Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Robin Williams, tôi thông cảm với ông!



Chu Thập
22.8.2014
Tuần qua, nỗi ám ảnh về khuôn mặt vô cảm và lạnh như tiền của đồ tể Vladimir Putin đã nhường chỗ cho sự thương tiếc vô vàn mà tôi muốn dành cho tài tử và danh hài Robin Williams. Tôi tạm quên đi bộ mặt của sự dữ để chỉ tưởng nhớ đến nụ cười của tình thương và lòng nhân ái của Robin Williams.
Tôi không ngạc nhiên về cách ông chọn lựa cách từ giã cõi đời. Xét cho cùng, ông không phải là danh hài duy nhứt phải trải qua cô đơn và trầm cảm. Danh hài nổi tiếng nhứt trong lịch sử điện ảnh, Charlie Chaplin (1889- 1977) cũng đã từng biết thế nào là trầm cảm và cũng đã từng có ý nghĩ tự tử. Con người đã từng tuyên bố “một ngày không có tiếng cười là một ngày phí đi” đã trải qua biết bao nhiêu ngày đêm âm thầm khóc một mình trong hậu trường sân khấu.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, danh hài nổi tiếng của Việt Nam, Hoài Linh, cũng đã chia sẻ rằng anh cũng đã từng có ý nghĩ muốn tự kết liễu cuộc sống.
Tìm hiểu về hiện tượng này, tôi được hầu hết các chuyên gia tâm lý mách bảo rằng có liên hệ chặt chẽ giữa óc hài hước và trầm cảm. Đàng sau mặt nạ của nụ cười thường là tiếng khóc không thành tiếng. Các chuyên gia tâm lý cũng giải thích cho tôi rằng các danh hài thường đau khổ vì một chứng trầm cảm gắn liền với một tuổi thơ bất hạnh. Điều này có lẽ đúng với trường hợp của danh hài Charlie Chaplin. Trong một quyền tiểu sử về danh hài này với tựa đề “Chaplin: A Life” (cuộc đời của Chaplin), chuyên gia tâm lý trị liệu nổi tiếng, tiến sĩ Stephen Weissman, cho rằng nguyên nhân chính của nỗi buồn và sự trầm cảm mà danh hài này không vượt qua được và đã mượn tiếng cười để khỏa lấp chính là tính khí bất thường của mẹ ông, bà Hannah. Có nhiều bằng chứng cho thấy lúc còn trẻ, bà Hannah đã từng làm gái điếm và do đó mắc bệnh hoa liễu. Vì bệnh hoạn, người mẹ đã trút lên cậu bé Chaplin tất cả những buồn phiền, nóng giận của mình. Đây là một trong những vết thương không bao giờ lành trong con người của Chaplin.
Danh hài nổi tiếng Jim Carrey cũng không thoát khỏi thông lệ này. Jim Carrey đã trải qua một tuổi thơ bất hạnh vì mẹ ông phải nằm liệt giường do đau ốm. Trong một cuộc phỏng vấn, danh hai này kể lại rằng ông đã phải làm đủ trò để làm cho mẹ ông vui. Có khi ông đã phải nhào lộn trên cầu thang trong nhà hoặc trèo lên tường  để mua vui và  giải khoây cho mẹ mình.
Theo các chuyên gia tâm lý, tiếng cười và sự hài hước được các danh hài sử dụng cũng giống như một chiếc thang để trèo lên rồi lại rớt xuống cái giếng nội tâm cô đơn của mình. Giáo sư Gordon Claridge, thuộc trường đại học Oxford, đã làm một cuộc nghiên cứu với trên dưới 500 danh hài. Ông kết luận rằng các danh hài sử dụng sự hài hước và tiếng cười như một thứ thuốc để tự chữa bệnh.
Ký giả Richard Corliss của tạp chí Time, trong số ra ngày 25 tháng 8 này, cũng đồng một quan điểm như trên khi phác họa lại tuổi thơ của Robin Williams. Theo ký giả Corliss, tính hài hước và tài năng chọc cười của Robin Williams có lẽ đã xuất phát từ những năm tuổi thơ cô đơn của ông. Cha ông, ông Robert Williams, một giám đốc điều hành của hãng chế tạo xe hơi Ford, đã đưa gia đình từ Chicago về sinh sống tại  Detroit. Ông qua đời năm 1987. Năm 1998, khi nhận giải Oscar, Robin Williams đã nhắc đến người cha mà khi ông cho biết ý định muốn trở thành tài tử điện ảnh, đã khuyên ông: “Tuyệt đấy, nhưng hãy kiếm một nghề phụ, như thợ hàn chẳng hạn, để phòng thân”. Mẹ ông, bà Laurie, là một cựu người mẫu. Như vậy, ông xuất thân từ một gia đình thượng lưu,  có trình độ giáo dục cao, đọc sách nhiều, có kiến thức rộng, nhứt là về văn chương. Tuy nhiên, theo ký giả Corliss, cha mẹ ông thường xuyên vắng nhà. Trong ngôi nhà rộng đến cả 40 phòng,  Robin Williams lúc nào cũng là một cậu bé cô đơn, chỉ biết chơi đùa với núi đồ chơi hoặc những người giúp việc nhà. Chỉ sau khi ông Robert về hưu, cả gia đình mới dọn về quận Marin County, tiểu bang California. Tại đây, cậu học sinh trung học mới thoát ra khỏi vỏ kén của cô đơn và nhút nhát của mình. Kịch nghệ là môi trường để ông bước ra khỏi nỗi ám ảnh của cô đơn mà một tuổi thơ nhung lụa, nhưng thiếu vắng tình thương của cha mẹ, đã khắc ghi trong tâm hồn ông và mãi mãi không bao giờ phai nhạt.
Ngoài sự hài hước và tiếng cười, Robin Williams còn lăn xả vào công cuộc từ thiện,  có lẽ cũng với mục đích  thoát ra khỏi nỗi cơ đơn hầu như không có thuốc chữa của mình. Theo trang mạng “Look to the Stars”, tên tuổi của Robin Williams xuất hiện trong danh sách 28 tổ chức từ thiện. Ông đóng góp cho Bệnh viện Nhi đồng St Jude Children’s Hospital và gởi tiếng cười của mình đến các binh sĩ Mỹ đang chiến đấu tại trên 10 quốc gia. Khi nhà viết kịch Bob Zmuda thành lập tổ chức “Comic Relief USA” (tổ chức cứu trợ của các danh hài Mỹ), ông đã cùng với nữ tài tử da đen nổi tiếng Whoopi Golberg và Billy Cristal ký tên tham gia tổ chức một loạt những chương trình giúp vui để quyên góp được khoảng 50 triệu dành cho những người vô gia cư. Theo ông Zmuda, “Robin luôn cảm thấy có lỗi vì tất cả những điều tốt đẹp ông đã nhận được (nhứt là trong tuổi thơ), cho nên muốn dành một chỗ đặc biệt trong trái tim ông cho những người vô gia cư và đau khổ...” Nhưng ông không chỉ xuất hiện trên sân khấu hay màn ảnh, mà còn đi đến tận nơi “cư trú” của những người vô gia cư để gặp gỡ, giúp đỡ và an ủi họ.
Với riêng tài tử Christopher Reeve, người hùng siêu nhân “Superman”, người đã từng là bạn học thời trung học của ông, Robin Williams đã dành cho một sự ưu ái và chăm sóc đặc biệt. Christopher qua đời năm 2004, sau một thời gian bại liệt vì té ngựa năm 1995. Tài tử này đã cùng với vợ thành lập Sáng hội “Christopher & Dana Reeve Foundation” để quyên tiền tài trợ cho cuộc nghiên cứu về những chấn thương cột sống. Robin Williams không những tích cực tham gia hoạt động với Sáng hội này. Ông còn luôn có mặt bên cạnh bạn mình để nâng đỡ và ủi an. Christopher Reeve đã nói về những trận cười mà Robin Williams đã mang lại cho ông: “Cám ơn Chúa, tôi thề là tôi phải buộc giây an toàn trên chiếc xe lăn này, vì tôi sợ té vì cười. Giữa một thảm kịch như thế này, giữa một cơn trầm cảm như thế này, bạn vẫn còn có thể cảm nghiệm được niềm vui đích thực, nụ cười và tình yêu thương. Ai bảo rằng đời không còn đáng sống, người đó hoàn toàn sai lầm”.
Cũng  như các nhà giáo mà ông đã nhập vai trong các cuốn phim “Dead Poets Society” (Xã hội của những thi sĩ chết) và “Good Will Hunting” (thiên tài Will Hunting), Robin Williams đã luôn luôn trong tư thế để được người khác gọi đến, tham khảo ý kiến và nâng đỡ. Jamie Kilstein, một danh hài nổi tiếng trong chương trình “Citizen Radio” kể lại rằng ông đã gởi email cho Robin Williams để nói về tình trạng trầm cảm của mình. Giữa đêm khuya, Robin Williams đã tức khắc gọi đến cho Kilstein và tìm cách xoa dịu nỗi đau của người bạn.
Lòng quảng đại, tình thân ái của ông không chỉ dừng lại ở biên giới Mỹ, mà còn trải rộng đến bất cứ nơi nào có người cần được giúp đỡ. Đầu năm nay, bạn bè của cô Vivian Waller, 21 tuổi, người Tân Tây Lan đang bị ung thư ở giai đoạn cuối, đã tìm cách liên lạc với ông và cho ông biết một trong những ước nguyện cuối cùng của cô là được gặp ông.  Người đã từng được mệnh danh là “Mẹ Teresa Hài” đã tức khắc thu hình và gởi đến cô một thước phim ngắn, trong đó ông nhái giọng “Kiwi” để gởi đến cô những lời thăm hỏi thân tình nhứt: “Chào Vivian, Robin Williams đây...xin được gởi tất cả tình thương mến của tôi đến cô, Jack (chồng Vivian) và Sophie (con gái nhỏ của Vivian)”.

Không chỉ chọc cho người khác cười và hoạt động từ thiện không biết mỏi mệt, Robin Williams cũng để lại rất nhiều lời khuyên quý giá. Và hầu hết những lời khuyên bàn bạc trong những lần ông xuất hiện trước công chúng hoặc trong các cuốn phim, đều qui về tình bạn, tình thương dành cho người đồng loại và gia đình. Nhưng con người luôn chọc cười và sống cho người khác ấy lại lúc nào cũng cô đơn. Nhà biên kịch Zmuda đã nhận xét về bạn mình rằng nếu ở một mình với Robin Williams, ta sẽ thấy ông là người rất cô đơn, như thể là một người lạ ta gặp trong thang máy. Zmuda nói: “Tôi nghĩ ông là người rất khốn khổ khi ở một mình.”
Ký giả Corliss của báo Time đã nhận định rất chính xác về Robim Williams: “Điều đáng tiếc cho Williams - người đã làm cho không biết bao nhiêu người cảm thấy “đặc biệt” mỗi khi được nói chuyện với ông trên điện thoại hoặc đích thân gặp gỡ ông hoặc xuyên qua màn ảnh Truyền hình hoặc trên màn ảnh lớn - là ông đã không bao giờ tìm được “một Robin Williams” để chữa lành những vết thương lòng của ông”.
Nhân sự ra đi của tài tử, danh hài Robin Williams, tôi đã đọc được một số lời khuyên hữu ích. Chẳng hạn, cần phải luôn thành thật với chính mình. Thành thật với mình có nghĩa là chấp nhận con người thật của mình hơn là tìm cách bày tỏ một khuôn mặt mà mình nghĩ là hấp dẫn với người khác. Thay vì so sánh với người khác và cố gắng trở thành một người khác hãy chấp nhận và trân quý con người và giá trị của riêng mình. Đôi khi dễ dàng để tỏ ra tử tế với người khác hơn là với chính mình. Thực thi sự tử tế với chính mình không hề có nghĩa là sống ích kỷ, mà trái lại chính là trân quý sự sống quý giá đã được trao ban cho mình.
Lời khuyên thứ hai của các chuyên gia tâm lý mà tôi cũng đọc được nhân cái chết của Robin Williams là hãy cố gắng tìm được một người hay nhiều hơn để chia sẻ một cách cởi mở, nhờ thế ta sẽ bớt cảm thấy lẻ loi và cô đơn.
Nhưng quan trọng hơn cả, các chuyên gia tâm lý khuyên tôi nên biết quan tâm đến người khác. Ra khỏi bản thân để đến với người khác là một trong những liều thuốc hữu hiệu nhứt để chữa trị những vết thương lòng sâu xa nhứt của mình.
Nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của tài tử và danh hài Robin Williams, tôi tin chắc rằng ông cũng đã từng sống theo những lời khuyên trên đây. Ông đã chiến đấu và chiến đấu cho tới cùng. Nhưng ông đã ngã gục.
Với tôi cách chọn lựa ra đi của ông vẫn mãi mãi là một bí ẩn. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí Time dạo tháng Ba năm 2011, người duy nhứt trong hàng ngũ danh hài Mỹ đã không hề viết bất cứ một quyển sách nào, cho biết mình không có đủ kỷ luật để làm việc ấy, nhứt là viết tiểu sử của mình. Điều duy nhứt mà tôi biết chắc về ông là ông đã đau khổ và đã chôn chặt sự đau khổ trong thẩm sâu tâm hồn ông. Ông đã mang theo mình nỗi khổ đau ấy qua bên kia thế giới. Với sự ra đi của ông, tôi chỉ biết nói lên sự cảm thông mà thôi. Và qua ông, trong bể khổ này, tôi tin rằng tất cả mọi người có mặt trên cõi đời này, ai cũng đều có một nỗi khổ riêng cần được tôn trọng và cảm thông. Nếu tôi không còn biết cảm thông,  ông tổ của chủ nghĩa Mar-xít sẽ nhắc nhở tôi: “Chỉ có thú vật mới quay lưng lại với nỗi khổ của đồng loại để chăm sóc cho bộ da riêng của mình mà thôi”.

Tạm biệt Robin Williams!





Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Sống Với Kẻ Thù



                                                                                  Chu Thập, 24/8/2010

Có lần một ông bạn thân từ Sydney ghé thăm. Sau một vòng “thăm thú” giang sơn của tôi từ trước ra sau, từ trong ra ngoài, ông bạn tuyên bố một câu chắc nịch: “Đúng là một cái am!” Ông muốn nói tới cái cảnh thanh vắng, cô tịch của nơi tôi ở.
Nói đến “am” thì phải cảm được cái không khí lành lạnh của cõi âm hay ít nhứt ngửi được mùi nhang khói cúng cô hồn các đẳng. Đàng này, “giang sơn” của tôi thì hoàn toàn khác hẳn. Phía sau vườn nhà tôi là cả một rừng cây xanh trải dài trên một sườn núi đủ cao để tôi không còn nhìn thấy bất cứ một ngôi nhà nào và như vậy cho tôi  cái cảm giác được làm vua một cõi. Không cần phải tốn tiền và mất công để nuôi chim, ngày nào tôi cũng có thể nghe được đủ mọi thứ tiếng hót của các loại chim mà đất Úc đại lợi có thể có được. Thỉnh thoảng, trong những ngày nắng ấm của mùa Đông, tôi cũng có thể tổ chức một buổi picnic ngay trong vườn nhà mình. Còn gì thú vị bằng vừa ngồi phơi nắng vừa ăn uống vừa chiêm ngắm cảnh đẹp mà không cần phải đi đâu xa.
Hơn nữa, trong thời đại “a còng” này, không cần phải lặn lội ra phố để săn tin tức. Ngồi nhà mà vẫn biết được mọi sự đang xảy ra trên cái thế giới được thu tóm thành một ngôi làng nhỏ. Ngồi một mình trước màn ảnh truyền hình cũng vẫn có thể “hòa nhập” vào cơn sốt World Cup kéo dài cả tháng. Cũng chẳng cần phải lặn lội đến các trụ sở hành chính để theo dõi tin tức bầu cử mà vẫn có thể làm tròn trách nhiệm công dân của mình.
Quả thật, tôi đang có một cuộc sống thanh tịch. Nhưng nói như thế không có nghĩa là cuộc sống ấy không còn đòi hỏi sự chiến đấu. Có khi sóng lại dậy ngay trong tách trà. Thử thách và kẻ thù thì xem ra ở đâu cũng có cả. Lúc mới dọn về gần cái lâm viên quốc gia này, tôi cứ tưởng mình sẽ “ngồi thiền” một chỗ để mà hưởng cái không khí an bình thanh thản. Nhưng khi bắt đầu thích nghi với khung cảnh mới, tôi mới thấy mình phải chống chọi với không biết bao nhiêu “kẻ thù”. Tôi muốn nói tới cái đám “dân bản địa” đã “lập nghiệp” từ lâu trong khu rừng này. Thực ra, chính tôi mới là kẻ phá hoại trật tự và an ninh của họ. Trước đây, đám gà tây rừng ngày nào cũng là “khách mời” thường xuyên của khu vườn nhà tôi. Nay chúng phải “hận” lắm bởi vì tôi không những đã rào giậu cẩn thận xung quanh ngôi vườn, mà mỗi ngày còn rình rập để xua đuổi chúng.
Nhưng giải quyết “ân oán giang hồ” với cái đám du thủ du thực ban ngày này xem ra không phải là chuyện lớn. Điều làm cho tôi mất ăn mất ngủ chính là phải đương đầu với cái đám “possums”, tức cái giống chuột khổng lồ, kẻ thù dấu mặt cứ xuất hiện về đêm. Cứ đêm đến thì chúng lại “làm việc”. Ngoài  tiếng “than thở” rợn người giữa đêm khuya, cái giống sống về đêm này khi đã phá hoại thì quyết càn quét cho tới cùng. Bất cứ rau cỏ và lá cây nào chúng nó cũng ngốn cả.
Khổ nỗi là trong cái xứ Úc “khùng” này, xem ra mình không có quyền “chống đỡ” trước sự tấn công của thú vật. Giận cá băm thớt, cho nên kỳ bầu cử vừa qua, tôi hận cái Đảng Xanh đến độ chẳng dành cho họ một chỗ đứng nào trong hai lá phiếu của tôi.
Giá như tôi được tự do “xử lý” với mấy con thú rừng chuyên phá hoại mùa màng như ở Việt nam thì chắc chắn mấy con “possums” nếu không từ chết đến bị thương thì cũng thành “mồi” cho mấy bợm nhậu thôi. Còn ở đây, suốt ngày tôi cứ phải vò đầu bức tóc, đêm thì mất ngủ chỉ vì không biết phải làm sao để loại trừ kẻ thù không đội trời chung này. Điên đầu nát óc, cuối cùng tôi cũng đành phải chấp nhận cái triết lý: không loại trừ được thì đành phải sống chung với kẻ thù vậy.
Vấn đề là làm thế nào để sống chung với kẻ thù?
Tôi nhớ đầu thập niên 1990 có xem cuốn phim có tựa đề “Sleeping with the enemy” (ngủ với kẻ thù). Tôi đi xem cuốn phim là bởi “mê” cô đào Julia Roberts, người thủ vai chính. Nội dung cuốn phim chẳng có gì đặc sắc: một cặp vợ chồng trẻ và giàu có sống bên cạnh một bãi biển. Mới nhìn vào ai cũng thấy thèm cái “hạnh phúc” mà họ đang hưởng. Kỳ thực, người chồng là một người đàn ông bệnh hoạn, vũ phu. Không chịu được tính ghen tuông và thích bạo hành của người chồng, người vợ đã ngụy tạo cái chết của mình: một buổi sáng nọ, cô ra biển và không bao giờ trở về. Lúc đầu người chồng và mọi người xung quanh đều tưởng cô đã bị chết đuối và làm mồi cho cá mập. Nhưng sau đám tang, người chồng đã tìm thấy chiếc nhẫn cưới của vợ trong bồn vệ sinh. Anh biết ngay rằng vợ anh đã dàn cảnh để trốn thoát. Phần còn lại của cuốn phim là một chuỗi những màn săn đuổi mà kết thúc là cảnh người chồng bị chính vợ mình bắn gục.
Người vợ trong cuốn phim “Ngủ với kẻ thù” không tìm được một giải pháp nào khác hơn là “trốn” kẻ thù: tránh voi chẳng xấu mặt nào là thế!
Năm 2005, Hollywood lại sản xuất một cuốn phim khác với tựa đề “Living with the enemy” (sống với kẻ thù). Tại một hội nghị, một thiếu nữ gặp một tỷ phú trẻ đẹp trai. Họ yêu nhau và lấy nhau. Nhưng không bao lâu sau đó, người vợ khám phá những điều bất thường nơi người chồng. Cuộc điều tra của FBI cho thấy người chồng cô đang sống với là một tên sát nhân đã từng giết người vợ trước và dính vào nhiều hành động tội ác.
Có những kẻ thù mình trốn chạy được, nhưng cũng có những kẻ thù mình phải giáp mặt hay sống với. Tôi thấy “quan hệ” của tôi với mấy con “possums” cũng gần giống như thế. Bỏ chạy không được mà loại trừ cũng không xong.

Tôi đành bó tay. Nhưng nhà tôi không chịu bỏ cuộc. Cũng may, thời buổi này cái gì cũng có thể học được trên Internet. Chỉ cần gõ vào Google con chữ “possum” là có thể có được tất cả mọi thứ thông tin về cái giống vật “quái ác” này. Có cả một “hội nghị thượng đỉnh” về vấn nạn possum: nhóm yêu thích possum thì không nhiều và cũng không có cách gì khác hơn là chịu đựng. Nhưng những người chống đối thì bực bội thấy rõ. Đủ mọi cách đối phó được đưa ra: từ làm hàng rào lưới bao bọc cây cho đến hệ thống hàng rào điện, từ xịt nước pha ớt với tỏi lên lá cây đến bật đèn suốt đêm…nhưng không mấy ai ghi nhận được kết quả. Có người đã tìm cách bẫy được chúng rồi đem đi xa cả mười cây số mà chúng vẫn “trở về mái nhà xưa”. Sau mấy ngày nghiên cứu trên Internet, nhà tôi đã tìm được một giải pháp “tối ưu” để sống chung với kẻ thù. Cái “kế sách” ấy giản dị vô cùng mà tôi không bao giờ nghĩ tới: “possums” là kẻ thù mà người ta chỉ có thể thuần hóa và biến thành “pet” như thú vật nuôi trong nhà chứ không thể xua đuổi. Để thực hiện kế hoạch “biến thù thành bạn” này, mỗi tối chúng tôi dọn nguyên một “mâm cỗ” cho nó. Rau cải trái cây thừa trong bếp thay vì bỏ vào thùng “compost” lại được “phân loại” cho mâm cỗ của kẻ thù. Vậy là cứ mỗi tối, chúng tôi lại có thêm một cái thú: rình xem “possum” thưởng thức cao lương mỹ vị chúng tôi dọn sẵn cho. Trước kia, bộ mặt của “possum” trông xấu xí, đáng nguyền rủa bao nhiêu, thì nay lại dễ thương bấy nhiêu. Nó ăn như người ta ăn tiệc: ngồi thoải mái trên hai chân sau, dùng hai tay đưa thức ăn lên miệng, từ tốn, thong thả, vừa ăn vừa ngắm cảnh vừa đong đưa cái đuôi dài. Cứ xong bữa tiệc, nó lại ngoan ngoãn ra về. Kể từ đó, vườn cây và rau cỏ của tôi còn nguyên. Còn chúng tôi có thêm một người bạn dễ thương, cứ đêm đêm “đến hẹn lại lên”.
Mỗi tối, cứ mỗi lần “dọn cỗ” cho “possum” và ngồi rình chờ người khách đến thưởng thức và thư thái ra về để không còn phá hoại cây cỏ và “mùa màng” trong vườn, tôi lại suy nghĩ về quan hệ của tôi với người khác. Ở cái nơi thâm sâu cùng cốc này, tôi không có kẻ thù “người” hay nếu có thì cũng đã lánh mặt chạy xa rồi. Nhưng dù có ít sinh hoạt xã hội đến đâu, làm sao tôi có thể tránh gặp người này người nọ. Ra ngõ thì chạm mặt với người hàng xóm. Lái xe ra đường, không gặp cảnh sát thì cũng đụng đầu với những người lái xe “mất dậy”. Đi câu cá thì thỉnh thoảng cũng gặp nhiều tay “trời đánh” chẳng xem người khác ra gì. Cần thủ tục giấy tờ thì cũng phải đến các cơ quan chính phủ. Đi mua sắm thì cũng gặp nhân viên bán hàng. Nói chung, tôi không thể tuyệt đối tránh quan hệ với người khác. Và trong những người khác ấy thì trăm người trăm mặt, trăm cá tính. Có những người mới gặp thấy có cảm tình ngay. Có những bản mặt mới nhìn thấy ác cảm tức khắc.
Duyệt lại các quan hệ ấy, tôi nghiệm ra một điều: một trong những thách đố lớn nhứt trong cuộc sống là làm sao hiểu được cách cư xử của người khác. Chẳng gì thách thức chúng ta cho bằng việc hiểu được tại sao một số người có những cử chỉ và hành động mà chúng ta cho là “bất thường” hay “kỳ cục”. Chúng ta thường tỏ ra “khó chịu”, bất mãn trước những thái độ như thế. Rốt cục, kẻ đau khổ là chính chúng ta và thay đổi hay không cũng là chính chúng ta.
Câu chuyện của hai thiền sư xuống núi quả có một ý nghĩa đặc biệt ở đây. Một vị không ngần ngại “cõng” một thiếu nữ qua một dòng suối. Về đến nhà, vị khác cứ cằn nhằn trách móc tại sao ông đã phá giới như thế. Ông trả lời: “Tôi đã bỏ người thiếu nữ lại bên bờ suối. Còn huynh, huynh lại tiếp tục mang cô ta về đến nhà.”
Nhiều lúc, cho dẫu cố lánh xa chốn phồn hoa đô hội, tôi vẫn cứ “cõng” những bộ mặt “khó ưa” về tịnh xá của tôi để rồi đêm ngày gặm nhấm những bất bình do chính mình tạo ra. Tôi chẳng khác nào cái thứ rắn rung chuông khi bị nhốt trong cái lồng chật hẹp: tôi lại cắn vào chính cái đuôi của tôi.
Sở dĩ có hành động tự “gặm nhấm” như thế là bởi tôi không chịu nhìn thấy khía cạnh tích cực bên kia những thoáng hiện bên ngoài của người khác. “Thương nhau trái ấu cũng tròn, mà ghét nhau bồ hòn cũng méo.” Trước kia, cũng mấy con “possums” đó, tôi chỉ thấy có bộ mặt “xấu xí” đáng nguyền rủa. Bây giờ cũng mấy con vật đó, tôi lại thấy “dễ thương”. Nơi con vật chẳng có gì thay đổi. Thay đổi hay không là cách cư xử và sự cảm nhận của tôi.
Xét cho cùng, “kẻ nội thù” không ai khác hơn là chính bản thân tôi. Dù ở đâu, tôi cũng vẫn có thể mang theo kẻ thù ấy. Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, khẳng định rằng “kẻ thù ghê gớm nhứt” là những cảm xúc như tham si sân hận trong con người chúng ta. Ngài nói: “Những cảm xúc ấy là những trạng thái tinh thần thúc đẩy chúng ta cư xử bằng những cách thế làm cho chúng ta bất hạnh và đau khổ. Để tìm được an bình và hạnh phúc, cần phải nghĩ đến những cảm xúc ấy như những con quỉ bên trong chúng ta. Cũng như ma quỉ, chúng có thể ám hại chúng ta, làm cho chúng ta khốn khổ.”( The Dalai Lama, An Open Heart, Practicing Compassion in Everyday Life, Hodder Headline Australia Pty limited, 2000, p.78)
Những “con quỉ bên trong” mà Đức Đạt Lai Lạt Ma điểm mặt  cũng được Chúa Giêsu nói đến khi Ngài dạy rằng “chính từ bên trong, tức từ lòng người mà xuất phát những ý định xấu” (x. Mc 7, 14–23). Đó là những thứ thần “ô uế” mà cho dù có trốn chạy đi đâu chúng ta cũng vẫn có thể mang theo trong người. Nếu để cho những kẻ nội thù ấy kiểm soát và điều khiển thì chắc chắn chúng ta không thể tránh khỏi cái cảm giác “nhìn đâu cũng thấy kẻ thù” như những người Cộng sản thường vướng phải. Và một khi quan hệ với người khác chỉ còn được dệt bằng ánh mắt của ngờ vực, đố kỵ, ganh ghét và nhứt là hận thù thì làm sao tâm hồn có thể có được sự an bình.
Nghĩ như thế cho nên mỗi tối, khi làm thêm cái “job” mới là được dọn bữa cho mấy con “possums”, tôi thầm cám ơn mấy “thiên thần nhỏ” này. Mỗi đêm chúng lại đến để nhắc nhở tôi rằng muốn sống an bình và hạnh phúc, tôi cần phải chiến thắng “kẻ nội thù” trong chính tôi và mở mắt nhìn đời, nhìn người, nhìn thú vật với ánh mắt cảm thông và yêu thương.







Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Triết Lý Củ Khoai



                                                                                Chu Thập, 16.8.2010

Có người thích đồ cổ. Riêng tôi chỉ thích sưu tầm các thứ rau và cây trái của quê hương. Ngoài một ô nhỏ được khoanh vùng để “nhét” vào đủ các loại rau của vùng nhiệt đới, tôi còn có cả một mảnh vườn mà tôi gọi là “quê hương bỏ túi”. Có trái hay không, có chịu đựng nổi mùa Đông của Úc hay không, tôi không cần biết, miễn là có chút giây mơ rễ má với cây trái của Việt nam là tôi dành cho một chỗ đứng. Gần đây, tiếc một ít đất không được canh tác, tôi bèn “dậm” thêm một ít giây lang. Lang là loại giây có củ thích nghi dễ dàng với đất đai và khí hậu Úc: quanh năm ngày tháng lúc nào lá cũng xanh và nhứt là lúc nào cũng có đọt non. Thỉnh thoảng, được thưởng thức một bữa cơm với đọt lang luộc chấm với mắm nêm, đi kèm với một miếng cá kho, tôi thấy chẳng có “bữa tiệc” nào “sang” hơn.
Nhưng mới đây, mấy con “possums” lại cho tôi được thưởng thức thêm một món ăn khác dành cho những người “khoái ăn sang” (sáng ăn khoai). Cái giống chuột khổng lồ “sống về đêm” này lâu nay chỉ biết sống bằng lá cây rừng đặc sản của Úc, bỗng dưng khám phá được hương vị “ngoại lai” của rau lang.Thế là chỉ trong một đêm chúng càn quét và làm sạch cái đám rau lang của tôi. Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi mới biết rằng giây lang của tôi có củ. Trước đây, tôi cứ yên trí là hễ ăn đọt thì lang không sanh củ. Chỉ cần lấy tay moi qua loa, tôi cũng kiếm được vài ký khoai lang củ nào củ nấy to tổ chảng. Có một buổi chiều, thay cho bữa cơm, tôi ngốn đến mấy củ khoai luộc. Nó mới ngon làm sao!
Thưởng thức mấy củ khoai luộc do “công lao mồ hôi nước mắt” của mình làm ra, tôi không thể không nhớ đến cái “triết lý củ khoai” của nhà văn Tràm Cà Mau. Ông giải thích như sau: “Khi lớn lên, được đọc Kinh Phật, Kinh Thánh và nhiều sách triết lý Âu Á như Khổng, Lão, Trang… và luôn cả kinh Coran và kinh đạo Bahai nữa, thì tôi tìm cho tôi được một triết lý đơn sơ, mộc mạc, là cái món hổ lốn vắt ra từ tinh túy của các triết lý khác. Tôi tạm gọi là “Triết lý Củ Khoai”. Vì nó đơn sơ như củ khoai, rẻ tiền, mộc mạc và dễ tìm thấy như củ khoai trong đời này. Triết lý đó được đơm gọn lại trong một câu ngắn ngủi: “Nếu chỉ có một củ khoai thôi, thì hãy nướng nó cho thật thơm mà đớp.” Ý nghĩa của câu đó cũ mèm, hình như ai cũng biết và có nhiều câu nói tương tự. Cái triết lý đơn giản này giúp tôi thấy được rằng hạnh phúc là cái rất cụ thể, rất gần gũi, bất cứ ai và bất cứ lúc nào cũng có thể tìm được hạnh phúc rất dễ dàng. Ai cho rằng hạnh phúc là cái xa vời, thì vì họ chưa nắm hết phần tinh túy của các triết lý khác hoặc chưa từng nghe một phần của triết lý củ khoai. Nhiều sách vở khác cũng có nói đến, nhưng người đọc vô tình hoặc cố ý làm ngơ, hoặc biết rất rõ nhưng chẳng bao giờ thực hành.” (Nguyễn Mộng Giác, Bạn Văn Một Thuở, Văn Mới, California, Hoa kỳ 2005, trg.198)
Ông Tràm Cà Mau nói đến đủ cách “nướng khoai cho thật thơm”. Với tôi, chỉ cần luộc lên là đủ. Đủ để thưởng thức cái hương vị đậm đà quê hương và có được niềm hạnh phúc từ cuộc sống thanh đạm.
Muốn có hạnh phúc hãy sống thanh đạm. Đó là lời khuyên mà các nhà hiền triết ở bất cứ thời đại nào và thuộc bất cứ nền văn hóa nào cũng đều để lại. Thời trung học, nghe ông Nguyễn Khuyến tả cái cảnh “ao thu lạnh lẽo nước trong veo, một chiếc thuyền câu bé tẻo teo” tôi đã thấy thích điên rồi. Tôi lại càng thấy thèm cách sống của ông Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Một mai một cuốc một cần câu.” Hay “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người đến chốn lao xao.” Ai mà chẳng “ham” cái khung cảnh thôn dã thanh bình và cuộc sống thanh đạm.
Mở mắt thêm một chút, tiếp cận với triết lý Tây phương, tôi lại càng “mê” cái tính ngông triệt để của nhà hiền triết Hy lạp Diogenes qua đời vào thế kỷ thứ tư trước Công nguyên. Ông ngông đến độ đốt đuốc giữa ban ngày để gọi là đi tìm một người thanh liêm chính trực. Ông ngông đến độ từ bỏ hết mọi của cải, dùng một cái thùng gỗ làm nơi cư trú và chỉ sử dụng một cái gáo để ăn uống; nhưng một hôm thấy một cậu bé chăn cừu lấy hai tay bụm lại để múc nước từ một giòng sông, ông cũng quăng luôn cái gáo của mình. Với cuộc sống thanh đạm “cực đoan” ấy, nhà hiền triết này dạy cho các môn đệ của ông rằng sự phát triển giả tạo của xã hội không phù hợp với hạnh phúc đích thực của con người. Theo ông, muốn sống đức hạnh và hạnh phúc con người phải trở về cuộc sống đơn giản.
Ông Tràm Cà Mau hẳn không thể không nghĩ đến cuộc sống ngông cuồng dễ thương của nhà hiền triết này khi quảng bá cái “triết lý củ khoai” của ông.
Mới đây, tôi lại thấy cái “triết lý củ khoai” của ông Tràm Cà Mau cũng được một người Mỹ chính hiệu “minh họa” trong một bài viết được đăng trên báo The New York Times trong số ra ngày 7/8/ 2010. Ký giả Stephanie Rosenbloom kể lại câu chuyện của một cặp vợ chồng trẻ Mỹ nọ đang sống một cuộc sống tương đối trung lưu, nhưng do đọc được một số sách vở nói về cuộc “sống đơn giản”, đã mang đồ đạc trong nhà tặng cho các tổ chức bác ái. Ngay cả hai chiếc xe, họ cũng đem hiến tặng. Riêng người vợ cố gắng dọn sạch cái tủ quần áo cũng như mọi thứ không cần thiết trong nhà vệ sinh. Người mẹ gọi điện thoại đến cho con gái và trách móc tại sao “nông nổi” như thế.
Hiện nay, người chồng đang chuẩn bị tốt nghiệp tiến sĩ về sinh lý học. Người vợ ở nhà làm ký giả tự do. Tiền lương 24 ngàn Mỹ kim một năm của cô vừa đủ để trả các thứ hóa đơn. Điều làm cho họ cảm thấy nhẹ nhõm nhứt là mỗi năm họ không còn phải trả một món nợ đến 30 ngàn Mỹ kim nữa. Họ còn có dư tiền để đi du lịch và đóng góp vào quỹ giáo dục của các cháu. Vì không phải trả nợ cho nên người vợ không phải làm việc nhiều. Nhờ đó, mỗi tuần cô có thể bỏ ra 4 tiếng đồng hồ để làm thiện nguyện cho một chương trình giáo dục phi lợi nhuận.
Người vợ giải thích về cuộc sống đơn giản của họ như sau: “Cho rằng cần phải có nhiều hơn mới được hạnh phúc là một điều sai lầm. Tôi tin rằng có nhiều của cải vật chất không mang lại hạnh phúc.”
Cặp vợ chồng trẻ này trong khi quăng bớt những vật chất không cần thiết, vô tình, họ cũng “quẳng gánh lo đi và vui sống.”
Không biết có chịu ảnh hưởng của cái “triết lý củ khoai” của ông Tràm Cà Mau không, mà mới đây những nhà tài phiệt tại Hoa kỳ lại thi đua nhau hiến tặng tài sản của mình. Người ta không chỉ biết Bill Gates như người đã có một thời là người giàu nhứt hành tinh. Tên tuổi của ông và vợ cũng gắn liền với  Quỹ Từ Thiện “Bill & Melinda Gates Foundation” chuyên tài trợ cho những dự án giáo dục quan trọng trên thế giới, kể cả nỗ lực tận diệt bệnh sốt rét. Với tài sản 53 tỷ Mỹ kim, ông bà Gates dành cho việc từ thiện đến hơn phân nửa, 28 tỷ Mỹ kim.
Nhưng có lẽ đáng “nể” hơn phải kể đến tên tuổi của nhà tài phiệt bất động sản Warren Buffet. Ông này đã có lần qua mặt ông Gates về sự giàu có. Nhưng danh tiếng của ông được biết đến nhiều hơn khi ông trao tặng 99 phần trăm tài sản của mình cho Sáng hội “Bill & Melinda Gates”. Ông nói rằng đã giàu như ông thì có thêm hay bớt vài chục tỷ Mỹ kim cũng chẳng có ý nghĩa gì cả. Tôi thực tâm khâm phục ông, thông thường, với chín trăm đồng, ai cũng muốn làm “tròn” thành một nghìn chứ chẳng ai muốn trở lại cái thời chỉ vỏn vẹn tờ năm đồng trong túi.
Ông Ted Turner, người sáng lập ra đài truyền hình CNN, cũng đã trao cho Liên Hiệp Quốc một tỷ Mỹ kim để thành lập Sáng Hội Liên Hiệp Quốc. Mới đây, ông lại tặng thêm 900 triệu Mỹ kim nữa.
Dạo tháng 6 vừa qua, hai ông Gates và Buffet đã mời các ông bà tỷ phú Hoa kỳ đến tham dự một bữa ăn, trong đó họ được thuyết phục tham gia vào điều được gọi là “The Giving Pledge”, tức lời hứa công khai trên danh dự sẽ cho đi ít nhứt một nửa tài sản của mình khi còn sống hay sau khi qua đời. Theo tạp chí Forbes, Hoa kỳ hiện đang có 403 tỷ phú. Đã có 38 người công khai ký tên vào lời Hứa Danh Dự trên đây.
Có lẽ ai cũng có thể sống đơn giản, nhưng sống đơn giản để “trao tặng” cho người khác mới là điều khó. Thiếu gì người như nhân vật “Harpagon” trong vở kịch “L’Avare” (Người Hà Tiện) của kịch tác gia Pháp Molière, sẵn sàng sống đơn giản chỉ để ôm lấy túi tiền của mình.
Có lẽ vừa muốn sống theo cái “triết lý củ khoai” của Tràm Cà Mau, vừa nhận ra rằng cho đi mới thực sự là hạnh phúc cho nên mới đây một triệu phú tại một xã hội “duy vật” như Trung Quốc tên là Yu Pengnian đã hiến tặng 500 triệu Mỹ kim cho một tổ chức từ thiện do ông thành lập cách đây 5 năm để hỗ trợ cho việc cấp học bổng cho sinh viên, trả chi phí giải phẫu cho các bệnh nhân nghèo và tái thiết Tứ Xuyên sau trận động đất năm 2008. Tính chung, ông Yu là người Trung quốc đầu tiên đã hiến tặng 1 tỷ Mỹ kim cho công cuộc từ thiện.
Ông Yu cho biết: làm từ thiện là kết quả của nguồn gốc đói nghèo của chính mình. Sinh ra tại một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Hồ Nam, miền Nam Trung Quốc, ông tới Thượng hải từ thuở còn là thanh niên với hy vọng tìm được vận may. Nhưng không, ông đã trở thành người kéo xe và bán nữ trang rẻ tiền trên hè phố cho đến khi ông bị bắt vào năm 1954, vì bị cáo buộc thuộc giai cấp địa chủ. Ông bị chế độ Cộng sản kết án 3 năm tù. Sau khi được trả tự do, ông tìm đường sang Hong Kong. Mặc dù không biết tiếng Anh và cũng chẳng nói được tiếng Quảng Đông, từ việc lau dọn tại một công ty, ông đã từ từ ngoi lên đến vị trí quản lý cấp thấp và chắt chiu dành dụm để rồi cuối cùng trong thập niên 60 cùng với một số bạn bè góp tiền mua bán bất động sản và trở nên giàu có.
Chúa Giêsu dạy: “Cho thì có phúc hơn nhận lãnh”.Không rõ có đọc Kinh Thánh không, ông Yu cũng nói: “Hiến tặng tiền của làm cho tôi hạnh phúc.” (x. Mark Mackinnon, bản dịch của Trà Mi, Đàn Chim Việt online 7/2010)
Sống trong một xã hội dư dật như Úc Đại Lợi, đối với tôi, khoai lang quả là một thứ “xa xí”. Xa xí không phải vì hiếm. Ngày nay, khoai lang được bày bán ê hề và giá có thể chỉ một đô la cho một ký. Xa xí là bởi vì nó có thể gợi lại cho tôi những bữa ăn không chỉ thanh đạm mà còn là “nghèo cùng” ở Việt nam thời thiên đàng xã hội chủ nghĩa vừa mới được áp đặt trên quê hương. Xa xí là bởi có nhớ đến cái nguồn gốc “chân đóng phèn” ấy, tôi mới có thể cảm thông được với cuộc sống nghèo của không biết bao nhiều người mỗi tối vẫn còn đi ngủ với cái bụng trống không.
Không đủ can đảm để tự “trấn lột” như nhà hiền triết Diogenes, cũng chẳng có điều kiện để được ngồi trên chiếc thuyền câu trong cái ao trong vắt như ông Nguyễn Khuyến hay ngày nào cũng “mai, cuốc và cần câu” như ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhưng một vài cố gắng sống thanh đạm hằng ngày cũng cho tôi cảm nếm được niềm hạnh phúc luôn có sẵn trong cuộc sống.
Dù chưa từng trải qua một cuộc sống dư giả, nhưng ít ra tôi vẫn chưa bao giờ thấy phẩm giá của mình bị hạ thấp. Nhưng nhìn cảnh những nạn nhân thiên tai đói đến độ phải chà đạp, giành giựt nhau để có được chút vật phẩm cứu trợ, tôi thấy không có gì khổ hơn. Hình ảnh những trẻ thơ, cụ già yếu sức bị đẩy ra run rẩy vì đói, nước mắt doanh tròng giúp tôi tìm ra động lực mạnh mẽ của “triết lý củ khoai”: Nếu họ được trao tặng một củ khoai ngay bây giờ, trong cơn bĩ cực, họ cũng sẽ có được một chút hạnh phúc. Thời đại toàn cầu, chỉ cần vài cái “nhấp chuột” trên máy vi tính  là tôi đã có thể “góp một bàn tay” chia sẻ với nạn nhân của thiên tai và nghèo đói ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Xin cám ơn World Vision, Plan Australia, Hội Hồng Thập Tự, Hội Y Sĩ  Không Biên Giới, Caritas…tất cả đã và đang làm cánh tay nối dài giúp một người tầm thường vô danh như tôi có được cơ hội làm “người ôm nhân loại” vào lòng.




Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Gánh nặng hay phúc lành?



Chu Thập, 15.8.14


Mỗi ngày, khi chạy bộ ra đầu ngõ, ở một góc đường gần đèn xanh đèn đỏ, tôi thường chứng kiến một cảnh tượng rất cảm động: một cặp vợ chồng cỡ tuổi tôi đứng trước nhà nhìn theo cô con gái bị “Đao” (Down Syndrome) đang đi về một “cơ xưởng” đặc biệt dành cho người khuyết tật gần đó. Ánh mắt của hai vợ chồng dõi theo cô gái cho đến khi bóng cô khuất hẳn trong khuôn viên của trung tâm. Mỗi lần nhìn thấy cảnh tượng này, tôi cứ miên man với câu hỏi: cô gái khuyết tật là gánh nặng hay là niềm vui của cặp vợ chồng này? Và câu trả lời của tôi luôn nghiêng hẳn theo chiều hướng lạc quan: trên gương mặt và nhứt là ánh mắt của cặp vợ chồng này, lúc nào tôi cũng thấy toát lên niềm vui và hạnh phúc.
Người bị bệnh “Đao” không chỉ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình. Họ còn là niềm cảm hứng cho xã hội, hoặc ít ra là cho tôi. Tôi đã từng có ý nghĩ ấy trong một chuyến đi Hawaii cách đây cũng trên 20 năm. Nói đến Hawaii là nói đến bãi biển Waikiki, con đường về đêm đẹp như mơ dọc theo bãi biển, những vũ điệu mê hồn của các thiếu nữ bản địa, tiếng chào “Aloha” thân tình của người dân địa phương, và là nơi không có rắn là thứ tôi sợ nhứt trên đời... Nhưng với riêng tôi, kỷ niệm đẹp nhứt và đáng ghi nhớ nhứt lại là trạm dừng chân ở một cửa hàng McDonald trong chuyến đi vòng quanh đảo. Lần đầu tiên và cũng là lần duy nhứt trong đời, tôi thấy hầu hết các nhân viên phục vụ trong tiệm ăn đều là những thanh niên thiếu nữ bị “Đao”. Ngoài khuôn mặt “giống nhau như đúc”, họ chẳng có gì khác lạ nếu so sánh với người khác. Họ cũng hết mình phục vụ khách hàng. Họ cũng niềm nở như mọi nhân viên. Họ cũng tự lực cánh sinh như mọi người.
Cuộc “gặp gỡ” này đã hoàn toàn thay đổi cái nhìn của tôi về những người bị  “Đao”. Lúc còn trong nước, tôi ít khi thấy có một “giống” người như thế. Trong cả làng tôi, chỉ có một cô gái mắc chứng bệnh này. Gia đình cũng như người ngoài đều gọi cô là “T. Điên”. Cách phát âm của cô khó nghe, nhưng cô luôn cố gắng diễn tả điều mình muốn nói và có lẽ mọi người đều có thể liên lạc với cô một cách dễ dàng. Vào thời đó, có lẽ vì những người như cô “T, Điên” không nhiều cho nên người ta chưa tìm được một danh từ chung nào để đặt cho họ. Gọi họ là “điên”, nhưng thật ra những người như cô “T. Điên” của tôi  cũng chẳng “khùng”, chẳng “điên” như một số người bị bệnh thần kinh hay tâm thần.
Mãi cho đến khi qua Pháp, tôi mới học được một từ mới đầy miệt thị và kỳ thị để nói về những người như cô “T.Điên”. Thật vậy, người Pháp gọi họ là “Mongolien”. Nếu Thành Cát Tư Hãn (1162-1227) mà sống lại, không những ông sẽ đem quân sang cày xéo nước Pháp mà có lẽ cũng sẽ tru di tam tộc tất cả cái dòng giống “Gà cồ” này thôi. Cũng may, nhờ bác sĩ  người Anh John Langdon Down (1828-1896) mà năm 1961, do đề nghị của Tổ Chức Y Tế Thế Giới “WHO”, những người mắc chứng khuyết tật như cô “T.Điên” của tôi mới cắt hết mọi giây mơ rễ má với người Mông Cổ để nhận một cái tên mới là “Đao” (Down Syndrome) và dĩ nhiên cũng được dành cho một sự tôn trọng xứng với phẩm giá con người hơn.


Trong tâm trí tôi, người “Đao” đã hết “điên”, nhưng tôi sợ rằng xã hội vẫn chưa hoàn toàn được “giải phóng” trong cái nhìn và cách đối xử đối với họ. Câu chuyện của cậu bé “Gammy” mà một người mẹ Thái mang thai mướn đang nuôi dưỡng gợi lại cho tôi cả một trang sử đau thương trong cách đối xử của xã hội Úc hay đúng hơn của chính phủ Úc đối với người bị “Đao” và gia đình của họ. Hồi tuần qua, người dân Úc không những đã mở rộng tấm lòng mà còn mở cả hầu bao để giúp đỡ cậu bé Gammy, bởi vì họ lo sợ rằng đứa bé này có thể sẽ  bị ruồng bỏ chỉ vì những khuyết tật của nó.
Nhưng trên News.com.au, số ra ngày Thứ Ba 12 tháng 8 vừa qua, tôi lại đọc được một bài viết không khỏi khiến tôi đau lòng vì luật pháp hiện hành của Úc Đại Lợi. Theo Luật Di Trú của Úc Đại Lợi có từ năm 1958, những trẻ em bị “Đao” và những khuyết tật khác đương nhiên sẽ không được thường trú tại Úc Đại Lợi vì bị xem như một gánh nặng tài chính đối với những người thụ thuế.
Chỉ cách đây vài năm, năm 2008, Luật này vẫn còn được mang ra áp dụng cho một bác sĩ người Đức là ông Bernhard Moeller. Viên bác sĩ này đã bị từ chối quy chế thường trú nhân tại Úc Đại Lợi chỉ vì ông có một cậu con trai 13 tuổi bị bệnh “Đao”. Hành động này đã tạo ra nhiều làn sóng phẫn nộ đến độ Quốc hội Liên bang đã phải cho thành lập một ủy ban để điều tra về cách đối xử của Úc Đại Lợi đối với những người di dân bị khuyết tật. Cùng thời kỳ đó, một nữ hộ sinh người Anh làm việc tại một bệnh viện ở Perth đã bị chính quyền ra lệnh trục xuất chỉ vì bà cũng có một đứa con bị “Đao”.
Bác sĩ Moeller đã đưa cả gia đình từ Đức sang tiểu bang Victoria, sau khi đáp lại lời kêu gọi của chính phủ Úc để trám chỗ trống do sự thiếu hụt của chuyên viên y tế tại các vùng nông thôn. Nhưng sau hai năm làm việc với giấy nhập cảnh tạm trú, Bộ Di Trú đã bác bỏ đơn xin thường trú của ông vì Luka, cậu con trai mắc chứng “Đao” của ông bị xem như một gánh nặng cho xã hội Úc. Vợ của bác sĩ Moeller, bà Isabella, nói với báo The Telegraph của Anh rằng “đây là điều tệ hại nhứt xảy đến cho bà. Nó còn tệ hại hơn cả khi bà biết con trai mình bị “Đao”.
Trước sự phẫn nộ của cư dân Horsham, nơi bác sĩ Moeller đang phục vụ, Tổng trưởng Di trú lúc bấy giờ là ông Chris Evans đã phải đảo lộn quyết định và yêu cầu duyệt xét lại trường hợp của Luka. Ông cũng bãi bỏ lệnh trục xuất người nữ hộ sinh Anh có đứa con bị “Đao” tại Perth.
Năm 2012, Chính phủ Liên bang cho công bố phúc đáp trước những đề nghị của ủy ban quốc hội điều tra về cách đối xử với những người di dân bị khuyết tật. Lấy lý do mỗi người khuyết tật mỗi năm có thể “ngốn” của chính phủ từ 21 đến 40 ngàn, chính phủ vẫn tiếp tục duy trì luật bác bỏ thường trú đối với những người di dân khuyết tật. Nói tóm lại, theo luật hiện hành, người di dân khuyết tật, cách riêng người bị “Đao”, vẫn bị xem như một gánh nặng cho xã hội Úc.
Bà Catherine McAlpine, giám đốc điều hành của Tổ chức “Down Syndrome Australia”, người cũng có một đứa con trai 13 tuổi bị “Đao”, nói rằng luật di trú của Úc Đại Lợi vẫn còn được xây dựng trên lối suy nghĩ đầy thành kiến và kỳ thị theo đó người bị “Đao” sẽ bòn rút tài nguyên của quốc gia”. Theo bà, suy nghĩ như thế là không nhìn nhận sự đóng góp đáng kể và quý giá của những người bị “Đao” và gia đình họ cho đời sống của cộng đồng và toàn thể quốc gia.
Cũng theo bà McAlpine, luật di trú hiện hành của Úc Đại Lợi vi phạm Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của những người khuyết tật mà chính Úc Đại Lợi đã phê chuẩn. Thật vậy, theo điều 18 của Công ước này “các quốc gia phải nhìn nhận quyền của những người khuyết tật được tự do đi lại, tự do chọn lựa nơi cư trú và quốc tịch, dựa trên căn bản bình đẳng với mọi người...”
Luật pháp, như bà McAlpine đã ghi nhận, thường chỉ xem người khuyết tật như một gánh nặng cho xã hội, mà không nhìn nhận sự đóng góp vô cùng quý giá của họ cho xã hội. Tôi nghĩ đến trước tiên nhà vật lý học lừng danh của thế kỷ này là ông Stephen Hawking. Có ai đã đóng góp nhiều cho khoa học hiện đại cho bằng con người khuyết tật ngồi xe lăn và hầu như không còn khả năng liên lạc một cách bình thường với người khác. Nếu khoa học gia này, vì nghĩ rằng mình chỉ còn là một gánh nặng cho xã hội, đã tự kết liễu cuộc sống của mình như ông đã từng toan tính, thì thế giới hẳn đã mất đi một sự đóng góp lớn lao chưa từng có cho sự tiến bộ của con người.
Tôi cũng nghĩ đến một người Úc sinh ra không có tay có chân là ông Nick Vujicic. Ông đã chứng tỏ mình không những không là một gánh nặng cho xã hội Úc, mà còn góp phần lớn lao vào việc xây dựng xã hội bằng cách xử dụng ý chí, niềm tin, tinh thần lạc quan và nhứt là tình yêu thương của mình để mang lại niềm cảm hứng và ý chí muốn sống đẹp cho không biết bao nhiêu người trên thế giới này.
Nhà vật lý học Stephen Hawking, tuy mang khuyết tật, nhưng vẫn còn có bộ não phi thường và cái đầu sáng suốt. Nick Vujicic, tuy không lành lặn như mọi người, nhưng vẫn còn một ý chí phấn đấu mãnh liệt và một trái tim cao thượng. Những người khuyết tật như thế không phải thuộc số nhiều trong thế giới này. Đa số những người khuyết tật, nhứt là những người bị “Đao” hoặc “tự kỷ” (Autism) mà tôi gặp gỡ mỗi ngày trong xã hội này có lẽ chẳng còn khối óc và ngay cả một trái tim bình thường để gọi là góp phần xây dựng xã hội. Họ không có gì khác ngoài sự hiện diện đầy khổ đau của mình. Nhưng với tôi đó chính là sự cống hiến lớn lao nhứt mà những người khuyết tật có thể mang lại cho xã hội. Họ hiện diện trong lòng xã hội để mang lại niềm cảm hứng cho người khác. Họ có mặt giữa loài người để khêu gợi những tình cảm cao quý nhứt trong con người là sự tôn trọng, sự cảm thông và tấm lòng trìu mến.
Thế giới ngày càng tiến bộ. Khoa học ngày càng làm được những khám phá và phát minh mới. Các tiện nghi vật chất ngày càng gia tăng. Kho tàng kiến thức của nhân loại ngày càng rộng lớn. Nhưng mãi mãi thế giới này cũng vẫn bất toàn. Bệnh tật, khổ đau, bất toàn vẫn bám chặt vào kiếp người. Chỉ có một điều chắc chắn mà tôi hằng tin tưởng là: thế giới này sẽ hoàn hảo hơn không phải do những tiến bộ nhằm làm cho cuộc sống con người sung túc và thoải mái hơn, mà chính là biết sống cho những giá trị cao quý hơn như tình liên đới, sự cảm thông trước nỗi khổ đau của người đồng loại.
Nghĩ như thế cho nên tôi không chạy theo trào lưu chung để xem người khuyết tật như một gánh nặng cho gia đình hay xã hội, mà thiết yếu như một kho tàng vô giá. Hãy tưởng tượng nếu như tất cả mọi người đều khỏe mạnh, thông minh, giàu có và hạnh phúc, chúng ta có còn lòng cảm thương và trìu mến hay không? Nếu như ai đó đã nói “tương lai của nhân loại thuộc về lòng tấm lòng trìu mến”, thì sự hiện diện của người khuyết tật chính là chìa khóa để mở ra tương lai ấy.
Tôi đã cảm nhận được tương lai ấy mỗi khi nhìn thấy nụ cười rạng rỡ, ánh mắt sáng ngời chiếu tỏa niềm vui và hạnh phúc của cặp vợ chồng mỗi ngày ra ngõ đứng trông theo người con gái bị “Đao” đi làm. Cô gái quả là một phúc lành cho hai vợ chồng và cho cả tôi nữa.









Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

…Ao Nhà Vẫn Hơn


                                                                          
 Chu Thập, 9.8.2010

Có được một ngôi nhà bên cạnh bờ sông hay nhìn ra biển là ước mơ của nhiều người Úc. Nhưng với tôi, giấc mơ trở thành sự thật là được làm một chuyến du hành lênh đênh trên sóng nước, giữa trời biển bao la.
Câu mở đầu một bài thơ của thi sĩ Pháp Joachim du Bellay vào thế kỷ thứ 16 không hiểu từ lúc nào đã trở thành giấc mơ của tôi. Ông viết: “Được thực hiện một cuộc phiêu lưu tốt đẹp như Ulysses là một niềm hạnh phúc.” (Heureux qui, comme Ulysses, a fait un beau voyage). Ulysses hay còn gọi bằng tiếng Hy lạp là “Odysseus” là nhân vật chính trong huyền sử ca “Odysseus” của thi hào Hy lạp Homer vào thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên. Trong tiếng Hy lạp, Odysseus có nghĩa là đa mưu túc trí và dũng lược. Có lẽ nhờ tài trí, sự liều lĩnh và gan dạ mà nhân vật huyền thoại này đã vượt qua được bao nhiêu hiểm nguy, nhứt là giữa biển cả, để cuối cùng, sau cuộc mạo hiểm kéo dài 20 năm trời, Odysseus gặp lại cha già và người vợ thân yêu.
Suốt đời, tôi không mơ ước được làm một cuộc phiêu lưu “đẹp” như nhân vật Odysseus. Tôi cũng chẳng bao giờ dám nghĩ sẽ theo bước chân của những nhà hàng hải nổi tiếng trong lịch sử nhân loại như Cristoforo Colombo, như Marco Polo, như Magellan, như Captain Cook…Nhưng ít nhứt, những ngày lênh đênh giữa biển cả trong cuộc vượt biên đi tìm tự do cũng cho tôi có được cái cảm giác của phiêu lưu và hưởng được những “niềm vui” khó có được lần thứ hai. Chẳng có gì sung sướng bằng, khi chiếc thuyền con tưởng như bị nhận chìm vào lòng đại dương, bỗng nhận ra từ xa một cột khói nhô lên từ một dàn khoan dầu. Kế đó là “bữa tiệc” đầu tiên trong không khí tự do. Một đĩa cơm trắng, vài con cá hộp, chỉ có vậy, nhưng tôi tin chắc là không người Việt tỵ nạn nào có thể tìm lại được cái hương vị ngọt ngào của tự do và tình người trong bữa tiệc đầu tiên ấy. Nói gì đến điếu thuốc đầu lọc và ly cà phê “instant” cũng lần đầu tiên được thưởng thức ở đầu đời tỵ nạn ấy. Nó mới “phê” và “đã” làm sao! Rồi những tháng ngày chỉ biết “ăn và chơi” trong trại tỵ nạn để chờ đi định cư: làm sao có lại được “thiên đàng đã mất” ấy!

Chính vì nuối tiếc cái “thiên đàng đã mất” ấy mà năm nay tôi quyết định “làm” một chuyến du hành bằng đường thủy. Từ trước đến giờ, tôi cứ tưởng rằng đi “cruise” trên “du thuyền” là chuyện xa xí chỉ dành riêng cho giới thượng lưu. Lên tàu, tôi mới thấy rằng hành khách thuộc đủ mọi giai cấp, tuổi tác. Không cần phải dư dả, mà chỉ cần biết dành dụm, bớt tiêu pha những thứ không cần thiết trong vài tháng là thừa khả năng để “chen chân” vào cái thế giới chỉ biết có “ăn và chơi” này. Du lịch bằng tàu quả là một thế giới của “ăn và chơi”.
Tôi bước lên chuyến “cruise” như một anh nhà quê ra tỉnh, thấy cái gì cũng lạ, nhìn cái gì cũng “hay”. Điều “lạ lẫm” đầu tiên đối với tôi là tính “đa chủng” của hành khách trên chuyến du hành. Nếu phải thu tóm thế giới thành một ngôi làng nhỏ thì không đâu lý tưởng bằng chuyến “cruise”: không kể thủy thủ đoàn và nhân viên phục vụ trên tàu, gần 2 ngàn hành khách “đại diện” cho mọi sắc dân và chủng tộc sống chung “hòa bình” với nhau trong suốt hơn một tuần lễ trong một “cao ốc” 10 tầng lênh đênh với chiều dài 230 thước và chiều ngang 32 thước. Lần đầu tiên tôi được sống trong một xã hội “đa tạp” như thế mà không thấy bóng dáng của bất cứ một nhân viên công lực nào.
7 ngày 9 đêm lênh đênh trên biển cả chỉ để “ăn và chơi và ngủ” cho nên hành khách được phục vụ tối đa. Không biết có học được cái thứ ngôn ngữ tiếp thị “ngạo mạn” của cộng hòa xã hội Việt nam không, mà ban quản lý của chuyến cruise đã biến mỗi hành khách thành một “thượng đế” được phục vụ tối đa từ A đến Z và từ sáng cho đến tối. Sáng dậy, mới mở mắt đã thấy có người “bồi phòng” đứng trước cửa để chuẩn bị “làm giường” và lau dọn phòng. Chiều đến, họ lại vào phòng một lần nữa để chuẩn bị “giấc ngủ” cho hành khách. Cần gì thì chỉ cần ấn chuông, vài phút họ đã có mặt.
Xuống đến các phòng ăn thì khỏi nói: ở bất cứ góc nào cũng có những người “hầu bàn” lịch sự chực sẵn. Trong suốt chuyến du lịch, tôi bị “buộc” phải làm “thượng đế” để chỉ được hầu hạ và phục vụ.
Cái anh nhà quê ra tỉnh như tôi bỗng thấy mình lạc vào một thế giới không bình thường chút nào. Dù đi đây đi đó bằng những phương tiện khác cũng nhiều, tôi thấy mình thực sự lúng túng khi phải đóng vai “thượng đế” suốt một tuần lễ. Ngoại trừ những việc vệ sinh cá nhân và lo cho thức ăn vào dạ dày, tôi chẳng được làm cái gì cả. Càng được phục vụ chu đáo tôi lại càng thấy “khó sống”.
Chính vì “thất nghiệp” tôi đâm có nhiều thì giờ để quan sát và nhận xét. Trong cái thế giới chỉ có “ăn và chơi” này, tôi nhận ra một thực tại đáng buồn của xã hội Úc. Mỗi lần ngồi yên một chỗ để nhìn dòng người đi qua lại trước mắt, tôi lại làm một cuộc “thống kê” bỏ túi: cứ 10 người thì cũng có đến 6, 7 người có trọng lượng “báo nguy” về những cơn bệnh hiểm nghèo như tiểu đường và tim mạch. Vậy mà trong những ngày xa đất liền, dường như người ta tạm quên đi cái thực tại ấy để “ăn uống” cho thỏa thích.


Phải nói, đồ ăn thức uống trên tàu quá ê hề và không giới hạn giờ giấc nơi chốn. Từ “all you can eat” tới nhà hàng sang trọng mở từ sáng tới khuya. Hành khách cứ ăn rồi chơi, chơi rồi ngủ. Sáng ra, mọi bề bộn lại đâu vào đó như có phép lạ. Về cái khoản “chơi” thì cũng khỏi nói. Mỗi ngày đều có những sinh hoạt vui chơi giải trí khác nhau cho con nít tới người già. Trong cái ngôi làng nổi trên biển này, ở đâu và lúc nào cũng có những cuộc chơi: từ shopping trong duty free đến casino, bingo, đến “nhảy đầm”, văn nghệ, chiếu bóng, karaoke, bơi lội, cá ngựa, thể dục thể thao v.v .
Tôi cứ tưởng mình có thể “tạm quên” được cuộc sống trên đất liền để “ăn chơi” cho thỏa thích. Thế nhưng, cái “thiên đàng đã mất”, cái cảm giác trong ngày đầu tiên từ chiếc thuyền vượt biên bước lên bờ tự do, mà tôi cố tìm lại ấy đã chẳng bao giờ thực sự trở lại. Chỉ sang ngày thứ ba của chuyến du hành là tôi đã bắt đầu thấy “chán”. Chán nhứt là thức ăn trên tàu. Thực lạ lùng, càng cao lương mỹ vị đến đâu, càng “tiệc tùng” bao nhiêu, thì càng thấy mau ngán. Không biết có phải vì tôi quen ăn món thanh đạm mà thấy vậy chăng?
Vì vậy, thay cho nỗi lo bị “sea sick” (say sóng) tôi lại vướng vào “home sick” (nhớ nhà). Những lúc “nhớ nhà” và thèm “nước mắm” như thế, tôi lại nhớ đến câu chuyện tiếu lâm “nhà đạo” được nghe đâu đó. Có một người thanh niên nọ làm một giao kèo với ma vương quỉ dữ để được một lần  xuống hỏa ngục làm một chuyến “thăm thú” cho biết sự tình rồi mới quyết định về số phận của mình. Mơ ước của anh được thỏa mãn tức khắc. Người thanh niên thấy mình lạc vào một thế giới hoàn toàn trái ngược với những hình ảnh được các nhà đạo đức vẽ ra. Trước kia, trong trí tưởng tượng của anh, hỏa ngục là nơi chỉ có đọa đày và khổ đau. Nhưng giờ đây, hỏa ngục lại hiện ra như một thế giới chỉ có lạc thú. Bất cứ lạc thú nào trên trần gian cũng đều được thỏa mãn. Sau vài ngày “ăn chơi” thỏa thích, người thanh niên trở lại trần gian “khốn khổ” của mình để thực hiện giao kèo đã ký với ma quỉ. Chữ ký chưa ráo mực, anh đã thấy mình được đưa vào hỏa ngục thực sự. Lần này, thay cho cái thế giới lạc thú mà anh được hưởng trước đây là một chuỗi những đọa đày mà anh chưa bao giờ nghĩ đến. Trong chốn cực hình, người thanh niên thấy cần phải “khiếu kiện”. Anh được mang đến trình diện trước Diêm vương. Sau khi nghe hết sự tình, với nụ cười đểu giả mà anh chưa bao giờ nghe thấy trên trần gian, kẻ mà Kinh Thánh gọi là “Cha đẻ của sự dối trá” liền phán: “Này hỡi tên ngu ngốc, trước kia ngươi xuống hỏa ngục là để “thăm thú”. Với tư cách là một “du khách”, ngươi được hưởng mọi lạc thú không có trên trần gian. Giờ đây, người đã quyết định chọn hỏa ngục làm quê hương, thì đương nhiên ngươi phải được đối xử như một “thường trú nhân” của hỏa ngục mà thôi.” Phán xong bấy nhiêu, dĩ nhiên, Diêm vương ra lệnh cho mấy tên quỉ nhỏ ném người thanh niên vào vạc dầu sôi trở lại.
Chỉ sau vài ngày thưởng thức các thứ của ngon vật lạ trên chuyến du hành, tôi thấy mình cũng giống như người thanh niên trong câu chuyện tiếu lâm trên đây. Làm “du khách” và chỉ “ăn chơi” vài ngày thì quả thật chẳng đâu sướng bằng đi cruise. Nhưng nếu bị buộc phải làm một “thượng đế” với tư cách “thường trú nhân” trên tàu, thì một cuộc sống như thế quả là kiếp đọa đày đối với tôi.
Tôi chợt nhớ lại gương mặt lúc nào cũng tươi cười của các “thường trú nhân” tức các nhân viên phục vụ trên tàu. Đa số là người Á châu như Phi luật tân, Nam Dương, Ấn độ hay dân các đảo trong Thái Bình Dương. Họ phải làm việc mỗi ngày 11 tiếng đồng hồ và 7 ngày một tuần liên tục như vậy suốt 8 tháng. Điều này có nghĩa là trong suốt giao kèo 8 tháng, họ không được phép lên đất liền ngày nào, ngoại trừ khi có nhiệm vụ tháp tùng và phục vụ hành khách mỗi khi tàu dừng lại gần một hoang đảo.
Tôi hiểu được tâm trạng của những “thường trú nhân” này qua cung cách phục vụ và nụ cười lúc nào cũng tươi nở của hai người Nam Dương chuyên dọn phòng cho du khách trong dãy hành lang của tôi. Đây là công việc nhàm chán nhứt trên tàu. Trong các phòng ăn hay sinh hoạt khác, nhân viên có nhiều dịp tiếp xúc với du khách để còn cảm thấy có cuộc sống xã hội bình thường. Nhưng trong cái dãy hành lang dài hun hút mà hai người đàn ông Nam Dương này chịu trách nhiệm, họ phải lủi thủi làm việc suốt ngày trong âm thầm. Nhưng tại sao lúc nào họ cũng có thể tươi cười như thế? Tôi nghĩ: bí quyết của họ chính là niềm hy vọng. Hy vọng có được một số tiền mang về cho vợ con và gia đình. Hy vọng có được một tương lai sáng sủa hơn sau vài năm phục vụ trên tàu. Chỉ có một niềm hy vọng như thế mới giúp hai người Nam Dương này cũng như tất cả những nhân viên phục vụ được mướn từ những nước nghèo Á châu khác, có thể chịu đựng được cuộc sống xa quê hương, xa gia đình và nhứt là “vui” với công việc độc điệu nhàm chán mỗi ngày như thế. Cuộc sống chịu đựng của họ tác động nhiều lên những suy nghĩ của tôi. Mỗi khi về phòng, gặp lại hai người Nam dương đang hết lòng làm việc phục vụ cho cái “thằng tôi” tay chân khỏe mạnh lành lặn này, tôi càng thấy mình không đóng vai “thượng đế” nổi. Họ cũng chính là những người mang đến cho tôi “niềm vui” thực sự khi một trong hai người chia sẻ với tôi vào ngày tàu cặp bến: đó cũng là ngày anh vừa hoàn tất hợp đồng 8 tháng, khi tôi lên bờ, anh cũng sẽ chuẩn bị rời tàu để về nước. Nghe anh ta khoe sẽ gặp lại vợ con trong vòng 48 tiếng đồng hồ nữa, tôi thấy mình reo vui và háo hức theo.
“Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn.” Cái “khôn” mà tôi nghĩ mình đã “ngộ” được trong chuyến đi cruise vừa qua chính là nhận ra được ý nghĩa tuyệt vời trong cuộc sống độc điệu của tôi. Sau vài ngày “tối sâm banh, sáng sữa bò” trên chuyến “cruise”, tôi không chỉ thấy thèm một chén cơm, một dĩa rau luộc, một miếng cá kho, tôi còn cảm thấy nhớ những thứ mà bình thường tôi ít khi màng tới như tiếng chim hót xung quanh nhà, tiếng than van ỉ ôi đòi ăn của mấy chị gà mái trong chuồng mỗi sáng làm tôi không ngủ nướng được và nhứt là vườn rau xanh sau nhà. Xét cho cùng, có một lần đi xa ta mới thấy cái khung cảnh quen thuộc đến độ nhàm chán và cuộc sống độc điệu mỗi ngày, tự nhiên trở thành đáng “trân quý.”
Tôi tưởng đã tìm lại được “thiên đàng đã mất” trên chuyến du thuyền.  Nhưng bây giờ tôi mới nghiệm ra rằng cái “thiên đàng đã mất” ấy lại chính là cuộc sống thường ngày của tôi. Cái cuộc sống mà trong đó yêu thương, phục vụ, đóng góp, chia sẻ, hy sinh và làm việc là yếu tố chính. Bây giờ tôi mới nhận ra rằng càng đi đây đó, càng tích lũy vốn liếng hiểu biết, càng gặp nhiều người nhiều cảnh, càng bôn ba cho mấy cuối cùng rồi cũng thấy “ao nhà vẫn hơn”.







Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

“Tự thú trước bình minh”


Chu Thập, 8.8.2014

Hôm Chúa Nhựt 3.8.14 vừa qua, không những hàng ngàn người tụ họp tại Scotch College, Perth Tây Úc, mà tất cả những ai theo dõi buổi lễ tưởng niệm 3 em Mo, Elvie và Otis Maslin, nạn nhân của thảm họa máy bay MH17, đều không thể cầm được nước mắt. Với riêng tôi, không hiểu sao tiếng thổn thức và những giọt nước mắt của người mẹ trẻ Rin Maslin lại gợi lên cho tôi gương mặt vô cảm, lạnh như tiền của ông Vladimir Putin. Phải nói là trong những ngày vừa qua, khuôn mặt quái vật này đã ám ảnh tôi. Càng nhớ đến nỗi đau của những người có người thân bị sát hại trong thảm họa MH17, tôi lại càng không thể lẫn trốn được khuôn mặt gian ác ấy. Tôi cứ mãi luẩn quẩn xung quanh câu hỏi: tại sao có những con người gian ác như thế?
Trong cố gắng tìm hiểu dung mạo của kẻ gian ác, tôi đã nhờ đến khoa tâm lý học. Trên báo “Psychology Today”, tiến sĩ Avidan Milevsky, giáo sư tâm lý học tại đại học Kutztown, tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, đã giúp tôi hiểu được phần nào sự hình thành của một dung mạo như thế. Giáo sư Milevski cho biết trong 30 năm nghiên cứu về điều được gọi là “tâm lý của sự phát triển” nhân cách, ông nhận thấy tuổi thơ và gia đình đã tạo một ảnh hưởng sâu đậm trên sự hình thành nhân cách của con người. Theo ông, các mối quan hệ trong tương lai, sức khỏe tâm lý và việc chọn nghề của con người đều tùy thuộc vào tuổi thơ và các quan hệ gia đình trong giai đoạn này.
Tin tưởng như thế cho nên giáo sư Milevsky đã tìm hiểu về tuổi thơ của ông Putin và đã khám phá ra nhiều điều thú vị.
Putin sinh ngày 7 tháng 10 năm 1952 tại Leningrad, thành phố đã lấy lại tên cũ là Saint Petersburg. Cha ông đã từng là sĩ quan hải quân và về sau, trong thời ĐNhị thế chiến, chuyển qua ngành công an.
Trước khi Putin chào đời, cha mẹ ông đã mất hai đứa con nhỏ: một đứa chết lúc mới chào đời và một đứa khác qua đời vì bệnh yết hầu trong thời kỳ Đức chiếm đóng Nga. Do đó, Putin sinh ra như một đứa con một và  đã được nuôi dạy như một đứa con một, nghĩa là được cưng chiều và bao bọc tối đa. Chính vì vậy mà khi Putin học võ thuật nhu đạo, mẹ ông đã không mấy hài lòng. Ngoài việc được bao bọc quá đáng, những đứa con một cũng thường gặp khó khăn trong các quan hệ xã hội. Thiếu anh chị em để có thể chơi chung và học hỏi về các quan hệ xã hội, những đứa con một thường chỉ thích chơi và làm việc thui thủi một mình. Đây là lý do tại sao Putin chọn học võ thuật nhu đạo, bởi vì đây là một môn thể thao không cần đồng đội. Về sau, hầu hết các ngành giúp ông leo lên từng bậc trong lãnh đạo, đều là những ngành nghề không đòi hỏi sự cộng tác của người khác. Từ bậc tiểu học cho đến sinh hoạt chính trị, ông đã nắm giữ vai trò lãnh đạo mà không cần tinh thần đồng đội. Những bức hình thường được ông mang ra khoe trong thời gian gần đây đều xoay quanh một số sinh hoạt “đơn độc” như đấu nhu đạo, cỡi ngựa, bắn súng...Tựu trung, Putin thích làm người hùng cô đơn và thích chơi nổi một mình, ngay cả trong những quyết định liên hệ đến mạng sống của những người vô tội.
Qua phân tách của tâm lý gia Milevsky, tôi hiểu được phần nào tham vọng quyền lực của ông Putin. Nhưng để “lý giải” bộ mặt độc ác và gian trá trong con người Putin, tôi không thể không nghĩ đến cái thuyết “trồng người” của chiến thuật gia Quản Trọng (725-645 trước công nguyên) thời Đông Châu Liệt Quốc bên Tàu, được ông “Bác Hồ” của cộng sản Việt Nam chôm làm của riêng. Thực vậy, con người độc ác và gian trá Putin đã được trồng và lớn lên trong mảnh đất cộng sản Liên Xô. Nếu không được trồng và vun xới trong mảnh đất cộng sản, con người ấy có thể đã không biến thành một quái vật độc ác như thế. Thượng nghĩ sĩ Mỹ thuộc Đảng Cộng Hòa John McCain, người cựu phi công đã từng nếm mùi cộng sản ở “Hỏa lò Hilton Hà Nội”, đã tóm tắt một cách vô cùng chính xác về  con người đã từng được nhào nặn trong vườn cây cộng sản như sau: “Khi tôi nhìn vào mắt Putin, tôi chỉ thấy có ba chữ là K, G, B”. Thượng nghị sĩ McCain ám chỉ đến cái chất độc ác và gian trá của viên cựu tình báo KGB dưới thời Liên Xô. Cựu ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton còn tỏ ra chính xác hơn khi nhận định về tư cách đạo đức của ông trùm KGB: “Putin đã từng là một nhân viên KGB. Theo định nghĩa, ông không hề có một linh hồn”. Tôi tự hỏi: nếu tin mình có một linh hồn bất tử, liệu Putin có thể tỏ ra vô cảm, lạnh như tiền trước nỗi khổ đau của người đồng loại, nhứt là thảm họa MH17 bị bắn hạ bằng chính hỏa tiễn được ông cung cấp cho các phiến quân ly khai ở Donetck không?
Nhưng có lẽ khách quan và đáng tin hơn cả vẫn là nhận định của cựu Tổng bí thư Mikhail Gorbachev. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo “The New York Times” dạo tháng 10 năm 2010, ông Gorbachev khẳng định rằng Putin còn “cộng sản hơn bất cứ tổng bị thư cộng sản Xô Viết nào trước kia”. Như vậy, chỉ có người cộng sản mới có cái “cốt” độc ác và gian trá như thế mà thôi.
Tôi không tin rằng chiến tranh lạnh đã chấm dứt với điều thường được gọi là sự sụp đổ của Liên Xô hồi năm 1991 và bức tường Berlin dạo tháng 11 năm 1998. Cùng với những ai đang ý thức về mục đích và bản chất đích thực của mối đe dọa của cộng sản quốc tế, tôi cho rằng Liên Xô đã không bao giờ sụp đổ, mà trái lại đã thay hình đổi dạng thành một Liên bang Nga với những hình thức độc tài, độc ác và gian trá mới, dưới sự lãnh đạo của một đồ tể còn “cộng sản” hơn bất cứ lãnh tụ cộng sản nào.
Nghĩ như thế cho nên tôi không bao giờ tin ở bất cứ lời tuyên bố nào của ông Putin. Sau khi lên thay thế ông Boris Yeltsin, con cắc kè Putin đã không ngần ngại lên án chủ nghĩa cộng sản bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhứt khi ông nói: “Kẻ nào tin những gì cộng sản nói là không có cái đầu. Kẻ nào làm theo lời của cộng sản là không có trái tim”. Nghe cứ như cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hay cố Tổng thống Ronald Reagan thuyết giảng về chủ nghĩa cộng sản!
Mới đây, hôm đầu tháng 8 này, nhân dịp khai mạc nghi thức tưởng niệm các vị anh hùng trong thời Đệ Nhứt thế chiến tại thủ đô Moscow, ông Putin lại tuyên bố: “Nhân loại cần phải nhìn nhận một sự thật là: bạo động sinh ra bạo động. Và con đường dẫn đến hòa bình và thịnh tượng được lót bằng thiện chí và đối thoại cũng như hồi niệm về những bài học của những cuộc chiến trong quá khứ”. Ông còn nói: “Và chúng ta phải gìn giữ hòa bình và nhớ rằng điều đáng trân quý nhứt trên Trái đất là một cuộc sống hòa bình và thanh thản”. Trời ơi, những lời trên đây lại được thốt ra từ cửa miệng của một người đã xua quân sang thanh toán Georgia, xâm chiếm Crimea của Ukraine, tiếp tế võ khí và đứng sau lưng các phiến quân ly khai để gây bất ổn cho Ukraine và nhứt là gây ra thảm họa MH17.
Với tôi, những lời trên đây chỉ là sáo ngữ hay ngụy ngữ. Nói một đường làm một nẻo: đó là bản chất của người cộng sản. Tôi không tin ông Putin cũng như không tin bất cứ một người cộng sản Việt Nam nào. Nếu phải tìm một phiên bản của Putin, tôi nghĩ ngay đến thủ tướng cộng sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Ông này cũng xuất thân từ lò công an. Bộ mặt của ông không những vô cảm như Putin mà còn đểu giả. Trong thông điệp đầu năm 2014, ông nói một câu cứ tưởng như của một nguyên thủ quốc gia nào đó trong khối tự do: “Dân chủ và nhà nước pháp quyền là cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại”. Nghe câu này, tôi nghĩ: hoặc ông chẳng hiểu gì về ý niệm dân chủ và pháp quyền mà người soạn diễn văn cho ông đã nhét vào thông điệp hoặc ông là một “thằng đểu” như ông Putin, người mà đã có lần ông mơ ước Việt Nam cũng có phải có mới mong trở thành một nước giàu mạnh. Tôi nghĩ cả hai giả thiết của tôi đều đúng cả. Khi một người vừa dốt vừa độc ác nắm quyền sinh sát trong tay thì đây quả là một đại họa cho dân tộc. Chưa bao giờ kinh tế Việt Nam lụn bại, bất ổn, lạm phát phi mã và cuộc sống người dân khó khăn cho bằng dưới thời Nguyễn Tấn Dũng và cũng chưa bao giờ chính phủ ban hành nhiều nghị định và quyết định để siết chặt các quyền tự do của người dân cho bằng dưới thời Nguyễn Tấn Dũng. Nếu Nguyễn Tấn Dũng đã học được một bài học từ quan thày Putin thì bài học đó chỉ có thể là: tuyên bố một điều mà mình chẳng hiểu gì và hoàn toàn làm ngược lại với lời tuyên bố đó.
Tựu trung, nơi người cộng sản, ngoài sự độc ác và gian trá, còn có thái độ “đểu giả” để không bao giờ biết nhìn nhận lỗi lầm và sám hối. Tôi vẫn nhớ mãi ngạn ngữ Latinh: “sai lầm là thuộc tính của con người. Nhưng kiên trì (trong sự sai lầm) là thuộc tính của ma quỉ” (errare humanum est, sed perseverare diabolicum).
Mới đây, khi đọc lá thư ngỏ mang chữ ký của 61 đảng viên kỳ cựu Đảng Cộng sản Việt nam gởi cho Ban Chấp Hành Trung Ương và toàn thể đảng viên  Đảng Cộng sản Việt Nam để kêu gọi thực hiện dân chủ, tôi chẳng thấy lạc quan chút nào cả. Trong danh sách, tôi thấy có những người như Nguyễn Đắc Xuân mà tên tuổi không thể nào xóa nhòa khỏi cuộc thảm sát tại Huế hồi Tết Mậu Thân 1968 hoặc Huỳnh Tấn Mẫm, người đã từng rước voi về dày mả tổ ở Miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Thật ra, có ông đảng viên cộng sản nào mà hai bàn tay, ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp, không nhúng chàm và góp phần gây ra đại họa cho dân tộc và đất nước. Thay cho bức thư ngỏ ấy, tôi sẽ cảm động và lên tinh thần biết bao nếu 61 ông đảng viên này ký tên vào một bản tuyên ngôn “sám hối” để đấm ngực ăn năn về tội ác mà mình đã tham gia vào.
Tôi cảm phục ông Nguyễn Hộ, người đã thú nhận trong hồi ký Quan Điểm và Cuộc Sống: “Tôi làm cách mạng trên 56 năm, gia đình tôi có 2 liệt sĩ ...nhưng phải thú nhận rằng, chúng tôi đã chọn sai lý tưởng: cộng sản chủ nghĩa. Bởi vì suốt hơn 60 năm trên con đường cách mạng cộng sản ấy, nhân dân Việt nam đã chịu hy sinh quá lớn lao, nhưng cuối cùng chẳng được gì, đất nước vẫn nghèo nàn, lạc hậu, nhân dân không có ấm no hạnh phúc, không có dân chủ tự do. Đó là điều sỉ nhục”.
Tôi cũng ngưỡng mộ nhạc sĩ Tô Hải, người đã tự nhận mình là một “thằng hèn” vì đã để cho “Cái Hèn bao trùm nhiều khía cạnh, nhiều trang đời, nhiều suy nghĩ của tôi” khi vì một chút cơm thừa canh cặn và bã vinh hoa của chế độ mà đã phải chối bỏ nhân cách cao quý của mình.
Tôi chỉ phục những người cộng sản nào dám vứt thẻ đảng, chửi thẳng vào mặt chế độ và sẵn sàng mất tất cả chớ không đánh mất nhân cách của mình. Họ đã một lần sai lầm và họ đã sám hối. Đó mới thực sự là những con người đáng đề cao.
Năm 1979, lúc còn trong nước, tôi có nghe nói đến cuốn phim có tựa đề “tự thú trước bình minh”. Cuốn phim kể lại cuộc tháo chạy trong hoảng loạn của dân quân Miền Nam Việt Nam, kể từ khi thành phố Ban Mê Thuột thất thủ. Nhà đạo diễn cố làm nổi bật những đổ vỡ, thất vọng trong từng người dân Miền Nam khi những gì mà họ tưởng là vàng son và cao đẹp bỗng nhiên sụp đổ tan tành. Người làm phim cộng sản gọi đây là lời “tự thú trước bình minh”. Dĩ nhiên, “bình minh” của chế độ cộng sản.
“Bình minh” ấy, như người dân trong nước và chính những người cộng sản cũng phải nhìn nhận, chưa bao giờ ló dạng. Nó chỉ thực sự ló dạng khi ngày càng có nhiều người cộng sản nhận ra lỗi lầm của mình và tỏ lòng sám hối. Xét cho cùng, con người cao quý không phải vì những thành tựu cho bằng thái độ sám hối.