Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2019

Thượng Đế cũng phải khóc!



Chu Thập
24/11/19
Thời gian gần đây, tuy mùa hè chưa đến, nhưng Úc Đại Lợi cũng đã chìm  ngập trong khói lửa vì nạn cháy rừng. Ngày nay, dựa trên các chứng cớ khoa học, hầu như ai cũng đều nhìn nhận rằng một số thiên tai là hậu quả của hiện tượng khí hậu thay đổi mà con người đã và đang góp phần tạo ra. Tuy nhiên, cũng không thiếu người phủ nhận hiện tượng và đi tìm giải thích ở những nguyên nhân sâu xa hơn. Như trường hợp tuyển thủ Rugby nổi tiếng của Úc Đại Lợi là anh chàng Israel Fulau. Nổi tiếng trong thể thao, Fulau cũng nổi tiếng vì những lời tuyên bố gây tranh cãi. Mới đây, vào giữa lúc bao nhiêu người Úc phải lâm cảnh chết chóc và nhà tan cửa nát vì các trận hỏa hoạn, cựu tuyển thủ 30 tuổi này đã lên tiếng giảng dạy: “Trong những tuần lễ vừa qua, tôi đã theo dõi các biến cố xảy ra tại Úc Đại Lợi như thiên tai, cháy rừng và hạn hán. Con người đang hủy hoại trái đất. Họ đã bất tuân luật lệ, vi phạm các chuẩn mực và xé bỏ giao ước muôn đời. Do đó một lời nguyền đang đốt cháy trái đất. Con người phải gánh chịu vì tội lỗi của họ”.
Thoạt nghe qua, tôi thấy nội dung của lời giảng dạy của Fulau cũng chẳng khác bao nhiêu so với những lời giảng dạy mà tôi đã từng nghe từ miệng của bất cứ mục sư hay linh mục nào.
Nhưng người cựu tuyển thủ này không dừng lại ở đó. Anh khẳng định rằng các trận hỏa hoạn làm cho 6 người bị thiệt mạng và bao nhiêu nhà cửa bị thiêu rụi là một sự trừng phạt của Thiên Chúa trước tội ác tày đình của Úc Đại Lợi là hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và cho phép phá thai. Anh lên lớp: “Hỡi các người, Thiên Chúa đang nói với các người đó. Úc Đại Lợi cần phải sám hối và xóa bỏ các luật này và quay về đường ngay nẻo chính”.
Bài giảng kéo dài 10 phút của ông “mục sư” trẻ này đã đưa tôi trở về thời niên thiếu. Thời đó, tôi nhìn đâu cũng thấy tội và nhìn đâu cũng thấy bàn tay trừng phạt của Thiên Chúa. Tôi đã được nhào nặn như thế. Trong con mắt thơ dại của tôi, hình ảnh ông kẹ và bà chằng của vị linh mục quản xứ và các bà xơ là một phản ảnh của dung mạo “dữ dằn” của một Thiên Chúa mà tôi cho là ánh mắt lúc nào cũng theo dõi rình rập tôi và bàn tay lúc nào cũng sẵn sàng để giáng xuống một sự trừng phạt đích đáng. Thật ra, trong việc uốn nắn và dạy dỗ tôi trong niềm tin tôn giáo, phải nói bà mẹ “đạo đức” của tôi có nhiều công trạng nhứt. Lúc nào bà cũng nói đến chiếc đồng hồ không ngừng gõ nhịp “đời đời, đời đời” trong hỏa ngục. Bất cứ hành vi nào của con người cũng được mẹ tôi quy ra tội và cân đo bằng một hình phạt tương xứng. Ngày Chúa Nhựt mà bỏ lễ, trốn đi câu cá hay bắt dế là phạm tội trọng. Mà hễ phạm tội trọng thì đương nhiên chết phải sa hỏa ngục tức khắc. Ngay cả “làm việc xác” ngày Chúa Nhựt cũng là một tội trọng. Thành ra, lúc nào mẹ tôi cũng căn dặn anh em tôi: làm gì thì làm, ngày Chúa Nhựt không được trèo cây, Chúa sẽ phạt “chết tươi ăn năn tội chẳng kịp” thì chỉ có nước đi hỏa ngục “đời đời kiếp kiếp chẳng cùng” mà thôi!
Phải thú nhận rằng, thời niên thiếu, bên cạnh vô số những kỷ niệm đẹp nhứt trong cuộc đời, lúc nào tôi cũng cảm thấy bị “khủng bố” và phải sống trong sợ hãi triền miên.Tôi “giữ đạo” vì sợ. Quan hệ của tôi với Thiên Chúa là quan hệ của sợ hãi hơn là kính mến.
Cũng may, càng thêm tuổi đời, niềm tin tôn giáo của tôi càng được tinh  luyện: hình ảnh của một Thiên Chúa lúc nào cũng rình rập để trừng phạt con người ngày càng vơi đi để nhường chỗ cho một Thiên Chúa gần gũi hơn để tha thứ, để cảm thông, ngay cả để khóc trước nỗi  khổ đau của con người hơn là trừng phạt. Thật ra, nhân loại dường như cũng ngày càng trưởng thành hơn để không còn quy cho Thiên Chúa những hình phạt mà con người phải gánh chịu.
Trong cuốn sách “Brief Answers To Big Questions” (Những giải đáp ngắn cho những câu hỏi lớn) được xuất bản năm 2018, tức một thời gian ngắn sau khi ông qua đời, nhà bác học nổi tiếng Stephen Hawking viết rằng khoa học ngày càng trả lời cho những câu hỏi vốn trước kia thuộc lãnh vực tôn giáo. Trước kia, con người cho rằng Thiên Chúa làm mọi sự: động đất, bão lụt, cháy rừng, hạn hán, mất mùa và mọi thứ ôn dịch, nếu không là một lời cảnh cáo của Thiên Chúa thì cũng là sự trừng phạt mà Ngài giáng xuống trên con người vì  tội lỗi của họ. Ngày nay, khoa học nói với tôi rằng tất cả mọi thiên tai đều là những hiện tượng tự nhiên của trời đất. Tôi tin các nhà khoa học. Gần đây, với bản tuyên ngôn mang chữ ký của 11.000 khoa học gia trên khắp thế giới kêu gọi hãy có hành động tức khắc chống lại khí hậu thay đổi, tôi thấy rằng đây là một hiện tượng mà con người không thể ngay cả nhân danh tôn giáo để phủ nhận.
Tệ hại hơn cả việc nhân danh tôn giáo để phủ nhận một hiện tượng tự nhiên, có người còn nại đến uy danh của Thiên Chúa để sát hại vô tội vạ người đồng loại của mình. Thật ra đâu chỉ có tổ chức khủng bố “Quốc gia Hồi giáo” mới nhân danh Đấng Allah vĩ đại để biện minh cho hành động tội ác của họ. Trong phần cuối của bài diễn văn về tình trạng liên bang dạo tháng Giêng năm 2003, trước khi đem quân sang đánh Iraq,  Tổng thống George W. Bush cũng đã nại đến Thiên Chúa để tiến hành cuộc xâm lăng. Tổng thống Bush nói: “Người Mỹ là một dân tộc tự do. Họ biết rằng tự do là quyền của mỗi một con người và tương lai của mọi dân tộc. Tự do mà chúng ta trân quý không phải là quà tặng của Hoa Kỳ cho thế giới mà là quà tặng của Thiên Chúa cho nhân loại”.
Mặc cho Liên Hiệp Quốc và rất nhiều nước Tây Phương có phản đối, Tổng thống Bush vẫn ra lệnh cho quân đội hùng mạnh của Hoa Kỳ tấn công và xâm chiếm Iraq để gọi là đem “món quà tặng của Thiên Chúa” là tự do đến cho dân tộc Iraq. Có thể sau cuộc xâm lăng của Hoa Kỳ, nhân dân Iraq đã được giải thoát khỏi ách cai trị độc tài của Saddam Hussein và hưởng được tự do. Tổng thống Bush và nhiều người Mỹ hẳn cũng hãnh diện vì đã hoàn thành “sứ mệnh” được Thiên Chúa trao phó là mang tự do đến cho nhân dân Iraq.
Trên đồng bạc của Hoa Kỳ lúc nào cũng có câu “Chúng tôi tin tưởng nơi Thiên Chúa” (In God we trust). Nhiều người Mỹ vẫn tự hào mình là một dân tộc “dưới quyền Thiên Chúa” (a nation “under God”). Vì luôn được Thiên Chúa ưu ái dẫn dắt cho nên nhiều người cũng tin rằng ngay cả nguyên thủ quốc gia của họ cũng được Thiên Chúa tuyển chọn. Đương kim Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục được rất nhiều người tin tưởng như người được Thiên Chúa chọn (The Chosen One) và sai đến để chấn hưng các giá trị truyền thống của Hoa Kỳ. Chính vì vậy mà ông vẫn được tin tưởng và ủng hộ ngay cả khi nếu ông có tỉnh bơ rút súng bắn  người ở đại lộ Fifth Avenue, New York ngay giữa thanh thiên bạch nhựt.
Tôi không tin có môt Thiên Chúa như thế. Hoặc như tác giả Ký Gà của tờ Thời Báo bên Giã Nã Đại đã mỉa mai, nếu Thiên Chúa đã tuyển chọn Tổng thống Trump thì có lẽ Ngài đã say xỉn!
Là một người hữu thần, tôi tin có một Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã dùng cả cuộc sống và cái chết của Ngài để tỏ lộ. Đó là một Người Cha yêu thương và tha thứ hơn là trừng phạt. Đó là một Thiên Chúa mà tôi chỉ có thể cảm nhận được sự hiện diện và tác động qua những cử chỉ yêu thương, tha thứ, cảm thông, khoan nhượng và tử tế hơn là thái độ thù hận, hung hăng và ích kỷ của con người.








Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2019

Phân hóa quốc Hoa Kỳ



Chu Thập
Christine M nói rằng người dượng ghẻ của cô đã không bay đến Tiểu bang Utah để dự đám cưới của cô. Lý do là vì 2 người có lập trường chính trị khác nhau: cô là người chống Tổng thống Donald Trump, còn ông thì lại phò Trump. Justin M sẽ không đội cái mũ có khẩu hiệu MAGA (Make America Great Again, “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump) tại quê quán của mình là thành phố Boston vì sợ bị làm nhục. Richard G, một cử tri không ủng hộ đảng nào tại Tampa, Tiểu bang Florida, thì lại dán trước cửa nhà khẩu hiệu “No Political Zone” (khu vực phi chính trị), sau khi bị nhiều bạn đồng nghiệp của mình, vốn là những người ủng hộ ông Trump, khiêu khích ông tranh luận về những đề tài chính trị nóng bỏng nhất.
Mano Benavente,  một người thuộc đảng Cộng Hòa tại Tiểu bang North Carolina, đưa ra nhận xét: “Hiện nay tranh luận chính trị là một cuộc đấu võ  đẫm máu”.
Trên đây chỉ là một vài mẩu chuyện điển hình về thực tế mà người Mỹ hiện nay đang phải đương đầu. Nhiều bậc phụ huynh không còn muốn cho con cái mình lấy những người thuộc một đảng khác. Có đến 35 phần trăm những người thuộc đảng Cộng Hòa và 45 phần trăm những người ủng hộ đảng Dân Chủ có chủ trương như thế. Những người công nhân, như ông Richard G, cho rằng không nên đưa chính trị vào chỗ làm việc. Và phần đông người Mỹ không muốn đưa chuyện của Tổng thống Trump ra bàn bạc trong bữa tiệc gia đình nhân ngày Lễ Tạ Ơn hàng năm. Một số người có lý để lo ngại rằng Hoa Kỳ đang trên bờ vực của một cuộc Nội Chiến.
Trong năm 2019 này, chỉ có một điều hiện đang liên kết mọi người Mỹ lại với nhau. Điều đó là: họ đang chia rẽ biết chừng nào!  Thật vậy, theo Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo (The Public Religion Research Institute), có 91 phần trăm người Mỹ cảm thấy Hoa Kỳ đang bị phân cực và 74 phần trăm cho rằng họ “cực kỳ” chia rẽ!
Hiện nay chính trị là giềng mối chính gây căng thẳng cho người Mỹ. Theo Trung Tâm Nghiên Cứu Pew (The Pew Research Center) khoảng 50 phần trăm những người ủng hộ đảng Cộng Hòa và gần 60 phần trăm những người theo đảng Dân Chủ nói rằng thảo luận về một số vấn đề có tính đảng phái như phá thai, di dân hay kiểm soát súng đạn, có thể tạo ra căng thẳng và thất vọng. Và cường độ căng thẳng có thể dẫn đến những chứng như tức ngực, nhức đầu và mất ngủ. Thành ra không có gì phải ngạc nhiên khi có nhiều người Mỹ nhìn nhận rằng họ mất ngủ và bị trầm cảm vì những căng thẳng chính trị.
Nhưng tệ hại hơn nữa, sự phân hóa chính trị lại gia tăng nguy cơ bạo động. Một khi đã bắt đầu tự nhận mình thuộc đảng này hay đảng kia, người ta tự cô lập và ngày càng có cái nhìn cực đoan. Theo các số liệu của 2 cuộc thăm dò trên toàn quốc, 15 phần trăm người Mỹ tự nhận thuộc đảng Cộng Hòa và 20 phần trăm theo đảng Dân Chủ cho rằng đất nước Hoa Kỳ sẽ tốt đẹp hơn nếu những người thuộc đảng bên kia “chết tiệt” cho rồi! Và gần 10 phần trăm những người tự nhận thuộc về đảng này hay đảng kia nghĩ rằng bạo động là điều có thể chấp nhận được nếu ứng cử viên thuộc đảng kia thắng cử. Mặc dù những cá nhân suy nghĩ như thế chỉ là một thiểu số, nhưng một suy nghĩ như thế quả là điều đáng báo động.
Dĩ nhiên, đây không phải là lần đầu tiên có một sự phân hóa chính trị như thế tại Hoa Kỳ. Thời kỳ lập quốc, tổng thống Mỹ đầu tiên, George Washington, đã cảnh cáo về những nguy hiểm của óc bè phái. Trong bài diễn văn từ giã, ông nói: “Nó (óc bè phái) khuấy động cộng đồng bằng những sự ganh tỵ không có nền tảng và nuôi dưỡng bạo động và nổi loạn”.
Những lời cảnh báo của vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ đã trở thành hiện thực không đầy 100 năm sau đó khi vấn đề nô lệ làm cho cuộc Nội Chiến bùng nổ. Cuộc chiến tranh này đã ngốn 750.000 mạng người, tức khoảng 2 phần trăm dân số. Tuy nhiên vào năm 1865, khi cuộc chiến kết thúc, người ta vẫn không thấy được một tương lai đoàn kết cho Hoa Kỳ.
Tính từ Cuộc Đại Khủng Hoảng cho đến Chiến Tranh Việt Nam, Thế kỷ 20 đã được đánh dấu bằng những giai đoạn chia rẽ về bất bình đảng kinh tế, ý thức hệ chính trị và việc sử dụng sức mạnh quân sự. Dù vậy, qua những giai đoạn ấy, lúc nào Hoa Kỳ cũng tìm được thế quân bình. Còn hiện nay, quả lắc đồng hồ dường như đã nghiên hẳn về cực điểm.
Cách đây 40 năm, hầu hết các đơn vị bầu cử đều trong tình trạng bấp bênh, nghĩa là không nghiêng hẳn về một đảng nào. Nay con số này chỉ còn lại một nửa. Ngày càng có nhiều người dọn đến những nơi mà họ nghĩ là sẽ không còn phải gặp những người không có cùng lập trường chính trị với họ.
Thật ra, phần lớn người Mỹ không phải là những người sống chết cho đảng phái. Họ là “đám đông mệt mỏi”, uyển chuyển trong chính trị và cởi mở để thỏa hiệp, nhất là khi họ muốn thấy có luật pháp rõ ràng về một số vấn đề như cải tổ luật sở hữu súng đạn chẳng hạn. Tưu trung, phần đông người Mỹ vẫn còn tỏ ra tha thiết với những giá trị cốt lõi làm nên bản sắc dân tộc của họ hơn là những bất đồng về quan điểm chính trị.
Tại một bữa tiệc được mệnh danh là “Đi tìm nước Mỹ” (Looking for America) được tổ chức tại Bảo tàng viện Lịch sử của Thành phố El Paso, Tiểu bang California,  khách mời được đề nghị mang đến một kỷ vật nói lên mối liên hệ của họ với cộng đồng.
Andrea Beltran, một văn thi sĩ có khuynh hướng tự do, đã chia sẻ tấm thẻ thông hành của bà cố nội của cô hồi năm 1920. Lúc đó nội tổ của cô chưa phải là công dân Mỹ. Theo Andrea Beltran, tấm thẻ thông hành này cho thấy “căn cước” là một điều rất khó để định vị và định nghĩa”. Trong bầu khí mà cô cho là “nặng mùi chủ nghĩa ái quốc và dân tộc” hiện nay, bà cố nội của cô nhắc nhở cô rằng nếu chỉ dựa trên thẻ khai sinh để xác định ai mới thực sự là người Mỹ là một điều vừa phức tạp vừa nguy hiểm.
Một thực khách khác là ông John Moye, một người thuộc đảng Cộng Hòa nhưng ôn hòa, mang theo một bài báo của tờ El Paso Times hồi năm 1944. Bài báo kể lại kinh nghiệm của cha ông, một tù binh trong thời Đức Quốc Xã. Cha ông đã nhập ngũ một ngày sau khi Trân Châu Cảng bị Nhật Bản tấn công. Ông đã bị bắt làm tù binh 10 tháng và sau đó trở về Texas. Ông Moye nhấn mạnh rằng bài báo đã cho thấy vào cao điểm của Đệ nhị Thế chiến, “người Mỹ đã xả thân hy sinh và không đòi hỏi phải được đáp trả nhiều”. Theo ông, đây là tinh thần ái quốc thực sự mà ông sợ rằng người Mỹ hiện nay đã đánh mất.
Tuy không đồng quan điểm chính trị, nhưng cả cô Beltran lẫn ông Moye đều muốn nhấn mạnh đến những giá trị nền tảng của Hoa Kỳ. Cô Beltran đã chọn tấm thẻ thông hành của một người không phải là công dân Mỹ để nói đến tính phức tạp và đồng thời cũng là vẻ đẹp của bản sắc người Mỹ: đa chủng tộc, đa văn hóa, đa ngôn ngữ được xây dựng trên sự đóng góp của người di dân. Quan niệm hẹp hòi về bản sắc dân tộc chỉ làm thiệt hại cho đất nước mà thôi!
Về phần mình, ông Moye nêu cao tầm quan trọng của sự xả thân hy sinh của bậc tiền bối khi nói đến bản sắc dân tộc. Thời đó, người Mỹ đoàn kết với nhau xung quanh cùng một chính nghĩa và ý thức mạnh mẽ về cộng đồng của mình. Ngày nay, đối với nhiều người, chính nghĩa và ý thức về cộng đồng đã trở thành thứ yếu.
Sự kiện hai người khác chính kiến như cô Beltran và ông Moye đã có thể ngồi chung trên một bàn ăn cho thấy, cho dẫu không có cùng một lập trường chính trị, người Mỹ vẫn có thể ngồi lại với nhau.


Thứ Hai, 4 tháng 11, 2019

Hãy nói về cuộc đời khi tôi không còn nữa


Chu Thập
4/11/19
Vì kém trí nhớ tôi ghét học thuộc lòng. Dó chính là lý do tôi không thích thơ và vì không thích thơ cho nên tôi dốt thơ. Có lận lưng được vài câu để “chém gió” thì hầu hết cũng đều là những câu đã được phổ nhạc. “Khúc Thụy Du” của thi sĩ Du Tử Lê, người vừa mới ra đi hôm mùng Bảy tháng Mười vừa qua, là một điển hình. Tôi thuộc vài câu trong ca khúc được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc này là nhờ tiếng hát của ca sĩ Tuấn Ngọc và câu mở đầu trong bài hát là câu tôi ưng ý nhứt, nhưng cứ ngẫm nghĩ mãi mà vẫn không hiểu được hết ý của tác giả. “Hãy nói về cuộc đời khi tôi không còn nữa”, không biết nhà thơ có muốn giải thích câu thơ mở đầu ca khúc không khi ông than thở: “Sẽ lấy được những gì /Về bên kia thế giới”.
Dù sao cứ mỗi lần nghe câu “Hãy nói về cuộc đời khi tôi không còn nữa”, tôi đều nghĩ đến thông điệp mà bất cứ ai khi nằm xuống, dù an bình hay tức tưởi, dù nguyên vẹn hình hài hay tan xương nát thịt, dù được ca ngợi hay nguyền rủa...cũng đều nhắn gởi cho người còn sống.
Tôi đặc biệt nghĩ đến 2 người nổi tiếng vừa mới ra đi cùng một ngày, hôm 27 tháng Mười vừa qua. Trước hết là Ivan Milat, kẻ giết người hàng loạt khét tiếng nhứt trong lịch sử Úc Đại Lợi. Với 7 án tù chung thân, cho tới lúc ra đi vì bệnh ung thư ở tuổi 74, Milat vẫn không hề để lộ bất cứ một dấu hiệu nào của hối hận và thốt lên bất cứ một lời xin lỗi nào với thân nhân của các nạn nhân.
Nhưng thành tích giết người của Milat chẳng nhằm nhò gì so với con số nạn nhân của Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lãnh của tổ chức khủng bố “Quốc gia Hồi giáo”, người vừa bị quân đội Mỹ săn lùng và hạ sát.
Khác nhau về con số nạn nhân, về cường độ của sự hung ác, nhưng từ cổ chí kím, mẫu số chung nối kết tất cả những hung thần trong lịch sử nhân loại vẫn là: sự hối hận và hai tiếng “xin lỗi” không hề có trong trái tim và cửa miệng của họ! Nơi họ không hề có phân ranh giữa thiện và ác.
Nghĩ đến sự độc ác của con người đối với người đồng loại của mình tôi thường liên tưởng đến cuốn phim “Những tên sát nhân bẩm sinh” (Natural Born Killers) do đạo diễn Mỹ Oliver Stone thực hiện hồi năm 1994. Cuốn phim kể lại câu chuyện của một đôi trai gái đã từng là nạn nhân bị lạm dụng lúc còn nhỏ. Họ đã gặp nhau, yêu nhau và trở thành những kẻ giết người hàng loạt. Điều mỉa mai là đôi tình nhân giết người hàng loạt này lại được các cơ quan truyền thông ngưỡng mộ và đề cao!
Tôi luôn lạc quan về bản tính con người. Giáo lý Kitô Giáo dạy tôi rằng dù có bị hoen ố vì điều gọi là tội nguyên tổ, còn người vẫn không hoàn toàn bị sa đọa. Minh triết của Đông Phương lại bảo “nhân chi sơ tính bản thiện”. Tôi tin ở “bản thiện” của con người. Nhưng cái “bản thiện” ấy chỉ là một hạt giống. Nó  cần được ươm trồng, tưới tẩm và chăm bón mới có thể nẩy mầm, triển nở và sinh hoa kết trái. Không được dạy dỗ và sống giữa xã hội loài người, dù cho bản tính có tốt đến đâu, con người không thể lớn lên như một người bình thường, nghĩa là biết phân biệt phải trái hay thiện ác. “Được nuôi dưỡng bởi chó sói” (Raised by Wolves) là một chủ đề rất quen thuộc trong phim ảnh, ca nhạc của các nước Tây Phương. Trong một ca khúc có tựa đề “Được nuôi dưỡng bởi chó sói”, ca nhạc sĩ Bono của nhóm U2 đã nói đến sự độc ác bẩm sinh của con người khi chứng kiến một vụ đặt bom tại Thành phố Dublin, Ái Nhĩ Lan vào năm 1974, ngay lúc ông đạp xe đến trường. Điệp khúc “Được nuôi dưỡng bởi chó sói” cứ được lập đi lập lại như có ý nói lên rằng nếu không được nuôi dạy một cách bình thường, con người không thể phân biệt được thiện ác và như vậy có thể cư xử một cách tàn bạo, độc ác với người đồng loại.
Thánh Mười Một hàng năm, theo truyền thống của Kitô Giáo, là tháng dành để đặc biệt tưởng nhớ người quá cố, suy tư về sự chết và dĩ nhiên thân phận con người. Lời mời gọi của thi sĩ Du Tử Lê “Hãy nói về cuộc đời khi tôi không còn nữa”, đến thật đúng lúc. Không nơi nào dễ gợi lên những suy tưởng về thân phận con người cho bằng nghĩa trang, nhứt là khi đứng trước ngôi mộ của người thân. Có ai đi vào nghĩa trang mà không nghe văng vẳng lời nhắc nhở: “bụi tro trở về bụi tro” (ashes to ashes, dust to dust). Nhớ đến thân phận “bụi tro trở về bụi tro” cũng có nghĩa là ý thức về những giới hạn, bất toàn của mình về thể chất lẫn tinh thần. Kiếp sống mong manh như hoa sớm nở tối tàn đã đành mà tinh thần cũng đầy dẫy những khuyết tật luôn lôi kéo con người chạy theo những bản năng thấp hèn. Do đó, ý thức về kiếp “bụi tro trở về bụi tro” cũng đồng nghĩa với ý thức về đòi hỏi phải khiêm tốn.
Thời trung học, khi học về hai chữ “khiêm tốn” trong một số ngôn ngữ Tây phương (humilitas,humilité, humility), tôi được các giáo sư dẫn giải rằng từ này bắt nguồn từ tiếng La Tinh “humus” có nghĩa là “đất”. Do đó, khiêm tốn cũng có nghĩa là ý thức về nguồn gốc “bởi đất” hay “tro bụi” mà ra của mình. Chính trong ý nghĩa ấy mà thời xa xưa mỗi khi bày tỏ sự sám hối, người Do Thái thường rắc tro trên đầu hay nằm lên tro bụi. Nhưng dù có thuộc truyền thống văn minh nào đi nữa và dù có sử dụng biểu tượng nào đi nữa, cốt lõi của sự khiêm tốn vẫn là  ý thức về thân phận bất toàn của mình và bày tỏ sự hối hận về những lồi lầm của mình, nhứt là khi những lỗi lầm ấy xúc phạm hay làm tổn thương người khác cách này cách khác.
“Hãy nói về cuộc đời khi tôi không còn nữa”, câu thơ thi sĩ Du Tử Lê đã khiến tôi nghĩ đến cái chết của lãnh tụ Baghdadi của “Quốc gia Hồi giáo”. Nghĩ đến người đã bị giết chết, tôi cũng không thể không liên tưởng đến kẻ chiến thắng là Tổng thống Donald Trump. Các cơ quan truyền thông của Mỹ và cả thế giới đã bàn luận rất nhiều về giọng điệu của ông khi loan báo về việc quân đội Mỹ hạ sát ông Baghdadi. Nghe lại giọng điệu huênh hoang và đắc thắng của Tổng thống Trump, tôi lại nghe vọng lại lời ước nguyện  của một trong những vị tướng lãnh tài ba của Hoa Kỳ là ông Douglas MacArthur (1880-1964): “Lạy Chúa, xin làm cho con thành một người con biết hãnh diện và đứng vững trong chiến bại và khiêm tốn và tử tế trong chiến thắng”.
Tôi cũng nghĩ đến đứa cháu ngoại 6 tuổi của bà chị tôi. Một hôm đang lúc ngồi bên cạnh nó, tôi hắt hơi liên tục mấy cái. Thấy tôi cư xử như chẳng hề có chuyện gì đã xảy ra, nó quay sang tôi và nhắc: Ông Mười “say sorry” đi!  Sự nhắc nhở của nó làm tôi nhớ lại cuốn sách có tựa đề “Tất cả những gì tôi thật sự cần biết, tôi đã học ở nhà trẻ” (All I need to know I learned in Kindergaten) của tác giả Robert Fulghum mà tôi đã đọc cách đây rất lâu. Thì ra ở nhà trẻ, người ta đã dạy cho đứa cháu ngoại của bà chị tôi biết “xin lỗi” mỗi khi làm một điều gì đó có thể làm tổn thương hay làm phiền người khác.
Thật ra, không những ngay từ tuổi thơ, mà ở bất cứ giai đoạn nào trong cuộc sống, ai mà chẳng cần phải học sống khiêm tốn trong cách cư xử với người đồng loại của mình. Và đã là học, nhứt là học  làm người thì không bao giờ có ngày mãn khóa.