Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2020

Số học thời Cô Vi



Chu Thập
19/4/20
Thời đại dịch, một “cụ ông” như tôi dành một thời lượng khá lớn cho việc xem truyền hình: theo dõi tin tức chán chuyển qua du lịch, nấu ăn, đố vui để học...Vậy mà vẫn còn thừa cả khối thời gian. Chẳng còn biết làm gì, tôi mới mò vào đài SBS World Movies, thường được người Việt gọi là Đài sắc tộc ở Úc Đại Lợi. Phim nào có phụ đề còn thưởng thức được. Gặp phim không có phụ đề, tôi chỉ còn biết ngồi xem như vịt nghe sấm. Cũng may mới đây, có một cuốn phim đã khiến cho cái đầu cằn cỗi của tôi phải động não và trái tim tưởng như khô cằn của tôi cũng phải thổn thức. Đó là cuốn phim có tựa đề “Eye in the Sky” (Con Mắt trên Trời). Ông Google cho biết: cuốn phim do đạo diễn Anh Gavin Hood thực hiện hồi năm 2015; vốn liếng bỏ ra chỉ có khoảng 13 triệu Mỹ kim, nhưng thu về được trên 50 triệu Mỹ kim, cuốn phim được đánh giá là tương đối thành công.
“Eye in the Sky” xoay quanh những thách thức về mặt đạo đức của  việc sử dụng máy bay không người lái trong chiến tranh. Cuốn phim được mở màn với cảnh một bé gái người Kenya, Phi Châu, đang chơi Hula Hoop trong vườn sau nhà ở Thủ đô Nairobi. Bên kia bờ đại dương, nữ Đại tá Anh Catherine Powell vừa  thức giấc và nhận được tin một nhân viên tình báo người Kenya đã bị tổ chức khủng bố Al-Shabaab sát hại. Bà Powell vừa nhận được lệnh phải bắt sống hay giết 3 trong số 10 lãnh tụ cao cấp của tổ chức khủng bố này. Tổng hành dinh của họ là một ngôi nhà an toàn tại Nairobi.
Nhờ máy bay không người lái cũng như sự hợp tác của các nhân viên tình báo địa phương, từ tổng hành dinh của mình, Đại tá Powell có thể theo dõi nhứt cử nhứt động của toán lãnh đạo của nhóm khủng bố. Kế hoạch của Đại tá Powell lại được giám sát chặt chẽ bởi một ủy ban đặc nhiệm gồm có một trung tướng, hai bộ trưởng và một thứ trưởng. Sau khi cân nhắc mọi dữ kiện và nhứt là biết rõ nhóm khủng bố đang chuẩn bị cho nổ bom tự sát tại một khu chợ đông người ở Thủ đô Nairobi, Đại tá Powell quyết định cho ném bom tiêu diệt bọn khủng bố. Việc ném bom từ một chiếc máy bay không người lái được giao cho hai viên sĩ quan, một nam một nữ, đang ngày đêm theo dõi kế hoạch từ một căn cứ không quân ở Tiểu bang Nevada.
Những pha gay cấn và hồi hộp nhứt của cuốn phim lại xoay quanh cô bé gái ở thủ đô Kenya. Cứ mỗi lần 2 viên sĩ quan chuẩn bị bấm nút để ném bom từ chiếc máy bay không người lái, thì bé gái lại được mẹ sai mang bánh mì ra bán tại một vệ đường sát bên cạnh tổng hành dinh của nhóm khủng bố. Đại tá Powell và ủy ban đặc nhiệm giám sát cuộc hành quân đã phải cân nhắc sự thiệt hại của việc ném bom tiêu diệt nhóm khủng bố: con số nạn nhân bị vụ nổ bom tự sát của nhóm khủng bố tàn sát sẽ rất cao, nhưng mạng sống của cô bé bán bánh mì cũng quan trọng không kém. Cả cuốn phim là những hồi tranh luận sôi nổi giữa Đại tá Powell và ủy ban đặc nhiệm giám sát kế hoạch. Cuối cùng, được bảo đảm rằng nguy cơ thiệt mạng cho cô bé gái chỉ có khoảng từ 45 đến 60 phần trăm, Đại tá Powell đã ra lệnh cho 2 viên sĩ quan thi hành kế hoạch bấm nút thả bom. Kết quả của cuộc ném bom: toàn bộ nhóm khủng bố bị tiêu diệt, cô bé bán bánh mì bị thương. Được cha mẹ em chạy đến kịp để đưa vào bệnh viện, nhưng cô bé đã không qua khỏi. Cuốn phim kết thúc với cảnh: những giọt nước đã trào ra từ khóe mắt của 2 viên sĩ quan!
Từ lâu dường như tuyến nước mắt trong người tôi không còn hoạt động nữa. Nhưng cuốn phim “Eye in the Sky” đã khiến tôi bồi hồi xúc động nhứt là trong thời đại dịch này. Kể từ khi cơn đại dịch bùng phát, ngày nào tôi cũng lượng giá tình hình bằng những con số được các cơ quan truyền thông cung cấp. Ngày nào tôi cũng được cập nhựt về con số người bị nhiễm trên toàn thế giới và số người chết tại mỗi quốc gia. Thét rồi đại dịch đối với tôi chỉ còn là những con số và mỗi một nạn nhân của Covid-19 chỉ còn là một con số gần như vô hồn và vô nghĩa. Tôi rùng mình nghĩ đến những con số mà Đức Quốc Xã đã cho xâm lên người của các tù nhân: từ lúc bước vào các trại tập trung cho đến lúc bị lùa vào các lò sát sinh, mỗi một người trong số 6 triệu người Do Thái chỉ còn là một con số!
Có lúc tôi cũng rùng mình nghĩ đến những con số người bị nhiễm và chết vì Covid-19 tại Hoa Kỳ. Ở cái đất nước “vĩ đại” này, cái gì cũng nhứt hết, kể cả nhứt về con số người bị nhiễm và chết. Vì có lẽ các nạn nhân chỉ là những con số, cho nên một số chính trị gia, nhứt là Tổng thống Donald Trump, vẫn thường dựa vào đó để đo lường sự “thành công” của mình trong việc đối phó với cơn đại dịch. Trong một cuộc họp báo ngày 30 tháng Ba vừa qua, tổng thống Trump nói rằng nếu chính phủ của ông giữ cho con số người chết vì Covid-19 ở Mỹ ở mức  100.000 người, thì như vậy cũng đã là “làm được một việc rất tốt” rồi.
Trước đó, vào đầu tháng Ba, khi bị chất vấn về việc đối phó với cơn đại dịch, ông cũng đã tự cho điểm 10 trên 10.
Vì vô hồn và vô nghĩa cho nên những con số dễ làm cho con người trở thành dửng dưng và vô cảm. Cách đây không lâu, Nha Lộ Vận RTA (Road and Traffic Authority) ở Tiểu bang NSW nơi tôi ở có cho quảng cáo một lời kêu gọi rất có ý nghĩa. Trong thước phim quảng cáo, một người đàn ông trung niên được một nhân viên cảnh sát cho biết trong năm 2017 đã có 347 người chết vì tai nạn giao thông rồi hỏi: ông muốn con số được giảm xuống còn bao nhiêu? Người đàn ông ngập ngừng một lúc rồi trả lời: “70! 70 là điều có thể chấp nhận được!” Liền sau đó, thước phim quảng cáo cho xuất hiện 70 người đang tiến tới. Nhận ra cả đám đông là bà con gia đình thân thuộc của mình, người đàn ông thốt lên: “Đây là gia đình của tôi!”. Khi được hỏi lại: mỗi năm con số người chết vì tai nạn giao thông bao nhiêu thì có thể chấp nhận được. Lần này ông trả lời dứt khoát: “phải là số không!”
Nếu trong số 70 nạn nhân ở Úc hay trên 35 ngàn người Mỹ có ít nhứt một người bà con thân thuộc của tôi thì chắc tôi phải buồn lắm. Tôi vô cảm là bởi vì tôi chỉ nghĩ đến các nạn nhân như những con số không hơn không kém, mà quên rằng mỗi một người, ngay cả một em bé gái trong cuốn phim “Eye in the Sky”, đều là một nhân vị độc nhứt vô nhị và dù có nghèo hèn mạt rệp đến đâu, cũng đều có một giá trị vô song vượt lên trên mọi giá trị và thước đo trên trần gian này. Cùng với mỗi một nạn nhân là cả gia đình, người thân và cộng đồng của họ. Cùng với gia đình, người thân và cộng đồng của họ lại có biết bao nhiêu thứ có liên hệ với nhau. Nỗi đau và sự mất mát của một người cũng là nỗi đau và sự mất mát của không biết bao nhiêu người. Thật ra, nếu tôi nhận ra mỗi một tha nhân như một phần của nhân loại và nhứt là như người anh em của tôi, thì nỗi đau và sự mất mát của họ cũng phải là của chính tôi. Có rất nhiều thứ mất mát, tiền của không bao giờ có thể chuộc lại được. Vĩnh viễn, không bao giờ!
Thời đại dịch, hơn bao giờ hết, có lẽ “nhân đức” cần trau dồi hơn cả phải là sự cảm thông. Elie Wiesel (1928- 2016), một người sống sót từ trại tập trung của Đức Quốc Xã và được trao tặng giải Nobel Hòa Bình năm 1986, có nói rằng nghịch nghĩa của tình yêu không phải là hận thù mà là sự dửng dưng. Ông cho rằng “dửng dưng là hiện thân của cái Ác” (Indifference, to me, is the epitome of evil).
Thời đại dịch, được “ngồi yên” một chỗ nhiều hơn bao giờ hết, tôi thường đem lời khuyên của Đức Đạt Đai Lạt Ma ra nghiền ngẫm: “Chúng ta cũng cần phải nhớ rằng không ai thoát khỏi đau khổ. Chúng ta cần đưa tay ra cho người khác là những người mất nhà cửa, nguồn lợi hay không có gia đình để bảo vệ họ. Cuộc khủng hoảng này cho chúng ta thấy rằng chúng ta không tách biệt nhau, ngay cả khi chúng ta sống xa nhau. Do đó, tất cả chúng ta phải có trách nhiệm thực thi sự cảm thông và giúp đỡ”



Thứ Năm, 9 tháng 4, 2020

Nỗi buồn tháng Tư thời Cô Vi




Thời đại dịch, đang bị cấm cố, nghe ông Chỉ huy trưởng cảnh sát Tiểu bang New South Wales, Úc Đại Lợi  tuyên bố: câu cá cũng là một thứ “thể dục thụ động” (passive exercise) được phép làm,  dân ghiền câu cá như tôi cảm thấy như mở cờ trong bụng. Cứ như tin vui giữa giờ tuyệt vọng!  Với tôi, “cần câu là đầu câu chuyện”. Đi câu cá không chỉ để quăng cần cho giãn gân giãn cốt, ngắm cảnh, giải trí và dĩ nhiên để kiếm cá ăn, mà còn để giao lưu với các bạn “đồng nghiệp”. Theo nhận xét của nhiều người, tôi là người hướng nội, rụt rè và vụng về trong giao tiếp xã hội. Nhưng như một phép lạ: cứ ra bãi câu là tôi thấy mình trở thành một người linh hoạt và hoạt bát ngay. “Chẳng còn sợ thằng Tây” nào nữa! Gặp bất cứ ai, tôi cũng xáp tới hỏi chuyện. Mà cũng lạ. Tôi không phải là người có tài gợi chuyện. Vậy mà bất cứ người nào tôi lân la đến gần để chào hỏi và làm quen cũng đều cởi mở tấm lòng để góp chuyện. Cần câu và con cá dẫn đến đủ mọi thứ chuyện trên trời dưới đất. Nhiều tình bạn đã nẩy nở từ bãi câu. Nhưng cái bản mặt da vàng mũi tẹt và mắt hí của tôi dường như lúc nào cũng làm bật lên nơi người đối diện câu hỏi: “Ông là người nước nào?” (Where are you from?). Đây là cơ hội để tôi “nổ” về lý do tại sao tôi có mặt ở Úc, về quê hương và văn hóa của tôi, về cuộc chiến trong đó có sự tham gia của người Úc...
Bình thường tôi hãnh diện để nói về mình và đất nước của mình. Tuy nhiên, trong thời đại dịch này, dường như câu hỏi: “ông là người nước nào?” thốt lên từ miệng một người Úc da trắng khiến tôi khựng lại. Mới đây, ở bãi câu tôi gặp một ông Úc trắng tốt bụng. Đứng cách ông không phải chỉ một thước rưỡi như quy định mà đến cả 5,7 thước, tôi cũng tránh cả việc chào hỏi. Vậy mà ổng gọi tôi lại gần, tặng cho một con cá đối để làm mồi, rồi hỏi: “ông là người nước nào?”  Không biết có phải do có tật giật mình không, tôi nghe thấy trong câu hỏi ấy không những thái độ dò xét, điều tra mà còn cả sự nghi kỵ và kỳ thị nữa. Sở dĩ tôi có một phản ứng như thế là bởi vì kể từ khi đại dịch từ Vũ Hán, Trung Cộng bùng phát và lây lan đi khắp thế giới, người Á Châu nói chung đã trở thành điểm nhắm của những hành vi kỳ thị của người da trắng, vốn xảy ra tại rất nhiều nước Tây Phương. Cuối tháng Ba vừa qua, báo The Bulletin ở Úc đưa tin:  một cô gái Á Châu tên là Sophie Do  (Đỗ là một họ đặc thù của Việt Nam) cùng với cô em gái đang đi bộ trên một con đường tại Marrickville, một khu ngoại ô của Sydney, thì một thiếu nữ da trắng xáp tới rủa sả bằng những lời lẽ thô tục như “Đồ chó Á Châu” , “chúng mày đã mang Coronavirus đến đây”. Ngoài những lời lẽ thô tục, người thiếu nữ da trắng còn tìm cách đá vào người em gái của cô Sophie. (https://www.themorningbulletin.com.au/news/asian-dog-young-women-spat-on-in-street/3985339/)
Theo tường thuật của Đài CNN,  khi cơn đại dịch vừa mới tấn công vào Vương quốc Anh, một sinh viên người Tân Gia Ba gốc Hoa đã bị đánh đến vỡ một xương trên mặt ngay giữa thành phố London. The báo The Atlantic, đầu tháng Giêng vừa qua, khi tin tức về đại dịch từ Vũ Hán bắt đầu được lan truyền đi khắp thế giới, một cô gái người Mỹ gốc Hoa ở New York liền đeo khẩu trang mỗi khi ra đường. Thế rồi, trong những tuần lễ sau đó, cái khẩu trang ấy đã thu hút sự chú ý của nhiều người cho nên cô đã liên tục bị tấn công bằng những lời lẽ và thái độ kỳ thị ...
Đó là những mẩu tin tôi đọc được trên báo. Còn tận tai nghe được thì tôi có chứng từ của một ông Úc rặc có vợ người Phi Luật Tân. Một hôm khi đến giúp tôi lấy mật từ những tổ ong trong vườn sau nhà, ổng than phiền: người vợ Phi của ổng bị kỳ thị ra mặt mỗi khi lên xe lửa để đi làm!
Trong các phương tiện di chuyển công cộng, trên đường phố, người Á Châu bị kỳ thị đã đành, mà với tôi điều đáng buồn hơn cả là khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chuẩn y và công khai hóa thái độ kỳ thị của nhiều người khi gọi đích danh siêu vi Corona là “Siêu vi Tàu” (China virus). Trong một cuộc họp báo hồi tháng trước, lời tuyên bố được soạn sẵn cho ông đọc gọi tên siêu vi là “Coronavirus” , nhưng ông đã lấy bút xóa tên này và thay vào bằng  chữ “siêu vi Tàu”. Kể từ đó, con số người Mỹ gốc Á bị những người kỳ thị chủng tộc tấn công nhiều hơn.
Và cũng kể từ đó, dường như nhiều người đồng bào Việt Nam của tôi cũng không tiếc lời để rủa sả người Hoa bằng những tên gọi miệt thị như “Dịch Tàu” “Cúm Chệt”. Chế độ độc tài cộng sản ở Trung Quốc đáng bị lên án vì sự bưng bít của họ đã  khiến cho cơn đại dịch Covid-19  lan truyền đi khắp thế giới. Người Việt Nam nào cũng có đủ lý do để thù ghét cái chế độ đã cướp biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông. Nhưng người Hoa nói chung, tự họ không phải là kẻ thù của tôi. Tôi không biết mình có máu Tàu không, nhưng hồi mới đến Pháp, tôi vẫn bị gọi một cách thân mật là “Tàu” (Le chinois). Đầu thập niên 1980, tôi rất hãnh diện khi nghe nói đến một viên thanh tra cảnh sát rất nổi tiếng ở Marseille, miền Nam nước Pháp, tên là Georges Nguyễn Văn Lộc. Do thành tích trừ gian diệt tặc trong thành phố, ông được người Pháp tặng cho danh hiệu “Robin des Bois” (Robin Hood). Nhưng dù tôi có cải chính cách mấy, một người Việt Nam với tên họ rành rành là Việt Nam như ông Lộc vẫn được người Pháp gọi là “Le Chinois” (ông Tàu, ông Chệt hay ông Ba Tàu gì đó nếu dịch sang tiếng Việt). Có lẽ dưới mắt người Tây Phương, người Á Châu nào cũng đều là Tàu, là Hoa cả. Thành ra trong thời đại dịch này, kỳ thị không chỉ nhắm vào người Hoa mà là người Á Châu nói chung.
Thời đại dịch, vào giữa lúc cần có tình liên đới nhân loại để đối đầu với siêu vi Covid-19, thật đáng  buồn vì có một ông tổng thống Mỹ kỳ thị ra mặt. Nhưng tôi buồn hơn vì có một số người Việt của tôi có khi còn có máu kỳ thị hơn cả những người thượng tôn da trắng. Trên “meo đàn” của những người đồng môn thời trung học của tôi, không thiếu những người bạn của tôi gọi cựu Tổng thống Barack Obama là “thằng mọi đen”. Mùa hè cách đây 2 năm, tôi có ghé thăm một người bạn thời tỵ nạn hiện đang ở Orange County. Hai vợ chồng là những người công giáo thuần thành. Tôi ghé thăm họ vào một buổi chiều Chúa nhựt khi họ vừa đi lễ về. Trong câu chuyện, khi nhắc đến các cộng đồng thiểu số ở Mỹ, người vợ tuyên bố: dứt khoát không bao giờ để cho con cái chơi với “đám Mỹ đen”. Còn về người Mễ vốn nhan nhản và đóng góp không ít cho nền kinh tế “tiểu thương” ở Little Sai Gon, một người bạn tỵ nạn khác của tôi lập lại y chang lời của Tổng thống Trump: đó là bọn hiếp dâm, buôn bán ma túy và lười biếng!
Tổng thống Trump quả có một sức thu hút phi thường đối với người đồng bào Việt Nam của tôi. Qua các cuộc thăm dò cũng như qua những phản ứng tôi nghe được, có đến hai phần ba người Việt ở Mỹ ủng hộ Tổng thống Trump. Không những ủng hộ mà còn sẵn sàng sống chết, đỡ đạn cho ông. Đụng đến ông là đụng đến “tổng thống của chúng tôi”!  Người ta đã thấy được sự tôn sùng lãnh tụ ấy qua phản ứng của một số người Việt ở Mỹ đối với Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Trong một đất nước có tôn trọng tự do ngôn luận như Hoa Kỳ, Mẹ Nấm đã phê bình sự việc Tổng thống Trump khuyên nên sử dụng thuốc sốt rét Hydroxychloloquine để trị Covid-19. Trên Blog của mình, cô viết nguyên văn như sau: “P/s: Dịch bệnh nên đọc cảnh báo của các chuyên gia y tế, đừng nghe lời lãnh đạo nha quý vị”. Chỉ có vậy mà sự cuồng nộ đã nổi lên như sóng cồn: một vài chiến dịch xin chữ ký để trục xuất Mẹ Nấm về Việt Nam chỉ trong một thời gian ngắn đã thu thập đến trên dưới mười ngàn chữ ký. Tựu trung, bản án dành cho Mẹ Nấm được tóm gọn trong câu: “Chống Cộng mà lại chống Trump thì chỉ có bọn nằm vùng...”
Tháng Tư, người Việt tỵ nạn nào mà chả buồn. Ngoài nỗi buồn chung ấy, thời đại dịch này, tôi còn có nỗi buồn riêng: người ta có thể trốn chạy chế độ cộng sản, nhưng vẫn mang theo cái cốt lõi của chế độ đó là sự tôn thờ lãnh tụ, chụp mũ và ném đá người khác! Buồn thật! Hành xử như thế thì có khác gì người cộng sản!
Trong những ngày này  mà Kitô Giáo gọi là “Tuần Thánh”, tức tuần lễ tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu và chuẩn bị lễ Phục Sinh, các tín hữu Kitô được mời gọi “ăn năn sám hối”. Trong một lời kinh sám hối thường được đọc trong những ngày này, người ta “lo buồn đau đớn” vì đã “cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa”. Chúa ở trên trời cao xa vời vợi quá, không biết tôi có phản nghịch và xúc phạm tới không. Nhưng chắc chắn xúc phạm tới tha nhân, hạ phẩm giá tha nhân, kỳ thị tha nhân chỉ vì màu da, chủng tộc, văn hóa, địa vị xã hội và ngay cả chính kiến...thì quả thật đây mới là điều đáng cho tôi “lo buồn đau đớn” hơn cả!
Buồn và đau hơn nữa khi tôi lẩn thẩn tự hỏi: Nếu Chúa Giêsu khi xuống thế làm người mà chẳng may mang cái màu da đen hay là một ông Á châu da vàng mũi tẹt như tôi thì sao?





Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2020

Lãnh đạo thời Cô Vi



Zaheena Rasheed
                                                                                 Chu Thập chuyển ngữ

Đại dịch Covid-19 đang đe dọa mạng sống và cuộc sống của con người trên khắp thế giới.
Chỉ trong 3 tháng, đã có hơn một triệu người tại trên 180 quốc gia bị nhiễm bệnh và ít nhất 50.000 người chết vì một cơn dịch mà Liên Hiệp Quốc gọi là “cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất” đối với thế giới kể từ Đệ nhị Thế chiến.
Tại nhiều vùng rộng lớn trên trái đất, việc “đóng cửa” nhằm chận đứng sự lây lan của siêu vi đã khiến cho cuộc sống và hoạt động kinh tế dậm chân tại chỗ. Ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, các bệnh viện đã quá tải vì số bệnh nhân và người chết, trong khi đó khắp nơi người nghèo và những người dễ bị tổn thương phải đương đầu với tình trạng thiếu thốn lương thực và chết đói.
Hôm thứ Ba (mùng Bảy tháng Tư 2020) vừa qua, khi nhấn mạnh đến nguy cơ mà cuộc khủng hoảng đang đặt ra cho hòa bình và sự ổn định trên thế giới, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres đã gởi đến các chính trị gia lời kêu gọi khẩn thiết hãy “bỏ qua một bên những trò chơi chính trị” và ngồi lại với nhau để “đối phó một cách mạnh mẽ và hữu hiệu” (với cuộc khủng hoảng).
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nói: “Thế giới đang đối đầu với một thử thách chưa từng có. Và đây là lúc phải hành động”.
Thật ra, những hệ lụy của cuộc khủng hoảng lẽ ra không nên cao hơn.
Cuộc sống hay cái chết của hàng triệu người tùy thuộc vào những quyết định mà các nhà lãnh đạo thế giới sẽ làm trong những ngày và tuần lễ sắp tới. Nhưng các nhà phân tích lại nói rằng những dấu hiệu mới nhất thật dáng lo ngại.
Tại một số quốc gia, vì lợi ích riêng tư, vì không tin tưởng vào khoa học hay vì sợ kinh tế sụp đổ, các nhà lãnh đạo đã đối phó bằng sự do dự và phủ nhận.
John M Barry, một sử gia đã từng nghiên cứu về cơn đại dịch cúm Tây Ban Nha trong đó đã có 100 triệu người bị thiệt mạng hồi năm 1918, nói: “Tại nhiều nước, thật đáng buồn. Tại một số nước, thật đáng lên án vì hành động của một số nhà lãnh đạo sẽ khiến cho nhiều công dân phải chết một cách không cần thiết”.
Tại Trung Quốc của ông Tập Cận Bình, là nơi cơn bệnh đã được phát giác trước tiên hồi cuối tháng Mười Hai năm vừa qua, chính quyền đã bị tố giác đang bưng bít và trừng phạt những bác sĩ nào đã lên tiếng báo động khi đại dịch vừa mới bùng phát. Đây là những hành động mà những người chỉ trích nói rằng đã cho phép siêu vi phát tán từ trung tâm thành phố Vũ Hán ra mọi hang cùng ngỏ hẻm trên thế giới.
Tại Hoa Kỳ, thoạt tiên Tổng thống Donald Trump đã xem thường tính nghiêm trọng của mối đe dọa khi ông tiên đoán rằng siêu vi sẽ “biến mất” như “một phép lạ”  và hạ giảm các mối lo ngại ngày càng gia tăng khi nói rằng dịch bệnh chỉ là một “cú lừa” của các  đối thủ chính trị của ông. Ông chỉ thay đổi giọng điệu đó hồi tuần trước sau khi các cuộc thăm dò cho thấy dân chúng ngày càng lo âu và các chuyên gia tiên đoán rằng sẽ có 200.000 người chết tại Hoa Kỳ nếu không có những biện pháp ngăn chận sự lây lan.
Tại Ba Tây, Tổng thống Jair Bolsanaro cứ tiếp tục phủ nhận dịch bệnh mà ông gọi là chuyện “tưởng tượng” hoặc chỉ như “một thứ cúm nhẹ”. Chỉ mới tuần vừa qua, ông đã thách thức lời khuyên của các viên chức y tế của ông về việc phải tránh tiếp xúc khi đi thăm các khu phố ở Thủ đô Brasilia để kêu gọi dân chúng trở lại làm việc.
Trong khi đó tại Mễ Tây Cơ, hồi cuối tháng Ba vừa qua, Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador đã tổ chức các cuộc biểu tình, ôm hôn những người ủng hộ ông và thúc đẩy người dân Mễ hãy “sống bình thường”. Tổng thống Mễ đã hành động như thế mặc dù chính Bộ trưởng Y tế của nước này đã kêu gọi dân chúng nên ở nhà để tránh lây lan.
Giáo sư Charles Call, thuộc Viện Brookings có trụ sở tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, nói rằng hành động của các nhà lãnh đạo trên đây làm nổi bật “thái độ thù nghịch đối với khoa học và các cơ chế nhà nước”. Viết trên Blog của ông, giáo sư Call nói rằng thái độ ngạo mạn của các nhà lãnh đạo trên đây đang bị nhiều người chỉ trích. Ông tiên đoán rằng cuộc khủng hoảng sẽ là một “cuộc trắc nghiệm về chủ nghĩa dân túy” tại các nước này.
Tại Nam Dương,  hồi tuần trước, Tổng thống Joko Widodo đã nhìn nhận rằng ông đã cố tình bưng bít thông tin về sự bùng phát của đại dịch. Ông nói rằng đây là một chiến thuật nhằm ngăn ngừa sự sợ hãi của dân chúng. Trong những ngày đầu khi dịch bệnh bùng phát, một số bộ trưởng của ông đã nói rằng sự cầu nguyện có thể ngăn ngừa được dịch bệnh, trong khi đó những người khác lại cho rằng thời tiết ấm áp của Nam Dương có thể làm cho việc lây lan bị chậm lại.
Viết trên báo The Diplomat, ông Asmiati Malik, giáo sư phụ khảo tại Đại học Universitas Bakrie của Nam Dương, cho rằng thái độ “phi khoa học” của chính phủ bắt nguồn từ những quan ngại về tinh trạng kinh tế của quốc gia có dân số đông đứng hàng thứ tư trên thế giới. Tuy nhiên theo giáo sư Malik, phủ nhận và giới hạn sự  truy cập thông tin của dân chúng về sự lây lan của dịch bệnh là một chính sách có thể gây tử vong cho hàng ngàn người.
Theo sử gia  Barry, sự phủ nhận và chậm trễ (trong việc đối phó với dịch bệnh) sẽ gây thiệt hại cho những nước này khi đến một lúc phải đưa ra những giới hạn cứng rắn hơn để chận đứng dịch bệnh. Ông nói  “Nếu bạn chờ đợi dân chúng sẽ tuân thủ lời kêu gọi giữ khoảng cách xã hội (social distancing), thì phải làm sao để họ tin vào lời kêu gọi đó. Nếu dân chúng không tin tưởng những người đưa ra lời kêu gọi đó thì họ sẽ không tuân thủ và một khi không có sự tuân thủ thì lời kêu gọi đó sẽ không hữu hiệu”.
Đây là lý do tại sao bài học duy nhất và quan trọng nhất từ đại dịch năm 1918 là: “hãy nói sự thật”
Có một số nhà lãnh đạo đã làm điều đó.
Ngày 11 tháng Ba, khi sự lây nhiễm đã bắt đầu gia tăng mạnh tại Ý, thủ tướng Đức, bà Angela Merkel đã nói rằng sẽ có đến 70 phần trăm dân chúng Đức bị lây nhiễm. Lời cảnh cáo này hoàn toàn đi ngược lại với những lời tuyên bố của các chính trị gia khác vào thời điểm đó. Một tuần lễ sau, trong một bài diễn văn đươc truyền hình, bà thủ tướng đã kêu gọi dân Đức hãy tôn trọng những giới hạn nghiêm nhặt về việc đi lại và giao tiếp xã hội. Bà nói: “ Tình trạng thật nghiêm trọng. Hãy ứng phó một cách nghiêm chỉnh. Trong một thể chế dân chủ,  không nên xem thường những giới hạn như thế, ngay cả chỉ là tạm thời. Nhưng hiện nay, đây là những giới hạn cần thiết để cứu mạng người”.
Kể từ đó, tại Âu Châu, Đức đã dẫn đầu trong  việc xét nghiệm rộng rãi về Covid-19 : kể từ lúc xảy ra cuộc khủng hoảng, đã có gần một triệu người được xét nghiệm. Và mặc dù đang đứng hàng thứ năm trên thế giới về con số người bị nhiễm bệnh, với trên 80.000 người bị nhiễm, Đức vẫn có số tử vong thấp nhất trong nhóm này.
Ca ngợi Thủ tướng Merkel, bà Judy Dempsey, thuộc viện Carnegie Europe, nói rằng hành động của thủ tướng “vạch ra con đường phía trước để có một sự đáp ứng thống nhất và cương quyết. Đây là một đáp ứng cần thiết và cho thấy các nền dân chủ có thể thực hiện cách tốt nhất”.
Tại Tân Gia Ba, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng được ca ngợi vì đề ra một chiến dịch truy tìm và xét nghiệm gắt gao nhờ đó, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, chỉ có khoảng 1000 người bị lây nhiễm. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài CNN hôm chủ nhật (Mùng Năm tháng Tư vừa qua), Thủ tướng Tân Gia Ba nói rằng sự trong suốt và tin tưởng là những yếu tố nền tảng trong cuộc chiến của Tân Gia Ba chống lại siêu vi. Ông nói: “Chúng tôi hành động một cách trong suốt. Nếu có tin xấu, chúng tôi sẽ cho bạn biết. Nếu có những điều cần phải làm, chúng tôi cũng sẽ nói cho bạn biết. Nếu dân chúng không tin tưởng bạn thì  ngay cả khi bạn có đề ra những biện pháp đúng đắn, rất khó để tuân thủ”.
Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in, nữ Thủ tướng Tân Tây Lan Jacinda Ardern và Tổng thống El Salvador Nayib Bukele cũng đều được ca ngợi vì đã hành động một cách trong suốt và cương quyết.
Tuy nhiên không thiếu những nhà lãnh đạo bị tố cáo đang lợi dụng cuộc khủng hoảng để thu tóm quyền lực.
Hôm thứ Hai (mùng Sáu tháng Tư vừa qua), thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban đã được trao quyền không giới hạn để cai trị bằng sắc lệnh: theo một luật mới, người dân nào phát tán “thông tin giả” sẽ bị phạt tù năm năm. Các nhà phê bình cho rằng luật này có thể được dùng để khóa miệng các ký giả. Những quan ngại tương tự cũng được nêu lên tại Phi Luật Tân là nơi tổng thống Rodrigo Duterte tự trao cho mình những quyền hạn trong tình trạng khẩn trương cho phép ông nại đến những tin giả về Covid-19 để đàn áp.
Tại Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu sử dụng tình trạng khẩn trương về đại dịch để cho phép các cơ quan tình báo theo dõi công chúng và đóng cửa các tòa án trước khi các cáo buộc về hành động tham nhũng của ông được mang ra xét xử.
Meenakshi Ganguly, giám đốc chi bộ Nam Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) nói: “Chúng tôi nhìn nhận rằng cơn đại dịch này đang đặt ra một trắc nghiệm chưa từng có đối với các nhà lãnh đạo thế giới. Vấn đề của chúng ta là một số nhà lãnh đạo đã có những toan tính độc tài. Đây không phải là thời gian để làm chính trị...bất cứ một quyền hành nào trong tình trạng khẩn trương cũng cần phải tương xứng và các chính phủ phải luôn luôn bảo vệ quyền lợi của người dân”.
Ngoài việc thu tóm quyền lực, các nhà quan sát còn lo ngại về cuộc đấu đá giữa các cường quốc, nhất là giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng. Tức giận trước việc Hoa Thịnh Đốn cứ liên tục dán cho Covid-19 cái nhãn hiệu “Siêu vi Tàu”, các viên chức tại Bắc Kinh hiện đang phản công bằng cách tuyên truyền mà không đưa ra bất cứ bằng chứng nào rằng chính quân đội Mỹ đã mang siêu vi này vào Vũ Hán.
Mối quan hệ ngày càng tồi tệ giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng, cũng như việc Hoa Kỳ dựa vào  chính sách “Hoa Kỳ trước tiên” của ông Trump để rút lui khỏi chính trường thế giới, đang cản trở một hành động phối hợp trước cơn đại dịch.
Charles Kupchan, thuộc Hội đồng Quan hệ Ngoại giao có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho rằng  hiện “không có bất cứ một sự đáp ứng toàn cầu nào. Và đây là một vấn đề lớn bởi vì cuộc khủng hoảng sẽ được giải quyết một cách tốt đẹp hơn nếu những nước lớn ngồi lại với nhau.  Khi xảy ra dịch Ebola hồi năm 2014 hay trong cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008, Hoa Kỳ là nước đã đứng ra và lên tiếng: “Chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề như thế nào?”  Nhưng những ngày như thế không còn nữa. Chính phủ Trump đã tỏ ra cực kỳ chậm chạp trong việc đối phó với cuộc khủng hoàng trong nước và việc lãnh đạo của ông ở nước ngoài đã giới hạn tối đa”.
Kupchan nói: “Đây có thể là một tai họa cho những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới”. Theo ông “Những vấn đề cốt lõi cần phải  được giải quyết là cung cấp và phân phối các thiết bị y tế, chia sẻ những cách thức tốt nhất về xét nghiệm và cô lập cũng như đối phó với những cộng đồng có thu nhập thấp. Điều tồi tệ nhất mà tôi lo sợ là khi  Covid-19  tấn công vào các trại tỵ nạn và những nước có hệ thống y tế kém phát triển. Đây có thể sẽ là một cuộc tàn phá rộng lớn”.

Nguồn: Zaheena Rasheed, Covid-19 pandemic is testing world leaders. Who’s stepping up?