Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2019

Con Heo Đất của Mẹ Tôi



Chu Thập
Xuân Kỷ Hợi 2019
Mẹ tôi qua đời vào áp ngày cuối năm Âm lịch 1975, cho nên những ngày cuối năm là những ngày tôi nhớ mẹ nhiều nhứt. Nhớ công lao tảo tần, chắt chiu và vun vén của mẹ để lo cho gia đình đủ ăn đủ mặc. Chuẩn bị bước vào Năm Con Heo, nhớ mẹ, tôi thường liên tưởng đến con heo đất của mẹ.
Nhà tôi bị phá sản trong những năm đầu của thập niên 1950. Nhiều mất mát lớn lao đã xảy ra cho gia đình. Trí nhớ của tôi vừa đủ bén nhậy để ghi lại một số biến cố. Tôi vẫn nhớ như in một buổi sáng nọ, sau một đêm nghe có nhiều tiếng súng nổ gần nhà, cả gia đình đã thức giấc trong sự bàng hoàng khi chứng kiến nguyên một đàn trâu bò được cột giữ trong vườn trước nhà đã ngã gục. Mãi sau này tôi mới được giải thích rằng những viên đạn hạ sát đàn súc vật của gia đình tôi đã được bắn ra từ một đồn lính Tây gần nhà thờ, chỉ cách nhà tôi khoảng một trăm thước.
Rồi một buổi chiều khác, tôi vẫn nhớ mãi gương mặt hớt ha hớt hãi của cha tôi khi ông từ ngoài ruộng chạy về báo tin cho cả nhà biết rằng ruộng mía đường trên đồng Tây Cối cách nhà chừng 2 cây số cũng đã bị lính Tây nổi lửa thiêu rụi. Công cuộc kinh doanh của cha tôi coi như “tiêu tán đường”. Cha tôi chỉ còn giữ lại được vài miếng ruộng đủ để kiếm gạo cho cả nhà. Thời đó, lúa Thần Nông do Viện IRRI của Liên Hiệp Quốc (International Rice Research Institute, chuyên nghiên cứu về lúa có trụ sở đặt tại Phi Luật Tân) tìm ra chưa được du nhập vào Việt Nam. Cũng như các nông dân khác ở vùng quê tôi, cha tôi chỉ biết cậy dựa vào các giống lúa đặc sản của địa phương như Mắt Cu, Ba Thắc, Đồng Nai...Mỗi năm chỉ trồng được 2 mùa, nhưng những giống lúa địa phương này có sức kháng cự với rầy và sâu bọ cao cho nên thường cung cấp đủ lúa gạo cho người dân quê. Dĩ nhiên, cũng có những năm, do hạn hán hay vì một nguyên nhân nào đó, trắng tay hay phải “bán lúa giống” là chuyện thường xảy ra cho nhiều người trong đó có cha tôi.
Ngoài chuyện trâu bò và ruộng mía bị lính Tây xóa sạch, gia đình tôi còn phải trải qua một chuyện buồn khác mà một đứa trẻ  4, 5 tuổi như tôi vẫn còn ghi tạc trong ký ức. Ông cố tôi để lại gia tài cho ông nội tôi vốn là con trai một trong gia đình. Gia tài này lại được ông nội tôi truyền lại cho cha tôi là con trưởng nam trong gia đình. Không phải là một cơ ngơi đồ sộ, nhưng gia tài ông cố tôi để lại gồm có một mảnh vườn đủ lớn để trồng đủ các loại cây ăn trái và 2 gian nhà, cả hai đều được lợp bằng ngói âm dương. Riêng gian nhà dưới lại được cất toàn bằng gỗ: cửa chính, cửa sổ bằng gỗ, tường bằng gỗ và 2 phòng ngủ cũng bằng gỗ. Do bị phá sản và nợ nần chăng, cha tôi đành phải bán gian nhà dưới. Tôi vẫn nhớ mãi một ngày nọ nhiều người đã kéo tới nhà tôi. Họ dùng đủ mọi dụng cụ để tháo gỡ ngôi nhà. Tôi đứng nhìn người ta đang đập phá nhà mình mà không hiểu sự gì đang xảy ra cho gia đình.
Mới đây tôi có đọc được chuyện xảy ra ở Lộc Hưng như được tác giả Từ Thức bên Pháp và nhà báo Ngô Nhân Dụng của báo Người Việt ghi lại. Riêng tác giả Từ Thức viết rằng mỗi lần nghĩ đến chuyện đang xảy ra ở Lộc Hưng, ông không thể không nhớ lại hai hình ảnh: “Thứ nhất, video quay cảnh một người cha trèo lên đống nhà sập, té lên té xuống, đi tìm những mảnh đồ chơi của con. Thứ hai, hình một cháu gái áo đỏ buồn bã ngồi nhìn nhà mình bị kéo sập”.
Tác giả Từ Thức tự hỏi: “Cái gì diễn ra trong đầu một đứa bé nhìn cả thế giới của mình sụp đổ. Trong một xã hội bất nhân, tình cảm là một xa xí phẩm, còn ai bận tâm tới cái gì diễn ra trong đầu một đứa nhỏ?”
Tôi ngắm kỹ hình của cô bé được truyền thông của người Việt hải ngoại gọi là “cô bé áo đỏ” ở Lộc Hưng. Nhìn em ngồi chống tay lên cằm, ra chiều suy nghĩ như một người lớn, tôi biết em đã tới tuổi “biết buồn”, biết đau với những mất mát của gia đình và của riêng em. Còn tôi, khi người ta đến tháo gỡ gian nhà dưới của gia đình, tôi còn quá nhỏ để biết đau, biết buồn với nỗi mất mát của gia đình và dĩ nhiên cũng chẳng hiểu tại sao gia đình phải lâm vào một hoàn cảnh bi đát như thế.
Mãi sau này, khi lớn khôn một chút, tôi mới được cha tôi giải thích về nguyên nhân phá sản của gia đình. Cha tôi nói rằng ông có “lên núi” đi kháng chiến chống Tây một thời gian. Tôi chỉ nhớ mầy mậy là có những đêm khuya, trong nhà xuất hiện nhiều người mặc áo đen. Cha tôi theo Việt Minh mấy năm tôi không rõ và ông “dinh tê” về làng lúc nào tôi cũng chẳng biết. Sau này khi tôi có dịp nói chuyện với một số linh mục người Pháp đã từng điều khiển một trung tâm đào tạo linh mục, bí mật về cha tôi mới được vén mở. Số là ông anh thứ Sáu của tôi đã từng tu học tại trung tâm này. Đang học lớp Quatrième (tương đương với lớp đệ ngũ của chương trình Việt), anh tôi bị nhà trường đuổi về mà không đưa ra một lý do nào. Chuyện của anh tôi chỉ được làm sáng tỏ khi một linh mục người Pháp đã phá vỡ sự thinh lặng để cho tôi biết rằng sở dĩ anh tôi bị đuổi về là vì lúc đó đã có người tố cáo rằng cha tôi treo cờ Việt Minh trên nóc nhà thờ. Cha tôi hoàn toàn bác bỏ lời tố cáo này. Nhưng muốn hay không, cái giá mà ông phải trả vì những năm đi theo Việt Minh là sự phá sản ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình và con cái.  Và hơn ai hết, mẹ tôi là người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhứt.
Cũng như cha tôi, về học vấn, mẹ tôi chỉ “tốt nghiệp bình dân học vụ”. Vậy mà tiếng Tây (bồi), bà cũng “ba xí ba tú” như gió. Sách nào rơi vào tầm tay bà cũng đọc ráo. Riêng về chuyện buôn bán làm ăn thì có lẽ mẹ tôi “lanh” không ai bằng. Thời đó mà bà đã đi ra vào Sài Gòn như cơm bữa, trong khi đó đối với rất nhiều người dân làng tôi, “Hòn ngọc Viễn Đông” này là một thế giới hoàn toàn xa lạ.
Ngoài chuyện buôn bán, nguồn thu nhập chính của gia đình tôi, sau khi công việc làm ăn của cha tôi phá sản, là mấy con “heo đất” của mẹ tôi. “Heo đất” của mẹ tôi không phải là những cái “bủng bỉnh” bằng đất được nắn theo hình tượng con heo thường được người lớn mua cho trẻ con để tập chúng biết để dành tiền. “Heo đất” của mẹ tôi là heo bằng xương bằng thịt, nhưng vào những năm đầu của thập niên 1950, chưa có chuồng heo bằng xi măng cho nên quanh năm ngày tháng bị nhốt trong những cái chuồng được lợp bằng mái tranh và suốt ngày ủn ỉn bì bõm trên một nền đất lầy lội.
Heo đất của mẹ tôi gồm có 3 chị nái thuần chủng địa phương. Thời đó các giống heo ngoại quốc như Yorkshire chưa xuất hiện ở Việt Nam, người dân quê tôi chỉ biết nuôi giống heo bụng trắng, lưng đen, nhỏ con nhưng được cái mắn đẻ và đẻ sai. Đi đứng thì lúc nào vú mớm cũng lòng thòng chấm đất.
3 chị heo nái là 3 cái bủng bỉnh của mẹ tôi. Những đồng tiền cắc kiếm được từ đủ thứ công việc được mẹ tôi dồn vào việc mua cám, mua rau muống cho mấy chị heo. Một ít đất khô cằn được dùng để sản xuất khoai mì. Mì xắt lát phơi khô có lẽ là những món “cơm độn” khoái khẩu của heo. Cứ thế, heo lúc nào cũng “đủ ăn” và cứ đúng mùa theo sự tính toán của mẹ tôi để sinh con đẻ cái. Có lứa ra đời vào dịp Tết. Có lứa xuất hiện  vào lúc con cái trong nhà tựu trường. Mỗi lứa heo con bán ra là món tiền bỏ ống của mẹ tôi, đủ để đắp đổi chi tiêu trong gia đình và cũng đủ để cho anh em chúng tôi được ăn và học. Heo đực được rước về nhà đúng lúc để làm nghĩa vụ truyền giống. Tôi được may mắn chứng kiến chu kỳ sinh đẻ của mấy chị heo nái. Có những đêm, mẹ tôi chong đèn để làm bà mụ cho mấy  chị heo. Anh chị em chúng tôi quây quần xung quanh mẹ để hồi hộp theo dõi từng con heo con lọt lòng mẹ. Trẻ con nhà quê như tôi đâu cần phải học giáo dục sinh lý. Tắm sông thì ai cũng đều Adam và Eva như nhau. Thế nào là truyền giống và sinh sản thì đã có chú heo đực và mấy chị heo nái mách bảo.
Mẹ tôi đã âm thầm dạy cho chúng tôi nhiều bài học. Nhưng bài học quan trọng hơn cả là xuyên qua mấy con “heo đất”, mẹ tôi đã cho thấy rằng biết dành dụm và tích lũy ai cũng có thể vượt qua được những nguồn cơn khốn khó.
Thật ra, lúc nhỏ tôi cũng có nhiều lần được tặng cho một con heo đất. Nhưng heo đất của tôi là để ngắm cho đỡ ghiền hơn là để bỏ vào đó những đồng xu nhỏ. Lũ trẻ con nhà quê nghèo như tôi ít khi có tiền túi. Có chút đỉnh thì đem mua giây thun để làm ná bắn chim hay cước và lưỡi câu để câu cá, còn đâu mà bỏ ống. Một lần duy nhứt trong đời tôi có tiền rủng rỉnh trong túi là năm tôi lên 6,7 tuổi. Năm đó, không rõ từ đâu một con gà con lạc mẹ chạy vào vườn nhà tôi. Tôi xí được của trời cho. Con gà con được cho nhập bày với đám gà trong nhà.  6 tháng sau, nó trổ mã biến thành một chị gà mái. Nó cho tôi một bày gà con. Ba tháng sau, gần đến Tết, tôi nhờ bà chị cả bán bày gà giò lẫn gà mẹ. Tết năm đó, tôi trở thành “đại gia” giữa đám trẻ con nghèo.
Tết đến tôi nhớ mẹ tôi. Năm con heo, hình ảnh những con “heo đất” của mẹ tôi lại trở về. Tôi không có thói quen bỏ ống nuôi “heo đất”. Nhưng càng thêm tuổi, tôi càng nghiệm ra rằng trong cuộc sống những tích lũy trong tinh thần như giá trị  nhân bản và đạo đức quan trọng và cần thiết hơn tiền bạc. Chỉ có những giá trị này mới thực sự mang lại an bình và hạnh phúc đích thực cho con người. Người ta có thể thừa hưởng của cải vật chất do gia đình để lại. Nhưng phải “tu thân tích đức”, phải tập tành từng ngày con người mới thực sự giàu có nhờ sống theo những giá trị nhân bản, tinh thần và đạo đức.
Cả đời có lẽ tôi chỉ mới lập được 2 thành tích đáng kể  là bỏ thuốc lá và chạy bộ mỗi ngày. Năm 1975, tôi rước vào người đủ mọi tật xấu, trong đó ghiền thuốc lá là điều tệ hại nhứt. Năm 1990, khi nhận ra thuốc lá đã cướp đi nhiều cái răng, đục khoét bao tử và làm cho tim lúc nào cũng đập loạn xà ngầu...tôi quyết tâm bỏ thuốc lá. Nhưng chỉ sau 3 tháng tôi đã “sa ngã” lại. Tôi lại đứng lên và lần này tôi đã cầm cự được 6 tháng. Nhưng cũng như dân ghiền thuốc lào, “chôn điều xuống lại đào điếu lên”, tôi lại càng hút bạo hơn...Phải trày vi tróc vẩy năm lần bảy lượt, sau đúng một năm kiêng khem, tôi mới thực sự giã từ khói thuốc. Tôi xem đây như một cuộc giải phóng vĩ đại nhứt trong cuộc đời. Không gì sung sướng bằng khi thấy mình không còn làm nô lệ cho khói thuốc nữa! Bởi một khi thoát ách nô lệ khói thuốc, tôi thấy chẳng có tật xấu nào có thể cám dỗ tôi được nữa.
Tôi cũng có được một cảm nhận như thế khi tập được thói quen chạy bộ mỗi ngày. Cách đây 10 năm, bác sĩ tuyên án: tôi bị tiểu đường loại 2. Ý thức rằng đây là hậu quả của một cuộc sống thiếu kỷ luật, tôi thấy cần phải thay đổi cách sống. Tôi liền bắt tay vào việc chạy bộ mỗi ngày. Chỉ sau vài tháng, tôi đã tập được thói quen. Mặc dù không uống thuốc, kết quả lần thử máu nào cũng cho thấy bệnh tiểu đường đã được kiểm soát một cách tốt đẹp!
Với 2 thành tích trên đây, tôi nghiệm ra rằng muốn bỏ một thói quen xấu và tập một thói quen tốt, cần phải tập luyện và tu luyện mỗi ngày. Chẳng có ai trong một sớm một chiều trở thành một người xấu và cũng chẳng có ai trong một ngày biến thành một người tốt. Một nhân cách lớn luôn là thành quả của những cử chỉ tử tế âm thầm và nhỏ bé được lập đi lập lại mỗi ngày.
Mẹ tôi đã không trực tiếp giảng dạy cho tôi điều đó. Nhưng những con “heo đất” được mẹ tôi nuôi bằng những chắt chiu và hy sinh từng ngày lúc nào cũng gợi lên cho tôi bài học đó, nhứt là trong năm Con Heo này.







Hoa Kỳ: Tương lai của Kitô Giáo


02/02/19
Tại Hoa Kỳ, phân tách về niềm tin tôn giáo, nhiều người nhận thấy có 2 mẫu tín hữu tương phản nhau: một bên là danh ca Lady Gaga và nữ dân biểu thuộc Đảng Dân Chủ Alexandria Ocasio-Cortez và một bên là Phó tổng thống Mike Pence và phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders.
Với cuốn phim A Star is Born, danh tiếng của nữ ca sĩ Lady Gaga nổi như cồn. Với cuốn phim này, cô đã được đề cử cho Giải Oscar. Mới đây cô ca sĩ này đã trực tiếp đối đầu với Phó tổng thống Mike Pence. Số là bà Karen, vợ ông Pence, đã xuất hiện tại một trường “đạo” vốn có chủ trương không nhận những học sinh đồng tính hoặc có cha mẹ đồng tính. Lady Gaga là người luôn công khai tuyên xưng niềm tôn giáo của mình và bày tỏ sự ủng hộ đối với cộng đồng đồng tính.
Nhân sự kiện bà Karen xuất hiện tại trường đạo có chủ trương loại trừ người đồng tính, Lady Gaga liền nêu đích danh Phó tống thống Pence để tra hỏi. Tại một buổi trình diễn ở Las Vegas mới đây, cô nói thẳng với ông: “Ông nói rằng chúng ta không nên kỳ thị chống lại Kitô Giáo. Ông là người đại diện tồi tệ nhất của thế nào là một tín hữu Kitô. Tôi là một nữ tín hữu Kitô và điều mà tôi biết về Kitô Giáo là chúng ta không nên có thành kiến và mỗi người đều được tôn trọng”.
Rồi mới đây, trên Đài Fox News, khi người dẫn chương trình là ông Sean Hannity muốn biết cái nhìn của bà về nữ dân biểu Alexandria Ocasio-Ortez liên quan đến vấn đề khí hậu thay đổi, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders trả lời: “Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ lắng nghe cô ta (Ocasio-Cortez) về nhiều vấn đề, nhất là những vấn đề mà chúng ta nên để cho một thẩm quyền cao hơn giải quyết”. Nữ phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc nói tiếp: “Và chắc chắn là chúng ta sẽ không lắng nghe vị nữ dân biểu mới tập tễnh này nói về ngày tận cùng thế giới”.
Bà Sarah Sanders ngụ ý sự kiện mới đây khi lên tiếng tại Nhà thờ Riverside Church ở New York trong một buổi lễ vinh danh cố mục sư Martin Luther King Jr, nữ dân biểu Ocasio-Ortex đã không ngừng tuyên xưng niềm tin tôn giáo của mình. Sau đó, trên trang mạng Twitter, cô đã trích dẫn một số đoạn trong Kinh Thánh như sau: Sáng Thế Ký chương Một: “Thiên Chúa nhìn vào thế giới và nói “thật là tốt đẹp” không phải một hai lần, mà đến 7 lần”. Sáng Thế Ký Chương 2: “Thiên Chúa truyền lệnh cho mọi người phải “phục vụ và bảo tồn vạn vật”. Sách Levi: “Thiên Chúa phán bảo rằng không những con người, mà đất đai cần cho sự sống còn của con người, cần phải được tôn trọng”.
Nữ dân biểu Ocasio-Cortez, Lady Gaga, Phó tổng thống Mike Pence và nữ phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders chắc chắn không có cùng một quan điểm về bất cứ vấn đề nào. Tuy nhiên, cả bốn người đều tự nhận là tín hữu KtTô. Vậy thì tại sao họ lại bất đồng quan điểm với nhau?
Có thể xem 4 người như đại diện của nhiều loại tín hữu Kitô tại Hoa Kỳ ngày nay. Nhưng nhìn chung, có thể xếp họ thành 2 loại: bảo thủ và cấp tiến.
Vào khoảng cuối thập niên 1980, các tín hữu Kitô bảo thủ đã cho mình có quyền định nghĩa thế nào là một tín hữu Kitô. Họ nói rằng Kitô Giáo chỉ có một thứ luân lý duy nhất cần phải xiển dương và bảo vệ là phải chống lại những người đồng tính và kiểm soát quyền được chọn lựa của người phụ nữ trong việc sinh sản.
Ngày nay 2 vấn đề nổi cộm phân chia biên giới rõ ràng giữa Kitô Giáo bảo thủ và Kitô Giáo cấp tiến tại Hoa Kỳ là quyền của người đồng tính và khí hậu thay đổi. Các tín hữu cấp tiến tranh đấu và ủng hộ quyền của người đồng tính cũng như kêu gọi có những biện pháp để chống lại hiện tượng khí hậu thay đổi do con người tạo ra. Trong khi đó, các tín hữu Kitô bảo thủ chủ trương loại trừ người đồng tính và bác bỏ những bằng chứng của khoa học về hiện tượng khí hậu thay đổi.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy 2 vấn đề trên đây đã tạo ra một hố ngăn cách lớn giữa những người Mỹ. Theo một cuộc thăm dò do Viện Nghiên Cứu Về Tôn Giáo thực hiện năm 2017, có khoảng 2 phần 3 người công giáo (như trường hợp nữ dân biểu Ocasio-Cortez và nữ danh ca Lady Gaga), các tín hữu Chính Thống và Tin Lành tán thành hôn nhân đồng tính. Ngay cả trong số những người da trắng theo Tin Lành (như bà Sanders), cũng bắt đầu thay đổi não trạng: con số giới trẻ Tin lành ủng hộ hôn nhân đồng tính đã nhiều gấp 2 lần so với những người trên 65 tuổi. Trong khi đó, theo một cuộc thăm dò được Trung tâm Nghiên cứu Pew Research Center thực hiện hồi năm 2015, có đến 40 phần trăm tín hữu Tin Lành và 45 phần trăm người Công giáo tin rằng khí hậu thay đổi là do hoạt động của con người.
Ngoài quyền của người đồng tính và khí hậu thay đổi, các tín hữu Kitô Mỹ cũng đối chọi nhau về một số vấn đề khác như di dân và sinh sản. Nữ dân biểu Ocasio-Cortez và nữ danh ca Lady Gaga ủng hộ Tổ chức Kế hoạch hóa Gia đình (Planned Parenthood) có chủ trương cho phép phá thai. Phó tổng thống Mike Pence và phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sanders có lập trường hoàn ngược lại.
Trong một tuýt nhân dịp Giáng Sinh vừa qua, nữ dân biểu Ocasio-Cortez đã cầu chúc: “Chúc mọi người Giáng Sinh vui, với những ngày nghỉ tràn đầy hạnh phúc bên gia đình và mọi người được yêu thương (kể cả những em bé tỵ nạn nằm trong các máng cỏ + cha mẹ các em). Trong khi đó thì nguyên Bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions, một tín hữu Kitô bảo thủ, cũng nhân danh Kitô Giáo để biện minh cho chính sách chia cách trẻ em của Tổng thống Donald Trump. Nhiều đồng đạo của ông này đã phản đối lập trường của ông. Đã có trên 600 nhà lãnh đạo thuộc Giáo hội Methodist Thống nhất tại Hoa Kỳ đã đồng ký tên vào một tuyên ngôn chung để lên án lập trường của ông Sessions khi ông nhân danh Kitô Giáo để bênh vực cho lập trường chia cách trẻ em với cha mẹ của chúng khi họ di dân bất hợp pháp vào Mỹ. Các nhà lãnh đạo tôn giáo này nói rằng ông Sessions đã vi phạm luật của Giáo hội Methodist về chính sách di dân, lạm dụng trẻ em và kỳ thị chủng tộc. Giáo hội Methodist Thống nhất mà ông Sessions là thành viên hiện có khoảng 7 triệu thành viên. Trong Giáo hội này đã từng có những chia rẽ về những vấn đề liên quan đến việc nhìn nhận người đồng tính và vai trò của họ trong Giáo hội. Một số đã ủng hộ ông Sessions. Nhưng sự kiện trên 600 nhà lãnh đạo trong Giáo hội lên tiếng phản đối ông Sessions về lập trường của ông liên quan đến vấn đề di dân và người đồng tính cho thấy hiện đang có nhiều rạn nứt giữa những thành phần bảo thủ và cấp tiến trong Giáo hội.
Không riêng Giáo hội Methodist Thống nhất mới bị phân rẽ giữa hai khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến. Giáo hội Baptist cũng đang rơi vào một tình trạng tương tự. Ngày nay, nội bộ của hai Giáo hội Tin Lành lớn nhất tại Mỹ này hiện đang lủng củng vì nhiều vấn đề. Cả hai Giáo hội đều bị xâu xé bởi những cuộc tranh luận xung quanh vấn đề: liệu phụ nữ, người da màu, di dân và người đồng tính, vì phẩm giá của họ, có được đầy đủ quyền lợi, trách nhiệm và sự tôn trọng đúng đắn trong các cộng đồng của Giáo hội không.
Riêng Phó tổng thống Pence được nhiều người tuyên dương như một anh hùng trong việc “bảo vệ đức tin”. Ông đã từng kêu gọi phải chấm dứt việc phê bình chỉ trích nền giáo dục Kitô Giáo. Dĩ nhiên khi nói đến giáo dục Kitô Giáo, ông ám chỉ đến nền giáo dục Kitô Giáo bảo thủ.
Lady Gaga không chấp nhận một thứ Kitô Giáo như thế. Cô cũng nhân danh niềm tin tôn giáo của mình để chống lại thứ Kitô Giáo của Phó tổng thống Pence. Ông Pence đã rất được lòng một lãnh tụ nổi tiếng của Tin Lành bảo thủ là mục sư Franklin Graham. Vị mục sư này đã lên Faccebook đả kích thậm tệ Lady Gaga và vinh danh vợ chồng Pence như là “hạng tín hữu Kitô tốt nhất”. Trên Facebook, nhà lãnh đạo của Tin Lành Bảo Thủ tại Hoa Kỳ đã khuyên dạy: “Là tín hữu Kitô, đi theo Đức Kitô có nghĩa là đi theo giáo huấn của Lời Chúa. Kinh Thánh đã khẳng định rất rõ ràng rằng đồng tính là một tội, đó là chưa kể những tội khác và tất cả những người đồng tính đều phải trả một giá đắt. Chúng ta cần phải sống sao cho phù hợp với Lời Chúa. Chính Ngài là Đấng ban bố luật lệ, chứ không phải chúng ta. Ngài mới là Đấng định nghĩa thế nào là tội và Ngài làm điều đó vì yêu thương và thương xót. Xuyên qua sám hối và tin tưởng nơi Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, Ngài đã mang lại một liều thuốc cho tội lỗi. Tôi biết Phó tổng thống Mike Pence và bà Pence và đối với tôi, cách sống của họ và cách biểu lộ niềm tin của họ cho thấy họ là hạng tín hữu Kitô tốt nhất. Đối với đất nước chúng ta, họ là một phúc lành lớn lao biết chừng nào!”
Thật ra, đây không chỉ là vấn đề riêng của các Giáo hội Tin Lành  mà là vấn đề chung của mọi tín hữu Kitô tại Hoa Kỳ. Họ phải tự nêu lên câu hỏi: liệu niềm tin tôn giáo có buộc họ phải đi theo khuynh hướng cấp tiến hay bảo thủ không? Đây là câu hỏi đã từng được đặt ra cho họ từ bao nhiêu năm qua. Trong quá khứ, chống hay ủng hộ chế độ nô lệ, bên nào cũng nhân danh Kitô Giáo để bảo vệ lập trường của mình. Giáo huấn Kitô Giáo đã từng được nại đến để kêu gọi xây dựng hòa bình mà cũng để biện minh cho chiến tranh.
Muốn biết ai đúng, ai sai có lẽ các tín hữu Kitô Mỹ nên trở lại với  cuộc đời và Giáo huấn của chính Chúa Giêsu được ghi lại trong Sách Tin Mừng theo thánh Luca. Thật vậy, Chúa Giêsu đã trích dẫn một câu trong sách Tiên tri Isaiah để nói về sứ mệnh của Ngài: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Người đã xức dầu cho tôi để sai tôi mang Tin mừng đến cho người nghèo. Ngài đã sai tôi đi công bố sự giải thoát cho người bị giam cầm, làm cho người mù được thấy, người bị áp bức được tự do và công bố một năm hồng ân”. Chúa Giêsu cũng chưa bao giờ trực tiếp hay gián tiếp lên án những người đồng tính. Ngài cũng nêu rõ “tiêu chuẩn” cần có để trở thành công dân nước Trời: Nước Trời là nơi dành cho những người đã cho người đói được ăn, người khát được uống, người khách lạ được tiếp rước, người trần truồng được áo mặc, người đau yếu được thăm viếng, người tù được hỏi han (Mt 25, 31-45).
Trong một ca khúc, Lady Gaga đã dùng từ “Little Monsters” (những con quái vật nhỏ) để chỉ những thành phần bị đẩy ra bên lề xã hội, những người dễ bị thương tích mà cô đang phục vụ. Nhiều người cho rằng nữ dân biểu Ocasio-Cortez là một kẻ nổi loạn. Cô muốn đạp đổ một thứ trật tự cũ do những người giàu có và quyền thế dựng lên và trả lại quyền bình đẳng và công lý cho những thành phần thấp cổ bé miệng trong xã hội. Có lẽ người nữ dân biểu công giáo 29 tuổi này nghĩ đến cử chỉ nổi loạn của Chúa Giêsu trong đền thờ Gierusalem chăng, khi Ngài nổi cơn tam bành để đánh đuổi những “con buôn” ra khỏi đền thờ.
Con số tín hữu Kitô Mỹ ủng hộ những người như Lady Gaga hay Ocasio-Cortez ngày càng đông. Nhiều người tin tưởng rằng tương lai của Kitô Giáo tại Mỹ sẽ giống nữ ca sĩ Lady Gaga hơn là Phó tổng thống Mike Pence.

(Theo: https://edition.cnn.com/2019/01/24/opinions/christianitys-future-looks-more-like-lady-gaga-than-mike-pence-graves-fitzsimmons/index.html)