Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Người Palestine: khủng bố, tử đạo hay nạn nhân?


26.2.16

Kể từ năm 1948 đến nay, tức từ sau khi Israel tuyên bố lập quốc, người Palestine đã và đang trải qua một thảm kịch được định nghĩa khác nhau tùy ở góc nhìn và từ phía người ta đang đứng.
Với người Israel, mọi sự đều rõ như ban ngày: Palestine là một bọn khủng bố. Từ năm tháng nay, kể từ sau khi người Palestine, nhất là giới trẻ tìm cách tấn công người Israel bằng mọi thứ khí giới họ đang có trong tay, ngay cả xã hội Palestine cũng đang tìm một từ ngữ thích hợp để mô tả những đợt tấn công do người của họ thực hiện nhắm vào các binh sĩ và ngay cả thường dân Israel.
Đây là một cuộc “nổi dậy” hay chỉ là nỗi tuyệt vọng của những cá nhân lẻ tẻ? Những kẻ dùng dao, súng hay bất cứ vũ khí đơn sơ nào để tấn công người Israel là những kẻ “tử đạo” hay đơn thuần chỉ là “nạn nhân”? Những thanh niên đang rèn dao để tấn công người Israel là những bậc “anh hùng” hay chỉ là một lũ trẻ con? Và sau khi họ bị các binh sĩ Israel bắn gục, họ có nên được tôn vinh như những người “lính chiến” ngã gục vì chính nghĩa của Palestine hay chỉ là những cá nhân bệnh hoạn đáng thương hại?
Trong khi nhiều người Palestine cũng không biết phải gọi như thế nào về cuộc bạo động diễn ra hàng ngày như thế thì giới lãnh đạo Palestine cũng tỏ ra lúng túng khi phải giải thích về hiện tượng này.
Giới lãnh đạo già nua và không được lòng dân của Tổ Chức Giải Phóng Palestine luôn tỏ ra dè dặt đối với cuộc bạo động. Họ không công khai ủng hộ nhưng cũng không chống lại những cuộc tấn công của giới trẻ Palestine nhắm vào binh sĩ và thường dân Israel. Thật ra giới lãnh đạo Palestine đã tỏ ra lúng túng là phải, bởi vì họ không biết liệu những cuộc tấn công như thế có giúp cho Palestine được trở thành một quốc gia được cộng đồng thế giới nhìn nhận hay không.
Các chính trị gia Palestine biết quá rõ rằng thế giới luôn lên án những cuộc tấn công như thế. Nhưng mặt khác, họ cũng chẳng muốn đối đầu với chính người dân của họ. Qua các cuộc thăm dò, người ta thấy hầu như người dân Palestine nào cũng ủng hộ cuộc chiến đấu bằng vũ lực; họ đã quá mệt mỏi với giới lãnh đạo già nua vốn đã hoàn toàn thất bại trong việc tranh đấu cho Palestine trở thành một quốc gia.
Israel luôn tố cáo ngôn ngữ hàm hồ của giới lãnh đạo Palestine mỗi khi nói đến những cuộc tấn công bạo động nhắm vào binh sĩ và người dân Israel. Theo các viên chức Israel, thứ ngôn ngữ mơ hồ này chỉ nói lên sự yếu nhược và dối trá của giới lãnh đạo Palestine mà thôi. Nói cách khác, với Israel, giới lãnh đạo Palestine không thể kiểm soát được người dân của họ.
Riêng thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu, mới đây đã đưa ra cách giải thích riêng của ông. Theo ông, người Palestine đâm chém người Israel vì họ đang chạy theo điều mà ông gọi là một “nền văn hóa chết chóc”.
Với người Palestine, 50 năm lãnh thổ của họ bị Israel đưa quân đội sang chiếm đóng là một hành động của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (apartheid) vẫn còn tiếp diễn trong thế kỷ 21 này. Nhưng khi nói về những cuộc tấn công bạo động nhắm vào người Israel, thì ngôn ngữ của người Palestine lại không đồng nhất.
Kể từ đầu tháng 10 năm 2015 vừa qua, người Palestine đã sát hại 28 người Israel và 4 người khác trong đó có một người Mỹ. Hơn 160 người Palestine cũng bị giết chết. Trong số này có 111 người bị thiệt mạng trong những cuộc tấn công và 50 người bị giết chết trong các cuộc đụng độ với các lực lượng Israel. Cho tới nay, những cuộc tấn công như thế đang diễn ra hầu như mỗi ngày.
Người Palestine thường không xem những vụ đâm chém và bắn giết của họ là những cuộc “tấn công”. Họ chỉ gọi đó là những “hành động” . Hay nói theo danh từ của cộng sản Việt Nam, đó là những “sự cố” hay những cuộc “hành quân” mặc dù hai chữ hành quân bao hàm việc tổ chức và điều động quân sự. Đây là điều mà họ luôn chối bỏ.
Mohammad Shtayyeh, một viên chức chính quyền Palestine hiện đang là giám đốc của Hội đồng Phát triển Kinh tế và Tái thiết, giải thích với báo The Washington Post: “Chúng tôi không hề sai người dân cầm dao ra đường. Chúng tôi không hề ném trẻ con vào trận mạc để chết. Chúng tôi chỉ khuyến khích sự kháng cự bằng con đường ôn hòa”. Vậy thì, theo ông, nếu bạo động có xảy ra thì đó cũng chỉ là sáng kiến của một số cá nhân mà thôi!
Về mục tiêu của những cuộc tấn công, giới chức lãnh đạo và các cơ quan truyền thông Palestine nói rằng mục tiêu của những vụ tấn công hiện nay là những người đã chiếm đóng và định cư tại Tây Ngạn. Hiện nay con số những người Israel định cư tại vùng bị chiếm đóng này lên tới 400 ngàn người. Kể từ sau cuộc chiến tranh được mệnh danh là “cuộc chiến sáu ngày”, Israel đã chiếm đóng vùng Tây Ngạn vốn là lãnh thổ của người Palestine. Từ đó, Israel ngang nhiên đưa dân sang định cư tại vùng này. Cộng đồng thế giới xem việc định cư trong vùng bị chiếm đóng này là một hành động bất hợp pháp và Liên Hiệp Quốc đã không ngừng lập lại rằng việc Israel đưa dân sang định cư tại vùng này là một vi phạm đối với Hiệp Định Genève IV. Ngay cả Miền Tây  Giêrusalem và Đồi Golan mà Israel đã chiếm đóng cũng bị cộng đồng thế giới lên án như một hành động bất hợp pháp.
Có lẽ phải đặt vào bối cảnh này mới hiểu được tại sao người Palestine căm thù người Israel, nhất là những người đang định cư trong vùng đất đã từng là lãnh thổ của họ. Họ căm thù người Israel đến độ đã sát hại ngay cả một phụ nữ Israel có 6 đứa con khi bà đang làm bếp. Giải thích về sự kiện này, giới lãnh đạo và truyền thông Palestine nói rằng người phụ nữ này cũng chẳng khác nào một binh sĩ Israel đang cầm súng gác tại một trạm kiểm soát.
Ngoại ô thành phố Ramallah là nơi mà Mohannad Halabi, người khai mở các cuộc tấn công nhắm vào người Israel, đã từng theo học. Người thanh niên 19 tuổi này đã dùng dao đâm túi bụi vào một cặp vợ chồng người Israel theo Do thái giáo bảo thủ. Cặp vợ chồng này đang đẩy con đi dạo trong thành phố cổ Giêrusalem. Người chồng bị giết chết và ngay cả một vị giáo trưởng đến can thiệp cũng bị giết chết. Người thanh niên đã bị cảnh sát bắn gục.
Mặc dù người thanh niên Palestine này đã 19 tuổi, nhưng nhiều người Palestine, nhất là các sinh viên nhấn mạnh rằng những kẻ tấn công đều là “trẻ con” và cái chết của họ là vô ích.
Nhưng ông Jibril Rajoub, cựu giám đốc lực lượng an ninh Palestine và chủ tịch Liên đoàn Túc cầu Palestine thì lại cho rằng tất cả những kẻ tấn công người Israel đều là nạn nhân của việc người Israel chiếm đóng lãnh thổ của họ. Chính cuộc sống trong phần đất của tổ tiên bị người Israel chiếm đóng đã tạo ra vết thương tâm lý trầm trọng mà một số người Palestine cho rằng chỉ có cách tấn công tự vẫn may ra mới chữa lành được.
Mustafa Barghouti, tổng thư ký của tổ chức có tên là “Sáng kiến Palestine” (Palestinian National Initiative) nói rằng “ tất cả những cuộc đâm chém đều là những hành động không có tổ chức xuất phát từ tâm trạng thất vọng”.
Riêng một số nhà hoạt động cho chính nghĩa Palestine thì lại cho rằng những cuộc bạo động nhắm vào người Israel là khởi đầu của cuộc “nổi dậy” (Intifada) lần thứ 3. Cuộc nổi dậy lần thứ nhất xảy ra trong thập niên 1980. Hành động nổi bật trong cuộc nổi dậy này là việc thanh thiếu niên Palestine dùng đá để ném vào người Israel. Cuộc nổi dậy lần thứ hai diễn ra trong thập niên 2000. Lần này, thay vì ném đá, người Palestine ôm bom tự sát. Mặc dù cả hai cuộc nổi dậy đều được các nhóm tranh đấu phát động, nhưng lại được giới lãnh đạo Palestine ủng hộ.
Nhiều người không xem những cuộc tấn công hiện nay như một cuộc nổi dậy bởi vì không có sự tham gia của đám đông. So với hai cuộc nổi dậy trước, lần này người ta không thấy có đông người biểu tình trên đường phố.
Abdullah Khatib, một sinh viên luật 20 tuổi tại trường đại học Al-Quds, Ramallah, nói rằng “trước đây, những cuộc nổi dậy được những người danh tiếng lãnh đạo. Nay chỉ toàn là những cá nhân không được ai biết đến”. Một sinh viên khác cho rằng những cuộc tấn công hiện nay không phải là một cuộc nổi dậy. Theo người sinh viên này, mục đích của những cuộc tấn công là chỉ để nói với người Israel rằng họ đang ức hiếp người Palestine.
Có lẽ Chủ tịch Palestine, ông Mahmoud Abbas đã biểu đồng tình với phản ứng trên đây. Trong một bài diễn văn đọc tại Ramallah hồi tháng trước, ông gọi cuộc bạo động hiện nay là một “sự thức tỉnh của dân chúng”. Theo ông, những cuộc tấn công được thực hiện là để đáp trả lại với việc chiếm đóng liên tục lãnh thổ của người Palestine, cho người Israel đến định cư ở đó, hành động xúc phạm đến các linh địa và thiếu một giải pháp đúng đắn cho vấn đề Palestine cũng niềm hy vọng cho tương lai.
Nói chuyện với các ký giả Israel, ông Abbas cho rằng chính phủ Israel cần phải tự hỏi: “Tại sao một thiếu niên 13 tuổi ném đá hay tấn công người khác?” Thưa là bởi vì, theo ông, họ không còn chịu đựng được nữa.
Chẳng ai biết tình trạng bạo động hiện nay sẽ dẫn đến hậu quả nào. Nhưng có nhiều dấu hiện đáng lo ngại. Kết quả của một cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu Palestine thực hiện dạo tháng 12 năm vừa qua cho thấy có đến hai phần ba dân chúng Palestine yêu cầu ông Abbas từ chức, hai phần ba ủng hộ làn sóng những cuộc đâm chém hiện nay và một nửa những người được thăm dò tin rằng những cuộc đối đầu hiện nay sẽ leo thang và dẫn đến một cuộc nổi dậy (Intifada) có vũ trang.
Cuộc thăm dò nói trên cũng cho biết những thành phần được mệnh danh là “thế hệ Oslo”- tức những người hiện đang trong độ tuổi từ 18 đến 22, nghĩa là sinh ra khoảng năm 1993 là năm, nhờ trung gian của cựu tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, một Thỏa hiệp về Hòa bình cho Trung Đông đã đạt được tại Oslo, Na Uy- là những người đang tích cực ủng hộ các cuộc bạo động. Đây là những người chưa hề biết đến các cuộc nổi dậy trong quá khứ. Họ cũng chẳng còn tin tưởng vào giải pháp hai quốc gia, tức “quốc gia Palestine” được hiện hữu bên cạnh Israel.
Cuộc xung đột triền miên giữa Israel và Palestine đã bắt đầu vào giữa thế kỷ 20 sau khi Israel, vốn được các nước Tây Phương ủng hộ, đã tuyên bố thành lập quốc gia. Cuộc xung đột bạo động đã trở thành đối tượng của không biết bao nhiêu hội nghị quốc tế, nhưng Israel và Palestine đã không bao giờ đạt được một thỏa hiệp hòa bình nào. Cộng đồng thế giới đã nhiều lần đưa ra giải pháp hai quốc gia, nghĩa là thành lập một quốc gia Palestine độc lập bên cạnh quốc gia Israel. Theo nhiều cuộc thăm dò dư luận, phần lớn dân chúng Palestine lẫn Israel cũng đều tán thành giải pháp hai quốc gia và xem đây như cách duy nhất để giải quyết cuộc xung đột. Nhưng cho tới nay một giải pháp như thế vẫn chưa đạt được. Và dĩ nhiên, bao lâu Palestine không trở thành một quốc gia thì bấy lâu người Palestine vẫn tiếp tục sống kiếp tỵ nạn ngay chính trên quê hương của mình và các cuộc bạo động vẫn tiếp diễn.


(theo https://www.washingtonpost.com/world/middle_east/martyrs-desperate-crazy-palestinians-struggle-to-define-palestinians-who-attack-israelis/2016/02/20)





Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

Thất thập cổ lai hy

Chu Thập
19.2.16



Tết vừa qua tôi chính thức bước vào tuổi 70. Ở những giai đoạn quan trọng của cuộc đời, tôi thường mang mấy câu nói của người xưa ra để ngẫm nghĩ và kiểm chứng. Chẳng hạn như khi bước vào tuổi 30, tôi không thể không nghĩ đến câu “tam thập như lập”. Tôi nhận thấy câu nói này khá đúng với trường hợp của tôi: tôi đã có cuộc sống tự lập và nhứt là đã biết suy nghĩ bằng cái đầu của mình. Ở tuổi 50, tôi lại mang câu “ngũ thập tri thiên mệnh” ra tụng niệm. Thật tình cho tới giới phút này tôi cũng vẫn chưa hiểu được thế nào là “thiên mệnh”. Chỉ biết rằng bước vào tuổi đó, sau không biết bao nhiêu lăn lóc trầy trụa trong cuộc đời, tôi bỗng ngộ ra một điều là cần phải biết mình nhiều hơn để cảm thông với người khác. Tôi bèn diễn nôm câu “ngũ thập tri thiên mệnh” thành “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Kể từ đó tôi xác tín một điều: cái lẽ khôn cao cả nhứt trong cuộc đời chính là biết sống cảm thông với người khác. Cốt lõi của bất cứ nền đạo đức hay tôn giáo nào cũng đều qui về điều đó cả.
Nay bước vào tuổi 70, tôi lại nhớ đến câu “thất thập cổ lai hy”. Tết vừa qua, tôi thấy vui hơn mọi năm. Vui vì được Trời cho sống thêm một năm. Vui vì ít nhứt nếu có nằm xuống, các thiệp cáo phó và phân ưu cũng sẽ dành cho tôi hai chữ “hưởng thọ”, dù chỉ là tiểu thọ.
Vui nhưng cũng thấy “tức cười” .
Tức cười khi nghĩ đến tác giả của câu nói để đời trên đây là nhà thơ Đỗ Phủ (712-770) đời nhà Đường bên Tàu. Tức cười là bởi hễ bước vào tuổi 70 thì dường như người Việt Nam nào cũng đều hãnh diện ngâm lên câu: “Thật thập cổ lai hy”. Hai câu thơ “Tửu trái tầm thường hà hữu xứ, Nhân sinh thất thập cổ lai hi” mà thi sĩ Tản Đà (1889-1939) đã dịch thành: “Nợ tiền uống rượu đâu chả thế. Sống bẩy mươi năm dễ mấy người”, có lẽ đã được nhà thơ Đỗ Phủ viết ra trong một cơn say lúy túy. Thật ra, cách đây trên 1200 năm, nếu có bảo rằng “sống bẩy mươi năm dễ mấy người” thì cũng chẳng ngoa chút nào. Vào thời đó, sống đến tuổi 70 quả là hiếm, nhứt là với những người nát rượu như thi sĩ Đỗ Phủ.
Nói gì ở thời thi sĩ Đỗ Phủ. Ngay như ở Việt Nam
dưới thời Pháp thuộc, tuổi thọ trung bình của người Việt cũng chỉ ngấp nghé trên dưới 30 tuổi. Sống đến 70 được xem là “hi hữu” là phải. Ngay cả thời ông già tôi, sống đến 70 tuổi cũng đủ để được nâng lên hàng “tiên chỉ” rồi.
Nhưng đến lượt tôi mà cũng ưỡn ngực thốt lên “thất thập cổ lai hy” có lẽ chỉ làm cho thiên hạ cười mà thôi. “Hi hữu” “hiếm hoi” hay “quý hiếm” thế nào được khi tôi thấy “các cụ” ở tuổi tôi hiện đang “chạy đầy đường”. Thế hệ “baby boomers”, tức sinh sau Đệ Nhị Thế chiến ở các nước Tây Phương xem ra vẫn còn trong hàng ngũ những người sung sức nhứt trong xã hội và ngay cả trong sinh hoạt chính trị. Cứ nhìn vào các cụ Hillary Clinton, Donald Trump và nhứt là cụ Bernie Sanders: trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, hiện các cụ đang bỏ xa rất nhiều ứng cử viên trẻ. Đó là nhìn vào người Tây Phương. Người Á Đông, nhứt là người Việt Nam ở hải ngoại, 70 tuổi đã ai chịu mình già đâu. Chỉ cần tân trang lại một chút, nhiều “cụ” vẫn còn về Việt Nam để gậm cỏ non kia mà.
Đúng là gừng càng già càng cay. Không những thế, luật tiến hóa lại cho thấy tuổi thọ của con người ngày càng được kéo dài thêm. Nhân loại hiện đang sống trong một thời đại phi thường. Nhờ những tiến bộ khoa học, đặc biệt là trong y khoa, tuổi thọ con người được kéo dài đến độ chỉ cách đây một thế hệ người ta cho đó là chuyện khoa học viễn tưởng. Một người Mỹ chào đời vào ngày hôm nay sẽ thọ hơn một người sinh năm 1925 hơn 20 tuổi. Và lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, con số những người trên 60 tuổi đã vượt qua con số những người dưới 15 tuổi ( x. Tạp chí Time 23/2 và 2/3/2015). Ở trang bìa của tạp chí Time trong một số ra năm vừa qua, người ta thấy hình của một  trẻ sơ sinh với lời giới thiệu: “đứa bé này có thể sẽ sống đến 142 tuổi”. Biết đâu vài chục năm nữa, khi mà y khoa đã tiến đến cái mức có thể “tái sinh” bất cứ bộ phận nào trong con người, chuyện trường sinh bất tử có lẽ sẽ chẳng còn là một giấc mơ huyễn hoặc nữa.
Nhưng dù muốn hay không tuổi già cũng vẫn là điều không thể chối cãi được cho dù nhiều người không muốn chấp nhận thực tế ấy. Nhà văn Pháp André Maurois (1885-1967) đã chia sẻ: “Kỳ lạ thay cái tuổi già! Không ai nghĩ là mình sẽ già! Họa chăng là kẻ khác có thể già còn mình thì không. Cho đến một hôm, gặp lại người bạn cũ của 30 năm về trước, thấy trên mặt bạn mình những nét già nua tuổi tác, mới chợt giật mình nhưng cũng nghĩ đó là chuyện của bạn. Già đến với ta một cách từ từ, khó mà nhận biết” (trích trong Đỗ Hồng Ngọc, Cành Mai Sân Trước, Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 2003, trg 90).
Không phải đợi đến tuổi “thất thập cổ lai hy” tôi mới thấy mình đã già. Tôi biết mình đã già mỗi khi soi gương, trông lên đầu thấy muối nhiều hơn tiêu, nhìn vào mặt thấy đã có nhiều dấu chân chim xung quanh khóe mắt và nhứt là khi chạy bộ mỗi buổi sáng không còn sải bước được nữa. Nhưng với riêng tôi có lẽ dấu hiệu rõ ràng nhứt của tuổi già chính là thấy mình đã bị bỏ lại đàng sau khá xa mỗi khi đụng đến các phương tiện kỹ thuật tân tiến. Chỉ cần cầm lên chiếc điện thoại di động là tôi đã thấy tối tăm mặt mày rồi. Nói gì đến Iphone hay Ipad...Chỉ cần nhìn một đứa bé chưa đầy 3 tuổi biết “dọc” một cách nhuần nhuyễn chiếc Ipad là tôi đã thấy mình thuộc một hành tinh khác rồi.
Không biết trước kia, khi nhìn vào một ít kiến thức thường thức tôi đã học được trong sách vở của thời trung học, cha mẹ tôi có cảm thấy mình lạc hậu không. Còn ngày nay, mỗi lần nhìn thấy tuổi trẻ sử dụng bất cứ phương tiện kỹ thuật tân tiến nào tôi cũng đều thấy chóng mặt. Tuổi già dễ bị hoa mắt và nặng tai đã đành, mà đầu óc cũng mụ mị cho nên chẳng theo kịp đà tiến của khoa học và kỹ thuật. Mỗi lần cảm thấy bị bỏ lại đàng sau như thế tôi lại càng xác tín hơn về một chân lý: nhân loại ngày càng tiến bộ!
Trước nhà thiên văn kiêm vật lý học người Ý Galileo Galilei (1564-1642), có ai dám bước ra khỏi cái khung của Kinh Thánh để bảo rằng trái đất quay xung quanh mặt trời. Một thế kỷ sau, nhà vật lý kiêm toán học người Anh Isaac Newton cũng đã đảo lộn cách suy nghĩ của thế giới lúc bấy giờ khi khám phá ra Luật Hấp Dẫn của vạn vật. Thế giới lại càng bị chao đảo hơn nữa khi nhà địa chất học kiêm động vật học Charles Darwin (1809-1882) công bố Thuyết Tiến hóa. Nhưng sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật lại càng nhanh hơn nữa kể từ khi nhà bác học Albert Einstein (1879-1955) đưa ra Thuyết Tương Đối. Cách đây hơn một thế kỷ, khi nhà văn Pháp Jules Verne (1828-1905) viết những cuốn sách như “Hành trình vào trung tâm Trái Đất”  hay “Hai mươi ngàn dặm dưới đáy biển”...người ta cho đó là chuyện khoa học viễn tưởng chỉ có trong óc tưởng tượng. Nay chuyện con người đặt chân lên mặt trăng, dùng các thiết bị để thám hiểm các hành tinh trong Thái Dương Hệ hoặc ngay cả đang tìm đường lên một số hành tinh...đã trở thành hiện thực. Những tiến bộ trong lãnh vực điện tử và tin học lại càng khủng khiếp hơn. Cách đây 30 năm, có ai ngờ rằng chỉ cần một thiết bị nhỏ và đơn giản là chiếc điện thoại cầm tay, con người có thể liên lạc với người khác ở bất cứ chân trời góc biển nào cũng như có thể theo dõi bất cứ biến cố nào đang diễn ra trên thế giới. Trước kia, mấy ai nghĩ đến chuyện mang thai mướn, sản sinh theo phương pháp vô tính hay thay đổi tính di truyền. Nay trong y khoa, nếu không có sự giám sát của đạo đức, thì xem ra “phép lạ” nào cũng đều có thể xảy ra. Trước kia, mấy ai nghĩ đến chuyện hôn nhân đồng tính. Nay luật pháp tại nhiều quốc gia đã nhìn nhận một cuộc “hôn nhân” như thế.
Tiến bộ trong khoa học và kỹ thuật đã đành, nhân loại cũng đã làm một bước quá dài trong nhận thức và ý thức về các giá trị nhân bản. Thế giới đã trở thành một ngôi làng nhỏ trong đó nhân loại ngày càng ý thức hơn về tình liên đới. Dĩ nhiên, trên thế giới vẫn còn những tên khùng và những quốc gia “côn đồ” chuyên xé lẻ để quậy phá ở nơi này nơi nọ. Nhưng nhìn chung, kể từ khi chiến tranh lạnh đã kết thúc, cộng đồng thế giới ngày càng xích lại gần nhau hơn để luôn tìm cách giải quyết các cuộc xung đột dựa trên những nguyên tắc nhân bản và các giá trị đạo đức hơn là vũ lực. Có lẽ chưa bao giờ ý thức về phẩm giá con người và các quyền căn bản lên cao cho bằng ngày nay.
Nhìn vào những tiến bộ ấy của thế giới, cho dù thế giới vẫn chưa có được một bộ mặt hoàn hảo đi nữa, tôi vẫn cảm thấy lạc quan. Và dĩ nhiên cùng với sự lạc quan, tôi cũng luôn cố gắng nuôi dưỡng tâm tình cảm thông, nhứt là khi đứng trước những bước tiến của nhân loại mà vì chạy theo không kịp tôi không thể thấu hiểu tường tận. Khi tôi còn nhỏ, mỗi lần chứng kiến những hành động xé rào, lối sống ra ngoài “khuôn phép” hay những suy nghĩ táo bạo của giới trẻ, các cụ thường lắc đầu than thở: “ngày xưa chúng tôi không như thế”. Các cụ cứ nhân danh truyền thống để bác bỏ và ngay cả lên án lối sống và cách suy nghĩ của giới trẻ. Ngày nay, thỉnh thoảng tôi cũng nghe những người ở tuổi tôi lập lại một luận điệu như thế. Cứ như thể giới trẻ ngày nay đã ra “hư đốn” và xấu xa hơn các thế hệ cha ông ngày xưa. Kỳ thực, tôi nhận thấy giới trẻ ngày nay hơn tôi rất nhiều và trong rất nhiều phương diện. Họ giàu kiến thức hơn tôi là chuyện không thể chối cãi được. Có thể họ không còn sống theo khuôn phép của “đạo đức”, của lễ giáo, của truyền thống như tôi trước kia. Riêng về phương diện tôn giáo, có lẽ họ cũng chẳng còn “siêng năng” đến nhà thờ hoặc ngay cả cũng chẳng còn đặt chân đến nhà thờ như tôi trước kia. Nhưng về lòng vị tha và quảng đại, về tình liên đới, về công bình, thành thật và tôn trọng luật pháp..., nói chung, về những giá trị nhân bản họ bỏ xa tôi.
Bước vào tuổi già, tôi nhận thấy sự hiện diện của người trẻ xung quanh mình luôn mang lại niềm hy vọng, sự phấn khởi, tinh thần lạc quan và nhứt là sự cảm thông. Ngày nay, sẽ là lạc điệu nếu tôi vẫn cứ hãnh diện ngâm câu “thất thập cổ lai hy”. Nhưng lại còn lạc điệu hơn nếu tôi cứ nại đến tuổi già để đi thụt lùi trước đà tiến của nhân loại. Một tuổi già đẹp có lẽ không hệ tại ở số tuổi cho bằng ở thái độ chấp nhận, đồng hành, cởi mở và nhứt là cảm thông. Tôi tin rằng chỉ có một thái độ như thế mới làm cho thân tâm của tôi được an lạc trong tuổi già.










Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

Cậu Chó


Chu Thập
21.8.12 
“Cậu Chó” là tên tôi đặt cho con chó “mất dậy” bên nhà ông hàng xóm của tôi. Thật ra, đây chẳng phải là một danh xưng do tôi chế ra. Tôi đã “đạo” được từ ít nhứt một quyển tiểu thuyết và một truyện ngắn.
tranh VI PHÁT 
Trước năm 1975, trên một tờ nhựt báo mà tôi không nhớ rõ tên, mỗi ngày tôi đều đọc được một trang của truyện dài có tựa đề “Cậu Chó” của nhà văn Trần Đức Lai. Không rõ có phải là một câu chuyện có thật không, nhưng trong những dòng mở đầu, tác giả viết rằng “cách đây không lâu những ai đã từng ở Huế đều biết tiếng hoặc đã từng nghe thiên hạ kể chuyện Cậu Chó của giòng dõi họ Hồ Nhứt Phẩm triều đình, thân làm Quan Quốc Trượng (Cha vợ Vua). Giòng họ thuộc vào hàng danh giá lệnh tộc, một năm trong họ đứng đầu Triều Nguyễn...”
Theo câu chuyện, “Cụ Hồ Đại Thần sanh được hàng chục người con, người nào cũng làm lớn. Kẻ Tri Huyện, người Tri Phủ, kẻ Bác sĩ, người Tham Tá. Thế mà không hiểu có phải vì Cụ Ông chơi bời mà sanh ra hay là vì nghiệp chướng mấy đời làm Quan ác đức, kẻ oan bị ghép tội nặng vì không có tiền hối lộ, kẻ có tội vì nhiều tiền cho Quan nên được ung dung ngoài vòng pháp luật, tha hồ bóc lột dân nghèo áp bức người cô thế, nên Trời giáng họa cho Cụ lớn thấy rõ những điều nghiệp chướng mà Cụ và gia đình đã gây ra”.
Câu chuyện kể về người con thứ bảy của Quan Hồ Nhứt Phẩm. Cậu Bảy khi vừa sanh ra mặt mũi không những không giống anh chị trong nhà mà còn phủ đầy lông tơ. Cậu rất khỏe mạnh, thường không khóc mà chỉ tru lên như chó tru. Cuối cùng thì cậu chẳng khác nào một con chó Berger Đức với lông là đầy người và di chuyển bằng bốn chân. Vì xấu hổ, ông bà cụ Hồ đành phải xây một khu riêng để “biệt giam” cậu Bảy.
Chuyện đáng nói là ngoài nhu cầu ăn uống, Cậu Bảy lại có những đòi hỏi sinh lý mạnh hơn người thường. Cho nên để thỏa mãn nhu cầu này, ông bà Cụ Hồ phải rước về không biết bao nhiêu cô gái để cho cậu thỏa mãn tình dục...
Trong lời mở đầu, tác giả Trần Đức Lai viết: “Từ trước đến nay, trong họ nào cũng thế, có vài đời làm Quan thì họ đó thế nào cũng nẩy sinh ra một người con hoặc cháu tật nguyền, điên khùng hoặc dở dang mặt người tánh thú vật hay có dáng điệu thú vật”. Rồi ông khẳng định: “Đó là nghiệp chướng ác đức bị báo oán nhỡn tiền”.
Nhiều người thường nại đến quả báo để giải thích về một số bệnh tật hay bất hạnh trong cuộc sống. Đời cha ăn mặn đời con khát nước là chuyện thường xảy ra. Tuy nhiên, ngày nay, khách quan hơn, khoa học gần như không đổ lỗi cho ai cả. Có khi cha chẳng ăn mặn chút nào cả, mà con vẫn cứ khát nước. Như trường hợp những người bẩm sinh mắc chứng mà khoa học gọi là “hội chứng Ambras” hay bệnh “hypertrichosis”. Kể từ thời Trung Cổ đến nay, người ta chỉ ghi nhận được 50 trường hợp như thế. Mình mẩy của những người này mọc đầy lông lá như thú vật. Gần đây nhứt có cô bé 11 tuổi người Thái lan tên là Supatra Sasuphan: gương mặt cô đầy lông lá, trông chẳng khác nào một con chó Berger. Nhưng cô bé này không những sống vui vẻ hồn nhiên, mà còn tự hào về gương mặt đặc biệt của mình.
Đọc lại chuyện “Cậu Chó” của ông Trần Đức Lai, tôi thấy thương hại cho Cậu Bảy. Gia đình ông bà Cụ Hồ Nhứt Phẩm thương con, nhưng lại đối xử với cậu chẳng khác nào một con thú: một con thú được cho thỏa mãn mọi nhu cầu, kể cả nhu cầu sinh lý mà không màng đến luân thường đạo lý của con người. Câu chuyện gợi lên cho tôi những ngược đời trong cuộc sống: thú vật được lên làm người, người xuống hàng thú vật!
Không hiểu tại sao mỗi khi nhìn thấy con chó của người hàng xóm, tôi lại nghĩ đến câu chuyện trên đây của nhà văn Trần Đức Lai. Ngoài ra, khi đặt tên “Cậu Chó” cho con chó của người hàng xóm, tôi cũng liên tưởng đến truyện ngắn “ Tấm Lòng Cậu Chó” của nhà văn Tràm Cà Mau, tác giả của tập truyện “Triết Lý Củ Khoai”, mặc dầu ông xác nhận rằng ông chưa được thưởng thức truyện “Cậu Chó” của tác giả Trần Đức Lai.
Truyện ngắn “Tấm Lòng Cậu Chó” của Tràm Cà Mau kể lại số phận may mắn của một con chó nhỏ có hình dáng “hệt một con nai tý hon”, nhưng lại có khuôn mặt chồn. Không biết vì lý do nào đó, nó bị chủ sa thải và rơi vào nhà của một người không mấy ưa chó mèo, nhưng vì nể vợ nên cho nó tạm trú. Nhưng dần dà, từ dửng dưng đến thương hại và sau đó là thương mến, ông chủ nhà đã giang rộng tay để chính thức đón nhận nó làm một thành viên của gia đình. Con chó được dành cho một chỗ đặc biệt nhứt trong gia đình. Ngoài ra, con chó còn được dẫn sang một nhà hàng xóm Mỹ để “ở rể” một thời gian. Ban đầu người chủ gọi con chó bằng “nó” với thái độ miệt thị, xem thường. Nhưng khi bị nó chinh phục, thì ông lại gọi nó là “em”. Đến khi cảm tài, đức của nó, thì ông gọi nó là “cậu chó”. Sau đó, ông thấy học được của nó nhiều điều hay, lạ, bổ ích, hiệu nghiệm, làm cho gia đình hạnh phúc hơn, làm cho mọi người chung quanh thương mến nhau hơn, thì bèn tôn sư, gọi nó bằng “ông thày” và “ngài”.
Một hôm đi chợ về, người vợ thấy khói um tùm ngoài vườn, còn chồng mình thì “nhảy nhót quanh một cái thùng sắt lửa nghi ngút, như dáng múa của người da đỏ đang hành lễ. Theo sau là cậu chó vẫy đuôi chạy loăng quăng.” Thỉnh thoảng ông quay lại vái cậu chó mấy cái và gọi cậu là ngài. Người vợ nhìn vào thùng sắt đang bốc cháy và nhận ra đó là mấy chục cuốn sách triết lý của chồng. Nào là Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Trang Tử, Platon, Descartes, Hegel, Jean Paul Sartre và cả mấy chục cuốn sách thuộc loại nhức đầu khác nữa.
Thấy người vợ thắc mắc, người chồng mới giải thích: “Mấy chục cuốn sách triết học Đông Tây kim cổ này, chẳng ích lợi thiết thực chi cho hạnh phúc gia đình, cho cuộc sống nhân sinh bằng cái triết lý tình thương chân thật của ngài chó đây. Ngài là bực tuyệt khôn, đại trí. Loài người thường kiêu hãnh tưởng mình khôn ngoan nhất, nhưng biết đâu loài chó nó cười cho thối đầu. Khôn hơn sao phải lao động cực khổ để cung phụng, thương yêu, phục vụ kẻ ăn rồi nằm không? Loài chó chỉ ban cho loài người chút tình thương thôi, rồi phè ra mà sung sướng một đời. Thế thì ai khôn hơn ai?”
Người “chồng xá thêm cậu chó mấy cái cung kính lắm. Bao nhiêu sách triết lý đều thiêu thành tro bụi, tàn bay lả tả”.
Tôi không biết nhà văn Tràm Cà Mau có viết những dòng trên đây với giọng điệu mỉa mai không. Riêng tôi, mỗi khi nhìn “Cậu Chó” của người hàng xóm, tôi luôn thấy có điều gì đó “không ổn” trong cuộc sống của “cậu”. Thực tình mà nói, tôi không “ưa” cậu. Cậu không có dáng điệu “nai tơ” và dễ thương của “cậu chó” trong “tấm lòng cậu chó” của nhà văn Tràm Cà Mau. Cậu cao lớn như giống Berger Đức, nhưng có cái tai cúp xuống và cái bụng thon của giống Danois. Thấy cậu nhìn lừ lừ thì cũng đủ sợ rồi, chớ đừng nói tới chuyện cậu nhào tới tấn công.
Tôi vẫn chưa nguôi giận vì tội cậu xơi tái một con gà mái đẻ và một con gà con của tôi. Ngoài ra, chuyện cậu cứ chõ mõm sang nhà tôi mà sủa bất cứ lúc nào thì tôi không tha được. Cứ như mình là kẻ gian không bằng. Đêm xuống, ở một nơi yên ắng đến độ có thể nghe tiếng côn trùng rù rì như khu tôi đang sống, tiếng sủa của cậu làm cho tôi khó chịu vô cùng, bởi vì nó cứ làm cho mình nhớ lại giai đoạn mấy ông du kích Việt cộng đêm đêm bò về làng để sát hại dân lành và nhứt là thời kỳ vượt biên, khi mình trốn chui trốn nhủi mà mấy cậu chó cứ sủa inh ỏi.
Giận “cậu chó” thì giận, nhưng tôi vẫn thấy thương hại cậu. Bị giam một mình trong cái vườn sau nhà, dù cho cái vườn có rộng thoáng đến đâu, làm sao cậu không cảm thấy “cô đơn”. Tôi hiểu được nỗi cô đơn ấy của cậu chó. Có lúc, tôi thấy cậu cố gắng đưa cái mõm vào kẽ hở của hàng rào, nhìn “lén” sang chuồng gia cầm của tôi. Như người xem phim “hành động”, cậu nhảy nhót theo những “diễn biến” của đám gà vịt. Nhứt là khi cậu “theo dõi” chuyện cặp vịt nhà tôi đang làm nghĩa vụ truyền giống, mặt cậu trông đờ đẫn. Thấy tôi, cậu lại sủa oang lên như để phân bua rằng cậu đang rất cô đơn, cậu cần có đời sống “bầy đàn”, cậu muốn sang chơi với mấy anh chị gà vịt nhà tôi.
Năm thì mười họa, ông bà chủ, vốn là một cặp vợ chồng trẻ đi làm suốt ngày, mới đưa cậu lên chiếc xe Ute và chở đi một vòng. Những lúc đó, tôi thấy mặt cậu hí hửng, miệng sủa inh ỏi. Ngoài những giây phút đó ra, cậu bị buộc phải làm một ẩn sĩ bất đắc dĩ, lủi thủi một mình, chẳng có ai để mà trò chuyện hay than thở. So với cậu, tôi thấy mấy con chó cỏ ở nhà quê tôi sống kiếp chó đầy đủ hơn: ban đêm lo canh giữ nhà cho chủ, ban ngày tha hồ đi rong chơi từ đầu trên xuống xóm dưới, bè bạn không thiếu, “quan hệ xã hội” rộng rãi và chuyện tình ái cũng rất bình thường. Dù cho cuối cùng chẳng mấy con được hưởng cái cảnh nhắm mắt “xuôi chân” vào lúc tuổi già, chó nhà quê có lẽ cũng mãn nguyện vì đã vui hưởng trọn kiếp chó.
Cậu chó của ông hàng xóm của tôi không có cái may mắn được sống trong nhà, được người chủ dắt đi dạo mỗi ngày hay ngay cả được người chủ “hạ mình” xuống mà hốt phân cho. Nhưng liệu những cô cậu chó có được cái may mắn ấy có thực sự “hài lòng” với cuộc sống đó không? Hình ảnh của cái giây tròng vào cổ, đi đâu cũng không được tự do, lúc nào cũng bị ông bà chủ lôi kéo, khiến tôi nghĩ rằng những cô cậu chó “cưng” này cũng chẳng cảm thấy sung sướng lắm.
Trong khi ngày xưa Cậu Bảy của Trần Đức Lai mang tiếng là con nhà quan nhưng bị coi và phải sống như một con thú thì ngày nay lại có nhiều con thú cưng được hưởng những đặc quyền đặc lợi mà rất nhiều con người không dám mơ tới: từ “cơm bưng nước rót”, xe hơi nhà lầu đến được ở nhà có máy lạnh 24/24 như một số đại gia ở Việt Nam nhập chó Alaska về đến chuyện được mua bảo hiểm y tế, thừa hưởng những tài sản kếch sù và khi chết thì được chôn trong một nghĩa trang riêng. Liệu những con thú “may mắn” này có thật sự sung sướng không? Con người hay thú vật, ai mà chẳng thích tự do, được ăn được sống theo ý muốn. Dù được đủ thứ, nhưng từ động vật ăn “thịt sống” bị biến thành động vật ăn “thịt hộp”, từ động vật 4 chân biến thành động vật không “chân” trong cảnh cá chậu chim lồng như thế, thì sung sướng cái nỗi gì? Nhứt là khi mấy cô cậu chó lại bị giải phẫu để cướp đi cái chức năng truyền giống và bắt phải làm “hoạn quan, hoạn bà”, thì sống như thế không thể nào gọi là sống trọn kiếp chó được.
Ngày nay, dường như ngày càng có nhiều người hăng hái tranh đấu cho “quyền của súc vật”. Lại cũng là chuyện ngược đời. Trong khi những quyền căn bản nhứt của con người tại không biết bao nhiêu nước trên thế giới vẫn còn bị chối bỏ, chà đạp, trong khi quyền tối thượng nhứt là quyền được sống của những người vừa bắt đầu hiện hữu trong lòng mẹ bị khước từ một cách không xót thương thì lại có những người rỗi việc lấy việc tranh đấu cho quyền súc vật làm ưu tiên hàng đầu cho cuộc sống.
Tựu trung, tôi nghĩ rằng điều bị con người lạm dụng nhứt vẫn là hai chữ “yêu thương”. “Yêu thương” súc vật mà giam giữ nó như một thứ “nô lệ” trong nhà, không cho nó sống hết kiếp thú vật của nó theo cách thức của nó, như thế có phải thực sự là “yêu thương” không? Tôi nghĩ chỉ có trong những sở thú “tự do” như tại một số nước bên Phi châu thì may ra thú vật mới thực sự hưởng đầy đủ “thú quyền” của chúng.
Nghĩ xa một chút, trong quan hệ giữa người với người, người ta cũng thường tô điểm cho hành động của mình bằng hai chữ “yêu thương”. Kỳ thực, nếu không được thực thi một cách vô vị lợi, nếu không làm vì lợi ích và ý muốn của người nhận, thì mọi hành động bác ái cũng chỉ là những việc làm ích kỷ mà thôi. Tôi vẫn thường lấy nhận xét mỉa mai của văn sĩ Pháp La Rochefoucauld hồi thế kỷ 17 để tâm niệm và tự vấn lương tâm: “Tất cả những dòng sông bác ái đều chảy vào biển cả của ích kỷ”.




Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Phi Luật Tân: 30 năm sau cuộc cách mạng “Sức mạnh Quần chúng”


19.2.16

Ngày 25 tháng 2 tới đây, Phi Luật Tân sẽ kỷ niệm  đúng 30 năm cuộc cách mạng thường được mệnh danh là “Sức mạnh Quần chúng” (People Power Revolution). Ngày 25 tháng 2 năm 1986 đã có gần 2 triệu người dân Phi, không có tấc sắt trong tay, đã xuống đường để lật đổ nhà độc tài Ferdinand Marcos.
Đây là một trong những cuộc cách mạng đầu tiên được thế giới theo dõi qua màn ảnh truyền hình. Người lãnh đạo cuộc cách mạng, bà quả phụ Corazon “Cory” Aquino, mà người chồng, Thượng Nghị Sĩ Benigno Aquino đã bị sát hại ngay khi vừa đặt chân xuống Phi trường Manila sau một thời gian tự nguyện lưu vong tại Hoa Kỳ, đã đánh bại được một trong những nhà độc tài sừng sỏ nhất Á Châu để đưa Phi Luật Tân trở về con đường dân chủ.
Cuộc cách mạng ôn hòa này đã ảnh hưởng đến rất nhiều cuộc nổi dậy khác của người dân trên khắp thế giới để lật đổ các chế độ độc tài. Trong hai năm 1987 và 1988, cảm hứng từ cuộc cách mạng “Sức mạnh Quần chúng” ở Phi Luật Tân,  người dân Nam Hàn cũng đã đứng lên để lật đổ nhà độc tài Chun Doo Hwan. Năm 1988, người dân Miến Điện cũng đã xuống đường chống lại chế độ quân phiệt. Một năm sau đó, các sinh viên Trung Quốc cũng đã vượt qua sợ hãi để biểu tình một cách ôn hòa tại Quảng trường Thiên An Môn. Người dân Miến Điện và các sinh viên Trung Quốc đã không thể chống chọi được với dùi cui và họng súng của chế độ quân phiệt và cộng sản. Nhưng họ cũng đã chứng tỏ cho thế giới thấy được sức mạnh của dân chúng khi họ dám đứng lên chống lại các chế độ độc tài.
Theo dấu chân của người dân Phi và sự thành công trong cuộc cách mạng ôn hòa là cuộc nổi dậy của sinh viên Nam Dương trong hai năm 1997 và 1998. Sau hơn 30 năm cai trị với bàn tay sắt, Tổng Thống Suharto cũng đành phải nhượng bộ trước sức mạnh vũ bão nhưng ôn hòa của đám đông. Cách Phi Luật Tân đến cả nửa vòng trái đất, nhà văn Vaclav Havel, thần tượng cách mạng của người dân Tiệp trong cuộc nổi dậy năm 1989 và sau này lên làm tổng thống Cộng Hòa Tiệp dưới thời hậu Cộng sản, đã nói trong một cuộc viếng thăm Phi Luật Tân rằng cuộc cách mạng “Sức mạnh Quần chúng” của người dân hải đảo này đã mang lại niềm cảm hứng cho ông và những nhà bất đồng chính kiến ở Đông Âu dưới thời Cộng sản. Ngay cả khi nguồn gốc của cụm từ “Sức mạnh Quần chúng” có bị quên lãng đi nữa, người ta vẫn tiếp tục áp dụng nó cho những cuộc nổi dậy tại Serbia năm 2000, tại Georgia năm 2003 và nhất là gần đây tại Tunisia và Ai Cập hồi năm 2011 và tại Ukraine năm 2014.
“Sức mạnh Quần chúng” của người dân Phi đã trở thành biểu tượng của một cuộc nổi dậy tự phát và ôn hòa của người dân để lật đổ một chế độ độc tài. Trái với chủ trương cho rằng cuộc chuyển giao quyền hành và tiến tới dân chủ có thể đạt được nhờ những thỏa hiệp giữa những thành phần ôn hòa trong chế độ độc tài và phe đối lập ôn hòa, các cuộc cách mạng “Sức mạnh Quần chúng” cho thấy người dân có thể lật đổ chế độ độc tài và tiến thẳng đến dân chủ mà không cần phải thông qua một thỏa hiệp nào. “Sức mạnh Quần chúng” đã chứng tỏ rằng những thành phần đối lập ôn hòa có thể lật đổ một chế độ độc tài mà không cần phải có một cuộc cách mạng đẫm máu. Xét cho cùng, tự chúng, những cuộc cách mạng có thể diễn ra một cách dân chủ và ôn hòa.
Tuy nhiên, trong trường hợp Phi Luật Tân, cũng như tại nhiều nước khác, sau những cuộc cách mạng ôn hòa lật đổ các nhà độc tài, “Sức mạnh Quần chúng” lại dẫn đến một cuộc chuyển giao đầy xáo trộn. Vì khủng hoảng kinh tế và những khó khăn do một chế độ độc tài quá lâu để lại, chính phủ của Tổng thống Cory Aquino đã suýt bị lật đổ vì những cuộc đảo chính sau khi bà mở ra các cuộc thương thuyết với các phiến quân vốn đã quậy phá liên tục trong suốt thời kỳ thiết quân luật dưới thời Tổng Thống Marcos. Tại đảo Mindanao, Miền Nam Phi Luật Tân, các phiến quân Moro đã tranh đấu trong suốt 40 năm qua để thiết lập một Quốc gia Hồi giáo trong một đất nước có trên 85 phần trăm dân số theo Công giáo. Cuộc xung đột kéo dài trong 4 thập niên qua đã cướp đi mạng sống của trên 120 ngàn người. Mãi cho đến năm 2012, chính phủ Phi mới đạt được một thỏa hiệp hòa bình với các phiến quân Moro. Qua thỏa hiệp này, chính phủ Phi dành nhiều quyền tự trị hơn cho người Hồi giáo tại đảo Mindanao. Nhưng hiện nay chính phủ Phi vẫn còn phải đương đầu với một tổ chức Hồi giáo cực đoan có tên là Abu Sayyaf. Vốn có liên hệ mật thiết với tổ chức khủng bố Al-Qaeda, nhóm Abu Sayyaf vẫn liên tục mở các cuộc tấn công tại đảo Jolo, cũng nằm ở Miền Nam Phi Luật Tân.
Kể từ năm 1969, chính phủ Phi cũng phải đương đầu với một cuộc chiến tranh du kích do các phiến quân Cộng sản có tên là Quân đội Nhân dân (New People’s Army) phát động. Sau một loạt thương thuyết hồi tháng 2 năm 2012, chính phủ đã đạt được một thỏa thuận với các phiến quân Cộng sản. Tuy nhiên, giữa chính phủ và nhóm phiến quân này vẫn chưa có được một sự tin tưởng hoàn toàn.
Dưới thời bà Cory Aquino, kinh tế Phi rất  èo uột sau khi các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là từ Nhật Bản, đã chuộng những nước láng giềng ổn định hơn tại Đông Nam Á như Mã Lai và Thái Lan. May mắn cho Phi Luật Tân là người kế vị bà Aquino, Tổng Thống Fidel Ramos, một trong những tướng lãnh đã ủng hộ cuộc cách mạng “Sức mạnh Quần chúng”, đã kiểm soát được quân đội, tái lập ổn định chính trị và đưa ra nhiều cuộc cải tổ trong nhiệm kỳ tổng thống của ông từ năm 1992 đến năm 1998. Đây là thời kỳ kinh tế Phi Luật Tân được xem là khởi sắc nhất.
Tuy nhiên, ngay cả dưới thời Tổng Thống Ramos, Phi Luật Tân cũng vẫn không vượt qua được một số những căn bệnh trầm kha của xã hội như nghèo đói, bất bình đẳng, tình trạng y tế và giáo dục tồi tệ. Chính vì vậy mà vì bất mãn triền miên, đám đông nghèo Phi đã dồn phiếu cho một chính trị gia “dân túy” nhất trong lịch sử nước này là ông Joseph Estrada. Xuất thân là một tài tử điện ảnh chuyên thủ vai những anh hùng “trừ gian diệt tặc”, ông Estrada đã thu phục được đám đông quần chúng nghèo. Ông đã đạt được một chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1998. Được người dân gọi một cách thân mật là “Erap” (đọc trại từ chữ “pare” trong tiếng Phi có nghĩa là “bạn”), ông Estrada hứa sẽ luôn luôn là một người “bạn dân”, nhất là của người nghèo. Mặc dù đã làm những nỗ lực đáng kể để giúp dân nghèo và lãnh đạo đất nước vượt qua được cuộc khủng hoảng kinh tế tại Á Châu, ông Estrada đã không tránh khỏi những cáo buộc về cuộc sống thiếu đạo đức và nhất là tham nhũng của ông. Đây là những cáo buộc mà Giáo hội Công giáo, giới doanh nghiệp cũng như các nhà tranh đấu trong xã hội dân sự đưa ra. Hạ viện đã bỏ phiếu bãi nhiệm ông Estrada. Nhưng Thượng viện đã thất bại trong việc buộc tội ông. Do đó, được sự yểm trợ của quân đội, giới thượng lưu và trung lưu mới phát động một cuộc xuống đường cũng tại con đường EDSA, nơi đã từng diễn ra cuộc cách mạng “Sức mạnh Quần chúng”. Mặc dù vẫn tiếp tục được đa số dân nghèo ủng hộ, ông Estrada cũng đành phải từ chức. Phó tổng thống, bà Gloria Macapagal-Arroyo, lên kế vị, nhưng không được hầu hết mọi thành phần xã hội Phi ủng hộ.
Năm 2009, bà Cory Aquino, linh hồn của cuộc cách mạng “Sức mạnh  Quần chúng”, qua đời vì bệnh ung thư. Năm sau, con trai trưởng của bà, ông Noynoy Aquino quyết định ra tranh cử tổng thống. Ông được đa số cử tri Phi ủng hộ vì sự thanh liêm và quyết tâm giữ cho gia đình và bạn bè của ông không dính vào những tai tiếng của tham nhũng. Là một người độc thân, Tổng Thống Aquino lại càng tránh được những lạm dụng quyền hành và tham nhũng mà các đệ nhất phu nhân hay đệ nhất phụ nhân Phi thường mắc phải.
Kể từ năm 2010 đến nay, với mức tăng trưởng 6 phần trăm, kinh tế Phi Luật Tân được xem là tương đối ổn định. Một phần vì Tổng Thống Aquino đã không phải trải qua những cuộc đảo chính như những người tiền nhiệm của ông. Được tổ chức “Transparency International” (Minh bạch Thế giới) nâng lên trên bậc thang “trong suốt”, Chính phủ Aquino không những được giới doanh nghiệp và các tổ chức của xã hội dân sự Phi ủng hộ, mà còn được sự tín nhiệm của các cơ quan tín dụng và tổ chức viện trợ thế giới. Tuy nhiên, gần đây chương trình cải tổ của Tổng Thống Aquino lại vấp phải một số những chướng ngại như mua phiếu trong các cuộc bầu cử, tệ nạn buôn lậu ngày càng lan rộng, hạ tầng cơ sở nghèo nàn, phạm pháp gia tăng, hệ thống tư pháp lỏng lẻo và nhất là sự hoành hành của các tổ chức phiến quân Cộng sản và Hồi giáo tại Miền Nam Phi Luật Tân. Ngoài ra,  nghèo đói và thất nghiệp vẫn  tiếp tục gia tăng. Lâu nay kinh tế Phi Luật Tân vẫn dựa vào việc cung cấp dịch vụ và nhất là kiều hối của 10 phần trăm dân số đang làm việc ở ngoại quốc. Sản xuất nông nghiệp và kỹ nghệ vẫn còn trì trệ.
Phi Luật Tân sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 5 tới đây. Sau 6 năm tương đối được ổn định chính trị dưới thời Tổng Thống Noynoy Aquino, nay giới trung lưu và thượng lưu nước này lại bắt đầu lo ngại về cuộc vận động của một nhân vật cũng có khuynh hướng dân túy không kém gì  ông Estrada trước kia. Nhân vật này chính là đương kim phó tổng thống Jejomar C. Binay. Hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận, ông Binay đang đưa ra lá bài “dân nghèo”. Nhưng cũng như ông Estrada, ông Binay bị giới trung lưu và thượng lưu Phi cáo buộc về tham nhũng trong suốt thời kỳ ông làm thị trưởng Makati, trung tâm thương mại của thành phố Manila. Tuy nhiên, người nghèo vẫn ủng hộ ông vì không những ông xuất thân từ giới nghèo mà còn vì những chính sách an sinh xã hội dành cho người nghèo khi còn làm thị trưởng Makati. Ngoài ra, trong thời gian gần đây, với tư cách là phó tổng thống, ông Binay cũng đã đề ra nhiều chương trình trợ giúp người dân Phi đang làm việc ở nước ngoài cũng như các thành phần kém mắn trong xã hội Phi. Với nhiều chủ trương khác với chính sách của chính phủ, phó tổng thống Binay tự đặt vào thế đối lập với Tổng Thống Aquino. Phi Luật Tân có lối bầu cử “không giống ai”: tổng thống và phó tổng thống không đứng cùng một liên danh khi ra tranh cử! Trong rất nhiều trường hợp, phó tổng thống thường đứng vào thế đối lập với tổng thống.
Nếu ông Binay đắc cử tổng thống Phi, nhiều người lo ngại rằng rồi đây lịch sử cũng sẽ lập lại: một tổng thống được dân nghèo ủng hộ nhưng thiếu trong sạch rất có thể sẽ bị truất phế qua một cuộc cách mạng “Sức mạnh Quần chúng”. Trong khi cuộc cách mạng này đã trở thành niềm cảm hứng cho người dân tại nhiều nước trên thế giới, thì tại Phi Luật Tân, nó vẫn còn là một thứ vũ khí “nguy hiểm” được sử dụng để lật đổ một nhà lãnh đạo được chính dân chúng bầu lên.


(theo http://thediplomat.com/2016/02/philippine-people-power-thirty-years-on/)

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

Tôi ăn chay…



                                                                Chu Thập
Mùa Chay 2010


Mới “ăn Tết” đó, mà nay tôi lại phải “ăn chay”. Tôi nói “phải” ăn chay bởi vì theo bản tính tự nhiên, tôi thích ăn hơn là nhịn. Thật ra, trong “Mùa Chay” kéo dài 40 ngày mà hơn một tỷ người Công giáo trong đó có tôi, bắt đầu bước vào kể từ Thứ Tư Lễ Tro ngày 17 tháng 2 này, chỉ có đúng hai ngày “ăn chay” theo đúng nghĩa. Một lần ở khởi đầu Mùa Chay, khi người Công giáo được xức lên đầu một ít tro để được nhắc nhở về thân phận “bụi tro” yếu đuối của mình và được mời gọi ăn năn hối cải; một lần vào Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu.
Tôn giáo nào cũng có chay tịnh. Phật giáo có “chay trường” và đương nhiên xem “ăn chay” như một thực hành quan trọng trong cách thực hành  đạo. Hồi giáo có cả một tháng Ramadan, trong đó người tín đồ nhịn ăn từ lúc bình minh cho đến khi mặt trời lặn. Mục đích của chay tịnh trong tôn giáo nào cũng đều là để kêu gọi con người sám hối và, nói theo ngôn ngữ của Kitô giáo, để quay “trở về”. Dĩ nhiên, với những người tôn thờ Thiên Chúa, thì trở về chỉ có nghĩa là trở về với Thiên Chúa. Như một con chiên lạc đàn, người tín hữu trở về với đàn chiên. Như người con hoang đàng, người tín hữu trở về trong vòng tay chờ đợi và tha thứ của người Cha.
Nhưng theo tôi nghĩ, trở về  với bản thân mới là điều cần làm trước tiên. Ngày nay, trong triết học hiện sinh, người ta thường nói đến hai chữ “vong thân”. Hiểu một cách đơn giản nhứt, vong thân là đánh mất chính mình.
Kitô giáo có giới răn quan trọng nhứt là “hãy yêu mến Chúa trên hết mọi sự, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực”. Giới răn thứ hai vốn được xem như giống giới răn thứ nhứt là “hãy yêu tha nhân như chính mình”. Không nhứt thiết phải là một tín hữu Kitô, người Việt nam cũng biết một “giới răn” tương tự: “thương người như thể thương thân”. Điều xem ra nghịch lý hay thừa thãi trong “giới răn” này là vế thứ hai, “như thể thương thân”. Chúng ta thường nghĩ rằng theo lẽ tự nhiên, ai cũng yêu thương chính mình. Kỳ thực, chúng ta rất thường có thái độ thiếu “tôn trọng”, nếu không muốn nói là miệt thị hay thù nghịch đối với bản thân, nhứt là thân xác của mình.
Trong bài viết có tựa đề “Biết Ơn Mình” đăng trong tuyển tập “Cành Mai Sân Trước”, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, người đang sống trong nước, viết như sau: “Ngay từ thuở nhỏ, ta đã được dạy nói cám ơn khi ai đó giúp đỡ mình. Lời cám ơn không phải để xã giao mà thật sự biểu lộ lòng biết ơn chân thành của mình đối với người nào đó.Thế nhưng có lẽ chưa bao giờ ta được dạy nói cám ơn ta vì nhiều khi ta coi chuyện cám ơn mình là một điều gì đó lố bịch, kỳ cục, không cần thiết! Trái lại nhiều khi ta còn có khuynh hướng nói xấu mình, bất mãn với mình, thậm chí …nguyền rủa mình. Trên mười năm giữ mục Phòng Mạch trên báo Mực Tím, tôi nhận được rất nhiều thư của các em ở tuổi mới lớn kêu ca về hình thể, về nhan sắc mình và sỉ vả mình một cách không thương tiếc! Nhiều em viết “muốn tự tử”, “muốn chết đi cho rồi”, “không còn muốn sống nữa”…chỉ vì một vài vết mụn trứng cá hoặc tàng nhang trên gương mặt, một vài vết sẹo ở chân hoặc thấy mình không đẹp trai bằng Kim Soo Jong, không có số đo như các hoa hậu.” (Đỗ Hồng Ngọc, Cành Mai Sân Trước)
Theo ông bác sĩ này, thân xác con người cũng giống như một bộ máy. Cần phải biết ơn nó, bởi vì trong khi một cái máy tốt cách mấy cũng chỉ có tuổi thọ tối đa là 5,10 năm, thì cái máy là thân xác con người thì lại chạy hoài, có khi chạy mà không được bảo quản và tu sửa cho đàng hoàng, lại còn bị xài phí nữa. Hãy thử nhìn xem bộ xương. Cơ thể ta có trên hai trăm cái xương lớn nhỏ được ráp nối với nhau để thành một khung xương, hoạt động được là nhờ các khớp, cũng “xài” được hằng mấy chục năm trời mà chẳng cần phải bơm dầu trét mỡ gì cả…Hãy thử xem bộ máy tuần hoàn của ta. Nếu biết rằng mỗi ngày trái tim ta đã phải co bóp cả trăm ngàn lần để đẩy một khối lượng máu khoảng 8000 kg không ngừng nghỉ, kể cả lúc ta ngủ, vào một hệ thống mạch máu giăng mắc mà, chỉ riêng hệ thống vi mạch nếu nối lại đã dài hằng trăm ngàn cây số, để nuôi cơ thể…ta mới thấy sức hoạt động của bộ máy tuần hoàn tuyệt vời đến thế nào! Vậy mà chẳng những ta không nhớ, không biết ơn nó, nhiều khi ta còn hành hạ nó, đầu độc nó, buộc nó nhảy tưng lên với những chất rượu, trà, cà phê, thuốc lá…Chất nicotin trong thuốc lá chẳng hạn, chẳng những buộc nó phải làm việc nhanh lên mà còn làm co thắt các mạch máu nuôi dưỡng nó, làm cho nó bị thiếu dưỡng khí. Ta lại còn đầu độc tinh thần nó bằng cách luôn rên rỉ “một trái tim khô, một trái tim mùa đông” hay hất hủi nó “Ngày rời Paris, anh đã để quên con tim.” (Đỗ Hồng Ngọc, sách đã dẫn)
Đó là số phận của trái tim. Nói chi đến các cơ phận khác như buồng phổi, bao tử, ruột, gan…chúng lại càng bị “hành hạ” và “lạm dụng” biết chừng nào! Quả thật, con người không những tỏ ra “vô ơn”, mà còn đối xử tàn tệ với các cơ phận trong thân thể mình. Thân xác tôi làm thân trâu ngựa cho tôi mà chẳng hề nhận được một lời cám ơn. Đã đến lúc nếu không “ca tụng thân xác” như giáo sư Nguyễn văn Trung, thì ít ra cũng phải nhìn nhận những thiệt hại mà tôi đã tự gây ra cho thân xác mình.
Ý nghĩ “biết ơn” hay “thương thân” trên đây của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc khiến tôi phải nhìn lại cách tôi đối xử với thân xác mình và nhận ra giá trị đích thực của việc chay tịnh. Chay tịnh hay sống có kỷ luật trong dinh dưỡng và thể thao là trả lại “công lý” cho thân xác của mình.
Không những phải trả lại công lý cho thân xác mình, tôi cũng phải nhận ra quan hệ của thân xác tôi với người khác. Tôi có  thể quan hệ với người khác nhờ qua thân xác của tôi đã đành, mà sức khỏe hay sự yếu đuối của thân xác tôi cũng ảnh hưởng đến người khác, nhứt là những người thân trong gia đình. Ngày nay, trong những xã hội văn minh như Úc đại lợi này, tôi lại càng thấy rõ tình liên đới ấy. Tôi thường nghĩ đến mối quan hệ ấy mỗi khi cầm thẻ Medicare đưa cho bác sĩ gia đình “cà”. Tôi không phải tốn một đồng xu nào cả. Tiền trả cho bác sĩ là tiền do người khác đóng thuế. Người khác lo cho sức khỏe của tôi. Tôi càng nhiều bệnh thì càng tốn tiền của người khác. Cứ thử nghĩ đến một trong những chứng bệnh dễ thấy nhứt của thời đại là bệnh béo phì: bệnh này có thể do di truyền, nhưng phần lớn là do cái miệng của tôi. Từ ngàn xưa, triết gia Seneca đã có lý để nói: “con người tự đào mộ chôn mình bằng chính những cái răng của mình”. Căn bệnh do cái miệng ấy kéo theo cả một cái đuôi dài của những chứng bệnh khác như tim mạch, tiểu đường, gan, thận v.v…Tôi ăn cho sướng cái miệng, nhưng người khác lại phải chi trả để tôi được chữa bệnh.
Nghĩ đến đó, tôi thấy toát mồ hôi hột như Thi sĩ Sully Prudhomme của Pháp vào thế kỷ thứ 19. Ông mơ thấy người nông dân bảo ông phải  tự đi cày cuốc để có cơm gạo mà ăn, người thợ nề bảo ông phải tự xây nhà để ở, người thợ dệt bảo ông phải tự tay dệt lấy vải để có áo quần mà mặc, người thày thuốc bảo ông phải tự chữa lấy mình…Sống mà không cần và không có tình liên đới của người khác hẳn phải là một cuộc sống khốn khổ.
Thực hành chay tịnh, trân quý sự sống của tôi bao nhiêu, tôi lại càng cảm thấy cần có tình liên đới của người đồng loại bấy nhiêu. Trở về với bản thân, tôi cũng được mời gọi trở về với tha nhân.
Tôi cần có tha nhân để sống với, bởi vì tha nhân chắc chắn không phải là “hỏa ngục” như triết gia hiện sinh Jean Paul Sartre đã từng khẳng định. Trong vở kịch có tựa đề “Huis clos” (không có lối thóat), ông triết gia đã từng nhắm mắt bịt tai trước nỗi khổ của bao nhiêu nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản để ca tụng đế quốc Liên xô, tưởng tượng ra cảnh ba người đang ngồi chờ trong một phòng đợi của hỏa ngục. Khán giả được phép giả định đây là ba con người đã có cuộc sống bất lương, gian ác và hiện đang đứng trước ngưỡng cửa hỏa ngục để chờ đợi được quyết định về số phận. Như trong mọi phòng đợi, người ta thường trao đổi với nhau cho qua giờ. Nhưng không mấy chốc, câu chuyện giữa ba người chỉ còn là những cuộc cãi vã hung hãn. Cuối cùng, một trong ba nhân vật tuyên bố: hỏa ngục chẳng phải là một nơi có lò thiêu sống hay tra tấn gì cả. Hỏa ngục chính là tha nhân.
Có người nhìn đâu cũng thấy kẻ thù.Tha nhân quả là hỏa ngục đối với họ. Một thế giới trong đó mọi người là kẻ thù quả là một nơi không có lối thoát.
May cho tôi biết bao, bởi vì tôi vẫn còn nhận ra xung quanh tôi bao nhiêu người đang tỏ tình liên đới với tôi và bao nhiêu người đang cần tôi tỏ tình liên đới. Tôi không thể sống như một Lỗ Bình Sơn trong hoang đảo. Tôi không thể sống một cách ích kỷ và hoang phí mọi thứ tiện nghi mà xã hội cung cấp cho, như thể không có người khác. Nhứt là tôi không thể sống mà không nghĩ đến trên cả nửa tỷ người trên thế giới ngày nay mỗi tối đi ngủ với cái bụng còn trống trơn.
Thế giới không ngừng kêu gọi tôi rộng tay đóng góp để xoa dịu nỗi đau khổ trong thể xác và tinh thần của các nạn nhân động đất tại Haiti. Cách riêng Giáo hội công giáo, trong Mùa Chay này, lại càng thôi thúc tôi mở rộng trái tim và đôi tay để quảng đại chia sớt cho những người kém may mắn hơn tôi. Mùa Chay chỉ thật sự có ý nghĩa khi tôi biết quay trở về với tha nhân. Mùa Chay như thế cũng nhắc nhở tôi về hướng đi của cuộc sống và niềm hạnh phúc đích thực trong cuộc sống.
Mới đây trên mạng, tôi tình cờ đọc được tin một nhà triệu phú người Áo là ông Karl Rabeder, 47 tuổi, quyết định tặng hết tài sản của mình, lui về sống ẩn dật trong một góc núi để được “hạnh phúc”. Xuất thân từ một gia đình lam lũ, ông đã tích lũy được một tài sản trị giá gần 5 triệu mỹ kim. Nhưng năm 2004, nhân một chuyến đi nghỉ hè tại Hawai, ông ngụ trong một khách sạn năm sao. Mới đây, ông tâm sự với báo The Daily Telegraph phát hành tại Anh Quốc như sau: “Chưa bao giờ trong đời tôi bị một cú “shock” lớn như thế: tôi thấy cuộc sống trong khách sạn 5 sao thật khủng khiếp, vô hồn và vô cảm”. Ông nói rằng ông đã tiêu tiền như nước, nhưng lại không gặp được một con người thật nào.
Trở về sau chuyến đi đó, ông mới nhận thấy rằng ông đang “chết trong chủ nghĩa tiêu thụ” và cảm thấy không cần tiền bạc của cải nữa.
Ông Rabeder dự định tặng tất cả tài sản của ông cho các tổ chức từ thiện và lui về sống trong một cái chòi nhỏ ở miền núi với thu nhập hàng tháng không quá 1500 mỹ kim. Quả thực, ông đang thực sự bắt đầu “sống” chay tịnh một cách triệt để.
Dù không thể nào “ganh đua” với ông Rabeder, trên “mặt trận” chay tịnh, nhưng tôi cũng có thể lập một “kế hoạch nhỏ” cho mình: tôi sẽ “dụ” vợ tôi giảm bớt một ít tiền chợ mỗi tuần để cho người nghèo. Riêng tôi, tôi tự hứa rằng, tôi sẽ cho bớt một chút thức ăn đầy “gợi cảm” như các món thịt chiên vào chén và sẽ vui vẻ ăn những món ăn tốt nhưng “dở ẹc” như …rau luộc chẳng hạn. Chỉ cần nhờ đó mà có thêm một gia đình nghèo có thức ăn và bớt đi một ít gia súc không bị làm thịt trong Mùa Chay này là tôi đủ vui rồi.














Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

Hoa Trái Tình Yêu



Chu Thập
14.2.12
Trong các món quà người ta mua tặng cho nhau trong ngày Valentine, tôi nhận thấy hoa là thứ bán chạy nhứt. Trong ngày lễ được thương mại hóa tới mức tối đa và được Tây Phương quảng bá đi khắp thế giới này, cứ mỗi lần dạo phố, tôi không thể không dừng lại ngắm các sạp hoa.  Ở cái đất nước có khí hậu ôn đới mà không quá khắc nghiệt này, mùa nào cũng có hoa và mùa nào có hoa của mùa đó. Nhà nào cũng trồng được hoa mình thích. Nhưng phải nói nhờ bàn tay khéo léo của những chuyên viên kết hoa, tốt nghiệp từ trường ốc đàng hoàng mà hoa mới tăng vẻ đẹp. Khách mua chỉ cần gọi điện thoại đặt hàng là có được một lãng hoa theo ý mình muốn và nếu cần còn được dịch vụ đưa thẳng đến nhà người được tặng hoa.
Sinh ra và lớn lên ở một nơi khỉ ho cò gáy như tôi, phải đợi cho đến những ngày cuối năm Âm Lịch mới thấy có chợ hoa. Dĩ nhiên, năm nào tôi cũng chỉ thấy một vài loại hoa đặc trưng của vùng nhiệt đới như hoa mai, vạn thọ, cúc...Thời trung học, đọc chuyện “Gánh hàng hoa”, tác phẩm viết chung của hai nhà văn Khái Hưng và Nhất Linh nổi tiếng của Tự Lực Văn Đoàn, tôi thấy bán hoa vẫn còn là một cái nghề lam lũ: gia đình ở nhà quê tự trồng lấy hoa và ngày ngày gánh đi bán rong, chứ không có lấy một cái sạp tử tế hay được vào trường theo học một khóa cắm hoa có bài bản nào cả.
Cha mẹ tôi là những người thích trồng hoa. Nhưng mỗi người có mục đích riêng của mình. Ngoài cái hàng rào dâm bụt đỏ, vài chậu hoa giấy, hoa vạn thọ hay hoa móng tay, hoa mười giờ...mẹ tôi thích trồng hoa hồng. Tôi không tin là mẹ tôi trồng hoa vì mục đích thẩm mỹ. Bà chăm sóc mấy bụi hoa hồng là để mỗi buổi sáng khi pha trà hái lấy vài cánh hoa cho vào cái ấm tích. Cho tới ngày nay, mỗi lần uống trà, mũi tôi vẫn còn ngửi được cái hương vị khác thường của trà pha với hoa hồng.
Mẹ tôi không trồng hoa để ngắm. Bà nhìn hoa dưới khía cạnh thực dụng. Bà chẳng cần biết đến câu ca dao trữ tình “trèo lên cây bưởi hái hoa, bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân” gì cả. Trong vườn có mấy bụi mía mây, loại mía có màu vàng, mềm và ngọt như đường phèn. Mẹ tôi thường róc sạch vỏ, cắt ra từng miếng vuông nhỏ, cho vào cái thẫu và ướp với hoa buởi tươi trong vườn. Ngày nay, đang có triệu chứng của bệnh tiểu đường cho nên tôi kiêng cữ tối đa mọi thứ đồ ngọt. Nhưng giả như có được thứ mía mây đó, ướp với hoa bưởi như mẹ tôi vẫn làm, chắc chắn tôi sẽ không từ.
Riêng cha tôi cũng trồng hoa theo sở thích của ông. Nhưng cha tôi lại chỉ trồng độc mỗi hoa mai. Tết nhứt, trong nhà có mai đã đành, mà cha tôi cũng bán được vài chậu kiếm tiền tiêu Tết. Tựu trung, khi trồng hoa, cha mẹ tôi nhắm đến cái lợi hơn là cái đẹp. Chính vì vậy mà trên bàn thờ trong nhà, mẹ tôi chỉ cắm hoa giấy hay hoa giả. Thỉnh thoảng, bà cũng mua một ít hoa huệ trắng để dâng cúng cho nhà thờ. Nhưng tuyệt nhiên, tôi chẳng bao giờ thấy cha mẹ hay các anh các chị tôi tặng hoa cho ai cả. Thời đó, chưa có ngày Valentine, mà các anh các chị tôi cũng còn thuộc cái thế hệ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” cho nên hẹn hò hay hoa hòe hoa sói là chuyện thần tiên chỉ có trong sách vở.
Không có ngày Valentine, Lễ của Tình nhân, nhưng bù lại cha mẹ tôi và những người sống ở thôn quê lại có vô số ngày của “tình thương”. Với họ, sống là chia sẻ và trao tặng cho nhau. Mà đã trao tặng thì trao tặng quanh năm ngày tháng, chớ không chỉ đợi cho đến một ngày lễ đặc biệt nào đó để gởi một bó hoa hay một món hàng làm sẵn.  Hơn nữa, đã trao tặng thì người ta lựa điều mình trân quý nhứt để trao tặng. Có khi một quà tặng được chuẩn bị cả năm. Bước vào tháng Giêng, người ta đã bắt đầu nghĩ đến người sẽ được nhận quà và chuyện chuẩn bị những món quà để trao tặng trong năm. Lúc nhỏ, tôi thấy ông cha nhà thờ là người sướng nhứt, bởi vì hễ có “của ngon vật lạ” thì lại dành cho ông.
Mà không riêng gì nhà lãnh đạo tinh thần trong xóm giáo, những người được cha mẹ tôi và những người ở thôn quê “thương” cũng đều được dành cho những món quà mà họ chăm sóc, nâng niu, nuôi dưỡng rất lâu. Từ hoa trái còn xanh trên cành đến gia cầm mới nhổ giò đã được “chỉ định” sẽ thuộc về phần ai. Cha mẹ tôi thường lựa những thứ tốt nhứt để làm quà. Món quà được trao tặng là kết tinh của chăm sóc, của mồ hôi, nước mắt, của tình thương được gói ghém trong đó.
Ngày nay, ở nơi tha phương, tôi mới hiểu được giá trị của những món quà mà cha mẹ tôi thường tặng cho những người thân quen. Tôi không phải là một thành viên của Đảng Xanh. Nhưng về trồng trọt và chăn nuôi, lúc nào tôi cũng nghĩ đến hai chữ thời thượng hiện nay là “sustainable” mà tôi thích dịch là “hợp với thiên nhiên”, nghĩa là không thúc ép, không vội vàng mà trái lại tuân theo các định luật và tuần hành của thiên nhiên. Một cách cụ thể, chẳng hạn, để có trứng ăn, tôi nuôi vài chị gà mái đẻ chớ không mua trứng gà công nghiệp trong siêu thị. Mấy chị gà của tôi không chỉ được “đi bộ”, mà còn chạy nhảy, rong chơi trong khu rừng gần nhà. Tôi tin rằng nhờ được sống thoải mái giữa thiên nhiên, không bị “thúc ép” hay “trầm cảm” cho nên trứng của các chị gà mái của tôi hẳn phải “lành mạnh”. Thỉnh thoảng tôi gởi tặng bạn bè vài cái trứng. Của ít nhưng lòng thì chắc chắn phải nhiều, bởi vì nó gói trọn sự chăm sóc, thương yêu mà tôi dành cho mấy chị gà mái cũng như những tưởng nghĩ đến bạn bè.
Ngoài trứng gà ra, có khi tôi cũng gởi tặng bạn bè vài con vịt xiêm để đánh chén. Ai cũng khen thịt vịt tôi nuôi thơm ngon, ít béo hơn vịt nuôi thúc trong các nông trại. Chẳng biết bạn bè tôi có “ngửi” được những giọt “mồ hôi” và “công lao” của tôi trong mấy miếng thịt vịt không. Từ lúc chị vịt mái chuyển bụng lót ổ, nằm ấp, cho đến lúc những con vịt con nở ra, tôi tốn không biết bao nhiêu thời giờ và công sức. Hơn tháng trời phải ngày đêm canh giữ vì cái đám kỳ đà và goanna từ trên rừng có thể đột nhập vào chuồng bất cứ lúc nào. Đã có lần vịt mẹ phải “ác chiến” với chúng đến “đổ máu”. Tối đến tôi lại phải ấp ủ đám vịt con để không bị lũ chuột kéo chân, khoét bụng. Sau đó còn phải thêm mấy tháng chăm sóc nữa thì mới có thể “làm quà”.
Riêng hoa trái trong vườn thì khỏi nói. Tôi chăm sóc như nâng trứng, như hứng hoa. Tặng cho bạn bè một ít rau quả là tặng cả tấm lòng quý mến được nuôi dưỡng bằng sự chăm chút, quan tâm, săn sóc đối với thiên nhiên.
Tựu trung, trong quan hệ giữa người với người, tôi luôn tâm niệm câu nói: “Một quà tặng không có người tặng là một quà tặng trơ trụi” (a gift without the giver is a bare gift). Trao tặng là trao một phần của chính mình. Trao tặng là gởi gắm tâm tình, sự tưởng nghĩ, mối quan tâm của chính mình.
Người ta thường kể một giai thoại đầy ý nghĩa về thi sĩ người Áo Rainer Maria Rilke. Mỗi buổi chiều, ông có thói quen thả bộ qua các ngã phố gần nơi ông ở. Ngày nào, ông cũng gặp một người đàn bà ngồi ăn xin bên vệ đường. Khách qua lại thường bố thí cho bà những đồng xu nhỏ. Nhưng người hành khất chưa một lần để lộ một cử chỉ biết ơn nào.
Ngày nọ, thi sĩ Rilke cùng với người bạn gái đi bách bộ qua những con đường quen thuộc ấy. Người bạn gái của ông ngạc nhiên vô cùng, bởi vì mặc cho người đàn bà khốn khổ có chìa tay van xin, nhà thơ cũng không buồn thí cho bà một đồng tiền lẻ nào. Đọc được thắc mắc của người bạn gái, thi sĩ Rilke mới giải thích như sau: “Nếu chúng ta có trao tặng cho bà ta, thì hãy trao tặng vào trái tim hơn là lòng bàn tay của bà.”
Vài ngày sau, thi sĩ Rilke cũng đi qua những con đường ấy cùng với người bạn gái. Đến một cửa hàng bán hoa, ông dừng lại mua một cành hoa hồng. Người bạn gái của ông nghĩ ngay rằng đây là cành hoa mà thi sĩ sẽ dành cho mình. Nhưng, một lần nữa, cô ngạc nhiên đến sửng sốt: thay vì trao cành hoa cho cô, ông đã đến với người hành khất và với tất cả trân trọng, đặt nhẹ vào tay bà. Đôi mắt gần như lúc nào cũng bất động của người đàn bà hành khất bỗng sáng lên. Bà đứng thẳng dậy, chộp lấy bàn tay của người thi sĩ và hôn lấy hôn để như để tỏ lòng biết ơn. Bà áp cành hoa vào ngực rồi vội vã rời bỏ chỗ ngồi quen thuộc ấy để đi đâu không ai biết.
Một tuần lễ sau, người đàn bà hành khất trở lại chỗ cũ. Thi sĩ Rainer Maria Rilke giải thích với người bạn gái của ông như sau: “Trong nguyên một tuần lễ qua, người đàn bà này sống bằng chính cành hoa hồng ấy. Bà cần một chút tình thương mến hơn là vài đồng xu bố thí.” (Lẽ Sống, Ban Việt ngữ Chân Lý Á Châu, Manila, Phi luật tân)
Xét cho cùng, con người ta ai cũng cần tình thương hơn tiền bạc. Con người có thể miệt mài chạy theo tiền của. Nhưng đàng sau tiền của vẫn là thứ mà tiền của không thể mang lại được.
Báo The Sydney Morning Herald, trong số ra cuối tuần qua, có tường thuật về những biển lận của một người phụ nữ rất hào phóng. Chỉ là một kế toán viên âm thầm tại Castle Hill, nhưng mỗi lần bà Rajina Subramaniam bước vào một cửa hàng sang trọng nào ở Sydney, thì bà lại tỏa sáng như một ngôi sao. Các nhân viên của mọi cửa hàng xem người khách hàng 42 tuổi này như một người bạn và tiếp đãi bà như một bà hoàng.
Tổng cộng, bà hiện có 600 món đồ trang sức sang trọng, trên 200 sản phẩm của hãng Chanel, một hầm rượu Champagne trị giá hàng trăm ngàn Úc kim. Nhưng đáng chú ý hơn cả là những ngôi nhà trị giá đến 18 triệu Úc kim tại Bondi, Kirribili...Có những ngôi nhà chưa từng được sử dụng và vô số những hộp nữ trang chưa từng được mở ra.
Theo báo The Sydney Morning Herald, đây là vụ biển lận lớn nhứt trong lịch sử Úc đại lợi mà thủ phạm là một phụ nữ.
Bên ngoài, bà Subramaniam sống một cuộc sống bình thường với chồng trong một ngôi nhà khiêm tốn tại Castle Hill. Nhưng các tài liệu của tòa án cho thấy bên ngoài cái dáng vẻ lịch sự và hào phòng ấy là một người phụ nữ có tâm lý bị xáo trộn vì đã từng bị ông nội và chú lạm dụng tình dục lúc còn nhỏ. Chính vì bị lạm dụng như thế mà bà luôn cảm thấy cần có tình thương của người khác. Và vì muốn mua chuộc tình bạn bằng mọi giá, bà đã tặng vô số quà tặng cho người khác. Có người nhận được một món quà trị giá 240 ngàn Úc kim. Có người còn nhận được cả 1 triệu 3 trăm ngàn Úc kim để mua một ngôi nhà.
Tình yêu không phải là thứ có thể mua bán, đổi chác bằng tiền bạc. Tình yêu cũng chẳng phải là món đồ trang sức để chỉ được mang vào người mỗi năm một lần hay một cánh hoa để chỉ được trao tặng trong ngày Valentine. Tiếc thay, ngày nay dù có hoa có quà có đủ thứ vật chất “hỗ trợ” tôi lại thấy nhiều bạn bè tỏ ra “ngao ngán” với tình yêu, tình vợ chồng. Cha mẹ tôi không hề biết đến tặng hoa tặng quà. Khi kết hôn cũng chưa hẳn vì yêu, nhưng tình yêu mà ông bà dành cho nhau lại tăng theo thời gian. Tôi vẫn nhớ hình ảnh hai ông bà, khi đã có một bầy cháu chắt mà ra đường luôn tay trong tay thắm thiết vào cái bối cảnh khắt khe của thập niên 1960 ở làng quê. Hai Vị đã tìm ra bí quyết trong tình yêu. Bởi vì, nói đến tình yêu là nói đến những ưu ái, trao ban, quan tâm, săn sóc, hy sinh, nhẫn nhục và nhứt là chiều chuộng nhau từng ngày.