Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Aleppo: hai bộ mặt của một thành phố


25.3.16

Cuộc nổi dậy ôn hòa của người dân Syria nhằm lật đổ nhà độc tài Bashar al-Assad cách đây 5 năm đã biến thành một trong những cuộc nội chiến đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại. Syria đã hoàn toàn đổ nát. Aleppo, thành phố lớn nhất nằm ở miền Bắc nước này, đã trở thành biểu tượng của sự sụp đổ hoang tàn ấy.
Nhân dịp kỷ niệm 5 năm cuộc nổi dậy, mới đây một ký giả lão thành của báo The Daily Telegraph, Anh Quốc, ông Peter Oborne đã thực hiện một chuyến viếng thăm tại Thành phố Aleppo. Trước cuộc nội chiến, người ta có thể ăn sáng tại Thủ đô Damascus và sau đó vẫn còn đủ giờ để đến ăn trưa tại một trong những tiệm ăn nổi tiếng của Thành phố Aleppo. Nhưng kể từ khi bùng nổ cuộc nội chiến, con đường nối liền Thủ đô Damascus với Aleppo đã hoàn toàn bị cắt đứt. Mới đây, nhờ được quân đội Nga yểm trợ, quân đội chính phủ đã mở đường. Giao thông giữa hai thành phố đã được tái lập, nhưng phải mất nhiều giờ mới đến được Alepppo và khó lượng được những nguy hiểm có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Chuyến xe đưa ký giả Oborne từ Damascus đến Aleppo đã dừng lại tại Thành phố Homs, cách Damascus khoảng 160 cây số về hướng Bắc để lấy thêm một hành khách là một viên trung úy trong quân đội chính phủ. Viên sĩ quan 22 tuổi này đang trở lại nhiệm sở sau 8 ngày phép. Anh cho biết đã bỏ ngang chương trình học kỹ sư ở đại học để nhập ngũ và được gởi đến miền Đông Aleppo để bảo vệ một phi trường quân sự. Với viên trung úy này, đánh nhau với tổ chức Nusra, một chi nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda tại Syria là chuyện cơm bữa. Gần đây, đơn vị của anh còn phải chiến đấu chống lại tổ chức khủng bố “Quốc gia Hồi giáo”. Vì căn cứ không quân nơi viên trung úy này trú đóng không thể liên lạc với bên ngoài bằng đường bộ cho nên các binh sĩ chỉ được tiếp tế quân cụ và thực phẩm bằng trực thăng vận. Vào mùa hè năm 2014, khi “Quốc gia Hồi giáo” nhào vô ăn có để chiếm giữ một số nơi tại Aleppo, tổ chức Hồi giáo cực đoan này đã đưa vào đây những loại vũ khí tinh vi có thể bắn hạ máy bay trực thăng. Do đó, căn cứ không quân này chỉ còn được tiếp tế bằng dù từ các vận tải cơ. Đôi khi vì bị thả sai mục tiêu, các thùng tiếp tế lại rơi vào tay các phiến quân. Ngay cả khi bị thương, các binh sĩ tại căn cứ không quân này cũng không được trực thăng vận đến các bệnh viện.
Viên trung úy này nói về tổ chức “Quốc gia Hồi giáo” như sau: “Họ không phải là con người. Họ không biết sợ chết. Họ xem thường các vết thương. Một số cho biết họ sử dụng ma túy”. Người sĩ quan của quân đội chính phủ còn cho biết rằng “Quốc gia Hồi giáo” có đông chiến binh hơn tổ chức Nusra và cũng tàn bạo dã man hơn tổ chức này. Có lần đơn vị của viên sĩ quan này đã tịch thu được một kho vũ khi của một nhóm chiến binh thuộc “Quốc gia Hồi giáo”. Chiến lợi phẩm mà quân đội chính phủ tịch thu được gồm có súng ống, chà là, ma túy, quần lót của phụ nữ. Các chiến binh của “Quốc gia Hồi giáo” tin rằng họ mang các thứ “nội y” này vào bên kia thế giới để gặp gỡ các trinh nữ đang chờ đợi họ.
Mặc dù giao thông giữa Damascus và Aleppo đã được tái lập, ký giả Oborne cho biết muốn đến Aleppo, ông đã phải đi qua thành phố Raqqa hiện đang bị “Quốc gia Hồi giáo” kiểm soát. Người tài xế chở ký giả Oborne cho biết hằng tuần ông đi về giữa hai thành phố nhiều lần. Trước khi chiến tranh bùng nổ, người tài xế tên là Abdullah nói rằng ông có một nhà máy dệt tại khu phố cổ Aleppo. Nhưng nhà cửa và xưởng dệt của ông đã bị phá hủy. Gia tài duy nhất còn lại của ông là chiếc xe. Để sống còn, ông đành làm nghề tài xế. Những nguy hiểm mà người tài xế bất đắc dĩ này phải trải qua là bom chôn trên đường, những vụ chạm súng bất ngờ giữa các phe phái, những trạm kiểm soát do các phiến quân hay ngay cả các nhóm tội phạm dựng lên dọc đường. Ông nói: “họ cướp bóc hoặc bắt cóc bạn để đòi tiển chuộc”.
Người tài xế giải thích với ký giả Oborne rằng cách thành phố Aleppo không bao xa là cứ địa của tổ chức Al-Nusra. Còn ở Nam là vùng kiểm soát của tổ chức “Quốc gia Hồi giáo”. Đi đâu người ta cũng thấy các trạm kiểm soát. Giữa các trạm kiểm soát không biết của bên nào, ông Abdullah phải lái xe rất chậm. Có đoạn, ký giả Oborne nhận ra một đoàn quân xa của quân đội chính phủ. Những người đồng hành với ông cho biết trên các chiếc quân xa này có cả quân đội chính phủ lẫn lính Nga. Nga đã đưa quân vào Syria từ nhiều tháng qua và phần lớn tập trung ở các tỉnh phía Bắc của nước này. Mới đây tổng thống Nga Vladimir đã bất thần tuyên bố sẽ rút quân ra khỏi Syria. Nhưng lời loan báo này chỉ được thế giới tiếp nhận một cách dè dặt.
Khi xe vừa vào đến Aleppo thì trời cũng đã tối. Ký giả Osborne nhận thấy rằng thành phố này hầu như không còn đèn đường. Mặc dù mặt trời đã lặn, nhà cửa  chìm ngập trong tối tăm, ký giả người Anh này vẫn nhìn thấy được cảnh đổ nát hoang tàn do cuộc nội chiến gây ra.
Cách đây 4 năm, Aleppo là một thành phố đẹp và phồn thịnh. Các tín hữu Kitô, người Hồi giáo nói chung đều sống chung trong hòa bình. Ngay cả giữa các tín đồ Hồi giáo thuộc hệ phái Sunni hay Shiite cũng không hề có sự thù nghịch. Một trung tâm kỹ nghệ rộng lớn tại Aleppo không những giúp cho thành phố phồn thịnh mà cũng nuôi dưỡng và duy trì tinh thần khoan nhượng giữa các thị dân, bất luận thuộc văn hóa, sắc tộc hay tôn giáo nào.
Bên trong thành phố lớn nhất của Syria còn có một số kho tàng vĩ đại nhất của văn minh nhân loại như các ngôi nhà thờ cổ, các đền thờ Hồi giáo và nhất là thành phố cổ. Nay thì hầu như mọi thứ đều bị tàn phá. Tại Thủ đô Damascus, thành phố cổ vẫn còn tồn tại nhưng nhiều khu ngoại ô nay chỉ còn là đống tro tàn. Tại Aleppo, trung tâm thành phố hoàn toàn bị phá hủy và phần lớn những khu phố còn lại đều nằm trong tay của các lực lượng nổi dậy thuộc các tổ chức khác nhau. Trước kia, chỉ cần nửa tiếng đồng hồ để đi từ phía Đông vào trung tâm thành phố. Nay phải mất đến cả ngày hoặc nhiều hơn vì có quá nhiều trạm kiểm soát hoặc đủ loại tảng đá cản đường.
Trong vài năm gần đây, chính phủ vẫn còn kiểm soát được một số khu vực ở phía Tây Aleppo trong khi phía Đông thuộc về các phiến quân. Nhiều khu vực của chính phủ thường xuyên hứng lấy đạn pháo kích. Đây là những vụ pháo kích bừa bãi mà ai cũng có thể là mục tiêu. Một số bệnh viện tại Aleppo vẫn còn hoạt động, nhưng không thể kham nổi với số thương vong: thường là hàng trăm người một lúc!
Đây là một trong những lý do chính khiến trên một triệu người dân Aleppo đã trốn chạy. Trong khi đó, tại những vùng do quân nổi dậy kiểm soát, các tổ chức bênh vực nhân quyền không ngừng tố cáo các cuộc oanh tạc do quân đội chính phủ thực hiện. Tổ chức Ân xá Quốc tế gọi các cuộc oanh tạc của chính phủ Syria là một tội ác chống lại nhân loại.
Một trong những vấn đề khẩn thiết nhất tại Aleppo là điện và nước. Hiện nay nhà máy phát điện chính đã từng cung cấp điện cho hơn 2 triệu dân Aleppo đang nằm trong tay của tổ chức “Quốc gia Hồi giáo”. Quân đội chính phủ đang tìm cách tái chiếm, nhưng không thành công. Phần lớn dân chúng Aleppo chỉ còn biết mua máy phát điện riêng. Giây điện chằng chịt trong các khu phố đổ nát là hình ảnh dễ thấy nhất tại Aleppo.
Nhưng nước vẫn là vấn đề lớn nhất của người dân Aleppo. Ống dẫn nước từ sông Euphrates về Aleppo hiện cũng nằm trong tay của tổ chức “Quốc gia Hồi giáo”. Người dân chỉ còn được tiếp tế nhỏ giọt. Trong khi tại Hoa Kỳ chẳng hạn, trung bình mỗi đầu người mỗi ngày sử dụng 340 lít nước thì tại Aleppo mỗi đầu người lại không có hơn 20 lít.  Các bác sĩ cho biết vì thiếu nước, Aleppo đã trở thành mảnh đất mầu mỡ của các thứ dịch bệnh truyền nhiễm.
Thiếu điện nước, người dân tại Aleppo lại phải sống dưới sự đe dọa và xách nhiễu triền miên của các phiến quân, dù họ thuộc bên nào. Liên minh giữa các nhóm phiến quân cũng vô cùng phức tạp và không ngừng thay đổi. Bên cạnh các tổ chức được Hoa Kỳ và các nước Tây Phương yểm trợ còn có rất nhiều nhóm cực đoan khác. Tất cả đều chống lại Chính phủ Assad cũng như không hợp tác với “Quốc gia Hồi giáo”. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền cũng như Liên Hiệp Quốc tố cáo những tội ác chiến tranh của “Quốc gia Hồi giáo”, tổ chức Nusra và ngay cả chính phủ . Tuy nhiên, tất cả mọi tổ chức vũ trang tại Syria cũng đều có những vi phạm nhân quyền trầm trọng.
Tất cả những người đã chạy trốn khỏi Chế độ Assad đều có những câu chuyện về tội ác của chế độ này để kể lại. Nhưng người dân hiện đang sống trong những vùng được chính phủ kiểm soát tại Aleppo cũng nói rằng họ là nạn nhân của khủng bố và sự man rợ của các phiến quân. Họ cũng phải trải qua không biết bao nhiêu mất mát và hiện vẫn còn bị đe dọa.
Theo những câu chuyện mà ký giả Oborne nghe được từ những người hiện đang sống trong những vùng được chính phủ kiểm soát,  đầu năm 2012, tức thời điểm cuộc chiến nội chiến bùng nổ tại Thủ đô Damascus, giới doanh nghiệp tại Aleppo cho biết họ là mục tiêu của hàng loạt các cuộc ám sát. Các lãnh tụ chính trị và tôn giáo nói rằng họ bị đe dọa giết chết hoặc tra tấn nếu họ không đứng về phía những người nổi loạn. Ngày 5 tháng 7 năm đó, một đoàn công voa thuộc một nhóm Hồi giáo cực đoan đã từng ca ngợi tổ chức khủng bố Nusra đã tràn vào khu phố cổ của Aleppo. Họ đã đốt phá các trạm cảnh sát và dựng lên các rào cản trên đường phố. Chỉ trong vài tuần, nhóm phiến quân này đã chiếm hầu hết thành phố. Lúc đầu người dân tưởng họ là người Syria. Nhưng sau đó, họ mới nhận diện được đây là những chiến binh ngoại quốc xuất phát từ Chechnya, Uzbekistan, Jordan, Saudi, Iraq, Ai Cập. Có người nói rằng đây không phải là một sự thay đổi chế độ mà là một cuộc xâm lăng của người nước ngoài. Họ vào Syria để xóa bỏ xã hội thế tục và xây dựng một chế độ tôn giáo trị. Không mấy chốc các tòa án tôn giáo được thiết lập. Phụ nữ hoặc phải ru rú trong nhà hoặc có ra đường phải trùm đầu. Rượu và thuốc lá bị cấm ngặt. Bất cứ ai, ngay cả những người Hồi giáo thuộc hệ phái Sunni, cũng bị xem là người ngoại đạo nếu không tuân thủ luật lệ mới. Trước đây tại Aleppo, mọi người bất luận thuộc chủng tộc, văn hóa hay tôn giáo nào cũng đều sống với tinh thần khoan nhượng. Các tổ chức chống chính phủ, dù thuộc phe nào, đã xóa bỏ tinh thần ấy. Các cư dân tại những vùng được chính phủ kiểm soát tại Aleppo mà ký giả Oborne đã có dịp trao đổi đều nêu lên câu hỏi: tại sao các nước Tây Phương và Liên minh Phòng thủ Bắc Đại tây dương (NATO) lại đứng về phía những người Hồi giáo cực đoan và khủng bố? 
Với hai bộ mặt tương phản nhau, Aleppo đã trở thành biểu tượng của một đất nước bị xâu xé vì nội chiến do một chế độ độc tài và các tổ chức Hồi giáo cực đoan tạo ra.

(theo http://www.middleeasteye.net/essays/journey-aleppo-how-war-ripped-syrias-biggest-city-apart)

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

Nói với chính mình



Chu Thập
18.3.16

Kể từ ngày tôi tập tành viết văn làm báo, thỉnh thoảng có người tặng cho tôi danh hiệu “nhà báo”. Có người còn làm tôi ngượng đến chín người khi gọi tôi là “nhà văn”. Tôi sợ những “chữ bự” được cho vào phía trước hay gắn vào cái đuôi của tên tôi. Cũng may. Nếu còn trong nước biết đâu tôi lại chẳng được mấy ông cộng sản “ưu ái” tặng cho hai chữ “ưu tú”.
Chẳng phải tôi “khiêm tốn nhường bao” như “Bác Hồ” vĩ đại đâu. Sở dĩ tôi không dám nhận bất cứ một danh hiệu nào liên quan đến sinh hoạt viết lách là vì cảm thấy mình không xứng đáng thôi. Đâu phải cứ vẽ được một bức tranh là trở thành họa sĩ. Đâu phải cứ viết được một ca khúc là đương nhiên trở thành nhạc sĩ. Đâu phải cứ bỏ tiền ra thu một cuốn băng là trở thành ca sĩ. Và dĩ nhiên, cứ đâu phải in được một cuốn sách là trở thành văn sĩ. Nói gì đến báo chí. Đâu phải cứ viết một bài báo là nghiễm nhiên  trở thành nhà báo. Ngày nay, với sự bùng nổ các phương tiện truyền thông, ai mà chẳng  mở riêng được  cho mình một “Blog” và tha hồ vung vít với chữ nghĩa. Nhưng tự nó số lượng chữ nghĩa đâu có đủ để “mua” được danh hiệu “nhà văn”, “nhà báo”.
Trước năm 1975, bất cứ ai đi dạy học ở cấp trung học trở lên cũng đều được gọi là “giáo sư”. Mấy ông cộng sản vào Nam đã  hạ các giáo sư trung học xuống một bậc thành “giáo viên”. Nhưng ngày nay ở Việt Nam, các bậc “phó giáo sư” hay “giáo sư tiến sĩ” thì lại chạy đầy đường. Ở nước ngoài thì trái lại, không phải cứ giảng dạy trong đại học là đương nhiên trở thành giáo sư. Phải trầy vi tróc vẩy và đóng góp nhiều công trình nghiên cứu các thày giáo ở bậc đại học mới mong được trao tặng tước hiệu “giáo sư”.
Trong xã hội, có những tước hiệu hay ngành nghề phải được luật pháp thừa nhận mới chính danh. Chẳng hạn như bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, y tá hay luật sư, kỹ sư...Họ là những người có bằng cấp hẳn hoi được chính phủ nhìn nhận. Họ có quyền nói lên tước hiệu của mình hay chìa ra tấm danh thiếp mà chẳng sợ phải cảm thấy ngượng ngùng như tôi mỗi khi được gọi là “nhà báo” hay “nhà văn”.
Tôi đã viết được một số  bài báo, nhưng tôi vẫn chưa thấy mình là nhà báo và lại càng không phải là nhà văn. Tôi thấy mình chưa phải là nhà báo là bởi vì sứ mệnh của nhà báo là hướng dẫn dư luận quần chúng. Đó là một sứ mệnh quá cao cả mà tôi lại cảm thấy mình chưa bao giờ có thể đảm nhận với tất cả trách nhiệm của mình được. Viết báo lại cũng là một nghề thiêng liêng và cao cả, bởi vì người cầm bút trước tiên phải là một chứng nhân của sự thật. Câu nói của dân gian “nhà báo nói láo ăn tiền” luôn nhắc nhở và cảnh cáo tôi về điều đó. Cho nên “bút sa là gà chết”. Lời nói thì bay đi, nhưng chữ viết thì vẫn mãi mãi còn đó. Cầm bút hay ngồi vào bàn phím là phải cảm thấy run sợ, bởi vì nếu không tự chủ và để mặc cho các đam mê xỏ mũi lèo lái, người viết có thể vừa viết vừa lách hay bẻ cong ngòi bút để bán mình làm một thứ “văn nô”: nô lệ cho quyền lực, nô lệ cho chức quyền, nô lệ cho tiền của và nhứt là nô lệ cho sợ hãi và dối trá.
Tôi hiểu được sứ mệnh cao cả của người cầm bút hơn khi đọc bản tin liên quan đến một nhà báo nổi tiếng ở Trung Quốc hiện nay là ông Dương Kế Thằng. Một trong những thiên phóng sự nổi tiếng nhứt của nhà báo này có tựa đề là “Bia Mộ”. Cuốn sách này bị chính quyền Trung Cộng liệt vào danh sách những cuốn sách bị cấm, cho nên chỉ được xuất bản tại Hong Kong vào năm 2008. Tác giả đã bỏ ra 10 năm để thu thập tài liệu, hàng ngàn trang tài liệu của chính Đảng Cộng Sản Trung Quốc, thực hiện không biết bao nhiêu cuộc phỏng vấn và ghi chép đầy đủ về giai đoạn từ năm 1958 đến năm 1961. Đây là thời kỳ đồ tể Mao Trạch Đông thực hiện chính sách được mệnh danh là bước nhảy vọt vĩ đại. Để đeo đuổi giấc mơ qua mặt Anh Quốc về kỹ nghệ sắt thép, Mao Trạch Đông đã sát tế trên bàn thờ xã hội chủ nghĩa trên 36 triệu người.
Nhờ thiên phóng sự này, Nhà báo Dương Kế Thằng đã được trao tặng giải thưởng Louis M.Lyons về “Lương tâm và Ngay thẳng trong Báo chí” (Louis M.Lyons Award for Conscience and Integrity in Journalism) năm 2016. Louis M. Lyons (1897-1982) là một ký giả Mỹ đã từng cộng tác nhiều năm với báo The Boston Globe. Giải thưởng được đặt theo tên ông là để vinh danh những người làm báo biết tôn trọng lương tâm và sự ngay thẳng.
Trong bài diễn văn nhận giải, ông Dương Kế Thằng đã nói lên nhiều khía cạnh đầy mâu thuẫn của nghề làm báo: đây là một nghề đáng khinh bỉ vì có thể lẫn lộn phải trái, điên đảo đúng sai, tạo ra những lời nói dối có hậu quả to lớn, lừa dối hàng triệu triệu người đọc, nhưng đồng thời cũng là một nghề nghiệp thiêng liêng, cao quý...Nhưng theo ông, “là nghề đáng khinh bỉ hay cao quý, tầm thường hay thiêng liêng, nông cạn hay sâu sắc đều bắt đầu từ lương tâm, nhân cách và nhận thức của người cầm bút. Người phóng viên chân chính sẽ lựa chọn đứng về phía cao quý, thiêng liêng, sâu sắc, nguy hiểm mà đứng xa sự khinh bỉ, nông cạn, thoải mái an nhàn” (http://dcvonline.net/2016/03/13/dien-van-nhan-giai-bao-chi-luong-tri-va-chinh-nghia-louis-m-lyons/).
Không phải là một nhà báo chính hiệu, nhưng mỗi lần ngồi vào bàn phím, tôi cũng luôn nghĩ đến hai chữ “lương tâm”. Với tôi, như tựa đề của những suy tư của một nhà lãnh đạo tôn giáo trong nước đã gợi lên, viết trước tiên là “nói với chính mình”. Và để nói với chính mình, lắng nghe tiếng nói của lương tâm là điều thiết yếu. Nói cách khác, viết là lắng nghe sự mách bảo của lương tâm để từ đó tự nhắn nhủ mình hãy cố gắng sống chân thật, ngay thẳng, vị tha và tử tế. Văn ôn võ luyện. Viết cũng là một cách tập luyện để không ngừng uốn nắn bản thân và sống cho ra người.
Như ông Dương Kế Thằng đã nói trong bài diễn văn nhận Giải “Louis M. Lyons về Lương tâm và Ngay thẳng trong Báo chí”, làm báo là một nghề thiêng liêng cao quý. Phản bội sứ mệnh cao cả của mình, người làm báo không những đánh mất chính mình, mà còn tàn phá và giết hại cả xã hội và dân tộc. Có bảo rằng chính giới trí thức mà cụ thể là nhà văn nhà báo ở Miền Bắc đã làm cho xã hội Việt Nam rơi vào tình trạng phá sản như hiện nay không phải là điều quá đáng. Không có sự tiếp tay hay “hà hơi tiếp sức” của giới trí thức Miền Bắc thì dù có ba đầu sáu tay, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam đã không tài nào làm cho xã hội và con người Việt Nam biến chất như ngày nay. Dối trá, ích kỷ và vô cảm là 3 căn bệnh trầm trọng nhứt mà những người cộng sản đã tạo ra cho xã hội Việt Nam hiện nay. Trước khi được tiêm vào máu của người dân Việt Nam, những tính xấu ấy cũng giống như các thứ vi khuẩn độc hại đã được chính giới lãnh đạo cộng sản rước vào da thịt mình rồi cấy sang các nhà trí thức để rồi từ đó truyền sang cho dân chúng. Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc đã có lý để khẳng định rằng “ích kỷ nhất là giới lãnh đạo đảng Cộng sản...Cũng giống như sự ích kỷ, thành phần giả dối nhất ở Việt Nam hiện nay là giới lãnh đạo”. Nhưng bên cạnh đó, người ta không thể không nhắc đến các “văn nô”, những người đã bóp nghẹt tiếng nói của lương tâm và sự thật để đưa sự dối trá và tính ích kỷ lên ngôi trong xã hội.
Cũng như nhiều người Việt đang sống ở hải ngoại, mỗi lần nhìn vào xã hội Việt Nam hiện nay, tôi thấy ngao ngán. Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc đã không mấy lạc quan về xã hội Việt Nam. Theo ông “ba tính xấu vừa kể (dối trá, ích kỷ, vô cảm) là những thử thách lớn nhất của người Việt Nam hiện nay. Với ba tính cách ấy, chúng ta không hy vọng gì chế độ Cộng sản sẽ sụp đổ sớm. Ngay cả khi chế độ Cộng sản sụp đổ, ba tính cách ấy cũng sẽ trở thành những trở ngại to lớn cho quá trình xây dựng một đất nước phát triển, ổn định, dân chủ và độc lập”.

Chu Thập 2009
Úc Đại Lợi, nơi tôi đã chọn làm quê hương thứ hai, quả là một “đất nước phát triển, ổn định, dân chủ và độc lập”. Bên cạnh ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp, truyền thông mà báo chí là linh hồn cũng được xem như một quyền lực thứ tư trong một quốc gia. Phát triển, ổn định, dân chủ và độc lập không đương nhiên  hoàn toàn xóa bỏ được ba tính xấu là dối trá, ích kỷ và vô cảm khỏi xã hội. Xã hội nào, dù có văn minh tiến bộ đến đâu, cũng không tránh khỏi ba tính xấu ấy. Ở đâu và trong bất cứ sinh hoạt nào của con người cũng đều có ba tính xấu ấy. Nhưng chắc chắn, trong một đất nước phát triển, ổn định, dân chủ và độc lập như Úc Đại Lợi, ba tính xấu ấy không phải là những tính xấu nổi trội trong xã hội. Và trong một xã hội như thế, báo chí công cụ, nhà báo và văn nô không thể có đất sống. Lương tâm và sự ngay thẳng vẫn luôn được trân trọng, đề cao và cổ súy. Chính vì tin tưởng vào điều đó mà hàng ngày tôi xem việc đọc báo, xem tin tức và ngay cả thưởng thức các chương trình văn nghệ như những món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống. Sở dĩ tôi đặt niềm tin nơi các phương tiện truyền thông và báo chí là bởi vì “lương tâm và sự ngay thẳng” chính là thước đo sức sống và sự lành mạnh của xã hội. Truyền thông và báo chí trong một đất nước dân chủ và tự do cũng có mặt trong cuộc sống của tôi để nhắc nhở tôi về đủ mọi thứ cạm bẫy trong xã hội. Có nhiều lúc những dục vọng thấp hèn, xấu xa che mờ, lấn át hay đè nén trên lương tâm. Truyền thông và báo chí vì phải tôn trọng lương tâm và sự ngay thẳng luôn là tiếng chuông cảnh tỉnh tôi về những cạm bẫy như thế.
Mỗi lần cầm bút là mỗi lần muốn “nói với chính mình” cho nên tôi luôn cố gắng lắng nghe sự mách bảo của lương tâm. Đó là tiếng nói xuất phát từ đáy lòng luôn nhắn nhủ tôi phải làm điều thiện tránh điều ác và hãy làm cho người khác những gì tôi cũng muốn họ làm cho tôi. Ngoài ra,  nói như Mahatma Gandhi, lương tâm cũng là một thứ tòa án trong thẩm sâu tâm hồn con người. Ông nói: “ Với lương tâm, quy luật của số đông không có tác dụng. Có tòa án còn cao hơn tòa án công lý và đó là tòa án của lương tâm. Nó thay thế cho mọi tòa án khác”.
Kết thúc Truyện Kiều, một tuyệt tác không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn của cả nhân loại, cụ Nguyễn Du chỉ biết khiêm tốn thốt lên: “Lời quê góp nhặt dông dài, mua vui cũng được một vài trống canh ”. Phần tôi, tôi cảm thấy vui khi cầm bút để “nói với chính mình”. Bởi lẽ đó là lúc tôi cố gắng lắng nghe lời nhắn nhủ của lương tâm để sống cho ra người chân thật và tử tế hơn.






Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

Một thời để làm thinh.



Chu Thập
3.4.12

Hôm nay là ngày mà các tín hữu Kitô Việt nam cũng như tại hầu hết mọi nơi trên thế giới gọi là “Thứ Sáu Tuần Thánh”. Ở Úc, ngày này được gọi là “Good Friday”, một ngày nghỉ lễ (Public Holiday). Tôi không biết “good” có đồng nghĩa với “thánh” không. Nhưng cứ sự thường, “good” chỉ có nghĩa là tốt đẹp mà thôi. Ngày tưởng niệm Chúa Giêsu chết được gọi “Good” (tốt) là phải, bởi vì ra đường thấy đâu đâu cũng có người lên đường đi nghỉ lễ Phục Sinh và sinh hoạt có khi lại còn náo nhiệt hơn ngày thường. Trái với bầu khí vui chơi nhộn nhịp này, vào các nhà thờ ở Việt nam, nhứt là ở miền Bắc hay khu “Bắc kỳ di cư” ở miền Nam, người ta chỉ thấy toàn một mầu tang chế buồn thảm: nhà thờ trắng xóa khăn tang, giọng “ngắm nhân tài” hay “ngắm đứng” nghe thật não nuột!
Ở những nước nói tiếng Anh, người ta còn gọi Ngày thứ sáu tuần thánh là “Black Friday” (thứ sáu tối đen). Kiểu nói này xem ra gợi hình và gần với Kinh Thánh hơn cả, bởi vì Kinh Thánh viết rằng khi Chúa Giêsu tắt thở thì “bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu (3 giờ chiều), thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ 9. Mặt trời ngưng chiếu sáng” (Lc. 23,44-45). Tại Phi luật tân, quốc gia có đông người công giáo nhứt Á châu, thứ sáu tuần thánh đúng là một ngày “tối đen”. Ở quốc gia mà Đạo công giáo được người Tây ban nha mang đến ngang qua ngã Mễ Tây Cơ cùng với vô số tập tục lỉnh kỉnh của Châu Mỹ Latinh này, Thứ Sáu Tuần Thánh được tuân giữ một cách triệt để nhứt. Không kể đến những vụ đóng đinh “thật sự” được tổ chức tại một làng quê cách thủ đô Manila khoảng 60 cây số về hướng Bắc cũng như cảnh những người trùm đầu, mình trần, đi chân không giữa cái nắng trên 35 độ C, dùng roi sắt quất vào người cho đến khi máu chảy đầm đìa...cả nước Phi luật tân hầu như chìm ngập trong “tăm tối” của ngày thứ sáu tuần thánh. Ở một nước mà tiếng động cơ máy nổ đủ loại hoạt động suốt ngày đêm, tạo ra một thứ ô nhiễm âm thanh khủng khiếp, người ta có cảm tưởng như mọi thứ đều ngưng lại trong ngày thứ sáu tuần thánh, cứ như là bị “black out” (cúp điện) toàn diện. Công sở, hãng xưởng, trường học, chợ búa, hàng quán đóng cửa đã đành, mà các phương tiện di chuyển công cộng cũng chẳng có hay bị hạn chế tối đa. Bình thường, cứ 4, 5 giờ sáng, người dân Phi đã thức giấc và tuốn ra các ngã đường. Nhưng hôm nay, người ta kiêng cữ đến độ không dám ra khỏi nhà. Bốn bề yên lặng. Tôi có cảm tưởng như mỗi năm người dân hải đảo vốn thích ca hát ồn ào này dành ngày thứ sáu tuần thánh để tập sống thinh lặng. Sống và làm việc tại Phi luật tân một thời gian, tôi nhận thấy đây là “bài học” cần thiết hơn bất cứ môn học nào.
Bài học vỡ lòng mà người Việt nam nào cũng phải học là “học ăn, học nói...” Tôi thấy chẳng có cha mẹ nào dạy con phải học “im lặng” cả. Mãi cho đến khi lên Trung Học, bắt đầu tập làm văn “nghị luận”, học sinh mới được dạy để bình câu “lời nói là bạc,thinh lặng là vàng”. Đây là dịp để làm quen với bao lời dạy của các bậc thánh hiền Đông Tây về sự thinh lặng. Nhìn  chung, ở đâu và thời nào con người cũng đề cao và trân quý sự thinh lặng. Ở Á đông, những người có tham vọng ra “làm quan” thường tìm một nơi hẻo lánh để ở ẩn chờ thời. Bên trời Tây, các bậc thức giả hay nhà khoa học cũng giam mình trong thinh lặng để nghiền ngẫm và nghiên cứu. Gặp lúc buộc phải lên tiếng nói nhưng lại im lặng, thì im lặng có thể là một thái độ ích kỷ, hèn nhát hay thiếu trách nhiệm. Nhưng im lặng, nhứt là khi bị bịt miệng, có khi lại là tiếng nói mạnh mẽ, hùng hồn hơn cả.
Mới đây, cuốn phim “câm” và trắng đen có tựa đề “The Artist” (người nghệ sĩ) đã gây chấn động tại thủ đô điện ảnh Hollywood. Sự kiện cuốn phim “câm” này đạt được nhiều giải thưởng tại liên hoan phim Cannes, Pháp, 7 giải BAFTA tại Anh Quốc và giựt được đến 20 giải Oscar tại Hoa kỳ hôm 26 tháng 2 vừa qua, cho thấy giá trị và ý nghĩa của cuốn phim. Sau khi nhận giải Oscar, đạo diễn của phim “The Artist” là ông Michel Hazanavicius đã so sánh tiếng nói với sự thinh lặng như sau: “Tiếng nói hữu dụng, nhưng chỉ hữu dụng thôi. Tuy nhiên, nó cũng làm giảm giá trị của truyền thông. Khi một đứa trẻ không biết nói, cười với bạn, làm bạn xúc động, khác với cái cười của người lớn. Ngay cả với những người bạn yêu, không phải lúc nào bạn cũng dùng lời nói để biểu lộ những việc quan trọng. Tôi nghĩ khi bạn không cần phải nói, đó mới thực sự là sức mạnh” (x. Đinh Từ Thức, The Artist, Oscars và Cộng sản, Việt luận 23/3/2012).
Cuốn phim “câm” và trắng đen này không thể không gợi lại cho những người say mê điện ảnh những cuốn phim “câm” của Charlie Chaplin (1889-1977) vào thời kỳ phôi thai của nghệ thuật thứ bảy. Diễn viên kiêm đạo diễn người Anh mà lúc nhỏ chúng ta quen gọi là “Charlot” này đã mang lại cho chúng ta không chỉ những trận cười “nghiêng ngả”, mà còn khơi gợi những suy tư nhức nhối về thân phận con người, khiến chúng ta không chỉ cười mà còn muốn khóc là khác. Không cần một lời nói, thiên tài điện ảnh này đã khiến chúng ta cười ra nước mắt theo đúng nghĩa. Ông đã thể hiện đúng chức năng của “phim ảnh”: nói mà không cần phải dùng lời nói! Bởi lẽ, như đạo diễn Hazanavicius đã nói, lời nói “cũng làm giảm giá trị của truyền thông”.
Ở thời đại thông tin toàn cầu này, cứ tưởng “nghe-nhìn” (audio-video) là hoạt động chính, nhưng dường như con người lại nói nhiều hơn nghe nhìn. Theo tôi, một trong những hình ảnh tiêu biểu nhứt của thời đại thông tin toàn cầu này chính là chiếc điện thoại di động. Hãy thử gia nhập vào một đoàn người đang chen chúc nhau trên những đường phố nhộn nhịp nhứt của những thành phố lớn. Hình ảnh dễ thấy nhứt vẫn là cảnh người người vừa đi vừa áp điện thoại di động vào tai để nói. Vừa đi vừa khoa tay múa chân vừa cười cười nói nói, họ chen chúc trong đám đông mà y như chỗ không người. Không gì buồn cười bằng khi nghe có tiếng người đang nói sau lưng mình. Quay lại thấy họ đang nói chuyện với ai đó, nhưng thoạt nhìn cứ tưởng như họ đang nói “xàm” một mình. Truyền thông mà cứ như “độc thoại”. Ở thời đại mà những phương tiện truyền thông ngày càng tối tân tưởng có sức “nối mạng” làm cho con người ở xa gần gũi với nhau hơn, trong thực tế lại càng làm cho con người đang sát gần nhau trở nên xa lạ hơn. Nếu có “liên kết” với nhau thì cái mạng lưới ấy có khi cũng chỉ là một thế giới ảo. Trong thế giới ấy, càng muốn “nói”, càng muốn “giải bày” thì con người lại càng cô đơn hơn.
Bớt nói để biết lắng nghe hơn: đó là nguyên tắc thực tiễn mà ông Dale Carnegie đã đề ra trong cuốn sách “Đắc nhân tâm” (How to win friends and influence people). Trong chương tư (bản dịch của Nguyễn Hiến Lê), Dale Carnegie kể lại rằng một hôm ông được mời dự tiệc. Trong câu chuyện trao đổi sau bữa tiệc, một người phụ nữ muốn ông kể về những danh lam thắng cảnh ở Âu Châu. Biết người đàn bà này vừa mới thực hiện một chuyến du lịch ở Phi Châu, ông Carnegie chỉ nói vài câu rồi gợi ý cho bà kể lại chuyến đi. Ông ghi lại rằng người đàn bà liền thao thao bất tuyệt trong 45 phút đồng hồ mà chẳng còn ngó ngàng gì đến những thắng cảnh ở Âu châu nữa. Ông thấy rằng người đàn bà này “chỉ muốn gặp được người chăm chú nghe để bà có cái vui được dịp nói về mình và những kỷ niệm của mình”. Theo ông, có vô số người như người phụ nữ này. “Tất cả chúng ta đều muốn diễn thuyết khi có người chăm chú nghe ta”.
Trong một bữa cơm tối khác, Carnegie cũng lân la đến gần một nhà thực vật học nổi tiếng. Ông gợi ý cho nhà khoa học này nói về những kiến thức khoa học của mình. Thế là bài lecture (giảng huấn) của nhà khoa học kéo dài cho đến nửa đêm. Carnegie đành xin phép ra về. Sau đó, có người cho hay rằng khi ông “vừa ra khỏi phòng, nhà thông thái đó quay lại nói với ông chủ nhà rằng Carnegie là một người “ăn nói có duyên”. Kỳ thực, trong suốt buổi nói chuyện, ông chỉ là người gợi chuyện cho nhà thông thái “bày tỏ” kiến thức của mình.
Tác giả kể lại rất nhiều giai thoại như thế và kết luận rằng “người nói chuyện với ta quan tâm tới những thị dục, những vấn đề của họ trăm phần thì chỉ quan tâm đến ta, đến nỗi thắc mắc của ta một phần thôi. Bệnh nhức răng dày vò người đó hơn là cảnh đói kém làm chết cả triệu dân Trung quốc. Một cái nhọt tai ở cổ người đó làm cho người đó lo lắng hơn bốn chục nạn động đất ở Châu Phi. Lần sau, có nói chuyện với ai, xin bạn nhớ tới điều đó”.
Thinh lặng là để lắng nghe và lắng nghe trước tiên là lắng nghe người khác. Có khi thinh lặng chỉ là mồ chôn của sự cô đơn. Người ta thinh lặng là chỉ để “bế quan tỏa cảng” với người khác hay để gậm nhấm những buồn phiền, nỗi đau hay cơn giận của mình. Một cánh cửa đóng sầm lại: đó là hình ảnh chúng ta thường thấy về sự thinh lặng này. Dù có được thực thi với một kỷ luật sắt hay trong một bầu khí trang nghiêm đến đâu, một sự thinh lặng như thế chỉ gia tăng sự cô đơn của con người mà thôi. Trong một số tu viện Kitô giáo, thinh lặng luôn được xem là quy luật nghiêm nhặt nhứt. Có những tu viện, mỗi năm các tu sĩ chỉ được nói chuyện một ngày. Có người lại bi thảm hóa đời sống tu trì đến độ tưởng tượng ra rằng mỗi năm các tu sĩ chỉ được phép nói một câu. Thành ra mới có chuyện kể rằng trong một tu viện nọ, phải ăn cái món “súp” mặn chát, mà các tu sĩ phải “cắn răng”  chịu đựng. Năm đầu, khi được nói một câu, một vị tu sĩ hình như chỉ chờ có bấy nhiêu để “dành” cái câu nói “quý báu” cho người phụ trách nhà bếp:  “Súp mặn quá”.  Vậy mà đâu vẫn vào đó. Người phụ trách nhà bếp, có lẽ vì muốn cho các anh em của mình tiến tới trong “đàng nhân đức” chăng, vẫn cứ mạnh tay cho muối vào súp. Chờ đúng một năm sau, nhân đức có gia tăng cho anh em tu sĩ không thì không rõ nhưng nhà bếp lại cũng nhận cái “đặc ân” năm ngoái: “Súp vẫn mặn”.
Chuyện nghe như đùa. Nhưng trong cái thế giới nhỏ bé của một tu viện, có khi người ta thinh lặng không phải để ra khỏi chính mình và lắng nghe tiếng nói của người khác hay tu tập thêm một thứ nhân đức siêu phàm nào, mà chỉ để gậm nhấm nỗi đau khổ và cô đơn của mình.
Thinh lặng là để lắng nghe người khác. Nhưng để có thể lắng nghe người khác, con người cũng cần phải biết lắng nghe chính mình. Người ta có thể bịt tai để không nghe người khác hay những ồn ào náo nhiệt của thế giới bên ngoài, nhưng không ai có thể chạy trốn khỏi tiếng nói lương tâm của mình. Ở đó, trong thẩm cung của cõi lòng, ta nghe được phán quyết về những hành vi của mình cũng như mệnh lệnh “hãy làm điều thiện và tránh điều ác”. Đây là tiếng nói mà tôi vẫn nghe được khi dạo bước trong vườn vào buổi sáng sớm hay lúc chiều tà. Đó là những giây phút tôi trân quý nhứt, bởi vì trong khung cảnh thanh vắng và khi mọi sự đã lắng đọng, tôi thấy mình mới có thể trở về với chính mình và lắng nghe được tiếng nói sâu thẳm từ nội tâm.
Lắng nghe người khác, lắng nghe tiếng nói sâu thẳm của lương tâm, là người tín hữu Kitô, tôi cũng luôn được mời gọi để lắng nghe tiếng nói của Chúa. Mẹ Teresa Calcutta (1910- 1997) người nữ tu gốc Albani suốt một đời tận tụy phục vụ những người thấp bé và khốn khổ nhứt trong xã hội, đã nói: “Chính trong thinh lặng của cõi lòng mà Thiên Chúa nói. Nếu bạn tìm kiếm Ngài trong cầu nguyện và thinh lặng, Ngài sẽ nói với bạn. Lúc đó, bạn sẽ biết rằng bạn là hư không. Và chỉ khi nào bạn ý thức được sự hư không, trống rỗng của bạn, Thiên Chúa mới có thể lấp đầy bạn bằng chính Ngài. Những tâm hồn cầu nguyện là những tâm hồn biết thinh lặng” (trích trong Mother Teresa, In the Heart of the World: thoughts, Stories and Prayers). Mẹ cũng khuyên: “Chúng ta cần phải tìm kiếm Chúa và Ngài không thể tìm gặp trong nơi ồn ào, náo nhiệt. Chúa là bạn của thinh lặng. Hãy nhìn thiên nhiên: cỏ cây, bông hoa đều lớn lên trong thinh lặng. Hãy nhìn trăng sao và mặt trời: chúng di chuyển trong thinh lặng...”
Thật vậy, ngay cả sự kiện Chúa Phục sinh cũng xảy ra trong thinh lặng. Thinh lặng giúp con người trở nên chín chắn và trưởng thành trong suy nghĩ để từ đó sẵn sàng và nhứt là dám lên tiếng.











Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Thành Thân hay thành Nhân?



Chu Thập
14.8.12

Trên đời này có những tiếng khóc quả là vô duyên và lãng nhách. Trong Thế vận hội mùa hè London 2012 vừa qua, có nhiều tiếng khóc như thế. Tôi nghĩ đến tiếng khóc của một nữ lực sĩ Nam Hàn nào đó, bị đánh bại trong một trận tranh tài đấu kiếm, đã ngồi bệt xuống sàn mà khóc ngon lành. Dù đã bỏ ra bao nhiêu năm tháng để tập luyện về thể lực và kỹ năng, và chắc chắn là cũng từng trải qua nhiều trận tranh tài, nhưng người ta lại quên chuẩn bị tinh thần để chấp nhận “thua” và đón nhận cái chân lý nghìn đời: “Thắng thua là chuyện thường tình”.
Trong bất cứ cuộc tranh tài nào, thắng thua là chuyện thường tình đã đành, mà cũng chỉ là chuyện tương đối. Thắng hay thua cũng còn tùy ở cái nhìn. Không cần phải đứng đầu bảng về con số huy chương, Cộng hòa Jamaica, trong mắt tôi, vẫn là nước vô địch. Đã nghèo, dân số lại chưa tới 3 triệu dân, vậy mà quốc gia mới dành độc lập được 50 năm này đã có đến 3 lực sĩ chiếm cả ba huy chương vàng, bạc, đồng một lúc trong cùng một cuộc thi chạy nước rút  200 thước. Cũng đáng ca ngợi không kém là 3 lực sĩ của hai nước Phi Châu nghèo khác như Uganda và Kenya vì đã đạt được cả ba huy chương vàng, bạc, đồng trong cuộc thi chạy việt dã kết thúc Thế vận hội London.
Luận về chuyện thắng thua trong các cuộc tranh tài Thế vận hội một cách tương đối như thế, tôi vẫn cho rằng Trung Quốc là nước thua “đậm” hơn cả. Không phải cứ chiếm nhiều huy chương là đương nhiên thắng. Dĩ nhiên, nếu xét về con số huy chương, Trung Quốc lần nào cũng thắng lớn. Nhưng nếu nhìn lại mọi phương tiện mà nước này xử dụng theo phương châm “cứu cánh biện minh cho phương tiện” để có được con số huy chương hầu quảng cáo cho bộ mặt của chế độ, thì chẳng biết phải xếp nước này vào hạng nào. Trong bài viết có tựa đề “ Lý do Trung quốc đoạt nhiều huy chương Olympics”, tác giả Trần Trung Đạo đã cho thấy vô số những “mánh khóe” mà quốc gia cộng sản này đã xử dụng trong các cuộc tranh tài thể thao. “Trung quốc là tổ gian lận quốc tế”. Tại Á vận hội Hiroshima 1994, mười một lực sĩ Trung quốc bị loại vì xử dụng thuốc kích thích và 9 huy chương vàng bị thu hồi. Năm 1997, tại giải Vô Địch Bơi Lội Thế Giới được tổ chức tại Perth, Tây Úc, hàng loạt lực sĩ Trung quốc, kể cả ông bầu, đều bị tống cổ về nước vì xử dụng thuốc kích thích. Trong suốt thập niên 1990, sự gian lận ấy cũng được đoàn lực sĩ Trung quốc tận tình lập lại mà không biết ngượng. Tại Thế vận hội London lần này, không dùng thuốc kích thích thì một số lực sĩ Trung Quốc lại quay ra xử dụng một chiêu khác cũng bị xem là một hình thức vi phạm luật chơi trong Thế vận hội. Đó là “đánh để được thua”. Đây là trường hợp đã xảy ra trong trận vòng xếp hạng giải Cầu lông giữa Trung quốc và Nam Hàn. Trong trận này, hai cầu thủ của Trung Quốc đã cố tình không những đánh cầu ra ngoài sân mà còn tự đánh vào lưới để “được thua”. Lý do là vì họ không muốn đụng phải các cầu thủ Trung quốc khác vừa là đồng chí lại vừa khó thắng so với các cầu thủ các nước khác.
Nhờ “gian lận” mà thắng đã đành, Trung Quốc cũng nổi tiếng là nước xử dụng “cực hình để huấn luyện trẻ em trở thành vô địch”. Tác giả Trần Trung Đạo giải thích: “Tại Trung quốc, không có một môi trường thể dục thể thao đúng với tinh thần do hiến chương của Tổ Chức Thế Vận đề ra mà chỉ có những chương trình tra tấn thiếu nhi để đem huy chương vàng về cho đảng cộng sản. Lực sĩ các bộ môn thể thao tại Trung quốc là một đội quân được trang bị và huấn luyện kỹ thuật từ khi còn tấm bé” (x.Trần Trung Đạo, Lý do Trung quốc đoạt nhiều huy chương Olympics, VL7/8/2012). Ngay từ tấm bé, các lực sĩ đã bị “thuần hóa”, tẩy não và hành hạ chẳng khác nào thú vật thì có đoạt huy chương trong các cuộc tranh tài thể thao, cũng chẳng có gì phải ngạc nhiên. Vinh quang thì có vinh quang thật, nhưng vinh quang ấy lại thuộc về chế độ, thuộc về cái đảng độc tài đang cai trị. Vinh quang ấy, thật ra cũng chỉ là một cái bã bầy nhầy, bởi vì cái chế độ ấy càng đoạt nhiều huy chương ở Thế vận hội thì, càng tô son trét phấn, càng để lộ cái bộ mặt vô nhân đạo, giả nhân giả nghĩa của nó. Có lẽ không có nơi nào mà Trung quốc cho thấy bộ mặt thật của chế độ cộng sản cho bằng trong Thế vận hội. Càng tô điểm thì càng diêm dúa mà thôi!
Với tôi, trong bất cứ cuộc tranh tài thể thao nào, Trung quốc hay đúng hơn chế độ độc tài Trung cộng cũng đều thua cả. Nhưng không riêng gì Trung quốc, mà một số nước khác như Úc đại lợi chẳng hạn, cũng nên được xếp vào hạng những nước “thua”. Lẽ ra, ăn cây nào rào cây đó, tôi nên hãnh diện về thành tích vừa qua của phái đoàn Úc đại lợi tại Thế vận hội London mới phải. Đứng tới hạng 10 chớ có ít đâu. Với một dân số trên dưới 20 triệu, thì so với mấy anh khổng lồ Hoa kỳ, Trung quốc...được xếp vào “Top 10” là một thành tích “huy hoàng” quá rồi. Còn đòi gì nữa. Nhưng tôi cho rằng Úc đại lợi nên được xếp vào hạng những nước yếu kém về thể thao, bởi vì thành tích này không tương xứng với số tiền mà Học viện Thể Thao Úc đã đầu tư vào việc chuẩn bị. Theo báo The Sydney Morning Herald, trong số ra cuối tuần 11-12 tháng 8 vừa qua, Học viện Thể Thao Úc đã dùng đến 310 triệu Úc kim tiền thuế của dân để chuẩn bị cho các cuộc tranh tài Thế vận vừa qua. Chiết tính, trung bình một huy chương vàng, bạc, đồng mà phái đoàn lực sĩ Úc đạt được trong Thế vận hội vừa qua tốn từ 4 đến 15 triệu Úc kim.
Sức khỏe thể lý của người dân là một phần quan trọng trong bộ mặt của bất cứ quốc gia nào. Trong các cuộc giao tranh tại Gallipoli và ở mặt trận phía Tây thời Đệ nhứt thế chiến, các binh sĩ Úc được xem là “thiện chiến” nhờ họ có thể lực tốt và được cho ăn uống đầy đủ hơn binh sĩ đối phương và ngay cả quân đội của một số đồng minh khác. Người dân Úc đã tự hào như thế và họ cũng nghĩ rằng điều này luôn được chứng tỏ qua các thành tích của các lực sĩ Úc tại các cuộc tranh tài thể thao.Thật ra, có lẽ đây chỉ là một “huyền thoại”. Thực tế cho thấy thành tích của các lực sĩ Úc trong các cuộc tranh tài Thế vận hội không phản ảnh đúng sức khỏe hay đời sống thực của người dân Miệt Dưới này nữa. Ngày nay, cái thực tế luôn đập vào mắt tôi là hình ảnh của đại đa số người dân Úc béo phì, lười biếng và ngồi nhiều hơn vận động. Các con số thống kê khó mà sánh vai với những thành tích thể thao của các lực sĩ chuyên nghiệp của Úc. Theo đại học Monash, trong số trên dưới 20 triệu dân, có đến 17 triệu người Úc có thân hình nặng quá ký hay béo phì. Nếu sự tham gia các cuộc tranh tài Thế vận hội biểu trưng cho cuộc sống của người dân Úc, thì sức mạnh thể lý của phái đoàn lực sĩ Úc không thể nào xóa tan được hình ảnh của 17 triệu người béo phì ngồi trước màn ảnh truyền hình, trên tay cầm chai bia VB, miệng nhai khoai tây chiên và hò hét không ngừng nghỉ.
Úc đại lợi quả thực “thua lớn” trên mặt trận sức khỏe thể lý. Cách đây gần 3 năm, một bản báo cáo độc lập do ông David Crawford thực hiện đã đề nghị chính phủ nên duyệt xét lại việc quản lý hệ thống thể dục thể thao. Bản báo cáo đã đề nghị chính phủ Liên bang nên đầu tư tiền vào việc khuyến khích người dân Úc tham gia vào sinh hoạt thể dục thể thao, chứ không chỉ dành riêng cho một số thành phần ưu tuyển. Nhưng người đứng đầu của Ủy ban Thế vận Úc đại lợi là ông John Coates đã không màng đến đề nghị này (SMH, “An Olympic Games for everyone”, 11-12/8/2012). Thử tưởng tượng nếu như số tiền 310 triệu Úc kim kia được dùng vào các chương trình bảo vệ sức khỏe cộng đồng thì thiết thực hơn biết bao.
Cũng theo bài quan điểm của báo The Sydney Morning Herald, để cho Thế vận hội tiếp tục có ý nghĩa, thì các cuộc tranh tài của các lực sĩ phải tượng trưng cho chính “sức khỏe” của cả một dân tộc, chứ không chỉ của một số thành phần được tuyển chọn và huấn luyện đặc biệt. Ngay cả khi phái đoàn lực sĩ Úc có đứng đầu bảng về huy chương đi nữa, nếu vẫn còn có đến 17 triệu người dân Úc nặng quá ký hay béo phì thì Úc đại lợi cũng sẽ mãi mãi là một quốc gia “đại bại” trong mặt trận sức khỏe thể lý.
Dĩ nhiên, tại Thế vận hội, các lực sĩ không chỉ phô diễn sức khỏe thể lý. Họ không chỉ “tranh tài” mà còn “ tranh” cả về “đức”, tức tư cách nữa. Câu nói của người La mã ngày xưa “một tinh thần lành mạnh trong một thể xác khỏe mạnh” (mens sana in corpore sano) cũng hàm ẩn một lời khuyên: một thân xác khỏe mạnh phải chuyên chở một tinh thần lành mạnh. Người có sức khỏe thể lý tốt cũng phải là người có tư cách. Nếu không, con người sẽ chỉ là một người “khổng lồ không có trái tim” như được nhà văn Trần Duy thời Nhân văn Giai phẩm mô tả. Tựu trung, cùng với sức khỏe thể lý, con người cũng phải chăm sóc cho sức khỏe tinh thần.
Nói đến sức khỏe tinh thần trong Thế vận hội, tôi không thể không nghĩ đến lực sĩ Oscar Pistorius của Nam Phi. Nếu được bỏ phiếu bầu chọn vận động viên số một của Thế vận hội London vừa qua, có lẽ tôi sẽ không bỏ phiếu cho Michael Phelps, lực sĩ Mỹ đã đạt kỷ lục về huy chương vàng trong bộ môn bơi lội hay Usain Bolt, người lực sĩ Jamaica đã phá kỷ lục của Carl Lewis về điền kinh. Tôi chọn Oscar Pistorius, người lực sĩ “không chân”. Ai đó đã viết về anh: “Với một lực sĩ bình thường, được góp mặt tại Thế vận hội đã là điều không đơn giản và nếu đó là một người đã mất cả hai chân như Oscar Pistorius, phải gọi anh là chuyện cổ tích thời hiện đại về nghị lực, khát vọng vươn lên trong cuộc sống”. Pistorius đã không đạt được huy chương nào, nhưng sự kiện anh đã về thứ 8 trong trận thi đấu vòng bán kết 400 thước đã là một kỳ tích đáng được ghi vào Guiness Book và dĩ nhiên đáng được vinh danh như một biểu tượng của ý chí, nghị lực phi thường trong cuộc sống. Anh thực sự là người chiến thắng. Anh là người lực sĩ tiêu biểu của mọi thời đại.
Oscar Pristorius quả là nguồn cảm hứng cho tôi về sức mạnh của ý chí và tinh thần. Nơi anh, tôi nghiệm ra rằng Trời không phú ban cho mọi người cùng một sức mạnh thể lý. Nhưng anh nói với tôi rằng cái kho tàng ý chí trong mỗi người thì vô tận. Khác nhau ở chỗ người ta có biết khai thác và tận dụng kho tàng đó không mà thôi.
Không đạt được một huy chương nào, nhưng đã cố gắng thi thố cho đến cùng sức lực và tài năng của mình, anh đã nhắn nhủ tôi rằng thành công lớn nhứt trong cuộc đời không phải là một huy chương thế vận hội, một mảnh bằng, một học vị, một chức quyền trong xã hội hay bất cứ một sự nhìn nhận và vinh danh nào của xã hội, mà trước tiên và thiết yếu là sự “thành nhân”. Trong thế vận hội, huy chương chỉ dành cho một người hay một nhóm người. Nhưng trong trường đua để “làm người” thì ai cũng có thể đoạt được huy chương.
Nghĩ như thế khi ngồi chiêm ngắm bức hình của người lực sĩ Nam Phi “không có chân”, tôi cảm thấy được an ủi. So với anh, tôi vẫn còn có đôi chân lành mạnh. Tôi có thừa khả năng và điều kiện để rèn luyện cho mình có được một thân thể khỏe mạnh hầu có được một tinh thần lành mạnh. Nhưng cho dẫu một ngày nào đó, khi lực bất tòng tâm, khi đôi chân và toàn thân đã rã rượi theo định luật của thời gian, tôi cũng tin rằng sức khỏe tinh thần vẫn là điều tôi có thể tiếp tục trau dồi được và việc tập luyện để “nên người” hơn thì vẫn không bao giờ hoàn tất.
Cả cuộc đời, tôi chưa từng đạt được huy chương nào trong sinh hoạt thể thao. Nhưng từ nay tôi hứa sẽ tự thưởng huy chương cho chính mình mỗi khi  tôi chiến thắng được cái thân xác nặng nề ưa lười biếng và ham ăn “bậy” này. Như người xưa đã dạy, nếu không thành thân thì ít nhứt tôi cũng phải cố gắng thành nhân vậy.




Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

Syria: 5 năm sau cuộc nổi dậy


18.3.16


Hôm thứ Ba 15 tháng 3 vừa qua là ngày kỷ niệm đúng 5 năm cuộc nổi dậy ôn hòa của người dân Syria nhằm lật đổ chế độ độc tài của Tổng thống Bashar al-Assad. Cuộc nổi dậy đã dẫn đến một cuộc nội chiến đẫm máu và nhất là sự phát sinh của một tổ chức khủng bố tàn bạo và dã man nhất trong lịch sử nhân loại là  “Quốc gia Hồi giáo”.
Ngoại trừ Tunisia, chiếc nôi khai sinh của cuộc cách mạng ôn hòa thường được mệnh danh là Mùa Xuân Á Rập, từ Ai Cập đến Yemen, từ Libya đến Bahrain, một chút tự do và hy vọng vừa chớm nở tại Trung Đông đều tắt lịm để nhường chỗ cho những cuộc xung đột đẫm máu. Tại hầu hết những nơi diễn ra cuộc cách mạng, những thành phần ôn hòa đều bị bịt miệng, giam giữ, truy lùng hoặc phải đi lưu vọng. Trên đe dưới búa, nếu không bị các chính phủ đàn áp thì họ cũng trở thành nạn nhân của những cuộc tàn sát dã man của các tổ chức Hồi giáo cực đoan.
Wael Ibrahim là một nạn nhân điển hình. Tháng 2 năm 2013, người tài xế xe tải này đã đứng lên lãnh đạo cuộc nổi dậy chống lại chế độ Bashar al- Assad. Chọn lý tưởng tranh đấu bất bạo động, Ibrahim một mặt muốn đối thoại với Chính phủ Assad, mặt khác cố gắng tránh đụng độ với các phần tử Hồi giáo cực đoan. Nhưng ông đã thất bại. Người đã đứng lên chống lại chế độ độc tài lại bị chính tổ chức “Quốc gia Hồi giáo” đe dọa, khủng bố và giam giữ 6 tháng. Cho tới nay, chẳng còn ai thấy hay nghe nói về người lãnh đạo của cuộc nổi dậy ôn hòa này nữa. Ông là một trong vô số những nạn nhân của chính cuộc cách mạng từng được mệnh danh là Mùa Xuân Á Rập. Trước khi mất tích, Ibrahim đã chua chát thốt lên : “Để loại trừ một tên gian ác, bạn mở cửa cho nhiều tên khác”.
Hoặc là chế độ độc tài của Tổng thống al-Assad hoặc là bàn tay sắt máu của tổ chức khủng bố “Quốc gia Hồi giáo”, dường như người dân Syria không còn chọn lựa nào khác. Rami Nakhla là một trong những lãnh tụ của những cuộc nổi dậy ôn hòa tại Syria. Là người đứng đầu các Ủy ban Điều hợp Địa phương của người Syria lưu vong tại Beirut, Liban, ông hiện đang sống tại Gaziantep, một thành phố Thổ Nhĩ Kỳ nằm sát biên giới với Syria. Đây là cứ địa của nhiều nhà tranh đấu sau khi họ trốn khỏi Syria. Ông Nakhla nói: “Chúng tôi hiện đang là con tin giữa hai chọn lựa: hoặc là chế độ độc tài hoặc là những người Hồi giáo cực đoan? Chúng tôi phải ủng hộ bên nào bây giờ?”
Trước khi bùng nổ cuộc Cách mạng Mùa Xuân Á Rập, các nhà độc tài tại Trung Đông đã từng đưa các tổ chức Hồi giáo cực đoan ra như một bóng ma để hù dọa người dân và buộc họ phải tùng phục trước sự cai trị độc tài của họ. Về phần mình, các tổ chức Hồi giáo cực đoan cũng khai thác tối đa bầu khí khủng bố do các chế độ độc tài tạo ra để chiêu mộ chiến binh và biện minh cho những chiến thuật tàn bạo của họ.
Ông Nakhla giải thích: “Các chế độ độc tài và các tổ chức như “Quốc gia Hồi giáo” đều dựa vào bạo lực và đàn áp để đeo đuổi các mục tiêu chính trị của họ. Các chế độ độc tài, ít nhất là tại Ai Cập và Syria, đều đã thành công trong chiến thuật này. Chế độ al- Assad đã tỏ ra rất thành công trong việc đưa ra lối giải thích riêng của mình và nhiều nước trong cộng đồng thế giới đã cho rằng phe đối lập có vũ trang là một tổ chức cực đoan, nghĩa là chưa bao giờ có những người nổi dậy ôn hòa”.
Chẳng có nơi nào tại Trung Đông người ta đã nhìn thấy những hậu quả khốc liệt mà sự thất bại của cuộc cách mạng Mùa Xuân Á Rập đã tạo ra cho bằng tại Syria. Hơn nửa triệu người bị thiệt mạng. Một nửa dân số (khoảng 11.5 triệu người) bị đẩy ra khỏi nhà cửa của họ. Chưa bao giờ thế giới phải chứng kiến một cuộc khủng hoảng về tỵ nạn như tại Syria. Các quốc gia láng giềng của nước này đã hầu như không còn khả năng để đón tiếp người tỵ nạn và cả Âu Châu hiện đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng về tỵ nạn chưa từng thấy trong lịch sử của lục địa.
Nhà độc tài Assad vẫn bình chân như vại tại Thủ đô Damascus, nhưng xứ sở của ông đã hoàn toàn bị phá hủy. Tổ chức “Quốc gia Hồi giáo” đang trấn giữ tại một phần lãnh thổ của Syria và đang thách thức cả cộng đồng thế giới. Những người nổi loạn ôn hòa vẫn còn đang kiểm soát được một số nơi, nhưng không gian của họ ngày càng bị thu hẹp và ngày càng trở thành đất dụng võ của nhiều tổ chức Hồi giáo cực đoan.
Cuộc ngưng chiến vừa đạt được và nhất là việc Nga vừa quyết định rút quân đã giúp cho tình hình tại Syria bớt căng thẳng. Một số đám đông nhỏ đã dám xuống đường để phản đối chính phủ và đòi hỏi tự do và dân chủ. Nhưng đó chỉ là những đám đông lẻ tẻ. Tuần vừa qua tại thành phố Idlib đã diễn ra một cuộc xuống đường, nhưng đám đông đã bị các chiến binh của các tổ chức Hồi giáo cực đoan trong đó có cả tổ chức khủng bố Jabhat al-Nusra, một chi nhánh của al-Qaeda, giải tán. Một trong những người đứng ra tổ chức cuộc xuống đường tại  al-Bab, mạn Đông Aleppo, thành phố hiện đang bị tổ chức “Quốc gia Hồi giáo” kiểm soát, nói rằng người dân ở đây bị bao vây tứ bề: không “Quốc gia Hồi giáo” thì cũng máy bay Nga hay Nusra. Người này giải thích rằng các tổ chức Hồi giáo cực đoan đã bắt đầu thâm nhập vào các cuộc biểu tình đòi dân chủ ngay khi bùng nổ cuộc Cách mạng Mùa Xuân Á Rập. Lúc đó, các cuộc phản đổi còn ôn hòa và con số người tham gia ngày càng nhiều. Nhiều người đã bị Chính phủ Syria bắt giam vì hoạt động cho các tổ chức Hồi giáo cực đoan trước khi có các cuộc nổi dậy. Tổng thống Assad ban hành lệnh ân xá cho hàng ngàn người. Nhiều người Syria và quan sát viên ngoại quốc cho rằng Tổng thống Assad đã cố tình thả những thành phần này ra để họ “cực đoan hóa” những người tham gia cuộc nổi dậy và thuyết phục cộng đồng thế giới rằng chế độ của ông dù sao cũng chỉ là một điều ít xấu hơn các tổ chức Hồi giáo cực đoan.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Syria lúc đó là ông Robert Ford tin rằng năm 2011 Tổng thống Assad đã có tính toán khi trả tự do cho nhiều phần tử Hồi giáo cực đoan. Theo ông Ford, Chính phủ Syria biết quá rõ rằng những thành phần này sẽ trà trộn vào các nhóm nổi dậy; họ sẽ có những hành vi bạo động và chính phủ sẽ xem đó như lý do để đàn áp các cuộc biểu tình. Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Syria cho rằng lúc đó Chính phủ Assad không hề nghĩ rằng các tổ chức khủng bố Hồi giáo như Nusra và Quốc gia Hồi giáo có thể lớn mạnh như thế.
Ngay từ đầu, khi tham gia các cuộc nổi dậy, các tổ chức Hồi giáo cực đoan đã giương cờ đen lên. Các nhóm ôn hòa không tin rằng dân chúng sẽ đi theo họ. Tuy nhiên, khi các nhóm nổi dậy bắt đầu sử dụng vũ khí để tự vệ thì chiến tranh đã bùng nổ. Tiền để mua vũ khí đã bắt đầu đổ vào từ Thổ Nhĩ Kỳ và Vùng Vịnh. Theo các nhà tranh đấu ôn hòa, lúc đầu hầu hết những người tham gia các cuộc nổi dậy chạy theo tổ chức “Huynh đệ Hồi giáo”. Nhưng không bao lâu sau đó, nhiều tổ chức cực đoan đã xuất hiện. Cựu đại sứ Ford nói rằng lúc đầu những người nổi dậy đã không mấy quan tâm đến mối đe dọa của các tổ chức cực đoan, đặc biệt là Quốc gia Hồi giáo. Mãi cho đến năm 2014, họ mới nhận ra được sai lầm của mình khi tỏ ra khoan nhượng với tổ chức Quốc gia Hồi giáo và ngay cả hợp tác với Nusra.
Nhiều nhà tranh đấu ôn hòa nói rằng vào thời điểm đó họ không có một chọn lựa nào khác. Hoa Kỳ hứa sẽ giúp đỡ họ để đối đầu với việc Chính phủ Assad ngày càng leo thang trong việc sử dụng vũ lực: từ việc bắn đạn thật vào đám đông đến không tập, hỏa tiễn và vũ khí hóa học. Nhưng nhìn lại, nhiều người đã thấy mình sai lầm khi bắt tay với các nhóm Hồi giáo cực đoan và sử dụng vũ lực. Sử dụng vũ lực có nghĩa là mở ngõ cho cuộc chiến “ủy nhiệm” tại Syria. Iran đã bơm tiền và dân quân vào Syria để hậu thuẫn cho chế độ Assad. Qatar, Á Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiếp tế tiền bạc cho các nhóm nổi dậy bất kể họ thuộc khuynh hướng nào. Hoa Kỳ cũng tìm cách chận đứng ảnh hưởng của các nhóm Hồi giáo cực đoan bằng cách ủng hộ các nhóm nổi dậy ôn hòa. Rồi đến lượt Nga cũng nhào vào Syria để nhân danh Chính phủ Assad mở các cuộc oanh tạc, không phải để tiêu diệt tổ chức Quốc gia Hồi giáo mà để tấn công vào các nhóm nổi dậy ôn hòa.
Cuộc nổi dậy ôn hòa của người dân Syria không còn là một cuộc cách mạng mà biến thành một sân chơi trong đó các thế lực trong vùng xâu xé nhau, mặc cho người dân có sống chết cũng chẳng ai ngó ngàng tới. Theo Mạng lưới Nhân quyền Syria, kể từ năm 2011, đã có tất cả 117 ngàn người bị giam giữ trong các nhà tù rải rác khắp Syria. Hiện nay còn 65 ngàn người vẫn đang ngồi tù. Hàng ngàn người đã chết vì bị tra tấn và nhiều người không biết đang ở đâu. Rất nhiều người chết vì bệnh tật trong tù. Rất ít người được trả tự do. Hamad là một trong số người may mắn ấy. Người thanh niên này được trả tự do vào cuối năm 2014 sau khi một thẩm phán nhìn nhận rằng anh đã nhận tội vì bị tra tấn. Từ nhà tù anh đã bước vào một thế giới hoàn toàn thay đổi. Tổ chức Quốc gia Hồi giáo đã chiếm đóng hầu hết miền Đông Syria. Các chiến binh của tổ chức này truy lùng các thành phần tranh đấu ôn hòa và thường mang họ ra xử tử công khai. Hamad đã trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Ibrahim, người đã đứng ra tổ chức cuộc nổi dậy tại thành phố Aleppo cũng đã từng là mục tiêu săn lùng của cả chính phủ lẫn tổ chức Quốc gia Hồi giáo. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo The Washington Post tại Aleppo hồi năm 2013, ông tỏ ra xem thường mối đe dọa của các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Với ông, điều quan trọng hơn cả chính là lật đổ Chính phủ Assad.
Về phần mình, sau khi nhận được tin đang bị tổ chức Quốc gia Hồi giáo truy lùng, ông Abdullatif cũng trốn thoát được. Trong số 50 người đã cùng với ông đứng ra tổ chức cuộc nổi dậy tại thành phố al-Bab, hiện chỉ còn khoảng 10 người sống sót. Phần lớn đã chết trong các cuộc oanh tạc hoặc trong các nhà tù. Chỉ có một người gia nhập vào tổ chức khủng bố Jabhat al-Nusra. Trong cuộc gặp gỡ lần cuối cùng với ông Abdullatif, người này đã lên tiếng xin lỗi và giải thích rằng ông gia nhập vào tổ chức khủng bố này là để lật đổ Chế độ Assad. Một tháng sau đó, người này đã cùng với một số bạn chiến đấu của ông đã bị giết chết trong một vụ đánh bom tự sát.
Cuộc chiến tại Syria trong suốt những năm qua và ngay cả hiện nay quả là một cuộc chiến tranh phi lý và đẫm máu nhất trong đó người dân nếu không bị chế độ độc tài đàn áp thì cũng trở thành điểm nhắm của các tổ chức Hồi giáo cực đoan.
(theo /www.washingtonpost.com/world/middle_east/how-the-syrian-revolt-went-so-horribly-tragically-wrong/2016/03/12)





Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

Đi tìm sự vĩ đại

Chu Thập
11.3.16

Cứ 4 năm một lần, tôi lại được dịp theo dõi cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ. Nó cũng gây cấn và hồi hộp chẳng khác nào các trận đấu trong Giải Túc Cầu Thế Giới.
Hoa Kỳ là đất nước có quá nhiều điều để xem và học hỏi. Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa gọi đây là một quốc gia “bí hiểm”. Lúc nào xứ sở này cũng thu hút sự chú ý của thế giới và dĩ nhiên đối với rất nhiều người, nó vẫn mãi là đất nước của niềm mơ ước. Tôi luôn nhìn vào Hoa Kỳ với ánh mắt hiếu kỳ của một khách du lịch. Vừa ngưỡng mộ với sự thích thú, vừa e dè với chút lo sợ.
Quả thật, không gì thích thú bằng khi nhìn vào “trò chơi” dân chủ của quốc gia này. Ngoại trừ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là nước có nền dân chủ cao gấp triệu lần các nền dân chủ trên thế giới, có nước nào mà không thèm khát sinh hoạt dân chủ của Hoa Kỳ. Có lẽ trên thế giới này chẳng có nơi nào có một tiến trình bầu cử tổng thống dân chủ như Hoa Kỳ. Về phương diện này, chắc chắn Hoa Kỳ phải là ngọn hải đăng cho tất cả những nước nào đang khao khát và kiếm tìm dân chủ. Người được chính dân chúng bầu lên để lãnh đạo đất nước cũng xứng đáng để đóng vai trò lãnh đạo của thế giới này. Muốn hay không, có chống Mỹ cứu nước cỡ nào, ai cũng phải nhìn nhận vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ và của vị nguyên thủ của nước này. Hãy thử tưởng tượng thế giới sẽ như thế nào nếu Hoa Kỳ đã không đóng vai trò lãnh đạo  xuyên qua hai cuộc thế chiến, trong suốt cuộc chiến tranh lạnh và ngay cả hiện nay. Hãy thử tưởng tượng Biển Đông sẽ như thế nào nếu Hoa Kỳ nhắm mắt làm ngơ để cho quốc gia côn đồ Trung Cộng thao túng.
Tôi luôn ngưỡng mộ quốc gia này. Tuy nhiên, tôi đã bắt đầu lo sợ khi theo dõi cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc hiện nay. Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ như thế nào, chưa ai đoán trước được. Nhưng chưa chi đã có một số người Mỹ nghĩ đến chuyện rời bỏ đất nước của mình nếu chẳng may ứng cử viên cộng hòa Donald Trump đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây. Tôi lo sợ bởi vì một tổng thống Mỹ như ông Trump chắc chắn sẽ làm thay đổi cục diện thế giới theo chiều hướng đáng lo ngại.
Hôm thứ Bảy 5 tháng 3 vừa qua, trong cuộc vận động bầu cử sơ bộ tại Tiểu bang Florida, ông Trump đã làm cho nhiều người lo sợ khi yêu cầu những người ủng hộ ông phải đồng loạt giơ tay lên để “tuyên thệ” phải bỏ phiếu cho ông. Nhiều người cho đây là một yêu sách “quái gở” và họ liên tưởng đến lối chào “Heil Hitler” mà đồ tể Hitler đã từng buộc người dân Đức phải tuân thủ.
Không chỉ riêng lời tuyên thệ, tỷ phú địa ốc này cũng đã có những câu nói khiến nhiều người không thể không nghĩ đến đồ tể Đức quốc xã, người đã từng sát hại trên 6 triệu người Do Thái. Ông đã từng cam kết rằng nếu đắc cử tổng thống ông sẽ cho dựng lên một bức tường dọc theo biên giới Mễ Tây Cơ để không cho lọt vào Mỹ những người mà ông gọi là bọn đĩ điếm, hãm hiếp và buôn bán ma túy. Khủng khiếp hơn, ông còn đe dọa sẽ không cho bất cứ một người Hồi giáo nào được bén mảng đến Hoa Kỳ. Để đối phó với nạn khủng bố, ông sẽ ra lệnh giết hết gia đình nào có người khủng bố. Ông còn chủ trương sử dụng tra tấn để đối xử với bất cứ một tội phạm nào...
Nhiều người đã tỏ ra bình thản hơn và xem ông Trump như một tên hề trên sân khấu hay trong một gánh xiếc. Những lời tuyên bố của ông có lẽ chỉ là những câu bông đùa, dù là bông đùa một cách quái ác. Nhưng điều khiến cho tôi ngạc nhiên và lo sợ là mỗi khi ông đưa ra một lời tuyên bố giựt gân theo kiểu dao to búa lớn trên đây thì có cả một đám đông hò hét reo vui và ủng hộ hết mình. Ông đã thắng lớn trong nhiều cuộc bầu cử sơ bộ cấp tiểu bang là do những lời tuyên bố như thế. Dĩ nhiên, đám đông đó không đại diện cho đại đa số người dân Mỹ. Nhưng không thể không xem đó như một đám đông đáng kể có thể đại diện cho rất nhiều cử tri thầm lặng khác.
Trên báo mạng “Psychology Today” (chuyên viết về tâm lý), David Niose, Giám đốc Pháp luật và cựu Chủ tịch của Hiệp hội Nhân bản Hoa Kỳ (American Humanist Association), đã gọi đám đông ủng hộ tỷ phú Trump là những người đang mắc chứng “vô cảm” (loss of Empathy).
Theo tác giả, sự đồng cảm và bà con gần nhứt của đồng cảm là sự cảm thông, thường được biểu lộ trong các chính sách và chủ trương của Chính phủ Hoa Kỳ. Các chính sách và chủ trương ấy luôn bày tỏ sự quan tâm đối với người đồng loại. Trong suốt dòng lịch sử của Hoa Kỳ, sự đồng cảm thường là động lực hướng dẫn cách hành xử của người dân khi phải trải qua các cuộc khủng hoảng. Chẳng hạn trong cuộc khủng hoảng kinh tế hồi thập niên 1930, chính phủ đã đề ra những dự án khuyến khích mọi người cộng tác với nhau để cùng nâng đỡ nhau và cùng nhau hưởng lợi. Chính phủ cũng đã phát động những chương trình nhằm giúp cho người dân ý thức rằng mọi người đều liên đới với nhau khi đứng trước khủng hoảng và khó khăn.
Nhưng trong cuộc vận động bầu cử hiện nay, theo tác giả Niose, trong giới chính trị gia cũng như người dân, dường như sự đồng cảm đang bị bóp nghẹt để nhường chỗ cho những khuynh hướng đê hèn nhứt trong con người. Người ta muốn chối bỏ những giá trị nhân bản cao đẹp làm nên xã hội Hoa Kỳ.
Từ nhiều góc nhìn, Hoa Kỳ vẫn là một đất nước vĩ đại. Hoa Kỳ có nền kinh tế đứng đầu thế giới. Hoa Kỳ có nền văn minh kỹ thuật tiến bộ và tinh vi nhứt thế giới. Hoa Kỳ có những trường đại học danh giá và uy tín nhứt thế giới. Và nhứt là Hoa Kỳ là quốc gia tích cực nhứt trong các hoạt động từ thiện. Theo tôi, đây chính là tinh hoa của nền văn hóa Mỹ. Nó thể hiện sự đồng cảm vốn là nền tảng của những giá trị làm nên sự vĩ đại của quốc gia này.
Alexis de Tocqueville (1805-1859) là một nhà chính trị học và sử gia nổi tiếng người Pháp. Sau một chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, ông đã ghi lại những cảm nghĩ của ông trong bộ sách có tựa đề “Democracy in America” (Nền dân chủ tại Hoa Kỳ). Trong một chương sách, ông chia sẻ: “Tôi đã đi tìm sự vĩ đại và thần thái của Hoa Kỳ trong những hải cảng rộng lớn và sông ngòi bao la của nó, nhưng tôi không thấy có ở đó. Tôi đã đi tìm sự vĩ đại và thần thái của Hoa Kỳ trong những cánh đồng bao la bát ngát của nó, nhưng tôi không thấy có ở đó. Tôi đã đi tìm sự vĩ đại và thần thái của Hoa Kỳ trong những hầm mỏ phong phú và nền ngoại thương rộng rãi của nó, nhưng tôi không thấy có ở đó. Mãi cho đến khi đi vào trong những giáo đường của Hoa Kỳ và lắng nghe từ các bục giảng rực lửa công chính, tôi mới hiểu được bí quyết của kỳ tài và sức mạnh của nó”. Về sau, có người còn gán cho ông Tocqueville câu nói: “Hoa Kỳ vĩ đại vì nó thiện hảo và khi nào nó thôi thiện hảo thì nó cũng sẽ không còn vĩ đại”. Dù ai là tác giả của câu nói này đi nữa thì một nhận định như thế về sự vĩ đại của Hoa Kỳ quả không có gì là quá đáng.
Trong các cuộc vận động bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ, mỗi ứng cử viên đều đề ra một khẩu hiệu mở ra một chân trời đầy triển vọng cho đất nước. Chẳng hạn như với ứng cử viên Barack Obama cách đây 8 năm, khẩu hiệu nổi bật của ông là “Yes we can” (Phải, chúng ta có thể làm được). Cộng với tài hùng biện của một luật sư mà Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa mỉa mai là đang khuyến mãi “ai mua trăng tôi bán trăng cho”, khẩu hiện này đã có sức đánh động được rất nhiều cử tri Mỹ, nhứt là giới trẻ. Nay ông tỷ phú chuyên đưa ra những lời tuyên bố giựt gân cũng hô hào với khẩu hiệu: “Make America great again” (Hãy làm cho Hoa Kỳ vĩ đại trở lại).
Tôi không biết ông Trump có trở thành tổng thống thứ 45 không. Nhưng tôi không tin rằng Hoa Kỳ sẽ là một đất nước vĩ đại khi sự vô cảm, óc dửng dưng, tính ích kỷ, thái độ nghi kỵ và lòng thù hận lên ngôi và trở thành linh hồn của các chính sách mà “tổng thống” Donald Trump sẽ đề ra.
Mỗi khi cố gắng đi tìm một định nghĩa cho sự vĩ đại, tôi thường liên tưởng đến cuốn phim “Chuyện tử tế” do đạo diễn Trần Văn Thủy thực hiện hồi năm 1985. Trong một đoạn phim, người làm phim có hỏi một số em thiếu nhi “các em nghĩ gì về sự vĩ đại?” Có lẽ nhà làm phim muốn ám chỉ đến khẩu hiệu “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. Các em thiếu nhi trả lời: “Vĩ đại thì các cháu có nghe nói, nhưng chưa bao giờ thấy”.
Sự vĩ đại không nằm trong những điều to tát và thấy được như tiền của, quyền lực hay danh vọng. Cũng không dễ tìm được một định nghĩa chung về sự vĩ đại. Nhưng tôi biết có những con người vĩ đại và mẫu số chung liên kết họ chính là tinh thần vị tha, lòng quảng đại, sự tử tế, gương hy sinh vô vị lợi. Trong nhiều định nghĩa về sự vĩ đại, tôi thích câu nói của cố Mục sư Martin Luther King, người đã bị sát hại vì chiến đấu cho sự bình đẳng của người da đen tại Hoa Kỳ. Ông nói: “Không phải ai cũng có thể trở thành một người nổi tiếng, nhưng ai cũng có thể trở thành vĩ đại, bởi vì sự vĩ đại được làm nên bởi sự phục vụ”. Thế giới đã nhìn nhận cố mục sư King là một con người vĩ đại chính vì tinh thần phục vụ và phục vụ cho đến chết của ông. Chính xác hơn, một nhà lãnh đạo tôn giáo khác tại Hoa Kỳ là ông Joseph B.Wirthlin, thuộc giáo phái Mormon, đã giải thích rõ ràng hơn: “Tử tế là cốt lõi của sự vĩ đại và là đặc tính nền tảng của những tâm hồn cao thượng nhứt mà tôi đã từng biết”.
Sinh ra trên cõi đời này, ai cũng đều có một số phận. Có người giàu sang, có kẻ nghèo hèn. Có người thông minh đĩnh đạc, có kẻ ngu đần dốt nát. Có người xinh đẹp, có kẻ xấu xí. Nhưng chẳng có ai sinh ra đã là người vĩ đại cả. Vĩ đại là một công trình xây dựng của cả một đời người. Nếu phục vụ và tử tế là cốt lõi làm nên sự vĩ đại thì người vĩ đại đích thực chính là người luôn biết sống vị tha. Và dĩ nhiên, sống vị tha không phải là một chọn lựa, mà là đòi hỏi thiết yếu trong sự hình thành nhân cách. Con người chỉ thực sự tìm lại được bản thân, nghĩa là sống như một con người khi biết sống cho người khác. Hiểu như thế thì bất cứ ai, dù chỉ là một người vô danh, cũng đều có thể là một người vĩ đại. Mahatma Gandhi (Gandhi với tâm hồn vĩ đại) đã nói : “Con người trở nên vĩ đại khi biết mưu cầu lợi ích cho người đồng loại”.