Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

Palestine và Ngày Thảm Họa



25/05/18
Việc Hoa Kỳ khai trương tòa đại sứ tại Jerusalem và xem Jerusalem như Thủ đô của Israel đã tạo ra một đợt sóng bạo động mới tại Gaza, Palestine. Các lực lượng Israel đã tấn công vào đám đông những người biểu tình tại Gaza khiến cho trên 60 người bị thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Hầu như cả thế giới đều lên án hành động bắn giết bừa bãi của Israel. Tuy nhiên “quan thày” của Israel là Hoa Kỳ vẫn cố tình để yên cho Israel ra tay tàn sát người Palestine. Khi cho dời tòa đại sứ từ Tel Aviv về Cổ thành Jerusalem, Tổng thống Trump muốn gởi đi một tín hiệu cho biết Chính phủ Hoa Kỳ hoàn toàn đứng về phía Israel trong cuộc xung đột triền miên giữa Israel và Palestine. Với hành động này, Tổng thống Trump đã được dân Israel tung hô như một anh hùng và ân nhân. Một công trường gần tòa đại sứ mới của Hoa Kỳ đã được đặt tên lại là công trường Trump để vinh danh ông. Một đội túc cầu của Jerusalem là “Beitar Jerusalem” đã đệm thêm tên ông vào tên của đội thành ra “Beitar “Trump” Jerusalem”. Nhưng Tổng thống Trump càng nở mặt thì người dân Palestine càng đau buồn.
Hoa Kỳ đã chọn ngày 14 tháng Năm vừa qua để khai trương tòa đại sứ tại Jerusalem bởi vì đây là ngày kỷ niệm Israel tuyên bố lập quốc. Thật vậy, ngày 14 tháng Năm vừa qua đánh dấu đúng 70 năm Israel tuyên bố độc lập. Nhưng với người Palestine, đây là một ngày thảm họa. Nếu người Việt tỵ nạn xem ngày 30 tháng Tư hàng năm là ngày “Quốc hận”, thì kể từ năm 1948, với người Palestine, ngày 15 tháng Năm hàng năm là ngày Nakba, tức Ngày Thảm Họa. Trong ngày này, người Palestine tưởng nhớ cảnh làng mạc của họ bị đốt phá, đất đai ruộng vườn của họ bị chiếm đóng và hàng trăm ngàn người bị đuổi ra khỏi nhà. Kể từ đó người Palestine đã trở thành người tỵ nạn ngay chính trên quê hương mà họ đã cư ngụ từ hai ngàn năm qua.
Có lẽ phải đặt mình vào địa vị của người Palestine để hiểu được tại sao Palestine đã trở thành một vùng đất của bạo động và xô xát triền miên giữa người Palestine và người Israel. Hàng năm cứ đến Ngày Thảm  họa Nakba, dù trong tuyệt vọng, người Palestine vẫn cứ ào ạt tham gia cuộc tuần hành thường được mệnh danh là “Cuộc Tuần hành Vĩ đại trở về quê hương”. Vẫn biết sẽ bị quân đội Israel đàn áp dã man, hàng ngàn thanh niên Palestine vẫn hiên ngang lên đường đi đến những nơi đã từng là quê cha đất tổ của họ.
Ngày 15 tháng Năm hàng năm quả là một Ngày Đại Họa đối với người Palestine, bởi vì chỉ trong một sớm một chiều, nguyên một lãnh thổ trong đó cả một dân tộc với một truyền thống lâu đời đã bị chiếm đóng, nguyên một xã hội bị xóa sạch, cả một dân tộc biến thành người tỵ nạn ngay chính trên quê hương của mình.
Lịch sử vẫn còn in đậm nét để người Palestine không thể nào quên được Ngày Đại Họa của họ. Sau Đệ nhất Thế chiến, Hội Quốc Liên, tiền thân của Liên Hiệp Quốc, đã phân chia Đế quốc Thổ thành nhiều lãnh thổ và trao cho các cường quốc thực dân. Vùng đất ngày nay được xem là lãnh thổ của Israel và những vùng đất của người Palestine bị chiếm đóng được trao cho Anh Quốc cai trị. Anh Quốc là nước đã từng yểm trợ cho phong trào Sion của người Do Thái, tức phong trào kêu gọi người Do Thái tản mác khắp nơi trở về Palestine. Anh Quốc được trao cho sứ mệnh giúp tìm một nơi cho người Do Thái trở về được định cư. Nhưng sứ mệnh này không hề nói đến việc thành lập một “quốc gia Israel”.
Khi trao phó cho Anh Quốc sứ mệnh bảo đảm cho người Do Thái hồi cư có được “ngôi nhà” để ở, Hội Quốc Liên nhấn mạnh rằng cần phải mưu cầu “phúc lợi và sự phát triển” cho những dân tộc đang sinh sống ở Palestine. Vào năm 1922, khi Hội Quốc Liên giao phó sứ mệnh cho Anh Quốc thì tại Palestine, có đến gần 90 phần trăm cư dân là người Á Rập theo Hồi giáo và Kitô Giáo, trong khi đó người Do Thái chỉ chiếm khoảng 11 phần trăm dân số.
Sau Đệ nhị Thế chiến, cán cân dân số tại Palestine hoàn toàn thay đổi: với làn sóng người Do Thái ồ ạt trở về, dân số Á Rập tại đây chỉ còn chiếm khoảng 68 phần trăm và dân số Do Thái lại tăng lên đến 32 phần trăm, trong số này có hai phần ba sinh tại ngoại quốc.
Ngày 29 tháng Mười Một năm 1947, chỉ gần một năm sau khi ra đời, Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi chia đôi Palestine, một nửa thuộc về người Á Rập và một nửa thuộc về người Do Thái. Nghị quyết cũng cho phép thành lập quốc gia Israel.
Kể từ năm 1917, Palestine được đặt dưới quyền kiểm soát của Anh Quốc là quốc gia ủng hộ việc thiết lập một quốc gia Israel tại Palestine. Vì cuộc diệt chủng đối với người Do Thái do Đức quốc xã chủ xướng trong thời Đệ nhị Thế chiến, bên cạnh Anh Quốc, hầu như tất cả các nước Tây Phương đều tỏ bày thiện cảm với người Do Thái và khát vọng thành lập quốc gia của họ.
Theo kế hoạch của Liên Hiệp Quốc, Palestine được chia thành ba vùng thuộc về người Do Thái, bốn vùng thuộc về người Á Rập. Riêng Cổ thành Jerusalem được trao cho Liên Hiệp Quốc và từ đó trở thành một đô thị quốc tế. Ngoại trừ các nước Á Rập, các nước Tây Phương cũng như Liên Xô đều tán thành kế hoạch của Liên Hiệp Quốc.
Ngày 14 tháng Năm năm 1948, tức sáu tháng sau khi Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết phân chia lãnh thổ Palestine và cho phép Israel lập quốc, nước này đã chính thức tuyên bố độc lập. Quân đội Anh rút ra khỏi Palestine. Thế nhưng Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc không được tôn trọng. Israel ngang nhiên lấn chiếm thêm lãnh thổ, hàng ngàn người Palestine phải rời bỏ quê cha đất tổ của họ. Nại lý do bênh vực người Palestine, các nước Á Rập xung quanh cũng đưa quân sang lấn chiếm những vùng đất đã được phân chia cho người Do Thái. Năm 1967, chiến tranh giữa Israel và các nước Á Rập bùng nổ. Quân đội các nước Á Rập bị Israel đè bẹp. Israel chiếm đóng thêm một số vùng khác của Palestine và các nước Á Rập.
Cuộc xuất hành của người Palestine đã bắt đầu ngay từ tháng Giêng năm 1948, tức trước cả khi Israel tuyên bố lập quốc. Đã có trên 100.000 người Palestine, phần lớn thuộc giai cấp thượng lưu và trung lưu, rời bỏ các thành phố và thị trấn là những nơi thường diễn ra các cuộc xung đột bạo động. Cho tới thời điểm đó, các cuộc trục xuất vẫn chưa xảy ra nhiều. Nhưng kể từ tháng Tư năm 1948, các lực lượng Do Thái đã mở các chiến dịch tàn sát người Palestine và cưỡng  bách họ phải ra đi. Đẫm máu nhất trong chiến dịch khủng bố của Israel là cuộc thảm sát tại làng Deir Yassin ngày 9 tháng Tư năm 1948. Đã có khoảng 100 người Palestine bị tàn sát dã man. Hành động khủng bố này đã gieo rắc kinh hoàng nơi người Palestine, khiến họ không còn chọn lựa nào khác hơn là phải ra đi. Những người chọn lựa ở lại cũng không được ở yên. Các dân quân Do Thái tìm đủ cách để bứng họ ra khỏi nhà cửa, ruộng vườn của họ.
Kể từ đầu tháng Tư năm 1948, Israel đã tung ra chiến dịch quân sự lấy tên là “Kế hoạch Dalet”. Một trong những mục tiêu của chiến dịch này là tiến hành thanh lọc chủng tộc đối với hầu hết những người Á Rập đang sinh sống trong những vùng nằm trong lãnh thổ của Israel. Trong quyển hồi ký của ông, cựu Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin, người đã được trao tặng Giải Nobel Hòa Bình năm 1994 và bị một người Do Thái cực đoạn ám sát năm 1995, có kể lại rằng lúc còn là một sĩ quan trẻ, ông đã được thủ tướng tiên khởi của Israel là ông David Ben Gurionra ra lệnh phải “tống cổ” 50.000 người Palestine ra khỏi hai thành phố Lydda và Ramla.
Trong chiến dịch thanh lọc chủng tộc của Israel, có từ 700.000 đến 800.000 người Palestine hoặc phải ra đi hoặc bị trục xuất ra khỏi các thành phố của họ. Số người còn ở lại trong vùng đất được xem là lãnh thổ của Israel chiếm khoảng 18 phần trăm dân số của Israel. Nhưng trong 20 năm sau đó, dù sống trên đất Israel, họ vẫn không được nhìn nhận như công dân Israel, mà phải luôn sống dưới sự kiểm soát theo thiết quân luật. Xã hội mà người Palestine đã tạo thành từ hằng bao thế kỷ qua, hầu như đã hoàn toàn bị xóa sạch. Các đô thị và làng mạc của họ nếu không bị đổi tên thì cũng bị san bằng. Israel ban hành đủ thứ luật để truất hữu đất đai của hàng loạt người Palestine. Nhưng đau buồn hơn cả cho dân tộc Palestine là những ai đã bỏ ra đi hoặc bị trục xuất đều không được phép hồi hương. Trong hai năm 1947 và 1948, hầu hết những người Palestine nào bỏ nhà cửa để ra đi cũng đều hy vọng rằng hết chiến tranh và xung đột họ sẽ được trở về nhà mình. Nhưng đó chỉ ảo vọng. Với Israel, càng có nhiều người Palestine bỏ trốn hay bị trục xuất, lãnh thổ của họ càng được mở mang và quốc gia của họ càng hùng mạnh.
Nakba hay Ngày Thảm Họa mà hàng năm người Palestine tưởng niệm vào ngày 15 tháng Năm chính là sự sụp đổ và biến mất của nguyên một xã hội đã có từ hàng ngàn năm qua, nhưng về chính trị, quân sự và văn hóa chưa được sẵn sàng để đối đầu với thực dân, với phong trào trở về Sion của người Do Thái và chiến tranh. Họ đã mất xã hội của họ và bị kết án phải sống cảnh lưu đày và vô tổ quốc dưới sự cai trị của ngoại bang. Vương quốc Israel đã sụp đổ sau khi Hoàng đế Titus của Đế quốc La Mã đem quân sang bình địa Jerusalem vào năm 72 sau Công nguyên. Sau gần 2000 năm bỏ nước ra đi, người Do Thái đã có thể trở về và lập quốc. Nhưng thân phận của người Palestine thì hoàn toàn khác hẳn. Họ bị lưu đày ngay chính trên quê hương của mình và ngày trở về thì hoàn toàn mờ mịt.
Nakka hay Ngày Thảm Họa không chỉ xảy ra ngày 15 tháng Năm năm 1948, mà vẫn tiếp tục diễn ra trong cuộc sống mỗi ngày của người Palestine. Đây là cảnh tượng mà thế giới có thể chứng kiến hầu như mỗi ngày tại Gaza, vùng đất của người Palestine đã bị Israel chiếm đóng từ năm 1967. Gaza chẳng khác nào một thứ nhà tù “mở” trong đó gần 2 triệu người Palestine đang bị giam giữ. Tình trạng bị giam giữ của gần 2 triệu người như thế dĩ nhiên chỉ có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo triền miên mà ngay cả các viên chức an ninh của Israel cũng đành phải gọi là một trái bom nổ chậm của sự khốn khổ của con người. Đó là một trái bom trước sau gì cũng sẽ nổ tung.
Nakba hay Ngày Thảm Họa không còn là một tưởng niệm về một biến cố lịch sử đối với hầu hết người Palestine, mà là một kinh nghiệm sống xảy ra mỗi ngày. Kinh nghiệm ấy có thể sẽ còn thê thảm hơn sau khi Tổng thống Trump cho dời tòa Đại sứ Mỹ về cổ thành Jerusalem.

(nguồn: https://www.theatlantic.com/international/archive/2018/05/the-meaning-of-nakba-israel-palestine-1948-gaza)


Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2018

Can đảm để sống


Chu Thập
18/05/18
Những ngày cuối thu năm nay, nhứt là những ngày có mưa phùn lất phất, thường làm cho tôi nghĩ về cái chết. Đặc biệt trong những ngày vừa qua, có những cái chết đã gợi lên trong tôi nhiều cảm xúc ngổn ngang. Sự ra đi của cụ ông David Goodall chẳng hạn đã đánh động tôi rất nhiều. Ở tuổi 104, nhà khoa học Úc này vẫn còn  mẫn cảm và  sáng suốt. Nhưng cảm thấy đã sống một cuộc sống có ý nghĩa và sung mãn, cụ quyết định ra đi. Luật pháp Úc không nhìn nhận “nan y tử quyền”, cụ sang Thụy Sĩ là nơi cho phép người già và những người mắc bệnh nan y được trợ tử. Trước khi đi vào cõi chết, cụ đã họp báo để bênh vực cho “tử quyền” của mình, đi thăm viếng một vài thắng cảnh ở Thụy Sĩ, ăn bữa ăn cuối cùng với những món khoái khẩu nhứt, rồi thanh thản ra đi. Tôi không biết cụ đi đâu, nhưng đây quả là một chuyến đi thanh thản, nhẹ nhàng. Bên kia niềm tin tôn giáo và luật pháp, tôi cho đây là một chuyến đi ý nghĩa, bởi vì nó gợi lên cho tôi sự can đảm và bình thản của con người khi đứng trước điều khủng khiếp nhứt trong cuộc sống mà ai cũng phải một lần trải qua.
Nếu sự ra đi của cụ ông Goodall gợi lên trong tôi sự can đảm và bình thản trước cái chết thì thảm kịch vừa mới xảy ra tại Margaret River, Tiểu bang Tây Úc, lại mang đến cho tôi một cảm xúc buồn đau khó tả. Cũng là người tự chọn cho mình cái chết, nhưng người chồng, người cha và người ông trong thảm kịch này lại muốn kéo theo người vợ, người con gái và 4 đứa cháu ngoại của mình cùng ra đi với mình và ra đi bằng một cái chết thảm thương. Thảm kịch nằm ở chỗ đó: có những người vẫn còn muốn sống nhưng lại phải ra đi!
Tôi là người ham sống và sợ chết. Tôi bắt đầu sợ chết khi bước vào tuổi có trí khôn. Ở  tuổi này, tôi đã học biết gần như đầy đủ những điều căn bản trong “Đạo” của tôi và một trong những điều căn bản đó chính là cuộc sống mai hậu, trong đó con người bị đày xuống hỏa ngục “đời đời kiếp kiếp chẳng cùng” hay được lên thiên đàng để “hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng” tùy theo công đức của mình trong cuộc sống tại thế này. “Mặt Đức Chúa Trời sáng láng” cỡ nào thì ngay cả trí tưởng tượng vô cùng phong phú của tuổi thơ của tôi cũng chẳng vẽ ra được. Nhưng cái hỏa ngục “đời đời kiếp kiếp chẳng cùng” thì, với sự mô tả như đã từng mắt thấy tai nghe của bà mẹ “đạo đức” của tôi,  quả là khủng khiếp. Tôi sợ hỏa ngục đến độ cứ có chuyện quan trọng cần thề thốt, tôi cứ lấy hỏa ngục ra mà thề.  Vì sợ xuống hỏa ngục cho nên tôi sợ chết. Thật ra đâu chỉ có Kitô Giáo của tôi mới nói đến cuộc sống mai hậu. Tôn giáo nào mà chẳng hứa hẹn phần thưởng và cảnh báo về sự trừng phạt trong cuộc sống mai hậu.
Sợ bị trừng phạt hơn là trông mong phần thưởng trong cuộc sống mai hậu cho nên tôi sợ chết là phải. Sợ quá cho nên nhiều lúc tôi đành tự trấn an mình với sự cá cược của nhà vật lý,  toán học kiêm triết gia Pháp Blaise Pascal (1623-1662). Về sự trừng phạt và phần thưởng trong cuộc sống mai hậu, triết gia này khuyên nên làm một cuộc đánh cá: nếu Thiên Chúa không hiện hữu và như vậy cũng chẳng có thưởng phạt ở đời sau, thì nếu có thua cuộc, sự mất mát trong cuộc sống tại thế của người có niềm tin tôn giáo cũng chẳng là bao. Trái lại, nếu Thiên Chúa hiện hữu và phần thưởng và sự trừng phạt trong cuộc sống mai hậu là vô biên, thì sự mất mát của kẻ vô thần sẽ là vô tận và khủng khiếp!
Thật ra đâu cần phải mang sự hiện hữu của Thiên Chúa ra để cá cược. Cách đây hơn 2000 năm, để xua đuổi nỗi ám ảnh của sự chết, triết gia Hy Lạp Epicurus đã lập luận rằng chết không phải là điều đáng quan tâm, bởi vì bao lâu con người hiện hữu thì bấy lâu không có sự chết và nếu sự chết xảy đến thì con người cũng chẳng còn hiện hữu nữa. Theo ông, con người chỉ là một sự kết hợp của một mớ vật chất cho nên chẳng có linh hồn và cũng chẳng có cuộc sống mai hậu. Đã chết rồi thì không còn cái Tôi và không còn cái Tôi thì cũng chẳng còn khoái lạc hay đau buồn, nghĩa là cũng chẳng còn sợ hãi nữa!
Tên của nhà hiền triết này thường gắn liền với chủ nghĩa “khoái lạc”. Thật ra, với ông, khoái lạc đích thực không hề đồng nghĩa với dục vọng hay đam mê cuồng loạn, mà chính là vui hưởng những thú vui lành mạnh trong cuộc sống. Để có được thứ khoái lạc ấy con người cần phải có sự thanh thản trong tâm hồn và vượt qua mọi nỗi sợ hãi. Xét cho cùng, cũng như triết lý nhà Phật, Epicurus kêu gọi con người chế ngự dục vọng để có được thân tâm an lạc.
Vài thế kỷ sau, một đệ tử của Epicurus là thi sĩ La Mã Quintus Horatius (65-8 trước Công nguyên) đã tóm gọn minh triết của ông trong một câu ngắn gọn: “Hãy bắt lấy ngày hôm nay” (carpe diem), nghĩa là hãy tận hưởng giây phút hiện tại. Horatius giải thích: “Bởi vì cuộc sống ngắn ngủi, hãy dẹp bỏ những niềm hy vọng xa xôi! Ngay cả khi chúng ta vừa mới mở miệng nói thì Thời gian cũng đã trôi qua”.
Phải chăng khi biết tận hưởng giây phút hiện tại, bằng lòng với những gì mình đang có, con người xua đuổi được hay ít ra giảm thiểu được nỗi sợ hãi đối với cái chết?
Mới đây, một nữ nhiếp ảnh gia người Mỹ  là bà Nancy Borwick có tổ chức tại Sydney một cuộc triển lãm về một số bức ảnh mà bà đã ghi lại được về những năm tháng cuối đời của cha mẹ bà. Năm được 28 tuổi, bà Borwick đã phải đối diện với một sự thật khủng khiếp: cả cha lẫn mẹ của bà đều bị ung thư vào giai đoạn cuối. Chỉ trong 17 năm, mẹ bà phải bị ung thư ngực đến 3 lần, trong khi cha bà được chẩn đoán bị ung thư tuyến tụy vào giai đoạn cuối. Điều đó có nghĩa là hầu như cha mẹ bà không có chút hy vọng sống còn nào. Tuy nhiên, bà Borwick không thể biết được chính xác cha mẹ mình sẽ còn sống được bao lâu. Bà liền quyết định dùng máy ảnh để ghi lại cuộc hành trình cuối cùng của cha mẹ mình. Để được gần gũi với cha mẹ mình hơn, nhưng cũng để hiểu hơn con người thật của hai ông bà.
Để có được những kỷ niệm đẹp về cha mẹ mình, bà Borwick đã cho tổ chức sớm hơn dự định đám cưới của mình. Bà cho đặt máy ảnh trên một cây cao, rồi nhờ một người bạn bấm nút tự động khi hai ông bà cầm tay bà dắt lên trao cho chú rể.
Bà Borwick giải thích rằng thoạt tiên căn bệnh ung thư mà cha mẹ bà đang trải qua trong giai đoạn cuối là lý do khiến bà ghi lại những hình ảnh cuối đời của hai ông bà. Nhưng dần dà bà nhận ra rằng câu chuyện bà muốn ghi lại qua một số hình ảnh không phải là ung thư và bệnh tật nữa, mà là sự sống và cách sống. Bà cho biết khi hóa trị làm cho tóc của mẹ bà rụng thì cha bà cũng tự tay cạo đi chỏm tóc còn sót lại trên đầu ông. Bà Borwick kể lại rằng mẹ bà nhặt lấy chùm tóc đen của chồng rồi áp lên đôi chân mày của bà. Một phút sau, con chó cũng được tặng cho một ít tóc để đeo lên mắt nó. Cả nhà đều cười ngả nghiêng!
Nhưng cũng có những giây phút nghẹt thở mà gia đình phải trải qua. Một trong những giây phút đầy căng thẳng đó là cú điện thoại của vị bác sĩ chuyên khoa đang chữa trị cho hai ông bà. Ông gọi đến để  báo cho hai ông bà biết kết quả của việc hóa trị.  Hai ông bà đã vào phòng vệ sinh để nghe cú điện thoại. Bà Borwick đã đùa với 2 ông bà: “Ai lại đi nghe một cú điện thoại quan trọng như thế trong nhà vệ sinh?” Bà Borwick cảm thấy như mình đã nói hớ một điều gì đó. Bà nghĩ: nếu như kết quả cho thấy có dấu hiệu khả quan cho người này, nhưng lại không mấy tốt đẹp cho người kia thì sao?
Cuối cùng, tháng Mười Hai năm 2013, cha bà là người ra đi trước và mẹ bà trút hơi thở cuối cùng một năm sau đó.
Những hình ảnh bà Borwick ghi lại được trong những ngày tháng cuối đời của cha mẹ bà đã mang về cho bà hạng nhì của Giải “World Press Photography Awards” (Giải thưởng hình ảnh báo chí) năm 2016 tại Hoa Kỳ. Cùng với những hình ảnh này, bà Borwick cũng đã viết một cuốn sách trong đó bà muốn đề cao di sản mà cha mẹ bà đã để lại là: sống một cách sung mãn cho tới giây phút cuối đời!
(x.http://www.abc.net.au/news/health/2018-05-12/nancy-borowick-photo-exhibition-captures-parents-cancer-stories/).
Câu chuyện của cha mẹ bà Borwick không khỏi làm tôi nhớ đến một người bạn học đã ra đi cách đây 3 năm. Hoàn toàn suy thận và phải đi lọc máu mỗi tuần ba lần, nhưng lần nào gặp nhau, anh cũng đều lập lại câu nói đã hầu như trở thành “danh ngôn” của anh: “Sống cho tới chết!”. Hai tuần trước khi ra đi, sau khi lọc máu, anh lái xe thẳng lên nhà tôi, mang theo một chiếc xuồng có gắn máy và lên “kế hoạch” về những cuộc vui sắp tới. Anh nói năng và hành động như thể mình là một người hoàn toàn khỏe mạnh. Anh sống như không bao giờ sẽ chết. Đúng hơn, anh sống một cách trọn vẹn từng giây phút hiện tại. Anh quả là một người không sợ chết!
Phải can đảm lắm người ta mới không sợ chết. Cách đây vài năm, khi cậu con trai nhà tôi vừa mới ra trường, nộp đơn khắp nơi mà chẳng có nơi nào nhận, cậu đành  phải đi làm “cu li” một thời gian. Có lúc chán nản, người thanh niên 24 tuổi tâm sự: không có đủ can đảm để chết mà cũng chẳng có đủ can đảm để sống!
Khoa học gia David Goodall quả là một người can đảm: ông đã chọn lấy cái chết và ra đi với tất cả bình thản và thanh thản. Đứng trước cái chết, tôi là một thứ gà chết nhát. Dẫu biết chết là một phần của cuộc sống và chẳng có ai tránh khỏi một lần phải vĩnh viễn ra đi, nhưng tôi vẫn cảm thấy sợ. Những người không sợ chết quả là những người đáng khâm phục. Nhưng nghĩ lại tôi thấy đáng  nể phục hơn vẫn là những người, dù phải chiến đấu với bệnh tật và bao nhiêu nghịch cảnh, vẫn có đủ can đảm để sống và sống một cách mạnh mẽ. Trong nhiều thứ can đảm, tôi cho rằng can đảm để sống vẫn là thứ can đảm cần được đề cao hơn cả. Và can đảm để sống chính là hài lòng với những gì mình đang có, tìm cho ra ý nghĩa trong những công việc và trách nhiệm được giao phó cho mình, tận hưởng từng giây phút hiện tại, xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh. Phải chăng đó không là bí quyết để có được một cuộc sống thực sự hạnh phúc trên dương thế này?
Một khi có đủ can đảm để sống, sống hết mình và sống cho đến cùng thì lúc đó, chết chóc có lẽ chỉ còn là...chuyện nhỏ!






Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

Đức Quốc và chiến dịch “Phần Thư” cách đây 85 năm



18/05/18
Năm 1933, cách đây đúng 85 năm, Đức quốc xã đã phát động chiến dịch đốt sách trên toàn quốc. Nhiều sinh viên đại học đã phấn khởi tham gia chiến dịch này.
Trước đó 100 năm, trong tác phẩm có tựa đề “Almansor”, thi sĩ Heinrich Heine (1797-1856) đã báo trước: “Đây mới chỉ là màn giáo đầu. Bất cứ nơi nào người ta đốt sách thì cuối cùng họ cũng sẽ thiêu sống con người”. Điều này đã ứng nghiệm với chủ trương “phần thư khanh nho” dưới thời nhà Tần bên Tàu. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, sau khi thống nhất Trung Hoa, một trong những việc làm đầu tiên của bạo chúa Tần Thủy Hoàng (259-210 trước Công nguyên) đã ra lệnh đốt tất cả các sách, của bất cứ nhà tư tưởng nho giáo hay bậc thông thái nào có tư tưởng khác với ông.
Không rõ Hitler có học được “sách” của Tần Thủy Hoàng không. Chỉ vài tháng sau khi lên cầm quyền, đồ tể Hitler cũng đã ra lệnh đốt sách. Và như thi sĩ Heine đã báo trước, tiếp theo cuộc đốt sách, không biết bao nhiêu tác giả hoặc đã bỏ trốn hoặc phải trả giá bằng cái chết của họ.
Người đứng ra thực hiện chiến dịch đốt sách của Đức quốc xã là ông Joseph Goebbels, Bộ trưởng Thông tin và “tuyên truyền” của chế độ. Ông này lại được một số tổ chức sinh viên tích cực tiếp tay. Với Hitler, nắm được bộ máy cai trị thôi chưa đủ, cần phải làm chủ được bộ óc của đất nước là các đại học.
Nhưng không chỉ có các sinh viên mới tích cực tham gia chiến dịch đốt sách. Chính hiệp hội các nhà nhà bán sách cũng góp một phần không nhỏ trong chiến dịch. Alexnder Skipis, người đã từng làm giám đốc của Hiệp hội Xuất bản và Nhà sách Đức vào thời đó đã nhìn nhận rằng chính họ là người đã lập danh sách những sách cần phải đốt, cũng như kêu gọi các tiệm sách không nên trưng bày một số sách. Ông nói: “Xét cho cùng, chính chúng tôi là những người đã ủng hộ Chế độ Đức quốc xã và những chủ trương của họ”.
Theo lệnh của Bộ trưởng Thông tin và “tuyên truyền” Goebbels, người ta đã đua nhau lập ra danh sách những tác giả và tác phẩm nào bị xem là có tinh thần “chống Đức”. Đương nhiên, đứng đầu danh sách đen của Đức quốc xã là các tác giả Do Thái và tác phẩm của họ. Kế đó là những người bị xem là có đầu óc quá tả khuynh, cầu hòa hay phê bình ý thức hệ Đức quốc xã. Bên cạnh các văn thi sĩ nổi tiếng của Đức còn có một số khoa học gia như Albert Einstein và Sigmund Freud. Tổng cộng có khoảng 100 tác giả người Đức và trên 40 tác giả ngoại quốc trong đó có tên của hai văn sĩ nổi tiếng là Ernest Hemingway của Mỹ và André Gide của Pháp bị nằm trong danh sách đen.
Buổi đốt sách chính đã diễn ra tại Công trường Hí viện ở Thủ đô Bá Linh, nay có tên là Công trường Babel, vào buổi tối ngày 10 tháng Năm năm 1933. Đã có trên 20.000 cuốn sách được mang đến công trường. Khoảng 5000 sinh viên đại học đã cầm đuốc sáng trong tay. Tham dự buổi đốt sách có cả trăm ngàn người. Vào giữa khuya, Bộ trưởng Goebbels nói: “Kỷ nguyên của Cá nhân Chủ nghĩa quá lố của bọn Do Thái đã qua...Hỡi các bạn sinh viên, nếu các bạn đảm nhận quyền được ném sự đồi trụy trí thức vào ngọn lửa, các bạn cũng phải nhận lấy trách nhiệm phải làm sạch thứ rác rưởi này và dọn đường cho những tác phẩm thực sư có tính cách “Đức”.
Sau lời tuyên bố của ông Goebbels, lửa đã được đốt lên. Dưới cơn mưa tầm tả, người ta phải huy động đội cứu hỏa đến để đổ dầu vào ngọn lửa.
Chiến dịch đốt sách không chỉ giới hạn ở Thủ đô Bá Linh và cũng không chỉ diễn ra trong đêm mùng 10 tháng Năm. Trong những tuần lễ trước và sau đó, nhiều đại học đã tổ chức những cuộc đốt sách rầm rộ hơn. Điều không ngờ là tân chủ tịch của Đại học Freiburg, triết gia nổi tiếng Martin Heidegger (1889-1976) đã kêu gọi các sinh viên như sau: “Các ngọn lửa nói với chúng ta, soi sáng cho chúng ta, chỉ đường để chúng ta không quay lại phía sau! Các ngọn lửa sáng rực, trái tim bùng cháy!” Có lẽ học được câu nói trên đây của triết gia Heidegger chăng văn nô Tố Hữu đã ca ngợi chủ nghĩa cộng sản với những câu thơ như “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ, mặt trời chân lý chiếu qua tim”.
Trong chiến dịch đốt sách của Hitler, nhiều tác giả đã phải dở khóc dở cười. Văn sĩ Oskar Maria Graf đã sửng sốt khi thấy tên mình trong danh sách “trắng” của những tác phẩm được chế độ Đức quốc xã khuyên đọc. Vừa đọc được tên mình trong danh sách, nhà văn đã thốt lên: “Hãy đốt tôi đi”. Một số văn sĩ khác như Thomas Mann chẳng hạn, mãi sau này mới được đưa tên vào danh sách phải bị tế thần. Năm 1933, nhiều tác giả bị chế độ Đức quốc xã bách hại đã rời khỏi Đức. Văn sĩ duy nhất chứng kiến chiến dịch đốt sách của Hitler tại Bá Linh là ông Erich Kastner. Âm thầm đứng trong đám đông để nhìn sách của mình bị đốt, nhưng ông vẫn bị một số người nhận diện. Dù vậy, đêm đó ông chẳng bị hề hấn gì. Ông là một trong rất ít tác giả có tên trong danh sách đen đã chọn ở lại Đức dưới thời Đức quốc xã.
Cũng chọn ở lại Đức như ông Kastner, nhưng một số văn sĩ như Carl von Ossietzky và Erich Muhsam bị bắt giam. Một số bị xử tử hoặc chết rũ tù. Những nhà văn trung thành với Đức quốc xã dĩ nhiên đã lợi dụng thời cơ để trám lấy chỗ trống của những người đã bị chế độ trù dập. Nhà văn Kurt Tucholsky đã trốn sang Thụy Điển. Ông gọi các văn nô bồi bút của chế độ là bọn đĩ điếm đã chuồi ra khỏi hang động của chúng.
Cũng như bất cứ một nhà độc tài nào trong lịch sử nhân loại, Hitler không muốn có bất cứ tư tưởng nào đi ngược lại với suy nghĩ và chủ trương của ông. Là một người chưa học xong trung học, Hitler tự bản chất là một người chống trí thức. Đối với Hitler, người Đức đích thực với đầu óc kỳ thị chủng tộc và thượng tôn quân sự lâu nay đang ngủ vùi. Đánh thức những đặc tính “Đức” ấy là điều còn quan trọng hơn bất cứ một nền giáo dục truyền thống nào.
Trước Hitler, các đại học Đức là những trung tâm khoa học và văn chương có thế giá vào bậc nhất thế giới. Dưới thời Hitler, sức sống trí thức bắt đầu tàn lùi. Chân lý, óc suy luận và kiến thức khách quan, nền tảng của nền văn minh Tây Phương, bị các sinh viên và giáo sư do chế độ Đức quốc xã cực đoan hóa xem như “đồi trụy”. Thay vào đó là một thứ chủ nghĩa dân tộc mù quáng chỉ nghĩ tới một tương lai sáng lạn của đất nước và dân tộc Đức.
Những gì đã diễn ra trong cuộc Cách mạng Văn hóa tại Trung Cộng do Mao Trạch Đông chủ xướng cũng đã từng xảy ra dưới thời Hitler tại Đức. Trước áp lực của các sinh viên, phần lớn các giáo sư Đức đều chối bỏ sự lương thiện của nhà trí thức để tuyên thệ trung thành với chế độ. Nhiều người vui sướng được chiếm lấy những ghế giáo sư do các giáo sư và phân khoa trưởng gốc Do Thái bỏ trống.
Từ cấp tiểu học đến đại học, người ta không còn thấy bóng của bất cứ một giáo viên hay giáo sư gốc Do Thái hay bất cứ người nào bị tình nghi có đầu óc phản động và chống chế độ, bất luận khả năng và thành tích của họ. Trong số những giáo sư bị loại trừ hay bách hại, người ta tính có đến 20 người được trao tặng Giải Nobel. Trong hai năm 1933 và 1934, khoảng 10 phần trăm đội ngũ giáo sư đại học Đức bị cho nghỉ việc. Đây là một thiệt hại vô cùng lớn lao cho Đức, bởi vì phần lớn các giáo sư và khoa học gia nổi tiếng trong hai ngành toán học và vật lý lượng tử đều là người Do Thái. Nhà bác học nổi tiếng nhất của Thế kỷ 20 là Albert Einstein, người Đức gốc Do thái đã xin tỵ nạn tại Hoa Kỳ cùng với nhiều nhà trí thức khác.
Những người yêu chuộng chân lý và tự do nào không thể trốn thoát khỏi Đức chỉ còn biết trú ẩn trong chính cõi lòng của họ. Nhưng tự giam mình trong tòa nhà tư tưởng riêng của mình cũng là một thứ tù ngục đáng sợ.
Dĩ nhiên, vẫn còn một số ít giáo sư và sinh viên chống lại chế độ. Họ tập trung thành những nhóm nhỏ và lén lút gặp nhau. Một trong những nhóm như thế lấy tên là “Hoa hồng trắng” và đặt trụ sở tại Đại học Munich. Họ rải truyền đơn kêu gọi Hitler phải “trả lại tự do cá nhân vốn là tài sản quý giá nhất của mỗi người Đức. Đây là thứ tài sản mà ông đã tước đoạt bằng một cách đồi bại nhất”. Nhưng trong một xã hội mà ai cũng có thể là nhân viên mật vụ, một hoạt động như thế không thể qua mắt được chế độ. Hai người trong nhóm “Hoa hồng trắng” đã bị cơ quan mật vụ Gestapo bắt và xử tử.
Trong các lớp học, các giáo sư vừa giảng bài vừa nom nớp lo sợ vì có thể bị một trong các sinh viên của mình tố cáo vì bất cứ lý do gì và bị đưa vào trại tập trung. Để kiếm điểm, một số giáo sư chấp nhận làm điểm chỉ viên để tố cáo các đồng nghiệp của mình. Trong một bầu khí đầy nghi kỵ và lo sợ như thế, trình độ học vấn của sinh viên  đương nhiên ngày càng xuống dốc.
Trong các trường trung học trên toàn quốc, những giáo viên thực thụ được thay thế bằng những giáo viên “Đức quốc xã” với trình độ rất đáng nghi ngờ. Thay vì truyền thụ kiến thức cho học sinh, họ chỉ biết suốt ngày lập lại khẩu hiệu: “Nhiệm vụ cao cả của trường học là giáo dục giới trẻ biết phục vụ Nhân Dân và Nhà nước theo tinh thần Đức quốc xã”. Với các học sinh, chỉ có một chân lý duy nhất là Chân lý Đức quốc xã.
Trong những năm chiến tranh, tất cả các giáo viên tiểu học và trung học Đức đều là những người xuất thân từ Đoàn Thanh Niên Hitler. Phẩm chất giáo dục ngày càng xuống cấp. Học sinh từ những trường tuyển Hitler là những người có thể lực rất tốt và thấm nhuần ý thức hệ Đức quốc xã, nhưng lại rất kém về toán học và khoa học.
Các nhà khoa học cộng tác với chế độ, vốn được đào tạo trước khi Hitler lên cầm quyền, than phiền rằng những người được tuyển chọn từ các lò đào tạo của Hitler hoàn toàn không có khả năng để nghiên cứu. Các nhà lãnh đạo quân sự cũng than phiền rằng các sinh viên sĩ quan trẻ xuất thân từ các trường Hitler thiếu những kiến thức tối thiểu. Nhưng với Hitler, những thiếu sót đó không quan trọng. Hệ thống giáo dục do ông thiết lập đã cung cấp cho ông những gì ông cần: đó là những người trẻ sẵn sàng phục vụ Tổ quốc cho đến chết và sống hết mình với khẩu hiệu “Tin tưởng, Tuân phục, Chiến đấu!” Ông đã từng tuyên bố: “Trong các trường đặc biệt của tôi, một người thanh niên sẽ lớn lên thành một người làm cho thế giới phải run sợ. Tôi muốn có một lớp thanh niên tàn bạo, không biết sợ hãi...Đây chính là Trật Tự Mới mà tôi muốn thiết lập”.
Tất cả những ai chối bỏ Trật Tự Mới ấy đều bị đưa vào các trại tập trung. Trại tập trung đầu tiên là Dachau, gần Thành phố Munich. Trại này “thành công” đến độ đã trở thành mẫu mực cho tất cả những trại khác rải rác tại Đức và Ba Lan.
Lời tiên báo của thi sĩ Heine đã thành sự thật: “Bất cứ nơi nào người ta đốt sách thì cuối cùng họ cũng sẽ thiêu sống con người”.

(nguồn:
- http://www.dw.com/en/when-books-were-burned-in-germany
-http://www.historyplace.com/worldwar2/triumph/tr-bookburn.htm)

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2018

Đường đi hỏa ngục



Chu Thập
Thứ Bảy mùng Năm tháng Năm vừa qua là ngày kỷ niệm sinh nhựt thứ 200 của Karl Marx (1818-1883), ông tổ của chủ nghĩa Cộng sản. Nhân dịp này, Thành phố Trier nằm ở miền tây nước Đức, gần Lục Xâm Bảo, nơi chào đời của ông, đã quyết định đón nhận một món quà đặc biệt của Trung Cộng. Đó là bức tượng bằng đồng cao 4.5 thước của Karl Marx do một nhà điêu khắc nổi tiếng của Trung Cộng là ông Wu Weishan thực hiện. Các viên chức của Thành phố Trier cho biết họ đã mất hai năm để thảo luận và tranh cãi với nhau về việc có nên đón nhận món quà này không. Nhiều người đã lên tiếng phản đối vì cho rằng đón nhận món quà này là đồng lõa với những vi phạm nhân quyền tại Trung Cộng.
Hôm thứ Sáu vừa qua, Chi nhánh Đức của Hội Văn Bút Quốc Tế nói rằng không nên trưng bày bức tượng bao lâu bà Lưu Hà, quả phụ của ông Lưu Hiểu Ba, người đã được trao tặng Giải Nobel Hòa Bình hồi năm 2010, vẫn còn bị quản thúc tại gia. Bà Hà đã bị giam giữ trong nhà từ năm 2010 mà không hề được mang ra xét xử vì bất cứ hành vi phạm pháp nào.
Về phần mình, thị trưởng Thành phố Trier, ông Wolfram Leibe giải thích rằng đón nhận và trưng bày bức tượng của Karl Marx là một cử chỉ tỏ tình thân thiện với Trung Cộng, đồng thời là cơ hội để mọi người lượng định lại chỗ đứng lịch sử của ông. Thật ra, bức tượng Karl Marx do Trung Cộng tặng không phải là tượng đài duy nhất về ông tổ của chủ nghĩa cộng sản này. Ngôi nhà nơi ông sinh ra đã trở thành một di tích lịch sử và tại Thủ đô Bá Linh hiện cũng có một bức tượng của ông. Đây là một trong những khu du lịch nổi tiếng của Đức với lượng du khách mỗi năm lên đến 4.5 triệu người.
Karl Marx vẫn tiếp tục là một nhân vật lịch sử gây nhiểu tranh cãi và chia rẽ. Những người bênh vực ông thì cho rằng các chế độ cộng sản đã hiểu và áp dụng sai các lý thuyết của ông. Còn những người chống ông thì lại áp dụng nguyên tắc “trông quả biết cây”. Chính tư tưởng của ông là nền tảng để xây dựng chủ nghĩa Cộng sản là thứ chủ nghĩa đã và đang tiếp tục gây ra không biết bao nhiêu đau thương tang tóc cho nhân loại.
Dĩ nhiên, những người cộng sản vẫn tiếp tục biện minh cho di sản của Karl Marx. Hôm thứ Sáu vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Cộng đã ca tụng ông như “nhà tư tưởng vĩ đại nhứt của thời hiện đại”. Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi các đảng viên cộng sản hãy trở về với cội nguồn của Chủ nghĩa Mác xít. Ông khẳng định rằng đảng cộng sản vẫn mãi mãi là “người bảo tồn và thực hiện” chủ nghĩa Mác xít. Ở Việt Nam, những người cộng sản cũng chỉ biết lập lại có thế, mặc dù có thể rất nhiều người, ngay cả đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người lấy tiến sĩ về chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô, cũng chẳng biết được mặt mũi của “xã hội xã hội chủ nghĩa” được Karl Marx vẽ ra như thế nào.
Tôi không phải là đồ đệ của ông Karl Marx và nhứt là tôi chỉ có một sự hiểu biết rất mơ hồ về tư tưởng của ông. Thời còn đi học, giữa lúc đang diễn ra cuộc chiến ý thức hệ khốc liệt trên quê hương, tôi đã cố gắng học hỏi về chủ nghĩa Mác xít. Nhưng với trình độ quá non kém, tôi chẳng hiểu biết được bao nhiêu. Có nghe nói đến hai tác phẩm chính của Karl Marx là “Tư bản luận” (Das Kapital) và “Tuyên ngôn của chủ nghĩa cộng sản” (Manifest der Kommunistischen Parte), nhưng tôi không có khả năng và cũng chẳng có đủ can đảm để đọc được một dòng nào trong hai tác phẩm này. Nhưng qua sự dẫn giải của các vị giáo sư của tôi, tôi hiểu một cách khái quát rằng chủ nghĩa Tư bản vừa mới phát sinh tại Âu Châu cùng với cuộc cách mạng kỹ nghệ là đối tượng phê bình của Karl Marx. Ông cho rằng chính chủ nghĩa Tư bản là nguyên nhân đẻ ra bất công xã hội, tạo ra giai cấp trong xã hội. Vậy thì để xóa bỏ chủ nghĩa Tư bản, cần phải san bằng xã hội, trả lại công lý cho giai cấp vô sản đang bị bóc lột. Thiên đàng trên trần gian mà Karl Marx hằng mơ tưởng là một xã hội không còn giai cấp, không còn cảnh người bóc lột người, một xã hội trong đó mọi người sẽ làm việc theo khả năng và hưởng theo nhu cầu. Một xã hội như thế thì ai mà chẳng mơ ước. Kitô Giáo tin tưởng rằng loài người có thể xây dựng được trên trần gian này một xã hội như thế. Nhưng trong khi Kitô Giáo xây dựng một xã hội như thế trên tình yêu thương thì Karl Marx chủ trương chỉ có thể tiến tới một xã hội như thế bằng bạo lực và hận thù.
Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, Karl Marx có viết: “Tôn giáo là hạnh phúc ảo tưởng của con người. Dẹp bỏ tôn giáo là một đòi hỏi để cho con người được hạnh phúc thật sự”. Khi tuyên bố rằng tôn giáo “là tiếng thở dài của những người bị áp bức, là thuốc phiện ru ngủ quần chúng”, Karl Marx muốn lập ra một tôn giáo mới và tôn giáo mới ấy trong cốt lõi chính là tôn giáo của hận thù.
Có thể sự hiểu biết của tôi về chủ nghĩa Mác xít chỉ là một ý niệm khái quát. Nhưng sau năm 1975, khi nhìn tận mặt mấy ông cộng sản, chứng kiến tận mắt hành động của họ và “sờ” được chủ nghĩa Cộng sản bằng chính đôi tay của mình, tôi mới ngộ ra điều mà các giáo sư của tôi đã dẫn giải về chủ nghĩa Mác xít. Karl Marx có thể đã để lại cả một kho tàng tư tưởng trừu tượng cao siêu và khó hiểu, nhưng di sản cụ thể nhứt của ông mà ngay cả một người thất học cũng có thể nhìn thấy hay cảm nhận được chính là sự thù hận. Đồ tể Hitler đã xây dựng Đức quốc xã trên thù hận. Nhưng sự thù hận của Đức quốc xã chỉ nhắm vào người Do Thái. Còn sự thù hận mà Karl Marx đã rao giảng đã không loại trừ một người nào. Không cần phải đến Tây Bá Lợi Á để nhìn thấy sự hận thù trong các Quần đảo Gulag. Không cần phải đọc tài liệu để cảm nhận được thế nào là thù hận trong cuộc cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông. Cũng chẳng cần phải quay ngược kim đồng hồ để trở lại Cam Bốt dưới thời Pol Pot để nhìn thấy sự thù hận của người cộng sản...Nhiều người Việt Nam đã là nạn nhân của thù hận trong cuộc cải cách ruộng đất do Hồ Chí Minh chủ xướng ngoài Bắc từ năm 1953 đến năm 1956. Thực chất của cuộc cải cách ruộng đất chính là lò lửa của thù hận được trút xuống trên những người vô tội. Sau năm 1975, người Việt Nam nào cũng có thể tự hào tuyên bố trước thế giới rằng họ đã thực sự nhìn thấy được linh hồn của chủ nghĩa Mác xít là sự thù hận.
Riêng tôi không thể nào quên được  một tấm bia ở dưới chân Tháp Bà, Cầu Bóng, Nha Trang. Chuyện xảy ra vào những ngày đầu tháng Tư năm 1975, sau khi thành phố Nha Trang bỏ ngỏ. Trên đường rút quân về phía nam, để chận đường tiến của Việt Cộng, không lực Việt Nam Cộng Hòa đã thả bom xuống Cầu Bóng. Một trái bom lạc mục tiêu đã rơi xuống dưới chân Tháp Bà khiến cho một số người bị thiệt mạng. Liền sau đó, một tấm bia đã được dựng lên, không phải để tưởng niệm các nạn nhân xấu số, mà để kêu gọi “căm thù” đối với “Mỹ Ngụy”. Tôi không nhớ rõ hàng chữ nhỏ phía dưới tấm bia. Nhưng ba chữ “Bia Căm Thù” thì không bao giờ phai nhạt trong ký ức của tôi, kể từ khi thành phố Nha Trang lọt vào tay cộng sản. Lúc còn ở trong nước, cứ mỗi lần đạp xe đi ngang qua “Bia Căm Thù” ấy, tôi thấy nhói lên trong tim. Đau buồn vì mất nước đã đành, nhưng xót xa nhiều hơn khi thấy cả nước chìm ngập trong sự thù hận.
Có lẽ trong các chế độ cộng sản, không ai tin tưởng ở sức mạnh của sự thù hận cho bằng chủ tịch “vĩ đại và vô vàn kính yêu” của Bắc Hàn là ông Kim Il-sung. Ông đã từng tuyên bố: “Điều quan trọng nhất trong việc chuẩn bị chiến tranh của chúng tôi là dạy cho mọi người thù ghét đế quốc Mỹ. Nếu không thì chúng tôi không thể nào đánh bại được đế quốc Mỹ là những người luôn khoe khoang về những kỹ thuật siêu vượt của họ”. Dù có chủ động ngồi vào bàn thương thuyết với Mỹ cách nào đi nữa, có lẽ người cháu nội của ông Kim Il-sung là chủ tịch Kim Jong-un sẽ không bao giờ quên được “khuôn vàng thước ngọc” ấy. Kho vũ khí nguyên tử mà ông đã xây dựng được cũng chính là lò lửa của hận thù. Đất nước có nghèo nàn đến đâu cũng được, xã hội có bệ rác cỡ nào cũng không quan trọng. Với dòng họ Kim, bao lâu hận thù còn đó thì bấy lâu chế độ cha truyền con nối vẫn tồn tại.
Một xã hội không có giai cấp, không còn cảnh người bóc lột người, một xã hội trong đó con người làm việc theo khả năng và hưởng theo nhu cầu...được Karl Marx “rao giảng” như một thứ tin mừng của Kitô Giáo, đã không bao giờ đến. “Bảy mươi năm lẻ ” ở Liên Xô, như ai đó ở Hà Nội đã nhìn vào tượng của Lenin để làm bài thơ tức cảnh, “mà có ra cái đếch gì”. Còn ở Trung Cộng và Việt Nam thì càng “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa”, khoảng cách giữa giai cấp thống trị và người bị trị, giữa giàu và nghèo còn sâu hơn cả vực thẳm.
Người ta có thể dành cho Karl Marx vinh dự của một người có viễn kiến khi ông “lên đồng” để loan báo về một xã hội bình đẳng, huynh đệ đại đồng,  không giai cấp. Nhưng khi ông thổi hơi thù hận vào xã hội, tôi liên tưởng đến một câu nói quen thuộc của người Pháp: Con đường dẫn xuống hỏa ngục được lát đầy bằng những thiện ý” (le chemin vers l’enfer est pavé de bonnes intentions). Tôn giáo nào cũng nói đến hỏa ngục trong cuộc sống mai hậu. Nhưng cái hỏa ngục ấy như thế nào thì chẳng có ai từ bên kia thế giới về nói cho tôi biết cả. Với tôi, nơi nào sự thù hận ngự trị thì nơi đó là hỏa ngục. Hỏa ngục chẳng chờ ở cuộc sống mai hậu mà xuất hiện ngay trên cõi đời này mỗi khi con người để cho lò lửa của hận thù thiêu đốt trái tim của mình.
Thật ra, kinh nghiệm bản thân cho tôi thấy thù hận đâu chỉ có trong các chế độ cộng sản. Nó “nằm vùng” ngay trong chính con người tôi. Nó có tên là đố kỵ, kỳ thị, bạo động dưới mọi hình thức và ngay cả sự dửng dưng trước nỗi khổ của người đồng loại. Ai sinh ra mà chẳng mang theo mình cái khả năng vừa biết cảm thông lại cũng vừa thích gây hấn. Còn sống là còn học làm người và còn phải chiến đấu với chính mình. Học để biết yêu thương, tha thứ, cảm thông cũng như học để biết dập tắt ngọn lửa của thù hận trong tâm hồn. Một xã hội bình đẳng, không có giai cấp không biết bao giờ mới đến, nhưng ít ra con người có thể cảm nhận được thế nào là thiên đàng trên trần gian mỗi khi ngọn lửa của thù hận được dập tắt trong tâm hồn.
Một xã hội bình đẳng và nhân ái chỉ có thể bắt đầu từ những tâm hồn biết tôn trọng sự bình đẳng và thực thi lòng nhân ái.








Thứ Hai, 14 tháng 5, 2018

Nga dưới thời Putin và nữ quyền


11/05/18
Tháng Hai năm 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành đạo luật nhằm “xá giải” cho nạn bạo hành trong gia đình. Luật đã được Quốc hội Duma thông qua với 380 phiếu thuận và 3 phiếu chống.
Theo luật mới này, bạo hành trong gia đình mà không làm cho “gẫy xương” và không xảy ra mỗi năm hơn một lần, thì không bị phạt tù lâu dài. Luật mới quy định rằng hình phạt nặng nhất mà người có hành vi bạo động trong gia đình có thể đối diện là phải đóng đến 530 Mỹ kim, cộng với từ 10 đến 15 ngày tù hay phải làm việc cộng đồng. Dĩ nhiên, hình phạt này chỉ được áp dụng nếu tòa án đứng về phía nạn nhân của bạo hành. Nhưng điều đó lại ít khi xảy ra.
Bà Natalia Pankova, giám đốc của một tổ chức đặc trách về bạo hành gia đình do chính phủ tài trợ có tên là “Cánh buồm Hy vọng”, nói rằng luật mới này làm cho các nạn nhân của bạo hành, vốn đã đau khổ, lại đau khổ thêm. Bà Pankova hiện đang điều hành 5 trung tâm tại Thành phố Vladivostok và các vùng phụ cận. Cũng như các nhân viên đặc trách về việc bảo vệ phụ nữ bị bạo hành, bà Pankova đã tỏ ra ngạc nhiên về luật mới này. Tuy nhiên, là nhân viên chính phủ, bà chỉ biết gật đầu và gỡ gạc bằng cách nhìn nhận rằng vấn đề bạo hành trong gia đình đã được các vị dân cử “quan tâm” tới.
Về phần mình, các luật sư gia đình và những người tranh đấu cho quyền của người phụ nữ cho rằng luật mới về bạo hành gia đình là một bước thụt lùi  đối với các quyền tự do cơ bản của người phụ nữ Nga. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, mỗi năm có đến 12.000 phụ nữ Nga chết vì bàn tay thô bạo của những kẻ bạo hành. Trong thực tế, con số này có thể cao hơn.
Trong năm vừa qua, Phong trào có tên “#MeToo” (Tôi cũng vậy) đã thổi một luồng gió mạnh xuyên qua Bắc Mỹ, Âu Châu và một số vùng ở Á Châu và Phi Châu. Nhưng nhiều người tranh đấu cho quyền của người phụ nữ Nga sợ rằng ngọn gió ấy đã không thổi đến Nga.
Phong trào nữ quyền tại Nga có một lịch sử phức tạp và đầy nghịch lý. Cho tới gần đây, người phụ nữ Nga, ngay cả những người tin ở sự bình đẳng giới tính, cũng vẫn tỏ ra nghi kỵ đối với hai chữ “nữ quyền”. Nhiều người xem nó như một thứ vũ khí mà người Tây Phương sử dụng để tấn công vào nữ tính và truyền thống lâu đời của Nga theo đó làm mẹ mới thực sự là chức năng cao cả và là ưu tiên hàng đầu  của người phụ nữ. Nhiều người phụ nữ Nga cũng cho rằng những quyền mà người phụ nữ Tây Phương hiện vẫn còn tranh đấu để đòi hỏi, họ đã có từ lâu rồi.
Quyền đi bầu chẳng hạn, người phụ nữ Nga đã có ngay cả trước khi diễn ra Cuộc Cách Mạng Tháng Mười. Sau khi nắm chính quyền, những người Cộng sản Bolchevik còn nhìn nhận thêm nhiều quyền khác mà phụ nữ ở những nước khác không bao giờ nghĩ tới. Một trong những quyền đó là quyền được phá thai. Hiến Pháp Nga năm 1936 tuyên bố rằng đàn ông và đàn bà đều sinh ra bình đẳng. Hiến Pháp Nga lúc đó còn cho người phụ nữ được trả lương hậu sản cũng như được miễn phí khi gởi con vào nhà trẻ ở chỗ làm.
Nhưng trong nước Nga hiện đại dưới thời Tổng thống Putin, sự bình đẳng của người phụ nữ dường như đã bị tước đoạt. Hồi đầu năm nay, Yevgenia Albatz, chủ bút của tờ báo tự do New Times, đã nhận định rằng người phụ nữ Nga hiện “chỉ còn có mỗi một vai trò: đó là phục tùng và thinh lặng”.
Được sự hậu thuẫn của một Giáo hội Chính thống đang hồi sinh, tổng thống Nga đang đưa nước Nga trở lại con đường bảo thủ bằng nhiều cách. Dân biểu Oksana Pushkina, thuộc Đảng Thống Nhất đang cầm quyền, hiện đang là chủ tịch của Ủy ban Quốc hội về gia đình, phụ nữ và trẻ em, giải thích rằng theo cái nhìn chung của xã hội Nga về sự khác biệt giữa nam nữ thì  “đàn ông cần phải tỏ ra có nam tính và mạnh mẽ, còn đàn bà thì phải là hiền mẫu”. Theo bà, chính cái nhìn này là một “cản ngại lớn cho sự phát huy các quyền của người phụ nữ và đẩy lui sức mạnh và vị trí của người phụ nữ Nga trong xã hội”. Bà cho biết đã không bỏ phiếu cho luật mới về nạn bạo hành trong gia đình. Hiện bà đang vận động các chính trị gia và các nhà tranh đấu để tìm cách đảo ngược luật này và tìm kiếm một biện pháp mới để chống lại nạn bạo hành gia đình.
Tổng thống Putin là người luôn muốn khẳng định và phô bày nam tính của mình: ông thích để mình trần, cỡi ngựa, bắn súng, câu cá...Tại một cuộc họp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo của khối Liên Âu tại Phần Lan hồi năm 2006, khi đề cập đến những cáo buộc về hãm hiếp mà Tổng thống Israel Moshe Katsav phải đối diện, ông Putin nói đùa: “Nhờ vậy mà ông ta (tổng thống Israel) là một người đầy uy quyền. Ông đã hãm hiếp 10 người phụ nữ! Tất cả chúng ta đều ganh với ông”. Với kiểu đùa cợt ấy, ông Putin để lộ sự miệt thị của ông đối với phụ nữ. Mới đây, ông lại khoe rằng các cô gái điếm của Nga là “nhất” thế giới. Ông cũng có thái độ khinh miệt đối với phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt. Trong Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay, ông đã kêu gọi bình đẳng trong chỗ làm, nhưng lại nói rằng ông tin tưởng ở những vai trò “truyền thống” của đàn ông và đàn bà, theo đó “đàn bà phải là đàn bà và đàn ông phải là đàn ông”.
Dù có thái độ miệt thị đối với phụ nữ, Tổng thống Putin vẫn được đa số dân Nga ủng hộ. Không lạ gì khi vụ tai tiếng về xâm hại tình dục của nhà đạo diễn Mỹ Harvey Weinstein nổ ra dạo tháng Mười năm ngoái, phản ứng của dân chúng Nga, đàn ông cũng như đàn bà, là lên án chính các nạn nhân. Một nhóm phụ nữ Nga còn thoát y gần tòa Đại sứ Mỹ ở Mạc Tư Khoa. Một người giơ cao một tấm biểu ngữ với hàng chữ: “Xin đón chào ông Harvey Weinstein đến Nga”.
Tất cả những  người tìm cách gia nhập phong trào #MeToo để kể lại chuyện họ bị xách nhiễu hay xâm hại tình dục đều bị chế diễu hay ngay cả bị đe dọa bị hành hung. Dạo tháng Giêng năm vừa qua, một cô gái 17 tuổi tên là Dian S. đã xuất hiện trên một chương trình truyền hình và kể lại việc cô bị một thanh niên 21 tuổi hãm hiếp. Tức khắc các bình luận viên trên mạng, các nhà viết Blog và nhất là các cơ quan truyền thông của chính phủ trút lên cô gái  tất cả trách nhiệm của vụ hãm hiếp. Chi nhánh Burger King tại Nga còn dựa vào câu chuyện của cô gái để tung ra một màn quảng cáo theo đó trong đêm trước khi bị hãm hiếp, cô đã uống quá nhiều rượu để rồi kết luận: một bữa ăn ở Burger King rẻ hơn nhiều! Sau đó, Burger King cho rút lại màn quảng cáo, nhưng vẫn không chịu lên tiếng xin lỗi cô gái. Tháng Mười vừa qua, một cô gái 12 tuổi tên là Anastasia đã xuất hiện trên một chương  trình truyền hình thực tế về “hẹn hò” để ủng hộ người cha đơn chiếc của em. Em nói với khán giả rằng cha em và em thường thảo luận với nhau về những vấn đề liên quan đến nữ quyền. Chỉ có vậy thôi cô gái này cũng bị đe dọa giết chết.
Mặc dù bị hăm dọa, một số phụ nữ Nga, nhất là các thiếu nữ sinh sau năm 2000 tại Mạc Tư Khoa và St. Petersburg, vẫn tiếp tục chiến đấu. Sau khi cô gái 19 tuổi tên là Tatiana Strakhova bị  người bạn trai cũ giết chết hồi tháng Giêng vừa qua, hàng trăm phụ nữ Nga chụp hình chỉ với đồ lót và đưa lên các trang mạng xã hội kèm với lời thách thức: “Không có lý do gì để sát hại”.
Hiện nay, các hoạt động của phong trào #MeToo tại Nga còn trong giai đoạn phôi thai. Hồi tháng Hai vừa qua, một số nữ ký giả lên tiếng tố cáo Dân biểu Leonid Slutsky đã xách nhiễu họ ngay trong tòa nhà Quốc hội. Không những không có vị dân biểu nào đứng lên yêu cầu ông Slutsky phải từ chức, mà Phó Chủ tịch Quốc hội là ông Igor Lebedev còn kêu gọi cấm các ký giả này vào Quốc hội để làm phóng sự. Sau đó, ông và một số đồng nghiệp khác còn lên Facebook để khoe rằng họ muốn chiếm đoạt bao nhiêu nữ ký giả cũng được.
Ký giả Farida Rustamova, hiện đang làm việc cho chương trình Nga của Đài BBC cũng có một kinh nghiệm tương tự như ba ký giả Nga trên đây. Nữ ký giả này kể lại rằng dạo tháng Ba vừa qua, cô đến gặp ông Slutsky tại văn phòng của ông. Trong lúc nói chuyện, ông này bảo cô phải cho hôn phu của cô “leo cây”, rồi đưa tay vào váy cô...Ký giả Rustamova cho biết cô đã thu âm những lời nói thô lỗ của ông. Đài BBC không cho phát buổi thu âm mà chỉ ghi lại nguyên văn những lời nói của ông Slutsky. Ký giả Rustamova không dám kể lại câu chuyện cho hãng tấn AP, mà chỉ lên Facebook để bày tỏ nỗi lo sợ của cô, vì Slutsky là một chính trị gia có nhiều quyền lực và có nhiều người bạn có thế lực.
Trước ký giả Rustmova, một phóng viên làm việc cho đài truyền hình Dozhd là cô Daria Zhuk cũng đã gởi đến cho ông Slutsky một băng hình trong đó cô tố cáo ông đã sử dụng ngôn ngữ thô tục cũng như tìm cách sờ mó và hôn hít cô ngay trong phòng thu hình của đài hồi năm 2014. Trong bằng hình gởi cho ông Slutsky, cô nói: “Tôi chỉ có một câu hỏi: ông vẫn tiếp tục phủ nhận điều này phải không? Ông không biết xấu hổ khi làm việc trong Quốc hội và hành động như vậy sao?”
Trước đó, cô Yekaterina Kotrikadze, phó chủ biên của đài truyền hình RTVI cũng tiết lộ rằng năm 2011 ông Slutsky đã đẩy cô vào chân tường và tìm cách hôn cô trong phòng làm việc của ông.
Theo  phóng viên này, nhiều nữ ký giả cũng đã từng bị xách nhiễu tình dục như thế không những trong tòa nhà Quốc hội, mà còn cả trong các cơ quan chính phủ khác nữa. Theo cô các nạn nhân của xâm hại tình dục không bao giờ dám lên tiếng tố cáo “vì họ sợ rằng làm như thế họ chỉ bị chỉ trích và nhục mạ mà thôi”.
Dĩ nhiên trong vụ này, Chủ tịch Quốc hội Nga, ông Vyacheslav Volodin, cũng đứng về phía ông Phó Chủ tịch Quốc hội. Lên tiếng về những lời tố cáo về xách nhiễu tình dục trong Quốc hội, ông Volodin thẳng thừng bác bỏ những lời tố cáo. Ông còn khuyên các nữ ký giả: “Quý vị cảm thấy nguy hiểm khi làm việc trong Quốc hội ư? Vậy thì hãy tìm một công việc khác”.
Điều mỉa mai là nhiều phụ nữ có thế lực trong chính phủ đều lên tiếng bênh vực ông Slutsky. Bà Tamara Pletnyova, Chủ tịch Ủy ban Quốc hội về Gia đình, nói với Đài Ekho Moskvy rằng các nữ ký giả “nên ăn mặc chỉnh tề hơn và không nên để hở bụng để đi quanh quẩn”.
Mặc dù tại Nga cũng có một số phụ nữ nắm giữ những chức vụ quan trọng, như giám đốc ngân hàng hay chủ tịch thượng viện, Nga vẫn còn là một nước do đàn ông thống trị. Hạ viện có tất cả  450 dân biểu, trong số này chỉ có 67 người là phụ nữ.

(nguồn:
-http://foreignpolicy.com/2018/04/09/putins-war-on-women
-https://www.bloomberg.com/news/articles/2018-03-07/russian-parliament-faced-with-sex-harassment-complaints)

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2018

Hòa bình đích thực từ tâm hồn



Chu Thập
04/05/18
Tháng Năm 1975, bên cạnh nỗi buồn mất nước, tôi thấy buồn cười nhứt là cảnh mấy ông bà “cách mạng 30” chạy rong ngoài đường để “rao giảng” về cách mạng và chủ nghĩa cộng sản. Nhưng đau buồn hơn cả vẫn là sự xuất đầu lộ diện của mấy ông bà nằm vùng. Thật không ngờ họ ở ngay trong hàng ngũ bạn bè và ngay cả người thân của mình. Nhân vật Hồng Hương trong truyện “chiếc nhẫn”, một trong những chuyện buồn nhứt  trong tập truyện “Cuối hai con đường” của nhà văn Phạm Tín An Ninh là một điển hình về mấy ông bà nằm vùng: họ không chỉ “bán mình”, mà còn bán cả vợ con và người thân của mình cho cộng sản. Nhưng nhìn dưới một khía cạnh khác, phải công nhận rằng những người nằm vùng là những kịch sĩ tài ba: họ đóng kịch tài tình đến độ ngay cả vợ con và người thân của họ cũng không biết được tông tích của họ.
Trước năm 1975, lúc còn học ở Đà Lạt, tôi có biết một ông phó nhòm rất nổi tiếng. Là một người Bắc “54”, ông lập gia đình với một người phụ nữ thuộc một gia đình công giáo thuần thành ở Đà Lạt. Hai vợ chồng mở một tiệm chụp ảnh khá ăn khách. Nhờ cái nhãn “công giáo” và “đạo đức”cho nên ông luôn được mời đến để độc quyền chụp ảnh trong các buổi lễ lớn của Giáo hội Công giáo. Ông có khuôn mặt hiền lành, dễ mến. Mới gặp, bảo ông là một nhà tu, ai cũng tin ngay. Đùng một cái, năm 1975 Việt Cộng vô. Ông biến khỏi Đà Lạt. Sau này, có người biết chuyện cho tôi hay rằng ông là một tay nằm vùng thứ dữ. Ông đã từng đứng ra tổ chức một cuộc gặp gỡ bí mật cho Tổng bí thư Lê Duẩn với một số cán bộ gộc ở Đà Lạt.
Thật ra ông phó nhòm mà tôi biết trên đây có lẽ cũng chỉ là một tay nằm vùng cắc ké. Chuyện của những ông Đại tá Tỉnh trưởng Phạm Ngọc Thảo, ông “cố vấn” ba đời tổng thống Vũ Ngọc Nhạ mới đáng sợ: cả hai đều là người công giáo “thuần thành” và đều  được sự tín cẩn, tiến cử và che chở của các giới chức công giáo.   Chỉ sau năm 1975, khi “lá bài đã được lật ngửa”, người ta mới biết được bộ mặt thật của họ.
Tôi không rành và cũng chẳng thích chơi cờ tướng. Có học chơi và thử chơi mấy lần, nhưng chẳng bao giờ “sạch nước cản”. Nhưng tôi thích theo dõi cuộc đấu trí của các cao thủ. Phải chờ cho đến cuối ván cờ mới thấy và hiểu được đường đi nước bước của những tay cao cờ. Mấy hôm nay, khi bước vào tháng Năm, nhìn lại “ván bài lật ngửa” của mấy ông cộng sản, tôi cũng nghĩ đến một ván cờ đang diễn ra ở Bán đảo Triều Tiên. Và Chủ tịch Kim Jong-un không phải là một “tay vừa”.
Cách đây 6 năm, khi lên ngôi kế vị “vua cha” ở tuổi chưa tròn 30, cậu Kim Jong-un bị thế giới xem thường như một nhà lãnh đạo “trẻ người non dạ”. Riêng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tặng cho cậu đủ thứ “hỗn danh” trong đó “điên khùng” là chính.  Nhưng nếu chú ý, có lẽ thế giới phải nghe lại bài diễn văn đầu tiên của ông nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của ông nội ông, chủ tịch “muôn năm” Kim Il-sung. Với bài diễn văn này, người cháu nội của ông Kim Il-sung đã vạch ra chương trình đầy tham vọng của ông, mà cốt lõi chính là thống nhất Triều Tiên. Kim Jong-un nói: “Chúng ta đã đau khổ vì sự chia cách gần 70 năm qua. Chúng ta đã từng sống như một dân tộc trên cùng một mảnh đất từ hàng ngàn năm qua. Thật là đau lòng khi phải chịu đựng như thế. Đảng ta và chính phủ ta sẽ bắt tay làm việc với bất cứ ai muốn thấy đất nước thống nhất. Thật không thể diễn tả hết nỗi đau vì chia cách của nhân dân Triều Tiên. Có những gia đình ly tán vì chiến tranh. Họ đã không được gặp nhau từ hơn nửa thế kỷ nay. Nhiều người đã chết mà giấc mơ thống nhất vẫn chưa được thực hiện”. Nghe đâu có khác gì giọng điệu của “Bác Hồ vĩ đại và vô vàn kính yêu” của mấy ông cộng sản Miền Bắc. Họ giành nỗi đau chia cách đất nước cho riêng họ và họ cũng muốn giành lấy việc thống nhất đất nước cho riêng họ. Dĩ nhiên thống nhất bằng súng đạn và thống nhất dưới lá cờ cộng sản!
Chủ tịch Kim Jong-un đã lập lại lời thề non nước của ông nội ông. Chính trong viễn tượng thống nhất đất nước bằng súng đạn và dưới lá cờ cộng sản ấy mà cũng trong bài diễn văn đầu tiên của ông, ông đã đề cao quân đội Bắc Hàn như một “quân đội có đủ khả năng để tấn công và phòng thủ trong bất cứ một cuộc chiến tranh nào trong thời đại”. Ông nói với các binh sĩ Bắc Hàn: “Các thế lực ngoại bang không còn là những sức mạnh quân sự duy nhất nữa và những ngày mà họ đe dọa và kháo láo về vũ khí nguyên tử của họ đã qua rồi”.
Kể từ lúc đó, mặc cho cộng đồng thế giới, nhứt là Hoa Kỳ có cảnh cáo, đe dọa và trừng phạt, họ Kim vẫn cứ liên tục thực hiện  các cuộc thử nghiệm vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn tầm xa có khả năng bay tới bất cứ thành phố nào của Hoa Kỳ. Tình báo Hoa Kỳ đã ước tính hiện Bắc Hàn đang có trong tay khoảng 60 trái bom nguyên tử.
Chủ tịch Kim Jong-un đã học được bài học lịch sử: chính vì không có vũ khí nguyên tử trong tay mà những nhà độc tài như Saddam Hussein của Iraq hay Muammar Gaddafi của Lybia đã bị Hoa Kỳ và các nước đồng minh lật đổ. Nay sau khi đã nắm trong tay vũ khí nguyên tử, Kim Jong-un mới nói đến chuyện ngồi vào bàn hội nghị và thương lượng: một nước cờ kéo dài 6 năm! Và ông cũng đã đi những nước cờ rất ngoạn mục: cho cô em gái cầm đầu phái đoàn lực sĩ Bắc Hàn sang Nam Hàn để thi đấu dưới chung một lá cờ, kế đó sang “triều yếu” thiên triều Trung Cộng để cho thế giới thấy rằng lúc nào ông cũng được sự hậu thuẫn của đàn anh và cuối cùng bước qua biên giới, vào lãnh thổ Nam Hàn để bắt tay, ôm hôn và dung dăng dung dẻ bước đi bên cạnh nhà lãnh đạo Nam Hàn. Cùng với những lời tuyên bố về giải trừ vũ khí hạt nhân, xây dựng hòa bình và mưu cầu thịnh vượng, Chủ tịch Kim Jong-un dĩ nhiên cũng nhấn mạnh đến mục tiêu thống nhất đất nước.
Dĩ nhiên, người ta chỉ hiểu được  ý nghĩa của hai chữ “thống nhất” của ông khi nhìn lại nhân dáng của ông: với mái tóc “độc đáo” và bộ quần áo đại cán giống y chang ông nội của ông, Chủ tịch Kim Jung-un quả là một sự đầu thai hoàn hảo của ông nội Kim Il-sung của ông. Giấc mơ của ông nội Kim Il-sung là thống nhất đất nước dưới lá cờ cộng sản. Người cháu nội Kim Jong-un nhận lấy sứ mệnh hoàn thành giấc mơ ấy.
Trên bàn cờ, Chủ tịch Kim Jong-un chỉ còn một bước cuối cùng là gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông đã chứng tỏ mình là một cao thủ luôn trong thế chủ động, biết mình muốn gì và tính toán hơn thiệt từng đường đi nước bước, ngay cả cho đối phương ăn bánh vẽ và uống nước đường!
Nhiều người đã phân tách nước cờ của Chủ tịch Kim Jong-un. Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in xem ra là người “hồ hởi” nhứt. Nhưng ông lại giành mọi thắng lợi cho tổng thống Trump khi nói rằng chính nhờ đường lối cứng rắn của tổng thống Mỹ mà Chủ tịch Kim Jong-un mới chịu xuống nước để ngồi vào bàn hội nghị. Tổng thống Nam Hàn còn tán tụng Tổng thống Trump đến độ đề nghị Ủy ban Nobel trao giải Hòa Bình cho ông Trump, một người đã từng đe dọa cho Bắc Hàn nếm “nộ khí và lửa”. Từ Hoa Kỳ, một số thượng nghị sĩ và dân biểu liên bang thuộc Đảng Cộng Hòa cũng cho rằng Tổng thống Trump xứng đáng được trao giải Nobel Hòa Bình. Một người luôn thích được ca ngợi và đề cao như Tổng thống Trump chắc chắn chỉ mong có thế. Tại một cuộc vận động cho Đảng Cộng Hòa tại Tiểu bang Michigan mới đây, Tổng thống Trump đã nhắc đến công trạng của ông trong tiến trình “hòa bình” tại Bán đảo Triều Tiên. Đám đông những người ủng hộ ông đã hò hét “Nobel Hòa Bình cho Tổng thống Trump!”.
Ủy ban Nobel thường làm những quyết định bất ngờ, nhứt là khi trao tặng Giải Nobel Hòa Bình. Nếu Tổng thống Trump được trao tặng Giải Nobel Hòa Bình thì Tổng thống Moon Jae-in của Nam Hàn cũng phải được chia phần và đương nhiên Chủ tịch Kim Jong-un cũng phải được chia chác.
Người Việt Nam không thể nào quên giải Nobel Hòa Bình năm 1973 đã được trao tặng cho Ngoại trưởng Mỹ Henri Kissinger và cố vấn cao cấp của đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris là Lê Đức Thọ. Ông Thọ đã từ chối giải này viện lý do  phía Việt Nam Cộng Hòa vi phạm Hiệp định và Việt Nam không có hòa bình. Dù cho ông Thọ có nhận giải này hay không, Giải Nobel Hòa Bình năm 1973 đã được trao tặng không phải bằng danh dự và hiện kim mà bằng chính xương máu của người Việt Nam. Với tôi, trao tặng giải Nobel Hòa Bình cho một người đại diện cho một chế độ độc tài khát máu gây ra không biết bao nhiêu đau thương tang tóc cho dân tộc, là một hành động bôi bác đối với chính người đã để lại tài sản để lập ra giải này. Khi nhà lãnh đạo Miến Điện là bà Aung San Suu Kyi, người đã được trao tặng Giải Nobel Hòa Bình năm 1991, đã có thái độ im lặng đồng lõa trước hành động tội ác của quân đội Miến đối với sắc dân Rohingya, tôi nghĩ đó cũng là một hành động bôi nhọ đối với giải thưởng cao quý này.
Tôi không biết rồi đây, sau cuộc họp thượng đỉnh của Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Trump, Bắc Hàn có thực sự giải trừ kho vũ khí hạt nhân của mình không và hòa bình có trở lại trên bán đảo Triều Tiên không...Chỉ có một điều chắc chắn trước sau như một  là: chế độ độc tài cha truyền con nối ở Bắc Hàn vẫn tồn tại và Chủ tịch Kim Jong-un vẫn mãi mãi là một bạo chúa khát máu. Liệu có thể tin được hai chữ “hòa bình” từ cửa miệng của một tên sát nhân khát máu, giết người không trừ một ai, từ người chồng của cô mình cho đến người anh cùng cha khác mẹ với mình cũng như vô số đồng bào ruột thịt của mình và hiện đang giam giữ hàng trăm ngàn người trong các trại lao động khổ sai không ?
Phật Giáo dạy: bỏ dao xuống là thành Phật! Chủ tịch Kim Jong-un sẽ là người xứng đáng nhứt để được trao tặng giải Nobel Hòa Bình nếu sau cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Trump, ông trở về nước tuyên bố giải thể chế độ cộng sản cha truyền con nối, thả hết tù nhân, cho tổ chức bầu cử tự do và nhứt là lên tiếng xin lỗi và sám hối vì tội ác của mình trong 6 năm qua...
Mới đây, nhân dịp kỷ niệm đúng 50 năm ngày cố Mục sư Mục sư Martin Luther King bị ám sát, Tổng thống Trump đã công bố ngày 15 tháng Giêng là Ngày Martin Luther King để đề cao công đức, sự hy sinh, gương tranh đấu bất bạo động của người đã từng được trao tặng giải Nobel Hòa Bình năm 1964. Tôi tưởng tượng và cầu mong trong cuộc gặp gỡ sắp tới với Chủ tịch Kim Jong-un, ông sẽ lấy lại câu nói của cố Mục sư King để ngỏ với nhà lãnh đạo Bắc Hàn: “Hòa bình không thể được duy trì bằng vũ lực. Hòa bình chỉ có thể đạt được nhờ sự cảm thông. Bóng tối không thể xua đuổi bóng tối. Chỉ có ánh sáng mới làm được việc đó. Hận thù không thể đẩy lui hận thù. Chỉ có tình yêu mới làm được việc đó”. Hiểu như thế, hòa bình đích thực chỉ có thể xuất phát từ tâm hồn con người mà thôi.