dù tiếng súng đã im trên chiến trường Raqqa, cả thành phố này hiện đang là một bãi mìn và đủ các loại chất nổ cũng như vô số những bất trắc không lường trước được. Công tác đầu tiên của quân đội Mỹ và các lực lượng được Hoa Kỳ yểm trợ là phải bảo đảm an toàn cho người dân khi họ trở về Raqqa.
Cơ quan Trợ giúp Phát triển Hoa kỳ USAID đã gởi đến Raqqa một toán chuyên gia dân sự. Hiện toán chuyên gia này đang kết hợp với các Tổ chức phi chính phủ để giúp tháo gỡ mìn bẫy. Nhiều loại mìn bẫy đủ loại đã được các chiến binh của “Quốc gia Hồi giáo” cài đặt trong nhà cửa của người dân cũng như các công thự để giết bất cứ người dân nào muốn trở về Raqqa. Tại một nhà máy lọc nước ở phía Bắc Raqqa, các toán chuyên gia đã tìm thấy khoảng 240 mìn bẫy bị bỏ sót lại.
Sau công tác gỡ mìn, các đống gạch vụn trên các đường phố cũng cần được san bằng để các chiếc xe tải chở đồ cứu trợ có thể đi qua. Nguồn nước và hơi điện cũng phải được tái lập.
Theo bà Heather Nauert, phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, công tác dọn dẹp Thành phố Raqqa sẽ kéo dài nhiều tháng trước khi người dân có thể trở về sống một cuộc sống bình thường.
Trong khi đó, Hoa Kỳ hiện cũng đang cho chuyên chở đồ cứu trợ đến các trung tâm tạm cư dành cho những người đã chạy trốn khỏi “Quốc gia Hồi giáo”, Chính phủ Syria và cuộc nội  chiến đẫm máu đã kéo dài 6 năm rưỡi qua. Cùng với Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc cũng đã tiếp tế thực phẩm cho hơn 260.000 người tại Raqqa.
Nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay tại Raqqa không chỉ là tháo gỡ mìn bẫy và cứu trợ. Một trong những câu hỏi khó khăn nhất được đặt ra cho Hoa Kỳ và đồng minh là: sau khi “Quốc gia Hồi giáo” bị đánh bại, ai sẽ là đứng ra quản trị thành phố này? Cần phải có một “chính quyền” để bảo đảm những thắng lợi quân sự, đồng thời tránh không để xảy ra những điều kiện đã từng làm phát sinh “Quốc gia Hồi giáo”. Nhưng quan trọng hơn cả, đó phải là một “chính quyền” biết lo cho dân và đáp ứng những nhu cầu của họ.
Vấn đề hiện nay là phần lớn cư dân của Raqqa đều là người Á rập, trong khi các lực lượng dân chủ được Hoa Kỳ yểm trợ để giải phóng vùng này lại là người Kurd. Cho dù là lực lượng mạnh nhất trong vùng trong cuộc chiến chống lại “Quốc gia Hồi giáo”, người Kurd có thể sẽ bị người dân địa phương xem như một lực lượng chiếm đóng.
Tại Iraq và Afghanistan, Hoa Kỳ đã tuyên bố rõ ràng rằng vai trò của mình là giúp xây dựng quốc gia hay tái thiết đất nước. Nhưng trong trường hợp Raqqa, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định rằng  xây dựng quốc gia hay tái thiết đất nước không phải là chuyện của Hoa Kỳ.
Thay vào đó, Hoa Kỳ chỉ ủng hộ việc thành lập một “chính quyền” gồm các viên chức địa phương và “chính quyền” địa phương này có tên là  Hội đồng Dân sự Raqqa. Được thành lập hồi tháng Năm vừa qua, Hội đồng này gồm có 100 người Syria thuộc nhiều sắc tộc khác nhau vốn là dân bản địa của vùng này. Chính Hội đồng này sẽ quản trị Raqqa cho đến tháng Năm năm 2018. Lúc đó sẽ có một cuộc bầu cử để có một Hội đồng mới.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích rằng, dù cho ai là người quản trị vùng Raqqa đi nữa, người đó cũng phải là đại diện của dân, biết tôn trọng những quyền căn bản của con người và bảo vệ người dân trong vùng.
Nhưng việc thiết lập một Hội đồng Dân sự Raqqa như đòi hỏi của Hoa Kỳ xem ra không phải là một giải pháp khả thi. Chế độ độc tài và tàn bạo của Bashar al-Assad vẫn còn đó. Assad và các đồng minh của ông hiện cũng đang tìm cách thiết lập một chính quyền tại Raqqa theo ý của họ. Hồi tháng Chín vừa qua, nhóm Hezbollah, một phong trào Hồi giáo Shiite cực đoan tại Liban, được Iran yểm trợ và từng chiến đấu bên cạnh quân đội Syria, đã tuyên bố rằng chính họ mới là những người giải phóng Raqqa. Quân đội Nga được Tổng thống Vladimir gởi đến chiến đấu bên cạnh quân đội Syria cũng cho rằng các lực lượng trung thành với Assad hiện đang kiểm soát đến 85 phần trăm lãnh thổ Syria, nghĩa là cũng đã chiến thắng tại Raqqa.
Trong khi các đồng minh của ông Assad đang làm mọi nỗ lực để nhà độc tài này tiếp tục cầm quyền tại Syria thì chính phủ Hoa Kỳ vẫn duy trì lập trường theo đó Assad phải bị loại trừ hay phải ra đi. David Satterfield, người đứng đầu phái bộ ngoại giao của Hoa Kỳ tại Trung Đông khẳng định rằng Assad không còn chính nghĩa và quyền được cai trị Syria nữa. Tuy nhiên nhà ngoại giao này cho rằng quyết định về số phận của ông Assad thuộc về dân chúng Syria.
Chính phủ Hoa Kỳ cũng đưa ra một loạt đòi hỏi mới theo đó mục đích của những nỗ lực tái thiết Syria là phải loại trừ Assad. Hoa Kỳ cho biết sẽ rút lại mọi tài trợ khỏi các quỹ quốc tế và Liên minh Toàn cầu nếu Assad trở lại cầm quyền. Xem ra lời đe dọa này không đủ mạnh đối với nhà độc tài, bởi vì hiện ông vẫn còn được các đồng minh như Nga và Iran triệt để ủng hộ. Và bao lâu các đồng minh này vẫn còn đứng sau lưng ông, thì dĩ nhiên còn lâu ông mới có thể bị bứng đi khỏi Syria và việc thành lập một Hội đồng Dân sự để cai quản Raqqa trong tình thế hiện nay không phải là điều dễ dàng.
Chỉ có một thực tế rõ ràng thấy được trước mắt là Raqqa, “thủ đô” của “Quốc gia Hồi giáo” đã được giải phóng. Nhưng giải phóng được Raqqa cũng chưa thực sự có nghĩa là “Quốc gia Hồi giáo” đã hoàn toàn bị đánh bại và Syria sẽ được bình thường hóa.
Theo Tướng Stephen Towsend, cựu chỉ huy trưởng của liên quân chống “Quốc gia Hồi giáo” tại Syria, giới lãnh đạo của tổ chức này cũng như hệ thống truyền thông và các cơ quan hành chính của họ đã từ Bắc Syria di chuyển xuống phía Nam và hiện đang trú ẩn tại miền Đông Syria.
Trong năm vừa qua, hầu hết các cứ địa của “Quốc gia Hồi giáo” tại Syria đều bị liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo truy lùng. Hiện nay các cuộc không kích của Hoa Kỳ và đồng minh đang nhắm vào một số thành phố nằm sát biên giới Iraq như Al Mayadin và Abu Kamal.
Về phần mình, hiện quân đội trung thành với nhà độc tài Assad và quân đội đồng minh như Iran và Nga đang tấn công vào các sào huyệt cuối cùng của “Quốc gia Hồi giáo” tại Thành phố Deir ez Zor, phía Tây Syria, sát hai thành phố hiện đang là mục tiêu tấn công của các lực lượng dân chủ Syria và liên quân. Dẫm chân và đụng độ nhau giữa các lực lượng dân chủ Syria và liên quân và các lực lượng trung thành với Assad và đồng minh là điều khó tránh khỏi.
Dạo tháng Chín vừa qua, các lực lượng dân chủ Syria loan báo họ đã mở cuộc hành quân đến gần Deir ez Zor, tức địa điểm hành quân của các lực lượng trung thành với Assad.
Chỉ một tuần lễ sau khi các lực lượng dân chủ mở cuộc hành quân, Nga đã cho không kích và nhiều chiến binh của các lực lượng dân chủ Syria đã bị thương. Vào thời điểm đó, vì quân đội Mỹ và liên quân không tham gia cuộc hành quân cho nên không có ai bị thương trong cuộc oanh tạc của không lực Nga. Nhưng Ngũ Giác Đài đã liên lạc với chính phủ Nga đều yêu cầu giải thích về cuộc không kích. Một vài ngày sau đó, giới lãnh đạo quân sự của Mỹ và Nga đã gặp nhau. Đây là lần đầu tiên đã có một cuộc trực tiếp đối diện như thế để hai bên điều chỉnh và xác định ranh giới của các cuộc hành quân.
Nhưng vòng vây đối với “Quốc gia Hồi giáo” tại Syria ngày càng được siết chặt thì sự đụng độ giữa các lực lượng dân chủ Syria, liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo và các lực lượng trung thành với Assad, quân đội đồng minh Nga và Iran là điều xem ra không thể tránh khỏi. Raqqa đã được giải phóng. “Quốc gia Hồi giáo” có thể chỉ còn là một thứ tàn quân. Nhưng viễn ảnh của một cuộc chiến khác gây go và rộng lớn  hơn giữa các lực lượng dân chủ Syria và các lực lượng trung thành với Assad, giữa Hoa Kỳ và Nga cộng với Iran...vẫn còn trước mắt.
Mặt khác, dù cho “Quốc gia Hồi giáo” đã bị đánh bại tại Iraq và Syria và chỉ còn lại một vài nhóm lẻ tẻ, cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố này vẫn còn là một thách đố cho toàn thế giới.
“Quốc gia Hồi giáo” không chỉ tập trung tại Iraq và Syria, mà còn có nhiều chi nhánh tại Phi Châu, Yemen, Phi Luật Tân, Afghanistan, Libya, Bangladesh và ngay cả tại một số nước Tây Phương. Những chi nhánh này hiện diện và hoạt động như những bóng ma. Họ có thể tấn công bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào.
Ngày 4 tháng Mười vừa qua, tại Thành phố Niger, một cuộc tấn công vào một đơn vị tuần tiễu của Hoa Kỳ và các lực lượng Nigeria đã làm cho 4 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và làm bị thương 2 binh sĩ khác. Cuộc tấn công một lần nữa chứng tỏ rằng “Quốc gia Hồi giáo” hiện đang có mặt và hoạt động tại Miền Tây Phi Châu.
Tại một số nước khác, như Afghanistan chẳng hạn, cuộc chiến chống lại “Quốc gia Hồi giáo” hiện vẫn đang tiếp diễn. Hoa Kỳ đã cho tăng phái thêm 3000 binh sĩ nữa để quyết tâm tiêu diệt “Quốc gia Hồi giáo” cũng như Taliban.
Ngay cả tại những nơi mà “Quốc gia Hồi giáo” chưa hoặc không đặt cơ sở rõ ràng, tổ chức khủng bố này vẫn sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để quảng bá ý thức hệ của mình và chiêu mộ các chiến binh để mở các cuộc tấn công tại chỗ như đã thấy tại San Bernardino và Orlando, Hoa Kỳ. Cách đây hơn 6 năm, “Quốc gia Hồi giáo” đã chiếm Bắc Iraq và Raqqa, Syria làm lãnh thổ để tuyên bố thành lập Quốc gia Hồi giáo. Nay xuyên qua không gian trên mạng lưới thông tin toàn cầu, tổ chức này đã thiết lập được một “Quốc gia ảo” trong đó các công dân cũng sẵn sàng tấn công bất cứ nơi nào, bất kỳ người nào.
Lãnh thổ của “Quốc gia Hồi giáo” tại Iraq và Syria có thể đã biến mất, nhưng “Quốc gia ảo” của tổ chức này vẫn tồn tại và càng khó tiêu diệt hơn.

(Nguồn: http://abcnews.go.com/International/raqqas-liberation-tough-fight-lies-ahead-isis/story)




Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

Thông minh nhất nam tử!


Chu Thập
20/10/17
Thời trung học, tôi là một học sinh dốt văn. Làm bài văn chương hay nghị luận, tôi cứ “thì là mà” cho xong chuyện. Thơ phú thì lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. Các bạn tôi không mất quá nhiều giờ để học thuộc một bài thơ hay ca dao. Tôi thì có tụng niệm cả buổi cũng chẳng nhét vào bộ nhớ được câu nào. Chính vì vậy mà tôi không mặn mà với thơ phú cho lắm và dĩ nhiên cả đời cũng chưa làm nổi một câu thơ!
Trong thi ca Việt Nam tôi chỉ thích có mỗi ông Nguyễn Công Trứ. Ông này gãi đúng chỗ ngứa của tôi. Vào cái tuổi mà tôi tin rằng có ý chí sắt đá thì chuyện gì cũng làm được, đương nhiên tôi phải tôn Nguyễn Công Trứ làm thần tượng thôi. Không phục ông sao được, bởi vì đường khoa cử lận đận, mãi đến năm 42 tuổi, ông mới thi đậu và ra làm quan. Học rộng, tài cao, chí lớn vậy mà vẫn 2 lần bị cách chức, một lần bị giáng xuống cho làm lính quèn, vậy mà ông vẫn cứ kiên cường đeo đuổi sự nghiệp cho đến cùng.
Mỗi lần thi cử, tôi đều lấy bài “Đi thi tự vịnh” của ông ra để tâm niệm: “Đi không chẳng lẽ lại  về không?...Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông?” Nhưng mang lại nhiều cảm hứng cho thời tuổi trẻ của tôi hơn cả là bài “Chí nam nhi” của ông. “Thông minh nhất nam tử/ Yếu vi thiên hạ kỳ”: một người con trai thông minh, nên làm người khác thường trong thiên hạ!
Khổ nỗi, không thông minh được như ông Nguyễn Công Trứ và cũng chẳng có được ý chí sắt đá như ông cho nên rốt cục, chuyện gì tôi cũng lở dở lèng èng cả. Lấy đâu để mà “gáy” như Tổng thống Mỹ Donald Trump!
Nghe đâu vào tháng 11 tới đây, Tổng thống Trump sẽ viếng thăm Việt Nam. Gần đây, khi đến thăm Việt Nam, các tổng thống Mỹ thường “lẩy” Kiều. Năm 2000, Tổng thống Bill Clinton đã mượn hai câu Kiều “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân” để ám chỉ đến mối quan hệ vừa chớm nở giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đến lượt mình, vào năm 2016, Tổng thống Barack Obama cũng đề cao mối quan hệ Việt-Mỹ qua câu: “Của tin gọi một chút này làm ghi”. Ngay cả phó Tổng thống Joe Biden, khi tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn hồi năm 2015, cũng “lẩy” Kiều như ai: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”.
Tôi không biết khi đến Việt Nam, ông tổng thống Mỹ chuyên phá vỡ các thông lệ có còn “lẩy” Kiều như các vị tiền nhiệm của ông không. Theo tôi, ông nên trích thơ của cụ Nguyễn Công Trứ thì tốt hơn, bởi vì với một người “thông minh nhất nam tử “như ông, lại đang lãnh đạo một quốc gia hùng mạnh nhứt thế giới và dĩ nhiên lúc nào cũng nổ về những thành tích của mình, chẳng có nơi nào đáng để “gáy” về trí thông minh và sự thành công của mình cho bằng Việt Nam, một đất nước lúc nao cũng khao khát thành tích và kỷ lục thế giới.
Sở dĩ tôi liên tưởng đến trí thông minh của Tổng thống Trump là bởi vì mới đây ông đòi thi đấu với Ngoại trưởng Rex Tillerson về trí thông minh. Có chuyện thách đấu như thế là vì có tin đồn được đài NBC News loan tải theo đó, trong một trường hợp không được xác định ở đâu và lúc nào, ngoại trưởng Mỹ đã gọi ông Trump là một kẻ “ngu đần” (moron). Cho tới nay, ông Tillerson không khẳng định và cũng chẳng phủ nhận ông có nói như thế không. Nhưng ai cũng biết rằng hầu như trong bất cứ vấn đề đối ngoại nào, giữa ông và Tổng thống Trump lúc nào cũng có chuyện lục đục, ông nói gà thì bà lại nói vịt.
Chuyện  Tổng thống Trump đòi thi đấu về trí thông minh với Ngoại trưởng Tillerson chẳng làm ai phải ngạc nhiên, bởi vì ông đã từng có nhiều thành tích khoe mẽ về trí thông minh và thách đấu về trí thông minh với nhiều người khác.
Trong một “Tweet” bắn đi hồi năm 2013, tỷ phú địa ốc Trump đã viết: “Xin lỗi những kẻ thua cuộc và thù hận, nhưng chỉ số thông minh (I.Q) của tôi là một trong những chỉ số cao nhứt và tất cả quý vị đều biết mà! Xin đừng cảm thấy ngu đần hay bất an. Không phải lỗi của quý vị đâu!”
Trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, ông tự so sánh với một nhà báo và một vị cố vấn của Đảng Cộng Hòa: “Tôi thông mình hơn họ nhiều. Tôi nghĩ rằng tôi có một chỉ số thông minh cao hơn nhiều. Tôi nghĩ rằng tôi đã học ở một đại học tốt hơn, tốt hơn về mọi mặt”.
Trong một “tuýt” phóng đi hồi năm 2013, Tổng thống Trump còn cho rằng ông có chỉ số thông minh cao hơn hai vị tổng thống tiền nhiệm là George W Bush và Barack Obama.
Được thành lập từ năm 1776, Phi Beta Kappa là một tổ chức chuyên sưu tầm tên tuổi của những sinh viên sáng giá nhứt tại 286 trường đại học của Hoa Kỳ. Theo tổ chức này, trong số 44 tổng thống Mỹ, có 17 vị được  xem là những người rất thông minh. Bill Clinton, George H W Bush và Jimmy Carter là những vị mới được đưa vào danh sách trong thời gian gần đây. Theo một cuộc khảo sát của trường Đại học California hồi năm 2006, Tổng thống John Quincy Adams (1767-1848) được xem là vị tổng thống thông minh nhứt.
Thật ra, trong mắt tôi, vị tổng thống Mỹ nào cũng thông minh xuất chúng hơn người cả. Tổng thống Trump tỏ ra “phi thường” ở chỗ  ông dám vỗ ngực tự xưng là người thông minh. Nhưng thái độ này lại khiến tôi nghĩ đến một câu nói của ông Stephen Hawking, nhà vật lý và vũ trụ học nổi tiếng nhứt thế giới hiện nay. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo New York Times hồi năm 2004, khi được hỏi về chỉ số thông minh của mình, nhà bác học này trả lời: “Tôi chẳng biết gì về chuyện này cả. Những người khoe khoang về chỉ số thông minh của mình đều là những kẻ thua cuộc”.
Trong một số báo ra dạo mùa xuân năm 1974, báo New York Times đã cho đăng ở trang chủ danh sách của 10 vị dân biểu và thượng nghị sĩ “đần” nhứt trong Quốc hội. Đứng đầu danh sách là Thượng nghị sĩ William Scott của Tiểu bang Virginia. Ông này được chỉ định để trình bày trước Thượng viện về kho hỏa tiễn ngầm của Hoa Kỳ. Anh ngữ dùng chữ “missile silos”. “Silo” trong Anh ngữ cũng có nghĩa là “kho chứa thóc”. Có lẽ không nắm vững ngữ cảnh của từ này cho nên ông Scott mới nói bừa: “Tôi không quan tâm đến “nông nghiệp”. Tôi chỉ muốn quân cụ mà thôi”. Chỉ vì một chút sơ xuất như thế mà chỉ sau một nhiệm kỳ ông tuyên bố rút lui khỏi chính trường.
Nhưng chuyện của phó Tổng thống Joe Biden nghe ra còn khôi hài hơn. Tháng 9 năm 1987, trong cuộc tranh cử tổng thống, Thượng nghị sĩ Biden đã bị các ký giả hạch hỏi tơi bời về chuyện đạo văn. Bị một ký giả dồn vào chỗ bí, ông liền trả đòn: “Tôi nghĩ rằng tôi có chỉ số thông minh cao hơn bạn...Tôi đã từng chiến thắng trong một cuộc thi đấu quốc tế về tranh luận trong trường và đứng đầu lớp tôi. Tôi là sinh viên ngoại hạng trong năm cuối của phân khoa chính trị học. Tôi tốt nghiệp với 3 bằng cử nhân với 165 tín chỉ trong khi chỉ cần 123 tín chỉ là đủ. Và tôi lấy làm hân hạnh được ngồi xuống để so sánh chỉ số thông minh của tôi với bạn”.
Chỉ vài ngày sau, báo chí Mỹ phanh phui ra rằng những điều ông Biden “nổ”  trên đây đều láo khoét cả. Và lập tức ông  đã rút lui khỏi cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc (x.http://www.politico.com/magazine/story/2017/10/11/trump-iq-president-smart-).
Thật ra, không phải tất cả những ai “nổ” về trí thông minh của mình đều thất bại cả đâu. Dường như nhận xét của nhà bác học Stephen Hawking chẳng đúng chút nào về trường hợp của Tổng thống Trump. Ông vẫn cứ nổ, vẫn cứ khoe mẽ về trí thông minh, về đủ mọi thành tích...vậy mà ông đã thắng và thắng lớn. Không biết thành công có tiếp tục mỉm cười với ông trong tương lai không. Nhưng cứ nhìn lại cuộc bầu cử hồi cuối năm ngoái, không ai dám phủ nhận rằng Tổng thống Trump, một người chưa từng bước vào chính trường, đã đạt được một chiến thắng chưa từng thấy trong lịch sử của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.
Những người không thích ông bảo ông là một kẻ ngu đần. Ngu đần sao đã có thể đánh bại được tất cả những ứng cử viên sừng sỏ nhứt của cả Dân chủ lẫn Cộng hòa? Tôi tin những lời ông khi ông nổ về trí thông minh của ông. Ông quả là một người thông minh.  Nhưng dĩ nhiên, thông minh đích thực không chỉ giản lược vào những con số và các phép tính. Nếu đo lường trí thông minh dựa theo các phép tính thì chắc chắn người máy và máy móc nói chung thông minh hơn người nhiều. Thật ra, phép trắc nghiệm về chỉ số thông minh cũng chẳng đo lường được hết trí thông minh của một con người. Nhà bác học Albert Einstein đã chẳng bao giờ trải qua một cuộc trắc nghiệm như thế. Nhưng biết đâu khi phải làm cuộc trắc nghiệm ấy, ông lại chẳng đưa ra những giải đáp mà chẳng ai dám nghĩ tới, bởi vì ông có cách suy nghĩ không giống ai. Ngày nay nhiều nhà khoa học không đồng ý về sự hữu dụng của phép trắc nghiệm để đo lường trí thông minh của một con người. Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy chỉ số thông minh có thể thay đổi theo thời gian và nó chẳng ăn nhập gì với trí thông minh cảm xúc hay óc sáng tạo. Tôi đã nhận thấy điều này qua rất nhiều người bạn học thời trung học của tôi: có người học hành chẳng ra gì, thi đâu rớt đó, vậy mà ra đời, họ lại là những người thành công vượt bực.
Fred Greenstein, nguyên là giáo sư về chính trị học tại trường đại học Princeton, Hoa Kỳ có đưa ra 6 đặc tính để đánh giá trí thông minh của một tổng thống Mỹ hay nói chung của một nhà lãnh đạo. 6 đặc tính đó là: truyền thông đại chúng, khả năng tổ chức, kỹ năng chính trị, viễn kiến, tri thức và thông minh cảm xúc.
Theo Giáo sư Greenstein, trong những đặc tính trên đây, Tổng thống Trump tỏ ra rất xuất sắc trong nghệ thuật truyền thông đại chúng và kỹ năng chính trị. Nhưng nếu xét về khả năng tri thức, óc tổ chức, viễn kiến và nhứt là thông minh cảm xúc thì tổng thống Trump còn lâu mới tỏ ra mình là người thông minh.
Thời trai trẻ, tôi ngưỡng mộ các bậc thông minh, tài trí. Tôi mơ được làm Thành Cát Tư Hãn hay Nã Phá Luân Đại Đế. Nhưng càng tiến tới trong tuổi đời, khi mà với trí khôn hạn hẹp chỉ đủ để thấy rằng chỉ có một đời để sống, tôi chỉ còn đi tìm nguồn cảm hứng nơi những con người nào đã sống và chỉ ra cho tôi thấy đâu là điều quan trọng nhứt trong cuộc đời. Họ có thể không phải là những người có chỉ số thông minh cao, nhưng họ đã cảm nhận và nhìn ra những giá trị đích thực để đeo đuổi. Họ mới thực sự là những người thông minh. Họ “thông minh như người” thực sự, chớ không phải như người máy. Sự thông minh của họ nằm ở chỗ biết chọn lựa cái gì là giá trị lâu dài, đáng theo theo đuổi, không phí thì giờ cho mấy chuyện ruồi bu như kèn cựa nhau tiếng gáy. Xét cho cùng, khi con người biết sống cho ra người, biết dùng mỗi phút giây trong đời sống của mình để tìm hạnh phúc bằng cách biết cảm thông, chia sẻ niềm vui nỗi khổ với người khác, cư xử tử tế, và sống cho người khác...họ mới là những con người thông minh.
Thời trai trẻ, tôi muốn được như cụ Nguyễn Công Trứ: “thông minh nhất nam tử” thì phải sống khác người. Ngày nay tôi chỉ còn thấy chỉ có mỗi một điều quan trọng trong cuộc đời là: không cần phải sống khác người mà phải sống cho ra người và ra người tử tế!










Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

Catalonia: một lịch sử dài của những cuộc tranh đấu đòi độc lập


20/10/17
Gần đây, tại một số vùng trên thế giới đã diễn ra những cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập. Tại miền Bắc Iraq có cộng đồng người Kurd, một sắc dân hiện sống rãi rác tại một số nước như Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iran...Tại Nam Dương, trên 70 phần trăm dân chúng thuộc Đảo West Papua đã ký tên vào một thỉnh nguyện thư gởi đến Liên Hiệp Quốc để yêu cầu cho tổ chức trưng cầu dân ý về độc lập. Nhưng sôi nổi và cũng được thế giới theo dõi nhiều hơn cả vẫn là cuộc trưng cầu dân ý tại Catalonia để được tách khỏi Tây Ban Nha: 90 phần trăm của hơn một nửa số cử tri đi bỏ phiếu đã bày tỏ mong muốn được độc lập khỏi Tây Ban Nha. Đây là cao điểm trong một lịch sử dài của những cuộc tranh đấu đòi độc lập của Catalonia.
Catalonia là một vùng với diện tích trên 32.000 cây số vuông và dân số trên 7 triệu người. Với thủ phủ là Barcelona, vùng này  gồm có các tỉnh ở phía Bắc như Girona, Barcelona, Tarragona và Lleida. Ở phía Bắc, Catalonia giáp giới Pháp và Tiểu vương quốc Andorra. Về hướng Đông, Catalonia nhìn về Biển Địa Trung Hải. Catalonia giáp giới với Valencia về phía Nam và vùng tự trị Aragon về phía Tây. Các ngôn ngữ chính thức của Catalonia là Catalan, Tây Ban Nha và thổ ngữ Aranese.
Quy chế tự trị của vùng Catalonia đã được Tây Ban Nha chính thức nhìn nhận ngày 18 tháng Mười Hai năm 1979. Kể từ đó, chính quyền tự trị của vùng này gồm có một hội đồng điều hành với một vị chủ tịch đứng đầu và một nghị viện.
Catalonia được xem là vùng trù phú nhất của Tây Ban Nha. Năm 2014, tổng sản lượng của vùng này lên đến 200 tỷ Âu kim. Đây là tổng sản lượng cao nhất của các vùng tại Tây ban Nha. Thu nhập tính theo đầu người tại Catalonia là 27.000 Âu kim. Tây Ban Nha có tất cả 46 ngân hàng tiết kiệm, 10 trong số này đặt tổng hành dinh tại Catalonia. Kinh tế của Tây Ban Nha sẽ chao đảo nếu Catalonia trở thành một quốc gia độc lập.
Từ xa xưa, Catalonia đã nổi tiếng về rượu vang, hạt hạnh nhân (almonds) và dầu ô liu cũng như lúa, khoai tây và bắp. Hơn một phần ba diện tích của Catalonia là đất canh tác. Bên cạnh nông nghiệp, Catalonia cũng nổi tiếng về chăn nuôi, đặc biệt là heo và bò. Tuy nhiên, thu nhập về chăn nuôi và nông nghiệp nói chung chỉ chiếm một phần nhỏ của tổng sản lượng nội địa của Catalonia.
Catalonia là vùng kỹ nghệ hóa và giàu có nhất của Tây Ban Nha. Kỹ nghệ dệt của vùng này đã phồn thịnh ngay từ Thế kỷ 13 và hiện vẫn được xem là kỹ nghệ chính của vùng này. Kể từ thập niên 1950, kỹ nghệ chế biến tại Catalonia đã tăng trưởng và đa diện hóa nhanh chóng. Nhưng bước vào Thế kỷ 21, các kỹ nghệ khác như sắt, thực phẩm, dược phẩm và hóa học ngày càng được phát triển mạnh hơn. Du lịch cũng góp một phần quan trọng cho kinh tế của Catalonia.  Barcelona đã từng đứng ra tổ chức Thế vận hội mùa hè năm1992.  Nói đến Catalonia, thế giới lúc nào cũng nghĩ đến trước tiên câu lạc bộ túc cầu chuyên nghiệp Barcelona, với những danh thủ nổi tiếng như Leonel Messi, Luis Suarez, Xavi, Piqué, Iniesta...Ngoài ra, Catalonia còn có những bãi biển đẹp thu hút rất nhiều du khách. Nhiều nơi nghỉ mát trong dãy núi Pyrénées cũng là những địa điểm du lịch nổi tiếng
Thịnh vượng và nổi tiếng, Catalonia cũng có cả một lịch sử dài của những cuộc tranh đấu đòi độc lập, nhất là kể từ Thế kỷ 17.
Đã từng là một tiểu vương quốc do dòng họ Aragon cai trị, Catalonia là một trong những vùng bị Đế quốc La Mã xâm chiếm đầu tiên. Vào Thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên, Vương quốc Catalonia bị người Goth từ Đức sang xâm lăng và năm 712 rơi vào tay người Hồi giáo Moor. Vào cuối Thế kỷ thứ 8, Hoàng đế La Mã Charlemagne, người đã thống nhất phần lớn Âu Châu vào thời đầu Trung Cổ, đã sát nhập Catalonia vào Tây Ban Nha. Nhưng việc cưỡng chiếm Catalonia chỉ diễn ra trên danh nghĩa, bởi vì vương quốc này vẫn tiếp tục được cai trị bởi một bá tước.
Năm 1137, khi Bá tước Ramon Berenguer IV kết hôn với Hoàng hậu Petronila của Aragon, Catalonia và Aragon được thống nhất và trở thành một vương quốc hùng mạnh. Trong hai thế kỷ 13 và 14, mọi hoạt động thương mại trong miền Tây Địa Trung Hải đều nằm trong tay Catalonia. Tuy nhiên vào năm 1410, vì không có người nam nối dõi, Vương quốc Catalonia lọt vào tay dòng họ Trastamara của Aragon. Sự bất mãn của dân chúng Catalonia đã dẫn đến nhiều cuộc nổi loạn, nhưng bất thành.
Vào giữa Thế kỷ 15, sau khi con trai của dòng họ Trastamara là Ferdinand kết hôn với Công chúa Isabella của Castille, Catalonia đã hoàn toàn thuộc về Tây Ban Nha. Vào Thế kỷ 17, lợi dụng sự suy đồi của Triều đình Tây Ban Nha, nhiều phong trào ly khai đã nổi lên tại Catalonia. Năm 1640, Catalonia cầu cứu nước Pháp trợ giúp và chấp nhận sự bảo trợ của nước này, nhưng tình trạng ly khai với Tây Ban Nha chỉ kéo dài được hơn một thập niên. Năm 1714, khi Dòng họ Bourbon lên cai trị tại Tây Ban Nha, quy chế tự trị của Catalonia bị bãi bỏ và tiểu vương quốc này đã hoàn toàn bị sáp nhập vào Tây Ban Nha.
Nhưng sang đến Thế kỷ 19, phong trào ly khai tại Catalonia lại hồi sinh với phong trào “Phục hưng” (Renaixenca): tiếng Catalan được hồi phục và tinh thần ái quốc ngày càng lên cao. Nhưng mãi đến năm 1913, Catalonia mới được Tây Ban Nha dành cho một chút quyền tự trị. Dù vậy, chỉ hơn một thập niên sau, chính phủ Tây Ban Nha dưới thời Thủ tướng Miguel Primo de Rivera đã rút lại quyền tự trị của Catalonia và dập tắt mọi biểu hiện của tinh thần ái quốc.
Chủ trương của Thủ tướng Primo de Rivera đã làm phát sinh một liên minh tả khuynh tại Catalonia lấy tên là Esquerra Republicana. Liên minh này đã đạt được một chiến thắng áp đảo trong các cuộc bầu cử hội đồng tỉnh năm 1931. Hai ngày sau chiến thắng, lãnh tụ của liên minh đã tuyên bố thành lập Cộng hòa Catalonia. Sau nhiều thương lượng với chính phủ trung ương, quy chế tự trị của Catalonia được nhìn nhận. Với tư thế này, Catalonia đã đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình thành lập Cộng hòa Tây Ban Nha và nhất là trong cuộc nội chiến (1936-1939) tại nước này. Nhưng năm 1939, khi Phong trào Quốc gia dành được chiến thắng tại Tây Ban Nha, Catalonia cũng mất quyền tự trị. Tướng Francisco Franco cai trị Tây Ban Nha bằng bàn tay sắt. Ông cũng theo đuổi một chính sách đàn áp dã man đối với phong trào ái quốc tại Catalonia.
Dù vậy, sau khi Franco qua đời và chế độ dân chủ được thành lập tại Tây Ban Nha, quy chế tự trị của Catalonia vẫn không được công nhận. Mãi cho đến năm 1977, Chính phủ Tây Ban Nha mới thừa nhận quyền tự trị của Catalonia, nhưng chỉ là một quyền tự trị có giới hạn. Một năm sau, đảng “Hội tụ và Liên kết” được thành lập với chủ trương tranh đấu cho quyền tự trị của Catalonia. 2 năm sau, Chính phủ Tây Ban Nha mới chính thức cho thành lập vùng tự trị Catalonia. Năm 2006, quy chế “quốc gia” của Catalonia cũng được nhìn nhận. Điều này có nghĩa là Catalonia cũng có quyền và trách nhiệm đánh thuế như chính phủ trung ương. Nhưng năm 2010, Tòa Bảo Hiến Tây Ban Nha lại đưa ra phán quyết hạn chế quyền tự trị của Catalonia. Theo phán quyết này, Catalonia là một “dân tộc”, nhưng không phải là một “quốc gia”. Đây chính là mấu chốt dẫn đến cuộc khủng hoảng về Hiến pháp tại Tây Ban Nha hiện nay.
Nhiều người Catalonia, vì bất mãn với cung cách Chính phủ Tây Ban Nha quản lý kinh tế trong cuộc khủng hoảng nợ nần trong vùng Âu kim, đã tranh đấu để đòi hỏi cho Catalonia được độc lập với chính phủ trưng ương trong vấn đề thuế khóa. Năm 2013, Nghị viện Catalonia thông qua một biện pháp kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập khỏi Tây Ban Nha. Năm 2014, mặc dù hoàn toàn thất bại, cuộc trưng cầu dân ý về độc lập tại Scotland cũng đã mang lại nhiều hứng khởi cho người dân Catalonia. Đảng “Hội tụ và Liên kết” đề nghị cho tổ chưc cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 11 năm 2014. Nhưng Thủ tướng Tây Ban Nha, ông Mariano Rajoy đã bác bỏ đề nghị này. Dù vậy lãnh tụ của phong trào là ông Artur Mas vẫn cho tiến hành cuộc trưng cầu dân ý và giải thích rằng mục đích của cuộc trưng cầu dân ý chỉ là để thăm dò ý kiến của người dân. Chỉ có một phần ba cử tri Catalonia ghi danh tham gia cuộc trưng cầu dân ý và trên 80 phần trăm bày tỏ mong ước Catalonia được độc lập khỏi Tây Ban Nha.
Tháng Ba năm 2017 vừa qua, một tòa án tại Tây Ban Nha đưa ra phán quyết rằng lời kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý của ông Mas là vi hiến và ông này bị cấm không được nắm giữ bất cứ một chức vụ công quyền nào trong vòng 2 năm. Nhưng phòng trào đòi độc lập vẫn không vì thế mà bị dập tắt. Nghị viện Catalonia vẫn tiến hành quyết định cho tổ chức cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập vào ngày 1 tháng Mười 2017. Ngày trưng cầu dân ý càng đến gần thì căng thẳng giữa Barcelona và Madrid càng gia tăng. Chính quyền Tây Ban Nha đưa ra nhiều biện pháp để ngăn ngừa cuộc trưng cầu dân ý. Cuối tháng Chín vừa qua, cảnh sát Tây Ban Nha đã tịch thu gần 10 triệu lá phiếu tại một nhà kho bên ngoài Thủ phủ Barcelona và hàng chục viên chức Catalonia bị bắt giữ vì ủng hộ cuộc tranh đấu đòi độc lập. Hàng trăm ngàn người Catalonia liền xuống đường và bộ nội vụ Tây Ban Nha cũng huy động nhiều cảnh sát hơn để chống lại cuộc biểu tình. Một ngày trước cuộc trưng cầu dân ý, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy dân chúng Catalonia bị chia rẽ về vấn đề độc lập. Nhưng đa số dân chúng vùng này lại ủng hộ việc trưng cầu dân ý để bày tỏ ý kiến của họ.
Trong chính ngày bỏ phiếu, nhiều cuộc bạo động đã xảy ra khi cảnh sát chống bạo động bắn đạn cao su vào đám đông cũng như sử dụng dùi cui đến cản trở dân chúng tiến vào các phòng phiếu. Đã có trên 900 cử tri và hàng chục cảnh sát viên bị thương tích. Cảnh sát và nhân viên Phòng vệ Dân sự đã tịch thu nhiều thùng phiếu. Các viên chức Catalonia cho biết có đến 42 phần trăm dân chúng Catalonia đi bầu và khoảng 90 phần trăm ủng hộ độc lập. Trong khi Nghị viện Catalonia cho rằng người dân Catalonia có quyền có được một quốc gia độc lập dưới hình thức một nước cộng hòa thì từ trung ương Thủ tướng Rajoy lại cho rằng cuộc trưng cầu dân ý là một hành động nhạo báng đối với nền dân chủ. Tây Ban Nha cũng cho rằng cuộc bạo động xảy ra trong ngày trưng cầu dân ý là do thái độ thiếu trách nhiệm của Chính quyền Catalonia.
Trong khi các tổ chức bênh vực nhân quyền trên thế giới lên án cuộc bạo động chống lại các cử trị thì các lãnh tụ của Liên hiệp Âu Châu lại giữ thinh lặng. Hầu hết đều cho rằng đây là vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha.
Hiện nay chính quyền Catalonia và chính phủ Tây Ban Nha đang tìm cách đối thoại và thương lượng để tìm một giải pháp ôn hòa cho cuộc xung đột.


Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

Biến gươm đao thành cuốc thành cày


Chu Thập
13/10/17
Các cơ quan điều tra Mỹ đang điên đầu vì cho tới nay vẫn chưa tìm ra manh mối để biết được động lực nào đã khiến cho một triệu phú như ông Stephen Paddock ra tay thực hiện một vụ thảm sát được xem là khủng khiếp nhứt trong lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ. Riêng tôi mỗi khi nhớ tới vụ thảm sát lại liên tưởng đến một số sự kiện có lẽ ít được nhắc tới.
Trước hết là cuộc triển lãm có tên là The SHOT show. SHOT là chữ viết tắt của 3 sinh hoạt có liên quan đến súng đạn là “Shooting” (bắn súng), “hunting” (săn bắn) và “Outdoor Trade” (buôn bán súng đạn).  Cuộc triển lãm đầu tiên được tổ chức tại Thành phố St. Louis, Tiểu bang Missouri năm 1979. Sau đó, cuộc triển lãm được luân phiên tổ chức tại một số thành phố khác như Las Vegas, Orlando, New Orleans. Nhưng kể từ năm 2011 đến nay,  năm nào cuộc triễn lãm cũng diễn ra tại Las Vegas.
Đứng ra tổ chức cuộc triển lãm là Hội “National Shooting Sports Foundation” (Hội thể thao bắn súng ). Vụ thảm sát tại Las Vegas lại khiến nhiều người liên tưởng đến một sự kiện khác là: trụ sở của Hội này đặt tại Thành phố Newtown, tiểu bang Connecticut. Đây là nơi mà năm 2012, một thiếu niên tên là Adam Lanza đã xách súng đến trường tiểu học Sandy Hook sát hại 28 người trong đó có 20 trẻ em chỉ mới 6, 7 tuổi.
Nhiều người cho rằng hai sự kiện trên đây chẳng có liên hệ gì đến vụ thảm sát tại Las Vegas. Đó chỉ là chuyện trùng hợp ngẫu nhiên thôi mà!
Nhưng trong bối cảnh của cuộc tranh luận về việc kiểm soát súng ống cá nhân tại Hoa Kỳ hiện nay, tôi lại nghĩ đến những con số “biết nói” tại nước này. Hoa Kỳ là nước được “trang bị” nhứt thế giới. Dĩ nhiên trên thế giới hiện nay chẳng có quân đội nào hùng mạnh cho bằng Hoa Kỳ. Tổng thống Donald Trump đã chẳng nhiều lần nhắn khéo với Bắc Hàn rằng hiện Hoa Kỳ đang có một quân đội hùng mạnh và một kho võ khí cũng nhiều và tối tân nhứt thế giới đó sao?  Nhưng nói đến sự trang bị tận răng của Hoa Kỳ có lẽ trước tiên phải nghĩ đến khoảng 300 triệu  khẩu súng đủ loại hiện đang nằm trong tay cá nhân người Mỹ. Với trung bình mỗi người có được một khẩu súng trong tay cho nên cũng tính theo đầu người, Hoa Kỳ là nước có nhiều cuộc bắn giết nhau bằng súng đạn nhứt thế giới. Thật vậy, theo các số liệu của các Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật (Centers for Disease Control and Prevention), tính từ giữa năm 2001 đến năm 2015 đã có trên một triệu rưỡi người Mỹ bị giết hay bị thương vì súng đạn.
Nhiều người lại cho rằng những con số trên đây và chuyện vừa mới xảy ra tại Las Vegas chẳng ăn nhập gì với nhau cả. Đâu phải cứ có nhiều súng đạn thì đương nhiên phải có nhiều người chết vì súng đạn. Tuy nhiên, nếu những con số trên đây “biết nói” thì có lẽ khó phủ nhận được một sự liên hệ nào đó giữa cuộc thảm sát và con số súng đạn được triển lãm hàng năm tại Las Vegas.
Mỗi năm có đến 65 ngàn người Mỹ “hành hương” đến Las Vegas để chiêm ngắm đủ  loại súng đạn được triển lãm. Cả một núi súng được bày bán tự do tại cuộc triển lãm phản ảnh một đất nước trong đó chẳng có luật lệ nào để kiểm soát súng đạn. Nếu bỏ Trung Quốc, Đức và Ấn Độ qua một bên, thì gom tất cả súng đạn cá nhân trên thế giới lại cũng không bằng số súng đạn hiện đang có trong tay người Mỹ. Ai cũng có và có bao nhiêu cũng được. Kẻ sát nhân tại Las Vegas có ít nhứt 42 cây súng đủ loại trong tay.
Dĩ nhiên, đã xảy ra rất nhiều vụ thảm sát và ở đâu trên nước Mỹ cũng đều có thể xảy ra những vụ bắn giết bằng súng cá nhân. Stephen Paddock có lẽ đã chẳng giết người hàng loạt tại Las Vegas vì cuộc triển lãm súng đạn được tổ chức hàng năm tại đây. Tuy nhiên, cũng không quá đáng để nói rằng chính  kỹ nghệ súng của Hoa Kỳ, cộng với việc thiếu kiểm soát trong việc mang súng của cá nhân đã tạo điều kiện cho Paddock  có thể thực hiện cuộc thảm sát.
Từ năm 2004 đến năm 2014, việc sản xuất súng đạn của Hoa Kỳ tăng đến 192 phần trăm. Bên cạnh đó số súng đạn nhập cảng cũng tăng 90 phần trăm. Theo một cuộc nghiên cứu của IBISWorl  (Integrated Business Information System: hệ thống chuyên cung cấp thông tin về doanh nghiệp và thị trường), thu nhập trong năm 2016 của các tiệm bán  súng tại Hoa Kỳ lên đến 8.6 tỷ Mỹ kim. Thu nhập này lại được dùng để quảng cáo rằng càng có nhiều súng càng được an toàn. Riêng Hội súng Mỹ The National Rifle Association đã bỏ ra 36.3 triệu Mỹ kim để vận động cho ứng cử viên Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm vừa qua.
Tiền bạc vốn “biết nói”. Sẽ chẳng có luật kiểm soát súng đạn nào được thông qua, bởi vì ngoại trừ 3 vị, 42 vị thượng nghị sĩ Cộng hòa đều đã nhận tiền của những người vận động hành lang để chống lại luật kiểm soát súng đạn cá nhân.
Liệu có thể phủ nhận mối liên hệ giữa kỹ nghệ súng đạn, sự thiếu vắng luật kiểm soát súng đạn và những cuộc thảm sát bằng súng đạn không? Cùng lắm, như lời tuyên bố của Tổng thống Trump sau khi xảy ra vụ thảm sát ở Las Vegas, tên sát nhân là một kẻ điên cuồng, mất trí  (demented). Chẳng nghe ông đá động gì tới tới luật kiểm soát súng đạn cá nhân. Biết đâu, kỹ nghệ súng đạn và những con buôn súng đạn lại chẳng vỗ tay reo mừng, bởi vì cứ sau một cuộc thảm sát, người dân Mỹ lại đổ xô đi mua súng đạn.
Dĩ nhiên, nhiều người Mỹ, biết đâu trong đó chẳng có bạn bè và bà con của tôi, lại biện luận bằng câu “đèn nhà ai náy sáng”, chúng tôi làm, chúng tôi chịu, nước Mỹ vĩ đại của chúng tôi là thế. Không thích thì đi chỗ khác chơi, đừng có chõ mỏ vào phê bình, chỉ trích. Nhưng khổ nỗi, kỹ nghệ súng đạn của Mỹ, quyền tự do mang súng của người Mỹ lại ảnh hưởng đến toàn thế giới.
Việc dễ dàng mua và sử dụng súng đạn cá nhân tại Hoa Kỳ có nhiều hậu quả sâu rộng đối với toàn thế giới. Theo ước tính, mỗi năm có trên 250.000 khẩu súng được đưa lậu từ Hoa Kỳ vào Mễ Tây Cơ và Trung Mỹ. Còn tại Gia Nã Đại, 50 phần trăm số súng được sử dụng trong những vụ bắn giết tại Ottawa đều được đưa lậu từ Mỹ qua biên giới. Người dân tại các nước nhận được số súng bất hợp pháp này không phải để treo trong nhà làm cảnh, mà là để giết nhau. Trong năm 2015, tại El Salvador, Trung Mỹ, đã xảy ra 6.650 vụ sát nhân; trung bình trong 100 ngàn dân có đến 104 vụ sát nhân. Hầu hết những vụ giết người đều được thực hiện bằng súng và phần lớn số súng được sử dụng được nhập lậu từ Hoa Kỳ. Súng của Mỹ không chỉ giết người Mỹ, mà cả người các nước khác!
Chuyện Mỹ yêu súng đạn cũng được phản ảnh trong chính sách đối ngoại của nước này. “Yêu” đến độ Chính phủ Mỹ nghĩ rằng họ có thể xuất cảng chế độ dân chủ bằng súng đạn. Không ai phủ nhận rằng Hoa Kỳ là nước có nền dân chủ lâu đời nhứt thế giới. Nhưng có nhiều cách để quảng bá lý tưởng dân chủ chớ không phải chỉ bằng súng đạn. Từ năm 2001 đến năm 2015, Chính phủ Mỹ đã tặng cho quân đội Iraq và Afghanistan trên 1,45 triệu khẩu súng, trong đó có 285.981 khẩu AK-47. Ngũ Giác Đài đã nhìn nhận rằng một số lớn trong số súng đó hiện không biết lọt vào tay ai. Ít nhứt 190.000 khẩu trao cho các lực lượng an ninh của Iraq đã không có cánh mà bay đi đâu mất và 43 phần trăm của số 747.000 vũ khí đủ loại giao cho quân đội Afghanistan cũng không biết đang ở đâu (x. http://www.aljazeera.com/indepth/opinion/las-vegas-massacre-reveals-troublesome-global-truth-).
Dĩ nhiên, ai cũng có thể đoán được rằng rất nhiều vũ khí mà Hoa Kỳ giao cho quân đội Iraq hiện đang được chính các chiến binh của “Quốc gia Hồi giáo” sử dụng. Và cũng chẳng phải ngạc nhiên  tại sao các thứ vũ khí được tìm thấy trên thi thể của các chiến binh của Taliban lại giống y chang vũ khí mà Hoa Kỳ đã trao cho quân đội Afghanistan.
Chưa hết. Thỏa ước cấm buôn bán vũ khí toàn diện được Liên Hiệp Quốc thông qua đã không được Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Theo thỏa ước này, Hoa Kỳ không được phép chuyển vũ khí cho những nước nào sử dụng chúng để phạm tội diệt chủng hay tội ác chống lại nhân loại. Với Tổng thống Donald Trump mà một tác giả Việt Nam nào đó gọi là “con buôn làm chính trị”, có khi Hoa Kỳ được “làm cho vĩ đại trở lại” nhờ buôn bán khí giới. Dạo tháng Năm vừa qua, chuyến công du đầu tiên của ông là trực chỉ đến Vương quốc Á rập Saudi. Tại đây, ông đã ký với nước này một hợp đồng bán khí giới trị giá 350 tỷ Mỹ kim. Đây là hợp đồng bán khí giới lớn nhứt trong lịch sử Mỹ. Còn tại bán đảo Triều Tiên, chiến tranh nguyên tử có xảy ra không, chẳng ai đoán trước được. Chỉ biết là các đồng minh của Hoa Kỳ như Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan...đang đua nhau mua hệ thống chống hỏa tiễn liên lục địa của Bắc Hàn. Mỹ lại giàu to nhờ sản xuất và bán khí giới. Và dĩ nhiên, mạng người Mỹ cũng rẻ như bèo vì quyền được mang khí giới!
Viết trên trang mạng của đài al-Jazeera, tác giả Iain Overton, giám đốc điều hành của Tổ chức Action on Armed Violence (Hành động để chống lại bạo lực vũ trang), đã có lý khi đưa ra nhận định: “Xét cho cùng, điều mà chúng ta phải học từ Las Vegas là: quyền được mang súng của người Mỹ có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người chúng ta. Đó không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà là sự thật”.
Riêng tôi, khi suy nghĩ về một bài học có thể rút ra từ vụ thảm sát ở Las Vegas, lại nghĩ đến lời dạy của Chúa Giêsu. Sách Tin Mừng theo Thánh Matthêô thuật lại rằng khi Ngài bị đám dân quân của các nhà lãnh đạo Do Thái Giáo đến vây bắt, một người môn đệ của Ngài liền rút gươm ra chém đứt tai của một tên thủ hạ. Ngài bảo người đó: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26, 52). Lời của Chúa Giêsu lại gợi lên cho tôi một câu sấm trong Kinh Thánh Cựu Ước: “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân nước này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến” (Isaiah 2.4). Lời sấm này đã được viết trên bức tường trước trụ sở của Liên Hiệp Quốc. Du khách nào đặt chân đến  thành phố New York hẳn cũng đều tìm cách đến thăm trụ sở của Liên Hiệp Quốc và tại đây, nơi dừng chân đầu tiên để chiêm ngắm và suy gẫm hẳn phải là bức tường có ghi lại lời sấm của Tiên tri Isaiah. 
Ngoại trừ những kẻ điên cuồng hay mất trí, ai mà chẳng mong được sống trong hòa bình. Hòa bình thế giới, hòa bình trong một quốc gia, hòa bình trong một cộng đồng hay trong gia đình...đều phải bắt đầu từ hòa bình trong mỗi cá nhân. Khi mỗi cá nhân biết xây dựng hòa bình trong chính bản thân bằng cách loại bỏ khỏi tâm hồn mọi thứ gươm giáo của ích kỷ, hận thù và bạo lực. Mỗi cá nhân khi mong muốn giải quyết những xung đột trong chính nội tâm hay với những người chung quanh bằng vũ khí yêu thương, bao dung và cảm thông thay cho giận dữ, ganh tị hay thù ghét thì hòa bình mới có cơ hội nảy mầm. Đó mới thực sự là phúc lành mà lẽ ra mỗi khi kêu cầu “God bless America” (xin Thượng Đế chúc lành cho Hoa Kỳ),  người Mỹ nào cũng phải mong được như thế!




Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

Puerto Rico: lãnh thổ bị lãng quên của Hoa Kỳ


13/10/17
Ngày 20 tháng Chín 2017 vừa qua, trận bão Maria đã thổi qua vùng Vịnh Caribe. Với sức gió mạnh hơn trận bão Irma thổi vào Tiểu bang Florida và mang lại nhiều mưa hơn cả trận bão Harvey đã nhận chìm thành phố Houston, bão Maria đã tàn phá Puerto Rico, một hòn đảo với 3.4 triệu dân vốn là lãnh thổ của Hoa Kỳ trong vùng Vịnh Caribe.
Trận bão đã làm cho 16 người chết và 44 phần trăm cư dân trên đảo không có nước uống. Với mức độ tàn phá của trận bão, cộng với tình trạng nợ nần của Puerto Rico và nhất là phản ứng lơ là của chính phủ Mỹ, nhiều người cho rằng lãnh thổ này đã bị Hoa Kỳ lãng quên. Khi bà Carmen Yulin Cruz, Thị trưởng San Juan, thủ phủ của Puerto Rico, lên tiếng cầu cứu, bà liền bị Tổng thống Donald Trump quở trách nặng lời về thái độ ỷ lại. Gần cả 2 tuần lễ sau khi bão Maria đã đi qua, Tổng thống Trump mới đích thân đến Puerto Rico để thăm dân cho biết sự tình. Tại đây, đứng trước cảnh người chết và cửa nát nhà tan, ông chỉ nói lên những điều ngớ ngẩn. Thay vì bày tỏ sự cảm thông trước thảm kịch mà người dân Puerto Rico đã và đang  trải qua, ông chỉ đề cao sự đáp ứng kịp thời và hữu hiệu “không thể tưởng tượng được” của chính phủ của ông. Thậm chí ông còn nói rằng người dân Puerto Rico  “có thể rất hãnh diện” vì chỉ có 16 người bị thiệt mạng mà thôi. Lố bịch hơn nữa khi ông so sánh trận bão Maria với Katrina, tức trận bão đã tàn phá New Orleans hồi năm 2005: ông cho rằng Puerto Rico chưa thực sự trải qua “một thảm họa thực sự như trận bão Katrina”.
Thái độ của Tổng thống Trump đã khiến cho một soạn giả và diễn viên chính của vở ca nhạc kịch “Hamilton” được trình diễn trên sân khấu Broadway gần đây là ông Lin-Manuel Miranda tuyên bố rằng ông Trump sẽ “đi thẳng xuống hỏa ngục”.  Ông Miranda đã lên tiếng phê bình Tổng thống Trump sau khi ông này tấn công Thị trưởng Carmen Yulin Cruz. Giải thích về lời tuyên bố của mình, ông Miranda nói trên đài CBS rằng “đây là thứ ngôn ngữ chưa từng có của tôi, nhưng cũng chưa từng có một tổng thống Mỹ nào đã tấn công các nạn nhân của một thiên tai” như thế!
Hoa Kỳ có một ông tổng thống thiếu sự cảm thông đối với người dân đang gặp hoạn nạn đã đành, mà nói chung dường như người  Mỹ cũng chẳng mấy quan tâm đến “khúc ruột” ngàn dặm của họ tại Puerto Rico. Theo Tạp chí Time , số ra ngày 9 tháng Mười vừa qua, một ngày sau khi thống đốc Puerto Rico, ông Ricardo Rossello, lên tiếng cảnh cáo rằng “mặc dù là một phần lãnh thổ của Hoa Kỳ, Puerto Rico có thể trải qua một cuộc khủng hoảng nhân đạo” vì trận bão Maria, một cuộc thăm dò dư luận cho thấy gần một nửa dân chúng Mỹ không hề biết rằng người dân Puerto Rico cũng là những công dân Mỹ chính hiệu.
Puerto Rico hay Porto Rico (hải cảng giàu có) là một quần đảo gồm có hòn đảo chính là Puerto Rico và một số đảo nhỏ như Mona, Culebra và Vieques. Thủ phủ và cũng là thành phố đông dân nhất của Puerto Rico là San Juan. Người dân Puerto Rico sử dụng hai ngôn ngữ chính là Tây Ban Nha và Anh ngữ.
Trước khi nhà thám hiểm Cristoforo Colombo đặt chân đến Puerto Rico vào năm 1493, sắc dân chính sinh sống tại đây là người Taino. Họ gọi tên quần đảo này là Boriken. Colombo đặt tên lại cho quần đảo là San Juan Bautista.
Vào đầu Thế kỷ 16, người Tây Ban Nha bắt đầu định cư tại Puerto Rico. Mặc dù triều đình Tây Ban Nha ban hành luật bảo vệ người thổ dân Taino, các thực dân Tây Ban Nha vẫn áp đặt chế độ cưỡng bách lao động đối với họ. Bị nhiều thứ dịch bệnh do người Tây phương mang đến hoành hành, dân số Taino ngày càng bị thu hẹp. Để trám vào chỗ trống của người Taino, thực dân Tây Ban Nha đã đưa người nô lệ từ Phi Châu sang.
Mặc dù chủ quyền của Puerto Rico đã thuộc về Tây Ban Nha, nhưng một số nước Tây Phương khác trong đó có Hòa Lan cũng bắt đầu dòm ngó vào quần đảo này. Năm 1625, một trận chiến khốc liệt đã diễn ra tại San Juan giữa quân đội Tây Ban Nha và Hòa Lan. Mặc dù người Hòa Lan đã đốt phá nhiều làng mạc tại San Juan, họ đã không chiếm được Puerto Rico. Sau cuộc chiến, Tây Ban Nha đã cho xây dựng nhiều công thự phòng thủ hơn.
Vào cuối Thế kỷ 16 và đầu Thế kỷ 17, Tây Ban Nha cũng cho mở mang đường sá, phát triển nông nghiệp cũng như khai thác tài nguyên thiên nhiên. Số người nô lệ được đưa từ Phi Châu sang để khai thác các đồn điền mía đường và cà phê cũng gia tăng đáng kể.
Giữa tháng Tư năm 1797, quân đội Anh đưa một hạm đội với trên 64 tàu chiến đến xâm chiếm Puerto Rico. Quân đội Tây Ban Nha chống trả mãnh liệt. Hai bên đều chịu tổn thất nặng nề. Cuối tháng Tư năm đó, Anh tuyên tố ngưng chiến và bắt đầu rút lui khỏi San Juan. Vào thời điểm này, các phong trào tranh đấu giành độc lập tại các thuộc địa Tây Ban Nha cũng bắt đầu nổi lên.
Năm 1809, Puerto Rico đã được Tây Ban Nha nhìn nhận như một tỉnh hải ngoại. Được nhiều quyền tự trị hơn, người dân bản xứ và người nô lệ Phi Châu cũng bắt đầu tổ chức nhiều cuộc nổi loạn. Nổi tiếng nhất là cuộc nổi của ông Marcos Xiorro năm 1821. Mặc dù cuộc nổi loạn không thành công, nhưng ông Xiorro đã tạo được một khí thế mạnh trong lòng dân bản địa và được dành cho một chỗ đứng  quan trọng trong lịch sử Puerto Rico.
Đầu Thế kỷ 19, cảm hứng từ những lý tưởng của nhà cách mạng Simon Bolivar, người đã lãnh đạo cuộc tranh đấu giành độc lập cho một số nước Châu Mỹ La Tinh như Venezuela, Bolivia, Colombia, Ecuador, Peru và Panama...người dân Puerto Rico cũng đứng lên tranh đấu đòi độc lập. Tuy nhiên, người lãnh đạo của phong trào là Thống đốc Puerto Rico, ông Miguel de la Torre cùng với những thành phần chủ chốt của phong trào, đã bị giam tù hay bị đày ra nước ngoài.
Trước sự gia tăng của các phong trào giành độc lập tại các thuộc địa ở Nam và Trung Mỹ trong thượng bán Thế kỷ 19, Triều đình Tây Ban Nha xem Puerto Rico như một điểm chiến lược quan trọng cho nên đã ào ạt đưa di dân sang lập nghiệp tại đây. Bên cạnh 450.000 người Tây Ban Nha, Triều đình Tây Ban Nha còn mời mọc những người Tây Phương khác như Anh, Pháp và cả Mỹ đến định cư tại Puerto Rico, với điều kiện là họ phải tuyên thệ trung thành với triều đình và với Giáo hội Công giáo La Mã. Chiến dịch chiêu dụ này rất thành công. Người Tây Phương từ khắp nơi dồn về Puerto Rico. Tuy nhiên, tình trạng nghèo đói và các chính sách hà khắc của Tây Ban Nha đã khiến cho nhiều người thất vọng. Song song với các cuộc nổi dậy, người dân Puerto Rico cũng đứng lên tranh đấu để giải phóng người nô lệ. Năm 1873, chế độ nô lệ đã chính thức được bãi bỏ tại Puerto Rico. 25  năm sau, trước sự tranh đấu liên lỉ của các nhà cách mạng Puerto Rico, Triều đình Tây Ban Nha đã dành cho thuộc địa này quy chế bán tự trị và được tổ chức như một tỉnh hải ngoại của Tây Ban Nha.
Song song với các phong trào nổi lên giành độc lập tại Châu Mỹ La Tinh, Tây Ban Nha còn phải đối đầu với Hoa Kỳ, một cường quốc mới tại Mỹ Châu. Với một lực lượng hải quân ngày càng hùng mạnh, Hoa Kỳ cũng muốn có những thuộc địa tại vùng vịnh Caribe, vừa để khai thác than đá, vừa đề thiết lập các căn cứ hải quân. Những căn cứ này sẽ là những căn cứ chiến lược để bảo đảm việc xây dựng một kênh đào xuyên qua Panama hầu tàu bè có thể qua lại dễ dàng giữa Đại tây dương và Thái bình dương. Ngoại trưởng dưới thời hai tổng thống Abraham Lincoln và Andrew Johnson là ông William H. Seward đã từng đề nghị Hoa Kỳ sáp nhập Cộng hòa Domingo và Cuba. Nhưng Thượng viện Mỹ đã bác bỏ đề nghị này. Ngoài ra việc Hoa Kỳ muốn viện trợ cho Puerto Rico và Cuba 160 triệu Mỹ kim cũng bị Tây Ban Nha bác bỏ.
Có thể đây là một trong những lý do khiến Hoa Kỳ tuyên chiến với Tây Ban Nha. Ngày 25 tháng Bảy năm 1898, Hoa Kỳ đưa quân xâm chiếm Puerto Rico. Sự thù nghịch giữa 2 nước đã lên đến cao điểm sau khi Tây Ban Nha đánh chìm Chiến hạm USS Maine của Hoa Kỳ đang đậu tại Hải cảng Havana, Cuba. Lấy cớ này, Hoa Kỳ đã can thiệp vào Cuba và giúp cho thuộc địa này giành độc lập. Kết thúc cuộc chiến với Hòa ước Paris, Tây Ban Nha đã phải nhượng Puerto Rico cùng với Phi Luật Tân và đảo Guam cho Hoa Kỳ. Tuy không chịu nhượng Cuba cho Hoa Kỳ, nhưng Tây Ban Nha cũng từ bỏ chủ quyền đối với Cuba. Kể từ đó, mặc dù được độc lập, nhưng Cuba lại nằm dưới quyền bảo hộ của Hoa Kỳ mãi đến cho đến năm 1958 là năm  Fidel Castro thực hiện cuộc cách mạng “vô sản” và Cuba rơi vào quỹ đạo của thế giới cộng sản.
Sau khi chiếm Puerto Rico, Hoa Kỳ xem lãnh thổ này như một thuộc địa. Đầu Thế kỷ 20, Puerto Rico được trao cho quân đội quản trị  và thống đốc được tổng thống Hoa Kỳ bổ nhiệm. Sau đó, một chính quyền dân sự đã được thành lập với một hạ viện được dân chúng bầu lên. Nhưng thượng viện và thống đốc vẫn phải được Hoa Kỳ bổ nhiệm.
Năm 1914, Hạ viện Puerto Rico đồng thanh bỏ phiếu đòi được độc lập khỏi Hoa Kỳ, nhưng Quốc hội Mỹ xem đây là một hành động vi hiến.
Năm 1917, Quốc hội Mỹ thông qua một luật mới thừa nhận quyền công dân của tất cả những người Puerto Rico nào sinh vào hoặc sau ngày 25 tháng Tư năm 1898. Hạ viện Puerto Rico lại đồng thanh bỏ phiếu để phản đối luật này vì cho rằng Hoa Kỳ “áp đặt” quyền công dân lên người dân Puerto Rico là để cưỡng bách họ gia nhập quân đội Mỹ  và chiến đấu trong Đệ nhất Thế chiến. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn cương quyết bảo vệ luật này.
Thiên tai, trong đó có một trận động đất mạnh tạo ra sóng thần năm 1918 và nhiều trận bão cũng như cuộc Đại khủng hoảng kinh tế tại Hoa Kỳ đã khiến cho Puerto Rico trở nên nghèo nàn trong những thập niên đầu dưới quyền cai trị của Hoa Kỳ.
Năm 1947, Hoa Kỳ đã cho phép người dân Puerto Rico được bầu chọn thống đốc của họ. Trong 2 thập niên 1950 và 1960, từ nền kinh tế nông nghiệp, Puerto Rico đã được kỹ nghệ hóa một cách nhanh chóng mang lại nhiều công ăn việc làm cho người dân. Ngày nay Puerto Rico đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng thế giới  và là một trung tâm toàn cầu về kỹ nghệ dược phẩm.
Kể từ cuối Thế kỷ 20, Puerto Rico đã cho tổ chức nhiều cuộc trưng cầu dân ý về quy chế chính trị của lãnh thổ. Trong cuộc trưng cầu dân ý mới nhất dạo tháng Sáu năm 2017 vừa qua, vấn đề thành lập tiểu bang và độc lập đã được đưa ra cho người dân chọn lựa. Đa số dân chúng muốn trở thành một tiểu bang hơn là độc lập. Cùng với kết quả của cuộc trưng cầu dân ý này, các nhà lập pháp của Puerto Rico cũng muốn thông qua một dự luật cho phép thống đốc được soạn thảo hiến pháp của tiểu bang và tổ chức bầu cử để chọn thượng nghị sĩ và dân biểu vào Quốc hội Liên bang. Quốc hội Mỹ vẫn chưa thảo luận về đòi hỏi này. Nhưng dù cho quy chế chính trị của Puerto Rico có thay đổi như thế nào đi nữa, người dân của lãnh thổ này vẫn mãi mãi là công dân Mỹ và họ chỉ mong được đối xử một cách bình đẳng, nhất là khi xảy ra thiên tai.

(Nguồn
https://www.washingtonpost.com/news/posteverything/wp/2017/10/06/president-trump-has-no-idea-whats-happening-in-puerto-rico
-https://en.wikipedia.org/wiki/Puerto_Rico)