Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Minh Triết Trẻ Thơ


Chu Thập
12.07.11



Sinh ra ở đồng quê, tôi có một tuổi thơ “thần tiên”. Thần tiên dĩ nhiên không có nghĩa là tôi “ước gì được đó” như những ông trời con sinh ra trong nhung lụa hay những cậu ấm cô chiêu của những gia đình danh giá, quyền thế. Tôi chỉ muốn nói tới vô số những thú vui mà tôi có được và tôi tin chắc rằng một đứa bé lớn lên ở chốn phồn hoa đô hội có bỏ tiền ra mua cũng chẳng có được. Thành ra, so sánh với mọi biến cố vui buồn trong mọi giai đoạn trưởng thành, tôi thấy rằng đẹp nhứt trong cuộc đời tôi vẫn là những kỷ niệm của tuổi thơ. Không biết đây có phải là lý do khiến tôi lúc nào cũng say mê những hình ảnh của tuổi thơ không. Bất kỳ ở đâu, hễ thấy có một em bé đang còn nằm trên chiếc xe đẩy mà đã biết cười thì bằng mọi giá tôi cũng phải ngoái cổ lại nhìn cho được. Đi đâu cũng thế, cứ có cảnh sinh hoạt vui đùa của các thiếu nhi thì tôi phải dừng lại như phải chào quốc kỳ vậy. Nhìn đứa bé nào, tôi cũng cảm thấy như gặp được một người bạn. Chỉ tiếc là thời buổi này, ở những nước văn minh như Úc đại lợi chẳng hạn, được tự do chia sẻ những niềm vui thần tiên của trẻ em xem ra không còn là một điều “tự do” nữa. Tôi còn nhớ lần nọ, tình cờ đi ngang qua một giáo xứ, thấy học sinh tiểu học đang nô đùa chạy nhảy khi tham gia vào một trò chơi lạ mắt, tôi nấn ná đến gần sân trường để quan sát và cũng để thả hồn về những kỷ niệm của tuổi thơ. Không rõ gương mặt của tôi lúc đó có biểu lộ vẻ hắc ám của một tên “ấu dâm” chuyên rình rập trẻ thơ không, một giáo viên đã sấn đến hạch hỏi lý lịch của tôi và yêu cầu tôi đi chỗ khác “chơi”. Tôi buồn bã bỏ đi mà cũng chẳng cần thanh minh thanh nga gì hết. Thời buổi mà nhìn đâu cũng thấy có những người làm chuyện đồi bại với trẻ thơ, người ta đâm ra nghi ngờ mọi người và dĩ nhiên cũng làm vẩn đục mối quan hệ lẽ ra phải tốt đẹp giữa người lớn và trẻ thơ. Là một người theo Đạo Chúa, tôi nghĩ nếu Chúa Giêsu trở lại trần gian, bảo đem trẻ nhỏ đến cho Ngài ôm ấp yêu thương như từng được kể trong Kinh Thánh, thì cái còng số 8 sẽ chẳng để cho đôi tay của Ngài được tự do vỗ về chúng đâu.
Tuổi thơ hấp dẫn tôi, bởi vì tuổi thơ luôn mang lại cho tôi nhiều cảm hứng. Tuổi thơ có thứ “minh triết” tự nhiên mà người lớn không màng tới cho nên cứ phải đau khổ. Những mẩu đối thoại đầy minh triết của trẻ thơ mà tôi mang theo suốt cuộc đời chính là những câu nói dễ thương nhưng thật thâm sâu của Hoàng Tử Nhỏ, chuyện ngắn của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry. Cậu hoàng con, với gia tài vỏn vẹn là một cây hoa hồng nhỏ trên một hành tinh cô độc, khi nhìn thấy một vườn hoa hồng mênh mông trên địa cầu đã thốt lên: “Người ta trồng cả năm ngàn cây hoa hồng trong cùng một khu vườn, nhưng lại không tìm thấy cái họ muốn tìm…Có những điều không thể nhìn thấy bằng mắt nhưng phải bằng trái tim.” (Antoine de St Exupéry, the Little Prince, chapt 25)
Trẻ thơ nhìn bằng trái tim chứ không bằng lý trí.
Kinh Thánh Cựu ước có kể lại sự thông minh sáng suốt tuyệt vời của một cậu bé tên là Đaniel đứng ra xét xử hai ông lão già “dê xồm”. Hai lão già này được dân chúng kính trọng và được đặt làm thẩm phán xét xử trong cộng đồng. Nhưng một hôm, do dục vọng đê hèn thúc đẩy, hai ông toan cưỡng hiếp một thiếu phụ đang tắm trưa trong một ngôi vườn. Vì thất bại trong mưu toan, hai lão già liền tri hô lên rằng người thiếu phụ bị hai ông bắt quả tang đang có hành vi gian dâm với một người thanh niên. Theo luật Do thái thời đó, đàn bà ngoại tình phải bị ném đá. Đang lúc mọi người đang chuẩn bị xử tử người thiếu phụ thì bỗng trong đám đông xuất hiện một thiếu niên lên tiếng yêu cầu cho xử lại vụ án. Người thiếu niên đã cho cách ly hai lão già gian ác và thẩm vấn từng ông. Kết quả cho thấy lời khai của hai người hoàn toàn trái ngược nhau. Bản án đã được đảo ngược, người thiếu phụ thoát chết và mọi người cảm phục sự khôn ngoan của cậu bé.
Dĩ nhiên, sự “khôn ngoan” của trẻ thơ ít được đề cao hơn sự trong trắng và hồn nhiên. Tuổi “thơ” là tuổi ngây thơ. Ngây thơ cả trong những gì mà người lớn cho là thô tục nhứt. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh của một chú nhóc mà tôi đã gặp nhân một buổi đi câu cá gần một bãi cắm trại ở bờ biển Patonga, Central Coast, New South Wales. Sau cơn mưa giông, một cậu bé tóc vàng, với gương mặt lém lỉnh mà tôi nghĩ chưa tròn 3 tuổi, đã bước ra khỏi căn lều và “vô tư” như người Hà nội, kéo quần xuống “giải thuỷ” trước mặt mọi người xung quanh. Từ một lò nướng “barbecue” bên cạnh, có hai cậu bé thiếu niên khoảng 10 tuổi, bất thần chứng kiến, đã được một bữa rửa mắt cho nên ôm bụng cười nắc nẻ. Có lẽ cho đây là một nụ cười cợt nhả chăng, chú bé vừa làm “vệ sinh” vừa hướng về hai cậu thiếu niên với một cái nhìn bằng nửa con mắt và thách thức “Bộ vui lắm sao mà cười” (It’s not so funny!). Tôi chỉ biết ôm bụng cười thầm. Nụ cười và ánh mắt tinh nghịch nhưng dĩ nhiên cũng vô cùng ngây thơ của cậu bé được bộ nhớ của tôi ghi lại như in. Thỉnh thoảng tôi lại nghĩ đến và vẫn thấy tức cười.
Trẻ thơ mang lại cho tôi những nụ cười mà tôi tin rằng, cho dù sau này có bị dementia (lú lẫn), ký ức của tôi vẫn còn giữ nguyên vẹn. Chẳng hạn như câu chuyện xảy ra hồi năm 1981, khi tôi đang sống chui sống nhủi ở Sài gòn để tìm đường “cứu nước”, tôi vẫn nhớ như thể hôm qua. Lúc đó, trong tình trạng vô gia cư, thỉnh thoảng tôi ghé qua nhà một người bạn ở Hàng Xanh, Thị Nghè để tá túc vài hôm. Đây là một khu lao động theo đúng nghĩa. Trẻ con đùa nghịch ngoài hẻm bất kể ngày đêm. Những tiếng chửi thề của người lớn được trẻ con lập lại nguyên si, dù chẳng hiểu gì. Một buổi sáng nọ, tôi đang ngồi đọc báo trước nhà, cô gái út của người bạn, chưa quá 3 tuổi, từ ngoài hẻm hớt ha hớt hải chạy vào để tâu báo chuyện gì đó. Con bé chạy ùa vào nhà và vấp phải chân tôi cho nên té sấp xuống đất. Vậy mà nó vẫn đứng dậy được và mếu máo chửi tôi một câu nghe thật “dễ thương”: “Con c… đ.mẹ mày!”. Nếu câu này thoát ra từ miệng của một người lớn, thì tôi e đã có chuyện lớn rồi. Nhưng từ miệng của một “thiên thần” vừa bập bẹ biết nói, bạn không cười thì hẳn bạn không còn là người bình thường rồi.  Buổi sáng hôm đó, dù cho bụng đang đói cồn cào, tôi vẫn thấy vui. Làm sao tôi có thể quên được một câu chửi thề “duyên dáng” và “dễ thương” như thế.  Tôi vẫn giữ liên lạc với gia đình người bạn kể từ khi rời Việt nam. Thỉnh thoảng ghé thăm, tôi vẫn nhắc lại chuyện cũ, ai cũng ôm bụng cười. Nhưng giờ đây, có lẽ tôi không dám gợi lại nữa, bởi vì cô bé “chửi thề” của tôi không ngờ lại vắn số. Năm vừa qua, tôi đã mất cơ hội dự đám tang của cháu. Tôi thương nhớ một thiếu nữ xinh đẹp, duyên dáng, thông minh và thành công. Hơn nữa, hình ảnh của một trẻ thơ hồn nhiên mà mỗi khi nhớ đến không thể không khiến tôi ôm bụng cười thầm.
Những kỷ niệm  tuổi thơ của tôi và hình ảnh của cô thiên thần nhỏ trên đây cũng như nụ cười lém lỉnh của cậu bé ở Patonga thường trở lại không chỉ để làm bật lên một nụ cười giữa những nhọc nhằn hay bực bội của cuộc sống hằng ngày. Tôi cũng xem đó như một nhắc nhở về sự giáo dục gia đình. Tuổi thơ đẹp vì nó là một thứ giấy trắng tinh tuyền mà trên đó người lớn có thể tô vẽ đủ mọi mầu sắc của cuộc đời. Tôi vẫn thường tự hỏi: “Nếu không được giáo dục, nhứt là giáo dục gia đình, thì liệu tôi có phải là tôi như ngày nay không?”
Tôi suy nghĩ về điều đó khi đọc bài viết có tựa đề “No sex, please” (xin đừng nói đến phái tính) đăng trên phụ trương cuối tuần Good Weekend của báo The Sydney Morning Herald, số ra cuối tuần qua. Bài báo nói đến lối “giáo dục” khác thường của một cặp vợ chồng trẻ người Gia nã đại. Hai vợ chồng này có ba đứa con với những cái tên nghe không giống ai, nghĩa là nghe qua, người ta không thể đoán được phái tính của chúng. Đặc biệt, đứa nhỏ nhứt tên là “Storm” (giông bão). Mà đúng là giông bão thật, bởi vì cho đến nay đứa bé 4 tháng tuổi này đã tạo ra cả một làn sóng thắc mắc về phái tính của nó. Ngoại trừ hai cô mụ đỡ đẻ, hai thằng anh của nó và một người bạn thân, hai vợ chồng này dứt khoát không cho ai biết nó là “thằng cu hay cái hĩm”. Ngày xưa ở những làng xung quanh xóm giáo của tôi, người ta sợ “ông bà ông vải” về bắt, cho nên con cái được đặt cho những tên thật xấu xí có hàm ẩn phái tính, nghe lên cũng muốn té xỉu thôi. Cặp vợ chồng Gia nã đại này chẳng phải dị đoan gì cả. Ai có đến chúc mừng và hỏi thăm “thơ nhi” là trai hay gái, thì họ đều làm thinh. Trong một email, người vợ yêu cầu mọi người “hãy để cho đứa bé tự khám phá ra nó muốn là ai”, nghĩa là tự chọn phái tính của mình. Hai vợ chồng trí thức này xuất thân từ những gia đình có lối sống phóng khoáng. Người chồng đã từng nghe bài hát quen thuộc “Free to be…You and me” (được tự do là…bạn và tôi) hồi thập niên 1970 với nội dung cổ võ sự “trung tính”. Người vợ đã từng chứng kiến cảnh anh trai của mình tô son trét phấn như các ca sĩ David Bowie, Mick Jagger và xách “bóp đầm” như các bà.  Tựu trung, cặp vợ chồng này chủ trương cái lối giáo dục để cho con cái “tự học hỏi”, tự khám phá, nhứt là khám phá mình là ai. Vì sợ con cái mình không được tự do chọn lựa làm điều chúng muốn, sống như con người chúng muốn, làm những quyết định như chúng muốn, cho nên họ chủ trương để cho con cái được tự do.
Tôi không biết rồi ra những đứa bé lớn lên trong gia đình này sẽ như thế nào. Nói gì đến những đứa bé lớn lên trong những gia đình chỉ có hai người cha hay chỉ có hai người mẹ. Sẽ đến một lúc chúng sẽ tự đặt ra một câu hỏi không thể lẩn tránh được: “Tôi là ai?”  Không tự trả lời được cho câu hỏi ấy quả là một trong những nỗi khốn khổ lớn nhứt trong đời người.
Đầu tháng 7 vừa qua, nhạc sĩ Hoàng ngọc Tuấn, đã có một đêm biểu diễn tại San Jose, tiểu bang California, Hoa kỳ. Mở đầu buổi trình diễn nhạc thính phòng cho một số nhỏ thính giả, nhạc sĩ tài ba này vừa đệm guitar vừa hát sáng tác đầu đời của anh có tựa đề “Sinh nhựt của tôi”. Ca từ của bài hát được anh sáng tác năm 19 tuổi xoáy vào chủ đề “Tôi là ai?”  Tâm sự của một người thanh niên hụt hẫng trong những ngày đầu “cuộc cách mạng vô sản” chẳng ăn nhập gì với nỗi lòng của những người lớn lên bị xâu xé giữa hai phái tính hoặc không tìm ra bản sắc của mình, nhưng cũng nói lên được nỗi khắc khoải của mỗi người chúng ta. Có người không tìm ra được cái tôi của mình. Có người, như nhà văn Nguyễn Khải trong nước, vào cuối đời mới tìm lại đuợc “cái tôi đã mất” vì đã bán rẻ cho bác và đảng.
Riêng tôi, mỗi lần muốn tìm một giải đáp cho câu hỏi “tôi là ai?” tôi không thể không nghĩ đến cha mẹ tôi. Cha mẹ tôi đã trao ban cho tôi sự sống. Tôi không hưởng được gia tài nào cha mẹ tôi để lại. Nhưng tôi tin chắc rằng tôi chỉ có thể là tôi ngày nay vì ít nhứt đã có được những người thày dạy đầu tiên là cha mẹ tôi, những người đã dạy dỗ bảo ban tôi những bài học nền tảng nhứt về tư cách con người, về cách cư xử ở đời, về những giá trị đạo đức. Tôi vẫn cố gắng sống cho ra người tử tế. Nhưng cũng có lúc tôi thấy mình chẳng ra gì.
Tôi nghĩ rằng nhân tính hay tư cách con người vốn ngủ yên trong mỗi người. Hãy thử tượng tượng vừa lọt lòng mẹ, tôi đã bị quăng vào rừng cho muông thú chăm sóc. Liệu tôi có sống như một con người có suy nghĩ, biết cư xử không chứ đừng nói đến chuyện tôi muốn biết tôi là ai? Cha mẹ sanh ra, nuôi dưỡng và dạy dỗ tôi để trở thành TÔI. Tôi không là ai cả, tôi cũng không thể là ai khác và cũng không muốn bắt chước một thần tượng nào cả. Rất đơn giản: tôi là Tôi!
Chợt nhớ lại một câu triết lý của một đứa cháu gái. Muốn “dụ” nó tập ăn rau, người mẹ nói: “Con thử ăn bắp cải đi, nó cũng tựa tựa xà lách.” Cô bé ăn thử rồi lắc đầu: “Không được đâu mẹ ơi, dở lắm! con nghĩ bắp cải nó đang cố gắng biến thành xà lách nhưng đâu có giống.”










Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Đóa hồng Giáng Sinh





Chu Thập
Noel 2014

Mùa Giáng Sinh năm nào, gia đình tôi cũng bắt chước người Úc tổ chức họp mặt và tặng quà cho nhau. Nhưng năm nay, nhà tôi làm một cuộc cách mạng khi đưa ra sáng kiến: thay vì dùng tiền để mua sắm quà tặng cho nhau, hãy trao tặng cho một tổ chức từ thiện nào đó. Đề nghị được mọi thành viên của gia đình tán thưởng: vừa khỏi phải bù đầu bứt tóc khi lang thang mấy ngày liền để tìm cho ra một món quà vừa ý người thân, vừa có được niềm vui vì làm việc thiện. Tôi nghĩ đến những người mà chỉ cần 25 đô trao tặng cho “Sáng hội Fred Hollows Foundation” cũng đủ để được sáng mắt. Tôi nghĩ đến những ca phẫu thuật ở những nước nghèo mà chỉ cần một cú điện thoại từ Úc gọi đến cho Hội Y Sĩ Không Biên Giới (Médecins sans frontières) cũng đủ để giúp thực hiện một cách tốt đẹp. Tôi nghĩ đến không biết bao nhiêu tổ chức từ thiện đang cần một chút chia sẻ của tôi trong mùa Giáng Sinh này để xoa dịu nỗi đau vì túng đói của không biết bao nhiêu người xung quanh tôi.
Giáng Sinh ngày càng bị thương mại hóa. Ý nghĩa tôn giáo của ngày lễ ngày càng bị lu mờ. Nhân vật lịch sử Giêsu mà các tín đồ Kitô Giáo tin nhận như Thiên Chúa nhập thể làm người dường như đã nhường chỗ cho Ông Già Noel, Cây Thông Giáng Sinh, Ánh Đèn Mầu hoặc thậm chí mấy con sơn dương Bắc Âu. Nhiều người thích đến các lễ hội Giáng Sinh hơn là vào các các giáo đường để thờ phượng. Mùa Giáng Sinh, để tránh mầu sắc tôn giáo, chỉ còn là mùa nghỉ lễ hoặc mùa gởi thiệp chúc mừng nhau (Greeting season).
Nhưng dù cho lễ Giáng Sinh có bị tục hóa đến đâu, một tín hữu Kitô như tôi cũng không hề cảm thấy nao núng. Với tôi, như Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Phật Giáo Tây Tạng, đã nói, “tôn giáo tốt nhứt là tôn giáo làm cho bạn trở thành một người tốt hơn”, cái tốt tủy của tinh thần Giáng Sinh là sự chia sẻ và trao tặng, dù cho ngay cả Lễ Giáng Sinh cũng không còn được gọi là “Giáng Sinh” đi nữa, vẫn mãi mãi là điều làm cho tôi thành một người tốt hơn. Bao lâu tinh thần chia sẻ và trao tặng chưa chết thì lễ Giáng Sinh vẫn còn đó.
Cái cốt lõi và nét đẹp của Giáng Sinh vẫn mãi mãi còn đó. Mãi mãi Giáng Sinh vẫn tiếp tục mang lại nguồn cảm hứng để làm tuôn trào những áng văn đẹp nhứt trong lịch sử nhân loại. Mãi mãi tinh thần Giáng Sinh vẫn là tình thương vô vị lợi, sự tha thứ, lòng quảng đại, sự chia sẻ. Trong những câu chuyện Giáng Sinh hay nhứt được thu thập trong suốt dòng lịch sử nhân loại, tôi thích truyền thuyết về “đóa hồng Giáng Sinh”. Theo truyền thuyết, vào một đêm tháng 12 giá lạnh, mọi người đều đi tìm Đấng Cứu Thế và dâng kính cho Ngài đủ loại quà tặng. Ba nhà đạo sĩ từ Đông Phương mang đến những món quà được xem là quý giá nhứt vào thời đó là vàng, nhũ hương và mộc dược. Cũng vào lúc đó, có một cô gái mục đồng tên là Madelon đã nhìn thấy ba nhà đạo sĩ đang dừng chân trước hang đá nơi Hài Nhi Giêsu sinh hạ. Tuy nhiên, vì nghèo đến độ chẳng có gì để mang đến dâng tặng cho Hài Nhi, cô đã bật khóc thành tiếng khi nhìn thấy những món quà quý giá của ba nhà đạo sĩ. Trước đó, cô đã rảo bước qua các cánh đồng để tìm cho được vài cánh hoa, nhưng làm gì có hoa nở giữa mùa Đông giá rét.
Cô gái mục đồng không hề biết rằng nhứt cử nhứt động của mình đều được một vị thiên thần để mắt theo dõi. Cảm thương trước cảnh cô gái nghèo đang ngồi bệt trên đất để khóc vì sự nghèo cùng và bất lực của mình, sứ thần của Chúa đã nhẹ nhàng bóc gỡ từng lớp tuyết dưới chân cô. Và dĩ nhiên, phép lạ đã xảy ra: từ dưới chân cô, những giọt nước mắt đã  biến thành một đóa hồng xinh đẹp. Sứ thần rỉ tai cô gái: đóa hồng này là món quà vô giá vì nó tinh tuyền và được kết tinh từ tình yêu. Cô gái mục đồng ngạc nhiên và vui mừng khi nghe những lời này. Cô nhặt đóa hồng lên, nâng niu trên bàn tay và vội vã chạy đến dâng tặng cho Hài Nhi. Kể từ đó, đóa hồng Giáng Sinh đã được xem như biểu tượng của tình yêu và niềm hy vọng.
Thật ra, đâu chỉ có hoa hồng mới là biểu tượng của tình yêu và niềm hy vọng. Và đâu chỉ có đóa hồng Giáng Sinh mới có giá trị biểu trưng như thế. Ở đâu và thời nào, trong bất cứ nền văn hóa nào, hoa nào cũng là tiếng nói thầm lặng qua đó con người bày tỏ những cảm xúc và tình cảm cao quý nhứt của mình.

Nhìn đoàn người lũ lượt kéo đến Quảng trường Martin trong những ngày vừa qua để đặt vòng hoa tưởng niệm và thương tiếc hai nạn nhân vô tội của vụ khủng bố do “ông đạo” Man Haron Monis thực hiện, tôi đã nghe được ngôn ngữ thinh lặng ấy của hoa. Từ đương kim thủ tướng đến cựu thủ tướng, từ các chính khách đến các nhà lãnh đạo tôn giáo, từ người lớn đến trẻ con, bất luận sắc tộc, ngôn ngữ, màu da và tôn giáo...tất cả mọi người đều nói cùng một ngôn ngữ và bày tỏ cùng một cảm xúc khi đặt những cành hoa xuống Quảng trường Martin. Nếu phải đi tìm bức ảnh đẹp nhứt và ý nghĩa nhứt trong năm 2014, tôi nghĩ không ai mà không bầu chọn bức ảnh này. Từ máu và nước mắt trong quán cà phê Lindt ở Sydney, những cánh hoa của hy vọng đã nở ra. Ở nơi bận rộn nhứt của Sydney, mấy ngày qua, tôi không còn thấy cảnh người ta vội vã đi với cái iphone như chỗ không người. Trước một biển hoa, người ta đứng bên nhau, không ngần ngại chia sẻ tâm tình trào dâng qua những giọt lệ trước bao người xa lạ. Ngay nơi này tôi được xác tín rằng, bao lâu ích kỷ và thù hận không làm cho trái tim con người hóa đá, bao lâu nỗi đau của người xung quanh không làm cho con người trở nên vô cảm, bao lâu niềm hy vọng vẫn còn cố gắng vươn lên trong lòng người, thì thế giới này vẫn mãi mãi còn là một nơi đáng sống.
Theo dõi cuộc khủng bố tại Quảng trường Martin, tôi để ý đến một chi tiết đầy nghịch lý. Trên một trong những cánh cửa kiếng của tiệm cà phê Lindt nhìn ra Quảng trường Martin, người ta thấy những bàn tay với những ngón tay run rẩy của hai con tin mà tên khủng bố bắt phải đưa lên. Đôi mắt của họ như nhắm nghiền lại. Dường như họ đang lâm râm khấn vái và cầu nguyện. Bên cạnh khuôn mặt đầy hoảng sợ ấy người ta vẫn đọc được rõ ràng lời cầu chúc “Merry Christmas” mà tôi nghĩ chính viên quản lý Tori Johnson của tiệm cà phê đã cho dán lên tấm kính nhân mùa Giáng Sinh này. Anh không chỉ viết lời cầu chúc ấy bằng giấy mực. Anh đã viết bằng chính máu và mạng sống của anh khi đã can đảm vật lộn với tên khủng bố để cho nhiều con tin khác được chạy thoát. Cùng với anh, nữ trạng sư Katrina Dawson, 38 tuổi, cũng đã viết lên lời cầu chúc Giáng Sinh một cách hào hùng khi dùng tấm thân của mình để đỡ đạn cho một người phụ nữ khác đang mang thai. Với tôi, hành động hy sinh cao cả của Tori Johnson và Katrina Dawson là lời cầu chúc Giáng Sinh “Merry Christmas” đẹp nhứt và ý nghĩa nhứt.
Từ đáy thẳm của hận thù và đớn đau vẫn còn có những người cố gắng, bằng cách thế riêng của mình, thốt lên lời cầu chúc “Merry Christmas” của can đảm, hy sinh và hy vọng. Những bó hoa phủ đầy Quảng trường Martin trong những ngày này chắc chắn cũng chỉ chuyên chở cùng một sứ điệp “Merry Christmas” ấy.
Từ thảm hoa trên Quảng trường Martin, tôi cũng đọc được một khẩu hiệu khác đầy ý nghĩa là “Peace on Earth” (Hòa bình dưới thế). Với những người quen thuộc với sứ điệp trọng tâm của mùa Giáng Sinh, thì khẩu hiệu này là vế sau của câu: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Theo Kinh Thánh Kitô giáo, đó là câu hát của các thiên thần mà nhiều người đã nghe được từ trên không trung trong đêm Giáng Sinh. Về sau có lẽ nhiều người chỉ chú trọng đến vế đầu, tức “vinh danh Thiên Chúa trên trời”. Và đó chính là đầu mối của không biết bao nhiêu khốn khổ mà nhân loại phải gánh chịu. Trong suốt dòng lịch sử nhân loại, các cuộc chiến tranh tôn giáo đã cho thấy rằng con người thường nhân danh Thiên Chúa và tôn vinh Ngài bằng cách chém giết nhau. Đúng hơn, con người tự tạo ra một Thiên Chúa cho riêng mình và bắt người khác phải tôn thờ Thiên Chúa ấy. Có bao nhiêu tôn giáo là có bấy nhiêu Thiên Chúa và con người nhân danh Thiên Chúa của mình để loại trừ người khác.
 Có lẽ để đối lại với khẩu hiệu được viết bằng tiếng Á Rập “chỉ có một Thiên Chúa chân thực và độc nhứt và Mohammad là tiên tri của Ngài” mà tên khủng bố Monis đã giương lên trong quán cà phê Lindt chăng mà một số người đã trương lên biểu ngữ “Hòa bình dưới thế”. Thật vậy, làm sao có “hòa bình dưới thế” khi con người nhân danh Thiên Chúa để xem người khác như người “ngoại đạo” và sát hại họ. Nhưng trái lại, phải chăng khi con người biết tôn trọng những khác biệt của người khác, biết sống chung hòa bình với người khác thì đó không phải là lúc họ “vinh danh Thiên Chúa” sao.
Tôi mới đọc được 10 bí quyết hạnh phúc hàng đầu của Đức Phanxicô, nhà lãnh đạo tinh thần của hơn một tỷ người công giáo trên khắp thế giới. Nhà lãnh đạo tôn giáo này đã nói lên 10 bí quyết hạnh phúc của ngài trong một cuộc phỏng vấn dành cho một tuần báo xuất bản tại Á Căn Đình dạo tháng 7 vừa qua. Trong 10 bí quyết ấy, tôi chú ý đến điều ngài nói: “Đừng bắt người khác vào đạo của mình, hãy tôn trọng tín ngưỡng của họ”.
Một lời tuyên bố như thế được thốt lên  từ miệng của một nhà lãnh đạo của Giáo hội công giáo chẳng có gì đáng gây ngạc nhiên cả. Thời đại này, tín đồ của tôn giáo nào mà chẳng nói lên được điều đó. Có khác chăng và đáng chú ý chăng là bởi Đức Phanxicô đã xem đây như một bí quyết để sống hạnh phúc. Phải chăng vị giáo hoàng này chẳng muốn nói rằng một trong những bí quyết của hạnh phúc đích thực là chấp nhận, tôn trọng, yêu thương và cảm thông với người khác.
Giáng Sinh vẫn mãi mãi là mùa của trao tặng. Trao tặng một chút cải cải vật chất, nhứt là cho những người đang túng thiếu, là điều đương nhiên không thể thiếu nếu muốn sống một mùa Giáng Sinh có ý nghĩa. Nhưng như một câu ngạn ngữ quen thuộc muốn nhắc nhở, “một quà tặng không có người tặng là một quà tặng trống rỗng”. Trao tặng thiết yếu là trao tặng chính mình. Trao tặng là gởi gấm thái độ chấp nhận, tôn trọng, yêu thương, vị tha, cảm thông và tha thứ. Trao tặng như thế là chỉ mong có được “hòa bình dưới thế” cho mình và cho người khác. Lời cầu chúc Giáng Sinh “Merry Christmas” sẽ chỉ còn là một công thức sáo mòn và trống rỗng nếu không chuyên chở những tâm tình cao quý ấy.


Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Thư gởi Ông Già Noel

                          

                                                                           Giáng Sinh 2009



Thưa Ông Già Noel,

Mỗi năm đến Mùa Giáng Sinh, hẳn ông nhận được không biết bao nhiêu lá thư. Có lẽ hầu hết các lá thư gởi đến ông đều có nội dung “xin xỏ”, nhứt là vào thời buổi khủng hoảng kinh tế này. Riêng tôi chỉ muốn viết thư này cho ông để bày tỏ sự cảm thông dành cho ông.
Thú thật, mỗi lần thấy ông xuất hiện trên các đường phố, trước các thương hiệu hay trong các trung tâm thương mại để “khuyến mãi” hay để chụp hình với các em bé, tôi thấy “tội nghiệp” ông. Giữa cơn nóng rực lửa của mùa hè Úc, làm sao không thương ông, khi thấy ông vẫn cứ phải đeo râu, đội mũ và trùm vào người bộ đồ “ấm”, mặc cho mồ hôi mồ kê nhễ nhại.
Người Việt nam chúng tôi cứ gọi nước Úc là “Úc khùng”. Thật ra chúng tôi chẳng có hàm ý miệt thị nào cả. Làm sao dám khinh rẻ một đất nước đã mở rộng vòng tay đón nhận mình và mang lại cho mình một cuộc sống ấm êm gấp nghìn lần ở quê hương “thiên đường xã hội chủ nghĩa” khốn khổ của mình! “Úc khùng” chỉ là một kiểu nói thân thương để chỉ cái ngược ngạo của Úc mà thôi: lái xe thì phải giữ bên trái, người ta nóng thì mình lạnh, ngay cả cái cần cầu cá cũng phải đổi lại thế cầm! Đặc biệt cứ đến Mùa Giáng Sinh là tôi thấy rõ “Úc khùng” hơn cả. Giáng Sinh ở đâu cũng thế, nếu không mang chút khí lạnh, thì cũng có cảnh tuyết rơi. Ở Úc thì trái lại, Giáng Sinh lại rơi vào cao điểm của mùa hè. Người Công giáo Việt nam tại Úc năm nào cũng hát lại ca khúc bất hủ “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…” mà vẫn cứ cầm quạt phe phẩy!
Tôi thấy thương ông là bởi vì ông “hội nhập” vào đâu cũng được mà vẫn luôn giữ được tiếng cười “hô hố” dễ dãi và dễ thương. Ông chẳng màng đến cái nóng, cũng chẳng màng đến việc bị lợi dụng của con buôn, miễn là mang lại niềm vui cho người khác.
Thật ra, ngay cả cái tên mà người ta đặt cho ông, ông cũng chẳng “care”. Ở bên Hoa kỳ hay nhiều nước nói tiếng Anh, ông có tên là “Santa Claus”. Sang đến Pháp, tên ông được đổi thành “Père Noel” (Cha Noel). Có khi người ta còn gọi ông một cách thân thương trìu mến hơn là “Petit Papa Noel” (Bố Noel bé nhỏ). Người Việt nam chúng tôi vốn kính trọng những người có râu tóc bạc phơ, cho nên khi sang đến nước tôi, ông được rửa tội thành “Ông Già Noel”. Lẽ ra, phải kính cẩn gọi ông là “Cha Già Noel” để đối lại với “cha già dân tộc” mới phải!
Nhưng dường như tên gọi đối với ông không quan trọng cho bằng sự hiện diện của ông. Cứ mùa Giáng Sinh đến, càng có mặt được ở nhiều nơi, càng mang lại niềm vui cho người khác là ông vui. Chẳng hạn như ở Việt nam chúng tôi, kể từ khi những người Cộng sản áp đặt chủ nghĩa duy vật vô thần lên quê hương đất nước, Lễ Giáng Sinh không còn là một Ngày Lễ Nghỉ nữa: công sở phải mở cửa và học sinh phải cắp sách đến trường. Khốn nạn hơn nữa là người ta lại bắt học sinh phải “thi cử” vào chính ngày Giáng Sinh. Lễ Giáng Sinh không phải là ngày lễ nghỉ, nhưng bầu khí Giáng Sinh thì vẫn tưng bừng. Có được như thế là nhờ sự hiện diện của ông: ở đâu cũng thấy bóng dáng của ông!
Thưa Ông Già Noel, tôi nghĩ rằng ở đâu ông cũng len lỏi vào được, ở đâu ông cũng mang niềm vui đến cho mọi người, ở đâu và thời nào ông cũng vẫn từng đó tuổi, là bởi ông không câu nệ.Tên tuổi của ông, người ta muốn gọi như thế nào cũng được. Ngay cả cái “xuất xứ” và “căn tính” của ông, ông cũng chẳng xem trọng. Ông “an nhiên tự tại” như thế là bởi vì nhân cách của ông đã được nhào nặn từ nhiều truyền thuyết. Trong khi người Mỹ tin rằng ông hiện đang sống ở Bắc Cực.Vợ ông tên là “Claus”. Hai vợ chồng dùng một chiếc xe được kéo bởi 8 hay 9 con sơn dương không những lướt trên các núi phủ tuyết quanh năm mà còn bay được nữa. Một truyền thuyết khác lại còn bảo rằng ông viết tên tất cả mọi đứa trẻ trên thế giới vào một danh sách, xếp hạng chúng thành “tốt” và “xấu” và trong đêm Giáng Sinh chỉ mang quà đến cho những đứa trẻ tốt, nhưng tôi không tin như vậy. Vì chỉ có người lớn “xấu” chứ con nít thì không!
Tuy có nhiều truyền thuyết về ông, nhưng tôi nghĩ, bởi vì Lễ Giáng Sinh thiết yếu là Lễ của Kitô giáo, mà ông chỉ xuất hiện vào dịp lễ này, cho nên tên tuổi và diện mạo của ông gần với ông thánh Nicolas của Kitô giáo hơn.Thánh Nicolas là một nhân vật lịch sử sống vào thế kỷ thứ tư sau công nguyên. Lịch sử Kitô giáo ghi nhận rằng ông là giám mục tại Myra, nay là Demre, Thỗ Nhĩ Kỳ. Ông được bầu làm giám mục bởi vì ông là một người tốt bụng và quảng đại.
Là một người giàu có, sau khi được bầu làm giám mục, việc làm đầu tiên của ông là phân phát hết tài sản của mình. Nhưng một đêm nọ, một vị sứ thần hiện ra bảo ông phải giữ lại một số tài sản để đặc biệt giúp đỡ người nghèo. Theo lời sứ thần, vị giám mục liền giữ lại 3 bị vàng, cất giữ dưới gầm giường và đêm đến cứ nằm chờ lệnh của sứ thần. Cuối cùng, một đêm nọ, sứ thần hiện ra trong một giấc mơ và ra lệnh cho ông phải mang một bị vàng đến nhà của một người đàn ông nghèo có ba đứa con gái. Ba cô thiếu nữ này sẽ bị bán làm nô lệ nếu người cha không có đủ của hồi môn cho họ. Vị giám mục liền thức dậy, mang một bị vàng ra đi và lặng lẽ đặt món quà vào nhà người đàn ông nghèo. Nhờ món quà ấy, người con gái lớn có đủ tiền để làm hồi môn và như vậy không phải bị bán làm nô lệ.
Đêm hôm sau, vị giám mục quảng đại cũng lập lại một cử chỉ ấy với người con gái thứ hai. Đêm thứ ba, người đàn ông nghèo đã đóng tất cả mọi cửa nẻo trong nhà lại, vì ông nghĩ bụng người ân nhân bí mật sẽ buộc đi xung quanh nhà và như vậy ông và ba cô gái sẽ nhận diện được ông và bày tỏ lòng biết ơn. Không tìm được một chỗ nào để kín đáo đưa gói quà vào nhà, vị giám mục tốt bụng đành leo lên mái nhà và thả gói quà xuống theo ống lò sưởi.
Người đàn ông nghèo và ba cô con gái không hề biết ai là ân nhân của mình. Nhưng nhiều người đã biết câu chuyện và như thế câu chuyện đã được kể lại cho các thế hệ đến sau.
Vào thời Trung cổ, thành phố Myra rơi vào tay người Thổ Nhĩ Kỳ.Trong các chiến lợi phẩm mang về Âu Châu, các chiến sĩ trong các đoàn thập tự viễn chinh trân quý câu chuyện của thánh Nicolas. Câu chuyện đã được truyền tụng đi khắp Âu châu và cuối cùng đến Hoa Kỳ.Và như vậy, thánh Nicolas, vị giám mục quảng đại đã phân phát tất cả tài sản của mình cho người nghèo vào thế kỷ thứ tư, đã trở thành Santa Claus, Pere Noel hay ông già Noel, nhân vật huyền thoại cứ mỗi năm đến mùa Giáng Sinh mang niềm vui đến cho mọi người, nhứt là trẻ con.
Thưa Ông Già Noel, tôi tưởng tượng ông đang cười “hô hố” vì câu chuyện trên đây.Ông cười vì hình tượng của ông đã được thêu dệt và huyền thoại hóa qua thời đại. Mỗi năm, cứ đến Mùa Giáng Sinh, ông lại đến, nhưng không bao giờ lên tiếng cải chính về “ dung mạo” người ta vẽ ra về ông.
Sự thinh lặng của ông khiến cho không biết bao nhiêu người nghi ngờ về sự hiện hữu của ông. Chắc ông còn nhớ, “tháng 9 năm 1898, một bé gái 8 tuổi tên là Virginia đã viết thư cho một tờ báo Công giáo Hoa kỳ để hỏi về Ông Già Noel. Câu hỏi của cô bé là “Ông già Noel có thật không?”
Vài ngày sau, trong bài xã luận của tời báo, người ta đọc được câu trả lời của ông chủ nhiệm kiêm chủ bút như sau: “Virginia yêu dấu của bác. Điều trước tiên bác muốn nói với cháu là: các bạn của cháu thật là sai lầm khi bảo rằng không có ông già Noel. Các bạn của cháu đã bị tiêm nhiễm bởi trào lưu hoài nghi. Họ nghĩ rằng chỉ có thể tin được những gì họ thấy tận mắt. Họ nghĩ rằng không có gì có thể có được nếu trí khôn nhỏ bé của họ không hiểu được.
Virginia yêu dấu, tất cả mọi trí khôn của loài người, dù là của trẻ em, dù là của người lớn, tất cả đều nhỏ bé. Trong cái vũ trụ bao la này, con người chỉ là một con kiến nhỏ.
Virginia ạ, ông già Noel có thật.Ông có thật cũng như tình yêu và lòng quảng đại nhờ đó cuộc sống của cháu trở thành vui tươi và xinh đẹp. Bé ơi, nếu không có ông già Noel thì thế giới của chúng ta sẽ như thế nào? Không có những tâm hồn ngây thơ trong trắng của những trẻ thơ như cháu thì thế giới của chúng ta sẽ như thế nào? Không có một niềm tin của trẻ thơ như cháu thì không có một áng văn, một dòng thơ nào có thể làm cho cuộc sống của chúng ta đáng sống nữa. Không có một niềm tin của trẻ con thì ánh sáng vĩnh cửu đang lấp đầy thế giới cũng sẽ tắt dần.
Virginia, nếu cháu không còn tin ở ông già Noel nữa, thì cũng chẳng còn tin ở chuyện thần tiên nữa.Có thể cháu sẽ yêu cầu bố cho người ngồi canh ở lò sưởi, ở cuối giường để bắt cho được ông già Noel…Nhưng cho dù cháu không bắt được ông già Noel đi nữa, điều đó có ý nghĩa gì? Chưa có ai đã thấy ông già Noel, nhưng cũng chưa có ai chứng minh được là không có ông già Noel. Những điều có thực nhứt trong thế giới của chúng ta là những điều mà trẻ con và ngay cả người lớn cũng chưa từng thấy.
Cháu có bao giờ thấy các nàng tiên nhảy múa trên thảm cỏ chưa? Dĩ nhiên là chưa. Nhưng có ai chứng minh được rằng các nàng tiên không có không? Không ai có thể có khái niệm hay tưởng tượng được bao kỳ diệu chưa thấy hoặc không thể thấy được trong thế giới của chúng ta.
Chỉ có đức tin, chỉ có tình yêu mới có thể vén mở được bức màn bí mật của thế giới chúng ta.
Nhờ ơn Chúa, ông già Noel vẫn sống và tiếp tục sống, cháu Virginia ạ. Ông già Noel sẽ tiếp tục làm cho tâm hồn trẻ thơ được tràn đầy hoan lạc”( x. Veritas, Lẽ sống)
Thưa ông già Noel, với lá thư gởi cho bé Virginia trên đây, tôi cũng muốn nói lên niềm tin của tôi. Dù tên tuổi và xuất xứ của ông có như thế nào đi nữa, dù cho ngay cả ông có là một nhân vật huyền thoại, tôi vẫn tin rằng mỗi năm cứ đến Mùa Giáng Sinh ông lại đến. Ông đến không chỉ để thực hiện lời hứa với trẻ thơ. Ông còn đến để khơi dậy tình người, sự liên đới và lòng quảng đại trong con người. Ông đến để cho một tỷ người trên thế giới mà phần lớn là trẻ em mỗi buổi tối không phải đi ngủ với cái bụng còn đói. Ông đến để cho tất cả những ai đang đau khổ trong thể xác và tinh thần, bất luận ở nơi nào trên thế giới, vẫn cảm nhận được bàn tay chia sẻ, đỡ nâng và an ủi của người đồng loại.
Có như thế thì dù cho Lễ Giáng Sinh, vốn là một Ngày Lễ Tôn Giáo, có bị tục hóa hay thương mại hóa đến đâu, vẫn còn tỏa sáng được sứ điệp đích thực của nó: Thiên Chúa trở thành con người là để cho mỗi một người sinh ra trên cõi đời này được tôn trọng và yêu thương trong phẩm giá cao cả của mình.
Ông già Noel thân mến,
Nếu những điều ước trong mùa Giáng Sinh được thực hiện, tôi chỉ mong ước rằng, dù có thêm bao nhiêu năm nữa, ông vẫn không thay đổi, không già hơn và không đau yếu hay bịnh hoạn. Vì tôi sợ rằng người ta sẽ đem ông vào một viện dưỡng lão. Nơi đó chẳng khác chi nhà tù, ông không còn bay nhảy, chui ống khói hay leo trèo được nữa. Và tệ hơn, người ta còn có thể làm cho ông “chết êm dịu”. Thế giới này vẫn cần ông và cần ông hơn lúc nào khác. Còn ước mong là vẫn còn hy vọng. Còn hy vọng là còn tất cả.
Chúc ông già Noel một mùa Giáng Sinh vui vẻ và “an toàn trên đường lộ” trong mùa nghỉ lễ này. Nhớ đừng quá tốc độ và “say xỉn” vì cảnh sát sẽ không nương tay đâu, ông nhớ nha.
                                                           Giáng sinh 2009, Chu Thập


Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Cho cây rừng còn xanh lá


Chu Thập
Giáng Sinh 2014

Trong một khu rừng thông nọ, có một gia đình thông rất đặc biệt: Mẹ thông và con cái sống với nhau rất đầm ấm. Mẹ thông lúc nào cũng vươn cánh tay dài để ôm con cái vào lòng và che chở chúng cho khỏi nắng mưa đã đành mà còn để bảo vệ chúng khỏi bàn tay thô bạo của loài người vào mỗi dịp Giáng Sinh. Biết loài người thích đi tìm những cây thông non đẹp để chặt và đưa về nhà làm “cây thông Giáng Sinh” cho nên Mẹ thông luôn dặn dò con cái mình phải luôn biết sống khiêm tốn, đừng se sua làm đẹp mà khốn thân. Tất cả các Anh Chị thông đều nghe lời Mẹ thông để âm thầm sống bên Mẹ và nếu cần, biết xụ mặt xuống mỗi khi có người đi săn lùng những cây thông đẹp. Nhưng cây thông nhỏ nhứt là một cô bé xinh đẹp, nhí nhảnh và tò mò. Khi nghe Mẹ kể rằng loài người sẽ đem về chưng đèn kết hoa, cô bé cảm thấy háo hức và âm thầm tìm cách gây sự chú ý của loài người để được đem về thành phố. Một năm nọ, Cô Thông Út không chịu nghe lời “mẹ dặn” này đã lọt vào mắt xanh của đoàn người đi săn tìm cây thông Giáng Sinh. Cô thích quá vì biết sẽ được rước về đô thị để hưởng ánh sáng văn minh. Lưỡi cưa của đoàn người săn thông đã cắt gọn nguồn sống của cô. Người ta đóng vào thân Cô một cái chân đế để Cô có thể “đứng”.  Đau đớn vì bị cắt và phải lìa mẹ và các anh chị, nhưng nghĩ đến tương lai rực rỡ đang chờ phía trước, Cô vẫn cảm thấy phấn khởi và nôn nao. 
Mà đúng như dự đoán của Cô, Cô được đi qua nhiều phố phường rồi được chở về một căn biệt thự sang trọng. Người ta đặt Cô vào vị trí trung tâm phòng khách mênh mông, cài lên cành không biết bao nhiêu là hoa đèn. Còn dưới chân Cô thì ôi thôi, đủ thứ quà cáp được gói bằng những tấm giấy sặc s. Cô thấy mình cao sang hẳn ra. Đêm Giáng Sinh, cả gia đình tề tựu xung quanh Cô. Chưa bao giờ trong đời Cô cảm thấy hạnh phúc như thế. Cô nghĩ đến cuộc sống hiu quạnh và lam lũ của Mẹ và Anh Chị giữa khu rừng giá rét, cành lá bám đầy tuyết va cảm thấy hãnh diện. Suốt ngày Giáng Sinh, lũ trẻ con trong nhà lúc nào cũng xúm xít xung quanh Cô, như thể Cô là cái đinh của gia đình. Sang ngày “mở quà” (boxing day), niềm vui của Cô lại càng lớn hơn khi mọi người trong gia đình mở quà tặng cho nhau dưới ánh mắt của Cô, như thể Cô là người tặng quà cho họ. Cô cứ tưởng cuộc đời nhung lụa của Cô sẽ kéo dài vô tận. Nhưng việc gì sẽ đến phải đến: niềm vui đoàn tụ và chia sẻ của gia đình giàu có trong mùa Giáng Sinh chỉ kéo dài không quá một tuần lễ. Hoa đèn được giăng mắc trên người của Cô bị tháo gỡ một cách thô bạo làm Cô đau đớn, bầm dập. Cành lá xanh mướt một thời của Cô cũng bắt đầu héo tàn. Cô cảm thấy điều khủng khiếp nhứt đang xảy đến cho Cô: sau khi tháo gỡ hoa đèn và cho vào thùng, người ta không còn bưng cô một cách nâng niu nữa mà lôi xềnh xệt trên mặt tuyết rồi quăng vào một góc vườn. Cả mình cô trầy trụa tơi tả, nhựa sống gần như cạn kiệt, run rẩy trong cái góc vườn đầy rác rến, củi mục và chuột bọ. Tuyết tha hồ rơi trên mình cô và đọng thành từng tảng. Cô không còn sức để dũ tuyết. Nước mắt của Cô cũng đóng băng trên khuôn mặt bé bỏng của Cô. Cái đói lạnh và lẻ loi khiến cô càng nhớ đến Mẹ và các Anh Chị giờ này vẫn còn vi vu nơi rừng thông thân yêu. 
Khi nắng Xuân trở về, Cô Út xinh đẹp ngày nào giờ đây chỉ là một bộ xương khô gẫy nát. Gia chủ không muốn nhìn thấy một thứ xấu xí như vậy trong vườn nên quyết định hỏa táng Cô. Trong ngọn lửa, cô nhìn thấy tất cả mọi người đã từng vây quanh Cô, trầm trồ trước sắc đẹp của Cô, nhứt là lũ trẻ, reo hò khi thân Cô bị bùng cháy. Quằn quại trong ngọn lửa, Cô hết sức hối hận và khóc và khóc và khóc. Những giọt nước mắt khô.
Trên đây là nội dung của một câu chuyện về “Cây Thông Giáng Sinh” mà tôi đã nghe được từ một người đàn bà trung niên. Chị đã nghe kể chuyện này khi còn rất nhỏ. Không biết câu chuyện có phải là một phóng tác từ một câu chuyện về “cây thông Giáng Sinh” của nhà văn chuyên kể chuyện cổ tích của Đan Mạch là ông Hans Christian Anderson (1805-1875) không. Nhưng cả hai câu chuyện đều có lối kết “không có hậu” chút nào đối với con nít cả, bởi vì cả hai cây thông Giáng Sinh trong hai câu chuyện đều có chung một số phận là phải bị sát tế cho thần hỏa.
Người đàn bà kể cho tôi nghe câu chuyện trên đây cho biết mãi cho đến năm lên 12 tuổi, mỗi lần nghe câu chuyện này, chị đều khóc sướt mướt. Tôi cười thầm trong bụng. Đúng là đàn bà con gái nhiều nước mắt. Có lẽ tuyến lệ của tôi chưa bao giờ hoạt động đủ mạnh để tôi có thể sa nước mắt mỗi khi nghe một câu chuyện cổ tích cảm động như thế.
Tuy nhiên, gần đây, không biết có phải do “tuổi già” không, tôi lại “mủi lòng” mỗi khi nghĩ đến số phận của những cây thông Giáng Sinh. Cứ đến mùa Giáng Sinh, nơi một bãi đất trống gần chỗ tôi ở, người ta thường bày la liệt hàng trăm cây thông Giáng Sinh vừa được đốn từ một khu rừng nào đó. Giá mỗi cây không dưới 70 đô Úc. Nhìn những cây thông con bị chặt “ngọt” ở gốc, chất lên những xe “ute” rồi được trải ra trên đất cho người ta lựa, tôi cứ nghĩ đến ánh mắt ngơ ngác của những con bò, còn cừu khi bị lùa lên một hành lang gỗ để chuẩn bị xuống tàu đi đến một nơi xa lạ nào đó và đưa vào lò sát sinh.
Cũng như số phận của cây thông “chảnh” trong câu chuyện trên đây, tất cả những cây thông Giáng Sinh mà tôi nhìn thấy, sau những ngày vui của các gia đình, cũng sẽ bị mang ra hỏa thiêu để “hóa kiếp”. Nếu được may mắn tiếp tục làm cây thông và không bị đốn ngã ở tuổi thanh xuân để mua vui cho thiên hạ trong vài ngày, thì những cây thông đó sẽ sung sướng biết mấy khi “đứng giữa trời mà reo”.
Tôi thích ngắm thông giữa trời và nghe thông reo hơn là nhìn thông từ từ úa tàn trong mùa Giáng Sinh. Tìm hiểu nguồn gốc của cây thông Giáng Sinh, tôi mới biết rằng biểu tượng này có trước cả khi Chúa Giêsu sinh ra. Thời đế quốc La Mã, người ta đã biết trưng bày trong nhà những cành cây xanh vào mỗi dịp năm mới. Cư dân Bắc Âu cũng đã biết cắt những cây xanh, trồng vào những chậu gỗ và đặt trong nhà suốt mùa đông. Thoạt tiên, khi bắt đầu thâm nhập vào các nền văn hóa này, Kitô giáo dường như không muốn chấp nhận những biểu tượng ấy. Nhưng vào đầu Trung Cổ, khi truyền thuyết bắt đầu nhấn mạnh đến việc Chúa Giêsu chào đời vào mùa Đông, các tín hữu Kitô mới dần dần hiểu được biểu tượng của những cây xanh được đặt trong nhà: Chúa Giêsu chính là Sức Sống kỳ diệu khiến cho tất cả mọi cây cối đều dũ bỏ mọi lớp tuyết phủ trên mình để đâm chồi nẩy lộc. Kể từ đó, từ cành cây xanh của thời đế quốc Lã Mã, cây thông Giáng Sinh đã chào đời và trở thành biểu tượng của sự sống. Lễ Giáng Sinh đã trở thành lễ của sự sống.
Ngày nay, nhờ thương mại, cùng với những biểu tượng khác của Giáng Sinh, dù cho ý nghĩa tôn giáo của ngày lễ có bị chối bỏ, cây thông vẫn sẽ sống mãi trong nhà con người, nhưng ý nghĩa của sự sống thường bị lãng quên. Cây thông yểu mệnh đã không đủ sức để làm biểu tượng cho sự sống, mà trái lại chỉ nói lên thái độ miệt thị của con người đối với sự sống. Thật vậy, khi con người không biết tôn trọng sức sống của thiên nhiên thì đó cũng là lúc họ đối xử tàn bạo với sự sống nói chung và cách riêng của con người.
Ngày nay, kể từ khi thế giới đã nhận ra sự tàn phá của chính bàn tay con người đối với môi trường sống mà hiện tượng thời tiết thay đổi là một biểu hiện cụ thể, con người thời đại xem ra ngày càng ý thức hơn về sự tàn độc của mình đối với thiên nhiên. Không phải vô tình mà thành phố Lima, Peru đã được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về Thời tiết Thay đổi trong hai tuần lễ đầu của tháng 12 vừa qua. Châu Mỹ La Tinh vốn là lục địa mà vì phát triển kinh tế con người đã phá hủy sự cân bằng sinh thái hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Rừng già Amazone là một điển hình. Ba Tây ngày nay đã gia nhập vào câu lạc bộ 20 nước có nền kinh tế tiến nhanh và mạnh nhứt thế giới. Nhưng người ta đã phải trả một giá quá đắt cho sự phát triển kinh tế: theo ước tính, đến năm 2030, sẽ có đến 60 phần trăm diện tích của khu rừng già Amazone, buồng phổi của toàn Châu Mỹ La Tinh, sẽ bị phá hủy. Cùng với sự phá rừng bừa bãi, sự sống nguyên tuyền của không biết bao nhiêu bộ lạc thổ dân cũng bị đe dọa.
Con người thời đại tưởng có thể dùng sự phát triển kinh tế bằng mọi giá để phục vụ sự sống. Nhưng thực tế tại một số nước, như Trung Quốc chẳng hạn, đã chứng minh: chưa bao giờ thiên nhiên bị ngược đãi và sự sống con người bị đe dọa cho bằng thời đại này.
Sự sống của con người gắn liền với sự sống của thiên nhiên. Càng văn minh tiến bộ, con người càng ý thức về chân lý này. Ngược đãi thiên nhiên, tôi cũng miệt thị sự sống con người nói chung và cách riêng của chính cá nhân tôi.
Tôi đã bắt đầu ý thức về sự tương thuộc giữa thiên nhiên và sự sống con người kể từ khi, nói theo kiểu nói dân dã của người miền Trung của tôi, tôi “về vườn” và “lập vườn”, nghĩa là dồn hầu hết thời gian cho mảnh vườn sau nhà. Gieo trồng là một cuộc cưu mang và nuôi dưỡng. Hạt giống cũng chẳng khác nào một bào thai. Kể từ khi gieo hạt giống vào lòng đất, tôi đặt tất cả hy vọng và niềm vui vào đó. Tôi buồn khi nó không lớn lên như tôi mong đợi. Tôi muốn khóc khi thấy cây khế trong “quê hương bỏ túi” của tôi bỗng héo tàn rồi chuyển sang từ trần. Tôi đã vui biết chừng nào khi chứng kiến nó “lớn khôn” từng ngày và sinh hoa kết trái. Cây cối không chỉ biết “lớn”, chúng cũng “khôn” nữa. Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của cậu con trai nhà tôi khi đứng ngắm nhìn cây dưa leo đưa mấy cái vòi của nó ra để quấn lấy cái dàn: “Nó thông minh quá”! Thông minh như người hay khôn ranh như người thì tôi không biết chắc, nhưng cứ như nhà động-thực vật học (naturalist) kiêm  phóng viên David Attenborough của đài Truyền hình BBC trong loạt bài phóng sự “Life” (Sự Sống) thì quả thực không riêng gì động vật, mà thực vật cũng có “trí khôn”. Cây cỏ không những luôn biết thích nghi với môi trường sống, chúng cũng có đủ “mánh khóe” để thu hút các loài vật khác. Hoa biết phải mở ra đúng thời đúng lúc và phát ra một loại tín hiệu nào đó để kêu gọi ong bướm đến giúp thụ phấn.
Tuy sống ở Úc, nhưng tôi không bao giờ rước bất cứ một cây thông bị “chặt chân” nào để đưa về nhà làm cây thông Giáng Sinh. Một cây thông làm bằng nhựa hay giấy cũng không đủ sức để trở thành một biểu tượng của sự sống đối với tôi. Với tôi, ngôi vườn sau nhà là cả một rừng thông Giáng Sinh: tất cả mọi thứ cây ăn trái và rau quả trong vườn đều là biểu tượng của một sự sống luôn mời gọi tôi tôn trọng và trân quý như chính sự sống của tôi. Càng chăm sóc và yêu mến cây cối trong vườn, tôi càng thấy cái tâm của mình được an lạc. Với tôi, sứ điệp “Hòa bình” của Mùa Giáng Sinh sẽ chỉ là một từ ngữ trống rỗng, nếu tôi chưa thực thi hòa bình với chính các cây cỏ trong ngôi vườn nhỏ bé của tôi. Tôi không thuộc Đảng Xanh. Tôi cũng chưa bao giờ tranh đấu trong bất cứ phong trào bảo vệ môi sinh nào. Tôi chỉ biết rằng niềm an bình mà ngôi vườn nhỏ bé của tôi mang lại cho tôi, luôn thúc đẩy tôi bước thêm một bước để sống chung hòa bình với bất cứ người nào tôi gặp gỡ mỗi ngày. Thành ra, niềm mong ước của tôi trong mùa Giáng Sinh năm nay là luôn được nhìn thấy ngôi vườn của tôi và cây rừng xung quanh được mãi mãi còn xanh lá.







Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Đi Đâu Loanh Quanh…




Chu Thập
10.06.11

Thời cây cột đèn cũng muốn vượt biên, ai cũng mong mỏi được thày bói chiếu cố cho một câu: “Trong lòng bàn tay (cô hay cậu) có đường chỉ tay ‘xuất ngoại, du lịch’.” Tôi chưa bao giờ trao tay cho thày bói nhưng nhìn lại đời mình, tôi có thể khẳng định rằng tôi có đường chỉ chân “du lịch”.  Công việc của tôi thường có tính “định canh định cư” nhưng chân tôi lại khó mà chịu được cảnh bó rọ. Mỗi ngày ngồi vào bàn giấy, mải mê gõ lóc cóc từng con chữ thì thôi, nhưng khi phải dừng lại suy nghĩ, chợt nhìn vào đôi chân đang bị “xếp xó” ngăn nắp dưới gầm bàn là cảnh trời nước mây sông nước lại hiện lên trong đầu, thôi thúc tôi thu xếp làm một chuyến “dế mèn phiêu lưu ký” gì đó. Vì vậy, sống chết gì thì vài tháng nửa năm tôi cũng phải làm một chuyến ra khỏi nhà. Không cần biết đi đâu, miễn là ra khỏi nhà. Xa hay gần không thành vấn đề. Có tiền, có thì giờ thì đi xa, đi lâu. Không tiền không giờ thì lái xe một vài trăm cây số, kiếm một bãi biển vắng người vung vài đường câu, trú qua đêm nơi một nhà trọ không định trước cũng đủ để “sướng rêm mé đìu hiu”.
Đi chơi “nhỏ” hay nói cho xôm là du lịch bỏ túi thì tôi quyết định nhanh và không phải mất giờ chuẩn bị vì không phải làm gì ngoại trừ coi lại xăng nhớt cho con ngựa già, thảy lên xe ít mì gói nước uống, cần câu…là xong. Không cần “book” cái gì hết, cũng không cần phải bẩm báo cho ai hết.
Thế nhưng nếu làm một chuyến đi “lớn” có liên quan đến máy bay, khách sạn, tàu thuyền…thì câu chuyện có khác. Với thời đại ‘online’ này, tôi hơi bị trục trặc. Đời có khi thật tréo ngoe, cái dễ của người lại là cái khó của mình. Có nhiều thứ trong thời đại này đứa con nít cũng làm được thì “ông già” này lại lúng túng. Chốn nhà quê như tôi, dốt Internet là một thất bại mà không có Internet phải coi là một đại thất bại, chẳng khác gì ‘cóc ngồi đáy giếng’…đóng. Cái gì bây giờ cũng giao dịch “online” (trên mạng) mà tôi vẫn chỉ biết “to be in line” (xếp hàng). Bởi vậy, hễ tính chuyện “đại sự” thì tôi lại phải làm phiền xấp nhỏ cho mấy cái chuyện “online”. Phải công nhận là thấy tụi nó làm dễ ợt mà ham. Không đầy vài tiếng đồng hồ, cũng không cần chờ đến giờ hành chánh để giao dịch, email của tôi hiện lên đầy đủ mọi giấy tờ cần thiết. Tôi chỉ việc in ra, theo đó mà thi hành là có một chuyến đi vui vẻ.
Nhờ hoài mà không thử tập làm một mình tôi thấy cũng tự ái. Vả lại tôi coi có vẻ cũng…dễ ăn. Vì vậy, chuyến đi sắp tới tôi tuyên bố sẽ chuẩn bị mình ên. Muốn chắc ăn, tôi kêu một đứa ngồi bên cạnh trong khi mua vé máy bay trên mạng. Trót lọt! Thừa thắng xông lên, tôi tự mình đọc các quảng cáo phòng trọ nơi xứ lạ quê người rồi cũng bắt chước lần trước, điền vào những ô trống có sẵn, cung cấp chi tiết cá nhân, trả tiền đàng hoàng rồi nhấn “submit”. Xong xuôi cũng thấy hiện lên hai chữ “cám ơn”, tôi khoái chí mở mail ra chiêm ngưỡng thành tích thì…Chẳng hiểu sao đã đọc đi đọc lại mọi chi tiết mà cuối cùng cái ngày tôi điền vào hoàn toàn trật lất. Thế là lại phải cầu cứu. Chuyện ngắn biến thành chuyện dài. Sau lần đó, tụi nhỏ lên mặt, nói tôi chưa thể “độc lập” để giao dịch online, vẫn cần có người “kèm trẻ”.
Rồi thì mọi thứ cũng chuẩn bị xong (dưới sự giám sát) cho một chuyến đi. Tôi chỉ còn phải chuẩn bị thực phẩm cho gà vịt, dặn dò người hàng xóm bằng một cái list đầy đủ chi tiết những việc cần làm là có thể yên tâm đánh một giấc chờ trời sáng đáp xe lửa ra phi trường. Háo hức không ngủ được tôi ngẫm nghĩ: chuẩn bị đi chơi kiểu “tiền online” quả khác xa với “hậu online”. Tôi chưa quen với kiểu này nên cảm giác trồi sụt lung tung. Nhưng nếu chuẩn bị xong xuôi thì chuyến đi có vẻ trở nên dễ dàng, an toàn, không lệ thuộc người khác và nằm trong ngân quỹ hơn. Như mọi người, tôi thích có được những bất ngờ lý thú khi đi chơi bao nhiêu thì lại sợ cái cảnh ‘có biết đâu niềm vui đang nằm trong thiên tai’ bấy nhiêu. Thế nên, tôi thấy “chịu đèn” với những sắp xếp, chuẩn bị chu đáo mà các dịch vụ “online” mang lại. Dù chưa đủ bản lĩnh lăn vào chốn ta bà để chọn những thứ “tốt nhứt mà rẻ nhứt”, tôi thấy mình cũng bớt lạc hậu một chút. Nó cũng làm cho niềm háo hức sắp được đi chơi cố hữu trong tôi tăng thêm. Một chuyến du hành tới một không gian mới đang chờ đợi tôi.
Những ngày chờ đợi lên đường cũng háo hức và có khi còn vui hơn cả cuộc hành trình và điểm đến. Nhớ lại thời trung học, xa nhà, cứ mỗi lần đến kỳ thi nghỉ giữa khóa hay nghỉ hè là lên ruột. Vừa lo vừa háo hức. Nhứt là cái đêm chờ sáng để lên đường về nhà sau những tháng ngày xa cách. Vui đến nỗi không thể chợp mắt. Dường như sự chờ đợi cái đang đến làm cho chúng ta vui hơn là khi mình đã chiếm hữu được nó.
Mặc dù chân có đường chỉ du lịch, tôi biết mình chẳng bao giờ có thể đạt được thành tích của vị giáo hoàng quá cố Gioan Phaolo II: trong 25 năm làm thủ lãnh Giáo hội công giáo đã đi lại vòng quanh thế giới nhiều hơn bất cứ nhân vật lịch sử nào. Tôi cũng chẳng dám so sánh với đương kim bộ trưởng ngoại giao Úc Kevin Rudd: chưa đầy một năm đã thực hiện những chuyến công du mà tổng cộng chiều dài cũng đã bằng khoảng cách từ trái đất lên mặt trăng. Nhưng nếu so với mấy ông bạn chăn trâu giờ này vẫn còn là dân cày ở cái làng quê chó ăn đá gà ăn muối, thì quả thật tôi là một ông hoàng du lịch. Mấy ông bạn của tôi dường như quanh năm ngày tháng chỉ biết có mỗi một lộ trình: sáng ra ruộng tối về nhà trên một đoạn đường đất dài không quá một cây số. Cùng lắm thỉnh thoảng một vài người cũng làm một chuyến gọi là đi xa để thăm con cháu. Nhưng xa lắm cũng chỉ là Sài Gòn hay Hà nội là cùng. Kiến thức về con người, địa lý và lịch sử, có thể tôi hơn mấy ông bạn của tôi vì tôi đã đi được khá nhiều “ngày đàng”. Nhưng liệu có dám nói rằng tôi có nhiều “sàng khôn”, có cuộc sống hạnh phúc, thanh thản và bình an hơn mấy ông bạn của tôi không? Tôi tin rằng họ có được niềm vui mà tôi đã đánh mất: đó là niềm vui được sống cuộc sống thanh đạm, hưởng những thú vui nhàn tản, đơn sơ trước mắt như cảnh đồng ruộng bao la bát ngát quanh năm ngày tháng, được khề khà bên ly rượu đế với con cá lóc nướng trui, con chuột đồng thui, được ngồi lim dim thả cần câu bên con sông nước trong vắt hay đêm nằm nghe tiếng ếch nhái kêu. Chân đã đóng cái thứ phèn mà chẳng có nước nào có thể tẩy xóa, giọng nói quê mùa mà có cố gắng sửa cách mấy cũng để lòi cái đuôi “đồng chua nước mặn”, cho nên tôi không thể nào quên được những cái thú nhà quê ấy. Bây giờ, ở đâu và đi đâu, nhứt là khi tuổi già cứ sồng sộc đến, tôi lại càng thấy những kỷ niệm ấy trồi lên một cách mãnh liệt. Càng trân quý những kỷ niệm ấy, tôi lại càng thấy tiếc nuối những gì mình chưa kịp hưởng thì nó đã đi qua và chẳng bao giờ trở lại. Quả thật, “không ai tắm hai lần trong một dòng sông”. “Nước sông là thời gian, thời gian trôi đi không bao giờ lấy lại được nữa. Ví như nước sông dù có một lúc nào đó ngừng lại đợi ta trở về nhẩy xuống, thì ta trở về cũng không còn là ta thủa trước. Ta đã đổi thay rất nhiều rồi.” (Trần Mộng Tú, Ba Mươi Sáu Năm Sau, Việt luận 20/5/11)
Tưởng may mắn hơn người vì có đường chỉ du lịch trên bàn chân, thực ra tôi cũng chỉ là người đứng núi này trông núi nọ. Cái hiện tại và đang có, tôi không lo hưởng thụ cho ‘tới bến’ mà chỉ ngóng trông cái chưa đến và có khi không bao giờ đến.
Thời trung học, tôi thích câu ngạn ngữ Pháp “Un tiens vaut mieux que deux tu l’auras” (thà có một đồng trong tay còn hơn hai đồng chưa có). Bây giờ nhìn lại cuộc đời đã xanh rêu, tôi thấy mình đã đánh mất quá nhiều cái đang có để chạy theo những chiếc bóng.
Gần đây, tôi đọc lại cuốn “The Power of Now” (Sức mạnh của Hiện Tại) của ông Eckhart Tolle, người vừa được bầu chọn là một trong 20 nhà lãnh đạo tinh thần có thế giá nhứt hiện nay. Eckhart Tolle sinh năm 1948 tại Đức. Năm 13 tuổi, sau một tuổi thơ bất hạnh vì sự đổ vỡ gia đình, ông theo cha sang sống bên Tây ban nha. Khi 19 tuổi, ông sang Anh và sống bằng nghề dạy tiếng Đức và tiếng Tây ban nha tại một trường ngoại ngữ. Trầm uất, lo lắng và sợ hãi, ông bắt đầu đi tìm giải đáp cho chính cuộc sống của mình. Năm 22 tuổi, ông theo học tâm lý học và triết học tại đại học London. Năm 1977, ông tốt nghiệp tối ưu và được học bổng để nghiên cứu tại đại học Cambridge. Năm đó, ông đã 29 tuổi. Một buổi sáng nọ, sau một thời gian dài bị trầm uất đến độ muốn tự tử, ông nói rằng ông đã thức giấc và cảm nghiệm được một sự “biến đổi nội tâm”; ông không còn thấy bất mãn với quá khứ và cũng chẳng phải lo sợ trước tương lai. Trong mọi cảnh huống, ông cảm thấy bình an. Ông xin vào sống trong một tu viện Phật giáo. Để tưởng nhớ một bậc thày chuyên khuyên dạy con người sống giây phút hiện tại là Meister Eckhart, ông đã đổi tên thành Eckhart.
Sau cuộc giác ngộ ấy, Eckhart Tolle bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm của mình và làm cố vấn tâm lý cho nhiều người. Năm 1995, sau nhiều lần viếng thăm Canada, ông đã quyết định sang định cư tại nước này. Ông hiện đang sống với vợ tại Vancouver, Britisch Columbia.
Trong cuốn “The Power of Now” mà nhiều người xem như sách gối đầu giường, ông Eckhart Tolle khuyên: “Hãy nhận thức sâu xa rằng giây phút hiện tại là tất cả những gì bạn có. Hãy biến Cái Bây Giờ thành trọng tâm chú ý của đời bạn.”
Quả thật, chỉ có sống giây phút hiện tại một cách sung mãn con người mới có được sự bình an trong tâm hồn.Trong cuốn sách có tựa đề “Peace in Every Step” (an bình trong mỗi bước đi), tác giả Nhất Hạnh đã viết: “Mỗi buổi sáng, khi chúng ta thức dậy, chúng ta có hai mươi bốn giờ mới để sống. Thật là một món quà quý báu! Chúng ta có khả năng sống như thế nào để hai mươi bốn giờ này mang lại an bình, vui tươi và hạnh phúc cho chúng ta và cho người khác. An bình đang hiện diện ở đây và bây giờ, trong chúng ta và trong mọi sự chúng ta làm và thấy…Chúng ta không cần phải đi đâu xa để hưởng bầu trời trong xanh. Chúng ta không cần phải rời bỏ đô thị hay khu xóm của chúng ta để chiêm ngưỡng đôi mắt của một đứa bé xinh đẹp. Ngay cả không khí chúng ta hít thở cũng có thể mang lại cho chúng ta niềm vui.”
Theo đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, sự biến đổi nội tâm của mỗi cá nhân là điều khó thực hiện, nhưng đó là con đường duy nhứt để mang lại hòa bình cho thế giới. Ngài nói: “Bình an trước tiên phải có trong tâm hồn mỗi người. Và tôi tin rằng tình yêu, sự cảm thông và lòng vị tha là nền tảng cho hòa bình. Một khi những đức tính này được phát huy trong một cá nhân, thì người đó sẽ tạo được một bầu khí an bình và hài hòa. Bầu khí ấy sẽ tỏa lan từ cá nhân đến gia đình, từ gia đình đến cộng đồng và ngay cả đến toàn thế giới”.
Suy ngẫm về những lời khuyên của những bậc thày tinh thần trên đây, tôi thường tự nhủ: nếu như đã không tìm ra được một lối sống an bình và hạnh phúc thì “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Đâu cần phải đi đâu xa để tìm kiếm niềm vui, hạnh phúc và sự bình an, bởi lẽ nó nằm ngay trong ta, ngay trong giây phút này đây và ở ngay đây. Tôi đã từng nhìn thấy những người sánh vai nhau đi du lịch nhưng cuối cùng chỉ dành thì giờ cho những cắn đắng, gây gỗ, bất hòa.
Nhớ lại chuyến đi Cruise từ Sydney đến New Caledonia. Đây là chuyến “du hí” xa nhứt của tôi kể từ khi được làm công dân Úc. Du khách trên chuyến tàu dường như không đợi đến lúc đặt chân lên đảo mới “vui chơi”. Với đủ mọi thứ sinh hoạt, vừa bước xuống tàu thì cuộc vui đã bắt đầu ngay từ sáng đến tối cho đến lúc trở về Úc. Tôi nhìn lại hải trình ấy như hình ảnh của chính hành trình cuộc sống, xuyên qua đó, niềm vui đến mỗi ngày và trong từng phút giây chứ không đợi đến lúc về đến bến bờ.
  




   

Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Tội nghiệp Ông Già Noel Úc!



Chu Thập,
Noel 2014



Mỗi dạo Giáng Sinh về, tôi lại thấy tội nghiệp cho Ông Già Noel ở Úc. Với cái nóng rực lửa của mùa hè Úc, khoác vào người bộ y phục “bắc âu” để kiên nhẫn đứng chụp hình với trẻ con trong các siêu thị hoặc chỉ làm những cử chỉ cao đẹp để mang lại niềm vui cho người khác, vậy mà tấm lòng từ tâm ấy vẫn bị nghi ngờ. Không biết rồi đây, kỷ niệm đẹp đối với trẻ con là được ngồi trong vòng tay Ông Già Noel có còn là một hình ảnh đặc trưng của mùa Giáng Sinh nữa không, bởi lẽ những người quan tâm đến việc bảo vệ trẻ em cảnh cáo các bậc phụ huynh không nên để con em được ngồi trên “đùi” của Ông Già Noel để chụp hình nữa.
Tôi mới đọc được lời cảnh cáo trên đây trên báo “The Herald Sun” số ra ngày 7 tháng 12 vừa qua. Theo bản tin, một người tích cực hoạt động trong phong trào bảo vệ trẻ em (child protection) là bà Hetty Johnton đã phản ảnh quan ngại và yêu cầu của một số bậc phụ huynh tại tiểu bang Queensland là cần phải chấm dứt việc để cho trẻ con ngồi trong lòng Ông Già Noel để chụp hình trong các siêu thị. Bà Johnston nói rằng các chủ siêu thị cần phải cập nhựt các chính sách về việc bảo vệ trẻ em. Theo bà, ngoại trừ cha mẹ hoặc chính đứa trẻ yêu cầu được ngồi trên “đùi” của Ông Già Noel khi chụp hình, trẻ em chỉ nên đứng bên cạnh ông mà thôi. Bà Johnston nói rằng các trung tâm thương mại có nghĩa vụ phải quan tâm đến việc bảo vệ trẻ em trong khu vực được đặt dưới trách nhiệm của mình.
Việc để cho trẻ con được ngồi trên đùi của Ông Già Noel để chụp hình hiện đang gây ra nhiều tranh cãi tại tiểu bang Queensland. Nhiều bà mẹ ủng hộ lập trường của bà Johnston. Bà Johnston nói rằng các bậc phụ huynh cần phải dạy cho con em biết từ chối ngồi trên đùi của Ông Già Noel nếu chúng cảm thấy không được  an toàn. Bà Johnston lập luận rằng nếu ngay cả với những người thân trong gia đình mà trẻ con cũng có quyền từ chối ngồi trên đùi họ thì huống hồ là một người xa lạ mặc trang phục Ông Già Noel trong các siêu thị.
Ai cũng biết rằng lời cảnh cáo trên đây được đặt trong bối cảnh của không biết bao nhiêu tai tiếng về lạm dụng tình dục đối với trẻ em đã từng xảy ra trong các tổ chức tôn giáo, từ thiện và giáo dục tại Úc Đại Lợi trong nhiều thập niên vừa qua. Những Ông Già Noel mà người ta thường thấy xuất hiện trong các siêu thị trong mùa Giáng Sinh để “làm phông” chụp hình kỷ niệm cho trẻ con, dĩ nhiên không thuộc tổ chức tôn giáo hay giáo dục nào cả. Dù vậy họ cũng đã được huấn luyện hẳn hoi để chỉ đứng làm cảnh chụp hình cho trẻ con. Ông Mark Overell, người đã từng làm Ông Già Noel trong 24 năm để làm phông chụp hình cho trẻ con vào mỗi dịp Giáng Sinh,  hiện đang là một “huấn luyện viên” chuyên đào tạo các Ông Già Noel. Ông Overell cho biết tổ chức “Promoworks” của ông cung cấp hàng trăm Ông Già Noel cho các trung tâm thương mại trên toàn tiểu bang Queensland. Ông khẳng định rằng tất cả những ai nộp đơn xin làm Ông Già Noel để làm phông chụp hình cho trẻ con trong các siêu thị, đều phải qua một cuộc thanh lọc lý lịch rất kỹ. Họ được huấn luyện để tất cả mọi cử chỉ đều diễn ra đúng bài bản hầu tránh mọi hành vi  “sàm sỡ” hay đáng nghi ngờ đối với trẻ con: hai bàn tay phải đeo găng trắng và chỉ được phép đặt trên vai của đứa trẻ hoặc ôm nó vào lòng, chứ không được “lang thang” vào những nơi khác trên cơ thể đứa trẻ.
Tôi thấy tội nghiệp Ông Già Noel. Là người mang niềm vui đến cho người khác, nhứt là trẻ con, ông hiện đang là người bị theo dõi (person of interest). Nhưng thương nhứt là trẻ con. Rồi đây, với nhiều em, Ông Già Noel sẽ không còn là biểu tượng của sự tử tế, lòng quảng đại nữa, mà là kẻ đang bị tình nghi cần phải đề phòng.  Các em là nạn nhân của điều mà mà nhà bình luận xã hội David Chalke gọi là “triệu chứng của sự canh phòng quá độ” để, nếu không như mấy ông cộng sản Việt Nam nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, thì con người thời đại nhìn đâu cũng thấy nguy hiểm. Tội nghiệp cho trẻ con của thời đại: thay cho ánh mắt đơn sơ trong trắng, hồn nhiên và sự chân thành, chúng phải  lớn lên trong sự  ngờ vực và nghi kỵ đối với mọi người.
Xét cho cùng, thế giới ngày nay đang hưởng được mọi tiện nghi vật chất, nhưng lại không còn là một nơi an toàn để sống hay đúng hơn, một thế giới trong đó con người không còn cảm thấy an toàn nữa. Kể từ sau cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại Hoa Kỳ, tuy không dám công khai nói ra, nhưng cứ lên máy bay mà thấy bóng dáng một người Trung Đông thì ai cũng bắt đầu run. Đây là thái độ mà có lẽ danh hài Anh Sacha Baron Cohen đã muốn chế diễu trong cuốn phim “The Dictator” (nhà độc tài) được trình chiếu hồi năm 2012. Kể từ khi nổ ra vụ tai tiếng về xách nhiễu tình dục trong các tổ chức tôn giáo, từ thiện  và giáo dục, nhiều người có lẽ cũng có cái nhìn đầy nghi kỵ như thế đối với những người hoạt động trong các lãnh vực này.
Thật ra, không riêng đối với những người đang hoạt động trong một số lãnh vực vốn bị nghi ngờ là môi trường hoạt động của những kẻ ấu dâm, dường như người ta cũng nghi ngờ về những cử chỉ thân thiện, bình thường của người khác đối với trẻ con. Có lẽ nhà văn Jessica Rudd, ái nữ của cựu thủ tướng Kevin Rudd, đã muốn nói lên mối nghi ngờ ấy của mình  khi cô kể lại kinh nghiệm trên một chuyến bay từ Hong Kong đi Bắc Kinh. Trong một bài viết được đăng trên báo “The Brisbane Times”, cô Jessica Rudd cho biết cô và đứa con gái nhỏ của cô (sinh năm 2012) ngồi bên cạnh một người đàn ông Pháp. Cũng như mọi đứa trẻ khác, đứa bé cháu ngoại “tàu lai” của cựu Thủ tướng Rudd, vốn chỉ cao chưa tới một thước, cũng cảm thấy rất thoải mái với người xung quanh. Người hành khách ngồi bên cạnh cô Jessica Rudd và đứa con gái nhỏ của cô trong chuyến bay từ Hong Kong đi Bắc Kinh hôm đó là một người đàn ông Pháp, lịch sự và theo lời cô, “kiên nhẫn như thánh Phanxicô de Sales” (sic). Mặc cho cô gái nhỏ, khi ngủ nghê có giơ chân đạp tứ tung, người đàn ông Pháp vẫn mỉm cười, chịu đựng. Đến một lúc, một cách rất tự nhiên như một người cha đầy ưu ái, ông lấy hai chân của cô bé đặt lên đùi của mình, lấy tấm chăn của mình phủ lên đôi chân của nó, rồi bắt đầu vỗ về để ru nó ngủ. Nhưng như mọi người mẹ của thời đại mà ánh mắt vốn không còn đủ trong trắng và tin tưởng khi nhìn vào cử chỉ của một người đàn ông mà mình không thể hiểu được “chủ tâm”, người mẹ trẻ đã kéo đứa con gái lại và đặt nó lên đùi của mình. Người đàn ông Pháp nhún vai, với đôi chút ngỡ ngàng hoặc ngay cả cảm thấy bị xúc phạm.
Có lẽ như một lời xin lỗi với người hành khách ngồi bên cạnh trên chuyến bay, nhà văn Jessica Rudd viết trên báo “Brisbane Times” rằng cô chưa từng thấy một người nào tử tế hơn mà cô được hân hạnh ngồi bên cạnh. Cô cũng gởi lời cám ơn đến bất cứ người lạ mặt tử tế nào đã từng giúp đỡ cô khi lâm vào một hoàn cảnh khó xử. Và lời nhắn gởi cuối cùng của cô là: “Thật là nhục nhã cho thiểu số những con “quái vật” (những kẻ ấu dâm) đã phá hủy mọi sự” (x. Jessica Rudd: babies bring kindness amid fear of monsters, Brisbane Times 8/12/2014). Dĩ nhiên, điều bị tàn phá nặng nề nhứt chính là lòng tin của con người đối với người khác. Thật ra, đâu cần thiểu số những “con sâu làm rầu nồi canh” của những kẻ ấu dâm. Ngày nay, ngay cả các chính trị gia “nói láo như vẹm” cũng làm cho lòng tin của người dân bị xói mòn đi không ít.
Đọc lời cảnh cáo của bà Johnston về việc nên chấm dứt để cho trẻ con được ngồi chụp hình trên đùi của Ông Già Noel và nghe tâm sự của nhà văn Jessica Rudd, tôi cảm thấy như bầu khí Giáng Sinh năm nay bị vẩn đục đi phần nào vì thái độ thiếu tin tưởng của con người đối với con người.
Không riêng đối với những “con quái vật” ấu dâm chuyên  săn đuổi và làm chuyện đồi bại với trẻ con, con người cũng dễ có cái nhìn thiếu tin tưởng và đầy nghi ngờ đối với tất cả những ai có dáng vẻ khác thường hoặc không giống mình. Theo một câu chuyện “làng nọ có một bãi biển rất xinh đẹp. Mỗi buổi chiều, lũ trẻ trong làng đều kéo nhau ra đó chơi đùa. Thế nhưng, chiều nào cũng có một người người đàn bà ăn mặc rách rưới đi tới lui trên bờ biển và thỉnh thoảng cúi xuống nhặt vật gì đó trong cát. Mỗi lần đi ngang qua lũ trẻ, bà lại mỉm cười với các em. Vì trông người phụ nữ đó rất dơ bẩn nên bố mẹ các em bảo con mình nên tránh xa bà.”
Thật ra, theo người biết rõ “hành tung” và “ý đồ” của người phụ nữ ăn mặc rách rưới và đáng nghi ngờ trên đây, những vật mà mỗi buổi chiều người đàn bà đi bách bộ trên bãi biển cúi xuống nhặt lên chính là những miếng vụn thủy tinh sắc nhọn. Bà làm như thế là để tránh cho lũ trẻ không bị thương tích khi chơi đùa trên bãi biển (theo Francis Xavier, Những Bài học Vô giá từ những điều Bình dị, nhà xuất bản tổng hợp TP.Hồ Chí Minh).
Những ông bố bà mẹ của lũ trẻ chơi đùa trên bãi biển trên đây hẳn phải cảm thấy “hổ thẹn” khi biết được thiện tâm và thiện chí của người đàn bà ăn mặc chẳng giống ai này. Tôi cũng đã có lần cảm thấy “hổ thẹn” như thế vì thái độ nghi ngờ của mình đối với một người vô gia cư mà tôi gặp trên bãi câu. Hôm đó tôi ra bãi câu sớm hơn thượng lệ. Mặt trời chưa lên. Khi tôi đang chuẩn bị đồ nghề, thì từ trong khu nhà vệ sinh bên cạnh bờ sông, một bóng đen mà ánh sáng lờ mờ vừa đủ để tôi nhận ra bộ râu và áo quần dơ bẩn, xuất hiện và tiến về phía tôi. Tôi chuẩn bị tư thế để nếu có “sự cố” xảy ra thì “đào vi thượng sách”. Nhưng trái với dự phòng của tôi, người đàn ông vô gia cư niềm nở chào hỏi và rối rít giúp đỡ tôi chuẩn bị đồ câu. Câu chuyện lại nổ lên như bắp rang. Tôi thực sự cảm thấy “hổ thẹn” vì thái độ nghi kỵ và thiếu tin tưởng của mình. Từ đó, tôi thường ngẫm nghĩ: nhân cách của mình sẽ bị xói mòn nếu mình tự giam hãm trong thái độ thiếu tin tưởng đối với người xung quanh. Câu chuyện của một người nước Tề  nằm mơ thấy có kẻ thù tấn công mình, cho nên ngày nào cũng ra đường để rình cho được kẻ thù, nhưng tìm không ra, về nhà uất người lên mà chết...dường như muốn nhắc nhở tôi điều đó. Diễn giả hùng biện nhứt của đế quốc La Mã là Marcus Tullius Cicero (106-43 trước Công Nguyên) đã có lý để bảo rằng “kẻ thù khủng khiếp nhứt của con người là chính mình”. Và một trong những nghịch lý lớn nhứt trong cuộc sống là: con người  trở thành kẻ thù của chính mình khi bắt đầu để cho sự nghi kỵ và nhứt là hận thù lớn lên trong tâm hồn mình.
Có lẽ đây cũng là bài học mà hình ảnh của trẻ thơ và Ông Già Noel gợi lên cho tôi. Với tôi, Mùa Giáng Sinh sẽ vô nghĩa và cái tâm của tôi không thể có được an bình cũng như tư cách của tôi sẽ bị thui chột thêm nếu tôi vẫn tiếp tục nuôi dưỡng sự đố kỵ, hận thù và nhứt là thái độ thiếu cảm thông đối với người khác.