Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Vạ miệng


Chu Thập
23.09.16

Vùng tôi ở có một loài chim có tiếng hót rất đặc biệt. Tôi đặt tên cho chúng là “chim xây cất”. Không rõ đi đâu và làm gì trong suốt mùa Đông, nhưng cứ mỗi độ Xuân về, khi hừng đông vừa ló dạng, tiếng hót của chúng nổi bật và rảnh rang đến độ tôi nghe rõ mồn một điệp khúc: “một xây hai cất, một xây hai cất, một xây hai cất...” Sở dĩ tôi nghe được một điệp khúc như thế là vì trong tai tôi đã có ghi sẵn câu nói quen thuộc mỗi khi  đề cập đến tình trạng tham nhũng ở Việt Nam: “Có xây thì có cất”. Nhà thầu nào mà chẳng tính chuyện lời lãi khi xây cất. Bỏ ra một để xây thì cũng phải “cất” vào túi ít nhứt gấp 2, 3 lần mới đáng công. Còn ở Việt Nam ngày nay, trong bất cứ công trình xây dựng nào được ngoại quốc tài trợ, xin được 10 đồng thì người ta lại “cất” vào túi cũng phải đến 5,7 đồng hoặc trọn gói cũng có. Thành ra mới có chuyện những cây cầu mới khánh thành đã gẫy hoặc đường nhựa được lót không phải bằng cốt sắt mà bằng ống tre.
Không rõ loài “chim xây cất” ở vùng tôi có biết và ngao ngán về tệ nạn tham nhũng ở Việt Nam không, nhưng có lẽ hót mãi rồi cũng có lúc cảm thấy mỏi miệng, nó chỉ còn biết than: “Một đêm cất, một đêm cất, một đêm cất...”. Rồi đến một lúc, dường như líu lưỡi, nó chỉ còn nấc lên: “Cất, cất, cất...”
Nghe chim hót mà cứ nghĩ đến tình trạng tham nhũng ở Việt Nam mãi tôi cũng thấy chán. Cho nên gần đây, mỗi lần nghe loài chim “xây cất” than thở rồi uất nghẹn đến nỗi không còn hót được nữa, tôi lại nghĩ đến hiện tượng líu lưỡi của loài người.
Tôi không thuộc loại người hùng biện và cũng chẳng bao giờ bắt chước diễn giả nổi tiếng của Hy Lạp thời cổ là ông Demosthenes (384-322 trước công nguyên) mỗi ngày ra biển ngậm sỏi vào miệng để hét lớn trước sóng cả để luyện giọng và nhứt là để tránh nói ngọng. Lưỡi của tôi không dài đến nỗi ngọng nghịu. Lúc nhỏ tôi cũng chưa từng bị chế nhạo vì nói ngọng. Nhưng ngày nay trong cuộc sống hằng ngày tôi thường vấp váp khi nói chuyện, nhứt là khi phải trao đổi bằng Anh ngữ. Có lúc, vì líu lưỡi (lapsus linguae), nghĩ đến từ này nhưng miệng tôi lại bật ra tiếng khác. Do ngu dốt hoặc hiểu không thấu đáo, tôi thốt ra nhiều tiếng hoặc nhiều câu ngớ ngẩn là chuyện thường. Cũng may, trong văn hóa Tây Phương, mình nói sai thì cùng lắm người ta hỏi lại hoặc tế nhị giúp mình sửa lại chớ chẳng có ai cười nhạo như trong văn hóa  “cái gì cũng cười” của người Việt Nam. Và cũng may và an ủi hơn nữa, tôi biết rằng trong chuyện giao tiếp hàng ngày, dù trong ngôn ngữ nào, ai cũng bị líu lưỡi cả. Theo báo mạng Psychology Today, “mỗi ngày hầu hết mọi người ai cũng đều bị líu lưỡi từ 7 đến 22 lần” (x. Slips of the Tongue/Psychology Today)
Dĩ nhiên, là người vô danh tiểu tốt  trong xã hội, nếu có bị líu lưỡi hoặc chẳng kịp suy nghĩ mà nói “tầm bậy tầm bạ”, thì tôi chẳng sợ bị ai để ý đến hoặc cười nhạo cả. Nhưng các nhà lãnh đạo, dù trong lãnh vực nào, vì là người của quần chúng mà bị líu lưỡi đến độ dùng từ sai hoặc nói bậy, thì đương nhiên phải lãnh cái vạ “thần khẩu hạ xác phàm” thôi. Như cựu Thủ tướng Tony Abbott của Úc Đại Lợi chẳng hạn. Ngoài một số từ mới mà ông đã ứng khẩu sáng chế  ra và nay được từ điển Oxford chính thức  đưa vào kho ngữ vựng Anh ngữ, ông hay bị líu lưỡi đến độ “râu ông được cắm vào cằm bà” không đúng chỗ chỉ khiến cho dân chúng Úc cười mệt nghỉ thôi. Chẳng hạn, trong một cuộc gặp gỡ với giới cử tri ủng hộ Đảng Tự Do tại Melbourne dạo tháng 8 năm 2013, ông nói nguyên văn như sau: “No one - however smart, however well-educated, however experienced - is the suppository of all wisdom (chẳng ai, cho dù thông minh, học cao và có kinh nghiệm đến đâu là người có cả “túi” khôn cả). Lẽ ra ông phải dùng chữ “repository”, nhưng có lẽ do líu lưỡi hoặc chưa tra tự điển cho kỹ chăng, ông lại dùng từ “suppository” (thuốc nhét hậu môn). Dân Úc vốn dễ dãi cho nên khi nghe nhà lãnh đạo của mình “vô tình” chọc cười, họ cũng chỉ biết cười thôi, chớ hơi đâu mà bắt lỗi.
Thật ra cựu Thủ tướng Abbott không phải là nhà lãnh đạo duy nhứt trở thành nhà chọc cười bằng những cú líu lưỡi của mình. Về khoản này thì cựu Tổng thống “cao bồi Texas” Georges W Bush của Mỹ đâu có thua gì ông Abbott. Chỉ cần mở Google , gõ tên ông là thấy hiện lên tức khắc  50 câu nói buồn cười và  ngu xuẩn nhứt của ông. Ông bị líu lưỡi cũng nhiều, mà “dốt” Anh ngữ cũng có. Dù sao, ngoại trừ di sản ông để lại là mối bòng bong ở Trung Đông, chuyện líu lưỡi và “vô tình” chọc cười của ông cùng lắm bị mang ra chế diễu chớ chẳng gây thù chuốc oán cho ai cả. Có đâu như ông Nguyễn Xuân Phúc, đương kim thủ tướng cộng sản Việt Nam. Không nghe nói ông này bị líu lưỡi. Nhưng mới đây, nhiều người Việt Nam có lẽ cảm thấy nhục quốc thể khi ông thủ tướng với nhiều bằng cấp đại học này phát âm chữ “Made in Vietnam” thành “Ma-dze in Vietnam”. Cũng mới đây, tại Hội Nghị Thượng Đỉnh các nước thuộc khối Đông Nam Á, không hiểu trình độ tiếng Anh của ông thủ tướng Việt Nam cỡ nào mà khi phó nhòm ra hiệu cho các vị nguyên thủ bắt chéo tay nhau để chụp hình thì một mình ên ông lại hớn hở giơ tay lên vẫy chào, mà chẳng biết chào ai. Tôi thấy tội nghiệp cho ông mà cũng xót xa cho người dân có một nhà lãnh đạo như thế.
Chuyện của ông Phúc làm tôi nhớ lại khả năng tiếng Anh của ông Joseph Estrada, cựu tổng thống của Phi Luật Tân, quốc gia vốn xem Anh ngữ như một ngôn ngữ chính thức. Người dân Phi thường đem thứ tiếng Anh ba rọi của ông tổng thống xuất thân là tài tử điện ảnh này ra chế diễu. Tuy nhiên, trong một đất nước mà người dân thích nói “Taglish” (thứ ngôn ngữ pha trộn giữa Anh ngữ và tiếng Tagalog do chính tài tử Estrada quảng bá) hơn Anh ngữ thuần túy, chuyện Tổng thống Estrada dốt Anh ngữ bị mang ra chế diễu có lẽ không đến nỗi phải lo ngại cho bằng kiểu ăn nói du côn du đãng của đương kim Tổng thống Rodrigo Duterte. Dường như ông tổng thống thứ 16 của quốc gia hải đảo này chẳng nể nang ai cả. Tổng thống Hoa Kỳ ông cũng chửi. Giáo hoàng ông cũng không tha. Trong Anh ngữ, cùng lắm người ta quen miệng chửi “son of bitch” (đồ chó đẻ). Còn ông, cứ mở miệng ra là “đồ con của đĩ” (Putang ina). Ở cương vị nguyên thủ quốc gia mà gọi một vị nguyên thủ nước khác như thế quả là một sự xúc phạm nặng nề khó tha thứ được. Có lẽ vì quốc thể mà Tổng thống Barack Obama đã từ chối cuộc gặp gỡ với ông Duterte được dự trù diễn ra bên lề Hội Nghị Thượng Đỉnh các nước Đông Nam Á được tổ chức tại Lào dạo đầu tháng 9 vừa qua.
Không biết có phải  Tổng thống Duterte đã học được cái thói ngang tàng, ăn nói lố lăng và chửi rủa người khác của ứng cử viên tổng thống Mỹ thuộc Đảng Cộng Hòa là ông Donald Trump không. Báo chí đã có lý để gọi ông Duterte là một ông “Trump của Á Châu”. Nhưng họ giống nhau ở chỗ được dân chúng nhiệt liệt ủng hộ. Bên Phi, mặc dù thành tích vi phạm nhân quyền của ông Duterte bị cả Hoa Kỳ lẫn Liên Hiệp Quốc lên án, vẫn có đến 90 phần trăm dân chúng tán thành việc ông ra lệnh giết những kẻ bị tình nghi có dính líu đến ma túy mà không cần mang ra xét xử. Trong khi đó thì dù cho báo chí Mỹ có chống đối, người thức thời có gọi ông là tên dốt nát, kẻ ngu xuẩn hay lố lăng đi nữa, ông Trump không những đã đánh bại 16 đối thủ nặng ký của Đảng, mà còn lăm le qua mặt bà Hillary Clinton trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc vào tháng 11 tới đây. Cái thời “cũng bởi thằng dân ngu quá lợn cho nên quân nó dễ làm quan” của cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu biết đâu lại chẳng đang được lập lại tại một đất nước văn minh bậc nhứt như Hoa Kỳ.
Không biết xã hội Mỹ có phải là một xã hội bạo động không, nhưng chuyện mang súng bắn xối xả vào đám đông cứ diễn ra như trong các phim cao bồi viễn Tây. Không biết người dân Mỹ có thích bạo động không, nhưng rõ ràng là hiện có rất nhiều người đang ủng hộ một người có chủ trương giải quyết nhiều vấn đề bằng bạo động, nhứt là bạo động trong lời nói.
Trong xã hội loài người cũng như thú vật, ngôn ngữ là để thông tin liên lạc với nhau và để tự thể hiện chính mình. Nói, dù là nói xàm nói gở một mình, cũng là một cách muốn khẳng định rằng mình đang hiện hữu và muốn được người khác chú ý lắng nghe. Nhưng con người cũng nói để bắt nạt, để thị oai hay cũng để trấn áp hay tấn công người khác. Con người không chỉ bạo động khi đấm đá hoặc dùng khí giới để tấn công người khác. Ngày nay người ta cũng nói nhiều đến bạo động bằng lời nói, nhứt là trong đời sống gia đình. Vợ chồng không cần phải đấm đá nhau mới gọi là bạo hành. Chỉ cần to tiếng chửi rủa nhau cũng đủ để gọi là bạo hành.
Tôi vẫn nhớ mãi những “trận thư hùng ” lúc còn nhỏ. Cũng giống như trong truyện Tàu, trước khi quẩn thảo nhau lúc nào cũng có màn khích bác chửi rủa nhau, thường là với thứ ngôn ngữ có dính líu đến những cơ phận trong thân thể mà nhà đạo của tôi gọi là “chỗ dơ dáy”. Phải bị nhục mạ và xúc phạm bằng thứ ngôn ngữ của thân xác ấy thì mới cảm thấy bị kích thích đủ để nhào vào ăn thua đủ với nhau bằng chân tay.
Nhờ được dạy dỗ, tôi đã quên hẳn sự bạo động bằng thứ ngôn ngữ của tục tằn ấy. Mẹ tôi cứ bảo: “câu nhịn bằng chín câu lành” con ạ. Bạo động bằng lời nói, tự nó, đã là một thứ chiến bại rồi. Đức Phanxicô dường như đã chẳng có phản ứng nào khi bị ông Duterte chửi: “Đồ chó đẻ, về nhà đi” khi hơn một triệu người công giáo Phi ra đường  đón chào ngài khiến cho ứng cử viên tổng thống Duterte phải bị kẹt xe. Tôi cũng phục tư cách của Tổng thống Obama khi bị ông Duterte gọi là “con của đĩ”. Tại Hội Nghị Thượng Đỉnh các nước Đông Nam Á, mặc dù hủy bỏ buổi gặp gỡ chính thức với ông Duterte, Tổng thống Obama vẫn bắt tay ông. Ai thắng ai thua trong cuộc chiến xã giao và lịch sự thì đã rõ!
Mùa xuân, mỗi lần nghe loài chim “xây cất” cất tiếng chào bình minh, tôi cũng thường nhớ lại lời mẹ dặn: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe” hoặc “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Làm được một người khôn ngoan, biết nói năng dịu dàng để không ăn miếng trả miếng, để không có thái độ ngạo mạn và  bạo động đối với người khác là chuyện phải học cả một đời. Quả thật, trong suốt cuộc sống, nếu phải hối tiếc thì có lẽ tôi không hối tiếc vì mất mát thua thiệt cho bằng những lần bạo động bằng lời nói. “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” mà! Có khi một lời nói xúc phạm lại khó quên hơn một cử chỉ bạo động. Xét cho cùng, sống tử tế với người khác chính là trước tiên không dùng lời nói để xúc phạm đến họ. Như văn hào Mỹ Mark Twain (1835-1910) đã nói: “Tử tế là ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe được và người mù cũng nhìn thấy”.





Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Gieo mầm hy vọng


Chu Thập
20.02.13


Mưa suốt tuần, làm vườn không được, đi câu thì xách cần về không, chẳng biết làm gì để giết thì giờ, tôi bèn chui vào rạp xi nê. Có mấy cuốn phim nghe thiên hạ khen hay, định đi coi thì không còn chiếu. Những cuốn phim hay đang chiếu thì lại chiếu không đúng giờ mình muốn xem. Bất đắc dĩ tôi phải chọn cuốn phim “Les misérables” (những người khốn khổ) để tiêu bớt cái “quỹ thời gian” còn quá dồi dào của mình.
Cốt chuyện thì tôi đã biết. Tôi cũng đã xem cuốn phim trắng đen do tài tử gạo cội của Pháp Jean Gabin thủ diễn cách nay cũng đã hơn 50 năm. Lần này, đúng như kiểu nói ngồ ngộ của ông già bà già tôi ngày xưa, tôi không đi xem “xi nê”, mà là đi “coi hát”. Thật vậy, cuốn phim “Les misérables” đang được trình chiếu và nghe đâu được đề cử tranh giải Oscar năm nay, là một cuốn phim “ca vũ nhạc kịch”. Gọi là “cải lương Tây” cũng được, bởi vì cũng giống như trong “cải lương ta”, hầu hết các diễn viên đều hát và hát rất “mùi”. Lao động khổ sai trong chốn lao tù cũng hát. Sắp sửa đấu kiếm hay bắn súng cũng hát. Lấy hơi lên trước khi chết cũng hát. Chỉ có điều, phải nói là “cải lương Tây” được dàn dựng công phu, “hoành tráng” và với kỹ thuật cao hơn “cải lương ta” nhiều. Những ai đã xem “Jesus Superstar” hay “The sound of music” không thể không thích “Les misérables”.
Nhưng với tôi, đi xem xi nê không chỉ để giải trí lúc nhàn rỗi hoặc để thưởng thức nghệ thuật hay kỹ thuật, mà còn để rút tỉa một bài học nào đó. Những nhân vật chính trong tác phẩm để đời của văn hào Pháp Victor Hugo (1802-1885) thì tôi rất quen thuộc. Không thể không cảm phục vị giám mục đã đối xử quảng đại và độ lượng với kẻ mình vừa làm ơn lại quay ra ăn cắp đồ đạc trong nơi thờ phượng. Không thể không ngưỡng mộ ý chí, nghị lực và nhứt là lòng từ tâm của nhân vật chính Jean Valjean, người suốt đời bị hàm oan, nhưng vẫn luôn lấy ân báo oán. Và dĩ nhiên, cũng không thể không xúc động trước cảnh khốn khổ mà cô Fantine, người phụ nữ bị đẩy vào vòng nô lệ của mại dâm nhưng vẫn luôn muốn sống cho đứa con gái của mình. Đó là những kẻ khốn khổ thật sự được ngòi bút thiên tài của văn hào Victor Hugo lột tả và được các nhà làm phim của thời đại làm cho sống lại. Nhưng với tôi, lần này, tôi lại nhận ra một kẻ “khốn khổ” khác đáng chú ý hơn: đó là nhân vật thanh tra cảnh sát Javert, người bỏ công suốt đời đi truy tìm và săn đuổi Jean Valjean để rồi cuối cùng, trong cơn tuyệt vọng, đã gieo mình xuống dòng sông Seine. Do một trong những tài tử nổi tiếng nhứt của Úc là Russell Crowe thủ diễn và theo nhận xét của nhiều người, thủ diễn một cách tồi đến độ đáng được trao giải “Mâm xôi”, nhân vật Javert cũng có một cuộc sống “tồi”: tồi ở chỗ suốt đời chỉ biết “luật là luật” để nhắm mắt tuân thủ một thứ luật pháp bất công và tỏ ra xơ cứng trước bao nỗi khốn khổ của những người xung quanh và nhứt là của những kẻ mình đang truy tìm. “Câu vọng cổ” cuối cùng của Javert trước khi gieo mình xuống dòng sông Seine thật ý nghĩa: ông so sánh cuộc đời của mình với cuộc đời của Jean Valjean. Trong khi Jean Valjean, dù khốn khổ trăm chiều, vẫn luôn biết sống cho người khác, còn ông thì lại chỉ biết suốt một đời hãm hại người khác. Thấy cuộc sống của mình chẳng có ý nghĩa gì, ông thất vọng đến độ gieo mình xuống dòng sông.
Ngẫm nghĩ, tôi thấy cái nỗi “khốn khổ” lớn nhứt trong đời người chính là sống một cuộc sống không có ý nghĩa, sống mà không biết tại sao mình sống, sống không có bất cứ niềm hy vọng nào và nhứt là không gieo được một mầm mống hy vọng nào cho người khác.
Từ cảm nhận ấy, tôi thấy phải xét lại bậc thang giá trị trong cuộc sống của mình. Điều gì làm nên giá trị và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của tôi?
Trên phụ trương “The weekend Australian magazine” của báo The Australian, 9&10/2/2013 vừa qua, tôi có đọc được một bài viết về một thi sĩ và họa sĩ nổi tiếng của Trung Quốc hiện nay là ông Yan Zhen, năm nay đã 82 tuổi.
Một trong những bài thơ của ông được nhiều người thích nhứt có nội dung như sau:
Bạn giàu có ư?
Tôi cũng giàu có
Tôi hiện đang giàu có hơn bất cứ lúc nào
Nhưng giàu có không chỉ có nghĩa là
Có một ngôi nhà
Có một chiếc xe hơi
Có một mảnh đất

Bạn là người đẹp ư?
Tôi cũng là người đẹp
Tôi hiện đang đẹp hơn bất cứ lúc nào
Nhưng đẹp không chỉ có nghĩa là
Kẻ lông mày
Nhuộm tóc
Thoa son trét phấn trên mặt

Chúng ta cần có một giấc mơ mới
Chúng ta cần có một “giấc mơ” Trung Quốc.

Bài thơ trên đây của ông Yan Zhen nổi tiếng đến độ trong bài diễn văn nhậm chức, tân tổng bí thư kiêm chủ tịch nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, đã nói đến “giấc mơ Trung Quốc” và lấy “giấc mơ Trung quốc” làm khẩu hiệu cho “triều đại” của ông.
Giấc mơ Trung quốc mà ông Yan Zhen nói đến là giấc mơ về một Trung Quốc không tham nhũng, không bất công, một Trung Quốc trong đó người người biết lấy tình người mà đối xử với nhau. Sở dĩ nhà thơ có giấc mơ ấy và rất nhiều người dân Trung quốc hiện nay cũng đều đang mong muốn như thế là bởi vì hiện nay, sau hơn 3 thập niên mở cửa theo khẩu hiệu của ông Đặng Tiểu Bình “mèo trắng mèo đen gì cũng được, miễn là bắt được chuột”, một Trung Quốc giàu mạnh đã bóp nghẹt mọi giá trị đạo đức, lấy dối trá lừa đảo làm sự thật, lấy độc ác tàn bạo thay thế cho sự thiện và tình người. Một Trung quốc như thế không chỉ là một thảm họa cho chính mình, mà còn gieo rắt bao điều độc hại cho toàn thế giới. Ở Đông Nam Á, với mộng bá quyền, quốc gia cộng sản khổng lồ này đang đe dọa chết chóc. Trên toàn thế giới, qua các sản phẩm được sản xuất không theo bất cứ một tiêu chuẩn đạo đức nào, quốc gia này không chỉ đầu độc thế giới bằng những hóa chất giết người, mà còn làm băng hoại thế giới bằng những lọc lừa dối trá. Nhiều nơi trên thế giới đã có lý để kêu gọi tẩy trừ nọc độc của quốc gia cộng sản này.
Quyền lực, sự thịnh vượng về của cải vật chất không đương nhiên làm cho một quốc gia trở thành giàu mạnh thực sự. Đó là điều mà nhà thơ Yan Zhen muốn nhắn gởi cho các nhà lãnh đạo Trung quốc. Điều này dĩ nhiên cũng có giá trị cho cuộc sống của mỗi cá nhân. Điều làm nên giá trị và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống con người chắc chắn không phải là của cải vật chất, quyền lực hay danh vọng. Giữa bao nỗi “khốn khổ”, một Jean Valjean vẫn cố gắng ngoi lên để sống cho người khác, ngay cả chính kẻ đang tìm cách hãm hại mình. Phải đến phút chót, khi được cứu mạng, thanh tra Javert mới nhận ra được giá trị và ý nghĩa của những hành động hy sinh quên mình của Jean Valjean. Con người tưởng chừng suốt đời “khốn khổ” này đã sống một cuộc sống có ý nghĩa; ông đã gieo rắc niềm hy vọng và “đổi đời” cho không biết bao nhiêu người.
Kỳ nghỉ hè vừa qua, trong chuyến đi nghỉ ở vùng nội địa phía Bắc của tiểu bang New South Wales, tôi được dịp thưởng thức những trái mơ (apricot) “rừng”. Rừng ở đây là những cây không do ai trồng, nhưng mọc lên bên vệ đường ở những nơi vắng vẻ. Thấy tôi vừa ăn trái vừa thắc mắc về nguồn gốc của những cây mơ này, người thân của tôi giải thích rằng khi đi qua những đoạn đường này, du khách đã quăng hạt xuống. Trời sinh trời dưỡng, hạt giống được gieo xuống lòng đất, đã nẩy mầm, thành cây và sinh hoa kết trái. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Người quăng hạt giống có ý thức hay không, hành động của họ cũng đã mang lại niềm vui cho nhiều người. Chẳng có hạt giống hy vọng nào được gieo vãi mà không mang lại niềm vui cho người khác.
Trên “meo đàn” của nhóm học sinh cùng trường, tôi còn giữ được một bài viết không thấy đề tên tác giả.Trong bài viết, tác giả cho rằng trẻ con và người già giống nhau ở chỗ cả hai đều sống như thể không có ngày mai. Với họ, cuộc đời không phải là một đường thẳng và cuộc hành trình xem ra cũng chẳng có một điểm đến nhứt định, mà trái lại có những ngã rẽ bất ngờ.
Khuyên ta nên sống như trẻ con và người già, tác giả vô danh này viết: “Nếu ta biết đời không phải là đường thẳng và ta có thể vòng lại điểm đã qua, thì tốt hơn là trên mỗi bước đi, ta nên ném ra vài hạt trái cây, ngũ cốc bên đường, hy vọng là dọc đường sẽ mọc nhiều cây trái, để lúc nào đó ta vòng lại thì có thể đã có sẵn trái ngon chờ đợi! Đi đến đâu gieo hạt giống đến đó, tức là sống hôm nay mà trồng cho ngày mai đó, các bạn ạ.
Dĩ nhiên là không phải hạt nào cũng lên cây tốt. Nhiều hạt sẽ bị chim ăn, nhiều hạt sẽ chết đi, nhưng sẽ có một ít hạt nẩy mầm sinh cây. Và những cây này, biết đâu lại sinh hoa trái và chim chóc sẽ mang hạt của chúng gieo rắc hàng bao nhiêu dặm xa khắp nơi. Cuộc đời biến hóa vô lường, làm sao ta có thể đoán hết kết quả của chỉ một hạt nầy mầm, huống chi là khi ta gieo nhiều hạt mỗi ngày”.
Một cách cụ thể, những hạt giống mà tác giả khuyên nên gieo mỗi ngày là những nụ cười, những lời cám ơn, những lời nói hiền dịu. Kế đó là tiền bạc: nếu có thể chia sẻ cho ai một ít tiền thì cứ làm. Nếu có thể giúp ai đỡ đói một ngày thì cứ giúp. Công việc làm ăn cũng là một thứ hạt giống có thể gieo trồng. Nếu có thể mách bảo ai một cơ hội làm ăn thì mách bảo; nếu có thể dạy ai một cách kiếm tiền (dĩ nhiên một cách lương thiện) thì cứ dạy; nếu có thể chia sẻ lợi nhuận cho nhân viên thì đừng nhần ngại. Kiến thức cũng là một hạt giống cần gieo vãi: nếu có chút tài năng, hãy chia sẻ với người khác. Nhưng quan trọng hơn cả là những giá trị đạo đức và triết lý sống. Tác giả khuyên: “Nếu ta đã có kinh nghiệm sống, biết thế nào là đạo đức, thế nào là thiếu đạo đức, thế nào là tốt cho cuộc sống, thế nào là có hại, con đường nào sẽ đưa đến khổ đau, con đường nào sẽ đưa đến an lạc, thì hãy chia sẻ với anh chị em, nhất là những người ít kinh nghiệm sống hơn”.
Tôi rất tâm đắc với kết luận của bài viết: “Nếu mỗi người chúng ta đều gieo hạt dọc đường thì sẽ có hai chuyện xảy ra. Thứ nhất, riêng cá nhân ta, một lúc nào đó ta sẽ hưởng được trái ngọt của hạt giống ta gieo hôm nay. Bắt buộc là như vậy. Càng gieo nhiều và càng sống lâu, xác xuất được hưởng của ta càng tăng rất cao. Thứ hai, khi nhiều người gieo dọc đường, thì ai đi đâu, dọc đường nào, cũng đều có trái ngon chờ mình trên cây.”
Ngẫm nghĩ về lời khuyên trên đây và nhìn lại cảnh cuối trong cuốn phim “Les misérables”, tôi thấy quả thực con người “ khốn khổ” Jean Valjean đã thực sự hưởng được những gì mình đã gieo vãi. Trong những giây phút cuối đời trong một tu viện, bên cạnh Cosette, người con gái của nàng Fantine, mà ông đã nhận làm con nuôi và  nay được hạnh phúc trong vòng tay của chính người thanh niên cách mạng mà ông đã liều mạng để cứu sống, khuôn mặt của Jean Valjean như xuất thần. Ông vui với chính niềm vui của đôi bạn trẻ. Ông vui vì được gặp lại Fantine. Ông vui, dĩ nhiên, vì đã sống một cuộc sống có ý nghĩa, một cuộc sống vì tha nhân và nhìn thấy hoa trái mà ông đã khổ công gieo trồng. Ông thanh thản ra đi vì đã hoàn tất cuộc hành trình dương thế, tuy có vô vàn “khốn khổ”, nhưng đã mang lại cho ông niềm vui và hạnh phúc vì đã sống cho người khác.
Mỗi ngày nhìn lên ngọn đồi phía sau nhà, tôi thấy vui. Tôi đã trồng được một ít cây có lá đổi mầu với hy vọng sẽ thêm một ít mầu sắc cho khu rừng mỗi độ thu về. Tôi cũng đã ương được vài cây Macadamia. Người ta bảo phải mất ít nhứt 10 năm loại cây này mới có trái. Hệ gì. Tôi không hưởng thì thế nào cũng có người khác hưởng và thú rừng cũng hưởng. Tự nó, gieo một chút hy vọng cũng đủ để làm cho tôi cảm thấy vui rồi.


Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Nam Hàn và những người mắc bệnh AIDS


23.09.16


AIDS (bệnh liệt kháng) vẫn còn là một dịch bệnh đáng lo sợ trên thế giới ngày này. Kể từ ngày 5 tháng 6 năm 1981, khi dịch bệnh này được xem như chính thức bùng nổ, tính đến nay đã có tất cả 78 triệu người nhiễm vi khuẩn HIV. Trong số này đã có khoảng 35 triệu người chết. Theo thống kê năm 2015, hiện trên toàn thế giới vẫn còn 36.7 triệu người đang sống với vi khuẩn HIV. Riêng trong năm 2015, con số những người bị nhiễm HIV ước tính khoảng 2.1 triệu người. Nhìn chung trên toàn thế giới, số người bị nhiễm HIV có phần thuyên giảm và số người được chữa trị ngày càng nhiều. Theo một mục tiêu mới do Liên Hiệp Quốc đề ra, dịch bệnh AIDS sẽ phải bị dứt điểm vào năm 2030. Riêng tại một số nước tiến bộ, số người mắc bệnh AIDS hầu như không tăng nữa và dịch bệnh AIDS không còn được xem là một vấn đề y tế công cộng nữa. Như tại Úc Đại Lợi chẳng hạn, số người được chẩn đoán mắc bệnh AIDS mỗi năm rất nhỏ. Kể từ giữa thập niên 1990 khi thuốc chữa bệnh này được khám phá, số trường hợp mắc bệnh AIDS tại Úc đã thuyên giảm một cách đáng kể. Trước đó, đầu thập niên 1990, mỗi năm có đến 1000 người Úc chết vị bệnh này. Nay theo giáo sư Andrew Grulich, giám đốc Chương trình Phòng chống bệnh AIDS thuộc Viện Kirby, hầu như không còn nghe nói đến tử vong vì bệnh này nữa.
Được xếp vào hàng các nước thịnh vượng và tiến bộ, Nam Hàn là một trường hợp đặc biệt. Mặc dù Nam Hàn ngày nay được xem là một trong những quốc gia có hệ thống y tế tiến bộ nhất thế giới và bệnh AIDS đã được nghiên cứu từ 30 năm qua, những người mắc bệnh AIDS tại nước này vẫn còn bị khinh rẻ và bỏ rơi.
Cho tới nay, phần lớn người dân Nam Hàn, kể cả những bác sĩ có uy tín và ảnh hưởng lớn tại nước này vẫn còn xem AIDS là bệnh của những người đồng tính. Những người không may mắc phải bệnh này thường bị gia đình ruồng bỏ và bệnh viện từ chối chữa trị. Nhiều người ngoại quốc muốn cư trú tại Nam Hàn bị buộc phải đi xét nghiệm. Nếu bị khám phá có mang vi khuẩn HIV, họ sẽ bị trục xuất tức khắc, mặc dù chính phủ Nam Hàn đã cam kết với Liên Hiệp Quốc rằng những cuộc xét nghiệm về HIV đã chấm dứt từ nhiều năm nay.
Người dân Nam Hàn ít có hiểu biết về căn bệnh của thời đại này. Theo một cuộc thăm dò mới nhất, hầu hết dân chúng Nam Hàn đều nói rằng họ cảm thấy khó thân thiện với một người láng giềng nếu biết người này mắc bệnh AIDS.
Ông Son Moosoo, chủ tịch của tổ chức có tên là “Người Nam Hàn đang sống với HIV/AIDS”, nói rằng “ở Nam Hàn tìm được một bác sĩ không phải là điều khó, bởi vì nước này hiện đang là một trong những quốc gia đứng đầu về y tế. Nam Hàn không thiếu thuốc men và cũng không thiếu bác sĩ chữa trị. Có thiếu chăng là thiếu đối với các bệnh nhân AIDS mà thôi.”
Ngoài ra, đối với những tai nạn hay chứng bệnh thông thường như trật tay, gẫy chân hoặc đau răng, người đến xin chữa trị cũng sẽ bị từ chối nếu họ tiết lộ mình mắc bệnh AIDS hay đang mang vi khuẩn HIV. Ông Son là người đã được chẩn đoán có mang vi khuẩn HIV từ 20 năm nay. Ông cho biết có đến cả trăm người mắc bệnh AIDS tại Nam Hàn không được tiếp nhận vào các dưỡng đường đặc biệt để được chữa trị và chăm sóc 24 trên 24.
Theo ông Son, sở dĩ người mắc bệnh AIDS bị ruồng rẫy như thế là vì giới truyền thông luôn đầu độc người dân Nam Hàn rằng AIDS là một dịch bệnh rất nguy hiểm đối với dân chúng. Do đó, ai cũng khiếp sợ đối với bệnh AIDS và những người mắc bệnh này.
Tình trạng trở nên vô cùng bi đát vào năm 2014 khi Chính phủ Nam Hàn ngưng tài trợ cho Bệnh viện Sudong Yonsei. Đây là một bệnh viện chuyên trị bệnh AIDS. Sở dĩ chính phủ ngưng tài trợ cho bệnh viện này là vì tại đây đã xảy ra một loạt những vụ tai tiếng như hãm hiếp và bỏ bê bệnh nhân.
Thật ra, theo Bác sĩ Yeom Ansup, giám đốc bệnh viện Sudong Yonsei,  những vụ lạm dụng như thế chưa bao giờ xảy ra tại bệnh viên. Có lẽ do những lời tố cáo vô căn cớ của dân chúng hoặc do thành kiến chăng, chính phủ đã ra lệnh đóng cửa bệnh viện này.
Bác sĩ Yeom cho biết phần lớn những người mắc bệnh AIDS đều là những người nghiện ma túy và có những triệu chứng tâm thần liên quan đến AIDS. Do đó không thể cho họ ở chung với các bệnh nhân khác, nhất là những người lớn tuổi.
Bác sĩ Yeom cũng là một mục sư. Ông nói rằng các nhóm tranh đấu cho người mắc bệnh AIDS tại Nam Hàn đã đưa ra những bằng chứng dối trá để tố cáo ông, vì phần lớn các thành viên của những nhóm này đều là những người đồng tính. Bác sĩ kiêm mục sư này đã đi khắp nơi để giảng dạy cho giới thanh thiếu niên và kêu gọi họ chống lại giới đồng tính. Ông nói với họ rằng đồng tính là một khuynh hướng tính dục rất nguy hiểm và họ không nên “chọn” làm người đồng tính. Vị bác sĩ kiêm mục sư này là đại diện của rất đông người Nam Hàn có một cái nhìn tiêu cực và khinh miệt đối với người đồng tính.
Đồng tính chưa bao giờ được chấp nhận trong xã hội Nam Hàn. Tuy nhiên, trong 10 năm vừa qua, ngày càng có nhiều người đồng tính công khai xuất hiện và lên tiếng tranh đấu để được xã hội nhìn nhận. Jae Kim là một thành viên của một nhóm tranh đấu cho quyền bình đẳng của người đồng tính cho biết chính vì bị xã hội kỳ thị mà nhiều người đồng tính không dám đi làm xét nghiệm về HIV và nếu có nhiễm HIV họ cũng không được chữa trị. Ông nói: “Nam Hàn là một xã hội do đàn ông thống trị. Do đó, nếu bạn là đàn ông mà  có quan hệ tình dục với đàn ông, một cách nào đó bạn hạ giá nam tính. Đàn ông mà đồng tính là một điều nhục nhã cho gia đình và xã hội. Chính vì vậy mà người ta tìm cách xa lánh họ”.
Theo ông Kim, ngay cả trong cộng đồng đống tính, một khi khám phá một người nào đó bị nhiễm HIV, người ta cũng thường tránh né người đó. Ông nói: “Nếu bạn có quan hệ với một người nhiễm HIV, những người đồng tính khác sẽ nghĩ rằng bạn cũng bị nhiễm HIV”.
Bà Katharine Moon, giáo sư chính trị học tại trường Đại học Wellesley và chuyên gia về Nam Hàn tại Viện Brookings, cho rằng con số người bị nhiễm HIV tại Ham Hàn tương đối thấp. Với một dân số khoảng 50 triệu người mà chỉ có 10 ngàn người được xem là nhiễm HIV thì quả là một con số không đáng kể. Nhưng thật ra theo Giáo sư Moon, con số người nhiễm HIV tại Nam Hàn có thể cao hơn gấp 4 hay 5 lần, bởi vì cho tới nay rất nhiều người không dám đi xét nghiệm. Giáo sư Moon cũng nói đến cái nhìn phổ quát hiện nay tại Nam Hàn theo đó AIDS là một thứ dịch bệnh của người ngoại quốc. Người dân Nam Hàn cho rằng chính những người lính Mỹ cũng như các doanh gia Mỹ đã mang dịch bệnh này vào Nam Hàn và xuyên qua những người hoạt động trong dịch vụ tình dục, dịch bệnh đã lây lan ra cả nước.
Chính vì xem AIDS là một dịch bệnh do người ngoại quốc mang vào đất nước mình mà chính phủ Nam Hàn đã buộc một số người ngoại quốc phải làm xét nghiệm về HIV. Trong Thế Vận Hội Mùa Hè năm 1988 tại Thủ đô Seoul, những người tranh đấu trong các phong trào chống bệnh AIDS đã yêu cầu mọi du khách phải làm xét nghiệm về HIV. Các cơ quan truyền thông Nam Hàn nhân dịp này cũng cảnh cáo người dân không nên có quan hệ tình dục với người ngoại quốc. Tuy nhiên, lúc đó chính phủ đã nhắm mắt làm ngơ trước yêu cầu của dân chúng và người ngoại quốc không bị buộc phải trải qua một cuộc xét nghiệm nào.
Chỉ đến năm 2007, một số người ngoại quốc đến Nam Hàn để dạy Anh văn mới bị buộc phải đi làm xét nghiệm về HIV. Và hồ sơ lưu trữ cho thấy không có bất cứ người ngoại quốc nào đến Nam Hàn để giảng dạy Anh văn bị nhiễm HIV. Tuy nhiên vẫn có hàng loạt các phóng sự nặng mùi bài ngoại rêu rao rằng các giáo viên ngoại quốc là những “con thú săn mồi tình dục”. Dân chúng hoang mang đến độ chính phủ đã ra lệnh buộc mọi giáo viên ngoại quốc phải làm xét nghiệm về HIV.
Mặc dù các nhà ngoại giao Nam Hàn không ngừng khẳng định trước Liên Hiệp Quốc rằng đất nước họ không hề buộc người ngoại quốc phải xét nghiệm về HIV. Họ còn nói rằng Nam Hàn là một trong những quốc gia đi tiên phong trong thái độ khoan nhượng đối với những người mắc bệnh AIDS. Trong thực tế, tất cả những người ngoại quốc nào muốn đến Nam Han để giảng dạy, nếu họ tìm hiểu các thủ tục nhập cảnh qua đường giây diên thoại của Bộ Di trú Nam Hàn, họ luôn được trả lời rằng họ phải trải qua một cuộc xét nghiệm về HIV. Trong khi đó người Nam Hàn sinh sống tại nước ngoài khi xin nhập cảnh lại không bị buộc phải làm xét nghiệm.
Theo Luật sư Benjamin Wagner, một người Mỹ đã từng làm việc nhiều năm tại Nam hàn và chuyên về những vấn đề liên quan đến HIV và bệnh AIDS, xã hội Nam Hàn vẫn còn bảo thủ và ít hay nhiều vẫn bài ngoại. Tuy luật pháp Nam Hàn không có chứa đựng bất cứ khoản nào có tính cách kỳ thị về chủng tộc, phái tính hay tình trạng sức khỏe, nhưng  trong thực tế kỳ thị là điều rất thường xảy ra. Điển hình nhất là đối với người ngoại quốc và những người mắc bệnh AIDS.
Nam Hàn đã ký tên phê chuẩn một số Công ước quốc tế như Quyền chính trị và dân sự cũng như Loại trừ mọi hình thức kỳ thị chủng tộc và nhiều công ước khác. Điều 6 của Hiến Pháp Nam Hàn bảo đảm việc thực thi các công ước này. Nhưng theo luật sư Wagner, vấn đề là liệu có vị thẩm phán nào tại Nam Hàn nhìn nhận điều này không?
Luật sư Wagner đã từng đại diện cho một số người ngoại quốc bị nhiễm HIV cũng như không bị nhiễm HIV để tố cáo trước Liên Hiệp Quốc sự kiện họ bị cưỡng bách phải làm xét nghiệm về HIV. Nhưng theo ông, vấn đề là làm sao thay đổi được cái nhìn và thái độ của người dân Nam Hàn đối với người đồng tính và những người mắc bệnh AIDS.
Mi-ran Kwon, đại diện của một nhóm tranh đấu cho quyền bình đẳng của những bị HIV và AIDS, nói rằng chính sách xét nghiệm về HIV có một hậu quả tiêu cực đối với nền y tế công cộng của Nam Hàn. Theo bà Kwon, Nam Hàn là một trong những nước có nền y tế tiến bộ nhất thế giới. Tuy nhiên, Nam Hàn lại biến thành một quốc gia lạc hậu khi có chính sách kỳ thị đối với những người đang sống với vi khuẩn HIV. Điều đáng tiếc là Chính phủ Nam Hàn không chịu giáo dục công dân của mình một cách đúng đắn về bệnh AIDS cũng như không bênh vực quyền của những người đang phải sống với dịch bệnh này.

(theo http://thediplomat.com/2016/09/aids-in-south-korea-out-of-sight-out-of-mind/)




Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Về miền thơ ấu



Chu Thập
16.9.16

Một học sinh thuộc sắc tộc thiểu số ở Việt Nam tên là Ksor Sôn, 11 tuổi, “vào buổi sáng khai trường, bụng đói không có gì ăn, không có quần áo vừa vặn, phải mặc bộ quần áo đồng phục cũ từ năm xửa năm xưa, vừa chật vừa rách nát...đã không đi đến trường mà treo cổ chết trên một cành cây cách nhà 40 mét”. Câu chuyện thương tâm trên đây đã được dư luận trong nước bàn tán xôn xao. Riêng trên Việt Báo online ngày 11 tháng 9 vừa qua, câu chuyện được “minh họa” bằng một bức hình của một cậu bé chân lấm tay bùn, đầu trần, mình trần, với chiếc quần “xà  lỏn” sà xuống khỏi mông, đang cố gắng tải một gánh mạ. Tôi tin chắc đây là một bức tranh tả thực về cuộc sống của rất nhiều thiếu nhi Việt Nam hiện nay. Nó gợi lên cả một thảm cảnh của không biết bao nhiêu trẻ em Việt Nam ngày nay. Có em đã phải bỏ học để tự lực cánh sinh và đỡ đần cho gánh nặng kinh tế của gia đình. Có em không có đủ quần áo, tiền học nên phải bỏ học. Có em phải lặn lội trèo non lội suối giữa những hiểm nguy khôn lường để đến trường. Nhưng bức tranh ấy sẽ không đầy đủ nếu không kể đến vô số những đứa trẻ không những không được cắp sách đến trường mà cũng chẳng có đủ miếng cơm manh áo hàng ngày cho nên phải lang thang đầu đường xó chợ.
Ngắm bức hình  cậu bé đang gánh mạ, tôi không thể không nghĩ đến tuổi thơ của tôi. Mùa Đông năm 1967, trong vụ án thường được mệnh danh là “Xét lại Chống Đảng” ở Miền Bắc, nhà văn Vũ Thư Hiên đã bị Cộng sản Việt Nam bắt giam vào nhà tù Hỏa Lò. Trong bài tựa cho lần tái bản tại hải ngoại của quyển hồi ký “Miền Thơ Ấu” được cảm ứng từ chốn ngục tù ấy, nhà văn Vũ Thư Hiên đã giải thích: “Trong mùa đông ấy, không hiểu vì sao, tôi cảm thấy nhớ quê hương nhiều hơn bất cứ lúc nào. Cái đầu tiên gợi nhớ đến quê hương là mùi khói cay nồng từ những đống lá mà công nhân quét đường đốt lên để sưởi ấm, bên kia bức tường đá của nhà ngục. Ở quê tôi, người ta thường đốt những những đống rấm như thế để khói ngăn sương muối không hạ xuống vườn rau. Mùi khói thoang thoảng lọt xào xà lim bỗng dưng gây nên nỗi nhớ cồn cào  da diết.
Gối đầu trên đôi tay, tôi nằm dài trên phản xi măng lạnh ngắt, thả hồn về quá khứ, tự hứa với mình rằng thế nào cũng phải viết một cuốn sách về cái làng bùn lầy nước đọng quê hương. Cái làng nhỏ nhoi và nghèo khổ ấy gắn liền với thời thơ ấu của tôi, cái thời không mấy hạnh phúc nếu ngoài nhìn vào, nhưng tuyệt đẹp đối với tôi, mà cũng có thể đối với bất cứ ai từng có một quê để mà nhớ”.
Bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, tôi cảm thấy nhớ quê và nhớ đến tuổi thơ hơn bao giờ hết. Chưa từng bị tù đày và cũng chưa  rơi vào từng đáy địa ngục của cuộc sống bao giờ, nhưng cứ mỗi lần nhìn thấy hay nghe nói đến thảm cảnh của trẻ thơ Việt Nam hiện nay, tôi lại thấy mình trở về quê hương và về lại “miền thơ ấu”của tôi. Cái xóm giáo nhỏ ở ngoài Bắc của nhà văn Vũ Thư Hiên vào những năm trước khi cộng sản cướp chính quyền cũng không khác bao nhiêu so với cái xóm giáo nơi tôi được sinh ra và lớn lên: cũng nhỏ nhoi và nghèo khổ và cũng gắn liền với tuổi thơ của tôi! Và cũng như với nhà văn Vũ Thư Hiên, dù cái xóm giáo của tôi có bùn lầy nước đọng và nghèo khổ đến đâu, nó đã cho tôi được trải qua một thời “tuyệt đẹp”, đẹp  hơn bất cứ giai đoạn nào trong cuộc sống của tôi. Đúng như nhà văn Vũ Thư Hiên đã viết: “Tôi bao giờ cũng nhớ về tuổi thơ của mình với tất cả niềm thương yêu dịu dàng, bởi vì tuổi thơ của ai cũng vậy, nó chứa đựng những tình cảm đẹp nhất mà cuộc đời có thể dành cho ta, khi nắng bao giờ cũng lấp lánh và gió bao giờ cũng ngát hương”.
Tôi không giữ được hay đúng hơn cũng chẳng bao giờ có được một bức hình nào của tuổi thơ. Có chăng thì cũng chỉ được thu hình và giữ  kín trong ký ức của tôi. Nhưng nếu có ai ghi tên tuổi của tôi vào bên dưới bức hình của cậu bé gánh mạ, thì chẳng có vinh dự nào lớn hơn dành cho tôi. Sáu bảy tuổi tôi đã biết “ra đồng”, lội  bì bõm trong bùn, đem mạ non đến cho người ta cấy, bắt cua mò ốc như một nhà nông chính hiệu. Đó là chưa kể đến sự đóng góp của tôi vào kinh tế gia đình khi tôi đi câu cá, cắm câu hoặc bắn chim, bắt ếch, đào chuột để tăng thêm chất đạm cho các bữa ăn của cả nhà.
Trong cái xóm giáo nghèo của tôi, nhà tôi không giàu mà cũng chẳng nghèo rớt mồng tơi. Ngoại trừ một năm phải ăn cơm độn với khoai lang, hầu như trong nhà tôi lúc nào cũng có một bồ lúa đầy và một khạp đường đen. Nhưng về cái khoản may mặc thì có lẽ gia đình tôi cũng chẳng hơn giai cấp bần cố nông bao nhiêu. Mãi cho đến năm 12 tuổi tôi mới thực sự làm quen với giép “Nhựt” hay đôi “xanh đan”. Còn quần áo của tôi  thì cũng như cậu bé gánh mạ, không thủng đáy thì cũng lòi mông hoặc vá chùm vá đụp. Với bộ quần áo chẳng bao giờ được tươm tất và nhứt là với mái tóc cháy sám đến độ vàng hoe vì nắng cũng có mà vì thiếu dinh dưỡng cũng có, nếu gán cho tôi cái tên “thằng mọi” thì có lẽ hơi xúc phạm cho “thằng mọi”. Vậy mà ngày ngày tôi vẫn tỉnh bơ cắp sách đến trường. Trong cái xóm giáo của tôi, đa số học sinh đều bình đẳng trong sự nghèo nàn cả. Cho nên làm gì có cái mặc cảm rách nát trong tôi. Nhưng tôi thích học bờ học bụi hơn là học ở nhà trường. Những đứa trẻ chăn trâu có khi lại dạy cho tôi nhiều bài học hơn là thày cô giáo. Tuổi thơ của tôi đẹp vì được sống giữa thiên nhiên, gần với thiên nhiên và dĩ nhiên cũng gần với cuộc sống hơn. Tôi học được bài học yêu thiên nhiên, yêu đời và cũng yêu người từ giai đoạn đẹp nhứt trong cuộc sống là chính tuổi thơ. Tuổi thơ dạy tôi tìm kiếm niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống đơn giản mỗi ngày.
Tôi nghĩ có lẽ đương kim tổng thống Mỹ Barack Obama cũng có cùng một suy nghĩ ấy. Dường như tuổi thơ cũng đã dạy cho ông nhiều bài học.  Một trong những hình ảnh đẹp nhứt của vị nguyên thủ đệ nhứt siêu cường thế giới này có lẽ là lúc ông cầm nguyên một trái dừa trên tay và thưởng thức hương vị ngọt ngào của   nước dừa tại Lào, nhân dịp tham dự hội nghị thượng đỉnh các nước Đông Nam Á  dạo đầu tháng 9 vừa qua. Ông nói với người dân Lào rằng chuyến viếng thăm đất nước của họ làm ông nhớ lại thời thơ ấu của ông tại Nam Dương. Ông đã sinh ra ở Hawaii, tiểu bang có nhiều cây dừa nhứt của Hoa Kỳ. Ông trải qua thời thơ ấu tại Nam Dương, một trong những nước có nhiều dừa nhứt thế giới. Theo tiểu sử chính thức của Tổng thống Barack Obama như được Tòa Bạch Ôc tóm tắt, ông chào đời tại Tiểu bang Hawaii. Năm 1967, sau khi chia tay với cha ông, một người Kenya, mẹ ông đã tái giá với một người Nam Dương. Ông đã được mẹ mang sang Nam Dương và sống với người dượng ghẻ cho đến năm 1971. Tại đây, như ông đã ghi lại trong quyển hồi ký “Dreams from My Father” (những giấc mơ từ cha tôi), chỉ không đầy sáu tháng sau, ông đã  nói được tiếng Nam Dương và làm quen được với phong tục tập quán của người bản xứ. Ông đã kết thân với những đứa trẻ ở thôn quê, sớm tối cùng thả diều, bắt dế như mọi đứa trẻ khác. Nhưng quan trọng hơn cả chính là cuộc sống lam lũ của người nông dân Nam Dương. Vị tổng thống tương lai của Hoa Kỳ ghi lại trong quyển hồi ký rằng ông đã hiểu được thế nào là nỗi buồn, niềm đau của họ mỗi khi gặp nắng hạn, mùa màng cháy rụi hay những lúc ngập lụt kéo dài cả tháng trời. Với một tâm hồn nhậy cảm, luôn biết quan tâm đến người khác, về sau người thanh niên Obama đã đi sinh hoạt trong phong trào hướng đạo và sau khi tốt nghiệp đại học đã tích cực tham gia vào các công tác  thiện nguyện.
Nhìn từ bên ngoài, có lẽ tuổi thơ của Tổng thống Obama không phải là một  chuỗi ngày hạnh phúc và đẹp nhứt trong cuộc đời của ông. Nhưng khó mà chối cãi rằng “những giấc mơ từ cha tôi” và chính giấc mơ của riêng ông “lớn lên tôi muốn làm tổng thống” đã được dệt từ tuổi thơ ấy. Chính cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, niềm cảm thông với nỗi khổ đau của những người nông dân nghèo đã tạo ra nơi ông một tâm hồn nhậy cảm và quyết tâm phục vụ tha nhân của ông. Hai nhiệm kỳ tổng thống của ông sắp chấm dứt. Có người bảo ông chẳng làm được gì đáng để đời trong 8 năm qua. Nhưng ít nhứt, dưới con mắt của tôi, cả cuộc đời của ông cũng đã là một thành tựu vĩ đại và là hiện thực của điều được gọi là “giấc mơ Hoa Kỳ”. Không quá cường điệu, nhưng nếu bảo rằng tuổi thơ đầy sóng gió của ông đã ảnh hưởng đến cuộc hành trình tiến về sự thành toàn nhân cách và đỉnh cao sự nghiệp của ông không phải là quá đáng.
Thật ra có lẽ tôi đã “suy bụng ta ra bụng người”. Tôi thường trở về miền thơ ấu của tôi là vì đây là giai đoạn tuyệt vời nhứt trong cuộc đời của tôi. Ít ra cho tới nay những bài học vỡ lòng về học làm người tôi đã học được đều xuất phát từ tuổi thơ của tôi. Tuổi thơ đã cho tôi được sống gần thiên nhiên. Tuổi thơ đã cho tôi nếm được cảnh nghèo và không ngừng nhắc nhở tôi về sự cảm thông phải có đối với người nghèo, nhứt là trẻ em nghèo.
Tuổi thơ vẫn luôn sống mãi trong tôi như chính tiếng nói của lương tâm về thảm cảnh mà trẻ thơ trên khắp thế giới ngày nay đang trải qua. Theo một bản phúc trình mới nhứt của Quỹ Nhi Đồng  UNICEF của Liên Hiệp Quốc, hiện trên toàn thế giới có gần 50 triệu trẻ em bị “bứng” đi khỏi cuộc sống bình thường. Trong số này có 28 triệu em bị di tản ra  khỏi nhà vì các cuộc xung đột và hàng triệu triệu em khác cùng với gia đình rời bỏ quê hương để tìm một cuộc sống tốt đẹp và an toàn hơn tại một nước khác. Không nói đến những nguy hiểm của cuộc vượt biển, rất nhiều em trong khi trốn chạy đã bị chấn thương tâm lý vì bom đạn và bạo động cũng như phải đối đầu với tình trạng đói khát, bị bắt cóc, hãm hiếp và ngay cả bị sát hại. Ngoài ra khi đến xứ lạ quê người, bị kỳ thị là điều không thể tránh khỏi.
Hình ảnh của trẻ thơ như cậu bé Aylan Kurdi 3 tuổi bị chết đuối và trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ cách đây một năm và mới đây  của cậu bé Omran Daqneesh, 5 tuổi, mình mẩy máu me ngồi bất động trên một chiếc xe cứu thương...không ngừng nhắc nhở tôi về thảm cảnh của 50 triệu trẻ em trên khắp thế giới bị “bứng” đi khỏi cuộc sống bình thường, nhứt là những đứa trẻ khốn khổ đang chết dần chết mòn trong thiên đàng xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.
Trở về “miền thơ ấu” của mình, lúc nào tôi cũng nghe vọng lại tiếng kêu thảm thiết của không biết bao nhiêu trẻ em bị tước đoạt giai đoạn đẹp nhứt của cuộc đời là tuổi thơ.




Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Mỗi ngày một khởi đầu mới



Chu Thập
20.02.13


Trong một bài tưởng niệm cố nhạc sĩ Phạm Duy, người viết tạp ghi Huy Phương có nói đến sự đánh giá con người của người xưa theo điều thường được gọi là “Cái quan định luận”. Theo người xưa, “khi người chết, đậy nắp quan tài rồi thì lời khen chê, luận công tội mới chính xác” (NgườiViệt online, 3/2/2013). Cũng dễ hiểu thôi, khi nhắm mắt xuôi tay là lúc chẳng còn cọ quậy, vẫy vùng để mà thay đổi nữa. Cuốn sách cuộc đời, số phận đời người coi như được khép lại từ lúc đó. Điều đó cũng có nghĩa là bao lâu còn sống là còn thay đổi, biến dịch, đứng lên rồi lại ngã xuống. Nói một cách đơn giản, còn thở là còn chiến đấu và mỗi ngày đều có thể là một khởi đầu mới.
Thời còn đi học, tôi rất ngưỡng mộ một giáo sư Triết học người Trung Hoa. Ông không những có những tư tưởng sâu sắc, mới mẻ mà còn có thái độ bất cần của một nhà hiền triết. Say mê tư tưởng của ông, có lần chúng tôi hỏi tại sao ông không viết một cuốn sách nào cả. Ông đáp gọn: “khi nào sắp nhắm mắt xuôi tay, tôi sẽ viết sách”. Rồi ông giải thích rằng sở dĩ ông không viết sách là vì tư tưởng của ông chưa chín muồi; nó vẫn còn thay đổi và thay đổi không ngừng. Sau năm 1975, ông bị trục xuất về lại Đài Loan. Nghe đâu, ông qua đời một cách đột ngột vì bị tai biến mạch máu não. Tôi vẫn tiếc vì chưa đọc được những tư tưởng “chín muồi” của ông.
Nhìn lại cuộc đời đã xế bóng của mình, tôi thấy tư tưởng cũng như cách hành xử của mình thay đổi không ngừng. Thời con nít, dĩ nhiên tôi suy nghĩ và hành động như con nít. Nói cho cùng chẳng có suy nghĩ gì cả, cái tay đi trước cái đầu. Lúc nào cũng hồn nhiên và vô tư sống theo bản năng nhiều hơn là tính toán hơn thiệt. Ở tuổi thanh niên thì đương nhiên tôi suy nghĩ theo kiểu thanh niên tính, bộp chộp, nông nổi và hành động cũng theo những thúc đẩy nhứt thời hơn là đắn đo cân nhắc các hậu quả. Bước vào tuổi trưởng thành, tưởng mình đã biết suy nghĩ chín chắn, kỳ thực tôi cũng chỉ biết chạy theo hết nhà tư tưởng này đến triết gia nọ. Có lúc hồi tâm để làm các quyết định và chấp nhận trách nhiệm của mình ở mức độ cao nhứt, nhưng cũng không thiếu những giây phút yếu lòng buông xuôi theo dòng đời và tìm cách biện minh cho những sai lầm của mình. Cho tới ngày hôm nay, nhìn lại mỗi ngày, tôi vẫn thấy mình cứ thay đổi và có lẽ sẽ còn thay đổi không ngừng cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Triết gia Hy lạp Heraclitus vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên đã có lý để nói: “không ai tắm trong cùng một dòng sông hai lần”. Tôi vẫn là tôi từ lúc được thụ thai trong lòng mẹ cho đến giây phút này, nhưng thân xác tôi đang có là một thân xác hoàn toàn mới mẻ và thay đổi không ngừng. Tâm tư, suy nghĩ và hành động của tôi cũng không còn như cách đây 2, 3 chục năm hay cách đây một năm, vài bữa nửa tháng.
Mấy ngày vừa qua, tự nhiên tôi có những suy tư “triết lý cùn” trên đây khi theo dõi bản tin liên quan đến lực sĩ điền kinh nổi tiếng thế giới Oscar Pistorius. Tôi đã có dịp ca ngợi không tiếc lời những thành tích, nghị lực phi thường của người vận động viên cụt hai chân này cũng như nguồn cảm hứng mà anh đã mang lại không những cho đất nước Nam Phi, giới trẻ và người khuyết tật  mà còn cho mọi người trên khắp thế giới.
Vậy mà mới đây, thần tượng của nhiều người đã hoàn toàn sụp đổ khi anh xuất hiện trước tòa án với chiếc mũ Hoody trùm lên đầu, che kín khuôn mặt mà trước đây có lẽ anh chỉ muốn khoe ra cho mọi người nhìn  thấy để ngưỡng mộ.
Oscar Pistorius, người thường được biết đến như “Blade Runner” (vận động viên điền kinh với đôi chân lưỡi dao), đã từng là một ngôi sao chiếu sáng trong bầu trời thế vận hội mùa hè London năm vừa qua, khi trở thành người khuyết tật đầu tiên tham gia các cuộc thi đấu như một lực sĩ bình thường.
Giờ đây, sau khi có tin cô bạn gái người mẫu của anh là Reeva Steenkamp bị bắn ngay trong nhà riêng của anh vào chính đêm rạng ngày Valentine 14/2 vừa qua và người đầu tiên bị nghi ngờ là thủ phạm lại là chính anh, cả thế giới gần như sửng sốt. Tin vị giáo hoàng của Giáo hội công giáo đột nhiên xin từ nhiệm không làm cho tôi bàng hoàng sửng sốt cho bằng tin Oscar Pistorius bị tình nghi hạ sát người bạn gái của anh.
Hình ảnh của một lực sĩ lúc nào cũng vui vẻ với mọi người tại thế vận hội London vẫn còn sáng chói. Hầu như không có đêm nào Oscar Pistorius không bị các ký giả bao vây để được thu hình và âm thanh. Anh kiên nhẫn dành cho các ký giả các cuộc phỏng vấn mãi cho đến những giây phút cuối trước khi chuẩn bị ra sân thi đấu. Có khi anh cứ phải trả lời cùng một câu hỏi đến cả vài chục lần trong một đêm. Có những đêm anh phải trải qua 20 cuộc phỏng vấn. Lúc nào cũng với nụ cười và giọng nói thân tình dễ mến. Anh vẫn luôn tự hào: “Tôi không phải là một người khuyết tật. Tôi chỉ là một người không có chân mà thôi”. Cả cuộc đời anh là một cuốn phim kể về một con người không chấp nhận đầu hàng trước những bất hạnh của cuộc sống. Anh đã mở tung các cánh cửa của thể dục thể thao cho mọi người, bất luận với những điều kiện thể lý bất lợi như thế nào đi nữa.
Oscar Pistorius là một biểu tượng về ý chí sắt đá. Anh đã lọt vào vòng bán kết cuộc thi chạy nước rút 400 thước tại Thế vận hội London. Và dĩ nhiên, khi tham dự Thế vận hội dành cho người khuyết tật, giựt được huy chương vàng là điều quá dễ dàng đối với anh.
Chào đời trong tình trạng không có xương mác (fibula), anh đã bị cưa chân khi mừng sinh nhựt lần thứ nhứt. Năm anh lên 5, cha mẹ anh ly dị. Khi anh được 15 tuổi thì mẹ anh qua đời. Nhưng với một ý chí và nghị lực phi thường, anh đã vượt qua được mọi trở ngại để trở thành một lực sĩ nổi tiếng không những tại Nam Phi mà còn trên cả thế giới. Không mấy chốc, anh đã trở thành trọng tâm thu hút không biết bao nhiêu cơ sở quảng cáo. Các nhà quảng cáo nể phục anh vì anh không phải là một con người chỉ biết chạy theo tiền bạc hay các huy chương. Anh chỉ muốn chứng tỏ cho thế giới thấy sức mạnh phi thường của ý chí con người. Anh đã trở thành người hùng của người khuyết tật trên toàn thế giới. Riêng với Nam Phi, một quốc gia dân chủ vừa mới thành hình sau nhiều thập niên bị xâu xé vì nạn kỳ thị chủng tộc và bạo động, anh đã hầu như được đặt lên bệ thờ ngang hàng với ông Nelson Mandela, biểu tượng của một cuộc tranh đấu dai dẳng cho tự do và dân chủ. Nói như phân tách gia chính trị Justice Malala của Nam Phi, vào giữa lúc hình tượng của Mandela bắt đầu lu mờ thì Pistorius xuất hiện. Bằng câu chuyện đời của mình, anh loan báo cho mọi người Nam Phi: “Bạn có thể làm được mọi sự”.
Vậy mà chỉ trong một phút chốc, một bản tin đã hoàn toàn làm thay đổi hình ảnh của một thần tượng. Con người của Oscar Pistorius đã bị “lột trần”. Anh không phải là một siêu nhân, mà là một con người bình thường và cũng tầm thường như mọi người. Dạo tháng 11 năm 2009, anh và một người đàn ông khác đã vì một phụ nữ mà cãi nhau ầm ĩ đến độ cảnh sát phải can thiệp. Anh cũng cho biết: anh đã có lần lái xe từ Durban đến Johannesburg vào lúc 3 giờ sáng để “làm hòa” với một người bạn tình. Anh đã ngủ gật, xe leo lên đường rầy xe lửa. Mới đây, một phát ngôn viên cảnh sát cho biết cảnh sát đã được gọi đến tư gia của anh để giàn xếp một vụ cãi vã trong gia đình.
Riêng người mẹ của nữ vận động viên Samantha, người đã từng là bạn gái một thời của anh, cho biết Oscar Pistorius là một người có tính bạo động, thích chơi súng. Bà mừng vì con gái bà đã không phải là nạn nhân của anh.
Câu chuyện liên quan đến cái chết của cô Reeva Steenkamp vẫn chưa ngã ngũ. Gia đình và người thân của Oscar Pistorius vẫn một mực cho rằng cái chết của cô Reeva là một tai nạn: Pistorius đã bắn lầm vì tưởng cô là kẻ trộm đột nhập vào nhà anh. Nhưng dù sự thật có thế nào đi nữa, nhân cơ hội này, mặt trái cuộc đời của người đã từng được tôn là anh hùng và thần tượng của không biết bao nhiêu người đã được phơi bày: anh cũng chỉ là một con người tầm thường như bao nhiêu người khác. Anh là người có ý chí sắt đá. Anh mang lại niềm cảm hứng cho bao nhiêu người. Nhưng anh cũng chỉ là một con người yếu đuối.
Thời gian gần đây, “điện thờ” dành cho các lực sĩ thể thao trên thế giới bỗng nhiên bị hoen ố. Tiếp theo vụ tai tiếng của tay đua xe đạp người Mỹ Lance Armstrong, người bị tước đoạt 7  chức vô địch Vòng Đua Nước Pháp vì bị phát giác  đã xử dụng thuốc kích thích, những người hâm mộ thể thao ở Úc cũng bị giao động không kém khi kết quả của một cuộc điều tra cho thấy rất nhiều lực sĩ thể thao chuyên nghiệp của nước này đều có xử dụng thuốc kích thích và ngay cả có dính líu đến giới tội phạm  có tổ chức. Nay thì biểu tượng của một nghị lực phi thường và niềm cảm hứng cao đẹp nhứt lại liên quan đến một vụ giết người đầy mờ ám. Nhiều người hẳn phải bị chao đảo khi thấy thần tượng của mình ngã đổ.
Riêng tôi, có bàng hoàng sửng sốt nhưng không thất vọng. Lance Armstrong, Oscar Pistorius, các lực sĩ thể thao Úc…tất cả đều là những con người. Có một thời tôi cũng đã từng ngưỡng mộ một người nổi tiếng trong nhiều bộ môn giải trí ở Hoa kỳ. Tên ông là O.J. Simpson. Xuất thân từ một băng du đãng, từng bị giam tù, Simpson đã vượt qua được mọi khó khăn của thời thiếu niên để cắp sách trở lại trường, vươn lên trong học vấn và trở thành một cầu thủ nổi tiếng của bộ môn Football của Mỹ. Người Mỹ lại càng say mê ông hơn khi ông  làm bình luận gia thể thao với một giọng nói truyền cảm đến độ được mệnh danh là “Juice” (ngọt như nước trái cây) và cũng trở thành một diễn viên điện ảnh nổi tiếng. Nhưng Simpson đã đốt cả uy tín và tên tuổi của mình trong một vụ án gây nhiều tranh luận và tạo ra nhiều chia rẽ về chủng tộc tại Hoa kỳ: tuy được trắng án trong vụ án giết vợ, Simpson đã hoàn toàn bị phá sản khi bị phạt một số tiền trên 30 triệu Mỹ kim vì gây ra cái chết của vợ ông và người bạn trai của bà này. Chưa hết. Năm 2007, ông lại bị bắt giữ tại Las Vegas và bị kết tội ăn cướp có võ trang và bắt cóc. Một năm sau, ông bị tuyên án 32 năm tù. Hiện ông đang thọ án tại một trung tâm cải huấn ở Lovelock, tiểu bang Nevada.
Trở lại với Oscar Pistorius, nếu bị kết án vì tội mưu sát người bạn gái, anh có thể ngồi tù chung thân và phải thọ án ít nhứt là 25 năm mới được ân xá. Năm nay đã 26 tuổi, nếu được ân xá, anh sẽ bước vào tuổi “tri thiên mệnh”. Anh có rộng thời giờ để suy nghĩ và chuẩn bị làm lại cuộc đời.
Tôi không thất vọng về những con người đã từng là thần tượng này. Cánh cửa nhà tù cũng chưa phải là mồ chôn mọi hy vọng. Thời niên thiếu, họ đã có đủ nghị lực và ý chí để vượt qua được mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Kho tàng nghị lực và ý chí trong họ có lẽ vẫn còn là một nguồn vô tận.
Tôi chợt nghĩ đến đại văn hào Nga Feodor Dostoevsky. Sau 4 năm lao động khổ sai tại Tây Bá Lợi Á và 6 năm lưu đày biệt xứ, Dostoevski đã trở lại cuộc sống tự do như một con người hoàn toàn biến đổi: trân quý sự sống, yêu đời, yêu người. Vừa ra khỏi tù, ông viết: “Hãy yêu mỗi lá cây, hãy yêu từng tia sáng, hãy yêu thú vật, hãy yêu cây cỏ, hãy yêu từng sự vật. Hãy yêu mọi sự, bạn sẽ nhìn thấy mầu nhiệm của Thượng Đế trong mọi sự”. Có lẽ nhờ những năm tháng được tôi luyện trong nhà tù mà ông đã để lại cho hậu thế những tác phẩm nổi tiếng như “Tội ác và hình phạt” hay “Anh em nhà Karamazov”…
Tôi không thất vọng khi có một thần tượng sa cơ thất thế. Tôi tin như thế bởi vì còn sống là còn chiến đấu, còn có thể vươn lên và có khi lại vươn lên một đỉnh cao hơn là danh vọng, tiền bạc.








Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Phi Luật Tân và cuộc chiến chống ma túy


16.9.16

Trong cuộc vận động bầu cử tổng thống tại Phi Luật Tân năm 2016, ông Rodrigo Duterte, thị trưởng Davao, đã cam kết nếu đắc cử, ông sẽ xóa bỏ tội ác, ma túy và tham nhũng trong chính phủ nội trong ba tháng đầu tiên. Ông nói: cá trong Vịnh Manila sẽ được nuôi dưỡng bằng xác của 100.000 tên tội phạm!
Trong một bữa tiệc mừng chiến thắng tại Thành phố Davao, nơi ông đã làm thị trưởng hơn 20 năm, tổng thống đắc cử kêu gọi mọi công dân hãy trang bị súng ống để giết những kẻ buôn bán ma túy. Ông nói: “Quý vị cứ thẳng tay nếu có súng, tôi đứng đàng sau quý vị”.
Sau bài diễn văn nhậm chức, một lần nữa ông Duterte cũng lập lại lời kêu gọi trên đây. Cuộc chiến chống ma túy của tân tổng thống Phi được dân chúng cũng như Quốc hội hoan nghênh nhiệt liệt.
Thật ra, điều được gọi là những vụ xử tử bên ngoài tòa án, nghĩa là không thông qua một cuộc xét xử nào, không phải là điều mới mẻ tại quốc gia hải đảo này. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, dưới thời cố Tổng thống Ferdinand Marcos, tức cho đến năm 1986, đã diễn ra không dưới 3200 vụ xử tử ngoài tòa án như thế. Tuy nhiên, cường độ của những vụ xử tử như thế ngày càng gia tăng kể từ khi ông Duterte tuyên thệ nhậm chức tổng thống Phi.
Theo một bản phúc trình của cảnh sát quốc gia Phi được Đài truyền hình Al Jazeera phổ biến, tính từ ngày 1 tháng 7 đến 5 tháng 9 vừa qua, đã có 1.466 nghi phạm bị giết chết trong những cuộc hành quân của cảnh sát. Ngoài ra còn có 1.490 người bị tình nghi có dính líu đến ma túy cũng bị các toán dân phòng giết chết. Như vậy, chỉ trong 2 tháng kể từ khi ông Duterte nhậm chức tổng thống, đã có trên dưới 3 ngàn người bị tình nghi có dính líu tới ma túy bị sát hại. Cũng theo phúc trình của cảnh sát quốc gia, 15 ngàn nghi phạm khác bị bắt giữ và khoảng 686.000 người tự ý nộp mình cho cảnh sát. Cảnh sát Phi cho rằng cuộc chiến chống ma túy, tuy chỉ mới bắt đầu được 2 tháng đã thành công đáng kể: việc cung cấp ma túy bất hợp pháp tại nước này đã giảm đi đến 90 phần trăm.
Metamphetamine mà tiếng Phi gọi là “Shabu” là loại thuốc kích thích thông dụng nhất hiện nay tại Phi Luật Tân. Trong khối các nước Đông Nam Á, Phi Luật Tân là nơi có tỷ lệ sử dụng loại thuốc này cao nhất. Theo một cuộc thăm dò chính thức được thực hiện năm vừa qua, có khoảng 1.8 triệu người Phi sử dụng thuốc này. Tuy nhiên, trong bài diễn văn đầu tiên của ông, Tổng thống Duterte cho biết, dựa trên những dữ liệu của Cơ quan phòng chống ma túy của Phi Luật Tân, hiện có tới 3 triệu người Phi nghiện ma túy và con số này ngày càng tăng. Một số chính trị gia ủng hộ ông Duterte còn cho rằng con số người nghiện ma túy tại Phi Luật Tân có thể lên đến 6.7 triệu người.
Kể từ khi nhậm chức tổng thống ngày 30 tháng 6 đến nay, ông Duterte đã thực hiện những cam kết của ông. Tính trung bình, mỗi ngày có khoảng 36 người bị cảnh sát hoặc các dân quân đeo mặt nạ bắn giết công khai mà không thông qua một cuộc xét xử nào. Mặc cho Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ có lên tiếng cảnh cáo về hành động vi phạm nhân quyền này, Tổng thống Duterte vẫn bình chân như vại. Không những thế, ông còn lên tiếng nhục mạ tất cả những ai dám lên tiếng chỉ trích ông. Điển hình nhất là việc ông có những lời lẽ xúc phạm đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cũng như  Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay chính là sự ủng hộ của dân chúng Phi dành cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte. Có đến 91 phần trăm dân chúng Phi ủng hộ chiến dịch bài trừ ma túy này. Ông Duterte hứa sẽ ân xá cho bất cứ viên cảnh sát hay người nào tham gia vào các cuộc xử tử ngoài tòa này.
Một cách nào đó, Tổng thống Duterte  cũng tự ân xá cho chính mình. Ông đã đưa con trai và con gái của ông lên làm thị trưởng và phó thị trưởng Thành phố Davao. Ông không chấp nhận bất cứ một cuộc điều tra nào về những cáo buộc liên quan đến tài sản kết xù hiện nay của gia đình ông. Điều đáng sợ hơn nữa là ông Duterte đe dọa sẽ dẹp bỏ hai ngành lập pháp và tư pháp nếu hai cơ quan này cản trở các chương trình hành động của ông. Khi bị Chủ tịch Tối Cao Pháp Viện chỉ trích, ông nại đến lý do an ninh để ban hành thiết quân luật. Trước các lời chỉ trích, ông tuyên bố: “Cứ tin tôi đi. Tôi không màng đến chuyện nhân quyền”.
Tung ra cuộc chiến không khoan nhượng chống ma túy, Tổng thống Duterte cũng tuyên chuyến với rất nhiều người trong cũng như ngoài Phi Luật Tân. Giáo hội Công giáo, vốn là Giáo hội có  đông tín hữu nhất tại Phi Luật Tân, đã lên tiếng cảnh cáo về chủ trương xử tử không cần xét xử của ông Duterte. Trong một bài giảng trong một thánh lễ dạo đầu tháng 8 vừa qua, Đức tổng giám mục Socrates Villegas đã nói: “Tôi thật không còn tin nổi. Nếu quả đây chỉ là một cơn ác mộng thì xin hãy đánh thức tôi dậy và cho tôi biết sự thật không phải như thế. Tôi không thể chịu đựng được nữa”. Vị giám mục chủ tịch của Hội đồng Giám mục Phi Luật Tân còn viết trên trang mạng riêng của mình: “Từ một thế hệ gồm những người nghiện ma túy, lẽ nào chúng ta lại biến thành một thế hệ của những tên sát nhân trên đường phố?”
Với số người bị xử tử mà không cần xét xử, với số người bị bắt giữ và nhất là số người tự ý nộp mình, cuộc chiến bài trừ ma túy của Tổng thống Duterte xem ra đã đạt được thành công mỹ mãn. Tuy nhiên, liệu bạo lực có phải là liều thuốc tốt nhất cho cuộc chiến này không?
Năm 2003, Thái Lan phải đương đầu với một hợp chất đáng sợ gồm có methamphetamine và caffeine. Thủ tướng lúc bấy giờ là ông Thaksin Shinawatra cũng đã tung ra một cuộc chiến chống ma túy cũng quyết liệt như cuộc chiến đang diễn ra tại Phi. Chỉ trong 3 tháng đầu sau khi ông Thaksin mở chiến dịch, đã có 2.800 người bị giết chết. Những cuộc điều tra sau này cho thấy không có đến phân nửa số người bị giết chết có dính líu đến ma túy và hàng ngàn người bị cưỡng bách phải trải qua những chương trình cai nghiện không lành mạnh. Lúc đầu, cuộc chiến chống ma túy tại Thái Lan xem ra rất thành công: cuối năm 2003, đã có trên 73 ngàn người bị bắt giữ, trên 23 triệu viên thuốc có tên là “Yaba” bị tịch thu và 320 ngàn người nghiện ngập tự nộp mình để được chữa trị. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, Bộ trưởng Tư pháp của Thái Lan, ông Paiboon Koomchaya đã phải thú nhận: “Cả thế giới đều đã thất bại trong cuộc chiến chống ma túy, chứ không riêng Thái Lan”. Ông cho biết: con số người sử dụng ma túy tại Thái Lan đã gia tăng. Một chỉ số cho thấy cuộc chiến đã thất bại: con số tù nhân ngày càng gia tăng!
Liệu cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Duterte có thành công không?  Hiện nay chưa ai có thể đoán được. Chỉ biết rằng cách hành xử của ông không khỏi gợi lại trong tâm trí nhiều người Phi thời tổng thống Ferdinand Marcos, một nhà độc tài được ông Duterte ca tụng như một anh hùng dân tộc. Với ông Duterte, Phi Luật Tân đang trở lại với thứ văn hóa mà một giáo sư người Phi được mời giảng dạy tại đại học NYU Abu Dhabi là ông Miguel Syjuco gọi là “văn hóa vô trừng phạt” (culture of impunity). Ông Duterte được mệnh danh là “The Punisher” (kẻ trừng phạt). Trong thực tế, kẻ trừng phạt này không những muốn đứng trên trên pháp luật để tự ân xá cho mình mà cũng nhắm mắt làm ngơ trước vô số tội phạm của những tai to mặt lớn trong xã hội Phi. Nói cách khác, trong xã hội Phi vẫn tồn tại những người đứng trên luật pháp.
Trước hết hãy nhìn lại trường hợp cựu Tổng thống Joseph Estrada. Ông tài tử mà trình độ văn hóa luôn bị dân chúng đem ra chế diễu cũng như có thành tích trăng hoa không ai bằng này đã bị kết án tù chung thân vì tham lạm công quỹ đến cả 80 triệu Mỹ kim. Vậy mà ông đã được người kế vị là nữ Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo ân xá và hiện nay đang ngồi chễm chệ trên ghế thị trưởng của Thành phố Manila. Ngoài ra bà con của ông, những kẻ ít nhiều có dính líu vào các thành tích tham nhũng của ông đều hiện đang là thượng nghị sĩ và dân biểu quốc hội. Ngay cả một tình nhân của ông hiện cũng đang làm thị trưởng của một đặc khu dưới quyền kiểm soát của ông.
Cũng thế nữ Tổng thống Arroyo cũng đã từng dính vào một danh sách dài những vụ tham nhũng trong suốt nhiệm kỳ 9 năm của bà. Sau khi ngồi tù bà bị quản thúc tại gia. Vậy mà đang lúc bị quản thúc tại gia bà vẫn được tái cử vào quốc hội. Vài tuần trước khi Tối Cao Pháp Viện mà phần lớn thẩm phán đều do bà Arroyo bổ nhiệm tuyên bố bà  hoàn toàn trắng án, bà Arroyo đã được chính ông Duterte ân xá. Mặc dù vẫn còn phải đối mặt với một cáo trạng khác về tham nhũng và do đó bị cấm xuất ngoại, bà Arroyo vẫn được bổ nhiệm vào ghế phó chủ tịch quốc hội.
Điển hình nhất về thứ “văn hóa vô trừng phạt” này là gia đình cố Tổng thống Marcos. Sau cuộc cách mạng thường được mệnh danh là “sức mạnh người dân” (people’s power) dạo tháng 2 năm 1986, gia đình tổng thống đã bỏ nước chạy sang Hawaii. Họ mang theo vô số tài sản mà cho tới nay chẳng ai ước tính được bao nhiêu và quốc gia cũng chẳng lấy lại được đồng nào. Năm 1989, ông Marcos qua đời. Vợ ông, bà Imelda, người phụ nữ thường được mệnh danh là đệ nhất phu nhân với 2000 đôi giày và con cái họ đã hồi hương. Mặc dù có dính líu đến hơn 20 năm cai trị độc tài và tham nhũng của ông, họ đã nhởn nhơ về nước và trở lại nắm giữ những chức vụ quan trọng trong guồng máy cai trị. Trong cuộc bầu cử vừa qua, người con trai lớn của cố tổng thống Marcos là ông Ferdinand Marcos Jr đã ra tranh cử chức phó tổng thống (tại Phi Luật Tân, người ra tranh cử chức phó tổng thống không đứng chung liên danh với người tranh cử chức tổng thống). Ông chỉ thua đối thủ của mình khoảng 200 ngàn phiếu. Mặc dù trên toàn quốc vẫn còn diễn ra những cuộc phản đối và các vụ kiện về tội ác của cố tổng thống Marcos vẫn đang tiếp diễn,  nhà độc tài này đã được chính tổng thống Duterte xá giải và tên tuổi của ông đã được đánh bóng trở lại. Mới đây, ông Duterte đã ra lệnh di chuyển cái xác ướp của ông Marcos từ một lăng tẩm có máy điều hòa không khí ở phía bắc Manila về nghĩa trang của các bậc anh hùng dân tộc để được tống táng với một nghi thức trang trọng nhất. Nhà độc tài đã từng ban bố lệnh thiết quân lực và phạm không biết bao nhiêu tội ác trong suốt 2 thập niên cầm quyền đã trở thành một anh hùng dân tộc.
Trong một bài viết được đăng trên tạp chí Time số ra ngày 5 tháng 9 vừa qua, Giáo sư Syjuco đã nhận định về chiến dịch bài trừ ma túy của Tổng thống Duterte  bằng cách  trích dẫn một câu nói của Thi sĩ La Mã Juvenalis (thế kỷ thứ 2 trước công nguyên): “Ai sẽ canh phòng chính những kẻ canh phòng?” (quis custodiet ipsos custodes?). Với câu nói này, có lẽ giáo sư Syjuco muốn ám chỉ đến viễn ảnh của một chế độ độc tài mà Tổng thống Duterte muốn áp đặt lên đất nước.