Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2019

Nguy hiểm của những nhà lãnh đạo điên cuồng



David P. Barash Ph.D
Chu Văn chuyển ngữ
Có cả một lịch sử dài của những nhà lãnh đạo bệnh hoạn và lịch sử này vẫn tiếp diễn.
Người ta kể rằng văn sĩ Mỹ Francis Scott Key Fitzgerald (1896- 1940) đã có lần nói với văn hào Ernest Hemingway: “Người giàu khác với anh và tôi”. Hemingway đáp lại: “Đúng vậy, họ có nhiều tiền hơn”. Cũng thế, nhiều người giả định rằng các nhà lãnh đạo quốc gia khác với bạn và tôi và không chỉ vì họ thường có nhiều tiền hơn, mà vì sức khỏe tâm thần của họ cũng được cho là ổn định hơn.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp sự ổn định (tinh thần) của các nhà lãnh đạo chính trị bị đặt vấn đề và một số khác thì rõ ràng là bệnh hoạn. Đây là trường hợp của hoàng đế La Mã Caligula. Ông này nổi tiếng vì thói hoang dâm và vì đã ra lệnh giết người để mua vui. Đó là chưa kể đến những bại hoại khác. Vào thời Trung Cổ ở Pháp có vua Charles VI. Ông này tin rằng mình được tạo thành bằng kiếng và lo sợ mình có thể bị vỡ bất cứ lúc nào. Tại Bavaria có Ludwig II, người được mệnh danh là ông vua điên. Ông này mắc chứng mà ngày nay người ta gọi là bệnh Pick, một chứng lú lẫn. Ngoài ra ông còn bị bịnh lẫn do phần não phía trước và hai bên thái dương bị hoại và rối loạn nhân cách. Riêng vua George III của nước Anh mắc chứng đa ngôn (logorrhea), lúc nào cũng cảm thấy có nhu cầu phải nói và viết đến độ thường không ai hiểu ông muốn nói gì. Ngoài ra ông cũng còn mắc chứng tâm thần phân liệt.
Trên đây chỉ là một vài ví dụ rất hạn chế. Chúng ta có thể kết luận một cách chắc chắn rằng nắm giữ một vai trò chính trị có nhiều trách nhiệm không đương nhiên là một bảo đảm để khỏi mắc bệnh tâm thần.
Nữ văn sĩ kiêm ký giả người Anh Rebecca West (1892-1983) có nói: “Chỉ có một phần trong chúng ta là lành mạnh. Chỉ có một phần trong chúng ta yêu thích khoái lạc, sống hạnh phúc lâu dài, sống tới 90 tuổi và chết bình an...” Không cần phải có cả một kho tàng khôn ngoan để nhận ra rằng bệnh tâm thần mãn tính không phải là nguyên nhân duy nhất khiến con người có cách hành xử “điên cuồng”: chúng ta thường hành động vì nhận thức sai, vì nóng giận, vì thất vọng, vì cố chấp, vì muốn báo thù, vì kiêu hãnh và vì óc giáo điều, nhất là khi bị đe dọa. Hơn nữa, trong một số hoàn cảnh -  như khi cả hai bên đều tin rằng chiến tranh là điều không thể tránh được hoặc bị áp lực phải tránh mất mặt- một hành động điện rồ, kể cả gây chết người, lại được xem là hợp lý, ngay cả được coi là điều không thể tránh khỏi.
Khi ra lệnh tấn công Trân Châu Cảng, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản giải thích rằng “Đôi khi cần phải nhắm mắt lại và nhảy xuống khỏi Đền Thờ Kiyomizu” (một nơi tự tử nổi tiếng bên Nhật). Trong thời Đệ nhất Thế chiến, Hoàng đế Wihelm viết bên lề một tài liệu chính phủ rằng “Ngay cả nếu chúng ta bị tiêu diệt đi nữa thì nước Anh cũng ít nhất mất Ấn Độ”.  Trốn trong hầm trú ẩn trong những ngày cuối cùng của Đệ nhị Thế chiến, Adolf Hitler ra lệnh làm điều mà ông ta hy vọng sẽ là sự hủy diệt hoàn toàn của Đức, bởi vì ông cảm thấy dân chúng đã “bỏ rơi” ông.
Cả hai vị tổng thống Woodrow Wilson (1856- 1924) và Dwight Eisenhower (1890- 1969) đều đã bị tai biến mạch máu não trầm trọng trong lúc còn làm tổng thống Hoa Kỳ. Boris Yeltsin, tổng thống Liên bang Nga từ năm 1991 đến năm 1999, đều được biết đến như một người nghiện rượu đến độ cứ sau mỗi lần uống xả láng là nói năng không mạch lạc và mất phương hướng. Người ta chẳng biết liệu Điện Cẩm Linh có bất cứ kế hoạch nào không để đối phó với những cuộc khủng hoảng quân sự dưới thời của Yeltsin.
Richard Nixon cũng là một tay nghiện rượu nặng, nhất là khi gặp căng thẳng khi phải đối phó với vụ Watergate khiến cho ông cuối cùng đành phải từ chức. Trong thời gian đó, Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger đã làm một bước phi thường là đòi hỏi phải được thông báo về bất cứ lệnh nào của tổng thống có liên quan đến vũ khí nguyên tử trước khi được thực hiện.
Mặc dù đi ngược lại Hiến Pháp, nhưng một cách khôn ngoan, ông Schlesinger và trong một mức độ nào đó, Henry Kissinger, Cố vấn An ninh Quốc gia, đã can thiệp để ngăn ngừa chiến tranh, nhất là chiến tranh nguyên tử, nếu Tổng thống Nixon ra lệnh. Với tư cách là thường dân, cả Yeltsin lẫn Nixon, nếu bị men rượu làm cho yếu nhược, đều không được cho phép lái xe. Vậy mà vì ở vị trí lãnh đạo, họ lại có toàn quyền đề khởi động một cuộc chiến tranh nguyên tử!
Trong thời gian tại vị, Tổng thống Donald Trump, vì những nét đặc biệt trong tư cách của ông, đã từng bị nhiều người xem là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia. Có thể do tâm bệnh, ông nổi tiếng là người nói dối liên tục và có những triệu chứng đáng lo ngại như tinh thần bất ổn, bốc đồng, kỷ ái, chống xã hội và nhiều căn bệnh mà theo nhiều chuyên gia về tâm bệnh, khiến ông không có đủ khả năng để đảm nhận nhiều chức vụ trong quân đội và chính phủ, chứ đừng nói đến chức vụ tổng thống.
Nixon (và chúng ta) đã may mắn có được một Bộ trưởng Quốc phòng sẵn sàng ngăn cản tổng thống. Nay, các viên chức đã từng đóng vai trò đó như cựu Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster, cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và cựu Đổng lý Văn phòng John Kelly, đều đã ra đi. Cuộc điều tra luận tội hiện nay đã khiến cho tổng thống Trump có những hành động và lời nói ngày càng kỳ quái: nhìn dưới khía cạnh tâm bệnh học, ông ta không còn thuốc chữa!
Thêm vào đó còn có sự kiện đáng sợ là theo luật pháp, chỉ mình ông có đủ quyền để ra lệnh sử dụng vũ khí nguyên tử và dù có lập trường chính trị nào đi nữa, tình hình hiện nay vẫn rất đáng lo ngại đối với mọi người.

David P.Barash, Ph.D là một nhà sinh vật học về tiến hóa; ông hiện là giáo sư về tâm lý học tại Đại học Washington. Tác phẩm mới nhất của ông là cuốn “Through a Glass Brightly: using science to see our species as it really is” (Nhìn xuyên suốt qua một tấm kính: sử dụng khoa học để nhìn thấy chủng loại của chúng ta đúng với thực chất của nó)


Thứ Năm, 17 tháng 10, 2019

"Khi Đồng Minh tháo chạy" hay là "Hết Thuốc Chữa"




Bài Viết từ thân hữu Ký Gà (Thời Báo Canada)
Kể Chuyện Cuối Tuần có nhiều cái khó hết biết luôn. Đầu tiên là phải kiếm chuyện – không phải gây gổ mà là tìm cho ra một chuyện đáng để kể với độc giả Thời Báo (những người hết sức khó tánh). Rồi khi có kiếm ra được chuyện thì lại cực khổ với việc chọn cho bằng được một cái tựa nói lên được nội dung, ý nghĩa của chuyện, và phải nghe cho được một chút.
Tuần nầy, sau khi kiếm (được) chuyện, KG vướng vô nỗi phân vân giữ hai cái tựa: “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” và “Hết Thuốc Chữa”.
Phân vân vì cả hai tựa đều trúng với nội dung, và đều…hay cả.
Tựa thứ nhứt hay bởi là chôm của người ta, và chủ nhơn của 5 chữ đó là một vị tiến sĩ, không hay sao được. Khỏi nói bạn đọc chắc cũng biết đó là tên một cuốn sách của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng trưởng Kế hoạch của Việt Nam Cộng hòa. Cuốn nầy trong một buổi ra mắt năm 2005 ở Cali đã bán sạch 1000 quyển tại chỗ!
Và cũng khỏi phải nói, ai cũng hiểu ngay rằng từ “Đồng minh” mà Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng đã dùng là để chỉ Huê kỳ, “đồng minh” đã bỏ rơi chánh quyền Việt Nam Cộng hòa và nhơn dân Miền Nam hồi năm 1975.
Nói nhiều về chuyện nầy chỉ làm thêm đau lòng, chảy nước mắt.
Mà cái tựa thứ hai, Hết Thuốc Chữa cũng hay luôn. Bởi nó chánh xác được sử dụng để nói lên kết quả xét nghiệm và hội chẩn của nhiều y sĩ chánh trị về vị nguyên thủ của cái nước đồng minh lại vừa tháo chạy một lần nữa.
Sau khi phân vân, KG thấy nên xài cả hai. Hồi xưa, thỉnh thoảng có những tuồng cải lương các tuồng cải lương được đặt tên như vầy: “Đứa Con Hai Dòng Máu” hay là “Vì Con Nên Mẹ Có Chồng”, vì cả hai đều nói lên nội dung của vở tuồng.
Và “Khi Đồng Minh Tháo Chạy”hay là “Hết Thuốc Chữa” đều liên can tới một nhơn vật đang làm mưa làm gió đương thời.
Giải thích rồi nghen, xin bắt đầu kể chuyện.
Cuối tuần trước, Huê kỳ đã công bố quyết định rút quân Mỹ ở Syria. Chi tiết của công bố nầy là các lực lượng của Thổ nhĩ kỳ sẽ trách nhiệm các khu vực hiện đang do lực lượng người Kurd kiểm soát ở bắc Syria và các binh sĩ Huê kỳ đang có mặt ở đó sẽ rút đi.
Công bố đó được đưa ra sau cuộc nói chuyện qua điện thoại giữa ông tổng thống màu da cam (kêu vậy bởi thiệt sự cả tóc lẫn da của ổng đều có một màu như vậy, KG không kỳ thị màu da) của Huê kỳ và ông Erdogan, tổng thống Thổ.
Ngay sau công bố nầy, dư luận lập tức ồn ào và so sánh hành động của Huê kỳ, thiệt sự là quyết định cá nhân của ông Châm, bởi nhiều tướng tá đã khẳng định ổng không “tham vấn” ai hết, khác với màn bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa năm 1975 mà Tiến sĩ Hưng đã kêu bằng “Khi Đồng Minh Tháo Chạy.”
“Người Kurd” trong nội vụ là những chiến binh của nhóm YPG, nằm trong Liên minh SDF (Lực lượng Dân chủ Syria). Mới cách đây ít lâu, ông Châm khoe đã dưới sự lãnh đạo của ổng, Huê kỳ đã “hoàn toàn chiến thắng Nhà nước Hồi Giáo (ISIS).” Ổng nói dóc, thực tế là chính liên minh SDF, trong đó cái xương sống là nhóm YPG gồm vài chục ngàn chiến binh dân quân người Kurd, mới là những dũng sĩ đã đánh bại lực lượng Hồi giáo ISIS. Huê kỳ chỉ giúp vũ khí và lâu lâu bỏ vài trái bom chơi.
Hồi năm 2017, chính Huê kỳ đã xác nhận lực lượng Kurd là cần thiết trong hoạt động tái chiếm tổng hành doanh của Nhà nước Hồi giáo ở Raqqa.
Sở dĩ người Kurd uýnh hăng như vậy là vì đây là quê cha đất tổ của họ, và vì họ tin rằng khi đã xóa sổ được bọn “giặc cờ đen” trong khu vực nầy, họ sẽ được quốc tế – và Huê kỳ, ghi công và bảo vệ để họ sống còn trên quê hương mình, không bị người Thổ đánh đuổi tới mức diệt chủng. Trong lúc đó, Thổ nhĩ kỳ coi người Kurd và nhóm YPG đáng ngại hơn cả ISIS, thậm chí xếp họ vô hàng ngũ “khủng bố”.
Tạp chí Blomberg bình luận: “Quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bật đèn xanh cho một cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chống lại các chiến binh người Kurd ở miền bắc Syria đã bỏ rơi một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo trước một tương lai vô định.”
Facebooker Trương Nhân Tuấn viết (chánh xác) trên trang của ổng như vầy: “Đối với dân quân Kurdes, tổng thống Trump đang hát bài «khi đồng minh tháo chạy». Hôm trước ông Trump có «tuýt» tuyên bố Mỹ đã «chiến thắng» trước ISIS. «Mission accompli», Mỹ rút quân. Có điều «chiến thắng» này ông Trump quên vinh danh các chiến sĩ Kurdes. Quân Mỹ chỉ hiện diện trong khu vực (ranh giới Thổ-Syria) khoảng 2.000 quân, chủ yếu lo về hậu cần, tiếp liệu cho «nững chiến sĩ nơi sa trường» là quân Kurdes. Việc tháo chạy của Mỹ là một hành vi phản bội, được chim bẻ ná, được cá bẻ câu. Tệ hại hơn cả lúc bỏ rơi VNCH.”
Ngay cả một số thượng nghị sĩ Cộng hòa, đảng của Châm, cũng phê phán ảnh. TNS Lindsey Graham, người đã từng ủng hộ Châm than thở: “Hành động bỏ mặc đồng minh của chúng ta (người Kurd ở Sirya) cho người Thổ Nhĩ Kỳ thật là một thảm họa và là một cơn ác mộng!” Ổng tiên đoán…trúng: “Bằng việc bỏ rơi người Kurd, chúng ta đã gửi đi tín hiệu nguy hiểm nhất có thể – Mỹ là một đồng minh không đáng tin cậy và chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên hoành hành theo những cách nguy hiểm.” Sau khi tiên đoán …trúng như vậy, ông Graham thú nhận luôn: “lời nói xạo kinh khủng nhất của chánh quyền Trump là ISIS đã bị hoàn toàn đánh bại”.
Báo USA Today nhận xét như vầy: “Hành động phó mặc đồng minh như chú cừu giữa bầy sói Thổ-Sirya-Iran quả đúng là “một vết nhơ cho người Mỹ không hơn không kém”.
Ngay sau quyết định của ông Châm, biết rằng cửa đã mở, Thổ nhĩ kỳ mở cờ trong bụng. Ba bữa sau, hôm thứ Tư, ông Erdogan cho mở chiến dịch “Mùa Xuân Hòa bình”, điều quân vô khu vực sau khi oanh tạc và pháo kích vô các vị trí của dân quân YPG Kurd và các kho đạn dược xung quanh các thị trấn biên giới Thổ – Syria. Dân chúng, đa số là người tỵ nạn Syria, lại một lần nữa bỏ chạy tán loạn. Có tin YPG chết mất ít người.
Nãy giờ, chắc bạn đọc đã rõ vụ “đồng minh tháo chạy”, nhưng thắc mắc, chớ còn “hết thuốc chữa” ở đâu?
Thủng thẳng chút, nó đây nè, nó cũng liên hệ / liên can / liên lạc tới chuyện Huê kỳ bỏ rơi đồng minh Kurd.
Số là sau quyết định của mình về việc để cho con gà tây Thổ nhĩ kỳ mổ bầy gà tre Kurd bị chỉ trích, Châm vội vã tìm cách chống chế. Ảnh “tuýt” rằng ảnh sẽ dòm chừng Erdogan, và nếu thằng Thổ nầy làm chuyện gì bậy bạ (off limits), ảnh sẽ trừng phạt nó.
Nguyên văn cú tweet của anh như vầy: “Như tui đã mạnh mẽ tuyên bố trước đây và cần nhắc lại, nếu Thổ Nhĩ Kỳ làm bất cứ điều gì mà tui, theo sự khôn ngoan tuyệt vời và chưa ai sánh bằng của tui, coi là vượt quá giới hạn, tui sẽ phá hủy và xóa sổ hoàn toàn nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ (Trước đây tui đã từng đã làm (vậy) rồi!)…”
Khoa học, đặc biệt là y học thời nay, đã có những bước nhảy vọt vĩ đại. Rất nhiều thứ bịnh từng được coi là nan y, khó trị, nay đã có thuốc chữa, kêu bằng thuốc đặc trị. Thậm chí tới những bịnh coi bộ sẽ hổng có cách chi trị dứt cho nổi, y khoa đã tìm ra thuốc, hoặc các phương pháp để giữ cho nó không, hoặc chậm phát triển, tỷ như bịnh AIDS, bịnh ung thư, vân vân…
Vậy nhưng có một loại bịnh không có thuốc. Nói cho ngay là có đó, nhưng người bịnh hổng chịu uống, làm sao khỏi? Đó là những bịnh tâm thần và những người bịnh tâm thần.
Hổng có cách gì trị được cho người bịnh nếu họ không chịu dùng thuốc, phải hông? Đặc biệt là ở thời nay, khi người bịnh có quyền từ chối được chữa trị.
Bạn để ý khúc“theo sự khôn ngoan tuyệt vời và chưa ai sánh bằng của tui” chớ!
Khúc đó đã chứng tỏ căn bịnh vĩ cuồng của ông tổng thống Huê kỳ đã tới thời “hết thuốc chữa”.
Bệnh vĩ cuồng hồi xưa Tây kêu bằng mégalomanie, Ăng lê kêu bằng megalomania, từ chuyên môn y học nay kêu bằng “Rối loạn nhơn cách ái kỷ” (Narcisisistic Personality disorder viết tắt là NPD, hổng phải…NDP nghen).
Cẩm nang chẩn đoán của Hội Y sĩ Tâm thần học Huê kỳ (America Psychiatric Association / APA) nói các triệu chứng / biểu hiện của bịnh đó như vầy:
1 – Khoa trương về sự quan trọng của bản thân và muốn người khác trọng vọng mình.
2 – Liên tục hạ nhục, bắt nạt và coi thường người khác
3 – Lợi dụng người khác để đạt được lợi ích cho mình.
4 – Thiếu sự đồng cảm về các tác động tiêu cực mà họ gây ra cho tình cảm, ước muốn và nhu cầu của người khác
5 – Lúc nào cũng bận tâm với những huyển hoặc về quyền lực, thành công, sự thông minh, sức hấp dẫn… (của mình)
6 – Tự cho rằng mình là có một không hai, siêu đẳng và phải liên kết với những người hoặc tổ chức đặc biệt hoặc địa vị cao khác.
7 – Có nhu cầu được người khác luôn ngưỡng mộ mình.
8 – Cho rằng mình có quyền hưởng sự đối xử đặc biệt và sự vâng lời, tuân thủ của người khác.
9 – Hết sức ghen tị với những người khác, và tin rằng những người cũng khác đang ghen tị với mình như vậy.
Hội APA nói chỉ cần có biểu hiện của từ 5 điểm trên đây trở lên thì đã được coi là mắc chứng NPD – vĩ cuồng, rồi.
Bạn thấy ông đương kim tổng thống Huê kỳ có được bao nhiêu điểm?
Nếu bạn cần nhắc lại, thì đây nè:
– Ổng không từ một cơ hội nào để khoe khoang cách thành tích, sự tài giỏi, sự khôn ngoan, sự giàu có của mình, cái gì của ổng cũng phải nhứt.
– Ổng luôn than thở rằng mình bị chơi xấu, bị thiệt thòi, như bị hụt giải Nobel, bị thiệt thòi “cướp mất” hai năm trong nhiệm kỳ của mình không để cho ra tài trị nước.
– Ổng luôn tìm cách tiếp cận các nhơn vật mà ổng cho là vĩ đại (như Putin, Ủn và Tập) trong lúc luôn hạ nhục những người mà ổng coi là thấp hơn ổng…
– Mới gần đấy, ổng từng xác nhận rằng mình là “the chosen one”, người được Trời chọn (hổng biết để làm gì, và nếu xui mà có, thời chắc bữa đó Trời đang xỉn, nhưng Châm phát biểu như vậy khi uýnh Trung cọng bằng đòn kinh tế.)
Cũng cần phải kể thêm vô đó là chuyện ổng làm cho KG nín hổng nổi, phải nói về ổng hoài…
Ký Gà



Thứ Hai, 14 tháng 10, 2019

Nguyện nhân vụ Xì căng đan vè Ukraine: Khi Thuộc cấp muốn lấy lòng Xếp lớn


Bài viết của thân hữu Mai Loan
Trong bối cảnh phân hoá chính trị quá sâu đậm hiện nay trên chính trường cũng như trong xã hội nước Mỹ ngày nay theo đúng nghĩa của thành ngữ “Sư nói sư phải, Vãi nói vãi hay”, mọi cuộc tranh luận nghiêm túc dường như khó lòng được chấp nhận vì phe nào cũng nghĩ rằng đối phương chỉ mong tìm đủ cách để hạ gục mình, và do đó tất cả những luận cứ của họ, cho dù có kèm theo những bằng chứng cụ thể khó thể chối cãi được, cũng gần như bị bỏ lơ, nói gì đến chuyện mọi người có thể bình tâm để lắng nghe và suy xét.
Ngay cả giới truyền thông cũng trở thành nạn nhân trong tình cảnh chia rẽ nặng nề này khi mà công việc điều tra và tìm hiểu sự thật có thể sẽ khiến cho nhiều người phải mất vui vì những sự thật đầy bất lợi cho những niềm tin của họ về một lãnh tụ mà họ đã lỡ và tiếp tục ca tụng từ bấy lâu nay như trường hợp của đương kim TT Trump. Ông Trump chỉ cần gán cho nó cái mũ “Fake News” để đánh phủ đầu tất cả những bài viết điều tra và chứng minh sự thật cho mọi người cùng biết, và từ đó những người ủng hộ ông sẵn sàng vin vào đó để tin theo.
Chính vì thế mà nhiều người cứ mở đầu câu chuyện hoặc bài viết của mình bằng một nhận định tổng quát rằng TT Trump từ ngày lên cầm quyền đến nay đã luôn bị phe đối lập và đảng Dân Chủ luôn tìm cách đánh phá với đủ loại chiêu trò, dù rằng nước Mỹ dưới thời của ông đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp v.v.

Nhưng cũng chính những người ủng hộ cuồng nhiệt này cho TT Trump lại không bao giờ chịu bình tâm và kiên nhẫn để tìm hiểu xem việc giới truyền thông đã chứng minh rõ ràng, và khó thể chối cãi được, chuyện TT Trump cũng là người đã có những lời nói được đánh giá là sai trái, lật lọng, nói trước rồi phủ nhận sau đó v.v. tổng cộng lên đến hơn 10,000 lần trong gần 3 năm qua, và con số này còn tiếp tục gia tăng nữa vì mỗi ngày ông tiếp tục phun ra những lời phát biểu “văng mạng” một cách thản nhiên khi thấy rằng điều đó chưa mang lại một hậu quả tai hại cụ thể nào.
Một chính trị gia tầm cỡ, một vị nguyên thủ quốc gia chỉ cần có một lời nói sơ hở hoặc sai trái thường cũng đủ là đề tài khiến mọi người có quyền bình phẩm và chỉ trích, huống gì là một vị tổng thống lại nói dối đến cả chục ngàn lần, bảo sao giới truyền thông có thể im lặng đồng tình và do đó họ đã bị chụp mũ cho là thiên vị chỉ vì phải đảm đương chức năng truyền thông của mình. Cho dù là về sau này, người ta đã thấy là có rất nhiều những nhà báo và phóng viên của các hệ thống truyền thông bảo thủ rõ rệt như tờ Wall Street Journal hoặc đài Fox News cũng đã nhiều lần vạch ra rất nhiều điều sai trái từ phía TT Trump và những người cố tình biện hộ hoặc bao che cho ông.
Thậm chí có nhiều người còn biện hộ một cách miễn cưỡng rằng họ biết rõ ông Trump không phải là một người ăn nói lịch sự, hoặc có thể thay đổi những lời nói và luận điệu vì đó là thói quen và sở trường của ông, vốn là một doanh gia đã thành đạt trong ngành địa ốc nên nhiều khi phải sử dụng đến những thủ đoạn đó trong việc làm ăn. Và họ sẵn sàng đi đến kết luận rằng miễn là cuối cùng TT Trump đem lại quyền lợi cho nước Mỹ (dưới cái nhìn chủ quan của họ) hoặc có những lời nói và quyết định hạp ý với mình là đủ để họ sẵn sàng tiếp tục ủng hộ ông ta.
Thí dụ điển hình là trường hợp những lãnh tụ tôn giáo theo trường phái bảo thủ giáo điều (Evangelicals) chuyên chống đối các tệ đoan xã hội như mãi dâm, ngoại tình v.v. Họ khó lòng biện hộ cho một ông Trump đã ly dị hai lần để có bà vợ thứ ba, lại không ngần ngại dấu diếm chuyện ngoại tình và đi chơi gái (và còn bỏ tiền ra để mong bịt miệng các nạn nhân), nhưng họ lại chấp nhận chuyện phải bịt mũi để ủng hộ TT Trump chỉ vì ông đã bổ nhiệm những vị thẩm phán bảo thủ cực hữu vào Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ để bảo đảm rằng ngành tư pháp tại nước Mỹ sẽ tiếp tục con đường bảo thủ về xã hội trong một thời gian dài sắp tới.
Câu chuyện bắt đầu nổ lớn và nghiêm trọng hơn khi TT Trump đã tìm cách móc nối với chính quyền các nước khác để mong điều tra về các đối thủ chính trị của mình vì quyền lợi riêng tư, dù rằng điều đó quả tình là phi pháp, xuyên qua việc ông đã bí mật áp lực TT của Ukraine là hãy điều tra về cựu PTT Joe Biden và người con trai Hunter Biden. Để rồi khi sự việc này bị phát giác bởi một nhân viên tình báo tình cờ nghe được và đã “lên tiếng báo động” với văn phòng Tổng Thanh Tra của ngành tình báo là ông Michael Atkinson khiến cho ông Trump phải đành công khai một phần nội dung những cuộc điện đàm này cho mọi người thấy rõ phần nào sự thật.
Tuy vậy, thay vì tỏ ra xấu hổ hoặc hối tiếc vì câu chuyện không hay của mình bị tiết lộ, TT Trump còn trả đũa khi lên tiếng chỉ trích người lên tiếng báo động này với những lời lẽ có tính cách hăm doạ, và sau đó còn “tố mạnh” hơn nữa khi công khai kêu gọi nhà cầm quyền Trung Cộng là hãy nên điều tra xem cha con ông Biden có làm điều gì sai quấy trong thời gian qua hay không.
Những người ủng hộ mù quáng cho TT Trump đương nhiên không thấy có điều gì sai quấy trong vấn đề này, và tiếp tục biện minh rằng đó là chuyện bình thường nếu như quả thật cha con ông Biden có làm điều gì sai quấy hoặc phạm pháp. Cho dù người ta cố tình không thấy một sự phi lý quá lộ liễu là một quốc gia có hệ thống an ninh tình báo hàng đầu trên thế giới với những cơ quan nổi tiếng như FBI, CIA từ nhiều năm qua, kể cả trong nhiệm kỳ của TT Trump, tại sao đã không tìm ra những điều sai trái và phạm pháp đó trong thời gian qua (về cha con ông Biden) nếu như nó đã xảy ra khiến cho một ông tổng thống Mỹ phải đi cầu cứu các chính quyền của những nước kẻ thù như Trung Cộng, Nga Sô để điều tra giúp mình?
Sự việc này khiến người ta nhớ lại chuyện đã gây xôn xao hồi tháng 6 vừa qua khi TT Trump cũng đã thú nhận với xướng ngôn viên trụ cột của đài ABC News là George Stephanopoulos rằng ông không ngần ngại đón nhận những tin tức nói xấu về các đối thủ chính trị cho dù nó được cung cấp bởi các nước kẻ thù như Trung Cộng, Nga Sô thay vì theo lẽ thường mọi người đều phải có nhiệm vụ thông báo cho cơ quan FBI để giải quyết mỗi khi họ nhận được những tin tức từ các nước ngoài như vậy. TT Trump lúc đó đã trả lời rằng: “Không có gì sai trái cả khi tôi ngồi nghe họ cung cấp những tin tức như vậy. Điều đó không có nghĩa là một vụ họ xen lấn (vào chuyện bầu cử nội bộ của Mỹ). Bọn họ có được những tin tức. Thế thì tôi nghĩ là tôi sẽ sẵn sàng đón nhận nó. Nếu như tôi thấy có điều gì đó sai trái, từ đó có thể tôi sẽ đi gặp cơ quan FBI.”
Lời xác nhận rõ ràng này đã gây sự căm phẫn từ nhiều chính trị gia thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà, và đã khiến cho bà Ellen Weintraub, Chủ tịch Uỷ Ban Bầu Cử Liên Bang, phải bắn ra một mẩu tin ngắn trên mạng Twitter để xác nhận rằng việc một ứng cử viên hay một ban vận động tranh cử “thỉnh cầu, đồng ý hay đón nhận bất cứ một thứ gì có giá trị từ một người nước khác liên quan đến chuyện bầu cử tại Hoa Kỳ là một điều phi pháp.”
Và lần này, bà Weintraub cũng đã phải lại lên tiếng lần nữa để nhắc lại cho mọi người biết về lời xác nhận của bà trước đây về tính chất phi pháp của việc đón nhận sự giúp đỡ của một cá nhân hay chính quyền nước ngoài liên quan đến chuyện bầu cử tại nước Mỹ.
Thật ra khi nói đến chuyện vận động tranh cử, người ta có thể không từ bỏ mọi thủ đoạn nào miễn sao nó có lợi cho mình, hoặc bất lợi cho đối phương, cho dù đó là những biện pháp hay chiến thuật sử dụng có tính cách “ma giáo” (negative campaign) kiểu “đánh dưới thắt lưng quần” khiến người đời khó nể phục nhưng đôi khi lại rất hiệu quả. Nhưng dẫu sao đi nữa, các ứng viên tranh cử dù là theo Cộng Hoà hay Dân Chủ, từ trước tới nay vẫn đề ra một lằn ranh không thể vượt qua: đó là họ không thể chấp nhận việc sử dụng những thông tin được cung cấp bởi những người nước ngoài, dù là đồng minh hay kẻ thù, để đánh bại đối phương, có lẽ do bởi tinh thần tự hào quốc gia của họ.
Hơn thế nữa, luật pháp cũng còn quy định rõ ràng điều này là chuyện phi pháp và chắc chắn sẽ phải đón nhận hậu quả của cuộc điều tra bởi chính quyền liên bang. Tuy nhiên với TT Trump, có lẽ vì quá quen với phản ứng phải giành được phần thắng với bất cứ giá nào theo cung cách của một nhà buôn hám lợi, ông không còn coi trọng cái lằn ranh không thể vượt qua đó mà sẵn sàng chấp nhận miễn là nó có thể mang về lợi ích nhất thời cho ông.
Mới đây, một bài phân tích tổng hợp đăng trên tờ Washington Post của bốn nhà báo là Greg Miller, Paul Sonne, Greg Jaffe và Michael Birnbaum đã giúp cho người đọc hiểu rõ thêm phần nào về những diễn tiến của vụ xì-căng-đan đang nổ lớn trên chính trường Hoa Kỳ khiến cho bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ Viện, đã quyết định cho tiến hành thủ tục điều tra để luận tội TT Trump trong vụ này, đặc biệt là để xác định xem TT Trump phải chăng đã vi phạm vào nhiều sai phạm nghiêm trọng như lạm quyền chức vụ tổng thống, vi phạm luật lệ bầu cử, phản bội quyền lợi quốc gia, hối lộ, hù doạ nhân chứng và cản trở công lý.
Theo nhà báo Greg Walters phân tích trong một bài báo trên diễn đàn Vice News, thật ra chính quyền liên bang có thể mở một cuộc điều tra để tìm hiểu sự thật chỉ dựa vào một vài hành động mang tính cách ít nghiêm trọng hơn những gì mà TT Trump và các phụ tá cao cấp của ông đã nhúng tay vào. Do đó, cuộc điều tra lần này do Hạ Viện đứng ra chủ trì cũng là điều bình thường, nếu không muốn nói đó là điều cần phải làm bởi những cơ quan điều tra về an ninh của Hoa Kỳ. Hơn thế nữa, cuộc điều tra này của Hạ Viện cũng cần thiết do bởi Bộ Tư Pháp dưới quyền của ông William Barr và Bộ Ngoại Giao dưới quyền của ông Mike Pompeo đã không hành xử đúng chức năng của mình, để xét xem liệu TT Trump đã phạm vào những sai lầm như sau:
Lạm Quyền Tổng Thống – TT Trump tự ý ngưng khoản viện trợ 391 triệu Mỹ-kim do Quốc Hội Hoa Kỳ đã chuẩn thuận để áp lực buộc Ukraine phải điều tra đối thủ chính trị đáng ngại nhất của ông trong kỳ bầu cử năm 2020 là cựu TT Joe Biden, ứng viên từ nhiều tháng qua vẫn luôn được đánh giá là luôn bỏ xa TT Trump trong tất cả những cuộc thăm dò dân ý, kể cả những cuộc thăm dò trong nội bộ của đảng Cộng Hoà.
Việc tự ý hoãn tiền viện trợ này không dựa trên những lý do chính đáng nào mà chỉ vì những toan tính riêng tư của ông Trump muốn làm hại đối thủ đáng ngại nhất của mình. Như vậy, TT Trump có thể bị luận tội là đã lạm dụng chức vụ nguyên thủ quốc gia để mưu cầu cho lợi ích riêng tư của mình thay vì cho quốc gia theo như lời thề khi nhậm chức.
Bản báo cáo dài 9 trang của nhân viên ẩn danh “thổi còi báo động” cho biết là TT Trump đã yêu cầu TT Zelensky của Ukraine tổng cộng đến 8 lần để mở cuộc điều tra về bố con ông Biden. Không những vậy, ông còn áp lực bằng cách ra lệnh cho PTT Mike Pence hủy chuyến đi đến thủ đô Kiev dự lễ nhậm chức của ông Zelensky như dự định lúc ban đầu, và thay thế bằng một viên chức cấp thấp hơn là Tổng Trưởng Năng Lượng Rick Perry.
Vi Phạm Luật Lệ Bầu Cử – Luật lệ ghi rất rõ rằng bất cứ một người Mỹ nào yêu cầu một người nước ngoài giúp đỡ mình để thắng cử tại Mỹ là đã phạm pháp.
Việc TT Trump áp lực TT Zelensky của Ukraine phải mở cuộc điều tra kiểu “bới lông tìm vết” xem có điều gì sai trái từ cha con ông Biden cho mục đích tấn công trong cuộc bầu cử sắp tới quả tình là việc vi phạm luật lệ bầu cử của Hoa Kỳ. Bằng chứng về cuộc điện đàm giữa hai vị tổng thống ngày 25/7 vừa rồi, đầu tiên do một nhân viên tình báo “lên tiếng báo động” và sau đó được TT Trump công bố cho mọi người nghe, là bằng chứng rõ ràng. Không những thế, TT Trump còn cử luật sư riêng của mình là Rudy Giuliani và Tổng trưởng Tư Pháp William Barr can thiệp với các viên chức của Ukraine nhiều lần về cùng vấn đề này. Vì thế nên nhân viên ẩn danh này đã báo động rằng “chiếu theo nhiệm vụ chính thức của mình, tôi đã nhận được tin tức từ nhiều viên chức chính quyền cho biết rằng TT Mỹ đã sử dụng quyền hành để nài nỉ sự can thiệp từ một chính phủ nước ngoài vào cuộc bầu cử năm 2020.”
Hối Lộ – Theo các cựu công tố viên liên bang, hành động của TT Trump áp lực TT Zelensky trong vụ này có thể được truy tố như là một hành động hối lộ. Luật lệ tại Hoa Kỳ quy định rằng việc hối lộ cũng như đòi hối lộ đều được coi là phạm tội.
TT Trump tự ý ngưng cấp khoản viện trợ 391 triệu Mỹ-kim mà Quốc Hội Mỹ đã đồng ý cho Ukraine để tự bảo vệ trước áp lực đe doạ của Nga, với hậu ý là sẽ tháo khoán số tiền này nếu như TT Zelensky chịu mở cuộc điều tra bố con ông Biden. Điều này có nghĩa là TT Trump đã sử dụng số tiền này, vốn là tiền thuế của người dân Mỹ để hối lộ chính phủ Ukraine làm một việc có lợi riêng cho ông trong chiến dịch tranh cử vào năm tới.
Phản Bội Quyền Lợi Quốc Gia – Quốc Hội Hoa Kỳ, với sự đồng ý của đa số các vị dân cử thuộc cả hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ, đã đồng ý biểu quyết việc cấp viện trợ 391 triệu Mỹ-kim cho Ukraine vì biết rằng quốc gia này đang cần số tiền đó để tăng cường ngân sách quốc phòng trước hiểm hoạ xâm lăng của lân bang Nga. Như vậy, việc ngưng khoản viện trợ này, mà không có lý do chính đáng, không những làm tăng rủi ro cho Ukraine mà còn gây hại đến quyền lợi và an ninh của Hoa Kỳ, vì vô tình làm lợi cho Nga vốn là kẻ thù rất đáng ngại cho quyền lợi lâu dài của Hoa Kỳ. Mà tất cả những hành động tai hại đó được thực hiện chỉ vì quyền lợi nhất thời cho riêng cá nhân TT Trump.
Hù Doạ Nhân Chứng – Sau khi nội vụ được tiết lộ bởi một viên chức ẩn danh đã chịu “thổi còi báo động”, TT Trump bèn áp dụng biện pháp hù doạ cổ điển là chỉ trích người này là gián điệp và muốn tìm hiểu tung tích người đó là ai để đem ra trù dập hay xét xử, dù rằng luật pháp đã có quy định bảo vệ sự an toàn cho người này. Vì thế nên các vị dân biểu chủ tịch các uỷ ban tiến hành thủ tục điều tra luận tội đã đưa ra một bản nhận định chung để cho rằng “lời nhận định của TT Trump là một hành động hăm doạ nhân chứng đáng khiển trách và là một mưu toan cản trở cuộc điều tra của Quốc Hội. Những đe doạ bạo lực từ một vị nguyên thủ quốc gia có ảnh hưởng làm nhụt khí trên toàn bộ tiến trình điều tra, với những hậu quả nghiêm trọng đối với nền dân chủ và an ninh quốc gia.”
Cản Trở Công Lý – Theo báo cáo của người ẩn danh “thổi còi báo động”, sau khi nội vụ có dấu hiệu bị tiết lộ và cảm thấy có điều gì đó bất thường, các phụ tá ở Toà Bạch Ốc đã tìm cách ém nhẹm bằng cách chuyển tất cả hồ sơ ghi âm các cuộc điện đàm này vào một hệ thống máy điện toán đặc biệt giành cho những tài liệu thuộc loại “tối mật” về quốc phòng, với mục đích là không muốn cho nhiều người biết đến.
Hơn nữa, khi văn phòng Tổng Thanh Tra trình báo sự việc lên Tổng trưởng Tư Pháp William Barr để xin mở cuộc điều tra, ông này lại tìm cách ém nhẹm và còn khuyến cáo là không nên chuyển hồ sơ báo động này lên cho Quốc Hội. Như vậy, phụ tá cao cấp của TT Trump là ông tổng trưởng Barr cũng có thể bị cáo buộc tội can dự vào việc cản trở công lý.
Trở về với bài báo phân tích trên tờ Washington Post, các nhà báo điều tra đã phỏng vấn khoảng hơn hai chục viên chức cao cấp đã hoặc đang phục vụ trong chính quyền nhưng muốn giữ kín danh tính để tránh bị các biện pháp trả đũa. Cùng lúc đó, họ cũng đã tìm hiểu tất cả các tài liệu mới vừa được cung cấp bởi các uỷ ban điều tra ở Hạ Viện.
Một trong những nhân vật chủ chốt gây ra vụ xì-căng-đan hiện nay chính là ông Gordon Sondland, hiện là Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Âu Châu, và nguyên nhân chính dẫn đến vụ này cũng bắt nguồn từ việc ông Sondland, cũng như nhiều viên chức thuộc hạ của TT Trump, đều sẵn sàng làm tất cả những hành động gì mà không cần để ý đến tính chất nghiêm túc và hợp pháp của nó, miễn sao nó có thể chứng minh sự trung thành tuyệt đối của họ với sếp trên vì mọi người đều đã rõ về bản tính của TT Trump là chỉ thích mọi người phải trung thành và nịnh bợ mình.
Ông Sondland trước đây không có thành tích gì sáng chói, cũng như không có chút kinh nghiệm nào trong lãnh vực ngoại giao. Nhưng ông có công đóng góp đáng kể là đã bỏ ra số tiền 1 triệu Mỹ-kim vào quỹ thực hiện lễ nhậm chức TT Trump vào đầu năm 2017. Và nhờ thế nên ông đã được ban tặng chức vụ đại sứ, một viên chức cao cấp được bổ nhiệm vì nhu cầu chính trị (political appointee) mà bất cứ tân chính quyền nào cũng thường áp dụng.
Trong những tháng gần đây, ông Sondland đã dần dần lún sâu vào các hoạt động ngoại giao tại Ukraine và có lúc còn qua mặt một viên chức cao cấp hơn là Cố Vấn An Ninh Quốc Gia John Bolton do bởi một lý do duy nhất: đó là ông đã được sự cho phép bởi TT Trump. Ông đã làm việc tích cực với ông Kurt Volker, Đặc Sứ của Hoa Kỳ tại Ukraine, để lèo lái chính sách ngoại giao sau hậu trường giữa hai nước sau khi TT Trump đã không hài lòng và cách chức một viên chức kỳ cựu trong ngành ngoại giao là bà Đại sứ Marie Yovanovich.
Kể từ giữa tháng Năm vừa qua, mối giao hảo giữa Hoa Kỳ và Ukraine có dấu hiệu rạn nứt sau việc bà đại sứ Mỹ bị triệu hồi mà không có lý do chính đáng. Trong khi đó, vị tân tổng thống đang mong mỏi nhận được sự trợ giúp tích cực từ phía Hoa Kỳ. Nhưng những thông tin trao đổi qua lại giữa các viên chức cao cấp trong thời gian qua cho thấy là hai ông Sondland và Volker đã cùng bàn bạc với nhau và với những viên chức khác của Ukraine để chuyển thông điệp cho vị tân tổng thống Zelensky rằng ông ta sẽ không nhận được viện trợ của Hoa Kỳ, cũng như không được lời mời đến viếng thăm tại Toà Bạch Ốc trừ khi chính quyền của ông cam kết sẽ mở một cuộc điều tra “bới lông tìm vết” về cha con ông Joe Biden mà TT Trump mong rằng sẽ phanh phui được những chi tiết nào đó bất lợi cho ông Biden trong kỳ bầu cử sắp tới. Thay vì những lời trao đổi dưới hình thức điện thư trong nội bộ của Bộ Ngoại Giao, những nhà ngoại giao này lại liên lạc với nhau bằng tin nhắn qua mạng WhatsApp trên các điện thoại di động.
Ông Volker nói với một viên chức phụ tá cao cấp ở Ukraine rằng TT Zelensky có thể thuyết phục được TT Trump rằng ông sẽ tìm hiểu rõ ràng về những gì đã xảy ra trong kỳ bầu cử năm 2016 thì sau đó ông sẽ có cơ hội được gặp gỡ TT Trump tại Toà Bạch Ốc. Điều này bắt nguồn từ việc ông Trump vẫn luôn bị ám ảnh rằng phía Ukraine đã tìm cách phá hoại ông trong kỳ bầu cử vừa qua.
Về mặt ngoại giao chính thức, hai ông Sondland và Volker đã áp lực phía Ukraine về một số những yêu cầu của TT Trump. Mặt khác, TT Trump cũng ra lệnh cho luật sư riêng của ông là Rudy Giuliani cũng bắn tiếng qua những phương tiện khác để chuyển đi cùng một thông điệp. Và nội dung chính của nó được phơi bày trong một cuộc điện đàm vào ngày 25/7 giữa hai vị tổng thống do một lời tố cáo của một nhân viên ẩn danh gửi đến văn phòng Tổng Thanh Tra và sau đó mới được tiết lộ lên cho Quốc Hội biết, và phía Toà Bạch Ốc cũng đành phải công nhận là chuyện có thật.
Phía Ukraine quả tình là một nước đang lâm vào tình trạng khó khăn và cần sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Tuy nhiên ông Zelensky cũng đủ khôn ngoan để biết rằng ông không thể mù quáng chấp nhận những lời yêu cầu của TT Trump để can thiệp sâu vào nội tình chính trường Hoa Kỳ (qua việc “bới lông tìm vết” về cha con ông Biden) vì có thể sẽ làm phật lòng cho các viên chức phe Dân Chủ sau này. Nhưng đồng thời ông Zelensky cũng không thể làm phật lòng TT Trump nếu như không thoả mãn những đòi hỏi nhất thời.
Các viên chức kỳ cựu trong ngành ngoại giao và tình báo của Hoa Kỳ cũng ý thức được điều khó khăn và tế nhị này vì từ trước tới nay, họ chưa bao giờ đứng trước một tình huống như vậy với một vị tổng thống Mỹ đã có những lời nói và quyết định bất thường và khác lạ nhất so với tất cả các vị tổng thống tiền nhiệm. Nhưng những phụ tá trung thành với TT Trump như ông Sondland thì không ngần ngại dấn thân vào những việc này, miễn sao nó làm cho sếp lớn hài lòng để họ vẫn còn được TT Trump tiếp tục tin dùng thay vì cách chức như đã xảy ra với rất nhiều các phụ tá cao cấp khác.
Những mẩu tin trao đổi giữa hai ông Sondland và Volker cho thấy họ càng ngày càng lún sâu vào một thoả thuận chính trị giữa hai vị nguyên thủ Trump và Zelensky. Theo đó, Ukraine sẽ nhận được viện trợ quân sự từ Hoa Kỳ và ông Zelensky sẽ được mời đến viếng thăm Toà Bạch Ốc sau khi đã cam kết sẽ mở lại một cuộc điều tra về công ty năng lượng Burisma mà chủ nhân đã thuê mướn con trai của ông Joe Biden vào hội đồng quản trị với đồng lương khoảng $50,000 mỗi tháng.
Vào ngày 19/7, ông Sondland bắn tiếng cho ông Volker rằng ông ta đã nói chuyện trực tiếp với TT Zelensky để trình bày đầy đủ chi tiết. Còn ông Volker thì trả lời rằng ông cũng đã trình bày mọi chuyện với luật sư riêng của TT Trump là ông Giuliani. Ông Volker kết luận rằng điều quan trọng nhất mà ông Zelensky cần phải làm là lên tiếng rằng ông sẽ tích cực can thiệp vào cuộc điều tra này.
Dĩ nhiên, các viên chức kỳ cựu trong ngành ngoại giao và tình báo thuộc cả hai nước Hoa Kỳ và Ukraine đều bắt đầu cảm thấy lo ngại trước những chuyển biến quan trọng như vậy bắt đầu được hé lộ ra ngoài, nhất là xuyên qua những lời tuyên bố mạnh miệng và vung vít của ông Giuliani trên nhiều diễn đàn truyền thông. Và điều này sau đó đã dẫn đến việc một nhân viên ẩn danh đã quyết định “lên tiếng báo động” bằng cách báo cáo lên văn phòng tổng thanh tra.
Một trong những viên chức cao cấp và kỳ cựu bầy tỏ sự lo ngại của mình là ông William Taylor, trước đó đã từng là Đại sứ Mỹ tại Ukraine từ năm 2006 đến 2009 dưới thời hai vị tổng thống Bush Con và Obama. Ông Taylor chỉ chấp nhận lời thỉnh cầu của ông Volker để trở lại chức vụ đại sứ này trong thời gian tạm thời sau khi bà Đại sứ Yovanovich bị TT Trump cách chức. Trong một đoạn trao đổi giữa hai người, ông Volker than phiền rằng ông đang cố gắng bơi lội trong cái thế giới mới đầy nghiêng ngửa này, và ông Taylor đã phúc đáp trở lại rằng “Tôi cũng không biết chắc rằng đó là cái thế giới mà tôi muốn đặt chân đến.”
Vào ngày 21/7, ông Taylor nhắc lại sự lo ngại rằng việc Ukraine đang bị sử dụng như là “con cờ trong những đấu đá chính trị của Hoa Kỳ”. Nhưng ông Sondland đã lập tức bác bỏ sự lo ngại này, và nói rằng ông Taylor không nhìn thấy rằng điều quan trọng nhất để cải thiện mối quan hệ giữa hai nước là chỉ cần làm theo ý muốn của TT Trump.
Qua ngày hôm sau, phụ tá cao cấp của TT Zelensky là ông Andrey Yermak đã có cuộc điện đàm với ông Giuliani. Vì đã được hướng dẫn từ trước bởi hai ông Sondland và Volker, ông Yermak dường như đã bảo đảm với ông Giuliani rằng TT Zelensky sẽ đồng ý những yêu cầu đó trong một cuộc điện đàm sắp tới với TT Trump.
Đến ngày 25/7 khi cuộc điện đàm giữa hai lãnh tụ diễn ra, nhiều viên chức cao cấp ở Toà Bạch Ốc trước đó có nghe loáng thoáng nhưng không nắm rõ chi tiết bắt đầu cảm thấy hốt hoảng trước nội dung những lời đòi hỏi của TT Trump khi yêu cầu một cách lộ liễu như vậy, nên họ bèn phản ứng bằng cách đem giấu toàn bộ nội dung những lời đối thoại vào một hệ thống máy điện toán giành riêng cho những tài liệu “tối mật” về an ninh quốc phòng.
Tuy nhiên, đối với những viên chức ngoại giao can dự vào vụ này, cuộc điện đàm giữa hai vị tổng thống được xem như là một bước ngoặt đáng kể. Ông Yermak kể lại với ông Volker rằng cuộc điện đàm diễn ra tốt đẹp, và ông Zelensky nhận được lời hứa là sẽ được mời đến viếng thăm Toà Bạch Ốc, dù rằng ngày giờ chưa được xác định. Và ông Volker đã trả lời rằng ông sẽ sắp xếp một cuộc gặp gỡ tại thủ đô Madrid giữa hai ông Yermak và Giuliani để giàn xếp chuyến viếng thăm ngoại giao này.
Theo lời kể của ông Volker, ông Giuliani nói rằng TT Ukraine cần phải đưa ra lời tuyên bố công khai rằng ông sẽ mở cuộc điều tra. Cả hai ông Sondland và Volker liền soạn thảo bản văn mà phía Ukraine sẽ công bố sau khi đặt chân đến Hoa Kỳ. Sau khi họ trình bày bản văn dự thảo này, ông Giuliani tỏ ra không hài lòng, vì nó không nói rõ ràng và chi tiết, và vì thế nên ông ta đòi hỏi phía Ukraine phải nói chi tiết về vụ bầu cử năm 2016 và công ty Burisma, cơ quan năng lượng có thuê mướn con trai ông Biden vào hội đồng quản trị.
Đến ngày 10 tháng 8, ông Volker gửi tin nhắn cho ông Yermak để nói rằng một khi bản văn này được soạn thảo lại cho đầy đủ và ưng ý, họ có thể dùng nó để có được ngày chính thức đến viếng thăm TT Trump tại Toà Bạch Ốc.
Phía ông Yermak cũng phúc đáp rõ ràng về sự thoả thuận giữa đôi bên: “Một khi chúng tôi có được ngày giờ chính thức, chúng tôi sẽ mở một cuộc họp báo để báo tin về chuyến viếng thăm ngoại giao này để đẩy mạnh lại quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Ukraine, trong đó có cả việc liên quan đến công ty Burisma và những cuộc điều tra về sự xen lấn vào chuyện bầu cử.”
Nhưng rồi sau đó, bản văn dự thảo đã được dẹp bỏ sau khi phía Ukraine cảm thấy không thoải mái khi lên tiếng công khai và chi tiết về công ty Burisma và chuyện điều tra về việc xen lấn vào chuyện bầu cử tại Hoa Kỳ.
Đến lúc này, cả hai ông Sondland và Volker mới thấy rằng mình đã lún sâu quá nhiều vào những biến chuyển nổ ra tại thủ đô Washington đang bị phanh phui dần về những mưu toan của họ và từ đó dẫn đến cuộc điều tra để luận tội tổng thống Trump.
Vào ngày 12 tháng 8, một ngày trước khi hai ông Volker và Sondland trao đổi cho nhau những mẩu tin đắc thắng về chuyện họ đã đạt được một bản văn mà TT Zelensky sẽ đọc như họ mong muốn, một nhân viên ẩn danh của cơ quan tình báo CIA đã nộp một bản tường trình dài 9 trang để “lên tiếng báo động” về những điều được xem là bất thường lên văn phòng Tổng Thanh Tra. Những diễn biến dồn dập xảy ra trong những ngày sau đó đã dẫn đến việc mọi sự bắt đầu được phanh phui trong các buổi điều trần kín tại Uỷ Ban Tình Báo của Hạ Viện.
Vào ngày 1 tháng 9, Đại sứ Taylor lại lên tiếng bầy tỏ sự lo ngại của mình với ông Sondland: “Phải chăng chúng ta đang nói với phía Ukraine rằng việc viện trợ để bảo đảm an ninh và được tiếp kiến tại Toà Bạch Ốc phải tuỳ thuộc vào việc họ phải mở những cuộc điều tra?” Cùng ngày hôm đó, trong một cuộc gặp gỡ tại thủ đô Warsaw, các viên chức của Ukraine cũng nhận được một thông điệp tương tự từ phía PTT Mike Pence khi ông nói với TT Zelensky rằng Hoa Kỳ vẫn còn quan tâm đến việc chính quyền Ukraine vẫn chưa làm hết sức về vấn đề tham nhũng (ngụ ý là muốn Ukraine nên mở lại các cuộc điều tra).
Tuy nhiên đến lúc này, ông Sondland không chịu trao đổi với ông Taylor bằng những mẩu tin nhắn, mà chỉ nói rằng “Anh hãy gọi cho tôi.”
Đúng một tuần sau đó, vào ngày 8 tháng 9, Đại sứ Taylor bắn ra một lời cảnh cáo nghiêm trọng hơn để nói rằng ông ta sẽ không tham dự vào một hành động nào có tính cách ép buộc TT Zelensky phải có một cam kết công khai theo ý của Hoa Kỳ cũng như việc tự ý cúp ngân khoản viện trợ quân sự cho Ukraine mà họ đang rất cần có: “Điều ác mộng sẽ xảy ra nếu như họ đồng ý cuộc phỏng vấn nhưng rồi sau đó cũng không được viện trợ. Nếu như điều này xảy ra, phía Nga sẽ là người hoan nghênh nhất. (Và cá nhân tôi sẽ xin từ chức.)”
Qua ngày hôm sau, Đại sứ Taylor quyết định liên lạc với ông Sondland một lần chót khi bắn ra mẩu tin nhắn: “Tôi nghĩ rằng việc cúp viện trợ quân sự để đòi hỏi một sự giúp đỡ trong chiến dịch tranh cử là một điều điên rồ.”
Đến lúc này, ông Sondland có lẽ cũng bắt đầy cảm thấy rằng những lời lẽ trao đổi kiểu này sẽ dẫn đến những hậu quả bất lợi ra sao trước công luận một khi các điều tra viên tìm hiểu được sự thật, nên ông đã trả lời với một giọng văn thay đổi và nghiêm túc hơn: “Anh Bill, tôi tin rằng anh đã sai lầm khi nhận định về những ý định của TT Trump. Tổng thống Trump đã nói rất rõ: không hề có việc trao đổi qua lại (quid pro quo) dưới bất cứ hình thức nào trong vụ này.”
Sau đó không lâu, ông Volker cũng đã quyết định xin từ chức Đặc Sứ về Ukraine của Toà Bạch Ốc.
MAI LOAN
Houston, Texas, ngày 12 tháng 10/2019



Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2019

Biết thực sự là biết mình không biết!



Chu Thập

Theo dõi và hồi hộp chờ đợi kết quả của các giải Nobel năm nay, tôi thấy tiếc quá: cô nữ sinh Greta Thunberg, 16 tuổi, người Thụy Điển đã không được trao tặng Giải Nobel Hòa Bình! Nếu so sánh với Malala Yousafzai, cô nữ sinh người Pakistan đã nhận giải thưởng cao quý này năm 2014 khi chỉ mới 17 tuổi,  tôi nhận thấy hoạt động của Greta Thunberg có lẽ rộng lớn hơn nhiều. Gương anh dũng và lời kêu gọi của em đã vang dội khắp nơi: học sinh trung học và giới trẻ khắp nơi trên thế giới đã đồng loạt xuống đường để gây ý thức về khí hậu thay đổi và kêu gọi chính phủ các nước hãy có biện pháp chống lại hiện tượng này.
Nhưng dù không được trao tặng Giải Nobel Hòa Bình năm nay, Greta Thunberg cũng đã dạy cho tôi nhiều bài học quý giá. Khi bước vào bậc trung học, ê a vài câu tiếng Tây, tôi rất tâm đắc với câu ngạn ngữ Pháp “Ước gì người trẻ có được sự hiểu biết và người già có được sức lực!” (Si jeunesse savait, si vieillesse pouvait!). Gừng càng già cang cay. Chỉ cần lớn hơn mình vài tuổi, học trên mình vài lớp, tôi thấy bậc đàn anh của tôi sao mà thông thái quá! Cứ thế tôi lấy tuổi đời để đo lường sự hiểu biết và khôn ngoan của con người. Cũng có lúc tự so sánh mình với những người ít tuổi hơn, tôi cứ nghĩ mình “hơn” họ về kho tàng hiểu biết đã tích lũy được cũng như sự khôn ngoan. Với chút tự phụ, thỉnh thoảng mở miệng ra tôi cũng ca bài: Thời tôi thế này, thời tôi thế kia, chớ có đâu tệ như ngày nay!...Cứ như thể người trẻ ngày nay thua kém xa thế hệ đi trước!
Có thực sự là càng thêm tuổi con người càng có nhiều hiểu biết và khôn ngoan hơn người trẻ hơn mình không? Tôi cảm thấy ái ngại mỗi khi nhìn vào những nhà lãnh đạo già nua, dù trong chính trị hay tinh thần. Tôi không biết hai ứng cử viên Dân Chủ Bernie Sanders năm nay đã 78 tuổi và Joe Biden, người sẽ mừng sinh nhựt thứ 77 vào tháng Mười Một này, có chạy cho đến cùng trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc vào năm tới không, chớ đừng nói tới chuyện còn đủ sức để cai trị một đất nước “vĩ đại” như Hoa Kỳ. Tôi lo cho hai ông, bởi vì một ông thì bệnh hoạn tuổi già sức yếu, còn một ông thì nổi tiếng với thành tích bạ đâu nói đó.
Người già thiếu sức là điều hiển nhiên. Nhưng có phải hễ già thì đương nhiên có nhiều hiểu biết và khôn ngoan hơn người trẻ không? Càng thêm tuổi, tôi càng nghi ngờ về chân lý này. Tôi nói thế khi dựa vào kinh nghiệm bản thân. Thật vậy, nhìn lại quãng đời mình đã đi qua, tôi thấy mình ngu nhiều hơn khôn. Sở dĩ tôi nhận ra được sự ngu dốt của mình là vì so sánh với người trẻ. Hơn bao giờ hết, ngày nay tôi thấy mình bị bỏ rơi lại đàng sau quá xa về rất nhiều mặt. Khoảng cách về hiểu biết giữa tôi và giới trẻ ngày nay là trời bể. Nhờ các phương tiện truyền thông ngày càng tân tiến tiến, ngay cả một học sinh tiểu học cũng có thể biết nhiều hơn tôi. Còn bàn về sự khôn ngoan thì tôi lại càng nghi ngờ về mình hơn. Đã thất thập cổ lai hy và mấy năm lẻ rồi mà tôi có thấy mình “khôn” hơn rất nhiều người trẻ hơn tôi đâu. Nếu có một sự hiểu biết mà tôi cầm chắc trong tay được thì sự hiểu biết đó là: biết thực sự là biết mình không biết!
Câu nói có mùi triết lý trên đây không phải do tôi phát kiến tìm ra mà đã từng được gán cho ông tổ của triết học Tây Phương là Socrates (470-399 trước Công nguyên). Cùng với câu “Người ơi, hãy tự biết mình”, có lẽ không có sinh viên triết học nào mà không mang câu nói ấy ra tụng niệm.
Thật ra, Đông Tây gặp nhau, triết học Đông Phương cũng có một câu tương tự. Như trong sách Luận Ngữ chẳng hạn, người ta cũng đọc được câu: “Biết thì biết là mình biết. Không biết thì cũng biết rõ là mình không biết. Đó mới thực sự là người biết” (Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Tôi tự học, NxB Trẻ, Sài Gòn).
Sở dĩ tôi cứ loay hoay với cái biết là bởi vì mới đây có một ông già, cùng một tuổi với tôi, đã nói một câu để đời trong rất nhiều câu để đời. Số là sau khi tuyên bố rút quân Mỹ ra khỏi phía Bắc Syria và dĩ nhiên, như thế giới đang thấy diễn ra hiện nay, bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd, một đồng minh sát cánh với Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống lại “Quốc gia Hồi giáo”  (ISIS), ông già Donald Trump đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ: “Nếu Thổ Nhĩ Kỳ làm điều gì mà tôi, với sự khôn ngoan vĩ đại không ai sánh bằng của tôi (in my great and unmatched wisdom), thấy là vượt qua giới hạn, thì tôi sẽ phá hủy và tiêu diệt hoàn toàn nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Liệu ông có phá hủy và tiêu diệt hoàn toàn nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ không là chuyện hạ hồi phân giải. Riêng tôi chỉ chú trọng đến “sự khôn ngoan vĩ đại không ai sánh bằng” của ông. Lâu nay tôi tưởng chỉ có một người tự xưng là “Vô Thượng Sư”. Nay tổng thống thứ 45 của Mỹ dường như muốn tiếm đoạt ngôi vị của bà để tự xưng là người “khôn ngoan” không ai bằng! Thời buổi này mà dám tự xưng như thế thì quả là...không giống ai. Tôi chỉ nói “không giống ai” thôi. Tác giả Ký Già của tờ Thời Báo, trong bài “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” hay là “Hết Thuốc Chữa", đăng trong mục tạp ghi ngày 11 tháng Mười vừa qua, đã phân tách câu nói của tổng thống Trump một cách thấu đáo hơn. Trích dẫn 10 triệu chứng của chứng rối loạn nhân cách (Narcissistic Personality Disorder) do Hội Y sĩ Tâm Thần Học Hoa Kỳ chỉ ra, tác giả Ký Gà viết rằng  “Hội này nói rằng chỉ cần có biểu hiện của từ 5 trong 10 triệu chứng trở lên thì đã được coi là mắc chứng rối loạn nhân cách”. Theo Ký Gà, đương kim tổng thống Mỹ có thừa hơn 5 triệu chứng ấy, đặc biệt là “không từ bỏ một cơ hội nào để khoe khoang các thành tích, sự tài giỏi, sự khôn ngoan, sự giàu có của mình, cái gì ổng cũng phải nhứt” hết.
Tôi không phủ nhận sự thông minh và tài năng của Tổng thống Trump. Nhưng bàn về sự khôn ngoan thì tôi thấy tiếng Việt mình phong phú và giúp tôi hiểu rõ hơn về cái khôn của con người. Quả thật, tiếng Việt phân biệt nhiều cái khôn: nếu có khôn ngoan thì cũng có khôn lỏi, khôn ranh, khôn vặt...Không cần phải là một chuyên gia tâm lý để có thể phân biệt được một người khôn ngoan thật sự với một kẻ khôn lỏi, khôn ranh, khôn vặt...Những cái khôn này quả là vô tận. Ai muốn tự nhận mình vô địch cũng được! Trái lại, minh triết ở đâu và thời nào cũng đều mách bảo: khôn ngoan hay biết thực sự là biết mình không biết. Tựu trung, khôn ngoan thực sự là biết nhận ra những giới hạn và bất toàn của mình.



Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2019

Tại sao dân chúng chạy theo những nhà lãnh đạo xấu?



Ronald E Riggio Ph.D
                                                                               Chu Thập chuyển ngữ

Hiện nay  có 50 nước, tức một phần tư các quốc gia trên thế giới,  được cai trị bởi những nhà độc tài. Tùy theo cách bạn định nghĩa thế nào là “những nhà lãnh đạo xấu”, trên thế giới còn có một phần tư các nước hay hơn hiện đang được lãnh đạo bởi những cá nhân vô đạo, bất ổn hay không có khả năng. Tuy nhiên, chúng ta ít khi thấy những dịp dân chúng nổi lên lật đổ bất cứ nhà lãnh đạo xấu này. Vậy thì câu hỏi cần được đặt ra là: Tại sao dân chúng cố tình (hay vô tình) chạy theo những nhà lãnh đạo xấu?

Sau đây là nhiều lý do và những yếu tố tâm lý nổi bật:

1.Dân chúng thích những nhà lãnh đạo “mạnh”
Phần lớn trong chúng ta muốn các nhà lãnh đạo của chúng ta phải tỏ ra “mạnh” và tự tin, nhưng rất nhiều người trong chúng ta lại lầm lẫn sự hung hãn và kỷ ái (narcissism) với sức mạnh. Đây là một sai lầm. Các cuộc nghiên cứu cho thấy rõ ràng rằng những nhà lãnh đạo tồi tệ nhứt - tức những người đã trở thành bạo chúa - là những người rất kỷ ái và hung hãn.
Tại sao những nhà lãnh đạo này luôn thất bại? Tính kỷ ái của họ thuyết phục họ rằng họ luôn luôn đúng; điều này có nghĩa là họ không màng đến sự cố vấn và lời khuyên của người khác cũng như không học được từ những sai lầm của họ. Những nhà lãnh đạo vĩ đạo là những người khiêm tốn. Họ lắng nghe tiếng nói của người khác bởi vì họ ý thức được những giới hạn của mình. Hơn nữa, họ không ngừng cố gắng cải thiện để trở thành những nhà lãnh đạo tốt hơn.
2.Chúng ta là nạn nhân của sự suy nghĩ hẹp hòi của chúng ta.
Sự suy nghĩ hẹp hòi được các chuyên gia tâm lý gọi bằng một danh từ chuyên môn là “Heuristics”, tức cách tiếp cận và giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng. Chúng ta sử dụng phương cách này để khỏi phải suy nghĩ và phân tách quá nhiều (chúng ta có khuynh hướng lười suy nghĩ). Một lý do khiến các nhà lãnh đạo xấu “trụ” được trong quyền lực hay tái cử là vì chúng ta suy nghĩ hẹp hòi và tự đánh lừa mình để tin rằng nhà lãnh đạo xấu “cũng được thôi”. Sau đây là một số suy nghĩ hẹp hòi của chúng ta:
-Chúng ta chấp nhận vô điều kiện cái nhìn của nhà lãnh đạo.
Vì nhiều lý do, nhiều người chạy theo một nhà lãnh đạo mà không hề đặt vấn đề một cách thấu đáo về hành vi của người đó. Khi một nhà lãnh đạo có hành vi xấu, tất cả những người chạy theo ông hay bà ta đều nhanh chóng tin tưởng lập luận của ông hay bà rằng “chẳng có gì là sai trái cả”. Chúng ta có khuynh hướng đặt các nhà lãnh đạo lên bệ thờ. Đây là điều mà Jim Meindl, một học giả chuyên về thuật lãnh đạo, gọi là “sự say mê lãnh đạo” (Romance of Leadership). Thái độ này khiến chúng ta không muốn tìm hiểu thấu đáo, nhưng thay vào đó chấp nhận sự giải thích của nhà lãnh đạo.
-Chúng ta hùa theo cái nhìn của phe nhóm chúng ta. Chúng ta tin tưởng những người giống chúng ta hay những người có những hệ tư tưởng giống chúng ta. Nếu những người có cùng niềm tin và ý thức hệ chính trị giống chúng ta ủng hộ một nhà lãnh đạo, chúng ta cũng hùa theo để ủng hộ người đó. Trong các cuộc bầu cử ở Mỹ, 80 phần trăm những người theo Dân Chủ và Cộng Hòa luôn luôn ủng hộ những thành viên của đảng họ.
-Chúng ta tin rằng một người khác còn tệ hơn nhà lãnh đạo của chúng ta (thà một lãnh đạo tồi hơn là một người chúng ta không biết..). Thành kiến về người bên trong và nhóm bên ngoài là một yếu tố rất mạnh trong lối suy nghĩ hẹp hòi của chúng ta. Nó dễ tạo ra niềm tin cho rằng chúng ta là “người tốt” và những người bên ngoài phe nhóm chúng ta là những “người xấu”. Như vậy, bất cứ lãnh tụ nào không phải là “người của chúng ta” đều là người xấu và sẽ còn tệ hơn nhà lãnh đạo tồi mà chúng ta đang có.
-Chúng ta tìm cách biện minh. Tìm cách biện minh cho “tội lỗi” của các nhà lãnh đạo tồi của chúng ta là một thái độ rất bình thường của con người. Khi nhà lãnh đạo làm một điều sai trái, như ngoại tình, thậm thụt cửa sau, trục lợi, chúng ta biện minh: “Chả sao cả. Ông hay bà ấy là nhà lãnh đạo của ta mà!” và chúng ta tạo ra một luật trừ. Nếu chúng ta tiếp tục biện minh cho những hành động sai trái của nhà lãnh đạo, thái độ này sẽ tạo ra một lối mòn qua đó nhà lãnh đạo xấu sẽ  dấn sâu vào những hành vi ngày càng tồi tệ và sẽ không bao giờ chịu trách nhiệm.

3. Chúng ta đồng hóa hiệu năng với một nhà lãnh đạo tốt.
Chúng ta đánh giá cao các thành  quả, nhưng lại xem thường việc tìm hiểu xem các thành quả đó đã đạt được như thế nào (tức chủ trương “cứu cánh biện minh cho phương tiện”). Những nhà lãnh đạo xấu có thể đạt được những thành quả tốt (hoặc có tiếng là đạt được những thành quả tốt), nhưng lại đạt những thành quả ấy bằng những hành động xấu như lợi dụng người khác, dành công của người khác hay những hình thức bóc lột khác v.v.

4. Chúng ta “ăn có” quyền lực của nhà lãnh đạo
Chúng ta thích đứng về phía thắng cuộc và quyết tâm ủng hộ những nhà lãnh đạo xấu nếu chúng ta có được điều chúng ta chờ đợi nơi họ. Trong cuốn sách về sự lãnh đạo độc hại, Tiến sĩ Jean Lipman Blumen cho rằng sở dĩ có người chạy theo sau đuôi những nhà lãnh đạo xấu là bởi vì họ cảm thấy như mình cũng có quyền lực. Các “tín đồ” xấu bị các nhà lãnh đạo xấu lôi kéo vì họ có thể chia sẻ quyền lực.
Như thế, chính những khuynh hướng (xấu) của chúng ta giúp các nhà lãnh đạo xấu trụ lại trong quyền lực và tiến tới.
Vậy thì thế nào là một nhà lãnh đạo tốt?

Những nhà lãnh đạo tốt :

1.Tạo sự đoàn kết chứ không chia rẽ.
Những nhà lãnh đạo tốt không bao giờ gây chia rẽ nơi người mình lãnh đạo. Họ không tạo ra hiệu ứng “chúng ta chống lại họ”.

2.Đạt thành quả nhưng giới hạn những thiệt hại phụ.
Lãnh đạo tốt là người đạt được những thành quả tốt nhưng không bao giờ làm thiệt hại phúc lợi của những người ủng hộ mình hoặc phá hủy môi sinh hay biến bạn thành thù.

3. Chia sẻ sự lãnh đạo với những người ủng hộ mình.
Họ làm việc với những người ủng hộ mình, tham khảo ý kiến của họ, quan tâm đến họ và phát huy khả năng lãnh đạo của họ.

4. Để lại Đội ngũ, Tổ Chức hay Quốc Gia trong một tình trạng tốt đẹp hơn trước khi họ nắm quyền lãnh đạo.


Ronald E.Riggio , Ph.D là giáo sư về tâm lý lãnh đạo và tổ chức tại trường Đại học Claremont McKenna, Tiểu bang California Hoa Kỳ.