Thứ Năm, 18 tháng 8, 2022

Chuyện sau, chuyện trước


 
Thi Văn 
Tôi vừa qua mốc điểm 40 năm bước chân đến Úc.  Người ta thường thích nhắc đến những cột mốc thời gian. Con số càng lớn thì càng đáng để nhắc đến. Bởi từ đó, họ có thể đánh giá những gì đạt được. Tất cả những đánh giá cũng thường là những con số. Sau bao nhiêu năm, có được bao nhiêu bằng cấp, tạo được bao nhiêu của cải, có thêm được bao nhiêu thương vụ, cơ sở, bất động sản, bao nhiêu bạn bè, con cháu…Cũng hợp lý thôi. Đời người có một lần 40 năm ở một xứ thanh bình quả là một may mắn. Thế nhưng, với tôi, những con số thường gợi lên cho tôi những băn khoăn, thắc mắc. Khi đọc những con số được liệt ra thì tôi lại liên tưởng đến những con số cố tình bị bỏ quên. Vì sự thường, bên dưới con số chỉ ra sự thành công thường là con số của những cái giá phải trả không những của chính đương sự mà cả của những người khác. Những con số có thể lớn hơn, đắt hơn rất nhiều. Con số 40 năm của tôi không ngoại lệ.
Thứ tự đời người gói trọn trong sinh lão bịnh tử. "Sinh" bao gồm tuổi thơ, học hành, lập nghiệp, gia đình..."Lão" và "Bịnh" thì thường đi với nhau không hẳn phải theo thứ tự nhưng chắc chắn "Tử" thì phải sau chót và chẳng ai thoát.
Với tôi, hôm nay, khi nhìn lại tôi chỉ thấy rằng cuộc đời tôi đã đảo lộn kể từ 1975 và tiếp tục đảo lộn ngay cả sau khi đã được định cư ở Úc. Cái nên đến trước thì lại đến sau và cái có thể để sau thì lại phải làm trước.
Cái đảo lộn đầu tiên phải nói là cái tên của tôi. Tôi không khó chịu vì phải đem cái tên đặt trước cái họ. Nhưng mấy “thầy" thông dịch lại lôi cái tên đệm "thị" ra phía trước. Kết quả là đàn bà con gái Việt Nam ở Úc có tên Thi rất nhiều, không thua gì cái họ Nguyễn. Tôi đành phải chấp nhận tên "Thi" vì không biết phải làm sao. Dốt tiếng Anh nó vậy. Tự nhủ, mất nước rồi thì có mất tên cũng chỉ là chuyện nhỏ. 
Như cái tên của tôi, cuộc sống khi vừa đặt chân đến Úc không như tôi nghĩ. Vào thời điểm 1982, với những đợt sóng người tỵ nạn dồn dập, các dịch vụ dành cho người mới đến, nhất là dịch vụ thông dịch trở nên quá tải. Tôi không biết rất nhiều thông tin hữu ích. Tôi không biết rằng mình có thể và có quyền đi học. Tôi cũng không biết rằng học không khó khăn và “ghê gớm” như tôi nghĩ. Thời đó, giáo dục gần như là miễn phí ở Úc và được trợ cấp. Nhìn những người chung quanh, không mấy ai đi học. Cuối cùng, tôi phải làm lụng, nuôi con và xây dựng gia đình. Con tôi càng lớn thì giấc mơ đi học của tôi càng xa đến nỗi tôi không muốn nghĩ đến. Học, với tôi, suốt đời, là một thôi thúc. Đồng lương của người không có bằng cấp cũng đủ sống nên tôi cũng an phận vì biết rằng muốn học một ngành nào đó thì đều phải bước qua cái ải Anh văn. Mà tôi thì thấy mình kém quá nên cứ nghĩ rằng thôi để lo cho các con xong rồi học cũng không muộn. Tôi tìm an ủi bằng cách nhìn từng đứa con ra trường.
Cho đến khi đứa con cuối cùng ở năm thứ ba đại học, tôi quyết định đi học trước khi trễ chuyến tàu chót. Thế là vừa đi học vừa đi làm. Khi ra trường, tôi đã quá 50. May mà có việc. 
Tôi đạt được giấc mơ được đi học. Tôi không ngờ sự học và tiếng Anh đã cho tôi không những một sự nghiệp tôi luôn ôm ấp, mà còn mở ra nhiều cánh cửa khác mà suốt mấy chục năm ở Úc tôi không cách nào mở ra được: tôi có thể đọc những bài viết, nghe tin tức, nói chuyện với hàng xóm bằng một tiếng Anh mà người đối diện có thể hiểu được. Tôi có thể giải thích những vấn đề liên quan cho bệnh nhân một cách dễ hiểu và chi tiết. Tôi cũng có thể giúp liên lạc với các cơ quan dịch vụ cho họ, một điều mà trước đây tôi phải nhờ người khác với tất cả sự ngưỡng mộ. Đương nhiên dù có học thêm bao nhiêu năm, tiếng Anh của tôi vẫn là một thứ tiếng Anh "ăn đong". Nhưng với tôi, vậy là đủ. Tôi đã mở được những cánh cửa cần thiết để tiếp tục hành trình học hỏi, tham khảo và giao tiếp. Tôi vui hơn trúng số. Giá mà tôi quyết định đi học sớm hơn…
Nếu đời tỵ nạn có bị đảo lộn rồi cũng đi đến nơi muốn đến trước khi bước vào "lão, tử" như vậy thì với tôi, vẫn còn may. Thế nhưng, những cánh cửa tôi mở ra lại dẫn tôi về một giai đoạn trong quá khứ mà bây giờ, dù rất muốn, tôi không đi ngược lại được. Trong một dịp tình cờ, tôi mới biết được rằng, những khủng hoảng tuổi thiếu niên mà các con tôi phải trải qua một phần bắt nguồn từ sự cản trở ngôn ngữ. Tiếng Việt của chúng không đủ và tiếng Anh của tôi lại càng không đủ. Ở đây, không ai chết đói vì đi học. Thế hệ tỵ nạn ít người đi học có thể vì nhu cầu giúp đỡ gia đình ở quê nhà, xây dựng gia đình, nuôi nấng con cái và áp lực của cải. Và nhất là vì không nhìn thấy lợi ích lâu dài và hạnh phúc của việc biết thêm một ngôn ngữ, có thêm kiến thức và một sự nghiệp tốt.  Tất cả lý do đều chính đáng. Thế nhưng, việc được cung cấp một cuộc sống đầy đủ tiện nghi vật chất không hẳn có thể giải quyết nhu cầu thực sự của thế hệ đầu tiên sinh ra và lớn lên ở Úc. Chúng cần sự cảm thông hai chiều trong cuộc sống giữa những xung đột của hai nền văn hóa. Hiểu và được hiểu trong quan hệ gia đình là một hạnh phúc mà chúng tôi đã đánh mất vào cái lúc cần thiết nhất.
Tôi tin tôi không là một ngoại lệ. Khi không hội nhập được vào những thông tin dòng chính nơi mình đang sống, chúng ta sống co cụm với những kiến thức lệ thuộc vào người khác và không có khả năng đối chiếu, kiểm chứng hay nghi vấn. Cũng không có khả năng để giải thích những khác biệt giữa văn hóa Úc Việt. Tiếng Anh đã chấp cánh cho tôi. Và tôi cảm nhận được sự bao la của kiến thức và tư tưởng.
Bây giờ, mẹ con chúng tôi nói chuyện với nhau nhiều hơn và hiểu nhau hơn. Nhưng không còn là câu chuyện giữa một bà mẹ trẻ và những đứa con lô nhô mà là câu chuyện giữa một người bước vào tuổi già và những người đã trưởng thành. Chúng tôi kể lại cho nhau những khoảng trống trong quá khứ. Đời tôi cái gì cũng ngược.
Cuối cùng, giá mà tôi có thể đi ngược về "quê hương bỏ lại" của ngày nào trong kiếp này.
Nằm mơ!



Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022

Đồng hành

 



Chu Văn

“Đồng hành”: đó là chủ đề được viết bằng hai thứ tiếng Anh “Walking Together” và PhápMarcher Ensemble” mà tôi xem là nổi bật nhứt trong chuyến viếng thăm Canada mới đây của Đức Phanxicô, nhà lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Công giáo trên toàn thế giới. Là một tín hữu công giáo, tôi thường theo dõi điều được gọi là các “chuyến tông du” của các vị giáo hoàng. Theo dõi để lắng nghe các lời giảng dạy của những người được xem là có một uy tín lớn trong lãnh vực tinh thần. Theo dõi để hiểu biết lịch sử và văn hóa của những đất nước được các vị giáo hoàng viếng thăm và dĩ nhiên, qua đó, gặp gỡ và bày tỏ sự cảm thông hay đúng hơn học hỏi để biết tỏ ra cảm thông đối với người dân các nước đó.

Mãi cho đến giữa thập niên 1960, được nhìn thấy một vị giáo hoàng bằng xương bằng thịt là một ân huệ hiếm có trong đời của một người công giáo. Năm 1929, dưới thời nhà độc tài Benito Mussolini (1883-1945), Ý và Tòa thánh Vatican đã ký một thỏa ước qua đó Ý nhìn nhận Vatican như một quốc gia. Nhưng cũng kể từ đó, nhà lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Công giáo bị giam hãm trong bốn bức tường của Điện Vatican chẳng khác nào một tù nhân. Năm 1964, Đức Phaolô VI đã làm một bước đột phá lịch sử khi ra khỏi điện Vatican để hành hương đến Thánh Địa, nơi chào đời của Chúa Giêsu. Kể từ đó, lên đường viếng thăm các nước được những người kế vị Đức Phaolô VI xem như một truyền thống phải tuân giữ.

Trong hầu hết các chuyến viếng thăm được gọi là “mục vụ” của các vị giáo hoàng, các tín hữu công giáo tại những nước được viếng thăm có dịp “chiêm ngưỡng” dung nhan của người mà họ thường cung kính gọi là “Đức Thánh Cha” và lắng nghe từng lời giảng dạy của các ngài. Nhưng với riêng tôi, dường như trong chuyến viếng thăm Canada lần này, Đức Phanxicô không đến đó để giảng dạy cho bằng bày tỏ sự sám hối. Chính Ngài gọi chuyến viếng thăm là một cuộc hành hương sám hối. Trong nhiều dịp khác nhau, kể từ năm 2000, các vị giáo hoàng không ngừng nói lên lời xin lỗi vì những tội ác của “con cái Giáo hội” qua suốt dòng lịch sử của Giáo hội tại rất nhiều nơi trên thế giới. Nhưng những lời xin lỗi ấy chỉ được thốt lên trong những nghi thức trang trọng được cử hành ở trung tâm của Giáo hội là Roma. Nay, Đức Phanxicô đi đến tận nơi đã diễn ra tội ác để nói lên hai tiếng xin lỗi và bày tỏ sự sám hối. Trong một cuộc gặp gỡ với những người bản địa Canada tại Thành phố Edmonton, Tỉnh bang Alberta hôm thứ Hai 25 tháng Bảy vừa qua, ngài đã đội trên đầu chiếc mũ làm bằng lông chim đặc trưng của người thổ dân và lập lại nhiều lần hai tiếng xin lỗi. Lời xin lỗi của Đức Phanxicô được đưa ra gần nơi đã từng có một trường nội trú dành cho trẻ em người bản địa. Với hệ thống trường nội trú dành cho trẻ em bản địa, trong suốt một giai đoạn kéo dài trên 150 năm, Chính phủ Canada đã tách biệt trẻ em bản địa khỏi gia đình của chúng với mục đích xóa bỏ văn hóa và truyền thống của các em và áp đặt văn hóa của người da trắng lên các em. Một trong những nỗ lực đồng hóa này là trao phó các trường nội trú cho các Giáo hội Kitô Giáo, trong đó nổi bật nhứt là các linh mục và tu sĩ công giáo. Những nhà truyền giáo này đã ép buộc các trẻ em thổ dân phải gia nhập Kitô Giáo và đồng hóa các em vào nền văn hóa Canada. Tính chung đã có khoảng 150.000 trẻ em từ các bộ lạc của người bản địa đã bị bắt đi và đưa vào 139 trường nội trú, hầu hết do Giáo hội Công giáo điều hành. Năm 2015, một bản báo cáo của Ủy ban Sự thật và Hòa giải đã phanh phui những câu chuyện về các trẻ em bản địa “bị lạm dụng về thể lý và tính dục.” Những nấm mồ vô danh được khai quật trong các trường nội trú cũng cho thấy tính cách mờ ám của nhiều cái chết của trẻ em bản địa. Bản báo cáo khẳng định rằng hệ thống các trường nội trú dành cho các em bản địa không được thiết lập để “giáo dục” các em mà “chính là để cắt đứt mối liên hệ của các em với nền văn hóa và bản sắc của các em”. Bản báo cáo kết luận rằng hoạt động của các trường nội trú này “có thể được mô tả như một cuộc diệt chủng văn hóa” (1).

Hai tiếng xin lỗi rất chân thành của Đức Phanxicô đã tạo ra một niềm cảm xúc sâu xa nơi nhiều người dân bản địa Canada. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng lời xin lỗi và sám hối ấy chưa đủ. Như được nhìn thấy trên một tấm biểu ngữ được treo trước Vương cung Thánh đường Sainte Anne de Beaupré ở Québec hôm thứ Năm 28 tháng Bảy vừa qua, một số người bản địa đã yêu cầu Đức Phanxicô “Hãy hủy bỏ học thuyết”  (Rescind the Doctrine). “Học thuyết” mà những người biểu tình muốn ám chỉ là “Học thuyết khám phá” (Doctrine of Discovery). Đây là học thuyết được các giáo hoàng ở Thế kỷ 15 đề ra trong một số sắc lệnh để khuyến khích các vua, đặc biệt là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha lên đường chinh phục đất đai của các dân tộc bản địa, cách riêng tại Mỹ Châu, xóa bỏ văn hóa của họ và  áp đặt lên họ  Kitô Giáo cũng như nền văn hóa của người da trắng ở Âu Châu. Theo linh mục dòng tên Ricardo da Silva, “mặc dù giáo hoàng và Tòa thánh Vatican đã thoát ra khỏi tâm lý coi người bản địa và những người không theo Kitô Giáo là thua kém các Kitô hữu da trắng Âu Châu, lời kêu gọi thu hồi “học thuyết khám phá” vẫn chưa được đáp ứng” (2).

Cùng với những cuộc thập tự viễn chinh và tòa điều tra vào thời Trung Cổ, “học thuyết khám phá” quả là một vết nhơ của Kitô Giáo nói chung, chứ không riêng của Giáo hội Công giáo La Mã. Dù chưa công khai “hủy bỏ học thuyết khám phá”, nhưng khi đến tận nơi để nói lên lời xin lỗi với người dân bản địa ở Canada, Đức Phanxicô có lẽ đã nhìn nhận những lỗi lầm và tội ác, không phải chỉ của “con cái Giáo hội” trong suốt dòng lịch sử, mà còn của chính Giáo hội. Qua lời xin lỗi của nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo hoàn vũ, tôi nghe vọng lại lời tự thú mà Giáo hội trên khắp thế giới lập lại mỗi ngày, từng phút từng giây ở mỗi đầu thánh lễ “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”.

Trong chuyến viếng thăm Canada lần này, Đức Phanxicô đã không “giảng dạy” hay dẫn giải về một điểm cao siêu nào trong giáo lý của Giáo hội Công giáo.  Nhưng với tôi, lời xin lỗi và cử chỉ khiêm tốn của ngài cũng đủ là một thông điệp rất có giá trị cho thời đại này: tự cho mình chiếm giữ sự thật và áp đặt lên người khác niềm tin tôn giáo và văn hóa của mình,  không những là một hành động “diệt chủng văn hóa” mà còn là một tội ác dẫn đến vô số những tội ác khác.

Tôi không biết các tín hữu Kitô, đặc biệt là người công giáo Mỹ có theo dõi chuyến viếng thăm Canada của Đức Phanxicô và nhận ra thông điệp ngài muốn nhắn gởi không. Cốt lõi của thông điệp và của chính Kitô Giáo lúc nào cũng là sám hối, khoan nhượng và cảm thông!

Một bài phân tách  trên trang mạng của Đài CNN mà tôi đọc được cách đây mấy hôm (3) đã ghi lại một số hình ảnh rất đặc trưng của cuộc bạo loạn trong tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6 tháng Giêng. Một trong những hình ảnh đó là cảnh  3 người đàn ông, mắt nhắm nghiền và đầu cúi xuống, đứng cầu nguyện trước một cây thập giá bằng gỗ sần sù. Ở một nơi khác, một người đàn ông cầm trên tay một quyển Kinh Thánh, áp chặt vào ngực như một chiếc thuẩn vững chắc. Rải rác trong đám đông, nhiều người giương lên những tấm bản có viết dòng chữ “Chúa Giêsu giải cứu” và đưa nắm tay lên trời.

Thoạt nhìn qua, những hình ảnh như thế tưởng chỉ gợi lên những cuộc biểu dương tôn giáo bên ngoài một giáo đường nào đó. Nhưng đây không phải là những hình ảnh thường được thấy trong những buổi cầu nguyện ngoài trời, mà là điều mà nhiều người gọi là một cuộc nổi dậy của Kitô Giáo. Đây chính là hình ảnh của những người đã tấn công vào Điện Capitol để lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020.

Đây là lần đầu tiên, với cuộc bạo loạn này, nhiều người Mỹ ý thức được rằng Hoa Kỳ đang đối diện với Phong trào Dân tộc  Kitô giáo da trắng. Phong trào này sử dụng ngôn ngữ của Kitô giáo để nói lên sự thù nghịch đối với người Mỹ gốc Phi Châu và những người di dân da màu khác để thiết lập một nước Mỹ của người da trắng theo Kitô giáo.

Một biểu ngữ khác được nhìn thấy trong cuộc bạo loạn Ngày 6 tháng Giêng có in hình một lá cờ Mỹ với hàng chữ đi kèm: “Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế của tôi, Trump là tổng thống của tôi”. Xóa bỏ hàng rào tách biệt tôn giáo và chính trị là điểm nổi bật của Phong trào Dân tộc Kitô giáo. Một trong những niềm tin cốt lõi của phong trào này là: Hoa Kỳ đã được thành lập như một quốc gia Kitô giáo, tất cả các nhà lập quốc đều là những tín hữu Kitô Tin Lành thuần thành và Chúa đã chọn Hoa Kỳ để đóng một vai trò đặc biệt trong lịch sử. Thật ra, trong hàng ngũ các nhà lập quốc không thiếu những người vô thần hay thuộc những Giáo hội không phải là Tin Lành. Hơn nữa cho rằng Hoa Kỳ được thành lập như một quốc gia Kitô giáo và nhờ vậy được phồn thịnh là quên rằng quốc gia này có được phồn thịnh ở khởi đầu là nhờ sự đóng góp công lao mồ hôi nước mắt và ngay cả máu của người nô lệ gốc Phi Châu cũng như từ đất đai ăn cướp của người dân bản địa.

Những băng hình đã được thu giữ từ cuộc bạo loạn cho thấy những người tham gia cuộc bạo loạn tuyên xưng và tôn thờ một Chúa Giêsu hoàn toàn đối nghịch với Đấng mà Kinh Thánh gọi là “Hoàng tử của Hòa Bình”, một Đấng Cứu Thế chỉ đi giảng dạy và cứu rỗi bằng một con đường duy nhứt là khoan nhượng, cảm thông và tha thứ. Xét cho cùng, đó cũng chính là con đường cứu rỗi của mọi tôn giáo đích thực cũng như mọi nền đạo đức của con người.

“Đồng hành” : chủ đề của chuyến viếng thăm Canada vừa qua quả là chìa khóa để xây dựng một xã hội thực sự hài hòa. “Đồng hành” là chấp nhận và tôn trọng những khác biệt về ngôn ngữ, màu da, văn hóa , tôn giáo và ngay cả những quan điểm chính trị của người khác. Thiếu sự tương nhượng và cảm thông, thì suy đồi đạo đức là điều không thể tránh khỏi. Các chế độ độc tài, đặc biệt là độc tài toàn trị, cai trị bằng cách đồng bộ hóa người dân. Trung Quốc là một điển hình. Chế độ cộng sản này muốn xây dựng một “xã hội hài hòa” bằng cách áp đặt triệt để ý thức hệ cộng sản lên người dân. Trong cuốn sách có tựa đề “Chúng tôi bị hài hòa hóa: cuộc sống bị nhà nước theo dõi tại Trung Quốc” (We have been harmonized: life in China’ surveillance State) nhà báo người Đức Kai Strittmatter đã nói đến “hệ thống tín dụng xã hội” trong xã hội Trung Quốc hiện nay. Nhất cử nhất động của người dân đều bị theo dõi và “cho điểm”. Bất đồng chính kiến được xem là hành vi “tồi tệ” nhứt trong mọi hành vi xấu. Điều gì đã xảy ra trong một xã hội mà người dân bị “hài hòa hóa” và theo dõi cặn kẽ như thế? Tác giả đã trích dẫn “một cuộc thăm dò toàn cầu được thực hiện năm 2017 về điều gì khiến người dân lo lắng nhứt. Đa phần những người được khảo sát ở các quốc gia đều lo ngại nhất về tình trạng thất nghiệp, nạn tham nhũng hay bất bình đẳng. Trung Quốc là nơi duy nhất mà người dân xem “suy thoái đạo đức” (moral decline) là mối lo lắng hàng đầu”(4).

“Đồng hành” hay khoan nhượng, cảm thông là chìa khóa để xây dựng một xã hội hài hòa. Đó cũng chính là thước đo nhân cách của một con người.

 

 

Chú thích:

1. Scott Neuman, The pope’s apology in Canada was historic, but for some Indigenous people, not enough NPR, July 25,2022.

2. Ricardo da Silva, S.J , Could pope Francis revoke the 15th century ‘Doctrine of Discovery’ used to justify colonizing Indigenous peoples?  America, the Jesuit ReviewJuly 28, 2022, bản dịch của Trần Giao Thủy,  DCVonline July 29, 20022.

3. John Blake, An ‘Imposter Christianity’ is threatening American democracy CNN July 24, 2022.

4. Y Chan, Đọc “xã hội hài hòa” của Trung Quốc: Biết để soi mình, hiểu để rùng mình, Luật Khoa 19/07/2022