Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2018

“Nghìn năm gương cũ soi kim cổ”



Chu Thập
Thứ Sáu Tuần Thánh 2013

Hôm nay là ngày mà thế giới Kitô giáo gọi là Ngày thứ Sáu Tuần Thánh hay Thứ Sáu Thánh. Trong ngày này, các tín hữu Kitô tưởng niệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Tại một số nước có truyền thống Kitô giáo lâu đời như Châu Mỹ La Tinh hay Phi Luật Tân ở Á Châu chẳng hạn, người ta thường “diễn lại” cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Có nơi, nhiều người tự nguyện chịu đóng đinh vào thập giá để gọi là thông phần vào sự đau khổ của Chúa hoặc để khấn xin một ơn đặc biệt nào đó. Tại một số giáo xứ ở Việt Nam, vốn chịu ảnh hưởng của các nhà thừa sai Tây Ban Nha, giáo dân đeo khăn tang trên đầu trắng cả nhà thờ.
Riêng tại Roma, mà một số người gọi là “giáo đô”, kể từ thập niên 1980, vào tối Thứ Sáu Tuần Thánh, các đức giáo hoàng thường chủ tọa cuộc “gẫm đàng Thánh Giá” (tưởng niệm con đường thập giá của Giêsu, từ lúc bị mang ra xét xử cho đến khi bị treo trên thập giá trên Núi Sọ), được tổ chức tại Hí trường Colosseo. Di tích lịch sử này gắn liền với những cuộc bách hại đẫm máu mà các tín hữu Kitô tiên khởi đã phải trải qua.
Năm 1985, lần đầu tiên đến Roma, tôi đã ngây ngất trước Đại Hí Trường cổ này. Nước Ý và riêng Roma, có lẽ là nơi có nhiều di tích lịch sử nhất thế giới. Ở đâu cũng có những bức tường đổ nát vẫn còn được giữ nguyên. Du khách có bỏ ra cả tháng trời cũng chưa chắc có thể viếng thăm hết các di tích lịch sử của thành phố được gọi là “muôn thuở” này. Riêng với khách hành hương, nội việc đi thăm viếng các hang toại đạo (catacombs), tức các nghĩa trang dưới đất của người Do Thái được các tín hữu Kitô tiên khởi dùng làm nơi trú ẩn trong thời bị cấm cách, cũng phải mất nhiều ngày.
Nhưng được du khách chiếu cố nhiều nhứt dĩ nhiên vẫn là Hí Trường Cổ Colosseo. Đây là Hí trường lớn nhứt thế giới. Đây cũng là một trong những công trình vĩ đại nhứt trong lịch sử kiến trúc và xây dựng của người La Mã.
Đọc lại lịch sử, tôi thấy Hí Trường Colosseo đã được khởi công xây dựng năm 72 sau công nguyên dưới thời hoàng đế Vespasian và hoàn thành dưới thời hoàng đế Titus vào năm 80. Có khả năng chứa 50 ngàn chỗ ngồi, Hí Trường Colosseo đã được xử dụng cho các cuộc tranh tài của các võ sĩ giác đấu (gladiators) mà cuốn phim “Gladiator” (võ sĩ giác đấu) do tài tử gạo cội Úc Russell Crowe thủ diễn hồi năm 2000 đã cho chúng ta một ý niệm khá đầy đủ. Vào thời đó, nhiều người nô lệ hay các tử tội trên toàn đế quốc bị bắt phải gia nhập vào đoàn võ sĩ giác đấu. Họ không có một chọn lựa nào khác hơn là phải giết cho bằng được đối thủ của mình. Nhưng cái số phận của những người mà sự chém giết và cái chết đẫm máu trở thành thú tiêu khiển cho khán giả, cuối cùng cũng vẫn là cái chết. Cho nên khi bước ra hí trường, võ sĩ nào cũng phải cung kính sắp mình trước hoàng đế để chào: “Muôn tâu hoàng đế, những kẻ sắp chết xin kính chào hoàng đế” (Ave Caesar, morituri te salutant).
Ngoài các cuộc thi giác đấu, người ta cũng tổ chức tại Hí trường những cuộc săn thú hay xử tử các tội nhân.
Sở dĩ Hí Trường cổ này trở thành nơi cử hành cuộc tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu vào mỗi tối Thứ Sáu Tuần Thánh là vì đây là một trong những nơi diễn ra các cuộc hành quyết các tín hữu Kitô tiên khởi. Lịch sử ghi lại: năm 64 dưới thời bạo chúa Nero (54-68 sau CN),  kinh thành Roma đã bị hỏa hoạn thiêu rụi. Nhiều tín hữu tiên khởi tin rằng chính Nero là người đã ra lệnh đốt thành Roma và xem họ là thủ phạm của vụ hỏa hoạn để có cớ bách hại họ. Từ đó cho đến thế kỷ thứ tư, trước khi hoàng đế Constantino gia nhập Kitô giáo và bãi bỏ lệnh cấm đạo, các tín hữu Kitô đã bị bách hại dã man. Hí Trường Colosseo đã trở thành một trong những nơi hành quyết chính thức. Thay cho các võ sĩ giác đấu, các tín hữu Kitô bị quăng vào đấu trường để làm mồi cho sư tử cắn xé và mua vui cho khán giả.
Số phận của Hí Trường Colosseo gắn liền với số phận của đế quốc La Mã. Thi sĩ Bede vào thế kỷ thứ 8 sau CN đã tiên đoán: “Bao lâu Colosseo còn, Roma còn. Colosseo sụp đổ, Roma cũng sụp đổ theo”. Thật ra trước khi đế quốc Roma hoàn toàn cáo chung, Hí trường Colosseo cũng đã nhiều phen nghiêng ngả và sụp đổ vì các cuộc động đất và hỏa hoạn. Nặng nhứt là trận động đất năm 1349. Nhiều khối đá đã từng được dùng để xây dựng Hí trường Colosseo đã được mang đi để dùng làm vật liệu xây cất một số dinh thự, nhà thờ và bệnh viện tại Roma.
Vào thế kỷ thứ 18, Colosseo đã được Giáo hội công giáo xem như một “linh địa”, nơi các tín hữu tiên khởi đã từng chịu tử đạo. Không riêng Giáo hội công giáo, trong những năm sau Đệ nhị Thế chiến, cộng đồng thế giới cũng xem Colosseo như một biểu tượng trong chiến dịch vận động chống án tử hình. Năm 1948, Ý đại lợi đã bãi bỏ án tử hình. Năm 2000, nhiều cuộc biểu tình chống án tử hình đã được tổ chức tại đây. Kể từ đó, chính quyền thành phố Roma đã cho thay đổi ánh đèn điện được thắp sáng trên Hí trường: mỗi khi trên thế giới có tử tội được cải án thành chung thân hay được tha hoặc có một quốc gia tuyên bố bãi bỏ án tử hình, thì tất cả những ánh đèn trắng trên Hí trường đều được biến thành vàng (x.Wikipedia, Colosseum).
Colosseo vẫn còn đó như một di tích lịch sử. Nó không chỉ nói lên nét huy hoàng, sự phồn hoa của một trong những đế quốc hùng mạnh nhứt trong lịch sử nhân loại, mà còn tố cáo sự độc ác dã man của con người đối với người đồng loại của mình. Đứng trước di tích này cũng như bao nhiêu cung điện, đền đài và di tích lịch sử khác, một du khách Việt Nam như tôi không thể không nhớ lại hai câu thơ nổi tiếng của bà Huyện Thanh Quan (1808-1848): “Nghìn năm gương cũ soi kim cổ, cảnh đấy người đây luống đoạn trường”. Tham vọng, danh vọng, quyền lực thống trị và ngay cả sự độc ác của con người cuối cùng rồi cũng bị chôn vùi trong đóng tro tàn của lịch sử!
Không riêng đối với Hí trường cổ Colosseo, mỗi lần bước vào Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô cũng ở Roma, tôi cũng không khỏi chạnh lòng tưởng nghĩ đến một trong những giai đoạn lịch sử đen tối của Giáo Hội của tôi. Ngôi giáo đường nguy nga đồ sộ ấy không chỉ nói lên óc sáng tạo, nghệ thuật và nhứt là sự đóng góp quảng đại và hy sinh của các tín hữu, mà cũng gợi lên vô số những lạm dụng và khai thác lòng tin của các tín hữu từ phía các nhà lãnh đạo Giáo hội thời đó. Cụ thể là chuyện buôn bán các “ân xá”. Thừa lệnh của các đức giáo hoàng, các nhà thuyết giảng đi khắp nơi để kêu gọi giáo dân đóng góp với lời bảo đảm rằng các linh hồn bị “giam” trong luyện ngục sẽ được “lên thẳng” Thiên Đàng nếu được người thân bỏ tiền ra đóng góp cho công cuộc xây dựng vương cung thánh đường. Số phận của những người quá cố được các nhà lãnh đạo Giáo hội mang ra mặc cả và mua bán chẳng khác nào của cải trần thế. Phải có những người tỉnh thức và can đảm như nhà Cải Cách Tin Lành Martin Luther mới dám lên tiếng tố cáo những lạm dụng có tính cách buôn thánh bán thần ấy. Dù cho tiếng nói của Martin Luther  có dẫn đến sự rạn nứt trong Giáo hội, làm phát sinh những cộng đồng Thiên Chúa giáo mới, tiếng nói ấy cũng đã ít hay nhiều  cảnh tỉnh các nhà lãnh đạo Giáo hội để tiến hành những cuộc cải tổ cần thiết.
Trong những ngày vừa qua, tôi đã cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của những cử chỉ đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa của Đức tân giáo hoàng Phanxicô. So sánh sự phục sức, một vài biểu tượng nhỏ mang trên người của Đức Phanxicô với các vị tiền nhiệm của ngài, tôi nghĩ đến một sứ điệp sâu xa hơn: dường như vị giáo hoàng đã từng có cuộc sống đơn sơ, nghèo khó, hòa đồng với những người bình dân này muốn nhắn gởi với toàn thể Giáo hội rằng đã đến lúc cần phải làm một cuộc trở về tận căn với cốt lỏi của Tin Mừng như Chúa Giêsu đã sống và đã rao giảng.
Có lẽ vị giáo hoàng này muốn cho toàn thể Giáo hội, cách riêng các nhà lãnh đạo Giáo hội, nhớ lại rằng Chúa Giêsu đã sống không nhà và đã chết trần truồng trên thập giá. Chúa Giêsu đã không xây dựng hay kêu gọi xây dựng bất cứ một cung điện, một triều đình hay ngay cả một ngôi thánh đường nào. Ngài cũng chẳng để lại một lệnh truyền nào bảo các vị “chủ chiên” trong Giáo hội phải đội mão, cầm gậy (nhứt là gậy vàng) và mặc những phẩm phục uy nghi sang trọng . Trong bữa tiệc cuối cùng với các môn đệ, khi truyền lệnh cho các ông “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thày”, có lẽ Chúa Giêsu không chỉ kêu gọi lập lại bữa ăn ấy, Ngài còn có ý nói đến cử chỉ rửa chân mà Ngài vừa thực hiện. Quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, Ngài đã cư xử như một đầy tớ. Đó là cử chỉ mà Ngài muốn nhấn mạnh hơn cả: hãy làm lại điều đó cho nhau, nghĩa là hãy lấy tình thương mà phục vụ nhau. Không có cử chỉ ấy thì việc cử hành “bữa tiệc” sẽ không có đầy đủ ý nghĩa. Đó là tất cả cốt lõi của Đạo mà Chúa Giêsu muốn để lại. Cái chết trên thập giá của Ngài là đỉnh điểm của cả một cuộc đời phục vụ, hy sinh và yêu thương của Ngài.
Suy nghĩ về cốt lõi của Đạo như được Chúa Giêsu để lại, tôi lại nhận ra một chân lý khác trong cuộc sống con người: điều làm cho con người trở nên bất tử không phải là những kim tự tháp, những công trình xây dựng đồ sộ hay ngay cả cái xác được ướp và cất giữ trong lăng tẩm, mà chính là tình thương. Lăng tẩm, đền đài, dinh thự và ngay cả những ngôi giáo đường nguy nga tráng lệ rốt cục rồi cũng mai một với thời gian. Chỉ có tình thương mới thực sự là kho tàng có thể “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Ngoài ra, mọi thứ trên đời này đều như qua đi như gió thoảng, như mây trôi.
Nghĩ như thế mà thấy mừng cho ông Hugo Chavez, tổng thống Venezuela vừa mới qua đời cách đây vài tuần. Suýt chút nữa thì lại lâm vào cảnh không được “rest in peace” (chữ thường được khắc trên bia mộ, RIP, tạm dịch, hãy nghỉ yên). Cái xác của ông dù sao cũng có “hậu vận” tốt hơn cái xác ướp Lenin bên Nga. Chủ nghĩa cộng sản đã tồn tại ở Đông Âu và Nga không tới một thế kỷ. Một thế kỷ có là gì trong lịch sử nhân loại? Bao nhiêu bức tượng của Lenin trên khắp thế giới cựu cộng sản đã bị kéo sập xuống. Còn cái xác ướp nay đã thành “của nợ” thì người ta không biết phải “giải quyết” như thế nào cho phải đạo đối với một con người. Cùng với cái thứ chủ nghĩa đã sát hại hằng trăm triệu con người, Lenin để lại gì nếu không phải là sự nguyền rủa của hậu thế.
Người Việt chúng ta có câu: “Trâu chết để da, người ta chết để tiếng”. Con trâu, sau khi bị xẻ thịt, còn để lại bộ da cho người ta dùng làm trống. Con người ra đi chỉ để lại tiếng. Tiếng của một đời sống tử tế, gieo rắc tình thương, phục vụ, hy sinh cho người đồng loại thì mãi mãi được nhắc nhớ. Còn tiếng của cả một đời chỉ biết chạy theo quyền lực, gây thù chuốt oán, dĩ nhiên cũng được nhớ đến, nhưng nhớ đến như một nỗi ám ảnh mà thôi.
Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay, với hình ảnh của một vị giáo hoàng đang cố gắng gột bỏ những phù phiếm đã bám vào khuôn mặt của Giáo hội từ hai ngàn năm nay, tôi nhìn lên hình ảnh trần truồng của Chúa Giêsu trên thập giá. Đã hai ngàn năm qua, mọi đế quốc đều sụp đổ, bao nhiêu cung điện, đền đài, điện thờ và ngay cả nhiều nơi thờ phượng cũng đều qua đi. Duy sức mạnh của thập giá thì vẫn mãi mãi còn đó, bởi vì thập giá chính là Tình Thương.
Người ta thường mừng các ngày lễ như một cách thế để tưởng nhớ lại những gì đã xảy ra trong quá khứ và vẫn còn mang ý nghĩa trong hiện tại. Riêng tôi trong mùa Phục sinh này tôi mừng trong cái nhìn hướng về tương lai. Một tương lai mà mọi người có thể gạt bỏ rào cản của thành kiến, sự khác biệt, luật lệ, nghi lễ, truyền thống hay khuôn khổ để dễ dàng đến với nhau, nghĩ tốt cho nhau và làm mọi sự tốt đẹp cho nhau. Đơn giản hơn, đến với nhau như “người đến với người”.




Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

Người Ta, trong Người có Ta!



Chu Thập
23/03/18
Trong tuần lễ này tôi thấy có 2 ngày quốc tế quan trọng, nhưng có lẽ ít được quan tâm tới. Trước hết là Ngày Quốc Tế Hạnh Phúc (International Day of Happiness) được cử hành hàng năm vào ngày thứ Ba 20 tháng Ba. Để chuẩn bị cho ngày này, hồi tuần trước Liên Hiệp Quốc đã cho công bố bản phúc trình hàng năm về Hạnh Phúc trên thế giới. Bản phúc trình này dựa trên một số tiêu chuẩn khách quan về phúc lợi của người dân để lượng  giá mức độ hạnh phúc của họ tại 156 quốc gia được khảo sát. Hàng năm một bản phúc trình như thế được cho công bố để gây ý thức về một trong những quyền căn bản nhất của con người được ghi trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là quyền được hạnh phúc. Vào năm 2011, một viên cố vấn đặc biệt của Liên Hiệp Quốc là ông Jayme Illien đã mở chiến dịch vận động 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc thành lập Ngày Quốc Tế Hạnh Phúc để gây ý thức về quyền được sống hạnh phúc của mọi người trên thế giới. 20 tháng Ba được chọn làm Ngày Quốc Tế Hạnh Phúc bởi vì đây là ngày Xuân Phân, tức thời điểm ngày và đêm bằng nhau. Kể từ năm 2013, năm nào Ngày Quốc Tế Hạnh Phúc cũng đều được cử hành tại 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc. Như Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki moon đã giải thích: “Hạnh phúc của toàn thể nhân loại là một trong những mục tiêu chính của Liên Hiệp Quốc”. Ngày Xuân Phân gợi lên cho tôi ý tưởng của sự chia đều hạnh phúc cho tất cả mọi người. Mọi người đều có quyền được hạnh phúc và mọi người đều có nghĩa vụ phải chia sẻ hạnh phúc với người khác.
Ngày quốc tế quan trọng khác trong tuần này là Ngày Quốc Tế Chống Kỳ Thị Chủng Tộc được cử hành vào ngày thứ Tư 21 tháng Ba, nghĩa là chỉ một ngày sau Ngày Quốc Tế Hạnh Phúc. Vào ngày này năm 1960, tại Thành phố Sharpeville bên Nam Phi đã diễn ra một cuộc biểu tình ôn hòa chống lại những luật kỳ thị chủng tộc do chính phủ được thiểu số người da trắng lãnh đạo ban hành. Cảnh sát đã nổ súng vào đám đông khiến cho 69 người bị thiệt mạng. Tại Nam Phi, sau khi chế độ kỳ thị chủng tộc cáo chung, ngày 21 tháng Ba hàng năm đã được cử hành như Ngày Nhân Quyền và trở thành lễ nghỉ trên toàn quốc. Năm 1966, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết lấy ngày 21 tháng Ba hàng năm làm ngày Quốc Tế Chống Kỳ Thị Chủng Tộc và kêu gọi cộng đồng thế giới gia tăng các nỗ lực để loại trừ mọi hình thức kỳ thị chủng tộc.
Riêng tại Úc Đại Lợi, kể từ năm 1999, thay vì Ngày Quốc Tế Chống Kỳ Thị Chủng Tộc, ngày 21 tháng Ba hàng năm được gọi là Ngày Hài Hòa (Harmony Day). Một cách nôm na, có thể gọi đây là Ngày Sống Chung Hòa Bình giữa mọi chủng tộc. Cũng như Hoa Kỳ hay Gia Nã Đại, Úc Đại Lợi là một quốc gia của người di dân thuộc nhiều màu da, văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau. Ngày Hài Hòa được cử hành tại Úc Đại Lợi là để kêu gọi tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo của mọi người dân trong quốc gia này.
Liên kết hai ngày 20 và 21 tháng Ba lại với nhau, tôi nhận ra một điều là: một trong những chìa khóa hạnh phúc của con người chính là tấm lòng khoan nhượng, biết tôn trọng những khác biệt của người khác. Sở dĩ tôi phải tôn trọng những khác biệt của người khác để được hạnh phúc là bởi vì mọi người đều là thành phần của một gia đình chung là nhân loại; trong tình liên đới nhân loại, không ai có thể hạnh phúc một mình; hạnh phúc của người này gắn liền với hạnh phúc của người khác. Cho nên, dù có những khác biệt, mọi người đều liên kết với nhau trong cùng một khát vọng là được sống hạnh phúc. Tôi thường có ý nghĩ ấy mỗi khi đọc và nghiền ngẫm về những lời giảng của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Phật Giáo Tây Tạng.
Một ông bạn của tôi cũng là đệ tử ruột của ngài. Mới đây, ông bạn này tâm sự rằng mỗi lần gặp căng thẳng hay buồn phiền trong cuộc sống, chỉ cần đọc một tư tưởng của vị Phật Sống này là thấy tâm hồn được thanh thản tức khắc. Cùng với sức mạnh giải thoát ấy, những lời giảng dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng giúp tôi “giác ngộ” về chỗ đứng và mối tương quan của tôi với toàn thể nhân loại. Trong một bài nói chuyện về sức mạnh của sự tha thứ tại trường Đại học Limerick, Ái Nhĩ Lan dạo tháng Tư năm 2011, bên kia những khác biệt về màu da, văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo, nhà lãnh đạo tinh thần này khẳng định rằng “tất cả chúng ta đều là những con người giống nhau. Sự quan tâm của tôi liên quan đến sự quan tâm của họ, sự quan tâm của họ liên hệ đến sự quan tâm của tôi. Tôi luôn luôn xem tôi chỉ là một trong gần 7 tỷ người hiện nay, tôi là một thành phần của loài người. Do đó hạnh phúc tương lai của tôi hoàn toàn lệ thuộc vào toàn thể nhân loại. Bất chấp một người có năng lực hay giàu có đến đâu, người ấy vẫn là một thành phần của nhân loại. Nếu loài người hạnh phúc, hòa bình và thương yêu nhau hơn, mọi người đều được lợi lộc”. Theo ngài, toàn cầu hóa không chỉ diễn ra trên bình diện kinh tế, thương mại hay chính trị. Ngài nói: “Trong nền kinh tế hiện tại, không còn biên giới thực sự nữa. Ngay cả cũng chẳng còn biên giới tôn giáo”. Tôi muốn quảng diễn thêm tư tưởng của Đức Đạt Lai Lạt Ma để nói rằng hạnh phúc cũng chẳng còn biên giới!
Thế giới hình như lúc nào cũng phải đối mặt với đủ mối đe dọa. Đe dọa từ một mảnh thiên thạch nào đó đang hướng về trái đất. Đe dọa bởi một cuộc chiến tranh nguyên tử có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đe dọa từ cuộc chạy đua võ trang. Đe dọa bởi một cuộc chiến tranh lạnh mới. Đe dọa bởi sự ngông cuồng của một số nhà lãnh đạo độc tài...Nhưng tôi vẫn luôn nhìn vào thế giới với ánh mắt lạc quan. Bên cạnh một số nhà lãnh đạo độc tài chuyên gieo rắc khủng bố, hận thù và chết chóc, vẫn còn có vô số những nhà lãnh đạo trong nhiều lãnh vực khác tiếp tục làm ngọn đuốc sáng để lúc nào cũng khơi gợi những tình cảm tốt đẹp nhứt trong con người.
Tôi nghĩ đến thiên tài Stephen Hawking, người chỉ mới thực sự nằm xuống hôm thứ Tư 14 tháng Ba vừa qua. Ông là một bậc thiên tài theo đúng nghĩa, mặc dù ông chưa bao giờ tự nhận mình là một thiên tài. Ông có một bộ óc vĩ đại chẳng kém gì cha đẻ của Thuyết Tương đối là Albert Einstein. Thú thật, kiến thức khoa học của tôi còn quá mù mờ để có thể hiểu được một cách tường tận Thuyết Tương đối của Albert Einstein và những khám phá về vật lý học của Tiến sĩ Stephen Hawking. Riêng Stephen Hawking đối với tôi không chỉ là một nhà bác học, một bậc thiên tài. Ông cũng là một nhà lãnh đạo tinh thần. Ông không cần phải đứng trên bục giảng trong một nơi thờ phượng nào đó. Như ông đã từng thú nhận, ông là một người vô thần. Tôi không quan tâm đến niềm tin tôn giáo của ông. Điều quan trọng đối với tôi chính là ông đã mang lại niềm cảm hứng cho tôi  để sống cho ra người. Thật vậy, cả cuộc sống của ông đã là một cuốn sách sống động về rất nhiều đức tính cao đẹp để sống một cuộc sống có ý nghĩa. Năm 21 tuổi, bị chuẩn đoán mắc chứng teo cơ (ALS: amyotrophic lateral sclerosis) chẳng khác nào lãnh một bản án tử hình, vậy mà nhà bác học này đã có thể sống thêm 5 thập niên nữa. Dù thân thể không còn cử động được nữa, ông không những đã sống và sống như một người bình thường, mà còn hăng say nghiên cứu để đóng góp vào kho tàng kiến thức khoa học của nhân loại. Ông để lại một bí quyết: “Mặc dù có một đám mây đang che phủ tương lai của tôi, tôi ngạc nhiên khi nhận ra rằng tôi vui hưởng cuộc sống hiện tại còn hơn cả trước kia”. Ông nói: “Cuộc sống sẽ bi thảm nếu nó thiếu sự khôi hài”.
Lạc quan, tin tưởng và sống vui cho nên bậc thiên tài này lúc nào cũng tỏ ra khiêm tốn. Ông thường nói rằng những kẻ tự cho mình là thiên tài đều là những người thua cuộc (People who boast about their IQ are losers).
Nhưng tình yêu mới thực sự là sợi chỉ xuyên suốt trong cuộc sống của bậc vĩ nhân này. Miệt mài nghiên cứu về vũ trụ, cuối cùng ông tuyên bố: “Cả vũ trụ này sẽ chẳng có giá trị bao nhiêu nếu nó không là ngôi nhà dành cho những người biết sống yêu thương”. Ông đã để lại 3 lời khuyên cho con cái của ông: một là hãy nhìn lên trời chớ đừng nhìn xuống chân của mình, hai là đừng bao giờ ngưng làm việc, bởi vì làm việc mang lại ý nghĩa và mục đích cho cuộc sống. Điều thứ ba mà tôi cho là quan trọng nhất là: “nếu bạn may mắn đủ để cảm nhận được tình yêu, hãy nhớ rằng tình yêu vẫn có đó và đừng ném nó đi”.
Không biết có phải vì đã già không, tôi đã cảm nhận được một chân lý trong cuộc sống: mọi sự đều qua đi, chỉ có tình yêu hay đúng hơn tình người mới tồn tại mãi mãi. Nhà văn Phạm Tín An Ninh bên Na Uy cũng đã cảm nhận được điều đó trong truyện tự thuật có tựa đề “Ở Cuối Hai Con Đường”. Trong những năm tháng tù đày ngoài Bắc, ông đã cảm nhận được tình người qua cách cư xử nhân đạo của một quản giáo. Chính người quản giáo này cũng đã từng cảm nhận được tình người khi bị thương và bị bắt làm tù binh trong một trận đánh hồi năm 1972. Cảm kích về tình người nơi người quản giáo, nhà văn Phạm Tín An Ninh đã tìm cách liên lạc với người cựu quản giáo hầu giúp đỡ và trả ơn. Trước khi chết, người cựu quản giáo đã gởi cho ông một lá thư. Ở đoạn cuối, người cựu quản giáo viết: “Tôi biết mình không còn sống bao lâu nữa. Cuối đời một con người, tôi nghiệm rõ được một điều: Chỉ có cái tình con người với nhau mới thực sự quí giá và tồn tại mãi với thời gian. Những chế độ này, chủ nghĩa nọ, cuối cùng cũng chỉ là những đám mây đen bay trên đầu. Đôi khi che ta được chút nắng, nhưng nhiều lúc đã trút bao cơn mưa lũ xuống để làm khốn khổ cả nhân gian”.
Trong Hai ngày quốc tế Hạnh phúc và Chống kỳ thị chủng tộc, tôi đọc đi đọc lại lời cuối của người quản giáo không biết bao nhiêu lần. Tình yêu hay tình người, như nhà Bác học Stephen Hawking đã nói, vẫn luôn có đó. Có trong mỗi người. Có cùng với những khuynh hướng thấp hèn nhứt trong mỗi một con người. Tình người ấy luôn nhắc nhở tôi rằng tôi là một thành phần của nhân loại. Tôi chỉ thực sự hạnh phúc khi tôi biết mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Hạnh phúc của người này cũng bình đẳng với hạnh phúc của người khác. Ít ra, ông tổ của thứ chủ nghĩa đã gây ra bao nhiêu khổ đau cho nhân loại cũng để lại một câu nói đáng mang ra nghiền ngẫm “chỉ có thú vật mới quay mặt làm ngơ trước nỗi khổ đau của đồng loại để chăm sóc cho bộ da riêng của mình”.








Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

Phần Lan: đất nước hạnh phúc nhất thế giới!




23/03/18
Theo một bản phúc trình thường niên của Liên Hiệp Quốc, năm nay Phần Lan (Finland) được chấm là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, đứng đầu danh sách 156 quốc gia được Liên Hiệp Quốc khảo sát. Bản phúc trình về hạnh phúc của Liên Hiệp Quốc (The World Happiness Report) đo lường các chỉ số khách quan về phúc lợi của người dân tại các nước. Theo những chỉ số khách quan này, đứng đầu danh sách hầu hết là các nước Bắc Âu. Úc Đại Lợi đứng hàng thứ 10. Đứng ở cuối bảng phần lớn là các nước Phi Châu hoặc một số nước đang bị xâu xé vì nội chiến. Giàu có nhất nhì thế giới như Hoa Kỳ và Trung Cộng lại bị bỏ xa bởi 10 nước đứng đầu về hạnh phúc.
Nằm ở Bắc Âu, Phần Lan hay Cộng hòa Phần Lan là một trong những nước nằm gần Bắc Bán Cực nhất. Phần Lan có chung biên giới với Na Uy về phí Bắc, Nga ở phía Đông và Thụy Điển về hướng Tây Bắc.  Phần Lan là một trong những  nước có khí hậu hậu khắc nghiệt nhất thế giới.  Nhiệt độ nóng nhất chỉ tối đa 27 độ C, nhưng mùa đông có thể xuống đến 30 độ âm. Ở cực bắc Phần Lan, suốt cả mùa hè, trong liên tiếp 73 ngày không có cảnh mặt trời lặn. Có nơi, trong suốt mấy tháng mùa đông, mặt trời cũng không chịu mọc lên trong suốt 51 ngày. Bù lại với khí hậu khắc nghiệt ấy, thiên nhiên lại ưu đãi đất nườc này bằng cách phủ đầy hai phần ba diện tích đất đai bằng những khu rừng rậm. Đây là đất nước có nhiều rừng nhất tại Âu Châu. Ngoài ra, với 56 ngàn ao hồ, sông suối, cảnh trí thiên nhiên của Phần Lan rất đa diện. Bên cạnh núi rừng, Phần Lan còn có cả ngàn đảo lớn nhỏ, được bao bọc bởi khoảng 2.760 cây số bờ biển, phần lớn nằm ở miền Tây Nam.
Từ Thế kỷ 12 cho đến năm 1809, Phần Lan là một phần của Thụy Điển. Sau đó, Phần Lan lại bị Nga xâm chiếm. Mãi cho đến tháng 12 năm 1917, tức liền sau cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, Phần Lan mới tuyên bố độc lập. Trong thời Đệ nhị Thế chiến, Phần Lan phải nhường 10 phần trăm vùng Petsamo và một phần lớn vùng Karelia ở miền Đông nam cho Liên Xô.
Năm 1948, Phần Lan đã bị buộc phải ký với Liên Xô một thỏa ước qua đó phải chống lại Đức hay các đồng minh của Đức nếu những nước này sử dụng lãnh thổ của Phần Lan để tấn công vào Liên Xô. Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, Phần Lan đã khôn khéo giữ được vị thế trung lập của mình. Kể từ Đệ nhị Thế chiến, Phần Lan đã gia tăng các quan hệ thương mại và văn hóa với các nước khác. Năm 1955, với sự thỏa thuận của Liên Xô, Phần Lan được nhìn nhận như một quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc. Kể từ đó, nước này đã gởi đại diện đến Hội Đồng các nước Bắc Âu để tham gia thảo luận về việc phối hợp các chính sách chung của các quốc gia thành viên.
Các hoạt động trên sân khấu quốc tế của Phần Lan được thế giới biết đến khi Hội nghị về An ninh và Hợp tác Âu Châu được tổ chức tại Thủ đô Helsinki hồi năm 1975. Thủ đô này nổi tiếng với Hiệp định Helsinki. Với hiệp định này, 35 quốc gia trong đó có Hoa Kỳ, Gia Nã Đại và tất cả các nước Âu Châu, trừ Albania và Andorra, đã ký tên vào một tuyên ngôn bày tỏ thiện chí muốn cải thiện quan hệ giữa khối Cộng Sản và Tây Phương.  Năm 1995, Phần Lan gia nhập Liên Âu.
Phần Lan là một trong những quốc gia được kỹ nghệ hóa tương đối chậm. Mãi cho đến thập niên 1950, quốc gia này vẫn còn là một nước nông nghiệp. Sau Đệ nhị Thế chiến, Liên Xô yêu cầu Phần Lan phải bồi thường chiến tranh: không những phải trả bằng tiền mà còn bằng hiện vật như tàu thủy và cơ khí. Đây chính là lý do đã thúc đẩy Phần Lan kỹ nghệ hóa đất nước dựa trên mô thức các nước Bắc Âu khác. Không mấy chốc, Phần Lan đã trở thành một trong những nước phồn thịnh được xếp vào hàng những nước có thu nhập đầu người cao nhất thế giới. Hiện nay, Phần Lan đứng đầu thế giới về rất nhiều lãnh vực như giáo dục, cạnh tranh kinh tế, tự do dân sự, phẩm chất cuộc sống và phát triển nhân bản. Năm 2015, Phần Lan đứng đầu thế giới về Vốn Nhân Bản (World Human Capital) và Tự do Báo chí. Liên tục từ năm 2011 đến năm 2016, Phần Lan được chấm là quốc gia ổn định nhất thế giới và đứng hạng nhì về sự Cách biệt Giới tính.
Có rất nhiều lý do để Phần Lan được Liên Hiệp Quốc chấm là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Trước tiên phải nói đây là đất nước an toàn nhất thế giới. Theo Bản đồ Thế giới  2018 về những rủi ro khi đi du lịch (The 2018 Travel Risk Map), xét theo 3 tiêu chuẩn là y tế, an ninh và an toàn giao thông, Phần Lan là nước có ít đe dọa và rủi ro nhất cho khách du lịch.
Phần lan phải là một nơi đáng sống nhất bởi vì  quốc gia này sử dụng năng lượng xanh nhiều nhất thế giới. Nước này đứng đầu thế giới về Chỉ số Môi sinh trong năm 2016. Theo Trung tâm về Chính sách và Luật Môi sinh, mục tiêu mà Phần Lan muốn đạt được vào năm 2020 là tiêu thụ đến 38 phần trăm năng lượng từ các nguồn năng lượng sạch. Hiện nay, nước này đang sản xuất gần hai phần ba điện từ các nguồn năng lượng sạch.
Cảnh trí thiên nhiên của Phần Lan đẹp là bởi vì nước này có nhiều rừng nhất tại Âu Châu. 73 phần trăm diện tích của Phần Lan là rừng. Một trong những biện pháp được chính phủ nước này đề ra để giữ cho môi trường sống luôn được xanh và trong sạch là giảm bớt lượng khí thải nhà kính, nhất là từ xe hơi. Theo dự trù, vào năm 2025, tại Helsinki, có xe hơi riêng sẽ là chuyện lỗi thời!  Phát triển các kỹ thuật mới, Chính phủ Phần Lan muốn thiết kế một hệ thống giao thông trong đó không còn ai cảm thấy cần phải có một chiếc xe hơi riêng nữa. Cũng như tại những thành phố lớn của các nước Bắc Âu khác, từ nhiều năm nay, chính phủ Phần Lan đã khuyến khích dân chúng sử dụng tối đa xe đạp. Hiện nay, Helsinki có khoảng trên dưới 5 ngàn cây số đường dành riêng cho xe đạp.
Phần Lan có nghĩa là “Đất của Ngàn Đảo”. Chính xác đất nước này có tất cả 179.584 đảo lớn nhỏ, chỉ đứng sau Thụy Điển là nước có tỷ lệ đảo cao nhất thế giới. Nổi tiếng về đảo, Phần Lan cũng có rất nhiều ao hồ.
Cảnh trí thiên nhiên dĩ nhiên ít hay nhiều  ảnh hưởng đến tâm lý con người. Theo chỉ số The Legatum Prosperity Index, vốn xếp hạng các nước theo một số tiêu chuẩn như tự do cá nhân, tự do phát biểu, tự do tôn giáo và khoan nhượng xã hội, Phần Lan đứng hàng thứ 9 trong số các nước có tinh thần khoan nhượng nhất thế giới. Chính vì vậy mà Phần Lan cũng là một trong những nước đứng đầu thế giới về sự bình đẳng giới tính. Theo bản phúc trình của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về khoảng cách giới tính, Phần Lan đứng thứ ba chỉ sau Băng Đảo và Na Uy.
Khoảng cách giới tính ngày càng thu hẹp tại Phần Lan nói lên một bức tranh toàn cảnh rộng lớn hơn của nước này: đây là đất nước có sự bình đẳng xã hội cao nhất thế giới và nếu như nước này được bầu chọn làm nơi hạnh phúc nhất thế giới là bởi vì bình đẳng là con đường tốt nhất dẫn đến hạnh phúc.
Phần Lan không phải là một quốc gia giàu mạnh nhất thế giới. Phần Lan cũng đã phải vất vả chống cự với cuộc suy trầm kinh tế kéo dài 10 năm qua. Nếu có một yếu tố có thể giải thích được tại sao quốc gia này được bầu làm nơi hạnh phúc nhất thế giới để sống là bởi vì đất nước này có một lịch sử bình đẳng rất lâu dài. Sự bình đẳng ấy được thể hiện qua sự quân bình giữa phái tính, giữa giới công nhân và chủ nhân và nhất là qua một nền giáo dục tốt. Phần Lan là một trường hợp cụ thể cho thấy một xã hội bình đẳng có thể liên kết mọi người dân lại với nhau để sống còn khi gặp khủng hoảng.
Bước vào kỷ nguyên mới, kinh tế Phần Lan rất vững mạnh. Quốc gia này rất tự hào về những công ty kỹ thuật nổi tiếng của họ. Đã có một thời Nokia là một thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Tuy nhiên cuộc cách mạng của điện thoại tinh khôn (smartphone) và nhất là sự ra đời của Iphone do hãng Apple tung ra thị trường, Nokia ngày càng đi xuống. Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính làm cho Phần Lan tưởng như không thể ngóc đầu dậy nổi. Phải đợi cho đến năm 2016, sau hơn 5 năm lây lất, kinh tế của Phần Lan mới phục hồi. Năm 2017 vừa qua, kinh tế nước này mới lấy lại được đà gia tăng là 3.2 phần trăm.
Tuy nhiên sự hồi phục này mới chỉ đưa Phần Lan trở lại với tình trạng trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính. Trong khi đó kính tế của các nước khác như Anh Quốc hay Hoa Kỳ chẳng hạn, không những hồi phục nhanh chóng mà còn phát triển mạnh hơn thời kỳ tiền khủng hoảng. Tuy nhiên vấn đề được đặt ra là: tại sao trong khi người dân Phần Lan “hạnh phúc” thì tại Anh Quốc, Hoa Kỳ và nhiều nước Âu Châu khác, làn sóng bất mãn lại dâng cao và người dân lại chạy theo trào lưu dân túy? Câu trả lời chỉ có thể là: Phần Lan là một quốc gia có sự bình đẳng xã hội cao nhất.
Sự bình đẳn xã hội ấy được thể hiện rõ ràng nhất qua hệ thống giáo dục của Phần Lan. Tại nước này, không có trường tuyển mà cũng chẳng có trường tư và trong nhiều năm nay, hệ thống giáo dục của nước này lúc nào cũng đứng đầu trong các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
Trong suốt thập niên 1990, trong các nước phát triển, với 4 phần trăm tổng sản lượng quốc gia, Phần Lan được xem là nước dành ngân sách lớn nhất cho việc nghiên cứu và phát triển. Tất cả mọi người dân Phần Lan đều được hưởng đồng đều bảo hiểm y tế và trợ cấp xã hội.
Sự bình đẳng xã hội tại Phần Lan không chỉ có giá trị đối với riêng người dân Phần Lan mà cũng được áp dụng cho cả người di dân. Năm nay, Mạng lưới “các Giải pháp cho sự Phát triển bền vững” của Liên Hiệp Quốc cũng đã khảo sát hạnh phúc và phúc lợi của người di dân tại 117 quốc gia. Kết quả cuộc khảo sát cho thấy nơi nào người dân nói chung hạnh phúc thì nơi đó người di dân cũng cảm thấy hạnh phúc. Phần Lan là một trường hợp điển hình. Năm 2015, đã có hơn một triệu người di dân đi vào Âu Châu và vài ngàn người đã được Phần Lan đón nhận. Với khoảng 5.5 triệu người, trong đó chỉ có trên dưới 300.000 người ngoại quốc và di dân, dân số Phần Lan tương đối đồng nhất. Phần lớn di dân đến Phần Lan xuất phát từ các nước Âu Châu khác. Một số nhỏ đến từ các nước A Phú Hãn, Trung Quốc, Iraq và Somalia. John Helliwell, nguyên giáo sư kinh tế tại trường Đại học British Colombia, tác giả của bản Phúc trình về Hạnh phúc của Liên Hiệp Quốc, ghi nhận rằng tại 10 nước đứng đầu thế giới về hạnh phúc, người di dân cũng tỏ ra hạnh phúc. Giáo sư Helliwell cho rằng hạnh phúc có tính lây lan.  Điều đáng chú ý nhất trong bản Phúc trình về Hạnh phúc của Liên Hiệp Quốc, chính là tại các nước đứng đầu danh sách về hạnh phúc, cả người bản xứ lẫn người di dân đều cảm thấy hạnh phúc như nhau. Xét cho cùng, hạnh phúc của người di dân trong một quê hương mới cũng nói lên hạnh phúc của đất nước ấy.

(nguồn:
-http://www.news.com.au/travel/travel-advice/health-safety/despite-cold-dark-finland-tops-2018-global-happiness-index/news-story
- https://www.britannica.com/place/Finland)



Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

Đứng thẳng làm người




Chu Thập
16/03/18

Thỉnh thoảng, khi điền một số giấy tờ tùy thân, tôi phải trả lời một số câu hỏi liên hệ đến đời tư của mình như: công ty đầu tiên của tôi tên gì? Con đường đầu tiên của tôi tên gì? Tôi thích ăn trái cây nào nhứt? Ngôn ngữ đầu tiên tôi học là ngôn ngữ nào? Thày giáo đầu tiên của tôi là ai?...Đó là một mớ mật mã mà tôi phải nhớ để có thể đi vào hồ sơ của chính mình. Trong những câu hỏi ấy, dễ trả lời và dễ nhớ nhứt đối với tôi vẫn là tên của Bà Sáu Thay, người thày đầu đời của tôi.
Đầu thập niên 1950, làm gì có nhà trẻ hay vườn trẻ. “Vừa có trí khôn”, nghĩa là cỡ 5,6 tuổi, tôi được mẹ mua cho một cuốn vần và dẫn đến “trường” của Bà Sáu Thay. Trong cả làng tôi, ai cũng phải một hay hai năm mài đũng quần tại ngôi “trường” này. Gọi là trường, chớ thật ra đây chỉ là một chiếc phản bằng tre. 2,3 chục mái đầu xanh phải ngồi trên chiếc phản ấy để tụng kinh “a á ớ bê xê dê đê...” cho đến khi thuộc 24 chữ cái. Vào thời tôi cắp sách đến trường, bà hay cô Sáu Thay là một phụ nữ trung niên, nhưng không còn một cái răng nào trong miệng, môi thì lúc nào cũng bập điếu thuốc rê vấn bằng loại thuốc lá do chính tay cô trồng trong vườn. Phần lớn thì giờ, cô dành để xắt chuối nấu cháo heo hay đuổi gà vịt. Thỉnh thoảng cô chạy vào lớp học, dùng cây roi gõ mạnh lên chiếc phản để tái lập trật tự và xướng lên câu “a á ớ…” để lũ trẻ lập lại theo nhịp của chiếc roi. Phải nói đó là một phương pháp sư phạm độc đáo. Vậy mà sau một năm xé đâu 3, 4 cuốn vần, tôi cũng đọc được mấy thành ngữ đầu tiên như “ăn vóc học hay, ăn bữa giỗ lỗ bữa cày...” và cũng cầm bút ngọ ngoạy vài câu chữ để được chính thức bước vào trường tiểu học.
“Nhất tự vi sư” mà “bán tự cũng vi sư”. Ngày nay, hễ nhớ đến công ơn “mở trí” và “mở lòng” của các thày cô giáo trong suốt cuộc đời của mình, người đầu tiên tôi biết ơn và nhớ đến lúc nào cũng là Bà Sáu Thay. Dĩ nhiên, nhớ ơn thày cô cũng là một cách tôi bày tỏ lòng hiếu thảo và biết ơn đối với cha mẹ tôi. Có tôn trọng và tin tưởng thày cô, cha mẹ tôi mới cho tôi đi học và một cách nào đó phó thác cho thày cô việc dạy dỗ tôi nên người.
Lúc nhỏ, tôi là một đứa trẻ nghịch ngợm. Bị thày cô đánh và bắt quỳ trong lớp hay trước trụ cờ trong sân trường là “chuyện thường ngày ở huyện” đối với tôi. Tôi ít khi mang những thành tích như thế về khoe với cha mẹ. Còn thỉnh thoảng có được thày cô báo cáo về những thành tích như thế, cha mẹ tôi cũng giữ im lặng và mặc nhiên chấp nhận những hình phạt dành cho đứa con mất dạy của mình. Có đâu như chuyện xảy ra mới đây tại Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: một đảng viên Cộng sản có đứa con bị một cô giáo bắt quỳ trong lớp, đã nghênh ngang vào lớp như chỗ không người và bắt cô giáo phải quỳ đến 40 phút! Thời xa xưa, nếu có xảy ra thì chuyện này có lẽ may ra chỉ xảy vào thời kỳ đồ đá hay đồ đồng, chớ đừng nói tới thời tôi chập chững cắp sách đến trường hồi thập niên 1950.
Chuyện một phụ huynh bắt một cô giáo phải quỳ trong lớp và chuyện cô giáo phải nghiêm chỉnh tuân hành lệnh của phụ huynh có thể chỉ là chuyện lẻ tẻ của một số cá nhân.  Nhưng đặt vào bối cảnh của xã hội Việt Nam hiện nay, nhiều người cho rằng câu chuyện phản ảnh một thảm họa sâu xa hơn mà họ gọi là “văn hóa quỳ”. Trong thứ văn hóa ấy, người dân cam chịu và khuất phục trước sức mạnh của bạo quyền. Chẳng thấy có đồng nghiệp nào của cô giáo, chẳng thấy có hiệp hội giáo chức nào và cũng chẳng thấy có viên chức nào của bộ giáo dục lên tiếng để kết án hành động ngang ngược, mất dạy của người phụ huynh có thẻ đảng ấy. Thật ra, xét cho cùng, không chỉ có cô giáo, không chỉ có người dân thường, mà ngay cả người phụ huynh có thẻ đảng và tất cả mọi viên chức chính phủ, đảng viên, nhứt là quân đội “nhân dân” và công an cũng đều là nạn nhân trong thứ “văn hóa quỳ” này hết. Chính người phụ huynh có thẻ đảng này cũng phải “quỳ” trước cấp trên của mình và cấp trên của ông lại cũng phải “quỳ” trước một cấp trên khác. Cái bậc thang quỳ ấy lên cho đến chóp bu của quyền lực. Nhưng liệu người đang ở chóp bu của quyền lực trong chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có phải là người duy nhứt đứng thẳng không chịu quỳ không ?  Làm gì có một lãnh tụ cộng sản Việt Nam có được tư cách đứng thẳng làm người như thế. Kể từ khi cha già dân tộc của người cộng sản Việt Nam là Hồ Chí Minh tôn hai đồ tể Stalin và Mao Trạch Đông lên bậc thày của ông và nhứt là kể từ khi Lê Duẩn tuyên bố “ta đánh Mỹ là đánh (thuê) cho Nga và Tàu”, thì nghệ thuật “quỳ” của các lãnh tụ cộng sản Việt Nam đã đạt đến trình độ siêu đẳng rồi. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thu tóm quyền lực trong nước, có tỏ ra hung hăng cách mấy đối với đàn em và nhứt là đàn áp người dân đến cỡ nào đi nữa, trước mặt Trung Cộng, ông cũng chỉ có một động tác duy nhứt là quỳ mà thôi. Nói cho đúng theo tiếng Tàu, lúc nào ông cũng chỉ biết “khấu đầu” trước quan thày Trung Cộng mà thôi!
Vậy thì trong thế giới cộng sản, cuối cùng ai mới thực sự là người dám đứng thẳng, không chịu quỳ ? Ai mà chẳng nghĩ ngay đến chủ tịch Tập Cận Bình. Càng có lý do để nghĩ như thế hơn bởi vì mới đây, trừ 2 vị bỏ phiếu “làm cảnh”, trên 2000 đại biểu nhân dân của Quốc Hội Trung Cộng đều đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết tấn phong Chủ tịch Tập Cận Bình làm lãnh tụ mãn đời. Tất cả đều đã “khấu đầu”, quỳ lạy và khuất phục trước quyền lực của họ Tập. Dĩ nhiên, quyền lực của ông Tập có được củng cố thì ơn mưa móc mới tuôn trào xuống trên các đại biểu nhân dân và gia đình con cháu họ. Lâu nay, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hăng say mở chiến dịch bài trừ tham nhũng tại Trung Cộng. Nhìn một cách khách quan, chiến dịch đã thành công: biết bao nhiêu con dê đã bị mang ra tế thần. Nhưng những người cộng sản Trung Cộng và ngay chính ông Tập Cận Bình đã cố tình quên mất rằng chế độ độc tài tự nó cũng là một thứ tham nhũng. Khác chăng là thứ tham nhũng này đã được hệ thống hóa và hợp pháp hóa mà thôi. Xét cho cùng, người tham nhũng và thối nát nhứt vẫn là người ngồi ở chóp bu quyền lực trong một chế độ độc tài. Một cách nào đó, họ cũng đang “quỳ” trước bàn thờ của tham quyền cố vị và dưới trướng của họ, các nịnh thần cũng quỳ lạy tung hê.
Lâu nay, tôi cứ tưởng chỉ có trong các chế độ độc tài, nhứt là độc tài cộng sản, mới có cảnh “quỳ” lạy và tung hô lãnh tụ. Theo dõi sinh hoạt “dân chủ” của Hoa Kỳ, tôi thấy cũng đâu có thiếu những cảnh như thế. Chẳng hạn như cuối năm vừa qua, trong một phiên họp nội các để ăn mừng việc Quốc hội do Đảng Cộng Hòa chiếm đa số đã thông qua được luật cắt giảm thuế cho giới doanh nghiệp và nhà giàu, Phó tổng thống Mike Pence đã hầu như “sụp lạy” để tâng bốc minh chủ Donald Trump của ông. Theo tường thuật của báo The Washington Post, trong một bài diễn văn chỉ kéo dài có 3 phút, cứ mỗi 12 giây, Phó tổng thống Pence lại tung hô các thành tựu vượt bực của Tổng thống Trump. Nào là Tổng thống Trump là người đã “tháo được nguồn năng lực cho Hoa Kỳ”. Nào là “trong lịch sử Hoa Kỳ, chưa từng có tổng thống nào đã ký nhiều luật để giảm bớt nạn bàn giấy ở cấp liên bang” cho bằng Tổng thống Trump. Nào là Tổng thống Trump “đã tái lập sự khả tín của Hoa Kỳ trên trường quốc tế”. Nào là Tổng thống Trump đã “thúc đẩy Quốc hội làm được những việc mà 7 năm trước đó họ chẳng làm được” (x. https://www.washingtonpost.com/news/morning-mix/wp/2017/12/22/sycophant-mike-pence-provides-teachable-moment-for-dictionary-com/).
Tự điển mạng “Dictionary.com” đã phải vất vả đi tìm một từ để nói về một người cứ mỗi 12 giây lên tiếng ca tụng một người khác. Nhân dịp này, vốn liếng Anh ngữ của tôi được giàu thêm nhờ một từ mới là “Sycophant”. Tra từ điển tiếng Việt, tôi mới biết “Sycophant” có nghĩa là: người a dua, luồn cúi, nịnh hót.
Phó tổng thống Pence không phải là người đầu tiên và duy nhứt được “Dictionary.com” trao tặng tước hiệu “sycophant”. Trong Tòa Bạch Ốc, ngoại trừ Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, những người như Phó tổng thống Pence không phải là ít. Ngay cả đương kim Giám đốc tình báo Mike Pompeo cũng thuộc đạo binh “sycophant”. Ông này đưa khả năng hiểu biết về tình báo của Tổng thống Trump lên hàng những chuyên gia đã từng có 25 năm kinh nghiệm. Tôi không tin khả năng này, bởi vì chỉ một thời gian ngắn sau khi nhậm chức, trong một cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Tổng thống Trump đã chia sẻ tinh tình báo do Israel cung cấp có liên quan đến việc chống khủng bố. Rồi, cũng gần đây thôi,  thông minh, thiên tài và khôn ngoan cỡ nào không biết, Tổng thống Trump lại đưa lên mạng Twitter một số băng hình bài Hồi giáo của một nhóm cực hữu tại Anh Quốc, khiến cho mối quan hệ giữa Anh Quốc và Hoa Kỳ bị sứt mẻ.
Không còn từ nào đủ nghĩa hơn để tâng bốc ông Trump, một phụ tá khác của ông là ông Stephen Miller đã tặng cho ông danh hiệu “thiên tài chính trị”.
Dĩ nhiên, có cung là vì có cầu. Có nhiều người nịnh là bởi có người thích được nịnh. Trong tiếng Anh có câu ngạn ngữ “Nịnh hót chẳng đưa bạn tới đâu cả” (Flattery will get you nowhere). Câu này xem ra không đúng trong trường hợp Tổng thống Trump. Nịnh hót hiện đang tỏ ra rất hữu hiệu trong Tòa Bạch Ốc của ông. Là một người, có thể do ảo tưởng, lúc nào cũng cho mình là “nhứt” trong mọi lãnh vực, ông chỉ thích được thuộc hạ nịnh hót và bày tỏ lòng trung thành. Trung thành với ông chớ không phải với Hiến pháp Hoa Kỳ.
Tựu trung, Tổng thống Trump thích cư xử như một ông vua và một ông vua độc tài. Năm 1993, trong một thiệp mời sinh nhựt, ông đã cho in bức chân dung vương giả của ông: khoác trên người cẩm bào của một ông vua, tay ông lại cầm kiếm trông chẳng khác nào một ông vua thứ thiệt! Không biết ông có thực sự thích làm vua không, nhưng chuyện ca tụng các nhà độc tài thì ông chẳng dấu diếm đi đâu cả. Được tin Chủ tịch Tập Cận Bình sắp đăng quang làm “hoàng đế” đỏ, ông đã lên tiếng ca ngợi và nói rằng rồi cũng đến ngày Hoa Kỳ cũng phải như thế thôi. Không biết Hoa Kỳ có biến thành một vương quốc hay đế quốc dưới thời của ông không. Nhưng chuyện ông thích được tâng bốc, nịnh bợ thì đã rõ như ban ngày.
Chỉ có điều, khi nhìn ông Trump trong hình tượng của một ông vua, tôi không thể không nghĩ đến câu chuyện của ông vua ở truồng.  Cả triều thần dua nịnh, ai cũng hết lời ca ngợi chiếc áo tuyệt đẹp của nhà vua. Chỉ có một cậu bé, tâm hồn còn trong trắng vì chưa đạp phải bã của quyền lực, mới nhận ra sự thật và dám  nói lên sự thật là ông vua đang trần truồng. Thì ra, con người chỉ có thể đứng thẳng làm người để sống cho sự thật khi họ không để mình bị trói buộc trong vòng nô lệ của quyền lực và những thứ râu ria của quyền lực.




Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018

Đảo Ikaria: nơi các cụ già quên chết!



16/03/18
Từ 70 năm nay, ngày nào cụ Gregoris Tsahas cũng “rít” hết một gói thuốc lá. Vậy mà cụ vẫn được xem là một những người có tuổi thọ cao nhất tại Đảo Ikaria, Hy Lạp. Ngoài một lần bị giải phẫu để cắt ruột thừa, cụ già 100 tuổi này chưa một ngày biết thế nào là đau yếu. Cụ cho biết, ngoài một bao thuốc lá, ngày nào cụ cũng uống 2 ly rượu đỏ. Nếu gặp bạn bè hoặc những dịp đặc biệt, cụ tăng thêm vài ly.
Sống lâu lại có một cuộc sống hạnh phúc, cụ nói rằng bí quyết để có một hôn nhân bền vững là đừng bao giờ về nhà trong tình trạng say mèm.
Nằm trên đỉnh một ngọn đồi trên Đảo Ikaria là một quán cà phê quen thuộc, cách nhà cụ khoảng một cây số. Mỗi ngày hai lần, cụ đều leo lên quán cà phê này để ngồi tán gẫu với bạn bè. Một cây số leo lên, một cây số bò xuống, vị chi ngày nào cụ cũng đều đi bộ 4 cây số. Tại các nước Tây Phương, ngay cả nhiều người chỉ bằng nửa số tuổi của cụ Tsahas cũng không lập được một thành tích như thế về đi bộ.
Những người như cụ Tsahas không phải là hiếm tại Ikaria, một hòn đảo nằm ở phía đông của Địa Trung Hải, cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 60 cây số với diện tích khoảng 250 cây số vuông và dân số không tới 9000 người. Ikaria trông không khác các đảo khác của Hy Lạp bao nhiêu: cũng đồi núi, đá lởm chởm và các vườn cây ô liu. Nhưng điểm khác biệt và nổi bật của Đảo Ikaria là: người dân ở đây có tuổi thọ cao hơn rất nhiều nơi trên thế giới. Trung bình, tuổi thọ của họ cao hơn người dân Âu Châu và Mỹ Châu đến 10 năm. Cứ 3 người Ikaria thì có một người sống trên 90 tuổi. Không những thế, tỷ lệ bị ung thư và bệnh tim mạch cũng thấp hơn nhiều. Ở tuổi già, các cụ vẫn tiếp tục vận động cơ thể và có đời sống tình dục bình thường. Vậy đâu là bí quyết sống thọ và khỏe mạnh của người dân Đảo Ikaria?
Ikaria, tên của đảo, bắt nguồn từ một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp tên là Icarus. Theo thần thoại, Icarus là con của Daedalus. Hai cha con đã chế được “máy bay” làm bằng lông chim và sáp để trốn ra khỏi Đảo Crete. Người cha đã cảnh cáo con không được bay gần mặt trời vì sáp bị nóng có thể chảy tan. Nhưng trong cơn sảng khoái vì được bay lên khỏi mặt đất, người con đã không nghe lời cha. “Chiếc máy bay” bằng sáp của cậu đã chảy tan và rơi gần Đảo Ikaria.
Cùng với Đảo Sardinia của Ý, Okinawa của Nhật Bản, Nicoya của Costa Rica và Loma Linda ở Tiểu bang California, Hoa Kỳ, Ikaria nằm trong một số  vùng đặc biệt có tuổi thọ cao được các nhà khoa học gọi là “vùng xanh” (blue zones). Về tuổi thọ của người dân đảo này, trường Đại học Athens của Hy Lạp đã thực hiện một cuộc nghiên cứu. Tiến sĩ Christina Chrysohoou, một chuyên gia về tim mạch thuộc trường Đại học Athens, là một trong những người đã góp phần thực hiện cuộc nghiên cứu này. Tiến sĩ Chrysohoou cho biết: ăn rất nhiều đậu, giảm thiểu tối đa thịt và đường là nét nổi bật nhất trong cách dinh dưỡng của người dân Ikaria. Rau xanh, mà một số đặc sản vốn có khả năng chống “oxit hóa” cao gấp 10 lần rượu đỏ, cũng là món ăn ưa chuộng của người dân Ikaria. Ngoài ra, khoai tây và sữa dê cũng luôn có mặt trong các  bữa ăn của họ. Về nước uống, Tiến sĩ Chrysohoou cho biết: người dân Ikaria uống rất nhiều nước nấu từ các loại rau cỏ đặc biệt trên đảo. Hơn nữa, vì Ikaria là một hòn đảo biệt lập, nhất là các làng ở phía bắc, du khách ít tìm đến cho nên cách sống của họ ít bị “Tây phương hóa”.
Nhưng bên cạnh đồ ăn thức uống, Tiến sĩ Chrysohoous còn ghi nhận một nét độc đáo trong cách sống của người dân Đảo Ikaria: đó là họ có thói quen ngủ trưa! Một cuộc nghiên cứu về người lớn tại Hy Lạp cho thấy rằng ngủ trưa đều đặn có thể giảm nguy cơ bị đột quỵ đến 40 phần trăm. Một điều khác cũng đáng ghi nhận trong cách sống của người dân đảo này là: 80 phần trăm đàn ông Ikaria tuổi từ 65 đến 100 vẫn còn sinh hoạt tình dục đều đặn!
Tại một ngôi làng nhỏ có tên là Nas nằm phía bắc Đảo Ikaria có một quán nổi tiếng có tên là Quán Thea. Thea Parikos là một phụ nữ Mỹ gốc Ikaria. Sau nhiều năm sinh sống ở Mỹ, bà đã trở về Ikaria, lập gia đình với một người địa phương và mở quán. Du khách có thể đến đây để thấy được cách dinh dưỡng đặc trưng của người dân Ikaria. Lúc nào trên bàn ăn cũng có rượu đỏ sản xuất “tại gia” và các loại rau quả trong vườn. Nói chung nhà nào cũng tự canh tác và làm rượu lấy để uống. Nhà nào cũng đãi khách với những món ăn tương tự và lúc nào cũng tỏ ra hiếu khách, mặc dù họ không giàu có như các nơi khác. Kinh tế Hy Lạp vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng và Ikaria, vốn đã nghèo, cho nên chịu nhiều thiệt thòi hơn. Có đến 40 phần trăm dân chúng Ikaria đang thất nghiệp. Chính vì vậy mà tự canh tự túc đã trở thành hoạt động kinh tế chính của người dân Ikaria. Đây cũng chính là bí quyết sống thọ của người dân Ikaria. Khi được hỏi làm thế nào để được khỏe mạnh, các cụ ông tuổi từ 90 đến 100 đều trả lời: “cuốc đất”. Cụ ông Nikos Fountoulis đã 93 tuổi, nhưng trông chỉ mới 70. Ngày nào cụ cũng vậy, cứ 8 sáng cụ leo lên một ngọn đồi để chăm sóc bầy súc vật và ngôi vườn của mình. Cuộc sống cơ cực, nhưng cụ luôn cảm thấy vui và hài lòng.
Nghèo nhưng vẫn tương trợ nhau: đó là một trong những nét nổi bật trong truyền thống của người dân Ikaria. Trong thời Đệ nhị Thế chiến, khi hòn đảo này  bị người Ý và người Đức chiếm đóng, rất nhiều người Ikaria đã chết đói. Theo thống kê, có đến 20 phần trăm dân số của đảo chết đói. Nhiều người cho rằng luật đào thải trong Thuyết Tiến hóa của Charles Darwin đã được ứng dụng trong tuổi thọ của người dân Ikaria: những thành phần sống lâu là những người đã vượt qua được những khó khăn và thử thách trong cuộc sống.
Sau Đệ nhị Thế chiến, hàng ngàn đảng viên cộng sản và tả khuynh bị Chính phủ Hy Lạp đày ra Ikaria. Truyền thống tương trợ và chia sẻ của người dân Ikaria lại có cơ hội được thể hiện và củng cố. Tất cả những người bị đày đến đảo đều được nâng đỡ để sống còn nhờ tấm lòng quảng đại và chia sẻ của người dân trên đảo.
Riêng người dân Ikaria, hầu như bất cứ cụ già nào cũng đều có một câu chuyện về khổ đau để kể lại. Kostas Sponsas là một cụ già đã mất một chân trong một vụ nổ bom tại Albania trong thời chiến tranh. Nếu không được những người đồng hương Ikaria cứu giúp, cụ đã chết vì mất máu rồi. Đã 100 tuổi và chỉ có một chân, nhưng trông cụ vẫn còn khỏe mạnh như người bình thường. Mỗi ngày cụ đều ra cửa tiệm mà cụ đã khai trương cách đây vài chục năm. Cụ đã quyết tâm không để thất vọng mỗi khi nghĩ đến một chân đã mất của mình. Cụ luôn tâm niệm với lời khuyên của ông nội cụ: “Hãy luôn biết ơn bởi vì không có gì xảy ra là tệ hại cả”.
Ngoài cuộc chiến đấu nội tâm để không bị buồn phiền, thất vọng, trầm cảm hay cô đơn quật ngã, bí quyết sống thọ của cụ Sponsas chính là không bao giờ ăn đồ chiên xào. Cụ luôn ngủ nhiều và lúc nào cũng mở cửa sổ phòng ngủ. Cụ tránh ăn thịt và chỉ uống trà từ rau cỏ, nhưng lúc nào cũng phải uống rượu đỏ trong bữa ăn.
Cũng như người dân Đảo Sardinia, người Ikaria rất xem trọng gia đình. Trên đảo này, hai ba thế hệ cùng sống chung dưới một mái ấm gia đình là chuyện thường tình: người già luôn sống trong gia đình cùng với con cái, cháu chắt và được chăm sóc cho tới chết. Cụ Sponsas khẳng định: “Có gia đình bên cạnh sẽ làm cho bạn cảm thấy mạnh hơn và an toàn hơn”.
Cách nhà cụ Sponsas vài phút đi bộ là nhà của cụ bà Evangelia Karnava. Tại Ikaria, nếu bạn hỏi tuổi của bất kỳ ai, họ đều nói đến năm sinh. Cụ bà Karnava cho biết cụ sinh năm 1916. Nhanh nhẹn, nói năng hoạt bát và hùng hồn chẳng khác nào một chính trị gia, cụ cho biết đã mất hai người con gái trong thời kỳ chiến tranh. Nhưng nói đến gia đình, lúc nào cụ bà  cũng hãnh diện khoe có 3 người con, 7 người cháu, 4 đứa gọi bà bằng bà cố và một đứa khác gọi bà bằng bà sơ. Bà bày tỏ hy vọng: “Tôi sẽ sống đến 115 tuổi. Bà ngoại tôi đã từng sống đến 107 tuổi”. Hiện cụ vẫn còn dọn dẹp nhà cửa và đi chợ mỗi ngày. Chỉ có điều lạ: cụ uống nhiều nước ngọt Coca-Cola. Cụ bảo: “Tôi không thể sống mà không có nó!”
Khi nghiên cứu về các “vùng xanh”, các chuyên gia đều chỉ ra cách dinh dưỡng như một trong những yếu tố chính giúp gia tăng tuổi thọ của con người. Trong những “vùng xanh”, người dân cũng đã từng trải qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc sống. Những thử thách trong cuộc sống khiến con người phải chiến đấu. Như vậy ý chí sống còn là một yếu tố quan trọng trong tuổi thọ của con người. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, đời sống gia đình và xã hội mới là yếu tố chính giúp gia tăng tuổi thọ. Lúc nào trên đảo cũng có những sinh hoạt xã hội. Già trẻ, nam nữ, lớn bé đều tham gia vào các cuộc khiêu vũ ngoài trời. Cuộc sống khắc khổ, con người được bù trừ bằng các lễ hội.
Mikis Theodorkis là một nhạc sĩ nổi tiếng đã từng bị đày ra Đảo Ikaria. Ông là tác giả của phim nhạc Zorba the Greek từng được diễn trên sân khấu Anh Quốc. Là một thành phần tả khuynh, ông đã bị đày ra Đảo Ikaria vào cuối thập niên 1940. Kể về giai đoạn này, ông nói rằng cảnh đẹp của Đảo Ikaria và lòng hiếu khách của người dân ở đây đã mang lại cho ông những tháng ngày đẹp nhất trong đời. Theo ông, người dân Ikaria đã liều mạng sống của họ để bày tỏ lòng quảng đại đối với ông. Hơn bất cứ điều gì khác, chính tấm lòng quảng đại này đã giúp ông vác lấy gánh nặng của khó khăn và thử thách trong cuộc sống đày đọa của mình.
Tựu trung, có nhiều yếu tố giúp gia tăng tuổi thọ của con người. Ngoài cách dinh dưỡng, một cuộc sống xã hội lành mạnh cũng có thể khỏa lấp hay bù đắp cho nhiều bất cập và tiêu cực trong cuộc sống. Uống Cola-Cola nhiều như cụ bà Karnava hay hút thuốc lá liên tục như cụ ông Tsahas mà vẫn sống thọ. Riêng cụ ông Tsahas mách cho chúng ta một cách uống rượu đỏ rất lành mạnh: pha nước vào rượu, nhiều hay ít tùy khẩu vị; uống trong bữa ăn, ngay cả khi ngồi với bạn bè; lúc nào cũng phải uống với người khác: nhờ nói chuyện sẽ uống chậm hơn; nếu đi dự tiệc và đã uống thì cũng đừng ngại ra nhảy với bạn bè, đó là một cách vận động tốt.
Vận động cơ thể đương nhiên là một điều tốt cho sức khỏe. Nhưng đối với người dân Ikaria, nhất là các cụ, tinh thần thoải mái và lạc quan mới thật sự là điều quan trọng. Các cụ thoải mái và lạc quan đến độ Ikaria được mệnh danh là một “hòn đảo nơi người dân quên chết”


(nguồn:
-https://www.theguardian.com/world/2013/may/31/ikaria-greece-longevity-secrets-age
-http://www.govita.com.au/greek-island-people-forget-die/)