Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

Tai vách mạch rừng


Chu Thập
22.4.16

Theo dõi tin tức hằng ngày trên màn ảnh truyền hình, tôi thấy thời buổi này mà phạm tội ác hay làm điều bất chính nơi công cộng không phải là dễ. Có lẽ ngày nay chẳng còn có nơi nào là “chỗ không người nữa”. Ở đâu cũng có tai vách mạch rừng cả.  Khủng bố trong phi trường, cướp giựt trên đường phố hay trong các cửa tiệm, hành hung người khác, lái xe cẩu thả gây ra tai nạn... nhứt cử nhứt động đều được máy thu hình đặt ở khắp nơi theo dõi và  ghi lại. Có chạy trời cũng không khỏi nắng. Chuyện thương tâm xảy ra mới đây tại Melbourne là một điển hình. Sau khi giết con và quăng xác bé xuống một dòng sông nhỏ, người mẹ trẻ te te đẩy xe về nhà và tri hô lên rằng một người gốc Phi Châu nào đó đã cướp đứa con của mình mang đi. Có lẽ cảnh sát đã không phải nhọc công mất giờ để săn lùng tên sát nhân, bởi vì thước phim được máy thu hình đặt ở công viên nơi chị đẩy con đi dạo và sát hại nó đã ghi lại đầy đủ diễn tiến của hành động giết con của chị.
Thời buổi này, với hệ thống thông tin toàn cầu ngày càng tinh vi, xem ra chẳng có điều gì còn là bí mật, ngay cả “bí mật quốc gia” nữa. Cách đây không lâu đã có “Wikileaks” được những kẻ mà tự điển ngày càng phong phú của nhân loại đặt cho cái tên “tin tặc” đã tung ra khiến cho cả thế giới phải một phen rúng động. Nhưng mới đây, có lẽ còn hơn cả “Wikileaks” nữa, “Hồ sơ Panama” dầy đến mấy triệu tài liệu đã khiến cho không biết bao nhiêu tai to mặt lớn trong các chính quyền trên khắp thế giới và những kẻ tiền rừng bạc biển đã phải tối tăm mặt mày. Núi “hồ sơ” này cho thấy những chế độ độc tài, những kẻ quyền thế trong mọi ngành nghề đã được một công ty luật tại Panama hướng dẫn để thiết lập điều được gọi là các “công ty vỏ bọc” để rửa, sấy và cất những đồng tiền bất chính và dơ bẩn hay để trốn xâu lậu thuế. “Hồ sơ Panama” quả đã làm chấn động cả thế giới. Thủ tướng Băng Đảo (Iceland) đã phải từ chức. Riêng Trung Cộng, vốn đã quen nắm trong tay và siết chặt các phương tiện truyền thông, nay vì “Hồ sơ Panama” có nhắc đến Chủ tịch Tập Cận Bình, lại càng ra tay kiểm soát gắt gao hơn bất cứ nguồn thông tin nào chạm đến “uy tín” và “danh dự” của ông và gia đình ông. Nhưng kim bọc giẻ lâu ngày cũng ra. Dưới ánh mặt trời không có gì mới lạ và dĩ nhiên cũng chẳng có điều gì mà sớm hay muộn không được tỏ lộ.
Tôi vẫn nhớ mãi một câu La Tinh học thuộc lòng từ thời Trung học. Đó là câu “ quidquid latet apparebit”(bất cứ điều gì ẩn dấu sẽ được phơi bày). Sở dĩ câu này được ghi khắc trong trí nhớ của tôi là vì nó nằm trong bài bình ca nổi tiếng “Dies irae” (Ngày phẫn nộ) thường được hát lên trong các thánh lễ cầu nguyện cho người quá cố và cũng đã từng là nguồn cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ cổ điển ở Âu Châu. Dưới bao ánh nến lung linh khi bình minh chưa ló dạng, nhứt là khi đứng trong một nghĩa địa, bên cạnh không biết bao nhiêu hình ảnh chết chóc của quan tài và sọ người, cứ hát lên câu đó là nghe lạnh xương sóng. Câu nói trên đây là một lời đe dọa khủng khiếp: trong ngày “Chung Thẩm”, Chúa Giêsu sẽ trở lại như một Quan Tòa. Ngài sẽ phán xét tất cả mọi kẻ đã chết và những người đang còn sống. Không có bí mật nào, không có điều gì con người cố tình che dấu khi còn sống mà không được tỏ bày. Cho đến nay, các tín hữu Kitô vẫn tiếp tục tin tưởng và chờ đợi cuộc “Chung Thẩm” đó mỗi khi tuyên xưng đức tin.
Đó là chuyện của niềm tin tôn giáo. Tôi không chờ đợi sự ứng nghiệm của câu La Tinh trên đây trong ngày “Chung Thẩm”, mà cố gắng tìm thấy ý nghĩa của nó trong cuộc sống hàng ngày, nhứt là trong thời đại này. Thật vậy, khoa học ngày càng làm được những bước sải dài trong tiến bộ. Chỉ trong mươi, mười lăm năm nay thôi, những bước tiến trong ngành điện toán đã khiến cho tôi cảm thấy chóng mặt và bị bỏ lại đàng sau. Trong mọi bộ môn khác, khoa học xem ra cũng  ngày càng chọc thủng được không biết bao nhiêu bức màn bí mật trong lịch sử của vũ trụ, của trái đất và của chính con người. Ngày xưa, lòng dạ con người thâm sâu đến độ người Việt chúng ta thường bảo “sông sâu còn có kẻ đo, nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Ngày nay, chúng ta có khoa tâm lý chiều sâu. Các chuyên gia tâm lý đã không ngần ngại thám hiểm vào mọi hang hóc của lòng dạ con người và vén mở cho chúng ta thấy được không biết bao nhiêu bí ẩn trong đó. Thành ra chẳng có gì “được ẩn dấu mà không được phơi bày”.
Tôi cứ nghĩ đến những vụ tai tiếng về lạm dụng tình dục trẻ con trong Giáo hội Công giáo trong những năm gần đây. Cuốn phim “Spotlight” (Điểm sáng) vừa đoạt giải Oscar năm nay đã vạch trần những vụ “bao che” trong Giáo hội Công giáo và cho thấy nhiều nhà lãnh đạo của Giáo hội này đã đặt danh dự và uy tín của mình lên trên nỗi khổ đau của các nạn nhân trong các vụ lạm dụng tình dục. Thật ra, hành động “bao che” ấy gây thiệt hại cho danh dự và uy tín của Giáo hội hơn cả chính những hành động xuất phát từ bản tính yếu hèn của con người. Có lẽ vì sự thánh thiện, vì sĩ diện của Giáo hội mà nhiều nhà lãnh đạo của Giáo hội không muốn nhìn nhận những giới hạn, bất toàn và yếu đuối của con người.
Mới đây nhiều người đã xôn xao bàn tán về những trao đổi được xem là thầm kín giữa vị giáo hoàng gốc Ba Lan nổi tiếng là Đức Gioan Phaolô II và một nữ triết gia người Mỹ cũng gốc Ba Lan. Đức Gioan Phaolô II vừa mới được Giáo hội Công giáo tôn phong lên bậc “hiển thánh”, tức một vị thánh phải được kính nhớ trong toàn Giáo hội trên khắp thế giới. Thế giới đã nhắc đến sự đóng góp rất lớn của ngài trong sự sụp đổ của các chế độ cộng sản tại Đông Âu vào cuối thập niên 1980. Tài trí và đức độ của ngài là điều không thể chối cãi được. Nhưng dù có là “thánh nhân” đi nữa, vị giáo hoàng này cũng chỉ là một con người như mọi con người sinh ra trên trái đất này, nghĩa là cũng có những giới hạn và yếu đuối của con người. Cụ thể, là một người đàn ông bình thường như mọi người đàn ông bình thường, ngài cũng có những cảm xúc về tính dục như một người đàn ông, dù có thể được kiểm soát và đè nén hơn nhiều người khác. Điều đó có lẽ đã được phơi bày qua những trao đổi của ngài với một người đàn bà đã có chồng, con. Theo cuốn phim tài liệu có tựa đề “The Secrets of Saint John Paul II” (những bí ẩn của thánh Gioan Phaolô II) thu thập hơn 300 bức thư trao đổi giữa ngài và người phụ nữ nói trên, giữa ngài và người phụ nữ này đã có những quan hệ thân tình lúc ngài còn làm hồng y tổng giám mục tại Ba Lan. Không có bằng chứng nào cho thấy vị thánh mới này đã phá vỡ sự ràng buộc của luật độc thân linh mục. Nhưng chắc chắn là một con người, ngài cũng đã có những cảm xúc rất thân tình và nồng nàn đến độ trong một lá thư viết cho ngài, người phụ nữ nói trên đã thố lộ: “Em ước ao được nằm trong trong vòng tay yêu thương của anh”. Dĩ nhiên, vị giáo hoàng tương lai đã tỏ ra khó chịu vì sự bộc bạch tình cảm này của người phụ nữ.
Với tôi, vấn đề không phải là nội dung của những lá thư trao đổi giữa người phụ nữ và Đức Gioan Phaolô II mà là thái độ e dè của các nhà lãnh đạo của Giáo hội Công giáo. Lâu nay, những lá thư này vẫn được giữ kín trong Thư viện Quốc gia Ba Lan. Có lẽ vì sợ sự thánh thiện của Đức Gioan Phaolô II có thể bị sứt mẻ vì những tình cảm mà ngài đã bộc lộ với một người phụ nữ chăng mà người ta đã tìm cách ém nhẹm và giữ kín những lá thư trao đổi giữa hai người. Tôi ngưỡng mộ Đức Gioan Phaolô II. Tôi lại càng cảm mến ngài hơn khi biết rằng ngài không phải là một siêu nhân, mà cũng chỉ là một người phàm như tôi, nghĩa là cũng có những cảm xúc rất người như tôi. Có khác chăng là ngài hơn tôi ở chỗ luôn kiểm soát và kìm hãm được các cảm xúc của mình. Cho nên, sự ngưỡng mộ của tôi đối với ngài không hề suy giảm khi những “bí ẩn” của cuộc sống tình cảm của ngài được phơi bày.
Khi những “bí ẩn” của một vị thánh hay một vĩ nhân được phơi bày, người ta dễ cảm thấy gần gũi với họ hơn. Với tôi không gì xa lạ cho bằng cái thây chết đang được đánh bóng bằng một lớp sáp dầy trong Lăng Ba Bình. Đó là căn cội của mọi thứ giả trá, gian dối, lừa gạt trong xã hội Việt Nam hiện nay. Cứ mỗi Tháng Tư Đen, quay nhìn lại quê hương, có ai mà không đau xót khi nghĩ đến tình trạng băng hoại và đồi bại của xã hội Việt Nam hiện nay.
Tất cả đều xuất phát từ còn người mà từ ngày sinh tháng đẻ đến tên tuổi và không biết bao nhiêu hàng tung bí mật khác, chẳng ai biết thực hư như thế nào. Dung mạo được chính ông tự vẽ và sau đó được các “thần dân” của ông tô hồng đánh bóng hoàn toàn là một hình tượng giả mạo, không có thực. Riêng về cuộc sống tình cảm của một con người bình thường như ông, sự che đậy lại càng lố bịch hơn. Tôi nghĩ, tính gian hùng, trí trá và độc ác của ông sẽ giảm đi phần nào nếu ông và những người cộng sản Việt Nam hiện nay dám nhìn nhận sự thật và bạch hóa cuộc sống tình cảm của ông. Bôn ba khắp nơi, nếu có vợ nọ con kia thì có gì phải ngạc nhiên đâu. Nhưng vì cái hào quang của một “cha già dân tộc” đã hy sinh tất cả vì độc lập của dân tộc mà chính ông và những người cộng sản Việt Nam đã chối bỏ và ém nhẹm cuộc sống tình cảm của ông, đây quả là tận cùng của thói giả trá và gian dối. Gian dối từ ngọn nguồn cho nên người cộng sản cũng xây dựng một xã hội giả trá và gian dối.
Có lẽ chưa bao giờ phạm trù minh bạch và trong suốt lại được đề cao trong thế giới ngày nay cho bằng lúc này. Và dĩ nhiên, chưa bao giờ sự minh bạch lại được dễ dàng đo lường và kiểm soát cho bằng lúc này. Một chính phủ thiếu minh bạch đương nhiên không thể tạo được niềm tin nơi người dân.
Là thước đo trong việc trị nước, sự minh bạch trước tiên cũng có giá trị trong việc tu thân. Tư cách con người được thẩm định bằng mức độ trung thực của người đó. Có lẽ đây là điều mà những chiếc máy thu hình đặt ở khắp nơi trong xã hội văn minh ngày nay luôn nhắc nhở tôi. Những con mắt này ít nhứt cũng tập cho tôi biết sống có kỷ luật, tôn trọng luật pháp và giúp tôi tránh làm những điều bất chính. Nhưng quan trọng hơn, nó nhắc tôi nhớ đến con mắt của lương tâm trong sâu thẳm tâm hồn tôi. Đó là con mắt luôn theo dõi tôi và mời gọi tôi sống thật với lòng mình.




Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Quyền được cười



Chu Thập
10.7.12


Mùa Giải Túc Cầu Âu Châu vừa rồi, tôi có được cái thú ngồi “một mình một chợ” trước màn ảnh truyền hình để theo dõi các trận đấu. Dĩ nhiên, làm sao sánh với bầu khí hào hứng trong sân vận động hay trong một đám đông. Thể thao có cái khí thế chẳng khác nào một tôn giáo và tôn giáo nào cũng có một sức mạnh đặc biệt khi các tín đồ được qui tụ thành đám đông. Mà đám đông thì dễ làm cho con người trở thành cuồng tín và vong thân. Có những điều bình thường khi ở một mình con người không làm hay không dám làm. Nhưng bị đám đông hô hào, lôi cuốn, xách động thì xem ra chuyện gì cũng có thể xảy ra. Ngay từ thuở nhỏ, tôi đã nhận thấy cái sức mạnh của đám đông trong thể thao. Làng tôi vốn có một đội túc cầu, chơi thì chẳng ra gì nhưng lại rất tự tin. Sở dĩ đội túc cầu của làng tôi tự tin là bởi vì lúc nào cũng được sự ủng hộ nhiệt tình của dân làng. Và nếu dân làng tôi có nhiệt tình đến độ hung hãn là vì trong làng có một ông thày dạy võ “Bình Định” mà tiếng tăm vang dội đến vài tỉnh là ít. Không rõ ông có truyền ngón nào cho con cháu ông không, nhưng hễ có đụng độ với cái đám này là lũ trẻ chúng tôi luôn chọn “tẩu vi thượng sách”, bỏ của chạy lấy người.  Mỗi lần đội banh nhà có đấu giao hữu với các đội của những làng bên cạnh, ông thày võ này luôn là một tấm bùa hộ mạng cho các cầu thủ cũng như cả làng. Trong các trận đấu, đội khách nào lỡ chơi xấu một cách lộ liễu thì ông thày võ này liền nhào vô sân. Bất kể tiếng còi của trọng tài, ông tả xung hữu đột một lúc thì thế nào cũng có cầu thủ của đội bạn không sưng đầu sứt trán thì cũng què giò. Đó là chưa kể cái đám đông của làng tôi luôn túc trực để nhào vô ăn có. Thành ra, tổng kết, đội banh của làng tôi và dân làng tôi lúc nào cũng “thắng”, không trong trận đấu thì cũng sau trận đấu.
Tôi không sợ đám đông. Tôi cũng chẳng “dị ứng” với đám đông. Nhưng có lẽ do bản chất “hướng nội” tôi thấy mình dễ thực hành tôn giáo trong chốn riêng tư hơn giữa đám đông. Đối với cái “đạo” thể thao cũng thế. Tôi thích ngồi một mình trước màn ảnh truyền hình hơn là gia nhập vào một đám đông để hò hét, cổ võ, khích bác hoặc đấu võ mồm. Ngồi một mình, tôi có đủ bình tĩnh để thưởng thức những đường banh hay, những pha tấn công sôi nổi, những cú làm bàn đẹp...dù thuộc bên nào. Không cá cược đỏ đen, không “bắt” cầu thủ hay đội banh nào, cho nên tôi giữ được sự trung lập khi theo dõi các trận đấu. Một khi đã giữ được cái thế trung lập ấy, tôi lại thấy người đáng vinh danh nhứt trong các trận đấu có lẽ phải là trọng tài. Trọng tài phải được xem là người quan trọng nhứt trong trận đấu. Lý do thật đơn giản: hãy thử tượng tượng, nếu không có trọng tài thì làm gì có giao đấu!
Tôi không nhớ mình đã biết đá banh từ lúc nào. Tôi chỉ nhớ có mỗi một điều là lúc nhỏ, chúng tôi chơi banh theo luật rừng nhiều hơn luật túc cầu do Tổng hội túc cầu thế giới đề ra. Thành ra, chúng tôi chẳng cần có bất cứ trọng tài nào cả. Dĩ nhiên, đã nói đến luật rừng thì đương nhiên thằng nào to con và biết chơi xấu là thắng. Những thằng ỷ mình to con, lớn xác, “chưn” cẳng cứng như cột nhà cháy, tham gia trận đấu với tư cách vừa là cầu thủ vừa là trọng tài: chúng nó làm mưa làm gió trên sân cỏ; chúng nó muốn đốn ngã ai cũng được; chúng nó “vẽ” thế nào cũng được. Và dĩ nhiên, lúc nào chúng nó cũng thắng! Đúng là luật rừng. Cũng may, thế giới càng văn minh thì luật rừng càng lùi bước. Trên sân cỏ cũng như trên sân chính trị!
Ngồi theo dõi các trận đấu, nghe trọng tài thổi còi, nhìn trọng tài phân xử, tôi thấy trọng tài thật uy dũng. Trọng tài đúng là “cha mẹ”. Dĩ nhiên, phải là cha mẹ Việt nam ngày xưa kia. Lúc đó, cha mẹ bảo sao con cái nghe vậy. Cha mẹ đặt đâu con cái ngồi đó. Trên sân cỏ, nhứt là trong túc cầu, trọng tài phán sao thì mọi cầu thủ đều phải nghe vậy. Có những “lỗi” được ống kính quay phim chiếu chậm lại thật rõ ràng không sai chạy vào đâu. Vậy mà trọng tài có phán bảo ngược lại thì mọi người cũng đành tuân phục. Có những trái banh rõ ràng đã lọt vào khung thành, nhưng trọng tài ra hiệu chối bỏ thì mọi người cũng đành chịu.
Hình ảnh của trọng tài trong sân cỏ luôn làm tôi liên tưởng đến đủ loại trọng tài ở mọi cấp bậc trong các xã hội dân chủ, từ các viên cảnh sát đến các thẩm phán trong các tòa án. Các trọng tài có hành xử một cách độc lập và chí công vô tư thì trật tự xã hội, công lý mới thực sự được tôn trọng và mọi người mới thực sự được bình đẳng trước pháp luật. Tôi nghĩ đến chuyện mới đây tại Hoa kỳ. Chương trình cải tổ y tế của tổng thống Barack Obama, thường được mệnh danh là Obamacare, mặc dù đã được lưỡng viện Quốc hội thông qua nhưng lại bị đến 26 tiểu bang kiện lên Tối Cao Pháp Viện vì bị cho là “vi hiến” do buộc mọi người dân Mỹ phải mua bảo hiểm y tế. Chương trình y tế này đã trở thành một cuộc thi đấu thật sôi nổi giữa hai Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Đang ở  thế đối lập cho nên  Cộng Hòa chống lại luật này cho tới cùng. Vậy mà cuối cùng, chỉ do lá phiếu thuận của thẩm phán John Roberts, người được tổng thống Cộng hòa George Bush đề cử vào Tối Cao Pháp Viện hồi năm 2005, chương trình cải tổ y tế của tổng thống Dân chủ  Obama đã được phán quyết là không hề vi hiến. Thẩm phán John Roberts đúng là một trọng tài chí công vô tư.
Nếu so sánh sân cỏ với sân chính trị, người ta thấy rõ ràng rằng trong các cuộc thi đấu chính trị trong các chế độ độc tài, không hề có trọng tài để đứng ra phân xử ai lỗi ai phải, ai thắng ai được. Nhà độc tài hay đảng độc tài luôn luôn thắng bởi vì họ vừa thổi còi vừa thi đấu. Cố giáo sư Nguyễn Ngọc Lan đã dùng một hình ảnh dễ hiểu hơn: chế độ độc tài thượng đài, trói tay chân đối thủ lại rồi vừa thổi còi vừa bắt thi đấu với mình! Chơi cha như thế thì làm sao mà không “thắng”!
Hình ảnh này chỉ có thể gợi lên một vở hài kịch lố bịch mà thôi. Thật ra, cũng chẳng ngoa lắm nếu gọi chế độ độc tài là một hài kịch.
Mới đây tôi được một trận cười thật đáng giá khi xem cuốn phim “The Dictator” (nhà độc tài) do danh hài Anh Sacha Baron Cohen đồng biên soạn và thủ diễn. Chỉ cần đọc hàng chữ mở đầu cuốn phim “ưu ái tưởng nhớ lãnh tụ kính yêu Kim Jong Il” (in loving memory of Dear Leader Kim Jong Il) của Bắc Hàn cũng đủ để cười ngất rồi.
Không rõ Cohen có nhắm riêng nhà độc tài nào không, nhưng hầu hết tên tuổi của những nhà độc tài khét tiếng gần đây như Saddam Hussein của Iraq, Muammar Gaddafi của Lybia, Robert Mugabe của Zimbabwe... đều được nhắc đến trong cuốn phim. Và qua hình ảnh của một nhà độc tài tên là Ahmadeen nào đó tại Trung Đông, có lẽ Cohen không chỉ muốn gợi lên các chế độ độc tài trong Vùng này, mà còn ám chỉ đến tất cả những chế độ độc tài hiện nay trên khắp thế giới. Dưới mắt danh hài này, tất cả các nhà độc tài hay các chế độ độc tài đảng trị đều có chung một mẫu số: họ đang diễn một hài kịch lố bịch nhưng lại không cho phép người dân cười!  Tiêu biểu nhứt có lẽ là màn chạy nước rút trong phần đầu của cuốn phim. Tướng Ahmadeen là người đứng ra tổ chức và làm trọng tài trong cuộc thi đấu. Dĩ nhiên, ông cũng là lực sĩ tham gia cuộc thi đấu. Ông cầm trong tay một khẩu súng lục. Ông chạy trước rồi mới bắn phát súng lệnh cho các lực sĩ khác chạy theo. Người nào chạy gần đến ông hay muốn qua mặt ông đều bị ông quay lại bắn vào giò. Thi đua như thế thì đương nhiên người duy nhứt đến đích chỉ có thể là nhà độc tài mà thôi. Đây là màn hài kịch tiêu biểu nhứt trong muôn vàn vở hài kịch mà các nhà độc tài và các chế độ độc tài đảng trị đang trình diễn. Chỉ có điều họ diễn kịch nhưng lại cấm người xem cười.
Đây là điều đã và đang diễn ra tại Việt nam kể từ khi Đảng Cộng Sản “cướp” (chữ của chính người CS) chính quyền và cai trị đất nước từ hơn nửa thế kỷ qua. Ở đâu cộng sản cầm quyền thì ở đó nụ cười phải tắt lịm hay đúng hơn chỉ có nụ cười giả tạo. Trong bài viết có tựa đề “Xuân Diệu: chủ soái trường thơ “tân con cóc”, đăng trên báo mạng Đàn Chim Việt ngày 28 tháng 6 vừa qua, nhà thơ Trần Mạnh Hảo kể lại: “Năm 1961 là năm “đỉnh cao muôn trượng” (Tố Hữu), trên ghế nhà trường, chúng tôi được học lý luận văn học rằng: nền văn học của chúng ta là nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, một nền văn học Tuyệt Đối Không Có Bi Kịch. Học trò không hiểu hỏi thày: thưa, không bi kịch là sao ạ? Là không có nỗi buồn, không có nỗi đau, không có nhớ nhung sướt mướt như bọn tư bản hèn hạ...Thế văn học cổ của ta như thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du toàn nỗi buồn thì có phải là văn học không? Không, cần phải xóa bỏ thứ văn học buồn thảm của giai cấp phong kiến tư sản. Rồi thầy kể rằng thầy được nghe chính ông Hà Huy Giáp, thứ trưởng bộ văn hoá, người đưa ra lý thuyết văn học xã hội chủ nghĩa không có bi kịch, giảng tại Ty Giáo Dục  rằng bên Liên Xô, đàn bà vừa đẻ vừa cười tươi như hoa, có bà vừa đẻ vừa cầm ảnh Lê Nin, vừa đẻ vừa hát bài “Chiều Matxcova” sướng muốn chết. Rằng các nhà khai sáng chủ nghĩa cộng sản muốn xóa bỏ bi kịch trên trái đất, con người chỉ còn biết cười hềnh hệch từ sáng đến tối”. Dĩ nhiên, cười theo lệnh mà khóc cũng phải theo lệnh. Đã cười mà phải cười theo lệnh hoặc khóc mà cũng phải khóc theo lệnh, đây không là một hài kịch chỉ diễn ra trên sân khấu thì là thứ gì?
Tội nghiệp cho người dân, nhứt là những người cầm bút. Khi quyền được cười và được khóc bị tước đoạt thì tiếng khóc và nụ cười lẫn lộn với nhau. Đây là trường hợp của nhà văn Nguyễn Tuân như được nhà văn Nguyễn Minh Châu kể lại trên báo Văn Nghệ ở Hà nội năm 1987: “Có một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên giữa đám đàn em: “Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ”. Nói rồi ngửa mắt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lã chã, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng.” (Nguyễn Hưng Quốc, trích trong bài viết “Cái Hèn và Cái Khổ của giới Cầm bút Việt nam”, Đàn Chim Việt, 29/6/12)
Chỉ có trong hài kịch do chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa Việt nam dựng lên mới có khóc cười lẫn lộn như thế. Và có lẽ cũng chỉ trong hài kịch ấy mà ngày nay dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ, đối diện với Hồ Gươm, mới có cảnh mỗi sáng sớm, hàng trăm người cứ nhìn nhau để cười ngặt nghẽo. Tại sao lại phải nhập từ Ấn độ về cả một môn “Yoga Cười” để tập cho người dân biết cười lại? Tôi e rằng người dân cũng cần tập để có thể “khóc” lại một cách tự nhiên như một bản năng đánh mất vì rõ ràng có những chuyện thật đáng khóc nhưng người ta lại trở nên vô cảm.
Được sống trong một chế độ dân chủ quả là một phúc lành. Không nơi nào quyền được cười được tôn trọng và thể hiện một cách sung mãn cho bằng trong một chế độ dân chủ. Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền có lẽ đã không lường được chuyện người dân trong các chế độ độc tài đảng trị bị tước mất cái “quyền được cười” nên đã không liệt kê cái quyền “tối thượng” này vào danh sách những quyền căn bản của con người. Kỳ thực, chối bỏ quyền được cười cũng là xúc phạm trầm trọng đến phẩm giá con người.
Sống trên nước Úc Đại Lợi này, tôi thấy mình cũng được phép “ăn theo” báo chí để cười những chính sách và đường lối của chính phủ mà tôi không hài lòng. Ngay cả cái mũi dài “Pinocchio” của bà thủ tướng Julia Gillard, tôi cũng có thể cười mà không sợ phải bị đưa đi “cải tạo” hay giam giữ trong trại “phục hồi nhân phẩm”.
Nhưng với tôi, quan trọng hơn cả, là thấy mình vẫn còn có thể cười với cuộc sống mỗi ngày cũng như đón nhận không biết bao nhiêu nụ cười thân thiện và cố gắng đáp trả lại bằng những nụ cười của nhân ái, cảm thông và yêu thương.







Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Những giọt máu rơi của “Quốc gia Hồi giáo”



22.4.16
Sau 8 tháng bị tổ chức “Quốc gia Hồi giáo” bắt giữ, người thiếu nữ tên là Khaula sinh một bé gái. Cha của đứa bé là một chiến binh của tổ chức “Quốc gia Hồi giáo”. Người chiến binh gốc Iraq này có rất nhiều đứa con gái. Ông muốn Khaula, một cô gái người Kurd bị “Quốc gia Hồi giáo” bắt giữ, phải sinh cho ông một đứa con trai.
Chuyện đã xảy ra cách đây 12 tháng. Nay Khaula đang sống tại Tiểu bang Baden-Wurttemberg, Đức Quốc. Nơi người con gái này đang sống hiện vẫn còn giữ kín. Ngay cả những người ủng hộ tổ chức “Quốc gia Hồi giáo” cũng là một mối đe dọa đối với Khaula và những cô gái đã được giải thoát và đưa đến Đức.
Hiện trong Tiểu bang Baden-Wurttemberg có khoảng 1000 thiếu phụ và con cái của họ, những người đã từng bị tổ chức “Quốc gia Hồi giáo” bắt cóc và giam giữ.
Tháng 8 năm 2014, “Quốc gia Hồi giáo” đã xâm chiếm vùng Sinjar, Iraq. Họ đã tàn sát và bắt cóc hàng ngàn phụ nữ và bé gái để cưỡng bách làm nô lệ tình dục cho các chiến binh của họ. Hàng trăm phụ nữ đã trốn thoát được khi đang mang thai. Những đứa con sinh ra từ những vụ hãm hiếp như thế hiện đang sống rải rác tại Syria, Iraq, Đức và ngay cả tại Thổ Nhĩ Kỳ, Liban và một số nước khác nơi những người tỵ nạn đang sinh sống. Có cả hàng trăm những đứa con được sinh ra như thế. Chỉ riêng tại vùng tự trị của người Kurd tại Iraq, các bác sĩ ước tính con số trẻ con sinh ra từ những vụ hãm hiếp có thể từ 40 lên đến 100. Thật ra, căn cứ theo con số phụ nữ Kurd bị bắt cóc, con số này có thể cao hơn nhiều.
Sử dụng việc hãm hiếp như một vũ khí là một chiến thuật cũng xưa như chiến tranh trong lịch sử nhân loại. Nhưng có lẽ chỉ với tổ chức “Quốc gia Hồi giáo”, chiến thuật này mới đạt đến đỉnh điểm của sự độc ác. Tổ chức khủng bố này cưỡng bách nhiều phụ nữ Kurd mà họ đã bắt cóc phải sử dụng thuốc ngừa thai để cho việc buôn bán hay trao đổi các nô lệ tình dục không bị gián đoạn vì thai nghén. Thông thường các phụ nữ bị bắt làm nô lệ tình dục cho các chiến binh của tổ chức này bị sang tay cho các chiến binh đến năm bảy  lần.
Các phụ nữ đã được giải thoát cũng như các bác sĩ và chuyên gia tâm lý được báo Đức Spiegel phỏng vấn đều xác nhận rằng các phụ nữ Kurd bị bắt cóc đều bị buộc phải sử dụng thuốc ngừa thai. Một số đã uống thuốc, những một số khác đã tìm cách nhã ra.
Phần lớn những đứa con sinh ra từ những vụ hãm hiếp không lớn hơn một tuổi rưỡi. Các em là bằng chứng của một chuỗi những hành động đồi bại mà các chiến binh của “Quốc gia Hồi giáo” đã thực hiện đối với mẹ của chúng. Sự hiện diện của các em hiện đang nêu lên những câu hỏi nhức nhối nhất: người dân ở Miền Bắc Iraq sẽ đối xử như thế nào với các em? Đâu là những vấn đề mà một khi đã trốn thoát hay được cứu thoát, những người mẹ của những đứa trẻ này sẽ phải đối diện với? Và “Quốc gia Hồi giáo” thường làm gì khi khám phá ra một phụ nữ bị họ bắt làm nô lệ tình dục phải mang thai?
Ngày 3 tháng 8 năm 2014, tổ chức “Quốc gia Hồi giáo” tấn công vào làng của Khaula. Chỉ trong một tháng 5 ngàn dân làng đã biến mất. Khaula bị lùa lên một chiếc xe buýt và đưa vào một nhà tù. Tại đây đã có hàng trăm phụ nữ và bé gái. Tất cả đều lần lượt bị mang ra rao bán. Khaula rơi vào tay một chiến binh 45 tuổi. Ông ta mua Khaula với giá khoảng 1500 Âu kim. Sau đó ông nhốt cô gái trong một căn nhà tại thành phố Mosul, cứ địa của “Quốc gia Hồi giáo”. Tại đây ông tra tấn, hành hạ và hãm hiếp cô. 4 tháng sau, ông mang cô về nhà của vợ ông, người đàn bà hiện đang có mang. Khaula phải làm việc như một người đầy tớ trong nhà. Thỉnh thoảng nổi máu Hoạn Thư, người đàn bà này cũng thẳng tay hành hạ cô. Nhiều lần Khaula đã tìm cách tự vẫn nhưng không thành công.
Người chiến binh đã mua được Khaula hiện đang có 5 cô con gái với người vợ đầu. Do đó, ông muốn Khaula phải sinh cho ông một đứa con trai. Nhưng cuối cùng, Khaula lại chỉ sinh được một đứa con gái. Theo những qui định do “Quốc gia Hồi giáo” đề ra, người phụ nữ bị bắt làm nô lệ tình dục một khi đã có mang hay có con không còn bất cứ một giá trị vật chất nào, nghĩa là không thể mang ra trao đổi như một hàng hóa hoặc làm mồi để chiêu dụ các tân chiến binh.
Khi có mang chính Khaula cũng tìm cách phá thai, nhưng không thành công. Mặt khác, vì ghen bà vợ của ông chủ của Khaula cũng không muốn thấy mặt cô trong nhà. Bà luôn tìm cách tống cổ cô ra khỏi nhà. Nhờ được bà cho phép sử dụng điện thoại, Khaula đã liên lạc được anh của mình. Người này liền cho cô địa chỉ của một người quen và dặn cô tìm đến đó. Với một ít tiền túi bà vợ tặng, Khaula đã mặc chiếc áo “burqa” trùm kín người và gọi taxi đến địa chỉ của người quen.
Người quen mà người anh của Khaula giới thiệu là người chuyên hoạt động để giải cứu các phụ nữ bị “Quốc gia Hồi giáo” bắt làm nô lệ tình dục. Mặc dù luôn sống trong đe dọa, người đàn ông này cũng đã giúp cho khoảng 2000 phụ nữ trốn thoát khỏi những vùng bị “Quốc gia Hồi giáo” kiểm soát. Theo Liên Hiệp Quốc, hiện vẫn còn ít nhất 3.500 người phụ nữ gốc Kurd đang bị “Quốc gia Hồi giáo” cầm giữ.
Sau khi đã chờ đợi 40 ngày và mất hết 5 tiếng đồng hồ để vượt qua một vùng đồi núi, Khaula đã đặt chân đến Dohuk. Dohuk là một thành phố thuộc vùng tự trị của người Kurd ở miền Bắc Iraq. Thành phố này nằm cách thủ phủ Mosul khoảng 75 cây số. Chính tại đây mà một khi đã được giải thoát, các phụ nữ bị “Quốc gia Hồi giáo” bắt làm nô lệ tình dục đã tìm cách phá thai. Cũng chính tại đây mà những đứa trẻ còn sống sót được nhận làm con nuôi.
Tại Dohuk, Khaula đã gặp lại anh mình. Bào thai cô đang mang trong bụng đã được 6 tháng. Cô rất thương đứa con của mình. Nhưng vì những người thân của cô không muốn thấy mặt bất cứ một đứa con nào của các chiến binh “Quốc gia Hồi giáo” cho nên cô đã quyết định phá thai. Sau khi thai nhi được chôn cất, người cậu của Khaula giết một con trừu để làm lễ xá tội. Riêng Khaula cũng đã được thanh tẩy theo nghi thức tôn giáo, nhưng cô vẫn mãi mãi mang mặc cảm của một người mẹ đã giết con.
Nếu đứa con của Khaula còn sống sót, nó sẽ được một hội từ thiện tại Dohuk chăm sóc và tìm người nhận nó làm con nuôi. Trong năm vừa qua, hội này đã đón nhận năm đứa trẻ như thế. Thông thương, các cha mẹ nuôi được cung cấp đầy đủ thông tin về đứa trẻ mà họ sẽ nhận làm con nuôi. Tuy nhiên, trong trường hợp những đứa con của những người phụ nữ bị “Quốc gia Hồi giáo” bắt làm nô lệ tình dục, tông tích của chúng luôn được giữ kín.
Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào sinh ra từ những vụ hãm hiếp cũng đều được đón nhận làm con nuôi. Nhiều người phụ nữ không muốn liên lạc với các tổ chức từ thiện. Họ giữ kín trong lòng kinh nghiệm đớn đau của những tháng ngày bị “Quốc gia Hồi giáo” bắt giữ làm nô lệ tình dục và kể lại một câu chuyện hoàn toàn khác về nguồn gốc của đứa con của mình.
Sajedah, một cô gái 18 tuổi, là một trong số những phụ nữ đó. Cô đã bị “Quốc gia Hồi giáo” giam giữ 14 tháng. Chồng cô đã mất tích trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố này. Dạo tháng 8 năm 2014,  khi các chiến binh của “Quốc gia Hồi giáo” tấn công vào làng của cô, Sajedah đang ở trong nhà với chồng mình. Cả hai đều bị bắt mang đi. Lúc đó là giữa đêm khuya, các chiến binh đã tách hai người ra và mang đến những địa điểm khác nhau. Lúc đầu, họ cũng cho hai vợ chồng được đoàn tụ với nhau. Nhưng sau đó, vì có nhiều gia đình tìm cách trốn thoát cho nên họ đã tách biệt các cặp vợ chồng. Sau 9 tháng bị giam giữ, Sajedah bị mang ra bán chác. Lúc đó cô đã có mang đến tháng thứ tư. Cô cho biết người chiến binh mua cô làm nô lệ đã đưa cô đi siêu âm. Biết cô đã có mang, anh ta xem cô như một đồ phế thải cho nên mang trả lại nhà tù. Một tên khác đấm đá cô dã man với hy vọng thai nhi sẽ bị trục ra khỏi bụng cô. Một tên khác giữ cô được 5 ngày. Người thứ tư chiếm giữ cô là một người đàn ông đã có tuổi. Ông này lại đưa cô đi siêu âm. Khi biết đứa trẻ cô đang mang trong người là một bé gái,  ông ta muốn giết nó và mang cô đi bán lại cho người khác. Lúc đó, chỉ còn 10 ngày là đến ngày sinh. Khi người đàn ông già đi vắng, Sajedah liền sử dụng máy điện toán của ông ta để vào Facebook. Nhờ đó cô đã liên lạc được với một tổ chức chuyên giải cứu các phụ nữ bị bắt làm nô lệ. Sau khi được giải cứu, cô đã ăn chay 6 ngày để cảm tạ Thượng Đế. Con của cô đã chào đời trong một bệnh viện tại Dohuk.
Mặc dù những người xung quanh đều biết rõ đứa trẻ có mang dòng máu của “Quốc gia Hồi giáo”, nhưng Sajedah vẫn tìm cách chối bỏ sự thật và khẳng định rằng đứa trẻ là con của chồng mình. Dĩ nhiên, chẳng có ai, ngay cả người thân của cô tin điều đó. Và đó chính là nỗi khổ tâm của Sajedah, bởi vì không có bất cứ một người nào tại địa phương nơi cô đang sinh sống muốn thấy mặt đứa trẻ. Trong con người của Sajedah cũng luôn diễn ra một thảm kịch: mỗi khi nghe có người nói rằng con của cô mang dòng máu của bọn “Quốc gia Hồi giáo”, cô liền mang đứa trẻ vào phòng tắm để trấn nước nó. Cô muốn giết đứa trẻ và sau đó tự kết liễu cuộc sống. Nhưng mẹ cô lúc nào cũng xuất hiện đúng lúc để can thiệp.
Sajedah không muốn nhìn nhận sự thật. Cô không muốn nghe những gì người ta nói về đứa con của mình. Gia đình cô cũng luôn có mặt bên cạnh để nâng đỡ cô. Vấn đề khó khăn nhất đối với gia đình cô là làm giấy khai sinh cho đứa trẻ. Cô và chồng cô, tuy sống chung với nhau, nhưng lại không có giấy hôn thú. Cứ mỗi lần đề cập đến vấn đề này cô lại lồng lộn lên như một con thú. Thoát ra khỏi sự giam cầm của “Quốc gia Hồi giáo” Sajedah lại bị giam vào một nhà tù khác là dư luận xung quanh.
Cách đây vài tuần, cô đã được một tổ chức không chính phủ mời đến Erbil để học ngoại ngữ. Trong 10 ngày, cùng với các phụ nữ đồng cảnh ngô, Sajedah đã theo học một khóa Anh ngữ. Được sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý, cô đã dần dần hàn gắn được phần nào vết thương lòng tưởng như  không bao giờ có thể lành.
Tuy nhiên, cứ mỗi lần lên xe buýt để trở về nhà và gặp lại đứa con của mình, cô lại nhận ra rằng, dù có cố gắng đến đâu, làm mẹ của đứa trẻ vốn là giọt máu rơi của những tến khủng bố “Quốc gia Hồi giáo” không phải là điều dễ dàng đối với cô. Đó cũng là tâm trạng chung của những người phụ nữ đang cố gắng từng ngày để sống với những giọt máu rơi như thế.
(theo http://www.spiegel.de/international/world/what-happens-to-the-children-of-is-sex-slaves)




Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

Cái ngu dễ thương


Chu Thập
15.4.16

Tôi vốn là người vụng về trong chuyện giao dịch và làm ăn. Cứ đụng tới chuyện phải thương lượng, kỳ kèo về giá cả là tôi thấy như đớ người ra. Bán một món đồ cũ với giá mà tôi cho là có thể gây thiệt thòi cho người khác hoặc mua lại một món đồ của người khác mà phải ép giá một chút là tôi cảm thấy áy náy trong lòng, như thể mình đã làm một việc thiếu lương thiện. Thành ra cũng có lúc tôi bị hớ.
Chẳng hạn như mới đây tôi phải đến một khu phố có đông người Việt ở Sydney để đặt làm thêm một cái chìa khóa cho chiếc xe cũ. Qua giọng nói, mái tóc và màu da, tôi đoán chừng người chủ của cửa tiệm chuyên làm đủ loại chìa khóa xe là một người gốc Trung Đông. Ở một số nước Á Châu, đặc biệt  là Việt Nam chẳng hạn, khi đi mua sắm hoặc trước khi đặt hàng người ta phải trả giá là chuyện bắt buộc. Còn ở Úc Đại Lợi này, đi mua sắm mà kỳ kèo giá cả tôi cứ sợ người ta cười vào mặt. Có khác gì đến khu buôn bán hàng hiệu ở Beverly Hills bên Mỹ mà hỏi giá! Do đó khi trao cho tôi chiếc chìa khóa và đòi tôi 80 đô, tôi rút tiền trả ngay mà chẳng thấy phải kỳ kèo làm gì.
Trước khi rời cửa tiệm, tôi hỏi thăm người chủ về một cửa tiệm có thay giây đồng hồ. Tôi nói rõ là tôi muốn có một giây da thứ thiệt. Ông bảo đưa đồng hồ để ông thay giây cho. Có thêm một chìa khóa xe mới, có giây đồng hồ mới, tôi cảm thấy hài lòng về “dịch vụ” của người chủ tiệm gốc Trung Đông. Nhưng khi tôi khoe về giá của chiếc chìa khóa xe mới làm, một người quen của tôi liền nói rằng tôi đã bị hớ. Giá thông thường để làm thêm một chiếc chìa khóa “sơ cua”  ở tiệm đó chỉ có 50 đô thôi. Còn giây đồng hồ người chủ tiệm gốc Trung Đông đã mau mắn thay cho với “giá phải chăng”, tôi chỉ mới đeo được đúng 3 ngày là tuột khỏi đồng hồ. Và khỏi cần xem kỹ cũng lòi ra giây da “dỏm”.
Cũng may, trong một xã hội được xây dựng trên lòng tin tưởng như Úc Đại Lợi này, mẫu số chung trong giao dịch, làm ăn, buôn bán không phải là sự lường gạt lẫn nhau. Số đông vẫn còn xây dựng cuộc sống xã hội trên sự tin tưởng. Xã hội Úc có văn minh tiến bộ thiết yếu là bởi được xây dựng trên lòng tin tưởng giữa người với người. Nghĩ như thế cho nên, dù có bị đôi chút thiệt thòi, tôi vẫn xem sự tin tưởng nơi người khác như thứ vốn quý nhứt mình cần phải luôn bảo tồn và phát huy.
Tháng Tư Đen hàng năm là dịp để người Việt hải ngoại suy tư về đủ điều. Năm nay trong loạt bài viết về những ngày hấp hối của Miền Nam Việt Nam cách đây đúng 41 năm, người viết tạp ghi Huy Phương của báo Người Việt đã nói đến cái “ngu” của ông và của hàng hàng lớp quân cán chính của Việt Nam Cộng Hòa. Tác giả mở đầu bài tạp ghi: “Tôi ngu vì đã suy diễn hay hiểu sai thời gian đi “học tập”, nên chỉ đem theo 10 gói mì ăn liền Vifon, để ăn sáng trong 10 ngày, ngày thứ 11 thì đã ăn cơm nhà rồi!” Mãi cho đến khi bị cho lên tàu để đưa ra Bắc, ông cũng vẫn còn “ngu” để tin lời một quản giáo cai tù nói rằng “Đưa các anh ra biển thì cũng từ từ, trước hết là gần bờ, sau mới dần dần đưa các anh ra xa hơn, nếu không các anh chóng mặt, say sóng, chịu làm sao nổi” (x.Người Việt online 3/4/2016)
Tội nghiệp các quân cán chính, tức thành phần ưu tú trong xã hội Việt Nam trước năm 1975. Họ đã quên mất lời cảnh cáo của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu “đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm”. Thật ra, có lẽ họ đã không quên lời dặn của ông Thiệu đâu, mà chỉ muốn dốc toàn thiện chí và lòng tin tưởng để đánh trận chiến cuối cùng với người cộng sản khi  ra trình diện. Quân đội của  Việt Nam Cộng Hòa có thể đã thua người cộng sản trên trận chiến của vũ khí giết người và nhứt là về sự tàn bạo, độc ác và dã man. Nhưng thứ vũ khí vô hình vốn gìn giữ cho xã hội Miền Nam có được bộ mặt nhân bản và văn minh theo đúng nghĩa là lòng tin tưởng lẫn nhau giữa người với người thì lại không hề có trong tự điển của những người cộng sản. Họ đã chiến thắng bằng dối trá , nghi kỵ và độc ác. Nhưng cũng từ lúc đó, thế giới đã thấy được bộ mặt thật của họ hơn bao giờ hết. Cái ngu mà tác giả Huy Phương nói đến khi ra trình diện để bị đày ra Bắc là một cái ngu “dễ thương”. Chính cái ngu ấy đã lột được mặt nạ của dối trá, độc ác, tàn bạo và giả nhân giả nghĩa, đồng thời nói lên được thế nào là nhân bản và văn minh. Có lẽ thế giới đã nhận ra được bộ mặt thật của người cộng sản qua cái “ngu” ấy.
Cái ngu “dễ thương” của quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa hay đúng hơn trận chiến cuối cùng của họ khi đặt tất cả lòng tin tưởng nơi “bên thắng cuộc” là khởi đầu của một cuộc chiến thắng đích thực: chiến thắng của sự lương thiện trên sự gian dối, chiến thắng của tình người trên sự độc ác, chiến thắng của sự thật trên sự dối trá...Trong ý nghĩa ấy, toàn cõi Việt Nam mà những người cộng sản đã xem như một đài vinh quang sau khi đã “đánh cho Mỹ cút ngụy nhào” và nhứt là sau khi đã lùa vào rọ những thành phần ưu tú nhứt của xã hội Miền Nam, nay đã biến thành một bãi tha ma hoàn toàn vắng bóng những giá trị nhân bản và đạo đức, cách riêng  một trong những giá trị nền tảng của xã hội là lòng tin tưởng giữa người với người. Trong bài viết có tựa đề “Cái ác trỗi dậy, vì người Việt không còn niềm tin” được đăng trên Việt Luận số ra ngày thứ Sáu 1 tháng 4 vừa qua, nhạc sĩ Tuấn Khanh đã ghi lại “chuyện thường ngày ở huyện” tại Việt Nam: “Hàng ngàn người va chạm nhau trong dịp lễ Tết, xung đột đến mức vào bệnh viện, nông dân âm thầm bỏ hóa chất vào ruộng đồng, người chăn nuôi bơm thuốc độc vào sản phẩm trước khi mang ra chợ.”  Đó là hình ảnh quá quen thuộc mà ngày nay, cứ nhắc đến Việt Nam ai cũng đều liên tưởng đến trước tiên. Nhạc sĩ Tuấn Khanh đã có lý để nói đến một cuộc chiến không tên gọi đang diễn ra hàng ngày tại Việt Nam. Chiến tranh với súng đạn giữa hai miền Nam Bắc đã chấm dứt từ 41 năm qua. Nhưng cuộc chiến “không có người chiến thắng mà chỉ có tự hủy diệt như trong đấu trường La Mã Colosseum, còn những kẻ chủ mưu nào đó thì hò hét và vỗ tay trên các khán đài” thì vẫn tiếp diễn. Đúng như nhà báo Ngô Nhân Dụng đã nhận xét, cả dân tộc Việt Nam hiện đang tự sát tập thể, bởi vì ngoài hàng hóa độc hại nhập từ Trung Quốc, người dân trong nước bị buộc phải sản xuất và tiêu thụ toàn những thực phẩm độc hại (x. Người Việt online 2/4/2016). Người dân Việt Nam hiện nay không những phải lừa gạt người khác mà cũng phải tự lừa gạt chính mình...để chết! “Cả một dân tộc đang tự sát tập thể là như thế”.
Với tôi, sở dĩ có hiện tượng “tự sát tập thể” như thế tại Việt Nam là bởi vì con người không còn tin tưởng lẫn nhau nữa. Thỉnh thoảng nghe mấy ông cộng sản lên tiếng báo động về việc dân chúng không còn tin tưởng ở Đảng và Nhà nước nữa. Bắt giam một nhà bất đồng chính kiến nào đó, các ông cũng luôn gán cho họ tội danh “âm mưu lật đổ nhà nước, gây chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc và làm xói mòn lòng tin của dân chúng đối với Đảng và Nhà nước”.  Thật ra, kể từ khi các ông cưỡng chiếm Miền Nam, người dân có bao giờ tin tưởng các ông đâu mà đã đánh mất hay giảm lòng tin. Chiến thắng bằng bạo lực, dối trá và vô đạo của mấy ông cũng đồng nghĩa với cái chết của các giá trị đạo đức, nhứt là lòng tin tưởng của con người. Đó là cái chết toàn diện của cả một dân tộc.
Một xã hội mà lòng tin tưởng giữa người với người không còn nữa thì đúng là một xã hội đang chết. Có lẽ chẳng có nơi nào trên thế giới này con người nhìn đâu cũng thấy kẻ thù cho bằng trong các chế độ cộng sản. Sống mà nhìn đâu cũng thấy kẻ thù và tự xây lên một nhà tù vô hình để giam mình vào thì có khác nào tự đào mồ để chôn  mình.
Cứ mỗi lần tưởng niệm Tháng Tư Đen, tôi lại thấy mình may mắn. Nếu còn sống lay lất trong nước thì có lẽ tôi cũng “tự sát” như bao người khác vì cái vốn của lòng tin tưởng nơi người khác đã cạn kiệt. Thế giới văn minh, dân chủ và tự do đã không ngừng khơi dậy và nuôi dưỡng lòng tin nơi tôi. Dĩ nhiên, đó không phải là một thứ vốn tự nhiên mà có. Nó đòi hỏi một sự chiến đấu liên tục và từng ngày. Một cách nào đó, tôi xây dựng nhân cách của tôi bằng cách trau dồi lòng tin tưởng tôi dám đặt nơi người khác.
Để sống và sống một cách lành mạnh, con người cần có lòng tin tưởng: được người khác tin tưởng mình đã đành, mà cũng phải biết tin tưởng người khác. Úc Đại Lợi nơi tôi đang sống chắc chắn không phải là một xã hội hoàn hảo. Ở đâu mà chẳng có những thành phần bất lương và những kẻ phản bội. Nhưng nếu vì những con người như thế mà tôi tự xây lên “vạn lý trường thành” để tự vệ thì cuộc sống của tôi sẽ ngột ngạt biết chừng nào.
Tôi tin ở sức mạnh của lòng tin tưởng mỗi khi nhớ lại cử chỉ của vị giám mục đối với tù nhân Jean Valjean trong quyển tiểu thuyết nổi tiếng “Những Kẻ Khốn Cùng” (Les misérables) của văn hào Pháp Victor Hugo (1802-1885). Được vị giám mục đối xử rất tử tế, vậy mà trước khi ra khỏi nhà của ông, Jean Valjean cũng tìm cách “chôm” mấy cái chân đèn đắt giá của ông. Nhưng khi tù nhân này bị cảnh sát bắt vì tội ăn cắp, chính vị giám mục đã đứng ra bảo lãnh và xác nhận rằng chính ông đã tặng mấy chiếc chân đèn cho người tù. Tôi tin rằng sự cảm thông và cử chỉ tử tế của vị giám mục đã có sức cải hóa con người của Jean Valjean.
Trên trang mạng Psychology Today, chuyên gia tâm lý Steven Stosny đã chia sẻ một câu chuyện cảm động. Lúc còn là sinh viên, nhân ngày Lễ Tạ Ơn, ông về thăm nhà và thấy trong nhà có khách. Đó là những người bà con xa của mẹ ông. Họ đang thất nghiệp và được mẹ ông rước về nhà vài ngày. Điều khiến cho người sinh viên phải khó chịu là cả nhà ồn ào như một cái chợ. Ngoài ra, mẹ anh còn giải thích rằng những người bà con xa này còn ăn cắp tiền, quần áo và nữ trang của bà. Chính vì vậy mà bà đành phải khóa hết mọi cửa phòng trong nhà. Nhưng khi được con mình hỏi tại sao không tống khứ họ ra khỏi nhà, người mẹ giải thích rằng nếu đuổi họ ra khỏi nhà trong lúc này, họ sẽ đi về đâu.
Từ đó, tác giả Stosny luôn xem cách cư xử của mẹ mình như một bài học: không thể tin tưởng người khác nếu không có sự cảm thông!
Trong cuộc sống, có lẽ chẳng có cái ngu nào giống cái ngu nào. Nhưng trong các cái ngu, cái ngu dễ thương nhứt vẫn là biết mình bị lừa gạt hay phản bội mà vẫn chiến đấu để tiếp tục đặt tin tưởng nơi người khác.




Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

Giày Dép Còn Có Số...





Chu Thập
29.5.12


Mới đây, trong cơn sốt của cuộc xổ số mà lô độc đắc lên đến 70 triệu Úc kim, tôi cũng bon chen sắp hàng để bỏ ra 5 đồng mua cho bằng được một tấm vé số. Mua cho vui để nuôi một chút hy vọng “viễn vông”, chớ tôi biết chắc là tôi không có “số” trúng số hay có may mắn trong các trò chơi may rủi. Tôi cũng đã có dịp dừng chân ở hai thành phố cờ bạc nổi tiếng Reno và Las Vegas bên Mỹ hay Casino Crown ở Melbourne trước là để thăm thú cho biết sau là thử thời vận. Nhưng cái túi tiền của tôi chưa bao giờ đủ để tôi có thể “mua vui được một trống canh” nào ở những nơi ấy cả. Tôi cũng đành tự an ủi: giày dép còn có số huống chi là con người. Số tôi là số chẳng bao giờ trúng số hay “đỏ bạc” cả!  Mà cho dẫu có “đen tình” thì cũng chưa chắc đã “đỏ bạc”.
Biết là chẳng bao giờ được thần tài gõ cửa, nhưng khi cầm tấm vé số trên tay, tôi cũng cho phép mình bắt chước cô bán sữa trong một chuyện ngụ ngôn của thi sĩ Pháp Jean de la Fontaine để thả hồn “phiêu diêu” vào cõi mộng mơ. Không quen nuôi chí lớn cho nên giấc mơ của tôi sao mà tầm thường quá. Tôi chỉ mơ có được một nông trại nhỏ (hobby farm)  loại để giải trí chứ không phải để thực sự làm ăn : tôi sẽ tha hồ trồng trọt và chăn nuôi cho thỏa chí...tuổi già! Tôi cũng mơ có thật nhiều tiền để làm việc thiện. Hình ảnh của hằng triệu đứa trẻ da bọc xương ở Vùng Sừng (Horn of Africa) miền Đông Phi Châu lúc nào cũng ám ảnh tôi. Sắm sửa một vật gia dụng, tuy cần thiết nhưng hơi đắt tiền một chút hoặc thỉnh thoảng cũng chén thù chén tạc với bạn bè, tôi lại thấy như mình đang nhắm mắt làm ngơ trước “nỗi khổ của người đồng loại để chỉ chăm sóc cho bộ da riêng của mình”. Nói đâu cho xa, nhìn về quê hương Việt nam, tôi thấy mình vẫn còn bao nhiêu người thân mỗi ngày chưa chắc đã kiếm được 1 Úc kim 25 xu, tức lằn mức nghèo cùng do Ngân Hàng Thế Giới qui định. Mỗi năm gia đình tôi vẫn cố gắng gởi chút đỉnh quà cáp về để gọi là chữa cháy. Chúng tôi cũng đóng góp một chút rất tượng trưng cho các tổ chức xã hội và từ thiện ở Úc này. Nhưng một chút ấy thì có khác nào bỏ muối vào biển! Thành ra, tôi vẫn cứ mơ ước làm sao có thật nhiều tiền để giúp đỡ những người nghèo đói.
Tôi cứ ước thầm: giá như tôi có nhiều tiền như bà Gina Rinehart!  Hôm 23 tháng 5 vừa qua, bà Rinehart đã chính thức trở thành người phụ nữ giàu nhứt thế giới, với tổng tài sản có được từ việc khai thác quặng sắt lên đến gần 29 tỷ Úc kim. Đúng là người đàn bà Úc 58 tuổi này có số giàu! Chỉ ngồi không rung đùi mà mỗi giây đồng hồ cũng kiếm được 600 Úc kim. Với nhu cầu về quặng sắt ngày càng gia tăng, có lẽ không bao lâu nữa, tài sản của bà Rinehart sẽ vượt qua con số 70 tỷ để mang danh hiệu “người giàu có nhứt trên trái đất” về cho bà. Nhưng tôi tin chắc là người phụ nữ giàu có nhứt này sẽ chẳng bao giờ hài lòng với núi tài sản hiện có của mình đâu!  Nếu đã hài lòng với những gì mình đang có thì làm gì có chuyện mẹ con bà phải lôi nhau ra tòa cho mệt!
Con người ta ít có ai bằng lòng với những gì mình đang có. Càng có càng muốn có thêm. Nhưng minh triết ở đâu và thời đại nào cũng như tôn giáo nào cũng khuyên dạy con người hãy bằng lòng với những gì mình đang có mới mong tìm được bình an và hạnh phúc thực sự trong cuộc sống. Kinh nghiệm cho tôi thấy cái tôi đang có, bình thường tôi không màng tới, nhưng khi đánh mất tôi mới thấy trân quí.
Trong chuyến đi Việt nam dạo tháng 9 năm ngoái, niềm vui lớn nhứt của tôi không phải là được đi thăm nhiều nơi, mà là tìm lại được giấy thông hành (passport) để quên trên một chuyến xe buýt. Sáng hôm đó, tôi và nhà tôi bắt chuyến xe buýt sớm nhứt từ Phú Nhuận về chợ Bến Thành để từ đó ra bến xe Miền Đông đi Cần Thơ. Được nhiều người dặn dò rất kỹ về chuyện đi đứng ở Việt nam, cho nên tôi rất cẩn thận trong việc cất giữ tiền bạc và giấy tờ. Tiền thì chúng tôi không dám rút ở các trạm ATM hay vào ngân hàng; có chút đỉnh tiền mặt, lúc nào tôi cũng nhét trong túi quần Jeans và thủ nguyên một bàn tay trong đó. Riêng giấy thông hành thì tôi cho vào cái túi xách và ôm kè kè trước ngực. Nhưng sơ xuất là chuyện thường tình. Lúc lên xe buýt, một tay cho vào túi quần Jeans, một tay ôm cái xách tay, tôi đành treo cái túi xách vào thành ghế trước mặt. Chả hiểu có phải vì nôn nao quá không mà khi xuống xe tôi lại “gởi” nguyên cái túi xách trên xe. Mười phút sau, nhà tôi mới “tri hô” lên thì ôi thôi chiếc xe buýt đã chạy về bến rồi. Vào quày vé để xin điện thoại với người tài xế của chiếc xe buýt để nhờ trông giùm cái túi xách thì các nhân viên lại nói quanh co đủ điều để tránh giúp đỡ. Tôi đành gọi một anh tài xế xe ôm để đuổi theo chiếc xe. Anh này lại lên giọng ca bài con cá để làm tiền. Thôi thì cũng đành. Ngồi trên chiếc xe ôm, tôi nghĩ đến chuyện xảy ra cho một người bạn hồi năm 1978. Giữa trưa, anh bạn ghé thăm và hớt ha hớt hải xin một ít tiền để thuê xe ôm từ Nha trang chạy vào Cam ranh hầu tìm cho bằng được chiếc xe đò từ Kontum xuống. Anh bạn tôi vừa mới rời chuyến xe đò đó chừng nửa tiếng đồng hồ. Trước đây gia đình đã bỏ ra không biết bao nhiêu cây vàng để lo cho anh đi vượt biên, nhưng cái số của anh không bị gạt thì cũng bị công an bắt, thành ra có bao nhiêu đều mất cả. Cuối cùng, để gọi là đánh một chuyến cuối, bà má anh đã gom góp được trên dưới 10 cây và chọn Nha trang để cho anh thử thời vận. Anh bạn tôi đúng là không có số vượt biên. Khi xe dừng lại ở Nha trang, anh vui vẻ xách hành lý xuống xe, còn cái túi xách trong đó có đựng 10 cây vàng mà, cũng như tôi, anh đã treo vào chỗ dựa của chiếc ghế trước mặt, anh bỏ lại. Khi biết mình quên “bửu bối” thì đã quá muộn. Khi xe ôm chở anh đến bến xe Cam ranh, lên chiếc xe đò để tìm cái túi xách, anh mới biết nó đã không cánh mà bay. Hỏi người tài xế và những người phụ xe thì tất cả đều lắc đầu “không biết”. Thời buổi mà mọi thứ mất cắp đều có thể tìm thấy ở chợ trời, nhưng đào đâu ra vàng để mà chuộc lại vàng. Sau chuyến đó, anh bạn tôi đành giã từ vũ khí và xin mãi mãi chọn Việt nam làm quê hương.
Nghĩ đến chuyện của anh bạn, tôi thấy tay chân bủn rủn và mồ hôi vã ra như tắm. Thật ra, du khách đến Việt nam mất giấy tờ tùy thân không phải là chuyện ngàn năm một thuở. Nhưng nghĩ đến những thủ tục rắc rối khi phải đến trình diện ở tòa tổng lãnh sự Úc, tôi thấy lo vì không biết chuyện gì sẽ xảy đến. May quá, khi đến trạm cuối của tuyến đường xe buýt, chỉ mất vài phút, tôi đã nhận diện được chiếc xe và tìm lại được cái túi xách với giấy tờ còn nguyên vẹn trong đó. Thật là một phen hú hồn hú vía. Trong suốt chuyến đi Việt nam, đây là ngày vui nhứt của tôi và nhà tôi. Bây giờ, ngồi nghĩ lại, tôi vẫn còn thấy vui.
Ngẫm nghĩ về chuyện “mất và tìm lại được” này, tôi mới hiểu được niềm vui của người đàn bà được Chúa Giêsu kể lại trong sách Tin Mừng: chỉ mất có một “đồng quan” thôi , nhưng sau khi đã tìm lại được, người đàn bà vui mừng đến độ làm tiệc mời hàng xóm đến để chia sẻ niềm vui của mình!
Trong cuộc sống, tôi thấy mình có không biết bao nhiêu “đồng quan” mà bình thường tôi không màng tới lắm. Như lục phủ ngũ tạng và sức khỏe chẳng hạn. Có một lần gặp vấn đề mình mới thấy sức khỏe là vàng. Trong một tháng vừa qua, ngày nào thức dậy, thử máu, tôi cũng thấy vui vì biết mình  đã có thể trở về giai đoạn kiềm chế được bệnh tiểu đường mà không cần dùng thuốc.  Trước kia, ở cái thời còn sung sức, tôi xem thường sức khỏe và coi những lời khuyên về “điều độ” được dành cho ai khác chứ không phải cho mình. Ngày hút hai gói thuốc Malborough, nhậu cỡ nào cũng tới bến, chẳng cần phải kiêng với cữ gì cả. Khi bao tử bắt đầu có vấn đề, đường ruột bị rối loạn, tim mạch đập loạn xà ngầu, mỡ trong máu cao đến độ phải dùng thuốc, đường trong máu đã lên đến mức báo động...lúc bấy giờ tôi mới cảm nhận được tại sao người ta bảo sức khỏe là vàng. Mình có cả một mỏ vàng trong người mà chỉ khi đánh mất mới nhận ra giá trị của nó. Bây giờ tôi có thể vui vẻ ăn uống đạm bạc theo phương pháp dinh dưỡng dành cho người bị tiểu đường mà không còn sợ bị “sa chước cám dỗ” như trước đây. Không phải vì bây giờ vị giác của tôi tê liệt mà vì  tôi thực sự ý thức và chấp nhận rằng không có gì quan trọng hơn sức khỏe. Sức khỏe mà tôi còn lại trong những ngày này, nếu so sánh với túi vàng sức khỏe mà cha mẹ tôi cho tôi thì chắc chẳng còn bao nhiêu. Còn lượng vàng nào thì tôi cắc củm trân quý lượng đó. Kể như là số tôi vẫn còn hên.
Có người vui vì tìm lại được sức khỏe. Nhưng không phải ai cũng được sự may mắn ấy. Không thiếu người phải suốt đời đồng hành với bệnh tật. Liệu chúng ta có thể vừa chấp nhận bệnh tật mà vừa hài lòng với cuộc sống không?
Tôi nghĩ đến gương của nam tài tử nổi tiếng một thời là Michael J.Fox. Khó có thể quên được người tài tử với nhân dáng thấp bé, nhưng nhanh nhẹn và có duyên trong phim “Back to the future” (trở về tương lai) và phim tập truyền hình “Families ties” (quan hệ gia đình). Những người hâm mộ anh cứ tưởng sự nghiệp diễn xuất của anh sẽ lên như diều gặp gió. Nào ngờ năm 1991, ở độ tuổi 30, anh bị chẩn đoán mắc bệnh Parkinson (loại bệnh mãn tính về thần kinh hệ khiến cho cơ thể run lẩy bẩy và yếu dần).
Trong cơn tuyệt vọng, chàng tài tử nổi tiếng chỉ còn biết mượn rượu để giải sầu. Vài năm sau, anh giải thích rằng uống rượu là để “nếu không quên vấn đề thì cũng quên chính mình hay ít nhứt không phải ý thức về điều đang xảy ra”. Song song với việc uống thuốc là để chữa trị các triệu chứng, anh uống rượu để đánh lừa cảm xúc.
Thế rồi một ngày nọ, khi Tracy, vợ anh, bắt đầu tỏ dấu thất vọng về anh, Michael J.Fox mới nhận thức được rằng mình đang đi lầm đường và quyết tâm bỏ rượu. Trước kia, anh hy vọng thuốc men có thể chữa trị căn bệnh của mình. Anh luôn sống trong hy vọng. Nhưng càng hy vọng anh lại càng cảm thấy bất an. Trái lại, kể từ lúc chấp nhận sống với bệnh tật, anh cảm thấy thanh thản. Anh nhận thấy cần phải sống lạc quan và tích cực.
Cách đây 10 năm, Michael J.Fox đã thực thi tinh thần lạc quan và tích cực đó bằng cách sáng lập một Sáng Hội nhằm quyên tiền để trợ giúp cho cuộc nghiên cứu cách chữa trị bệnh Parkinson.
Anh tâm sự rằng kinh nghiệm sống với một căn bệnh bất trị, một khi được nhìn nhận và chấp nhận, đã mang lại cho anh một cái nhìn thông thoáng hơn về cuộc sống. Anh nói rằng những năm tháng làm việc với Sáng hội giúp nghiên cứu về bệnh Parkinson mang lại cho anh nhiều niềm vui hơn lúc còn làm một tài tử điện ảnh. Một trong những niềm vui lớn nhứt của anh là có được một mái ấm gia đình hạnh phúc bênh cạnh vợ và 4 người con. Tháng 8 tới đây, Michael J.Fox sẽ cùng với người con trai trưởng thành của anh viếng thăm Úc. Anh sẽ chia sẻ về cuộc sống, sự nghiệp và kinh nghiệm sống với bệnh Parkinson (x.The Sydney Morning Herald số ra cuối tuần 26-27/5/2012).
Tôi không có “số” trúng số hay thắng cờ bạc. Nhưng có rất nhiều thứ “số” mà tôi thừa hưởng do di truyền, từ thể lý đến tinh thần.  Có cố gắng và vẫy vùng đến đâu thì tôi cũng chẳng thay đổi được “phần số” ấy. Có bôn ba cũng chẳng qua thời vận là như thế. Chợt nhớ lại câu nói tạo nhiều cảm hứng và an ủi của ông Dale Carnegie trong cuốn sách nổi tiếng “Quẳng gánh lo đi mà vui sống” (bản dịch của Nguyễn Hiến Lê): “Số mệnh chỉ cho bạn một trái chanh còm, bạn hãy tìm cách làm thành một ly nước giải khát”. Hoặc lắng nghe lời nhắn nhủ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Đời cho ta thế, cứ hãy cất bước đi mọi nơi...Đời cho ta thế, hãy cứ sống tới như mọi ai” và quyết tâm “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, chọn những bông hoa và những nụ cười”.








Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

Những bộ lạc bị lãng quên


15.4.16

Theo một bản phúc trình mới đây, việc khai thác vàng lậu tại vùng Amazon bên Châu Mỹ La Tinh có thể làm cho các bộ lạc Yanomami và Ye’kuana  chết dần chết mòn vì bị nhiễm chất thủy ngân. Nhiều người lo sợ rằng một số trong những bộ lạc chưa từng tiếp xúc với ánh sáng văn minh của thế giới có thể hoàn toàn bị tiêu diệt trong một tương lai gần đây.
Bản phúc trình nói trên được Cơ quan Y tế của Ba Tây có tên là Fiocruz thực hiện với sự cộng tác của Viện Xã hội Môi sinh gọi tắt là ISA. Tài liệu cho thấy có đến 90 phần trăm các cộng đồng thổ dân được nhận diện trong vùng, trong số này hơn một nửa thuộc bộ lạc Nahua, đang trực tiếp bị nhiễm độc vì chất thải hóa học.
Tuy chưa có thống kê chính thức, nhưng nhiều bản phúc trình ước tính rằng hiện có ít nhất từ 70 đến 100 bộ lạc trên khắp thế giới, từ Ba Tây đến Ấn Độ và Papua New Guinea, chưa từng tiếp xúc với ánh sáng văn minh. Có thể gọi họ là những dân tộc thuộc thế giới thứ tư. Đối mặt với nhiều vấn đề, cách sống truyền thống của họ đang bị đe dọa, nhất là khi những khu rừng rậm, vốn là môi sinh bình thường của họ, đang bị phá hủy.
Các hành động phá hoại môi sinh của các bộ lạc này như việc mở mang nông trại, thương mại hóa nông nghiệp và nhất là việc khai thác gỗ lậu là những nguyên nhân chính đang hủy hoại môi trường sinh sống của các bộ lạc nói trên.
Khoảng năm 2013, những hành động hủy hoại nói trên đã tồi tệ đến độ người dân của bộ lạc Mascho-Piro tại vùng Đông Nam Amazon thuộc Peru đã tìm cách liên lạc với thế giới bên ngoài. Kể từ năm 2011, đây là lần thứ hai bộ lạc này muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Cuộc gặp gỡ của bộ lạc này với thế giới bên ngoài đã kéo dài 3 ngày. Chính phủ Peru vẫn không hiểu tại sao người dân của bộ lạc này đã có hành động như thế. Nhưng nhiều người cho rằng sở dĩ bộ lạc này đã rời bỏ làng mạc của mình là vì họ đã thất vọng với việc khai thác gỗ lậu và nhất là vùng đất của họ đã bị những kẻ khai thác gỗ lậu và các con buôn ma túy xâm phạm.
Nhưng đối với các bộ lạc này, các tổ chức khai thác gỗ lậu không phải là những “người khách không được mời” duy nhất.
Tại Peru, các tổ chức bào chế ma túy đã sử dụng các khu rừng rậm để tránh bị theo dõi. Nhưng tại đây họ lại đụng độ với các bộ lạc thổ dân. Năm 2011, chính phủ Ba Tây  đã phải đưa quân đội đến để bảo vệ các bộ lạc đang sinh sống biệt lập trong các khu rừng già. Quân đội cho biết các con buôn ma túy đã tấn công và trấn lột các làng mạc của người thổ dân.
Hiện nay xây dựng hạ tầng cơ sở là một trong những lãnh vực được hầu hết các chính phủ quan tâm tới. Dĩ nhiên sự phát triển hạ tầng cơ sở luôn mang lại lợi ích cho thị dân và cư dân của các vùng ngoại ô. Nhưng nỗ lực phát triển này cũng thường gây xáo trộn cho cuộc sống của các bộ lạc trong các khu rừng già.
Trong vùng đảo Andaman thuộc Ấn Độ, chính quyền địa phương đã cho mở một con đường chạy xuyên qua khu rừng vốn là nơi sinh sống của bộ lạc Jarawa. Bộ lạc này hiện chỉ còn đúng 403 người. Họ là những người đơn sơ, rất dễ bị lừa gạt và khai thác. Con đường không những đã cắt hòn đảo thành hai mảnh, mà còn dọn đường cho những kẻ săn bắn bất hợp pháp tìm kiếm những loại thú quý hiếm trong những khu rừng già. Kỹ nghệ du lịch trên đảo cũng bị chỉ trích vì những cuộc “săn người”, tức đến với người thổ dân chẳng khác nào đi xem sở thú. Mỗi ngày có đến hàng trăm chiếc xe chở du khách đậu chờ trước cổng làng để được vào thăm bộ lạc Jarawa. Các du khách được cảnh cáo: không được chụp hình, không được tiếp xúc hoặc gây xáo trộn cho cuộc sống của người thổ dân.
Tòa án Tối cao của Ấn Độ đã ra lệnh đóng lại con đường, nhưng chính quyền địa phương  vẫn xem thường phán quyết, tiếp tục cho lưu thông trên con đường này để khai thác kỹ nghệ du lịch. Cách đây 14 năm, người dân của bộ lạc Jarawa đã suýt bị tiêu diệt vì dịch bệnh đến từ thế giới bên ngoài.
Hiện nay một trong những điểu đáng lo ngại cho thế giới chính là đánh mất khả năng kháng cự với một số dịch bệnh của thời đại. Ngay cả một cơn dịch cúm thông thường cũng có thể gây chết người. Vào khoảng giữa thập niên 1980, việc khai thác dầu của công ty Shell đã cho thế giới bên ngoài tiếp xúc với bộ lạc Nahua. Chỉ vài năm sau , hơn 50 phần trăm dân số của bộ lạc này đã chết vì những thứ bệnh mà họ chưa từng phải đối đầu trước đó. Hiện nay, với sự phối hợp của công ty Argentine Puspetrol và dĩ nhiên với sự khuyến khích của Chính phủ Peru,  nhiều công ty đang khai thác khí đốt trong vùng đất của bộ lạc Nahua. Đây là mỏ khí đốt lớn nhất tại Peru. Cộng với việc khai thác gỗ lậu và hoạt động sản xuất ma túy, kỹ nghệ khí đốt tại vùng này có nguy cơ làm cho người thổ dân của bộ lạc Nahua biến khỏi mặt đất này. Phần lớn bị tiêu diệt vì các loại bệnh tật được mang từ thế giới bên ngoài vào.
Việc người Anh đã mang vào Úc Đại Lợi một số bệnh tật mà người thổ dân chưa từng trải nghiệm trước đó là một sự thật không thể chối cãi được. Đã từng có mặt trên vùng đất được xem là hòn đảo lớn nhất thế giới này từ trên 60 ngàn năm trước, người thổ dân Úc hiện đang phải gánh chịu hậu quả khốc liệt của việc đô hộ của người Anh. Trước khi người Anh đặt chân đến Úc Đại Lợi, đã từng có trên 500 bộ lạc với tổng số dân khoảng 750 ngàn người sinh sống trên vùng đất này. Văn hóa của họ đã được phát triển xuyên suốt trên 60 ngàn năm khiến cho người thổ dân Úc được xem là những dân tộc có nền văn hóa lâu đời nhất của thế giới. Mỗi nhóm đều sống gắn liền mật thiết với đất đai và giữ gìn đất đai của họ. Năm 1770, trong chuyến thám hiểm đầu tiên trong vùng Thái Bình Dương, thuyền trưởng James Cook đã chiếm lấy miền duyên hải ở phía Đông của Úc Đại Lợi. Chính phủ Anh lúc đó đã quyết định  biến vùng đất này thành một nơi để lưu đày và giam giữ các tù nhân. Năm 1788, đã có 1500 người gồm thủy thủ đoàn, nhân viên chính phủ và tù nhân cập bến vào địa điểm được gọi là Sydney Cove. Kể từ năm 1788 đến năm 1990, dân số thổ dân Úc đã giảm đi 90 phần trăm. Ba nguyên nhân chính khiến cho dân số thổ dân bị giảm sút một cách thê thảm như thế là: đất đai của người thổ dân bị chiếm đoạt một cách thô bạo, những cuộc xung đột trực tiếp và đẫm máu giữa người thổ dân và người thực dân, người thổ dân phải đương đầu với đủ thứ bệnh tật mới do người Anh mang tới. Toàn quyền Philip đã báo cáo về Anh rằng bệnh đậu mùa đã giết một nửa dân số thổ dân trong vùng Sydney chỉ trong vòng 14 tháng sau đợt di dân đầu tiên của người Anh. Ngoài ra, những khai thác và lạm dụng tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái thổ dân cũng khiến cho người thổ dân bị mắc bệnh hoa liễu ở mức độ của một thứ dịch bệnh. Chính vì chưa hề biết tới những thứ bệnh tật ấy cho nên người thổ dân đã không có đủ sức đề kháng. Điều này hiện cũng đang xảy ra đối với các bộ lạc chưa từng tiếp xúc với ánh sáng văn minh.
Năm 2014, sau khi đã tiếp xúc với một số viên chức của chính phủ Ba Tây, một bộ lạc tại khu rừng già Amazon đã mắc phải bệnh cúm. Chính phủ Ba Tây đã tìm cách chấn chỉnh tình hình bằng cách buộc họ phải chích ngừa. Nhưng các thổ dân đã bỏ trốn vào trong rừng sâu. Họ đã  mang theo vi trùng cúm và truyền bệnh cho các nhóm thổ dân khác.
Bên cạnh các tổ chức khai thác gỗ lậu, các nhóm sản xuất ma túy và các nhân viên chính phủ, các nhà thừa sai của các Giáo Hội Kitô Giáo cũng góp phần mang các dịch bệnh mới đến cho các thổ dân. Các nhà thừa sai tưởng họ đến để rao giảng Lời Chúa, nhưng điều họ có thể không ngờ là họ cũng mang đến những dịch bệnh chết người, giết hại chính những người mà họ tìm cách cải đạo.
Từ giữa năm 1982 đến năm 1985, các thành viên của một tổ chức cực đoan có trụ sở tại Hoa Kỳ tên là “New Tribes Mission” (truyền đạo cho các bộ lạc) đã xem thường các thủ tục pháp lý cho nên đã tìm cách liên lạc với bộ lạc Zo’é tại Ba Tây với hy vọng sẽ cải đạo họ sang Kitô Giáo. Dùng phi cơ để bay lượn trên các khu rừng già nơi bộ lạc Zo’é đang sinh sống, tổ chức truyền giáo này đã bắt đầu công tác của họ bằng những gói quà thả xuống cho các thổ dân. Sau đó họ xây dựng một căn cứ truyền giáo gần nơi cư ngụ của các thổ dân và bắt đầu “rao giảng Lời Chúa”. Năm 1987, chỉ 2 năm sau khi “những người lính của Chúa” bỏ đi, 45 người trong bộ lạc Zo’é đã chết vì dịch cúm, sốt rét và những chứng bệnh về đường hô hấp do các nhà truyền giáo mang đến.
Cho tới nay, nhiều bộ lạc mà thế giới văn minh cho là bán khai vẫn tìm cách tránh né ánh sáng văn minh. Chính nhờ xa ánh sáng văn minh mà họ đã có thể tránh được nhiều dịch bệnh của thời đại. Nhưng khả năng đề kháng ấy ngày càng bị đe dọa. Nhiều chính phủ đã đưa ra một số biện pháp để cứu vãn môi trường sinh sống và lối sống truyền thống của các bộ lạc này.
Tại một số quốc gia như Peru và Ba Tây là nơi có nhiều bộ lạc chưa tiếp xúc với ánh sáng văn minh nhất, chính phủ đã ban hành một số luật để ngăn cấm việc tiếp xúc với các bộ lạc này. Đây là biện pháp để ngăn ngừa dịch bệnh cho người thổ dân cũng như tránh các cuộc xung đột. Nhiều khu rừng già đã được khoanh vùng để các bộ lạc có thể sống yên ổn mà không sợ bị xáo trộn bởi ánh sáng văn minh và các hệ lụy của nó. Hầu hết các bộ lạc thổ dân trên khắp thế giới hoặc không hề tiếp xúc hoặc chỉ tiếp xúc một cách gián tiếp với thế giới bên ngoài. Nhiều bộ lạc tại Amazon không muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài bởi vì họ đã có những kinh nghiệm đau thương trong quá khứ. Một số, như bộ lạc Mashco-Piro chẳng hạn, đã rời bỏ những khu định cư do chính phủ thiết lập để trốn về rừng sâu.
Nhưng hiện nay ngày càng có nhiều bộ lạc tìm cách liên lạc với thế giới bên ngoài. Họ làm thế không phải để tiếp xúc với ánh sáng văn minh cho bằng tố cáo sự xâm nhập bất hợp pháp của những người khách không được mời là các tổ chức khai thác gỗ lậu, các nhóm sản xuất ma túy, những người thợ săn thú quý hiếm và ngay cả các nhà thừa sai của các Giáo Hội Kitô. Có lẽ họ chỉ muốn gióng lên một tiếng nói đầy minh triết của họ: Hãy sống và xin hãy để cho chúng tôi được sống! Nhưng liệu tiếng nói ấy có được tôn trọng và lắng nghe không?
(theo http://pickle.ninemsn.com.au/2016/04/08/17/10/uncontacted-tribes-dying)