Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

Chuyện hàng xóm


Chu Thập
21.04.17

Tôi vẫn mơ có ngày được đến Dubai một lần cho biết. Đến đó không chỉ để chiêm ngưỡng sự phồn thịnh, sự ứng dụng của kỹ thuật vào cuộc sống của thành phố đông dân nhứt của  Vương quốc Á rập thống nhứt, mà để tận mắt xem thử người dân ở đó có thực sự hạnh phúc không.
Sở dĩ tôi có ước mơ như thế là vì mới đây tôi có đọc được một bài phóng sự của đài CNN với tựa đề “Liệu Dubai có thể trở thành thành phố hạnh phúc nhứt thế giới không?”
Theo CNN, không chỉ hài lòng vì có tòa tháp cao nhứt thế giới và xe cảnh sát chạy nhanh nhứt thế giới, Dubai còn muốn tranh để  trở thành thành phố hạnh phúc nhứt thế giới. Nghe lạ quá! Hạnh phúc là một tâm trạng hoàn toàn chủ quan. Buồn ngủ mà gặp chiếu manh thì có khi còn sướng hơn ở lầu son gác tía mà vẫn trằn trọc suốt đêm. Nghèo và lo sợ đủ điều trong thiên đàng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vậy mà trong bất cứ cuộc thăm dò nào về hạnh phúc, người Việt Nam vẫn cứ đứng đầu bảng. Hoặc như Bhutan, tuy không phải là một đất nước giàu mạnh, vậy mà vẫn đi đầu về “tổng sản lượng hạnh phúc”. Thành ra, tôi vẫn thắc mắc không biết một thành phố giàu có, nguy nga tráng lệ bậc nhứt thế giới như Dubai có thể trở thành nơi hạnh phúc nhứt thế giới không.
Bài phóng sự của đài CNN cho biết: với tham vọng trở thành thành phố hạnh phúc nhứt thế giới, thành phố được xây dựng trên cát này cho đặt các máy đo hạnh phúc (Happiness Meters) khắp nơi.
Thông thường, tâm trạng của con người được diễn tả nhiều nhứt qua nét mặt. Vui, buồn hay vô cảm đều được thể hiện trên gương mặt. Các máy đo hạnh phúc mà Thành phố Dubai cho đặt khắp nơi sẽ ghi lại những biểu cảm trên gương mặt của người dân. Chỉ số hạnh phúc của thành phố sẽ được đo lường dựa trên số những gương mặt tươi cười.
Theo Tiến sĩ Aisha Bin Bish, người điều hành chương trình có tên là “Smart Dubai” (Dubai tinh khôn), mức độ hạnh phúc được đo lường qua 6 triệu gương mặt được ghi lại trên các máy đo hạnh phúc cho thấy có đến 90 phần trăm dân số Dubai tỏ ra hạnh phúc. Bà Bish cho biết mục tiêu mà bà nhắm đến là vào năm 2021, phải có 95 phần trăm dân chúng Dubai được hạnh phúc.
Để biến Dubai thành nơi hạnh phúc nhứt thế giới, Vương quốc Á rập Thống nhứt đã cho thành lập “Bộ hạnh phúc”. Ông Ohood Al Roumi, Bộ trưởng Bộ hạnh phúc đầu tiên của vương quốc này vừa mới tuyên thệ nhậm chức hồi năm ngoái. Cùng với Bộ trưởng Hạnh phúc, Vương quốc Á rập Thống nhứt cũng bổ nhiệm 60 tổng giám đốc hạnh phúc (Happiness CEO) trong các ban ngành của chính phủ.
Vai trò của Bộ Hạnh phúc là thăng tiến và đặt hạnh phúc vào hàng ưu tiên một trong chính phủ và cuộc sống hàng ngày của mọi người dân. Nói cách khác, trong Vương quốc Á rập Thống nhứt, cách riêng tại Dubai, mọi người phải xem hạnh phúc là điều quan trọng nhứt trong cuộc sống. Tất cả mọi chính sách và quyết định của chính phủ đều phải được đề ra vì hạnh phúc của người dân. Với chủ trương này, Vương quốc Á rập Thống nhứt muốn trở thành quốc gia hạnh phúc nhứt thế giới vào năm 2021. Riêng tại Dubai, chính phủ đã cho xây dựng nhiều nơi và tổ chức nhiều sinh hoạt hướng về hạnh phúc như “công viên hạnh phúc”, “ngày hạnh phúc” và nhiều cuộc lễ hạnh phúc khác, kể cả thiền niệm cười (laughter meditation).
Sự thường, thứ gì càng thiếu thốn hay bị chối bỏ thì càng được rêu rao. Độc tài như Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vậy mà lúc nào cũng ra rả rằng mình là nước “dân chủ” gấp triệu lần các nước dân chủ khác. Trong một đất nước nơi người dân phải khốn khổ trăm chiều, vậy mà trên công văn của chính phủ hay ngay cả đơn từ khiếu nại của người dân, lúc nào hai chữ “hạnh phúc”   cũng phải nối đuôi “độc lập và tự do”.
Tôi không dám so sánh Vương quốc Á Rập Thống nhứt với Việt Nam. Nhưng tôi không nghĩ rằng tất cả mọi người dân của vương quốc này đều hài lòng với tham vọng muốn trở thành quốc gia hạnh phúc nhứt thế giới. Một nhà nghiên cứu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đã gọi Bộ Hạnh phúc của Vương quốc Á rập Thống nhứt là chuyện không tưởng của những nhà độc tài toàn trị.  Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) đã bày tỏ nhiều quan ngại về nhân quyền tại Vương quốc Á rập Thống nhứt. Ai cũng biết rằng trong Vương quốc này quyền tự do phát biểu, quyền lập hiệp hội nếu không bị chối bỏ thì cũng bị giới hạn. Tất cả những ai lên tiếng chỉ trích chính phủ đều bị giam giữ và truy tố.
Không biết vào năm 2021, Vương quốc Á rập Thống nhứt có trở thành quốc gia hạnh phúc nhứt thế giới không, nhưng hiện nay, theo một bản phúc trình về hạnh phúc được Viện Nghiên cứu Hạnh phúc có trụ sở tại Đan Mạch công bố trong năm 2017 này, Vương quốc Á rập Thống nhứt  chỉ đứng hạng 21 về những chỉ số hạnh phúc như: thu nhập đầu người, sự nâng đỡ của xã hội, tuổi thọ, tự do, lòng quảng đại và sự trong sạch của chính phủ.
Đành rằng hạnh phúc của người dân phải là mục tiêu hàng đầu của mọi chính phủ, nhưng hạnh phúc vẫn là một tâm trạng chủ quan của từng cá nhân mà không có thước đo nào có thể nắm bắt được. Tâm trạng ấy có khi không hoàn toàn lệ thuộc vào những chỉ số khách quan như thường được các bản phúc trình về hạnh phúc đề ra. Ở đâu và thời nào cũng vậy, con người có thể không giàu sang mà vẫn hạnh phúc hay sống thiếu thốn mà vẫn hạnh phúc. Ngay cả trong chốn tù đày con người cũng vẫn có thể hạnh phúc. Hạnh phúc lúc nào cũng ở trong tầm tay và ý muốn của mỗi người. Xét cho cùng, khi tâm hồn con người được bình an và khi các quan hệ của họ với người xung quanh được hài hòa thì đương nhiên con người thường cảm thấy hạnh phúc.
Tôi thường nghĩ một cách đơn giản như thế mỗi khi nhìn vào cái thế giới nhỏ bé của tôi là cái xóm nhỏ được tạo thành bởi hai con đường cụt nơi tôi đang sinh sống. Tôi tin chắc rằng trong cái xóm nhỏ này mọi người đều biết nhau. Biết vừa đủ để không hà tiện đến độ không dành nổi cho nhau một lời chào hỏi hay một nụ cười mỗi khi gặp nhau. Tôi cũng đo lường được phần nào hạnh phúc của từng người khi nhìn vào gương mặt và nghe lời chào hỏi của họ. Có những tiếng cười hồn nhiên, cởi mở và nòng ấm. Có những lời chào gượng gạo và lạnh lùng.
Gần đây, hầu như ngày nào tôi cũng nghĩ đến vợ chồng người hàng xóm ở bên phải nhà tôi. Cặp vợ chồng có hai cậu con trai này là cư dân mới nhứt của xóm tôi. Họ chỉ mới dọn về đây trên dưới 5 năm. Lúc mới dọn vào, cặp vợ chồng này lúc nào cũng tỏ ra niềm nở với mọi người. So với các cư dân khác, có lẽ họ là những người có “địa vị” cao nhứt trong xã hội. Ông chồng làm đến chức giám đốc hành chánh trong một bệnh viện công. Bà vợ đứng đầu một phânn ngành trong một trung tâm Centrelink có tầm cỡ. Tôi nhận thấy bà là một người vui vẻ, cởi mở. Riêng ông, cứ mỗi buổi chiều đi làm về, lúc nào cũng cầm trên tay một chai bia để đi rảo từ nhà này đến nhà khác để trò chuyện và “thăm dân cho biết sự tình”. Họ cũng đứng ra tổ chức tiệc Giáng Sinh cho mọi người hàng xóm.  Vậy mà gần đây, cả ông lẫn bà đều thay đổi thái độ đối với mọi người hàng xóm của mình, kể cả với  gia đình tôi. Gặp nhau cũng chào hỏi, nhưng không muốn bắt chuyện.
Một hôm, cô hàng xóm đối diện nhà tôi đã đến tâm sự với nhà tôi và cho biết đã từng bị bà vợ từ trên lầu la hét om sòm chỉ vì cô đậu xe trên một lối đi dẫn vào một mảnh đất bỏ trống thuộc quyền quản lý của hội đồng thành phố. Mảnh đất này vốn là vùng “oanh tạc tự do”. Trước khi cặp vợ chồng này dọn về khu xóm của tôi, ai cũng có quyền đậu xe hoặc để một chiếc tàu ở đó. Người chủ cũ chẳng bao giờ thắc mắc hay làm khó dễ. Vậy mà kể từ khi nhập cư vào khu xóm, cặp vợ chồng này chiếm hữu và tuyên bố “chủ quyền” trên toàn bộ mảnh đất của hội đồng thành phố.
Một hôm tôi sang gặp ông chồng để thông báo là tôi cũng muốn đặt một chiếc xuồng nhỏ trong góc của mảnh đất. Ông liền cho biết ông đã sừng sộ với hai người hàng xóm chỉ vì họ muốn đặt hai chiếc tàu của họ trên mảnh đất. Có lẽ muốn dọa tôi chăng, ông nói rằng ông đã “đoạn giao” với hai người hàng xóm đó.
Vốn chủ trương dĩ hòa vi quý và ý thức về vị trí “thiểu số” của mình trong cái xóm có đông người da trắng cũng như sẵn sàng chấp nhận thua thiệt một chút để được an lòng, tôi không muốn tranh chấp vì một chuyện nhỏ. Bán bà con xa để mua láng giềng gần. Tôi vẫn luôn ghi lòng tạc dạ bài học vỡ lòng đó. Để xây dựng và duy trì tình hàng xóm, tôi vẫn mang hoa quả trong vườn sang biếu. Nhưng lạ quá, tôi không hiểu sao họ không còn có thái độ vồn vã, nhiệt tình và ân cần của những ngày đầu khi mới dọn về khu xóm nữa.
Cô hàng xóm “nhiều chuyện” bắn tiếng rằng có lẽ cuộc sống hôn nhân của hai vợ chồng này đang có vấn đề. Bước vào tuổi 50, điều ấy có thể xảy ra cho họ. Nhưng theo quan sát và suy nghĩ của tôi, có lẽ vì mối quan hệ giữa họ và người hàng xóm đã sứt mẻ mà họ cảm thấy ngượng ngùng khi phải tiếp xúc và nói chuyện với những người hàng xóm khác. Tôi nhận thấy càng lúc họ càng co cụm lại trong xó nhà của họ. Và nếu như gương mặt là tấm kính phản chiếu tâm trạng của con người thì trên gương mặt gần như không còn nụ cười và nhứt là giọng nói cũng gần khô cạn sự thân thiện và ân cần, tôi sợ rằng cặp vợ chồng này có thể không còn cảm thấy hạnh phúc trong cái xóm nhỏ của tôi.
Có thể đó là suy luận chủ quan của tôi. Nhưng chuyện của hai vợ chồng người hàng xóm bên phải nhà tôi lúc nào cũng nhắc nhở tôi về cách cư xử “ phải đạo”  mình cần phải có với người láng giềng. Con người tự cô lập khi chỉ biết nghĩ đến mình và quyền lợi của mình. Ích kỷ là một thứ nhà tù vô hình. Làm sao con người có thể cảm thấy hạnh phúc khi tự giam hãm vào đó?
Tôi chạy bộ mỗi buổi sáng vì xem đó như một liều thuốc để chữa trị nhiều bệnh tật. Nhưng đó cũng là lúc tôi muốn ra khỏi thế giới của mình để đến với người khác. Những lời chào hỏi với tất cả ân cần, những nụ cười trao ban với tất cả chân tình hay ngay cả một lời bông đùa...tôi xem đó là những đồng xu nhỏ cần thu nhặt và tích cóp cho kho tàng hạnh phúc của mình. Hạnh phúc có khi đến từ những cử chỉ nhỏ hàng ngày và những người gần gũi nhứt thường cũng phải là nơi mình tìm kiếm và xây dựng kho tàng hạnh phúc.



Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

Thuận Thiên


Chu Thập 
24.09.13
Mỗi ngày, mở truyền hình hay vào Internet, tôi thấy hầu hết các tin “sốt dẻo” đều qui về hai loại: chiến tranh và thiên tai. Chiến tranh đương nhiên là chuyện mà chỉ có con người mới gây ra cho nhau. Còn thiên tai thì người ta bảo do “Ông Trời” làm ra. Quả thực, có những tai họa nằm ngoài sự tác động và nhứt là kiểm soát của con người. Cho tới nay, dù khoa học có tiến bộ đến đâu, thế giới vẫn chưa có đủ khả năng để dự đoán hoặc phòng ngừa động đất, sóng thần hay cuồng phong. Nhưng nhờ tiến bộ khoa học mà thế giới ngày càng ý thức hơn rằng con người cũng góp phần tự tạo ra tai họa cho mình. Trái đất ngày càng hâm nóng là chuyện do con người làm ra. Môi trường sống bị ô nhiễm gây ra bao nhiêu nguy hại cho sức khỏe là chuyện đương nhiên do chính con người tạo ra. Con người cũng phải chịu một phần trách nhiệm về lũ lụt hay tình trạng sa mạc hóa tại rất nhiều nơi…Thiên tai có khi cũng là nhân họa. Những vụ n lò nguyên tử tại Chernobyl, Ukraine năm 1986 hay Fukushima, Nhật Bản năm 2011 là điển hình của những “nhân họa” trong lịch sử nhân loại. Con người vẫn luôn nghĩ mình có khả năng thống trị thiên nhiên. Kỳ thực, sức người thì lúc nào cũng có hạn. Trong những nỗ lực tìm hiểu và thống trị thiên nhiên, cứ vượt qua được một bức tường thì con người lại thấy mình phải đứng trước một bức tường khác.
Có lẽ do tuổi già đang sồng sc kéo đến, tôi thường suy gẫm về những giới hạn và tính có cùng của con người.
Tôi có ý nghĩ ấy khi đọc lại truyện ngắn “Tình Bậu Muốn Thôi” trong tập truyện “Hương Rừng Cà Mau” của nhà văn Sơn Nam. Trong truyện ngắn này, tác giả giải thích về nguồn gốc của câu ca dạo Nam Bộ “Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra. Bậu ra, bậu lấy ăn mày. Nước sông gạo chợ, ngày rày khỏi lo”. Theo câu chuyện được nhà văn Sơn Nam ghi lại, có một anh nọ làm ăn khá giả cho nên cưới đến hai vợ. “Ruộng nương năm nào cũng trúng mùa, anh ta cất nhà ngói, mướn thợ về nhà vẽ một tấm biển thếp vàng treo trước cửa, trên biển có vỏn vẹn hai chữ Nho: “Nhơn lực”. Anh muốn khoe rằng mình làm giàu là do tài năng sức lực, chớ đâu phải do Trời Phật phù hộ. Thấy vậy cô vợ bé không vừa ý cho nên mới cãi lại: “Làm vậy là phạm thượng”. Anh chồng trợn mắt: “Nhà này là của tôi, tôi làm đổ mồ hội xót con mắt mới tạo lập được. Ai giúp tôi đâu? Tôi là người, sức người là Nhơn Lực”.
Chán cảnh chồng chung, lại phải sống với một ông chồng ngạo mạn, cho nên một hôm, lúc chồng đi vắng, người vợ bé mới bắc thang lên, đứng sát tấm biển rồi dùng son mà gạch thêm hai lằn ngang trên đầu chữ Nhơn. Từ “Nhơn Lực”, tấm biển biến thành “Thiên Lực”.
Chồng về thấy tấm biển đã bị sửa đổi, liền hạch hỏi cô vợ bé. Cô nhận trách nhiệm về hành động của mình. Người chồng liền tống cổ cô vợ bé ra khỏi nhà. Nhưng trước khi ra đi, cô đốt nhang trước bàn thờ rồi giải thích rằng cô là người tin Thiên Lực và xin Trời Phật phù hộ cho cô. Cô hứa sẽ phụng thờ một người chồng biết trọng nhân nghĩa hơn. Và người đó là người đầu tiên mà cô gặp khi đi thẳng về hướng Đông.
Quả như người thiếu phụ mong ước, đi về hướng Đông chưa được một ngày đàng thì cô gặp một “ông lão” đang ngồi câu cá bên một bờ ao. Cô liền tin ngay rằng đây là người mà Trời Phật đã gởi đến cho cô. Được hỏi chuyện, “ông lão” mới cho biết mình chỉ mới khoảng năm mươi tuổi, tứ cố vô thân, không vợ con cho nên thân hình mới xơ xác như thế. Người đàn ông cũng cho biết đi câu là để giải khoây. Được ít nhiều là tùy Trời Phật.
Nghe thế, người thiếu phụ lại càng xác tín rằng đây mới thực sự là mu người lý tưởng của mình. Hai bên liền gá nghĩa với nhau và sống trong túp lều nghèo nàn của người câu cá. Thực ra, người đàn ông này đã từng là một bạch diện thư sinh, nhưng trời chưa cho đỗ đạt.
Ngày ngày người vợ đi câu cá để nuôi chồng ăn học. Về phần mình, nhờ siêng năng học hành cho nên người chồng thi đậu. Lễ vinh quy được cử hành long trọng, “võng anh đi trước, võng nàng theo sau”.
Trong khoảng thời gian dài trôi qua, người chồng cũ của cô vợ lâm cảnh túng bấn. Ba năm liên tiếp, mùa màng thất bát khiến anh ta phá sản.
Khi được quân sĩ khiêng võng, mang lọng sắp hàng đưa hai vợ chồng tân cử về làng, người vợ xin được ghé vào làng để gặp người chồng cũ và khuyên đôi điều. Cô nói với người chồng cũ: “Tôi muốn khuyên ông bớt ngạo mạn. Con người sanh ra trong cõi đời này phải kính nể Trời Phật, đừng ỷ sức ỷ tài mà nói những lời vô lễ”. Người chồng cũ cúi đầu nhận lỗi: “Tôi trót dại dột, coi thường Thiên Lực nên Trời Phật trừng phạt tôi rồi.” (x. Sơn Nam, Hương rừng Cà Mau, nxb Trẻ, tập 3  “Tình Bậu Muốn Thôi”).
Đọc truyện ngắn trên đây của nhà văn Sơn Nam, tôi lại nhớ đến lời dạy của các bậc thánh hiền của Á Đông. Có lẽ người Việt nào cũng thuộc lòng câu “Thuận  thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong” (thuận theo trời thì sống, còn nghịch với trời thì chết).
Trong cuốn sách “Trang Tử và Nam Hoa Kinh”, tác giả Nguyễn Hiến Lê có dành một chương để nói về cách dưỡng sinh theo triết lý của Trang Tử. Theo ông, qui tắc đầu tiên của dưỡng sinh là “thuận thiên”. Một phần lớn triết lý của Trang Tử được xây dựng trên hai chữ “thuận thiên”này. Nhưng thế nào là “thuận thiên”? Tác giả Nguyễn Hiến Lê có nói đến tài mổ bò của một tên đầu bếp của vua Văn Huệ: hai tay người này nắm con vật, đưa vai ra thúc nó, rồi hai chân bấm vào đất, hai đầu gối ghì chặt nó. Hắn đưa lưỡi dao cắt xoẹt xoẹt, phát những âm thanh có tiết tấu như âm nhạc. Được nhà vua ca ngợi về nghệ thuật mổ bò của mình, người đầu bếp giải thích rằng lúc mới học nghề, hắn “chỉ thấy con bò thôi. Ba năm sau, hắn không còn thấy con bò nữa. Lúc này hắn dùng tinh thần hơn là dùng mắt. Cảm quan ngưng lại, chỉ còn tâm thần là hoạt động. Hắn biết rõ sự cấu tạo của cơ thể con bò, cho nên chỉ lách lưỡi dao vào những chỗ kẽ trong thân thể nó mà không đụng tới gân, bắp thịt hay xương của nó”.
Giống như tay đầu bếp, dưỡng sinh một cách thuận thiên là tìm hiểu cơ thể của chính mình cũng như những nhu cầu giúp cơ thể lành mạnh và chăm sóc theo.
Thuận thiên còn có nghĩa là “an thời xử thuận” để cho những cảm xúc tiêu cực như buồn phiền, giận dữ, ganh tức...không xâm nhập vào tâm hồn, làm thương tổn đến tính tình. Thuận thiên cũng có nghĩa là biết nhìn vào cuộc sống với ánh mắt lạc quan và tin tưởng. Người biết sống “thuận thiên” lúc nào cũng nhìn thấy cái phúc ẩn tàng trong cái họa. Người sống “thuận thiên” là người biết chấp nhận những biến hóa của vạn vật, sự chuyển vận của luật trời. Nguyễn Hiến Lê viết: “ai đạt được lẽ ấy thì tâm thần không bị hỗn loạn, ngày đêm giữ được cái khí thuận hòa, ung dung, vui vẻ như khí xuân mà thích ứng với mọi sự biến hóa”.
Người sống “thuận thiên” cũng là người biết xử thế sao cho hòa hợp với mọi người. Nguyễn Hiến Lê đan cử câu chuyện của ông Nhan Hạp, người được cử làm phó sư cho thái tử của vua Vệ Linh Công thời Đông Châu Liệt Quốc. Thái tử là một thanh niên tàn bạo. Ông Nhan Hạp biết rằng nếu ngăn cản người thanh niên thì nguy cho tánh mạng của mình, mà không can gián thì không làm tròn nhiệm vụ của một phó sư. Ông liền đi vấn kế ông Cừ Bá Ngọc. Ông này khuyên như sau: “Học trò của ông còn là một đứa con nít thì ông cũng làm ra vẻ con nít với nó. Hó hành động không có phép tắc, ông cũng làm bộ không giữ phép tắc với nó. Nó phóng đãng, ông cũng làm bộ phóng đãng với nó. Như vậy ông sẽ dần dần sửa đổi được nó. Nói cách khác, cần phải mềm mỏng, uyển chuyển với nó”. Ông Cừ Bá Ngọc giải thích: “Người nuôi cọp không dám cho cọp ăn một con vật còn sống hoặc ăn trọn một con vật chết, sợ như vậy sẽ kích thích bản tính hung dữ hiếu sát của nó. Phải cho nó ăn đúng giờ, tùy theo nó vui vẻ hay hung dữ mà thuận phục nó. Hổ không cùng một loài với người, nhưng biết thuận theo tính tình nó thì nó cũng tỏ vẻ làm vui lòng người nuôi nó. Nó vồ người nuôi nó chỉ vì người này làm trái tính nó”. Nuôi hổ cũng giống như nuôi chim. Ở nước Lỗ, cũng thời Đông Châu Liệt Quốc, có người bắt được một con chim biển, đặt tiệc mừng nó, tấu nhạc cho nó nghe. Con chim dớn dác, âu sầu, không ăn uống gì cả, ba ngày sau chết. Tác giả Nguyễn Hiến Lê bình: “Đó là lấy cách phụng dưỡng con người mà nuôi con chim. Muốn nuôi chim thì phải theo đúng nhu cầu và sở thích của chim, nghĩa là phải thuận theo chim”.
Thuận thiên, theo cách giải thích trên đây của ông Nguyễn Hiến Lê, nói theo ngôn ngữ Tây Phương, cũng có nghĩa là “xỏ chân vào giày của người khác”, tức hiểu được những cảm xúc của họ và như vậy mới có thể cảm thông với họ.

Ứng dụng vào phương pháp dưỡng sinh, ông Nguyễn Hiến Lê cho rằng con người cũng cần phải nắm vững cơ cấu của thân thể, biết các cơ phận cần gì và hoạt động ra sao để điều khiển nó cho hợp với tự nhiên, chớ không mù quáng chống đối nó. Chẳng hạn có bị nóng hoặc đi tả nhiều lần, khát nước thì cứ uống; khi không thèm ăn thì cứ nhịn ăn; khi làm việc mệt nhọc thì phải ngừng lại  tịnh dưỡng; khi đau ốm thì tốt nhứt là nghỉ ngơi, ăn ít để cơ thể tự chống lại bệnh. Tác giả cho rằng bài học này của Trang Tử đặc biệt có giá trị cho con người thời đại, bởi vì ngày nay con người bắt thể xác và tinh thần làm việc quá nhiều và lạm dụng thuốc men cũng nhiều.
Theo tác giả Nguyễn Hiến Lê, “thuận thiên” cũng có nghĩa là sống gần thiên nhiên, ăn những thức ăn thiên nhiên và nhứt là không đi ngược với thiên nhiên. Mới đây, tôi cũng đọc được một bài viết trên tập san của “The Diggers Club”, câu lạc bộ chuyên sưu tầm những hạt giống chưa bị đổi “gen” di truyền và khuyến khích việc canh tác “hữu cơ” (organic). Tác giả của bài viết khẳng định rằng song song với việc thay đổi “gen” di truyền trên thực vật, người ta cũng lạm dụng quá nhiều hóa chất, phân bón, thuốc sát trùng...trong việc canh tác. Kết là tạo ra một thứ thực phẩm không “lương thiện”. Theo tác giả, cây trái, rau cải phải “có quyền” phát triển theo mùa, “có quyền” có thì giờ để tăng trưởng và chín. Vì vậy, người ta không lấy gì làm ngạc nhiên khi thị trường đầy dẫy những trái cà chua chín mọng, những cây xà lách bóng bẩy, xanh tươi, nhưng khi ăn vào, mùi vị của thứ nào cũng “lơ lớ”. Tôi thấy hình như chỉ còn mía là giữ đủ vị...ngọt vì ngay cả chuối cũng chẳng còn hương vị. Người ta không cần tiêu thụ quá nhiều thực phẩm như ngày nay, nhưng cần ăn thực phẩm “lương thiện”. Khi mua trái cây rau cải một cách thừa mứa chúng ta vô tình thúc đẩy một kỹ nghệ nông nghiệp thiếu lành mạnh.
Ngày nay, con người sống chen chúc trong các thành phố thiếu không khí và nước trong lành, ăn những thực phẩm thiếu “lương thiện”. Đó là chưa kể đến tình trạng ô nhiễm không khí và nguồn nước uống do văn minh cơ khí tạo ra. Sống như thế, nếu hiểu theo cách dưỡng sinh của Trang Tử, cũng là một cách sống “nghịch thiên”, nghĩa là đi ngược lại với thiên nhiên và như vậy cũng thiếu “lương thiện”.
Theo các nhà khoa học, khi nào mà những con ong bé nhỏ không còn hiện diện thì lúc đó chính là dấu chỉ cho thiên tai và nhân tai lớn nhứt xảy ra cho chúng ta: chúng ta sẽ không còn thực phẩm nữa. Và điều này không còn nằm trên lý thuyết. Đã có nhiều vùng ong bị tàn sát vì thuốc diệt côn trùng và mật ong cũng bị nhiễm hóa chất (Time 19.8.13).

Tôi vẫn xem như một phúc lành đặc biệt khi được sống gần thiên nhiên. Ai đó đã có nói “người ở gần thiên nhiên không bao giờ cảm thấy cô độc”. Thiên nhiên chẳng khác một người ở chung trực tính. Tôi luôn nhận một sự đáp trả “thẳng thừng” không qua lời nói mà bằng hành động: Tôi chăm sóc thiên nhiên đúng cách, thiên nhiên cho tôi cây ngon trái ngọt đúng mùa; tôi để cây mọc bừa bãi, thiên nhiên khiến tôi khốn khổ vì ruồi muỗi, sâu bọ, cỏ hoang. Qua cái “luật tự nhiên” mà thiên nhiên dạy cho tôi, tôi thấy mình biết chăm sóc và hiểu ý người, nhứt là thông cảm với họ hơn, vì như thiên nhiên, họ cũng cần có lúc có thời và điều kiện môi trường để trổ sinh hoa trái.

Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

Phi Châu: nội chiến và nạn đói


21.04.17

Thế giới không bao giờ thiếu lương thực. Tuy nhiên, trong thế giới dư dật của cải vật chất và lương thực, vẫn còn có rất nhiều người không đủ ăn và ngay cả có nguy cơ chết đói. Cuộc nội chiến tại Syria và cuộc khủng hoảng hiện nay tại bán đảo Triều Tiên có lẽ đã làm lu mờ một hình ảnh lẽ ra cũng đáng được thế giới chú ý đến không kém. Đó là nạn đói trầm trọng tại một số nước Phi Châu. Theo Liên Hiệp Quốc hiện có khoảng 20 triệu người dân của lục địa này đang đối diện với nguy cơ chết đói. Liên Hiệp Quốc cho biết vào khoảng tháng 7 tới đây cần phải có ít nhất 4.4 tỷ Mỹ kim để cứu  người dân tại Yemen, Nam Sudan, Somalia và Nigeria khỏi  bị chết đói.
Ông Stephen O’Brien, người đứng đầu cơ quan cứu trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, vừa mới thực hiện một chuyến công tác tại 4 nước nói trên. Dạo đầu tháng Ba vừa qua, trong một bản phúc trình đọc trước các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ông O’Brien nói rằng Liên Hiệp Quốc hiện đang đối diện với cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất kể từ khi được thành lập vào năm 1948. Theo ông, nếu không được tài trợ đầy đủ và nếu các nhân viên cứu trợ không được an toàn để đến những vùng cần được cứu trợ, sẽ có rất nhiều người phải chết đói. Người đứng đầu cơ quan cứu trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc giải thích: “Chúng ta đang đứng trước một thời điểm nguy kịch nhất trong lịch sử. Hiện có trên 20 triệu người tại 4 quốc gia (Phi Châu) đang đối diện với nạn đói và chết đói. Nếu không có những nỗ lực tập thể và phối hợp của thế giới, nhiều người sẽ phải chết đói”.
Theo ông O’Brien, tất cả những vùng đang đứng bên vực thẳm của nạn  đói đều có chung một mẫu số: tất cả đều là những vùng có xung đột!

Yemen

Yemen là nước đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất. Hai phần ba dân số của nước này, tức khoảng 19 triệu người hiện đang cần được cứu trợ.
Là quốc gia nghèo nhất trong khối Á Rập, Yemen phải trải qua tình trạng nguy ngập nhất. Tình hình tại đây ngày càng trở nên tồi tệ kể từ khi nước này lâm vào cuộc nội chiến giữa hai phe phái: một bên là quân phiến loạn Houthi được Cộng hòa Hồi giáo Iran hậu thuẫn và một bên là phe  được Á Rập Saudi cũng như Hoa Kỳ yểm trợ. Bên cạnh hai phe phái kình chống này, tổ chức Al-Qaeda trong vùng Vịnh Árập và “Quốc gia Hồi giáo” cũng mở các cuộc tấn công khiến cho tình hình tại Yemen thêm rối ren.
Cuộc nội chiến đã khiến cho trên 7 triệu người Yemen lâm cảnh đói khát. So với tháng Ba vừa qua, con số này đã tăng thêm 3 triệu người. Liên Hiệp Quốc cho biết cần phải có 2.1 tỷ Mỹ kim mới có thể cứu trợ cho 12 triệu người trong năm nay.
Trong chuyến đi vừa qua, người đứng đầu cơ quan cứu trợ của Liên Hiệp Quốc đã gặp gỡ với nhiều người đang lâm cảnh đói khát. Tất cả đều nói với ông  rằng “họ đang đói khát và ốm đau. Họ chỉ mong có  hòa bình để có thể trở về nhà”. Điều đáng buồn là hai phe lâm chiến tại nước này đều từ chối việc cứu trợ nhân đạo cho người dân. Trong chuyến công tác vừa qua, khi cố gắng đi đến Tỉnh Taizz, Đông Bắc Yemen, đoàn xe cứu trợ do chính ông O’Brien điều khiển đã bị bắn phá. Tuy không có ai bị thương, nhưng sự kiện này cho thấy những nguy hiểm mà các nhân viên cứu trợ phải đối đầu mỗi ngày.
Ông O’Brien cho biết Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres sẽ chủ tọa một hội nghị qui tụ các nước ân nhân của Yemen tại Geneva trong tháng Tư này. Tuy nhiên, vì tình hình quá căng thẳng, người ta sợ rằng các nước ân nhân sẽ không đóng góp nhiều.

Nam Sudan

Tình hình tại Nam Sudan cũng không khả quan hơn. Cũng giống như Yeman, quốc gia non trẻ nhất thế giới này hiện cũng đang bị xâu xé giữa chính phủ và phe nổi dậy từ hơn 3 năm nay. Ngày 9 tháng Bảy năm 2011, sau một cuộc trưng cầu dân ý với gần 99 phần trăm phiếu thuận, Nam Sudan đã dành được độc lập khỏi Sudan. Nhưng chỉ 2 năm sau, tức năm 2013, Tổng thống Nam Sudan là ông Kiir tố cáo phó tổng thống là ông Riek Machar và 10 viên chức chính phủ khác âm mưu tổ chức một cuộc đảo chính. Ông Machar đã bỏ trốn và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống chính phủ. Cuộc nội chiến đã bùng nổ. Mặc dù hai bên đã đồng ý ngưng chiến, các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn. Mãi đến năm 2016, ông Machar mới trở về thủ đô và được bổ nhiệm làm phó tổng thống. Cuộc nội chiến đã khiến cho khoảng 300.000 người bị thiệt mạng. Với dân số 12 triệu người, trên 3.5 triệu người đã phải nhà cửa để đi lánh nạn.
Hiện có trên 7.5 triệu người đang cần được cứu trợ nhân đạo. So với năm ngoái, con số này đã tăng 1.4 triệu người. Hơn một triệu trẻ em đang thiếu dinh dưỡng. Người đứng đầu cơ quan cứu trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc cảnh cáo rằng sẽ có 270.000 người Nam Sudan sẽ chết nếu không được cứu trợ kịp thời.
Hồi tháng trước, Chính phủ Nam Sudan đã tuyên bố rằng hai huyện miền núi là Leer và Mayendit đang lâm cảnh chết đói. Ngoài ra, nạn dịch tả hiện cũng đang hoành hành trên toàn quốc.
Mặc dù tình hình bi đát như thế, nhưng công cuộc cứu trợ lại không được tổ chức và thực hiện một cách dễ dàng. Theo ông O’Brien, “nhiều nhân viên cứu trợ đã bị sát hại, các cơ sở của tổ chức cứu trợ bị tấn công, cướp bóc và bị chiếm giữ bởi những người có vũ trang”. Nhưng mặc dù Chính phủ Nam Sudan có tìm cách ngăn cảnh việc cứu trợ, trong năm vừa qua các nhân viên cứu trợ vẫn xoay xở được để tiếp tế cho trên 5 triệu người.


Somalia

Trong năm 2011, Somalia đã trải qua một nạn đói trầm trọng cướp đi mạng sống của 260.000 người. Vào thời điểm đó, khi Liên Hiệp Quốc nhìn nhận quốc gia này đang trải qua nạn đói, thì đã có trên một nửa số nạn nhân đã chết đói.
Người đứng đầu cơ quan cứu trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc cảnh cáo rằng tình hình hiện nay gợi lại nạn đói khủng khiếp năm 2011. Tuy nhiên theo ông, ngày nay các nhân viên cứu trợ đã được chuẩn bị đầy đủ hơn để đối phó với nạn đói.
Dạo đầu tháng Tư vừa qua, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã bất thần viếng thăm vùng “Sừng Phi Châu” (Horn of Africa), một bán đảo nằm ở mạn Đông Bắc Phi Châu. Vùng này bao gồm các nước Djibouti, Erithrea, Ethiopia và Somalia. Nhân chuyến viếng thăm này, ông Guterres đã gặp gỡ với tân Tổng thống Somalia, ông Mohamed Abdullah Mohamed. Nói chuyện với tổng thống Somalia cũng như các viên chức Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Phi Châu, ông Guterres nói rằng 6.2 triệu người, tức gần một nửa dân số Somalia cần được cứu trợ nhân đạo. Ông cho biết Liên Hiệp Quốc kêu gọi thế giới đóng góp 825 triệu Mỹ kim để giúp đỡ Somalia. Theo ông, nếu không có sự giúp đỡ này, Somalia sẽ phải gánh chịu một thảm kịch mà lẽ ra họ có thể tránh được.
Buổi chiều cùng ngày, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã bay đến Baidoa, một trong những vùng đang bị hạn hán trầm trọng nhất tại Somalia. Tại đây, ông đã viếng thăm một bệnh viện chuyên chữa trị những chứng bệnh do tình trạng suy dinh dưỡng tạo ra.
Baidoa là thủ thủ của vùng Bay, một trong những vùng đã trải quan nạn đói trong hai năm 1992 và 2011. Vào thập niên 1990, Baidoa được mệnh danh là “thành phố của tử thần”, vì con số rất cao các nạn nhân chết vì suy dinh dưỡng và đói.
Một trong những vấn đề lớn của Somalia vẫn là tình trạng thiếu an ninh khiến cho công cuộc cứu trợ gặp nhiều trở ngại. Tân Tổng thống Somalia và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã thảo luận với nhau về vấn đề an ninh và việc vận chuyển các phẩm vật cứu trợ đến những vùng đang bị nạn đói hoành hành.

Đông Bắc Nigeria

Nigeria hiện đang được thế giới nhắc đến vì các hoạt động khủng bố của tổ chức Hồi giáo cực đoan có tên là Boko Haram (có chủ trương bài trừ văn minh Tây phương). Ba tỉnh ở miền Đông Bắc Nigeria là Borno, Adamawa và Yobe hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng trầm trọng về thực phẩm vì tình trạng bạo động và mất an ninh do tổ chức khủng bố Boko Haram tạo ra. Trên 8.5 triệu người dân tại 3 tỉnh nói trên hiện đang cần được cứu trợ. Số tiền cần có để đáp ứng các nhu cầu cứu trợ lên đến cả tỷ Mỹ kim. Nếu cộng đồng thế giới không đáp ứng kịp thời, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Được thành lập vào năm 2002, Boko Haram là một tổ chức khủng bố đã thực hiện nhiều vụ đánh bom, ám sát và bắt cóc với mục đích lật đổ chính phủ và thành lập một “Quốc gia Hồi giáo”. Tổ chức này, theo ý nghĩa của danh xưng Boko Haram, nghiêm cấm người Hồi giáo tham gia vào bất cứ sinh hoạt chính trị hay xã hội nào có liên hệ đến xã hội Tây phương. Ngoài việc bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử, Boko Haram còn cấm các tín đồ Hồi giáo không được mặc áo thun, quần Tây hay tiếp cận với bất cứ một nền giáo dục thế tục nào.
Theo tổ chức khủng bố này, Chính phủ Nigeria hiện đang được điều hành bởi những người ngoại đạo, dù cho tổng thống có là người Hồi giáo hay không. Ngoài mục tiêu lật đổ chính phủ, Boko Haram cũng mở các cuộc hành quân chống lại các nước lân bang.
Dạo tháng Tư năm 2014, Boko Haram đã bị cộng đồng thế giới lên án vì đã bắt cóc trên 200 nữ sinh tại một trường trung học ở Chibok trong Tỉnh Borno. Xem phụ nữ bị bắt giữ như chiến lợi phẩm, các chiến binh Boko Haram cho biết họ sẽ đối xử với các thiếu nữ bị bắt cóc như nô lệ và sẽ cưỡng bách họ làm vợ.
Tháng Tám năm 2014, lãnh tụ của tổ chức, ông Shekau đã tuyên bố thành lập “một Quốc gia Hồi giáo” trong những vùng được Boko Haram kiểm soát. Nhưng sau đó, lãnh tụ này đã tuyên thệ gia nhập “Quốc gia Hồi giáo”của giáo sĩ  Abu Bakr al-Baghdati và Boko Haram trở thành một tỉnh của “Quốc gia Hồi giáo” tại miền Tây Phi Châu. Tuy nhiên tháng Ba năm 2015, tất cả các thành phố do Boko Haram chiếm đóng và kiểm soát đều thất thủ trước liên minh Phi Châu gồm các nước Nigeria, Cameroun, Chad và Niger. Boko Haram đã rút vào bưng. Hàng trăm người bị bắt cóc đã được trả tự do.
Tuy bị đẩy lui, nhưng Boko Haram vẫn tiếp tục hiện diện và hoạt động tại các tỉnh ở mạn Đông Bắc Nigeria. Tình trạng nghèo đói và thiếu giáo dục tại các tỉnh này vẫn tiếp tục giúp cho Boko Haram chiêu mộ được những phần tử mới và như vậy tạo ra bất ổn triền miên cho những vùng này.
Bên cạnh nạn hạn hán vốn thường xảy ra tại các nước thuộc vùng Sừng ở Đông Bắc Phi Châu này, cuộc nội chiến vẫn là nguyên nhân chính khiến cho người dân phải lâm cảnh đói khổ. Ngoài ra, vì cuộc nội chiến, công cuộc cứu trợ lại càng trở nên khó khăn hơn.








Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Đường thập giá, đường cảm thông


Chu Thập
14.04.17

Cách đây đúng một tuần lễ, những người Mỹ gốc Phi Luật Tân còn sống sót từ cuộc hành trình thường được mệnh danh là  “Tử lộ  Bataan” (Bataan Death March) đã tập trung về Thành phố San Francisco, Tiểu bang California, Hoa Kỳ để tưởng niệm đúng 75 năm biến cố này. Sở dĩ tôi đặc biệt chú ý đến cuộc hành trình khủng khiếp này là bởi vì Phi Luật Tân là nơi tôi đã sống và làm việc nhiều năm nhứt kể từ khi trở thành người tỵ nạn.
Nhưng không riêng tôi, tất cả những người tỵ nạn Việt Nam nào chuẩn bị vào Hoa Kỳ hoặc đi định cư tại một số quốc gia khác cũng đều không thể quên được địa danh Bataan. Bataan là một tỉnh nằm ở mạn Tây Bắc của Phi Luật Tân. Trại tỵ nạn dành cho người Việt được Chính phủ Phi cho xây cất ở một nơi đèo heo hút gió trong Tỉnh Bataan. Từ Thủ đô Manila vào trại này có khi phải mất  cả một ngày đường. Cách trại Bataan khoảng chừng 30 cây số là một đoạn đường đèo. Từ xa, trước khi xe bò lên đèo, người ta đã thấy trên đỉnh  núi Samat một cây thánh giá lớn. Đây chính là đài tưởng niệm mà năm 1966  Chính phủ Phi dưới thời cố Tổng thống Ferdinand Marcos đã cho dựng lên để tưởng nhớ các chiến sĩ Phi và Mỹ đã bỏ mình trong cuộc chiến chống  lại quân đội Nhựt Bổn. Núi Samat là nơi đã diễn ra trận đấu ác liệt năm 1942. Các binh sĩ Phi và Mỹ đã rút về Bataan để tử thủ. Nhưng vào ngày 9 tháng Tư năm 1942, chỉ sau 3 tháng cầm cự, vì kiệt sức và đói lả, 78.000 binh sĩ Phi và Mỹ đành phải đầu hàng quân đội Nhựt. Liền ngày hôm sau, tất cả các tù binh Phi và Mỹ đều bị quân đội Nhựt bắt phải đi bộ xuyên qua nhiều thành phố và làng mạc để đến một trạm xe lửa cách đó khoảng hơn một trăm cây số để rồi từ đó được chuyển đến một trại  giam. Dọc theo “Tử lộ Bataan”, vì bị bóc lột, hành hạ và bỏ đói, đã có khoảng gần 20.000 tù binh người Phi và trên dưới 500 tù binh Mỹ ngã gục. Những người còn sống sót kể lại rằng trong suốt “Tử lộ Bataan”, các tù binh bị hành hạ dưới nhiều hình thức khác nhau. Họ bị lột quần áo và bắt ngồi giữa trời nắng. Bất cứ thứ gì họ có trên người, ngay cả những chiếc răng vàng, cũng đều bị trấn lột. Bất cứ ai xin nước uống đều bị đem ra xử bắn. Những người té xỉu hoặc đi không nổi đều bị xe cán lên cho chết. Ngay cả những người còn khỏe mạnh cũng có thể bị các binh sĩ Nhựt dùng lưỡi lê để đâm vào người. Trong Đệ Nhị Thế chiến, Phi Luật Tân thường được nhắc đến vì “Tử lộ Bataan” và Nhựt Bổn cũng bị thế giới lên án vì tội ác chống lại nhân loại này.
Trong thời gian sống ở Phi Luật Tân, tôi rất thường đi lại con đường này, nhứt là vào ngày được Kitô Giáo gọi là “Ngày thứ Sáu Tuần Thánh”. Trong ngày này, các tín hữu Kitô đặc biệt tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu. Theo một truyền thống đã có từ lâu trong Ki Tô Giáo, người ta thường đi lại “Con đường Thập giá” của Chúa Giêsu, nghĩa là ôn lại và suy gẫm về cuộc hành trình của Ngài từ lúc bị kết án cho đến khi bị đóng đinh và treo lên thập giá. Các tín hữu Kitô thường gọi đó là “Đường thập giá” hay “Đường lên Núi Sọ”.  Lớn lên trong “nhà có đạo”, tôi đã thuộc nằm lòng từng “chặng” trong con đường thập giá của Chúa Giêsu. Tuy nhiên trong thời gian làm việc tại Phi Luật Tân, thay cho những giây phút tĩnh lặng hoặc hòa tiếng cầu kinh với các tín hữu khác trong “Con đường Thập giá” của Chúa Giêsu, tôi thường lái xe từ Manila vào trại tỵ nạn Bataan để dừng lại  chiêm ngắm cây thánh giá lớn trên đỉnh núi Samat và sống lại những nỗi cực hình mà các tù binh Phi và Mỹ đã trải qua trong “Tử lộ Bataan”. Tôi không biết chính xác con đường thập giá của Chúa Giêsu dài bao nhiêu, nhưng ở Phi Luật Tân, vào những tháng cao điểm của mùa hè là tháng Ba hoặc tháng Tư, với cái nóng chảy mỡ, đi bộ trong tình trạng bị hành hạ, đánh đập và đói khát trên một đoạn đường dài cả trăm cây số quả là một con đường thập giá khủng khiếp!
Dọc theo con đường này, có lẽ chưa cảm nghiệm đủ nỗi đau và cơn hấp hối của các tù binh Phi và Mỹ chăng, trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh hằng năm, nhiều người Phi cũng “xuống đường”, kẻ vác thập giá trên vai, người dùng roi thiếc tua tủa  quất vào người cho đến khi máu chảy đầm đìa. Ở quốc gia hải đảo được xem là có đông tín hữu công giáo nhứt Á Châu này, Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh quả là một ngày “chết”. Tất cả mọi sinh hoạt đều ngừng lại: hàng quán đóng cửa, đường sá bình thường kẹt xe như mắc cửi đều trống trơn, người dân tránh ra đường, có người không chỉ kiêng thịt, mà còn kiêng cả tắm rửa nữa!  Nhưng phải về đến miền quê, nhứt là dọc theo “Tử lộ Bataan”, người ta mới thực sự nhìn thấy thế nào là “đường thập giá” đối với người dân Phi. Giữa cái nắng chang chang của mùa hè “đỏ lửa” theo đúng nghĩa, tôi không hiểu được tại sao có những người lại có thể  đi chân không vác thập giá xuyên qua một đoạn đường dài. Nhưng cảnh tượng làm cho tôi cảm thấy ái ngại nhứt vẫn là việc người ta dùng roi thiếc đánh vào người cho đến độ chảy máu lai láng để gọi là “hãm xác và đánh tội”. Và dĩ nhiên khủng khiếp, khó tưởng tượng và cũng khó chấp nhận hơn cả vẫn  là cảnh nhiều người, cũng tại một làng quê nằm dọc theo “Tử lộ Bataan”, tự nguyện chịu đóng đinh để được treo lên thập giá như Chúa Giêsu.
Đây là những cảnh tượng thu hút khách ngoại quốc. Hàng năm vẫn có nhiều người từ các nước đến Phi Luật Tân để xem những cảnh như thế. Không rõ có phải xuất phát từ Mễ Tây Cơ là cứ địa của các nhà truyền giáo Tây Ban Nha trước khi được gởi sang Phi Luật Tân không, các thực hành tôn giáo bình dân này đã ăn sâu vào văn hóa của người công giáo ở quốc gia hải đảo này. Ăn sâu đến độ mặc cho những cảnh cáo và cấm đoán của các nhà lãnh đạo tôn giáo, những thực hành tôn giáo “ngoài luồng” này vẫn sống mạnh trong tâm thức của người dân Phi, nhứt là người nghèo ở miền quê. Với những người dân quê nghèo này, mỗi Thứ Sáu Tuần Thánh hằng năm là dịp để đánh tội, vác thập giá và chịu đóng đinh với hy vọng được Thiên Chúa tha thứ và chúc lành hầu làm ăn thịnh đạt và thoát khỏi cảnh nghèo. Nhìn cảnh tượng này, tôi thấy “tội nghiệp” cho Thiên Chúa. Người ta vô tình tô vẽ cho Ngài bộ mặt của một người cha tàn nhẫn, vô nhân đạo, thích thú nhìn thấy con cái mình chịu khốn khổ rồi mới chịu rộng tay ban phúc lành!
Mỗi năm, đi lại “Tử lộ Bataan” của các binh sĩ Phi và Mỹ trong thời Đệ nhị Thế chiến, rồi nhìn cảnh “tự hành hạ” của người dân quê nghèo, tôi không thể không suy nghĩ về ý nghĩa của thập giá trong cuộc sống của chính mình. Thập giá là biểu tượng trọng tâm của Kitô Giáo. Ở đâu có Kitô Giáo, ở đó có thập giá. Thời nào cũng thế, các chế độ cấm đạo nào cũng đều tìm cách tiêu diệt thập giá. Ở đâu cũng vậy, muốn bắt một tín hữu Kitô chối đạo, người ta buộc họ phải chà đạp hay bước qua thập giá.
Chúa Giêsu đã vác thập giá và đã bị đóng đinh vào thập giá. Cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài được tuyên tín theo nhiều tín điều của Kitô Giáo và được các nhà thần học suy nghĩ và nhìn dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Nhưng trong suy nghĩ riêng của mình, tôi nhận thấy một điều: Chúa Giêsu không hề đi tìm thập giá và tự nguyện vác lấy thập giá để bị treo lên thập giá. Cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài là hồi kết tất yếu của cuộc đối đầu giữa Ngài và các nhà lãnh đạo Do Thái Giáo thời Ngài. Ngài chống lại thứ tôn giáo bày ra đủ mọi thứ luật lệ để trói buộc và giam hãm con người cũng như loại trừ những thành phần yếu kém ra bên lề xã hội. Đối lại với thứ tôn giáo chỉ có cấm kỵ ấy, Ngài xóa bỏ mọi hàng rào ngăn cách để đến gần và bày tỏ sự cảm thông với những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Ngài không thiết lập một tôn giáo, mà chỉ vạch ra một con đường. Đó là con đường của sự cảm thông. Ngài bị bắt phải vác thập giá và chịu treo lên thập giá vì con đường cảm thông ấy. Cốt lõi của “Đạo” như được Chúa Giêsu dạy và sống chính là sự cảm thông.
Về thập giá, Chúa Giêsu đã dạy: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá của mình và đi theo Ta” (Mt 16,4). “Vác lấy thập giá của mình”, nghĩa là thập giá đã có sẵn trong bản thân mỗi người. Chẳng có ai thoát khỏi thập giá cả. Giáo huấn của Chúa Giêsu xem ra chẳng khác gì lời dạy của Đức Phật: đời là bể khổ! Đã mang tiếng khóc vào đời là rước lấy nỗi khổ vào thân. Có nỗi khổ do hoàn cảnh và người khác gây ra cho mình đã đành mà cũng có vô số những nỗi khổ khác là do mình tự gây ra cho mình.

Khổ đau hay thập giá là một thực tại gắn liền với cuộc sống. Bên ngoài giáo đường hay các nghĩa trang, thỉnh thoảng dọc theo hai bên đường, tôi cũng bắt gặp một số thập giá. Phản ứng tự nhiên của tôi là phải lái xe cẩn thận và an toàn hơn. Đây là những thập giá được dựng lên tại những nơi xảy ra các tai nạn giao thông chết người. Xung quanh thập giá, người thân thường đặt một ít hoa. Thập giá được dựng lên để tưởng nhớ người chết và dĩ nhiên cũng để bày tỏ nỗi đau của người thân. Đó cũng là một lời cảnh cáo về bóng thập giá lúc nào cũng đang rình rập con người.
Ngày nay, tôi không còn dịp để đi lại “Tử lộ Bataan” và dĩ nhiên cũng chẳng có điều kiện để sang tận bên Trung Đông để nhìn thấy tận mắt con đường thập giá mà người dân Syria đã và đang đi qua hoặc nỗi khổ đau mới đây của các tín hữu Kitô tại Ai Cập hiện đang là mục tiêu của những vụ tấn công khủng bố của tổ chức “Quốc gia Hồi giáo”. Nhưng bên cạnh tôi, trước mắt tôi, xung quanh tôi, có ngày nào mà tôi không chứng kiến hoặc nghe nói đến thập giá và khổ đau của người đồng loại. Mỗi năm không chỉ có một “Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh” để đi lại con đường thập giá! Mỗi một ngày mới đến với tôi, dưới ánh nắng mặt trời, lúc nào cũng có bóng của thập giá. Thập giá luôn có mặt để không ngừng nhắc nhở tôi về sự cảm thông cần phải có đối với người đồng thoại. Trong một ý nghĩa nào đó, nếu thập giá có là con đường giải thoát là bởi vì khi bày tỏ sự cảm thông với người đồng loại tôi cũng cảm thấy thập giá và nỗi khổ đau của tôi được vơi đi. Bởi lẽ như thi sĩ Anh John Donne (1573-1631) đã nói: “Không ai là một hòn đảo, tự mình toàn vẹn trong chính mình...mỗi người là một mảnh của Đại lục...Cái chết của mỗi một người đều làm tôi bị mất mát đi, bởi vì tôi gắn liền với Nhân Loại. Và bởi thế, xin đừng bao giờ hỏi rằng chuông gọi hồn ai. Chuông gọi hồn anh đó!” (được nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc trích dẫn trong “Trịnh Công Sơn”, Ngôn ngữ và những Ám ảnh Nghệ thuật, Nhà xuất bản Trẻ, 2011, trg 20)











Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

“Chiếc bánh nhỏ, ý nghĩa lớn”



Chu Thập
17.09.13
Trong xã hội tiêu thụ, thương mại quyết định và nhắc nhớ về những ngày lễ truyền thống. Chính vì vậy mà có thỉnh thoảng “xuống phố” tôi mới biết có những ngày lễ đang được người ta chuẩn bị đón mừng. Chẳng hạn như cách đây hai tuần, nhân dịp đi dạo trong khu chợ Flemington mà một số người mình đã “việt hóa” thành “Lê Minh Tân”, tôi mới biết là sắp đến Tết Trung Thu. Số là khi đi ngang qua một tiệm thực phẩm Á Châu, tôi nghe một phụ nữ chào hàng: “mại dô, mại dô, bánh trung thu mua một tặng một”. Nghe giọng “tiếp thị”, tôi đoán chắc người đàn bà này chỉ có thể là người Hoa đã từng sinh sống tại Chợ Lớn mà thôi. Nhận ra người “đồng hương”, tôi liền xáp tới hỏi chuyện cho vui. Đoán được sự nghi ngờ của tôi, bà chị trấn an: “Mua đi, “Pánh” làm ở Hong Kong mà”. Tôi hiểu được ý chị muốn nói: “Làm ở Hong Kong chớ không phải ở Trung Quốc đâu”. Tôi định bồi một câu: “Hong Kong bên hông chợ lớn phải không?” Nhưng mới sáng sớm mà hỏi một câu xóc óc như vậy thế nào cũng bị chửi cho te tua, cho nên tôi hỏi sang chuyện khác. Bà chị nài nỉ cách mấy tôi cũng lắc đầu bỏ đi. Tội nghiệp cho người Quảng Đông ở Hong Kong. Vì trở thành một phần của Trung Quốc cho nên cũng bị tôi “ghét” lây.
Từ lâu tôi đã thiết lập rất “rạch ròi” một lằn ranh giữa thực phẩm từ Trung Quốc và các nước khác. Hễ cứ thấy nhãn hiệu “made in China” hay để đánh lận con đen “made in PRC” (People’s republic of China, tức Cộng hòa Nhân dân Trung  Quốc)  là tôi bỏ chạy. Ở cái nước làm giàu nhờ gian lận và giả dối này, thứ gì cũng có thể giả mạo hoặc chế biến với độc chất  gây bệnh hoạn chết người. Thịt heo, thịt bò thối rữa, phế thải hoặc chết trôi sông vẫn có thể “phục chế”, “tái sinh” bằng hóa chất. Một ly nước trong vắt, ướp lạnh, biết đâu lại chẳng được lấy từ một dòng sông có heo chết trôi đầy vi khuẩn độc hại. Rau cải, nấm trông tươi rói nhưng biết đâu đã chẳng được ngâm với chất formol. Có ai biết 10 phần trăm dầu ăn sử dụng ở Trung Quốc đã được chế biến từ những thực phẩm phế thải ở các tiệm ăn. Thịt heo nhiều nạc ít mỡ, cứ tưởng bở mua về, ai dè đó là thịt heo được bơm chất Clenbutero để cho heo có nhiều thịt, ít mỡ.  Có thực phẩm chế biến nào của Trung Quốc mà không chứa hóa chất độc hại. Cả thế giới đã phải một phen thất kinh hồn vía vì vụ sữa của trẻ con có pha chất Melamine.
Thực ra, sở dĩ tôi không mấy thiện cảm với quầy hàng bánh trung thu ở Flemington không phải vì tôi quơ đũa cả nắm đối với thực phẩm Trung Quốc và “Hong Kong bên hông Chợ Lớn” cho bằng vì trong ký ức của tuổi thơ, tôi không bao giờ liên kết bánh trung thu với Tết trung thu cả. Tôi có một tuổi thơ đẹp. Dưới thời cố tổng thống Ngô Đình Diệm, Việt cộng chưa quấy phá nhiều. Ban đêm chẳng bao giờ có giới nghiêm. Tết Trung Thu, trẻ nhỏ trong làng tôi cũng biết tự chế lồng đèn và cũng “rước đèn đi chơi” như ai. Nhưng riêng với cái đám lũ trẻ phá xóm phá làng trong cái xóm của tôi thì “rước đèn đi chơi” hay ê a hát xướng với Thằng Cuội ngồi gốc cây đa hoặc mơ tưởng chị Hằng là chuyện “con nít”. Chúng tôi chỉ thích làm những chuyện “động trời” như rủ nhau đi hái trộm trái cây của người ta hay đi bắn chim, săn chuột. Còn nếm được cái bánh trung thu có cái trứng “vít” (rùa biển) bên trong thì có khi phải đợi đến Tết Congo mới có. Dĩ nhiên, thỉnh thoảng đi buôn ở Sài Gòn mà trùng vào dịp Trung thu thì mẹ tôi cũng mang về vài cái bánh trung thu thứ thiệt “made in Chợ Lớn”. Nhưng nhà đông con, một cái bánh nhỏ chỉ bằng bàn tay mà chia cho 5,7 đứa thì vừa nhai xong đã quên hẳn hương vị Trung thu ngay. Cho nên tôi chẳng có kỷ niệm sâu sắc nào về Trung Thu cả. Đèn thì tôi chẳng bao giờ rước, mà bánh Trung thu thì nằm ở ngoài tầm tay với. Với tôi, Trung Thu là một đêm được tha hồ đi lêu lổng dưới ánh trăng ở một vùng chẳng bao giờ biết thế nào là mua thu lá bay hay có con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô nào cả.
Ngày nay, mỗi lần nhớ đến Tết Trung Thu, tôi nghĩ đến bốn chữ “truyền thống dân tộc” hơn. Tôi chẳng thấy có sử liệu nào nói về gốc tích của Tết Trung Thu ở Việt Nam cả. Bị Tàu đô hộ đến cả ngàn năm, Việt Nam có phải “tiếp thu” Tết Trung Thu của người Tàu thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Trong quyển “Nếp cũ, Tín ngưỡng Việt Nam”, tác giả Toan Ánh cho rằng “theo sách cổ thì Tết Trung Thu bắt đầu từ đời nhà Đường thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Năm đó, vào đêm khuya rằm tháng Tám, gió mát, trăng tròn thật đẹp, trong khi ngự chơi ngoài thành, nhà vua gặp một vị tiên giáng thế dưới lớp một ông lão đầu tóc bạc phơ. Vị tiên hóa phép tạo ra một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chạm mặt đất. Nhà vua trèo lên cầu vồng đi lên cung trăng và dạo chơi nơi cung Quảng. Trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng cho nên mới đặt ra Tết Trung Thu. Trong ngày Tết này, lúc đầu người ta chỉ uống rượu ngắm trăng, cho nên Tết này cũng được gọi là Tết trông trăng”.
Cũng theo tác giả Toan Ánh, “Tết Trung Thu trước kia là Tết của người lớn, nhưng đã dần dần biến thành Tết của nhi đồng với những cuộc vui trong ngày Tết và trong dịp này, người lớn đặc biệt săn sóc tới các trò chơi của trẻ em”.
Cách đây vài năm, có dịp về Việt nam đúng vào dịp trung thu sau hơn 30 năm xa cách, tôi tròn mắt vì thấy Trung thu ở Việt nam có thêm trò múa lân. Như vậy rõ ràng là người trong nước đang được nhà nước khuyến khích phát huy truyền thống “Tàu khựa”.
Dù có thù ghét mấy anh “Tàu Khựa” bá quyền đến đâu, chẳng ai trong chúng ta có thể phủ nhận rằng Tết Trung Thu mà ngày nay người Việt Nam chúng ta xem như một “truyền thống dân tộc” thực ra đã được du nhập từ Trung Hoa. Từ chiếc bánh Trung Thu cho đến những tập tục khác trong ngày Tết này, chúng ta đã “thừa hưởng” rất nhiều từ văn hóa Trung Hoa. Người Tây Phương cũng chẳng hơn gì chúng ta. Đế quốc La Mã, một mặt thì áp đặt sự cai trị lên Hy Lạp, mặt khác vẫn tiếp nhận tư tưởng và văn hóa Hy Lạp. Rồi kế đó, các nước Tây Phương lại được đế quốc La Mã khai hóa và truyền đạt văn minh La Hy cho họ. Văn hóa nào cũng bao gồm sự tiếp nhận, giao lưu và chuyển hóa. Hay thì bảo tồn và phát huy, xấu thì loại bỏ.
Một trong những điều tệ hại nhứt mà theo tôi, để mừng một cái Tết Trung Thu có ý nghĩa, người ta cần phải loại bỏ đó là sự lãng phí. Theo báo The Wall Street Journal, trong số ra ngày 10 tháng 9 vừa qua, sau Tết Trung Thu năm ngoái, người dân Hong Kong đã vứt bỏ gần hai triệu bánh Trung Thu. Theo tổ chức bảo vệ môi sinh “Green Power”, có lẽ năm nay một sự lãng phí như thế cũng sẽ được lập lại. Trong những năm gần đây, việc chế tạo bánh Trung Thu đã trở thành “Kẻ thù số một” của các nhóm bảo vệ môi sinh, bởi vì người ta phải sử dụng đến cả núi bao bì bằng Plastic để gói bánh Trung Thu. Bánh càng được gói bằng nhiều lớp Plastic và được cho vào những chiếc hộp thiếc mạ vàng thì càng đắt.
Cũng theo bài báo, tại Trung Quốc hiện có trên 10 ngàn xưởng làm bánh Trung Thu sản xuất trên 280 triệu tấn bánh mỗi năm. Dĩ nhiên, với một lượng bánh khổng lồ được sản xuất như thế, số bánh bị vứt bỏ sẽ cao hơn rất nhiều so với Hong Kong.
Có ai nhìn vào con số bánh Trung Thu bị vứt bỏ mỗi năm như thế mà không chạnh lòng nghĩ đến những trẻ em nghèo mà chỉ được cầm trên tay một chiếc bánh trung thu thôi cũng đã là một giấc mơ. Tết Trung Thu sẽ chẳng có ý nghĩa nếu bàn ăn của người này thì thừa mứa thức ăn còn cái bụng của nhiều người, nhứt là trẻ em tại những nước nghèo, vẫn còn trống rỗng ngay trong ngày được chính Liên Hiệp Quốc công bố như Tết Nhi Đồng. Cũng như Lễ Giáng Sinh ở các nước Tây Phương, Tết Trung Thu cũng là một ngày để chia sẻ.
Trên báo Tuổi Trẻ online, ngày 11 tháng 9 vừa qua, tôi đọc được một bài chia sẻ rất cảm động của một người Bỉ ký tên là Gilles.B. Cứ nhìn trong hình được đăng kèm bài viết mà đoán, thì Gilles là một thanh niên có lẽ đang làm việc thiện nguyện tại Việt Nam. Anh cho biết cách đây vài tuần anh có ghé vào một quầy bánh Trung Thu để mua một chiếc bánh nhân hạt sen với giá hơn 50 ngàn đồng Việt Nam. Anh mang chiếc bánh về khoe với một người bạn Việt Nam. Nhưng người bạn này không tỏ vẻ hài lòng lắm. Có lẽ vì nghĩ rằng anh mua hớ hoặc ăn bánh Trung Thu không đúng chỗ, đúng lúc cho nên cô mới mời anh về gia đình cô. Người thanh niên Bỉ chia sẻ: “Phải nói ăn bánh trung thu mà có ông bà, cha mẹ, anh chị xung quanh thì ấm áp hơn lủi thủi một mình như tôi. Cảm ơn người bạn mà Trung Thu năm nay tôi cảm thấy có ý nghĩa hơn. Không khí ấm áp với những câu chuyện về gia đình bên hộp bánh trung thu thật đặc biệt”, bởi vì theo anh, “người phương Tây chúng tôi thường không có nhiều cảm xúc về Trung Thu. Bởi đây là cái tết gắn liền với thiếu nhi, với thời thơ ấu mà khi nhỏ chúng tôi có được hưởng không khí cầm lồng đèn đi khắp xóm, hát vang bài hát trăng rằm hay giành giật nhau một miếng bánh nhỏ đâu!”
Về ý nghĩa của bánh Trung Thu, người thanh niên Bỉ này đưa ra nhận xét: “Đối với người Việt, bánh trung thu chứa đựng trong nó thật nhiều thứ. Bánh dùng tặng các em nhỏ vùng sâu vùng xa để thể hiện sự chia sẻ, tinh thần thiện nguyện. Người đi làm mua những loại bánh đắt tiền bạc triệu tặng bố mẹ ở quê để họ yên tâm rằng con mình đang làm ăn khấm khá. Cấp dưới tặng cấp trên những chiếc bánh để tỏ lòng quý mến và để được nhớ đến. Một người bạn Việt của tôi đã bày tỏ anh đem hộp bánh trung thu được biếu về nhà cho vợ con để khẳng định rằng mình có một vị thế nhất định trong xã hội, tuy nhà anh không ai thích ăn đồ ngọt. Chiếc bánh trung thu nhỏ nhắn sao mà chất chứa bao nhiêu ý nghĩa”.
Ở cái xứ Úc Đại Lợi “miệt dưới” này, cái gì cũng ngược đời. Người ta đã vào Thu thì mình lại bắt đầu mùa Xuân. Đang mùa xuân mà nói đến Trung Thu nghe trật lất. Nhưng có sao đâu. Miễn có bánh Trung Thu là có Tết Trung Thu. Và dĩ nhiên, một người như tôi ở tuổi thơ luôn mơ được cầm bánh Trung Thu và ngày nay vì sợ ngọt mà không dám đụng tới nó, vẫn có thể mừng Tết Trung Thu với mọi người. Nếu Tết Trung Thu là Tết của gặp gỡ và chia sẻ, nhứt là chia sẻ với những người thiếu thốn hơn mình, thì mỗi lần biết mở rộng bàn tay và hầu bao để san sớt cho những người đang cần được giúp đỡ, tôi nghĩ chẳng cần có Trung Thu hay tiết thu mình cũng vẫn mừng Tết Trung Thu được.
Nếu như “Truyền thống dân tộc” không phải là một tập tục mỗi năm được long trọng lập lại một lần, mà phải là cái hồn đang sống trong các sinh hoạt của một dân tộc, thì tinh thần chia sẻ, san sớt, trao ban của Tết Trung Thu hẳn phải luôn được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày của dân tộc đó.