Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

Cuộc sống nhìn từ cây vú sữa



Chu Thập
22.5.15

Trong ngôi vườn được tôi đặt cho cái tên “quê hương bỏ túi”, bước vào mùa Đông, hầu như cây nào cũng bắt đầu ủ rũ, héo tàn. Duy cây vú sữa thì vẫn xanh tươi. Đây là một trong những kỷ niệm  đáng ghi nhớ nhứt của tôi từ một chuyến đi Port Douglas, Bắc Queensland, cách đây 4 năm. Tôi không ngờ một thân cây nhỏ èo uột được tôi mang về từ vùng xứ nóng của Bắc Úc đã được thuần hóa để thích nghi một cách tuyệt vời với khí lạnh của tiểu bang New South Wales. Tôi cho nó một chỗ đứng trong “quê hương bỏ túi” trước hết là để nuôi dưỡng nỗi niềm thương nhớ quê hương của tôi. Nhưng quê hương đối với tôi không chỉ là cảnh vật, cây cối, mà còn là những con người cụ thể. Trong những con người cụ thể ấy dĩ nhiên cha mẹ là những người chiếm chỗ đứng ưu tiên trong ký ức của tôi.
Vào khoảng giữa thập niên 1950, mẹ tôi ra vào trên con đường Nha Trang-Sài Gòn như cơm bữa. Chuyến đi, bà thường chở cau vào Chợ Ông Lãnh. Chuyến về, bà tha về đủ thứ đặc sản của Miền Nam, đặc biệt từ Búng, Lái Thiêu, Biên Hòa. Bên cạnh thực phẩm, mẹ tôi còn mang về rất nhiều loại cây ăn trái như măng cụt, sầu riêng, cam đường, sa bô chê và vú sữa. Những loại cây chiết này chỉ cần được cho xuống đất trong một hai năm là có trái. Trong mảnh vườn nhỏ trước nhà, cha tôi sưu tầm đủ loại cây trái của Miền Nam. Riêng hai cây vú sữa được ông nâng niu và trồng ngay phía sau hè. Đây là loại vú sữa nếp, v mỏng, mầu xanh. Khi nào v bóng lên và chuyển sang mầu hồng là biết nó chín. Mỗi năm, mùa nghỉ Tết của tôi cũng là mùa vú sữa. Hai cây vú sữa này đã đồng hành với tôi từ lúc tôi cắp sách đến trường cho đến khi tôi bước vào tuổi “tam thập như lập” để chính thức rời mái ấm gia đình. Nhưng dù đi đâu và ở đâu, tôi vẫn nhớ về hai cây vú sữa được cha tôi trồng sau hè ấy. Cha tôi vẫn tiếp tục chăm sóc và nâng niu hai cây vú sữa ấy. Nghe nói, trước khi nằm một chỗ và ra đi ở tuổi 95, cha tôi vẫn còn tự mình leo lên hai cây vú sữa ấy để hái trái cho con cháu. Tôi không biết giờ này hai cây vú sữa đã gần lục tuần ấy có còn đứng ở phía sau hè nhà tôi không. Không hiểu sao tình tự quê hương của tôi lúc nào cũng đọng lại ở hình ảnh của hai cây vú sữa ấy. Chính vì nhớ nhà, nhớ cha nhớ mẹ, nhớ khung cảnh thân thương ấy mà tôi đã cố gắng đi tìm và trồng cho được một cây vúa sữa bên hông nhà. Sự hiện diện của cây vú sữa ở phía sau nhà tôi hiện nay luôn gợi lại những kỷ niệm đẹp của cả một thời thơ ấu và thanh niên của tôi. Tôi trồng nó là để nhớ đến công lao khó nhọc, dầm mưa dãi nắng, tảo tần của mẹ tôi. Tôi trồng nó là để nhớ đến những hạt giống của “gieo trồng” mà cha tôi đã cấy vào trong tôi.
Thực vậy, tình yêu thiên nhiên và một phần kinh nghiệm cày cấy, gieo trồng của cha tôi vẫn tiếp tục sống trong ngôi vườn của tôi ở miền duyên hải trung phần của nước Úc này. Bước vào tuổi già, ngoài rau xanh và các thứ loại củ, tôi chỉ trồng những loại cây ăn trái ngắn hạn như chuối, thanh long, mía, cam quít, ổi...Riêng cây vú sữa, tôi trồng để tưởng nhớ cha mẹ và quê hương hơn là trông chờ hoa quả của nó. Nó đã “an cư lạc nghiệp” được trong “quê hương bỏ túi” của tôi là tôi mừng rồi. Năm nay, một giây bí Nhựt Bổn được tôi trồng bên cạnh đã leo lên thân cây vú sữa và treo tòn teng hai quả lên cành của nó. Ông bạn họa sĩ kiêm nhiếp ảnh gia của tôi mà thấy được cảnh ấy thì chắc chắn đã có được một tấm ảnh để đời. Nhìn hai quả bí treo lủng lẳng trên thân cây vú sữa, tôi chợt có ý nghĩ: kết quả của gieo trồng vượt ra ngoài điều trông đợi của con người.
Trong cuộc sống, có khi chính sự gieo trồng lại có ý nghĩa và quan trọng hơn hoa quả người ta có thể gặt hái được. Trong những ngày vừa qua, tôi vẫn tiếp tục suy ngẫm về câu nói của Văn Thi sĩ Tô Cách Lan Robert Louis Stevenson (1850-1894) được một người bạn sưu tầm và đưa vào danh sách 20 bài học quí giá của cuộc sống. Ông Stevenson khuyên: “Đừng đánh giá mỗi ngày bằng những gì bạn gặt hái được, mà bằng những hạt giống bạn gieo trồng” (Don’t judge each day by the harvest you reap, but by the seeds you plant).
Về chuyện gieo trồng, ở Việt Nam cũng có một người đã tỏ ra rất thành thạo. Câu nói thoát ra từ cửa miệng của ông: “10 năm trồng cây trăm năm trồng người” đã được những người cộng sản Việt Nam xem như Kinh Thánh và mang ra tụng niệm từ hơn 70 năm qua. Rất tiếc, người cộng sản Việt Nam quên mất rằng con người luôn có chủ trương ăn cắp và ăn cướp bất cứ thứ gì, đã chôm câu nói trên đây của một chính trị gia nổi tiếng của Tàu là ông Quản Trọng, thời Đông Châu Liệt Quốc. Ngoài ra, thứ “giống” người mà ông muốn trồng ấy đã làm bại hoại đất nước và dân tộc đến một mức độ gần như vô phương cứu chữa.
Năm nay, nhân dịp kỷ niệm sinh nhựt thứ 125 của ông hôm thứ Ba 19 tháng 5 vừa qua, người ta lại nói đến chuyện gieo trồng của ông và lần này, có người nhắc đến cây vú sữa được chính tay ông trồng trong vườn của ông ở Hà Nội. Theo báo Dân Trí trong nước, “khoảng cuối năm 1954, tại Cà Mau đã diễn ra buổi tiễn đưa cuối cùng đoàn tập kết cán bộ từ Nam ra Bắc. Trong một cử chỉ được cho là rất ý nghĩa, một người phụ nữ thường được gọi là Má Tư đã nhờ đoàn người tập kết này mang theo một cây vú sữa tặng cho “Bác Hồ” để gọi là thể hiện tấm lòng của đồng bào miền Nam đối với “Bác”. Món quà đã được “Bác” đón nhận như chính tấm lòng kính yêu của đồng bào miền Nam dành cho mình. Chính tay “Bác” đã trồng cây vú sữa trong khu vườn gần nhà làm việc của “Bác” và cũng chính “Bác” ngày ngày tự tay chăm sóc, tưới nước cho nó”.
Không biết cây vú sữa này có sinh hoa kết trái không và có còn hiện diện ở “Nước Bắc” không. Thực ra, ông Hồ Chí Minh trồng cây vú sữa của Má Tư đâu phải để trông đợi thưởng thức hoa quả của nó cho bằng “gieo trồng” vào đó “tấm lòng” của ông đối với người dân miền Nam. Tôi không biết được “tấm lòng” ấy như thế nào. Ông có thực sự yêu thương người đồng bào ruột thịt miền Nam của tôi không? Ông có mong cho người đồng bào ruột thịt ấy được hưởng cuộc sống ấm no, thanh bình không? Tôi nghi ngờ tấm lòng ấy lắm. Bởi lẽ ông và các “đồng chí” của ông đã từng tuyên bố rằng họ “đánh” Miền Nam là đánh thuê cho Liên Xô và Trung Cộng. Chỉ biết rằng trong cây vú sữa được chính tay ông trồng ấy, ông đã đặt vào mầm mng của hận thù giai cấp, hận thù dân tộc để đẩy bao nhiêu thanh niên thiếu nữ nhào vào lò lửa của chiến tranh như những con thiêu thân và cuối cùng biến miền Nam của tôi thành một nơi có tất cả mọi thứ xấu xa tệ hại nhứt trên đời này. Xấu xa và tệ hại đến độ chỉ cần nhìn vào đó cũng đủ để cảm nghiệm được thế nào là hỏa ngục ngay trên trần gian.
Thông thường người ta thường xem quả thì biết cây. Nhưng  thi sĩ Stevenson đã có một cái nhìn khác khi ông khuyên đừng đánh giá cuộc đời bằng những gì ta gặt hái được, mà bằng những gì ta gieo trồng. Hãy thử nhìn lại hiện tình đất nước Việt Nam hay bất cứ một quốc gia cộng sản nào. Ở Việt Nam, người cộng sản đã chiến thắng, đất nước đã được thống nhứt. Bên Trung Quốc, nền kinh tế đã được xếp vào hạng thứ nhì trên thế giới và biết đâu nay mai lại chẳng qua mặt Hoa Kỳ để trở thành đệ nhứt siêu cường. Đó là thành tựu mà những người cộng sản đã đạt được và lúc nào cũng tự hào về những thành tựu ấy. Nhưng nếu nhìn kỹ vào cuộc sống xã hội và con người  hiện nay tại Việt Nam và Trung Quốc, người ta sẽ nhìn thấy ngay tức khắc những “hạt giống” mà những người như Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh đã gieo trồng vào lòng dân tộc của họ. Những hạt giống đó là gì nếu không phải là hận thù, ích kỷ, tham lam, vô cảm... Tựu trung, đó là những hạt giống của hủy hoại và chết chóc.
Nhìn cây vú sữa xanh tươi trong “quê hương bỏ túi” của mình, tôi không thể không nghĩ đến những “hạt giống tình yêu” mà con người có thể gieo trồng được. Tôi tin rằng chỉ có những hạt giống như thế mới bất tử và mang lại niềm hy vọng và niềm vui đích thực cho con người. Không cần phải chờ đợi được đáp trả, bất cứ một nghĩa cử yêu thương vô vị lợi nào cũng đã là một phần thưởng cho chính con người. Hoa trái của tình yêu có thể không nhìn thấy được. Nhưng tự nó, tình yêu được thực thi và gieo trồng luôn mang lại ý nghĩa cho cuộc sống con người.
Có lẽ đây là điều mà nhạc sĩ Vũ Thành An đã cảm nhận được và cũng muốn gieo trồng khi sáng tác một loạt ca khúc mang tên “Hạt giống tình”, được phổ nhạc hay cảm hứng từ một số bài thơ của thi sĩ Đỗ Vẫn Trọn. Nếu ở đầu thập niên 1960, tác giả của những “bài ca không tên” bất hủ đã ngậm ngùi thương tiếc những mối tình dang dở của mình, thì nay một Vũ Thành An, phó tế trong Giáo hội Công giáo, chỉ còn có “mỗi một mối tình mang theo” là tình yêu tinh ròng. Ông giải thích: “Trải qua biết bao thăng trầm trong cuộc sống, giờ đây, tôi nhận ra rằng có một tình yêu không bao giờ mang lại đau khổ, nó chỉ mang lại hạnh phúc thôi, đó là tình yêu thật. Tạo dựng khối tình đó và con người ta sẽ mang theo. Về phương nào đó thì mình chưa biết. Trong mắt tôi nhìn thấy bây giờ, quan trọng là cái khối tình, tôi gọi đó là tình yêu tinh tuyền”. Ông nói tiếp: “Ngay trong những công việc nhỏ hàng ngày của mình, mình đều đặt trên nền tảng tình yêu. Tình yêu đó rất tinh tuyền. Nó là của riêng mình, mình đang mang theo nó đến cuối đời” (x. Cát Linh, phóng viên của Đài Á Châu Tự Do 17/5/2015).
Các nhà khảo cổ đã ngạc nhiên vô cùng khi khám phá ra những hạt giống được chôn vùi trong những kim tự tháp của Ai Cập hay trong lòng đất ở một nơi nào đó từ mấy ngàn năm qua vẫn còn có khả năng nẩy mầm. Đó là sự bền bỉ của những hạt giống trong thiên nhiên. Nói gì đến hạt giống của tình yêu. Nó sẽ mãi mãi tồn tại. Như một kinh “Tin Kính” trong Đạo của tôi, tôi tin rằng chỉ có hạt giống tình yêu mà con người gieo trồng mới làm cho nó thành bất tử.



Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

Trần Nợ, Nợ Trần


Chu Thập
2.9.11


Kể từ khi tổng thống Hoa kỳ Barack Obama và Quốc hội nước này đạt được thỏa thuận cho phép nâng nợ quốc gia lên tới mức “đụng trần” nhà, tiếng Việt lại có thêm một từ mới là “Trần nợ” (debt ceiling). Thuật ngữ này xem ra chẳng có gì xa lạ với người Việt nam, bởi lẽ đối với chúng ta “nợ trần, vay trả trả vay” là một trong những triết lý sống nền tảng. Đã vào đời bằng tiếng khóc là mang theo cả một gánh nợ trần phải trả không bao giờ hết.
Lúc nhỏ, một trong những hình ảnh đầu tiên mà ký ức non dại của tôi đã ghi nhận được có lẽ là cảnh vay nợ của người nghèo. Ở quê nghèo của tôi, trừ một vài gia đình tương đối khá giả, đa số những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn đều phải chạy cơm chạy gạo từng ngày, cho nên cái cảnh ăn đong, vay mượn là chuyện thường ngày ở huyện. Bà chủ quán trước nhà tôi thỉnh thoảng lại réo gọi và chửi rủa inh ỏi, vì ai đó đã “ăn chịu” hay mua chịu hết mấy cuốn sổ mà không chịu trả. Từ gạo đến mắm muối, rượu đế và ngay cả giấy bút học sinh, cái gì cũng có thể mua chịu. Tội nghiệp nhứt là những nhà phải bán lúa non: vừa mới gieo mạ hay mới cấy đã phải vác thúng đi đong lúa của một ông phú hộ nào đó để có cái ăn, đến khi gặt hái phải đong trả lại cả vốn lẫn lời, thành ra chẳng còn lấy một hạt lúa cho vào bồ. Nhiều người, gặp cảnh mất mùa không trả nổi đành trơ mặt ra mà quịt nợ thôi. Cũng có những người vì một chút sĩ diện, đành phải đi “trốn nợ” một thời gian, chờ đến khi kiếm được chút vốn mới dám vác mặt về làng để thanh toán nợ nần và làm lại cuộc đời.
Cha tôi đã một lần phá sản vì theo Việt minh. Tôi vẫn còn nhớ như in, chỉ sau một đêm và một ngày, nguyên một bầy trâu bò mấy chục con bị lính Tây bắn gục, vài mẫu mía tây làm đường bị đốt sạch. Cũng may, nhờ tài vun vén của mẹ tôi, cha tôi cũng giải quyết xong nợ nần và nhà tôi biết thế nào là “liệu cơm gắp mắm”.
Nói chung, hình như người Việt nam nào cũng sợ cảnh nợ nần. Ra được nước ngoài, sau khi thanh toán được nợ vượt biên, ai cũng mong được thảnh thơi để thực sự hưởng nếp sống văn minh và tự do. Ngoại trừ một số ít “nghèo mà ham” bắt chước người Tây phương cứ “cà” thẻ tín dụng cho đến “trần nợ”, đa số người Việt hải ngoại đều có chung một ước mơ: mua đứt một căn nhà, trả “cash” một chiếc xe, cật lực làm ăn, thắt lưng buộc bụng để trả hết nợ ngân hàng càng nhanh càng tốt hoặc chủ trương có bao nhiêu xài bấy nhiêu mà thôi.  Bị xiết nợ, bị đuổi ra khỏi nhà đến độ chỉ còn biết ra “khách sạn ngàn sao” là chuyện ít xảy ra cho người Việt hải ngoại.
Nếu có nợ chăng thì người Việt hải ngoại lại nghĩ đến những món nợ khác. “Ví chăng duyên nợ ba sinh. Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi” (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Vì duyên nợ ba sinh cho nên dù có cơm không lành canh không ngọt, vợ chồng cũng đành phải chấp nhận nhau, chịu đựng nhau cho đến hết đời. Vì biết mình phải trả cho hết món nợ đời ấy mà nhiều người đã gắng gượng để sống cho trọn tình trọn nghĩa với nhau.
Nếu chẳng may không tìm được hạnh phúc gia đình, thì người đàn ông Việt nam cũng chỉ còn biết than thở: “con là nợ, vợ là oan gia”.
Khi vợ chồng phải đi đến chuyện hết duyên hết nợ, thường thì không phải là vì họ đã trả hết duyên nợ cho nhau mà vì một trong hai người đã lỡ ký giấy nợ với mấy ông bà thần casino, thần ve chai hay gần đây là thần “tình yêu” ở trong nước.
Xét cho cùng, với người Việt nam, đã sống là có “nợ nần”. Không nợ tiền nợ bạc, thì cũng nợ tình nợ nghĩa.
Ở Miền Nam, đặc biệt tại huyện Gò Dầu, Tây ninh, có một loại giây leo có củ mà người ta thường gọi là củ “nần”. Đây là một loại củ có chất độc có thể làm chết người, cho nên trước khi luộc, người ta phải ngâm muối và rửa đi rửa lại nhiều lần. Sau đó còn phải mang ra phơi nắng cho thật khô để dành ăn dần.  Củ nần có thể nấu chung với gạo tẻ hoặc nếp, chiên với mỡ hành hay trộn với thịt, lạp xưởng, rau nấm hay hải sản. Người ta cũng có thể chế biến củ nần thành một món chè ngọt nấu với nước dừa, đậu phụng. Nhưng trước khi trở thành một món ăn chơi, thì ngày xưa, gặp thời đói kém, người dân địa phương đã từng sống cầm hơi nhờ củ nần. Người Chăm và người Kinh đã từng được cứu đói nhờ củ nần. Có lẽ đây là lý do mà hễ nói đến nợ, cha ông chúng ta ngày xưa đều nói đến “nần”.
Cây cối mà con người còn mang nợ, huống chi là con người với nhau. Người viết tạp ghi nổi tiếng nhứt tại Hoa kỳ hiện nay là Huy Phương đã nói đến vô số nợ mà chúng ta đang mang: “Những người bỏ cuộc năm 1975 nợ những người ở lại. Những cấp lãnh đạo cũ còn nợ nhân dân, nợ đồng bào ruột thịt. Không thể tuyên bố dễ dàng rằng “tôi (một cấp lãnh đạo cũ) không có trách nhiệm gì đối với những thuyền nhân bỏ nước ra đi” trong khi trước kia đứng ra lãnh đạo đất nước ông đã nhận trách nhiệm trước quốc dân.
Người sống nợ người chết. Người ngoài tù nợ nguời trong lao lung. Người đi nợ người ở. Người đến trước nợ người đến sau. Phải chăng cần nói thêm người lành lặn nợ người khuyết tật, người giàu nợ người nghèo, người thanh nhàn nợ người vất vả. Chữ nợ bao hàm sự đùm bọc, lo nghĩ và trách nhiệm của kẻ sĩ, của con người có lòng nhân ái đối với đồng bào, đồng loại.
Chúng ta sinh ra đời là đã nợ ơn cha mẹ, tổ tiên. Kẻ hậu thế nợ tiền nhân, nhớ ơn và gìn giữ những gì tiền nhân đã xây dựng và ra công bồi đắp. Và sau đó là món nợ của những nguời cùng thời với nhau.” (Huy Phương, Nước Mỹ lạnh lùng, Nam Việt, Cali. Hoa kỳ 2006, trg 118-119)
Cuộc đời “có vay có trả”, cho nên bất cứ nghĩa cử nào cũng đều được đáp trả một cách nào đó. Peter Godwin là một ký giả nổi tiếng của báo “The London Sunday Times”. Ông có duyên nợ với một làng nhỏ tại Phi Châu. Mặc dù là công dân Anh quốc, Peter và gia đình ông đã sinh sống tại Rhodesia (nay là Zimbabwe) khi ông còn nhỏ. Tại đây, là một bác sĩ được một Giáo hội tin lành cử sang truyền đạo, mẹ ông đã khởi xướng một chương trình chủng ngừa cho người dân địa phương. Dưới sự giám sát của bà, hàng ngàn người đã được chủng ngừa chống lại bệnh lao, đậu mùa và các thứ bệnh phổ thông khác tại các nước nghèo. Cậu bé Peter thường đi theo mẹ để phụ giúp trong công việc chủng ngừa.
Thập niên 1970, cuộc nội chiến tại Rhodesia buộc gia đình Godwin  phải trở về Anh quốc và ông theo học nghề báo chí. Năm 1986, báo The London Sunday Times gởi ông trở lại Rhodesia để làm phóng sự về cuộc đụng độ giữa chính phủ theo Marxit và quân nổi dậy. Trong lúc theo dõi cuộc xung đột tại Rhodesia, Peter Godwin quyết định làm một chuyến sang Mozambique là nơi mà các ký giả ngoại quốc không được phép đặt chân đến. Trong lúc tìm đường sang nước này, ông bị một nhóm phiến quân bắt giữ và đưa về cứ địa của họ. Tại đây, ông được mang đến trình diện với viên chỉ huy của lực lượng nổi dậy. Tình cờ ông nghe viên chỉ huy nói chuyện với một thuộc cấp bằng thứ thổ ngữ mà ông đã từng học và nói lúc còn nhỏ. Viên chỉ huy ngạc nhiên vô cùng khi thấy một ký giả ngoại quốc nói thông thạo tiếng nói của mình. Peter Godwin liền kể lại thời thơ ấu của ông tại Rhodesia và nhắc đến tên mẹ ông. Vừa nghe tên nữ bác sĩ Godwin, nét mặt hung tợn của viên chỉ huy liền hoàn toàn thay đổi. Ông vén tay áo lên và chỉ cho ký giả Peter Godwin thấy vết sẹo do việc chủng ngừa để lại. Thì ra chính mẹ của Peter Godwin là người đã từng chích ngừa cho viên chỉ huy này khi ông còn là một đứa bé. Chính ông cũng đã nhận một viên thuốc có bọc đường từ chính tay của cậu bé Peter Godwin.
Vài phút trước đây, ký giả người Anh này bị đối xử như một kẻ thù. Giờ đây, ông đã trở thành một thượng khách của quân nổi dậy. Họ đã đưa ông trở lại nơi ông bị bắt giữ một cách an toàn và còn chụp hình chung với ông trước khi trở lại cứ địa. (William J.Bausch, The Word in and out of Season, Paulines Ed. 2001, trg 175-176)
Câu chuyện đền ơn trả nghĩa giữa gia đình của thủ tướng Winston Churchill và người phát minh ra thuốc Penicillin lại càng cảm động hơn.
Ngày nọ, một cậu bé con của một nông dân nghèo tại Scotland đang làm việc trên một cánh đồng. Nghe có tiếng kêu cầu cứu, cậu liền bỏ cuốc xẻng để chạy đến. Tại đây, cậu thấy một đứa bé khác cũng trạc tuổi mình đang chới với trong một vũng bùn. Cậu liền lao xuống để kéo cậu bé xa lạ ra khỏi vũng lầy.
Ngày hôm sau, gia đình người nông dân nghèo thấy có một chiếc xe hơi sang trọng dừng lại trước cửa nhà mình.
Từ trên xe bước xuống, người quý tộc trao cho bác nông dân một số tiền và nói: “Tôi xin được đền ơn cho ông, vì con trai ông đã cứu con tôi”. Nhưng người nông dân nghèo trả lời: “Thưa ngài, tôi không thể nhận sự đền đáp bởi việc con tôi đã làm”.
Lúc đó, cậu con trai của người nông dân cũng từ ngoài đồng trở về. Biết đây là người đã cứu sống con trai mình, nhà quý tộc liền đề nghị giúp đỡ cho cậu được học hành tử tế. Người nông dân nghèo không thể từ chối sự đền đáp ấy.
Nhờ sự giúp đỡ của người quý tộc, con trai của người nông dân nghèo đã không những tốt nghiệp trung học, mà còn ghi danh vào trường y khoa St Mary’s Hospital Medical School ở London và về sau được cả thế giới biết tên, vì đã khám phá ra thuốc Penicillin. Tên của ông là Sir Alexander Fleming.
Về sau, con trai của nhà quý tộc đã từng giúp đỡ Sir Alexander Fleming ăn học thành tài và thành danh, bị sưng phổi. Một lần nữa, ông đã được cứu sống và được cứu sống bằng thuốc Penicillin.
Tên của nhà quý tộc là Sir Randolph Churchill và tên người con trai của ông là Sir Winston Churchill, vị thủ tướng Anh nổi tiếng nhất trong thời đệ nhị thế chiến (nguồn Internet).
Cuộc sống con người được được “làm đẹp” và có ý nghĩa nhờ những nghĩa cử ơn nghĩa, những “nợ nần” như thế. Tuy nhiên, trong cuộc sống, nghĩa cử có khi không thiếu mà lòng biết ơn thì lại trở thành quý hiếm. “Vô ơn” là một tiếng rủa sả nặng nề nhất mà đôi khi chúng ta cũng đành phải thốt lên khi một nghĩa cử của mình không được nhìn nhận và đáp trả. Sách Tin Mừng có thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành 10 người mắc bệnh phung cùi và bảo họ đi trình diện với vị chức sắc tôn gíao thời đó. Nhưng sau đó, chỉ có một người duy nhất trở lại để cám ơn Ngài và người này lại không phải là người Do thái, tức không phải là người “có đạo”. Chúa Giêsu cũng đành phải ngao ngán thốt lên: “Há chẳng phải cả 10 người được chữa lành sao, mà chỉ có người “ngoại” này trở lại cám ơn”.
Đời là thế. Số người “vô ơn” chiếm đến 90 phần trăm! Người “làm ơn” không được “trả ơn” đã đành, mà rất thường còn bị “trả oán” là khác.
Vô ơn suy ra cho cùng chẳng khác nào một hình thức “quịt nợ”. Mà đã là một người quịt nợ thì không thể nào xứng đáng để được tiếp tục “mắc nợ”. Nợ tiền bạc tuy lắm khi khó trả nhưng vẫn dễ “thanh toán” hơn những món nợ khác. Chẳng hiểu sao càng ngày tôi càng nhìn thấy mình “nợ nần chồng chất”, nhìn đâu tôi cũng thấy nợ. Nếu không có những người “chủ nợ” tốt lành cho tôi “vay” từ thuở lọt lòng đến hôm nay  thành một “ông già” thì tôi không biết mình có được như ngày nay hay không.
Ngày xưa ông bà thường nói: người sống đống vàng. Nhưng với cái nhìn hôm nay của tôi, tôi phải sửa thành: người sống đống nợ: ông hoàng bà chúa nợ thần dân, người da trắng nợ người nô lệ da đen, thực dân nợ các nước thuộc địa và thổ dân, hậu bối nợ tiền bối, các nước phát triển nợ các nước nghèo...Cuối cùng, ai cũng là con nợ và ai cũng có cơ hội là chủ nợ. Và càng “nợ nần” nhau nhiều thì càng gia tăng quan hệ mật thiết giữa các cá nhân trong cộng đồng nhân loại. Đây là món nợ tốt duy nhứt mà tôi thấy là cần thiết cho cuộc sống.
Về điểm này, tôi thấy lời dạy của một trong những tác giả đầu tiên trong lịch sử Kitô giáo là thánh Phaolô thật chí lý. Vị thánh này khuyên các tín hữu: “Anh em chớ mắc nợ nhau điều gì ngoài món nợ tương thân tương ái.” (Rm 13, 8)
Những “chủ nợ” trực tiếp của tôi không còn mấy người: Cha mẹ không còn, người thân cũng khuất hoặc vì hoàn cảnh cũng chẳng còn dịp gần gũi. Nhưng với cái nhìn “toàn cầu” tôi tin rằng, tôi vẫn có thể trả nợ một cách gián tiếp qua những người không quen biết khác đang cần “vay nợ”. “Lọt sàng xuống nia” thôi chứ chẳng mất đi đâu mà sợ.










Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

Rohingya: một dân tộc không có đất sống


Đoàn Thi
22.5.15

Hiện tượng người tầm trú hiện đang là một trong những vấn đề lớn của thế giới. Tại Âu Châu, làn sóng những người từ Bắc Phi vượt biên đến Ý để từ đó tìm đường vào các nước khác đang tạo ra một cuộc khủng hoảng trầm trọng về nhân đạo và chính trị. Tại Á Châu, vấn đề lại càng rắc rối hơn khi một số nước từ chối không tiếp nhận hoặc ngay cả không những không  cứu vớt những người tầm trú, mà còn đẩy lui họ ra giữa biển khơi. Trong số những người tầm trú từ Á Châu, đáng thương nhất là số phận của những người Rohingya, một dân tộc không có đất sống ở bất cứ một nơi nào.
Hiện có tới hàng ngàn người Rohingya đang lênh đênh trên đại dương, vì các nước Đông Nam Á không muốn đón nhận họ. Hiện nay người ta vẫn chưa biết được chính xác mức độ của cuộc khủng hoảng. Không có bất cứ một tổ chức nào, từ Cao Ủy Liên Hiệp Quốc và Tổ Chức Di Dân Thế Giới (IOM: International Organization for Migration) cho đến các nhóm tranh đấu cho quyền của người Rohingya, biết được có bao nhiêu tàu chở người tầm trú thuộc sắc tộc này đang nhắm đến các nước Đông Nam Á. Nhiều người ước tính con số người tầm trú Rohingya đang mắc kẹt trên những chiếc tàu này có thể lên đến nhiều ngàn người.
Mặc dù ông Ban Ki-moon, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đã lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo Á Châu hãy tuân thủ “Công pháp Quốc tế” và “nghĩa vụ phải cứu vớt người trên biển cả”, các nước Mã Lai, Thái Lan và Nam Dương vẫn không chịu tiếp nhận các thuyển nhân.
Theo Đài Truyền Hình CNN, các tàu chở người tầm trú đang tìm cách lẩn tránh các tàu tuần tra của các nước Đông Nam Á và người tỵ nạn đang bị những kẻ “buôn người” giam giữ trên tàu như tù nhân. Theo một số nguồn tin chính thức, những kẻ buôn người, phần lớn là người Thái, nói với những người tầm trú rằng họ chỉ được đón nhận tại Mã Lai.
Được biết Thái Lan sẽ đứng ra tổ chức một Hội nghị cấp vùng vào ngày 29 tháng 5 tới đây. Hội nghị sẽ qui tụ các ngoại trưởng của các nước Nam Dương, Mã Lai và Thái Lan. Vấn đề được đưa ra thảo luận, dĩ nhiên sẽ là tìm cách đối phó với làn sóng người tầm trú, cách riêng người Rohingya, tìm đến nước họ.
Phần lớn người Rohingya sống tại Miến Điện, cách riêng tại tiểu bang Rakhine, miền Tây nước này. Rohingya là một sắc tộc thuộc nhóm Indo-Aryan. Theo người Rohingya và phần lớn các học giả, người Rohingya là “thổ dân” của tiểu bang Rakhine, nghĩa là từ xa xưa họ đã có mặt tại vùng đất này. Nhưng một số sử gia thì lại cho rằng người Rohingya là một sắc dân xuất phát từ vùng Bengali, bên Ấn Độ. Trong thời kỳ người Anh chiếm đóng Ấn Độ và nhất là sau khi Miến Điện dành được độc lập vào năm 1948 và sau cuộc chiến tranh giải phóng Bangladesh năm 1971, họ mới bắt đầu di dân sang Miến Điện.
Người Rohingya theo Hồi Giáo. Tính cho đến năm 2013, có khoảng 735 ngàn người Rohingya sống tại Miến Điện. Phần lớn họ sống tập trung tại một số thành phố nhỏ ở miền Bắc tiểu bang Rakhine. Theo các tổ chức tranh đấu và bảo vệ cho nhân quyền, người Rohingya là một trong những dân tộc thiểu số bị bách hại nhất trên thế giới.
Những cuộc đụng độ giữa cộng đồng phật tử trong tiểu bang và người Rohingya theo Hồi giáo hồi năm 2012 đã khiến cho hàng trăm người bị thiêt mạng và trên 140 ngàn người lâm cảnh không nhà không cửa. Từ lâu nay, dân tộc thiểu số Rohingya vốn bị đàn áp dã man tại Miến Điện, một quốc gia có đa số dân theo Phật Giáo.
Liên Hiệp Quốc ước tính, kể từ khi các cuộc bạo động vì sắc tộc và tôn giáo bùng nổ tại Miến Điện, đã có trên 100 ngàn người Rohingya tìm đường vượt biên. Chính phủ Miến Điện đã cưỡng bách dân tộc này phải tập trung tại tiểu bang Rakhine. Họ không được phép rời khỏi tiểu bang và phải sống trong những khu biệt lập. Ngoài ra, Chính phủ Miến Điện cũng không nhìn nhận họ như một nhóm sắc tộc có văn hóa và ngôn ngữ riêng của mình. Năm 1982, chính phủ quân phiệt của tướng Ne Win đã ban hành điều được gọi là “luật công dân”. Với luật này, người Rohingya không được nhìn nhận là công dân của Miến Điện. Kể từ đó, họ bị bách hại một cách có hệ thống và dã man. Nhiều người đã phải trốn chạy và sống trong những cộng đồng đóng kín hoặc các trại tỵ nạn dọc theo biên giới Bangladesh và Thái Lan. Hơn 100 ngàn người Rohingya tại Miến Điện vẫn tiếp tục sống trong các trại dành cho những người phải rời bỏ nơi cư trú thường xuyên của mình. Số phận của họ chỉ được cộng đồng thế giới quan tâm đến kể từ sau các cuộc bạo động tại Tiểu bang Rakhine hồi năm 2012.
Những người có đủ phương tiện đều tìm đường vượt biên dù biết rằng đây là một con đường vượt thoát đầy nguy hiểm. Họ thường bị những kẻ buôn người nhét vào những chiếc thuyền nhỏ để từ đó chuyển ra những chiếc tàu chở hàng. Phần lớn những chiếc tàu này trực chỉ Mã Lai.
Chính phủ Miến Điện cho biết họ sẽ không tham dự Hội nghị cấp vùng được tổ chức tại Thái Lan vào ngày 29 tháng 5 sắp tới. Ông Zaw Htay, Chính văn phòng của tổng thống Miến Thein Sein, đã nói với Đài Truyền Hình CNN rằng nước ông sẽ không tham dự vào các cuộc thảo luận nếu tên của sắc tộc “Rohingya” được nhắc tới. Theo ông, nếu chính phủ nhìn nhận tên “Rohingya” thì họ sẽ nghĩ rằng họ là công dân của Miến Điện. Ông Htay khẳng định rằng Miến Điện không chịu trách nhiệm về việc người Rohingya đang lênh đênh trên biển.
Không được nhìn nhận như một sắc tộc và có quyền công dân tại Miến Điện, nhiều người Rohingya đã trốn sang một trong những nước láng giềng của Miến Điện là Bangladesh. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, hiện có khoảng 300 ngàn người Rohingya đang sống tại Bangladesh. Nhiều người phải sống trong các trại hoặc do Liên Hiệp Quốc thiết lập hoặc những trại bất hợp pháp tại biên giới giữa Bangladesh và Miến Điện. Được cho phép cư trú, nhưng họ phải sống trong những điều kiện tồi tệ và không được phép làm việc.
Số phận của những người Rohingya hiện đang bị bỏ rơi trên biển cả lại càng bi thảm hơn vì họ đã phải ra đi cùng với những người Bangladesh, vốn phải tìm đường vượt biên vì tình trạng kinh tế tồi tệ trong nước. Mặc dù nhiều người, nhất là Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, xem người Rohingya như những người tỵ nạn chính trị trốn chạy cuộc bách hại ở Miến Điện, các nước Đông Nam Á vẫn không chịu đón nhận họ vì có sự trà trộn của những người mà họ cho là ra đi vì lý do kinh tế.
Ông Matthew Smith, thuộc tổ chức có tên “Fortify Rights” (củng cố nhân quyền), một tổ chức bênh vực nhân quyền có trụ sở tại Đông Nam Á, giải thích rằng các chính phủ trong vùng đẩy tàu chở người tầm trú ra khơi để gọi là chận đứng tệ nạn buôn người, trong khi đó nghĩa vụ hàng đầu của các nước là phải bằng mọi giá cứu vớt và bảo vệ nạn nhân của tệ nạn buôn người và người tầm trú.
Trong khi các chính phủ Đông Nam Á tỏ ra nhẫn tâm với người tầm trú Rohingya thì dân chúng lại cư xử với họ một cách nhân đạo và tử tế hơn. Chẳng hạn như tại Thái Lan. Theo tường thuật của Đài CNN, trên biển Andaman thuộc Vịnh Bengal, phía Nam Miến Điện và phía Tây Thái Lan, một ngư phủ Thái Lan cho biết ông đã nhìn thấy một chiếc thuyền đầy người tầm trú với hàng trăm trẻ em. Nhưng ngư phủ Thái này rất làm buồn vì không còn nhìn thấy chiếc thuyền nữa.
Hồi tuần trước, cư dân của đảo Koh Lipe, miền Nam Thái Lan, đã quyên góp thức ăn, nước uống và quần áo cho người tầm trú đang bị giam trên những chiếc thuyền. Nhưng quân đội đã ra lệnh cho họ phải ngưng tiếp tế cho người tầm trú cũng như tiếp xúc với các ký giả.
Tổ chức “Fortify Rights” cho Đài Truyền Hình CNN biết rằng các tàu tuần tra của Thái Lan vẫn tiếp tục tìm kiếm và truy đuổi các tàu chở người tầm trú ra khỏi hải phận của mình. Do đó, các ký giả và các nhóm bênh vực nhân quyền không thể hiểu được tình trạng của người tầm trú.
Tại Nam Dương, chính phủ cũng tỏ ra rất cứng rắn trong các biện pháp chận đứng người tầm trú tìm vào nước mình. Một phát ngôn viên quân sự của Nam Dương cho biết họ có tới 4 chiếc chàu tuần tra đang hoạt động trong vùng biển Aceh với mục đích không để cho bất cứ một di dân bất hợp pháp nào xâm nhập vào vùng biển của họ.
Tuy nhiên, theo một phúc trình của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, tuần vừa qua, những người đánh cá Nam Dương đã cứu vớt được trên 1300 người tầm trú gồm có người Rohingya và người Bangladesh, sau khi tàu chở họ cập bến vào đất liền và họ đã phải bơi vào bờ tại Aceh và các tỉnh ở phía Bắc Đảo Sumatra. Chính phủ Nam Dương, tuy không ra lệnh cho các ngư phủ phải ngưng việc cứu vớt các thuyền nhân vì lý do nhân đạo, nhưng yêu cầu họ hãy tập trung vào việc đánh cá, chứ đừng cố gắng đi tìm kiếm những chiếc tàu chở người tầm trú.
Cũng như Thái Lan và Nam Dương, Chính phủ Mã Lai cũng có những biện pháp rất cứng rắn đối với người tầm trú. Mặc dù Liên Hiệp Quốc có kêu gọi đến đâu, Chính phủ Mã Lai vẫn cương quyết đẩy lui các chiếc tàu chở người tầm trú ra khơi. Thứ trưởng Nội An Mã Lai, ông Wan Junaidi Jaafar nói với Đài CNN rằng nếu Mã Lai  mở cửa đón nhận người tầm trú thì hàng trăm ngàn người Miến Điện và Bangladesh sẽ đổ xô vào nước họ.
Tại Đông Nam Á, chỉ có Phi Luật Tân là quốc gia luôn tỏ ra nhân đạo đối với người tầm trú. Người Việt tỵ nạn tại nước này đã từng cảm nhận được lòng từ tâm của người dân Phi cũng như chính sách khoan hồng của chính phủ nước này.
Mới đây báo chí địa phương tung tin rằng Chính phủ Phi Luật Tân sẽ đẩy lui ra biển bất cứ thuyền nhân nào tìm cách đặt chân lên đất Phi. Nhưng ông Herminio Coloma Jr, một phát ngôn viên của Phòng Thông Tin của tổng thống Phi, đã tức khắc có phản ứng trước nguồn tin này. Trong một tuyên ngôn được đưa ra hôm 18 tháng 5 vừa qua, ông Coloma khẳng định rằng chính phủ Phi vẫn luôn luôn trợ giúp nhân đạo cho các thuyền nhân. Trong quá khứ chính phủ nước này đã từng đối xử như thế với người Việt tỵ nạn khi cho thành lập trại tỵ nạn trong thập niên 1970.
Trích dẫn Công ước quốc tế về qui chế tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc năm 1951 mà Phi Luật Tân đã từng ký tên vào, ông Coloma nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia cứu mạng người theo những cơ chế đã có từ lâu và vẫn còn giá trị mà chúng tôi đã dựa vào Công Ước để cam kết thi hành”.
Đây quả là một tin vui cho người Rohingya, một dân tộc không tìm được đất sống ở bất cứ nơi nào.
Tin giờ chót: Mã Lai và Nam Dương bắt đầu cho tàu ra khơi cứu vớt người tầm trú. Lương tâm thời đại vẫn còn.



Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Kim Cương và Máu


Chu Thập
23.8.11



Mấy ngày vừa qua, tôi cứ bị ám ảnh bởi hình ảnh của em bé gái 4 tuổi gốc Sudan, bị con chó “Pitbull” của một người hàng xóm ở khu ngoại ô St Albans, Melbourne cắn chết. Tin này chỉ được các đài truyền hình chiếu lên như một tin phụ và được báo chí đăng ở trang trong. Nhưng với tôi đây là một tin khủng khiếp, lẽ ra phải là tin hàng đầu có sức lay động cả nước Úc đại lợi.
Tự nhiên, tôi thấy phẫn nộ. Trước tiên là phẫn nộ với chó. Tôi không bao giờ chấp nhận chủ trương hành hạ súc vật một cách vô lý, nhưng tôi cũng chưa bao giờ thương chó và xem chó như một thứ thú cưng đến độ nâng niu âu yếm. Ở nhà quê tôi, chó được nuôi để giữ nhà, làm công tác vệ sinh cho trẻ con và nếu cần thì cũng phải góp phần vào việc cải thiện các bữa ăn vốn thiếu chất đạm của người nhà quê nghèo. Trong cái nhìn rất thực dụng của người dân quê của tôi, chó chỉ có thể là bạn với củ sả, củ riềng mà thôi.
Lúc nhỏ, tôi ghét chó vì không những bị chó nhà giàu rượt đuổi mà còn bị cắn trộm nữa. Thời “chó chết” sau 75, tôi cũng như mọi người Việt nam lại càng ghét “lây” chó hơn vì tên của nó gắn liền với cái đám “chó vàng” chỗ nào cũng có mặt. Ghét nhứt là lúc vượt biên: chó thiệt càng sủa inh ỏi thì “chó vàng” càng dễ tóm cổ dân vượt biên.
Tưởng thoát khỏi Việt nam là quên được những hình ảnh không mấy tốt về chó. Nào ngờ đến Pháp, thấy ông tây bà đầm dắt chó đi đầy đường phố giữa thủ đô Ánh sáng, phóng uế khắp nơi, có ghét không?  Gai mắt nhứt là thấy mấy cô cậu chó cứ nằm chễm chệ trên bộ sa lông như thượng khách. Nhưng chướng nhứt là thấy chúng nó lại bắt chước cái thói “chỗ nào cũng hôn hít” của người Pháp, để liếm mặt liếm môi người trong nhà. Đúng là “chơi với chó, chó liếm mặt”. Riêng tôi, cảm thấy bị xúc phạm nhứt là trong các phi trường: cái thứ chó “nghiệp vụ” cứ đến “hửi hửi” vào người mình như thể người mình hôi hám lắm. Ngay cả cái thứ chó không làm nghiệp vụ cũng vậy: nơi các lối đi bộ trong các công viên hay dọc theo bờ hồ chỗ tôi ở, cứ mỗi lần đi ngang qua tôi, thì cái bọn chó mà những người thừa tiền thừa bạc nuôi trong nhà dắt đi dạo, thế nào cũng xáp lại đưa mũi lướt qua một vòng xung quanh tôi. Có con còn muốn ăn tươi nuốt sống mình là khác! Ngứa con mắt nhứt là khi thấy mấy ông bà chủ lắm khi già yếu đi không vững mà phải cúi mình cầm bao hốt cái thứ thối tha hôi hám nhứt mà mấy cô cậu chó thải ra.
Tôi cũng có một lý do khác để ghét chó: tôi lỡ nuôi mấy con gà trống, sáng sáng gáy vài tiếng để đánh thức người ta dậy đi làm, vậy mà bị mấy người hàng xóm trưng luật của Hội đồng thành phố ra mà nói xa nói gần. Trong khi đó, trong xóm có đến cả năm bảy con chó, nhứt là cái giống “berger” to mồm, sủa inh ỏi cả đêm thì chẳng thấy ai nói gì cả. Thấy có bất công không?
Thực ra, tôi thấy mình đúng là giận cá băm thớt. Chó là thú vật thì có tội tình gì đâu. Hơn nữa, cầm tinh con chó, lẽ ra tôi phải “thương” chó mới đúng. Trăm tội cũng đều do con người mà ra cả. Người ta cưng chó và quí chó đến độ xem thường con người. Nhứt là cái gọi là “Phong trào bảo vệ súc vật”. Trong khi mỗi buổi tối vẫn còn đến cả trên 9 trăm triệu người trên thế giới đi ngủ với cái bụng trống rỗng thì ở những nước thừa mứa của cải vật chất, người ta tốn không biết bao nhiêu tiền bạc cho các con thú cưng, người ta dám xả thân hy sinh để bảo vệ vài con thú quý hiếm. Lố bịch nhứt vẫn là cái cảnh có người khỏa thân để tranh đấu cho quyền của thú vật, trong khi đó chẳng thấy ai dám có một hành động như thế để bảo vệ không biết bao nhiêu thai nhi còn trong lòng mẹ bị luật pháp cho phép sát hại.
Xã hội càng tân tiến xem ra con người càng giả nhân giả nghĩa.
Hình ảnh của em bé gái người Sudan bị con chó “Pitbull” cắn chết ngay trong nhà của mình, không thể không gợi lên cho tôi bao nhiêu cảnh bất công, khốn khổ, đọa đày của người da đen ở Phi Châu cũng như tại nhiều nước khác trên thế giới.
Ngày nay, có lẽ nhờ hình ảnh hào hùng của những nhà tranh đấu cho nhân quyền như cố mục sư Martin Luther King, như cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela hay sự duyên dáng và tài diễn xuất của một số tài tử da đen như Whoopi Golberg, như Denzel Washington, như Eddie Murphy, như Wesley Sniper hay tài trí của những người như nữ hoàng hội thoại truyền hình Oprah Winfrey, cựu ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice và nhứt là tổng thống Barack Obama...tôi đã gột rửa được cái thành kiến xem thường người da đen trong tôi. Tôi không biết nên trách mẹ tôi hay chính cái đạo công giáo của tôi, bởi vì chính vì cái hình ảnh của một thằng quỷ đen thui lui có đuôi dài mà mẹ tôi treo trong nhà để nhắc nhở con cái về sự hiện hữu của ma quỉ và hỏa ngục, mà trong ánh mắt trẻ thơ của tôi, “da đen” là một cái gì dơ bẩn xấu xa. Hỏa ngục là nơi giam cầm ma quỉ, mà ma quỉ thì “nhứt định” phải đen đủi như cột nhà cháy mà thôi. Quen đồng hóa da đen với ma quỉ, cho nên thời  còn  để chỏm, hễ thấy mấy anh lính lê dương (légionnaire) đánh thuê người da đen trong quân đội viễn chinh Pháp là tôi chạy có cờ, cứ như họ là hiện thân của ma quỉ. Ngay cả thời quân đội Hoa kỳ tham chiến tại Miền Nam Việt Nam, mấy anh Mỹ đen, dù có đô la rủng rỉnh đi nữa, cũng vẫn  bị tôi “nhìn xuống” (look down). Cho tới thời đó, với tôi, đàn bà Việt nam lấy Tây thì chẳng ra gì, mà lấy Mỹ đen thì lại càng bị khinh rẻ hơn.
Nghĩ lại cái thời “ngu muội” ấy, tôi thấy cái nhìn của mình về người da đen quả là bất công. Phải nói rằng ít hay nhiều tôi đã bị đầu độc bởi cái đám người mà tổ tiên chúng ta gọi một cách chí lý là “bạch quỷ”. Hễ gót giày của các đám “bạch quỷ” ấy dẫm đến đâu là có đau thương tang tóc đến đó. Chuyện bắt người khác làm nô lệ và xem con người như một hàng hóa để đổi chác, buôn bán chỉ xảy ra trong cái nền văn minh “bạch quỷ” ấy. Nói gì cho xa. Cứ nhìn lại những gì đã diễn ra trên đất Úc đại lợi này cách đây hai trăm năm cũng đủ thấy sự tàn bạo vô nhân tính của họ: bao nhiêu người thổ dân bị săn bắn, tàn sát chẳng khác nào thú rừng. Nhưng vô nhân đạo và khủng khiếp nhứt vẫn là thảm cảnh của những người nô lệ da đen từ Phi Châu bị người da trắng săn lùng, mua bán và đày đọa sang Tân thế giới (nước Mỹ ngày nay). Giờ đây, chế độ nô lệ đã bị bãi bỏ, nhưng ngoài đầu óc kỳ thị, cái tâm thức nô lệ hóa vẫn còn tồn tại nơi một số người da trắng. Một số người da trắng vẫn tiếp tục sống trên mồ hôi, nước mắt và ngay cả xương máu của những người da đen. Tôi đặc biệt nghĩ đến những thứ nữ trang, đá quý mà nhiều người ở các nước giàu có đang mang trong người. Họ có biết rằng những thứ trang sức ấy là kết tinh từ nước mắt và máu của bao nhiêu người nghèo khổ ở những nước nghèo như Phi Châu không?
Cách đây không lâu, trong loạt phim tài liệu có tựa đề “Tropic of Capricorn” (Nam Chí Tuyến) được chiếu trên đài truyền hình SBS, phóng viên của đài BBC đã đưa khán giả đi thăm một số quốc gia nghèo của Phi Châu. Khi đi ngang qua Mozambique, một người hướng dẫn viên địa phương đã hãnh diện giới thiệu một trung tâm nghỉ mát sang trọng nằm trên một hòn đảo. Ông cho biết khi đóng cuốn phim “Blood Diamond” (viên kim cương màu máu), diễn viên chính là Leonardo di Caprio đã từng đến nghỉ mát tại hòn đảo này.
Cuốn phim được đặt trong bối cảnh của cuộc nội chiến tại Sierra Leone vào cuối thập niên 1990. Solomon Vandy, một ngư dân nghèo đang nuôi mộng một ngày kia đứa con trai của mình tên là Dia Vandy sẽ ăn học thành tài và trở thành một bác sĩ. Nhưng giấc mơ của ông tan vỡ khi các phiến quân tràn vào làng, bắt cậu con trai mang đi và cưỡng bách phải làm việc trong một mỏ kim cương. Solomon tình cờ tìm thấy một viên kim cương màu hồng. Ông tìm cách chôn dấu viên kim cương. Nhưng hành động của ông đã không qua mắt được viên chỉ huy của phiến quân. Nhưng ngay lúc đó, các phiến quân lại bị tấn công và Solomon bị quân đội chính phủ bắt giữ cùng với viên chỉ huy. Vào tù, viên chỉ huy này đã tiết lộ cho các tù nhân biết rằng Solomon là người đã cất dấu viên kim cương.
Theo dõi câu chuyện, một tù nhân da trắng tên là Danny Archer (do Leonardo di Caprio thủ diễn) nhận ra đây là cơ hội ngàn vàng của ông. Archer là một tay săn đá quý người Zimbabwe. Ông bị giam tù vì bị bắt quả tang đang chuyển lậu kim cương từ Sierra Leone sang Liberia và từ đó bán cho một công ty kim cương lớn tại Nam Phi. Nhờ có tiền, Archer đã mua chuộc được các quản giáo để thả ông và Solomon ra khỏi tù. Trên đường đi tìm viên kim cương mà Solomon đã cất giấu, Archer đã gặp một một nữ ký giả người Mỹ tên là Maddy Bowen. Cô này muốn giúp Solomon tìm lại đứa con của mình. Nhưng cô chỉ đồng ý giúp Archer và Solomon tìm lại nơi cất dấu viên kim cương với điều kiện là Archer phải giúp cô điều tra về thị trường buôn bán kim cương. Mục đích của nữ ký giả này là phơi bày trước thế giới cuộc chiến phi lý làm đổ máu không biết bao nhiêu người nghèo vô tội ở Phi Châu, chận đứng cuộc viện trợ khí giới từ bên ngoài và chấm dứt các cuộc cách mạng bạo động.
Cuốn phim cho thấy cảnh người da đen phải làm việc trong những điều kiện tồi tệ và là nạn nhân của những cuộc bạo động xoay quanh tham vọng tranh giành các mỏ kim cương của nhiều phe phái. Cuốn phim đã kết thúc bằng cái chết bi thảm của Archer. Nhưng đây cũng là cảnh cảm động nhứt trong cuốn phim, bởi vì trong giây phút cuối đời, Archer đã nhận ra cuộc chiến tranh phi lý mà ông đã tham gia vào. Về phần mình, Solomon đã tìm lại được viên kim cương, trao nó cho một công ty kim cương ở Nam Phi để đổi lấy sự đoàn tụ với vợ con và được đưa sang Anh quốc. Riêng nữ ký giả Bowen, với đầy đủ hình ảnh và chứng cớ, đã trình bày trước công luận thế giới về cuộc chiến kim cương.
“Blood Diamond” không  những ám chỉ  loại kim cương quý màu hồng, mà còn gợi lên máu của không biết bao nhiêu người da đen được xử dụng trong kỹ nghệ khai thác kim cương. Nhìn những hạt kim cương lóng lánh trên ngón tay, trên cổ, trên vương miện của những người quyền thế và giàu có tại các nước Tây phương, tôi không thể không nghĩ đến máu của không biết bao người dân Phi Châu hay dân nghèo trên khắp thế giới. Xem xong cuốn phim, tôi không thấy kim cương mà chỉ thấy máu. Trong mắt tôi, có lẽ hạt kim cương nào cũng đều vấy máu cả.
Xét cho cùng, có biết bao nhiêu di tích lịch sử trên khắp thế giới mà khách du lịch trầm trồ khen ngợi, đã được xây dựng bằng chính mồ hôi, nước mắt và máu của những người nghèo khổ. Tôi chưa có dịp tham quan bất cứ một kim tự tháp nào của các vua chúa Ai cập thời cổ. Nhưng tôi tin chắc rằng đó không chỉ là công trình kiến trúc của những bậc tài trí, mà còn là vết tích của bao nhiêu xương máu của những người bị bắt làm nô lệ. Ngay cả khi chiêm ngắm một thánh đường cổ nguy nga tráng lệ, tôi cũng thường có ý nghĩ ấy. Biết bao nhiêu người nghèo đã góp công sức, mồ hôi, nước mắt và máu vào công trình này.
Tôi cũng liên tưởng đến những thứ hàng hóa sang trọng được chế tạo tại các nước nghèo và được mang sang các xã hội giàu có. Những đôi giày Nike đắt tiền mà người giàu mang chẳng hạn, đã được may bằng chính những bàn tay khô cằn, đói ăn của những công nhân được trả bằng một đồng lương chết đói tại các nước nghèo. Có ai biết cho rằng những chiếc nịt hay ví tay đắt tiền làm bằng da rắn là giá máu của không biết bao nhiêu người thợ lặn nghèo tại những nươc kém phát triển.
Hình ảnh của em bé gái người Sudan bị chó Pitbull cắn chết ngay trong nhà mình khiến tôi nhớ đến những nghèo ấy và nhứt là cái đám đông 12 triệu người miền Đông Phi châu đang chết đói vì hạn hán. Trước hình ảnh ấy, tôi không thể không cảm thấy bị lương tâm dày vò cắn rứt mỗi khi tôi “tiêu xài” một cách vô ý thức và nhắm mắt làm ngơ trước nỗi khổ đau của người đồng loại.
Còn cái “nhu cầu” trang sức bằng những thứ xa xỉ từ công sức bất công, tôi cũng xin miễn hẹn cả kiếp sau.


Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

Thấy vậy mà không phải vậy!



 Chu Thập
15.5.15

Tôi thường đo lường tuổi già của mình bằng nhiều cách. Tóc không cánh mà cứ từ từ bay đi đâu hết. Đó là dấu hiệu rõ ràng nhứt của tuổi già. Gặp một người rất thân quen, nhưng cố moi mãi trong ký ức mà vẫn không nhớ được tên của người đó. Một khi bộ nhớ đã có vấn đề thì rõ ràng là mình đã già rồi chớ còn gì nữa. Nói gì đến thể lực. Cách đây vài năm, tôi còn ưn ngực, vươn vai cố gắng sải bước như thanh niên khi chạy bộ mỗi buổi sáng. Bây giờ thì lực bất tòng tâm. Cứ chạy vài bước thì phải dừng lại để lấy sức và hòa nhập vào phái đoàn “lực sĩ già” để vừa đi vừa nói chuyện trên trời dưới đất. Chỉ có điều khiến tôi phải ngạc nhiên một cách thú vị: tôi thấy dường như khả năng thông cảm của mình có phần gia tăng. Tôi không biết có phải hễ già thì người ta dễ cảm thông và tha thứ không. Với riêng tôi thì dường như càng thêm tuổi tôi càng thấy cái nhìn của mình về cuộc đời và nhứt là về người khác bao dung hơn, thông thoáng hơn; tôi bớt câu nệ và chấp nê hơn. Thời tuổi trẻ, cứ mở miệng ra là tôi “khẳng định”. Những “chân lý” tôi tiếp nhận được từ sách vở, từ các tín điều của tôn giáo, từ luân lý Khổng Mạnh, từ truyền thống dân tộc...chỉ có hai mầu trắng đen mà thôi. Trong suy nghĩ đơn giản khi tôi còn trẻ, sự thật phải trắng ra trắng, đen ra đen; ai không theo tôi là chống lại tôi. Nói chung, thời tuổi trẻ, tôi thấy mình dễ có thái độ cực đoan và sẵn sàng ăn thua đủ với bất cứ ai không đồng lập trường với mình. Nhìn lại cái thời bồng bột, dại khờ và nông ni của mình, tôi hiểu được tại sao hầu hết những thành phần gia nhập vào tổ chức khủng bố “Quốc gia Hồi giáo”(IS) đều là giới trẻ.
Sở dĩ một người già như tôi dễ có thái độ cảm thông và cái nhìn thông thoáng hơn là vì khi ngoái cổ nhìn lại quá khứ, nhứt là thời tuổi trẻ, tôi thấy mình đã sống hời hợt, nông nổi, cố chấp trong những thành kiến của mình. Tôi quên mất bài học nền tảng nhứt trong triết học được triết gia kiêm nhà toán học người Anh Bertrand Russell (1872-1970) dẫn giải trong chương đầu tiên của cuốn sách nổi tiếng của ông “The Problems of Philosophy” (Những vấn đề triết học). Đây là một tác phẩm cổ điển, xuất bản lần đầu tiên năm 1912, nhưng theo tôi vẫn còn giá trị. Giá trị không phải vì đã “khẳng định” được một số chân lý nền tảng, cho bằng gợi lên một số vấn đề nền tảng khiến phải “động não” để suy nghĩ. Tôi nghĩ rằng trước năm 1975, bất cứ sinh viên triết học nào cũng đã xem đây như “kinh nhựt tụng” của họ. Trong chương đầu tiên có tựa đề “ngoại diện và thực tế” (appearance and reality), triết gia Russell mời gọi các sinh viên hãy khảo sát một vật rất đơn giản trước mắt là cái bàn. Theo ông, nếu cùng một lúc, nhiều người cùng nhìn vào cái bàn thì sẽ chẳng có hai người cùng nhìn thấy những mầu sắc như nhau. Bởi lẽ không ai đứng nhìn cái bàn từ một góc cạnh như nhau và bất cứ sự thay đổi góc nhìn nào cũng đều kéo theo sự thay đổi trong cách phản chiếu của ánh sáng. Với con mắt thường thì những khác biệt ấy không quan trọng, nhưng với một nhà họa sĩ chẳng hạn thì đó là điều tối quan trọng. Nhà họa sĩ “thấy” được điều mà con mắt thường không thấy. Thật ra, không chỉ riêng với ánh mắt của người họa sĩ, mà do cách cấu tạo và chỗ đứng của mỗi người, cùng một sự vật vẫn có thể được nhìn thấy với nhiều mầu sắc khác nhau.
Áp dụng bài học này vào cách tiếp nhận mầu sắc của sự vật, tôi hiểu được tại sao dạo tháng Hai vừa qua, dân cư mạng đã xôn xao bàn tán về sự thay đổi mầu sắc kỳ lạ của một chiếc áo cưới của một cô dâu bên Tô Cách Lan. Theo câu chuyện, một tuần trước hôn lễ,  mẹ của cô dâu gởi cho cô hình của chiếc áo  mà cô định mặc trong đám cưới. Tấm hình đã đưa cô dâu và chú rể vào một trận chiến tranh về mầu sắc: người thì bảo nó có mầu xanh và đen, kẻ lại bảo nó có mầu trắng và vàng. Không tin vào mắt mình, họ đã đưa tấm hình lên mạng để nhờ bạn bè phân giải. Cuộc chiến về mầu sắc lại tiếp diễn qua bạn bè của họ: một bên chỉ thấy mầu xanh và đen, một bên lại khẳng định rằng nó chỉ có mầu trắng và vàng. Có người còn bảo đã thấy ngay cả mầu xanh lá cây và mầu cam. Cuộc chiến về mầu sắc đã không mấy chốc lan truyền đi khắp thế giới. Cuối cùng, các chuyên gia đã phải can thiệp để giải thích rằng tất cả những cái nhìn khác biệt về cùng một chiếc áo cưới ấy đều do cấu tạo của con mắt của mỗi người, về thời khắc trong ngày cũng như về điều kiện ánh sáng trong đó mỗi người nhìn vào nó.
Câu chuyện trên đây đưa tôi trở lại với bài học triết học nền tảng của triết gia Russell. Cách đây cả trăm năm, triết gia kiêm nhà toán học nổi tiếng này  đã “mở lòng” các sinh viên của ông khi mời gọi họ khảo sát mầu sắc của cái bàn để thấy rằng tùy theo góc độ và điều kiện ánh sáng, người ta có thể nhận ra nhiều mầu sắc khác nhau của cùng một cái bàn. Điều này có nghĩa là đng sau bề mặt của sự vật, còn có những điều ẩn khuất mà sự nhận thức hời hợt của chúng ta không nắm bắt được.
Vũ trụ, vật chất và nhứt là cuộc sống con người có quá nhiều bí ẩn. Do đó, theo triết gia Russell, nếu không giải đáp được mọi vấn đề của cuộc sống thì ít ra triết học cũng tạo ra được sự thích thú khi gợi lên nhiều câu hỏi để suy tư và nhứt là cho thấy sự kỳ lạ nằm dưới bề mặt của những điều thông thường nhứt trong cuộc sống. Nói một cách nôm na, “thấy vậy mà không phải vậy”, đó là bài học nền tảng nhứt của triết học mà tôi đã học được ở tuổi thanh niên, nhưng lại ít khi muốn áp dụng vào cuộc sống thực tế.
Tôi nghĩ có lẽ đây cũng là bài học mà nhà thơ Bùi Giáng (1926-1998) muốn nhắn gởi qua bài thơ có tựa đề “Đừng tưởng” của ông. Lời thơ đơn sơ, nhưng chuyên chở những ý thâm sâu:
“Đừng tưởng cứ núi là cao
Cứ sông là chảy, cứ ao là tù
Đừng tưởng cứ dưới là ngu
Cứ Trên là Sáng cứ Tu là Hiền
Đừng tưởng cứ đẹp là tiên
Cứ nhiều là được cứ tiền là xong
Đừng tưởng không nói là câm
Không nghe là điếc không trông là mù
Đừng tưởng cứ Trọc là Sư
Cứ Vâng là Chịu cứ ừ là Ngoan
Đừng tưởng có của đã sang
Cứ im lặng tưởng là Vàng nguyên cây
...
Đừng tưởng cứ thấp là khinh
Cứ chùa là tĩnh cứ đình là to
Cứ già là hết hồ đồ
Cứ trẻ là chẳng âu lo buồn phiền
Đừng tưởng cứ quyết là nên
Cứ mạnh là thắng cứ mềm là thua
Dưa vàng đừng tưởng đã chua
Sấm rền đừng tưởng sắp mưa ngập trời....”
Một người đã viết được những câu thơ như trên chắc chắn chỉ “giả điên” chứ không thể nào là một người điên thật. Có chăng “điên” chỉ là ngoại diện của một thi sĩ có con mắt tinh tường để nhìn thấy những điều mà người khác không nhìn thấy mà thôi.
Bài thơ “Đừng tưởng” của thi sĩ Bùi Giáng khiến tôi nhớ đến một cái nhìn “thông suốt” của một vị thiền sư nọ. Chuyện kể rằng: “Một hôm, một đệ tử đem đến cho vị thiền sư già, người đã sáng lập viện và dạy dỗ cho nhiều thế hệ thiền sinh, một tin buồn như sau: “Thưa sư phụ, đại sư huynh Vô Định, người môn sinh xuất sắc sẽ kế tục Ngài, đã lặng lẽ bỏ đi vào đêm qua”. Nghe xong, vị thiền sư già bình thản trở lại với công việc đang làm. Ông chẳng để lộ mảy may xúc động hay buồn phiền. Người đệ tử lòng chưa hết bàng hoàng, liền hỏi:“Thưa sư phụ, sư huynh Vô Định là người đệ tử đầu tiên của Ngài. Sư huynh lại đức độ hơn người, có thể gánh vác trọng trách mai này. Nay sư huynh bất thần bỏ đi, sư phụ không thấy mất mát sao?” Vị thiền sư già ôn tồn giải thích:“Sư huynh của con chỉ dời chỗ ở chứ không bị tiêu diệt, sao gọi là mất mát?”
 Người đệ tử vẫn thắc mắc:“Nhưng thưa sư phụ, sư huynh ra đi mà không có lý do chính đáng, nếu mọi người biết được, đệ tử e rằng thiên hạ sẽ thị phi đàm tiếu nhiều điều gây tổn hại đến thanh danh của sư phụ, sư phụ nghĩ sao?” Vị thiền sư hỏi liền hỏi lại: “Thanh danh thì cũng là Hư danh. Người ta sanh ra thanh danh rồi thì người ta cũng có thể đổi nó thành xú danh. Sao con lại quan tâm?”
Người đệ tử vẫn chưa hết lo âu:“Vậy thì sư phụ không lo cho sư huynh sao? Liệu sư huynh có an lạc khi rời bỏ nơi này không?”
Vị thiền sư ung dung trả lời:“Sư huynh của con phải thấy rằng tâm không còn an lạc khi ở đây thì mới ra đi. Ta chẳng hề lo lắng. Nơi nào an lạc ắt đấy là nhà con ạ”.
Người đệ tử vẫn chưa hết ấm ức:“Thưa sư phụ, xin cho con hỏi một câu cuối: sư phụ không thấy một chút khó chịu nào hết khi sư huynh của con làm một quyết định quan trọng như thế mà không hề bàn bạc với sư phụ sao?
Vị thiền sư già cười một cách hiền hòa:“Con ơi, trên đời này chẳng có gì quan trọng hơn sự an lạc của mỗi chúng sanh. Con nên nhớ rằng, con phải tự đi tìm an lạc cho chính mình. Ta hiểu và thông cảm với sư huynh của con. Con nên nhớ rằng, trong cuộc đời của mỗi con người, có những quyết định mà ta không thể nào bàn bạc với ai khác ngoại trừ với chính cái TÂM của mình .
Những bậc chân tu thường là hiện thân của cái cốt lõi trong tôn giáo. Và cái cốt lõi của tôn giáo, theo tôi, chính là sự cảm thông. Cảm thông là cùng chịu đựng, cùng đau khổ với người khác. Xét cho cùng, cảm thông là dám “xỏ chân” vào chiếc giày thối của người khác để không những phải hiểu, mà còn cảm nhận được sự khắc khoái, nỗi đau của người khác. Đây chính là thể hiện đích thực của “đạo đức”. Hay nói theo ngôn ngữ của ông bạn họa sĩ của tôi, đây mới thực sự là “đạo hạnh”.
Đó là thứ “đạo hạnh” mà có lẽ nhà thơ Bùi Giáng cũng muốn nhắn gởi cho đời khi kết thúc bài thơ “Đừng Tưởng” của ông. Tôi chép lại để tự nhắc nhở mình cần phải vượt qua sự đánh giá chỉ dừng lại ở bề ngoài của sự vật hay người khác:
Đừng tưởng quan chức là rồng
Đừng tưởng dân chúng là không biết gì
Đời người lúc thịnh, lúc suy
Lúc khỏe, lúc yếu, lúc đi, lúc dừng
Bên nhau chua ngọt đã từng
Gừng cay, muốn mặn, xin đừng quên nhau
Ở đời nhân nghĩa làm đầu
Thủy chung sau trước, tình sâu, nghĩa bền
Ai nhờ nhớ lấy đừng quên”