Thứ Tư, 30 tháng 3, 2022

Tôi và Trịnh

 





Thi Văn






Tôi vừa nhận được tin nhắn của con trai: Phim "Em và Trịnh" sẽ được trình chiếu trong năm nay 2022. Nghĩ cũng thấy vui vui. Khi con còn nhỏ, tôi cố duy trì tiếng Việt cho các con cực khổ như đạp xe lên dốc. Bây giờ, tin tức gì về Việt nam thì con tôi biết trước và báo cho tôi.

Thế nhưng, có cái gì đó nằng nặng trong ngực tôi. Đã lâu lắm rồi, tôi không còn nghe nhạc Trịnh Công Sơn nữa dù rằng tôi luôn có trong đầu một cuộn băng mở sẵn những bài hát quen thuộc của ông. 

Tôi đã từng rung động, say mê nghe hoài không chán những bản tình ca của ông. Những ngày mới tập làm người ty nạn, mỗi lần nghe bài "Em còn nhớ hay em đã quên" là nước mắt tự động rơi. Nhạc phản chiến của ông cũng nói dùm tôi những phẫn nộ và đau khổ trong trái tim ngây thơ của tôi khi nhìn thấy những hình ảnh khốn khổ của chiến tranh. Nói chung, ông là một nghệ sĩ thành công, rất thành công. 

Trong nhiều năm sau này, có một điều gì đó khiến tôi không còn hòa cảm được với những lời thơ những giòng nhạc đơn sơ nhưng độc đáo của ông. "Rằng hay thì thật là hay...". Đây là điều không đúng với tôi. Tôi thường thích thưởng thức nghệ thuật mà không cần thắc mắc về tác giả. Họ là ai, thích gì, ghét gì, chính kiến thế nào, nhân sinh quan ra sao. Với tôi, không là vấn đề. Hay là hay! Cho nên cái cảm giác "mất cảm giác" với "nhạc họ Trịnh" bắt buộc tôi phải đi tìm câu trả lời cho chính mình. 

Trịnh Công Sơn, vào ngày 30/4/1975, đã lên Đài Phát Thanh Sài Gòn hát bài "Nối Vòng Tay Lớn" và kêu gọi mọi người dân Miền Nam, nhất là anh chị em nghệ sĩ "hãy vui mừng và hợp tác với chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam. Những kẻ đã ra đi chúng ta xem như là đã phản bội đất nước!" (1). Điều này không làm giảm đi sự yêu mến "nhạc họ Trịnh" của tôi. Có thể lúc đó ông nghĩ như nhiều người, cộng sản là tốt. 

Tôi vẫn chưa có câu trả lời. Tôi tiếp tục đi tìm. Tài liệu về một người nổi tiếng như ông nhiều không vô kể. Ông được ca ngợi bằng tất cả những lời hay đẹp mà người ta có thể nghĩ ra. Đáng kể nhất có thể kể như: một người viết ca khúc thiên tài, một con người nhân bản, sống thật với chính mình, rung động trước nghịch cảnh chiến tranh, lên án chiến tranh...và là một hiện tượng. Trong rừng mỹ từ mà người ta dành cho ông, hôm nay, tôi tìm được một dòng ngắn: "Năm 1968, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gặp bộ đội cụ Hồ trong 26 ngày đêm Cách mạng giải phóng Huế" (2).

Bây giờ thì tôi hiểu là cái linh tính của tôi nó đã "thấy" trước cái điều mà tôi  không giải thích được. Trịnh Công Sơn "của tôi" đã là một chứng nhân sống của "vành khăn sô cho Huế". 

Ông đã chọn bên ngay từ đầu và nhạc của ông cũng có mục đích chính trị. Ông không "vô tư" như tôi tưởng. Là hậu duệ của những người di cư chạy trốn Cộng sản 1954, tôi hiểu nỗi khổ đau cay đắng của cha mẹ tôi khi phải bỏ lại tất cả để di cư vào nam. Ông bà đã phải làm lại từ đầu, hy sinh thật nhiều để tôi có một tuổi thơ tốt đẹp dù trong một đất nước chiến tranh. Rồi chính vì tương lai con cái, ông bà lại một lần nữa dắt tôi bỏ nước ra đi. Tôi là nạn nhân của cộng sản.

Tôi mong rằng những thế hệ sau tôi sẽ thưởng thức nhạc Trịnh Công Sơn một cách hồn nhiên hơn, vô tư hơn. Tiếc rằng tôi thì mãi mãi không thể. Những bài hát của ông gợi lại tất cả những giai đoạn đau buồn của đất nước và nhất là của những người đàn bà già trẻ lớn nhỏ mà tôi là một. Chúng tôi, kể từ sau ngày Trịnh Công Sơn hát bài "Nối Vòng Tay Lớn", đã phải già đi trước tuổi, phải chia nhau những cảnh nghèo, những đảo lộn, những cay đắng, những giọt nước mắt, những thất bại, những thua thiệt trong âm thầm, bất lực và đau khổ. Cuộc đời của chúng tôi không là thơ, cũng chẳng là mơ, mà chỉ là những tiếng thở…dài. Tại sao ông đã không hát những điều đó lên giùm chúng tôi?? Tại sao ông "hát cho người nằm xuống" mà không hát cho những con người còn sống nhưng không được quyền sống như ý nguyện??

Ngày mai, 1/4/2022 là ngày giỗ 21 năm của Trịnh Công Sơn. Những dòng này coi như là một lần chia tay. Thẳng thắn và sòng phẳng.

Trịnh Công Sơn ơi, ông đã hát "Đại bác đêm đêm dội về thành phố người phu quét đường dừng chổi đứng nghe...". Nghe có vẻ trung thực và đơn giản. "Đại bác nghe quen như câu dạo buồn". Nghe như chuyện tuy buồn nhưng chỉ là chuyện "thường ngày ở huyện". Tất cả những gì ông diễn tả là sự thật. Nhưng tiếc thay chỉ là một nửa. Cái nửa kia của sự thật tôi thiết nghĩ ông đã tự biết rất rõ từ bao nhiêu năm trước và sau cái ngày thống nhất mà ông đã vui mừng. Cái thống nhất chưa bao giờ thống nhất. 

Người nước nào cũng hãnh diện khi có những thiên tài. Việt nam ta cũng vậy. Người ta thường cho rằng hiền tài thì dễ kiếm chứ thiên tài thì hiếm. 

Tôi rất mừng cho Ukraine, trong cuộc chiến này, họ không có một thiên tài Trịnh Công Sơn nhưng có một hiền tài Zelensky. 

Thi Văn 31/3/2022


Chú Thích:

1) https://tienphong.vn/nhac-sy-trinh-cong-son-lam-gi-ngay-30-4-post624519.tpo#:~:text=Ng%C3%A0y%2030%2F4%2F1975%2C,khi%20ch%E1%BA%A5m%20d%E1%BB%A9t%20chi%E1%BA%BFn%20tranh.

(2) https://cadn.com.vn/nhac-si-trinh-cong-son-sau-ngay-dat-nuoc-thong-nhat-post224053.html


Thứ Tư, 23 tháng 3, 2022

Những vòng tay ôm

 Thi Văn




Cuối cùng thì tôi cũng ôm được các con của tôi sau đúng 2 năm, khi những biện pháp chống dịch được nới lỏng.

Thật tình mà nói, trừ "người bạn cùng giường" ra thì, như những người Á Đông khác, tôi ít tỏ bày tình cảm với người khác bằng những cử chỉ thân mật như ôm hôn. Tôi thường cho rằng những ân cần, lo lắng, chăm sóc hết lòng...là cách "tỏ tình" tốt nhất cho tất cả mọi trường hợp. Ngay chính với mẹ tôi, tôi không còn nhớ là từ lúc nào, tôi đã không còn đòi bà ôm tôi hay tôi ôm bà. Ngay cả lúc tôi từ giã bà lên thuyền vượt biển, một lần đi mà tôi tin rằng khó có ngày gặp lại. Bà nhìn tôi và tôi nhìn bà, nước mắt cứ chảy, chân cứ rời xa mà tay không nghĩ đến ngay cả một cái đụng nhẹ trong bóng nhá nhem của một ngày mới. Cứ như vậy, tôi vội vã bước đi theo lời thúc giục của bà mà không thấy có nhu cầu cho một cái ôm như lời vĩnh biệt.

Bước vào đời sống xã hội ở Úc, tôi cảm thấy chuyện ôm như một cách chào hỏi trở nên "bừa bãi". Tôi thấy mình cứng nhắc và gượng gạo để có những cái "ôm xã giao". Tôi không thích vì tôi có thể cảm được đó là những cái ôm trống rỗng. Giống như ôm không khí, một không khí có mùi và nặng. 

Khi các con tôi bước vào tuổi niên thiếu và không còn nhu cầu cho những ôm hôn, tôi cũng không còn những cử chỉ ấy mà cũng không thấy đó là một thiếu thốn trong quan hệ với các con. Tình thương của tôi dành cho các con lúc nào cũng dư để chúng có thể cảm nhận. 

Chỉ sau khi các con rời nhà để có cuộc sống riêng thì mỗi lần về thăm, tôi ôm các con hai lần: lúc con về và lúc con từ giã. Lúc đó, tôi bắt đầu cảm thấy, với người thân, ôm và được ôm là một cảm nhận khác của hạnh phúc. Một niềm vui.

Thế rồi đại dịch Covid 19 tới, tôi vẫn nhớ lần cuối cùng chúng tôi ôm nhau từ giã sau một bữa ăn gia đình tổ chức vội vàng ngay trước ngày áp dụng biện pháp giãn cách xã hội. Rồi khẩu trang, rồi ngăn vùng. Tôi chỉ còn nhìn thấy các con qua mạng. Những ngày tháng ấy làm cho tôi thấm thía giá trị của những vòng tay. Cả một cộng đồng nhân loại không còn được bày tỏ sự thân thiện, tin tưởng nhau như trước. Người ta không còn ôm nhau, không còn bắt tay nhau, không còn ngồi chung với nhau, không còn chia nhau một bữa ăn và cũng không còn thấy mặt nhau. Đi gần ai cũng tự hỏi, người này có đang dính Covid 19  không. Lỡ đụng cái gì không thuộc về mình thì rửa tay mệt nghỉ. Những ai có thú cưng thì còn có gì để ôm. Những người độc thân, và nhất là những người độc thân tại chỗ thì chỉ có nước ôm người thân trong mộng. Những người ở chung một nhà cũng không còn cái bầu khí thân thiện, gần gũi như trước. Mỗi người thành một ốc đảo. Nhìn những phản ứng của mọi người, tôi tự hỏi, phải chăng sự hoài nghi, lo lắng, cộng thêm những tin thất thiệt, tin giả, "giải ảo", thuyết âm mưu...đã có đất tung hoành ngang dọc trên khắp thế giới vì chúng ta đã không còn những đụng chạm thể lý mà chúng ta từng làm trước đây. Phải chăng khi đụng chạm nhau qua cái bắt tay, ôm hôn xã giao, dù như cái máy, cũng làm cho bộ não tiết ra sự tin tưởng và thân thiện để nối kết "chúng sinh" lại với nhau. 



Gần đây, khi nhìn những người dân Ukraine ôm hôn nhau từ biệt để người ra chiến trường, người đi lánh nạn, tôi mới nhìn thấy rõ giá trị và sức mạnh của những vòng tay ôm. Nhìn những người vợ trẻ ôm con thơ cố gắng kéo dài cái khoảnh khắc từ giã người bạn đời mới đẹp làm sao. Người ta có thể thấy tất cả cái đẹp, cái sâu đậm trong đó: tình yêu gia đình và đất nước, sức sống của một dân tộc, sự can trường và can đảm của mỗi con người, sự tha thiết, cuồng nhiệt, và đương nhiên cả đau khổ và bất lực. Tôi cũng bị rung động vì hình ảnh của những em bé chạy nạn tay ôm chặt con thú nhồi bông. Tôi không biết em bảo vệ thú hay thú bảo vệ em. Dễ thương làm sao! Dù chỉ là thú nhồi bông, tôi tin chúng là thiên thần bản mệnh của các em. Đồng hành với các em trên những con đường khói lửa. Tôi lại nghĩ, nếu những trẻ em Việt nam trong cuộc di tản 1975 mà kịp mang theo những món đồ chơi thân thương của các em thì chắc là sẽ thấy an ủi hơn. Những tấm hình ngày đó cho thấy các em không có quyền mang gì ngoại trừ tấm thân gầy gò của mình, chiến tranh đã lột sạch tất cả những nhỏ nhoi còn sót lại của nhiều thế hệ trẻ Việt nam.




Bây giờ thì tôi tin rằng một trong những lý do người Ukraine vẫn còn kiên cường chưa bị khuất phục là nhờ vào những vòng tay ôm mà họ đã trao cho nhau. Tôi bị thuyết phục bởi tình yêu và sự nhiệt huyết của dân tộc Ukraine. Và tôi tin vào sức mạnh của những vòng tay ôm. 
Hãy ôm ấp đời sống, 
Vì 
"Ôm và hôn diễn tả được những điều mà lời nói không thể!" (Kacie Conroy)

Thi Văn 23/3/2022


Thứ Tư, 16 tháng 3, 2022

Thế giới nhìn từ một xóm nhỏ



 



Chu Văn

Cái xóm nhỏ của tôi gồm có 16 nóc nhà tọa lạc trên một ngõ cụt. Ngoại trừ 2 gia đình trẻ có con còn trong tuổi cắp sách đến trường, hầu hết đều trong tình trạng mà người Úc gọi là “tổ trống” (empty nest). Nằm cách trục lộ giao thông chính, phía sau lại tựa lưng vào một dãy núi thuộc lâm viên quốc gia cho nên cái xóm nhỏ của tôi rất yên ắng. Không bị ô nhiễm về âm thanh đã đành, cư dân trong xóm của tôi cũng rất hiếu hòa. Tôi chưa từng nghe có tiếng cãi cọ, gấu ó nào vang ra từ bất cứ gia đình nào. Nhưng gần đây, đất bằng lại dậy sóng. Và sóng gió lại nổi lên từ nóc nhà của người đàn bà mà tôi thường gọi là bà Tàu. Bà đã từng sống trong một khu phố giàu gần Sydney. Nhưng sau khi ly dị ông chồng người Úc nghiện ngập cờ bạc và rượu chè, bà dắt hai cậu con trai về cái xóm nhỏ của chúng tôi. Cả hai đều đã bước vào đại học, nhưng sống rất âm thầm và kín đáo.

Trong những năm đầu mới dọn về đây, bà Tàu sống rất cởi mở và chan hòa với mọi người trong xóm. Nhưng không rõ do đâu, sức khỏe của bà ngày càng sa sút. Thị lực ngày càng giảm. Sự giao tiếp của bà với người hàng xóm cũng ngày càng thưa thớt và dĩ nhiên, sự tương tác của bà với người xung quanh cũng ngày càng chua chát và gay gắt. Lúc đầu bà chỉ  trút hết cơn giận dữ và những lời thóa mạ lên ông phát thơ, vì ông cứ tỉnh bơ cho chiếc xe gắn máy của ông cày xéo trên thảm cỏ trước nhà bà. Kế đó là những người hàng xóm nào vô tình để cho các cô cậu chó của mình phóng uế bừa bãi trên thảm cỏ đó. Tiếng Anh ăn đong của tôi chưa đủ để hiểu hết sự cộc cằn và thô tục trong những tràng chửi rủa của người đàn bà gốc Hong Kong và có chồng Úc này, nhưng phải nói đó là những lời lẽ có sức khơi dậy một cơn phẫn nộ khủng khiếp nơi những người hàng xóm của tôi.

Mắt mũi ngày càng yếu kém, bà Tàu ngày càng nghi ngờ tất cả mọi người và giam mình vào cô đơn. Gần đây, được nhìn nhận như một người mù (legally blind), bà Tàu được chính phủ cho người tới giúp đỡ trong mọi sinh hoạt hàng ngày, từ cắt cỏ, dọn rác, đi chợ, nấu ăn và dọn dẹp trong nhà. Hai cậu con trai, từ ngày ra trường và đi làm ăn ở xa, không bao giờ về thăm mẹ. Bà Tàu lại lủi thủi trong nhà suốt ngày. Có lúc tôi cứ tưởng bà được đưa vào một viện dưỡng lão hoặc ngay cả không chừng đã yên nghỉ ở một nơi nào đó không chừng. Cư dân trong cái xóm nhỏ của tôi chỉ biết bà vẫn còn hiện hữu nhờ vào những lúc bà chửi đổng. Đúng là “tôi chửi, vậy tôi hiện hữu”! Cứ năm ba bữa một lần, bà Tàu hé cánh cửa sổ trước nhà, hướng ra đường và chửi. Cũng có điều lạ: ai cũng là kẻ thù của bà cả, ngoại trừ gia đình tôi. Bà nói chuyện rất lịch sự và vui vẻ với chúng tôi. Lễ tết đều gọi sang chúc mừng. Nhưng cách đây 2 tuần, khi nhịp độ chửi đổng của bà gia tăng, nhà tôi gọi điện thoại sang khuyên nhủ và giải thích rằng mọi người trong xóm đều là những người tốt hết. Thế là bà liền đưa ra một loạt các “thuyết âm mưu” cho từng người hàng xóm để biện minh cho hành vi của mình. Cuối cùng bà nổi cơn tam bành vì cho rằng chúng tôi cũng đứng về “phía kẻ thù” để chống bà. Chúng tôi là những người cuối cùng trong xóm trở thành kẻ thù của bà. Mỗi lần nghe bà chửi, mọi người trong xóm tôi đều ngao ngán lắc đầu: “Bà ta bị bệnh tâm thần” rồi!

Tuy không phải là một chuyên gia tâm lý, nhưng tôi tin rằng tôi không chẩn đoán sai khi bảo rằng bà Tàu đang mắc chứng hoang tưởng, vì bà nhìn đâu cũng nghi ngờ, cũng thấy kẻ thù. Cái xóm nhỏ của tôi sẽ yên hàn biết chừng nào nếu không có một người hoang tưởng như bà Tàu! Cũng may không ai trong xóm tôi tin những cáo buộc hoang tưởng mà bà gán cho người khác. Không thì chắc “hòa bình” sẽ bỏ xóm tôi mà đi.

Từ cái xóm nhỏ tôi nhìn ra ngôi làng lớn là thế giới ngày nay và cũng nhận ra rằng ngôi làng lớn này có bất ổn và ngay cả trở thành một nơi ngày càng nguy hiểm để sống là bởi vì thời nào cũng có những con người hoang tưởng do thời thế đưa lên vị trí lãnh đạo. Tất cả các bạo chúa trong lịch sử nhân loại đều là những kẻ hoang tưởng. Từ Tần Thủy Hoàng, Nero đến Stalin, Hitler, Mao Trạch Đông, Pol Pot và ngay cả Hồ Chí Minh...nhân loại có khốn khổ là bởi đã có những con người hoang tưởng như thế. Ngày nay, ngay giờ phút này đây, hiện thế giới đang khốn đốn vì một bạo chúa hoang tưởng có lẽ còn khủng khiếp hơn nhiều.



Khi Vladimir Putin đưa vũ khí hạt nhân ra đe dọa, tôi không nghĩ đó là một lời đe dọa suông. Đã hoang tưởng lại bị dồn vào chân tường, con người này sẽ không từ bất cứ một phương tiện nào miễn là không tỏ ra mình là kẻ thua cuộc. Ông ta đã từng sử dụng vũ khí sinh học để đầu độc kẻ thù của ông tại Salisbury, Anh Quốc. Ông cũng đã sử dụng vũ khí nguyên tử để tiêu diệt Alexander Litvinenko, một cựu nhân viên KSB, người đã dám lên tiếng chỉ trích ông, cũng tại Anh Quốc.

Hiện Putin đang giống như một con chuột bị dồn vào chân tường. Hình ảnh con chuột bị dồn vào chân tường đã được chính ông sử dụng để nói về một kinh nghiệm của tuổi thơ. Putin lớn lên trong một khu phố nghèo ở St Peterburg. Đây là một khu phố đầy tội phạm và chuột. Năm 2000, ông chia sẻ về tuổi thơ của mình: “Lối vào chung cư đầy chuột. Các bạn tôi và tôi dùng gậy gộc để xua đuổi chúng. Lần nọ, tôi nhìn thấy một con chuột cống bự. Tôi đã rượt theo nó cho đến khi dồn nó vào một chân tường. Nó không còn lối thoát nào. Thình lình nó nhảy vào người tôi. Tôi ngạc nhiên và lo sợ. Bây giờ chính con chuột là kẻ săn đuổi tôi. Nó nhảy lên nhảy xuống trên các bậc thang. Cũng may, tôi nhanh tay hơn cho nên đóng sầm cửa vào mũi nó”.

Ngày nay có thể Putin thấy mình cũng giống như con chuột bị dồn vào chân tường đó (1). Nhưng vì hoang tưởng ông không muốn và cũng không thể chấp nhận thực tế đó. Nếu như trong tự điển của Nã Phá Luân không có từ “Không thể” (impossible) thì trong đầu của Putin, hai tiếng “thất bại” và “thua cuộc” cũng không bao giờ được nghĩ tới, mặc dù cuộc xâm lăng Ukraine đã cho thấy rốt cuộc, con người mà một Donald Trump của Mỹ đã bái phục và xưng tụng như một “thiên tài” (genius) và là người có óc phán đoán chín chắn (savvy) chỉ là một “ông vua ở truồng” hoang tưởng, cô đơn và ngày đêm sống trong sợ hãi.

Trạng thái hoang tưởng của Putin có lẽ đã hiển hiện qua chính những cái bàn dài hơn 5 thước thường được ông dùng để tiếp các nhà lãnh đạo nước ngoài cũng như hội họp với bộ sậu của ông. Để mình trần cỡi ngựa, bắn cung, câu cá, đánh vật...Putin lúc nào cũng muốn tỏ ra mình là một con người dũng mạnh, nhưng lúc nào cũng sống trong cô đơn và sợ hãi. Sợ Covid-19 đã đành, ông cũng sợ tất cả mọi người, ngay cả những cận thần trung thành nhứt như ngoại trưởng Sergei Lavrov, các tướng lãnh, hội đồng an ninh quốc gia (2).

Hoang tưởng và bị dồn vào chân tường, Putin có thể làm bất cứ điều gì để tỏ ra mình không bao giờ là một kẻ yếu nhược phải thua cuộc. Cuộc chiến ở Ukraine không chỉ cho thấy cảnh máu đổ thịt rơi của một dân tộc, mà còn là một mối đe dọa về một hiểm họa khủng khiếp có thể xảy ra bất cứ lúc nào vì sự hoang tưởng của một bạo chúa. 

Không một bạo chúa nào tự sức mình vươn lên và có đủ ba đầu sáu tay để làm điều ác. Lịch sử thế giới từ Thế kỷ 20 đến nay cho thấy rõ điều đó. Hitler đã được chính người dân Đức bầu lên. Hitler gây chiến tranh khắp nơi, sát hạt người Do Thái và ngay cả đồng bào ruột thịt của mình nhờ chính bàn tay của không biết bao nhiêu người tung hô và ái mộ ông. Chúng ta cũng có thể nói như thế về những đồ tể khác như Stalin, như Mao Trạch Đông, như Polpot và ngay cả Hồ Chí Minh. Đồ tể nào cũng là một kẻ hoang tưởng được chính những kẻ hoang tưởng dựng lên.

Hoa Kỳ, dưới thời Tổng thống Joe Biden đã liên kết được các nước đồng minh và thế giới tự do để chống lại một bạo chúa hoang tưởng ở cách xa nửa vòng thế giới. Nhưng ngay trong biên giới của mình, cái bóng của hoang tưởng có lẽ vẫn đang rập rình che khuất một phần của đất nước này. Các chuyên gia trong Hội Chuyên gia Tâm lý Trị liệu của Mỹ (The American Psychiatric Association) bị buộc phải tuân thủ một “Luật Nước Vàng” (Goldwater Rule) không cho phép họ chẩn đoán về sức khỏe tâm thần của những “người của công chúng” (public figures), cụ thể là của một tổng thống đương nhiệm. Nhưng cứ qua hành động và các phát biểu của ông Donald Trump lúc còn tại vị, thật khó có thể chối cãi rằng ông có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Một người tự nhận mình là một “thiên tài ổn định” và “chỉ mình tôi có thể sửa sai” mọi sự, chỉ có thể được xếp vào hạng hoang tưởng như Putin mà thôi. Có nên ngạc nhiên không, khi Trump xem Putin như thần tượng và ngay cả giáo chủ? Nước Mỹ đã bầu một người như thế làm tổng thống và mặc dù ông đã bị đánh bại trong một cuộc bầu cử tự do và công bình, hiện vẫn còn cả khối người ở Mỹ và ngay cả ở Việt Nam tôn thờ và sùng bái ông. Hoang tưởng vẫn còn là một căn bệnh nguy hiểm của thời đại. Nhiều người đã chấp nhận khuất phục trước những lãnh tụ hoang tưởng vì cho rằng họ sẽ giúp mình đạt những ước muốn hoang tưởng, ngông cuồng.

Năm 1992, khi chủ nghĩa cộng sản đã cáo chung tại cái nôi của nó là Nga, nhà chính trị học nổi tiếng là ông Francis Fukuyama đã cho xuất bản tác phẩm có tựa đề “Sự chấm dứt của lịch sử và Người cuối cùng” (The End of History and the Last Man). Trong cuốn sách, tác giả lập luận rằng sự lan rộng của các nền dân chủ và chủ nghĩa tư bản trên khắp thế giới và sự cáo chung chủ nghĩa cộng sản ở chính cái nôi của nó báo hiệu rằng, nhân loại đang bước đến điểm đến của quá trình tiến hóa của văn hóa xã hội. Thế nhưng, lịch sử trong 30 năm qua và nhứt là sự xuất hiện của các chế độ dân túy, những chế độ tìm cách khơi dậy những bất mãn của những người cho rằng họ bị thua thiệt, không chấp nhận một xã hội dân chủ, bình đẳng và hòa đồng. Những người muốn quay về thời “hoàng kim” của quá khứ. Đặc biệt sự ngự trị của các bạo chúa hoang tưởng mà thế giới đang chứng kiến, cho thấy những lời “tiên tri” của tác giả Fukuyama đã không được ứng nghiệm. Lịch sử vẫn cứ tiếp diễn bằng những hành động ngông cuồng của những kẻ hoang tưởng lãnh tụ và những người chạy theo để tung hô.

Từ cái xóm nhỏ nhìn ra thế giới xung quanh, tôi cho rằng hoang tưởng vẫn  là một trong những căn bệnh trầm kha của loài người. Không phải ai cũng bị hoang tưởng hay tâm thần. Nhưng thống kê cho thấy tại Úc này (mà cũng có thể tương tự ở các nước phát triển) cứ 5 người thì có một người đã từng bị tâm thần một thời gian nào đó trong đời của họ. Nếu có một thứ thuốc để phòng  cho căn bệnh hoang tưởng này thì đó chỉ có thể là luôn giữ một cái nhìn chính trực, công bằng, khoan dung và vị tha về người khác, không xem người khác như phương tiện để đạt cứu cánh của mình, mà đối xử với sự tôn trọng và nhứt là cảm thông.

 Chu Văn

 

 

 

Chú thích

1.Jamie Seidel, Sign Putin could use Russia’ s nuclear weapons on Ukraine https://www.news.com.au/technology/innovation/military/sign-putin-could-use-russias-nuclear-weapons-on-ukraine/news-story/ea5c01da565485e9210e372aa38a11c5

2. Philip Bump, The bizarre, literal isolation of Vladimir Putin https://www.washingtonpost.com/politics/2022/02/28/putin-bizarre-isolation/

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2022

Sinh Ra Để Chết

 

Thi Văn

Cách đây 47 năm, tháng Ba 1975, thành phố Buôn Mê Thuột nơi tôi được sinh ra, đã thất thủ.

Sự thất thủ của thành phố Tây Nguyên này khởi đầu cơn hấp hối của đất nước tôi.

Khi ấy mặc dù chỉ hơn mười tuổi, tôi cũng cảm nhận được một điều gì đó rất kinh khủng đang từng ngày phủ chụp xuống tất cả mọi người trong đó có tôi, một đứa bé bất lực khi nhìn cha mẹ càng bất lực hơn chờ cơn hấp hối chấm dứt số phận của miền Nam Việt Nam. Không một hy vọng, không một hứa hẹn. Mỗi sáng thức dậy để nghe cha mẹ than thở với nhau "lại mất thêm một tỉnh nữa". Và Miền Nam Việt Nam đã giãy chết như vậy, trước mắt tôi. Tôi nhớ mình đã không ngăn được nước mắt  vào ngày số phận Miền Nam Việt Nam kết liễu dù cho mãi sau này, càng lớn lên tôi mới thấy được ngày càng nhiều hơn nữa cái khốn khổ và nghiệt ngã của dân tôi, nước tôi. Mỗi người dân Miền Nam vào ngày đó đều có một câu chuyện. Và câu chuyện nào cũng đẫm nước mắt.

Suốt hơn hai tuần nay, từ khi có cuộc chiến ở Ukraine, những cảm giác hồi hộp, nghẹt thở, kinh hoàng mà tôi tưởng mình đã quên đi sau 47 năm trở về. Mạnh mẽ như mới hôm qua. Làm gì, ngủ hay thức, sự lo lắng và suy tư của tôi cũng quay về cơn hấp hối của Ukraine. Tôi tin là những ai đã trải qua những gì tôi đã trải qua 47 năm trước cũng sẽ cùng có chung một cảm giác, một lo lắng, một sự bất lực. Ở Thế kỷ 21, tại Âu Châu mà lại có một đất nước cũng phải chịu đựng những điều đau khổ, chết chóc, chiến tranh vô nghĩa như đất nước của tôi vào thế kỷ trước quả là một điều khó hiểu cho một người đang bước vào tuổi già như tôi. Tôi theo dõi tin tức từng giờ từng phút, tôi cũng không cho phép mình ngủ suốt đêm mà không mở điện thoại cầm tay để xem chiến sự tới đâu, với một hy vọng ngộ nghĩnh như một đứa trẻ rằng vì tôi cứ theo dõi nên Ukraine vẫn còn chống cự được. Tôi không cho phép mình ngủ "vô tư" như 47 năm trước.

Chiến tranh không bao giờ cho chúng ta cái nhìn lạc quan. Những người già, những người trẻ, những đứa bé đã bị tước đi sinh mạng một cách tức tưởi. 

Có một quy luật tuyệt đối đúng: chúng ta sinh ra để chết. Nhưng nếu chết bởi một cái chết không như qui luật tự nhiên của trời đất, cũng không phải là một cái chết do chính chúng ta quyết định, thì quả là quá đau! Cái vô nghĩa của những cái chết trong chiến tranh là thế.

Tôi không thể thay đổi quy luật sống chết. Nhưng tôi không chỉ sinh ra để chết mà còn để sống. Tôi không mấy tin tưởng là sẽ được đầu thai để có kiếp khác. Tôi cũng không nghĩ là nếu có đời sau ở thiên đàng hay hỏa ngục, thì cuộc sống ở đó sẽ giống như cuộc sống nơi cái trần gian nhiều vui buồn sướng khổ này. Vì vậy, tôi muốn sống hết mình, tôi muốn sống một cuộc sống có giá trị, tôi muốn làm cho trái đất này ngày càng trở thành một nơi đáng sống hơn cho những thế hệ sau tôi.

Born to die

Born to be alive

Let's live a worthy life

(Sinh ra để chết 

Sinh ra cũng để sống 

Sống thật đẹp trước khi chấm hết)

Thi Văn 13/3/2022