Thứ Hai, 20 tháng 6, 2022

Đời Sống Bắt Đầu ở Tuổi Đi Hưu


 Thi Văn

Tôi bắt đầu tập “đi hưu" cách đây vài tháng. Nói là tập vì tôi vẫn còn làm vài tiếng một tuần. Trái ngược với những gì tôi tưởng tượng, tôi bận rộn hơn trước. Cái bận rộn bây giờ cũng có những tên gọi như trước đây nhưng thứ tự thì có khác. 

Trước đây tôi bận chăm sóc bệnh nhân, bận lo lắng, bận xài tiền, bận ăn uống, bận ngủ nghỉ, bận thương yêu người thân, bận thăm hỏi bạn bè, bận lên mạng, bận chơi. Sở dĩ tôi dùng chữ “bận" cho những sinh hoạt bình thường như tất cả mọi con người bình thường trong thời đại này là vì tôi phải tính toán giờ nào, ngày nào cho việc nào, người nào. Tôi chạy theo giờ giấc, dù chơi hay làm việc, như ma đuổi. Rất nhiều khi tôi thấy ngày đi làm thoải mái hơn ngày nghỉ. Và tôi thường mong đến ngày được đi hưu để khỏi phải bận rộn.

Đi hưu hay về hưu chắc chắn không phải ai cũng trông chờ và sẵn sàng đón nhận. Với người chờ đợi như khởi đầu một hành trình mới thì là "đi hưu". Nhưng với những người không muốn thì là "về hưu". Ở nhóm này, dù lớn tuổi, đau bịnh, họ vẫn muốn đi làm vì nhiều lý do. Chung quy là: vừa có đời sống xã hội, vừa có thêm tiền. Về hưu, thấy trống rỗng, cả hai.

Với tôi, tôi chọn“đi hưu". 

Sau vài tháng đi hưu tôi thấy mình đang hăng hái “lao” vào một hành trình mới, rất mới dù cho có vẻ như bình mới rượu cũ. Thật vậy, ngoại trừ không còn làm việc nhiều giờ, tôi vẫn làm tất cả mọi công việc mà trước đây tôi đã làm. Nhưng tôi làm với tất cả thích thú và thoải mái. Tôi quan sát mọi sự chung quanh mình như một khách du lịch. Cũng nghỉ ngơi, cũng đi chơi, cũng làm vườn, cũng nấu ăn, cũng xài tiền, cũng gặp gỡ, cũng chăm sóc bệnh nhân, nhưng không có áp lực. Chỉ có yêu thương và hạnh phúc. 

Thế nhưng, dù được bảo đảm về mọi mặt, trên cái bề mặt "đi hưu" vui vẻ đó đang trồi lên rất nhiều thứ. Những mơ ước chưa bắt đầu, những hối tiếc vì những điều lẽ ra phải làm từ lâu, những điều chưa lên tiếng, những việc dang dở bị xếp xó…đang quay về. Trong những thứ "chưa" đó, khắc khoải về những gì chưa góp phần vun bồi những thế hệ tương lai là điều chất vấn tôi nhiều nhất. Với cái "nghiệp" làm người Việt Nam, tôi vẫn còn một đất nước Việt Nam, và nhiều thế hệ Việt Nam. Với tôi, Việt Nam vẫn còn nhiều cái "chưa". Giống như tôi vậy. 

Có ai đó đã nói rằng, những mảnh đất đắt nhất thế giới là những mảnh đất trong nghĩa trang. Nơi đó, người ta không chỉ chôn thân xác của ai đó mà còn chôn theo luôn bao ước mơ hoài bão, bao phát minh chưa thành tựu, bao tác phẩm nghệ thuật không bao giờ chào đời, bao dự án lớn nhỏ, bao lời khôn ngoan chưa được phổ biến, bao lời yêu thương chưa kịp trao lại, bao ngày tháng hạnh phúc lẽ ra phải được hưởng khi còn sống, bao hối tiếc ân hận…Quan tài nặng vì những cái "chưa", không phải vì cái xác.

Tôi mừng vì tôi còn chút sức khỏe để giải quyết những cái "chưa" của tôi. Được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Những dòng chữ  này đến các bạn cũng là một cách tôi đang "thanh toán" những cái "chưa" tồn đọng trong tôi, một người Việt Nam lưu vong. 

Bạn ơi, tôi không cần đất ở nghĩa trang, nhưng tôi cũng không muốn tro tàn của mình bị phủ trong "hối hận".

Thi Văn



 


Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2022

“Mắt hai người đã mở ra và họ thấy mình trần truồng”

 




Chu Văn

Một buổi chiều tối cách đây không lâu, chính xác là một ngày trước khi xảy ra vụ thảm sát dã man tại Uvalde,Tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, trong khi người thân đang mua sắm trong một tiệm thực phẩm Á Châu tại Springvale, một khu ngoại ô có đông người Việt sinh sống tại thành phố Melbourne, Úc Đại Lợi, tôi đứng ngắm các chậu kiểng được trưng bày trước cửa tiệm. Thình lình từ phía sau có người xô tôi bằng một cú hích mạnh đến nỗi suýt làm tôi chúi ngã tới phía trước. Quay lại, tôi thấy một bóng đen to lớn. Kịp định thần tôi đứng lên bỏ chạy. Vốn là gà chết nhát cho nên mỗi khi bị tấn công tôi thường “giở ngón” “tẩu vi thượng sách”. “Hung thủ” vẫn không chịu bỏ cuộc. Hắn cầm cả một chậu hoa ném vào người tôi. Tôi né kịp và chạy thẳng vào bên trong cửa tiệm để cầu cứu. Một vài thanh niên chạy ra tiếp cứu. “Hung thủ” bỏ đi và từ từ biến mất trong bóng đêm. Những người thanh niên nhìn theo và trấn an tôi: “Hắn là một tên khùng”. Tôi thở phào nhẹ nhõm: may mà mình đang sống ở Úc, là nơi súng đạn được kiểm soát rất nghiêm nhặt.

Thời nào và ở đâu cũng có người khùng hay điên loạn mà ngày nay người ta thường gọi chung là những người mắc bệnh tâm thần. Cách đây gần 60 năm, một thảm kịch vô cùng đau thương đã xảy ra trong cái xóm giáo nhỏ của tôi ở miền Trung Việt Nam. Chấn thương vẫn còn âm ỉ trong tâm trí tôi. Vào một buổi trưa hè nóng bức, một người đàn ông ngoài 30 tuổi, sau khi  đâm chết cha mình, đã lôi ông ra trước cửa nhà và cắt lưỡi ông, rồi sau đó cầm dao chạy thẳng lên nhà thờ của giáo xứ và chém xối xả vào người vị linh mục quản xứ. May nhờ có người can thiệp đúng lúc cho nên vị linh mục chỉ bị thương nhẹ. Được biết hung thủ là một người đàn ông bình thường, có vợ 2 con. Do đi lính trong quân đội Pháp, ông bị thương và một mảnh đạn còn ghim trong đầu. Những ngày nắng nóng ông thường lên cơn “điên”. Được đưa vào nhà thương Chợ Quán chữa trị một thời gian, ông được chuẩn đoán đã bình phục và được cho về nhà. Nhưng không ngờ, vết thương trong đầu vẫn còn đó và một cơn điên đã khiến ông làm điều mà chỉ có những người “mất trí” mới dám làm. Sau thảm kịch đó, “người điên” đã được đưa trở lại nhà thương điên và sống những ngày còn lại ở đó.

Trước năm 1975, hầu hết những người điên đều được đưa vào nhà thương điên. Sau năm 1975, không biết có phải do thời thế không, người điên không biết từ đâu mà “chạy đầy đường”. Riêng ở khu Chợ Đầm của thành phố Nha Trang của tôi, có những cảnh thương tâm đến độ tôi không dám bén mảng tới: có những thiếu phụ không một mảnh áo che thân đi lại giữa phố chợ mà không chút mảy may biết xấu hổ! Kỳ thực, đã điên rồi thì làm gì còn biết xấu hổ! Và dĩ nhiên cũng chẳng ai lên án hay trách móc người điên vì bất cứ hành động hay cách cư xử nào của họ. Có chăng là sự đau xót và cảm thông mà thôi!

Cảm thông với người điên vì họ không còn biết xấu hổ, nhưng liệu có thể cảm thông với những kẻ, tuy không điên, nhưng không còn khả năng biết thế nào là xấu hổ không? Tôi tự đặt ra cho mình câu hỏi ấy khi nghĩ đến đồ tể Vladimir Putin.

Mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã làm dấy lên nhiều tranh cãi khi ông kêu gọi Hoa Kỳ và các nước Tây Phương đang ủng hộ Ukraine, không nên làm “sỉ nhục” nước Nga trong lúc này. Kể từ khi nắm trọn trong tay mọi quyền sinh sát tại Nga từ hơn 20 năm nay, có lẽ Putin cũng ngầm tuyên bố như vua Louis XIV (1636-1715) của Pháp “Nhà nước, quốc gia là ta” (L’Etat, c’est moi); Nước Nga là Ta, Putin.  Làm “sỉ nhục nước Nga” là “làm sỉ nhục Ta”. Khi kêu gọi đừng làm “sỉ nhục” nước Nga, hẳn đương kim tổng thống Pháp cũng muốn hiểu là không nên làm “sỉ nhục” chính Putin, vì làm như thế Putin sẽ “nổi giận” và tàn ác hơn trong cuộc chiến xâm lược Ukraine cũng như sẽ có những hành động không lường trước được với cả thế giới.

Thật ra, từ lúc hiện nguyên hình là một nhà độc tài khát máu tại Nga, Putin đã không còn để lộ bất cứ một dấu chỉ nào cho thấy hắn còn biết thế nào là xấu hổ. Đã biết xấu hổ thì hẳn bước vào Thế kỷ 21 này, Putin đã chẳng tấu hài với màn kịch hết thủ tướng rồi tổng thống, hết tổng thống rồi thủ tướng và nay độc diễn tổng thống cho đến mãn đời và nhứt là hiện đang xem mình như một Phêrô đại đế (1682-1725)! Đã còn biết xấu hổ thì Putin đã chẳng ra lệnh sử dụng khí độc để thủ tiêu bất cứ đối thủ chính trị hay bất cứ ai dám lên tiếng chỉ trích mình. Còn nếu nhìn vào tội ác mà Putin đã và đang làm tại Ukraine thì quả thật trong con người Putin, “giây thần kinh xấu hổ” đã hoàn toàn bị đứt rồi! Một khi nơi một người mà “giây thần kinh xấu hổ” đã đứt rồi thì “đừng làm sỉ nhục” người đó là điều hoàn toàn vô nghĩa.

“Đứt giây thần kinh xấu hổ” là cụm từ thời thượng mà tôi đã học được từ trong nước mỗi khi nói về đủ thứ thói kệch cỡm của chế độ độc tài tại Việt Nam. Tôi không biết mình có “cường điệu” không khi nói thậm xưng rằng đã là cộng sản thì đương nhiên phải “đứt giây thần kinh xấu hổ”! Ông chủ tịch hay thủ tướng nào ra nước ngoài cũng “ló” cái ngu, cái dốt của mình ra làm trò cười cho thiên hạ mà chẳng bao giờ biết xấu hổ. Nói gì đến chuyện tiến sĩ “chạy đầy đường”! Ông bà “quan chức” nào cũng muốn gắn vào sau lưng mình cái đuôi “tiến sĩ” nhưng lại không che dấu được sự ngu dốt của mình mà không hề biết xấu hổ. Còn chuyện chống tham những thì quả thật nếu không “đứt giây thần kinh xấu hổ” thì có lẽ, đã là lãnh tụ tối cao của một chế độ độc tài, ông Nguyễn Phú Trọng đã không muối mặt để “đốt lò” thiêu sống các thuộc hạ của mình nữa. Bởi lẽ độc tài đẻ ra tham nhũng hay đúng hơn tự nó độc tài cũng là “tham nhũng”. “Tham nhũng” đâu chỉ là “tham nhũng” về tiền bạc hay đất đai. “Tham nhũng” thiết yếu là tham nhũng về quyền lực. Về điểm này, ai hơn Nguyễn Phú Trọng! Đã là tham nhũng mà còn hô hào chống tham nhũng thì chỉ có những cái đầu “đứt giây thần kinh xấu hổ” mới có đủ trơ trẽn để làm mà thôi!

Từ một Putin “đứt giây thần kinh xấu hổ” và từ một chế độ cộng sản Việt Nam cũng “đứt giây thần kinh xấu hổ” nhìn sang Hoa Kỳ, tôi thấy hiện tượng này xem ra lại càng khủng khiếp hơn. Ở Nga có lẽ chỉ có một Putin hay một thượng phụ giáo chủ Kirill không còn biết xấu hổ và một số đông, do bị cưỡng bách và sợ hãi, cũng đã cắt đứt giây thần kinh xấu hổ. Ở Việt Nam chế độ độc tài đã tự giải phẫu để làm tê liệt giây thần kinh xấu hổ của cấp lãnh đạo. Đó là điều tất yếu trong bất cứ một chế độ độc tài nào. Nhưng nay, khi nhìn vào nước Mỹ, nhứt là với những vụ bắn giết xảy ra thường xuyên đến nỗi bộ nhớ của tôi hầu như quá tải để có thể thu giữ được con số người bị giết vì súng đạn. Máu chảy ruột mềm. Dù máu chảy ở đâu, đã là một phần bất khả phân ly của nhân loại, tôi không thể không cảm thấy quặn đau khi có một người vô tội bị sát hại. Nếu tôi là một người Mỹ tôi không thể không cảm thấy xấu hổ vì những vụ bắn giết xảy ra như cơm bữa và nhứt là vì nhiều người vẫn khăng khăng với luận điệu: súng không giết người, chỉ có người mới giết người do đó có súng là một quyền thiêng liêng, tuyệt đối!

Kết quả của một số cuộc thăm dò mới đây cho thấy mặc dù đa số dân Mỹ muốn có luật kiểm soát súng đạn, nhưng cũng cái đám đông ấy vẫn bám vào tu chính án thứ hai để đòi hỏi phải tuyệt đối được  quyền mang súng (1). Và để bảo vệ quyền được mang súng ấy, các ông bà nghị, do “đứt giây thần kinh xấu hổ”, đã đưa ra những luận cứ ngớ ngẩn không thể tưởng tượng được. Một ông dân biểu đại diện cho Tiểu bang Missouri “đưa ra một lý thuyết  đặc biệt: Bắn giết nhiều không phải vì nhiều súng quá mà vì các vụ phá thai”. Các phụ nữ phá thai phải mang tiếng oan, bởi vì “trong số các thủ phạm bắn chết người, không có các bà các cô đã phá thai”.

Một ông nghị khác, hiện đang muốn ứng cử nghị sĩ Tiểu bang Alabama, thì cho rằng “các vụ bắn chết người gia tăng bây giờ là vì số các bà mẹ nuôi con một mình tăng lên”. Ông nói rằng “các đứa trẻ này lớn lên thường sống nhờ tiền trợ cấp xã hội, học hành thua kém, hay ghiền ma túy và tội phạm” (Tân thủ tướng Úc của tôi, ông Anthony Albanese hẳn sẽ phiền lòng lắm vì ông đã lớn lên trong gia đình của một bà mẹ đơn chiếc!). Ông nghị này quả không biết xấu hổ khi cố tình quên rằng  người thanh niên Payton Gendron, kẻ đã giết 10 người da đen mới đây tại một siêu thị ở Buffalo, Tiểu bang New York, đã từng “sống với cha mẹ, trong một ngôi nhà ba tầng, có hồ bơi, thuộc khu ngoại ô Binghamton toàn người da trắng khá giả, bố mẹ làm kỹ sư”. Ông nghị này cũng đã cố tình quên rằng người thanh niên 21 tuổi bắn chết 23 người tại El Paso, Texas hồi năm 2019 đã lớn lên trong một gia đình nề nếp, được cha mẹ “dạy con phải nhân từ, bao dung, kính trọng mọi người, không được hận thù, ký thị, bạo động”. Ông nghị này cũng cố tình quên rằng người đàn ông 64 tuổi đã giết 60 người tại Las Vegas hồi năm 2017 đã từng lớn lên trong một gia đình toàn vẹn (2).

Luận điệu bảo vệ tính tuyệt đối của quyền được mang súng mà rất nhiều ông bà nghị đưa ra và cũng được rất nhiều người Mỹ tán thành làm tôi cảm thấy đau thắt ruột mỗi khi nghĩ đến các nạn nhân bị thảm sát một cách vô tội vạ, nhứt là các học sinh trong các trường tiểu học. Rồi đây, ngay cả khi tôi đang ngồi viết những dòng này, chính cái luận điệu đặt quyền mang súng lên trên mạng sống con người, vô số kể những vụ bắn giết cũng sẽ tiếp tục xảy ra. Cái xã hội văn minh và giàu mạnh này vẫn cứ vô tâm và không biết xấu hổ. Người ta vẫn cứ tiếp tục nhảy cái vũ điệu ma quái trên xác người. Tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi các vũ điệu ấy nơi một người đã không biết ngượng miệng và xấu hổ khi tuyên bố lúc ra tranh cử tổng thống rằng: “Tôi có thể đứng giữa đại lộ số 5 (ở New York) và bắn ai đó mà không mất một phiếu bầu nào”. Quả thật, đã có 72 triệu người Mỹ bỏ phiếu ủng hộ ông trong cuộc bầu cử năm 2020, mặc cho ông có dối trá như cuội, mặc cho ông ngu ngốc đến cỡ nào, mặc cho ông có khinh thường luật pháp và hiến pháp đến đâu, mặc cho ông có chà đạp các chuẩn mực đạo đức đến cỡ  nào. Bỉ ổi nhứt hẳn phải là vũ điệu ấy lại được lập tại đại hội của Hội Súng Trường (NRA) tại Houston chỉ 3 ngày sau vụ thảm sát tại Uvalde. Trong bài diễn văn của mình, ông đọc tên 21 nạn nhân của vụ thảm sát để rồi, không chút ngượng ngùng và xấu hổ, ông kết thúc bài diễn văn với vũ điệu ma quái ấy (3). Nhìn ông nhảy múa, tôi nghĩ bụng: hết thuộc chữa!

Quả thật, khi con người không còn biết xấu hổ, họ tự hạ mình xuống hàng súc vật, bởi vì súc vật không biết xấu hổ (Nói vậy kể ra cũng có lỗi với súc vật, vì con chó của tôi vẫn biết tỏ ra xấu hổ khi bị tôi quở trách). Là “con nhà có đạo”, nhưng có lúc tôi đọc Kinh Thánh theo “lề trái”. Như câu chuyện “sa ngã” của ông bà nguyên tổ được ghi lại trong sách Sáng Thế Ký chẳng hạn, tôi không cho đó là một sự sa ngã, mà là một sự vươn lên. Thật vậy, sau khi ăn trái cấm, “mắt hai ông bà đã mở ra và họ thấy mình trần truồng”. Biết mình trần truồng, tức biết xấu hổ, là biết phân biệt đúng sai và thiện ác. Biết xấu hổ là ý thức mình là người và còn muốn lớn lên trong nhân cách.

Chu Văn

 

 

Chú thích

1.Rani Molla, Polling is clear: Americans want gun control, Vox Jun 1,2022

2.Ngô Nhân Dụng, Tại sao nhiều người Mỹ chết vì súng, Đài Voa 06/06/2022

3.Thomas Kika, Trump draws ire for dancing at NRA Convention after Texas shooting, Newsweek 5/28/22


Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2022

"4689" Yêu & Tự do Dân chủ




 Thi Văn

Có một "ngày này năm xưa" mà tôi luôn bị khắc khoải mỗi khi ngày ấy trở về: ngày 4 tháng Sáu 1989. Ngày mà phong trào đấu tranh của sinh viên và người dân Trung quốc xuống đường đòi nới lỏng tự do ngôn luận, tự do hóa chính trị và kinh tế, ở Quảng trường Thiên An Môn, bị nghiền nát. Hình ảnh của những sinh viên Trung quốc bị chính quyền đàn áp, bị những chiếc xe tăng lao vào và càn quét vẫn còn đẫm máu trong trí nhớ của tôi. Nhất là hình ảnh người đàn ông đối đầu với một đoàn xe tăng, anh ta đã bị bắt, bị đánh đập và biến mất. Tôi không thể quên. Dù đã 33 năm. Dù rất nhiều người trong số họ đã chết. Dù rất nhiều người sống sót phải trải qua lao tù và vượt thoát. Dù chính quyền Trung quốc luôn tìm cách chối bỏ và xóa đi những gì còn sót lại (*). Với tôi, tất cả ngày càng rõ hơn, đậm hơn và khiến tôi phải tự vấn mình nhiều hơn.

Có những lý do khiến sự kiện này ám ảnh và theo tôi mãi. Thứ nhất, tôi là một người tỵ nạn cộng sản. Tôi đã từng "được" giáo dục dưới chế độ cộng sản và tôi hiểu được họ phải can đảm như thế nào khi dám đứng lên để đòi hỏi những quyền chính đáng của mỗi một con người trong một đất nước từng có một cuộc Cách Mạng Văn Hóa tàn khốc. Một lý do khác trùng hợp hơn: lúc đó tôi sắp sinh con. Một đứa con trai mà rồi nó sẽ lớn lên như những sinh viên này. Con tôi bao nhiêu tuổi thì biến cố này sẽ đi vào lịch sử bấy nhiêu năm. Rất nhiều lần nhìn con, tôi nhớ đến người thanh niên đơn độc ngày nào. Chỉ vì được sinh ra ở một nước tự do, con tôi chưa từng phải trả bất cứ giá nào để có được những cái quyền mà những người sinh viên Thiên An Môn tranh đấu bằng máu mà không được. 

Con tôi chưa từng phải trả giá vì tôi đã phải trả giá bằng một cuộc vượt biển nguy hiểm. Sống trong một thể chế tự do dân chủ và hưởng những quyền làm người như con tôi cũng giống như hưởng một tình yêu. Bạn không thể tả mà chỉ có thể cảm. Từ ngữ không đủ sức để diễn tả yêu như thế nào ngoại trừ bạn đang yêu. Cũng vậy, từ ngữ cũng không thể nào nói lên được cuộc sống với tất cả sự an toàn, hạnh phúc và có chủ quyền như thế nào. Nhiều người trẻ từ trong nước sang Úc học hay làm việc thường nói với tôi rằng, Việt nam bây giờ không thiếu gì cả. Tôi cười. Có bạn còn nói với tôi rằng Việt Nam bây giờ tự do hơn ở Úc. Tôi cũng cười. Và tôi hiểu tôi muốn điều gì cho đất nước tôi, cho dân tộc tôi. Như một người được nếm thế nào là tự do dân chủ và tự chủ, tôi cũng muốn một ngày nào đó, những người cùng một Mẹ Việt Nam cũng được như vậy. Chỉ có nếm trải thì chúng ta mới hiểu sự vô giá của tự do dân chủ. 

"Việt nam bây giờ không thiếu gì cả!" Có chứ, thiếu chủ quyền!

"Việt Nam bây giờ được tự do hơn ở Úc!" Hãy thành thật với chính mình, đó có phải là tự do đích thực hay không?

Tôi hiểu tại sao những sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn năm nào đã bất chấp tất cả. Họ yêu mến dân tộc họ và muốn cho mọi người được hưởng được tự do dân chủ.

Tự do dân chủ rất giống tình yêu ở chỗ: có thì không muốn mất mà mất thì tiếc không chịu được.

Thế nhưng, tình yêu và tự do dân chủ không tự dưng mà có. Cả hai đều cần sự nỗ lực "hết linh hồn, hết trí khôn" để tồn tại.

Vì vậy, với tinh thần Thiên An Môn, chỉ cần tôi có thể giúp cho chỉ một ai đó nếm được hương vị tự do dân chủ, tôi cũng mãn nguyện.

Tôi đã sẵn sàng. Bạn thì sao?

Thi Văn


(*)  https://www.luatkhoa.org/2019/06/30-buc-anh-ve-tham-sat-thien-an-mon-trung-quoc-muon-xoa-khoi-lich-su/