Thứ Tư, 31 tháng 7, 2019

Giả như chúng ta có một tổng thống bình thường...



Frida Ghitis
Chu Văn chuyển ngữ

Ở vào một thời kỳ khác có lẽ sáng thứ Hai (19 tháng Bảy 2019) vừa qua, Tổng thống của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, vì chắc chắn là người có thể lôi kéo được sự chú ý của cả thế giới, đã cho mở một cuộc họp báo khẩn cấp và đưa ra một lời cảnh cáo mạnh mẽ rằng dùng bạo lực để đàn áp những người biểu tình ôn hòa là điều không thể chấp nhận được.
Cuối tuần vừa qua, những gì chúng ta thấy diễn ra tại Mạc Tư Khoa và Hương Cảng là những dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy một làn sóng những cuộc đàn áp tàn bạo hơn sắp diễn ra. Các chế độ tại Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh đã cảnh cáo rằng họ sẽ nghiền nát các phong trào ôn hòa của dân chúng. Hẳn đây là là một báo động cho Tổng thống Mỹ và đòi hỏi phải có một sự đáp trả khẩn cấp.
Thay vào đó, sáng thứ Hai vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã thức giấc chỉ để chuẩn bị thêm dầu vào chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc trên toàn nước Mỹ bằng cách bắn ra một loạt những thông điệp giận dữ chống lại những khuôn mặt nổi bật (trong cộng đồng) của người Mỹ gốc Phi Châu. Đây là chuyện quen thuộc của ông: mặc dù bị công chúng rộng rãi lên án, ông vẫn tiếp tục bắn ra những “tuýt” kỳ thị chủng tộc. Tổng thống Trump đang biến chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc thành một biểu hiệu riêng của ông; ông dành toàn thời giờ của ông để khích động những người da trắng kỳ thị chủng tộc và bứng Hoa Kỳ ra khỏi nền tảng đạo đức cao đẹp của nó.
Có lẽ đây không phải là chuyện ngẫu nhiên, mà diễn ra vào giữa lúc những người tranh đấu cho dân chủ cảm thấy cần được ủng hộ hơn bao giờ hết. Những người tranh đấu cho dân chủ có thể sử dụng một lời tuyên bố mạnh mẽ của Hoa Thịnh Đốn để nói với các nhà lãnh đạo tại Nga và Trung Cộng rằng thế giới đang theo dõi họ. Rằng hành động của họ có thể có hậu quả. Rằng ít nhứt chỗ đứng của họ trên trường thế giới đang chao đảo. Rằng dân chúng Mỹ đứng về phía những người đang đòi hỏi công lý.
Hãy xem những gì đã xảy ra tại Nga. Tại đây, những người tranh đấu cho dân chủ đang tranh đấu cho quyền được bỏ phiếu sau khi chính quyền ngang nhiên loại bỏ các ứng cử viên đối lập trong một cuộc bầu cử ở cấp thị xã. Mức ủng hộ dành cho Tổng thống Vladimir Putin đang tụt dốc, sự bất mãn của dân chúng đang gia tăng và những cuộc biểu tình phản đối rộng rãi nhứt kể từ nhiều năm nay đang diễn ra, ngay cả sau khi có luật không cho phép bất cứ một cuộc biểu tình nào.
Cuối tuần qua, cảnh sát cơ động đã được huy động hàng loạt để giải tán một cuộc biểu tình ôn hòa, bắt giữ cả ngàn người tại Mạc Tư Khoa.
Đáng lo ngại nhứt là những gì đã xảy ra cho lãnh tụ đối lập Alexei Navalry. Mạng sống của ông có thể tùy thuộc rất nhiều vào việc liệu thế giới có lên tiếng để nói rõ với với Điện Cẩm Linh rằng, nếu ông ta bị sát hại, sẽ có nhiều hậu quả.
Ông Navalry đã bị bắt giữ trước đó sau khi kêu gọi một cuộc biểu tình. Thế rồi bất thần, hôm Chủ Nhựt vừa qua (28 tháng Bảy 2019), ông được đưa vào bệnh viện với một chứng bệnh mà bệnh viện gọi là “dị ứng nặng”. Thật ra ông không hể có bất cứ dị ứng nào. Tin này khiến cho nhiều người nghĩ đến số phận của những người đã từng chỉ trích Điện Cẩm Linh. Gọi cho đúng tên sự việc, tất cả đều có những  vấn đề về hóa sinh học.
Hãy nhớ lại sự biến dạng khủng khiếp của cựu Tổng thống Ukraine,ông Viktor Yushchenko. Năm 2014, chính trị gia Ukraine này đã dám thách thức ứng cử viên được ông Putin ủng hộ. Ông thoát chết trong đường tơ kẽ tóc sau khi bị đầu độc bằng chất dioxin. Ông tin rằng chính Điện Cẩm Linh đã đứng đang sau cuộc mưu sát.
Điện Cẩm Linh đã từng bị tố cáo vì đầu độc những người chỉ trích ông Putin, ngay cả những người đã sống lưu vong như ông Alexander Litvinenko, người đã chết vì bị Putin ra lệnh đầu độc bằng chất phóng xạ Polonium như một cuộc điều tra của Anh Quốc đã tố cáo hay như ông Sergei Skripal và con gái của ông, cả hai đã bị đầu độc tại Salisbury, Anh. Chính quyền Anh đã tố cáo hai người đàn ông Nga thực hiện vụ đầu độc này khi cho biết họ thuộc tổ chức quân báo Nga. Hai người đàn ông này nói rằng họ chỉ là du khách đến viếng thăm Salisbury.
Một số  người khác vì chỉ trích Điện Cẩm Linh đã chết trong những cái chết bí ẩn. Ông Boris Nemtsov, một chính trị gia nổi tiếng đã từng chỉ trích ông Putin, đã bị bắn hạ ngay trước Điện Cẩm Linh. Ông Boris Berezovsky được cho là tự tử. Rất nhiều ký giả can đảm cũng như thế. Ủy ban Bảo vệ Ký giả tính có đến 28 ký giả Nga đã bị sát hại kể từ năm 2000, tức năm Putin lên cầm quyền.
Bác sĩ riêng của ông Navalry nói rằng ngược lại với lời khuyên của bà, bệnh nhân của bà đã bị chuyển từ bệnh viện sang nhà tù. Bà cho rằng ông đã bị đầu độc. Có thể là một lời cảnh cáo mà cũng có thể là một cuộc mưu sát. Bị đưa trở lại nhà tù hôm thứ Hai vừa qua, ông Navalry cho rằng ông đã bị đầu độc khi bị cảnh sát giam giữ.
Một lời cảnh cáo mạnh mẽ từ Hoa Thịnh Đốn có thể cứu ông và những người khác.
Một lời cảnh cáo gởi đến Bắc Kinh cũng khẩn cấp không kém. Trong nhiểu tuần lễ, dân chúng Hương Cảng đã tham gia nhiều cuộc biểu tình ôn hòa chống lại một chính quyền lẽ ra phải được độc lập đối với Trung Cộng theo đúng mô hình “một đất nước, hai chế độ” như đã được thỏa thuận khi Hương Cảng được Anh Quốc trao trả lại cho Trung Cộng.
Người dân Hương Cảng đã biểu tình để phản dối một dự luật cho phép dẫn độ về Trung Cộng là nơi mà hệ thống tư  pháp nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng Sản. Những cuộc biểu tình rộng lớn đã diễn ra với sự tham gia của hai triệu người trong một lãnh thổ với dân số chỉ có 7 triệu người. Điều này cho thấy sự bất tín nhiệm của dân chúng đối với Trung Cộng rộng lớn và mãnh liệt biết chừng nào!
Bắc Kinh ngày càng tỏ ra mất kiên nhẫn và để lộ những dấu hiệu đáng lo ngại. Hồi tuần trước, phát ngôn viên của quân đội Trung Cộng, ông Wu Qian đã đưa ra một lời cảnh cáo đe dọa rằng các lực lượng quân sự của Trung Cộng sẽ được nhanh chóng đưa tới Hương Cảng nếu chính quyền tại đây yêu cầu. Ông cũng mô tả những cuộc biểu tình theo một giọng điệu rõ ràng cho thấy Bắc Kinh đang mất kiên nhẫn. Ông Wu nói rằng cung cách của những người biểu tình là điều không thể chấp nhận được.
Ông Wu tuyên bố như trên vào hôm thứ Tư. Sang ngày Chủ Nhựt, cảnh sát  cơ động  Hương Cảng đã mở một cuộc tấn công tàn bạo vào những người biểu tình. Có mặt trong cuộc bạo động hỗn loạn, thông tín viên Anna Coren của Đài CNN đã hoảng hốt lo sợ thấy rõ. Bà nói: những người biểu tình đã tỏ ra hoàn toàn ôn hòa.
Sang ngày thứ Hai, Trung Cộng đã đưa ra một cảnh cáo nặng lời nhứt khi tố cáo rằng những người biểu tình đòi dân chủ đang phạm “tội ác”.
Ai mà chẳng rùng mình lo sợ khi nghĩ đến những gì sẽ xảy ra với bàn bay của một chế độ đã từng tàn sát những người biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn cách đây 30 năm.
Khi những chiếc xe tăng càn quét tại Thiên An Môn, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George H.W. Bush đã tức khắc công khai lên án chế độ (Trung Cộng), các tổng thống Mỹ khác cũng đã từng lên tiếng mạnh mẽ và dứt khoát chống lại cuộc đàn áp.
Dĩ nhiên, Hoa Kỳ đã nhiều lần thất bại và lịch sử nước này còn lâu mới không có vết nhơ, nhưng những lời đáng tin cậy của một tổng thống Mỹ vẫn có thể giúp vẽ ra những làn ranh đạo đức. Những lời như thế có thể hay cũng không thể làm suy suyển được một bạo chúa. Những lời như thế có thể hay cũng không thể ngăn chặn được một cuộc tàn sát. Nhưng ít ra chúng vẫn có thể giúp phân biệt được một hành vi chính đáng và một hành vi không chính đáng trong thời đại chúng ta. Ngay cả khi những lời như thế không thể chận đứng được một tai họa sắp xảy ra, chúng vẫn có thể khiến cho một bạo chúa khác phải suy nghĩ khi đứng nhìn từ xa.
Không gì thảm hại bằng cho Hoa Kỳ và thế giới khi Hoa Thịnh Đốn ngày nay đang được thống trị bởi một tổng thống nghĩ rằng không gì quan trọng bằng sự nghiệp của mình và tin rằng khích động hận thù kỳ thị chủng tộc trong nước là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của quốc gia.

(Frida Ghitis https://edition.cnn.com/2019/07/29/opinions/if-we-had-a-normal-us-president-russia-china-ghitis/index.html)



Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

Nhìn từ mặt trăng



Chu Thập
23/7/19
Tôi ít đi du lịch nước ngoài. Bù lại tôi thích đi loanh quanh trên Úc Đại Lợi hơn. Có bỏ nguyên một năm cũng không đủ để thăm thú hết những danh lam thắng cảnh của đất nước “miệt dưới” này. Chỉ tiếc một điều: cảnh rừng của Úc Đại Lợi quá độc điệu! Đi đâu cũng chỉ thấy toàn rừng tràm (gumtree). Mùa thu, muốn xem lá vàng rơi phải lên tận thủ đô Canberra. Thỉnh thoảng đó đây cũng lác đác vài cụm rừng nhiệt đới (rain forest) may mắn còn sót lại sau những cuộc khai hoang vô tội vạ trước đây. Nay chỉ để “làm cảnh”mà thôi. Một tên nhà quê như tôi, vốn sinh ra và lớn lên giữa núi rừng trùng điệp của miền Trung, cứ mỗi lần nhìn cây xanh là mơ được sống giữa đủ chủng loại cây cối. Sự đa dạng của thực vật nói chung dễ gợi lên cho tôi những quan hệ hài hòa giữa người với người.
Thật vậy, thiên nhiên nói chung dạy cho tôi rất nhiều điều về giá trị của sự đa dạng. Sự đa dạng của thiên nhiên tạo sức mạnh và giúp cho vạn vật được tồn tại. Chẳng hạn, trong một ngôi vườn hay một công viên chỉ độc có một loài cây thì khi xảy ra bệnh tật, tất cả đều lây bệnh. Trái lại nhiều loại cây được trồng bên nhau sẽ giúp giữ được cân bằng sinh thái nhờ đó một số có thể chiến đấu để chống lại bệnh tật.
Trong ngôi vườn đàng sau nhà mà tôi thường khoe với bạn bè như một “quê hương bỏ túi”, bên cạnh các thứ cây và rau xanh của ôn đới, tôi cũng trồng gần như đủ các loại cây và rau xanh của  nhiệt đới. Mùa nào thức ấy đã đành, sự đa dạng của cây trái, hoa quả và côn trùng bảo đảm được sức khỏe cho cây trái.
Giữa cây cối và thú vật, sự đa dạng càng lớn thì bệnh tật càng ít. Sự đa dạng của thực vật và động vật cũng góp phần gia tăng sức khỏe của con người. Ngày nay hầu như nhà dinh dưỡng học nào cũng cho tôi biết rằng một cách ăn uống cân bằng, nghĩa là có một thực đơn đa dạng, giúp cho con người sống khỏe mạnh hơn.
Giá trị của sự đa dạng trong thế giới thực vật và động vật dĩ nhiên cũng được áp dụng cho chính con người. Các cuộc nghiên cứu về những cuộc hôn phối giữa các gia đình và dòng họ vua chúa ngày xưa, vốn nhằm mục đích bảo tồn sự tinh ròng của dòng giống vương giả, cho thấy tử xuất cao vì đủ thứ bệnh tật cũng như những hỗn loạn vì di truyền. Trái lại, sự pha trộn giữa nhiều dòng máu khác nhau luôn tạo ra được những thế hệ khỏe mạnh và ít bệnh tật hơn.
Giá trị của sự đa dạng không chỉ giới hạn trong thế giới thực động vật và sức khỏe của con người. Về mặt văn hóa, sự đa dạng lúc nào cũng được xem là một sự phong phú cần thiết cho cuộc sống xã hội. Khi tôi gặp gỡ hoặc sống và làm việc với những người không cùng màu da và văn hóa với tôi, tôi tiếp thu được nhiều tư tưởng và những cách suy nghĩ mới. Va chạm với những người không có cùng văn hóa, tôn giáo và cách suy nghĩ như tôi, tôi bị buộc phải nhìn lại những giá trị và niềm tin vốn lâu nay đặt tôi vào thế độc tôn và cho rằng chỉ có mình tôi mới nắm được chân lý!
Nói cho cùng, sự đa dạng tô điểm và làm cho cuộc sống của tôi thêm phong phú hơn. Ngày nay thế giới đã trở thành một ngôi làng nhỏ trong đó mọi người đều hưởng thụ được quà tặng mà sự đa dạng văn hóa đã mang lại. Quả thật sự bùng nổ văn hóa đã mang lại cho thế giới rất nhiều món quà. Cocoa đến từ dân tộc Maya bên Mễ Tây Cơ, cà phê xuất xứ từ Ethiopia ở Phi Châu, rượu đã được phát minh tại Trung Hoa từ cả 7000 năm nay, đường lần đầu tiên được phát triển tại Ấn Độ từ hàng ngàn năm qua và dĩ nhiên, những thức ăn như bắp, khoai tây, cà chua, hạt tiêu, vanilla, si rô...đến từ những người thổ dân ở Bắc Mỹ. Còn nếu nói về niềm tin tôn giáo, thì hẳn tôi phải mang nợ rất nhiều với những truyền thống tôn giáo lâu đời từ mọi lục địa!
Sự đa dạng giúp tôi mở mắt lớn hơn để nhìn vào nhân loại như một gia đình, một thực thể duy nhứt trong đó, dù có khác biệt đến đâu, mỗi người đều là một thành viên.
Ý tưởng trên đây được gợi lên cho tôi khi nhìn lại bước chân đầu tiên của con người trên mặt trăng cách đây đúng 50 năm. Ngày 20 tháng Bảy năm 1969, khi phi hành gia Neil Armstrong trở thành người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, tôi đã ở tuổi 20, tuổi đã biết suy nghĩ và bị dằn vặt về những vấn đề lớn như tình hình đất nước, như chiến tranh và hòa bình. Cũng như mọi người dân Miền Nam, tôi mừng vì xem biến cố này như một chiến thắng của thế giới tự do trước hiểm họa cộng sản. Thật vậy, năm 1957, thế giới tự do đã run sợ trước sức mạnh của Liên Xô khi đế quốc đỏ này thành công trong việc phóng vệ tinh Sputnik vào không gian. Bốn năm sau đó, để chứng tỏ cho  thế giới thấy sức mạnh của Hoa Kỳ, Tổng thống Kennedy loan báo rằng vào cuối thập niên 1960, Hoa Kỳ sẽ đưa con người lên mặt trăng.
Dĩ nhiên, vấn đề đầu tiên vẫn là “tiền đâu”. Tổng thống Kennedy và người kế vị ông là Tổng thống Johnson đã yêu cầu Quốc hội chuẩn y một ngân sách lên đến 28 tỷ Mỹ kim (tương đương với 169 tỷ hiện nay). Đây là thời kỳ được xem là cao điểm của điều người Mỹ thường gọi là “Chiến tranh Việt Nam”.  Ngoài các phong trào như quyền dân sự, nữ quyền, Chiến tranh Việt Nam đã tạo ra nhiều rạn nứt sâu đậm trong xã hội Mỹ. Vậy mà đứng trước hiểm họa của Liên Xô và được kích thích bởi lòng tự hào dân tộc, mọi người đã đoàn kết với nhau để đáp lại lời kêu gọi của hai vị tổng thống thuộc Đảng Dân Chủ. Quốc gia, vốn được mệnh danh là “hiệp chủng quốc” và thường được biểu trưng qua một khẩu hiệu bằng tiếng La Tinh “E pluribus unum”, nghĩa là “thống nhứt từ nhiều dị biệt”, đã bày tỏ sự đoàn kết trong chương trình đưa người lên cung trăng.
Thống nhứt trong dị biệt, người Mỹ đã thể hiện được một sự thống nhứt như thế trong chương trình đưa người lên cung trăng. Nhưng tổng thống lúc bấy giờ là Richard Nixon, thuộc Đảng Cộng Hòa, đã vượt ra khỏi biên giới Mỹ để có một cái nhìn sâu xa hơn. Sau khi các phi hành gia của phi thuyền Apollo 11 đã hoàn thành sứ mệnh và trở về trái đất, ông đã gọi điện thoại chúc mừng họ và nói một câu để đời: “Tất cả mọi dân tộc trên thế giới này đều thực sự là Một” (all the people of this world are truly one).
Tôi xem đó như câu nói có ý nghĩa nhứt trong biến cố lịch sử ngày 20 tháng Bảy năm 1969. Cuộc đổ bộ của các phi hành gia Mỹ lên  mặt trăng không chỉ là thành tựu riêng của người Mỹ hay của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, mà là của Con người nói chung. Chúng ta có lý để nói: Con người đã đặt chân lên cung trăng!
Từ cung trăng nhìn xuống, người ta chỉ thấy một nhân loại duy nhứt, dù có khác màu da, chủng tộc, văn hóa, tôn giáo hay bất cứ một thứ dị biệt nào. Mỗi người đều mang trong mình toàn thể nhân loại. Thành tựu nào của một người cũng là thành tựu của cả nhân loại. Và dĩ nhiên bất cứ một hành động tội ác nào xúc phạm đến một người cũng là tội ác chống lại nhân loại.
Suy nghĩ như thế cho nên tôi cũng cảm thấy đủ mạnh miệng để nói rằng kỳ thị chủng tộc chống lại một nhóm người hay chỉ một người vì màu da, chủng tộc, văn hóa, tôn giáo của người đó cũng đủ là một tội ác chống lại toàn thể nhân loại.
Suy nghĩ như thế cho nên tôi cũng cho rằng sức mạnh và sự vĩ đại đích thực của con người không nằm trong tài năng, sự giàu có, địa vĩ xã hội hay thái độ hung hăng, gây hấn của họ, mà hệ tại ở thái độ khoan nhượng, bao dung của họ trước sự đa dạng và dị biệt của mọi người trong xã hội loài người.



Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2019

Tư cách của nhà lãnh đạo: quan trọng hay không quan trọng?



Saul Levine M.D
Chu Văn chuyển ngữ
Bạn có nghĩ rằng, không bàn đến các chính sách, nhà lãnh đạo của một nước dân chủ có cần phải là một người có tư cách, một công dân chính trực không?
Nhà lãnh đạo có cần phải là một người có đạo đức, đáng trọng nể, có hiểu biết và là một mẫu mực mà giới trẻ và cha mẹ của họ muốn mô phỏng không? Họ có nên là người phải cam kết phục vụ xứ sở và công dân của xứ sở đó hơn là chính họ không?
Trong một thế giới lý tưởng, tôi mong ước được trả lời “nên” cho những câu hỏi trên đây. Một số người sẽ nghĩ ràng tôi đang mơ một điều không thể có được và họ có lý, bởi vì trong thế giới thực hữu, thật khó mà tìm được những nhà lãnh đạo chính trị có được  những đức tính trên đây.
Suy nghĩ sâu xa hơn, chúng ta biết rằng một người mẫu mực không đương nhiên có những khả năng phi thường của một nhà lãnh đạo và một nhà lãnh đạo được dân bầu lên, tuy là một tên bịp bợm thiếu tư cách, vẫn có thể làm được một số thành tựu tích cực cho xứ sở của mình.
Khi bộ mặt thật của những nhân vật nổi tiếng và những người được ngưỡng mộ được phơi bày, (tiếng tăm của) họ bất thần đi xuống. Trong nhiều ngành nghề như thể thao, giải trí và kinh doanh, những hành động bất chính hay sai trái, thường là về tình dục, ma túy, bạo hành hay gian lận, diễn ra trước mắt công chúng. Một khi những hành động như thế được phơi bày thì đương nhiên khó tránh khỏi búa rìu của dư luận, sự săm soi của truyền thông hay tiêu tan sự nghiệp. Sự kết án của công luận cũng có thể dẫn đến ngay cả sự buộc tội trong tòa án.
Tôi không bào chữa cho những lỗi lầm cá nhân hay hành vi tồi tệ của họ (những người nổi tiếng) và nếu có tội họ cần phải bị trừng phạt. Nhưng sự thật là họ đã chỉ cam kết thi thố tài năng phi thường của họ qua sự khéo léo, qua nghệ thuật, thể thao hay khả năng chuyên môn của họ mà thôi. Họ đã phục vụ cho nhu cầu về “ngôi sao” của chúng ta và họ đã giúp vui hoặc có lẽ truyền cảm hứng cho chúng ta. Đáp lại,chúng ta tôn thờ họ vì những thành công vượt bậc của họ.
Tuy nhiên, họ (những người nổi tiếng) không hề cam kết trở thành những công dân lương thiện và mẫu mực về đạo đức vốn được chúng ta đòi hỏi phải có. Đây là một trong những lý do tại sao chúng ta thất vọng và bất thần chê bai họ vì họ không đạt được điều đó.
Nhưng các vị dân cử và các nhà  lãnh đạo chính trị thuộc về một phạm trù khác và xét về tư cách họ cần phải được đánh giá theo một tiêu chuẩn cao hơn. Thật vậy, họ đã cam kết như thế. Thi hành công vụ cũng bao hàm cả những trách nhiệm về công dân và lãnh đạo. Công dân chờ đợi các lãnh đạo phải tỏ ra xứng đáng với sự tôn trọng của họ, phải biết tự trọng và tỏ ra mình là những con người đáng tin tưởng và có tư cách.
Điều được nhiều người mong muốn trên đây không phải là một vấn đề đảng phái, bởi vì bất luận cánh hữu hay cánh tả, lãnh đạo bên nào cũng có những sai trái.
Hầu hết những phê bình chỉ trích về Tổng thống Trump đều nhắm tới những lời thóa mạ và những hành xử thiếu tư cách của ông. (Tôi không bàn đến các chính sách hay sức khỏe tâm lý của ông, cả hai vấn đề đang được thảo luận rộng rãi trên các phương tiện truyền thông). Những cách ứng xử trên đây được phơi bày lồ lộ 24 giờ một ngày và 7 ngày một tuần qua những lần xuất hiện trước công chúng, các bài diễn văn, các cuộc phỏng vấn, các cử chỉ và dĩ nhiên các “tuýt” của ông.
Ông đã từng nói đến thành tích sàm sỡ của ông đối với phụ nữ và miệt thị ngoại diện cũng như khả năng của họ. Ông đã nhục mạ các đối thủ chính trị và xuyên tạc về các sự kiện và thành quả. Ông bày tỏ cảm tình với những người kỳ thị chủng tộc và những người tân Đức Quốc Xã có chủ trương bạo động, ông chế nhạo một ký giả tàn tật và thóa mạ thân phụ của một tử sĩ.
Ông cổ võ bạo động để chống lại các phương tiện truyền thông và những ký giả nào dám ngắt lời ông. Ông đề cao dân tộc chủ nghĩa và dân túy. Ông xem thường những bài học về lịch sử, ngoại giao và khoa học.
Vậy mà ông vẫn bình chân như vại và được sự ủng hộ của đám đông nòng cốt là những người sùng mộ những cuộc độc thoại độc tài của ông. Càng nghe nói đến những hành động sai trái của ông và việc ông thích thú miệt thị những “kẻ thù” của ông, họ càng được ông thu hút.
Dù hữu khuynh hay tả khuynh, gây hấn là một thái độ thường tình của các nhà lãnh đạo trong nhiều chế độ. Chúng ta hiện đang chứng kiến một sự phẫn nộ như thế của một số nhà  độc tài dân túy đang cầm quyền hoặc đang lăm le muốn lên cầm quyền tại nhiều nước khác. Các nhà độc tài đương nhiên làm dấy lên những dư luận  tương phản nhau, người ủng hộ thì ca ngợi, kẻ chống đối thì phê bình chỉ trích.
Khi theo dõi cùng một sự kiện trên các phương tiện truyền thông, phản ứng của dân chúng rất khác nhau, tùy theo họ ủng hộ hay chống đối nhà lãnh đạo. Quan sát cùng một băng hình, nhưng họ có những ý kiến rất đối nghịch nhau về điều họ chứng kiến. Cuốn phim cổ điển Rashomon, do đạo diễn lừng danh Akira Kurosawa thực hiện, chứng minh một cách rõ ràng rằng cùng tham gia vào một sự kiện, nhưng dân chúng lại tường thuật khác nhau về điều họ đã trải nghiệm.
Nhận thức là điều có thể bị lèo lái và niềm tin mãnh liệt có thể khiến người ta chối bỏ những sự kiện tỏ tường. Cuộc nghiên cứu của tôi về những tín đồ thuần thành của các giáo phái cho thấy sự tôn sùng một lãnh tụ có tài mê hoặc có thể bóp méo nhận thức,  lung lạc sự hiểu biết và đánh lừa cảm xúc. Không phải hoàn toàn do ngẫu nhiên mà các lãnh tụ các giáo phái và các lãnh đạo mỵ dân đều thu hút được những người bất mãn với cuộc sống của họ và đang tìm kiếm giải đáp cho cuộc sống của họ.
Sống giữa những người giàu có huênh hoang, nhưng lại bị đè bẹp dưới sức nặng của những khó khăn tài chính, cảm thấy bất ổn trước những thay đổi nhanh chóng về kỹ thuật và xã hội, dân chúng cảm thấy thất vọng. Không thấy có hy vọng trước mắt, viễn ảnh ngày càng tồi tệ hơn cho nên dân chúng cảm thấy xuống tinh thần, chán nản và thất vọng.
Họ đặc biệt trở thành dễ tổn thương khi nghe những lời đường mật của một nhà lãnh đạo có sức thu hút đang bày tỏ sự cảm thông sâu xa và nói lên được nỗi khốn khổ và sự phẫn nộ của họ. Nhà lãnh đạo đó thu tóm được nguồn năng lực phát sinh từ sự thất vọng của họ và đáp trả lại một cách đầy thuyết phục.
Nhà lãnh đạo đầy ma lực thuyết phục cử tọa của mình rằng ông ta hay bà ta hoàn toàn hiểu được những quan tâm của họ và chia sẻ những “bức xúc” và cơn thịnh nộ của họ. Nhà lãnh đạo đó luôn miệng quở trách “những người khác” trong nước cũng như nước ngoài vì gây ra đau khổ cho họ và cam kết sẽ trừng phạt hay trục xuất những người đó. Nhà lãnh đạo đó hứa hẹn sẽ lãnh đạo những người đi theo mình trên một con đường tươi sáng dẫn đến một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn cho mọi người.
Những lời hứa hẹn này chẳng khác nào “bánh Manna từ trời rơi xuống” (chú thích của người dịch: lang thang trong sa mạc 40 năm trước khi vào Đất Hứa, dân Do thái đã sống còn nhờ một loại “bánh” từ trời rơi xuống mà họ đặt tên là Manna) hay những món quà vô cùng hào sảng mà chỉ có một nhà lãnh đạo có viễn kiến mới có thể trao tặng cho họ.
Giờ đây tôi xin được hỏi bạn: những đức tính nào của một nhà lãnh đạo có sức thu hút những công dân rất bất mãn và bị đe dọa: Chính trực-Nhã nhặn-Lý trí-Từ tâm hay Giận dữ-Hung hăng-Độc tài-Kỳ thị?
Và với riêng cá nhân bạn: mẫu người lãnh đạo nào là quan trọng đối với bạn và con cái bạn?


Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019

Làm người có văn hóa!


Chu Thập
Có những hình ảnh khiến khó có thể cầm được nước mắt khi nhìn vào. Đặc biệt những hình ảnh liên quan đến thảm cảnh của người tỵ nạn. Như hình ảnh của một đứa bé Syria bị chết đuối và trôi dạt vào một bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ dạo tháng Chín năm 2015. Mới đây, một hình ảnh tương tự có lẽ cũng đã làm cho cả thế giới phải rơi lệ: tấm ảnh do phóng viên Julia Le Duc chụp được và được báo Mễ La Jornada phổ biến cho thấy thi thể của một người đàn ông và đứa con gái 23 tháng tuổi của ông nằm úp mặt xuống nước bên cạnh bờ sông Rio Grande khi hai cha con tìm cách vượt biên giới Mễ Tây Cơ để vào đất Mỹ. Trong bức ảnh, người ta thấy một tay đứa bé gái choàng qua cổ người cha gốc El Salvador và đầu em giấu chặt trong chiếc áo thun của cha em.
Tuy không khiến phải rơi lệ, nhưng hình ảnh của những chú chim con phải chết vì tình trạng ô nhiễm do loài người gây ra cũng tạo ra nhiều xúc cảm sâu xa. Dạo cuối tháng Sáu vừa qua, nhiếp ảnh viên Karen Mason, một thiện nguyện viên thuộc tổ chức bảo vệ chim có tên là Audubon Society, đã chụp được một tấm ảnh khá cảm động khi đi dạo dọc theo một bờ biển ở phía Tây thành phố Tampa, Tiểu bang Florida Hoa Kỳ. Trong bức ảnh người ta thấy một con chim hải âu đen mẹ đang mớm mồi cho một chú chim con và miếng mồi đó là một mẩu tàn thuốc lá dài vứt trên bờ biển. Kèm theo tấm ảnh được cho phổ biến trên các trang mạng xã hội, nhiếp ảnh viên Mason đưa ra lời kêu gọi: “Nếu có hút thuốc, xin bạn vui lòng đừng bỏ lại tàn thuốc”.
Ai cũng biết hút thuốc có hại cho sức khỏe của chính người hút thuốc cũng như những người xung quanh. Tàn thuốc lá cũng là một trong những yếu tố gây ô nhiễm cho đại dương. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 5.6 ngàn tỷ tàn thuốc lá được vứt bỏ một cách vô tội vạ. Một phần rất lớn những tàn thuốc lá này được tuôn vào các dòng hải lưu. Được làm bằng chất nhựa, phải mất nhiều thập niên, tàn thuốc lá mới bị phân hủy trong môi trường. Theo Liên Hiệp Quốc, hiện có trên 100 triệu tấn phế thải bằng nhựa đang lênh bênh giữa đại dương.
Cũng như những tấm ảnh của người tỵ nạn chết đuối trên đây đã khiến cho nhiều người không cầm được nước mắt, bức ảnh của chú chim con ngậm tàn thuốc lá cũng gây được một ý thức mạnh nơi nhiều người về việc bảo vệ môi sinh. Dạo tháng Năm vừa qua, do áp lực của quần chúng, trên 180 nước đã đồng ý tu chính Công ước  Basel nhằm giảm thiểu lượng phế thải bằng nhựa được tuôn xuống đại dương. Chỉ có một ít nước, trong đó có quốc gia “vĩ đại” Hoa Kỳ của Tổng thống Donald Trump, từ chối tham gia vào Công ước.
Bức ảnh của chú chim con ngậm tàn thuốc lá trên đây tại Hoa Kỳ không khỏi khiến tôi liên tưởng đến một hình ảnh khác cũng liên quan đến việc bảo vệ môi sinh: đó là hình ảnh của đám đông tham dự đại nhạc hội Glastonbury, Anh Quốc hôm cuối tháng Sáu vừa qua. Đáp lại lời kêu gọi của ban tổ chức, năm nay những người tham dự đại nhạc hội đã cương quyết không đụng tới bất cứ thứ nước nào được chứa đựng trong các chai nhựa. Được biết trong 2 năm trước đây, đã có trên một triệu chai nước lạnh, nước ngọt và bia rượu được bán tại đại nhạc hội.
Được mời đến nói chuyện tại đại nhạc hội, Sir David Attenborough, 93 tuổi, nhà làm phim truyền hình nổi tiếng về thiên nhiên, đã ca ngợi đám đông tham dự đại nhạc hội. Ông nói: “Cám ơn các bạn đã không sử dụng hơn một triệu chai nước tại Glastonbury”.
Theo ước tính, trên toàn thế giới, cứ mỗi phút có khoảng một triệu chai bằng nhựa được bán ra. Con số này có thể tăng thêm 20 phần trăm vào năm 2021. Với lượng chai nhựa được tiêu thụ như thế, các tổ chức bảo vệ môi sinh cho rằng chất nhựa đang tạo nên một cuộc khủng hoảng môi sinh không kém gì khí hậu thay đổi. Trong năm 2016, trên toàn thế giới, đã có trên 480 tỷ chai chứa nước uống được bán ra. So với một thập niên trước, con số này tăng thêm 300 tỷ. Như vậy đến năm 2021, con số này có thể lên đến trên 583 tỷ. Hầu hết các chai nhựa được sử dụng cho nước ngọt và nước lã được làm bằng chất Polyethylene terephthalate hay gọi tắt là PET. Chất này vốn rất dễ tái sinh. Tuy nhiên, việc thu nhặt và tái sinh chai nhựa để giảm thiểu việc gây ô nhiễm đại dương, đã không đáp ứng kịp với đà tiêu thụ ngày càng gia tăng trên toàn thế giới.
Là một trong 5 nước thải ra nhiều chất nhựa nhứt trên thế giới, Việt Nam hẳn đã và đang góp phần rất lớn vào việc gây ô nhiễm cho đại dương. Trung bình mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1.8 triệu tấn chất nhựa. Theo ước tính, trong năm 2015, mỗi một người Việt Nam thải ra 41 ký chất nhựa. Con số này ngày càng tăng chớ không giảm.
Nhưng xem chừng Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quan tâm đến nhiều chuyện khác hơn là giảm thiểu lượng phế thải bằng nhựa đang được tuôn xuống đại dương. Có lẽ người ta quan tâm đến chuyện “văn hóa” hơn. Thay vì kêu gọi dân chúng bớt uống nước ngọt để đề phòng bệnh béo phì dẫn đến đủ thứ bệnh khác và giảm thiếu việc sử dụng chai hay lon nhựa để tránh gây ô nhiễm cho môi trường, nhứt là đại dương, người đứng đầu một cơ quan gọi là Cục Trưởng Cục Văn Hóa là bà  Ninh Thị Thu Hương lại phản đối một câu quảng cáo có chữ “Lon” của hãng Coca Cola. Không biết câu quảng cáo “Mở lon Việt Nam” có phạm thuần phong mỹ tục không, chớ lời bàn của người đứng đầu một “Cục” quan trọng như bà Hương nghe khiếp quá. Bà cho rằng chữ “Lon” không có trong tiếng Việt và nếu bị gắn thêm râu ria, mũ mão, nó sẽ gợi lên nhiều ẩn ý “phản cảm”, thiếu thẩm mỹ. Tôi tự hỏi: sao bà Hương chẳng thấy rằng chữ “Cục” của cơ quan mà bà đứng đầu có “thẩm mỹ” hơn chữ “Lon” chút nào đâu?
Có lẽ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quá bị ám ảnh về hai chữ “văn hóa”. Có nguyên một “Cục” để lo về chuyện “văn hóa” của người dân! Chưa bao giờ và cũng chẳng có ở đâu người ta sử dụng từ “văn hóa” cho bằng ở Việt Nam. Từ thôn, ấp, làng xã “văn hóa” đến đủ thứ “văn hóa”: văn hóa ẩm thực, văn hóa giao thông, văn hóa chửi...Cứ mở miệng ra là “văn hóa”!
Lúc nhỏ, tôi thường nghe người lớn phân chia 2 loại người: có văn hóa và thiếu văn hóa. Có văn hóa là có học, có kiến thức, có hiểu biết. Thiếu văn hóa là quê mùa, dốt nát. Tội nghiệp mấy bác nông dân trong làng tôi. Họ bị xếp vào loại thiếu văn hóa.
Ngày nay, tôi hiểu “có văn hóa” và “thiếu văn hóa” theo một ý nghĩa khác. Từ “cultivé” trong tiếng Pháp mà tôi học được thời trung học gợi lên cho tôi sự “trau dồi”: trau dồi không những về kiến thức, mà còn cả về đức hạnh. Với tôi, người “có văn hóa” không hẳn là người học rộng hiểu nhiều, mà là người biết sống tử tế, biết quan tâm đến người khác. Nói cho cùng, người “có văn hóa” là người luôn biết cố gắng sống cho ra người. Theo ý nghĩa đó, tôi cho rằng tất cả những ai đang quan tâm đến việc bảo vệ môi sinh, tức quan tâm đến sự sống của trái đất, của mọi sinh vật đang sống trên trái đất, của mọi thế hệ sinh vật sẽ sống trên trái đất...đó mới  là mẫu người thực sự “có văn hóa” của thời đại!

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2019

Ngoại giao bằng đồng Mỹ kim


John Walcott
Chu Thập chuyển ngữ
                                                                                      
Các viên chức quan thuế và biên phòng cho biết trong tháng Năm vừa qua đã có khoảng 144.000 người vượt qua biên giới Mỹ ở phía Nam. Đây là con số cao nhứt tính từ 13 năm qua. Tổng thống Donald Trump đã đáp trả bẳng một lời đe dọa có thể khiến cho những người đang cố gắng chận đứng làn sóng (nhập cư lậu) phải ngạc nhiên. Thật vậy, hôm 30 tháng Năm vừa qua, ông tuyên bố tăng thuế lên mọi hàng hóa nhập cảng từ Mễ Tây Cơ; từ trái bơ đến xe hơi, mọi thứ đều cứ mỗi tháng phải chịu thêm 5 phần trăm thuế cho đến lúc lên đến mức tối đa là 25 phần trăm, nếu Mễ Tây Cơ không chịu chận đứng làn sóng  nhập cư lậu.
Hiểu một cách đúng đắn, di dân không phải là một vấn đề mậu dịch và lời đe dọa (trên đây của tổng thống Trump) cho thấy rõ hơn chính sách ngoại giao của ông. Mỗi khi gặp thách đố trên chính trường quốc tế, phản xạ của Tổng thống Trump là rút ra củ cà rốt và cây gậy kinh tế để đẩy mạnh quyền lợi của Hoa Kỳ. Từ vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn đến chuyện đánh cắp tài sản trí tuệ của Trung Cộng và làn sóng di dân từ Trung Mỹ, ông đã chọn chính sách ngoại giao bằng đồng Mỹ kim nhắm vào các kỹ nghệ xe hơi, nông nghiệp và quốc phòng cũng như nhiều ngành sản xuất của các nước.
Đây là một sự đoạn tuyệt hoàn toàn với đường lối mà các tổng thống tiền nhiệm đã từng đi theo để giải quyết các vấn đề quốc tế. Theo truyền thống, Hoa Kỳ đã từng sử dụng nhiều phương tiện ngoại giao như: thương thảo rộng rãi và chi tiết với các nhà ngoại giao của các nước khác để tìm kiếm những lãnh vực trong đó hai bên có thể chia sẻ quyền lợi, dùng các cuộc hợp thượng đỉnh để đạt được thỏa hiệp với các lãnh tụ nước ngoài và tổ chức các liên minh rộng lớn gồm các quốc gia có cùng quan điểm để tạo áp lực lên các đối thủ. Theo các chuyên gia, điều đó có nghĩa là tạo được nhiều ảnh hưởng mạnh hơn và qua đó gởi đi một thông điệp cho biết Hoa Kỳ đã quan tâm theo dõi vấn đề cho đến cùng.
Trong ngắn hạn, chính sách của Tổng thống Trump đã có những kết quả không rõ ràng. Các chuyên gia về chính sách ngoại giao từ lưỡng đảng nói rằng điều đáng lo ngại hơn chính là Tổng thống Trump đang làm thiệt hại cho quyền lợi của Hoa Kỳ khi làm cho Hoa Kỳ xem ra thay đổi liên miên và chỉ chú trọng vào giá trị kinh tế. Zack Cooper, thuộc Viện American Enterprise vốn có khuynh hướng bảo thủ, nói: “Những hành động của ông (Tổng thống Trump) đã khiến cho người ta lo sợ rằng Hoa Kỳ không còn là một nước hùng mạnh, có nguyên tắc và có thể tiên liệu được nữa”.
Tổng thống Trump cho rằng chính sách của ông hữu hiệu. Hôm 7 tháng Sáu vừa qua, ông loan báo sẽ hoãn lại vô thời hạn lời đe dọa đánh thuế lên hàng hóa Mễ Tây Cơ. Ngày hôm sau, Tổng thống Mễ, ông Andrès Manuel Lopez Obrador cho biết ông sẽ tiếp tục thảo luận với Hoa Kỳ về vấn đề này. Ngày 10 tháng Sáu, Tổng thống Trump nói rằng Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ đã đạt được một thỏa thuận để chận đứng làn sóng nhập cư từ Trung Mỹ. Tuy nhiên những chi tiết của điều được gọi là thỏa thuận vẫn chưa rõ ràng.
Tổng thống Trump tuyên bố rằng những miếng mồi thương mại và những lời đe dọa của ông đã đạt được chiến thắng tại bất cứ nơi nào trên thế giới. Trước khi lên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh với nhà độc tài Kim Jung Un của Bắc Hàn dạo tháng Sáu năm 2018,  ông đã vẽ ra viễn ảnh của những cuộc đầu tư của Hoa Kỳ vào Bắc Hàn; ông nói với nhà độc tài Kim rằng Bắc Hàn “sẽ có ngày trở thành một nước có nền kinh tế và tài chính mạnh”. Tại những nơi khác thì Tổng thống Trump lại có hành động khác: ông đã rút tên Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp ước Nguyên tử được ký kết với Iran hồi năm 2015 nhằm bãi bỏ chương trình hạch tâm của nước này và áp đặt những chế tài kinh tế mới. Chính sách này không chỉ được áp dụng cho các nước đối nghịch (với Hoa Kỳ). Tổng thống Trump đo lường giá trị của mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và các nước đồng minh, trong đó có Nhật Bản, Nam Hàn và các nước thuộc Khối Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bằng đồng Mỹ kim: ông yêu cầu các nước đồng minh phải trả tiền thêm cho công cuộc phòng thủ chung và đe dọa sẽ dùng kinh tế để trừng phạt nếu các nước này  không chịu  trả tiền cho quân đội Mỹ trú đóng tại nước họ. Ông đã đe dọa đánh thuế lên xe hơi của Gia Nã Đại để buộc quốc gia đồng minh thân cận nhứt của Hoa Kỳ phải tuân theo các kế hoạch của ông và thay đổi Hiệp ước NAFTA.
Một số nước thuộc Khối NATO đã cam kết sẽ gia tăng đóng góp vào việc phòng thủ chung của Liên minh. Nam Hàn và Nhật Bản cũng đã cam kết chi tiêu nhiều hơn cho quân đội của họ. Tuy chưa được phê chuẩn, Hiệp ước NAFTA cũng đã được sửa đổi với một số thay đổi có giới hạn trong quan hệ mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Gia Nã Đại. Tuy nhiên, những chiến thắng trong ngắn hạn này không mang lại thành công nào cho chính sách của Tổng thống Trump. Thuế đánh trên hàng hóa của Trung Cộng vẫn chưa giúp đạt được một thương ước rộng rãi. Và các cơ quan tình báo Mỹ cảnh cáo rằng thay vì đánh gục Iran và Bắc Hàn, những cấm vận kinh tế mạnh mẽ lại giúp củng cố các nhà lãnh đạo độc tài bằng cách tạo ra sự bất mãn nơi dân chúng.
Chú  trọng đến kinh tế mà không màng đến bất cứ điều gì khác có thể tạo ra  những nguy hiểm trong dài hạn. Vì trong sắp tới kinh tế Trung Cộng có thể sẽ qua mặt kinh tế Hoa Kỳ cho nên Hoa Kỳ cần phải tạo ra một chính nghĩa chung với Liên Âu, Nhật Bản và các nước đồng minh khác để ngăn chận Trung Cộng trên trường thế giới. Williams Burns, chủ tịch của Viện Carnegie vì Hòa bình Thế giới và đã từng là viên chức cao cấp trong các chính phủ Cộng Hòa cũng như Dân Chủ, nói rằng những lời đe dọa về thương mại thiếu cân nhắc của Tổng thống Trump đối với các nước đồng minh sẽ khiến cho việc xây dựng một chính nghĩa chung trở nên khó khăn hơn. Ông nói: “Những chiến thuật đơn phương của chúng ta và việc đánh thuế bừa bãi sẽ quay lại làm hại chúng ta”
Có thể Tổng thống Trump có lý do chính trị để đeo đuổi một chính sách như thế.  Một số cuộc thăm dò dư luận cho thấy chính sách ngoại giao bẳng đồng Mỹ kim của ông có hiệu quả tốt đối với thành phần ủng hộ cơ bản của ông.  Với các vấn đề như di dân, mối nguy hiểm về vũ khí hạch tâm của Bắc Hàn và Iran, các hoạt động phi pháp trên mạng của Trung Cộng cùng nhiều vấn đề khác trên thế giới vốn không dễ dàng giải quyết được, chính sách của Tổng thống Trump có thể tạo ra cảm tưởng rằng đó là một chính sách hữu hiệu. Nhưng cái giá mà Hoa Kỳ sẽ phải trả về lâu về dài sau khi Tổng thống Trump rời bỏ Tòa Bạch Ốc, đó chính là điều đã khiến cho giới ngoại giao Mỹ phải lo ngại.

(John Walcott, The risks of Trump’s Dollar-driven Diplomacy, Tạp chí Time 24 /6/2019)