Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

2018: Năm của Phụ Nữ


22.12.17
Sự kiện nổi bật nhất trong năm 2017, như được tạp chí Time đã chỉ ra khi chọn Phong trào #MeToo làm “nhân vật của năm”, chính là sự bùng nổ của những cáo trạng về xách nhiễu tình dục đối với phụ nữ trong mọi lãnh vực, nhất là trong sinh hoạt chính trị, điện ảnh và truyền thông. Tạp chí Time đã gọi những người tranh đấu trong Phong trào #MeToo là “những người phá vỡ sự thinh lặng” (silence breakers). Thay vì cam phận chấp nhận thân phận thấp cổ bé miệng lúc nào cũng bị quyền lực bịt miệng, nhiều người phụ nữ đã lấy hết can đảm để lên tiếng bày tỏ sự phẫn nộ và tố cáo. Với tiếng nói như vũ bão của họ, người phụ nữ đã hạ gục được những kẻ lâu nay vẫn được xem là có thế lực không lay chuyển.
Trong một cuộc phỏng vấn trên đài CNN, Thượng nghị sĩ Kirsten Gillibrand, thuộc Đảng Dân Chủ và đại diện cho Tiểu bang New York, đồng thời là người sáng lập phong trào có tên là “Off the Sidelines” (Phụ nữ không còn đứng bên lề) đã nói rằng “một trong những “điểm sáng duy nhất” trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump là càng ngày càng có nhiều người phụ nữ cảm thấy đủ can đảm để lên tiếng và chiến đấu cho những vấn đề mà họ xem trọng nhất, từ việc xách nhiễu tình dục trong chỗ làm đến việc được trả lương trong những ngày nghỉ”. Theo vị nữ thượng nghĩ sĩ này, tiếng nói của người phụ nữ đã được bày tỏ trong Cuộc Tuần Hành của Người Phụ Nữ (Women’s March) trên khắp nước Mỹ trong ngày Tổng thống Trump tuyên thệ nhậm chức hồi đầu năm nay.
Cuộc Tuần Hành của Người Phụ Nữ là một cuộc biểu tình trên toàn thế giới ngày 21 tháng Giêng năm 2017, để ủng hộ luật pháp và các chính sách liên quan đến nhân quyền và những vấn đề khác như quyền của người phụ nữ, bảo vệ môi sinh, quyền của những người đồng tính và chuyển giới, sự bình đẳng về sắc tộc, tự do tôn giáo cũng như quyền của công nhân. Hầu hết các cuộc biểu tình, nhất là tại Hoa Kỳ, đều nhắm vào Tân tổng thống Donald Trump, vì những lời tuyên bố và lập trường kỳ thị và miệt thị của ông đối với phụ nữ . Cuộc Tuần Hành của Người Phụ Nữ được xem là cuộc biểu tình phản đối lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Tiếng nói của người phụ nữ Mỹ cũng đã được nhận thấy xuyên qua sự kiện phụ nữ trên toàn nước Mỹ đã ra tranh cử vào những chức vụ công quyền và họ đã đắc cử.
Ngọn lửa của người phụ nữ đã bùng cháy. Do đó năm 2018 chắc chắn sẽ là Năm của Phụ Nữ.
Tiếng nói của người phụ nữ không chỉ giới hạn trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Phụ nữ trên khắp thế giới cũng đã vùng lên. Phong trào phụ nữ hiện đang là dòng thác chính trong sinh hoạt xã hội. Họ đã đứng lên, phản đối, tuần hành, tổ chức và xây dựng quyền lực. Từ hàng triệu người đã tham gia Cuộc Tuần Hành của người Phụ Nữ tại Mỹ đến vô số phụ nữ trên khắp thế giới  đã và đang tham gia Phong trào #MeToo, người phụ nữ đã dám phá vỡ thinh lặng. Nhưng những người dám phá vỡ sư thinh lặng không những dám lên tiếng, mà tiếng nói của họ cũng đã được lắng nghe.
Nhờ sự yểm trợ của các phương tiện truyền thông xã hội tiếng nói của người phụ nữ đã được lắng nghe đã đành, mà giới mày râu cũng ngày càng ý thức hơn về vấn đề giới tính và trở thành “đồng minh” của người phụ nữ. Tựu trung, phụ nữ hiện đang là đề tài được thế giới chú ý tới nhiều nhất. Từ điển Anh ngữ Merriam-Webter’s đã chọn từ “Feminism” (Nữ quyền) làm từ của năm. Đây là từ được tra cứu nhiều nhất trên các trang từ điển trên mạng.
Mạnh mẽ lên tiếng trong cuộc Tuần Hành của Người Phụ Nữ trong ngày tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Trump, người phụ nữ Mỹ cũng tỏ ra ngày càng tích cực hơn trong việc tham gia vào các chức vụ công quyền. Con số phụ nữ ra tranh cử vào các chức vụ công quyền cao kỷ lục. Số phụ nữ đóng góp cho các cuộc vận động tranh cử cũng gia tăng đáng kể. Và dĩ nhiên, con số phụ nữ đảm nhận vai trò lãnh đạo cũng ngày càng nhiều. Sự bình đẳng của phụ nữ trong sinh hoạt chính trị cũng được nhìn nhận như một yếu tố quan trọng trong một nền dân chủ đích thực.
Tại Hoa Kỳ, một tổ chức chuyên về việc khích lệ và tuyển chọn nữ ứng cử viên chính trị có tên là Emily’s List( Danh sách Emily) đã ghi nhận: kể từ khi ông Trump đắc cử, đã có trên 22.000 phụ nữ liên lạc với tổ chức. Nhiều tổ chức khác cũng đã được thành lập với mục đích huấn luyện phụ nữ ra làm chính trị.
Theo số liệu của Trung Tâm Phụ Nữ và Chính Trị (Center for American Women and Politics at Rutgers), tính đến tháng Mười Một vừa qua, đúng một năm sau ngày bầu cử tổng thống, con số nữ dân biểu và thượng nghị sĩ  trong Hạ Viện và Thượng Viện Hoa kỳ đã tăng gấp đôi so với năm 2016.
Ngoài ra có một sự kiện khác cũng đáng chủ ý là chính các nữ cử tri da đen tại Mỹ đã làm thay đổi cán cân quyền lực trong sinh hoạt chính trị. Kết quả cuộc bầu cử thượng viện bổ túc tại Tiểu bang Alabama hồi tuần trước là một điển hình: lá phiếu của người phụ nữ da đen tại tiểu bang này đã đánh bại một ứng cử viên bị cáo buộc về những thành tích xách nhiễu tình dục và đánh đổ thành trì kiên cố của Đảng Cộng hòa tại tiểu bang.
Chủ tịch của tổ chức “Emily’s List”, bà Stephanie Schriock đã kêu gọi phụ nữ Mỹ hãy ra tranh cử và vận động trong các cuộc bầu cử  vào các chức vụ công quyền. Bà nói: “Dân chủ không phải là điều chúng ta chỉ ngồi nhìn như khách bàng quan, mà phải xắn tay áo, dấn thân và giúp đỡ các chị em khác hành động”.
Tiếng nói của người phụ nữ càng mạnh thì thế lực của những người đàn ông quyền thế và cậy quyền để xách nhiễu tình dục càng suy yếu. Trong mấy tháng vừa qua, thế giới đã chứng kiến không biết bao nhiêu người đàn ông đầy thế lực ngã gục vì những hành vi xách nhiễu tình dục mà họ tưởng không ai có thể đưa ra ánh sáng của công lý. Từ mọi lãnh vực, điện ảnh, thể thao, truyền thông và nhất là chính trị, hầu như tất cả những người đàn ông quyền thế bị tố cáo về xách nhiễu tình dục cũng đều bị buộc phải từ chức hoặc phải gánh chịu sự lên án nặng nề của công chúng. Các công ty và cơ quan truyền thông đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ lên án các hành vi xách nhiễu tình dục. Và các chính trị gia nào bị tố cáo có lạm dụng tình dục cũng bị buộc phải từ chức. Chính vì những cáo buộc về xách nhiễu tình dục mà tại Tiểu bang Alabama ứng cử viên Cộng hòa Roy Moore được tổng thống Trump ủng hộ  đã thất cử và ngày càng có nhiều nhà lập pháp  lên tiếng kêu gọi chính Tổng thống Trump phải từ chức vì những cáo buộc về xách nhiễu và lạm dụng tình dục của ông. Với cuốn băng “Acces Hollywood Tape” được cho phổ biến trong cuộc vận động bầu cử tổng thống hồi năm ngoái, qua đó người ta nghe được chính cái giọng sàm sỡ của ông, hơn phân nửa dân Mỹ tin rằng 20 người phụ nữ đứng ra tố cáo ông Trump về những hành vi xách nhiễu và lạm dụng tình dục là đáng tin.
Eve Ensler, sáng lập viên của tổ chức có tên là V-Day chống lại bạo lực dưới mọi hình thức, đã gọi việc phụ nữ trên khắp thế giới lên tiếng tố cáo các hành vi xách nhiễu tình dục là một cơn sóng thần có sức càn quét nhưng đồng thời cũng tạo được một sự biến đổi quan trọng trong xã hội.
Quan trọng không kém trong cuộc cách mạng văn hóa do tiếng nói của người phụ nữ tạo ra chính là sự tham gia tích cực của đàn ông. Kể từ khi phong trào #MeToo được khai sinh, ngày càng có nhiều người đàn ông ý thức hơn về các vụ xách nhiễu tình dục trong giới quyền thế và đặc quyền trong xã hội và nhất là nền văn hóa “sự vật hóa” phụ nữ vốn vẫn còn thịnh hành trong một xã hội trọng nam khinh nữ.
Những vấn đề nóng bỏng được người phụ nữ nêu lên do đó không chỉ là những vấn đề riêng của phụ nữ mà đã trở thành những vấn đề chung của con người cần được mọi người ngồi lại với nhau để cùng nhau giải quyết.
Ted Bunch, đồng sáng lập viên của tổ chức có tên là “A Call to Men” (một lời kêu gọi gởi đến đàn ông), một nhóm chuyên giáo dục đàn ông trên khắp thế giới về thế nào là một người đàn ông lành mạnh, trưởng thành...hy vọng rằng cuộc cách mạng của người phụ nữ trong năm 2017 sẽ giúp cho cánh mày râu ý thức được nhiều hình thức bạo động, kỳ thị và miệt thị phụ nữ vẫn còn tồn tại trong xã hội.
Đàn ông ngày càng ý thức hơn về nền văn hóa bạo động và kỳ thị đối với phụ nữ. Đó là một điểm son trong cuộc cách mạng do phụ nữ chủ xướng trong năm 2017. Nhưng theo Thượng nghị sĩ liên bang Gillibrand, người đã từng là đối tượng của sự đả kích và ngay cả miệt thị trong các “tuýt” gần đây của Tổng thống Trump, phụ nữ tranh đấu cho nữ quyền “đừng chờ đợi một kỵ mã da trắng nào đó  từ Hoa Thịnh Đốn cỡi ngựa tới để giải cứu”. Bà ám chỉ đến giới thế lực chính trị mà Tổng thống Trump là điển hình và đại diện. Vị nữ thượng nghị sĩ mà nhiều người nghĩ là sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử vào năm 2020 tới đây, khẳng định: “Nếu chính các thường dân gởi đi sứ điệp, tung ra các chiến dịch và chiến thắng trong các cuộc bầu cử, thì cuối cùng sẽ có sự thay đổi và đất nước chúng ta sẽ tốt đẹp hơn”.
Đưa ra lời kêu gọi này, có lẽ nữ Thượng nghị sĩ Gillibrand còn nhắm xa hơn là mục tiêu của cuộc tranh đấu của tổ chức Women’s March hay #MeeToo. Dường như chính Tổng thống Trump đã đánh hơi được điều đó khi ông chỉa mũi dùi vào cá nhân bà. Thật vậy, trong một “tuýt” được bắn đi vào sáng sớm thứ Ba tuần trước, ông Trump đã gọi bà là một thượng nghị sĩ “nhẹ ký”, một thứ “tà lọt” của ông Chuck Schumer, lãnh tụ của Đảng Dân Chủ tại Thượng Viện. Ông còn nói rằng chính bà đã đến văn phòng của ông lúc ông chưa đắc cử tổng thống để lạy lục xin được ủng hộ tài chính. Ngoài ra, nặng lời hơn cả, ông còn viết rằng đây là thứ đàn bà sẵn sàng làm mọi sự để có tiền. Chê một người phụ nữ như thế thì chẳng còn lời miệt thị nào khiếm nhã hơn.
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài NBC, bà Gillibrand đáp lại: “Một tên kỳ thị giới tính muốn làm cho tôi câm miệng. Và tôi sẽ không để bị bịt miệng về vấn đề này. Tôi đã nghe chứng từ của nhiều người phụ nữ, nhiều người tố cáo, tôi tin tưởng họ. Và ông ta nên từ chức vì chuyện đó”.

Tổng thống Trump không bao giờ nhìn nhận mình đã có bất cứ hành động sàm sỡ, “bốc hốt” nào đối với phụ nữ, cho dẫu trong cuốn băng “Access Hollywood Tape” ông có khoe mẽ về thành tích ấy. Dĩ nhiên, ông sẽ không bao giờ chấp nhận từ chức vì “chuyện đó” như Thượng nghị sĩ Gillibrand đã yêu cầu. Nhưng một khi vị nữ lưu này đã tuyên chiến và đàng sau bà đang có cả một lực lượng phụ nữ mà tiếng nói ngày càng được dân chúng Mỹ lắng nghe, có thể xem đây là một lời hiệu triệu cho năm 2018, năm có thể được xem là năm của người phụ nữ tại Hoa Kỳ cũng như trên toàn thế giới.

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

Bà Già Noel!


 Chu Thập
22.12.17
Năm nào ở Mỹ cũng có một cuộc chiến về Giáng Sinh. Đặc biệt năm nay, năm đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ nhứt của Tổng thống Donald Trump, cuộc chiến xem ra “ác liệt” hơn. Tuy chưa bao giờ được chính thức công bố trong cương lĩnh của Đảng Cộng Hòa, nhưng trong chiến dịch bầu cử hồi năm ngoái, Tổng thống Trump đã không ngừng lập đi lập lại rằng ông sẽ  tái lập câu chào chúc “Merry Christmas” mà ông cho là nhiều thế lực tục hóa đang tìm cách xóa bỏ khỏi văn hóa Mỹ. Dạo tháng Mười vừa qua, ông đã lập lại lời hứa đó khi công bố: “Chúng ta lập lại câu “Merry Christmas” (Chúc Giáng Sinh vui vẻ). Hồi tuần rồi, trước một đám đông ủng hộ ông tại Wisconsin, đứng trước một hàng cây Giáng Sinh, Tổng thống Trump cũng lập lại lời cam kết trong chiến dịch bầu cử của ông: “Cách đây 18 tháng, tôi đã nói trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với những người ủng hộ tôi tại Wisconsin rằng một ngày nào đó, chúng ta sẽ trở lại đây và sẽ lập lại “Merry Christmas””. Sau đó, ông nhấn mạnh: “Happy New Year, but Merry Christmas” (Chúc mừng Năm Mới, nhưng cũng chúc Giáng Sinh vui).
Sở dĩ Tổng thống Trump, cũng như rất nhiều người Mỹ hiện nay, quyết tâm tái lập câu chào chúc “Merry Christmas” là bởi vì cho rằng đang có một trào lưu muốn xóa bỏ mọi biểu tượng của Kitô Giáo ra khỏi xã hội Mỹ. Họ cho đó là một hành vi xúc phạm đến niềm tin của các tín hữu Kitô tại Hoa Kỳ. Chính vì vậy mà nhiều người, đặc biệt các tín hữu Tin Lành bảo thủ trong đó có đến  80 phần trăm đã dồn phiếu cho ứng cử viên Donald Trump, đã liên kết với nhau để gọi là bảo vệ lễ Giáng Sinh; họ tranh đấu để được trang hoàng lễ Giáng Sinh trong các trường học, công sở và nơi công cộng.
Thật ra, cho tới nay, không có bất cứ một bằng chứng nào cho thấy có một cuộc tấn công có tổ chức nhắm vào ngày lễ Giáng Sinh tại Hoa Kỳ.
Cựu Tổng thống Barack Obama không hề nghĩ đến một cuộc chiến như thế. Cho tới nay, thay vì “Merry Christmas”, thỉnh thoảng ông cũng  sử dụng câu chúc “Happy Holidays” (Chúc những ngày nghỉ hạnh phúc). Câu chúc này không phải là một sáng chế mới của một trào lưu tục hóa nào cả, mà đã có từ hơn cả trăm năm nay. Trong những thập niên vừa qua, câu chúc này trở nên thịnh hành hơn là bởi vì ngày càng có nhiều người ý thức hơn về tính đa văn hóa và đa tôn giáo của xã hội Mỹ cũng như muốn tỏ ra nhạy cảm hơn đối với những người ngoài Kitô Giáo hay không thuộc tôn giáo nào. Xét cho cùng, như kết quả của một cuộc thăm dò mới đây do Trung tâm Pew thực hiện, ngày càng có nhiều người Mỹ không màng đến câu chuyện Giáng Sinh như được tường thuật trong Tân Ước; con số người không đến nhà thờ trong ngày Giáng Sinh cũng ngày càng nhiều; phần đông cũng chẳng nghĩ đến một cuộc chiến Giáng Sinh như Tổng thống Trump và những thành phần bảo thủ rêu rao.
Tôi thuộc thành phần ba phải. Với những người đồng đạo, tôi luôn chúc “Merry Christmas”. Còn với những người bạn không chia sẻ cùng một niềm tin tôn giáo với tôi, tôi dùng câu “Happy Holidays”. Chẳng có chết thằng Tây nào cả. Dù cho không “có đạo” và cũng chẳng tin chuyện Thiên Chúa nhập thể giáng sinh, nhưng từ ngày 25 tháng Mười Hai đến Đầu Năm Dương lịch, họ cũng nghỉ ngơi, hưởng những thú vui và chia sẻ những giá trị và truyền thống bắt nguồn từ Lễ Giáng Sinh, vậy thì tại sao không chúc họ có “những ngày nghỉ vui”.
Với tôi ,“Merry Christmas” hay “Happy Holidays”, công thức nào cũng có giá trị cả. Chẳng có “cuộc chiến Giáng Sinh” nào cả. Tôi cho rằng điều quan trọng không phải là một sáo ngữ trên môi mép hay một công thức, dù là một công thức được sơn son thếp vàng đi nữa.
Nhiều người lo sợ rằng Lễ Giáng Sinh ngày càng bị tục hóa và do đó sẽ biến mất khỏi lịch sử nhân loại. Không lạc quan tếu, nhưng tôi luôn tin rằng chẳng có “thế lực thù địch” nào, ngay cả một chủ nghĩa vô thần hung hãn hay các chế độ xây dựng trên chủ nghĩa này có muốn tẩy sạch mọi tàng tích tôn giáo đi nữa, cũng không xóa bỏ được ngày lễ này.
Tôi tin như thế khi nhìn vào các màn quảng cáo được các công ty và cơ sở thương mại tung ra mỗi dịp lễ Giáng Sinh. Dẹp bỏ Lễ Giáng Sinh thì bán buôn với ai trong những ngày nghỉ cuối năm này? Thành ra, dưới mắt tôi, không những thương mại giúp quảng bá không công Lễ Giáng Sinh, mà còn và nhứt là nhắc nhở tôi về ý nghĩa cốt lõi của ngày lễ này. Thật vậy, trên hầu hết các màn quảng cáo của các trung tâm thương mại ở Úc, lúc nào tôi cũng thấy có lời mời gọi chia sẻ. Giáng Sinh sẽ vô nghĩa nếu tinh thần của ngày lễ là chia sẻ không được đề cao. Có lẽ không có ngày lễ nào trong năm mời gọi và thúc đẩy con người nghĩ đến người khác cho bằng lễ Giáng Sinh.
Giáng Sinh là lễ có nhiều biểu tượng nhứt. Nhưng trong mắt tôi, ông già Noel vẫn là biểu tượng nổi bật nhứt và giá trị mà biểu tượng ông già Noel nhắc nhớ nhiều nhứt chỉ có thể là tinh thần chia sẻ mà thôi. Ông già Noel mang quà đến cho mọi người và ông cũng mời gọi mọi người chia sẻ cho nhau, nhứt là với những người đang cần được giúp đỡ. Chia sẻ không chỉ đồ ăn thức uống như các trung tâm thương mại kêu gọi, mà còn chia sẻ thời gian, sự hiện diện. Nói tóm lại, chia sẻ một phần con người của chính mình, bởi lẽ như ngạn ngữ Tây Phương thường nói, quà tặng sẽ trơ trụi và trống rỗng nếu không có người tặng.
Nghĩ đến biểu tượng ông già Noel, không hiểu sao năm nay tôi muốn cho biểu tượng ông già Noel  được đổi giống thành một phụ nữ hơn là vẫn giữ nhân dáng của một người đàn ông râu tóc bạc phơ. Dĩ nhiên, ai mà chẳng biết rằng nguồn gốc của biểu tượng ông già Noel là một nhân vật lịch sử của Kitô Giáo có tên là Nicolas (270-343 sua Công Nguyện). Vị thánh này là giám mục thành Myra, Tiểu Á, nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Ngài là một thanh niên giàu có nhờ thừa hưởng già tài của cha mẹ. Nhờ tấm lòng quảng đại, vị thánh này đã được dân chúng bầu làm giám mục. Truyền thuyết kể lại rằng ngài đã lấy vàng bạc để giúp đỡ cho 2 cô gái khỏi bị bán làm nô lệ vì không có của hồi môn. Vì sợ lộ tông tích, ngài đành phải trèo qua ống khói lò sưởi để mang vàng bạc đến giúp cô gái thứ ba. Cả gia đình của 3 cô gái đều biết có một vị ân nhân giúp đỡ họ, nhưng không biết người đó là ai. Câu chuyện của vị thánh này đã được các thập tự quân quảng bá và được  truyền tụng đi  khắp các nước Âu Châu. Không mấy chốc thánh Nicholas đã biến thành ông già Noel. Rồi từ thánh Nicolas trong tiếng Hòa Lan và Đức là Sante Klaas hay Sinter Niklaas, ông già Noel đã “di dân” đến Mỹ và trở thành Santa Claus.
Qua dòng lịch sử, xuất xứ của ông già Noel có thể thay đổi: từ Thổ Nhĩ Kỳ, ông được cho nhập cư vào một xứ Bắc Âu; từ một vị thánh của Kitô Giáo, ông biến thành một cụ già râu tóc bạc phơ với nụ cười hô hố nghe chẳng giống ai; từ tên Nicolas, ông đã biến thành ông già Noel hay Santa Claus...Chỉ có một điều không thay đổi: ông vẫn mãi mãi là biểu tượng của  từ tâm, ân cần và chia sẻ.
Đi tìm một biểu tượng của một tấm lòng như thế, tôi nghĩ đến trước tiên một người phụ nữ. Tôi không hiểu được tại sao tại Pháp, sau cuộc cách mạng 1789, người ta lại chọn một phụ nữ làm biểu tượng cho Lý Trí. Tôi cũng không nắm bắt được lý do tại sao Tự Do không phải là một nam thần mà là một nữ thần. Nhưng giả như biểu tượng của từ tâm, ân cần và chia sẻ được mặc cho lớp áo của một phụ nữ, tôi cho đó là điều hợp lý hơn.
Sở dĩ tôi nghĩ đến việc đổi  giống cho ông già Noel là vì những công việc mà ông già Noel thường làm trước lễ Giáng Sinh lẽ ra phải là công việc của người phụ nữ. Hãy nghĩ đến một công việc mà tôi không tin là cánh đàn ông thích làm và làm một cách dễ dàng: đó là bỏ giờ ra để đi chọn quà. Chỉ có các bà mới có đủ kiên nhẫn để rảo quanh các siêu thị, cân nhắc từng món và với sự tinh nhậy của trái tim phụ nữ mới có thể chọn một món quà thích hợp. Đến chuyện gói quà, tôi không nghĩ là ông già Noel có đủ thẩm mỹ và khéo léo để làm công việc này. Phải có bàn tay và trái tim của người phụ nữ, quà tặng mới thực sự chuyên chở được tâm tình của người tặng quà. Có lẽ vì vậy mà trong văn hóa Anh Quốc, người ta cho Santa Claus có vợ. Và bà Santa Claus được gọi là Mẹ của lễ Giáng sinh và công việc của bà là làm những chiếc bánh hạnh nhân, chăm sóc bầy sơn dương và chuẩn bị quà tặng cho trẻ nhỏ.
Nhưng hãy tạm quên quà tặng để nghĩ đến những đức tính mà chỉ có người phụ nữ mới có thể là biểu tượng. Dĩ nhiên, đàn ông cũng có tấm lòng quảng đại. Đàn ông cũng biết cảm thông. Đàn ông cũng biết tỏ ra từ bi, nhân ái và mềm mại. Đàn ông cũng biết ân cần quan tâm đến người khác. Nhưng nói đến những sức mạnh mềm, hình tượng xuất hiện trước tiên trong mắt và óc tưởng tượng của tôi chỉ có thể là người phụ nữ.
Mùa Giáng Sinh năm nay, tôi cho ông già Noel chuyển giống để thành Bà Già Noel khi nghĩ đến sức mạnh của người phụ nữ được thể hiện qua Phong trào có tên là #MeToo. Nói đến quyền lực, người ta thường liên tưởng đến sức mạnh của cơ bắp và bạo lực dưới mọi hình thức. Nói đến quyền lực, người ta cũng tức khắc nghĩ đến thế lực của đồng tiền, của địa vị xã hội, của quyền bính chính trị và ngay cả quyền bính thiêng liêng như được thực thi trong các tôn giáo có tổ chức. Năm nay, không riêng trong các tổ chức tôn giáo, mà trong mọi lãnh vực xã hội, khi người phụ nữ đã có đủ can đảm để lên tiếng tố cáo những xách nhiễu và lạm dụng tình dục, bao nhiêu kẻ quyền thế đã bị thân bại danh liệt. Người phụ nữ đã chứng minh cho thế giới ngày nay thấy rằng sức mạnh mềm có thể chiến thắng được thứ quyền lực dựa vào kim tiền, tài năng, chức vụ, tiếng tăm và ngay cả sự khôn lỏi.
Năm nào, ít hay nhiều, tôi cũng nhận được thiệp và quà Giáng Sinh. Tôi trân quý những món quà ấy. Thái độ ân cần và lòng quảng đại của người khác luôn thúc đẩy tôi cũng phải đáp trả lại một cách tương tự. Nhưng với tôi, món quà quý giá nhứt mà mùa Giáng Sinh nào tôi cũng mong đợi đó là sự bình an trong tâm hồn. Chẳng có ai có thể trao tặng cho tôi món quà đó ngoài chính tôi. Chỉ có tôi mới có thể kiến tạo bình an cho chính bản thân. Và tôi cũng xác tín rằng giá của sự bình an đó là một cuộc chiến đấu liên lỉ chống lại tính ích kỷ, sự nhỏ nhen và tâm tình đố kỵ và thù hận lúc nào cũng tràn ngập trong tâm hồn. Những sức mạnh mềm như thái độ ân cần, lòng cảm thông, tính nhẫn nhục, sự tha thứ được thể hiện trong biểu tượng “Bà Già Noel”...tôi tin đó là những khí giới giúp tôi chiến đấu để có được sự bình an đích thực trong tâm hồn.





Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2017

Hòa bình cho trái đất!


Chu Thập
15/12/17
Dạo tháng Mười Một năm ngoái 2016, nhà vật lý học nổi tiếng của thế kỷ là ông Stephen Hawking đã đưa ra một lời cảnh cáo khủng khiếp: nếu muốn sống còn, nhân loại liệu mà “cuốn gói” lên đường tìm một hành tinh khác! Trong một bài diễn văn đọc tại Đại học Oxford, Anh quốc, vị giáo sư người Anh 74 tuổi này khuyến cáo rằng nhân loại sẽ không còn tồn tại thêm một ngàn năm nữa đâu. Thời tiết thay đổi, mối đe dọa của các mảnh thiên thạch, dịch bệnh và dân số gia tăng...đó là những nguyên nhân làm cho trái đất của chúng ta ngày càng trở nên mong manh.
“Một ngàn năm nữa”: chuyện nghe có vẻ viễn vông quá! Một người đã thất thập như tôi nếu có lo lắng thì cũng lo về một vấn đề nằm trong “thời đại” của tôi hơn là những chuyện như vậy. Với tôi, chuyện đáng lo sợ hơn cả là “viễn ảnh” của chiến tranh nguyên tử. “Viễn ảnh” nhưng lại rất gần và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đây chính là lời cảnh cáo mà Ủy ban Nobel muốn nhắn gởi cho thế giới khi chọn trao Giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2017 cho Tổ chức có tên là “Chiến dịch Thế giới để Hủy bỏ Vũ khí Hạt nhân” (The International Campaign to Abolish Nuclear Weapons) viết tắt là ICAN.
Nói đến mối đe dọa trước mắt và thấy được, dĩ nhiên ai cũng nghĩ đến tức khắc cuộc khủng hoảng tại Bán đảo Triều Tiên. Nhưng cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan hiện cũng là một mối đe dọa khủng khiếp không kém. Dọc theo biên giới giữa hai nước tại Kashmir, hầu như ngày nào cũng có những vụ chạm súng, cho dù là chạm súng bằng  vũ khí nhẹ. Nhưng cả hai nước Á Châu này đều có trong tay một kho vũ khí hạt nhân đủ để tự sát và tiêu diệt cả thế giới. Nếu cuộc xung đột không dừng lại ở vũ khí qui ước mà gia tăng ở mức độ không thể kiểm soát được thì việc sử dụng vũ khí nguyên tử không phải là điều không thể xảy ra.
Đó là chuyện “nhỏ” giữa hai nước Á Châu nghèo. Chuyện “lớn” hơn và cũng đáng sợ hơn chính là mối quan hệ ngày càng tồi tệ giữa Hoa Kỳ và Nga cũng như giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng. Mối đe dọa của một cuộc chiến tranh nguyên tử giữa các siêu cường, tưởng là tàn tích của thời Chiến Tranh Lạnh và là chuyện của lịch sử, nay đã được hâm nóng trở lại.
Bên cạnh những cuộc tranh giành về địa lý chính trị giữa các siêu cường, thế giới còn phải đối đầu với một mối đe dọa không thể chối cãi được là hiện tượng trái đất hâm nóng và thời tiết thay đổi. Như nhà Vật lý học Hawking đã tiên báo, đây là một trong những nhân nguyên khiến cho nhân loại không thể tồn tại trên trái đất. Trước mắt, thời tiết thay đổi có thể tạo ra đói ăn và những cuộc di dân hàng loạt dẫn đến một cuộc khủng hoảng về tỵ nạn không thể lường trước được.
Ngoài những mối đe dọa trên đây, có lẽ không thể quên được một nhân tố đầy nguy hiểm là “hiện tượng Donald Trump”. Đây là một con người mà ngay cả các lãnh tụ của Đảng Cộng Hòa cũng phải nhìn nhận là thiếu khả năng, đức độ, óc phán đoán và sự hiểu biết để điều khiển kho vũ khí có tới 6.800 trái bom nguyên tử.
Đây chính là lúc mọi người cần dừng lại để nghĩ đến sức tàn phá của vũ khí hạt nhân. Nga hiện cũng đang nắm trong tay 7.000 trái bom nguyên tử.  Nếu toàn bộ kho vũ khí này được trút xuống Hoa Kỳ, thì chỉ nội trong nửa giờ đồng hồ đầu tiên, số người bị tàn sát có thể lên đến 75 triệu và toàn bộ hạ tầng cơ sở kinh tế của Hoa Kỳ sẽ  tan thành mây khói.
Theo một cuộc nghiên cứu đã được thực hiện từ năm 2007, một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Hoa Kỳ và Nga sẽ tung lên bầu khí quyển một lượng khói có thể tạo ra điều mà các chuyên gia gọi là “một mùa đông nguyên tử”, làm cho nhiệt độ trái đất xuống đến mức mà ngay cả thời đồ đá cũng không thể sánh kịp. Nếu “mùa đông nguyên tử” xảy ra thì đương nhiên trái đất sẽ không còn khả năng để sản xuất thực phẩm nữa. Cả nhân loại sẽ chết đói và chủng loại  con người nếu không biến mất thì cũng biến dạng.
Nhưng không chỉ có cuộc chiến tranh nguyên tử giữa Hoa Kỳ và Nga mới đe dọa nhân loại. Ngay cả một cuộc chiến có giới hạn, như có thể xảy ra giữa Ấn Độ và Pakistan, cũng có thể làm xáo trộn thời tiết và tạo ra một nạn đói khiến cho không dưới 2 tỷ người lâm nguy.
Như cố Tổng thống Mỹ Harry Truman (1884-1972) đã nói và ngay cả cố Tổng bí thư cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev (1894-1971) cũng biểu đồng tình, “chỉ có những người mất trí mới gây ra chiến tranh nguyên tử”. Trong nhiều thập niên qua, hầu hết các lãnh tụ Mỹ và Nga cũng như các nước có vũ khí nguyên tử đều là những con người có lý trí. Thấy được hiểm họa khủng khiếp của chiến tranh nguyên tử, họ đã cam kết không sử dụng vũ khí nguyên tử. Ngay cả vào cao điểm của Chiến Tranh Lạnh, các bên cũng đã biết tự chế. Nhưng lịch sử không hề bảo đảm rằng vũ khí nguyên tử sẽ không  bao giờ được sử dụng. Hoa Kỳ đã hai lần sử dụng vũ khí nguyên tử cũng như trong nhiều dịp khác nhau đã từng đe dọa sử dụng chúng, ngay cả đối với những quốc gia không hề có vũ khí nguyên tử. Và hiện nay, cứ nghe những lời tuyên bố rợn tóc gáy của đương kim Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ không hề bác bỏ việc sử dụng vũ khí nguyên tử, nhứt là trong cuộc khủng hoảng tại Bán đảo Triều Tiên hiện nay. Lịch sử đã cho thấy, trong thời Chiến Tranh Lạnh, Hoa Kỳ và Liên Xô đã từng đe dọa mang vũ khí nguyên tử ra để xóa tên nhau trên bản đồ thế giới. Trong những dịp như thế, nếu thế giới có sống còn thì do phép lạ hơn là do chính sách khôn ngoan và sự tính toán của mỗi bên. Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ thời Chiến Tranh Lạnh, Robert McNamara (1916-2009) đã để lại một câu đáng mang ra nghiền ngẫm: “Chúng ta được may mắn thôi!” (We lucked out).
Nhưng như  Bác sĩ Ira Helfand, thành viên của Tổ chức “Chiến dịch Thế giới để Loại bỏ Vũ khí Hạt nhân” ICAN đã nhận định: “vĩnh viễn nắm trong tay hàng ngàn vũ khí hạt nhân và tin rằng mình sẽ luôn được “may mắn” và vũ khí hạt nhân sẽ không bao giờ được sử dụng...là một lối suy nghĩ chỉ có trong chuyện thần tiên của trẻ con” (x.Ira Helfand, Nobel laureate:The only way  prevent nuclear war http://edition.cnn.com/2017/12/08/opinions/nuclear-weapons-helfand-opinion/index.html).
Là dân ghiền câu cá, tôi rất thích xem chương trình truyền hình có tựa đề “River Monsters” (quái vật trong các dòng sông) do “chuyên gia” câu cá và cũng là một nhà khoa học là ông Jeremy Wade thực hiện. Nghe bất cứ ao hồ hay dòng sông nào trên thế giới có những con cá quái vật, ông liền xách cần câu tới và bắt  cho bằng được quái vật ấy. Có lần ông đã sang tận Chernobyl, Ukraine, nơi đã xảy ra vụ nổ lò nguyên tử hồi tháng Tư năm 1986, dưới thời mồ ma cộng sản. Cho đến nay, sau hơn 30 năm sau, Chernobil vẫn còn là một thành phố ma: ngoại trừ một đơn vị quân đội có mặt thường xuyên để kiểm soát độ nhiễm phóng xạ của môi trường, hầu như không một ai được phép đến đó. Phải qua nhiều thủ tục và trang bị đầy đủ để tránh bị nhiễm phóng xạ, người thực hiện chương trình “River Monsters” mới có thể đi vào trong khu vực và nhứt là đến dòng sông gần lò nguyên tử. Ông đã phải mất nhiều ngày và nhiều đêm mới bắt được một con cá trê (catfish) khổng lồ, giống cá có thể nặng đến cả hai trăm ký như đã từng thấy trên  đoạn sông Cửu Long ở Thái Lan. Con cá trê được ông Wade câu được không những lớn mà còn có hình thù biến dạng do nhiễm phóng xạ.
Chernobil năm 1986 hay Fukushima, Nhựt Bổn năm 2011...bất cứ nơi nào tai họa nguyên tử xảy ra, nạn nhân phải gánh chịu hậu quả lâu dài nhứt vẫn là thiên nhiên, vẫn là trái đất. Chiến tranh nguyên tử xảy ra, loài người có thể bị xóa sổ trên mặt đất hoặc theo lời khuyên của Nhà vật lý học Stephen Hawking, có thể rời bỏ trái đất để dọn đến một hành tinh khác. Nhưng trái đất vẫn tiếp tục “ở lại” và cam chịu trước những hậu quả do chính con người gây ra. Vài năm nữa, nếu trời cho tôi được thọ hơn một chút nữa, tôi cũng sẽ ra đi. Một trăm năm nữa, bao nhiêu thế hệ đến sau tôi cũng sẽ biến mất khỏi mặt đất. Và một ngàn năm nữa, nếu như sự sống vẫn còn tồn tại trên trái đất này, vô số những thế hệ kế tiếp cũng sẽ trở thành lịch sử...Chỉ có trái đất, dù có bị thương tích hay tàn phá cỡ nào, vẫn mãi còn đó.
Ở mỗi dịp Giáng Sinh, tôi thường suy nghĩ về câu hát của các thiên thần trong Đêm Thiên Chúa giáng trần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. “Dưới thế” không chỉ là nơi cư ngụ của loài người, mà còn là “trái đất”, một trong những hành tinh có sự sống thuộc Thái dương hệ . Các ngôn ngữ Tây Phương chỉ rõ hơn: Terra, Terre, Earth...
Nếu Thiên Chúa hóa thân làm người thì Ngài cũng trở thành cát bụi từ trái đất như tôi. Ngài đã đi sâu vào lòng đất. Và như các thiên thần đã ca hát, Ngài đã mang hòa bình đến cho trái đất, Ngài đã trước tiên đồng hóa và “làm hòa” với trái đất. “Bình an dưới thế” trước tiên phải là hòa bình với trái đất. Sứ điệp của Giáng Sinh, với tôi, do đó trước tiên là một sứ điệp về môi sinh. Trái đất có được tôn trọng, bảo tồn và yêu mến thế giới mới thực sự có hòa bình.
Trong bài viết được đăng trên mạng của Đài CNN như được tôi trích dẫn trên đây, Bác sĩ Ira Heffand đã nhắc đến Tổng thống Trump như một hiểm họa cho hòa bình thế giới. Tình hình tại Palestine, nếu có sôi động trở lại là do Tổng thống Trump đã tuyên bố nhìn nhận Jerusalem như thủ đô của Israel và quyết định dời Tòa đại sứ Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem. Palestine khói lửa, cả vùng Trung Đông cũng sôi sục và dĩ nhiên cả thế giới cũng không được để yên. Nhưng đáng suy nghĩ hơn cả là trước khi khoe mẽ về kho vũ khí nguyên tử ngày càng tối tân và hùng mạnh của Hoa Kỳ, trước khi đe dọa sẽ cho Bắc Hàn nếm “cơn thịnh nộ và lửa” (fury and fire), ông đã tuyên bố rút tên Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp ước Paris  về thời tiết thay đổi đã được hầu như tất cả mọi quốc gia trên thế giới ký tên vào. Trước khi đe dọa mở một cuộc chiến tranh nguyên tử với Bắc Hàn, Tổng thống Trump đã khai chiến với chính trái đất. Và trong thời đại này, bất cứ hành động hãm hại nào đối với trái đất cũng đều là một lời tuyên chiến với chính nhân loại. Sự rút tên Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp ước Paris, theo Tổng thống Trump như là một trong những bước giúp cho nước Mỹ vĩ đại trở lại (Make America Great Again). Nhưng một nước Mỹ vĩ đại không thể tồn tại nếu như không có một trái đất còn sự sống.
Tôi hoàn toàn đồng ý đồng tình với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi ông đáp trả Tổng thống Trump: “Make our planet great again” (Hãy làm cho hành tinh của chúng ta  vĩ đại trở lại).
Cây thông mà người ta thường trưng bày trong nhà trong dịp Giáng Sinh, theo tôi, nếu có một ý nghĩa thì ý nghĩa đó phải là lời kêu gọi tôn trọng và bảo tồn thiên nhiên. Thế giới chỉ thực sự có hòa bình khi con người biết kiến tạo hòa bình với chính trái đất.







Thứ Tư, 20 tháng 12, 2017

Ánh sáng trong bóng đêm


Chu Thập
17/12/13
Ở bậc trung học, khi học về thời kỳ Văn nghệ Phục hưng tại Âu Châu (từ thế kỷ 14 đến 17), tôi rất thích ngắm những bức tranh của  họa sĩ Pháp George de La Tour (1593-1652). Chủ đề nổi bật nhứt trong các tác phẩm của ông là cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối. Hầu như trong bất cứ bức tranh nào của ông cũng đều có một ngọn nến, có khi được đặt trên bàn để soi sáng một căn phòng tối, có khi được ai đó cầm trên tay: ánh sáng lúc nào cũng làm rạng ngời khuôn mặt của những người đang hiện diện trong phòng.
Khi cho xem những bức tranh của họa sĩ George de La Tour, thày tôi dẫn giải rằng ngay cả trong đêm tối cũng vẫn luôn có dấu vết của ánh sáng, có lúc hin hiện có lúc ẩn tàng. Theo thày tôi, ngay cả những nơi hay những lúc bóng tối tưởng như chiến thắng, đôi mắt của chúng ta vẫn cứ bị thu hút bởi ánh sáng vốn luôn hiện diện, cho dù có bị che khuất đàng sau những áng mây đen dày đặc. Chính vầng trăng và các vì tinh tú mang lại một bộ mặt mới cho đêm tối và mời gọi chúng ta tìm kiếm cái đẹp ẩn tàng trong đêm  đen.
Đây là bài học mà cho tới nay, sau cả nửa thế kỷ, tôi vẫn còn ghi nhớ và mỗi khi có dịp lại đem ra suy nghĩ và nghiền ngẫm. Đặc biệt nhân cái chết và tang lễ của cố tổng thống Nelson Mandela, tôi lại càng nhớ đến bài học của thời trung học này.
Mandela quả đã xứng đáng để được thế giới đưa vào điện thờ dành riêng cho các bậc vĩ nhân. Được trả tự do sau 27 năm bị giam tù, con người suốt một đời tranh đấu để giải phóng dân tộc khỏi chế độ phân biệt chủng tộc và áp bức của thiểu số người da trắng, đã không nuôi dưỡng bất cứ thù hận nào trong tâm hồn. Nhờ sự tha thứ và hòa giải, không những ông đã mang lại tự do cho những người bị áp bức, mà còn giải phóng chính những kẻ áp bức.
Nhưng nếu như hào quang bao phủ xung quanh ông có sáng ngời là bởi vì, như ông vẫn luôn nhìn nhận lúc còn trong tù, ông cũng chỉ là một con người như mọi người. Một con người cũng có đầy tham sân si như mọi người. Một con người có lúc cũng bị lên án như một tên khủng bố. Dù có “phong thánh” cho ông, thế giới không thể và không nên quên rằng năm 1961, ông đã có lúc chia tay với những người bạn trong Đảng Quốc Đại Phi Châu (African National Congress) chỉ vì họ chủ trương tranh đấu bất bạo động, để thành lập một tổ chức khủng bố. Sau đó, ông bị mang ra xét xử vì những hành vi bạo động. Năm 1983, chính ông đã tham gia vào một vụ đánh bom bằng xe khiến 19 người bị thiệt mạng. Ông không ngần ngại kêu gọi xẻo mũi những người da đen nào cộng tác với chế độ của người da trắng. Ông nói rằng chế độ phân biệt chủng tộc không để ông có một chọn lựa nào khác hơn là lấy bạo động chống lại bạo động.
Có lẽ đó là khía cạnh đen tối nhứt trong cuộc đời tranh đấu của ông. Nhưng những năm tháng bị giam giữ tại nhà tù “Robben Island” đã biến đổi ông thành một con người mới. Bóng đêm của thù hận trong tâm hồn ông đã từ từ rút lui để nhường bước cho ánh sáng của tha thứ và hòa giải. Nơi ông, tôi thấy bài học mà thày tôi đã dạy khi dẫn giải về ý nghĩa của những bức tranh của họa sĩ George de La Tour đã thực sự được ứng nghiệm. “Cuộc hành trình dài tiến đến tự do” (The long walk to freedom) của ông chính là cuộc hành trình từ bóng tối của Hận thù tiến đến Ánh sáng của Hòa giải và Tha thứ. Nơi ông,  Ánh sáng của Sự Sống, của Hy Vọng, của Tha thứ và Hòa giải, đã xua tan bóng tối của Sự Chết, của Thất vọng, của Hận Thù.
Tôi cũng nhìn thấy một cuộc hành trình như thế xuyên qua cuộc đời và sự nghiệp của văn hào Nga Fyodor Dostoyevsky (1821-1881). Cuộc chiến giữa Ánh sáng và Bóng tối trong chính cuộc đời của ông đã được diễn tả qua các tác phẩm của ông. Vào tù vì tham gia vào một cuộc âm mưu lật đổ Nga hoàng Nicolas I, ông bị đày đi lao động khổ sai tại Tây Bá Lợi Á. Nhưng cũng chính 4 năm lao động khổ sai và 6 năm lưu đày biệt xứ đã biến đổi ông thành một con người mới: giữa bao khốn khổ, ông vẫn giữ được niềm hy vọng và tinh thần lạc quan. Chính trong nơi tù đày mà ông đã khám phá ra rằng “Sống là một ân huệ”, “Sống là hạnh phúc, mỗi phút đều có thể là một niềm hạnh phúc miên viễn”. Nhưng dĩ nhiên, cuộc hành trình tiến về tự do của Dostoyevski không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Sau những năm tháng khốn khổ nơi tù đày là những chuỗi ngày đầy gian khổ trong cuộc vật lộn với cuộc sống và chiến đấu với bao nhiêu cạm bẫy. Có lúc ngã gục, nhưng lúc nào đại văn hào này cũng đứng lên với tất cả tin tưởng và lạc quan, bởi vì trong tăm tối của thất bại và thử thách, ông luôn nhận ra ánh sáng của hy vọng. Cũng như cố tổng thống Nelson Mandela, cứ lên đến một đỉnh đồi, Dostoyevski lại nhìn thấy những ngọn đồi khác ở phía trước. Sứ điệp của những bậc vĩ nhân đích thực của thế giới luôn giống nhau: còn sống là còn chiến đấu, còn bước đi là còn phải trải qua những lúc bị bao vây bởi bóng đêm dày đặc trước mặt, nhưng lúc nào cũng luôn tỉnh táo để nhận ra ánh sáng ngay trong bóng tối. Xét cho cùng, vĩ nhân nào cũng đều là một người khiêm tốn, luôn nhận ra mình là một con người mỏng dòn yếu đuối, nhưng lúc nào cũng tin tưởng và lạc quan.
Tôi nhận ra nét khiêm tốn, nhưng đầy tin tưởng và lạc quan ấy nơi Đức Phanxicô, nhà lãnh đạo của Giáo hội Công giáo vừa được tạp chí Time chọn làm “người của năm 2013”. Nếu nhìn vào những thành quả hiển hách để mà tán thưởng thì chắc chắn vị giáo hoàng chưa làm nên “trò trống” gì cả, ngoài một vài thay đổi trong cá nhân ngài hơn là trong cơ cấu của Giáo hội. Chẳng hạn, ngài đã có thể cởi bỏ những “râu ria” phù phiếm trên con người của vị giáo hoàng như đôi giày màu đỏ, cây thánh giá có nạm kim cương, chiếc nhẫn bằng vàng hoặc mỗi khi đi công du tự tay cầm chiếc xách tay có chứa đựng các vật dụng cá nhân...Đơn sơ, khiêm tốn, gần gũi với mọi người: đó là nét nổi bật trong con người vị giáo hoàng này. Bà Nancy Gibbs, chủ bút của tạp chí Time đã giải thích tại sao chọn đức Phanxicô làm “người của năm 2013” như sau: ngài đã “kéo vị giáo hoàng ra khỏi cung điện và đưa vào các ngã đường, đã đặt Giáo hội lớn nhứt thế giới vào chỗ phải đối diện với những nhu cầu sâu xa nhứt của nó và đã quân bình sự phán xét với lòng nhân từ”. Nhận định sau cùng gợi lại cho tôi câu trả lời nổi tiếng của ngài khi được hỏi về lập trường của ngài đối với những người đồng tính luyến ái: “Tôi là ai để đoán xét họ?”
Chính thái độ khiêm tốn và cảm thông của Đức Phanxicô là sức mạnh lôi kéo nhiều người đến với ngài. Với tôi, vị thày dạy “nhân bản” đích thực là người khiêm tốn, luôn tự đặt mình vào hàng ngũ những người đi tìm kiếm và học hỏi hơn là phán dạy và áp đặt.
Dường như Đức Khổng Phu Tử cũng có một thái độ như thế trong suốt sự nghiệp “giảng dạy” của ngài. Theo một giai thoại, một hôm có người đội nón tơi, đi chân đất, dáng như ăn mày đến xin theo học với ngài. Tử Hạ là người được phân công ra tiếp. Tử Hạ hỏi: “Anh muốn làm học trò của Phu Tử với mục đích gì?” Người ấy không trả lời mà hỏi lại: “Anh hãy cho tôi hỏi trước: anh học thày Phu Tử để làm gì?” Nghe thế, Tử Hạ hơi khó chịu, nhưng vẫn nhã nhặn giải thích: “Bình sinh ta học với thày Phu Tử chỉ cố để làm người”. Người ấy hỏi tiếp: “Thế đã làm người được chưa?” Tử Hạ vẫn cố gắng tỏ ra nhã nhặn: “Tất nhiên là chưa, cho nên vẫn đang phải học tiếp”. Kẻ muốn xin thụ giáo Đức Phu Tử lại nói: “Thì ra thiên hạ đều cùng một giuộc cả. Kẻ nào cũng chỉ được cái leo lẻo cái lỗ mồm. Có biết đâu rằng làm người mà dở dang thì chi bằng làm vật quách cho rồi. Còn tôi, muốn làm học trò của Đức Phu Tử chỉ cốt để được ăn thịt mà thôi”.
Nghe đến đây, Tử Hạ tròn mắt ngạc nhiên, bởi vì chưa từng nghe ai trả lời như thế bao giờ. Tử Hạ hỏi tiếp: “Tại sao anh lại nghĩ rằng làm học trò của Đức Phu Tử thì sẽ được ăn thịt?” Người ấy trả lời: “Tôi nghe nói Phu Tử thịt thái không vuông thì không ăn. Mà con heo, con gà, con bò...có con nào vuông đâu. Thế thì dứt khoát sẽ có nhiều chỗ phải bỏ đi. Tôi chỉ xin được chén những chỗ bỏ đi ấy mà thôi”.
Tử Hạ nghe nói cảm thấy người ấy nói có lý. Nhưng vì chưa biết phải quyết định ra sao, đành phải vào thưa lại với Khổng Tử. Khổng Tử ngần người ra một lúc rồi như giác ngộ liền bảo: “Kẻ ấy chính là thày ta đó. Ta vốn đã để ý dò tìm bấy lâu nay mà chưa tìm thấy. Ngươi mau ra mời người ấy vào để chính ta phải làm lễ bái sư”. Tử Hạ vội vàng chạy ra thì người kia đã bỏ đi đâu mất.
Tôi không rõ câu chuyện có thật không. Nhưng luôn nhận ra những sai lầm của mình và chấp nhận được người khác chỉ giáo là thái độ khiêm tốn cố hữu của Đức Khổng Tử. Bậc thánh hiền đích thực của nhân loại chính là người luôn có thái độ khiêm tốn như thế. Và dĩ nhiên, bài học về khiêm tốn thì không bao giờ lỗi thời. Ở đâu và thời đại nào con người cũng luôn đề cao thái độ khiêm tốn. Thế giới không ngừng tiến bộ, nhưng vẫn mãi mãi cần thái độ khiêm tốn, bởi vì chỉ có sự khiêm tốn đích thực, tức nhận ra những giới hạn của mình, mới có thể là động lực thúc đẩy con người cầu tiến. Thành ra, trái với thái độ tự mãn và tự kiêu, khiêm tốn cũng luôn đi đôi với tin tưởng và lạc quan.
Trong nhiều sứ điệp của Lễ Giáng Sinh, tôi thường nghĩ đến niềm Hy Vọng. Ánh đèn muôn mầu được giăng mắc khắp nơi, trong giáo đường, ngoài phố chợ, trong nhà ngoài ngõ...luôn mách bảo tôi rằng trong bóng đêm sự ích kỷ và  thù hận vẫn luôn lóe lên ánh sáng của hy vọng và tin yêu.
Tôi thích màn quảng cáo trên truyền hình của tổ chức “Mé     decins sans frontières” (Hội y sĩ không biên giới). Ở một nơi xa xôi hẻo lánh nào đó bên Phi Châu, các bác sĩ đang thực hiện một cuộc giải phẫu trong một bệnh viện dã chiến. Bỗng nhiên, hơi điện bị cúp, đèn tắt, cuộc giải phẫu đành phải bị gián đoạn. Nhưng cũng ở một nơi nào đó tại một nước văn minh, chỉ cần một người bốc điện thoại bấm vào số của tổ chức Hội y sĩ không biên giới, máy phát điện hoạt động trở lại, phòng giải phẫu được sáng lên và dĩ nhiên, một mạng người được cứu sống.
Mỗi dịp Giáng Sinh về,  lời kêu gọi chia sẻ và tỏ tình liên đới luôn được đáp trả một cách quảng đại, bóng đêm của chiến tranh và thiên tai bị đẩy lui, ánh sáng của tình người mang lại sự sống và niềm vui cho không biết bao nhiêu người khốn khổ trên khắp thế giới. Tôi vẫn luôn tin tưởng như thế.









Thứ Hai, 18 tháng 12, 2017

Jerusalem và cộng đồng Do Thái tại Hoa Kỳ

15/12/17

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump loan báo quyết định nhìn nhận Jerusalem như thủ đô của Israel đã bị cộng đồng thế giới, cách riêng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án, nhưng dĩ nhiên đã được hầu hết các tổ chức đại diện cho cộng đồng Do Thái tại Hoa Kỳ nhiệt liệt ủng hộ.
Trong số các tổ chức nổi bật của cộng đồng Do Thái tại Hoa Kỳ, có 7 tổ chức đã hoan nghênh quyết định của Tổng thống Trump. Chỉ có 2 tổ chức không tán thành và một tổ chức giữ thinh lặng.
Theo kết quả của một cuộc thăm dò dư luận về cuộc bầu cử tổng thống hồi năm ngoái, chỉ có 27 phần trăm những người tự nhận là Do Thái nói rằng họ đã bỏ phiếu cho ông Trump, trong khi đó có đến 71 phần trăm dồn phiếu cho ứng cử viên Dân Chủ là bà Hillary Clinton. Nhìn chung, phần lớn người Mỹ gốc Do Thái ủng hộ Đảng Dân Chủ. Nhưng liên quan đến “cố đô” Jerusalem, phần lớn người Mỹ gốc Do Thái lại tán thành quyết định của ông Trump.
Chỉ trích Tổng thống Trump một cách gay gắt nhất là tổ chức Do Thái có tên là J Street. Tổ chức này ủng hộ một chính sách ngoại giao “phò Israel” nhưng cũng “phò hòa bình”. Trong một tuyên ngôn đưa ra sau khi ông Trump tuyên bố thừa nhận Jerusalem như thủ đô của Israel, tổ chức J Street nói rằng đây là một quyết định không những “không có lợi”, mà còn “gây thiệt hại” cho chính Hoa Kỳ. Trong tuyên ngôn, tổ chức “J Street ” cũng nói rằng quyết định của Tổng thống Trump đi ngược lại một chính sách đã được cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ ủng hộ từ nhiều thập niên qua. Thật vậy, cả Tổng thống Bill Clinton lẫn Tổng thống George W. Bush đều đã từng hứa hẹn sẽ dời tòa đại sứ Mỹ về Jerusalem. Nhưng đứng trước nhiều hệ lụy không thể lường trước được, 2 vị tổng thống này đã không dám quyết định.
Một tổ chức Do Thái khác có tên là “The Union for Reform Judaism” (Liên minh để cải tổ Do Thái Giáo), vốn là phong trào Do Thái Giáo mạnh nhất tại Hoa Kỳ, đã  gọi quyết định của ông Trump là “ không đúng lúc” và “chắc chắn sẽ làm cho cuộc xung đột vốn đã kéo dài hàng bao thập niên qua giữa Israel và Palestine thêm căng thẳng hơn mà thôi”. Theo một cuộc nghiên cứu của hãng thăm dò dư luận Pew hồi năm 2013, có đến 35 phần trăm người Mỹ gốc Do Thái tự nhận thuộc phong trào “Liên minh để cải tổ Do Thái Giáo”.
Giáo trưởng Rick Jacobs, chủ tịch của Liên minh, nói rằng  mặc dù tán thành việc chính phủ Hoa Kỳ có ý định dời tòa đại sứ Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem vào một thời điểm thuận tiện, nhưng Liên minh không ủng hộ quyết định của Tổng thống Trump, bởi vì hiện chưa có một kế hoạch rõ ràng và đầy đủ cho một tiến trình hòa bình tại Palestine. Ngoài ra, theo vị giáo trưởng này, việc di dời tòa đại sứ Mỹ về Đông Jerusalem cũng phải được nghiên cứu và thực hiện với điều kiện phải bảo đảm quy chế đặc biệt của Jerusalem, nghĩa là phải nhìn nhận rằng đây là thánh đô của cả người Do Thái lẫn Kitô Giáo và Hồi Giáo.
Trong số những tổ chức Do Thái và cá nhân ủng hộ quyết định của ông Trump được giới truyền thông Mỹ nhắc đến nhiều nhất là ông Sheldon Adelson, một nhà tài phiệt Do Thái hiện đang là chủ tịch và giám đốc điều hành của Công ty Las Vegas Sands. Ngoài ra, ông này còn làm chủ nhật báo Israel Hayom và báo Las Vegas Review-Journal. Ông là người đã tặng cho chiến dịch vận đồng bầu cử của ứng cử viên Trump đến cả trăm triệu Mỹ kim, với hy vọng người sẽ là tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ sẽ nhìn nhận Jerusalem như thủ đô của Israel. Ông Adelson đã thường xuyên điện thoại và gặp gỡ ông Trump để nêu lên vấn đề này. Khi tuyên bố nhìn nhận Jerusalem như thủ đô của Israel và quyết định dời tòa đại sứ Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem, tổng thống Trump không những thực thi lời cam kết với những thành phần căn bản đã dồn phiếu cho ông, mà còn để trả nợ cho nhà tài phiệt Do Thái Adelson.
Thật ra, những người Do Thái tích cực cho một thứ “chính nghĩa” như nhà tài phiệt Adelson không phải là nhiều. Cộng đồng Do Thái tại Hoa Kỳ rất đa dạng.
Người Do Thái đã có mặt tại Hoa Kỳ ngay từ thời lập quốc. Cho đến thập niên 1830, cộng đồng Do Thái tại Thành phố Charleston, Tiểu bang South Carolina được xem là cộng đồng Do Thái lớn nhất tại Bắc Mỹ. Vào cuối thập niên 1800 và đầu thập niên 1900, người Do Thái đã rời bỏ Âu Châu để di dân đến Hoa Kỳ. Nổi bật nhất có lẽ là người Do Thái đến từ Đức vào giữa thế kỷ 19. Phần lớn những người Do Thái này chuyên về nghề may mặc hay hoạt động trong lãnh vực ngân hàng, nhất là tại Thành phố New York. Về mặt tôn giáo, họ thuộc thành phần bảo thủ. Chính những người Do Thái này đã thành lập Phong trào Sion  tại Hoa Kỳ và rất tích cực trong việc ủng hộ Đảng Xã hội và các nghiệp đoàn.
Sau Đệ nhị Thế chiến, người tỵ nạn Do Thái từ các nước Âu Châu ào ạt đổ xô đến Mỹ. Sau năm 1970, đến lượt những người Do Thái từ Liên Xô. Về mặt chính trị, kể từ thập niên 1930, người Mỹ gốc Do Thái luôn đứng về phía Đảng Dân Chủ. Nhưng gần đây những người Do Thái “thuần thành” và bảo thủ đã ngả về phe Cộng Hòa.
Nhìn chung, dù thuộc khuynh hướng chính trị nào, phần lớn  người Do Thái tại Mỹ đều thuộc thành phần có trình độ học vấn cao và giàu có trong xã hội.
Dân số Do Thái tại Hoa Kỳ không tăng nhanh như các sắc dân khác. Vào thập niên 1940, cộng đồng Do Thái chiếm 3.7 phần trăm dân số Hoa Kỳ. Nhưng ngày nay, với khoảng 6.5 triệu, họ chỉ chiếm khoảng 2 phần trăm tổng số dân Mỹ. New York có đông người Do Thái nhất với trên 2 triệu người. Kế đó là những thành phố khác như Los Angeles, Miami, Philadelphia, Chicago và Boston.
Mặc dù tự nhận là người  Do Thái, ngày càng có nhiều người không còn giữ được một số đặc tính về văn hóa và dân tộc như cha ông họ là những người, tuy chối bỏ Do Thái Giáo, nhưng vẫn giữ bản sắc dân tộc. Dù vậy, phần lớn người Do Thái tại Mỹ không thuộc phong trào có chủ trương kiến tạo quốc gia Israel.
Ngày nay, với những người Do Thái ở tuổi trung niên, tức lớn lên sau thời Đệ nhị Thế chiến, chủ nghĩa bài Do Thái không còn là một vấn đề nữa. Họ đã không từng nếm trải những cuộc bách hại và thù nghịch mà cha ông đã trải qua. Ngoài ra, với thời gian, nỗi kinh hoàng của cuộc diệt chủng do Đức quốc xã chủ xướng  trong thời Đệ nhị Thế chiến chỉ còn là một biến cố lịch sử hơn là một trải nghiệm tập thể. Thế hệ người Mỹ gốc Do Thái hiện nay chưa từng cảm nghiệm được thế nào là sự lạc lõng và bất lực của thời kỳ trước khi quốc gia Israel được thành lập. Ngoài ra, sinh ra và lớn lên trong một xã hội đa chủng tộc, đa văn hóa cũng như không nhận được một nền giáo dục Do Thái Giáo đầy đủ cho nên phần lớn người Mỹ gốc Do Thái hoàn toàn mù tịt về di sản hay văn hóa Do Thái. Những cuộc hôn nhân dị chủng cũng góp phần làm cho người Do Thái tại Hoa Kỳ ngày càng quên nguồn gốc của họ. Ngày nay, theo ước tính, con số hôn nhân giữa người Do Thái và các sắc tộc khác lên đến 70 phần trăm. Những cuộc thăm dò cho thấy tuyệt đại đa số con cái của những cặp vợ chồng dị chủng hầu như không còn ý thức về bản sắc Do Thái của chúng.
Đối với các thế hệ Do Thái ngày nay, sự hiện hữu của một quốc gia Israel không có một ý nghĩa và tầm quan trọng như đối với các thế hệ trước nữa. Theo một cuộc thăm dò do hãng Pew thực hiện, chỉ có 43 phần trăm giới trẻ  Mỹ gốc Do Thái đã viếng thăm quốc gia Israel và có tới 31 phần trăm tuyên bố rằng họ chẳng có chút gắn bó nào đối với Israel. Thành ra, đối với giới trẻ Mỹ gốc Do Thái, chuyện an ninh của Israel tại Trung Đông không phải là chuyện ưu tiên hàng đầu của họ. Không những không quan tâm và ủng hộ Israel, giới trẻ Mỹ gốc Do Thái còn xem thái độ chống Israel là “hợp thời” và là một cách để hội nhập vào cộng đồng xã hội tự do vốn xem việc chống lại Israel như một điều kiện để gia nhập. Quan niệm như thế cho nên trong một số đại học và trong giới truyền thông khuynh tả, nhiều người Mỹ gốc Do Thái bày tỏ bản sắc Do Thái của họ bằng cách hô hào chống lại Israel.
Ngày nay, rất nhiều sinh viên Mỹ gốc Do Thái chọn đứng về phía phong trào “Black Lives Matter” (Mạng sống của người Da đen quan trọng) hoặc ngay cả ủng hộ những người chủ trương tranh đấu bạo động hơn là ủng hộ Israel. Trong chiều hướng đó, nhiều người Mỹ gốc Do Thái đã tỏ ra thất vọng và phản ứng một cách cuồng dại khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống.
Nói chung, người Mỹ gốc Do Thái sống một cuộc sống hoàn toàn khác với cuộc sống của những người Do Thái hiện đang sống tại quốc gia Israel. Họ không hề bị bao vây bởi nhiều kẻ thù truyền kiếp lúc nào cũng đe dọa xóa tên Israel khỏi bản đồ thế giới. Họ không cảm nghiệm được mối đe dọa của khủng bố xảy ra như cơm bữa. Họ không phải thi hành  quân dịch như người Do Thái tại Israel.
Quốc gia Israel đang phải đối phó với nhiều thách đố. Nhưng cam go nhất có lẽ là thách đố từ cộng đồng Do Thái tại Hoa Kỳ.
Năm 2017, Israel đã dội bom xuống Syria. Với hành động này, Israel muốn gởi đến Syria, Nga và Iran một tín hiệu rằng họ không muốn thấy Iran quậy phá gần biên giới của họ. Tuy nhiên, Syria đã không đáp trả lại hành động quân sự của Israel.
Tại Gaza, Israel đã phá hủy một đường hầm của Hamas và giết chết nhiều chiến binh khủng bố Hồi giáo. Nhưng Hamas cũng đã không trả đũa. Về phần mình, tuy vẫn tiếp tục kêu gọi xóa tên Israel trên bản đồ thế giới, Iran quan tâm đến việc Tổng thống Trump xé bỏ hiệp ước nguyên tử đã ký với Tổng thống Barack Obama hơn là cuộc chiến chống lại Israel.
Với quốc gia Israel, năm 2017 là năm phải đương đầu với cộng đồng Do Thái tại Hoa Kỳ hơn là các nước thù nghịch xung quanh. Dạo tháng Sáu vừa qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chọc giận người Mỹ gốc Do Thái khi ông ra lệnh ngăn cấm những buổi cầu nguyện có sự tham dự của người đồng tính tại Bức Tường Phía Tây. Quyết định của Thủ tướng Israel đã khiến cho một nhà hoạt động từ thiện Do Thái hàng đầu tại Mỹ đe dọa cắt mọi viện trợ cho quốc gia Israel. Một trong những cộng đồng Do Thái lớn nhất tại Hoa Kỳ cũng tuyên bố sẽ tẩy chay bất cứ đại diện nào của Chính phủ Netanyahu.
Mới đây, Phó thủ tướng Israel, bà Tzipi Hotovely lại gây ra sóng gió khi bà lên đài truyền hình để tuyên bố rằng quan hệ giữa Israel và cộng đồng Do Thái tại Mỹ bị rạn nứt là vì người Mỹ gốc Do Thái không hiểu được tình hình phức tại Trung Đông, họ không thi hành quân dịch và nói chung, họ sống một cuộc sống nhàn nhã thư thái hơn người Do Thái tại Israel. Nhiều lãnh tụ của cộng đồng Do Thái tại Mỹ đã phẫn nộ. Trước phản ứng dữ dội của người Mỹ gốc Do Thái, nghe đâu Thủ tướng Netanyahu muốn bãi nhiệm Phó thủ tướng Hotovely.
Dù cho đa số người Mỹ gốc Do Thái có tán thành việc Tổng thống Trump nhìn nhận Jerusalem như thủ đô của Israel và quyết định dời tòa đại sứ Mỹ đến Jerusalem, giữa họ và quốc gia Israel vẫn có một cuộc xung đột dai dẳng mà sự đánh mất bản sắc Do Thái làm cho trầm trọng hơn.



Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

Thiên nhiên: toa thuốc kỳ diệu!




Chu Thập
08/12/17

Một ông bạn từ Gia Nã Đại ghé thăm. Sau gần 50 năm, chúng tôi mới gặp lại nhau. Bên cạnh tình bạn, còn có tình đồng hương: nhà tôi ở xóm trên, bạn tôi ở xóm dưới, cách nhau không quá nửa cây số. Thời trung học, chúng tôi học chung với nhau dưới cùng một mái trường. Ngoài tình đồng hương, tình bạn, tình đồng môn, chúng tôi còn liên kết với nhau bằng sợi giây thông gia: anh trai kề tôi lấy chị Hai của bạn tôi, cháu của bạn tôi cũng là cháu của tôi.
Tha phương ngộ cố tri, lâu ngày gặp nhau, chúng tôi ôn lại chuyện cũ, nhắc nhớ người xưa và nhất là đi lại từng ngõ ngách trong xóm làng. Thời gian gặp lại nhau không bao nhiêu, nhưng sáng nào, chiều nào chúng tôi cũng thả bộ dọc theo bờ hồ gần nhà. Cuộc tản bộ có khi kéo dài đến cả 2 tiếng đồng hồ. Đi hoài mà không thấy chán. Là dân thành phố biển, lại là cựu sĩ quan hải quân, nhưng  sống ở Tỉnh bang Alberta, quanh năm ngày tháng chỉ thấy rừng, sông hồ và núi,  nên bạn tôi thèm biển. Bạn tôi lúc nào cũng tấm tắc khen cảnh biển đẹp của vùng tôi. Tôi thì lại mê cảnh sông, hồ và rừng núi của Gia Nã Đại. Nhớ mãi lần đầu tiên đến thác Niagara và nhìn cảnh rừng phong (maples) của Gia Nã Đại vào mùa thu, tôi thấy ngây ngất. Đẹp hơn tranh!
Thì ra, bạn tôi và tôi, ở tuổi già, “gần đất xa trời”, sau bao nhiêu năm xa cách, chúng tôi gặp lại nhau trong cùng một niềm mê thích đối với thiên nhiên. Với riêng tôi, thiên nhiên lúc nào cũng là một toa thuốc kỳ diệu. Gặp bực bội, căng thẳng hay bế tắc trong suy nghĩ, tôi chỉ cần xách cần câu ra một bờ hồ. Chỗ tôi ở có nhiều hồ nước mặn thông với biển. Đó là một phúc lành. Cá cắn câu mang lại cái cảm giác mạnh chẳng khác nào đi “kéo máy”. Nhưng câu cá không chỉ là để kiếm cá ăn mà chính là để thư giãn. Nhứt chạng vạng nhì rạng đông. Châm ngôn của dân câu cá ở quê tôi không chỉ đúng cho nghệ thuật câu cá, mà còn có giá trị cả về mặt tinh thần: không gì đẹp cho bằng cảnh vật khi mặt trời xuống hay ló lên ở chân trời. Đó là những giây phút tôi cảm thấy sảng khoái nhứt! Đầu óc thông suốt hẳn ra. Tâm hồn thanh thản hơn bao giờ hết.
Thiên nhiên quả là một toa thuốc kỳ diệu. Tôi đã đọc được tư tưởng này trong một bài đăng trong tạp chí Reader’s Digest, số ra tháng Mười Hai năm 2017 này. Đây là kết quả của một cuộc thí nghiệm do Giáo sư David Strayer, một chuyên gia tâm lý thuộc trường Đại học Utah, Hoa Kỳ thực hiện. Giáo sư Strayer đưa 22 sinh viên thuộc phân hoa tâm lý học đi cắm trại 3 ngày tại một vùng có nhiều đại vực (canyon) gần Thành phố Bluff, Tiểu bang Utah. Sau 3 ngày cắm trại giữa thiên nhiên, đầu óc của nhóm sinh viên tham gia cuộc thí nghiệm minh mẫn hẳn ra. Theo Giáo sư Strayer, đầu óc của chúng ta không phải là những chiếc máy nặng 1.3 ký làm việc không biết mỏi mệt . Trái lại, chúng ta dễ dàng mệt mỏi vì cuộc sống ngày càng bị điều kiện hóa bởi thời đại kỹ thuật số. Nhưng khi chúng ta dừng lại và tìm đến với thiên nhiên, không những năng lực của chúng ta được bồi bổ mà khả năng suy tư của chúng ta cũng được cải thiện.
Kết quả cuộc thí nghiệm của giáo sư Strayer cho thấy đầu óc của nhóm sinh viên tham gia cuộc thí nghiệm bén nhậy hơn, óc sáng tạo gia tăng, khả năng giải quyết vấn đề cũng linh động hơn.
Theo giải thích của Giáo sư Strayer, khi sống gần với thiên nhiên, vỏ não gần trán của chúng ta, tức “tổng hành dinh” của não bộ, được nghỉ ngơi và hồi phục. Nhờ vậy, đầu óc của chúng ta sẽ sáng suốt và bén nhậy hơn.
Theo bài viết trên tạp chí Reader’ s Digest, vào năm 1865, một kiến trúc sư chuyên về thiết kế cảnh vườn là ông Frederic Law Olmster đã đứng ngắm nhìn thung lũng Yosemite Valley, thuộc vùng núi Sierra Nevada, miền trung Tiểu bang California. Cảnh vật làm cho ông ngây ngất đến độ ông đã yêu cầu chính quyền Tiểu bang California không nên đề ra bất cứ dự án phát triển nào trong vùng, mà hãy giữ nguyên cảnh thiên nhiên trong thung lũng. Ông Olmster ghi lại: “Đây là một sự kiện khoa học: việc chiêm ngắm cảnh vật thiên nhiên...góp phần gia tăng sức khỏe và năng lực cho con người”.
Thật ra, Kiến trúc sư Olmster không phải là người đầu tiên khám phá ra ảnh hưởng của cảnh vật thiên nhiên đối với sức khỏe và năng lực của con người. Cách đây khoảng 2500 năm, Đại đế Cyrus (576- 530 trước Công nguyên) của Đế quốc Ba Tư đã cho thiết lập những khu vườn để giải trí ngay giữa thủ đô của đế quốc.Trong 7 kỳ quan của thế giới cổ, được nhắc tới nhiều nhứt là những khu vườn treo ở Babylon, nay thuộc Tỉnh Babil, Iraq. Không chỉ như một tác phẩm nghệ thuật, mục đích của những khu vườn treo như thế là để giúp cho con người thư giãn, nghĩa là để giúp bồi bổ cho sức khỏe tinh thần và tâm linh của con người.
Ngay từ thế kỷ 16, một y sĩ nổi tiếng người Thụy Sĩ là ông Paracelsus cũng đã khẳng định: “Nghệ thuật chữa bệnh đến từ thiên nhiên chớ không từ các y sĩ”. Ba thế kỷ sau, nhờ hai thi sĩ Mỹ Ralph Waldo Emerson và John Muir biện hộ và tranh đấu, Hoa Kỳ đã cho  thành lập  những lâm viên quốc gia  đầu tiên trên thế giới. Theo hai tác giả này, thiên nhiên có sức chữa bệnh cả tâm linh lẫn thể lý.
Ngày nay, khả năng chữa trị của thiên nhiên đã được các nhà nghiên cứu kiểm chứng. Các nhà nghiên cứu thuộc trường y khoa của Đại học Exeter, Anh Quốc, đã phân tách dữ kiện từ 10.000 cư dân trong các đô thị và đưa ra kết luận rằng những người sống gần những nơi có nhiều cây xanh ít bị bệnh tâm thần hơn. Năm 2009, các nhà nghiên cứu ở Hòa Lan cũng đưa ra một nhận xét tương tự: những người sống gần các công viên hoặc không gian có nhiều cây xanh ít mắc phải 15 chứng bệnh thông thường như trầm cảm, lo lắng và nhức đầu.
Một chuyên gia về bệnh dịch học thuộc trường Đại học Glasgow, Scotland là giáo sư Richard Mitchell cũng tìm thấy một kết quả tương tự: những người sống gần những không gian có nhiều cây xanh, cho dẫu không sử dụng chúng, cũng ít chết và ít bị bệnh tật hơn. Những cuộc nghiên cứu của Giáo sư Mitchell cũng cho thấy một chi tiết lý thú: trong các bệnh viện, bệnh nhân nào thường nhìn ngắm cây cỏ xuyên qua cửa sổ hồi phục sớm; học sinh nào có điều kiện nhìn thấy thiên nhiên xuyên qua cửa sổ cũng học hành tiến bộ hơn và ít có thái độ bạo động hơn.
Các nhà nghiên cứu Nhựt Bổn thuộc trường Đại học Chiba còn làm một cuộc nghiên cứu thú vị hơn. Họ mời 560 người tham gia cuộc thí nghiệm. Những người tình nguyện tham gia cuộc thí nghiệm được chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm 280 người. Một nhóm được đề nghị đi bộ trong 24 khu rừng khác nhau; nhóm khác đi bộ trong các trung tâm thành phố. Kết quả cuộc thí nghiệm cho thấy với  nhóm người đi bộ trong rừng, kích thích tố Cortisol, tác nhân tạo sự căng thẳng và lo âu, giảm đến 16 phần trăm.
Từ Nam Hàn, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng trong những người nhìn ngắm cảnh thành phố, lượng máu chạy về hạch hạnh nhân (amygdala) gia tăng dẫn đến sợ hãi và lo lắng. Trái lại, nơi những người thích ngắm nhìn cảnh thiên nhiên, trung khu não bộ được kích thích: đây là vùng não tạo ra sự cảm thông và lòng vị tha.
Nhận ra tác động của thiên nhiên đối với sức khỏe của con người cho nên tại một số quốc gia, chính phủ dành cho thiên nhiên một chỗ đứng quan trọng trong các chính sách y tế. Như tại Viện Tài nguyên Thiên nhiên của Phần Lan chẳng hạn, một toán chuyên gia đã đề nghị dân chúng nên dành ra ít nhứt mỗi tháng 5 giờ để chiêm ngắm thiên nhiên. Theo các chuyên gia, 40 hoặc 50 phút đi bộ giữa thiên nhiên gia tăng sự tập trung và giúp thay đổi tính khí con người.
Nam Hàn là một trong những quốc gia đi tiên phong trong việc phát triển lâm viên để góp phần cải thiện sức khỏe của dân chúng. Bộ trưởng Lâm nghiệp của Ham Hàn là ông Shin Won Sop tin rằng cảnh rừng có sức chữa trị những người nghiện rượu. Ông nói rằng phúc lợi của dân chúng hiện đang là một trong những mục tiêu chính của kế hoạch phát triển lâm nghiệp tại Nam Hàn. Nhờ những chính sách mới của chính phủ nước này, con số du khách viếng thắng cảnh trong rừng từ 9.4 triệu người trong năm 2010 đã tăng lên 12.8 trong năm 2013. Bộ trưởng Lâm nghiệp Nam Hàn giải thích rằng dĩ nhiên rừng vẫn còn được khai thác để lấy gỗ, nhưng hiện nay sức khỏe của dân chúng vẫn là kết quả chính của việc phát triển rừng. Những số liệu của Bộ lâm nghiệp cho thấy cảnh rừng đã giảm chi phí y tế của Nam hàn, đồng thời gia tăng kinh tế cho các địa phương.
Những kết quả của việc chữa bệnh mà thiên nhiên có thể mang lại cho con người như được các cuộc nghiên cứu trưng dẫn vẫn chưa đủ sức thuyết phục lắm. Cho tới nay vẫn chưa có cuộc nghiên cứu nào mang lại một giải thích đầy đủ về sức chữa bệnh của thiên nhiên. Giáo sư Strayer nhìn nhận rằng vẫn còn nhiều bí ẩn đàng sau các cuộc nghiên cứu. Nhưng như ông nói, “cuối cùng, chúng ta đến với thiên nhiên không phải vì khoa học nói rằng thiên nhiên mang lại cho chúng ta điều gì đó cho bằng nó làm cho chúng ta cảm thấy điều gì đó”.
Đây chính là cảm nghiệm của riêng tôi. Hầu như ngày nào tôi cũng có đủ thì giờ để chiêm ngắm thiên nhiên xung quanh và đàng sau nhà tôi: một ngôi vườn với đủ mọi loại cây nhiệt đới và ôn đới, một lâm viên quốc gia trải rộng phía sau nhà. Ngoài ra, mỗi sáng tôi cũng có điều kiện để chạy bộ xung quanh bờ hồ gần nhà. Đó là chưa kể những buổi chiều dắt cậu chó đi dạo và dĩ nhiên ít nhứt 2 lần một tuần ngồi thiền với cần câu giữa cảnh hồ nước mênh mông.
Gần đây, do nhiều thứ bệnh tật không mời mà đến, tôi gia tăng việc tập thể dục hàng ngày và nhứt là ghép mình vào kỷ luật ăn uống. Ai mà chẳng mong được sống khỏe mạnh và thọ. Nhưng như một chuyên gia nào đó đã giải thích, tuổi thọ của con người không chỉ tùy thuộc vào việc tập thể dục và cách dinh dưỡng, mà còn do cái tâm có được thanh thản và bình an không. Thiếu gì những ông bà  lực sĩ, võ sĩ  hay danh thủ thể thao...chết yểu hoặc rước vào người đủ thứ bệnh tật.
Tựu trung, với tôi có được cái tâm an bình là điều quan trọng nhứt trong cuộc sống. Tôi không biết thiên nhiên tác động như thế nào đối với sức khỏe của tôi. Nhưng ít ra, như ai đó đã nói, con người không thể cô đơn khi ở gần thiên nhiên. Tôi tin như thế.  Bạn tôi từ Gia Nã Đại sang, không những đã mang lại cho tôi nhiều niềm vui bất ngờ, mà còn củng cố niềm xác tín của tôi: thiên nhiên lúc nào cũng mang lại thư giãn và thanh thản cho tâm hồn!