Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Kiếp đọa đày


Chu Thập
18/03/14
Mỗi độ “Mùa Chay” của Kitô giáo trở lại, tôi thường tính sổ về những tiến bộ hay thụt lùi trên con đường mà ngôn ngữ nhà đạo của tôi thường gọi là “đàng nhơn đức”. Nhưng tôi thích nhìn theo cách nói “ngoài luồng” hơn cho nên lúc nào cũng tự vấn lương tâm: tôi có sống cho ra người hơn chút nào không?
Thuở nhỏ tôi rất sợ chay tịnh. Đã đói triền miên lại còn phải chay với tịnh. Cân đo đong đếm sai một chút về lượng thức ăn thì coi như phá chay. Mỗi năm chỉ ngửi được mùi thịt năm ba lần lại phải kiêng vào ngày thứ sáu. Cho nên “mùa chay” đối với tôi quả là một cực hình hay đúng hơn một thứ hình phạt mà dường như giá trị chữa trị chẳng thấm vào đâu cả.
Ngày nay, không còn trong độ tuổi phải ăn chay thì tôi lại ăn chay hầu như mỗi ngày: lượng thức ăn bớt lại đã đành mà thứ gì tôi cũng kiêng được cả! Nhưng có “ăn chay” cỡ nào tôi cũng vẫn thấy mình còn đầy dẫy “tính hư tật xấu”, xác thịt thì vẫn cứ yếu đuối và tinh thần thì vẫn cứ nặng nề với đủ mọi thứ đam mê. Trong các thứ sợi giây “oan khiên” cứ trì kéo tôi đi thụt lùi trong “đàng nhơn đức”, tôi nhận thấy hận thù vẫn là điều khủng khiếp nhứt.
Thật ra, tính sổ lại tôi thấy mình chẳng có bao nhiêu người để mà thù ghét cả. Nhưng lạ lùng quá, cứ nghĩ đến người cộng sản thì tôi lại thấy như sôi máu lên. Đã thoát khỏi ách cộng sản từ hơn 30 năm nay, nhưng không hiểu tại sao đêm ngày, cứ nhớ về quê hương, nhìn thấy những bản mặt của bọn cướp ngày thì tự nhiên, giây thần kinh thù ghét trong tôi như cứ giựt lên bần bật.
Tôi biết bất cứ tôn giáo nào cũng dạy tôi tha thứ và buông bỏ. Nhà lãnh đạo tôn giáo chân chính nào cũng khuyên nhủ tôi như thế. Và ngay cả những nhà tranh đấu bất bạo động nổi tiếng trong lịch sử nhân loại cũng chỉ để lại một tấm gương của bao dung, khoan nhượng và tha thứ. Hằng ngày, tôi cũng vẫn luôn tâm niệm rằng tôi chỉ thực sự có được an bình nội tâm khi tôi biết sống yêu thương và  tha thứ. Trong quan hệ với những người sống bên cạnh và xung quanh tôi, lúc nào tôi cũng cố gắng thực thi điều đó. Vậy mà cứ nghĩ đến những khuôn mặt như “đồng chí Ếch”, đồng chí “Lú” hay đồng chí chủ tịch nước là tôi lại quên hết mọi lời khuyên dạy của tôn giáo, của các bậc thánh hiền và chỉ muốn  được nghỉ “làm người” lương thiện và tử tế một chút để mà chửi bới, nguyền rủa và ngay cả “giết sạch” cho rồi.
Về sự đối đầu với những tên đồ tể và cướp ngày, tôi thường nghĩ đến cố mục sư tin lành người Đức Dietrich Bonhoeffer (1906-1945). Ông là một nhà tư tưởng nổi tiếng của Đức mà cách suy nghĩ và hành xử đã ảnh hưởng sâu đậm đến những người như cố mục sư Martin Luther King, đến Phong trào dân chủ tại Đông Âu thời chiến tranh lạnh và phong trào chống chế độ phân biệt chủng tộc tại Nam Phi. Nhưng nhắc đến ông, thế giới thường nghĩ đến trước tiên  sự đối kháng mãnh liệt và triệt để của ông đối với chế độ tàn bạo và vô nhân đạo của Hitler. Là một nhà lãnh đạo tinh thần luôn khuyên dạy các tín đồ sống yêu thương và tha thứ, tuy vậy ông không chỉ lên tiếng đả kích các chương trình diệt chủng của Hitler, mà còn gia nhập vào tổ chức kháng chiến và chủ trương bằng mọi giá phải “ám sát” Hitler. Bị cơ quan mật vụ Gestapo của Đức quốc xã bắt giữ và giam cầm trong một trại tập trung, hai năm sau, khi chỉ còn đúng 23 ngày trước khi Đức quốc xã đầu hàng và Âu châu được giải phóng, ông đã bị hành quyết một cách dã man bằng hình phạt treo cổ.
Hitler quả là một quái vật. Thế giới sẽ không bao giờ quên được cuộc tàn sát dã man 6 triệu người Do Thái và cái chết của không biết bao nhiêu nạn nhân của Đệ nhị thế chiến do Hitler phát động. Nhưng nếu so sánh tên đồ tể này với bọn cướp ngày ở Việt Nam hiện nay, tôi thấy có khi mức độ tàn bạo và dã man của người cộng sản lại cao gấp bội: Hitler chỉ có chủ trương tàn sát chủng tộc Do Thái, còn người cộng sản Việt Nam lại đã và đang tiêu diệt chính người đồng bào ruột thịt của mình. Đã chẳng có tòa án quốc tế nào đào mồ những tên đồ tể cộng sản lên mà xét xử và ngày nay, những tên cộng sản đang công khai cướp của, giết người thì cũng chẳng có cơ quan công lý thế giới nào động đến lông chân của họ. Có lúc tôi chỉ muốn được làm một người hùng như cố mục sư Bonhoeffer để cho dân tộc tôi bớt khổ đau hơn mà thôi! Càng nhớ quê hương, càng thương yêu dân tộc, tôi lại thấy mình càng không thể tha thứ cho những người cộng sản và để cho họ đứng “chật đất” mãi như thế.
Sau hơn 30 năm trốn chạy người cộng sản, tôi vẫn thấy mình tiếp tục bị “đọa đày” và khốn khổ. Có ngày nào qua đi, khi gặp gỡ, tiếp xúc và va chạm với những người không cùng màu da, ngôn ngữ với mình mà tôi lại không ý thức về bản sắc “tỵ nạn” của mình. Không phải tuyên tín như một tín đồ tôn giáo, nhưng hầu như ngày nào tôi cũng thấy mình là một người “chống cộng”. Có nhiều nét trong tư cách của tôi, nhưng dường như “chống cộng” vẫn cứ là “thuộc tính” thiết yếu của con người tôi.
Dạo tháng 5 năm vừa qua, tôi có đọc được bài viết có tựa đề “tôi không chống cộng” của tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc, đăng trên Blog của Đài VOA, tiếng nói Hoa Kỳ. Tác giả mở đầu bài viết bằng sự kiện hai lần ông về Việt Nam và cả hai lần đều bị cấm nhập cảnh. Tuy không có lời giải thích nào từ phía chính quyền cộng sản Việt Nam, nhưng tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc nghe phong phanh đâu đó rằng sở dĩ ông bị cấm vào Việt Nam là vì ông là một người “chống cộng”. Ông cũng nói rằng ngay cả bạn bè và những người có cảm tình với ông cũng thường nói rằng ông là người “chống cộng”. Nhưng tác giả “xin nói một cách thành thực: tôi không hề chống cộng”.
Nhà phê bình văn học nổi tiếng này giải thích rằng sở dĩ ông “không chống cộng” là bởi vì ngày nay, kể từ năm 1991, sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ tại cái nôi khai sinh ra nó là Nga, ý thức hệ cộng sản chỉ còn là chuyện quá khứ. Theo ông, “ở thời điểm này, nói chống cộng là nói chống cái không có, hay đúng hơn, cái không còn hiện hữu nữa”.
Rõ ràng hơn, tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc viết: “Cái gọi là “chống Cộng” bao gồm hai nội dung chính: một, chống lại chủ thuyết cộng sản (chủ yếu là chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Lenin); và hai, chống lại chế độ cộng sản. Với cả hai nội dung ấy, trước năm 1975, nói chống Cộng: được; trước năm 1990, nói chống Cộng: được. Nhưng sau năm 1991, nói chống Cộng là nói một điều thừa thãi, thậm chí, vô duyên. Và có hại”.
Tôi hoàn toàn đồng ý với tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc: ai lại đi chống một ý thức hệ, một chủ nghĩa, một chủ thuyết hay một thứ “chủ” (ism) nào đó đã “chết tiệt” và đã bị quăng vào sọt rác của lịch sử. Tôi chẳng còn thì giờ đâu để mà “chém gió” với một thứ bóng ma như thế. Thật ra, cho tới giờ phút này, cho dẫu có được giải thích cặn kẽ đến đâu, tôi cũng chẳng hiểu được thấu đáo cái ý thức hệ và chủ nghĩa ấy. Ngay cả mấy tên cộng sản gộc bên Liên Xô, Đông Âu ngày xưa có khi cũng chẳng hiểu được thế nào là chủ nghĩa cộng sản và nhìn thấy được bộ mặt của điều thường được rêu rao là “chủ nghĩa xã hội hiện thực”. Nói gì đến những tên hoạn lợn hay du kích như “đồng chí Ếch”, đồng chí “Lú” suốt ngày đêm chỉ biết đặt bom giết người vô tội, pháo kích bừa bãi, tàn sát người vô tội vạ và ngày nay chỉ biết cướp của giết người...thì làm sao có đủ trí óc và thì giờ để học và hiểu về một “môn học mà học sinh không muốn học và thày cũng chẳng muốn dạy”.
Cá nhân tôi cũng chẳng muốn làm cho bộ óc vốn già nua và hết chất xám của mình thêm mệt mỏi vì cái chủ nghĩa thổ tả ấy. Cho nên ngày nay tôi thấy cũng chẳng cần phải “chống” lại nó làm gì cho mất giờ vô ích. Tôi có chống là chống lại cái bọn người, luôn tự xưng là người cộng sản, cứ khơi khơi cướp của giết người giữa ban ngày mà chẳng ai dám làm gì cả. Cộng sản là như thế đó. Tôi chống cộng theo ý nghĩa ấy.  Cộng sản là độc tài. Cộng sản là cướp của giết người. Cộng sản là dối trá, lừa bịp. Cộng sản là vô nhân đạo. Cộng sản là vô liêm sỉ. Cộng sản là giả nhân giả nghĩa. Còn có thứ tĩnh từ xấu xa nào mà tôi không thể không gán cho chủ nghĩa cộng sản  khi nhìn vào ngôn từ và hành động của những người cộng sản...Nhưng căn cốt nhứt, theo tôi Cộng sản chính là Hận Thù. Đây là thứ “nọc độc” mà vô tình tôi lại bị tiêm nhiễm lúc nào không hay biết.
Tôi vẫn còn nhớ như in ngày 2 tháng 4 năm 1975, ngày thành phố biển Nha Trang của tôi mở cửa cho bọn cướp ngày tràn vào. Tôi vẫn nhớ hôm đó là một ngày mưa tầm tã. Trời cũng phải khóc thương chớ đâu phải chỉ có con người. Những ngày kế tiếp là những ngày kinh hoàng nhứt trong đời tôi. Đi đâu cũng thấy mưa sa trên cờ “giải phóng”. Đi đâu cũng thấy bóng mấy anh bộ đội ngơ ngác và mấy anh “cách mạng 30” “hồ hởi” và hùng hổ đi săn lùng người quen biết của mình. Đi đâu cũng thấy sợ. Nhưng sợ và đồng thời lại mong và hy vọng khi nghe những chiếc phản lực cơ A.30 từ phía nam bay ra thả bom xuống Cầu Bóng để chận đứng làn sóng đỏ. Chuyện không thể tránh được trong chiến tranh: một quả bom đã rơi ngay phía trước Tháp Bà khiến cho một số người chết và bị thương. Chỉ vài ngày sau, người ta thấy dựng lên tại chỗ đó một tấm bia “Căm Thù Sâu Sắc” lên án  Mỹ Ngụy. Và dĩ nhiên, cũng trong những ngày sau đó, cứ mỗi lần có “học tập”, ngoài bài giải phóng ca kêu gọi “dẹp tan bầy lũ bán nước”, cứ phải cúi đầu để bị nhét câu thần chú “căm thù sâu sắc” ấy vào đầu.
Cách đây vài năm, về thăm lại thành phố thân yêu, tôi có dịp đi ngang chỗ có tấm bia “Căm Thù” ấy. Nhưng dường như ngày nay, nó đã mờ nhạt đến độ tôi không còn đọc được chữ nào nữa. Có lẽ “bia ôm” và đủ mọi thứ bia ru ngủ quần chúng khác đã xóa đi tấm bia căm thù Mỹ Ngụy, nhưng lại làm dấy lên lòng hận thù của dân chúng đối với bọn cướp ngày nhan nhản khắp cả nước.
Tôi chỉ thực sự biết và sờ được bộ mặt của cộng sản trong 5 năm. Vậy mà bỏ nước ra đi, trốn chạy cái bộ mặt ấy đã trên 30 nay, tôi vẫn không tẩy rửa khỏi tâm hồn cái nọc độc của hận thù ấy được. Chẳng gì khốn khổ bằng cứ nghĩ đến thứ chủ nghĩa đã được “nhập thể” bằng xương bằng thịt trong bọn cướp ngày ấy thì tôi lại thấy hận thù sôi sục lên. An bình thế nào được, hạnh phúc thế nào được khi cứ phải nhìn thấy những bộ mặt ấy xuyên qua những khốn khổ mà bao nhiêu đồng bào ruột thịt của mình tiếp tục gánh chịu.
Mỗi dịp “mùa chay”, tính sổ đời, tôi  thấy dường như mình chẳng tiến thêm được bước nào trong “đàng nhơn đức”. Nọc độc hận thù mà chủ nghĩa cộng sản đã tiêm vào người vẫn còn đó. Nói gì đến những cặn bã khác như dối trá, lừa bịp, tàn bạo, tham lam, giả nhân giả nghĩa, vô liêm sỉ...mà chủ nghĩa cộng sản cũng đã “hà hơi” vào  tôi, có lẽ còn lâu tôi mới có thể rũ bỏ cho sạch khỏi con người của tôi. Liệu tôi có thực sự là một người “chống cộng” không bao lâu những thứ rác rưởi ấy vẫn còn bám chặt vào nhân cách của tôi. Liệu tôi có ra “người” hơn chút nào không nếu tôi cứ phải nuôi dưỡng những thứ đó trong tâm hồn mình?





Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ: người da đen và giấc mơ bình đẳng!



25/08/17
Chuyện vừa mới xảy ra tại Charlottesville, Tiểu bang Virginia và những lời tuyên bố gây tranh cãi và chia rẽ của Tổng thống Donald Trump đã cho thấy kỳ thị chủng tộc vẫn là sợi chỉ xuyên suốt trong những cuộc bạo động thường xuyên xảy ra trong xã hội Mỹ, mà phần lớn nạn nhân vẫn là người da đen. Bên cạnh những thành phần kỳ thị chủng tộc ra mặt trong xã hội Mỹ, cảnh sát cũng góp phần làm cho số phận của người da đen càng thêm bi đát hơn.
Kể từ ngày 1 tháng Giêng năm 2016, đã có ít nhất 123 người Mỹ gốc Phi Châu bị cảnh sát giết chết. Vậy mà cho tới nay chưa có một cảnh sát nào bắn chết một người Mỹ da đen bị giam tù. Người Mỹ da đen hiện chỉ chiếm khoảng 6 phần trăm dân số Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, nhưng có đến 40 phần trăm thường dân không có vũ trang bị cảnh sát giết chết trong năm 2015 là người da đen. Khác với các vùng ngoại ô yên tĩnh của giai cấp trung lưu da trắng, các “cộng đồng da màu” thường xuyên đối mặt với các lực lượng an ninh. Kể từ thập niên 1970 đến nay, các cộng động da màu luôn ý thức rằng họ bị theo dõi và trừng phạt bởi các lực lượng an ninh.
Đây chính là lý do mà từ 2 năm nay, một thế hệ mới những người Mỹ đa đen đã xuất hiện tại Hoa Kỳ. Được qui tụ dưới khẩu hiệu “Black Lives Matter” (mạng sống của người da đen quan trọng), họ chiến đấu chống lại các hành vị bạo động của cảnh sát, tình trạng bất công về kinh tế và thái độ kẻ cả đối với họ. Với nhiều hình thức tranh đấu khác nhau, phong trào “Black Lifes Matter” đang đeo đuổi lịch sử lâu dài của cuộc tranh đấu cho sự bình đẳng chủng tộc tại Hoa Kỳ.
Tiền thân của phong trào “Black Lives Matter” là phong trào “Black Panthers” (Báo Đen) được thành lập năm 1966. Phong trào này cũng đã đề ra mục tiêu là chống lại sự tàn bạo của cảnh sát. Tại Thành phố Oakland, Tiểu bang California là nơi mà việc mang súng được xem là hợp pháp, những thành viên của phong trào “Black Panthers” đi tuần tiễu trên các ngã đường để theo dõi các chiếc xe của cảnh sát. Nơi nào cảnh sát xuất hiện và chuẩn bị ra tay, các thành viên của phong trào liền tức tốc chạy đến. Đứng cách khoảng 10 thước, tức  khoảng cách mà luật pháp tiểu bang cho phép, họ quan sát rất kỹ hiện trường. Dĩ nhiên, cảnh sát luôn tỏ ra khó chịu, nhưng đồng thời bị buộc phải cân nhắc hành động của họ.
Mùa hè năm 2016, sau khi đã xảy ra nhiều vụ bắn chết người da đen mà cảnh sát là tác nhân, con cháu của cố mục sư Martin Luther King lại càng nhận ra sự cần thiết phải theo dõi hành động của cảnh sát.
Tại Baton Rouge, Tiểu bang Louisana, các thành viên của một tổ chức của người da đen có tên là “Stop the Killing, Inc.” (Hãy ngưng giết chóc) đã đi tuần tiễu trên các đường phố. Họ đã quay phim được cuộc cãi vã  giữa hai cảnh sát viên da trắng và người thanh niên tên là Alton Sterling. Cuộc cãi vã đã kết thúc với cảnh người thanh niên đã bị “hành quyết” bằng một viên đạn xuyên qua lồng ngực. Một lần nữa, băng hình do phong trào “Stop the Killing, Inc” thu được đã cho thấy tội ác của cảnh sát da trắng. Khí giới mà những người tranh đấu của phong trào này trưng ra chính là chiếc điện thoại cầm tay. Phương tiện điện tử này đã giúp trực tiếp thu hình được cảnh những người thanh niên da đen không vũ trang bị giết chết. Nhưng dĩ nhiên, cắt đặt một người tranh đấu cho nhân quyền để theo dõi mỗi một cảnh sát viên trong những khu phố bình dân hoặc ngay cả đặt những chiếc máy thu hình di động để theo dõi cũng không phải là một biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Cuộc tranh đấu của phong trào “Black Panthers” đã không tỏ ra thực sự có tác dụng.
Thế hệ mới của những người Mỹ da đen tranh đấu cho công lý và sự bình đẳng chủng tộc đều nhận ra giới hạn của những hệ thống xã hội họ có trong tay cũng như sự bất cân xứng giữa những khí giới họ đang có và khí giới của một nước Mỹ da trắng quyết tâm không muốn thấy và cũng chẳng muốn nghe. Chính vì vậy mà những người tranh đấu cho công lý và bình đẳng của người da đen thấy chỉ còn một cách là xuống đường, biểu tình và hô lớn cho mọi người nghe thấy: Người da đen có quyền được sống, sự sống của họ cũng quan trọng . Đó là ý nghĩa của khẩu hiệu: Black Lifes Matter!
Không phải do ngẫu nhiên mà chính tại Thành phố Oakland, chiếc nôi khai sinh của phong trào “Black Panthers”,  nhà tranh đấu nổi tiếng của phong trào là bà Alicia Garza đã lớn lên. Bà chính là mẹ đẻ của phong trào. Oakland là nơi tập trung của một trong những cộng đồng da đen nổi tiếng nhất của Tiểu bang California. Năm 2011, cộng đồng này đã mở ra một cuộc tranh đấu quyết liệt lấy tên là “Occupy Oakland” (chiếm lấy Oakland). Với cuộc tranh đấu này, cộng đồng da đen tại Thành phố Oakland đã phối hợp được hai chủ trương: đòi hỏi công bình xã hội và công bình chủng tộc!
Thành phố Oakland cũng đã một thời nổi tiếng vì một quyết định lạ lùng của Tổng thống Ronald Reagan. Chính tại thành phố này mà thập niên 1980, Tổng thống Reagan đã cho tổ chức việc buôn bán ma túy với Nicaragua. Để chống lại chính quyền cộng sản Sandinista tại Nicaragua, thừa lệnh của Tổng thống Reagan, Cơ quan Tình báo CIA đã quyết định tài trợ cho tổ chức kháng chiến quân Contras bằng cách cho phép họ được làm giàu bằng việc buôn bán ma túy và phân phối tại Hoa Kỳ. Chính quyền Sandinista tại Nicaragua đã không sụp đổ, nhưng Oakland đã trở thành một trong những nạn nhân chính của hoạt động thương mại bất chính này. Với cuộc chiến chống ma túy, Chính phủ Mỹ đã dán lên người da đen nhãn hiệu “tội phạm bẩm sinh” và các nhà tù Mỹ không còn chỗ để chứa các tội phạm da đen! Ngày nay, California đã trở thành “mẫu mực” vì con số các nhà tù, việc phân chia không gian theo chủng tộc và chế độ giam giữ nghiêm khắc mà nạn nhân không ai khác hơn là các cộng đồng thiểu số.
Phong trào “Black Lives Matter” chỉ thực sự được khai sinh với cái chết của một thanh niên da đen tại Tiểu bang Florida. Vào một buổi tối tháng Hai năm 2012, một thiếu niên da đen 17 tuổi  tên là Trayvon Martin đã đi thăm một người bà con trong một khu giàu có thuộc Thành phố Sanford, Tiểu bang Florida. Một nhân viên an ninh tuần tiễu trong khu vực tên là George Zimmerman đã rút súng bắn người thiếu niên da đen. Bị đưa ra tòa xét xử, nhưng Zimmerman đã được tha bổng.  Cũng như hàng triệu người khác, bà Garza đã phẫn nộ. Trên trang mạng xã hội, bà đã đưa ra một thông điệp bày tỏ tình liên đới: “Sự sống của người da đen chúng tôi cũng quan trọng”.  Từ nhiều tiểu bang khác, nhiều người đã biểu đồng tình và phong trào “Black Lives Matter” đã ra đời. Với khẩu hiệu này, phong trào “Black Lives Matter” đã gióng lên một tiếng kêu thảm thiết về quyền sống của người da đen. Đó cũng là một lời hiệu triệu ngày càng qui tụ được nhiều người đứng lên tranh đấu cho công lý và bình đẳng chủng tộc.
Với cái chết của một thanh niên da đen khác tên là Michael Brown tại Ferguson, Tiểu bang Missouri vào năm 2014, phong trào “Black Lifes Matter” lại càng nở rộ hơn bao giờ hết. Michael Brown, 18 tuổi, đã bị Darren Wilson, một cảnh sát viên da trắng, bắn hạ sau khi vào cướp một tiệm tạp hóa. Michael và một người bạn đã cãi vã và giằng co với viên cảnh sát để cho người này không kịp nổ súng. Sau đó cả hai đã bỏ chạy. Viên cảnh sát đã rượt theo. Trong suốt cuộc đụng độ, viên cảnh sát đã nhả đạn tất cả 12 lần và viên đạn cuối cùng đã hạ sát Michael. Cái chết của người thanh niên da đen đã gây câm phẫn trong cộng đồng da đen tại Ferguson. Ra tòa, cảnh sát viên Wilson được trắng án. Bộ tư pháp tuyên bố Wilson chỉ sự dụng khí giới để tự vệ.
Phản ứng trước một cuộc xét xử bị cho là bất công, tiếng nói của  phong trào “Black Lifes Matter” lại càng lớn mạnh. Chỉ trong một năm, phong trào này đã thiết lập được 23 cơ sở hoạt động trên toàn quốc và trở thành một hiệp hội qui tụ được nhiều nhóm tranh đấu khác như Black Youth Project 100, Dreams Defenders, Millions Hoodies hay Hands Up United...Các nhóm này bắt tay nhau để tổ chức những cuộc biểu tình ôn hòa, nhưng cương quyết trong việc đòi hỏi công lý và bình đẳng cho người da đen. Sự kiện cảnh sát đàn áp nhưng lại được một đại bồi thẩm đoàn tha bổng lại càng khiến cho các nhóm này cương quyết hơn và đồng thời cũng gây được sự chú ý của giới truyền thông. Chính vì vậy mà cuối cùng Chính phủ Mỹ và các chính quyền địa phương đã phải chấp nhận mở các cuộc điều tra về những cách hành xử của cảnh sát vốn trước đây đã được bao che như một thứ  “sơ xuất” không đáng lên án.
Hành động bộc phát và không có tổ chức trung ương, phong trào Black Lifes Matter chủ trương sát cánh với những nhóm bị đẩy ra bên lề xã hội như các cô gái điếm, giới đồng tính, các tù nhân, những người di dân lậu...nói chung, tất cả những người bị áp bức và khinh rẻ.
Mùa thu năm 2014, Black Lives Matter đã đánh động được dư luận quần chúng khi đi thẳng vào các trung tâm thương mại lớn để gây ý thức về việc phải tăng lương tối thiểu cho công nhân. Các thành viên cũng đi vào các đại học xá để tố cáo chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc đã len lỏi vào các chương trình học cũng như những kẻ đang nắm quyền trong các đại học.
Mùa hè năm 2015, các thành viên trẻ của phong trào, phần lớn là phụ nữ, cũng đã thành công trong việc lên tiếng trong các cuộc vận động của các ứng cử viên. Họ đã đặc biệt chất vấn các ứng cử viên của Đảng Dân Chủ về việc dấn thân của họ trong cuộc tranh đấu cho công lý và bình đẳng của người da đen. Ứng cử viên Dân Chủ Bernie Sanders đã đưa vào chương trình tranh cử của ông những đòi hỏi của phong trào Black Lifes Matter. Ông hứa sẽ xét lại những hình phạt đối những hành vi phạm pháp không bao động như sử dụng ma túy hay phạm luật giao thông chẳng hạn, bởi vì những hình phạt này chỉ làm cho các nhà tù bị ứ đọng và phần lớn phạm nhân chỉ toàn là các nhóm thiểu số. Ngoài ra vì không đủ tiền mướn luật sư và không chịu đóng tiền phạt, các gia đình da đen lại phải ra hầu tòa và lại phải trả tiền nhiều hơn. Chỉ riêng các vi phạm luật giao thông, người Mỹ da đen đã đóng góp  đến 21 phần trăm ngân sách của Thành phố Ferguson.
Được nhiều người ủng hộ, nhưng Black Lives Matter cũng gặp nhiều chỉ trích và chống đối. Các nghiệp đoàn cảnh sát Mỹ là những tổ chức đầu tiên lên tiếng gọi Black Lifes Matter là một phong trào “kỳ thị chủng tộc” và “chống cảnh sát”. Một số báo lại cho rằng thật là thiển cận và ngu xuẩn khi bảo rằng chỉ có “sự sống của người da đen mới quan trọng”. Một số khác tố cáo các thành viên của phong trào bênh vực cho các “băng đảng chuyên bán ma túy” và “giết trẻ em da đen”. Và tột cùng của những lời tố cáo là Black Lifes Matter là phong trào gieo rắc sự chia rẽ trong xã hội Mỹ.
Barack Obama là người da đen đầu tiên được bầu làm tổng thống Mỹ và đã cầm quyền được 2 nhiệm kỳ. Đây là thành tích vẻ vang của cá nhân một người da đen. Nhưng số phận của người da đen vẫn không sáng sủa hơn bao nhiêu. Người da đen vẫn tiếp tục tranh đấu cho công lý và sự bình đẳng chủng tộc. Giấc mơ của cố Mục sư Martin Luther King được nhìn thấy con cái của những người nô lệ da đen được ngồi đồng bàn với trẻ con da trắng vẫn là một giấc mơ chưa tròn.

(nguồn:http://www.monde-diplomatique.fr/mav/149/LAURENT/56379)


Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Cái tôi bỉ ổi!


Chu Thập
   18/08/17

Thời tiết thay đổi. Trái đất ngày càng hâm nóng. Tháng Tám, ở các nước thuộc Bắc Bán Cầu, thiên hạ kêu trời vì nóng. Nhưng đặc biệt năm nay, ngay cả ở tận miệt dưới đang lạnh như Úc Đại Lợi, dường như ở đâu người ta cũng cảm thấy “nóng đầu” vì cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Donald Trump của một  Hoa Kỳ “vĩ đại” và lãnh tụ tối cao Kim Jong Un của một Bắc Hàn cộng sản nghèo đói mà tổng sản lượng quốc gia không bằng số tiền lẻ người dân Mỹ bỏ ra để “chơi” thú kiểng. Bên chín cân, bên mười lạng. Bom nguyên tử chưa nổ, nhưng “bom miệng” văng miểng từ hai nhà lãnh đạo này cũng đủ khiến cho nhiều người hồn xiêu phách lạc rồi.
Khác màu da, khác chủng tộc, khác văn hóa, khác tôn giáo, khác trình độ và nhứt là cách biệt về  tuổi tác, nhưng xem ra hai người chẳng khác nào một cặp sinh đôi. Họ giống nhau như đúc!
Theo phân tách của một chuyên gia tâm lý Mỹ là ông Ian H.Robertson mà tôi đọc được trên báo mạng Psychologytoday (https://www.psychologytoday.com/blog/the-stress-test/201708/personality-and-potential-nuclear-confrontation), Tổng thống Trump và lãnh tụ Un đều là những cậu con trai lớn lên trong nhung lụa. Cả hai đều được bà mẹ nuông chiều và đều ngưỡng mộ người cha say mê quyền lực. Với Trump thì đó là quyền lực trong thế giới tài chính và địa ốc tại New York. Còn Un thì lớn lên trong một triều đại mà từ ông nội cho đến cha,  quyền lực chỉ được thể hiện bằng đàn áp, tàn sát và hiếu chiến. Người cha của ông Trump luôn dạy cho con phải bằng mọi giá trở thành một “sát thủ” trong thế giới địa ốc. Còn Un thì lớn lên với niềm tin tưởng rằng giết người là một hành động cần thiết và chính đáng để bảo vệ xứ sở và gia đình, vốn là hai thực thể không thể tách rời nhau trong chế độ cha truyền con nối của Bắc Hàn.
Một người con trai của một nhà ngoại giao Bồ Đào Nha là người bạn thân của lãnh tụ Kim Jong Un khi ông được gởi đi học tại một trường trung học ở Thụy Sĩ. Người bạn này mô tả nhà độc tài Bắc Hàn như “một người hoàn toàn bình thường”. Các thày giáo tại trường trung học này cũng ghi nhận rằng Un là một học sinh “ hòa đồng, siêng năng, năng nổ và thích bóng rổ”.
Một đầu bếp Nhựt nổi tiếng là ông Kenji Fujimoto cũng tự nhận là người rất thân thiết với cậu Kim Jong Un của thời niên thiếu. Người đầu bếp này kể lại rằng ngày nọ, đang vui chơi, bỗng người thanh niên 18 tuổi dừng lại và nói: “Chúng ta đang ở đây, chơi bóng rổ, cỡi ngựa, trượt tuyết, vui đùa với nhau. Nhưng cuộc sống của người dân thường thì sao?”
Một vài thí dụ trên đây cho thấy nhà độc tài “khát máu” Bắc Hàn đã không bắt đầu cuộc sống và đi vào địa vị lãnh đạo của mình như một người điên mắc bệnh tâm thần.
Về phần Tổng thống Trump, mặc dù có đến vài chục ngàn chuyên gia tâm lý và tâm lý trị liệu Mỹ đã ký tên vào thỉnh nguyện thư để yêu cầu chẩn đoán về sức khỏe tâm thần của ông, nhưng Tiến sĩ Ian H.Robertson cho rằng ông Trump không hề là một gã điên khùng. Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý này, ông Trump vẫn là một người có khuynh hướng hung hãn, bạo động. Đây là điều mà chính ông đã tự khoe mẽ trong tiểu sử tự thuật của ông. Ông kể lại: “Ngay ở tiểu học, tôi là một đứa trẻ rất hung hãn. Lên trung học, tôi đã đấm một thày giáo bầm mắt. Tôi cũng đã đấm một thày giáo dạy nhạc vì tôi không nghĩ rằng ông ta biết gì về âm nhạc và tôi suýt bị đuổi khỏi trường”.
Cũng theo Tiến sĩ Robertson, tổng thống Trump cũng không để lộ dấu hiệu nào cho thấy ông bị rối loạn về nhân cách. Bằng chứng là có đến hàng triệu triệu người Mỹ say mê và ngưỡng mộ ông về những thành tựu  của ông trong  công cuộc kinh doanh và nhứt là trong lãnh vực truyền thông. Sự đắc cử của ông không chỉ là một chiến thắng trên những đối thủ sừng sỏ nhứt của hai đảng chính trị lớn ở Mỹ, mà còn là một cú đấm ngoạn mục vào mặt các cơ quan truyền thông chính của Hoa Kỳ.
Không phải là người mắc bệnh tâm thần, vậy thì nét tâm lý nổi bật nhứt của đương kim tổng thống Mỹ là gì? Tiến sĩ Robertson cho rằng Tổng thống Trump là người chỉ biết nghĩ đến mỗi “cái tôi” của mình. Những người như thế lúc nào cũng chờ đợi một điều duy nhứt trong cuộc sống là được ngưỡng mộ. Đây là nét tâm lý nổi trội nhứt trong con người của tổng thống Trump. Trong hầu hết các bài viễn văn hay “tuýt” của ông, nếu để ý người ta sẽ thấy  lúc nào ông cũng sử dụng đại danh từ “tôi” (“I” và “me”). Lãnh tụ Kim Jong Un cũng có một nét tâm lý y chang như thế. Trong bất cứ thước phim nào về ông được các cơ quan truyền thông công cụ Bắc Hàn cho phổ biến, lúc nào người ta cũng thấy ông đề cao cái tôi của mình. Cả hai đều thích được ngưỡng mộ, phục lụy. Cả hai lúc nào cũng nói đến “cái tôi” của mình. Cả hai đều coi mình là “thông minh nhứt nam tử” và xem trời bằng vung.
Theo các chuyên gia tâm lý, “chỉ biết nghĩ đến cái tôi” không phải là một thứ rối loạn tâm lý hay bệnh hoạn do di truyền. Nhiều người có thái độ ấy một khi nhận thấy mình có quyền trên người khác. Chính trị gia kiêm văn sĩ Anh John Emerich Edward Dalberg- Acton (1834-1902) đã để lại một câu nói rất thường được trích dẫn: “Quyền lực dễ làm cho hư đốn và quyền lực tuyệt đối làm cho hư đốn một cách tuyệt đối. Các lãnh tụ hầu như lúc nào cũng là những người xấu”. Trước ông Acton vài thập niên, Tổng thống Abraham Lincoln cũng đã từng nói: “Hầu hết mọi người đều có thể đứng vững trước nghịch cảnh, nhưng nếu bạn muốn trắc nghiệm tính tình của một người nào đó, hãy thử trao cho họ quyền lực”.
Tổng thống Trump và lãnh tụ Kim Jung Un đều là những người đã sinh ra, lớn lên, ngụp lặn và hít thở trong quyền lực. Với ông Trump là quyền lực tài chính. Còn với người thanh niên Un là quyền lực chính trị. Cả hai người đều biết rằng họ sẽ nắm trong tay nhiều quyền lực. Hiện nay, ngoài quyền lực chính trị, họ còn nắm trong tay một thứ quyền lực vô cùng nguy hiểm là, theo ngôn ngữ của đồ tể Mao Trạch Đông, “quyền lực từ lò thuốc súng”. Hiện thế giới chưa nắm chắc được khả năng nguyên tử của Bắc Hàn tới đâu, nhưng không thể phủ nhận rằng mối nguy hiểm hạt nhân của nước này là có thật. Riêng Tổng thống Trump, sau khi đe dọa sẽ cho Bắc Hàn nếm “khói lửa và cơn nộ khí”, còn cho biết Hoa Kỳ hiện vẫn là nước có kho vũ khí hạt nhân hùng mạnh nhứt thế giới và Hoa Kỳ đã “nạp đạn và sẵn sàng” bóp cò! Nghe những lời như thế cùng với lời đe dọa của lãnh tụ Kim Jong Un sẽ phóng hỏa tiễn có đầu đạn nguyên tử đến Guam, ai mà chẳng khiếp vía! Thế giới đã trở thành một nơi nguy hiểm nhứt một khi những con người như thế đang nắm trong tay quyền lực tuyệt đối. Trên nguyên tắc, nếu Tổng thống Trump muốn ra tay hành động và đánh phủ đầu Bắc Hàn, ông chỉ cần đưa ngón tay trỏ bấm vào mật mã của kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ. Nhưng dù sao, bên cạnh ông vẫn còn có các cố vấn và nhứt là Quốc hội. Sợ nhứt vẫn là thói chơi bạo không lường trước được  của Chủ tịch Un. Bất cứ ai, ngay cả người thân, cũng đều là bia nhắm của những trò chơi quái ác của ông.
Quyền lực dễ làm cho con người hư đốn bởi vì quyền lực làm cho thui chột sự cảm thông đối với người khác. Trong mọi tình huống, nơi những kẻ chỉ biết nghĩ đến cái tôi của mình, nhứt là khi họ đã có quyền lực trong tay, nguồn cảm thông hầu như đã khô cạn. Người chỉ nghĩ đến cái tôi thật ra cũng chẳng thực sự biết mình và lượng được sức mình. Không biết mình mà cũng chẳng nghĩ đến người khác cho nên, xét cho cùng, người chỉ nghĩ đến cái tôi của mình, trong những tình huống phức tạp, thường không thể làm được những phán đoán đúng đắn và lành mạnh.
Lãnh tụ Kim Jong Un chỉ mới lên cầm quyền tại Bắc Hàn từ tháng 12 năm 2011, nghĩa là chỉ mới hơn 6 năm. Luận về nhân cách, tôi cho rằng quyền lực đã làm cho người thanh niên mới 33 tuổi này hoàn toàn ra  hư hỏng. Cái tôi và tính tự cao tự đại càng cao, niềm cảm thông đối với người khác càng khô cạn thì nhân cách càng bị thui chột. Tổng thống Trump cũng chỉ mới được trao  quyền lãnh đạo của đệ nhứt siêu cường và của thế giới 7 tháng nay. Ông đã “lõi đời” trong lãnh vực kinh doanh. Nhưng có lẽ ông vẫn còn đang trong những bước chập chững trong chính trường. Còn trong trường học làm người, ông cũng chỉ như tôi mà thôi: cũng phải miệt mài học và tập để trưởng thành hơn!
Học làm người là cái học suốt cả đời và cảm thông là bài học cốt lõi trong trường học làm người ấy. Tổng thống Barack Obama không phải là một con người hoàn hảo. Nhưng ít ra khi nhìn vào cách đối nhân xử thế của ông, tôi thấy có thể tôn ông lên bậc thày.
Lâu nay, hình như ông đã lùi vào hậu trường và hoàn toàn giữ thinh lặng. Nhưng mới đây, sau khi xảy ra vụ một người thanh niên da trắng đã dùng xe ủi vào một đám đông biểu tình chống lại một cuộc biểu dương lực lượng của những người “thượng tôn da trắng” tại Charlottesville, Tiểu bang Virginia, khiến cho một phụ nữ bị thiệt mạng và nhiều người bị thương, Tổng thống Obama đã trở lại trang mạng Twitter để gởi đi một thông điệp được trích dẫn từ tư tưởng của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Kèm với bức hình chụp ông tươi cười  đưa tay sờ vào một cánh cửa sổ nhỏ để lộ khuôn mặt của ba bốn đứa trẻ khác màu da, Tổng thống Obama trích câu nói của cố Tống thống Mandela: “Không ai mới sinh ra đã biết ghét người khác vì màu da, văn hóa hay tôn giáo của họ. Họ thù ghét người khác là vì đã học được điều đó và nếu họ có thể học thù ghét thì họ cũng có thể được dạy dỗ để yêu thương. Bởi lẽ tình yêu tự nhiên xuất phát từ trái tim con người hơn là sự đối nghịch của nó” (là hận thù).
Tổng thống Obama cũng có rất nhiều “tín đồ” thích đọc các “tuýt” của ông. Nhân cuộc khủng bố tại Charlottesville, ông đã không đưa ra một lời kết án hay nhận định nào, mà chỉ trích dẫn câu nói của cố Tổng thống Nelson Mandela, kèm theo bức hình của ông với các trẻ em khác màu da. Nhiều người đã cám ơn ông vì đã gởi cho họ bức hình có kèm thông điệp ấy. Tôi cũng muốn cám ơn ông. Bức hình và thông điệp ấy nhắc tôi 2 điều. Một là: yêu thương, cảm thông, khoan nhượng là điều mà ai cũng  cần phải được dạy dỗ và học tập suốt cả đời. Hai là: quyền lực là để yêu thương và phục vụ tha nhân chớ không phải để đưa “cái tôi bỉ ổi” của mình lên. Xét cho cùng, quyền lực đích thực thuộc về những ai biết quên cái tôi của mình để biết yêu thương và phục vụ một cách vô vị lợi.









Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

Một người Nga ở Việt Nam


Chu Thập
12/03/14
Cứ nghĩ đến tình hình tại Ukraine, tôi lại bị ám ảnh bởi một người Nga. Dĩ nhiên không phải là “người Nga”trong quyển tiểu thuyết “Một người Nga ở Sài Gòn” của nhà văn Duyên Anh, mà là người Nga mà các bức tượng được dựng lên nhan nhãn trên khắp hang cùng ngỏ hẻm của Việt Nam ngày nay. Mỗi lần hình tượng của ông hiện lên trong trí thì tôi lại nghĩ đến vô số những nạn nhân trên khắp thế giới đã và đang bị đày đọa dưới muôn hình thức của khốn khổ, từ nghèo đói, lạc hậu, tù đày , áp bức đến nghiện ngập .
Không biết tại sao cứ mỗi lần đọc tên Lenine, tôi chẳng nghĩ gì đến ý thức hệ cộng sản, mà lại liên tưởng đến chai rượu Vodka và hình ảnh của những người Nga ngã nghiêng vì nghiện rượu. Dĩ nhiên, “văn hóa” nghiện ngập của người Nga đã có từ hàng bao thế kỷ trước khi Lenine sáng chế ra chủ nghĩa cộng sản. Nhưng kể từ khi “thuốc phiện ru ngủ quần chúng” là tôn giáo bị chế độ cộng sản tìm cách tiêu diệt  thì người dân Nga lại đưa Vodka lên hàng tôn giáo. Kể từ năm 1925, Vodka đã chính thức ngự trị trong các cửa hàng quốc doanh như một thứ quốc giáo. Trùm Staline đã ra lệnh độc quyền sản xuất và bán thứ rượu này. Khi các nhà lãnh đạo cộng sản Nga nhận ra sức hủy hoại của thứ tôn giáo mới này thì đã quá muộn. Cho tới nay, sau khi chủ nghĩa cộng sản đã chính thức cáo chung tại cái nôi sinh ra nó, đạo Vodka vẫn cứ tồn tại và cho người Nga nếm được “hương vị” của thiên đàng trần gian đã mất!
Theo một cuộc khảo sát được các nhà nghiên cứu Nga, Anh và Pháp đồng thực hiện và được cho công bố trên báo “The Lancet” xuất bản tại Anh Quốc, giữa năm 1990 và 2001, có đến 52 phần trăm trường hợp tử vong của dân cư tại những thành phố kỹ nghệ trong vùng Siberia trong độ tuổi từ 15 đến 54 là do nghiện rượu. Giáo sư David Zaridze, thuộc trường Đại Học Lead, Anh quốc, ước đoán rằng kể từ năm 1987, việc gia tăng xử dụng rượu đã gây ra cái chết của 3 triệu người trên toàn nước Nga. Nhưng đáng quan ngại hơn cả chính là ảnh hưởng của rượu đối với việc sút giảm dân số Nga. Theo một bản tường trình của Tổ chức Phát triển của Liên Hiệp Quốc, tuổi thọ của những người đàn ông Nga sinh năm 2006 chỉ vừa đến ngưỡng cửa 60. So với người dân Tây Âu, tuổi thọ này thấp hơn 17 lần.
Về mặt xã hội thì ảnh hưởng của tôn giáo Vodka là điều hiễn nhiên nhứt. Đầu thập niên 1980, nghĩa là vẫn còn dưới thời mồ ma cộng sản, 2 phần 3 những vụ sát nhân và tội ác bạo động đều do những người say rượu gây ra; những người lái xe dưới tác động của ma men đã khiến cho 14 ngàn người chết và 60 ngàn người bị thương. Năm 1995, nghĩa là chỉ vài năm sau khi chế độ cộng sản cáo chung, 3 phần 4 những người bị bắt giữ vì tội giết người đều gây tội ác do ảnh hưởng của men rượu và 29 phần trăm những người gây bạo hành với trẻ con trong gia đình đều là những người nghiện ngập ( x. Wikipedia, Alcoholism in Russia).
Tôi không thể nhìn bức tượng Lenine mà không nghĩ đến vô số tệ nạn xã hội do tôn giáo “Vodka” đẻ ra. Và dĩ nhiên, ngày nay, vì tượng Lenine vẫn còn nhan nhãn trên đất nước tôi, cho nên cứ thấy ông là tôi lại cũng chỉ nghĩ đến những tác hại của men rượu trên quê hương của tôi. Từ rất xa xưa, người Việt Nam đã biết uống rượu. Nhưng số người thực sự là đệ tử của Lưu Linh không phải là nhiều. Lúc nhỏ, trong cả làng, tôi chỉ đếm được năm ba người nghiện rượu. Thời Mỹ tham chiến tại Miền Nam Việt Nam, rượu Tây không thiếu, còn rượu Mỹ thì ê hề, nhưng nghiện ngập không phải là hiện tượng phổ biến trong dân chúng. Vậy mà kể từ khi tượng Lenine được dựng lên khắp nơi tại Việt Nam, văn hóa “Vodka” cũng bắt đầu xâm nhập thị trường Việt Nam đến độ ngày nay dường như người Việt Nam không chỉ “ăn để chết” mà còn “uống để chết” nữa.
Tôi nghĩ như thế khi đọc một bản thống kê được đăng trên chính các báo “lề phải” trong nước hiện nay. Trên báo Kinh tế mới đây chẳng hạn, tôi đọc được rằng thống kê lượng bia rượu tiêu thụ tại Việt Nam trong năm 2013 cho thấy trong năm qua người Việt đã tiêu thụ tới 3 tỷ lít bia. Tính ra tiền, số lượng bia rượu này trị giá đến 3 tỷ Mỹ kim. Với lượng bia rượu tiêu thụ như trên, Việt Nam được xếp vào danh sách các nước có mức tiêu thụ rượu bia hàng đầu thế giới.
Thời xa xưa, kể cả thời Pháp thuộc và thời Mỹ có mặt tại Miền Nam, rượu chưa từng là thức nước uống phổ biến của mọi người. Vậy mà ngày nay rượu đã đi vào từng sinh hoạt của người dân. Rượu có mặt trong tất cả mọi cuộc vui như cưới hỏi, sinh nhựt, hội họp... thậm chí ngay cả ma chay cũng không thể thiếu được rượu bia. Mới đây, Hội Tâm Lý học xã hội Việt Nam đã tiến hành một cuộc nghiên cứu về tình trạng xử dụng rượu bia tại Việt Nam và những tệ nạn do rượu bia mang lại. Theo cuộc nghiên cứu, có đến hơn 50 phần trăm những người được hỏi cho biết đã từng nói dối để được uống rượu bia và gần 30 phần trăm mượn tiền để được uống. Có những người, mặc dù sức khỏe không tốt và được người khác khuyên nhủ, vẫn cứ uống. Điều đáng quan ngại là có đến 40 phần trăm có dấu hiệu nghiện ngập.
Tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng uống rượu bia phổ biến nơi người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cuộc nghiên cứu nói trên chỉ ra rằng “việc người Việt uống rượu bia xuất phát từ thói quen “mọi vấn đề đều được giải quyết trên bàn tiệc”. Ngoài ra, lý do quan trọng hơn chính là “người đàn ông Việt tìm đến bia rượu để giải tỏa”. Báo Kinh Tế kết luận: “thật khó để bắt gặp một cuộc nói chuyện phiếm của 3 người đàn ông Việt mà không có chén rượu”
Đi tìm nguyên nhân của tình trạng uống rượu bia phổ biến hiện nay tại Việt Nam, tôi nghĩ một cách thật đơn giản và  qui cho cái ông Lenine hết. Mắc mớ gì ông “ở Nước Nga, sao ông lại ưỡn ngực, ông chỉ tay, ông xem như thể nước này của ông”, để rồi áp đặt lên đất nước tôi không những một ý thức hệ và chủ nghĩa vô nhân đạo, mà còn đổ vào nước tôi bao nhiêu cặn bã của nước ông  như độc tài, tham nhũng, mốc ngoặt và nổi bật hơn cả là tật “uống rượu cho chết” của dân Nga.
Riêng tôi, một người đã từng là cư dân của thành phố biển Nha Trang, tôi “hận” ông Lenin lắm, ông có biết không? Một Blogger mà tôi nghĩ có lẽ người gốc Nha Trang như tôi, cho biết ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã từng hứa hẹn sẽ cho phép Nga thiết lập cơ sở sửa chữa tàu thuyền tại Vịnh Cam Ranh. Phía Nga cũng từng yêu cầu Việt Nam để họ trở lại quân cảng này, vừa sửa chữa tàu thuyền vừa cho lính nghỉ ngơi. Như vậy là sau hơn 10 năm rút khỏi Cam Ranh, nay người Nga đang trở lại.
Blogger nói trên cho biết: dân kinh doanh của thành phố biển Nha Trang đã chắc mẩm rằng 3000 lính Nga sẽ đồn trú ở Cam Ranh trong tương lai gần. Một phép tính nhỏ: 3000 lính + 3000 vợ + 3000 con cái của họ sẽ phải ăn chơi, nghỉ ngơi và xài tiền. Thật ra, không phải đến lúc này người ta mới hay biết chuyện này. Từ cuối năm 2012, lượng khách Nga đến Nha Trang có thể đạt đến con số 100.000 lượt/năm. Nhiều cửa hiệu kinh doanh ở Nha Trang hiện chỉ còn đề song ngữ Việt-Nga. Dọc bãi biển người Nga đã chiếm hầu hết nhà cửa, có nhiều đoạn cấm không cho người Việt tắm.
Blogger nói trên bày tỏ sự lo xa của mình: “Cái này hơi ngoài lề tí. Hổng biết ai từng đi Mallorca chưa hén, một đảo cực đẹp thuộc quần đảo Baleares nằm trên Địa Trung Hải. Đây là điểm đến hấp dẫn với du khách Đức, Pháp, Ba Lan, Hà Lan, UK...Tuy nhiên hiện nay dân Châu Âu gần như đã biết mất, sau khi giới nhà giàu Nga đổ đến.
Nha Trang đang đi con đường như Mallorca. Nhìn bề ngoài tưởng hồ hởi, nhưng thực tế Nga không được đánh giá cao. Họ xài tiền nhiều nhưng theo kiểu trọc phú, không thanh lịch, sang trọng và bị xếp cùng chiếu với Trung Quốc. Một chị làm khách sạn kể, có lần toa-lét nghẹt, mới phát hiện ra mấy bạn Nga ăn cua ghẹ xong đổ rác xuống bồn cầu. Tui nè, đứng xếp hàng lấy đồ buffet cứ bị các anh chị Nga bụng đầy mỡ chen ngang dành thức ăn...
Tạm biệt Nha Trang, hổng biết bao giờ mới trở lại vì hơi bị mất hứng”(nguồn: FB Lê Nguyễn Hương Trà, Phuocbeo’s Blog).
Có lẽ rồi đây tôi cũng phải trở lại một lần cuối để vĩnh biệt Nha Trang. Sự lo xa của tôi cũng có “cơ sở”hẳn hoi. Tôi nhìn vào những gì đã và đang diễn ra tại Georgia, Gruzia và Crimea của Ukraine. Với lực lượng hải quân sẽ có mặt tại Cam Ranh, người  hết làm tổng thống rồi lại làm thủ tướng cho đến mãn đời  như ông Vladimir Putin, rồi đây cũng sẽ nại đến lý do bảo vệ kiều dân Nga đang sinh sống tại Nha Trang của tôi để đưa quân đến chiếm đóng thì  Hoa Kỳ, cả chục nước Liên Âu, Liên Hiệp Quốc cũng chẳng làm được gì. Bên trong bức tượng Lenine nào dường như cũng có sẵn một “con ngựa thành Troy” trong  đó luôn ẩn nấp những người Nga lúc nào cũng mơ trở lại thời Đại Nga và sẵn sàng chui ra lấn chiếm bờ cõi của bất cứ đất nước nào mà không mảy may sợ sự  lên án hay dư luận thế giới.
Nghĩ đến tật nghiện rượu của người dân Nga và sự kiện đa số người dân Nga ủng hộ việc tổng thống Putin ra lệnh cho quân đội xâm chiếm vùng Crimea của Ukraine, tôi không thể không liên tưởng đến câu thơ của cụ Tản Đà (1889-1939) “Cũng chỉ tại thằng dân ngu quá lợn cho nên quân nó dễ làm quan”.
Thật ra có lẽ bất công khi trách cứ người dân “ngu quá lợn” như cụ Tản Đà. Thời đại nào cũng có chính sách ngu dân. Tây thực dân đã từng có chủ trương như thế. Những người cộng sản Nga, khi để cho người dân được phép say lúy túy suốt ngày và nay một ông cựu trùm KGB Putin cũng tiếp tục chủ trương ấy, hẳn  không có mục đích nào khác hơn là  biến họ thành những con chó của Pavlov chỉ biết phản xạ theo điều kiện hơn là suy nghĩ bằng cái đầu của mình.
Bước vào tháng chay tịnh của Ki tô giáo, tôi không thể không suy nghĩ về giá trị và ý nghĩa của việc ăn uống của con người. Đã quá tuổi ăn chay theo qui định của giáo luật, nhưng tôi vẫn thấy có nhu cầu phải ăn chay và dĩ nhiên ăn chay theo cách thế riêng của tôi. Tôi không xem chuyện ăn cá hay kiêng thịt là điều quan trọng. Theo tôi, chay tịnh đúng nghĩa và có giá trị nhứt, một cách đơn giản, không những  là phải xử dụng những đồ ăn thức uống phù hợp với cách dinh dưỡng lành mạnh để được sống khỏe hầu không trở thành gánh nặng cho người thân và xã hội, mà còn phải biết chia sẻ cho những người túng thiếu đang cần được giúp đỡ. Chỉ có một lối chay tịnh như thế mới giúp tôi trở thành tự do, tự do để người khác không thể nắm lấy cái bụng của tôi để sai khiến và nhứt là tự do để suy nghĩ bằng chính cái đầu của mình.




Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

Guam: sống với mối đe dọa từ Bắc Hàn


18/08/17
Marco Martinez, một người dân Đảo Guam, đang đứng câu cá trên bãi biển. Chỗ người thanh niên 27 tuổi này  đang quăng câu chỉ cách địa điểm mà Bắc Hàn cho biết sẽ phóng hỏa tiễn có đầu đạn nguyên tử tới không đầy 50 cây số.
Đặt tất cả chăm chú vào đầu cần câu, Marco Martinez nói với phóng viên của đài CNN: “Điều gì phải đến sẽ đến. Nhưng tôi chỉ cố gắng để không nghĩ tới nó mà thôi!”.
Người thanh niên này sinh ra và lớn lên tại Đảo Guam, một lãnh thổ của Hoa Kỳ với dân số khoảng trên dưới 160.000 người. Người dân ở đây đã quen sống với những đe dọa từ Bắc Hàn. Ngay từ năm 2013, Bình Nhưỡng đã cảnh cáo Hoa Kỳ rằng hòn đảo này nằm trong tầm nhắm của hỏa tiễn liên lục địa của họ.
Tuy nhiên chỉ mới trong những ngày gần đây, Guam mới thật sự trở thành mục tiêu của một mối đe dọa đáng lo ngại từ Bắc Hàn, sau khi Liên Hiệp Quốc thông qua những biện pháp gia tăng  trừng phạt kinh tế và nhất là trong bối cảnh của cuộc chiến võ mồm giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un. Kẻ chín cân, người mười lạng. Chiến tranh nguyên tử chưa thực sự xảy ra, nhưng những lời đe dọa từ 2 nhà lãnh đạo thích “nói sảng” và tự nhận là có thể hành động một cách  không “thể tiên đoán” được cũng khiến cho cả thế giới và cách riêng người dân đảo Guam rụng rời tay chân. Theo các cơ quan truyền thông của Bắc Hàn, Chủ tịch tối cao Kim Jong Un tuyên bố rằng vào giữa tháng Tám này, sẽ có 4 hỏa tiễn liên lục địa lúc nào cũng sẵn sàng để được phóng đến Đảo Guam. Không ai biết được khi nào hay liệu nhà lãnh đạo non trẻ và hung hăn này có ra lệnh phóng 4 hỏa tiễn đó vào Guam không.
Hôm thứ sáu vừa qua, viên cố vấn an ninh nội địa của Guam là ông George Charfauros nói rằng phải mất 14 phút một hỏa tiễn liên lục địa của Bắc Hàn mới bay tới Guam.
Cũng như Marco Martinez, hầu hết các cư dân của Đảo Guam mà phóng viên CNN tiếp xúc với đều nói rằng họ chẳng phải lo sợ. Guam hiện đang là nơi có những căn cứ quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ. Các căn cứ quân sự này chiếm đến một phần ba lãnh thổ Guam và lúc nào cũng được đặt trong tình trạng ứng chiến để đối phó với những kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra.
Tuy nhiên, một nhân viên của Bảo Tàng Viện Guam là cô Jodiann Santos lại nói rằng điều này không có nghĩa là người dân Guam không lo lắng.
Thống đốc Đảo Guam, ông Eddie Calvo lúc nào cũng tìm cách trấn an dân chúng. Ông nói rằng Guam luôn được bảo vệ rất kỹ. Hoa Kỳ đã cho đặt dàn hỏa tiễn THAAD có khả năng bắn hạ bất cứ hỏa tiễn liên lục địa nào bắn vào Guam.
Thống đốc Guam nói với đài CNN: “Tại Guam, không có gì phải lo cả. Tôi không muốn che dấu hay xem thường điều đó. Chúng tôi hiểu được các mối đe dọa, nhưng chúng tôi cũng không muốn làm cho mọi người phải sợ hãi và chúng tôi không muốn vội vàng đưa ra những kết luận dựa trên các cuộc khẩu chiến”.
Câu cá là một trong những sinh hoạt giúp thư giãn nhiều nhất. Người thanh niên Marco Martinez luôn cảm nghiệm được điều đó. Nhưng dù có cố gắng cách mấy để không nghĩ đến mối đe dọa từ Bắc Hàn, anh cũng không làm sao khiến cho tâm trí mình không nghĩ tới đó. Và anh tin chắc rằng anh không phải là người duy nhất tại Guam bị ám ảnh bởi mối đe dọa ấy.
Anh nói với phóng viên của đài CNN: “Đôi khi tôi cảm thấy mọi người đều lo sợ về điều đó, nhưng họ chẳng muốn tỏ ra điều đó. Họ không muốn cho ai thấy họ đang lo sợ”.
Trong những ngày vừa qua, đi đâu người ta cũng nghe nói đến mối đe dọa từ Bắc Hàn. Có khi người ta cũng đưa cả mối đe dọa đó ra làm trò cười. Như tại tiệm cà phê có tên là Infusion Coffee chẳng hạn. Một người thanh niên phục vụ trong tiệm cà phê đã đưa mối đe dọa của Bắc Hàn ra làm đề tài để chọc cười. Mark Alex, một nhân viên phục vụ trong quán cà phê nói rằng anh xem thường mối đe dọa ấy. Anh nói: “Chúng tôi cũng biết đây là chuyện rất nghiêm trọng. Chúng tôi biết rằng bất cứ lúc nào họ (Bắc Hàn) cũng có thể bắn hỏa tiễn...nhưng tôi cho rằng nhiều người trong chúng tôi, xét cho cùng, chẳng thấy lo cho lắm”.
Dù vậy, trong lúc ăn trưa và uống cà phê tại Infusion Coffee, hầu như mọi khách hàng đều bàn tán đến mối đe dọa của Bắc Hàn. Nhưng dĩ nhiên người dân đảo Guam nói đến cuộc khủng hoảng không với giọng điệu của các chính trị gia trong đất liền tại Hoa Kỳ là nơi mà Guam rất ít khi được nhắc đến trong tin tức. Tại Guam, người dân dường như đã quá quen với những lời đe dọa từ Bắc Hàn. Aaron Burger, một cư dân đã sống tại Guam từ hơn một thập niên qua, cho biết ông không thực sự quan tâm về mối đe dọa, bởi vì từ 2 năm qua, dân chúng đã nói nhiều đến chuyện này. Theo ông Burger, điều đáng mừng cho dân Guam hiện nay là người Mỹ trong đất liền đã bắt đầu nghe nói và biết nhiều hơn về lãnh thổ được nhận làm “con nuôi” này.
Với diện tích khoảng trên 500 cây số vuông, Guam, hòn đảo lớn nhất ở cuối phía nam của Quần đảo Mariana Islands, có một lịch sử và văn hóa phức tạp. Nằm trong Đại dương châu và  ở phía Tây Thái Bình Dương trong vùng địa lý thường được gọi là Micronesia, Guam được biết đến nhiều vì vị trí chiến lược và kinh tế giữa Á châu và Bắc Mỹ.
Chamorro là sắc dân đã có mặt tại Quần đảo Mariana Islands và cách riêng tại Guam từ hơn 4000 năm nay. Và lịch sử của Guam là một chuỗi những cuộc thực dân. Nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan trong thời gian phục vụ cho triều đình Tây Ban Nha, đã trở thành người Âu châu đầu tiên đặt chân đến đảo Guam ngày 6/3/1521.  Năm 1668, Guam bị Tây Ban Nha xâm chiếm làm thuộc địa. 400 năm kế tiếp là một chuỗi những cuộc tranh giành giữa các nước.
Năm 1898, Tây Ban Nha bị Hoa Kỳ đánh bại. Với hiệp ước Paris,  Tây Ban Nha đã bị buộc phải nhượng Guam lại cho Hoa Kỳ.  Người dân Chamorros đã bắt đầu làm quen với những nguyên tắc dân chủ của Hoa Kỳ. Mọi người dân Guam đều là công dân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vì Guam không phải là một tiểu bang của Hoa Kỳ, cho nên công dân Mỹ tại Guam không được phép bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ. Tuy nhiên họ có quyền bỏ phiếu để chọn đại diện của đảng trong các cuộc bầu cử sơ bộ.
Là lãnh thổ của Hoa Kỳ cho nên trong thời  Đệ nhị Thế chiến, Guam đã bị Nhật Bản xâm chiếm sau khi nước này tấn công vào Trân Châu Cảng dạo tháng Mười Hai năm 1941. Trong 3 năm liền, Guam là lãnh thổ duy nhất của Hoa Kỳ bị các lực lượng của Nhật Bản chiếm đóng. Trong thời gian bị người Nhật cai trị, người dân Guam đã phải chịu không biết bao nhiêu cực hình như tra tấn, hãm hiếp, lao động khổ sai và ngay cả bị xử trảm. Mãi cho đến tháng Bảy năm 1944, Hoa Kỳ mới lấy lại được Guam. Ngày 21 tháng Bảy hằng năm là ngày Giải Phóng của đảo. Ngày này luôn được đánh dấu bằng những lễ hội vui nhộn.  Kể từ năm 1944, đảo này đã trở thành địa điểm chiến lược của Hoa Kỳ và quân đội đồng minh.
Với căn cứ không quân Andersen, Guam đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến tranh Việt Nam. Chính từ Guam mà không lực Hoa Kỳ đã thực hiện các vụ ném bom xuống Bắc Việt từ giữa thập niên 1960. Năm 1975, sau khi Miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản, Guam đã đón nhận khoảng 100.000 người Việt tỵ nạn. Năm 1996, đảo này cũng đã là nơi tạm trú của trên 6000 người tỵ nạn Kurd.
Ngày nay, với bộ mặt ngày càng đa văn hóa, người dân Guam vừa hưởng được cuộc sống văn minh tiến bộ, vừa tiếp tục duy trì ngôn ngữ, văn hóa và tinh thần của người bản địa. Kể từ thập niên 1960, kinh tế của Guam tăng trưởng mạnh nhờ hai loại kỹ nghệ: du lịch và sự hiện diện của quân đội Mỹ! Và dĩ nhiên, do vị trí chiến lược của mình, Guam lại tiếp tục bị Bắc Hàn đe dọa.
Dù vậy, như ông Aaron Burger, phần lớn người dân Guam vẫn tỏ ra lạc quan. Cho tới nay, không có dấu hiệu nào cho thấy người dân Guam nghĩ đến chuyện rời bỏ xứ sở của họ.
Không riêng gì người dân Guam, mà du khách ngoại quốc cũng không tỏ ra nao núng trước mối đe dọa của Bắc Hàn. Với những bãi  cát trắng xóa, Guam là một địa điểm du lịch nổi tiếng, nhất là đối với người Nhật và người Nam Hàn.
Hiện vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy du khách đình hoãn các chuyến bay đến Guam. Các khách sạn và trung tâm nghỉ mát trên đảo lúc nào cũng chật ních. Tìm được một phòng trống tại những nơi này không phải là chuyện dễ dàng.
Tổng thống Donald Trump cũng tin tưởng rằng mối đe dọa của Bắc Hàn chỉ làm tăng thêm sự nổi tiếng của Guam và giúp cho đảo này thu hút thêm khách du lịch mà thôi. Trước khi trấn an người dân Guam, Tổng thống Trump đã nói với các ký giả tại New Jersey rằng ông tin tưởng là Guam sẽ “rất an toàn” và đe dọa Bắc Hàn rằng họ sẽ gặp “rắc rối to” nếu họ tấn công Guam. Riêng với thống đốc Guam, ông Eddie Calvo, trong một băng hình được chính ông này cho phổ biến trên Facebook, Tổng thống Trump đã nói với ông: “Tôi có thể nói với ông điều này: ngành du lịch sẽ gia tăng đến gấp 10 lần...do đó tôi xin chúc mừng ông”. Tổng thống Mỹ nói thêm với Thống đốc Guam: “Chúng tôi sát cánh với quý vị đến 1.000 phần trăm. Quý vị sẽ an toàn. Quý vị đã nổi tiếng vô cùng. Trên khắp thế giới người ta đang nói tới Guam và nói về quý vị”.
Tuy nhiên, không biết sẽ được Hoa Kỳ che chở và được an toàn cỡ nào, cơ quan an ninh của Guam đã cho phổ biến một số những chỉ dẫn để đề phòng khi bị tấn công. Chẳng hạn cơ quan an ninh của Guam khuyên dân chúng “không nên nhìn thẳng vào ánh chóp hay trái cầu lửa”: nó sẽ làm mù mắt!  Hoặc “nếu có báo động về một cuộc tấn công, hãy tìm cách trốn nhanh hết sức có thể dưới bất cứ cơ sở nào làm xi măng hay dưới lòng đất”.
Chính phủ Guam cũng khuyên dân chúng nên chuẩn bị những trang thiết bị cần thiết cũng như chỉ ra một số nơi trú ẩn tại mỗi địa phương.
Người dân Guam xem ra đã quá quen thuộc với những chỉ dẫn và báo động như thế.
Sở dĩ người dân Guam và du khách nước ngoài không để lộ những dấu hiệu lo lắng hay sợ hãi là vì họ đã quen với tình trạng có xung đột trên đảo. Một nhân viên làm việc tại Bảo Tàng Viện Guam đã nói với đài CNN: “Nếu các thế hệ đi trước của chúng tôi đã sống được với nó (các cuộc xâm lăng và xung đột) thì chúng tôi cũng có thể sống được như thế”. Người đàn ông sinh ra và lớn lên tại đảo này quả quyết: “Trên thế giới này, ngoại trừ Thượng Đế, chẳng có ai có thể bắt tôi phải dọn đi chỗ khác và ra khỏi ngôi nhà của tôi”.

(Nguồn:
-http://edition.cnn.com/2017/08/11/asia/guam-north-korea-scene/index.html
-http://www.visitguam.com/chamorro-culture/history/
-http://www.abc.net.au/news/2017-08-12/donald-trump-tells-guam-north-korean-threat-a-tourism-boost)



Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2017

Làm hòa với chính mình.


Chu Thập
Tháng Tám là cao điểm của mùa hè tại các nước Tây Phương. Người ta đua nhau đi nghỉ. Nghỉ hè là chuyện thường tình thôi. Ai mà chẳng cần  đi nghỉ. Vậy mà năm nay, giới truyền thông lại chú ý đến những ngày nghỉ của những kẻ quyền thế trên thế giới, cứ như thể đây là những người mới thực sự cần nghỉ ngơi.
Trước hết là chuyến đi nghỉ của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Siberia. Năm nay, Điện Cẩm Linh cho phép hay đúng hơn khuyến khích  các phó nhòm  tùy thích bấm máy  và phổ biến những hình ảnh tiêu biểu trong chuyến đi nghỉ hè của con người hiện đang hét ra lửa tại Nga và cũng đang làm cho cả thế giới run sợ.
Nhìn ông Putin mình trần như “Anh Vọi” trong  truyện Trống Mái của nhà văn Khái Hưng , tay cầm cần câu với một con cá đang mắc câu, tôi thấy thèm quá. Dân ham câu cá như tôi chỉ cần thấy nước,  cần câu và cá  là mê mẩn rồi!
Bên cạnh những sinh hoạt khác như lặn sâu dưới nước hay đi dạo trong rừng, hình ảnh nổi bật nhứt của “người hùng” nước Nga vẫn là tấm thân trần, lực lưỡng và trẻ trung. Ngoại trừ tổng thống Barack Obama là người, sau khi rời Tòa Bạch Ốc đã trở lại Nam Dương, nơi ông đã từng trải qua nhiều năm khi còn bé, cũng ăn mặc thoải mái để trượt sóng, tôi thấy ít có vị nguyên thủ quốc gia nào thường khoe tấm thân trần như ông Putin. Khi thì mình trần đi câu cá, lúc thì mình trần cỡi ngựa, khi thì mình trần bắn súng, bắn cung. Người ta bảo ông rất quan tâm đến việc trau chuốt thể hình. Cựu thủ tướng Úc Tony Abbott của tôi cũng một thời thích ra bờ biển để khoe tấm thân vai u thịt bắp hay đôi chân dẻo dai trên chiếc xe đạp của ông. Người La Mã thời xưa đã chẳng liên kết thể lực với sức khỏe tinh thần khi nói “một tinh thần lành mạnh trong một thân xác tráng kiện” đó sao. Tôi tin rằng người cựu sĩ quan  mật vụ KGB thời Liên Xô với  đai đen nhu đạo Vladimir Putin  là một lãnh tụ rất khỏe mạnh. Có một thân xác tráng kiện thì mới có đủ năng lực tinh thần và tâm lý mạnh mẽ để lãnh đạo đất nước.
Nhưng trong tấm thân trần của ông Putin, tôi lại đặc biệt chú ý đến một chi tiết nhỏ: ông có đeo một sợi giây chuyền có một cây thánh giá nhỏ. Nhỏ nhưng cũng đủ để cho bất cứ ai nhìn vào ngực ông cũng đều thấy. Thánh giá là biểu tượng cốt lõi của Kitô Giáo. Ông Putin muốn chứng tỏ ông là một người “có đạo”. Ông luôn giữ được mối quan hệ rất mật thiết với giới lãnh đạo của Chính thống giáo, vốn là tôn giáo của đa số người Nga hiện nay.
Nhìn cây thánh giá nhỏ trên chiếc ngực trần của ông Putin và mối quan hệ mật thiết của ông với Giáo hội Chính thống Nga, tôi cứ nghĩ đến điều mà nhà đạo của tôi thường cảnh cáo là chớ “làm ố danh sự đạo”. Cứ nhìn vào những hành động của ông như đàn áp dã man những người đối lập trong nước, ngang nhiên xâm chiếm lãnh thổ của nước khác, củng cố chế độ độc tài tại Syria hay lăm le đe dọa hòa bình tại một số nơi khác trên thế giới, tôi sợ rằng Chúa Giêsu của tôi  lại phải bị đóng đinh thêm một lần nữa.
Có người còn nói rằng tài sản của ông, mặc dù không được chính thức công bố, có thể còn nhiều hơn cả những người giàu có nhất hiện nay như ông chủ của công ty Amazon Jeff Bezos hay Bill Gates. Hư thực thế nào chẳng ai biết. Nhưng trong một chế độ độc tài như Nga, trong đó bất cứ một cuộc biểu tình chống tham nhũng nào cũng bị đè bẹp, lãnh tụ có thu tóm vào tay mình mọi tài sản quốc gia cũng chẳng có gì đáng gây ngạc nhiên cả. Cây thánh giá trên chiếc ngực trần của ông làm cho một tín hữu Kitô như tôi cảm thấy hổ thẹn.
Từ Siberia của Nga, tôi bay hàm thụ qua Hoa Kỳ để cũng theo đóm ăn tàn trong chuyến đi nghỉ kéo dài 17 ngày của Tổng thống Donald Trump tại sân Golf riêng của ông ở Bedminster, Tiểu bang New Jersey. Thật ra chuyện chẳng có gì để nói. Giới truyền thông bị ông Trump cho là chuyên tung “tin giả” và gán cho nhãn hiệu “kẻ thù của nhân dân Mỹ” cứ vạch lá tìm sâu; chuyện gì cũng muốn bới móc cả. Tổng thống Mỹ nào mà mỗi năm không đi nghỉ hè!
Lẽ ra thì tôi cũng chẳng màng đến chuyện Tổng thống Trump đi nghỉ hè hay mỗi cuối tuần về nghỉ xả hơi ở nhà nghỉ mát Mar a Lago của ông tại Tiểu bang Florida. Hy sinh vì dân vì nước như tổng thống Mỹ thì lại càng phải đi nghỉ nhiều hơn bất cứ ai. Nhưng năm nay, giới truyền thông lại chú ý đến chuyến đi nghỉ 17 ngày này là vì một số lời tuyên bố trước đây của ông. Chẳng hạn trong cuốn sách có tựa đề “Think like a Billionaire” (suy nghĩ như một tỷ phú), xuất bản năm 2004, tỷ phú địa ốc Trump đưa ra lời khuyên: “Đừng đi nghỉ. Để làm gì? Nếu bạn không yêu thích công việc của bạn, thì bạn chọn sai việc làm rồi”.
Trước khi trở thành chủ nhân của Tòa Bạch Ốc, ông cũng đã không ngừng chỉ trích việc Tổng thống Barack Obama thích chơi Golf. Trong một “tuýt” bắn đi ngày 16 tháng Tám năm 2011, ông viết: “Barack Obama mới chơi Golf ngày hôm qua. Vậy mà nay lại đi nghỉ 10 ngày nữa tại Martha’s Vineyard. Đạo đức chức nghiệp như thế ư?”
Thật ra nếu làm một cuộc so sánh, người ta thấy kỳ nghỉ hè tháng Tám của ông Trump dài gấp hai lần kỳ nghỉ hè cùng thời kỳ của Tổng thống Obama trong nhiệm kỳ đầu tiên. Đó là chưa kể những ngày nghỉ cuối tuần đều đặn của ông tại những trung tâm nghỉ mát riêng của ông. Vậy mà trong một cuộc vận động bầu cử hồi năm ngoái, khi chỉ trích chuyện chơi Golf của ông Obama,  ông đã cam kết với một đám đông tại Tiểu bang Virginia: “Tôi sẽ làm việc cho quý vị. Tôi sẽ không có giờ để chơi Golf”. Rồi mới đây, ông lại nhắn nhủ các thượng nghị sĩ Quốc hội Liên bang đừng đi nghỉ hè bao lâu họ không thông qua được một dự luật y tế khác để bãi bỏ luật y tế của Tổng thống Obama. Chẳng có vị thượng nghị sĩ nào chịu “nghe lời” ông cả. Dại gì. Tổng thống nào mà chẳng cần đi nghỉ. Chính trị gia nào mà chẳng cần đi nghỉ.
Chỉ thương cho dân Mỹ thôi. Theo Trung tâm Nghiên cứu về Kinh tế và Chính sách (Center for Economic and Policy Research), công nhân tại hầu hết các nước Âu Châu mỗi năm đều được 20 ngày nghỉ hay hơn. Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan cũng buộc giới chủ nhân phải cho phép nhân viên được nghỉ mỗi năm ít nhứt 20 ngày. Còn tại Pháp thì công nhân mỗi năm được tha hồ nghỉ đến cả 30 ngày. Riêng người dân Thụy Điển thì lại được hưởng  trọn 5 tuần lễ nghỉ.
Hoa Kỳ là nước phát triển và giàu có chẳng giống quốc gia “vĩ đại” nào cả. Hầu hết người dân Mỹ chỉ được nghỉ 2 tuần. Một số sợ mất việc đến nỗi  không dám lấy ngày nghỉ! Năm 2016, có đến 54 phần trăm dân Mỹ cho đến cuối năm vẫn còn ngày nghỉ. Theo một cuộc nghiên cứu của Hiệp hội Du lịch Mỹ, tính ra trên toàn nước Mỹ có đến 662 triệu ngày nghỉ vẫn còn nguyên!
Theo thống kê của Phòng Lao Động Mỹ, gần một phần ba người Mỹ đi làm mà không được trả lương khi khai nghỉ bệnh (sick leave) và hơn một phần tư không hề biết thế nào là thời giờ dành riêng cho mình. Chỉ có một số tiểu bang như California và New York yêu cầu giới chủ nhân phải trả tiền khai nghỉ bệnh cho nhân viên mà thôi!
Theo trang mạng Glassdoor chuyên về công ăn việc làm, cứ 3 người Mỹ đi làm thì có hai người nói rằng năm ngoái họ vẫn đi làm thêm trong kỳ nghỉ của họ. Không biết Tổng thống Trump có vừa chơi Golf vừa làm việc cho đất nước như Đài BBC đã nêu lên câu hỏi không (BBC, Trump’s 17-day holiday causes a stir).
Trong tuần, hầu như ngày nào tôi cũng theo dõi chương trình “The Chase” (cuộc săn đuổi) trên đài số 7. Hầu hết tất cả những người tham dự chương trình “đố vui để có tiền” này đều bày tỏ một ước muốn giống nhau: có được chút đỉnh tiền để đi du lịch!
Tôi không có tham vọng và cũng chẳng có đủ trình độ để ghi tên tham dự chương trình “The Chase”. Đi du lịch thì tôi thích lắm. Nhưng không hẳn phải nghỉ thì mới đi du lịch. Ở tuổi hưu, tôi nghỉ theo cách của tôi. Mỗi ngày tôi tìm lúc nghỉ xen kẽ với công việc nên không cần đi nghỉ nữa nhưng vẫn phải có đi chơi. Không đi ra nước ngoài được thì cũng làm những chuyến du lịch bỏ túi trong nước. Cứ nghe nhà tôi nói tới “đi chơi” là tôi sáng mắt liền. Đi xa hay đi gần, cứ đi được một ngày đàng là học được một sàng khôn. Không học thêm được chút kiến thức về địa lý thì cũng làm quen được với một số người. Nhứt là cứ đi là thấy thư giãn và nhớ ngôi nhà, ngôi vườn cũng như gia súc của mình. Nói cho cùng, cứ ra khỏi nhà là nhận ra rằng chẳng có nơi nào bằng ao nhà cả!
Trong những năm làm việc bên Phi Luật Tân, năm nào tôi cũng làm một chuyến đi nghỉ xa và lâu. Tôi nghiệm ra một điều: giây phút cảm thấy lâng lâng sung sướng nhứt là khi máy bay cất cánh và hạ cánh. Chuyến đi cũng như chuyến về. Sung sướng lúc ra đi là thấy người nhẹ nhõm vì đã chuẩn bị xong mọi thứ, xếp lại mọi sợi giây vướng bận, buông bỏ mọi nỗi ưu tư phiền muộn. Sung sướng lúc bước chân về lại ngôi nhà cũ mình đã từng ở là cảm thấy đó vẫn là nơi mình thích sống nhứt.
Tôi nghiệm ra một điều: hành trang quan trọng và cần thiết nhứt  cho một chuyến đi nghỉ là cái tâm an bình. Người buồn thì cảnh có vui đâu bao giờ. Không có cái tâm an bình thì dù có nghỉ bao nhiêu ngày, có đi đến một địa điểm du lịch nổi tiếng cách mấy, có nhìn ngắm cảnh đẹp bao nhiêu, có thưởng thức  được bao nhiêu của ăn vật lạ hay được tiếp đón như “thượng đế” đi nữa, cũng chẳng thụ hưởng được gì và có lẽ cũng chẳng được bồi bổ bao nhiêu. Nếu cái tâm không được bình an thì đi nghỉ có lẽ cũng giống như cạo gió ngoài da, uống thuốc an thần hay chơi ma túy mà thôi. Người ta có thể chạy trốn được nơi mình đang sống, nhưng chẳng có ai chạy trốn được chính mình.
Tôi cũng nhận thấy một điều khác: có được cái tâm an bình là “sự nghiệp” phải xây dựng và đeo đuổi từng giờ từng phút, suốt cả đời. Bao lâu còn sống là bấy lâu còn chiến đấu để có được an bình nội tâm. “Nghỉ ngơi” theo đúng nghĩa không chỉ là ngồi bất động hay lên đường đi nghỉ ở một nơi khác. Nghỉ ngơi trong thế giới bận rộn hôm nay là biết minh định điều gì là cần thiết cho tâm an bình, điều gì cần buông bỏ để tinh thần nhẹ nhàng thoải mái. Vì vậy, nghỉ ngơi, theo tôi nghĩ, là không ngừng chiến đấu để dẹp bỏ cái tôi tham lam, ích kỷ, ôm đồm để xây dựng và điều chỉnh mối quan hệ hài hòa với mọi người cũng như làm hòa với chính mình. Nói cho cùng nghỉ ngơi là tập sống vị tha, tử tế và nhứt là cảm thông với người khác, bởi vì chỉ có sống như thế mới có được an bình nội tâm.
Người ta thường ghi trên bia mộ của người quá cố “hãy nghỉ ngơi trong an bình” (requiescat in pace, repose in paix, rest in peace, R.I.P). Người chết thì đàng nào cũng được yên nghỉ rồi, đâu cần phải cầu chúc nữa!  Chỉ có người sống mới thực sự cần được “yên nghỉ” thôi. Và nếu có được an bình nội tâm thì cuộc sống mỗi ngày cũng có thể là một nơi để “nghỉ ngơi” chớ không cần phải đi nghỉ đâu xa cho mệt!