Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

Lành cho sạch, rách cho thơm



Chu Thập
23.07.13

Thời còn làm việc tại Phi Luật Tân, thỉnh thoảng tôi cũng bắt chước mấy ông cộng sản Việt Nam để thực hiện những chuyến đi gọi là “xâm nhập thực tế” vào những sinh hoạt của người Việt tỵ nạn rải rác khắp nơi tại quốc gia hải đảo này. Đó là khoảng đầu thập niên 1990. Thế giới bắt đầu mỏi mệt với các thuyền nhân Việt Nam cho nên mới nghĩ ra chuyện phân biệt giữa tỵ nạn chính trị và tỵ nạn kinh tế. Người tỵ nạn phải trải qua một cuộc thanh lọc phải nói là đầy dẫy bất công: nếu không phải là cựu quân nhân, viên chức của Việt Nam Cộng Hòa và nếu không có tiền đút lót cho các nhân viên được Cao Ủy Tỵ Nạn phái đến các trại tỵ nạn để thực hiện cuộc thanh lọc, thuyền nhân không được cấp quy chế tỵ nạn và như vậy phải bị cưỡng bách hồi hương. Sau đợt thanh lọc này, tất cả các trại tỵ nạn tại Đông Nam Á đều đóng cửa. Riêng tại Phi Luật Tân, do áp lực của Giáo hội Công giáo cũng như chính sách nhân đạo của nhà cầm quyền, người tỵ nạn không bị cưỡng bách hồi hương. Một số ít tự nguyện trở lại nhà tù lớn là Việt Nam. Nhưng phần lớn chọn lựa ở lại đất nước đang dung chấp mình, chấp nhận cuộc sống bấp bênh nhưng đầy tình người, hơn là chui đầu trở lại cái rọ khốn khổ thiếu tự do ở quê nhà. Cánh cửa trại tỵ nạn khép lại, người Việt tỵ nạn tại Phi Luật Tân bung ra khắp nơi để kiếm sống. Làm gì có đất để cày cuốc. Tay nghề cũng không. Vậy mà với chút vốn liếng tiếng Anh ba cọc ba đồng, tất cả mọi người Việt đều thành công trên “thương trường”. Mở đầu sự nghiệp với một giỏ “dầu nóng”, “dầu thơm” và nữ trang dỏm, các con buôn Việt Nam tiến lên ngành buôn bán quần áo, đồ gia dụng. Có người trúng lớn nhờ thầu cung cấp vải may đồng phục cho thày cô và học sinh trong các trường học. Có người trở thành những ông bà chủ “ngân hàng” chuyên cho người Phi vay trả góp. Tôi biết có cặp vợ chồng, sau mười mấy năm buôn bán tại Phi, cuối cùng nhờ luật sư Trịnh Hội giúp đỡ, đã đặt chân đến Mỹ với một túi tiền không dưới nửa triệu đô. Nói chung, từ hai bàn tay trắng, người Việt tỵ nạn nào tại Phi nếu không ăn nên làm ra thì cũng tự túc và khấm khá hơn người dân Phi nhiều. Những “bậc thang xã hội” mà người Việt tỵ nạn tại Phi từ từ bước lên được thể hiện qua các phương tiện di chuyển. Năm đầu tiên, ai cũng đi bộ. Năm sau, phần lớn sắm được xe gắn máy. Vài năm sau, đa số đều có xe hơi, phương tiện vốn được người Phi đánh giá  như một “bước tiến” lên trong xã hội. Nhiều người còn mướn cả người Phi làm “Osin” trong nhà.
Trong cách làm ăn, người Việt học được lối buôn bán “trả góp” của người Ấn Độ và chữ tín của người Hoa. Người Ấn được người Phi đặt cho cái tên bằng con số là dân “Five-Six”, nghĩa là bỏ ra 5 đồng và từ từ thu về 6 đồng. Họ thường đi “bỏ hàng” trong những khu nghèo của người Phi và mỗi ngày đến thu lại từng đồng. Trong khi đó, người Việt chơi sang hơn: trong vòng một tháng, cho người Phi trả góp 3 lần. Người bán kẻ mua, ai cũng đều có lợi cả. Chỉ có vấn đề thường được đặt ra cho người Việt là: phải “ăn lời” bao nhiêu cho hợp với lẽ công bình và không bị lương tâm cắn rứt. Khổ nỗi, khách hàng Phi lại thích chuộng hàng hiệu. Mà hàng hiệu thứ thiệt thì làm gì có nhiều ở Phi Luật Tân. Tôi thường nghe kể rằng người dân Phi ở thôn quê rất thích các loại đồng hồ Omega, Longines, Rolex…Dĩ nhiên, hàng hiệu này thuộc loại “Made in Hongkong” nhưng là “HongKong bên hông Chợ lớn”: ruột là ruột điện tử, chạy cũng đúng giờ, nhưng mẫu mã bên ngoài thì trông chẳng khác gì hàng hiệu. Giá rẻ bèo. Vì không muốn mang tiếng lừa gạt cho nên người Việt mình bán ra với giá phải chăng. Khách hàng Phi chê hàng rẻ không chịu mua. Nhưng cũng thứ hàng đó mà tăng giá lên gấp 5, 7 lần thì người ta lại đua nhau mua. Có lẽ các con buôn người Việt “sống” được là vì dân Phi thích chơi hàng hiệu dỏm.
Tôi đi “xâm nhập thực tế” vào cuộc sống của người Việt tỵ nạn tại Phi, nhưng rốt cục lại hiểu được óc chuộng hàng ngoại và tính thích tỏ ra “sành điệu” của người Phi. Người Phi ăn mặc đơn sơ. Nhưng nhìn kỹ mới thấy họ mặc toàn hàng hiệu và dĩ nhiên hàng hiệu dỏm hay nhái.
Kể từ lúc sang Phi làm việc, tôi cũng học được cái thói trưởng giả học làm sang ấy. Chẳng có thứ hàng hiệu dỏm hay hàng “nhái” nào mà không có trong các siêu thị ở Phi Luật Tân. Phẩm chất không đến nỗi tệ mà giá lại rẻ mạt. Khoác lên người chiếc áo Polo hiệu Raph Laurent, Benetton hay Lacoste (hàng nhái), diện vào chiếc quần hiệu Dockers hay D&G (dĩ nhiên cũng hàng dỏm)…có thay đổi được con người của mình chút nào đâu. Vậy mà có lúc tôi cũng ưỡn ngực nhìn mọi người và cũng bắt chước cựu chủ tịch nhà nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết để vượt qua cái mặc cảm tự ti và “ăn nói cũng như người ta” chớ có sợ thằng tây nào đâu! Ngẫm nghĩ mà tức cười!
Có lẽ con người ta ai cũng thích “làm sang”. Hễ no cơm ấm cật một chút thì người ta lại thích đua đòi và chơi nổi. Trong các xã hội văn minh, nghèo giàu thường khó phân biệt: nếu ông tỷ phú ngồi trên xe Mercedes thì người thợ làm “neo” cũng leo lên được chiếc BMW hay Lexus như ai! Chẳng ai thắc mắc hay đặt vấn đề gì cả. Còn ở một nước nghèo như Việt Nam chẳng hạn, hễ có tiền một chút là người ta lại thường thích học làm sang. Trước kia, nghe nói ở một vùng quê nghèo nào đó ở Miền Trung, cái ăn cái mặc hàng ngày lúc nào cũng thiếu thốn, vậy mà hễ nhận được đồng bạc nào từ nước ngoài gởi về, cả làng đều đua nhau xây “lăng tẩm” cho người thân đã qua đời. Tưởng nhớ người chết cũng có, mà “vinh danh” mình thì nhiều hơn. Nay tại nhiều nơi lại còn rộ lên  chuyện bắt chước người Tây phương xây nghĩa trang cho chó mèo. Vào nghĩa trang, người ta cũng mang theo những thứ đồ ăn mà lúc “sinh thời ”, các cô cậu chó mèo thích. Người ta cũng đốt nhang, cầu khẩn và bật khóc trước tro cốt của các cô cậu. Có nơi còn rước cả thày đến để cầu siêu cho các cô cậu. Trong khi xung quanh nhan nhản những người đói ăn, khốn khổ, chẳng ai nghĩ tới thì người ta lại “đua nhau” chăm sóc cho những con thú chết!
Thật ra, ở đâu và thời nào cũng thế thôi. Hễ cứ phú quý thì lại sinh lễ nghĩa. Thể diện là thứ mà ai cũng muốn tạo ra và bám vào bằng mọi cách. Nếu người dân Phi nghèo thích chơi hàng hiệu…dỏm, người Việt trong nước thích học làm sang, mấy ông lãnh tụ cộng sản chuộng bằng cấp…giả, thì nghe đâu ở các nước Tây Phương và  Úc Đại Lợi này người ta cũng thích tỏ ra là người “sành sõi” khi đi mua rượu vang. Năm 2001, một nhà nghiên cứu thuộc Đại Học Bordeaux, Pháp Quốc đã thực nghiện  hai cuộc nghiên cứu về cách uống rượu của dân Pháp. Kết quả thật buồn cười. Thoạt tiên nhà nghiên cứu này lấy cùng một thứ rượu Bordeaux, vốn là một trong những thứ rượu vang nổi tiếng nhứt của Pháp và cho vào hai chai khác nhau. Một chai được trình bày với một mẫu mã “bắt mắt” của loại rượu hảo hạng. Chai kia, ông cho vào một chai không có nhãn hiệu. Dân “sành điệu” hay đúng hơn tự nhận là “sành điệu”, sau khi thưởng thức chai rượu có dán nhãn hiệu hạng sang tấm tắc khen lấy khen để và đưa ra những lời bình luận mà chỉ có người chuyên môn mới làm được. Còn chai không có nhãn hiệu thì bị cũng chính những vị khách “sành điệu” này chê thậm tệ.
Trong cuộc thử nghiệm thứ hai, ông giáo sư mời 54 “chuyên gia” thử rượu đánh giá một loại rượu đỏ do ông pha chế. Thật ra đây không phải là rượu đỏ thứ thiệt mà chỉ là rượu trắng được nhuộm đỏ bằng các loại thuốc mầu được xử dụng trong thức ăn . Các “chuyên gia” lại trầm trồ khen ngợi cái hương vị hiếm có của loại rượu đỏ này.
Sau hai cuộc thử nghiệm trên đây, ông giáo sư của trường đại học Bordeaux đưa ra kết luận: “Đây là một hiện tượng tâm lý khá phổ biến: người ta nếm cái thứ quý mà người ta muốn nếm”. Nói cách khác, theo vị giáo sư này, cái khẩu vị của người nếm rượu là một hỗn hợp của ý nghĩ, ảo tưởng và vị giác. Nói chung, ai cũng muốn tỏ ra mình là người “sành điệu”; ai cũng muốn cho người khác thấy mình là người phong lưu lịch lãm.
Người đi mua rượu như thể bị điều kiện hóa bởi giá tiền: hễ thấy giá tiền cao thì nghĩ là rượu ngon, hễ thấy giá tiền thấp thì lại cho là rượu xoàng. Tiền nào của nấy mà.
Học viện Kỹ thuật California (California Institute of Technology) cũng đã thí nghiệm và tìm ra một kết luận tương tự. Hai mươi người tình nguyện được mời tham gia một cuộc thử rượu. Cùng một thứ rượu nhưng nếu bỏ trong chai có đề giá 45 đô thì ai cũng cho là ngon. Nhưng nếu bỏ trong chai chỉ đề giá 5 đô thì chẳng thấy ai khen tiếng nào cả!
Chính vì nắm bắt được tâm lý phổ thông này mà ông Ernest Gallo, một nhà sản xuất rượu vang nổi tiếng tại tiểu bang California, Hoa Kỳ đã hái ra tiền. Người ta kể lại một giai thoại: ngày nọ, ông Gallo đến New York để quảng cáo rượu do ông sản xuất. Cùng một bình rượu, nhưng ông lại rót ra hai ly khác nhau: ly thì ông giới thiệu với giá 5 xu, ly thì ông bán với giá 10 xu. Kết quả cho thấy khách hàng đã chọn ly rượu giá 10 xu. Ông chủ của công ty rượu vang lớn nhứt thế giới này đã làm giàu nhờ biết được tâm lý phổ thông ấy của người uống rượu. Khi mua một ly rượu để uống, không ai muốn người khác đánh giá mình là loại người chỉ biết “uống rượu 5 xu”. Khi vào tiệm rượu, ít có ai muốn người khác nhìn mình như hạng người “đi mua rượu mà phải khom lưng xuống”. Đây không phải là một hình ảnh, mà là một thực tế mà các tiệm rượu rất rành: họ để rượu đắt tiền trên kệ cao, còn thứ xoàng thì để dưới thấp.
Bình luận về “sĩ diện” của người mua rượu, báo The Wine Economist viết: “Rõ ràng là khách hàng muốn mua một thứ thể diện, mua hình ảnh của một người không hạ mình uống ly rượu 5 xu ngay cả khi anh ta không thể nói lên sự khác biệt” (Phạm Hiếu, Rượu ngon và rượu đắt, VL 9/7/2013;The Sydney Morning Herald 2.7.2013).
Lúc nhỏ, tôi vẫn thường được cha mẹ và các thày giáo giảng giải câu châm ngôn: “Lành cho sạch, rách cho thơm”. Hai chữ “thể diện” lúc nào cũng đi kèm là một lời khuyên dạy rằng dù sống trong hoàn cảnh nào, dù có thiếu thốn đến đâu cũng phải giữ gìn tư cách, không để bị tha hóa, không đánh mất chính mình, không chà đạp danh dự, không bán đứng lương tâm của mình.
Từ đó tôi hiểu rằng “thể diện” hay “sĩ diện” là thứ mà con người không thể mua bằng tiền bạc hay đạt được qua những thứ hào nhoáng bên ngoài như nhà cửa, xe cộ, quần áo, nữ trang và những thứ vật ngoại thân khác, nhứt là tấm bằng giả. Hiểu được như thế thì ngay cả chiếc áo dòng cũng chẳng làm nên ông thày tu.
Vào lúc bóng xế của cuộc đời, nhìn lại đoạn đường đã đi qua, tôi mới nghiệm thấy rằng mình đã đánh mất quá nhiều thời giờ để miệt mài tìm kiếm và bảo vệ một thứ “thể diện hão”. Biết bao nhiêu lần mình đã đánh mất cái tôi. Càng chạy đi tìm thứ “thể diện” ấy càng thấy mình nghèo nàn trống rỗng. Quả thật, cái thùng rỗng thì lúc nào cũng kêu to. Trái lại mỗi khi vượt qua được cái tâm lý thông thường “con gà hơn nhau tiếng gáy” để trở về với chính mình, tự biết mình, tự hiểu mình và vô cảm trước tiếng đời thị phi, khen chê, tôi lại thấy mình trở nên thảnh thơi và giàu có sung mãn hơn.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét