Thứ Hai, 21 tháng 12, 2020

Đồng đạo hay đồng cảm?

 

Chu Văn

Có lẽ ai cũng có những lễ Giáng Sinh đáng ghi nhớ. Với tôi, khó quên nhứt là Đêm Giáng Sinh năm 1975. Làm sao quên được cái đêm Giáng Sinh đầu tiên bên trong điều được gọi một cách rất chính xác là bức màn sắt. Không hiểu sao đêm đó, mọi ánh sáng trong thành phố Nha Trang của tôi đều tắt lịm. Kể từ đó, ánh sáng của Giáng Sinh đã lùi bước trước bóng đêm của hận thù, dối trá và nghi kỵ. Nói gì, làm gì cũng phải nhìn trước ngó sau. Nhìn đâu cũng thấy bóng dáng của công an chìm nổi và những người đang theo dõi mình.

Mãi cho đến năm 1981, tôi mới tìm lại được một Lễ Giáng Sinh có ý nghĩa. Đó là lễ Giáng Sinh trong trại tỵ nạn Kuku, ở Nam Dương. Rách rưới và thiếu thốn trong một hoang đảo, nhưng được tự do cho nên tôi đã thực sự hưởng được một mùa Giáng Sinh an bình và vui tươi. Ngày nay, dù sống ở đâu và trong hoàn cảnh nào, cứ mỗi dịp Giáng Sinh về tôi không thể nào quên được mùa Giáng Sinh ở Kuku ấy.

Mùa Giáng Sinh năm 2020 này có lẽ cũng sẽ là một Mùa Giáng Sinh đáng ghi nhớ trong những năm tháng cuối đời của tôi. Giáng Sinh là mùa của gặp gỡ. Nhưng năm nay, dường như ai cũng phải  chui vào vỏ ốc riêng tư của mình. Dĩ nhiên, mọi thứ tội lỗi đều có thể trút lên đầu con Covid-19 hết! Cũng tại cái con siêu vi này mà rào cản giữa người với người được dựng lên. Nhưng với riêng tôi, cùng với con siêu vi Covid-19, còn có một thứ rào cản khác khủng khiếp hơn. Kinh nghiệm cá nhân buộc tôi phải gọi đích danh rào cản ấy là Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong suốt 4 năm qua và nhứt là trong mùa Giáng Sinh này, chính ông đã xen vào các mối quan hệ giữa tôi và người thân, bạn bè và nhứt là những người đồng đạo. Thế giới đã bị chia rẽ, nước Mỹ đã bị phân hóa đến cùng cực. Nhưng sự chia cách giữa tôi và người thân, bạn bè và đồng đạo lại càng sâu sắc hơn.

Tôi vẫn nhớ mãi một buổi gặp gỡ giữa những người đồng đạo cách đây không lâu. Dù có cố gắng đến đâu, câu chuyện trên bàn ăn vẫn luôn dẫn đến vấn đề chính trị. Như một “chính trị viên” thấm nhuần chính sách và đường lối của Tổng thống Trump, bà vợ của người chủ nhà, một người công giáo thuần thành, đã đọc bản án dành cho cựu Tổng thống Barack Obama như sau: “tên phản quốc này chắc chắn sẽ vào tù sau ngày bầu cử Mỹ 3 tháng Mười Một!” Cũng may, người đàn bà này chưa đến nỗi gọi ông Obama là tên “Lọ Nồi” hay “Thằng Mọi Đen” như một số đồng môn và đồng đạo khác của tôi!

“Giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha”, noi gương cụ Đồ Chiểu tôi bèn hỏi vặn lại: “tin này chị đọc được ở đâu vậy?”  Lời chất vấn của tôi, mặc dù chỉ nhắm đến “tin giả” tràn lan trên các trang mạng xã hội, được người đàn bà hiểu như là một thái độ thách thức không “phò Trump”. Bầu khí cuộc gặp gỡ giữa những người đồng đạo bỗng trở nên căng thẳng và nặng nề.

Vài ngày sau, tình cờ gặp lại hai vợ chồng người đồng dạo này tại nhà môt người đồng đạo khác vốn là bạn chí cốt của tôi, tôi được đón tiếp bằng một thái độ lạnh lùng gần như thù hận. Ông bạn chí cốt của tôi lên tiếng cảnh cáo: gặp nhau nhớ giữ mồm giữ miệng không thì ăn miểng! Ông cho biết: trong một cuộc gặp gỡ cũng giữa những người đồng đạo, người chồng đã từng “nhét” vào miệng của nữ Phó tổng thống Kamala Harris những đồ “dơ bẩn” nhứt trong thân thể con người! Những thứ “dơ bẩn” như thế, tôi thấy nhan nhản trên các “meo đàn” của những người đồng đạo của tôi!    

Tội nghiệp ông bạn già của tôi. Dù sao, ở xa cộng đồng người Việt, ít ra tôi cũng né tránh được nhiều cuộc gặp gỡ với người đồng đạo. Ông bạn tôi, cứ mỗi lần gặp gỡ người đồng đạo, đều chọn thái độ “chịu đấm ăn xôi”, cắn răng ngồi nghe người ta tung hô Tổng thống Trump và chửi rủa thậm tệ đối thủ của ông và những ai không phục tùng ông. Bạn tôi kể lại rằng có lần giữa một bữa nhậu, đang vui vẻ chén chú chén anh, ông vô tình bày tỏ thái độ không “phò Trump”, một người đồng đạo vốn là bạn nhậu lâu năm của ông, đã tức khắc đứng dậy rời khỏi bàn ăn.

Rõ ràng là hơn cả con siêu vi Covid-19, Tổng thống Trump đã dựng lên vô số rào cản và “lô cốt” giữa người thân, bạn bè và người đồng đạo. Vì không “phò Trump”, tôi bị người thân và bạn bè chụp lên đầu cái mũ thân cộng. Nhưng nếu trong mắt nhiều người Việt, Tổng thống Trump là một nhà lãnh đạo quốc gia dám đánh Trung Cộng để giải phóng Việt Nam khỏi chế độ cộng sản, thì đối với rất đông người đồng đạo của tôi, vì chống phá thai và chống hôn nhân đồng tính, ông là người được Chúa chọn và sai đến để bảo vệ những giá trị truyền thống và chấn hưng đạo đức. Vì ông là người được Chúa chọn cho nên không phò ông là chống Chúa. Chẳng khác nào một số giáo hoàng thời Trung Cổ, Tổng thống Trump đã tung ra một cuộc thánh chiến theo đúng nghĩa và những đồng đạo của tôi sẵn sàng “tử đạo” cho ông.

Mùa Giáng Sinh năm nay, không còn được mời đến thăm dự các cuộc gặp gỡ giữa những người đồng đạo nữa, tôi dành những giây phút tĩnh lặng để suy nghĩ về căn tính tôn giáo của tôi.

Câu chuyện Giáng Sinh có một chi tiết đáng suy nghĩ: người chồng dắt người vợ bụng mang dạ chửa đi gõ cửa các quán trọ, nhưng không còn một cánh cửa nào mở ra cho họ. Họ đành phải dìu nhau đến một chuồng súc vật giữa đồng không mông quạnh và đứa con đầu lòng của họ đã cất tiếng chào đời ở đó.

Tác giả của câu chuyện Giáng Sinh cũng ghi lại một bài dụ ngôn mà tôi nghĩ hẳn phải là một nối dài của câu chuyện này. Bài dụ ngôn là câu trả lời của Chúa Giêsu cho một câu hỏi của một người thông luật : “Ai là người thân cận của tôi?”  Chúa Giêsu kể rằng có một người bộ hành nọ rơi vào tay một bọn cướp. Chúng tước đoạt  hết của cải của ông, đánh ông đến trọng thương và bỏ ông dở sống dở chết dọc đường. Có 2 người đi qua đoạn đường ấy. Cả hai đều là bậc vị vọng trong Đạo Do Thái. Nhưng họ đều nhắm mắt làm ngơ trước cảnh nạn nhân đang nằm vất vưởng bên đường. Thế rồi, tình cờ có một người Samaria cũng đi qua đoạn đường ấy. Với người Do Thái, Samaria có nghĩa là “ngoại đạo”. Người này động lòng trắc ẩn, đã dừng lại băng bó cho nạn nhân, đặt ông lên lưng lừa để đưa đến một quán trọ gần đó nhờ chăm sóc. Hôm sau, trước khi đi, ông dặn dò chủ quán: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ hoàn lại cho bác”.

Kể xong câu chuyện, Chúa Giêsu hỏi: “Vậy, theo ông nghĩ, trong 3 người đó, ai đã tỏ ra là thân cận với người đã bị rơi vào tay bọn cướp”. Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với  người ấy”. Chúa Giêsu kết luận: “Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy” (x. Tin Mừng theo thánh Luca 10, 29-37).

Bài dụ ngôn đã đảo lộn cách suy nghĩ và sống đạo thông thường của tôi. Chúa Giêsu dường như đã không xem trọng tính đồng đạo. Ngài đề cao sự đồng cảm. Suy ngẫm về bài dụ ngôn trong bối cảnh của sự rạn nứt giữa những người đồng đạo, tôi  đặt lại câu hỏi: “Ai là người đồng đạo của tôi?” Và dĩ nhiên, tôi sẽ nghe Chúa Giêsu trả lời: “Hãy trở thành người đồng đạo của người khác”. Bởi lẽ cốt lõi của Đạo là từ tâm, nhân ái, đồng cảm, cho nên trở nên người đồng đạo của người khác sẽ chỉ có nghĩa là thực thi lòng nhân ái và bày tỏ sự đồng cảm với người khác.

Thái độ của người Samaria “ngoại đạo” trong bài dụ ngôn của Chúa Giêsu khiến tôi liên tưởng đến một câu chuyện xảy ra trong mùa hè vừa qua mà tôi thường lấy  làm đề tài suy gẫm trong Mùa Giáng Sinh năm nay.

Nhân vật chính được nhắc đến trong câu chuyện là một cô gái tên là Kate Kilroy. Năm 2018, với ước mơ được đi đây đi đó, cô đã gia nhập vào lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ. Mùa hè vừa qua, lực lượng này tham gia một cuộc tập trận chung giữa hải quân và lực lượng tuần duyên của nhiều quốc gia ở Greenland. Hôm Tuần Duyên hạm trên đó cô Kilroy đang phục vụ thả neo ở Thủ phủ Nuuk của Greeland, cô được phép lên bờ. Đây là dịp để cô gái trẻ tìm hiểu về cuộc sống của người dân trên quốc gia hải đảo này. Tình cờ khi đi bộ quanh cảng để chụp hình, cô tạt vào một nhà hàng. Tại đây, cô thấy một người đàn ông ngồi đơn độc ngoài hiên...Cảm thấy tội nghiệp, cô đề nghị đãi người đàn ông một bữa ăn. Cả hai cùng ăn, cùng trò chuyện rồi chia tay.

Vài ngày sau, Thủ tướng Greenland, ông Kim Kielsen, ngỏ lời muốn đến thăm Tuần Duyên Hạm và thủy thủ đoàn của Mỹ. Khi Thủ tướng Greenland lên boong, cô Kilroy mới biết người đàn ông mà cô cảm thấy tội nghiệp nên đề nghị đãi một bữa ăn và cùng trò chuyện để ông ta không “tủi thân” vì cô độc chính là ông thủ tướng Greeland. Sự đồng cảm và tử tế của cô Kilroy cũng là là lý do khiến Thủ tướng Kielsen mời hạm trưởng Tuần Duyên của Mỹ và tự tay lái xe đưa đi một vòng tham quan Greeland!

Tổng lãnh sự Mỹ tại Greeland đã gởi lời cám ơn lực lượng Tuần Duyên Mỹ vì hành động của cô Kilroy. Về phần mình, cô giải thích rằng trong gia đình cô, ai cũng đều cư xử như thế khi thấy ai đó cần được giúp đỡ (x. https://www.voatiengviet.com/a/kilroy-kielsen-greenland-long-tu-tam/5682965.html).

Giáng Sinh năm nay, tôi không thể đến nhà thờ. Tôi cũng không thể tham gia các buổi gặp gỡ giữa những người đồng đạo. Nhưng tôi tin rằng nếu bất cứ lúc nào tôi cũng luôn trong  tư thế sẵn sàng để sống lòng từ tâm, thực thi nhân ái và bày tỏ sự đồng cảm với mọi người, nhứt là với người xa lạ, thì đó là lúc tôi tuyên xưng niềm tin tôn giáo và thực thi sứ điệp của Lễ Giáng Sinh vậy.

Chu Văn, Giáng Sinh 2020

 

 

 

 

 

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2020

Tôi luyện linh hồn


 

          

Chu Văn

Khi cựu Ptổng thống Joe Biden tuyên bố ra tranh cử tổng thống, tôi thấy “lo” cho ông. Tuổi cao sức yếu, đã cà lăm lại hay vấp váp trong lời ăn tiếng nói, làm sao ông có thể “chạy kịp” các đối thủ trẻ và bén nhạy trong Đảng Dân Chủ và nhứt là đối đầu với một cao thủ sừng sỏ như đương kim Tổng thống Donald Trump. Vậy mà cuối cùng, “cụ già” Joe Biden đã chiến thắng. Theo các nhà phân tách, một trong những khí giới đã mang lại chiến thắng cho ông chính là sự đồng cảm mà ông đã tôi luyện được trong suốt cuộc đời của ông.

Trong thông điệp nhân ngày Lễ Tạ Ơn năm nay, bất chấp những cảnh cáo của các chuyên gia y tế về sự lây lan và mối nguy hiểm chết người của đại dịch Covid-19, Tổng thống Trump vẫn cứ thúc đẩy mọi người hãy tha hồ đi lại, tập trung để gặp gỡ, vui chơi và “cầu nguyện”. Tổng thống tân cử Biden thì trái lại đã kêu gọi hãy thực thi sự đồng cảm bằng cách giới hạn sự tập trung, mang khẩu trang và tuân thủ việc giãn cách xã hội. 

Dạo cuối tháng Mười vừa qua, tại sinh quán của ông là thành phố Wilmington, Tiểu bang Delaware, khi đề cập đến cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, ứng cử viên Biden đã nói: “Trái tim tôi hướng về từng người đang phải trải qua cơn hấp hối khi phải dùng một băng hình để nói lời từ biệt với những thân yêu của họ, khi không được qui tụ  bạn bè và ngay cả người thân trong gia đình để thương khóc trong một thánh lễ hay nghi thức an táng”. Tôi chưa từng nghe được một lời như thế từ miệng của Tổng thống Trump!

Trong cuộc vận động, cựu Phó tổng thống Biden luôn muốn nhắn gởi một thông điệp hoàn toàn ngược lại với lời kêu gọi của Tổng thống Trump. Trong khi ông Trump bảo dân chúng Mỹ đừng để cho siêu vi Covid-19 “thống trị” mình và “đừng sợ” nó thì ứng cử viên Biden lúc nào cũng khuyến khích dân chúng mang khẩu trang, tuân giữ việc giãn cách xã hội và nhứt là ông không ngại chia sẻ niềm đau nỗi buồn với mọi người.

Cựu Phó tổng thống Biden luôn sẵn sàng bày tỏ sự đồng cảm với mọi người bởi vì hơn ai hết, ông hiểu thế nào là nỗi đau mất vợ, mất con. Những thảm kịch xảy ra trong gia đình đã ít nhứt hai lần khiến ông muốn từ bỏ sự nghiệp chính trị.

Bi kịch đầu tiên xảy ra cho ông vào mùa đông năm 1972. Năm đó, dù chỉ mới 29 tuổi, ông đã quyết định ra tranh cử  vào chức vụ thượng nghị sĩ liên bang đại diện cho Tiểu bang Delaware. Ban   vận động tranh cử gồm hầu hết là người thân trong gia đình, tài chánh lại eo hẹp, vậy mà cuối cùng người thanh niên chưa tròn 30 tuổi này đã đánh bại một đối thủ đã từng là một thượng nghị sĩ kỳ cựu của tiểu bang. Tuy nhiên, chỉ vài tuần lễ sau đó, thượng nghị sĩ tân cử của Tiểu bang Delaware phải trải qua một thảm kịch làm thay đổi hoàn toàn con người của ông. Người vợ trẻ của ông, bà Neilia và đứa con gái một tuổi tên là Naomi của ông đã qua đời trong một tai nạn giao thông. Hai cậu con trai Beau và Hunter bị thương nặng.

Thượng nghị sĩ tân cử Biden định từ chức. Nhưng nhiều người đã khuyên ông nên đảm nhận chức vụ đã được người dân Tiểu bang Delaware trao cho ông. Thượng nghị sĩ Biden đã tuyên thệ nhậm chức ngay trong bệnh viện nơi hai cậu con trai nhỏ của ông đang được điểu trị. Kể từ đó, tân thượng nghị sĩ đã đi đi về về trên các phương tiện di chuyển công cộng giữa Wilmington và thủ đô Washington. Bà Valerie, chị gái của ông, đã dời về gia đình ông để chăm sóc cho 2 đứa con trai nhỏ của ông. Bà Valerie ở lại trong gia đình Biden cho đến năm 1977 khi ông tái hôn với bà Jill Jacobs. Hai người đã có với nhau một người con gái là cô Ashley.

Lần thứ hai ông Biden muốn rời bỏ chính trường là năm 2015. Năm đó, với tư cách là phó tổng thống, ông Biden đã cùng với Tổng thống Barack Obama vận động để thông qua dự luật bảo hiểm y tế thường được gọi là Obamacare. Luật này giúp cho hàng triệu gia đình người Mỹ có thu nhập thấp có được bảo hiểm y tế. Trong khi ông nỗ lực đễ bảo đảm cho người nghèo hưởng được sự chăm sóc y tế thì người con trai trưởng của ông là ông Beau Biden qua đời vì ung thư não. Định ra tranh cử tổng thống năm 2016, nhưng ông Biden đã quyết định dành nhiều thời giờ hơn cho gia đình của ông.

Lần này, khi ra tranh cử ông Biden đã được các đảng viên Dân chủ chọn để đối đầu với Tổng thống Trump. Theo ông Mitchell S. McKinney, giáo sư chuyên về những cuộc tranh luận trong các cuộc bầu cử tổng thống thuộc Đại học  Missouri, sự kiện các đảng viên Dân chủ chọn ông Biden thay vì một ứng cử viên trẻ hơn, không đáng gây ngạc nhiên, bởi vì theo giáo sư này, đây là người mà Hoa Kỳ đang cần đến trong thời điểm này. Giáo sư McKinney nhận định rằng ông Biden là một chính trị gia biết “đồng cảm”. Đây là một thái độ hoàn toàn trái ngược với đương kim Tổng thống Trump (1).

Thực thi và đề cao sự đồng cảm, Tổng thống tân cử Biden đã làm nổi bật một cung cách lãnh đạo cần thiết hơn bao giờ hết trong thời đại này. Hiểu một cách đơn giản, người đồng cảm là người luôn biết tỏ ra ân cần, quan tâm đến người khác. Xét cho cùng, người đồng cảm là người biết sống tử tế.

Cựu tổng thống Obama vừa cho trình làng quyển hồi ký có tựa đề “Đất Hứa” (Promised Land). Chỉ trong ngày đầu tiên, quyển sách đã bán được gần một triệu ấn bản. Trong mục điểm sách của báo The New York Times, nhà văn Chimamanda Ngozi đã gọi tổng thống Obama là “một người tử tế vượt bực”. Trong thời gian gần đây, Tổng thống tân cử Biden cũng rất thường được mô tả như một người tử tế. Báo The Washington Post ghi nhận rằng ông Biden đã và đang thể hiện sự tử tế. Báo USA Today cho rằng “dân chủ và sự tử tế đã thắng cuộc bầu cử”. Riêng  Evan Osnos, người viết tiểu sự của ông Biden  khẳng định rằng ông Biden cống hiến “sự tử tế cho thời đại nhiễu nhương”. Về phần mình, chính ông Biden cũng lấy sự tử tế làm linh hồn của chiến dịch vận động bầu cử của ông. Ông thường nói: “Đây là cuộc bầu cử về nhân cách và sự tử tế”. Cố tổng thống Theodore Roovevelt (1858-1919) cũng đã từng nhấn mạnh đến điều đó. Ông nói: “Chính trị thực tiễn nhứt là chính trị của sự tử tế” (2).

Chính vì muốn đề cao sự tử tế mà để đối lại khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again) của Tổng thống Trump, ông Biden đã chọn khẩu hiệu “Chiến đấu cho Linh hồn của Dân tộc” (Battle for the Soul of the Nation). Thật ra đây không phải là khẩu hiệu riêng của Tổng thống tân cử Biden. Trước khi ông và Thượng nghị sĩ Kamala Harris liên kết lại trong cùng một liên danh, cả hai người đều đã sử dụng khẩu hiệu này để nói lên tầm quan trọng phải bằng mọi giá đánh bại ông Trump trong cuộc bầu cử 2020 (3).

“Linh hồn của dân tộc” như ông Biden và bà Harris hiểu chính là những giá trị nhân bản làm nên Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, trong đó nổi bật nhứt là đức độ, sự đồng cảm và tử tế.

Trong thông điệp nhân ngày Lễ Tạ Ơn năm nay, Tổng thống tân cử đã kêu gọi mọi người hãy hướng đến Gulph Mills, tiểu bang Pennsylvania. Đây là nơi mà trước khi trở thành tổng thống đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, tướng George Washington đã từng đóng quân trong cảnh thiếu thốn lương thực, quần áo, nơi trú ẩn. Tại đây vẫn còn một tấm bảng ghi lại hàng chữ: “Lễ Tạ Ơn này, bất chấp những khổ đau, đã cho thấy sự tôn trọng và nhân cách đã tôi luyện linh hồn một dân tộc “(4).

Theo Tổng thống tân cử Biden, những khổ đau mà đất nước Hoa Kỳ đang trải qua hiện nay chính là “cuộc chiến với siêu vi (Covid-19) chứ không phải với nhau”. Cuộc chiến này vẫn chưa kết thúc. Ông chia sẻ: “Với những người đã mất đi người thân, tôi biết đây là thời điểm vô cùng khó khăn trong năm. Hãy tin tôi, tôi hiểu điều này. Tôi còn nhớ cái Lễ Tạ Ơn mất mát đầu tiên của mình. Chiếc ghế trống, sự vắng lặng. Nó như lấy đi hơi thở của mình. Khó mà chú tâm. Khó mà cảm tạ. Khó để nhìn về phía trước. Và thật khó để mà hy vọng. Tôi hiểu. Tôi sẽ nghĩ về quý vị và cầu nguyện cho mỗi người cùng tất cả quý vị ngay trên chiếc bàn Lễ Tạ Ơn của chúng tôi bởi vì chúng tôi đã trải nghiệm như thế”.

Cái linh hồn dân tộc mà Tổng thống tân cử Biden kêu gọi tôi luyện, đặc biệt giữa cơn đại dịch hiện nay, chỉ có thể hiểu là sự đồng cảm, tử tế và cảm thông.

Là một tín hữu Kitô, khi nghe nói đến “linh hồn”, tôi không thể không liên tưởng đến “phần rỗi linh hồn” mà nhà đạo của tôi thường nói đến. Tôi thường được dạy bảo rằng cùng đích của việc “giữ đạo” là “phần rỗi linh hồn”, tức được hưởng phúc Thiên Đàng.

Tôi không biết có phải vì “phần rỗi linh hồn” ấy không mà mới đây tại Tiểu bang New York, sau khi thống đốc của tiểu bang là ông Andrew Cuomo ban hành lệnh hạn chế số người tham dự các buổi thờ phượng trong các giáo đường, nhiều tổ chức tôn giáo đã kiện lên tới Tối Cao Pháp Viện và Viện này đã đưa ra phán quyết đảo ngược lệnh của thống đốc tiểu bang. Người ta nghĩ gì để tranh đấu cho một quyền tự do thờ phượng như thế khi sự tập trung đông đảo trong những nơi thờ phượng có thể tạo điều kiện cho sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 và như thế gây ra cái chết cho không biết bao nhiêu người. Phải chăng tự do tôn giáo có nghĩa là quyền không cần đồng cảm và quan tâm đến người khác?

Là một người công giáo, tôi thường lắng nghe lời khuyên dạy của vị thủ lãnh tối cao của Giáo hội Công giáo là Đức giáo hoàng. Mới đây, trong một bài phát biểu được đăng trên báo The New York Times, Đức Phanxicô đã kêu gọi: “Ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ, các chính phủ đã rất nỗ lực đặt hạnh phúc của người dân lên hàng đầu, hành động dứt khoát để bảo vệ sức khỏe và cứu sống...Tuy nhiên, một số nhóm đã phản đối, từ chối giữ khoảng cách, tuần hành chống lại các hạn chế đi lại, như thể các biện pháp mà các chính phủ phải áp dụng vì lợi ích của người dân tạo thành một loại tấn công chính trị đối với quyền tự chủ hoặc tự do cá nhân! Hướng đến lợi ích chung không chỉ là tổng hợp những gì là tốt đẹp cho cá nhân. Nó có nghĩa là quan tâm đến mọi công dân và tìm cách đáp ứng hiệu quả nhu cầu của những người kém may mắn nhứt” (5).

Thật ra, lời dạy trên đây của người được gọi là “Chủ chăn Giáo hội Hoàn vũ” cũng chỉ là cốt lõi của mọi tôn giáo. Tôn giáo nào cũng dạy con người biết đồng cảm, biết tử tế, biết ân cần, biết quan tâm đến người khác.

Trong cuốn phim nổi tiếng “the Sound of Music”, khi Maria, người nữ tu trẻ đang bị dằng co giữa con đường tu đức và cuộc sống gia đình thì Mẹ Bề trên đã khuyên: “Khi Thiên chúa đóng cửa chính, thì ở nơi nào đó, Ngài sẽ mở cánh cửa sổ”. Vì vậy, nếu nhìn một cách tích cực và rộng thoáng hơn, khi không thể đến nhà thờ để gặp nhau vì đại dịch, thì chúng ta sẽ nhớ đến nhau và hy sinh cho nhau nhiều hơn bao giờ hết.

Với tôi, “tôi luyện linh hồn” hay lo cho “phần rỗi” linh hồn thiết yếu chính là sống vị tha. Thiên đàng và “phần thưởng đời sau” như thế nào thì chẳng có ai biết hay tưởng tượng được. Nhưng ít ra trong cuộc sống tại thế này, những trải nghiệm thường ngày luôn mang lại cho tôi niềm vui và an bình mỗi khi tôi cố gắng sống vị tha. Tôi khao khát gặp gỡ người đồng đạo ở nơi thờ phượng. Nhưng có lẽ đền thờ cuộc sống hàng ngày của tôi quan trọng hơn. Như thi sĩ Mỹ gốc Liban Kahlil Gibran đã nói: “Cuộc sống hàng ngày của bạn là đền thờ và tôn giáo của bạn. Khi bạn đi vào đó, hãy đi vào đó với tất cả con người của bạn”. Chính cuộc sống hàng ngày đó là nơi tôi gặp gỡ và sống với tha nhân, là nơi để tôi “tôi luyện linh hồn” của tôi! 

Chú thích


1.        https://www.dw.com/en/us-election-for-joe-biden-empathy-wins-the-presidency/a-55408733

2.        https://www.psychologytoday.com/au/blog/the-romance-work/202011/the-power-decency

3.        https://www.msn.com/en-us/news/elections-2020/battle-for-the-soul-of-the-nation-before-they-were-runn

4.        https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/19721-toi-luy-n-linh-h-n-m-t-dan-t-c

5.        https://vietbao.com/a305913/duc-giao-hoang-giao-dan-hay-tuan-lenh-chinh-quyen-de-chong-dich-ky-su-long-pham-de-trinh-thu-xin-duc-giao-hoang-chi-thi-cho-cac-

 

    

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2020

Máu chảy ruột mềm


 Chu Văn

Tổng thống Donald Trump đã từng tự nhận mình là một “thiên tài ổn định”. Nhưng trong thời đại dịch này, tôi nghĩ danh hiệu xứng đáng với ông hơn cả có lẽ là  “Siêu Nhân” (Superman). Chính ông đã từng nghĩ về mình như thế sau 3 ngày điều trị tại quân y viện Walter Reed dạo đầu tháng Mười vừa qua. Theo nhiều nguồn tin khác nhau, trước khi rời khỏi bệnh viện, ông đã có ý định khoác vào người một chiếc áo thun có vẽ hình “Siêu Nhân” để cho mọi người thấy ông có một sức mạnh phi thường. Vừa về đến Tòa Bạch Ốc, nơi vẫn còn được xem là một “ổ dịch”, hành động đầu tiên của ông là tháo gỡ khẩu trang ra khỏi mặt. Và tối hôm đó, ông “tuýt” như sau: “Tôi đã học được nhiều điều về siêu vi Corona. Có một điều chắc chắn là: đừng để nó khống chế bạn. Đừng sợ nó. Bạn sẽ đánh bại nó” (1).

Phải nhìn nhận rằng tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ có sức mạnh của một “siêu nhân”: 74 tuổi, béo phì...vậy mà chỉ trong 3 ngày nằm bệnh viện đã “đánh gục” siêu vi Covid-19 và trở về nhà cảm thấy khỏe mạnh và trẻ trung hơn cách đây 20 năm!

Tôi cùng tuổi với Tổng thống Trump, nhưng cho dù tập thể dục mỗi ngày và rất kỷ luật trong việc ăn uống, vẫn không có được sức mạnh của “siêu nhân” như ông. Ở tuổi tôi mà chẳng may bị Covid-19 chiếu cố thì kể như tới số! Hiện chưa có thuốc chủng. Còn thuốc Remdesivir, dù được cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Hoa Kỳ chuẩn thuận để chữa trị Covid-19, cũng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới để một thường dân già như tôi có thể với tới nếu chẳng may bị đại dịch chiếu cố. Cho nên, dù cho ở Úc Đại Lợi của tôi chỉ còn lác đác một vài trường hợp bị lây nhiễm, tôi vẫn thấy sợ. Và tôi biết sợ! Chính vì sợ cho nên mỗi khi gặp đám đông, như đến một phòng mạch của bác sĩ hay đi siêu thị, lúc nào tôi cũng thủ sẵn một khẩu trang. Tôi lo cho tôi và tôi cũng cảm thấy phải biết nghĩ đến người khác. Nếu có một “thiên thần tốt hơn” trong con người đang ráo riết hoạt động để giúp cho họ chiến đấu chống lại Covid-19, tôi nghĩ “thiên thần” đó phải là tấm lòng vị tha.

Nói đến các nước thành công trong cuộc chiến chống lại đại dịch, ai cũng nghĩ đến Tân Tây Lan, Úc Đại Lợi, Nam Hàn, Nhựt Bản, Đài Loan và ngay cả Việt Nam. Ít được nhắc đến, nhưng nhiều nước Phi Châu, cách riêng các nước thuộc vùng Hạ Sahara, cũng đã thành công đáng kể trong cuộc chiến này. Theo Cơ quan Phòng chống Dịch bệnh của Hoa Kỳ, tại  Cộng hòa Niger, quốc gia bị xem có lẽ là nghèo nhứt thế giới, cho tới nay chỉ có khoảng 1.200 người bị nhiễm Covid-19 và 69 người bị thiệt mạng vì dịch bệnh mà thôi.

Thiếu hạ tầng cơ sở y tế và nghèo đói, lẽ ra những nước nghèo ở Phi Châu như Niger phải là những nơi bị lây nhiễm và tử vong nhiều nhứt thế giới. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Nhiều nước Phi Châu đã bỏ xa Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống dịch bệnh nói chung. Rút kinh nghiệm từ đại dịch Ebola, Chính phủ Senagal đã cho thiết lập một trung tâm khẩn cấp để đối phó với đại dịch Covid-19. Người dân đã có thể biết được kết quả của việc xét nghiệm chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Chính phủ cũng thiết lập một hệ thống truy tìm nguồn gốc phát xuất và giây chuyền lây lan của đại dịch. Mỗi bệnh nhân đều được nằm một giường riêng trong bệnh viện hay bất cứ bệnh xá nào. Với dân số 16 triệu người, nhưng Senegal chỉ có 302 người bị thiệt mạng vì đại dịch.

Nhiều nước khác ở Phi Châu cũng đạt được những kết quả khả quan như thế trong cuộc chiến chống đại dịch. Với 12 triệu dân, Rwanda chỉ có 26 người chết vì đại dịch. Trên toàn thế giới, cứ 10 người chết vì đại dịch Covid-19 thì có 5 người là người Mỹ, Âu Châu có 2.3 người, nhưng Phi Châu chỉ có 0.26 người.

Các nhà khoa học, cách riêng các chuyên gia y tế và những người hoạch định chính sách tại Phi Châu và bên ngoài Phi Châu đã đưa ra nhiều yếu tố để giải thích về sự thành công của Phi Châu trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Nhiều người cho rằng sở dĩ tại Phi Châu, cách riêng vùng Hạ Sahara, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 thấp là bởi vì thiếu phương tiện xét nghiệm, người Phi Châu có nhiều yếu tố di truyền mạnh, tỷ lệ dân số trẻ cao, người Phi Châu thích sinh hoạt ngoài trời, các chính phủ có những chính sách phòng chống dịch bệnh hữu hiệu. Tuy nhiên, xem ra không có yếu tố nào có thể mang lại câu trả lời thỏa đáng.

Theo Tiến sĩ Paul Stoller, một giáo sư nhân chủng học tại Đại học West Chester, Tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ và hiện đang nghiên cứu về sắc tộc Songhay tại Cộng hòa Niger, các quan hệ xã hội giữa người Phi Châu như tại Niger rất khác với các quan hệ xã hội tại Hoa Kỳ. Chẳng hạn, tại Niger là nơi mà người Songhay đã phải đương đầu với những tác hại của nghèo đói, chết yểu vì các thứ dịch bệnh như sốt rét, sán lải, mù mắt, dịch tả, sưng màng óc...người ta luôn trong tư thế sẵn sàng để đối phó với bệnh tật và đối phó với tinh thần tập thể.

Ở một nơi mà đói kém là chuyện thường ngày, dân chúng lúc nào cũng chuẩn bị nhiều lương thực hơn số lượng họ cần. Bất cứ người khách lạ nào đi vào một vùng quê ở Niger cũng đều được mời dùng bữa. Trong những năm đói kém vì hạn hán, các kho dự trữ được mở ra để giúp cho những gia đình túng đói. Khi gặp lũ lụt, người dân luôn mở rộng vòng tay  để đón tiếp và trợ giúp những người mất nhà cửa. Khi có người bệnh nặng, bà con láng giềng quyên góp để giúp chữa chạy. Vị tha và bác ái không phải là điều xa lạ trong xã hội Mỹ, nhưng vẫn không được thực hành trong cuộc sống mỗi ngày như tại Phi Châu. Theo tiến sĩ Stoller, vị tha là một liều thuốc cần thiết để đối phó với nghèo đói và những thách đố của nghèo đói (2).

Những nước nghèo và nói theo ngôn ngữ của tổng thống Trump, những nước  “hố xí” như Phi Châu đã có thể kiểm soát được đại dịch Covid-19.

Còn ở cái quốc gia vĩ đại nhứt thế giới như Hoa Kỳ thì sao? Mới đây, với trên 8 triệu người bị lây nhiễm và trên 230.000 người chết, đương kim Đổng lý văn phòng Tòa Bạch Ốc Mark Meadows đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ “ngưng” kiểm soát dịch bệnh, nghĩa là để mặc cho Covid-19 lây lan và cướp đi mạng sống của người dân. Phản ảnh cung cách đối phó của Tổng thống Trump, nhiều viên chức hàng đầu trong chính phủ Mỹ chủ trương: “Cứ để mặc cho con siêu vi lây lan rồi chúng ta sẽ đạt được “miễn dịch cộng đồng”. Cứ để mặc cho người già và bệnh hoạn chết rồi chúng ta sẽ thấy được tương lai hậu đại dịch”.

Không nơi đâu người ta thấy rõ sự thể hiện của chủ trương trên đây cho bằng chính cách hành xử của Tổng thống Trump và những cuộc vận động bầu cử của ông. Mặc cho những lời cảnh cáo của các chuyên gia y tế, ông vẫn quyết định tổ chức những cuộc tập trung đông đảo những ngưởi ủng hộ ông. Phần lớn những người có mặt trong các cuộc tập trung lại theo gương ông để không đeo khẩu trang và tuân giữ giãn cách xã hội. Ông tuyên bố: “Tôi hãnh diện được làm một người Mỹ. Tại đây, ít nhứt tôi biết tôi tự do”. Thách thức các chuyên gia y tế, ông nói: “Dân chúng đã mỏi mệt vì Covid. Tôi đang có được những đám đông này. Họ nói “Dù thế nào đi nữa, hãy để cho chúng tôi yên”. Họ chán lắm rồi. Họ mỏi mệt vì cứ nghe Fauci và tất cả những tên ngu dốt này”.

Tựu trung, qua những lời phát biểu trên đây, Tổng thống Trump  đã cổ súy cho một quan niệm về tự do của riêng ông. Với ông, tự do có nghĩa là có quyền không màng đến những qui định được thiết lập vì công ích hay đúng hơn tự do là quyền không quan tâm đến người khác (3).

Với một quan niệm như thế về tự do thì đương nhiên những ý niệm như vị tha, đồng cảm, cảm thông, ân cần ...sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Tôi không ngạc nhiên tại sao một quốc gia giàu có, với một đội ngũ chuyên gia y tế hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ lại đứng đầu thế giới về con số bị lây nhiễm và tử vong vì Covid-19.

Hoa Kỳ quả là một quốc gia có nhiều điều kỳ lạ, khó hiểu đối với tôi. Mới đây, có một bản tin “lạ” xem ra ít được chú ý tới. Đó là việc chính Tổng thống Trump công bố một tuần lễ gọi là “Tuần Lễ Nhân Cách” kéo dài từ ngày 15 đến 23 tháng Mười vừa qua. Ngay từ lời mở đầu, Tổng thống Trump đề cao đạo đức, trách nhiệm cá nhân, sự liêm chính và những đức tính khác làm nên tinh thần độc nhứt vô nhị của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Ông đề cao sự tử tế và những hy sinh vô vị lợi. Ông kêu gọi: “Chúng ta phải quyết tâm xây dựng cuộc sống của chúng ta và của các cộng đồng trên nền tảng của đạo đức để mang lại sức mạnh cho chúng ta, cho gia đình chúng ta, cho các cộng đồng của chúng ta và Đất Nước chúng ta”.

Trong tuyên ngôn, ông vinh danh rất nhiều thành phần trong xã hội, cách riêng các nhân viên y tế và binh sĩ. Ông nói đến gương cảm thông cần có trong các gia đình. Ông nhấn mạnh đến việc dạy dỗ về đức hạnh trong trường học.

Tổng thống Mỹ kêu gọi: “Trong suốt tuần lễ này, chúng ta cam kết phải tử tế hơn, yêu thương hơn, cảm thông hơn và đức hạnh hơn” (4).

Tôi ngạc nhiên quá đỗi khi đọc những lời kêu gọi trên đây. Có khôi hài và mỉa mai không khi một người không có một nguyên tắc đạo đức nào lại lên giọng kêu gọi xây dựng nhân cách, thực hành những nguyên tắc đạo đức và sống cảm thông và tử tế? Nếu không có chữ ký của Tổng thống Trump ở cuối bản tuyên ngôn, tôi nghĩ sẽ chỉ có Đức Đạt Lai Lạt Ma hay một nhà lãnh đạo tinh thần nào đó mới có đủ sự lương thiện để dám thốt lên những lời như thế.

Tôi tự hỏi, nếu ông thực sự muốn nói lên những lời lẽ chân thành trên đây, tại sao ông lại không thể tỏ ra một chút gì gọi là cảm thông hay chia sẻ nỗi đau đớn của các nạn nhân của đại dịch và gia đình của họ. Nhiều tháng qua, hình ảnh và tin tức liên quan tới ông tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, thế nhưng tôi chưa thấy được một giây phút nào của tình người, của máu chảy ruột mềm nơi ông.

Học làm người, học những điều mà Tổng thống Trump gởi tới người dân trong “tuần lễ nhân cách” đòi hỏi không chỉ một tuần trong năm mà cả một đời người để học. Đại dịch Covid-19 nhắc nhở tôi điều đó mỗi khi thấy con số nạn nhân tăng lên.

Dẫu là “siêu nhân” hay có muốn làm siêu nhân đi nữa  thì hẳn cũng phải là người trước đã !

 

 Chú thích

1.https://www.newyorker.com/news/daily-comment/at-the-white-house-trump-takes-off-his-mask-and-sends-a-dangerous-message.

2. https://www.psychologytoday.com/au/blog/the-path-well-being/202010/coronavirus-and-the-wisdom-others.

3. https://www.yahoo.com/news/trumps-rallies-define-his-view-of-liberty-the-right-not-to-care-about-other-people-200313032.html

4. https://goodmenproject.com/featured-content/proclamation-on-national-character-counts-week-2020-by-donald-j-trump-with-critical-commentary-by-warren-

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2020

Ánh mắt trẻ thơ


 


Chu Văn

Tôi tỵ nạn tại Pháp vào đầu thập niên 1980. Chỉ một vài tháng sau khi ra khỏi trung tâm tạm cư và ổn định cuộc sống, tôi đã xin được sổ thông hành dành cho người tỵ nạn (titre de voyage). Cầm sổ thông hành trên tay và nghĩ đến những năm tháng còn trong nước khi phải xin giấy phép mỗi lần về thăm cha già chỉ sống cách nơi cư trú của mình không quá 15 cây số, tôi thấy lâng lâng như đang đi trên mây. Mộng “tang bồng hồ thỉ” của tôi coi như đã trở thành hiện thực.

Sổ thông hành mà một người tỵ nạn cộng sản mới chân ướt chân ráo đến Pháp như tôi đang cầm trên tay cho phép tôi được đi khắp Âu Châu. Dĩ nhiên ngoại trừ Liên Xô và các nước Đông âu Cộng sản.

Một trong những nước Âu Châu đầu tiên ngoài Pháp mà tôi đến viếng thăm là Đan Mạch, nơi một người bạn thời trung học của tôi đã định cư được vài năm. Sau một tuần lễ ở chơi với người bạn, hai nơi đã để lại một dấu ấn khó phai trong tâm trí tôi là nghĩa trang nơi thân mẫu của bạn tôi đang an nghỉ và bức tượng Người Cá nổi tiếng ở Thủ đô Copenhagen.

Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh của một nghĩa trang được bao bọc bởi một hàng liễu rũ vây kín. Vừa bước vào bên trong tôi có cảm tưởng như đang đi lạc vào một thế giới khác. Tiếng nhạc cổ điển không rõ phát ra từ đâu tạo ra trong tôi một cảm giác thanh thản, an bình khó tả. Nhưng đánh động tôi nhiều nhứt là cấu trúc của các ngôi mộ. Tất cả đều được thiết kế như một thảm hoa. Vào nghĩa trang, tôi có cảm tưởng như đang đi dạo trong một vườn hoa hơn là nơi chôn cất người quá cố. Bức tranh toàn cảnh gợi lên cho tôi không những sự an hòa mà còn cả sự bình đẳng giữa những người đã chết: không có lăng tẩm, không có những phần mộ nguy nga. Mọi người đều chia sẻ vài ba tấc đất như nhau.

Từ nghĩa trang tôi đã nhìn vào xã hội Đan Mạch. Qua những chia sẻ của người bạn cũng như từ những điều tôi quan sát được, tôi mới thấy rằng nếu ở cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bình đẳng chỉ là một cái bánh vẽ và “có những con thú bình đẳng hơn những con thú khác”,  thì tại Đan Mạch cũng như tại các nước Tây Âu, đó là một thực tế mà tôi đã cảm nhận được.

Khi tôi chọn đi Pháp, nhiều người trong trại tỵ nạn đã cười nhạo tôi. Bộ điên rồi sao mà lại xin đi Pháp?  Vào thập niên 1980, với sự lãnh đạo của Tổng thống Francois Mitterrand (1916-1996), Đảng Xã Hội đã lên cầm quyền tại Pháp. Nhiều người tỏ ra lo ngại cho tôi bởi vì họ nghĩ rằng chỉ có những kẻ ngu dại mới trốn chạy khỏi “xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam để đâm đầu vào một nước xã hội chủ nghĩa khác. Nhưng một chút vốn liếng hiểu biết về lịch sử của nước Pháp cũng như triết học đã cho tôi niềm xác tín rằng Đảng Xã Hội đang cầm quyền tại Pháp và điều được gọi là “cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” chẳng ăn nhập gì với nhau cả. Thực tế cuộc sống của một người tỵ nạn tại Pháp lại càng củng cố niềm xác tín của tôi: ngoài quyền tự do đi lại mà “cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đã tước đoạt khỏi tôi, tôi còn được hưởng tất cả mọi thứ tự do cơ bản khác. Còn nếu như so sánh với cuộc sống của bạn bè và người thân của tôi tại Mỹ thì một người tỵ nạn nghèo như tôi còn được hưởng nhiều phúc lợi khác như bảo hiểm y tế công cộng, an sinh xã hội v.v.

Nếu nghĩa trang nơi thân mẫu của bạn tôi đang an nghỉ gợi lên cho tôi sự bình đẳng và công bằng xã hội tại Đan Mạch và các nước Âu Châu khác, thì bức tượng Người Cá ở Thủ đô Copenhagen lại nhắc nhở một người tỵ nạn cộng sản như tôi điều tâm niệm cốt lõi làm nên căn tính tỵ nạn của tôi là: tôi đã trốn chạy chế độ Dối Trá, tôi phải sống cho Sự Thật !

Sở dĩ tượng Người Cá gợi lên cho tôi điều tâm niệm trên đây là vì đây là một trong những truyện thần tiên nổi tiếng của văn hào Đan Mạch Hans Christian Andersen (1805-1875). Tuy nhiên, trong kho truyện thần tiên của ông mà tôi đã đọc được thời trung học, tâm đắc nhứt đối với tôi vẫn mãi mãi là truyện “Ông vua ở truồng”.

Nhớ đến văn hào Andersen và đọc lại truyện “ Ông vua ở truồng”, tôi thấy có sự ứng nghiệm lạ lùng trong thời đại này. Ai cũng biết câu chuyện ấy. Một ông vua háo danh chỉ thích được vây quanh bởi những người nịnh bợ. Một hôm có 2 người thợ may đến xin yết kiến nhà vua để đệ trình dự án về một bộ quần áo vô hình  mà khi nhà vua mặc vào chỉ có những quần thần nào thông minh và  trung thành với ông mới có thể nhìn thấy được vẻ đẹp của nó. Nhà vua xem đây như cơ hội để trắc nghiệm khả năng và lòng trung thành của các quan chức triều đình.

Hai người thợ may được đưa vào cung điện. Họ cho biết đây là cả một công trình nghệ thuật đòi hỏi nhiều thời gian. Thỉnh thoảng nhiều quan chức triều đình được lệnh đến giám sát công việc của hai người thợ may. Họ sửng sốt vì chẳng thấy 2 ông thợ may làm gì cả. Nhưng vì sợ bị nhà vua quở trách và sa thải, họ tâu với ông rằng họ chưa từng thấy có bộ quần áo nào đẹp đẽ đến thế. Được tâu báo như thế cho nên đến hạn kỳ, nhà vua ra lệnh cho 2 người thợ may mang bộ quần áo đến để ông xem và mặc thử. Dĩ nhiên để mặc bộ quần áo vô hình này, nhà vua cần phải cởi bỏ long phục. Lồ lộ trần truồng trước mặt 2 người thợ may và quần thần, nhà vua vẫn tin rằng ông đang mặc một bộ quần áo đẹp nhứt trên trần gian mà chỉ có những ai thông minh và trung thành với ông mới nhận ra được sự huy hoàng tráng lệ của nó. Không những đi lại trong triều đình, nhà vua còn ra lệnh cho quần thần chuẩn bị xa giá để ông ngự y đi khoe quần áo mới với thần dân. Điều lạ lùng là nhà vua đi đến đâu cũng đều được thần dân hoan hô và trầm trồ vì bộ quần áo mới của ông. Thế rồi một cậu bé thình lình xuất hiện giữa đám đông. Lần đầu tiên được chiêm ngưỡng đức vua, cậu bé thốt lên: “ Ơ kìa, nhà vua đang ở truồng”. 


Đi tìm sự nhập thể của “ông vua ở truồng” của văn hào Andersen trong thời đại này, tôi thấy ứng viên rõ nét nhứt chỉ có thể là đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trước năm 2016, người ta chỉ nghe nói đến ông như một tỷ phú địa ốc thành đạt và một ngôi sao truyền hình thực tế ăn khách. Nhưng kể từ khi ông trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ đến nay, ông đã phơi bày trần trụi  hình tướng của một kẻ nói dối không biết ngượng miệng, hành động và ứng xử không theo bất cứ một nguyên tắc đạo đức nào, tự cho mình nổi tiếng chỉ sau Chúa Giêsu (1). Thích được tung hô, chúc tụng và sùng bái, ông không chấp nhận bất kỳ một người nào có ý kiến đối nghịch với ông. Bất kỳ cộng sự viên nào bất đồng ý kiến với ông đều nếu không bị sa thải thì cũng bị buộc phải từ chức. Xung quanh ông toàn là những người dua nịnh chỉ biết gọi dạ bảo vâng!

Tự phơi bày như một kẻ dối trá, lấy gian manh làm lẽ sống và nhứt là vô cảm trước nỗi khổ đau của người dân trong suốt cơn đại dịch Covid-19, Tổng thống Trump vẫn tiếp tục được rất nhiều người Mỹ tung hô. Không hiểu sao cứ mỗi lần suy nghĩ về hiện tượng này, tôi lại nhớ đến câu nói để đời của cụ Tản Đà: “Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn cho nên quân nó mới dễ làm quan”.

Cái đất nước được xem là giàu có, hùng mạnh, văn minh và vĩ đại nhứt thế giới này có nhiều điều khó hiểu. Khó hiểu nhứt là cứ 10 người Mỹ có đến 4 người tin rằng loài người chỉ mới xuất hiện trên trái đất này khoảng 10.000 năm mà thôi. Tiến hóa theo luật đào thải tự nhiên là xương sống của nền sinh vật học hiện đại, nhưng vẫn bị xem là còn “đang trong vòng tranh cãi” trong các trường học của Mỹ. Cũng vậy, hoàn toàn phủ nhận các bằng chứng khoa học, một bộ phận rất lớn trong dân chúng Mỹ vẫn không chấp nhận rằng hoạt động của con người đang góp phần đáng kể vào việc làm cho khí hậu thay đổi (2).

Điển hình nhứt của những điều khó hiểu nhứt ở Mỹ có lẽ là cho tới nay, mặc cho Covid-19 có cướp đi mạng sống của trên 200.000 người và làm cho trên 8 triệu người bị lây nhiễm ngay trước mắt mọi người, cơn đại dịch vẫn tiếp tục bị nhiều người Mỹ xem như một “cú phỉnh lừa” của Trung Quốc và nhứt là của Đảng Dân Chủ và đám “truyền thông thổ tả”. Bất cứ một lời dối trá hay thuyết âm mưu nào được Tổng thống Trump tung ra cũng  đều được nhiều người Mỹ đón nhận như “Lời Chúa” trong Kitô Giáo. Họ có ngu không? Hay họ nhìn thấy sự thật mà không muốn chấp nhận sự thật?

Một khu ngoại ô của thành phố Long Beach, Tiểu bang California thường được mệnh danh là Tiểu Phnom Penh. Tại đây có khoảng 150 phụ nữ Cambốt mang một chứng bệnh mù rất đặc biệt: mắt của họ còn bình thường, nhưng họ nhìn mà không thấy. Tất cả những người phụ nữ này đều đã tận mắt chứng kiến những thảm kịch khủng khiếp nhứt trong cuộc diệt chủng tại Cambodia do chế độ cộng sản Khmer Đỏ chủ xướng từ năm 1975 đến năm 1979. Mắt của họ vẫn còn bình thường, nhưng như một phản ứng trước những gì mà họ đã từng chứng kiến, họ tự nguyện trở nên mù lòa (3).

Những người ủng hộ và tung hô Tổng thống Trump có thể cũng là những kẻ mù lòa tự nguyện. Văn hào Andersen có lẽ đã báo động về sự mù lòa ấy qua truyện “ông vua ở truồng”. Ông vua rõ ràng lồ lộ trần truồng vậy mà đám đông vẫn có thể vỗ tay, tung hô ông.

Viết câu chuyện ẩn dụ này, dường như văn hào Andersen cũng muốn ghi lại kinh nghiệm cá nhân của chính ông. Lúc còn nhỏ, một hôm mẹ ông đưa ông đi tham dự một cuộc tập trung để đón chào vua Frederick VI. Vừa nhìn thấy nhà vua, cậu bé Andersen đã la lên: “Ồ, ông ta có khác gì một thường dân đâu”. Người mẹ sợ người xung quanh nghe được nên tìm cách bịt miệng cậu bé. Vào thời đó, người mẹ nào cũng xem nhà vua như một người siêu việt, hoàn toàn khác biệt với thần dân của ông. Hay cũng có thể, như mọi người trong đám đông, bà mẹ của cậu bé Andersen cũng đã nhận ra một “ông vua đang ở truồng”, nhưng vì sợ bị kết tội khi quân cho nên cũng đành thinh lặng để tung hê như mọi người (4).

Trong sách Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy các môn đệ “Hãy trở nên như trẻ nhỏ” (Mt 18, 1-3). Trẻ thơ dạy cho tôi nhiều điều. Một trong những điều đó là: thấy sao nói vậy! Con người chỉ thực sự “trở nên người” khi họ nhìn nhận sự thật, tôn trọng sự thật, nói sự thật và sống cho sự thật. Với tôi, tỵ nạn cộng sản thiết yếu là trốn thoát khỏi chế độ của Dối Trá. Do đó, dù sống trong bất cứ đất nước tự do nào, bao lâu còn mang căn cước tỵ nạn cộng sản,  tôi thấy mình cần phải luôn tâm niệm sống cho Sự Thật.

 

1. Trump says only Jesus Christ more famous than him

https://thehill.com/homenews/campaign/521266-trump-says-only-jesus-christ-more-famous-than-him.

2. Are Americans just stupid?

https://www.psychologytoday.com/us/blog/our-humanity-naturally/202010/are-americans-just-stupid.

3. Combodian women blinded by memory of atrocities 

https://www.tampabay.com/archive/1990/03/04/cambodian-women-blinded-by-memory-of-atrocities/

4. Donald Trump and the Emperor with No Clothes https://medium.com/@DozeyHoplite/donald-trump-and-the-emperor-with-no-clothes-625d84a61919

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2020

Chúa và Súng




Chu Văn

Về tin Tổng thống Mỹ Donald Trump bị lây nhiễm Covid-19, báo The Atlantic đặt một câu hỏi khá ngộ nghĩnh: “Có phải bạn đã đánh thức ai đó để báo tin Trump bị nhiễm Covid-19 không?” Báo The Atlantic kể chuyện:  giữa đêm khuya  bà Mira Assaf Kafantaris bổng nhận được một cú điện thoại của chồng, một giáo sư đại học đang sống tại Columbus, Tiểu bang Ohio. Thoạt tiên, bà Mira nghĩ đến một tin không lành về cha mẹ của bà hiện đang sống tại Liban. Nhưng ông chồng cho biết ông đang tắm và đọc được trên điện thoại tin Tổng thống Trump và vợ ông bị nhiễm Covid-19. Ông quyết định gọi về báo tin cho vợ ngay vì ông bảo không thể chờ đến sáng mai được (1).

Chắc chắn trên khắp thế giới đã có vô số những cú điện thoại như thế khi tin về việc tổng thống Trump bị nhiễm Covid-19 được công bố. Tối thứ Sáu (2 tháng Mười, giờ Úc Đại Lợi), một cú gọi như thế cũng đã được chuyển đến cho tôi. Tôi đang ở bãi câu. Nhà tôi gọi đến để cho biết một ông bạn già của tôi vừa nghe được tin Tổng thống Trump bị nhiễm Covid-19. Sợ tôi đi ngủ sớm mà bỏ lỡ cơ hội để nghe được một tin sốt dẻo, cho nên đã gọi điện thoại đến và nhờ nhà tôi chuyển gấp tin này đến cho tôi.

Tin Tổng thống Trump bị nhiễm Covid-19 quả là tin sốt dẻo. Nhưng không hiểu sao tôi không ngạc nhiên lắm. Tôi không ngạc nhiên là bởi lẽ đây là chuyện tất yếu phải đến mà thôi. Sự kiện Tổng thống Trump bị nhiễm Covid-19 là điểm đến đương nhiên  của con đường mà chính ông đã chọn cho mình.

Tôi không ngạc nhiên là bởi lẽ những lời tuyên bố và cách ứng phó của ông với cơn đại dịch cho bản thân ông cũng như cho nhân dân Mỹ là một chuỗi những hành động thách thức đầy rủi ro, nếu không muốn nói là hoàn toàn thiếu khôn ngoan. Chính thái độ thách thức của ông đã khiến cho đệ nhứt siêu cường là Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới về con số người bị nhiễm và chết vì đại dịch Covid-19.

Chuyện ông xem thường đại dịch thì đã rõ như ban ngày. Như được tiết lộ trong cuốn sách “Rage” (Cơn phẫn nộ) do ký giả Bob Woodward của báo The Washington Post thu thập từ 18 cuộc nói chuyện với ông,  mặc dù ngay từ đầu đã biết đại dịch là một mối nguy hiểm “chết người”, ông vẫn luôn miệng tung ra thuyết âm mưu theo đó Covid-19 là một “cú lừa” của Trung Quốc và nhứt là của Đảng Dân Chủ và bọn truyền thông “thổ tả”. Cho tới nay không những tại Mỹ mà ngay cả tại Úc Đại Lợi của tôi, vẫn còn nhiều người tin lời của ông.  Phủ nhận và xem thường đại dịch cho nên Tổng thống Trump đã không ngừng tỏ thái dộ ngạo mạn và thách thức đối với các chuyên gia y tế bằng cách không mang khẩu trang nơi công cộng và chế nhạo những người mang khẩu trang. Điển hình nhứt là trong cuộc tranh luận với ứng cử viên Joe Biden của Đảng Dân Chủ tại Cleverland, Tiểu bang Ohio vào tối thứ Ba 29 tháng Chín vừa qua, ông đã chế giễu ông Biden về chuyện đeo khẩu trang  với những lời lẽ mỉa mai như sau “Tôi không đeo khẩu trang giống như ông ta. Mỗi lần thấy ông ta là thấy đeo khẩu trang. Ông ta đứng xa cả 200 feet mà còn đeo cái khẩu trang lớn nhứt mà tôi chưa từng thấy”.

Tổng thống Trump không chỉ có thái độ ngạo mạn và thách thức đối với các chuyên gia y tế và chính khoa học. Với chủ trương không đeo khẩu trang và chế nhạo những người đeo khẩu trang, ông thách thức chính con siêu vi Corona. Đàng sau khuôn mặt không đeo khẩu trang, ông muốn nói với người Mỹ và cả thế giới rằng ông là nhà vô địch trong mọi mặt trận và mọi phương diện. Ông là một thiên tài ổn định. Ông là người thông minh nhứt. Ông là người thành công nhứt, trong kinh doanh cũng như trong chính trường. Không biết có theo sách vở của mấy ông cộng sản Việt Nam không, nhưng dường như ông thuộc lòng lời thề của Quân đội Nhân dân Việt Nam: “Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, ngay cả kẻ thù khủng khiếp nhứt hiện nay là Covid-19.

Có lẽ dòng máu “vô địch” ấy đã được chính thân phụ ông là ông Fred Trump truyền lại cho ông. Một buổi sáng dạo tháng Năm năm 1918, đang đi bách bộ với cha ông tại khu phố Queens, ông nội ông  bỗng than mệt. Ngày hôm sau, ông qua đời. Giấy khai tử ghi ông nội ông bị sưng phổi. Theo Gwenda Blair, người viết tiểu sử của ông Fred Trump, ông nội của Tổng thống Trump là một trong những nạn nhân đầu tiên của cơn đại dịch thường được gọi là Cúm Tây Ban Nha.

Lúc bấy giờ, ông Fred Trump chỉ mới lên 12 tuổi. Ông buồn vì thấy mẹ mình đau buồn chớ không phải vì sự ra đi đột ngột của cha mình. Ông khẳng định với người viết tiểu sử của ông: “Tôi không hề buồn”. Nhắc lại câu chuyện này trong cuốn sách viết về ông chú của mình là Tổng thống Trump, người mà bà gọi là “con người nguy hiểm nhứt thế giới”, bà Mary Trump nói về ông nội mình: “Ông không muốn nhìn nhận hay cảm thấy thua thiệt mất mát”. Theo bà Mary Trump, ông Fred Trump đã dạy cho con cái của ông, nhứt là cậu con thứ Donald Trump rằng “Yếu đuối là tội lớn nhứt trong các thứ tội” đối với  dòng họ Trump. Tony Schwartz, “văn sĩ ma” (ghost writer) đã chấp bút cho cuốn sách nổi tiếng của tổng thống Trump “Nghệ thuật ngã giá” (The Art of the Deal) cũng biểu đồng tình với bà Mary Trump khi ông nhận định: “Yếu đuối là nỗi lo sợ lớn nhứt của ông Trump” (2).

Chính vì “yếu đuối là nỗi lo sợ lớn nhứt” của mình, mà Tổng thống Trump lúc nào cũng muốn tỏ ra mình là một con người hùng mạnh và thành đạt trong mọi lãnh vực. Vì sợ người ta biết mình “yếu đuối” trong học vấn cho nên ông đã ra lệnh cho người luật sư riêng là Michael Cohen phải tìm đủ mọi cách để xách nhiễu và dọa nạt những ngôi trường nơi ông Trump đã theo học để họ không công bố thành tích học hành không mấy sáng sủa của ông. Vì sợ lộ ra chân tướng của một doanh nhân chuyên khai phá sản và trốn thuế cho nên ông không bao giờ chịu cho công bố hồ sơ thuế của mình như các ửng cử viên vào các chức vụ công quyền vẫn thường làm. Vì sợ người ta thấy sự yếu nhược của mình cho nên trong cuộc tranh luận vừa qua với ông Joe Biden ông đã không ngừng ngắt lời, tấn công một cách thô bạo đối thủ và ngay cả người điều hợp viên. Và dĩ nhiên, vì sợ đánh mất bộ mặt giả tạo của một người hùng, ông đã không tuân thủ việc đeo khẩu trang trong các cuộc vận động tranh cử. Mới đây khi đang điều trị tại quân y viện Walter Reed, ông vẫn xé rào ra lệnh cho một đoàn xe đưa ông đi một vòng các đường phố để vẫy tay chào đón những người ủng hộ ông, bất kể nguy hiểm có thể xảy ra cho những người hộ tống ông...Một bác sĩ làm việc tại quân y viện đã gọi đây là một hành động “điên rồ” (insanity). Nhưng với Tổng thống Trump, đây lại là một cách để biểu lộ sự “hùng mạnh” vô địch của ông.

“Yếu đuối là nỗi lo sợ lớn nhứt” của ông cho nên ông đã miệt thị các chiến sĩ trận vong và bất cứ binh sĩ nào đã tham chiến khi gọi họ là những kẻ “thua cuộc” và “ngớ ngẩn”. “Anh hùng”, “hùng mạnh” hay “khôn lỏi” như ông là phải biết trốn lính và trốn thuế!

“Sức mạnh” vô địch và sự thu hút của một người tuyên bố “đứng ở Đại Lộ Số 5” ở New York để bắn ai đó mà vẫn không bị những người ủng hộ bỏ rơi” dĩ nhiên chỉ có thể có nguồn gốc “thần linh” mà thôi. 80 phần trăm các tín hữu Tin Lành và đông đảo người công giáo Mỹ tin như Kinh Tin Kính của Kitô Giáo rằng tổng thống Trump là người được Thiên Chúa “tuyển chọn” (The Chosen One) giống như một số nhân vật lịch sử của Do Thái là Moise hay David. Chính ông cũng nhìn nhận rằng mình là người được Thiên Chúa tuyển chọn để “đánh” Trung Quốc (3).

Gần đây, người được Thiên Chúa “tuyển chọn” Donald Trump đã đảm nhận sứ mệnh bảo vệ Kitô Giáo khi tuyên bố rằng nếu ông Joe Biden mà đắc cử thì sẽ “không còn tôn giáo, không còn Kinh Thánh, không còn Chúa, không còn dầu lửa,  không còn súng” (4).

Tôi không biết người cầm quyển Kinh Thánh đứng chụp hình trước cửa nhà thờ St John ở Thủ đô Washington dạo đầu tháng Sáu vừa qua có thường đọc Tân Ước trong Kinh Thánh không, nhưng khi ông tuyên bố rằng câu Kinh Thánh ông ưa thích nhứt là câu “mắt đền mắt” (5), tôi cảm  thấy run sợ. Bởi lẽ Chúa Giêsu đã dạy: “Anh em đã nghe Luật (xưa) dạy rằng “Mắt đền mắt, răng thế răng”. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người xấu, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5, 38).

Lâu nay tôi chỉ thấy biểu tượng trọng tâm của Kitô Giáo là Thập Giá. Nay người được Thiên Chúa “tuyển chọn” lại đặt Thiên Chúa bên cạnh khẩu súng. Mao Trạch Đông đã để lộ chân tướng bạo tàn độc ác của ông khi ông tuyên bố rằng “quyền lực chính trị phát xuất từ nòng súng”. Nhưng các tín hữu Kitô và người công giáo nói riêng phải nghĩ gì khi biểu tượng của tình thương, sự cảm thông và tha thứ là Thập giá được thay thế bằng súng đạn.

Tôi không quen “cầu nguyện” để xin phép lạ, nhứt là phép lạ được lành bệnh. Nhưng lương tâm tôi không cho phép tôi mong ước điều xấu cho người gặp hoạn nạn. Tôi mong cho Tổng thống Trump chóng lành bệnh để “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, cũng như Thủ tướng Boris Johnson của Anh Quốc, sau khi lành bệnh, ông cũng nhận ra được bản chất mỏng dòn, yếu đuối và dễ tổn thương của con người hầu  biết đồng cảm và cảm thông hơn với người khác, nhứt là những ai đang hoặc sẽ phải chiến đấu với đại dịch Covid-19. Đó là bài học mà tôi thường “ngộ” ra mỗi khi  nhìn lên Thập Giá, biểu tượng cốt lõi của Ki Tô Giáo

 

 

 

Chú thích:

1. Did You Wake Anyone Up to Tell Them Trump Has COVID-19? https://www.theatlantic.com/family/archive/2020/10/when-you-heard-trump-had-covid-19-who-did-you-tell/616596/

2. “Weakness was the Greatest Sin of All”: How a Lifelong Need to Seem Strong Made Trump Vulnerable”, https://www.politico.com/news/magazine/2020/10/02/trump-weakness-covid-425323.

3. https://www.theguardian.com/us-news/video/2019/aug/22/trump-says-he-is-the-chosen-one-to-take-on-china-video

4. https://www.businessinsider.com.au/donald-trump-campaign-rally-biden-god-religion-election-north-carolina-2020-9?r=US&IR=T

5. Trump’s favorite Bible verse: “eye for an eye” https://www.politico.com/blogs/2016-gop-primary-live-updates-and-results/2016/04/trump-favorite-bible-verse-221954.