Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

Thức dậy vẫn còn thấy mặt trời



Chu Thập
24.03.17
                                                                                                   

Tháng Hai vừa qua đã mang lại cho Tiểu bang New South Wales của Úc Đại Lợi “kỷ lục” là nơi nóng nhứt của địa cầu. Cứ nhìn cây trái trong vườn cứ đứng yên một chỗ để chịu trận và bị thiêu đốt, tôi buồn và bực mình đến độ chỉ còn biết thốt lên: đúng là “Úc khùng”! Nay bước vào tháng Ba, đầu mùa thu, trời Úc lại còn “khùng” hơn nữa khi mưa xối xả, tối tăm mặt mày. Thông thường cứ dạo này, trước khi đổi giờ, mỗi sáng thức dậy tôi còn thấy chút mặt trời. Nay “ông mặt trời” cứ ngủ nướng để cho mưa làm mưa làm gió. Hơn hai tuần lễ qua, cứ mở mắt nhìn qua cửa sổ, chẳng thấy trời trăng đâu cả cho nên  tôi cũng đành mượn lời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chào một ngày mới: “Hôm nay thức dậy không còn thấy mặt trời”. Thức dậy mà không thấy mặt trời tự nhiên cảm thấy buồn. Buồn nhứt là cảm thấy uể oải, chẳng muốn làm gì cả. Người ngợm cứ nhũn ra vì đã hơn hai tuần lễ qua chẳng vận động cơ thể, mất thói quen chạy bộ. Bây giờ tôi mới nhận thấy rằng thiếu vận động chẳng khác nào bệnh mà không chịu uống thuốc. Gần đây tôi đọc được nhiều bài báo và tài liệu cho rằng tập thể dục gần như là một liều thuốc trị bá bệnh. Tôi tin như thế. Bằng chứng là chỉ cần bỏ mất thói quen chạy bộ mỗi ngày trong hai tuần lễ, tôi thấy mình “sút” hẳn, cả về thể lý lẫn tinh thần.
Mới đây niềm tin của tôi về sự hiệu nghiệm của việc tập thể dục đối với sức khỏe thể lý và tinh thần lại càng được củng cố hơn khi tôi đọc được một bài phóng sự của Đài BBC với tựa đề “Đã tìm thấy những trái tim lành mạnh nhứt thế giới” (Healthiest hearts in the world found). Bài phóng sự tường thuật về cuộc sống của bộ lạc thổ dân tên là “Tsimane” hiện đang sống giữa rừng già của Bolivia, Nam Mỹ.
Một cuộc nghiên cứu được phổ biến trên tạp chí y khoa The Lancet của Anh quốc quả quyết rằng hầu như không có bất cứ người nào, ngay cả người già,  thuộc Bộ lạc Tsimane có dấu hiệu bị nghẽn tim mạch. Các nhà nghiên cứu nói rằng  đây là một “dân tộc kỳ diệu” vì họ có cách dinh dưỡng và lối sống khác biệt. Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù thế giới ngày nay không thể đi ngược kim đồng hồ để quay về nền văn minh săn bắn và hái lượm của thời xa xưa, nhưng lối sống của những người thổ dân Tsimane không thể không dạy cho con người thời đại một số bài học về sống khỏe và sống thọ.
Hiện nay tổng số dân của bộ lạc Tsimane chỉ còn khoảng 16.000 người. Họ sinh sống bằng nghề săn bắn, bắt cá và trồng trọt dọc theo dòng sông Maniqui trong khu rừng già Amazone thuộc lãnh thổ Bolivia. Đây là cách sống mà người ta chỉ có thể tìm thấy cách đây hàng ngàn năm.
Phải mất nhiều chuyến bay và một cuộc thủy trình cam go bằng xuồng xuyên qua các sông lạch một toán chuyên gia gồm bác sĩ và nhà khoa học mới đặt chân tới vùng cấm địa của người thổ dân Tsimane. Sau một thời gian tìm hiểu, các nhà nghiên cứu đã tìm được một vài nét chính trong cách dinh dưỡng của người dân bộ lạc này. Kết quả cuộc điều tra cho thấy 17 phần trăm lương thực hàng ngày của họ là thịt heo rừng và các loại chuột khác nhau. 7 phần trăm khác là từ cá nước ngọt.
Thành phần dinh dưỡng còn lại gồm có gạo, khoai mì và chuối. Ngoài ra, người Tsimane cũng ăn trái cây và các loại hạt khác nhau. Theo các nhà nghiên cứu, điều này có nghĩa là 72 phần trăm năng lượng (calori) của người Tsimane tùy thuộc vào tinh bột. Đối với người Mỹ chẳng hạn, tỷ lệ này chỉ ở mức 52 phần trăm. Còn nếu so sánh về chất béo thì người Tsimane chỉ tiêu thụ 14 phần trăm trong khi đối với người Mỹ tỷ lệ chất béo trong dinh dưỡng lên đến 34 phần trăm. Ngoài ra người Tsimane cũng không hề biết đến chất béo đã được chế biến. Nếu có một điểm tương đồng giữa người Mỹ và người Tsimane thì đó là sự kiện cả hai  đều tiêu thụ chất đạm để có được 14 phần trăm năng lượng. Tuy nhiên, người Tsimane ăn nhiều thịt nạc hơn.
Cùng với việc phân tách các thành phần dinh dưỡng của người Tsimane, các nhà nghiên cứu cũng tìm hiểu về các sinh hoạt hàng ngày của họ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng người Tsimane thường xuyên vận động cơ thể: trung bình mỗi ngày đàn ông đi bộ 17.000 bước, đàn bà 16.000 bước. Ngay cả những người trên 60 tuổi cũng đi bộ mỗi ngày trên 15.000 bước.
Để tìm hiểu về mối quan hệ giữa dinh dưỡng và việc vận động cơ thể với sức khỏe tim mạch, các nhà nghiên cứu đã mời 705 người Tsimane tham gia vào một cuộc siêu âm tim mạch. Kết quả cho thấy ở tuổi 45 hầu như không có bất cứ người Tsimane nào có triệu chứng bị nghẽn tim mạch, trong khi đó đối với người Mỹ tỷ lệ này lại lên đến 25 phần trăm. Bước vào tuổi 75, có đến hai phần ba người Tsimane chẳng để lộ bất cứ dấu hiệu nào về đau tim, trong khi đó khoảng 80 phần trăm người Mỹ ở tuổi này đều bị nghẽn tim mạch. Trong suốt cuộc nghiên cứu kéo dài khá lâu, các nhà khoa học cũng nhận thấy không có trường hợp chết vì bệnh tật nơi người trẻ trong bộ lạc.
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết: rất có thể các ký sinh trùng trong đường ruột, vốn có nhiều vì những tiêu chuẩn vệ sinh thấp kém của người Tsimane, là tác nhân khích động hệ thống miễn nhiễm và như vậy giúp bảo vệ trái tim.
Kết quả của cuộc nghiên cứu về lối sống của người Tsimane đã khiến cho các chuyên gia nhìn nhận rằng cuộc sống kỹ thuật và đô thị hóa trong thế giới hiện đại ngày nay tạo ra nhiều nguy cơ mới cho sức khỏe của trái tim. Các nhà nghiên cứu đi đến kết luận rằng một cuộc sống tốt đẹp giúp ngăn ngừa được các bệnh về tim mạch. Và cuộc sống tốt đẹp đó bao gồm một cách dinh dưỡng lành mạnh, tức ít chất béo và nhứt là sự vận động cơ thể mỗi ngày.
Ngoài ra, góp phần vào việc bảo vệ trái tim, cuộc nghiên cứu về lối sống của người Tsimane cũng cho thấy người thổ dân này sống hợp quần thành những cộng đồng nhỏ trong đó con người luôn giữ được các mối quan hệ hài hòa với người xung quanh cũng như với thiên nhiên.
Cách dinh dưỡng và lối sống lành mạnh của người thổ dân Tsimane khiến tôi liên tưởng đến cuộc sống của cha tôi. Cha tôi qua đời năm 95 tuổi. Phải trúng số may ra tôi mới thọ được như cha tôi. Cha tôi chẳng để lại cho tôi di sản hay gia tài nào ngoài “kỳ quan” sức khỏe của ông. Là một nông dân chính hiệu, suốt đời ông chỉ biết có “dí thá” và cày bừa. Cho đến những tháng cuối cùng của cuộc đời, sáng trưa chiều, mỗi bữa ăn của ông đều phải có 3 chén cơm.  Từ nhà ra ruộng, mỗi ngày ông đi bộ không dưới 5 cây số. Đó là chưa kể những lúc bì bõm lội trong sình suốt cả ngày. Tôi tin chắc rằng cha tôi chẳng hề có bất cứ dấu hiệu nào về nghẽn tim mạch. Điều càng khiến tôi suy nghĩ về sức khỏe là lúc nào cha tôi cũng kêu gọi bài trừ “thuốc Tây”. Ngoài những viên keo “lô hội” uống sau những bữa ăn chính, cha tôi không bao giờ dùng bất cứ một loại thuốc nào khác. Nhưng tôi nghĩ bí quyết sống khỏe và sống thọ của cha tôi có lẽ nằm ở những bước chân đất và những bắp thịt bị bắt phải vận động hầu như suốt ngày và quanh năm suốt tháng.
Một cách nào đó, ngày nay những bước chân và những giọt mồ hôi của những ngày cày sâu cuốc bẫm của cha tôi có lẽ đã đọng lại trong giờ chạy bộ mỗi ngày và những cố gắng gầy dựng ngôi vườn nhỏ sau nhà của tôi. Tôi vận động cơ thể là để được khỏe mạnh và nhứt là để có được chút thanh thản và bình an trong tâm hồn. Chỉ cần mỗi ngày được ra vườn làm một số động tác như cắt cỏ, tỉa cây, bón phân, tưới nước... và nhứt là chạy bộ để gặp gỡ người khác là tôi thấy như được giảm đau vì một số bệnh tật và trút bỏ được một số phiền muộn vốn không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Xét cho cùng, bước vào buổi xế chiều của cuộc đời, ngoảnh mặt nhìn lại tôi thấy rằng điều khiến tôi thao thức và đi tìm suốt cả đời chính là làm thế nào để cho tâm hồn được bình an.
Tôi không có được “chum vàng bắt được” về sức khỏe của cha tôi. Mẹ tôi qua đời vì đột quỵ ở tuổi 70. Một người anh của tôi ra đi ở tuổi thanh niên sau một cơn tai biến. Qua nhiều cuộc xét nghiệm và nhứt là kinh nghiệm bản thân, tôi biết rằng một “bản án” cũng đã được viết sẵn cho tôi. Tôi rất sợ bệnh tật và dĩ nhiên cũng rất sợ chết! Nỗi ám ảnh ấy khiến tôi luôn quan tâm đến sức khỏe của tim mạch. Hình như ngày nào tôi cũng tìm đọc những tin tức hay tài liệu đến sức khỏe của tim mạch. Ngoài ra tôi còn có cả một cuốn sách gối đầu với tựa đề “Healthy Heart for Life” (trái tim lành mạnh để sống thọ) do ký giả Andrew Cate của đài ABC Úc biên soạn và xuất bản hồi năm 2012. Tác giả đề nghị một loạt những thực hành để giúp hạ giảm huyết áp và mỡ máu nội trong 6 tuần lễ. Thật ra những lời khuyên của tác giả  về dinh dưỡng, kiêng cữ, giảm cân và tập thể dục cũng chẳng có gì mới lạ. Tuy được tác giả dành cho một số trang rất khiêm tốn, tôi lại đặc biệt chú ý đến một số “liều thuốc” ngoài luồng như: cười nhiều hơn, duy trì và gia tăng các quan hệ tốt đẹp với người thân và người xung quanh cũng như “cầu nguyện”. Có thể gọi đây là những “thao luyện” về tinh thần và cảm xúc. Khoa học ngày nay đã có đủ bằng chứng để khẳng định rằng những hoạt động này cũng có tác dụng tích cực đối với sức khỏe của tim mạch như sự dinh dưỡng lành mạnh và vận động cơ thể. Thật ra, đâu phải cứ “thao luyện” về tinh thần và cảm xúc là đương nhiên có được sức khỏe về tim mạch. Có biết bao nhiêu người, dù chẳng biết cười cợt, sống mà chẳng màng đến những giá trị đạo đức hay  người xung quanh, coi trời bằng vung và  nhứt là chẳng cần có niềm tin tôn giáo nào, vậy mà vẫn có một trái tim của những lực sĩ và vẫn sống khỏe. Trái lại cũng có biết bao nhiêu người, dù suốt đời bệnh hoạn ốm đau, nhưng vẫn sống lạc quan và nhứt là luôn có được những quan hệ hài hòa với mọi người xung quanh.
“Một trái tim lành mạnh”: tôi nghĩ đến trước tiên những người, như cha tôi hay các lực sĩ hoặc những người nhờ dinh dưỡng, kỷ luật và vận động cơ thể, luôn có được sức khỏe tim mạch dồi dào. Tôi luôn cố gắng để có được một sức khỏe như thế. Nhưng khi nói đến “một trái tim lành mạnh”, tôi cũng nghĩ đến không biết bao nhiêu người, tuy phải đối đầu với những vấn đề về sức khỏe thể lý, vẫn cố gắng giữ cho trái tim của mình luôn đập  được những nhịp của lạc quan, yêu thương, cảm thông, nhạy cảm trước khổ đau của người đồng loại. Đó là những người, tuy buổi sáng “thức dậy không còn thấy mặt trời”, nhưng vẫn còn “thấy mặt người”, “vây phủ quanh đời tiếng nói yêu thương” (Trịnh Công Sơn).










Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Mơ giữa ban ngày



Chu Thập
30.08.13

Nước Mỹ vừa kỷ niệm đúng 50 năm ngày cố mục sư Martin Luther King đọc bài diễn văn nổi tiếng “Tôi có một giấc mơ…”
Năm 1963, khi mục sư King công bố giấc mơ của mình, tôi còn học trung học. Đang tuổi mơ mộng, cho nên giữa ban ngày, ngay trong lớp học, tôi cũng thường hay mơ. Giấc mơ giữa ban ngày nào mà chẳng đẹp và có học sinh nào mà chẳng mơ. Như anh chàng thư sinh nghèo họ Lư trong điển tích “giấc mộng kê vàng” chẳng hạn. Ngày nọ, anh gặp một đạo sĩ tên là Lữ Ông trong một nhà trọ ở Hàn Đan. Nghe anh than thở đủ điều về cuộc sống của một thư sinh nghèo, Lữ Ông liền rút từ trong ống tay áo ra một cái gối rồi bảo: “Ngươi hãy gối nó ở dưới đầu, mọi sự sẽ diễn ra theo ý muốn của ngươi”.
Lúc Lữ Ông nói chuyện thì chủ nhân của nhà trọ cũng đang nấu cơm “kê vàng”. Còn chàng thư sinh thì đã đi sâu vào giấc điệp. Anh ta mơ thấy mình đi đến một nơi không biết tên. Tại đây, anh gặp gỡ và kết hôn với một cô gái xinh đẹp tên là Thôi Tính. Cô gái này không những con nhà gia giáo, giàu có lại còn lắm tài và hiền thục. Nhờ sự giúp đỡ của vợ, chàng thư sinh họ Lư vượt lên được số phận nghèo khó. Hai người có được với nhau vài mụn con. Về sau, con cái họ trưởng thành, mỗi người đều có cuộc sống sung túc. Riêng họ Lư học hành đỗ đạt và được làm đến chức tể tướng trong triều đình.
Vài năm sau, con cái lại sinh ra cho anh những đứa cháu kháu khỉnh. Nhờ tinh thần lạc quan và luôn biết vui cười với mọi người, chàng thư sinh ngày nào nay đã trở thành một lão ông 80 tuổi.
Giấc mơ nào, dù có dài đến đâu, cũng phải đến lúc kết thúc. Khi chàng thư sinh tỉnh lại, bên khóe miệng anh vẫn còn đang nở nụ cười. Nhưng đến khi mở mắt nhìn vào thực tại, anh vẫn thấy mình đang ở trong căn phòng nhỏ của nhà trọ. Cảnh phú quý và gia đình đầm ấm anh đã từng hưởng chỉ là giấc mơ. Mặc dù đã hưởng được đủ mọi thú vui, chàng thư sinh cũng nhận ra rằng đó chỉ là một giấc mơ và là một giấc mơ rất ngắn ngủi, bởi vì nồi cơm kê vàng của chủ nhân nhà trọ vẫn chưa chín.
Đọc câu chuyện này cũng như “giấc Nam Kha đến bất ngờ” của ông Thuần Phân đời nhà Đường bên Tàu, tôi mới thấy, mặc cho các giáo sư có lên tiếng cảnh cáo và đe dọa, được mơ giữa ban ngày quả là một cái thú. Trong giờ học mà ngủ gà ngủ gật đến độ chiêm bao thì còn gì bằng. Mắt vẫn mở, trí vẫn tỉnh mà vẫn có thể thả hồn đến một nơi bồng lai tiên cảnh nào đó thì quả là thú vị.
Nhiều người, như các vị thày thời trung học của tôi chẳng hạn, cho rằng mơ mộng là dấu hiệu của sự lười biếng và biểu hiện của óc thiếu thực tế. Nhưng mới đây, tôi lại đọc được kết quả nghiên cứu rất tích cực về chuyện mơ giữa ban ngày do trường đại học Southern California, Hoa Kỳ thực thiện. Các nhà khoa học của trường đại học này nói rằng việc để tâm trí được thoải mái đi dạo chơi có thể giúp giải quyết được nhiều rắc rối trong cuộc đời. Các chuyên gia nhận thấy khi suy nghĩ vẫn vơ, bộ não con người nhảy từ ý nghĩ này sang ý nghĩ khác, tái tạo nên những hình ảnh, âm thanh, suy nghĩ và cảm xúc. Những suy nghĩ trong lúc đầu óc chúng ta mơ mộng nằm trong một vùng não luôn hoạt động khi chúng ta nghỉ ngơi hoặc không tham gia vào một nhiệm vụ quan trọng nào đó. Vùng não này sẽ tự động tắt đi khi chúng ta cần phải tập trung.
Kết quả nghiên cứu trên đây đã thực sự giải tỏa trong tôi cái mặc cảm của một người thích mộng mơ giữa ban ngày. Tôi tin rằng lịch sử nhân loại thường được viết lên bởi những giấc mơ. Các bậc hiền triết, các nhà bác học mơ mộng đã đành, mà các tay đồ tể khát máu cũng mơ. Vĩ đại như Hoa Kỳ để đề ra “giấc mơ Mỹ quốc” đã đành, mà bá quyền như Trung Quốc cũng chạy theo “mộng Trung Quốc” với tham vọng bá chủ thế giới.
Khi cố mục sư King dõng dạc công bố giấc mơ của mình, ông đã thực sự được xếp vào bên cạnh những vị cha già dân tộc nổi tiếng nhứt của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Năm 1776, Thomas Jefferson đã soạn ra bản Tuyên ngôn Độc lập. Năm 1801, khi trở thành vị tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, ông đã đọc bài diễn văn nổi tiếng đặt nền móng cho nền dân chủ của nước này. Nhưng được nhắc đến không kém là bài diễn văn mà tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ là Abraham Lincoln đã đọc tại Gettysburg năm 1863, liền sau khi kết thúc cuộc nội chiến Nam-Bắc Mỹ. Bài diễn văn này cũng đặt nền móng cho việc xây dựng một chính phủ của dân, do dân, vì dân. Ngày nay, không có bất cứ chính trị gia và ngay cả học sinh Mỹ nào mà không biết đến hai bài diễn văn này.
Nhưng có lẽ “giấc mơ” của cố mục sư King đơn giản và có sức đánh động tâm hồn người dân Mỹ hơn cả. Ngày 28 tháng 8 năm 1963, trước một đám đông biểu tình tụ tập tại đài tưởng niệm “Lincoln Memorial” ở thủ đô Washington, ông đã dẹp qua một bên bài diễn văn được soạn sẵn và ứng khẩu nói lên giấc mơ của mình:
“Tôi có một giấc mơ: một ngày kia trên những ngọn đồi đỏ rực của tiểu bang Georgia, con cái của những người cựu nô lệ và con cái của những cựu chủ nhân sẽ có thể ngồi xuống với nhau trên bàn ăn của tình huynh đệ.
Tôi có một giấc mơ: một ngày kia, ngay cả tiểu bang Mississipi, một tiểu bang ngột ngạt vì lò lửa của bất công, bừng cháy vì sức nóng của áp bức, sẽ được biến đổi thành một ốc đảo của tự do và công lý.
Tôi có một giấc mơ: một ngày kia 4 đứa con nhỏ của tôi sẽ được sống trong một quốc gia trong đó chúng sẽ bị đánh giá không phải vì màu da, mà vì tư cách của chúng…
Hôm nay tôi có một giấc mơ.”
Giấc mơ của vị mục sư này đã trở thành hiện thực. Chỉ một năm sau, tức năm 1964, chính phủ Hoa Kỳ đã ban hành “Luật về Quyền dân sự” (Civil Rights Act). Và một năm sau nữa, “Luật về quyền bỏ phiếu” (Voting Rights Act) cũng ra đời. Người Mỹ gốc Phi Châu, hậu duệ của những người nô lệ bị các chủ nhân da trắng buôn bán và trao đổi như một thứ hàng hóa, đã chính thức được nhìn nhận như những công dân với đầy đủ quyền lợi và bổn phận như người da trắng.
Ôn lại “giấc mơ” của mục sư King, đương kim bộ trưởng tư pháp Hoa Kỳ, ông Eric Holder, một người Mỹ gốc Phi Châu, nói rằng không có giấc mơ ấy thì ông sẽ không bao giờ được bổ nhiệm vào chức vụ này và ông Barack Obama cũng chẳng bao giờ có thể trở thành tổng thống Mỹ.
Giấc mơ của mục sư King không những đã mang lại niềm cảm hứng cho toàn nước Mỹ, mà còn khiến cho không biết bao nhiêu người trên khắp thế giới cũng dám “mơ” và mơ giữa ban ngày. Trong đoản văn có tựa đề “Tôi cũng có một giấc mơ” (I have a dream too), Malala Yousafzai, cô nữ sinh Pakistan đã từng bị phong trào hồi giáo quá khích Taliban mưu sát và nay đã trở thành biểu tượng của niềm khao khát và ý chí vươn lên trong học vấn, đã viết:“(Mục sư) Martin Luther King Jr. đã mang lại niềm cảm hứng cho hàng triệu triệu người, trong đó có tôi, để biết mơ. Những lời của ông - vốn còn mãnh liệt sau nửa thế kỷ - mang lại sức mạnh cho chúng ta để tiếp tục cuộc hành trình tiến về hòa bình và bình đẳng. Dĩ nhiên, ông là một nhà tranh đấu và lãnh tụ vĩ đại cho nhân quyền. Ông đã đứng lên chống lại kỳ thị và tạo niềm cảm hứng cho Hoa Kỳ được trở thành một xứ sở cho mọi người thuộc mọi màu da và tín ngưỡng. Một cách trung thực, ông đã gióng lên tiếng nói vì tự do. Ông đã mơ và đã thay đổi thế giới chỉ bằng một vài lời mãnh liệt, không thể nào quên được.
Di sản của ông là: những lời này đã vang vọng đến bên kia bờ đại dương của Hoa kỳ và vượt qua thế hệ mà ông đã ngỏ lời. Ngày nay, những lời này vẫn còn có giá trị, cách riêng với tôi, một thiếu nữ sinh ra gần 30 năm sau khi ông qua đời, tại một đất nước cách xa hơn 7000 dặm.
Giấc mơ của tôi là thấy rằng mỗi một trẻ em đều có được một cuốn sách và một cây viết. Tôi mơ rằng mỗi một người phụ nữ trên thế giới này đều được đối xử bình đẳng và xứng với phẩm giá của họ. 50 năm sau bài diễn văn nổi tiếng tại Washington D.C, tôi cũng có một giấc mơ” (Time, 26/8&2/9/2013).
Ngày nay, tuy không còn ở cái tuổi mơ mộng nữa, nhưng nói như Malala Yousafzai, “tôi cũng có một giấc mơ”. Trước hết, hướng về quê hương Việt Nam, tôi mơ rằng những người cộng sản sớm hồi tâm, nhận ra con đường họ đang đi là sai lầm, từ bỏ con đường độc tài khát máu, tôn trọng những quyền cơ bản của người dân. Với niềm xác tín của cố mục sư King, tôi tin rằng sẽ đến một ngày không xa, Việt Nam quê hương tôi sẽ hưởng được sự dân chủ, hòa bình đích thực và thịnh vượng.
Nhìn xa hơn ra thế giới, tôi mơ rằng sẽ có một ngày những người giàu có nhận thức được rằng hạnh phúc đích thực của con người không nằm trong đống tài sản mà họ tích lũy được, mà chính là những gì họ biết quảng đại chia sớt với những người nghèo đói. Tôi mơ sẽ có một ngày không còn cảnh hàng triệu người mỗi buổi tối phải đi ngủ với cái bụng trống rỗng. Tôi mơ sẽ không còn cảnh trẻ em phải suốt đời lớn lên trong những túp lều dã chiến của các trại tỵ nạn. Và trẻ vị thành niên không còn phải bị giam trong các trại cải huấn như là hệ quả của một tuổi thơ nghèo khổ, thiếu tình thương hay bị ngược đãi.
Tôi cũng mơ rằng sẽ đến một lúc con người trên thế giới này sẽ không còn nhân danh ý thức hệ và nhứt là nhân danh tôn giáo để loại trừ và chém giết nhau. Tôi mơ được nhìn thấy một thiên đàng trần thế trong đó mọi người có tôn giáo đều nhận ra rằng cốt lõi của tôn giáo là thái độ chấp nhận, tấm lòng khoan nhượng, sự cảm thông và tha thứ. Và từ đó tôi mơ được bước vào một Thiên-Đàng-Không-Biên-Giới trong đó chúng ta thương yêu nhau trong tình người với người. Bởi mọi sự đều hữu hạn còn tình người thì không.
Trong cuộc sống mỗi ngày, tôi muốn được tiếp tục mơ và hát với ban nhạc nổi tiếng “Abba”: “Tôi có một giấc mơ, một bài ca để hát, để giúp tôi đương đầu với mọi sự. Nếu bạn thấy được những kỳ diệu trong một câu chuyện thần tiên, bạn có thể đón nhận tương lai ngay cả khi bạn thất bại. Tôi tin có các thiên thần. Tôi tin điều thiện hảo trong mọi sự tôi nhìn thấy. Tôi tin có các thiên thần. Khi tôi biết đúng lúc, tôi sẽ lội qua dòng suối. Tôi có một giấc mơ.
Tôi có một giấc mơ, tôi có óc tưởng tượng để giúp tôi đi xuyên qua thực tại và điểm đến khiến tôi có thể đi qua tăm tối thêm một dặm nữa. Tôi tin có các thiên thần. Tôi tin điều thiện hảo trong mọi sự tôi nhìn thấy…”
Mục sư Martin Luther King đã dám mơ. Giấc mơ của ông đã trở thành hiện thực và góp phần thay đổi thế giới. Cô nữ sinh Malala Yousafzai cũng đã dám mơ và giấc mơ của cô đã và đang góp phần thay đổi số phận của các trẻ em gái và phụ nữ, cách riêng trong thế giới Hồi giáo. Tôi tin là dù không nói ra, rất nhiều người trên khắp thế giới nhứt là trong các quốc gia theo chế độ cộng sản và độc tài cũng đã và đang mơ và giấc mơ của họ cũng phần nào được hình thành. Không có gì để mất khi mơ những giấc mơ đẹp cho thế giới vì nhờ đó mà chúng ta có hứng khởi và động lực để biến chúng thành sự thật.
“Hôm nay tôi có một giấc mơ…” Và tôi mời bạn cũng có một giấc mơ…




Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Cam Bốt và cộng đồng người Việt


24.03.17
Koh Pos Die Edth là một làng Việt Nam tiêu biểu tại Cam Bốt.
Nằm dọc theo sông Cửu Long và cách Thủ đô Phnom Penh khoảng 45 phút lái xe về hướng nam, làng Koh Pos Die Edth có trên dưới 40 nóc nhà hai tầng san sát nhau xung quanh một ngôi thánh đường công giáo. Hai bên làng là những đồng ruộng xanh ngát chỉ bị ngập lụt mỗi năm một lần vào mùa mưa.
Nói chuyện với ký giả Peter Ford của báo The Diplomat, một cư dân của làng Koh Pos Die Edth tên là Kim Sophea khẳng định: “Tôi muốn làm sáng tỏ: chúng tôi không phải là “Kitô Hữu”, mà là người Công giáo”. Người phụ nữ 33 tuổi, giáo viên tiểu học này muốn có sự phân biệt rõ ràng giữa người Công giáo và các hệ phái Kitô Giáo khác.
Mặc dù tên Kim Sophea có âm điệu hoàn toàn Cam Bốt, nhưng người nữ giáo viên này lại có gốc gác Việt Nam. Cha mẹ chị là người Việt Nam và chị cũng cảm thấy là người Việt Nam như 75.000 người Việt Nam hiện đang sinh sống rải rác tại xứ chùa tháp này. Theo các số liệu của một cuộc thống kê mới nhất được thực hiện năm 2013, trong tổng số dân gần 15 triệu người, chỉ có 0.5 phần trăm người Cam Bốt tự nhận là tín hữu Kitô. Tại các đô thị, tỷ lệ này có thể nhích lên một chút, nhưng không quá 1.1 phần trăm.
Chị Kim Sophea tâm sự: “Tôi chào đời tại một làng ở Cam Bốt và hiện mang căn cước Cam Bốt. Điều này giúp cho cuộc sống của tôi dễ dàng hơn. Tôi cũng nói tiếng Cam Bốt xuôi chảy”. Khác với phần đông người Việt Nam trong làng Koh Pos Die Edth, người giáo viên này được trả lương cao và chị cũng có thể đi bầu trong các cuộc bầu cử ở địa phương và cấp quốc gia.
Kim Sophea giải thích: “Tôi cảm thấy mình là người Cam Bốt, nhưng sống trong cộng đồng này, tôi cũng cảm thấy mình là người Việt Nam”.
Trong làng Koh Pos Die Edth, tất cả mọi khẩu hiệu được viết trên tường, quyển Kinh Thánh trong nhà thờ và ngay cả những câu viết bậy cũng đều được viết bằng tiếng Việt Nam. Người nữ giáo viên tiểu học cho biết: “Trước kia tất cả chúng tôi đều làm nghề đánh cá. Nhưng ngày nay chúng tôi không thể sống bằng nghề này nữa vì cá hết sạch. Đàn ông làm những nghề vụn vặt như làm chìa khóa và lao động nặng, trong khi nhiều phụ nữ đi nhặt đồ phế thải. Chúng tôi sống xung quanh những đồng ruộng của người Cam Bốt, bởi vì chúng tôi không có bất cứ mảnh đất nào. Chúng tôi có thể thuê ruộng, nhưng không ai biết làm ruộng cả”.
Lịch sử của cộng đồng người Việt tại Cam Bốt đầy những trang đau thương. Từ năm 1867 đến năm 1953, thực dân Pháp đã đưa nhiều người Việt Nam sang Cam Bốt để làm công chức hành chính và làm “cai” trong các đồn điền cao su.
Kể từ năm 1555, các nhà thừa sai công giáo người Bồ Đào Nha đã thành công trong việc quảng báo Kitô Giáo tại Việt Nam, nhưng hoàn toàn thất bại tại Cam Bốt, quốc gia có đa số theo Phật Giáo tiểu thừa này. Phải nhờ có sự yểm trợ của Pháp, Giáo hội Công giáo mới tìm được một chỗ đứng tại Cam Bốt. Việc hoàn thành nhà thờ chính tòa “Notre Dame” (Nhà thờ Đức Bà) tại Thủ đô Pnom Penh  vào năm 1962 là cao điểm của công cuộc truyền giáo của Pháp tại Cam Bốt. Rất tiếc, năm 1976,  ngôi thành đường này đã bị những người cộng sản Khmer Đỏ phá hủy.
Năm 1970, tướng Lon Nol đã thực hiện một cuộc đảo chính nhằm lật đổ Quốc vương Norodom Sihanouk, người luôn có chủ trương thân Trung Cộng và bài người Việt. Dưới thời ông vua này,  những cuộc tàn sát, trục xuất hàng loạt và điều được gọi là “Cáp duồn”, tức giết người Việt xảy ra khắp nơi. Nhiều người Việt đành phải hồi hương. Ngày 13 tháng Tư năm 1970, đã có khoảng 800 người đàn ông bị hạ sát và cuối năm đó, theo ước tính, từ con số 65.000 người một năm trước đó, cộng đồng Công giáo tại Cam Bốt chỉ còn lại 7.000 người.
Bà Nguyễn Thị Cần, mẹ của chị Kim Sophea tự hỏi: không biết tại sao cả gia đình bà đều bị chính quyền săn đuổi. Cũng như người con gái của bà, bà Cần sinh gần Wat Krosar, trên bờ sông Cửu Long. Năm 1982, 4 năm sau khi quân đội cộng sản Việt Nam tiến vào Cam Bốt để lật đổ Chính phủ Khmer Đỏ, bà Cần mới có thể  trở lại thăm làng cũ.
Vốn đã âm ỉ trong lòng người dân Cam Bốt, sự thù hận đối với người Việt Nam đã được những người Khmer Đỏ khai thác đến cùng. Mặc dù đã từng được các “đồng chí” Cộng sản Việt Nam tài trợ và huấn luyện, Khmer Đỏ vẫn căm thù người Việt. Hai lãnh tụ khét tiếng của chế độ này là Nuon Chea và Khieu Samphan cùng với hai người khác là Iang Sary và Ieng Thirith đã bị truy tố về tội ác chống lại nhân loại, diệt chủng và những hành động vi phạm Công ước Geneva năm 1949. Những người cộng sản Khmer Đỏ do lãnh tụ khét tiếng Pol Pot lãnh đạo đã chiếm thủ đô Phnom Penh năm 1975. Vương quốc Cam Bốt trở thành Cộng hòa Cam Bốt. Chế độ mới đã khuôn rập theo chủ nghĩa Mao để thực hiện điều được gọi là “Bước nhảy vọt vĩ đại”. Tất cả mọi người dân đô thị đều bị lùa về nông thôn để trở về lối sống của Thế kỷ thứ 11. “Bước nhảy vọt vĩ đại” ở Cam Bốt đã biến đất nước thành điều thường được gọi là “Những cánh đồng giết người” (killing fields). Đã có trên dưới 2 triệu người bị sát tế trong những “cánh đồng giết người” ấy.
Trỏ tay về một xưởng gạch nằm cách làng Koh Pos Die Edth khoảng một cây số, chị Kim Sophea nói rằng trước đây gia đình chị sống bên cạnh bờ sông và đàng sau xưởng gạch này. Người chủ của xưởng gạch đã cho gia đình chỉ ở mà không phải trả tiền thuê. Nhưng cách đây 10 năm xưởng gạch đã đổi chủ và gia đình chị phải dời đi vì không có đủ điều kiện để thuê.
Năm 2005, một linh mục công giáo người Việt tại Hoa Kỳ đã mua cho cộng đồng một miếng đất nhỏ. Đây chính là nơi mà năm 2014, cộng đồng công giáo tại làng Koh Pos Die Edth đã xây cất được ngôi thánh đường. Trên cổng chào trước ngôi thánh đường, người ta đọc được câu “Nhà thờ Chiên Thiên Chúa Lò Gạch”. “Lò Gạch” nói lên địa điểm gần nơi xưởng gạch, nơi gia đình chị Kim Sophea đã từng sinh sống. Mỗi ngày Chúa nhật, vào lúc 8 giờ sáng, khoảng 130 gia đình từ làng Koh Pos Die Edthe và những vùng lân cận tập trung lại trong ngôi thánh đường này để tham dự thánh lễ. Cũng tại đây, tất cả mọi sinh hoạt đều diễn ra bằng tiếng Việt.
Theo lời kể của chị Kim Sophea, tuy nghèo, nhưng dân làng Koh Pos Die Edth là những người rất cần cù và luôn giữ được những quan hệ tốt đẹp với những người láng giềng Cam Bốt. Tuy nhiên vì không nói được tiếng Cam Bốt, nhiều người Việt trong cộng đồng phải chịu nhiều thiệt thòi. Những người lớn tuổi chỉ bập bẹ được vài câu tiếng Cam Bốt. Có người chẳng nói được câu nào. Chính vì vậy mà họ không thể tìm được việc làm bên ngoài cộng đồng.
Cuộc kiểm tra dân số năm 2013 cho thấy chỉ có khoảng 0.42 phần trăm dân số Cam Bốt sử dụng tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, đối với trẻ con người Việt, các bậc phụ huynh và các nhà lãnh đạo của cộng đồng luôn nhấn mạnh đến nhu cầu phải học tiếng Cam Bốt, nghĩa là tuân thủ chính sách hiện nay của chính phủ Cam Bốt là trong các trường học chỉ được sử dụng một ngôn ngữ duy nhất là tiếng Cam Bốt mà thôi. Cũng theo chiều hướng đó, cha mẹ Việt Nam trong cộng đồng cũng đặt tên cho con cái họ bằng tiếng Cam Bốt.
Mặc dù đã và đang hội nhập tối đa vào quê hương mới như thế, các trẻ em Việt Nam chào đời tại Cam Bốt vẫn không được cấp giấy khai sinh của Cam Bốt và do đó phải chờ đến lớp năm tiểu học mới được thu nhận vào các trường công lập.
Mặc dù bị kỳ thị như thế, nhưng chị Kim Sophea lại nhấn mạnh rằng quan hệ giữa cộng đồng người Việt tại làng Koh Pos Die Edth và người dân địa phương vẫn tốt đẹp. Theo người nữ giáo viên này, tình trạng đã thay đổi theo chiều hướng tốt kể từ 10 năm nay. Không có bất cứ người Việt nào đã bị trục xuất. Trong khi đó tại vùng người Champa đang sinh sống chỉ cách đó 7 cây số, đã có một số người bị trục xuất. Mặc dù đã sinh sống ở đây trước cả cộng đồng người Việt, người Champa vẫn không trưng dẫn được bằng chứng nào về điều đó.
Trong năm 2016, đã có tất cả 3.000 người bị trục xuất ra khỏi Cam Bốt. Phần lớn là người Việt. Không có thân nhân bà con, không được chính phủ Cộng sản Việt Nam giúp đỡ, không có tay nghề cao, phần lớn những bị trục xuất đều tìm đường trở lại Cam Bốt. Đây chính là nơi họ đã sinh ra và lớn lên. Mặc dù các lãnh đạo của làng Koh Pos Die Edth luôn tạo được những quan hệ tốt đẹp với chính quyền địa phương, nhiều người dân làng vẫn cảm thấy lo sợ và luôn đặt trong tư thế phải đối phó với những cuộc bố ráp có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Giữa người dân bản xứ và người Việt trong làng cũng luôn có quan hệ tốt. Ở đây, người Cam Bốt luôn cố gắng tránh sử dụng từ “Duồn” (yuon) để chỉ người Việt, vì từ này luôn có hàm ý xấu trong tiếng Cam Bốt. Đảng đối lập “Quang phục Quốc gia Cam Bốt” (Cambodian National Rescue) do ông Sam Rainsy làm chủ tịch đã bị chỉ trích vì tiếp tục sử dụng từ này với hàm ý kỳ thị đối với người Việt Nam.
Biết thân phận “đất khách quê người” của mình, người Việt tại làng Koh Pos Die Edth luôn cố gắng duy trì quan hệ tốt đẹp với người bản xứ. Xung quanh làng là những đồng ruộng chuyên trồng bắp cải. Mỗi năm, một mảnh vườn bắp cải có thể thu hoạch được 2.500 ký lô. Những người canh tác trong những mảnh đất này phần lớn là người Cam Bốt. Họ rất cảm kích trước sự gắn bó của người Việt. Lý do thật dễ hiểu: bị liệt kê vào danh sách những di dân lậu, sống không có giấy tờ hợp pháp, luôn lo sợ trước viễn ảnh có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào cho nên người Việt luôn đoàn kết để đùm bọc và che chở lẫn nhau.
Ông Mao Long, một người Cam Bốt đã sống gần 50 năm gần cộng đồng người Việt, nói rằng ông rất cảm kích trước sự nâng đỡ nhau của người Việt. Đây là điều mà ông Long cho là rất lỏng lẻo trong các cộng đồng người Cam Bốt. Mặc dù không nói được tiếng Việt, ông Long vẫn có thể trao đổi với người Việt. Ông có nhiều bạn bè là người Việt; ông và họ thường ngồi uống rượu đế với nhau.
Ông Long trồng cà chua, đậu và bắp cải trên mảnh đất gần bên nhà thờ công giáo của người Việt Nam. Mỗi năm Cam Bốt nhập cảng từ Việt Nam đến cả 400 tấn rau xanh. Nhưng theo ông Long, hầu hết dân Cam Bốt đều muốn thấy rau xanh của họ được trồng ngay từ vùng của ông, nơi có đông người Việt đang sinh sống.
Những người nông dân hiền hòa và cởi mở như ông Long có thể là điểm tựa duy nhất còn lại cho cộng đồng người Việt tại Cam Bốt.

(Nguồn:http://thediplomat.com/2017/03/cambodia-catholicism-and-cauliflower )





Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

Con đường độc đạo “nhìn là muốn ăn”!





 Chu Thập
17.03.17
Mùa đông vừa qua, tôi tiếp một ông bạn từ Mỹ qua chơi. Là một luật sư, ông có kiến thức rộng và nhứt là lý luận sắc bén. Bàn chuyện gì, ông cũng nhìn từ nhiều góc cạnh khác nhau. Nghe ai phê bình bất cứ người nào, ông cũng tìm cách bênh vực cho tới cùng.  Nhằm lúc diễn ra cuộc  bầu cử tổng thống ở Mỹ, có lẽ quen thói làm “trạng sư của quỷ” chăng, ông đưa ra mọi lý lẽ để vận động và biện hộ cho ứng cử viên Donald Trump. Tôi cứ nghĩ bụng: ông bạn luật sư của tôi đang luyện “võ mồm” cho vui, chớ làm gì có chuyện ủng hộ một người như ông Trump. Vậy mà sau khi có kết quả bầu cử, bạn tôi vui mừng vỡ lở. Ông cho biết sau khi cân nhắc kỹ càng và mặc cho sự chống đối của bà vợ và cô con gái rượu của ông, ông đã dồn phiếu cho ông Trump. Biết tôi là người không ưa ông Trump, bạn tôi hỏi dò: bộ dân Úc không thích ông Trump, phải không?
Cho tới nay tôi vẫn chưa trả lời cho câu hỏi thăm dò này. Không hiểu sao độ này tôi mắc phải một hội chứng tâm lý mới: không dám khẳng định điều gì nữa! Sở dĩ tôi có thái độ này là vì đã bị một “vố” quá đau trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua. Do bị các cơ quan truyền thông và các tổ chức thăm dò dư luận ở Mỹ “lèo lái” cũng như tin vào cảm tính của mình, tôi đã đánh cá chắc nịch rằng may ra có phép lạ ứng cử viên Trump mới đắc cử. Sau ngày bầu cử, bà Hillary Clinton buồn bao nhiêu tôi thấy đau bấy nhiêu! Và cũng từ đó, tôi thấy mình phải tỏ ra dè dặt hơn khi bơi lội trong đại dương thông tin hàng ngày. Nhứt là kể từ khi ông tổng thống thứ 45 của Mỹ ngày nào cũng nói đến “tin giả” (fake news) và xem truyền thông, báo giới “như kẻ thù của nhân dân Mỹ”, tôi cứ tưởng như nghe đồ tể Lenin đội mồ sống lại. Tuy không sống trong một chế độ độc tài bưng bít, tôi vẫn thấy như mình lúc nào cũng phải “đề cao cảnh giác”, nhìn trước ngó sau và giữ mồm giữ miệng để khỏi phải hớ hay bị vạ miệng.
Có đúng là dân Úc không thích ông Trump không? Tôi định gởi điện thư cho ông bạn luật sư để kể cho ông nghe câu chuyện tôi vừa chứng kiến ở Melbourne. Số là tôi có đi thăm người bạn gốc Mỹ đang thăm viếng thành phố này. Bạn tôi, tuy muốn dừng chân ở Úc, vẫn luôn tự hào là một công dân Mỹ. Gặp người Úc nào, đi vào hàng quán nào, ông cũng vỗ ngực tự giới thiệu mình đến từ xứ Cờ Hoa. Nước Mỹ vĩ đại, sắp vĩ đại trở lại và có lẽ sẽ vĩ đại hơn dưới triều đại của tổng thống Trump mà! Bạn tôi hãnh diện về căn cước của mình là phải, bởi vì ông cũng là một ủng hộ viên sẵn sàng sống chết cho ông Trump như ông bạn luật sư của tôi. Cùng một tuổi với tôi, nhưng bạn tôi vẫn còn là một người rất tình tứ. Lúc nào và ở đâu ông cũng có thể bày tỏ những cử chỉ âu yếm dành cho “một nửa” kia của ông. Nhưng dưới mắt tôi, đây quả là một đôi uyên ương lạ lùng: cứ nhắc đến tổng thống Mỹ thì lúc nào bạn tôi cũng cung kính “một ông Trump, hai ông Trump”, còn bà thì mở miệng ra là dứt khoát chỉ có “thằng Trump” thôi!
Sợ bị hớ cho nên tôi không dám khẳng định rằng người phụ nữ Úc gốc Việt cư dân Melbourne này đại diện cho rất nhiều người Việt tỵ nạn ở Úc và nhứt là dân Úc chính hiệu về chuyện thích hay không thích ông Trump. Sự kiện bà Pauline Hanson trở lại chính trường Úc với hào quang sáng chói càng khiến tôi phải dè dặt hơn khi nhận định về cái nhìn của dân Úc đối với ông Trump. Phải có rất nhiều người dân Úc thích người phụ nữ “phiên bản” của ông Trump này, bà mới làm mưa làm gió được trong chính trường Úc hiện nay.
Nhưng cho tới nay, vì phải dè dặt với giới truyền thông cho nên tôi không tin  kết quả  của bất cứ  một cuộc thăm dò chính thức nào về số người Úc ủng hộ bà Pauline Hanson và qua bà gián tiếp ủng hộ ông Trump. Tuy nhiên, mới đây kết quả cuộc bầu cử ở Tiểu bang Tây Úc đã khiến tôi suy nghĩ nhiều về thái độ của người Úc. Cuộc hôn phối gượng ép của Đảng Tự Do với Đảng One Nation của bà Pauline Hanson đã dẫn đến một sự thất bại thê thảm cho Thủ hiến Colin Barnett. Và dù cho bà Pauline Hanson có giải thích thế nào đi nữa, với chiến thắng áp đảo của Đảng Lao Động, người dân Tây Úc đã nói thẳng với bà rằng họ không những không chấp nhận thái độ lừng khừng của ông Barnett, họ cũng chẳng mặn mà  với bà. Một cách cụ thể, với chiến thắng của Lao Động, người dân Tây Úc muốn cực lực phản đối giọng điệu bài di dân, chống Hồi giáo, nghi ngờ về hiện tượng thời tiết thay đổi, chủ trương chống chích ngừa cho trẻ con hoặc thái độ tôn thờ đối với đồ tể Putin của Nga...như được tổng thống Trump rêu rao và được bà Hanson lập lại ở Úc.
Tôi đặc biệt chú ý đến lời tuyên bố của tân Thủ hiến Tiểu bang Tây Úc liền sau khi kết quả bầu cử được công bố. Ông Mark McGowan  nói rằng kết quả  bầu cử là một chiến thắng của “phong cách và trí tuệ” trên “sự ngu xuẩn và dốt nát” (victory of “decency and intelligence” over “stupidity and ignorance”). Tôi thích câu nói này bởi vì đây là tiêu chuẩn tôi thường đưa ra để chọn mặt gởi vàng trong bất cứ một cuộc bầu cử nào.Tôi không biết một người như bà Pauline Hanson, vốn được báo chí tặng cho danh hiệu Ms  “Xin vui lòng giải thích” (Ms Please explain!) có cần yêu cầu ông tân thủ hiến Tây Úc giải thích về câu nói này không.
Tôi định gởi kết quả cuộc bầu cử ở Tiểu bang Tây Úc và câu nói của ông McGowan cho ông bạn luật sư của tôi như một câu trả lời gián tiếp cho câu hỏi của ông: bộ dân Úc không thích ông Trump phải không? Nhưng nghĩ lại, thấy tiếng nói của một tiểu bang chưa đủ để đại diện cho toàn nước Úc, cho nên tôi bỏ ý định. Vả lại, vì lúc nào cũng muốn để tình bạn lên trên hết, tôi thấy im lặng là tốt nhứt. Chính trị dễ gây chia rẽ và làm sứt mẻ nhiều thứ quan hệ, nhứt là quan hệ bạn bè.
Thay vì một bản tin dễ bị chụp mũ là “tin giả” hoặc kết quả của một cuộc thăm dò dư luận có thể bị xem là thiếu  khách quan hay có mùi chính trị, tôi sẽ gởi cho ông bạn luật sư của tôi một phong cảnh thật dễ thương của quê hương mới của tôi. Đây là cảnh của một con đường tại Thị trấn Buderim, thuộc vùng Sunshine Coast của Tiểu bang Queensland. Kèm với những bức hình về phong cảnh là bài giới thiệu của đài ABC trong một chương trình ngày 2 tháng 12 năm 2016. Tôi đã nhiều lần đi thăm tiểu bang Queensland. Tôi cũng đã có dịp đến Sunshine Coast, nhưng chưa đặt chân đến con đường được đặt tên là “Urban Food Street” (Con đường thực phẩm ở thành phố), mà một tác giả Việt Nam nào đó thích quá đã đặt tên là “Con đường độc đạo nhìn muốn ăn”. Tình cờ đọc được bài phóng sự, xem một số hình ảnh về cây trái, hoa quả hai bên đường, một người bạn từ Pháp đã chuyển đến cho  tôi. Quả thật, nhìn con đường là muốn đến thăm và thấy  trái cây, rau quả là muốn ăn ngay!
Đọc lại bài phóng sự của đài ABC, tôi mới biết trồng cây ăn trái  và rau xanh hai bên đường để cho cư dân hay bất cứ khách qua đường nào cũng có dịp thưởng thức được là sáng kiến của hai ông bà Duncan McNaught và Caroline Kemp. Sáng kiến đã bắt đầu được thực hiện vào năm 2009. Vào thời điểm này, trong các siêu thị, giá một quả cam chẳng hạn có khi lên đến 2 Úc kim. Vậy thì tại sao không tự trồng lấy mà ăn? Nghĩ như thế cho nên lúc đầu, cặp vợ chồng trung niên này chỉ muốn trồng vài cây cam trong vườn của mình. Nhưng nghĩ đến rất nhiều người không có điều kiện để tự canh tác, hai ông bà mới quyết định trồng cây ở hai bên đường. Không mấy chốc sáng kiến này đã thu hút và qui tụ được nhiều người cùng chí hướng. Càng lúc càng có nhiều người tham gia để biến con đường thành cả một vườn trái cây và rau củ. Khách qua đường có thể nhận ra đủ các loại cây trái và rau củ trên “Con đường độc đạo nhìn muốn ăn” này như chuối, cam quít, lựu, trái bơ, thanh long, dâu, dâu rừng, cà chua, cải, rau xà lách, bạc hà và các loại rau nhiệt đới...Nói chung, ai muốn thứ gì cũng đều có cả. Năm 2015, con đường cây trái và rau củ này đã thu hoạch được gần cả tấn chuối và 300 bắp cải.
Ông Duncan McNaught đã nói về lợi ích của ngôi vườn bên lề đường này: “Vấn đề người ta thường gặp phải khi chuẩn bị bữa ăn là đột nhiên nhận thấy trong nhà đã hết gia vị hay các loại rau củ cần thiết mà lái xe đi mua thì thì không tiện. Ngày nay, chỉ cần đi đến con đường này là có ngay những thứ đó”. Và dĩ nhiên không những có ngay mà còn miễn phí nữa!
Cái triết lý sống tiềm ẩn trên “Con đường độc đạo nhìn muốn ăn” này, như được bà Caroline Kemp chia sẻ, chính là “mỗi người đều có một cách cống hiến khác nhau. Suy nghĩ chung của chúng tôi chính là: chung tay và chia sẻ!”
Một triết lý sống như thế chỉ có thể khiến cho những người hàng xóm của con đường này ngày càng đoàn kết và hòa hợp với nhau hơn mà thôi. Bà Caroline Kemp mô tả một trong những hình ảnh đẹp của con đường này: “Mỗi buổi chiều, trẻ em trong vùng đều ra ngoài đường chơi đùa, đá banh. Còn người lớn thì mang rổ ra để hái rau quả”. Kể từ ngày có “con đường độc đạo nhìn muốn ăn” này, quan hệ giữa các cư dân cũng thay đổi: trước đây, gặp nhau người ta chỉ vẫy tay chào. Bây giờ người ta dừng lại để trò chuyện, chọn ngày để họp mặt. Bà Kemp nói rằng “mọi người đều cảm thấy như người cùng một nhà”. Nếu có một ngôi vườn địa đàng thì tại con đường độc đạo “nhìn là muốn ăn” này, người ta đã có thể ngửi được một chút hương thơm của ngôi vườn ấy. Bởi lẽ linh hồn của một ngôi vườn như thế chỉ có thể là tình người mà thôi.
Úc Đại Lợi, quê hương thứ hai của tôi, đã tự nhận là một “xứ sở may mắn”, nhưng chưa phải là đất nước của niềm mơ ước. Ở đất nước này thỉnh thoảng cũng có những cuộc khủng bố và cũng không thiếu những người kỳ thị chủng tộc và bài ngoại. Nhưng hình ảnh của con đường độc đạo “nhìn là muốn ăn” ở Thị trấn Buderim, thuộc vùng Sunshine Coast của Tiểu bang Queensland mang lại cho tôi nhiều hy vọng và lạc quan về đất nước này. Dù thuộc chủng tộc, văn hóa, tôn giáo nào, mọi người đều có thể ngồi lại với nhau để chung tay và chia sẻ cho nhau. Giấc mơ lớn của một đất nước không nằm ở những chương trình vĩ đại, mà ở những con đường nhỏ, những xóm nhỏ trong đó mọi người đều có thể vượt qua khỏi mọi thứ biên giới và rào cản để đến với người khác.









  

Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

Khi thiền sư chưa đắc đạo



Chu Thập
13.08.13


Thỉnh thoảng tôi đi về “thành phố” cũng như thiền sư xuống núi. Chỉ có điều vì chưa “đắc đạo” cho nên tôi cứ phải bị phản ứng ngược. Vị thiền sư đắc đạo thì sau khi cõng một phụ nữ qua dòng suối đã bỏ thị lại ở bờ suối, còn người “thiền” chưa đến nơi đến chốn, dù không chạm đến ai cả, vẫn cứ ôm người ta vào lòng mà mang về nhà.
Cách đây một tuần, tôi gặp một “sự cố” khiến tâm tư tôi cứ bị dằn vặt. Ghé một tiệm thực phẩm Á châu do người Hoa làm chủ để mua gạo, loại Jasmine sản xuất tại Úc Đại Lợi, tôi đụng phải một thanh niên thuộc loại coi trời bằng vung. Sau khi tính tiền, tôi đứng đợi ở bãi đậu xe và chờ người khuân vác trong tiệm mang ra xe như thường lệ. Tôi đã chuẩn bị một chỗ trống rộng rãi trong “cốp” xe để cho bao gạo vào. Sau khi lướt qua tờ biên nhận, người thanh niên có nhiệm vụ chuyển hàng hóa ra xe cho khách hàng đã “ném” mạnh bao gạo vào “cốp” mà không buồn nhắm vào cái chỗ tôi đã soạn sẵn khiến cho một số trái cây và rau cỏ bị dập. Tôi mới lên tiếng than phiền: “Anh làm nát cả đồ tươi của tôi rồi”. Thay vì một tiếng “xin lỗi”, anh nói như tát vào mặt tôi: “Lần sau tôi bỏ xuống đất! Ông tự mà bỏ vào xe.” Trong một tình huống như thế, tôi thường “ăn thua đủ” chớ đâu có chịu bỏ qua! Vậy mà không biết tại sao tôi vẫn giữ được bình tĩnh để thu xếp đồ đạc và lên xe đi về. Nhưng khổ một nỗi là cả tuần lễ sau đó, cái khuôn mặt của người thanh niên này cứ hiện về để thách thức tôi. Đúng là một cuộc thách thức. Tôi cứ phải “đấu tranh tư tưởng”: nói theo thành ngữ quen thuộc và vô nghĩa trong nước hiện nay, “chuyện nhỏ như con thỏ” mà sao tôi cứ phải bị ám ảnh đến độ không lướt thắng được!
Thấy mình “thiền” chưa đủ để có thể bỏ qua những chuyện chẳng ra gì, tôi cố lục lạo trong trí nhớ để tìm những bài học về chữ “Nhẫn” của các bậc thánh hiền. Bài học được tôi nhớ đến trước hết là câu chuyện của một đạo sĩ Ấn Độ. Chuyện như thế này: “Một lão ông nổi tiếng về sự điềm đạm. Chưa ai có thể khuấy động được sự tĩnh lặng trong tâm hồn ông, kể cả những kẻ cố tình buông lời khích bác nặng nề nhứt. Vì thế, hầu như mọi người trong làng đều muốn biết bí quyết của ông.
Ngày nọ, một số thanh niên trong làng quyết định tìm cách chọc giận vị đạo sĩ. Họ thuê một thằng bé lưu manh nhứt trong làng và chỉ vẽ cho nó những điều cần làm. Bọn thanh niên hứa sẽ trả cho thằng bé 500 rupi (rupi là đơn vị tiền tệ của Ấn độ trị giá khoảng 0.02 Mỹ kim), nếu nó làm cho ông lão không còn tự chủ được nữa.
Đám thanh niên biết rõ vị đạo sĩ có thói quen đi tắm sông vào mỗi buổi sáng. Thế là chúng lén đi theo ông và nấp sau một bụi cây bên bờ sông để theo dõi. Khi ông lão vừa tắm xong, lên bờ thì thằng bé kia chạy đến tát vào mặt ông. Vậy mà ông lão chỉ mỉm cười rồi quay trở lại sông để tắm tiếp. Khi ông lên bờ lần thứ hai thì thằng bé cũng chạy lại và tiếp tục tát vào mặt ông. Lần này, ông lão cũng chỉ mỉm cười và trở lại dòng sông.
Chuyện khó tin này cứ thế diễn ra cả chục lần. Cuối cùng, thắng bé lưu manh mới dừng lại hành động “mất dạy” của mình và chạy đến quỳ sụp xuống trước mặt lão ông. Với tất cả chân thành và sám hối, thằng bé van xin vị đạo sĩ tha thứ cho nó.
Thấy thế, đám thanh niên cũng ra khỏi bụi cây và chạy đến sụp lạy trước mặt vị đạo sĩ để xin tha lỗi.
Vô cùng ngạc nhiên trước sự nhẫn nhục của cụ già, một thanh niên trong nhóm mới lên tiếng hỏi: “Thưa cụ, làm sao cụ có thể chịu đựng được hành động vô lễ, đáng hổ thẹn này của bọn chúng cháu như thế?”
Vẫn với nụ cười nhân hậu, cụ già nói: “Dù sao nó cũng chỉ là một đứa con nít!” (Francis Xavier,The World’s Best Inspiring Stories).
Thì ra thế! Bị bất cứ ai quấy rày, làm tổn thương và ngay cả lăng mạ mà cứ nghĩ rằng người đó chỉ là “một đứa con nít” là xong chuyện. Trong cuốn sách gối đầu giường của tôi “Don’t sweat the small stuff” (Vượt qua những chuyện nhỏ), tiến sĩ Richard Carlson cũng đưa ra một lời khuyên tương tự. Tác giả đề nghị: “Cứ tưởng tượng những người bạn gặp trong cuộc sống như những thơ nhi và người 100 tuổi”. Ông cho biết bí quyết này đã giúp ông thành công trong việc thắng vượt được những cảm xúc tiêu cực, nhứt là tức giận đối với người khác.
Hãy thử tưởng tượng có ai đó thật sự làm cho chúng ta tức giận. Hãy nhắm mắt lại và cố gắng hình dung người đó như một trẻ thơ với tứ chi nhỏ bé và nhứt là đôi mắt thiên thần của nó. Chẳng có trẻ thơ nào muốn hãm hại ai cả và mỗi người chúng ta cũng đã từng là một trẻ thơ như thế. Và cho dẫu một trẻ thơ có khóc nhè và gây khó chịu đi nữa, cũng chẳng có người mẹ hay bất kỳ người lớn nào tỏ ra giận dữ hay trách móc nó.
Rồi cũng con người đó nhưng được chúng ta cho sống đến 100 tuổi. Hãy thử tưởng tượng ra đôi chân tay run lẩy bẩy, ánh mắt đục mờ, nhưng nụ cười lại thanh thản có sức gợi lên một chút minh triết và một chút khiêm tốn để nhìn nhận những lầm lỗi của mình. Một ngày nào đó mỗi người chúng ta, nếu may mắn, cũng sẽ như thế…
Tiến sĩ Carlson viết rằng một cái nhìn như thế về bất cứ người nào làm chúng ta bị tổn thương cũng sẽ khiến chúng ta thay đổi cách phán đoán và khơi dậy sự cảm thông. Nếu mục đích của cuộc sống là để biết yêu thương, sống an bình và hạnh phúc thì chắc chắn chúng ta sẽ không còn tích lũy trong tâm tư những cảm xúc tiêu cực, nhứt là cừu hận đối với người khác.
Đây cũng là nguyên tắc mà tác giả Stephen Covey đã đề ra trong cuốn sách nổi tiếng “Seven Habits of Highly Effective People” (Bảy thói quen của những người hoạt động có hiệu năng cao). Để có thể bằng lòng với cuộc sống, với bản thân và có thể cũng đạt được nhiều hiệu năng hơn trong công việc, hãy “trước tiên cảm thông với người khác”. Cảm thông với người khác để hiểu rõ người khác hơn là để người khác hiểu mình. Nếu chúng ta hiểu được người khác đến từ đâu, điều họ muốn nói, điều gì là quan trọng đối với họ.v.v…thì sự cảm thông sẽ tự nhiên đến. Trong cuộc sống lắm khi chúng ta chỉ muốn người khác hiểu mình hơn là mình phải hiểu người khác. Nhưng khi chúng ta cố gắng giải thích và người khác cũng làm đủ cách để giải thích, thế nào hai “cái tôi” cũng va chạm nhau. Trái lại, nếu chúng ta đi bước trước trong sự cảm thông với người khác, thì họ sẽ cảm thấy được lắng nghe và chính chúng ta cũng sẽ cảm nhận được sự thanh thản và an bình trong tâm hồn.
Cảm thông với người khác là biết nhìn qua bên kia hành động và lời nói của người khác. Tôi cảm nhận được ý nghĩa sâu xa của lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã thốt lên khi bị treo trên thập giá: “Xin Cha tha cho chúng, vì chúng lầm không biết việc chúng làm”. Thỉnh thoảng có người cũng khuyên tôi như thế khi tôi mở miệng trách móc ai đó: “Thôi, giận nó làm gì, nó có hiểu gì đâu”. Có lẽ cha mẹ nào cũng đều xử sự như thế đối với con cái mình. Chẳng có cha mẹ nào yêu thương con cái vì chúng ngoan hiền cả, mà chỉ vì chúng là con cái của mình. Nếu tình yêu chỉ được xây dựng trên hạnh kiểm của người mình thương, thì có lẽ chẳng có ai trong chúng ta được yêu thương khi chúng ta bước vào tuổi thiếu niên là tuổi “khó dạy” và bướng bỉnh hơn cả.
Nếu ai cũng biết thể hiện một thứ tình yêu vô vị lợi đối với người khác thì chắc chắn thế giới của chúng ta sẽ trở thành một nơi tốt đẹp và đáng sống hơn.
Dĩ nhiên, yêu thương như thế không hề có nghĩa là bắt chước con đà điểu để mỗi khi gặp bất bình, bất công… liền chui đầu xuống cát hay để “ba phải” đến độ nhắm mắt làm ngơ trước những hành động tội ác hay vô luân chỉ có thể đáng lên án mà thôi.
Yêu thương vô vị lợi và cảm thông là cố gắng tìm hiểu điều gì đã thúc đẩy người khác hành động như thế. Hôm nay, ông phát thư không những đến trễ mà còn không mang đến những lá thư tôi đang trông đợi. Biết đâu không phải lỗi của ông mà vì thư từ không xếp đúng thứ tự, hay ông lo ra vì chuyện nhà lu bu. Hôm nay, người lái xe phía sau lưng tôi qua mặt một cách “xấc xược” và nguy hiểm. Biết đâu gia đình anh đang gặp khó khăn và vợ anh đang chờ anh hoặc biết đâu anh ta không muốn trễ hẹn với người yêu…Hôm nay, người phối ngẫu của tôi hay những người bạn thân của tôi tự nhiên có thái độ “càu nhàu” đối với tôi. Biết đâu đàng sau thái độ đó họ chỉ muốn bày tỏ ước muốn được lắng nghe, yêu thương và được yêu thương.
Với cố gắng cảm thông như thế, tôi nhìn lại hành động, lời nói và gương mặt của người thanh niên làm việc cho tiệm thực phẩm Á Châu đã ám ảnh tôi trong suốt tuần qua. Nhìn gương mặt non chọet của anh, tôi đoán anh chưa quá 25 tuổi. Nghe giọng tiếng Anh của anh, tôi nghĩ anh không phải là một người Hoa sinh ra tại Úc này. Có thể anh là một sinh viên đến từ Trung Quốc. Cũng có thể anh là một di dân lậu đến từ quốc gia cộng sản này. Rất có thể hành động và lời nói thiếu giáo dục của anh cho biết anh đã sinh ra và lớn lên trong một xã hội mà mọi thứ chuẩn mực luân lý và đạo đức đều bị quét sạch. Và biết đâu hôm đó là ngày Chúa nhựt, lẽ ra anh đã xong việc nhưng người chủ cố tình làm lơ cho qua giờ cao điểm nên anh giận cá băm thớt. Tôi thử đưa ra một loạt những “nghi vấn” như thế để hiểu được hành động bất thường của người thanh niên. Chắc chắn anh không phải là chủ tiệm vì chẳng chủ tiệm nào lại đi đuổi khách. Bằng mọi giá tôi thấy mình phải vượt qua cái chuyện “nhỏ như con thỏ” này.
Xét cho cùng, cuộc sống mỗi ngày được dệt bằng vô số những tổn thương do lời nói hay hành động mà người khác gây ra cho tôi. Thường là do vô tình hơn là hữu ý. Vấn đề là chúng ta thấy trong một khoảnh khắc nhưng lại dùng khoảnh khắc đó để minh họa nên một con người. Chính vì vậy mà chuyện “con thỏ” mới có cơ hội biến thành con bò.
Mỗi khi tới mùa bầu cử, tôi thấy mình thật có giá. Ngồi trước màn hình theo dõi các cuộc vận động tranh cử, tôi tha hồ khen chê, bình phẩm ông này bà nọ. “Tâm tình” của tôi cứ ngả qua ngả lại mỗi khi tôi có thêm một nhận xét hay hiểu thêm một vấn đề. Từ nay cho đến ngày 7 tháng 9, tôi có thay đổi lập trường không thì không biết. Tôi chỉ biết có mỗi một điều là cũng như hầu hết các cử tri Úc, chuyện khen chê của tôi dành cho các lãnh tụ chính trị cứ thay đổi như chong chóng. Càng “nghiêm khắc” trong nhận xét tôi tự thấy mình càng tỏ ra “thông suốt” những chuyện chính trị phức tạp cứ như tôi đứng ở ngay đàng sau cánh gà. Nhiều lúc tôi còn muốn nhảy vào tivi để làm quân sư nữa.
Thế nhưng nếu hồi tưởng lại cái cảnh tôi ngồi trước màn hình, phê bình một cách hết sức chủ quan và đôi lúc cũng nặng lời không thương tiếc, tôi thấy mình cũng xử sự không thua gì anh vác gạo. Đâu là chỗ “khó nói” của ông Rudd hay đâu là thế kẹt của ông Abott, tôi làm sao biết được. Biết đâu nếu tôi biết được tôi lại cảm thấy cảm thông với cả hai ông thì sao.
Nếu như các chính trị gia cũng thuộc loại thiền sư nửa mùa như tôi thì họ sẽ phải vác bao nhiêu khuôn mặt về nhà và vào trong giấc ngủ. Tại sao tôi lại tự bày ra một trận chiến để “uýnh” chính mình chỉ vì một câu nói của anh vác gạo? Tôi tự làm khổ mình vì chuyện không do tôi tạo nên. Vấn đề là tôi đã không chịu “giải thoát” cho tôi ngay lúc đó bằng cách nhìn anh trong khung cảnh làm việc của anh hơn là chỉ chú mục vào hành động của anh: một thanh niên trẻ lầm lũi làm đủ việc tạp nhạp trong một này chủ nhật đẹp trời trong cái kho hàng dơ bẩn chật hẹp và chắc chắn với đồng lương chẳng hậu hĩ gì.
Bấy nhiêu đủ để tôi thấy là mình sẽ chẳng bao giờ đắc đạo. Nhưng tôi yêu mến cái không đắc đạo vì điều đó giúp tôi luôn muốn hướng đến một hướng cao hơn, xa hơn khỏi con người của tôi: Hướng đến người khác.




Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

Syria: thiên đàng của các lãnh chúa!


17.03.17

Một buổi sáng mùa đông, một người đàn ông Syria có tuổi đang đứng trước một chiếc máy bán cà phê tự động tại một khu phố ở miền Đông Thành phố Aleppo. Nằm ở phía Bắc Syria và là thành phố lớn nhất của nước này,  Aleppo đã được quân đội chính phủ tái chiếm khỏi tay phe nổi dậy tháng 12 năm vừa qua. Hoang tàn và đổ nát, mỗi buổi sáng thành phố này cũng cố gượng thức giấc. Một số người đang cố gắng dọn dẹp và làm sạch những đống gạch vụn. Các cửa tiệm đã mở cửa trở lại. Rau xanh và hoa quả cũng từ từ được chuyển đến.
Người đàn ông đứng trước chiếc máy cà phê tự động cố gắng không làm bất cứ một cử chỉ nào khiến những người xung quanh phải chú ý đến. Nếu không ông có thể bị giết chết bất cứ lúc nào. Bên cạnh chiếc máy cà phê tự động, ai đó đã đốt lửa trong một thùng phuy. Cầm trên tay ly cà phê, người đàn ông đang tìm cách đến gần “lò sưởi” để hâm nóng đôi bàn tay. Vài tuần trước đó, sau khi khu phố này trở về tay quân đội chính phủ, ông đã mon men tìm đến nơi đã từng là tiệm sửa xe gắn máy của ông. Nhưng ai đó đã dùng súng bắn gẫy ổ khóa của cửa tiệm. Nhìn vào bên trong, ông thấy có một số dân quân thân chính phủ. Họ đang tháo gỡ một chiếc xe gắn máy, các vật dụng mang nhãn hiệu Đức quốc và tất cả các đồ phụ tùng khác. Vừa thấy ông, hai tên dân quân giương khẩu Kalashnikov của họ lên. Người đàn ông không còn một chọn lựa nào khác hơn là bỏ đi, để mặc các tên dân quân chuyển các đồ vật từ trong cửa tiệm của ông lên chiếc xe tải của họ.
Đứng bên “lò sưởi” lộ thiên và nghe câu chuyện của người đàn ông có tuổi này, nhiều người cũng chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Một người trong số này, vốn là chủ của một tiệm buôn, cho biết khi quân đội chính quy Syria vừa bỏ đi thì các dân quân liền vào tiệm của ông và vơ vét tất cả mọi thứ. Một người khác kể lại chuyện các dân quân đã sát hại anh của ông. Theo lời kể, khi nạn nhân bị thương và đang nằm trên giường thì các dân quân xông vào nhà. Họ nói rằng đây là nhà của họ và ra lệnh tống cổ nạn nhân ra khỏi nhà. Người kể chuyện nói rằng anh của ông quá yếu không thể bước ra khỏi nhà. Một tên dân quân liền rút súng ra và bắn vào đầu nạn nhân. Sau đó họ cướp hết tất cả mọi thứ trong nhà.
Chỗ có chiếc máy cà phê tự động là nơi gặp gỡ của rất nhiều người có cùng một hoàn cảnh. Ai cũng có một câu chuyện để kể về những hành động cướp bóc và tàn bạo của các dân quân. Câu chuyện sẽ ngưng lại, mọi người sẽ giữ thinh lặng nếu tình cờ có một người mang phù hiệu “con ó vàng” (Golden Hawk)trên bộ đồng phục của họ. Đây chính là một dân quân thuộc tổ chức dân quân “Những con ó sa mạc” (Desert Hawks), một trong hai tổ chức dân quân có thế lực nhất hiện đang hoạt động trong những vùng do chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad kiểm soát.
Trong nhiều tháng qua, quân đội của Chính phủ Assad đã tiến chiếm được hầu hết lãnh thổ Syria. Thật ra, quân đội của chính phủ Syria chẳng làm nên trò trống gì nếu không có sự yểm trợ của quân Nga và Iran cũng như các tổ chức dân quân địa phương khác.  Ngày nay, một khi đã kiểm soát được nhiều vùng, các tổ chức dân quân này lại làm mưa làm gió: họ bắn giết, cướp của và xách nhiễu thường dân. Và chẳng có ai, ngay cả Tổng thống Assad, có thể chận đứng được hành động bạo tàn này. Thật vậy, các tổ chức dân quân hiện đang nắm giữ nhiều quyền hành hơn cả Tổng thống Assad. Chính họ đang thực sự cai trị một nước Syria đổ nát vì chiến tranh.
Ngay cả trước khi diễn ra cuộc nổi dậy hồi  năm 2011, số phận của Tổng thống Assad hoàn toàn lệ thuộc vào một số tướng lãnh và nhân viên tình báo thuộc Sắc tộc Alawite. Nhưng sắc tộc này chỉ chiếm có từ 12 đến 15 phần trăm dân số Syria. Năm 2012, số phận của Assad lại càng bấp bênh hơn khi bắt đầu có sự rạn nứt trong hàng ngũ quân đội. Hàng trăm ngàn binh sĩ đã đào ngũ. Một số theo phe nổi dậy, một số không chịu trình diện. Tháng 9 năm 2015, khi quân Nga tham chiến, quân đội Syria chỉ còn có 6.000 binh sĩ.
Để bảo tồn quân chính quy, Chính quyền Assad đã phải “bán linh hồn” cho các tổ chức dân quân. Trong nhiều trường hợp, nhiều lãnh tụ các tổ chức buôn lậu hay tội phạm công khai trở thành lãnh chúa. Được Chính phủ Assad dung túng và sử dụng, họ khuếch trương công việc làm ăn bất chính và mở rộng lãnh thổ. Trong các tổ chức dân quân được Tổng thống Assad sử dụng, đáng sợ nhất là tổ chức “Những con ó sa mạc” và “Mãnh hổ” (Tiger Forces). Tổ chức “Những con ó sa mạc” có tổng hành dinh tại Hải cảng Latakia, bắc Syria. Còn “Mãnh hổ” thì hùng cứ tại  Hama, một hải cảng khác cũng nằm ở miền Bắc Syria. Mỗi tổ chức đều có từ 3000 đến 6000 dân quân. Ngoài hai tổ chức lớn này, còn có hàng trăm tổ chức dân quân nhỏ khác. Tất cả đều thân chính phủ.
Bánh mì, xăng dầu và thuốc men...Đây là những nhu yếu phẩm hiện đang thiếu một cách trầm trọng tại Syria. Và dĩ nhiên ai đang nắm trong tay quyền kiểm soát những nhu yếu phẩm này, họ chính là những người đang có thực quyền. Họ chính là các lãnh chúa đang chỉ huy các tổ chức dân quân. Có quyền và có tiền nhờ mua bán nhu yếu phẩm, họ mua thêm khí giới cũng như chiêu mộ được nhiều chiến binh.
Trong khi quân đội chính phủ vì tuyệt vọng đành phải vào các nhà tù để tuyển mộ binh sĩ thì các chiến binh lại tình nguyện gia nhập vào các tổ chức dân quân. Lý do thật dễ hiểu: họ lãnh lương nhiều gấp 3 lần so với quân đội chính quy. Ngoài ra, họ còn được nhiều tự do hơn: tự do để cướp bóc và bắn giết!  Họ có thể dựng lên bất cứ trạm kiểm soát nào để thu thuế. Họ có thể tự do bán ma túy, buôn lậu xăng dầu và nhất là tha hồ cướp bóc ở những làng mạc hay thành phố vừa được họ kiểm soát.
Muốn hay không, để tiếp tục yên vị trên chiếc ghế độc tài của mình, Tổng thống Assad phải chấp nhận lệ thuộc vào các tổ chức dân quân. Tháng 12 năm vừa qua, khi quân đội chính phủ, được sự yểm trợ của quân đội Nga, chiếm lại Thành phố Aleppo, người ta thấy các binh sĩ Syria xuất hiện trước các máy thu hình của các đài truyền hình để khoe khoang về chiến công của họ. Thật ra, chiến công ấy trước tiên thuộc về những người lính đánh thuê từ Iraq, A Phú Hãn và Liban cũng như các dân quân thân chính phủ. Chính những dân quân này mới là những người kiểm soát các vùng được tái chiếm sau khi chiến trận kết thúc.
Trên danh nghĩa, Chính phủ Syria đã chiếm lại được một số vùng do phe nổi dậy hoặc các tổ chức khủng bố kiểm soát. Trong thực tế, Chính phủ Assad hoàn toàn không có thực quyền tại những vùng này. Có cả hàng trăm tổ chức khác nhau đang tranh quyền cai trị. Họ thu tóm tiền của từ cuộc chiến và đang dùng khủng bố để cai trị.
Hải cảng Hama, cứ địa của tổ chức dân quân “Mãnh hổ”, là một điển hình của tình trạng này. Năm 1982, tại hải cảng này, các lực lượng quân sự thân với Hafis Assad, người sáng lập ra triều đại Assad, đã đè bẹp một cuộc nổi dậy và giết hơn 10.000 người chỉ trong 3 tuần lễ. Mới đây, hải cảng này đã trở thành cứ địa của tổ chức dân quân “Mãnh hổ”. Tổ chức này là một mớ hổ lốn qui tụ được tình báo của không quân, các lãnh tụ của các thị tộc địa phương và nhất là các tội phạm. Cùng với một sĩ quan quân đội thuộc Sắc tộc Alawite, “Mãnh hổ” đã tiêu diệt được phe quân nổi dậy tại Hama ngay từ năm 2011. Nay “Mãnh hổ” đã thò nanh vuốt của họ vào rất nhiều vùng của Syria.
Ali Shelly và Talal Dakkak là hai lãnh tụ khét tiếng của “Mãnh hổ”. Xuất thân là những tên tội phạm, Shelly và Dakkak tổ chức các cuộc bắt cóc để tống tiền, buôn lậu xăng dầu và bán cho cả tổ chức “Quốc gia Hồi giáo”. Mùa hè năm 2016, quân đội chính phủ đã chận bắt được một đoàn xe tải đang vận chuyển xăng dầu. Ai cũng biết đoàn xe vận tải này đang chuyển xăng dầu cho tổ chức “Quốc gia Hồi giáo”. Nhưng vì sợ Dakkak trả thù, quân đội chính phủ đã không dám tịch thu số xăng dầu này. Cuối cùng, họ đành giao số xăng dầu này cho một đơn vị tình báo của không quân mà ai cũng biết là cánh tay mặt của “Mãnh hổ”. Và dĩ nhiên, chẳng bao lâu sau đó, đoàn xe vận tải lại được phép tiếp tục di chuyển và số xăng dầu ấy lại được chuyển giao cho tổ chức “Quốc gia Hồi giáo”.
Để tiếp tục cai trị trong một đất nước hoàn toàn thối nát như thế, Tổng thống Assad luôn cần có sự tiếp tay của các tổ chức dân quân. Thật ra, nhà độc tài này cũng chẳng đương đầu nổi với các tổ chức này, vì họ vừa có quyền vừa có của cải. Đầu tháng Hai vừa qua, Thành phố Aleppo lâm vào tình trạng thiếu thốn mọi thứ, nhất là thuốc men. Vậy mà số thuốc men được chính phủ cho tiếp tế vào thành phố cuối cùng lại rơi vào tay của Ali Shelly. Lãnh tụ dân quân này tịch thu thuốc men để bán lại với giá cắt cổ. Nếu cần có tiền, Ali Shelly không ngần ngại bán khí giới cho các tổ chức phiến quân.
Quân đội Syria biết quá rõ những hoạt động này của tổ chức dân quân “Mãnh hổ”. Thỉnh thoảng quân đội hay các đơn vị quân báo tìm cách chận đứng những hoạt động này, nhưng mọi nỗ lực đều thất bại. Tháng 3 năm 2016, sau một cuộc chạm súng, quân đội chính phủ đã bắt giữ lãnh tụ của một tổ chức dân quân Kitô Giáo rất có thế lực tại miền Bắc. Nhưng những người ủng hộ lãnh tụ này đã phản đối dữ dội và cuối cùng ông đã được trả tự do.
Ở đâu cũng có chính quyền địa phương thuộc Đảng Baath của Tổng thống Assad. Nhưng chính quyền này chỉ có hư vị. Quyền hành thực sự nằm trọn trong tay các tổ chức dân quân, nhất là tại hai hải cảng Hama và Latakia.
Tại Latakia, mọi quyền hành đều nằm trong tay lãnh chúa Mohamed Jaber, lãnh tụ tối cao của tổ chức dân quân “Những con ó sa mạc”. “Những con ó sa mạc” là một đối thủ lợi hại của “Mãnh hổ”. Trong cuộc hành quân chiếm lại Thành phố Palmyra, nơi có nhiều di tích cổ, hai tổ chức này đã đụng độ nhau. Chính phủ Assad đã phải cử một phái đoàn quân sự đến để giải hòa. Kể từ đó, Chính phủ Assad luôn tìm cách dàn xếp để hai tổ chức không phải đối mặt nhau trong cùng một mặt trận hay cùng một cuộc hành quân phối hợp.
Mohamed Jaber làm giàu nhờ buôn lậu, nhất là xăng dầu. Khi cuộc nội chiến bùng nổ và Syria bị cô lập vì những cuộc cấm vận của thế giới, Mohamed Jaber lại càng giàu hơn nữa nhờ buôn lậu xăng dầu vào Syria. Ông qui tụ được hàng trăm cựu quân nhân và các tên tội phạm để bảo vệ các đoàn xe vận tải xuyên qua sa mạc. Tháng 8 năm 2013, Tổng thống Assad đành phải ký một sắc lệnh cho phép các doanh gia được có các lực lượng an ninh riêng. Đây chính là con đường để những tên buôn lậu như Mohamed Jaber được chính thức trở thành lãnh chúa. Một cách nào đó, ông đã trao quyền sinh sát cho họ. Khi can thiệp vào cuộc chiến, người Nga cũng cung cấp khí giới và ngay cả huy chương cho các lãnh chúa này.
Nếu có được tổ chức thì các cuộc bầu cử tại Syria sẽ chẳng bao giờ phản ảnh ý muốn của cử tri, mà chỉ cho thấy ai mới thực sự là người có quyền quyết định ai sẽ ra ứng cử và ai sẽ đắc cử.
Tổng thống Assad đã từng mang tiếng là một nhà độc tài. Nhưng ông chỉ là bù nhìn. Các lãnh chúa mới thực sự là người đang cai trị Syria. Đất nước này quả là “thiên đàng” của họ!

(theo:http://www.spiegel.de/international/world/assad-power-slips-in-syria-as-warlords-grow-more-powerful)