Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2019

Bao giờ tôi mới được thương?


Chu Thập
15/12/19
Mới đây, tôi có nghe nhắc đến một ca khúc cũ có tựa đề “ When will I be loved?”( Khi nào tôi mới được yêu?). Tuy Anh ngữ của tôi  vẫn còn trong tình trạng “ăn đong”, tôi vẫn nghe và hiểu được chút đỉnh ca từ của bài hát. Nhờ ông Google mách bảo, tôi mới biết tác giả của ca khúc này là ca nhạc sĩ Phil Everly thuộc ban nhạc The Everly Brothers. Nhưng với ca khúc này người được nhắc nhớ nhiều hơn cả lại là nữ ca sĩ Linda Ronstadt. Được đưa vào danh sách 10 ca khúc hay nhứt trong năm 1960, nhưng bài hát này đã lên tới hạng nhì vào năm 1975 qua tiếng hát của Linda Ronstadt. Danh tiếng của người nữ ca sĩ 73 tuổi này vẫn còn tiếp tục vang dội cho đến ngày nay, thành ra mới có chuyện để nói.
Số là tối thứ Bảy ngày 7 tháng Mười Hai vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tổ chức tại Trung tâm Kennedy một bữa tiệc để vinh danh một số nhân vật nổi tiếng. Và một trong những người nổi tiếng ấy là bà Linda Ronstadt. Không rõ vì cớ sự nào mà đương kim Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lại chú ý đến bà Ronstadt một cách đặc biệt. Thật vậy, trong bài diễn văn khai mạc, ngoại trưởng Pompeo nhắc đến ca khúc “When will I be loved” và nói riêng với người ca sĩ già: “Thưa bà Ronstadt, xin cám ơn và chúc mừng bà. Và tôi muốn nói: công việc của tôi là đi khắp thế giới. Tôi muốn biết “bao giờ tôi mới được thương?”
Trong bữa tiệc, khi được trao “micrô”, bà Ronstadt mới trả lời cho Ngoại trưởng Pompeo. Trước hơn 200 khách dự tiệc, vốn là một người ăn nói bộc trực và đã từng chỉ trích chính phủ của Tổng thống Donald Trump, người nữ ca sĩ cao niên này đã đứng lên và nhìn thẳng vào ông Pompeo rồi nói: “Tôi muốn được nói với ngài Pompeo, người đã thắc mắc không biết bao giờ mình mới được thương rằng: khi nào ông thôi ủng hộ ông Donald Trump”.
Trong những năm gần đây, nhứt là trong các liên hoan nghệ thuật, việc các tài tử giai nhân bày tỏ lập trường chính trị của mình đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Trong số những nữ ca sĩ tỏ rõ lập trường chính trị của mình, rất nhiều người trẻ hơn bà Ronstadt nhiều. Như trường hợp các cô Adele, Rihanna hay Taylor Swift. Nhưng hầu hết đều lên tiếng chống lại ông Trump trong những sinh hoạt nghệ thuật hơn là trong các cuộc tập hợp chính trị.
Việc bà Ronstadt “lên lớp” Ngoại trưởng Pompeo ngay trong một bữa tiệc do chính Bộ Ngoại giao đứng ra tổ chức quả là chuyện không bình thường. Trong giới nghệ thuật, bà Ronstadt nổi tiếng là một người khó tánh. Bà nói và làm điều bà muốn chớ không chịu làm theo điều người khác muốn hay ra lệnh cho bà phải làm. Nói cho cùng, như câu điệp khúc trong bài “When will I be loved?” dường như muốn nhấn mạnh, bà Ronstadt luôn muốn bày tỏ tinh thần độc lập của bà: bà không màng đến chuyện được người khác thích hay không thích, thương hay không thương !
Tạm gác chuyện chính trị sang một bên, câu hỏi “Bao giờ tôi mới được thương?” được Ngoại trưởng Pompeo đã tự đặt ra cho chính mình hơn là cho bà Ronstadt không thể không gợi lên cho tôi một câu hỏi khác quan trọng là: yêu và được yêu, điều nào quan trọng hơn?
Tất cả mọi người, từ lớn chí bé, ai cũng đều cảm thấy khao khát mãnh liệt được yêu thương. Đó là nhu cầu cơ bản nhứt của con người. Tất cả mọi cuộc nghiên cứu đều cho thấy rằng sau khi sinh ra, nhứt là trong 6 tháng đầu tiên, những đứa trẻ sơ sinh nào thiếu sự ôm ấp vỗ về đều sẽ bị chấn thương về tâm lý.
Vì được yêu thương là nhu cầu cơ bản nhứt cho nên hầu hết đều tin rằng được yêu thương và được quan tâm tới là yếu tố quyết định cho hạnh phúc của con người. Hầu như ai cũng đều xem quan hệ tốt đẹp với người khác là điều tối cần để có được một cuộc sống hạnh phúc.
Tuy nhiên, bên cạnh nhu cầu được yêu, còn có một nhu cầu căn bản khác song song với nhu cầu này mà có lẽ nhiều người không muốn nhìn nhận: đó là nhu cầu yêu thương và quan tâm đến người khác. Nhu cầu này cũng mãnh liệt như cầu được yêu. Tỏ tình yêu thương, cư xử tử tế hay cảm thông với người khác không những làm cho họ được hạnh phúc mà cũng mang lại hạnh phúc cho chính mình.
Nếu phải trả lời cho câu hỏi của Ngoại trưởng Pompeo “Bao giờ tôi mới được thương?”, có lẽ tôi sẽ khuyên ông nên nghĩ đến việc phục vụ và yêu thương hơn là nghĩ đến chuyện người khác có yêu thích mình hay không. Trên đời này chẳng có ai được mọi người yêu thích cả. Con người ta vốn khó tính. Ca dao Việt Nam đã đưa ra nhận xét thật chí lý: ở sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười ở hẹp người chê. Chẳng có ai làm vừa lòng mọi người và được mọi người yêu thương cả. Hiền lành và yêu thương ngay cả kẻ thù như Chúa Giêsu mà còn bị thù ghét huống chi là người trần. Nhưng được yêu thương cũng chưa hẳn là thước đo của hạnh phúc đích thực. Tướng cướp nào cũng có kẻ đi theo. Bạo chúa nào cũng có người sống chết cho. Có ai được dân chúng Đức yêu thương cho bằng bạo chúa Hitler hay có ai được tôn thờ tại Trung Cộng cho bằng bạo chúa Mao Trạch Đông. Chính trị gia tráo trở nào cũng có khối người phục lụy. “Hội chứng Stockholm” vốn là điều rất thường xảy ra trong quan hệ giữa người với người: người ta vẫn có thể thương kẻ đang bắt giữ mình làm con tin!  Tôi nghĩ đến hội chứng ấy khi nhìn cả nước Bắc Hàn khóc lóc thảm thiết trước cái chết của nhà độc tài Kim Jong Il hồi năm 2011. Có lẽ chẳng có nguyên thủ quốc gia nào được dân chúng yêu thương cho bằng ông. Ngày nay có lẽ dân chúng Bắc Hàn cũng tiếp tục bày tỏ một sự “yêu thương” như thế đối với con của ông là đương kim Chủ tịch Kim Jong Un. Nhà độc tài hay bất cứ một chính trị gia giảo hoạt lưu manh nào mà chẳng rung đùi thích chí khi được người dân tung hê và sẵn sàng hy sinh mọi sự vì mình.
Được yêu quả là một nhu cầu cơ bản của con người. Nhưng con người có thực sự hạnh phúc hay không là khi nhu cầu yêu thương và quan tâm đến người khác được thỏa mãn.
Về nhu cầu này, tôi nghĩ Ngoại trưởng Pompeo nên tìm đọc lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng này nói: “Lời khuyên của tôi là nếu bạn cần phải ích kỷ thì hãy ích kỷ một cách khôn ngoan. Người khôn ngoan phục vụ người khác một cách chân thành, đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của mình. Có như thế cuối cùng bạn sẽ hạnh phúc hơn. Thứ ích kỷ khiến phải đấu đá, giết người, trộm cướp, nói những lời độc địa, quên phúc lợi của người khác sẽ chỉ dẫn đến mất mát cho chính bạn mà thôi”.








Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2019

Sự thật dưới thời Liên Xô và ở Mỹ dưới thời Donald Trump



Garry Kasparov
                                                                               Chu Thập chuyển ngữ 

Tôi sinh trưởng trong chế độ toàn trị Liên Xô. Chế độ này đã tìm cách khống chế, bóp méo và kiểm soát sự thật. Thực tại là bất cứ điều gì Đảng đặt ra trên các bản tin hàng đêm hay trên những tờ báo của Đảng như Pravda, tức “Sự Thật” và Izvestia, tức “Tin Tức”.
Vào thời đó, ngay cả đối với những người thực sự tin tưởng chủ nghĩa cộng sản, ngày càng hiển nhiên là những điều mà người ta nói với chúng tôi không hề phù hợp với thế giới mà chúng tôi nhìn thấy xung quanh mình. Như người ta vẫn nói đùa: “Không có tin tức trong sự thật và không có sự thật trong tin tức”. Khoảng cách giữa sự thật và dối trá quá lớn; cuộc sống không được cải thiện và thông tin ngày càng rỏ rỉ xuyên qua Bức Màn Sắt. Chối bỏ thực tế đã trở thành một sự xúc phạm quá nặng nề đối với phẩm giá của chúng tôi. Mà phẩm giá vốn là một yếu tố bị đánh giá thấp trong tinh thần cách mạng.
Tôi đã từng sống qua nhiều cuộc cách mạng làm thay đổi thế giới. Tôi là một  công dân của thời hậu Liên Xô. Quốc gia nơi tôi sinh ra đã ngưng hiện hữu kể từ năm 1991. Tại Nga, chúng tôi đã hưởng được chút tự do trong không đầy một thập niên trước khi Vladimir Putin mở ra giai đoạn hậu dân chủ. Vì chống lại thảm trạng này cho nên tôi đã lưu vong sang Hoa Kỳ. Nay quê hương mới của tôi lại lâm vào một cuộc chiến đấu nguy hiểm, một cuộc chiến đấu để không trở thành quốc gia cuối cùng của thế giới hậu sự thật.
Tổng thống Donald Trump và các đảng viên Cộng Hòa bênh vực ông trong Quốc Hội đã chạy theo ông để tuyên chiến với thực tế hiển nhiên. Các bài tường thuật có tính phê phán (bị gọi) là “tin giả”, các ký giả tường thuật các sự kiện là “ kẻ thù của nhân dân” (một câu nói của chính Vladimir Lenin), những thuyết âm mưu giả tạo không ngừng được lập đi lập lại và các công chức làm chứng hữu thệ về những biến cố có đầy đủ chứng cớ bị dán cho nhãn hiệu “Những người không bao giờ ủng hộ Trump” (Never Trumpers).
Vì không thể thay đổi được các sự kiện, Tổng thống Trump và những người ủng hộ ông tìm cách lái cuộc tranh luận vào một thế giới khác trong đó sự thật là bất cứ điều gì họ nói trong ngày hôm nay. Ông Trump lập đi lập lại không biết bao nhiêu lần cùng những lời dối trá và điều đáng lo ngại hơn là những người ủng hộ ông không hề nhận ra rằng đó là những lời dối trá hoặc họ chẳng màng tới. Toàn cầu hóa và mạng lưới thông tin toàn cầu có thể đã làm cho thế giới này được thu hẹp lại, nhưng hiện chúng ta đang trải nghiệm một sự phản tác dụng: sự thật đang bị “địa phương hóa”.
Mạng lưới thông tin toàn cầu lẽ ra phải chiếu rọi ánh sáng sự thật vào trong mọi hang cùng ngõ hẻm của thế giới, chấm dứt độc quyền thông tin của các nhà độc tài. Nhưng nó cũng đã trở thành một hệ thống chuyên chở với tốc độc ánh sáng những lời dối trá và tuyên truyền. Như một tấm gương vỡ, mỗi mảnh phản chiếu một hình ảnh bị bóp méo thay vì một thực tại duy nhất.
Không dễ theo dõi những cuộc biểu tình tại Iran bởi vì chính phủ nước này có thể ngăn chận việc tiếp cận với mạng lưới thông tin toàn cầu trên toàn quốc. Tại bất cứ nước nào, theo dõi những cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Hong Kong dễ hơn là tại Trung Cộng bởi vì nước này kiểm soát rất chặt chẽ. Nga giam tù các nhà báo mạng và đóng cửa các tổ chức không chính phủ trong khi tung ra trên toàn quốc và khắp thế giới những thông tin giả.
Đã đến lúc cần phải báo động về con đường đen tối mà ông Trump đang dẫn dắt Hoa Kỳ bước vào. Tại Liên Xô, chúng tôi đã không thể chọn lựa nguồn tin tức nào để theo dõi. Người Mỹ có vô số chọn lựa, nhưng nhiều người lại tự nguyện giới hạn vào một số nguồn tin tức họ ưa thích. Đặc biệt đối với những người ủng hộ ông Trump, chối bỏ thực tế là một phù hiệu danh dự, một biểu tượng của tín đồ thuộc về một giáo phái!
Nếu bạn chỉ  theo dõi các cuộc điều trần về luận tội trên Đài Fox News, bạn sẽ nghĩ rằng mọi sự đều tốt đẹp cho Tổng thống Trump. Bất cứ câu nói nào xem ra bãi tội ông, mặc dù không có nhiều câu nói như thế, được lập đi lập lại không ngừng chẳng khác nào một câu thần chú. Đã có rất nhiều bằng chứng bất lợi cho ông  được trưng ra, nhưng như thể  không hề hiện hữu.
Sự chia rẽ đảng phái về thực tế nằm trong một cuộc chiến rộng lớn hơn của ông Trump. Đó là cuộc chiến chống lại sự lương thiện, pháp trị và những giá trị truyền thống cũng như đồng minh của Hoa Kỳ. Đây chính là mô thức của quyền lực địa phương, sự kiện địa phương và giá trị địa phương mà lâu nay Putin và Tập Cận Bình đang đeo đuổi. Chẳng có thiện hay ác. Đừng đưa chuyện luân lý ra để bàn cãi về những trại tập trung ở Trung Cộng hay những vụ dội bom của Nga xuống các bệnh viện tại Syria.
Các công ty của Hoa Kỳ cũng hùa theo: mới đây Apple thay đổi các bản đồ bên trong Nga vốn đã cho thấy việc Nga sáp nhập một cách bất hợp pháp lãnh thổ Crimea của Ukraine (Google đã làm điều đó từ nhiều năm trước !)
Các công ty kỹ thuật khổng lồ của Hoa Kỳ tỏ ra hài lòng trong việc giúp Putin tạo ra một thực tế giả tạo bên trong ranh giới Nga. Apple và Google xem ra muốn đứng lên chống lại Cơ quan Điều tra Liên bang FBI, chứ không phải FSB, tức KGB của Nga. Nhu liệu là quyền lực mềm và các công ty Mỹ đang phản bội các giá trị của quốc gia đã từng giúp họ thành công bằng cách ve vãn các nhà độc tài. Các công ty kỹ thuật biện bạch bằng cách nói rằng đây chỉ là chuyện kinh doanh chứ không phải chính trị. Nghe chẳng khác nào các hãng phim Hollywood khi họ cắt xén các cuốn phim và sa thải các nhân viên người Do Thái vì áp lực của Đức Quốc Xã hồi thập niên 1930.
Sự thật là gì? Trong kỷ nguyên của các sự kiện vùng, nó tùy thuộc vào chỗ bạn đang đứng, kênh truyền hình bạn đang theo dõi và đảng nào bạn ủng hộ. Nhưng không thể có một thực tại đỏ và một thực tại xanh cũng như không thể có một  tấm bản đồ bên trong Nga khác với một tấm bản đồ bên ngoài Nga. Cuối cùng ông Trump đang đối diện với những hậu quả của những hành động  của ông, mỗi người cũng nên bắt đầu nhìn thẳng vào các sự kiện.

Garry Kasparov: I lived in the post-truth Soviet world and I hear its echoes in Trump’s America
Garry Kasparov hiện là chủ tịch của Tổ chức “Renew Democracy Initiative” (Canh Tân Sáng Kiến Dân Chủ). Ông đã từng là vô địch thế giới về môn cờ vua (chess).

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2019

Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt


Chu Thập
1.12.19
Cách đây một tuần, lên tiếng trong chương trình “Fox & Friends” của Đài Fox News, Tổng thống Donald Trump tuyên bố: “Chúng ta cần phải đứng về phía Hong Kong, nhưng tôi cũng đứng về phía Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông ta là một người bạn của tôi...Tôi muốn hai bên hợp tác với nhau. Đúng không?” Nhưng hôm thứ Tư 27 tháng Mười Một 2019 vừa qua, ông đã đặt bút ký 2 đạo luật được lưỡng đảng trong Quốc Hội thông qua: một là đạo luật Nhân quyền và Dân Chủ, hai là đạo luật Bảo vệ Hong Kong. Đạo luật thứ nhứt cho phép áp đặt các biện pháp chế tài đối với các viên chức Trung Công và Hong Kong nào dính líu đến các vụ vi phạm nhân quyền. Còn đạo luật thứ hai ngăn cấm việc bán cho cảnh sát Hong Kong các thứ khí giới được sử dụng để chống lại đám đông như hơi cay, súng hơi và đạn mã tử. Đây là những thứ khí giới được sản xuất tại Tiểu bang Pennsylvania và đã từng được cảnh sát Hong Kong sử dụng để chống lại các đám đông biểu tình.
Hành động của Tổng thống Trump đã được người dân Hong Kong hoan hô hết mình. Tối thứ Năm 28 tháng Mười Một vừa qua, người dân Hong Kong một lần nữa đã xuống đường và lần này, nhằm ngày Lễ Tạ Ơn ở Mỹ, họ đã bày tỏ lòng biết ơn với Nước Mỹ và đặc biệt tung hô Tổng thống Trump như một vị anh hùng. Bên cạnh những lá cờ Mỹ, người ta thấy có rất nhiều biểu ngữ ghi lại các “tuýt” của Tổng thống Trump. Nổi bật nhứt là “tuýt” trong đó tổng thống Trump gởi đi một bức ảnh đã được “phục chế” (photoshop) rất tinh vi nhưng cũng vô cùng lố bịch: đầu là đầu của Donald Trump, nhưng mình thì lại là mình của võ sĩ “Rocky Balboa” được hóa thân trong loạt phim “Rocky” do tài tử vai u thịt bắp Sylvester Stallone thủ diễn.
Trên khắp thế giới đã có vô số phản ứng và bình phẩm về bức hình “đầu Donald Trump, mình Rocky Balboa” này. Có người đã đặt bức hình này bên cạnh một bức hình thật và mới nhứt của tổng thống Trump, một cụ già 73 tuổi, bụng phệ, béo phì với lời  ghi chú: “ảo tưởng chống thực tế” (Delusion vs. reality)!
Riêng tôi, khi nhìn vào bức hình “đầu Donald Trump, mình Rocky Balboa” này, tôi lại nghĩ đến chuyện cổ tích Việt Nam “Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt”. Ngày xưa có một người thanh niên tên là Trương Ba rất cao cờ. Tiếng đồn vang khắp nơi. Từ Trung Quốc, nghe tiếng Trương Ba, một tay cao cờ tên là Kỳ Như liền khăn gói sang Việt Nam để tỉ thí cho bằng được. Sau một hồi thi đấu, thấy Kỳ Như lâm thế bí, Trương Ba mới kiêu hãnh bảo: “Nước cờ này dù có Đế Thích xuống đây cũng đừng có hòng mà gỡ nổi”.
Từ trên thiên đình, nghe câu nói hỗn xược của Trương Ba, Đế Thích liền cỡi mây xuống tận nhà Trương Ba và mách nước cho Kỳ Như. Thoạt tiên, Trương Ba tức giận, nhưng nhìn kỹ thấy cụ già râu tóc bạc phơ, mặt mũi không có vẻ là người trần, nên sụp lạy xin lỗi: “Ngài hẳn là thần Đế Thích, tôi người trần mắt thịt không biết, xin ngài thứ lỗi cho”. Nói đoạn liền sai người nhà mua rượu, giết gà để khoản đãi. Đế Thích thấy Trương Ba là người có bụng chân thành nên tặng cho một nén hương và bảo: cứ mỗi lần cần đến, cứ thắp lên một cây, ông sẽ xuống ngay. Nói xong, Đế Thích cỡi mây bay về thiên đình.
Từ đó, Trương Ba thỉnh thoảng lại dọn cỗ mời Đế Thích xuống chơi. Nhưng không rõ vì một nguyên do nào đó, Trương Ba bị thần chết mang đi một cách đột ngột. Sau khi chôn cất chồng, trong lúc dọn dẹp nhà cửa, vợ anh mới thấy có một nén nhang cất trên mái nhà. Chị đốt nén hương. Thế là từ thiên đình, Đế Thích đã nhận được tin. Ông liền cỡi mây xuống thăm người vợ góa. Khi biết trong xóm có một người hàng thịt vừa mới qua đời, Đế Thích liền cho hồn Trương Ba nhập vào người hàng thịt. Trước sự ngỡ ngàng của hàng xóm, người chết bỗng nhỏm dậy và chẳng nói chẳng rằng đi thẳng về nhà Trương Ba. Vợ Trương Ba biết rõ đây là chồng mình nên mừng rỡ đón vào. Giữa lúc đó thì vợ con người hàng thịt cũng chạy theo níu lấy người nhà của mình. Hai bên giằng co mãi cho nên quan trên phải can thiệp. Ông cặn kẽ hỏi hai bên về sở thích và tài năng của người nhà của họ. Họ hàng của người hàng thịt cho biết lúc còn sống ông chỉ giỏi một chuyện là mổ heo. Còn bên nhà Trương Ba thì lại bảo ngón sở trường của anh là đánh cờ. Quan liền sai đem một con heo đến để xem tài của người hàng thịt. Anh chàng lớ ngớ không biết phải làm thế nào. Quan lại cho mời một số cao thủ đến để thử tài người vừa sống lại. Không ngờ anh ta đi những nước cờ không ai địch nổi. Quan liền phán: đây đích thị là Trương Ba. Thế mới có chuyện: “Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt”.
Chuyện cổ tích trên đây đã được kịch tác gia  Lưu Quang Vũ, người đã cùng với vợ là diễn viên Xuân Quỳnh qua đời trong một tai nạn giao thông đầy bí ẩn hồi năm 1988, dựng lại thành một vở kịch trong đó Trương Ba đã dốc hết tâm sự và cũng qua đó nhà soạn kịch muốn nhắn gởi một thông điệp: một trong những điều quý giá nhứt của con người là được sống trọn vẹn với những giá trị mình có và theo đuổi. Nếu không được sống là chính mình mà phải sống gởi, sống nhờ, sống giả tạo thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa. Trong con người luôn diễn ra một cuộc chiến cam go: sống là phải không ngừng chiến đấu để làm chủ những bản năng thấp hèn và hoàn thiện nhân cách.
Đây chính là ý tưởng mà kịch tác gia Lương Quang Vũ muốn nhấn mạnh qua các cuộc đối thoại giữa Trương Ba và Đế Thích cũng như giữa Trương Ba và xác anh hàng thịt. Trong cuộc gặp gỡ với Đế Thích, hồn Trương Ba đã khẳng định: “Không thể bên trong một đàng bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”.
Đoạn kết của vở kịch là khung cảnh hồn Trương Ba chập chờn trong màu xanh của cây lá trong vườn ở trên bậc cửa, trong ánh lửa, nơi cầu ao, trong cái cơi đựng trầu cau, con dao giẫy cỏ...Cho dù không còn sống trên cõi đời nhưng Trương Ba vẫn được người thân quý mến như xưa. Trong cái nhìn của mọi người thân, Trương Ba vẫn bất tử, vẫn là “con người trong sạch thẳng thắn”. Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ muốn nói lên ý nghĩa thật sự của cuộc đời: con người vẫn tiếp tục sống qua chính cuộc sống lương thiện, vị tha của mình!
Thời thanh niên tôi có thử học một vài môn võ như Judo, Vovinam và Hiệp Khí Đạo. Học mãi mà chẳng đạt được cái “đai” nào cả, mặc dù thỉnh thoảng tôi cũng có  tròng vào người bộ áo võ thuật để chụp hình. Nếu có ai đó “phục chế” mấy tấm hình cũ và cho tôi đeo đai đen chẳng hạn, chắc tôi phải độn thổ mất, chớ đừng nói tới chuyện cắt đầu tôi để gắn vào thân của một võ sĩ nào đó.
Hiện tôi cũng còn luyện võ. Không phải võ mồm. Không phải để đánh ai, mà để chiến đấu chống lại những bản năng thấp hèn của mình. Thứ võ này sao mà khó quá. Luyện mãi mà vẫn thấy mình lên được “đẳng” nào cả!