Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

Thành tích tồi tệ của các lãnh tụ dân túy trong cuộc chiến chống Đại dịch

John Daniszewski

Chu Văn chuyển ngữ

Những nước có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới không nhất thiết là những nước nghèo nhất, giàu nhất hay ngay cả có mật độ dân số cao nhất thế giới. Nhưng những nước đó đều có một mẫu số chung: đó là những nước được lãnh đạo bởi những lãnh tụ dân túy, lập dị.

Trong chính trị, dân túy có nghĩa là đề ra những chính sách được lòng “dân chúng”, chứ không phải những nhà trí thức và các chuyên gia. Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ, Thủ tướng Boris Johnson của Anh Quốc và Tổng thống Jair Bolsonaro của Ba Tây cũng như Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ và Tổng thống Andrés Manuel López Obrador của Mễ Tây Cơ đã lên cầm quyền tại những nước dân chủ; họ thách thức trật tự cũ với lời hứa hẹn mang lại những lợi ích xã hội cho đám đông và chống lại cơ cấu chính phủ hiện hành.

Nhưng kết quả là khi phải đương đầu với một dịch bệnh mới như Covid-19, những chính sách ngược ngạo của những nhà lãnh đạo dân túy tỏ ra quá tồi tệ so với những mô hình dân chủ tự do tại những nước như Đức, Pháp và Băng Đảo tại Âu Châu hay Nam Hàn và Nhật Bản tại Á Châu.

Dân chủ tự do là một hệ thống chính trị đã từng giúp đánh bại chủ nghĩa Phát Xít trong thời Đệ nhị Thế chiến, thiết lập những cơ chế như Tổ chức Y tế Thế giới cũng như xem ra đã chiến thắng trong Chiến Tranh Lạnh cách đây 3 thập niên. Các nhà hàn lâm đang lo sợ và tự hỏi không biết hệ thống này có thể đương đầu với trào lưu dân túy mới và đối phó với những thách đố phức tạp của Thế kỷ 21 hay không.

Đại dịch Covid-19 đã nêu lên câu hỏi ấy.

Michael Shifter, chủ tịch của Tổ chức “Đối thoại Liên Mỹ Châu” (Inter American Dialogue), một cơ quan tư vấncó trụ sở tại Washington, nói rằng: “Đây là một cuộc khủng hoảng y tế công cộng đòi hỏi phải có khoa học và chuyên môn để giải quyết. Tự bản chất, các nhà lãnh đạo dân túy khinh thường các chuyên gia và khoa học mà họ xem như là một phần của cơ chế chính phủ”. Ông Shifter đề cập đến Ba Tây là nơi đã có ít nhất 81.000 người chết (vì đại dịch Covid-19).

Theo ông Shifter, “Ba Tây cũng như Hoa Kỳ là những nước có một đội ngũ chuyên gia rất lớn. Nhưng vấn đề là: các chính sách dân túy đang khiến cho việc thực hiện những chính sách hợp lý trở nên khó khăn. Đây (những chính sách này) mới thực sự là những chính sách có thể giải quyết vấn đề hay ít ra đương đầu với cuộc khủng hoảng một cách hữu hiệu hơn”.

Hoa kỳ, Ba Tây, Vương Quốc Anh và Mễ Tây Cơ là những nước đang được lãnh đạo bởi những người luôn tỏ ra nghi ngờ đối với các khoa học gia và ngay từ đầu đã xem thường dịch bệnh. Tính đến nay, theo các thống kê được Viện John Hopkins truy cập được, bốn nước này chiếm đến một nửa trong tổng số 618.000 người chết vì Covid-19 trên toàn thế giới. Ấn Độ cũng đang tiến theo đà ấy. Quốc gia này đã vượt quá con số 1.2 triệu người bị nhiễm bệnh.

Thomas Wright, một chuyên gia về chính trị học thuộc Viện Brookings, nói : “Đại dịch và khủng hoảng kinh tế là cái giá phải trả vì sự bất tài và đây là điều đáng lo ngại”.

Là người đang đứng đầu cơ quan tư vấn tại Trung Tâm về Hoa Kỳ và Âu Châu, ông Wright nói rằng dịch bệnh “đánh vào mọi điểm yếu của các lãnh đạo dân túy” và làm suy giảm cái cốt lõi của những gì mà các nhà lãnh đạo dân túy đã hứa hẹn với các cử tri.

Theo ông Wright, “Họ (các lãnh tụ dân túy) kêu gọi đảo lộn mọi sự bằng cách tấn công vào chính phủ và khinh thường các cơ chế. Vì bạn cần có một guồng máy để cai trị, bạn phải đặt niềm tin nơi nhiều người và bạn phải ứng phó một cách có khoa học. Nếu không, ngày càng sẽ có nhiều người chết và bị nhiễm bệnh”.

Tại Hoa Kỳ và Ba Tây, Trump và Bolsonaro đã nhiều lần xem thường dịch bệnh, đề ra những liều thuốc không được kiểm chứng và gạt bỏ các nhà khoa học và chuyên gia y tế qua một bên. Thay vì đề ra và thực thi một chiến lược nhất quán để chống lại đại dịch Covid-19 cho quốc gia của mình, họ thường chỉ để cho

Tại Anh Quốc, vào giữa lúc dịch bệnh đang hoành hành khắp lục địa Âu Châu thì

Tại Ấn Độ, thủ tướng Ấn Độ đã đối phó với dịch bệnh một cách quyết liệt khi ra lệnh đóng cửa, nhưng lại tranh cãi với các chuyên gia về thống kê của chính phủ về các sự kiện liên quan đến dịch bệnh. Ông kiểm soát các thông tin về dịch bệnh và có lúc đề cao dược thảo và các phương pháp chữa bệnh dân gian.

Đặt nghi vấn về những sự kiện đã được chấp nhận là một trong những đặc điểm của các lãnh tụ dân túy. Một đặc điểm khác của họ là sợ mất sự ủng hộ của các cử tri nòng cốt cho nên không dám bảo dân chúng phải ở nhà hay đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Đặc điểm thứ ba của các lãnh tụ dân túy là tạo ra chia rẽ để tránh sự hợp tác. Cuối cùng, một điểm nổi bật nơi các lãnh tụ dân túy là lối lãnh đạo dựa trên khoe mẽ và lấy lòng đám đông.

Sau khi đại dịch bùng phát tại Ba Tây, quốc gia có đông dân số đứng hàng thứ sáu trên thế giới, Tổng thống Bolsonaro vẫn xem thường đại dịch. Ông nói rằng chỉ có những cá nhân nào có nguy cơ bị nhiễm cao mới phải bị cách ly và đề ra những liều thuốc chống sốt rét vốn không được kiểm chứng. Trong khi đó, (tính đến nay, trong cuộc chiến chống đại dịch), Chính phủ Ba Tây đã phải tốn đến 22 tỷ Mỹ kim. Theo bộ dân số, đây là số tiền đủ để nuôi hơn một nửa dân số Ba Tây.

Cũng giống như Tổng thống Trump dùng tiền của Bộ Ngân Khố để ký tên của mình vào tấm ngân phiếu 1.200 Mỹ kim để cứu trợ trong thời đại dịch, Chính phủ Bolsonaro cũng tìm cách làm thế nào để những người nhận tiền phải biết ai mà cám ơn. Theo Shifter, đây là một phần trong cái trò quen thuộc của một nhà lãnh đạo dân túy nhằm ve vãn người dân và củng cố quyền lực của mình. Ông Shifter nói: “Nếu họ (các lãnh tụ dân túy) có nại đến khoa học, thì họ lại tìm cách thuyết phục những cử tri nòng cốt của họ rằng khoa học là nguyên nhân chính của vấn đề đầu tiên mà quốc gia phải đương đầu”.

Tại Mễ Tây Cơ, nơi hiện đã có 41.000 người chết, Tổng thống Lopez Obrador đã tái khởi động kinh tế trong khi số người bị nhiễm bệnh vẫn đang gia tăng. Nhiều thống đốc từ chối thực thi kế hoạch tái mở cửa của chính phủ liên bang. Sau khi trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên tại Mễ Tây Cơ đã được xác nhận vào ngày 28 tháng Hai, ông Lopez Obrador vẫn tiếp tục đi lại khắp nơi và hòa mình vào các đám đông trong nhiều tuần lễ. Ông cho dân chúng xem lá bùa mà ông nói là đã gìn giữ ông được an toàn.

Trong khi con số người chết gia tăng trong những quốc gia được lãnh đạo bởi các lãnh tụ dân túy, thì tình hình lại khác hẳn tại hầu hết các nước Âu Châu là nơi mà dịch bệnh nếu chưa bị loại trừ thì ít ra cũng giảm dần.Trong bài diễn văn đọc tại Nghị Viện Âu Châu trong tháng này, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng thành tích của Âu Châu cho thấy lợi ích của sự lãnh đạo nhất quán. Đức Quốc, quốc gia với diện tích bằng một phần tư Hoa Kỳ, chỉ có 9.000 người chết. Là người đang tìm cách ngăn chận làn sóng dân túy tại Âu Châu, bà Merkel tuyên bố: “Khi phủ nhận các sự kiện, chủ nghĩa dân túy đang để lộ sự yếu kém của nó”.

 

                                                                             

 

Nguyên tác: John Daniszewaki, AP,  In struggle against pandemic, populist leaders fare poorly , 

https://abcnews.go.com/Politics/wireStory/struggle-pandemic-populist-leaders-fare-poorly-71936667?cid=clicksource_4380645_6_film_strip_icymi_hed

John Daniszewski là một thông tín viên kỳ cựu của hãng thông tấn AP. Ông hiện là phó chủ tịch của hãng thông tấn này.

 


Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

Có đạo và vô đạo



Chu Văn

 

Đầu tháng Sáu vừa qua (2020), Quốc hội Bồ Đào Nha đã đồng thanh bỏ phiếu để dựng một đài tưởng niệm cho ông Aristides de Sousa Mendes, vị tổng lãnh sự đã từng cứu vớt hàng ngàn người Do Thái khỏi cuộc diệt chủng do Đức Quốc Xã chủ xướng trong thời Đệ nhị Thế chiến. Năm 1995, tổng thống Bồ Đào Nha lúc bấy giờ là ông Mario Soares cũng đã tuyên bố: ông Sousa Mendes là “vị anh hùng Bồ Đào Nha vĩ đại nhứt trong Thế kỷ 20”. Vì không tuân hành lệnh của nhà độc tài Antonio de Oliveira Salazar để cứu vớt người Do Thái, ông Sousa Mendes đã bị cách chức, lâm cảnh nghèo đói và qua đời trong tăm tối.

Khi được hỏi: động lực nào đã thúc đẩy ông sẵn sàng hy sinh sự nghiệp và mọi sự để cứu vớt người Do Thái, ông Sousa Mendes đã trả lời: “Nếu hàng ngàn người Do Thái đang đau khổ vì một tín hữu Kitô, thì chắc chắn một tín hữu Kitô cũng có thể chịu đau khổ cho nhiều người Do Thái” (1)

Người tín hữu Kitô làm cho hàng ngàn người Do Thái phải đau khổ mà ông Sousa Mendes ám chỉ đến không ai khác hơn là đồ tể Adolf Hitler.

Xuyên suốt dòng lịch sử nhân loại, các chính trị gia thường sử dụng ngôn ngữ tôn giáo để kiếm lá phiếu của cử tri. Một lãnh tụ hàng đầu thế giới đã tỏ ra rất hữu hiệu trong việc sử dụng ngôn ngữ tôn giáo. Hãy lắng nghe ông nói: “Trong giờ phút này, tôi chỉ muốn xin Thiên Chúa một điều duy nhứt là: xin Ngài chúc lành cho công việc của chúng ta và ban cho chúng ta có đủ can đảm để làm điều ngay lẽ phải. Tôi xác tín rằng được Thiên Chúa tạo dựng, con người phải sống phù hợp với ý muốn của Đấng Toàn Năng. Không ai có thể kiến tạo thế giới nếu chương trình và sức mạnh của họ không được Đấng Quan Phòng chúc phúc”.

Nhà lãnh đạo đã từng đọc tuyên ngôn trên đây không ai khác hơn là Hitler (1889-1945). Đây là một trích đoạn trong bài diễn văn của ông năm 1937, tức 4 năm sau khi được bầu làm thủ tướng Đức. Trong các bài diễn văn của ông, Hitler đã không ngừng kêu gọi người dân yêu thương tha nhân, quan tâm đến những người nghèo khổ bệnh hoạn cũng như đứng lên chống lại bạo lực. Trong quyển tiểu sử “Hitler, God and the Bible” (Hitler, Thiên Chúa và Kinh Thánh), tác giả  Ray Comfort viết rằng “những bài diễn văn của Hitler tràn đầy hy vọng”. Hitler luôn tuyên bố: “Tôi tin rằng tôi hành động theo ý của Đấng Tạo Hóa Toàn Năng”. Người đã từng sát tế 6 triệu người Do Thái thường tự nhận mình là một “môn đệ” của Chúa Kitô. Đây là niềm tin mà ông đã tuyên xưng ngay từ năm 1925 khi cho xuất bản quyển tiểu sử tự thuật và đồng thời cũng là bản tuyên ngôn của ông có tựa đề “Mein Kampf” (cuộc chiến của tôi). Trong cuốn sách, Hitler tuyên bố rõ ràng: “Kể từ hôm nay, tôi tin rằng tôi đang hành động phù hợp với ý muốn của Đấng Tạo Hóa Toàn Năng: tự vệ chống lại người Do Thái là chiến đấu cho công trình của Chúa”.

Hitler, con người bị xem là xấu xa, đồi bại và độc ác nhứt trong lịch sử nhân loại đã được rửa tội trong Giáo hội Công giáo. Ông đã từng là một cậu bé giúp lễ và ngay cả cũng có lúc muốn trở thành một linh mục công giáo. Để tỏ tình liên đới với Giáo hội Công giáo, năm 1933, ông đã ký một thỏa ước với Tòa thánh Vatican. Theo tác giả Comfort, với thỏa ước này, Giáo hội Công giáo bày tỏ sự ủng hộ dành cho Hitler và đối lại Hitler cam kết bảo đảm tự do tôn giáo cho Giáo hội. Cũng với thỏa ước này, Hitler đã bày tỏ nhiều mỹ cảm về Kitô Giáo. Ông nói rằng ông thù ghét chủ nghĩa vô thần và cam kết sẽ tiêu diệt chủ nghĩa này tại Đức.

Vào năm 1933, khi Hitler mới lên cầm quyền, kinh tế của Đức đang ở tình trạng rơi tự do, tỷ lệ thất nghiệp lên đến mức trên 30 phần trăm. Đức đang cần một vị cứu tinh và Hitler đã cương quyết trở thành vị cứu tinh ấy. Kinh tế Đức dần đần được khôi phục và dĩ nhiên quyền lực của Hitler cũng ngày càng được củng cố. Nhưng đây cũng chính là lúc sự khoan nhượng tôn giáo dần dần biến mất, Kitô giáo đã được thay thế bằng một tôn giáo mới trong đó không có Chúa nào khác ngoài Hitler. Lớp lông cừu của một tín hữu Kitô đã được cất đi, con chó sói Hitler đã hiện nguyên hình (2).

Sinh trước Hitler khoảng  12 năm, Joseph Stalin (1876-1953), một đồ tể khát máu không kém ông cũng đã từng là một tín hữu Kitô. Như tên “Joseph” của ông đã có thể gợi lên, Stalin đã được người mẹ rất đạo đức của ông đặt tên theo một trong những vị thánh nổi tiếng nhứt trong Kitô Giáo là thánh Giuse (Joseph), phu quân của Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu. Như chính ông đã từng tiết lộ, cha ông là một linh mục Chính thống giáo. Lúc trẻ, người thanh niên Stalin cũng đã từng thụ huấn năm năm trong một chủng viện Chính thống giáo  với ước vọng trở thành một linh mục trong Giáo hội này.

Tên tuổi của người đã từng muốn làm linh mục này lại gắn liền với chế độ lao tù khổ sai khủng khiếp nhứt trong lịch sử nhân loại thường được biết đến với tên gọi “Gulag” (viết tắt từ cụm từ  Glavnoe Upravlenie Lagerei, nghĩa là Hệ thống Quản lý trại tù khổ sai) và được vạch trần trong quyển tiểu thuyết “Quần đảo Gulag” của văn hào Aleksandr Solzhenitsyn (1918-2008). Được thiết lập dưới thời Lenin, nhưng hệ thống lao tù khổ sai này đã đạt đến cao điểm trong thời gian Stalin cầm quyền tại Liên Xô, tức từ năm 1930 đến năm 1953, năm ông qua đời. Trong giai đoạn này người ta tính có khoảng 18 triệu người bị giam giữ trong hàng trăm trại tù trên toàn lãnh thổ Liên Xô, nhứt là tại Tây Bá Lợi Á, mỗi trại giam từ 2000 đến 10.000 tù nhân. Họ phải lao động mỗi ngày suốt 14 tiếng đồng hồ, trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhứt. Rất nhiều người chết vì đói và kiệt sức, hoặc ngay cả bị xử tử. Theo ước tính, đã có khoảng trên dưới 2 triệu người chết trong các trại tù khổ sai dưới thời Stalin.

Ngoài ra, tên tuổi của Stalin còn gợi lên nạn đói khủng khiếp tại Ukraine trong 2 năm 1932 và 1933. Khác với những nạn đói khác trong lịch sử nhân loại mà nguyên nhân thường là thiên tai, nạn đói tại Ukraine dưới thời Stalin do chính ông gây ra nhằm thay thế các tiểu nông bằng những hợp tác xã quốc doanh cũng như  để trừng trị người dân Ukraine vì họ tranh đấu giành độc lập chống lại chế độ độc tài của ông. Theo ước tính, nạn đói do Stalin tạo ra tại Ukraine đã cướp đi mạng sống của khoảng 3.9 triệu người (3).

Cũng như Hitler đã từng ký thỏa ước với tòa thánh Vatican để tìm kiếm sự hậu thuẫn của người công giáo, vào năm 1943, Stalin đã quay 180 độ trong chính sách tôn giáo của chế độ Cộng sản Liên Xô đối với Giáo hội Chính thống Nga. Trong 10 năm trước khi Stalin qua đời, Giáo hội Chính thống Nga đã được phục hoạt và hưởng được mọi tự do. Ai bảo Stalin là một người vô thần?

Hitler đã không ngừng “kêu tên Chúa” và tuyên xưng mình là một tín hữu Kitô. Stalin đã được vinh danh như một vị ân nhân của Giáo hội Chính thống dưới thời Liên Xô. Một đồ tể khét tiếng khác đã từng sát hại trên dưới 2 triệu đồng bào ruột thịt của mình là Pol Pot có lẽ cũng không hẳn là một người vô thần. Theo tiến sĩ Ian Harris, giáo sư về tôn giáo học tại Đại học St. Martin, Anh Quốc, trước khi lãnh đạo Khmer Đỏ, Pol Pot đã từng viết rằng “chế độ dân chủ sẽ phục hồi nền luân lý của Phật Giáo, bởi vì Vị Lãnh Đạo Vĩ Đại của chúng ta là Đức Phật là người đầu tiên đã dạy về dân chủ”. Cũng như Hitler và Stalin, Pol Pot đã từng được nuôi dạy như một phật tử và ngay cả như một người công giáo (4).

Nói theo ngôn ngữ nhà đạo của tôi, cả ba đồ tể khét tiếng nhứt trong lịch sử nhân loại trên đây đều đã từng là những người “có đạo” hay đã có lúc muốn tỏ ra mình là người “có đạo”.

Ngay từ thuở nhỏ, tôi đã được nhồi nhét vào đầu danh xưng “có đạo” ấy. Nơi tôi sinh trưởng là một ngôi làng nhỏ thuộc miền Trung. Về tôn giáo, một nửa dân số trong làng theo Công giáo, một nửa theo Phật giáo hay Đạo ông bà. Từ lúc vừa có trí khôn, tôi đã phải học bài giáo lý vỡ lòng của Công giáo là: “Hỏi: có mấy đàng lên Thiên Đàng? Thưa: chỉ  có một đàng rất chính rất thật là Đạo thánh Đức Chúa Trời”. Chỉ có một đàng, tức một Đạo rất chính rất thật là Đạo Công giáo, cho nên người ngoài công  giáo bị xem là “kẻ ngoại”, chết thì  phải “sa hỏa ngục” mà thôi!

Cũng may, bài học làm người mà tôi phải học suốt đời lại là bài học về khoan nhượng và tôn trọng đối với những người không có cùng niềm tin tôn giáo với tôi. Ngoài ra, lịch sử lại còn mở mắt cho tôi thấy rằng có biết bao nhiêu người “có đạo” lại là những kẻ vô đạo và có biết bao nhiêu hành động được xem là “có đạo” lại là những hành động vô đạo. Không là vô đạo sao khi người ta giương cao Thập Giá để cầm gươm đi xâm chiếm đất đai của các dân tộc khác, chém giết những người khác tôn giáo, phá hủy văn hóa của họ và ngay cả bắt họ làm nô lệ? Dĩ nhiên, đâu có riêng gì Công giáo của tôi, trong tôn giáo nào mà chẳng có những kẻ vô đạo? Miệng hô to “Thượng Đế Vĩ Đại”, mình mang bom tự sát để giết người vô tội vạ, đó chẳng phải là vô đạo sao? Để gọi là bảo vệ Đạo Pháp, người ta kỳ thị, xua đuổi và ngay cả tàn sát những người không đồng tôn giáo với mình, đó chẳng phải là vô đạo sao?

Khi suy nghĩ về “có đạo” và “vô đạo”, tôi cũng không thể không liên tưởng đến chuyện đang xảy ra trong thời đại này. Bên Nga, có lẽ không ai tỏ ra “có đạo” cho bằng Tổng thống Vladimir Putin. Trong các bài diễn văn, ông luôn miệng đề cao Giáo hội Chính thống Nga, tự nhận mình là người bảo vệ luân lý và những giá trị truyền thống. Nhưng thành tích vi phạm nhân quyền của ông thì đã rõ như ban ngày! Bên Thổ Nhĩ Kỳ, mới đây, bất chấp sự phản đối của Liên Hiệp Quốc và các nước Tây Phương,  lãnh tụ chuyên chế Recep Tayyip Erdogan đã tỏ ra rất “có đạo” khi ông biến một di tích lịch sử của chung Kitô Giáo và Hồi Giáo là bảo tàng viện Hagia Sofia thành một đền thờ Hồi Giáo.   

Chuyện xảy ra bên Mỹ cách đây không lâu có lẽ cũng là một hành động biểu dương sự “có đạo” không kém. Ai đó, sau khi dùng bạo lực để đàn áp một đoàn người biểu tình ôn hòa, tiến đến trước một ngôi thánh đường chỉ để chụp hình với quyển Kinh Thánh cầm trên tay  để  chứng tỏ mình là người “có đạo” và nhứt là luôn bảo vệ Giáo hội!

Suy nghĩ về “có đạo” và “vô đạo”, tôi lại nhớ đến lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho  một nhà thần học Châu Mỹ La Tinh, khi được hỏi: “Đạo nào là Đạo tốt nhứt?”, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng trả lời: “Bất cứ điều gì làm cho bạn cảm thông hơn, nhạy cảm hơn, siêu thoát hơn, yêu thương hơn, nhân đạo hơn, ân cần hơn, đạo đức hơn. Tôn giáo nào làm cho bạn được như thế là tôn giáo tốt nhứt” (5)

Với tôi, Đạo nào cũng tốt cả, bởi lẽ tự trong cốt lõi, Đạo nào cũng khuyên dạy con người ăn ngay ở lành. Do đó, nếu “Đạo” là đường thì “có đạo” hay “đi đạo” không chỉ là gia nhập vào một tôn giáo có tổ chức, thực hành các nghi lễ của tôn giáo , miệng ê a kinh kệ, tuần chay nào cũng có nước mắt...mà thiết yếu chính là cố gắng sống cho phải đạo làm người.

 

 

1.                 https://edition.cnn.com/2020/06/26/opinions/aristides-de-sousa-mendes-visas-refugees-portugal-berger-wall/index.html

2.                 https://www.cbn.com/700club/features/churchhistory/godandhitler/

3.                 https://www.history.com/news/ukrainian-famine-stalin

4.                 https://stellarhousepublishing.com/were-stalin-hitler-and-pol-pot-atheists/

5.                 https://www.staradvertiser.com/2010/07/03/religion/best-religion-is-the-one-that-makes-one-better/


Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2020

Tâm lý các lãnh tụ chính trị thời Cô Vi


Robert Klitzman

Khi một cơn dịch bệnh vượt quá tầm kiểm soát, về mặt tâm lý, các lãnh tụ chính trị thường có khuynh hướng dựng lên những trình tự nhằm che đậy sự thất bại của họ và đẩy mạnh những tham vọng chính trị của họ.

Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã  thấy được cách phản ứng rất người đó nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ba Tây Jair Bolsanaro.

Dĩ nhiên khuynh hướng này không phải là một điều mới mẻ. Các lãnh tụ hiện đại cần phải học hỏi từ những người đã đi trước họ và nhận ra rằng họ vẫn có thể tỏ ra hiệu năng khi chăm sóc các bệnh nhân.

Nã Phá Luân là một tấm gương.

tamly1

Bức tranh khổng lồ của họa sĩ Antoine Jean Gros với tựa đề "Napoleon Bonaparte thăm các bệnh nhân dịch bệnh tại Jaffa".

Trong phòng chính của Viện bảo tàng Louvre ở Paris, có treo một bức tranh khổng lồ của họa sĩ Antoine Jean Gros với tựa đề "Napoleon Bonaparte thăm các bệnh nhân dịch bệnh tại Jaffa". Đối diện với tác phẩm này là bức tranh nổi tiếng của danh họa Delacroix : "Nữ thần Tự do lãnh đạo dân chúng". Bức tranh vẽ cảnh Nữ thần Tự do thúc đẩy một đạo quân những công dân rách rưới vượt qua các rào cản, tay phải giơ cao lá cờ tam tài của nước Pháp và tay trái cầm một khẩu súng ; từ đôi vai chiếc áo dài chảy dài xuống.

tamly3

Bức tranh "Nữ thần Tự do lãnh đạo dân chúng" của danh họa Delacroix..

Được thực hiện vào năm 1804, bức tranh vẽ Nã Phá Luân có kích thước gấp 4 lần Bức tranh của Delacroix và ghi lại một biến cố lịch sử. Thật vậy, sau cuộc chiến thắng ở Ai Cập năm 1798, Nã Phá Luân (lúc bấy giờ đang là đại tướng) đem quân sang Palestine để tấn công Đế quốc Thổ, nhưng một cơn dịch hạch bắt đầu tiêu diệt quân đội của ông. Ông đã thăm viếng các binh sĩ mắc bệnh để nâng cao tinh thần của họ, giúp khiêng họ trên cáng và chấp nhận nguy cơ chính mình có thể bị lây nhiễm.

Nhìn vào trung tâm của bức tranh, người ta thấy Nã Phá Luân bước dọc theo bức tường hình cung của Thành Jaffa được dùng làm bệnh viện ; từ đó người ta cũng thấy lá cờ tam tài của Pháp phất phới trên một ngọn tháp. Đứng giữa trời nắng, Nã Phá Luân mặc một chiếc áo khoác đồng phục màu xanh mạ vàng, chiếc quần bó sát vào người và chiếc  mũ hai sừng màu đen đặc trưng của ông, cùng với một chiếc băng màu tím mạ vàng quấn quanh hông. Các binh sĩ bệnh hoạn, gần như trần truồng bao quanh ông. Ông đã tháo chiếc bao tay màu trắng ra khỏi tay trái và dùng nó sờ một cánh tay mưng mủ của một bệnh nhân. Đứng sau lưng Nã Phá Luân là một viên sĩ quan. Ông này đang dùng một chiếc khăn tay trắng để bịt miệng. Một viên bác sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ quì gối trước viên đại tướng, van xin ông đừng tiến tới nữa, nhưng Nã Phá Luân vẫn can đảm bước tới phía trước, không chút lo sợ. Làm một cử chỉ giống như Chúa Giêsu, ông sờ vào một bệnh nhân gần như trần truồng, như thể để chữa lành người này.

Sống vào thời Khai Sáng, Nã Phá Luân tôn trọng khoa học. Đi theo ông đến Ai Cập có các nhà thực vật học, địa chất học và nhân chủng học. Chính họ đã khám phá ra Rosetta Stone (nơi có những tảng đá được viết song song bằng hai thứ tiếng Hy Lạp và Ai Cập). Các nhà khoa học này đã hợp tác với nhau để thực hiện những cuộc nghiên cứu sâu rộng trong nhiều lãnh vực. Nã Phá Luân ra lệnh phải lột khỏi các bệnh nhân những quần áo bị nghi ngờ dính đầy chí rận và các binh sĩ phải được tắm gội bằng xà phòng và nước để tẩy sạch chí rận. Ngoài ra, ông còn hô hào các binh sĩ phải hy sinh sức khỏe của mình vì những mục tiêu quân sự rộng lớn hơn của ông. Ông thuyết phục họ rằng họ có thể chiến thắng được dịch bệnh nếu họ muốn.

Sau khi viếng thăm bệnh viện, Nã Phá Luân cho tiến quân về hướng Bắc để tấn công Acre, nhưng đã thất bại trong việc đánh chiếm thành phố này, vì bị quân Thổ và đồng minh Anh quốc chận lại. Ông ra lệnh rút quân về Jaffa. Với các binh sĩ bệnh nặng không thể di tản và trở về Ai Cập, ông đề nghị với y sĩ trưởng nên cho họ uống thuốc giảm đau được chế từ á phiện với mục đích giúp họ hết cảm thấy đau và tránh không bị bắt khi quân Thổ tấn công. Nhưng viên y sĩ trưởng đã từ chối, viện cớ lời thề Hippocrate không cho phép giúp bệnh nhân tự tử cũng như dựa vào sự kiện nhiều người bị dịch đã khỏi bệnh một cách tự nhiên.

Nã Phá Luân báo cáo  với chính phủ Cộng hòa Pháp tại Paris rằng ông đã cho rút quân để tránh dịch bệnh, chứ không phải vì thất bại quân sự. Nhưng thật ra dịch bệnh đã tấn công vào quân đội.

Trở về Ai Cập, Nã Phá Luân đã bỏ rơi quân đội của ông. Dưới sự chỉ huy của Lord Nelson, Hải quân Anh đã đánh chìm hạm đội của Pháp, ngăn không cho quay trở về Pháp. Nã Phá Luân lặng lẽ tìm đường thoát thân ; người Anh đã bắt giữ quân đội của ông và chiếm giữ luôn vùng Rosetta Stone.

Anh Quốc và các nước đồng minh đã lên án nặng nề thái độ của Nã Phá luân. Để đáp trả, ông đã cho họa lên bức chân dung mô tả ông như một Người Hùng Can Đảm.

Lối tuyên truyền của Nã Phá Luân tiên báo cách hành xử của nhiều lãnh tụ trong thời gian gần đây và cho thấy trong quá khứ các lãnh tụ chính trị cũng đã từng ứng phó với các dịch bệnh bằng cách tỏ ra mình làm việc có qui  củ và kiểm soát được dịch bệnh mặc dù dịch bệnh có tàn phá đến đâu.

Tuy nhiên, bức tranh của Nã Phá Luân cũng cho thấy những khác biệt, ít nhất là giữa ông và Tổng thống Trump và gợi lên những bài học đáng tiếc trong chính trị.

Không như Tổng thống Trump, Nã Phá Luân không hề phủ nhận hay trốn tránh dịch bệnh. Ông cũng không tự mãn để đưa ra những lối chữa bệnh giả tạo hoặc vô tâm đến độ không màng đến nỗi đau đớn của người khác. Ngược lại, Nã Phá Luân đã thân hành bước tới, bất kể người khác có khuyên ông không nên tiếp xúc với các bệnh nhân.

Chúng ta không thể thay đổi bản năng của một số nhà lãnh đạo khi họ muốn khai thác cuộc khủng hoảng vì đại dịch Covid-19 để theo đuổi những mục tiêu riêng của họ. Nhưng sự kiện bức tranh của Nã Phá Luân đã được trưng bày trên 200 năm qua tại một trong những phòng chính của một trong những trung tâm du lịch có sức hấp dẫn nhất thế giới nên nhắc nhở Tổng thống Trump và các chính trị gia khác rằng lịch sử đang theo dõi và lượng giá họ. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ. Họ phải thấy rằng các lãnh tụ trong quá khứ cũng đã tìm cách khai thác các cơn đại dịch, nhưng họ cũng đã quan tâm đến các bệnh nhân.

Tại Hoa Kỳ và hầu như trên khắp thế giới, đại dịch Covid-19 còn lâu mới chấm dứt.

Rõ ràng là các nhà lãnh đạo không nên khai thác dịch bệnh để thực hiện các mưu đồ chính trị của họ, nhưng rất tiếc là có một số sẽ làm điều đó. Tuy nhiên, nếu họ không thể cưỡng chống lại điều đó, thì ít ra họ nên biết rằng họ vẫn phải tỏ ra tích cực trong nỗ lực phòng ngừa dịch bệnh và giúp đỡ các bệnh nhân. Và họ cũng phải nhớ rằng lịch sử đang theo dõi họ và sẽ mãi mãi phán xét họ.

Robert Klitzman

Nguyên tác :  "The Psychology of Politics and Pandemics" (Tâm lý trong chính trị và đại dịch)

Chu Văn chuyển ngữ

Bác sĩ Robert Klitzman là một giáo sư về tâm bệnh học tại  College of Physicians and Surgeons và Joseph Mailman School of Public Health, thuộc trường Đại học Colombia , New York, Hoa Kỳ.

 


Thứ Tư, 15 tháng 7, 2020

Không đem thắng bại mà luận anh hùng

                

Chu Văn

Tháng Sáu (2020) vừa qua đánh dấu đúng 80 năm việc Đức Quốc Xã xua quân sang xâm chiếm Paris và miền Bắc nước Pháp. Biến cố này không khỏi làm tôi nhớ đến một nhà ngoại giao Bồ Đào Nha được chính phủ nước này vinh danh như “vị anh hùng Bồ Đào Nha vĩ đại nhứt trong Thế kỷ 20”. Nhà ngoại giao đó là ông Aristides de Sousa Mendes.

Sau khi Đức Quốc Xã xâm chiếm miền Bắc nước Pháp, hàng ngàn người Do Thái và những người tỵ nạn khác đã chạy xuống phía Nam để tránh cuộc tàn sát của Đức Quốc Xã. Nhiều người đã đến được Bordeaux để tạm trú trong khi chờ đợi có được một giấy nhập cảnh vào một nước trung lập trong thời Đệ nhị Thế chiến là Bồ Đào Nha và từ đó tìm đường sang Hoa Kỳ và các nước khác.

Một số đã có được may mắn để vào tòa lãnh sự của Bồ Đào Nha ở Bordeaux. Tại đây, bất chấp lệnh của chính phủ, Tổng lãnh sự Aristides de Sousa Mendes đã cấp giấy nhập cảnh cho nhiều người được vào Bồ Đào Nha.

Đầu tháng Sáu vừa qua, Quốc Hội Bồ Đào Nha đã đồng thanh bỏ phiếu để vinh danh ông Sousa Mendes: tượng đài vinh danh ông đã được dựng lên trong Đài tưởng niệm quốc gia.

Trước Đệ nhị Thế chiến, người dân các nước có thể đến Bồ Đào Nha mà không cần chiếu khán nhập cảnh. Nhưng dưới thời nhà độc tài Antonio de Oliveira Salazar, Chính phủ Bồ Đào Nha đã ban hành một biện pháp mới có tên là “Thông Tư 14” (Circular 14) qua đó không cho phép người Do Thái và những người tỵ nạn khác được nhập cảnh vào Bồ Đào Nha.

Vì không tuân hành lệnh của Chính phủ Salazar, ông Sousa Mendes đã bị cách chức và trừng phạt nặng nề. 

Động lực nào đã thúc đẩy ông sẵn sàng hy sinh sự nghiệp và đánh đổi tất cả để cứu người Do Thái và những người tỵ nạn khác?

Theo tài liệu được ghi lại, nhà ngoại giao Bồ Đào Nha này đã kết thân với một người tỵ nạn đến từ Bỉ là giáo sĩ Do Thái Chalm Kruger. Ông mời vị giáo sĩ và gia đình vào trú ẩn trong Tòa lãnh sự và cấp giấy nhập cảnh để vào Bồ Đào Nha. Nhưng giáo sĩ Kruger đã từ chối, viện cớ rằng ông không thể bỏ rơi hàng ngàn người tỵ nạn Do Thái khác tại Bordeaux. Lương tâm bị đặt trước một chọn lựa khó xử, ông Sousa Mendes đã lui vào phòng ngủ trong ba ngày liên tiếp. Sau đó, ông xuất hiện và tuyên bố quyết định cứu vớt người tỵ nạn.

Kể từ ngày 17 tháng Sáu năm 1940, làm việc ngày đêm và với sự giúp đỡ của những người con trai của ông cũng như một số người tỵ nạn, ông đã đóng dấu và ký tên để cấp hàng ngàn giấy nhập cảnh vào Bồ Đào Nha cho người Do Thái và những người tỵ nạn khác. Sau đó, ông đi xuống thành phố Bayonne, vốn cũng nằm dưới quyền tài phán của ông. Tại đây ông còn ký thêm nhiều giấy nhập cảnh khác.

Theo một sử gia Israel chuyên về cuộc sát tế người Do Thái là giáo sư Yehuda Bauer, “có lẽ đây là hành động cứu vớt lớn nhứt do một cá nhân thực hiện trong thời Đức Quốc Xã tàn sát người Do Thái”.

Không bao lâu, chuyện ông Sousa Mendes vi phạm lệnh của chính phủ đã đến tai ông Salazar. Ngày 24 tháng Sáu năm 1940, nhà độc tài này ra lệnh cho ông Sousa Mendes phải ngưng việc cấp giấy nhập cảnh và trở về Thủ đô Lisboa gấp. Nhưng ngay cả trên đường hồi hương, ông Sousa Mendes cũng đã dừng lại tại Hendaye, một thành phố nằm sát biên giới Tây Ban Nha. Tại đây ông đã cấp giấy nhập cảnh và ngay cả sổ thông hành cho người tỵ nạn.

Khi trở về Lisboa, ông bị cách chức và cắt luôn tiền hưu bổng. Những người con nào của ông đang làm việc ở công sở cũng bị làm khó dễ. Chỉ nhờ sự trợ giúp của một tổ chức an sinh của người Do Thái, gia đình ông mới có thể sống còn.

Năm 1954, ông Sousa Mendes đã qua đời trong tăm tối, nghèo nàn và ruồng bỏ tại Bồ Đào Nha. Chỉ nhờ chứng từ của những người sống sót, trong số này có nhiều người trong hai gia đình nổi tiếng ở Mỹ là Rothschild và Rosenberg cũng như nhiều nhà hàn lâm và nghệ sĩ khác, hành động can đảm của ông Sousa Mendes mới được nhìn nhận và vinh danh.

Năm 1966, Quốc Hội Mỹ đã chính thức nhìn nhận ông là một anh hùng. Chỉ sau khi chế độ độc tài tại Bồ Đào Nha cáo chung, danh dự của ông Sousa Mendes mới được phục hồi. Năm 1987, Chính phủ Bồ Đào Nha đã trao tặng cho ông Huy Chương Danh Dự Bội Tinh. Năm 1995, Tổng thống Bồ Đào Nha lúc bấy giờ là ông Mario Soares đã tuyên bố: Sousa Mendes là “vị anh hùng Bồ Đào Nha vĩ đại nhứt trong Thế kỷ 20” (1).

Gương anh dũng của ông Sousa Mendes gợi lên cho tôi một số suy nghĩ về đạo đức và lương tâm trong chính trị. Mỗi lần cầm lá phiếu trên tay để gọi là “chọn mặt gởi vàng”, tôi luôn xem tiêu chuẩn đạo đức như một trong những nét quan trọng nhứt trong tư cách của một nhà lãnh đạo.

Tôi không thể nào xóa khỏi bộ nhớ của tôi một trong những câu tuyên bố nổi tiếng của Tổng thống Donald Trump. Ngày 23 tháng Giêng năm 2016, tại một cuộc vận động ở Tiểu bang Iowa, ứng cử viên Trump đã đưa tay lên làm hiệu như một khẩu súng và tuyên bố: “Tôi có thể đứng ở giữa đại lộ Fifth Avenue (New York) và bắn ai đó mà vẫn không mất bất cứ cử tri nào ủng hộ tôi” (2). Kể từ đó, tôi thường tự hỏi: liệu Tổng thống Trump có bao giờ cư xử và hành động theo một kim chỉ nam đạo đức nào không?

Trong một cuộc trao đổi với một người bạn vốn là một người triệt để ủng hộ Tổng thống Trump, tôi có nêu vấn đề tư cách đạo đức của một nhà lãnh đạo. Bạn tôi trả lời: “Người Mỹ chúng tôi không bỏ phiếu bầu một giáo hoàng lên làm tổng thống”. Trong cố gắng duy trì tình bạn, tôi không muốn ăn thua đủ trong cuộc tranh luận. Nhưng tôi vẫn tự trả lời: chẳng ai bầu một nhà lãnh đạo tinh thần hay một vị giáo hoàng lên làm nguyên thủ quốc gia, nhưng sẽ là vô đạo nếu người ta bầu cho một kẻ vô đạo để lãnh đạo quốc gia. Lịch sử không ngừng chứng minh: tất cả những nhà lãnh đạo độc tài khát máu đều là những kẻ vô đạo!

Tương quan giữa chính trị và đạo đức là một chủ đề đã được mang ra bàn cãi ngay từ thời triết học Tây Phương mới được khai sinh ở Hy Lạp. Ở Đông Phương, dù cho lý luận triết học chưa được hệ thống hóa, nhưng xem ra vấn đề tu thân, tức đạo đức, vẫn được đặt lên hàng đầu trong mọi sinh hoạt nhân sinh, nhứt là trong việc kinh bang tế thế, tức chính trị. Những câu như “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” hoặc “tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị gia dĩ tu thân vi bổn”...cho thấy học làm người, tập tành nhân đức, tức sống theo những giá trị đạo đức là điều tối cần trong mọi lãnh vực của cuộc sống, kể cả và nhứt là trong sinh hoạt chính trị.

Đạo đức chức nghiệp không chỉ áp dụng cho doanh nghiệp hay các lãnh vực chuyên môn. Nó cũng luôn có giá trị trong chính trị. Cuối thập niên 1990, Tổng thống Bill Clinton đã bị Quốc hội Mỹ mang ra đàn hặc vì tội gọi là bội thề và cản trở công lý. Nhưng chính vụ tai tiếng về tình dục giữa ông và nhân viên tập sự Monica Lewinsky ngay trong Tòa Bạch Ốc mới là giềng mối của cuộc đàn hặc. Đại diện cho người dân Mỹ, các vị dân cử trong Quốc Hội đã xem chuyện bê bối của Tổng thống Clinton diễn ra ngay trong Tòa Bạch Ốc như một hành vi thiếu đạo đức nghiêm trọng. Trong một ý nghĩa nào đó, họ đã xem trọng tư cách đạo đức của một nhà lãnh đạo.

Tiểu sử của cố Tổng thống Lyndon B. Johnson (1908-1973) có ghi lại cuộc gặp gỡ giữa ông và một chính trị gia nổi tiếng khác là ông George Wallace (1919-1998), Thống đốc Tiểu bang Alabama. Vào những năm cuối của thập niên 1960, phong trào tranh đấu cho quyền được đi bầu của người Mỹ gốc Phi Châu tại Tiểu bang Alabama đã dẫn đến nhiều cuộc bạo động đẫm máu. Muốn trút bỏ trách nhiệm lên Tổng thống Johnson, Thống đốc Wallace đã đến gặp ông để yêu cầu ra lệnh dập tắt các cuộc bạo động. Tổng thống Johnson nói rằng chỉ có một cách đơn giản để chấm dứt các cuộc biểu tình bạo động là nhìn nhận quyền được đi bầu của người da đen. Biết ông Wallace có ý định ra tranh cử tổng thống năm 1968, Tổng thống Johnson ôn tồn khuyên ông: “Này, George, anh và tôi đừng nghĩ tới năm 1968, mà hãy nghĩ tới năm 1988. Lúc đó cả hai chúng ta đều sẽ chết, đều sẽ không còn nữa. Ông muốn để lại cho hậu thế điều gì? Ông có muốn một đài tưởng niệm lớn bằng cẩm thạch có ghi hàng chữ “George Wallace: người đã kiến tạo?”  Hay ông muốn một tấm bảng nhỏ bằng gỗ thông trên đó có ghi: “George Wallace: người đã thù hận?” (3)

Tổng thống Johnson đã nói đến ý nghĩa của việc xây đài dựng tượng cho các chính trị gia có công với đất nước. Đây là một trong những vấn đề nóng bỏng hiện nay tại Hoa Kỳ. Cùng với phong trào chống nạn kỳ thị chủng tộc, những người biểu tình cũng đòi dẹp bỏ những tượng đài hay tên tuổi của những người đã từng có chủ trương hay can dự vào việc buôn bán người nô lệ Phi Châu hoặc kỳ thị chủng tộc. Buôn bán nô lệ, xem người nô lệ như một vật sở hữu, kỳ thị chủng tộc và dĩ nhiên hận thù chủng tộc là một tội ác. Dẹp bỏ tượng đài của những người có chủ trương như thế chính là lên án tội ác và đồng thời cũng đặt nặng vấn đề đạo đức trong chính trị.

Nhà ngoại giao Sousa Mendes cùa Bồ Đào Nha đã ý thức được điều đó khi phải làm một quyết định sinh tử. Ông chỉ có thể làm quyết định ấy sau 3 ngày tự giam trong phòng ngủ, trực diện với không một người nào hay một quyền lực nào khác ngoài lương tâm của mình, một lương tâm được soi sáng và hướng dẫn bởi những giá trị đạo đức và sự thật. Có lẽ ông đã làm đúng lời khuyên của nhà bác học lừng danh của Thế kỷ 20 là Albert Einstein: “Đừng bao giờ làm điều gì trái với  lương tâm, ngay cả khi nhà nước đòi hỏi bạn phải làm điều đó”.

Khi làm một nghĩa vụ đạo đức cao cả là cứu vớt người hoạn nạn, vị “anh hùng Bồ Đào Nha vĩ đại nhứt của Thế kỷ 20” đã thấy trước mình sẽ mất tất cả. Có lẽ ông cũng chẳng màng đến việc danh dự của mình sẽ được phục hồi hoặc một tượng đài sẽ được dựng lên để tưởng nhớ ông. Ông là mẫu người hùng đích thực: anh hùng thực sự là người sẵn sàng đánh đổi tất cả, ngay cả mạng sống của mình, để sống theo lương tâm. Ông là mẫu anh hùng theo đúng câu nói của người Việt Nam: không đem thắng bại mà luận anh hùng! Phần thưởng duy nhứt ông tự dành cho mình là biết rằng mình đã hành động đúng theo mệnh lệnh của lương tâm. Tôi cho đó là thông điệp ông muốn nhắn gởi cho hậu thế, nhứt là trong thời đại nhiễu nhương này.

 

 

1.https://edition.cnn.com/2020/06/26/opinions/aristides-de-sousa-mendes-visas-refugees-portugal-berger-wall/index.html#:~:text=The%20Portuguese%20diplomat%20who%20saved,everything%20except%20his%20good%20name&text=Arthur%20Berger%20is%20a%20retired,active%20in%20human%20rights%20causes.

2.https://thehill.com/opinion/campaign/463710-donald-trumps-fifth-avenue-moment

3.https://www.washingtonpost.com/blogs/post-partisan/wp/2014/05/13/a-question-of-morality-in-politics/