Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

Khủng bố : cần một định nghĩa mới



26/10/18
Hai chữ “khủng bố” thường gợi lên trước tiên cảnh một toa xe lửa nổ tung làm cho nhiều người vô tội thiệt mạng, một vụ nổ bom tự sát trong một trung tâm thương mại, một chuyến bay hàng không dân dụng nổ tung trên bầu trời, một chiếc xe tải nhào một đám đông...thường xảy ra tại một nước văn minh tiến bộ. Nhưng có lẽ người ta lại không mấy quan tâm đến cũng một cảnh tượng như thế tại một nước đang phát triển hay một nước nghèo.
Ngày 16 tháng Mười Hai năm 2014, người dân Úc đã theo dõi những biến cố diễn ra trong tiệm cà phê Lindt tại Sydney. Cuộc giải cứu các con tin bị cầm giữ trong tiệm cà phê đã làm cho 2 người thiệt mạng. Cùng ngày hôm đó, một cuộc tấn công nhắm vào một trường học tại Pakistan đã làm cho 145 người thiệt mạng, trong đó có 132 nạn nhân là trẻ em.
Cũng ngày hôm đó, tại Yemen, 25 người đã bị giết chết trong một cuộc đánh bom nhắm vào một chiếc xe buýt. Một ngày trước khi xảy ra vụ bắt giữ con tin trong tiệm cà phê Lindt ở Sydney, 185 người đã bị bắt làm con tin tại một làng của một nước nghèo là Nigeria, bên Phi Châu.
Theo các số liệu của Tổ chức “Global Terrorism Index” (Chỉ số Khủng bố Toàn cầu) có trụ sở tại Hoa Kỳ, kể từ năm 2000, trên 99 phần trăm những vụ tấn công khủng bố đều xảy ra tại những nước nghèo là những nơi đang phải triền miên đối diện với xung đột và chiến tranh.
Hầu hết mọi quốc gia và Liên Hiệp Quốc đều có riêng một danh sách về những tổ chức khủng bố. Trong quá khứ, được cho vào danh sách khủng bố là những tổ chức vô chính phủ, Tân Đức Quốc Xã, Cộng sản, các tổ chức khuynh tả và ngay cả những thành phần bảo vệ môi sinh một cách cực đoan.
Tại Hoa Kỳ, theo một bản phúc trình của Quỹ “The Investigative Fund at The Nation Institute” (Quỹ Điều tra thuộc Viện Quốc Gia) trong năm vừa qua,  những thành phần cực hữu quá khích đã thực hiện nhiều cuộc khủng bố gấp 2 lần những người Hồi giáo cực đoan.
Tại Anh Quốc, hầu hết những cuộc khủng bố đều được thực hiện bởi phong trào ly khai tại Bắc Ái Nhĩ Lan, cụ thể là tổ chức IRA (Quân đội Bắc Ái Nhĩ Lan).
Dù vậy, ngày nay phần lớn các cơ quan truyền thông Tây Phương thường chỉ chú trọng đến các cuộc khủng bố của những người Hồi giáo cực đoan.
Kết quả của những cuộc nghiên cứu được trường đại học Tiểu bang Alabama, Hoa Kỳ thực hiện, đã cho thấy rằng nếu những cuộc tấn công khủng bố do những người không phải Hồi giáo thực hiện chỉ được các cơ quan truyền thông dành cho khoảng 15 bài tường thuật, thì con số bài tường thuật dành cho các cuộc khủng bố của những người Hồi giáo cực đoan lại lên đến 105. Riêng tại Úc Đại Lợi, trong số 26 tổ chức khủng bố, có đến 25 tổ chức được dán lên nhãn hiệu “Hồi giáo”. Bên trong Úc Đại Lợi, hiện chưa có những nhóm phiến loạn hay các phong trào nổi dậy có vũ trang. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, phần lớn các cuộc chiến mà Úc Đại Lợi tham gia đều diễn ra tại những nước Hồi giáo. Quân đội Úc hiện đang được gởi tới chiến đấu tại ít nhất 5 quốc gia có đa số dân theo Hồi Giáo, trong đó có A Phú Hãn, Iraq và Syria.
Theo từ điển Oxford, khủng bố được định nghĩa như là “việc sử dụng bạo động, thị oai một cách bất hợp pháp, nhất là nhắm vào thường dân, để đạt những mục đích chính trị”. Một định nghĩa như thế chắc chắn không chỉ nhắm vào các tổ chức Hồi giáo cực đoan và bạo động là một chiến thuật không chỉ dành riêng cho những tổ chức đã bị cực đoan hóa.
Tại Syria, nhiều nhóm đối lập đã từng bị quốc tế xếp vào hàng ngũ các tổ chức khủng bố vì những cuộc tấn công nhắm vào thường dân. Nhưng tấn công vào thường dân là điểm nhắm không chỉ của tổ chức khủng bố “Quốc gia Hồi giáo” (IS) hay của các nhóm đối lập. Các cuộc không kích của quân đội chính phủ Syria và các nước đồng minh của Syria cũng gây ra tử vong và thương tích cho không biết bao nhiêu thường dân. Tại Yemen, các cuộc không kích do Á Rập Saudi và liên minh được Hoa Kỳ yểm trợ cũng làm cho không biết bao nhiêu thường dân, nhất là trẻ con, thiệt mạng và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng thấy. Ngay cả các lực lượng của Úc Đại Lợi và quân đồng minh cũng gây ra cái chết cho không biết bao nhiêu thường dân qua các cuộc không kích tại Iraq và Syria. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, là một thành viên của một liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo, Úc Đại Lợi đã “thả hàng ngàn bom đạn xuống các mục tiêu tại Iraq và Syria kể từ tháng Tám năm 2014”.
Bản phúc trình của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền còn nêu đích danh Úc Đại Lợi “như là thành viên ít trong suốt nhất của liên minh” khi tường trình về con số tổn thất về nhân mạng.
Vậy thì đâu là sự khác biệt giữ một hành động chiến tranh và một hành động khủng bố, nếu không phải con số thường dân bị thiệt mạng?
Theo ông Charles Lister, giám đốc của Viện Trung Đông chuyên nghiên cứu về chủ nghĩa cực đoan và phản gián, khủng bố thường được định nghĩa theo những chiến thuật được sử dụng và nhận thức văn hóa hơn là hậu quả của những cuộc tấn công.
Dĩ nhiên, “Quốc gia Hồi giáo” và Al Qaeda là hai tổ chức khủng bố điển hình nhất. Một tổ chức khác là Đảng Công Nhân Kurd, gọi tắt là PKK, cũng bị nhiều nước trên thế giới xếp vào hàng ngũ những tổ chức khủng bố từ nhiều thập niên qua. Tuy nhiên, Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi và các nước Âu Châu lại trang bị, huấn luyện và ủng hộ các chi nhánh của tổ chức này tại Syria và Iraq. Là một tổ chức có chủ trương tranh đấu cho việc thăng tiến phụ nữ, Đảng Công Nhân Kurd lại theo ý thức hệ Marxit. Được lãnh tụ Abdullah Ocalan thành lập năm 1978, tổ chức này đã tự vũ trang vào năm 1984 với mục đích dùng vũ lực để thành lập một quốc gia độc lập của người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù đe dọa cho nền an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ, tổ chức Đảng Công Nhân Kurd lại không phải là một mối đe dọa như phần lớn các nước vẫn xem họ là một tổ chức khúng bố.
Ngày nay, “khủng bố” không còn là độc quyền của các tổ chức Hồi giáo cực đoan như “Quốc gia Hồi giáo”, Al Qaeda, Boko Haram, Abu Sayab hay Jemaah Islamiyah...nữa. Nó có những khuôn mặt khác và cũng núp dưới bóng của những tôn giáo mà giáo lý cốt lõi là sự khoan nhượng và hòa bình.
Gần đây thảm cảnh của thiếu số Hồi giáo thuộc sắc tộc Rohingya tại Miến Điện đã cho thấy một bộ mặt khác của Phật Giáo. Ở đất nước có đa số dân theo Phật Giáo này đã xuất hiện một nhà sư được nhiều người gọi là “Bin Laden Phật Giáo” của Miến Điện. Nhà sư tên là Wirathu này đã từng bị thế giới lên án vì những bài thuyết pháp đầy hận thù của ông chống lại người Hồi giáo Rohingya. Mới đây, giọng điệu của ông còn hằn học hơn. Trong một cuộc biểu tình ủng hộ đại tướng Min Aung Hlang, nhà sư này đã đả kích Liên Hiệp Quốc và cho biết nếu như Chính phủ Miến Điện bị mang ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế tại The Hague để bị xét xử vì tội diệt chủng đối với người Rohingya, chính ông sẽ cầm súng chống lại!
Tháng trước, Tòa Hình sự Quốc tế đã mở hồ sơ về những tội ác được Chính phủ Miến bảo trợ chống lại người Rohingya. Từ giữa tháng Chín đến tháng Mười Hai năm vừa qua, đã có khoảng 700.000 người Rohingya  chạy trốn sang Bangladesh vì chủ trương diệt chủng và thanh lọc chủng tộc của Chính phủ Miến Điện.
Thế giới đã lên án Chính phủ Miến mà người lãnh đạo hiện nay không ai khác hơn là bà Aung San Suu Kyi, người đã từng được trao Giải thưởng Nobel Hòa Bình hồi năm 1991. Nhưng thế giới chú ý đến số phận đau thương của người Rohingya hơn là chủ trương bài Hồi giáo vốn là động lực thúc đẩy cuộc thanh lọc chủng tộc đối với sắc dân này. Theo các quan sát viên, nói đến khủng bố thế giới Tây Phương quan tâm đến khủng bố của các tổ chức Hồi giáo cực đoan hơn là Phật Giáo, bởi vì ai cũng nghĩ rằng Phật tử lúc nào cũng là những người yêu chuộng hòa bình và có tinh thần khoan nhượng.
Thật ra, như ông Phil Robertson, phó giám đốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, phân bộ Á Châu, nhận định: “Nhiều người Tây Phương không hề biết rằng cũng như bất cứ tôn giáo nào, Phật Giáo cũng có thể bị lợi dụng cho những mục đích chính trị”.
Kể từ năm 2011, tại Miến Điện, Phật giáo ái quốc ngày càng trở thành một lực lượng mạnh và người Hồi giáo đã trở thành những con dê tế thần trong giai đoạn chuyển giao quyền hành tại nước này. Giới quân phiệt, vốn vẫn còn tiếp tục thu tóm quyền lực trong tay, lợi dụng các phương tiện truyền thông để gây ra căng thẳng giữa các Phật tử và người Hồi giáo. Giới quân phiệt quảng bá tư tưởng cho rằng chỉ có người Phật tử mới là dòng giống “cao quý” tại Miến Điện. Bị kích động bởi một thứ ái quốc và niềm tin tôn giáo cực đoan và mù quáng như thế, nhiều người Phật tử Miến  không ngần ngại lao mình vào cuộc chiến chống Hồi giáo.
Dạo tháng Ba vừa qua, Sri Lanka, quốc gia cũng có đa số dân theo Phật Giáo như Miến Điện, Phật Giáo cũng không tránh khỏi bị lợi dụng vào những mưu đồ chính trị. Cũng như tại Miến Điện, nhiều người Phật tử Sri Lanka cảm thấy quy chế “cao quý” và “độc tôn” của họ bị các tín đồ của các tôn giáo khác, nhất là Hồi giáo, đe dọa cho nên cũng sẵn sàng sử dụng bạo động để chống lại họ.
Trước những cuộc bạo động vì tôn giáo như thế, dường như chính phủ của Miến Điện và Sri Lanka đều nhắm mắt làm ngơ. Trong khi các nhà sư cực đoan tại 2 nước đang cổ võ bạo động chống lại người Hồi giáo thì chính phủ lại hoàn toàn tỏ ra thụ động. Theo ông Robertson, lẽ ra chính phủ của 2 nước này phải cấp tốc đưa ra những biện pháp mạnh chống lại những tín đồ Phật giáo nào chủ trương bao động và xúi giục bạo động. Họ phải biết rằng im lặng đồng lõa trước thái độ cực đoan và hận thù sẽ chỉ làm cho tình hình thêm tồi tệ hơn mà thôi.
Rõ ràng là khủng bố vẫn có thể len lỏi vào những tôn giáo thường được xem là biểu tượng của hòa bình và khoan nhượng. Thật ra, ngày nay không chỉ có tôn giáo mới bị lợi dụng vào các ý đồ chính trị và mang lấy bộ mặt khủng bố. Bên cạnh các nhóm cực đoan có chủ trương khủng bố trong các tôn giáo, cũng không thiếu những chính phủ hiện đang dùng khủng bố để cai trị. Nếu  việc giết người vô tội vạ mà không cần mang ra xét xử như ở Phi luật Tân được xem như một biện pháp để gọi là cải tạo xã hội, tái lập an ninh trật tự...một chủ trương như thế cũng tàn ác đâu kém gì hành động giết người của các tổ chức được các nước đưa vào danh sách khủng bố. Nếu bất cứ một ký giả nào lên tiếng phê bình và chỉ trích một chính phủ đều bị kết án là “kẻ thù của nhân dân” và nếu không bị sát hại một cách dã man thì cũng bị giam tù...một chủ trương như thế không là khủng bố sao? Có lẽ đã đến lúc thế giới cần có một định nghĩa rộng rãi hơn về thế nào là khủng bố và đưa vào danh sách khủng bố không chỉ một số tổ chức tôn giáo cực đoan mà cả những chế độ đang dùng khủng bố để cai trị.

(nguồn:
-https://www.abc.net.au/news/2018-07-21/how-the-word-terrorism-is-used-and-misused-across-the-globe/9862124
-https://www.abc.net.au/news/2018-10-21/buddhist-extremism-meet-the-religions-violent-followers/10360288)

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

Bác Trọng ta đó chính là Bác Bình!


26/10/18 
Hôm thứ Ba 23 tháng Mười vừa qua, ông Trọng đã được Quốc hội bỏ phiếu “buộc” phải ngồi vào ghế chủ tịch nước với tỷ lệ 476 trên 477. Có thể lá phiếu trắng hay chống này là của chính ông. Ông đã chẳng noi gương Bác Hồ để tỏ ra “khiêm tốn nhường bao ” đó sao? “Đã già lại tài hèn sức mọn” mà lại kiêm luôn một chức vụ với trọng trách nặng nề như thế coi sao được! Cũng có thể chính ông là người bỏ phiếu trắng hay chống là để chứng tỏ rằng Quốc hội Cộng sản  đâu có  “bù nhìn”. Trong Quốc hội cũng có ít nhất “một” tiếng nói dân chủ và đối lập đấy chứ! Nhưng dù cho Tổng bí thư Trọng có phải “miễn cưỡng” kiêm thêm chức chủ tịch nước đi nữa, kịch bản được diễn ra trong Quốc hội Việt Nam cũng giống y chang kịch bản qua đó Quốc hội Trung Cộng đã đưa ông Tập Cận Bình lên làm chủ tịch mãn đời. Bên Trung Cộng đã có hoàng đế đỏ. Ở Việt Nam cũng có hoàng đế đỏ như ai. Bác Trọng ta đó cũng chính là Bác Bình!
Việc Tổng bí thư Trọng đăng quang làm chủ tịch nước chỉ diễn ra vài ngày  sau Hội nghị của các Bộ trưởng Quốc phòng của khối ASEAN được tổ chức tại Tân Gia Ba. Ngoài các bộ trưởng quốc phòng của khối ASEAN còn có bộ trưởng quốc phòng của Trung Cộng và Hoa Kỳ cũng như một số nước Á Châu khác. Thông cáo chung sau Hội nghị hoàn toàn không đá động đến vấn đề tranh chấp biển đảo trong Biển Đông vốn đã bị Trung Cộng cưỡng chiếm và biến thành ao nhà. Ngoài việc thỏa thuận về một quy cách ứng xử để tránh đụng độ giữa các máy bay quân sự trên không phận Biển Đông, Hội nghị chỉ chú trọng đến việc “làm cho tình hữu nghị và niềm tin giữa Hải quân ASEAN và Hải quân Trung Cộng cũng như Hải quân Hoa Kỳ được sâu sắc” thêm.
Để thắt chặt tình hữu nghị ấy, đặc biệt với người Anh cả “môi hở răng lạnh”, Việt Nam đã gởi chiến hạm tối tân nhất của mình là Hộ tống hạm Trần Hưng Đạo đến cảng Trạm Giang của Trung Cộng. Đây là một trong những căn cứ hải quân quan trọng của Trung Cộng ở phía Nam. Theo chương trình, hải quân Việt Nam đến Trung Cộng để tham gia cuộc tập trận hải quân hỗn hợp và “giao lưu” giữa khối ASEAN và Trung Cộng từ ngày 22 đến 28 tháng Mười này.
Với cuộc tập trận chung này, Trung Cộng đã thành công trong việc lèo lái và đánh lạc hướng các nước trong khối ASEAN khỏi vấn đề tranh chấp về biển đảo trong Biển Đông. Ngoài ra, với cuộc tập trận chung này, Trung Cộng cũng muốn lôi kéo các nước trong khối ASEAN ra khỏi ảnh hưởng của Hoa Kỳ, nhất là vào giữa lúc Hoa Kỳ đang tìm cách ve vãn các nước trong khối, cách riêng Việt Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã ít nhất 2 lần đến thăm Việt Nam. Chuyến đi Việt Nam lần thứ hai của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vào trung tuần tháng Mười vừa qua đã diễn ra giữa lúc cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Cộng ngày càng gia tăng. Ngoài ra, đáng chú ý hơn phải kể đến những căng thẳng trên Biển Đông khi tàu Trung Cộng áp sát một cách nguy hiểm một tàu chiến của Mỹ đang thực hiện chiến dịch tuần tra tự do hàng hải trong vùng biển Trường Sa.
Với 2 chuyến đi Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mattis, Hoa Kỳ đã xem Việt Nam như một đối tác quan trọng trong cuộc đối đầu với Trung Cộng trên Biển Đông. Tổng bí thư Trọng hẳn phải hài lòng hơn ai hết vì liền sau khi ông lên ngôi chủ tịch nước, Tòa đại sứ Mỹ tại Việt Nam đã cho phổ biến một bản tuyên bố của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam là ông Daniel Joseph Kritenbrink với những lời chúc mừng và ca ngợi như sau: “Việc lựa chọn Ngài Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước diễn ra vào thời điểm mối quan hệ song phương của chúng tôi với Việt Nam đang mạnh mẽ hơn lúc nào hết.” Nhấn mạnh đến các mối quan hệ an ninh, kinh tế và thương mại giữa 2 nước, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam hoàn toàn thinh lặng về những vi phạm nhân quyền của Việt Nam, nhất là dưới thời ông Trọng.
Một bên là Trung Cộng, một bên là Mỹ: Việt Nam hay đúng hơn hoàng đế Trọng  đang đánh đu giữa 2 người khổng lồ. Đầu của ông thì lúc nào cũng hướng về Trung Cộng, còn bụng ông thì lại bị kéo về phía Mỹ. Với thế bắt cá hai tay ấy, hoàng đế Trọng và cả tập đoàn cộng sản Việt Nam đã để lộ chân tướng: họ chỉ bảo vệ sự tồn tại của chế độ và nồi gạo của họ hơn là chủ quyền quốc gia!


Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

Mọi người sinh ra đều bình đẳng




Chu Thập
19/10/18
Nữ tỷ phú thời trang người Ý, bà Miuccia Bianchi Prada đã có lần nói: “Điều bạn mang trên người là cách bạn tự giới thiệu với thế giới, nhứt là ngày nay, khi sự giao tiếp giữa loài người diễn ra rất nhanh. Thời trang là một ngôn ngữ trực tiếp”. Thời trang, hay nói chung, cách phục sức, từ quần áo, giày dép đến  mũ mão...là một thể hiện của nhân cách của một con người cũng như cách sống của một thời đại và ngay cả lịch sử của cả một dân tộc.
Thời còn làm việc bên Phi Luật Tân, tôi rất thích chiếc áo sơ mi có tên là Barong Tagalog được xem là quốc phục của nước này. Người Phi thường mặc nó trong các lễ hội. Ngay cả các vị nguyên thủ quốc gia, mỗi khi tham dự một hội nghị quốc tế được tổ chức tại Phi Luật Tân, cũng khoác lên người chiếc áo này.
Được dệt bằng một thứ tơ lụa đặc biệt, chiếc Barong Tagalog cho người đối diện một cái nhìn trong suốt từ trong ra ngoài. Tôi không biết trước khi bị người Tây Ban Nha đô hộ cách đây hơn 400 năm, người dân Phi ăn mặc như thế nào. Nhưng mỗi khi tìm hiểu về nguồn gốc của chiếc Barong Tagalog, tôi luôn được người Phi giải thích rằng người Tây Ban Nha bắt người dân bản xứ phải mặc chiếc áo này để phân biệt họ với giai cấp thống trị. Ngoài ra người thực dân Tây Ban Nha cũng buộc người Phi phải mặc chiếc áo trong suốt này để biết chắc họ không dấu khí giới trong người và nếu là công nhân sẽ không ăn cắp vặt tại những nơi họ được mướn làm việc. Không biết lối giải thích này có thích đáng không. Chỉ có điều chắc chắn là chiếc áo này chỉ xuất hiện kể từ thời thuộc địa. Một cách nào đó, nó gợi lại lịch sử của thời thuộc địa.
Nếu chiếc áo Barong Tagalog của người Phi gợi lại lịch sử của thời thuộc địa Tây Ban Nha, thì ở Việt Nam, mỗi khi nhìn thấy chiếc áo đại cán trên người của một số lãnh tụ cộng sản Việt Nam, tôi không thể không nghĩ đến sự lệ thuộc của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vào Trung Cộng. Mao Trạch Đông suốt đời mặc nó. Ngày nay, mặc dù thường xuất hiện trong bộ vía của người Tây Phương, với “com lê” và “cà vạt” hẳn hoi, nhưng để khắng định tính chất độc tài độc đảng mà chủ nghĩa cộng sản chỉ là một thứ bình phong, Chủ tịch Tập Cận Bình không ngần ngại khoác lên người chiếc áo đại cán. Ngay cả cậu Kim Jung-un của chế độ cha truyền con nối Bắc Hàn cũng vậy: du học ở Thụy Sĩ, thích ăn bơ sữa và uống rượu Tây đến độ béo phì, cậu cũng thích đóng bộ như người Tây Phương, nhưng để thể hiện quyền lực của mình, cậu luôn xuất hiện trong chiếc áo đại cán.
Quần áo, giày dép và mũ mão quả thật cũng  là thể hiện của quyền lực và ý thức hệ. Tháng Năm năm 1975, phần lớn người dân Miền Nam Việt Nam lần đầu tiên thấy nguyên hình nguyên trạng người lính bộ đội Bắc Việt với cách phục sức điển hình của chế độ cộng sản: mặc quần áo kaki Nam Định, chân đi dép râu, đầu đội nón cối. Riêng chiếc nón cối, cho tới ngày hôm nay, lúc nào cũng gợi lên sự ngờ nghệch ngốc nghếch của người bộ đội và cán bộ Miền Bắc, nhưng đồng thời lại là biểu trưng của sự áp bức và tàn ác của chế độ cộng sản. Đối với một người tỵ nạn, còn gì nhục nhã bằng bị trùm lên đầu một chiếc “nón cối”! Ngay cả nữ tài tử Jane Fonda, người vào năm 1972 đã đội chiếc nón cối  chụp hình chung với các cán binh cộng sản ngay giữ thủ đô Hà Nội để ủng hộ chế độ cộng sản, có lẽ cũng chẳng còn mặt mũi nào để đội lại chiếc nón cối ấy.
Điều oái oăm là cũng như chiếc áo Barong Tagalog của người Phi gắn liền với thời thuộc địa Tây Ban Nha thì chiếc nón cối của người bộ đội Miền Bắc chắc chắn không phải là một phát minh của người Việt Nam, mà là tàn tích của thời thực dân Pháp. Hình ảnh của chiếc nón cối do đó không chỉ là biểu trưng của chế độ cộng sản độc tài, tàn ác, mà còn gợi lên trong tôi cả “một trăm năm đô hộ giặc Tây”.
Nói chung, ở đâu bước giày thực dân dẫm lên là ở đó một phần ánh sáng của tự do bị che khuất bởi chiếc nói cối. Tôi không hiểu  đệ nhứt phu nhân Hoa Kỳ, Melania Trump nghĩ gì trong đầu khi mang chiếc ủng của thực dân và đội trên đầu chiếc nón cối khi đi thăm một số nước Phi Châu, đặc biệt là tại Kenya hồi đầu tháng Mười vừa qua.
Là một người mẫu thời trang và nhứt là người của công chúng, bà hiểu hơn ai hết ý nghĩa của những gì bà mang trên người và thông điệp bà muốn nhắn gởi qua cách phục sức của bà. Dạo tháng Sáu vừa qua, khi đi thăm các nạn nhân bão lụt tại Tiểu bang Texas, bà khoác trên người chiếc áo “gió” hiệu Zara rẻ tiền với khẩu hiệu được ghi sau lưng “I really don’t care, do U?” (Tôi thực sự không quan tâm, còn bạn thì sao?).  Lúc đó, dư luận xôn xao bàn tán là chuyện không thể tránh được. Bà không lên tiếng giải thích. Nhưng mới đây, trong một cuộc phỏng vấn dành cho Đài ABC của Mỹ, bà giải thích rằng khi mang chiếc áo gió với khẩu hiệu ấy, bà muốn nói rằng bà không màng đến chuyện báo chí bàn tán đủ chuyện về bà và về mối quan hệ giữa bà và chồng bà, Tổng thống Donald Trump. Bà khẳng định rằng bà bỏ ngoài tai ba cái chuyện “làm xàm” ấy để tập trung vào những chuyện đại sự.
Và lần này, một trong những chuyện đại sự mà một đệ nhứt phu nhân như bà cần phải làm là một mình lên lên đường viếng thăm một số nước Phi Châu. Nhưng khổ nỗi, chuyện đại sự như vậy mà truyền thông không chịu chú ý tới, mà chỉ thích chúi mũi vào chuyện bên lề như cách phục sức của bà trong chuyến viếng thăm Phi Châu vừa qua.
Là một người mẫu và nhứt là người của công chúng, bà không thể không cân nhắc về tất cả những gì mình mang trên người. Liệu lần này, khi mang đôi ủng và đội trên đầu chiếc nón cối của thực dân, bà cũng sẽ tuyên bố “tôi không quan tâm”, tôi “cóc cần” dư luận không? Có thể nhiều người Mỹ không màng tới thiệt. Nhưng có thể một người Phi Châu và nhứt là một người dân đã từng bị thực dân đô hộ như tôi, không thể không “nghĩ ngợi” và thắc mắc. Lịch sử là lịch sử. Dù cho lịch sử có sang trang, tôi không thể không quên “một trăm năm đô hộ giặc Tây” với không biết bao nhiêu hậu quả mà cho tới ngày nay đất nước của tôi vẫn tiếp tục gánh chịu. Năm nay, vì vụ tai tiếng về tình dục có liên hệ tới chồng của một thành viên trong ban giám khảo, cho nên Hàn Lâm Viện Thụy Điển tuyên bố không có giải Nobel Văn Chương 2018. Thay vào đó, 100 nhân viên các thư viện, cũng như các nhân vật thuộc giới văn học Thụy Điển đã quyết định lập một giải mới để tạm thời thay thế cho Giải Nobel Văn Chương năm nay. Và giải tạm thời này đã được trao cho bà Maryse Condé, một nữ tiểu thuyết gia người da đen thuộc Đảo Guadeloupe, một lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Khi quyết định trao giải cho bà Condé, ban giám khảo của Giải Nobel tạm thời, đã tuyên bố rằng bà Condé “với một ngôn ngữ chính xác, đã mô tả những tai hại của chính sách thuộc địa và sự hỗn loạn thời hậu thuộc địa”. Bà Condé đã nói thay cho rất nhiều người dân thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Từ thực dân đến cộng sản :tại nhiều nước, con đường dẫn đến cộng sản thường là thực dân. Cộng sản là thứ cỏ khó tiêu diệt đã mọc trên mảnh đất phì nhiêu là thực dân.
Là một người sinh ra và lớn lên vào cuối thời thực dân, nhưng kinh nghiệm và một ít hiểu biết về lịch sử cũng đủ giúp tôi hiểu được ý nghĩa tượng trưng của chiếc nón cối của người thực dân. Vào Thế kỷ 19, người thực dân tin rằng bức xạ từ mặt trời tại những nước nhiệt đới đã tấn công hệ thống thần kinh của người da trắng và làm cho họ trở thành vô sinh. Ngoài ra, cũng theo người thực dân, bức xạ mặt trời ở vùng nhiệt đới còn tạo ra một số triệu chứng khác như lười biếng, trầm cảm, tính khí bất thường, buồn ngủ và mất trí nhớ.
Chiếc nón cối, nhứt là nón cối mầu trắng, được người thực dân xem như một thứ khiên thuẫn để chống đỡ những bức xạ của mặt trời. Và dĩ nhiên, nó cũng biến thành biểu tượng của quyền lực của người cai trị và sức mạnh của người da trắng: chỉ có người da trắng mới đội nón cối!
Cùng với chiếc nón cối, vào thời đó, y khoa cũng khuyên người da trắng chớ nên làm việc tay chân ngoài trời. Nếu có thì chỉ nên làm “đốc công” mà thôi! Đã khai thác tài nguyên thiên nhiên của người bản xứ đến cạn kiệt, người thực dân cũng bóc lột sức lao động của họ cho đến tận xương tủy. Đó là chưa kể đến bao nhiêu tội ác của người da trắng khi bắt hàng hàng lớp lớp người dân bản xứ phải làm nô lệ cho mình. Chối bỏ tội ác của chủ nghĩa nô lệ cũng đâu có khác gì với chối bỏ hành động diệt chủng của Đức Quốc Xã đối với người Do Thái trong thời Đệ nhị Thế chiến. Tôi không hiểu được đệ nhứt phu nhân Melania Trump muốn nhắn gởi điều gì khi đội chiếc nón cối của thời thực dân trong chuyến viếng thăm Phi Châu vừa qua. Tôi lại càng không hiểu được tại sao một người gốc Phi Châu như ca sĩ nhạc Rap nổi tiếng Kanye West lại tuyên bố: “Khi bạn nghe nói đến 400 năm nô lệ...400 năm ư? Có vẻ như đó là một sự chọn lựa”. “Chọn lựa” bị săn đuổi và xiềng xích như súc vật để mang sang vùng đất mới làm nô lệ cho người da trắng ư? Giá như người ca sĩ này tháp tùng bà Melania Trump sang Ghana để đi qua cánh cửa được mệnh danh là “Door of No Return” (cánh cửa một lần đi qua để không bao giờ trở về), nơi mà người Phi Châu bị nhốt lại để trao đổi như súc vật và mang sang Hoa Kỳ để làm nô lệ suốt bao nhiêu thế hệ, có lẽ ông sẽ hiểu được rằng chẳng có ai chọn làm thân nô lệ cả.
Đại diện cho một chế độ lúc nào cũng giương cao hai khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” và “Nước Mỹ trước hết” và nhứt là đại diện cho một ông chồng tổng thống đã từng gọi một số nước Phi Châu là “hố xí”, tôi không biết đệ nhứt phu nhân Melania Trump muốn nhắn gởi thông điệp gì khi mặc chiếc áo sơ mi trắng, mang  đôi ủng và nhứt đội trên đầu chiếc nón cối khi viếng thăm Phi Châu. Chỉ thiếu chiếc gậy “ba toong” (baton) trên tay là trọn bộ của một tên thực dân da trắng chính hiệu. Nhưng với tôi, “thời trang” ấy đã gợi lên một thời thực dân mà nhiều nước Phi Châu và nhứt là Việt Nam của tôi đã trải qua. Nói cho cùng, đàng sau chiếc nón cối ấy là những tội ác tày trời mà người thực dân da trắng đã gây ra cho người dân các nước bị trị, là thái độ miệt thị và chối bỏ nhân phẩm của người dân bản xứ, là sự phủ nhận sự bình đẳng của mọi người được sinh ra trên mặt đất này.
Ngày nay, “mọi người sinh ra đều bình đẳng” đã trở thành một thứ “tín điều” được dùng làm câu mở đầu cho Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và được tuyên xưng trong không biết bao nhiêu hiến pháp của các nước, kể cả của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nhưng cũng như mọi tín điều tôn giáo, lời tuyên tín này sẽ vô nghĩa và rỗng tuếch nếu nó không được thực thi trong quan hệ của tôi với mọi người trong cuộc sống hằng ngày. Tuyên xưng “mọi người sinh ra đều bình đẳng” là nhận ra chính mình trong mỗi một tha nhân, dù thuộc chủng tộc, văn hóa hay địa vị xã hội nào. Tuyên xưng “mọi người sinh ra đều bình đẳng” cũng có nghĩa một cách cụ thể là tôn trọng, yêu thương, cảm thông và cư xử tử tế với mọi người. Nói cho cùng, tuyên xưng “mọi người sinh ra đều bình đẳng” là “làm cho người khác những gì mình cũng muốn người khác làm cho mình”.

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

Phi Luật Tân: kinh tế tăng trưởng, trẻ con vẫn tiếp tục đi nhặt rác



19/10/18
Tondo là khu phố nghèo nhất giữa Thủ đô Manila, Phi Luật Tân. Tại đây, trẻ con vẫn tiếp tục bới rác để kiếm những chiếc xương  gà đem về nấu lại và sống qua ngày.
Dân số của khu phố nghèo này có thể lên đến cả trăm ngàn người. Phần lớn tập trung xung quanh một núi rác là nơi mà họ kiếm sống bằng cách bới móc để tìm kiếm bất cứ thứ gì còn có thể tái chế để ăn hay bán lại.
Cứ mỗi tuần 2 lần, một chiếc xe tải chạy vào Tondo. Trẻ con thi nhau chạy theo chiếc xe. Trong 2 ngày này, trẻ em trong khu phố Tondo biết rằng chúng sẽ được ăn thức ăn còn nóng hổi. Có những em chỉ mới 3 tuổi cũng gia nhập vào đám trẻ con đói rách này. Chiếc xe “cứu hộ” này thuộc về một tổ chức phi lợi nhuận có tên bằng tiếng Tagalog là “Bahay Tuluyan”, nghĩa là “Quán trọ mang lại sự sống”. Tổ chức này chuyên mang thức ăn đến các khu ổ chuột. Trẻ con là đối tượng chính của công tác từ thiện này.
Hiện nay trên toàn nước Phi, có trên 33 phần trăm trẻ con suy dinh dưỡng và gánh chịu nhiều hậu quả của suy dinh dưỡng.
Bà Catherine Scerri, phó giám đốc của tổ chức Bahay Tuluyan cho biết: “Suy dinh dưỡng là một vấn đề lớn. Chúng tôi đã từng thấy những đứa trẻ thiếu ăn và chúng tôi tiếp tục nhận thấy tình trạng này”.
Cách khu phố nghèo Tondo chỉ vài cây số là khu kinh doanh và tài chính của Thủ đô Manila, với những tòa nhà chọc trời sang trọng. Những tòa nhà này là biểu tượng của một nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh. Thật vậy, trong năm 2017, kinh tế Phi Luật Tân đã tăng gần 7 phần trăm. Và mặc dù mỗi năm cần phải có 326 tỷ Peso, tương đương với khoảng 6 tỷ Mỹ kim, tức 3 phần trăm tổng sản lượng quốc gia, để đối phó với tình trạng suy dinh dưỡng, nhất là của trẻ con, chính phủ nước này vẫn để mắt nhìn vào những chuyện khác hơn là tìm cách giải quyết vấn đề.
Kể từ khi được bầu làm tổng thống đến nay, ông Rodrigo Duterte chỉ chú trọng đến mỗi một vấn đề: đó là mở cuộc chiến chống lại ma túy tại những khu phố nghèo nhất của Manila. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, kể từ khi cuộc chiến bài trừ ma túy được Tổng thống Duterte khởi xướng đến nay, đã có ít nhất 12.000 người bị giết chết mà không hề được mang ra xét xử.
Dĩ nhiên, mục tiêu của cuộc chiến ma túy lúc nào cũng là những người nghèo nhất trong xã hội. Tondo là một khu phố nghèo điển hình của Phi Luật Tân. Tại đây hay bất cứ khu phố nghèo nào trên toàn quốc, cứ nghe tiếng còi hụ của xe cảnh sát, trẻ con bỏ chạy tán loạn vì sợ cảnh sát có thể đến bắt giữ hay giết bất kỳ người nào.
Cơ quan “Hãy cứu Trẻ con” (Save the Children) nhìn nhận rằng nhìn chung tình trạng suy dinh dưỡng tại Á Châu đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên, tại Phi Luật Tân, tỷ lệ suy dinh dưỡng lại ngày càng gia tăng.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng, tổ chức Bahay Tuluyang chú trọng một cách đặc biệt đến con số trẻ em đường phố ngày càng gia tăng, nhất là các em mồ côi hiện đang lâm cảnh đói rách vì cuộc chiến chống ma túy của chính phủ Duterte.
Gani Damil là một thiếu niên 17 tuổi. Em là nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến chống ma túy. Từ nhiều năm nay, em đã không gặp được mẹ em. Cha và anh của em đã bị bắt và giam tù từ năm 2016 vì bị cáo buộc có dính dáng đến ma túy.
Lang thang trên đường phố, Gani đã may mắn gặp được chiếc xe cứu hộ của tổ chức Bahay Tuluyan. Sống vất vưởng trên đường phố một thời gian và từ vài năm nay được tổ chức Bahay Tuluyan cưu mang, Gani vẫn cảm thấy bất an. Em nói: “Tôi không biết tương lai sẽ như thế nào...Tôi muốn giúp đỡ gia đình”.
Quả thật, hoạt động cứu trợ của tổ chức Bahay Tuluyan hay của các cơ quan từ thiện nói chung, phần lớn chỉ có tính cách chữa cháy. Trẻ con nghèo được ăn bát cơm đầy, được chạy nhảy vui đùa mỗi tuần 2 ngày. Nhưng trước mắt các em vẫn là một tương lai mờ mịt, tăm tối.
Ông Lawrence Haddad, giám đốc điều hành của Tổ chức “Liên minh Tòan cầu để Cải thiện Dinh dưỡng” (Global Alliance for Improved Nutrition) có trụ sợ tại Geneva, Thụy Sĩ, nhận định rằng “để hạ giảm tình trạng suy dinh dưỡng, các chính phủ cần phải có một cái nhìn thông suốt về vấn đề”. Theo ông, tất cả mọi lãnh vực như y tế, nông nghiệp, giáo dục, nước uống, vệ sinh, thăng tiến phụ nữ, giảm nghèo, san bằng bất công...cần phải được giải quyết một lúc để đối phó với tình trạng suy dinh dưỡng.
Về trường hợp của Phi Luật Tân, ông Haddad cho rằng Tổng thống Duterte có nhiều ưu tiên, nhưng giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng, nhất là của trẻ con, chắc chắn không nằm trong những ưu tiên ấy.
Dạo cuối tháng Chín vừa qua, hình như Tổng thống Duterte đã nhìn nhận rằng chính phủ của ông đã tiến hành những vụ giết người mà không hề mang ra xét xử. Trong một bài nói chuyện tại dinh tổng thống Malacanan, ông nói: “Đâu là tội ác của tôi? Tôi không hề ăn cắp ngay cả một đồng Peso. Tôi chỉ có một tội là giết người mà không mang ra xét xử”.
Theo ông Haddad, những vụ giết người mà không mang ra xét xử và tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ con gắn liền với nhau. Ông Haddad giải thích rằng những vụ giết người mà không hề mang ra xét xử có thể tạo ra sợ hãi khiến không ai dám tham gia cuộc tranh luận về bất cứ vấn đề nào, nhất là tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ con vốn là nạn nhân của những vụ giết người này. Thêm nữa, hậu quả thảm khốc của những vụ giết người mà không hề mang ra xét xử là làm cho trẻ con trở nên mồ côi một cách đường đột chỉ sau một phát súng. Trong một nước không có chiến tranh như Phi, trẻ con phải trải qua thảm cảnh mất người thân cách tức tưởi này quả là một điều khủng khiếp.
Cuối tháng Chín vừa qua, một thượng nghị sĩ thuộc phe đối lập đã bị Tổng thống Duterte ra lệnh bắt giữ. Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes đã bị cáo buộc về tội gọi là nổi loạn. Ông bị bắt giữ ngay bên ngoài tòa nhà Thượng viện tại Thủ đô Manila. Thượng nghị sĩ Trillanes là người đã kịch liệt lên án cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Duterte. Ông đã ủng hộ việc Tòa án Hình sự Quốc tế mở cuộc điều tra về những vụ giết người mà không hề mang ra xét xử của tổng thống Phi. Chỉ vài giờ trước khi bị bắt giữ, ông Trillanes đã tuyên bố: “Chính hôm nay đây, nền dân chủ đã chết tại Phi Luật Tân. Chuyện không chỉ liên quan đến cá nhân tôi. Rõ ràng là ông Duterte đang bịt miệng các đối thủ chính trị là những người nói lên sự thật”.
Ông Trillanes là thượng nghị sĩ thứ hai bị bắt giữ sau khi lên tiếng chỉ trích cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Duterte. Nữ thượng nghĩ Leila de Lima, đã ngồi tù từ tháng Hai năm 2017 vì những cáo buộc mà bà cho rằng chính phủ đã ngụy tạo để có cớ bắt bà phải câm miệng. Theo những cáo cuộc của chính phủ, bà Lima là người đã tổ chức một đường giây buôn bán ma túy khi bà làm bộ trưởng tư pháp từ năm 2010 đến năm 2015, dưới thời Tổng thống Benigno Aquino. Lúc đó, với tư cách là bộ trưởng tư pháp, bà đã ra lệnh mở cuộc điều tra về những vụ giết người mà không hề mang ra xét xử tại thành phố Davao trong suốt thời kỳ ông Duterte làm thị trưởng của thành phố. Con số những người bị giết chết dưới thời ông Duterte làm thị trưởng tại Davao lên đến cả ngàn người. Bà đã từng gọi ông là một “tên bệnh hoạn giết người hàng loạt”.
Với tư cách là thượng nghị sĩ, bà Lima đã từng kêu gọi quốc tế can thiệp để chấm dứt các cuộc giết người do “chính phủ bảo trợ”. Bà cũng đã cho tiến hành một loạt điều tra về những cáo buộc về việc cảnh sát Phi tham gia vào các vụ giết người do chính ông Duterte ra lệnh thi hành.
Ông Carlos Conde, thuộc chi nhánh Theo dõi Nhân quyền tại Phi Phi Luật Tân đã nói với hãng thông tấn Pháp AFP: “Vụ bắt giữ này...là một phần trong cuộc bách hại những người chỉ trích Chính phủ Duterte. Đây là cuộc bắt giữ mới nhất trong chiến dịch bịt miệng những người dám lên tiếng thách thức cuộc chiến chống ma túy “sát nhân” của Tổng thống Duterte”.
Trong khi ngày càng có nhiều trẻ con Phi mỗi tối phải đi ngủ với cái bụng trống rỗng, thì Chính phủ Duterte chỉ nghĩ đến cách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Tại Makati, trung tâm kinh doanh và tài chính của Phi Luật Tân, các nhân viên bảo vệ kiểm soát xách tay của bất cứ ai đi vào một trung tâm thương mại. Nhiều người cho rằng mục đích của việc rà soát này là để ngăn ngừa không cho người nghèo được bén mảng đến các trung tâm thương mại sang trọng.
Phó giám đốc của Tổ chức Bahay Tuluyan, bà Catherine Scerri giải thích: “Rõ ràng là có sự kỳ thị. Là nhân viên bảo vệ tư nhân, những người này có thể tùy tiện xua đuổi một thành phần khách hàng ra khỏi trung tâm thương mại”. Bà Scerri nói: “ Trong một thành phố có mật độ dân số đông nhất thế giới, chỉ có một công viên (tại Makati) nhưng nó cũng đã biến thành một bãi đậu xe...Chẳng còn một nơi nào để trẻ con đến chơi cả”.
Giữa Makati và Tondo có cả một vực thẳm khác biệt về giàu nghèo, sang trọng và bần cùng. Trong khi tại Tondo, trẻ con đói rách lang thang ngoài đường phố hay bới rác để kiểm sống hoặc phải sống cầm hơi nhờ sự tiếp tế của các tổ chức từ thiện thì tại Makati, du khách sẽ thấy một thế giới hoàn toàn khác biệt. Không màng đến cảnh đói rách tại những khu ổ chuột, nhưng Chính phủ Duterte rất quan tâm đến bộ mặt của Makati. Tại đây, các tòa nhà chọc trời thường được thiết kế bởi các công ty kiến trúc nước ngoài như Đan Mạch, Hoa Kỳ và được tài trợ bởi những nhà đầu tư mà Chính phủ Duterte lúc nào cũng muốn thu hút đến Phi Luật Tân.
Chỉ trong quý đầu của năm 2018, chính phủ Phi đã kiếm được 2.2 tỷ Mỹ kim từ đầu tư nước ngoài, tăng 43.5 phần trăm so với cùng một thời kỳ vào năm trước.
Các công ty ngoại quốc đã tỏ ra rất hăm hở trong việc đầu tư để xây cất các tiệm buôn bán, các văn phòng cho các ngân hàng như HSBC (Hongkong and Shanghai Banking Corporation), Bank of America và Deusche Bank...
Dĩ nhiên, dù  có giàu sang cỡ nào, Makati cũng vẫn không che dấu được bộ mặt nghèo đói của Manila. Chỉ cách các tòa nhà chọc trời vài con đường, khách du lịch vẫn có thể thấy được cảnh trẻ con đi chân không rảo qua các ngã phố để bán bánh kẹo và nước uống cho khách qua đường, với hy vọng kiếm được vài đồng xu lẻ để mua thức ăn sống qua đêm.
Đã có một dạo, du khách nước ngoài đến Manila thường tìm xem cho bằng được ngọn núi có tên là “Smokey Mountains” (núi nghi ngút khói) tại khu phố Tondo. Thật ra đây chỉ là một núi rác khổng lồ trên đó có đến  30.000  người nghèo cắm lều để cư ngụ cũng như để bới rác kiếm sống. Năm 1995, chính phủ dưới thời tổng thống  Fidel Ramos đã cho san bằng “Smokey mountains” và tái định cư nhiều cư dân của núi này. Tuy nhiên, cho tới nay, bộ mặt của khu phố nghèo vẫn không thay đổi bao nhiêu. Với cuộc chiến chống ma túy và những vụ giết người vô tội vạ do Tổng thống Duterte chủ xướng, bộ mặt của khu phố xem ra lại còn thê thảm hơn. Kinh tế Phi Luật Tân, dù có tăng trưởng nhanh, trên thực tế vẫn không “xóa đói giảm nghèo” được bao nhiêu và trẻ em suy dinh dưỡng vẫn mỗi đêm đi ngủ với cái bụng đói.

(theo:
-https://www.aljazeera.com/indepth/features/children-hungry-philippine-economy-grows.
-https://www.aljazeera.com/news/2017/02/leila-de-lima-arrested-philippines-)

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2018

Độc tài và bán nước


19/10/18
Các Bộ trưởng Quốc phòng của 10 nước trong khối Đông Nam Á ASEAN đang có mặt tại Tân Gia Ba để tham dự kỳ họp thứ 12 của các bộ trưởng quốc phòng của khu vực. Phiên họp kéo dài 3 ngày từ Thứ Năm 18 đến Thứ Bảy 20 tháng Mười này. Tham dự kỳ họp này còn có Bộ trưởng Quốc phòng của các nước Trung Cộng, Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, Ấn Độ và Nhật Bản. Hội nghị có lẽ không gặp khó khăn để thông qua một số vấn đề như cấp cứu thảm họa, nghiên cứu hải dương, chống hải tặc và chống khủng bố . Tuy nhiên tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và biển đảo trên Biển Đông mới là trọng điểm của hội nghị và là một cái nút thắt hầu như không thể tháo gỡ được bằng các cuộc thương thảo.
Trung Cộng đã hầu như chiếm trọn và làm chủ Biển Đông. Nước này đã cướp Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hồi năm 1974 rồi năm 1988 chiếm thêm một số bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa. Ngoài Việt Nam, một số nước khác trong khu vực như Phi Luật Tân, Brunei, Mã Lai cũng tranh chấp một phần Quần đảo Trường Sa. Trung Cộng không những chiếm trọn Biển Đông. Họ cũng đã gần như thu tóm được rất nhiều nước trong khối ASEAN khiến cho khối này không bao giờ có được một tiếng nói độc lập và  đồng nhất về cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào hiện chỉ còn là một con rối trong tay Trung Cộng. Trung Cộng đang đổ tiền vào Lào để xây dựng hạ tầng cơ sở cho nước này. Nổi bật nhất là dự án tuyến đường hỏa xa trị giá khoảng 6 tỷ Mỹ kim. Vào năm 2016, số tiền này tương đương với một nửa tổng sản lượng nội địa của Lào. Dĩ nhiên, Trung Cộng không dại gì để thí không cho Lào. Tất cả số tiền đầu tư của Trung Cộng vào Lào được xem như một món nợ mà nếu không trả nổi Trung Cộng sẽ “xiết” đất của Lào. Muốn hay không hiện nay Lào đang bị mắc kẹt trong cái bẫy nợ của Trung Cộng. Ăn xôi chùa ngọng miệng, tại Hội nghị của khối ASEAN, Lào chỉ còn là một con rối của Trung Cộng.
Sợi giây thòng lọng mà Trung Cộng đã tròng vào cổ Cam Bốt lại càng thê thảm hơn. Thủ tướng Hun Sen hiện cũng chỉ là một con cờ trong tay Trung Cộng. Ông thủ tướng gần như mãn đời này đã thắng cử bao nhiêu lần cũng nhờ Trung Cộng. Trong chiến dịch bầu cử vừa qua, ông đã nhận được từ tòa đại sứ Trung Cộng ở Cam Bốt một số tiền không dưới 20 triệu Mỹ kim. Dạo tháng Tư năm 2017, Hun Sen đã long trọng giới thiệu một cuốn sách của chủ tịch mãn đời Tập Cận Bình và yêu cầu “nhân viên các cấp trong chính quyền, các giáo sư và sinh viên đại học” phải đọc và  “học tập”. Không bao lâu trước ngày bầu cử, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Cộng đã đến Cam Bốt, gọi xứ Chùa tháp là một người “bạn trung thành” và hứa sẽ viện trợ quân sự 100 triệu Mỹ kim. Có lẽ dọc theo sông Cửu Long, không có nước nào được Trung Cộng o bế và lèo lái như Cam Bốt. Người ta hiểu được tại sao lúc nào Cam Bốt cũng chống lại bất cứ lời tuyên bố nào của khối ASEAN không có lợi cho Trung Cộng.
Miến Điện cũng ngày càng lọt vào vòng tay của Trung Cộng. Vào giữa lúc bị các nước Tây Phương lên án vì tội ác đối với sắc dân  Rohingya theo Hồi giáo, lãnh tụ của Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, người được trao Giải thưởng Nobel Hòa Bình hồi năm 1991, đã sang “triều yết” hoàng đế Tập Cận Bình. Tất cả các quan sát viên đều đưa ra một nhận xét: hễ bị các nước Tây Phương xa lánh, các nước nghèo ngã vào vòng tay của Trung Cộng.
Thái Lan hiện cũng ngày càng xích lại gần với Trung Cộng. Những người ủng hộ các tham vọng của Bắc Kinh giải thích: “Sau khi Hoa Kỳ thất trận tại Việt Nam, Thái Lan đi tìm một đồng minh mới để chống lại một Việt Nam ngày càng mạnh”. Đồng minh đó chỉ có thể là Trung Cộng.
Còn chuyện Cộng sản Việt Nam ngày càng lệ thuộc vào Trung Cộng thì đã rõ như ban ngày. Để củng cố và bảo tồn chế độ, họ sẵn sàng bán nước, dâng biển cho Trung Cộng. Cũng may, trong các nước dọc theo sông Cửu Long, Việt Nam là nơi người dân chống Trung Cộng mãnh liệt nhất. Ngoại trừ Hương Cảng, không có nơi nào người dân có ý thức “thoát Trung” và chống chế độ mạnh cho bằng ở Việt Nam. Và đó chính là niềm hy vọng “cứu rỗi” của dân tộc!


Thứ Năm, 18 tháng 10, 2018

Chuyện nhỏ, nhân cách lớn



Chu Thập
12/10/18
Ông Đỗ Mười đã ra đi hồi đầu tháng Mười vừa qua. Về ông, cũng như đối với tất cả các lãnh tụ cộng sản khác, dĩ nhiên người ta chỉ nghĩ đến tội ác. Một người thuộc bên “thua cuộc” như tôi làm sao quên được chiến dịch đánh tư sản, những năm sống dở chết dở của không biết bao nhiêu người ở những nơi được gọi là vùng kinh tế mới và nhứt là những năm tháng “khoai củ trần ai” và bo bo.
Trong các lãnh tụ cộng sản Việt Nam, có lẽ ông Đỗ Mười là người đã tạo được những ấn tượng sâu đậm nhứt trong ký ức của người Việt Nam. Có người, hễ nhắc đến tên ông, là nhớ ngay đến cái nghề hoạn lợn (miền tôi gọi là thiến heo) ở thuở hàn vi của ông. Không biết sau này khi phú quý sinh lễ nghĩa, ông có nuôi thú kiểng không. Nhưng kể ra heo và đặc biệt heo đực là giống thú thật may mắn: nhắc đến Đỗ Mười là phải nghĩ đến Trư Bát Giới!
Riêng tôi, cứ mường tượng đến dung mạo  của ông Đỗ Mười, tôi lại nghĩ đến “mái tóc rẽ ngôi kinh điển” của ông. Phải nói đây là nét độc đáo nhứt trên khuôn mặt mà có lẽ do bị ám ảnh, tôi cứ nghĩ nó phải là biểu tượng của sự gian ác. Trên báo mạng Đàn Chim Việt.info, số ra ngày đầu tháng Mười vừa qua, tôi đọc được một ấn tượng của tác giả ký tên là Nguyễn Thu về mái tóc của ông Đỗ Mười: “Đồng chí có mái tóc rẽ ngôi kinh điển, được dân nuôi chó (thời mà dân thành phố phải vật lộn làm kinh tế qua các trào lưu từ nuôi lợn đến nuôi chó cảnh, gà úm, chim cút...trong phòng ngủ, phòng khách) lấy làm ví dụ để rỉ tai khuyên nhau: Chó Nhật giống tốt là phải có quả đầu Đỗ Mười”
(x.http://www.danchimviet.info/vai-an-tuong-cua-toi-ve-do-muoi/).
Nhà tôi hiện cũng đang có một con chó Nhật. Kể từ lúc đọc được “lời khuyên” trên đây, tôi hay nghĩ đến cái trò ma mãnh của cậu chó nhà tôi. Nó cũng là chó Nhật, nhưng là Nhật lai cũng đã mấy đời rồi. Người chủ cũ bảo nó là giống chó săn. Không bé bỏng như giống chó kiểng bị nhốt trong nhà suốt ngày. Cũng không bề thế như giống “bẹc rê” (berger). Vốn là dòng dõi chó săn cho nên nó rất hung hăng: hễ cứ thấy có một đối thủ, bất kể lớn bé, nó liền xáp lại tấn công. Còn riêng bất cứ loài có cánh nào, hễ thấy là cậu ta liền rượt đuổi cho bằng được. Chỉ mới về ở với chúng tôi một thời gian ngắn, nó đã lập được một thành tích bất ngờ: hôm đó, một lũ gà lôi rừng (bush turkey), ăn quen cứ nhởn nhơ trong vườn nhà tôi như chỗ không người. Cậu chó nhà tôi được dịp lập công ngay. Nhanh như chớp, nó rượt đuổi và dồn một chị gà rừng vào một góc sân và chỉ cần một cú đớp đã ngoạm con vật vào miệng. Tôi đã chạy tới can thiệp, nhưng quá muộn. Sợ bị rắc rối về “tội ác” của cậu chó, nhưng tôi cũng cảm thấy hả dạ: kể từ nay,mình đã có thủ hạ đắc lực để loại trừ bọn “xâm phạm gia cư bất hợp pháp”!
Ngày nay, hầu như ở đâu người ta cũng thấy những lợi ích của việc nuôi chó. Riêng tôi, lúc nào cũng nghĩ đến trước mắt một lợi ích rất cụ thể: chó giúp tôi đuổi gà lôi rừng ra khỏi vườn nhà tôi. Nhưng phải mất bao công lao và dày công tập luyện, cậu chó nhà tôi mới được thuần nhuyễn trong việc đuổi gà. Theo sách vở và kinh nghiệm, để tập được một thói quen, chó phải luôn được thưởng và thưởng bằng những món ăn nó thích. Bảo nó nằm xuống, phải cho nó ăn. Bảo nó đứng lên, phải cho nó ăn. Và dĩ nhiên, ra dấu cho nó chạy đuổi mấy con gà lôi rừng, lại càng phải tưởng thưởng nó nhiều hơn. Phản xạ có điều kiện của Pavlov đã được ứng dụng một cách có hiệu quả nhứt với cậu chó nhà tôi. Lệnh đuổi gà của tôi và phần thưởng gắn liền với nhau. Và đây chính là sự liên hệ khiến tôi nghĩ đến sự ma mãnh của nó.
Ban ngày cậu chó nhà tôi thường ở trong khu nhà giặt được tôi biến thành gia cư của cậu. Cứ thấy tôi xuất hiện, cậu liền chạy ra  vườn nhìn quanh quẩn một lúc rồi mới  đi tìm mấy con gà lôi rừng. Sau một vòng tảo thanh, cậu chạy về và ứ ứ trong miệng bằng một thứ ngôn ngữ mà tôi hiểu ngay là cậu đòi được thưởng. Nhiều hôm, gà xuất hiện trong vườn, trong tầm nhìn của cậu, nhưng cậu chỉ lõ mắt nhìn chớ không tha thiết gì đến chuyện rượt đuổi. Phải chờ tôi xuất hiện cậu mới xăng xái làm việc và lần nào cũng vậy, sau khi làm bổn phận cậu đòi phải được thưởng.
Kể từ khi có chó trong nhà, tôi học hay đúng hơn nhớ lại nhiều bài học. Ai cũng biết chó là biểu tượng của sự trung thành và biết ơn. Chó luôn nhắc nhở tôi về hai đức tính căn bản ấy trong trường học làm người. Ngoài ra, một bài học cơ bản khác không thể thiếu trong cuộc sống mà tôi cũng học được từ cậu chó nhà tôi là: cần phải tập luyện liên tục tôi mới có được một thói quen tốt và dĩ nhiên, nếu thường xuyên lập lại một điều không tốt, tôi cũng vướng vào một thói quen xấu.
Văn ôn võ luyện. Ngoại trừ những thần đồng, chẳng có ai đạt được một nghệ thuật nào đó mà không dày công tập luyện. Một nhân cách tồi tệ cũng thường được nhào nặn từ những thói quen xấu. Ngạn ngữ Pháp nói một cách chí lý: nhỏ ăn cắp một cái trứng lớn sẽ ăn cắp một con bò (qui vole un oeuf volera un boeuf).
Trong cuốn phim “The Iron Lady” (Bà đầm sắt) được trình chiếu hồi năm 2011, nhà đạo diễn đã đặt lên môi của nữ Thủ tướng Anh Margaret Thatcher (1925-2013) câu nói: “Hãy coi chừng tư tưởng của bạn, vì nó sẽ trở thành lời nói. Hãy coi chừng lời nói của bạn, vì nó sẽ trở thành hành động. Hãy coi chừng hành động của bạn, vì nó sẽ trở thành thói quen. Hãy coi chừng thói quen của bạn, vì nó sẽ trở thành tính khí của bạn. Hãy coi chừng tính khí của bạn, vì nó sẽ trở thành định mệnh của bạn.” Bà Thatcher bảo rằng thân phụ của bà luôn dạy bà điều đó. Thật ra, trước cha của bà Thatcher, có lẽ  Mahatma Gandhi, người đã giải phóng Ấn Độ khỏi sự đô hộ của người Anh bằng cuộc đấu tranh bất bạo động, là người đầu tiên đã nói lên điều đó.
Nhưng dù ai là tác giả của câu nói này, kinh nghiệm bản thân luôn cho tôi thấy rằng bất cứ thói quen, tốt hay xấu nào, cũng đều là một sự lập lại của những điều thường được xem là nhỏ nhặt trong cuộc sống và một khi đã biến thành một nếp nghĩ hay tính khí, nó không thể không ảnh hưởng đến những chuyện lớn trong cuộc sống của tôi. Chính Chúa Giêsu đã dạy tôi điều đó: “Ai trung thành trong việc nhỏ cũng sẽ trung thành trong việc lớn và ai không lương thiện trong việc nhỏ cũng sẽ không lương thiện trong việc lớn” (x. Tin mừng theo thánh Luca 16, 11,12).
Tôi thường suy nghĩ về lời dạy của Chúa Giêsu khi theo dõi thế sự. Gần đây có cuộc chuẩn thuận một thẩm phán vào Tối cao Pháp viện ở Mỹ. Đây là cơ quan luật pháp có uy tín nhứt tại nước này. Người được Thượng viện chuẩn thuận phải là một người có đầy đủ tư cách và đáng tin tưởng. Việc chuẩn thuận ông Brett Kavanaugh là một trong những tiến trình gay go nhứt trong lịch sử Hoa Kỳ. Theo dõi diễn tiến, ai cũng thấy đây là một cuộc đấu đá giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa và cuối cùng đảng Cộng Hòa cùng với Tổng thống Donald Trump đã chiến thắng hơn là cuộc đối đầu giữa ông Kavanaugh và  Tiến sĩ Christine Blasey Ford, người đã tố cáo ông  có hành vi xâm phạm tình dục đối với bà cách đây 35 năm. Một bên tố cáo, một bên phủ nhận. Ngoại trừ thái độ xem ra rất thành thật của bà Ford khi cung khai sự kiện, không có bằng chứng hiển nhiên nào để buộc tội ông Kavanaugh. Và dĩ nhiên, sự phủ nhận của ông Kavanaugh cũng không kém phần thuyết phục. Ai nói thật, ai khai gian, chỉ có lương tâm họ mới biết mà thôi.
Chỉ có điều khiến tôi lo ngại là cung cách của người đã được Thượng viện chuẩn thuận làm thẩm phán của Tối cao Pháp viện. Trong một bài diễn văn đọc hồi năm 2015, Thẩm phán liên bang Kavanaugh đã từng đưa ra nguyên tắc: “Để làm một thẩm phán tốt và một trọng tài tốt, cần phải là người có tư cách”. Ông giải thích: “Cần phải làm chủ được cảm xúc của mình. Cần phải bình tĩnh giữa bão táp. Nói tóm lại, nói theo ngôn ngữ bình dân, đừng tỏ ra ngu xuẩn”. Quả là những lời lẽ khôn ngoan của một thẩm phán có tư cách. Nhưng trong cuộc đối đầu với bà Ford trước Ủy ban Tư pháp của Thượng viện, ông đã hành động hoàn toàn ngược lại với nguyên tắc này. Là một thẩm phán, nhứt là sẽ làm thẩm phán Tối cao Pháp viện, lẽ ra ông không được đứng về phía đảng phái nào. Đàng này, ông lại trút hết cơn giận dữ lên Đảng Dân Chủ và khẳng định rằng đảng này muốn trả thù ông. Ông lại có thái độ khiếm nhã khi bị Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar chất vấn về việc uống bia của ông khi còn là một học sinh trung học.
Ngoài thái độ hằn học trên đây, Thẩm phán Kavanaugh cũng không thành thật trong lời khai của mình, nhứt là về chuyện uống bia thời còn đi học. Ông khai: “Tôi thích uống bia.Tôi vẫn thích bia. Nhưng tôi không hề uống bia đến độ say xỉn”. Nhưng trong bài diễn văn tại Đại học Yale hồi năm 2014, ông đã kể lại những ngày nhậu nhẹt đến độ “té xuống khỏi xe buýt trước cửa Phân khoa Luật của Đại học Yale vào lúc 4 giờ 45 phút sáng”.
Về tuổi hợp pháp để được uống rượu, ông khai trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện: “Tuổi được phép uống rượu tại Tiểu bang Maryland là 18 trong suốt thời gian tôi học trung học”. Thật ra, vào năm 1982, khi ông được 17 tuổi, tức năm bà Ford tố cáo ông đã tấn công tình dục bà, tuổi được cho phép uống rượu tại Maryland là 21.
Trên đây chỉ là những chuyện nhỏ. Ai cũng có thể tỏ ra thiếu thành thật và thiếu lương thiện như thế trong chuyện nhỏ. Nhưng với một người sẽ cầm cân nẩy mực và một quyết định của người đó có thể liên quan đến cuộc sống của hàng triệu người, thì xem ra những lời nói dối nhỏ như thế không còn là chuyện nhỏ nữa.
Chính vì thái độ hằn học thiếu tự chủ của ông Kavanaugh và những lời nói dối nhỏ của ông mà một cựu thẩm phán của Tối cao Pháp viện là ông John Paul Stevens đã khuyên Thượng viện đừng chuẩn thuận ông. Thẩm phán Stevens là người thuộc Đảng Cộng hòa. Thường các cựu thẩm phán không có ý kiến về việc chuẩn thuận hay không chuẩn thuận một thẩm phán vào Tối cao Pháp viện. Nhưng ông Stevens đã tuyên bố: “Tôi thay đổi cái nhìn của tôi về những lý do không có liên hệ đến khả năng trí thức hay thành tích của một thẩm phán liên bang...Tôi nghĩ rằng thái độ của ông (Kavanaugh) trong lời cung khai đã khiến tôi thay đổi ý kiến”.
Báo Time, số ra ngày 15 tháng Mười này, đã dành một bài để nói về những “bài học lâu dài” từ lời khai của Tiến sĩ Ford. Riêng tôi, khi theo dõi thế sự, chỉ muốn ôn lại một bài học: sống lương thiện là một cuộc thao luyện hàng ngày xuyên qua những suy nghĩ, những hành vi nhỏ nhặt không ai biết trong cuộc sống. Bởi nếu tôi không lương thiện trong tư tưởng, tôi cũng sẽ không lương thiện trong lời nói. Nếu tôi không lương thiện trong lời nói, tôi cũng sẽ không lương thiện trong hành động. Và một khi hành động thiếu lương thiện biến thành thói quen, thì nếu tôi không đi tới chỗ làm chuyện gian dối thì tôi cũng đánh mất chính tôi, cái tôi của “nhân chi sơ tính bản thiện”.




Thứ Hai, 15 tháng 10, 2018

Yazidi: thân phận người phụ nữ bị bắt làm nô lệ tình dục



12/10/18
Giải Nobel Hòa Bình năm nay đã được trao cho hai người là bác sĩ Denis Mukwege và một thiếu nữ người Yazidi là cô Nadia Murad.
Ông Mukwege là một bác sĩ phụ khoa chuyên chữa trị các nạn nhân của bạo động tình dục tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Phi Châu. Còn cô Murad, một nô lệ tình dục đã thoát khỏi tay của các các chiến binh “Quốc gia Hồi giáo” (ISIS), đã can đảm lên tiếng tố cáo tội ác chiến tranh của tổ chức khủng bố này và nhứt là phơi bày trước thế giới thảm cảnh của những phụ nữ bị bắt làm nô lệ tình dục. Chủ tịch Ủy ban Giải Nobel nói rằng hai người này được trao tặng Giải Nobel Hòa Bình vì “nỗ lực của họ trong việc chấm dứt việc sử dụng bạo hành tình dục như một vũ khí trong chiến tranh và xung đột có vũ trang. Cả hai đều đã có một đóng góp lớn lao vào việc gây ý thức và chống lại những tội ác chiến tranh như thế”.
Riêng cô Nadia Murad, năm nay 25 tuổi, qua cuộc tranh đấu của mình, đã gây được sự chú ý của thế giới trước thân phận của người phụ nữ Yazidi bị các chiến binh của Quốc gia Hồi giáo bắt làm nô lệ tình dục.
Thảm cảnh đã ụp xuống người phụ nữ Yazidi vào ngày 2 tháng Tám năm 2014. Đó là một ngày lễ nghỉ tại huyện Sinjar, miền Bắc Iraq. Hôm đó những người thuộc sắc tộc Yazidi họp nhau để mừng ngày chấm dứt tháng chay tịnh của người Hồi giáo. Hôm đó là một ngày nóng bức. Nhiệt độ lên đến 40 độ C. Nhiều người phải đợi cho đến hoàng hôn mới ra khỏi nhà. Nhưng hôm đó, khi mặt trời vừa lặn, người dân Sinjar thấy có những chiếc xe lạ xuất hiện. Dự đoán bất trắc có thể xảy ra, những người đàn ông cầm súng chạy ra các ruộng lúa để kiểm soát.
Đây không phải là lần đầu tiên họ thấy có những chiếc xe lạ như thế. Cách đó 2 tháng, họ cũng đã thấy cả một đoàn công voa xe lạ xuất hiện trước khi thành phố Mosul, thủ phủ của tỉnh Nineveh mà Sinjar là một huyện nhỏ, rơi vào thay của Quốc gia Hồi giáo. Mosul cách Sinjar 120 cây số về hướng Đông. Sau Mosul hàng loạt những thành phố khác cũng rơi vào tay tổ chức khủng bố này. Cả 4 tiểu đoàn thuộc quân đội Iraq cũng đã tháo chạy. Riêng tiểu đoàn thứ ba mà nhiều binh sĩ là người Yazidi, vốn đồn trú tại Sinjar. Như vậy, Sinjar hoàn toàn bỏ trống, để mặc cho người dân đứng ra tự vệ.
Sau khi chiếm Mosul, Quốc gia Hồi giáo đã  phóng thích cho các tù nhân Hồi giáo thuộc hệ phái Sunni bị giam giữ trong nhà tù Badoush. Riêng đối với các tù nhân thuộc hệ phái Shiite, họ đã xử tử 600 người. Phần lớn khí giới mà các phiến quân của Quốc gia Hồi giáo sử dụng đều là khí giới và thiết bị được tịch thu từ các căn cứ quân sự của Iraq. Các binh sĩ Iraq vứt bỏ quân phục và khí giới để thoát thân. Nửa triệu thường dân chạy trốn về hường Bắc và hướng Đông. Chỉ trong một tuần lễ, một phần ba lãnh thổ Iraq bị Quốc gia Hồi giáo kiểm soát. Huyện Sinjar, với dân số khoảng 300.000 người, đã đầu hàng. Một vài tuyến đường vẫn còn nằm trong sự kiểm soát của quân đội Kurd ở miền Bắc, nhưng phải mở đường máu may ra mới có thể đến được những tuyến đường này.
Một phần miền Bắc Iraq là một vùng bán tự trị, được đặt dưới sự cái trị của người Kurd và được quân đội Peshmerga của họ bảo vệ. Peshmerga, trong tiếng Kurd, có nghĩa là “những người dám đương đầu với tử thần”. Danh hiệu này nói lên sự dũng cảm của người Kurd trong cuộc chiến đấu chống lại đàn áp và ngoại xâm. Tại vùng đông nam của lãnh thổ bán tự trị này, vốn giáp giới với Iran, quân đội Peshmerga của người Kurd đã từng đụng độ với các chiến binh của Quốc gia Hồi giáo. Nhưng tại huyện Sinjar, ngoại trừ các dân quân người Yazidi, không còn một lực lượng nào có mặt để bảo vệ người dân.
Leila là một thiếu nữ Yazidi tại Sinjar. Gia đình cô làm nông. Người thiếu nữ 25 tuổi này còn có 2 người em và 3 người anh. Gia đình sống tại một làng nhỏ dưới chân núi Sinjar. Sau khi Hoa Kỳ xâm chiếm Iraq hồi năm 2003, 3 người anh của Leila đều đã gia nhập quân đội Peshmerga của người Kurd. Một cô em gái của Leila sống với người chồng mới cưới tại một làng gần biên giới Syria. Buổi sáng ngày 2 tháng Tám năm 2014, cô em gái này đã gọi điện thoại về cho gia đình và cho biết họ đang chạy trốn vì các chiến binh của Quốc gia Hồi giáo đang tiến đến gần làng của cô. Nghe tin này, nghĩ rằng Sinjar còn an toàn, cả gia đình Leila đã chạy về đó. Nhưng khi đến nơi họ mới biết rằng dân chúng tại đây cũng đang bỏ chạy. Ngôi làng họ vừa đặt chân đến đã bị các chiến binh của Quốc gia Hồi giáo bao vây. Cả gia đình Leila đều bị kẹt trong vòng vây. Tất cả đều bị họ bắt giữ và đưa vào trụ sở hành chính của huyện Sinjar. Đàn ông và đàn bà bị giam riêng. Khoảng 9 giờ tối hôm đó, các chiến binh của Quốc gia Hồi giáo bắt đầu cầm đèn rọi vào từng khuôn mặt của phụ nữ. Khi họ đến gần mình, Leila đã té xỉu. Nhờ vậy mà cô đã thoát nạn. Tất cả các phụ nữ khác, trong đó có 5 thiếu nữ bà con của Leila đều bị bắt đem đi.
Cho tới lúc đó, những người phụ nữ Yazidi vẫn chưa biết số phận của mình sẽ ra sao. Nhưng các chiến binh của tổ chức khủng bố này đã có cả một kế hoạch đồi bại: họ sẽ bắt tất cả các thiếu nữ độc thân và các em bé gái trên 8 tuổi làm nô lệ tình dục.
Khi huyện Sinjar bị Quốc gia Hồi giáo tân công, đã có trên 100.000 người Yazidi trốn được lên núi Sinjar. Ai không chạy thoát được đều bị bắt. Riêng đàn ông bị giết chết tại chỗ. Đã có hàng ngàn người Yazidi hoặc bị xử tử và quăng xuống giếng hoặc chết vì khát, vì thương tích hay kiệt sức trên núi.
Theo dân biểu Vian Dakhil, vốn là một người Yazidi từ Sinjar, có tất cả 6.383 người Yazidi, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, đã bị giam hãm trong các nhà tù, các trại huấn luyện và nhà của các chiến binh Quốc gia Hồi giáo rải rác tại miền Đông Syria và miền Tây Iraq. Tại đây, họ đã bị hãm hiếp, hành hung, mang đi bán. Tính đến giữa năm 2016, đã có 2.590 phụ nữ và trẻ em hoặc đã trốn thoát được hoặc bị bán ra ngoài lãnh thổ do Quốc gia Hồi giáo kiểm soát. Vào thời điểm đó, số người bị giam giữ lên đến gần 4.000 người.
Yazidi là một sắc tộc nói tiếng Kurd sinh sống phần lớn tại miền Bắc Iraq. Trên toàn thế giới hiện không có tới một triệu người. Trong suốt dòng lịch sử của họ, người Yazidi đã không ngừng bị bách hại vì bị các nhà lãnh đạo Hồi giáo xem như người “ngoại đạo”. Tự nhận là người Hồi giáo, người Yazidi lại thực hành một số nghi thức của Kitô Giáo như “rửa tội” cũng như sống theo niềm tin của các tín đồ Zoroastra.
Dưới thời nhà độc tài Saddam Hussein, vì Iraq bị Liên Hiệp Quốc cấm vận và nhất là do cuộc xâm lăng của Hoa Kỳ, cộng đồng người Yazidi đã bị buộc phải di dản đi khắp nơi. Trên toàn lãnh thổ Iraq hiện chỉ còn 500.000 người Yazidi, phần lớn tập trung tại huyện Sinjar. Phần lớn những người Yazidi tại Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã trốn sang các nước láng giềng hoặc tỵ nạn tại Âu Châu. Riêng tại Đức, hiện có một cộng đồng Yazidi khoảng 25.000 người.
Từ nhiều thế hệ, người Yazidi đã bị tàn sát và đàn áp dã man. Nhưng nếu không có cuộc tấn công của các chiến binh Quốc gia Hồi giáo vào huyện Sinjar hồi mùa hè năm 2014, có lẽ thế giới ít chú ý đến số phận của họ, nhất là của người phụ nữ.
Thoạt tiên, các phụ nữ và thiếu nữ Yazidi bị các phiến quân của Quốc gia Hồi giáo đưa đến một số địa điểm đã được tổ chức sẵn. Tại đây, họ được phân chia hay chuyền tay cho các chiến binh nào đã có công trong cuộc tấn công vào huyện Sinjar. Để tránh khỏi bị hãm hiếp, một số thiếu nữ đã tự tử bằng cách cắt mạch máu ở cườm tay hay cổ, hoặc tự treo cổ hoặc nhảy từ lầu cao.
Riêng Leila, sau khi đã chứng kiến cảnh các thiếu nữ khác bị bắt mang đi và hiểu được rằng chưa có chồng là một tình trạng nguy hiểm cho nên đã tìm cách đóng vai làm mẹ của 2 đứa cháu nhỏ.
Sau khi bị giam giữ một thời gian tại tòa hành chánh của huyện Sinjar, Leila đã cùng với nhiều người khác được đưa đến một trường học mà các chiến binh Quốc gia Hồi giáo đã biến thành nhà tù tại Tel Afar, cách Sinjar độ 50 cây số. Tại đây, một số tù nhân đã trốn thoát và liên lạc được với quân đội Peshmerga của người Kurd.
Nhiều thiếu nữ Yazidi bị giam giữ theo từng nhóm từ 100 đến 200 người trong các chiếc xe “caravan” tại những nơi đóng quân của các chiến binh người Libya. Tất cả đều bị xiềng lại. Họ bị đánh đập, hãm hiếp và chuyền tay nhau giữa các chiến binh chẳng khác nào thú vật.
Sau hơn một tháng bị giam giữ, Leila và ba thiếu nữ khác bị đưa trở về Iraq và bị giam giữ tại một căn cứ quân sự gần biên giới Syria, cách Sinjar khoảng 200 cây số về hướng nam. Sau đó, Leila bị bán cho một người tên là Muhammad. Cô nhận ra người này: ông ta đã từng là một người bạn thân của gia đình cô. Cô cứ tưởng ông ta sẽ là người giải thoát và đưa cô trở về gia đình. Nhưng trái lại, ông lại đem bán cô cho một lãnh tụ chiến binh của Quốc gia Hồi giáo. Người đàn ông này nổi tiếng là một tay chuyên buôn bán phụ nữ để làm nô lệ tình dục. Bị chuyền tay từ người này sang người khác, cuối cùng Leila đã được một nhà doanh nghiệp người Yazidi chuộc lại và trả tự do cho cô.
Nadia Murad, người vừa được trao tặng Giải Nobel Hòa Bình, cũng trải qua một cuộc hành trình đầy nước mắt như các phụ nữ Yazidi khác. Cô bị bắt làm nô lệ tình dục cho các chiến binh của Quốc gia Hồi giáo tại thành phố Mosul. Sau khi đã trốn thoát, tháng Hai năm 2015, Murad đã kể lại câu chuyện của mình cho các phóng viên của báo La Libre Belgique (Nước Bỉ Tự Do) của Bỉ. Cũng trong năm đó, cô được đi tỵ nạn tại Đức. Tháng Mười Hai năm đó, cô đã được mời đến Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để nói chuyện về vấn đề buôn người. Tháng Chín năm sau, cô loan báo thành lập tổ chức lấy tên là “Nadia’s Initiative” (Sáng kiến Nadia) để giúp “các phụ nữ và trẻ em nạn nhân của diệt chủng, buôn người...làm lại cuộc đời và hội nhập vào cộng đồng của họ”.
Tháng Mười Một năm 2015, huyện Sinjar được giải phóng. Kể từ đó, các lực lượng Peshmerga và các nhóm vũ trang khác của người Kurd lại tranh giành nhau. Tuy đã thoát khỏi Quốc gia Hồi giáo, nhưng người Yazidi lại bị xâu xé giữa các nhóm vũ trang khác nhau. Trước kia họ sợ Quốc gia Hồi giáo tấn công, nay họ lại sợ chính những người đã giải phóng họ. Tính đến tháng Năm năm 2016, mặc dù đã được giải thoát, chỉ có khoảng trên dưới 3 ngàn gia đình người Yazidi trở về huyện Sinjar.

(theo: Slaves of Isis: the long walk of the Yazidi women https://www.theguardian.com/world/2017/jul/25/slaves-of-isis-the-long-walk-of-the-yazidi-women)