Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

Nga: giới trẻ nghĩ gì về Tổng thống Putin và đất nước?




 27/07/18

Giải Túc Cầu Thế Giới 2018 được tổ chức tại Nga đã kết thúc. Được vào vòng tứ kết quả là một thành công lớn đối với đội tuyển quốc gia Nga. Nhưng dĩ nhiên vinh dự cuối cùng vẫn thuộc về đương kim Tống thống Nga Vladimir Putin. Sự ủng hộ của dân chúng Nga dành cho ông lúc nào cũng cao, nhất là sau cuộc họp thượng đỉnh lịch sử giữa ông và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Helsinki, Phần Lan hôm 16 tháng Bảy vừa qua. Riêng giới trẻ Nga nghĩ gì về ông?
Trước cuộc bầu cử ngày 18 tháng Ba 2018 vừa qua, qua đó Tổng thống Putin lại đảm nhiệm thêm một nhiệm kỳ thứ tư và rất có thể sẽ làm tổng thống mãn đời, một thanh niên tên là Nikita Pavlov đã nói với một phóng viên của đài BBC: “Tôi không quan tâm. Tôi sẽ không đi bỏ phiếu. Đây là một cuộc bầu cử trong đó mình không có chọn lựa”.
Nikita sống tại Nizhny Novgorod, một thành phố có khoảng một triệu dân tại miền Trung nước Nga. Anh muốn theo học tại Mạc Tư Khoa và vài tháng nữa, anh sẽ có việc làm nếu điểm tốt nghiệp của anh cao. Người thanh niên cho biết: “Ở đây tôi không có hy vọng gì cả. Làm việc văn phòng mỗi tháng tôi có thể kiếm được khoảng 880 Mỹ kim. Đây là đồng lương tốt nhất mà tôi hy vọng có thể kiếm được trong thành phố này”.
Sau khi tốt nghiệp, nhiều thanh niên thiếu nữ Nga thường tìm đến Mạc Tư Khoa hay St Peterburg là những nơi dễ kiếm việc làm và lương cao. Giấc mơ của Nikita là làm việc trong ngành truyền thông, nhất là truyền hình hay truyền thanh. Nhưng anh nói: “Bạn không thể ăn nói tự do trên truyền hình”. Dù vậy, kiểm duyệt không phải là vấn đề duy nhất. Anh giải thích: “Ở đây, chúng tôi đang sống trong một chế độ phong kiến. Tất cả những việc béo bở đều thuộc về các con ông cháu cha”.
Người đứng ra hô hào tẩy chay “cuộc bầu cử trong đó người dân không có chọn lựa” là ông Alexei Navalny. Lãnh tụ đối lập này đã bị cấm không cho ứng cử tổng thống vì bị kết án tham nhũng, một bản án được đưa ra hoàn toàn do động cơ chính trị. Ông Navalny đã bắt đầu vận động chống tham nhũng từ năm  2008. Nhưng ông được thành phần giới trẻ ủng hộ nhiều nhất vào năm 2017. Những người trẻ trên cả nước như Nikita đã xuống đường ủng hộ ông Navalny. Họ không sợ bị cảnh sát bắt giữ.
Dạo tháng Ba vừa qua, khi các cuộc biểu tình lan rộng ra 82 thành phố Nga, các giáo viên và giáo sư đại học đã bắt đầu khuyến cáo  sinh viên học sinh đừng tham gia các cuộc biểu tình. Nhưng trong thời đại kỹ thuật số, lời cảnh cáo của các nhà giáo hoàn toàn không có hiệu lực. Trên toàn quốc, sinh viên học sinh đã ghi lại những cảnh các thày giáo nhục mạ họ và đưa những thước phim như thế lên các trang mạng xã hội.
Hết cuộc bầu cử này đến cuộc bầu cử khác, trong một quốc gia không có bầu cử tự do, con số cử tri đến các phòng phiếu ngày càng ít. Nhiều người muốn gạt bỏ chính trị ra khỏi cuộc sống của họ. Người thanh niên tên là Ivan Sourvillo nói với phóng viên đài BBC: “Đó là một điều bình thường trong chế độ quân chủ. Tôi không thích Stalin, nhưng tôi có thể sống với bất cử chính phủ nào, miễn là họ không đụng đến tôi”. Người thanh niên 18 tuổi này đang có một Blog rất được nhiều người đọc. Anh phỏng vấn những người Nga nổi tiếng và viết về các chuyến du lịch của mình cũng như ghi lại những lớp học anh đã tham dự. Với khoảng 20.000 độc giả, anh kiếm được mỗi tháng khoảng 150 Mỹ kim.
Ivan sinh tại Arbat, một khu phố giàu có ở trung tâm Mạc Tư Khoa, năm 1999, tức chỉ một thời gian ngắn trước khi Putin lên cầm quyền. Về nhà độc tài này, anh tuyên bố: “Putin đã chẳng bao giờ làm điều gì sai đối với tôi. Ông làm được nhiều điều đúng. Chắc chắn ông ta tốt  hơn ông Trump. Dĩ nhiên, không nên để cho một người cai trị mãi mãi. Nhưng mặt khác, hình thức cai trị truyền thống của Nga vẫn là quân chủ”. Người thanh niên này muốn nói đến chế độ độc tài!
Đối với nhiều thanh niên Nga, ngoài ông Putin ra chẳng còn ai khác có thể cai trị nước Nga. Một thiếu nữ tên là Alya Bazarova nói về nước Nga vào thập niên 1990, tức trước khi cô chào đời. Cô cho biêt: vào thời kỳ đó, bất cứ ai ra đường cũng đều có thể bị trộm cướp. Nhưng nay, theo cô, “ông Putin đã tái lập trật tự. So sánh với người tiền nhiệm của ông là ông Yeltsin, ông Putin là một nhà cải cách”.
18 tuổi, hiện đang theo học tại Đại học Mạc Tư Khoa, Alya tự nhận mình là một cô gái quê, bởi vì gia đình cô chỉ mới từ một thành phố nhỏ dọn về Mạc Tư Khoa cách đây 3 năm. Cô nhìn nhận rằng bất cứ một chính phủ nào cầm quyền quá lâu cũng đều xấu cả. Nhưng cha cô nói với cô: “Nếu không phải Putin, thì còn ai khác?”
Tuy nhiên, Alya không cảm thấy được thuyết phục với giọng điệu buông xuôi của cha cô. Lần đầu tiên được đến phòng phiếu, nhưng Alya đi bỏ phiếu vì tò mò hơn là để chọn mặt gởi vàng. Cô nói: “Tôi thực sự chẳng tin có dân chủ. Tất cả mọi sự đều đã được quyết định sẵn cho chúng tôi. Kết quả bầu cử cũng thế thôi...Bạn không tin là người ta đánh tráo các lá phiếu ư?”
Không tin có dân chủ, nhưng giới trẻ Nga xem ra lại tỏ ra bảo thủ về chính trị. Sau khi Tổng thống Putin tái cử thêm một nhiệm kỳ nữa trong cuộc bầu cử hồi tháng Ba vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Đông Âu có trụ sở tại Bá Linh, Đức, đã cho phổ biến kết quả của một cuộc thăm dò  về cái nhìn của giới trẻ Nga về cuộc sống và chính trị.
Một trong những nổi bật trong bản phúc trình cho thấy giới trẻ Nga quan tâm đến chính trị và biết rõ mục tiêu của những cuộc biểu tình phản đối chính phủ, nhưng lại không thích tham gia vào các cuộc biểu tình.
Hơn một  nửa giới trẻ Nga được phỏng vấn  cho biết họ quan tâm đến các chính sách đối nội và đối ngoại của chính phủ. Nhưng chỉ có 2 phần trăm có thể nêu tên những chính trị gia đã làm những quyết định quan trọng nhất trong thời hậu cộng sản hay các lãnh tụ chính trị nổi bật tại các nước Tây Phương. Hầu như không có thanh niên thiếu nữ Nga nào được thăm dò ý kiến biết được dân số Nga bao nhiêu hoặc có bao nhiêu nước thuộc khối Liên Âu.
Kết quả cuộc thăm dò ý kiến cũng cho thấy 61 phần trăm giới trẻ Nga đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng Ba vừa qua và 67 phần trăm đã dồn phiếu cho ông Putin.
Theo cuộc thăm dò, Putin và quân đội Nga rất được giới trẻ Nga mộ mến, trong khi các cơ quan truyền thông và Giáo hội Chính thống Nga thì lại không được giới trẻ tín nhiệm.
Những người thực hiện cuộc thăm dò cũng nhận thấy rằng giới trẻ Nga rất ý thức về những cuộc biểu tình chống chính phủ đã diễn ra trong năm vừa qua. Theo cuộc khảo sát, có đến 60 phần trăm khẳng định rằng họ biết rõ rằng những người biểu tình đã chống lại chính phủ và đặc biệt lên án nạn tham nhũng tràn lan trong chính phủ. Dù vậy chỉ có 5 phần trăm những người trẻ được hỏi ý kiến cho biết họ đã tham gia các cuộc biểu tình.
Ông  Felix Krawatzek, một trong những người tham gia thực hiện cuộc thăm dò, đã không tỏ ra ngạc nhiên chút nào về giới trẻ Nga. Ông nói: “Chúng tôi cũng đã thấy những kết quả tương tự trong những cuộc nghiên cứu khác. Trong một nước Nga độc tài,  bất cứ ai tham gia vào những cuộc biểu tình chống chính phủ cũng đều phải trả một giá đắt”. Ông cho biết: ai cũng biết rằng bất cứ ai tham gia các cuộc biểu tình cũng đều có thể bị giam tù và công an mật vụ Nga không bao giờ tỏ ra nhân nhượng. Đây chính là lý do khiến nhiều người trẻ xa tránh các cuộc biểu tình.
Cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Đông Âu thực hiện cũng cho thấy khoảng một phần ba những người trẻ được hỏi ý kiến cho biết họ muốn tham gia các cuộc biểu tình và 17 phần trăm nói rằng họ cũng biết tên tuổi những người đã tham gia các cuộc biểu tình. Theo ông Krawatzed, nói chung giới trẻ Nga quan tâm đến chính trị và nhìn nhận rằng biểu tình là một hình thức bày tỏ ý kiến một cách hợp pháp. Nhưng vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống, họ không muốn tích cực tham gia vào các cuộc biểu tình.
Vì không tham gia vào các cuộc biểu tình, giới trẻ Nga xem các vấn đề chính trị không phải là điều đáng quan tâm nhất đối với họ. Họ chỉ có một mong đợi là chính phủ cải thiện phẩm chất cuộc sống của họ. Hơn một nửa trong số những người được hỏi ý kiến nói rằng đây là vấn đề quan trọng nhất đối với họ. Theo ông Krawatzek, về vấn đề này giới trẻ Nga và Âu Châu có lối suy nghĩ giống nhau.
Điều đáng ngạc nhiên là có đến 30 phần trăm những người được thăm dò ý kiến cho biết họ theo dõi tin tức trên các trang mạng xã hội. Hầu hết nói rằng họ tin tưởng ở trang mạng Vlontakte. Đây là một thứ Facebook của riêng Nga. Trong khi đó chính Facebook và Twitter thì chỉ có khoảng 1.5 phần trăm sử dụng mà thôi.
23 phần trăm khác thì xem trọng Mạng lưới Thông tin Toàn cầu. Truyền hình Nga vẫn là nguồn thông tin chính của một phần ba giới trẻ Nga. Trái lại, báo chí hầu như chẳng có chỗ đứng nào trong cuộc sống của giới trẻ Nga.
Kể từ cuộc Cách mạng Cam tại Ukraine hồi năm 2004, chính phủ Nga đã gia tăng nỗ lực để lấy lòng giới trẻ Nga. Nhiều tổ chức giới trẻ đã được thành lập. Tuy nhiên các tổ chức này chẳng tạo được ảnh hưởng nào đối với giới trẻ Nga. Chính vì vậy mà Điện Cẩm Linh đã thay đổi chiến thuật: họ dùng trường học để đầu độc giới trẻ.
Thật ra, giới trẻ Nga không phải là một khối đồng bộ. Theo cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Đông Âu của Đức, hiện vẫn có 2 khuynh hướng trong giới trẻ Nga. Một khuynh hướng gắn bó với chủ trương bảo thủ; họ ủng hộ chế độ Putin và xem trọng điều mà chính phủ này đang quảng bá là “tổ quốc Nga”. Một khuynh hướng khác có cái nhìn tự do hơn và muốn xây dựng một xã hội bình đẳng hơn. Dù vậy, so sanh hai nhóm, các nhà nghiên cứu nói rằng khuynh hướng bảo thủ nơi giới trẻ Nga vẫn nổi trội hơn. Nhưng khi được hỏi về cái nhìn của họ đối với bình đẳng và quyền tự trị của các chính quyền địa phương, dù thuộc khuynh hướng nào, giới trẻ Nga cho rằng đây là những giá trị rất quan trọng đối với họ.
Theo ông Krawatzed, cái nhìn này là một yếu tố chính của một xã hội dân chủ và tự do. Như vậy, xem ra giữa giới trẻ Nga và giới trẻ Tây phương, không có khác biệt bao nhiêu.

(Nguồn:
-Russian election: What do young Russians think of Putin, https://www.bbc.com/news/world-europe-43088445.
-A better life prevails over politcal protests for Russia’s young people,https://www.dw.com/en/a-better-life-prevails-over-political-protests-for-russias-young-people)


Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2018

Những tia sáng xuyên qua bóng tối


 Chu Thập
20/07/18
Đặc phái viên Steve Cannane của Đài ABC, Úc Đại Lợi, tại Âu Châu  đã đến một nơi đã từng xảy ra một trong những tội ác tày đình nhứt trong lịch sử của Âu Châu hiện đại. Tại đây, một cư dân tên là Nedzad Avdic đưa ông đến một chỗ mà không một người bình thường nào muốn thăm viếng.
Chính tại chỗ này, cách đây đúng 22 năm, Nedzad đã bị các lực lượng của Chính phủ Bosnia Serbia lôi cổ xuống khỏi một chiếc xe tải. Lúc đó, Nedzad chỉ là một thanh niên 17 tuổi. Anh ngửi được mùi thuốc súng. Nỗi sợ hãi chạy suốt xương sống của anh. Anh nghe được tiếng rên la của những người đang hấp hối. Trước mặt anh là hàng hàng lớp lớp những thây chết.
Trước khi đến lượt mình bị mang ra xử tử, người thanh niên nhìn thấy nhiều người ở phía trước anh bị chặt chém. Tay anh bị trói gô ra đàng sau. Anh bị đẩy xuống một rãnh nhỏ trước mặt. Ý nghĩ cuối cùng của người thanh niên trước khi bị bắn 3 lần là mẹ anh sẽ không bao giờ biết xác anh ở đâu.
Nedzad là một trong rất ít những người còn sống sót trong cuộc tàn sát tập thể tại Srebrenica, Bosnia Hegzegovina dạo tháng Bảy năm 1995. Đây là cuộc diệt chủng duy nhứt xảy ra tại Âu Châu sau Đệ nhị Thế chiến.
Khoảng 8.000 người  đàn ông và thanh thiếu niên Hồi Giáo không có một tấc sắt trong tay đã  bị các lực lượng Bosnia Serbia bắt giữ, mang đi xử tử và vùi xuống những nấm mồ tập thể. Không rõ bằng cách nào mà Nedzad đã thoát chết. Sau khi đội hành quyết rời khu tử địa để đi lùng bắt thêm những người Hồi Giáo khác, Nedad đã cố gắng bò lên khỏi tử huyệt, lê lết vào khu rừng bên cạnh.
Năm 2007, trong một hành động thách thức những người  muốn xóa sạch người Hồi Giáo khỏi Sbrebrenica, Nedzad đã cùng với gia đình trở lại đây và tự trao cho mình một sứ mệnh: anh muốn đưa các phóng viên đến nơi đã từng diễn ra cuộc diệt chủng cuối cùng tại Âu Châu để thế giới đừng bao giờ quên tội ác ấy!
Một ngày sau khi được Nedzac đưa đi thăm nơi đã diễn ra cuộc diệt chủng, phóng viên Cannane đã đến gặp ông Mladen Grujicic, Thị trưởng Srebrenica. Ông này không nhìn nhận rằng đã từng có một cuộc diệt chủng xảy ra trong thành phố của ông. Khi nhận xét về tướng Ratko Mladic, tội phạm chiến tranh đã từng ra lệnh cho quân đội Bosnia Serbia thực hiện cuộc diệt chủng, Thị trưởng Srebrenica nói rằng ông này thật sự là một anh hùng. Khi được hỏi đâu là bằng chứng để khẳng định rằng cuộc diệt chủng đã không hề xảy ra, thị trưởng thành phố Srebrenica nói rằng 5 người có tên trong đài tưởng niệm không phải là cư dân ở đây.
Khi được yêu cầu trưng dẫn bằng chứng, Thị trưởng Grujicic đã gởi đến cho phóng viên Cannane hai trang được trích dẫn từ một luận án của một sĩ quan thuộc lực lượng Drina, tức đơn vị chịu trách nhiệm về cuộc tàn sát người dân vô tội.
Dĩ nhiên, “bằng chứng” do ông Thị trưởng Sbrebrenica trưng dẫn hoàn toàn trái ngược với tài liệu do các chuyên viên làm việc cho Tòa án Quốc tế The Hague đặc trách về Cựu Nam Tư, cung cấp.
Trước những bịa đặt hoàn toàn dối trá của Thị trưởng Sbrebrenika, Nedzad lại càng thấy mình có sứ mệnh phải làm chứng cho sự thật.
Phóng viên Cannane đã có mặt tại Srebrenika vào tháng 11/2017, ngày mà tướng Ratko Mladic bị tuyên án về các tội diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại. Các bà mẹ Sbrebrekika đã khóc ròng khi nghe Tòa Án The Hague tuyên án.
Ngày hôm trước, người phóng viên của Đài ABC đã nhìn thấy Nadzac cùng với vợ và 2 đứa con của anh tại đài tưởng niệm các nạn nhân của cuộc diệt chủng. Đứng trước hàng ngàn bia mộ của những người đã bị quân đội Bosnia Serbia tàn sát, Nadzac nói với phóng viên Cannane: “Đây là câu trả lời của tôi dành cho ông Ratko Mladic”.
Cùng với câu chuyện của Radzac, phóng viên Cannane cũng đã theo dõi nhiều thảm kịch khác chỉ mới xảy ra tại Âu Châu trong thời gian gần đây. Ông đưa ra suy nghĩ: “Văn minh và tình nhân đạo đối lại với sự dã man là điều tôi đã thấy nhiều lần trong 2 năm qua” tại Âu Châu.
Nhiều mạng sống vô tội đã bị hủy diệt vì những cuộc tấn công độc ác dã man. Nhưng đối lại với những hành vi độc ác ấy lúc nào cũng có những hành động tử tế và can đảm. Đặc phái viên của Đài ABC tại Âu Châu nói: “Bất cứ nơi nào có bóng tối, tôi cũng đều thấy được những tia sáng”.
Trong cuộc tấn công khủng bố tại cầu London Bridge, Anh Quốc  dạo tháng Sáu năm 2017, có 8 người bị giết chết và 48 người bị thương. Nhưng cuộc tấn công đồi bại ấy cũng đã làm bừng dậy những hành động can đảm hiếm có. Kirsty Boden, một nữ y tá người Nam Úc, đã bị giết chết sau khi đã lăn xả vào chỗ hiểm nguy để giúp đỡ các nạn nhân. Wayne Marques, một cảnh sát viên Anh, đã bị thương nặng sau khi bị đâm nhiều lần vì can đảm chiến đấu chống lại 3 tên khủng bố.
Tại Manchester, nhiều bậc phụ huynh đã liều mạng để cứu con cái mình trong vụ đặt bom khủng bố tại một buổi trình diễn ca nhạc của ca sĩ Mỹ Ariana Grande dạo tháng Năm năm vừa qua. Cuộc khủng bố đã làm cho 22 người bị thiệt mạng và 59 người bị thương. Vậy mà trong buổi canh thức được tổ chức vào ngày hôm sau để tưởng niệm các nạn nhân, thi sĩ Tony Walsh đã đọc bài thơ có tựa đề “This is the Place” (Đây chính là nơi), qua đó ông kêu gọi mọi người hãy lấy tình thương để đáp trả lại hận thù.
Ngoài Manchester và London, phóng viên Cannane cũng có mặt tại hầu hết những nơi khác ở Âu Châu như Nice, Pháp Quốc và Barcelona, Tây Ban Nha là những nơi đã diễn ra những cuộc khủng bố dã man. Nhưng dưới mắt của người phóng viên của Đài ABC, cuộc khủng bố nào cũng độc ác dã man và cuộc khủng bố nào cũng khơi dậy lòng nhân đạo và những nghĩa cử của con người. (http://www.abc.net.au/news/about/backstory/news-coverage/2018-07-08/steve-cannane-reflects-on-europe-posting).
Đọc lại kinh nghiệm 2 năm làm phóng sự của phóng viên Cannane tại Âu Châu, tôi cứ ngẫm nghĩ về câu nói của ông: “Bất cứ nơi nào có bóng tối, tôi cũng đều thấy được những tia sáng”. Tôi cũng đã nhìn thấy được những tia sáng như thế trong hang động Tham Luang, thuộc tỉnh Chang Rai, Bắc Thái Lan, nơi 12 thiếu niên Thái và huấn luyện viên túc cầu của các em bị mắc kẹt trong nhiều ngày. Trong hang động tối tăm, điều được mang vào trước tiên là một chút ánh sáng, vừa đủ để nhìn thấy gương mặt và nhứt là ánh mắt lúc nào cũng sáng lên niềm hy vọng và lạc quan của các em thiếu niên. Ánh sáng hy vọng và lạc quan đã có thể chiếu tỏa trên gương mặt và đôi mắt của các em thiếu niên bởi vì, dù không nhìn thấy, các em vẫn biết rằng bên trên hang động, cha mẹ và gia đình các em, các thiện nguyện viên, các chuyên viên cấp cứu, những người thợ lặn đang làm việc ngày đêm để cứu các em và cả thế giới như đang nín thở để theo dõi tin tức về các em. Từ hang động tối tăm ấy đã nẩy sinh biết bao nhiêu tia sáng của quảng đại, hy sinh, quên mình. Thế giới sẽ mãi mãi ghi nhớ lòng quả cảm và sự hy sinh của anh Saman Kunan, cựu binh sĩ thuộc lực lượng người nhái Thái, người đã tình nguyện lặn vào hang động để cứu các em thiếu niên và đã hy sinh tính mạng.
Những giây phút tưởng chừng như đen tối nhứt trong bất cứ một thảm kịch nào của nhân loại trong thế giới ngày nay cũng thường là những giây phút đẹp nhứt của tình người. Từ bất hạnh, khổ đau, mất mát lúc nào cũng có thể bừng dậy những nghĩa cử cao đẹp từ trái tim con người. Trong những giây phút tưởng chừng như tuyệt vọng, tin vui lại đến. Với ý nghĩ này tôi nghe văng vẳng ca khúc của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng: “Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng. Một vòng tay vừa mới mở ra. Cứu anh em những đời mạt vận. Đường mờ đi càng bước càng xa. Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng. Hai mươi năm tưởng đá vàng phai. Có em tôi nuốt từng giọt lệ. Ngậm oan khiên đợi mãi một ngày. Hãy nói cho mọi người cùng nghe. Người đã cứu người...”
Máu chảy ruột mềm. Tình người là kho tàng ẩn dấu trong lòng ruột con người. Tình người không có biên giới. Tình người không dừng lại ở bất cứ rào cản nào. Tình người lại càng không bị ràng buộc vào bất cứ một nền văn hóa hay tôn giáo nào. Tình người không có kỳ thị, dù dưới bất cứ hình thức nào.  Đã là người thì dù thuộc chủng tộc, văn hóa hay tôn giáo nào, ai cũng có khả năng sống tình người. Điều làm cho con người thực sự là người chính là lòng nhân đạo, là tình người.
Mới đây, một nữ nghệ sĩ người Úc, bà Patricia Piccinini đã cho triển lãm tại Brisbane một số tác phẩm điêu khắc của bà. Sợi chỉ xuyên suốt trong những hình tượng nửa người nửa thú của bà chính là tình mẫu tử, niềm ưu ái. Dường như thông điệp mà nữ nghệ sĩ này muốn nhắn gởi là: trong chuỗi tiến hóa của loài người thì điều làm cho con người là người chính là tình người. Tình người chính là tế bào gốc của trái tim con người. Tình người là chất keo của các quan hệ xã hội. Do đó tình người cũng phải là trái tim của bất cứ một cuộc “tề gia, trị quốc và bình thiên hạ” nào.
Không biết có phải để đối lại với chủ trương “America first” (Nước Mỹ, người Mỹ trước tiên) của Tổng thống Donald Trump, mới đây một người Mỹ gốc Hoa là ông Andrew Young đã tuyên bố sẽ ra tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2020 với khẩu hiệu “Humanity first” (Con người, tình người, lòng nhân đạo trước tiên). Tốt nghiệp kinh tế và luật, với kinh nghiệm  đã từng hoạt động trong các lãnh vực y tế, giáo dục, ông Yang đã thành lập nhiều công ty. Năm 2011, ông đứng ra điều hành “Venture for America”, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên động viên các nhà doanh nghiệp trẻ tạo công ăn việc làm. Năm 2012, ông được Tổng thống Barack Obama trao tặng danh hiệu “Champion of Change” (nhà vô địch về cải tổ). Ông cũng được Tòa Bạch Ốc cử làm đại sứ của tổng thống về Doanh nghiệp Toàn cầu. Là một nhà doanh nghiệp trẻ, ở tuổi chỉ mới 43, ông Yang nhìn nhận mình là người theo tư bản chủ nghĩa, nhưng ông muốn mang lại cho tư bản chủ nghĩa một bộ mặt “nhân bản” hơn, bởi vì theo ông thứ tư bản chủ nghĩa hiện hành tại Hoa Kỳ không phục vụ cho đại đa số người Mỹ. Ông khẳng định: “Con người quan trọng hơn tiền bạc”. Một cách nào đó, ông Yang và đệ nhứt phu nhân Melania Trump đã gặp nhau ở một điểm: Chính phủ phải cai trị với một trái tim!
Tôi không biết khẩu hiệu “Humanity first” của người Mỹ gốc Hoa Andrew Yang có thuyết phục được người Mỹ không. Nhưng ít ra, nó nhắc nhở tôi rằng trong cuộc sống này chẳng có thứ gì có thể được đặt lên trước tình người và lòng nhân đạo...bởi vì chỉ có giá trị này mới làm cho con người thực sự là người.






Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2018

Đám đông cô đơn



Chu Thập
13/06/18
Chuyện bên lề Giải Túc Cầu Thế Giới 2018: một cặp vợ chồng Nga ly dị chỉ vì cãi nhau về địa vị cầu thủ số một thế giới. Theo một tờ báo địa phương của Nga, cuộc cãi vã giữa cặp vợ chồng đã xảy ra sau khi đội tuyển Á Căn Đình hạ đội tuyển Nigeria ở vòng loại. Với người chồng, Lionel Messi là cầu thủ số một thế giới. Nhưng người vợ thì lại khăng khăng bảo vệ lập trường của mình: Cristiano Ronaldo, thủ quân đội Bồ Đào Nha  mới xứng đáng giữ địa vị này. Trên sân cỏ, cuộc thi đấu nào cũng đều kết thúc hoặc với tỷ số huề nhau hoặc có kẻ thắng người thua. Nhưng trong  trận đấu võ mồm giữa hai vợ chồng Nga này thì chẳng có huề mà cũng chẳng có ai thắng hay thua cả cho nên cuối cùng người chồng đành cuốn gói ra đi và sau đó nộp đơn xin ly dị.
Tờ báo địa phương đưa tin trên đây cho biết hai vợ chồng này đã gặp nhau trong một quán rượu khi cả hai cùng theo dõi Giải Túc Cầu Thế Giới năm 2002 được tổ chức tại Nhựt Bổn và Đại Hàn. Họ đã lấy nhau vì túc cầu và cũng chia tay vì túc cầu. Chẳng có quen biết gì cặp vợ chồng Nga này, nhưng tôi cũng thấy buồn thật! Trên sân cỏ, sau một trận đấu, các cầu thủ còn bắt tay chào từ biệt nhau. Nhưng trên khán đài hay trước màn ảnh truyền hình, có khi người ta còn ăn thua đủ với nhau bằng cả bạo lực nữa!
Theo dõi các cuộc thi đấu, tôi không chỉ chú mục vào sân cỏ, mà còn xem phản ứng của khán giả trên khán đài. Ống kính truyền hình thỉnh thoảng dừng lại ở những khoảnh khắc đặc biệt nói lên đủ thứ hỉ nộ ái ố của khán giả. Nơi đây có kẻ nhảy nhót reo hò vì niềm vui chiến thắng. Nơi kia có người mếu máo khóc. Ở một góc khác, người ta gấu ó tưởng chừng như muốn ăn tươi nuốt sống nhau. Cứ như thể chính mình là người đang thi đấu!  
Ở giữa đám đông, dường như con người dễ mạnh dạn hơn để biểu lộ con người thật của mình. Đám đông là một thứ xúc tác có thể làm bật lên những cử chỉ hay hành động mà bình thường người ta không dám hay không muốn làm. Có người nhờ đám đông để biểu lộ tính lương thiện và những tình cảm tốt đẹp. Nhưng cũng không thiếu những người bị đám đông lôi kéo để làm những hành động bất lương và ngay cả tội ác.
Tôi thường nghĩ đến đám đông những người Đức đã tham gia vào cuộc diệt chủng của Đức Quốc Xã đối với người Do Thái. Vào năm tới 2019, thế giới sẽ đánh dấu 80 năm ngày Đức Quốc Xã xâm chiếm Ba Lan, khai mào Đệ nhị Thế chiến và nhứt là khởi xướng cuộc diệt chủng đối với người Do Thái tại Âu Châu. Dĩ nhiên đó là tội ác của Hitler và Đức Quốc Xã. Nhưng chắc chắn Hitler không có đủ ba đầu sáu tay để thực hiện một tội ác tày đình như thế. Có cả một đám đông đứng sau lưng ông và thi hành hiệu lệnh của ông. Thế giới sẽ mãi mãi thắc mắc tại sao một tội ác tập thể như thế đã có thể xảy ra.
Đã có hàng trăm ngàn người Đức, bình thường như mọi người dân bình thường khác ở Âu Châu và trên khắp thế giới, đã tham gia một cách có chủ ý và với đầy đủ  ý thức vào cuộc tra tấn và tàn sát tập thể những người vô tội. Và ngay cả không trực tiếp tham gia vào tội ác, con số những người bàng quan và  thụ động đứng nhìn các hành động tội ác và biết rõ chủ ý đồi bại của Đức Quốc Xã không phải là nhỏ. Tại sao điều đó đã có thể xảy ra?
Người Đức không phải là một đám sát nhân bệnh hoạn. Phần lớn những người Đức đã tích cực tham gia vào tội ác hay thụ động đứng nhìn tội ác đều là những con người bình thường và có tâm lý ổn định trước khi Hitler lên cầm quyền. Cuộc sống gia đình của họ cũng giống như cuộc sống của những người thuộc giai cấp trung lưu trong bất cứ quốc gia Tây Phương nào. Họ có công ăn việc làm để mưu cầu cuộc sống cho gia đình họ. Họ cũng gởi con đến trường học và cũng mong cho chúng ăn học thành tài và nên người. Họ cũng quảng đại đóng góp cho các công cuộc từ thiện ở địa phương. Họ cũng có bạn bè và cũng tham gia các sinh hoạt xã hội. Họ là những người bình thường như mọi người bình thường trên trái đất này.
Trước khi Hitler lên cầm quyền, trong số những người tham gia vào cuộc diệt chủng người Do Thái do Đức Quốc Xã chủ xướng hoặc làm khách bàng quan đứng nhìn tội ác, không có người nào để lộ bất cứ dấu hiệu nào của bệnh tâm thần hay khuynh hướng độc ác muốn hãm hại người khác. Họ không hề là người vô cảm. Họ cũng không hề là những người không sống theo bất cứ một chuẩn mực đạo đức nào. Khi được tuyển dụng và gởi đến đến các làng mạc của người Do Thái để bắn giết trẻ con và phụ nữ, một số người chỉ thi hành “sứ mệnh” trong một  thời gian ngắn và sau đó bỏ cuộc vì không thể chịu đựng nổi cảnh chết chóc do chính mình gây ra. Điều đó chứng tỏ họ không hề là những người máy không có cảm xúc hay những tên sát nhân hàng loạt mắc bệnh tâm thần.
Theo các tài liệu lưu trữ, không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy những người  tích cực tham gia vào tội ác đã bị cưỡng bách phải thi hành sứ mệnh cả. Tài liệu cho thấy trong số 500 người Đức được tuyển mộ để đi lùng bắt 1800 người Do Thái tại làng Jozefow, bên Ba Lan, chỉ có đúng 15 người quyết định không tham gia vào tội ác sau khi được đại tá Wilhelm Trapp cho biết họ phải bắn giết phụ nữ, trẻ con và người già, nhưng nếu không muốn họ có thể rút lui.
Những người Đức đã tình nguyện đi lùng bắt người Do Thái hoặc làm việc tại các trại tập trung Auschwitz, Ravensbruck, Dachau và nhiều trại tập trung khác, nơi các tù nhân bị sát tế trong các lò hơi ngạt hay được sử dụng như vật thí nghiệm trong các phòng nghiên cứu ...đều xuất phát từ mọi  giai tầng xã hội và ngành nghề khác nhau. Họ là binh sĩ, cảnh sát viên, luật sư, bác sĩ, y tá, thư ký, kỹ sư, nhân công và ngay cả bậc khoa bảng.
Điều hành các trại tập trung là các sĩ quan quân đội, nhưng trực tiếp thi hành tội ác lại là những thường dân. Chính những người đã từng là láng giềng quen biết của người Do Thái lại đứng ra thi hành tội ác. Phần lớn những người Đức đảm nhận những công việc hàng ngày trong các trại tập trung như y tá, cai tù...đều không bỏ công việc hoặc xin chuyển đi nơi khác ngay cả sau khi đã  chứng kiến những hành động tội ác đối với các tù nhân.
Tại sao người Đức đã tích cực tham gia hoặc làm khách bàng quan đứng nhìn tội ác của  Đức Quốc Xã ? Chỉ có một câu trả lời xem ra thỏa đáng là: họ đã hành động như thế bởi vì họ nghĩ rằng đó là điều chính đáng và cần thiết!
Họ nghĩ rằng họ đã hành động đúng, bởi vì họ đã bị đầu độc để ghét người Do Thái. Họ đã được dạy rằng người Do Thái đã tàn phá nền kinh tế của đất nước và rằng những người Do Thái theo cộng sản Bolchevik tại Mạc Tư Khoa đang có âm mưu tiêu diệt người Đức và thực hiện một cuộc cách mạng cộng sản tại Đức.
Họ nghĩ rằng điều họ làm là cần thiết, bởi vì họ tin rằng người Do Thái là một mối đe dọa lớn cho cuộc sống của người Đức. Thật ra, chủ nghĩa bài Do Thái  không phải là kết quả của cuộc tuyên truyền của Đức Quốc Xã. Nó đã được khai sinh ngay từ Thế kỷ 19. Trong cái nhìn của một người Đức bình thường vào thời kỳ đó, Do Thái là một giống người mưu mô, xảo quyệt, độc ác. Tuy nhiên, phần lớn người Đức có lẽ đã không sẵn sàng hay có đủ dã tâm để tiêu diệt người Do Thái. Phải đợi cho đến khi Hitler và Đức Quốc Xã dùng mọi xảo thuật để tuyên truyền và đầu độc, những khuynh hướng thấp hèn trong những người Đức bình thường mới có cơ hội bừng dậy và hận thù vốn đã âm ỉ trong tầm hồn họ mới được trút xuống những người vô tội.
Đám đông là một sức mạnh vĩ đại. Đám đông có thể thực hiện thành công những cuộc cách mạng ôn hòa như thế giới đã chứng kiến tại Phi Luật Tân năm 1986 hay tại một số nước Bắc Phi qua điều thường được gọi là Mùa Xuân Á Rập hồi năm 2010. Nhưng như lịch sử đã chứng minh, cũng chính đám đông tạo ra những nhà độc tài và góp phần vào tội ác. Đám đông người Đức đã đưa Hitler lên cầm quyền và chuẩn thuận chương trình độc ác của ông thường được mệnh danh  là “giải pháp cuối cùng”, tức tiêu diệt người Do Thái.
Con người thường dễ cảm thấy cô đơn giữa đám đông. Ngày nay, khi cuộc sống ngày càng được đô thị hóa, con người càng cảm thấy cô đơn hơn. Hiện tượng tự tử tại những nước có mức sống cao là biểu hiện rõ nét nhứt của nỗi cô đơn mà cuộc sống dư dật và những tiện nghi vật chất không thể khỏa lấp được. Nhưng không những con người cảm thấy cô đơn giữa đám đông mà chính đám đông ngày nay cũng là một đám đông cô đơn. Ngay từ thập niên 1950, tác giả Mỹ David Rieasman đã nói đến hiện tượng cô đơn của đám đông trong cuốn sách có tựa đề “đám đông cô đơn” (the lonely crowd). Trong phần kết luận của cuốn sách, tác giả  khẳng định: “Tư tưởng cho rằng con người sinh ra tự do và bình đẳng vừa đúng lại cũng vừa sai”. Theo ông, con người sinh ra đã khác nhau. Họ đánh mất tự do và độc lập cá nhân khi tìm cách trở thành giống nhau, tức hòa nhập vào đám đông. Lúc đó những lựa chọn của họ không hoàn toàn mang tính cá nhân độc lập mà là sản phẩm của thời thế. Vì đánh mất chính mình cho nên họ mới cảm thấy cô đơn. Và chính vì cô đơn mà đám đông dễ có phản ứng bầy đàn: ở giữa đám đông, bất cứ một hành động nào, tốt hay xấu, cũng đều có sức lây lan và lôi cuốn những người xung quanh.
Ngồi một mình trước màn ảnh truyền hình để theo dõi các trận thi đấu của Giải Túc Cầu Thế Giới, tôi cũng cảm thấy cô đơn. Thật ra, có giây phút nào mà tôi không cảm thấy cô đơn. Và tôi cũng tin rằng trên thế gian này, không một ai có thể thoát được cô đơn. Thông minh và nổi tiếng như nhà bác học Albert Einstein mà cũng có lúc phải thốt lên: “Thật là điều lạ lùng: được cả thế giới biết đến mà vẫn cảm thấy rất đỗi cô đơn!” Có khi càng giàu có con người lại càng cảm thấy cô đơn hơn và đỉnh cao của quyền lực cũng là tột đỉnh của cô đơn. Nhưng cô đơn không phải là tiếng nói cuối cùng trong cuộc sống. Các nhà lãnh đạo tinh thần, như  Đức Đạt Lai Lạt Ma chẳng hạn, thường xem sự cảm thông như khí giới để chiến đấu chống lại cô đơn. Nói cho cùng, khi con người biết lấy tình thương, sự cảm thông, lòng quảng đại và sự tha thứ để đối xử với người khác, họ sẽ vượt qua được nỗi sợ hãi và sự trống rỗng trong tâm hồn mình.










Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

Một cử chỉ đẹp



Chu Thập
06/07/18

Hầu như Giải Túc Cầu Thế Giới nào cũng để lại trong ký ức tôi một dấn ấn khó phai. Dĩ nhiên, làm sao quên được tên tuổi của những siêu sao và những cú làm bàn đẹp của họ. Nhưng tôi lại dễ bị cảm kích hơn vì những hình ảnh nổi bật khác. Chẳng hạn “bàn tay Chúa” của danh thủ Á Căn Đình Diego Maradona trong trận đấu giữa Á Căn Đình và Anh Quốc trong Giải Túc Cầu Thế Giới năm 1986 tại Mễ Tây Cơ thì tôi không thể nào quên được. Trong trận đó, Maradona đã dùng bàn tay để ngụy tạo một cú đánh đầu khéo léo đến độ qua mặt được trọng tài. Năm đó đội tuyển Á Căn Đình đoạt chức vô địch thế giới và riêng Maradona được tặng danh hiệu “trái banh vàng” (golden ball).
10 năm sau “bàn tay Chúa” của Maradona, cú húc đầu của siêu sao Pháp Zinedine Zidane lại càng “làm nên lịch sử hơn”. Trong trận đấu giữa Pháp và Ý tại Giải Túc Cầu Thế Giới năm 2006 được tổ chức tại Bá Linh, Đức, không rõ vì một lời nói xúc phạm nào đó đối với em gái của mình, danh thủ Zidane đã dùng đầu húc mạnh vào ngực của tiền vệ Marco Materzzi của Ý. Danh thủ nổi tiếng với lối chơi đẹp và thái độ nhã nhặn đã lãnh thẻ đỏ và bị đuổi ra khỏi sân.
Mới nhứt và xem ra cũng khó quên nhứt đối với tôi có lẽ là cái miệng “Dracula” của danh thủ Luis Suarez thuộc đổi tuyển quốc gia Uruguay. Con ngựa chứng có tài nhưng có tật này thích cắn tai người khác. Trong trận đấu giữa Uruguay và Ý trong Giải Túc Cầu Thế Giới năm 2014 tại Ba Tây, Suarez đã bất thần cắn vào vai tiền vệ Ý Giorgio Chiellini. Đây không phải là lần đầu tiên danh thủ này sử dụng khẩu thuật để tấn công đối thủ. Nhưng tại một Giải Túc Cầu Thế Giới, trước sự chứng kiến của hàng triệu triệu khán giả trên khắp thế giới, cú cắn của anh đã trở thành một dấu ấn khó phai của mùa Giải Túc Cầu Thế Giới năm đó.
Giải Túc Cầu Thế Giới 2018 chưa kết thúc. Tôi không biết rồi đây khán giả trên khắp thế giới sẽ ghi nhớ những sự kiện hay hình ảnh nào được xem là nổi bật nhứt của mùa thi đấu năm nay. Tôi buồn vì một đội tuyển xuất sắc như Ý lại không có được tấm vé để thi đấu ở vòng loại 32. Tôi cũng thất vọng vì đội tuyển Bồ Đào Nha, đương kim vô địch Giải Túc Cầu Âu Châu năm 2014, dù với bàn chân phù thủy của siêu sao Cristiano Ronaldo, cũng đành phải cuốn gói ra về ở vòng 16. Tôi cũng ngỡ ngàng khi siêu sao Lionel Messi của Á Căn Đình cũng chẳng cứu vãn được đội tuyển quốc gia để lọt vào vòng tứ kết. Và nhứt là không gì buồn bằng khi nhìn cảnh thủ quân của đội tuyển Tây Ban Nha, Sergio Ramos, đã khóc nức nở khi bị đội tuyển Nga loại khỏi vòng chiến trong trận thi đấu vòng 16 sáng thứ Hai mùng 2 tháng Bảy vừa qua.
Hiện vẫn chưa có một biến cố nổi bật nào để tôi nhớ mãi về Giải Túc Cầu Thế Giới được tổ chức tại Nga này. Nhưng nếu phải bầu chọn một cầu thủ xuất sắc nhứt thì dĩ nhiên lúc nào tôi cũng bỏ phiếu cho danh thủ Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo.  Dù đội tuyển Bồ Đào Nha không được vào vòng tứ kết, siêu sao Ronaldo lúc nào cũng chiếu sáng trên sân cỏ, dẫu có lúc chỉ như một vì sao lẻ loi. Tuy nhiên, đó không phải là hình ảnh tôi muốn giữ lại trong tâm trí trong mùa Giải Túc Cầu Thế Giới năm nay, mà là một cử chỉ đẹp mà danh thủ này đã làm trong trận thi đấu với đội tuyển Uruguay sáng Chủ nhựt  mùng một tháng Sáu vừa qua. Sau khi đã ghi được 2 bàn thắng cho đội tuyển Uruguay, tuyển thủ Edison Cavani bị thương nặng đến độ không thể tiếp tục trận đấu. Anh bước những bước khập khiễng ra khỏi chân. Chính lúc đó, người chạy đến quàng tay vào hông để dìu anh ra sân không phải là một người đồng đội mà chính là siêu sao Ronaldo. Nỗi lo của huấn luyện viên Oscar Tabarez hiện rõ trên mặt. Các ủng hộ viên của đội nhà cũng bày tỏ cùng một sự lo ngại. Nhưng từ khán đài, nhiều khán giả, dù thuộc bên nào, đã tỏ ra cảm kích trước tinh thần thượng võ được thể hiện qua cử chỉ đẹp của Ronaldo.
Với tôi đó là dấu ấn nổi bật của Mùa Giải Túc Cầu Thế Giới 2018 năm nay. Tôi sẽ mãi mãi nhớ về Mùa Giải Túc Cầu Thế Giới này với cử chỉ đẹp ấy. Tôi không biết danh thủ Ronaldo có tính toán và ẩn ý nào không khi làm cử chỉ đẹp này. Nhưng trong mắt tôi, dường như với cử chỉ này, Ronaldo muốn thay đổi hình ảnh mà người thường có về anh. Đó là hình ảnh của một cầu thủ kiêu căng, kênh kiệu, thích chơi nổi và luôn chứng tỏ mình là cầu thủ xuất sắc nhứt. Với cử chỉ đẹp ấy, Ronaldo muốn biểu lộ một khía cạnh đẹp trong nhân cách của anh: anh cũng có thể là một người tử tế, biết quan tâm đến người khác, chớ không chỉ nghĩ đến bản thân! Và nếu có một sứ điệp mà một cầu thủ nổi tiếng như anh muốn nhắn gởi đi từ sân cỏ thì sứ điệp đó là: dù trong bất cứ lãnh vực nào của cuộc sống, con người cũng có thể và phải đối xử tử tế với nhau! Ít ra, tôi không phải mất giờ để thức khuya dậy sớm để theo dõi các trận đấu mà không rút ra được bài học nào cho mình.
Năm nay Ronaldo đã 33 tuổi. 4 năm nữa, có thể chẳng còn ai nhắc đến tên anh trong Giải Túc Cầu Thế Giới 2022. Với thời gian, cũng như mọi danh thủ khác, danh tiếng của anh rồi cũng sẽ mai một. Ngay cả tiềng rừng bạc bể của anh rồi cũng có lúc vơi đi. Nhưng một nhân cách đẹp mà anh đã cố gắng xây dựng thì sẽ mãi mãi theo anh và thuộc về anh.
Những cử chỉ đẹp mà mình làm được, hay nói chung sự tử tế mà mình cố gắng thể hiện cho người khác luôn sinh lợi cho chính bản thân mình. Xét cho cùng, khi tôi tử tế với người khác là lúc tôi cũng muốn tử tế với chính mình. Trong cuộc sống, tôi không ảo tưởng đến độ chỉ nhìn đời với kiếng mầu. Xung quanh tôi không thiếu những người bất lương và vô ơn. Không phải ai cũng cảm nhận và đáp trả lại sự quảng đại và lòng tử tế của tôi. Xung quanh tôi có biết bao người tỏ ra vô tâm và vô ơn trước những nghĩa cử của người khác. Con người ta ai mà chẳng có lúc vô ơn trước lòng tốt của người khác! Nhưng lòng quảng đại đích thực không cần sự đáp trả. Người xưa đã chẳng dạy: “thi ân bất cầu báo” đó sao? Làm ơn mà mong được đáp trả là làm ơn có tính toán và vụ lợi. Làm ơn như thế chỉ làm cho nhân cách trở nên nghèo nàn hơn mà thôi. Một nghĩa cử hay một cử chỉ đẹp thực sự tự nó đã là một phần thưởng. Phần thưởng đó chính là làm cho tôi nhẫn nhục hơn, khoan nhượng hơn, cảm thông hơn, tha thứ hơn và nhứt là mang lại cho tôi sự thư thái và bình an trong tâm hồn. Cư xử tốt với người khác không bao giờ làm cho tôi mất mát cả, mà trái lại chỉ có thể làm cho tôi thêm giàu có mà thôi!
Tử tế với người khác là tử tế với chính bản thân. Nhưng ngược lại tử tế với bản thân cũng chính là tử tế với tha nhân. Điều ấy xem ra có vẻ nghịch lý. Nhưng thực tế luôn chứng minh điều đó. Nếu tôi biết  cư xử  tử tế với bản thân tôi bằng cách chăm lo cho sức khỏe bằng cuộc sống điều độ, có kỷ luật...thì đương nhiên tôi sẽ cảm thấy an vui, thư thái và quan hệ của tôi với người khác cũng sẽ tốt đẹp hơn. Trái lại, nếu tôi có cuộc sống bừa bãi dẫn đến bệnh tật, căng thẳng, trầm cảm hay những tệ nạn khác như bài bạc, say sưa thì đương nhiên, không phải chỉ có tôi mới là người phải gánh chịu những hậu quả, mà xã hội và  nhứt là người thân của tôi cũng khổ lây.
Thế giới ngày càng được toàn cầu hóa. Tình liên đới nhân loại ngày càng rõ nét. Từ một nơi xa xăm mất hút trên bản đồ thế giới, bất cứ nỗi đau khổ nào của người đồng loại cũng đều có âm hưởng trên chính bản thân tôi. Và ngược lại, như một viên đá cuội ném xuống một mặt hồ yên tĩnh, bất cứ niềm vui nỗi khổ nào của tôi cũng đều ảnh hưởng đến mọi người cách này hay cách khác. Tất cả mọi người có mặt trên trái đất này đều liên kết với nhau đến độ khi tôi giúp đỡ bất cứ một người nào cũng chính là lúc tôi giúp đỡ chính mình, khi tôi tự giúp đỡ mình cũng chính là lúc tôi giúp đỡ người khác. Cũng thế, khi tôi tự hãm hại mình cách này hay cách khác cũng chính là lúc tôi hãm hại người khác. Ngày nay, toàn thế giới đều “nối mạng” với nhau; thế giới là một “mạng lưới” mênh mông. Tốt hay xấu, bất cứ hành động hay cử chỉ nào của tôi, vô tình hay hữu ý, đều có âm hưởng đến người khác.
Về sự tử tế, tôi luôn tìm đến với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong cuốn sách “A Policy of Kindness” (một chính sách về sự tử tế), Ngài nhắn nhủ: “Trách nhiệm (về sự tử tế) không chỉ thuộc về những nhà lãnh đạo đất nước của chúng ta hoặc những người được bổ nhiệm hay bầu lên để làm một công tác đặc biệt. Nó thuộc về mỗi một cá nhân chúng ta. Hòa bình chẳng hạn bắt đầu từ trong mỗi người chúng ta. Khi tâm hồn chúng ta được bình an, chúng ta có thể sống hòa bình với những người xung quanh chúng ta. Khi cộng đồng chúng ta sống trong hòa bình, nó cũng có thể chia sẻ hòa bình ấy với các cộng đồng bên cạnh.
Khi chúng ta yêu thương và đối xử tử tế với người khác, không những chính họ cảm thấy được yêu thương và quan tâm đến, điều đó cũng giúp mang lại hạnh phúc và an bình cho chính chúng ta. Và có nhiều cách qua đó chúng ta có thể bày tỏ tình yêu thương và sự tử tế.
Đối với một số người trong chúng ta, cách thế hữu hiệu nhứt là thực hành yêu thương và tử tế xuyên qua các thực hành tôn giáo. Đối với một số khác, có thể đó là những thực hành bên ngoài tôn giáo. Điều quan trọng là mỗi người chúng ta cần cố gắng đảm nhận trách nhiệm đối với nhau và đối với môi trường sống tự nhiên”.
Thế giới ngày nay, theo nhà lãnh đạo tinh thần  đang bị nhận chìm trong xung đột. Theo dõi tin tức hàng ngày, chúng ta chỉ thấy hận thù và bạo động giữa các quốc gia, chủng tộc, giai cấp và tôn giáo. Các nhà lãnh đạo chính trị đi đây đi đó để gọi là tìm kiếm những giải pháp hòa bình. Họ tổ chức những cuộc họp thượng đỉnh để gọi là ký kết những hiệp ước hòa bình. Đứng trước đau khổ, chúng ta kêu gọi các nhà lãnh đạo hãy mang lại hòa bình cho thế giới. Tuy nhiên, theo nhà lãnh đạo tinh thần của Phật Giáo Tây Tạng,  hòa bình mà chúng ta đang tìm kiếm không phải là sự thay đổi hàng đầu mà chúng ta chờ mong các nhà lãnh đạo chính trị sẽ mang lại. Điều mà chúng ta tìm kiếm đòi hỏi một sự thay đổi tận căn trong nội tâm chúng ta. Trước hết, chúng ta phải trau dồi sự bình an trong tâm hồn chúng ta. Một sự bình an như thế chỉ có thể có được bằng tình thương và sự tử tế đối với người khác mà thôi.
Tôi không biết cử chỉ đẹp của danh thủ Cristiano Ronaldo có động viên những người chung quanh anh tiếp tục lập lại những cử chỉ đẹp như những gợn sóng tỏa xa ra hay không. Tôi cũng không biết nhờ những gợn sóng đó người ta có thể góp phần nào trong việc mang lại hòa bình thế giới hay không. Nhưng ít ra nó cũng gợi lên trong tôi nỗi khao khát muốn được cư xử tử tế với người xung quanh và nhờ đó có một cuộc sống đẹp và bình an.






Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018

Nga: sân sau của Giải Túc Cầu Thế Giới 2018


06/07/18
Chưa bao giờ Nga tưng bừng lễ hội bằng mùa Giải Túc Cầu Thế Giới năm nay. Tại 11 thành phố lớn của Nga, đâu đâu cũng vui nhộn với những cuộc liên hoan. Suốt ngày đêm lúc nào đường phố cũng đông nghẹt. Trước khi Giải Túc Cầu Thế Giới khai mạc, nhiều người lo sợ du khách và các “tín đồ” bóng đá từ các nước đến sẽ gặp thái độ thù nghịch của người dân Nga. Nhưng trái với dự đoán, chưa bao giờ người dân Nga tỏ ra thân thiện với du khách cho bằng lúc này. Các ủng hộ viên của đội tuyển quốc gia Nga lúc nào cũng sẵn sàng nâng ly rượu Vodka để làm quen với các ủng hộ viên của các đội tuyển khác. Người ta tưởng du khách từ Nhật Bản, Colombia và Tunisia sẽ không bao giờ dám đặt chân đến Tỉnh Saransk trong mùa Giải Túc Cầu Thế Giới năm nay. Vậy mà không ngờ họ đã được cư dân tại đây lúc nào cũng tỏ ra niềm nở, thân thiện. Trong bộ đồng phục mầu trắng, cảnh sát Nga luôn lịch sự chỉ đường cho du khách và bình thản theo dõi những cuộc vui đôi khi sa đà của dân chúng.
Cách đây vài tháng, cũng chính những viên cảnh sát này cầm gậy săn đuổi và đánh đập những người biểu tình. Cứ tưởng bộ mặt đằng đằng sát khí ấy sẽ không bao giờ thay đổi. Nhưng xem chừng Giải Túc Cầu Thế Giới đã trở thành mùa lễ hội và mọi sự đều được phép!
Để bảo đảm bầu khí lễ hội và liên hoan trong suốt Giải Túc Cầu Thế Giới, các cơ quan truyền thông công cụ của nhà nước Nga cũng ngưng trình chiếu mọi tin tức có nội dung tiêu cực. Các cơ quan khác của nhà nước cũng được lệnh làm như thế. Chẳng hạn bộ nội vụ đã chính thức ra lệnh cho các ban ngành ở địa phương không được thông tin về tội ác.
Tất cả đều được thực hiện với chủ ý: trong hậu trường Túc Cầu thế Giới,  Chính phủ Nga lợi dụng mùa lễ hội của Giải Túc Cầu Thế Giới để thực hiện một loạt những cải tổ và những biện pháp để siết chặt an ninh.
Thật vậy, trong khi người dân Nga đang chú tâm vào các trận thi đấu, Điện Cẩm Linh đã quyết định cho thi hành một trong những cải tổ có thể gây nhiều bất mãn nhất: nâng tuổi về hưu từ 55 lên  63 cho phụ nữ và từ 60 lên 65 đối với đàn ông.
Trong số 83 vùng của Nga, có đến 51 vùng là nơi tuổi thọ trung bình của đàn ông không tới  65. Từ năm 1999 đến năm 2010, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu cuộc sống của khoảng 151.000 người đàn ông Nga tại một số thành phố. Họ đã phỏng vấn họ về thói quen uống rượu của họ. Các nhà nghiên cứu cho biết sau đó có khoảng 8000 người đã qua đời. Nguyên nhân gây cái chết của những người này là rượu. 35 phần trăm những người có nguy cơ chết trước tuổi 55 cho biết trung bình mỗi tuần, mỗi người có thể uống đến 3 lít rượu Vodka trở lên. Nhìn chung, khoảng một phần tư đàn ông Nga chết trước tuổi 55 trong khi tại Hoa Kỳ tỷ lệ này chỉ có khoảng 10 phần trăm.   
Như vậy, với cuộc cải tổ về tuổi hưu do Chính phủ Putin đề ra, người đàn ông Nga tại hầu hết các vùng trên đất nước có lẽ không còn hy vọng sống lâu để mà hưu trí nữa! Dĩ nhiên, Tổng thống  Putin biết quá rõ rằng cuộc cải tổ này sẽ tạo ra bất mãn nơi dân chúng. Ông cũng biết rằng cách đây trên 10 năm, ông sẽ không bao giờ dám thực hiện một cuộc cải tổ như thế.
Nhưng kinh tế Nga hiện đang ngày càng  tồi tệ. Chẳng hạn tính đến tháng Năm vừa qua, thu nhập thực sự đã giảm đến 10 phần trăm. Hiện Chính phủ Nga đang cần tiền hơn bao giờ hết. Điện Cẩm Linh hy vọng rằng kể từ năm 2024, cuộc cải tổ về tuổi hưu trí sẽ giúp Nga  tiết kiệm được mỗi năm  khoảng một ngàn tỷ Rubble, tương đương với 15 tỷ Mỹ kim. Vậy thì tại sao không lợi dụng thời cơ thuận tiện là Giải Túc Cầu Thế Giới này để đẩy mạnh cuộc cải tổ? Người dân Nga đang bận “vui chơi” trong mùa này thì còn giờ đâu để mà biểu tình?
Chính phủ Nga nại đến những cuộc cải tổ tương tự tại nhiều nước Âu Châu để biện minh cho cuộc cải tổ của mình. Nhưng nhiều người cho rằng đây là một cuộc so sánh hơi khập khiễng. Trong khi các nước Âu Châu không phải đương đầu với tình trạng bất bình đẳng trong thu nhập của người dân và cũng không phải vất vả chiến đấu với nạn tham nhũng thì tại Nga, đây là 2 căn bệnh hầu như không có thuốc chữa. Thật vậy, con số người Nga phải sống dưới mức nghèo khó ngày càng gia tăng. Hiện có đến 22 triệu người Nga, tức 15 phần trăm dân số đang lâm vào tình trạng nghèo đói như thế, trong khi đó con số tỷ phú thì ngày càng gia tăng: từ 96, con số  tỷ phú Nga đã lên đến 106 và tài sản của họ chiếm đến từ 460 đến 485 tỷ Mỹ kim.
Cuộc cải tổ về tuổi hưu mỗi năm có thể mang lại cho chính phủ 15 tỷ Mỹ kim, trong khi đó mỗi năm lại có đến 30 tỷ Mỹ kim bị thất thóat vì nạn tham nhũng, nhưng chính phủ Nga lại chẳng đưa ra bất cứ biện pháp nào để đối phó với tệ nạn này.
Phe đối lập và các nghiệp đoàn đã lên kế hoạch để tổ chức các cuộc biểu tình phản đối. Lãnh tụ Đối lập, ông Alexei Navalnay, người chỉ mới được trả tự do sau khi bị giam giữ vì tổ chức một cuộc biểu tình không được chính quyền cho phép, cho biết ông sẽ tham gia các cuộc biểu tình. Sự hiện diện của ông Navalny ở nơi công cộng sẽ tiếp tục là một cái gai gây nhức nhối đến độ trong những năm vừa qua, các cơ quan truyền thông công cụ của chính phủ được ra lệnh không được nhắc đến tên của ông. Do đó, thật là một ngạc nhiên lý thú khi cựu huấn luyện viên của đội tuyển quốc gia, ông Leonid Slutsky đã nhắc đến ông Navalny trong một bài bình luận về trận đấu giữa Đức và Mễ Tây Cơ được Kênh số Một của đài truyền hình quốc gia trực tiếp truyền hình.
Sau đó, mọi người đều hiểu tại sao đó là lần cuối cùng ông Slutsky bình luận về các trận thi đấu trên Kênh truyền hình này.
Ngoài việc mượn bầu khí lễ hội của Mùa Giải Túc Cầu Thế Giới năm nay để tiến hành cuộc cải tổ về tuổi hưu trí, Chính phủ Nga cũng lợi dụng dịp này để thắt chặt các biện pháp an ninh. Trước ngày 15 tháng Sáu, tức ngày khai mạc các cuộc thi đấu, Chính phủ Nga đã thực hiện hàng loạt các cuộc bố ráp. Chẳng hạn vào đầu năm nay, Cơ quan An ninh Liên bang Nga gọi tắt là FSB (hậu thân của Cơ quan Mật vụ KGB) đã bắt giữ một số thanh niên thành viên của phong trào Antifa (Phòng trào chống kỳ thị chủng tộc) và tố cáo họ tạo ra “một tổ chức khủng bố” cũng như chuẩn bị lật đổ chính phủ.
Ngày 16 tháng Sáu, trong một phiên tòa,  Dmitry Pchelintsev, một thành viên của phong trào Antifa, tuyên bố rằng anh chỉ còn lại hai các răng trong miệng: tất cả những chiếc răng khác đều đã không cánh mà bay hết khi anh bị tra tấn tại một trung tâm giam giữ.
Những nhà tranh đấu cho nhân quyền nói rằng Cơ quan An ninh Liên bang Nga hiện đang gia tăng các cuộc tra tấn để buộc những người bị tình nghi phải nhận tội. Trong các cuộc tra tấn, Cơ quan An ninh Liên bang Nga sử dụng một số kỹ thuật như tra điện, không cho ngủ, đánh đập, trói tay vào những vị thế gây đau đớn và căng thẳng tột cùng và nhiều phương pháp tàn nhẫn khác.
Trường hợp của Pchelintsev thường được gọi là vụ án “Mạng lưới”, tức âm mưu lật đổ chính quyền. Rất nhiều người khác cũng bị quy cho tội này mặc dù họ không hề là một mối đe dọa đối với xã hội hay chính quyền. Đối với một số người Nga, những trường hợp như thế thường được chuyển lên Cơ quan An ninh Liên bang Nga để họ chứng tỏ hiệu năng của họ và cho thấy họ đã giải quyết được nhiều vụ tội phạm.
Cơ quan An ninh Liên bang Nga cũng muốn lợi dụng những trường hợp như thế để phô trương những thành tích trong hoạt động phản gián của họ. Ngày 19 tháng Sáu, tin tức cho biết Karin Tsurban, Giám đốc của Công ty Điện lực Nga Inter RAO, đã bị bắt giữ vì tội “làm gián điệp cho Lỗ Ma Ni”. Đây là một thứ cáo buộc mà người ta chỉ thấy có trong thời Stalin. Đầu năm nay, tin cũng cho biết Cơ quan An ninh Liên bang Nga đã “chộp”được 397 người hoạt động cho tình báo ngoại quốc tại Nga. Đây là một “thành tích kỷ lục” của Cơ quan An ninh Liên bang Nga!
Cơ quan này cũng đang thực hiện các cuộc bố ráp đối với một số sắc tộc và tôn giáo. Nhiều người thuộc sắc tộc Tatar tại Crimea và các tín đồ của giáo phái Chứng nhân Giêhôva đã bị bắt giữ. Những người tranh đấu cho nhân quyền cho biết trong nhiều trường hợp Cơ quan An ninh Liên bang Nga đã sử dụng tra tấn, đe dọa và bằng chứng giả khi thẩm vấn những người bị bắt giữ.
Giải Túc Cầu Thế Giới được tổ chức tại Nga đã bước vào vòng 16. Bầu khí lễ hội vẫn đang tiếp diễn tại 11 thành phố lớn của Nga. Nhưng sức nóng tỏa ra từ những cuộc vui hoàn toàn tương phản với “mùa đông chính trị” trong đó hầu hết mọi người dân Nga hiện đang ngụp lặn. Tuy nhiên hiện nay rất nhiều người Nga dường như đang bị chứng “vô cảm về nhận thức” cho nên không thể hoặc không muốn nhìn thấy thực tế ấy. Cũng chẳng có gì khiến phải ngạc nhiên về tình trạng này. Từ ngàn năm qua, chế độ độc tài nào cũng dùng các trò giải trí để bịt mắt và xoa dịu tâm trí của người dân.
Giải Túc Cầu Thế Giới và Thế Vận Hội thường là dịp để người dân Nga không những vui chơi mà còn nuôi dưỡng niềm hy vọng. Lần cuối cùng Nga được vào vòng 16 của Giải Túc Cầu Thế Giới là năm 1986, tức dưới thời mồ ma cộng sản Liên Xô. Mới đây trên các trang mạng xã hội, một số người Nga mang thời mồ ma cộng sản Liên Xô ra so sánh với thời “Nga hoàng” Putin. Năm 1980, Thế vận hội Mùa Hè được tổ chức tại Liên Xô đã bị rất nhiều nước tẩy chay, giá dầu xuống, kinh tế Nga bị thiệt hại nặng nề. Trong thập niên đó, Tổng bí thư Mikhail Gorbachev loan báo chính sách “perestroika” và “glasnost” để gọi là “tái cấu trúc” chế độ cộng sản và “cởi mở” kinh tế. Cuộc cải tổ đã dẫn đến sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản tại chính cái nôi khai sinh của nó là Nga.
Nay  Giải Túc Cầu Thế Giới cũng được tổ chức tại Nga và cũng vào giữa lúc Nga bị cả thế giới lên án vì ngang ngược xâm lăng Crimea của Ukraine và không ngừng gây rối loạn cho nước này. Giá dầu đang sút giảm và kinh tế Nga cũng tuột dốc một cách thê thảm.
So sánh Thế vận hội dưới thời Liên Xô hồi thập niên 1980 với Giải Túc Cầu Thế Giới năm nay, một số người Nga hy vọng rằng lịch sử có lẽ cũng sẽ được lập lại. Có lẽ đó là lý do duy nhất để nuôi dưỡng một chút lạc quan về Nga hiện nay chăng.

( nguồn:
- https://www.aljazeera.com/indepth/opinion/kremlin-russians-watching-world-cup
-https://www.theguardian.com/world/2014/jan/31/russian-men-losing-years-to-vodka)