Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

Yemen: đường đi xuống hỏa ngục!


28/09/18
Như tựa đề của một bài viết trên báo Le Monde Diplomatique trong một số ra gần đây, Yemen đang đi xuống hỏa ngục (Yemen’s descent to Hell). Kể từ khi bùng nổ cuộc nội chiến tại Yemen hồi tháng Ba năm 2015 đến nay, tên của quốc gia nghèo nàn lạc hậu tại Trung Đông này thường gợi lên hình ảnh của những đứa trẻ bị dội bom chết, của nạn đói, của dịch tả và vô số những dịch bệnh khác. Kể từ khi tTổng thống Donald Trump ủng hộ liên minh do Vương quốc Á rập Saudi lãnh đạo để mở những cuộc không kích nhắm vào phe nổi loạn do Bộ lạc Houthi được Iran yểm trợ cầm đầu, cuộc nội chiến ngày càng trở nên phức tạp hơn và tình hình Yemen ngày càng tồi tệ hơn. Trong khi đó, điều đáng lo ngại hơn là tổ chức khủng bố al-Qaeda tiếp tục bành trướng bên trong lãnh thổ Yemen.
Trong 3 năm vừa qua, những cuộc không kích do Á rập Saudi lãnh đạo và dĩ nhiên được sự yểm trợ của Hoa Kỳ, đã sử dụng đủ mọi thứ vũ khí từ bom “tinh khôn” đến hỏa tiễn để tấn công các lực lượng Houthi, nhưng trong thực tế nạn nhân hầu hết là thường dân, nhất là trẻ em.
Ngày 7 tháng Tám 2018 vừa qua, một cuộc dội bom đã đánh trúng vào một chiếc xe buýt chở học sinh đi học tại miền Bắc Yemen. Đây là loại bom được điều khiển bằng tia Laser do hãng Lockheed Martin của Hoa Kỳ chế tạo. Trong vụ dội bom có tất cả 51 người bị thiệt mạng trong số này có 40 em học sinh. 79 người khác bị thương, trong đó có 56 em học sinh. Liền sau đó, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã bổ nhiệm một toán chuyên gia đến điều tra sự việc. Trong một bản phúc trình, toán chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cho biết có nhiều vụ không kích khác nhắm vào các thường dân Yemen, kể cả những người đang tham dự đám cưới và đám tang. Cuộc dội bom tệ hại nhất đã xảy ra tại Thủ đô Sana’a dạo tháng Tư vừa qua làm cho 137 người chết và 695 người khác bị thương khi họ đang tham dự một đám tang.
Cuộc không kích nhắm vào các em học sinh và bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc khiến cho cả thế giới đều phẫn nộ trước hành động tàn sát vô tội vạ tại Yemen. Trước lời tố cáo này, ngày 28 tháng Tám vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, ông James Mattis khẳng định rằng chính phủ của Tổng thống Trump yểm trợ các quốc gia trong vùng Vịnh để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Yemen. Nhưng ông cũng nói rằng Á rập Saudi và các đồng minh của nước này cần phải làm “mọi sự một cách nhân đạo hết sức có thể để tranh bất cứ sự tổn thất nhân mạng nào”.
Trước sự yểm trợ hầu như vô điều kiện của Tổng thống Trump đối với Á rập Saudi và sự thinh lặng của Hoa Thịnh Đốn trước những vụ không kích vô tội vạ của liên minh do Á rập Saudi cầm đầu, người dân Yemen có lẽ chỉ biết lắc đầu thất vọng.
Những con số chính thức về thiệt hại nhân mạng kể từ năm 2015 đến nay là điều không thể phủ nhận được. Các cuộc oanh tạc do Á rập Saudi và các quốc gia vùng Vịnh thực hiện đã sát hại 6.475 thường dân và gây thương tích cho trên 10.000 người. Mục tiêu của những cuộc không kích thường là nông trại, nhà cửa, chợ búc, bệnh viện, trường học, đền thờ cũng như những di tích lịch sử tại Thủ đô Sana’a. Và những cuộc dội bom như thế không chỉ diễn ra cách quãng, mà liên tục.
Tính đến tháng Tư năm 2018, liên minh do Á rập Saudi lãnh đạo đã thực hiện tất cả 17.243 cuộc không kích trên toàn lãnh thổ Yemen. Đã có tất cả 386 nông trại, 212 trường học, 183 ngôi chợ và 44 đền thờ bị oanh kích. Những con số thống kê này khiến cho thế giới phải cười nhạo trước những lời biện minh của Á rập Saudi và đồng minh của nước này. Họ nói rằng đây chỉ là những “sai lầm có thể hiểu được” và họ đã luôn luôn đề phòng để bảo vệ những người vô tội. Được một tổ chức độc lập có tên là “Dự án Dữ kiện về Yemen” (Yemen Data Project) thu thập, những con số thống kê trên đây cho thấy điều được gọi là “những sai lầm có thể hiểu được” là một hành động không thể tha thứ được.
Á rập Saudi, một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ, nhất là dưới thời Tổng thống Trump và các nước đồng minh của vương quốc này, luôn tố cáo phe nổi loạn Houthi là những người đang tấn công vào các thường dân Yemen. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng nhìn nhận điều này. Tuy nhiên nếu so sánh sức mạnh quân sự của quân nổi dậy Houthi và lực lượng của Á rập Saudi và đồng minh, thì tội ác của quân Houthi không thấm thía vào đâu so với những thiệt hại về nhân mạng do các cuộc không kích của Á rập Saudi và đồng minh gây ra.
Ngoài những cuộc không kích, Á rập Saudi và các đồng minh của vương quốc này cũng tạo ra một cuộc khủng khoảng nhân đạo chưa từng thấy tại Yemen. Kể từ năm 2014 đến năm 2017, lệnh phong tỏa Hải cảng Hodeida do Á rập Saudi và Vương quốc Á rập Thống nhất áp đặt đã khiến cho thực phẩm và thuốc men ngày càng khan hiếm. Điều này làm cho người dân Yemen vốn đã nghèo nàn đói khổ lại càng khốn khổ hơn.
Là quốc gia nghèo nhất trong khối Á rập, từ lâu nay Yemen phải nhập cảng đến 85 phần trăm lương thực, xăng dầu và thuốc men. Do đó khi mọi thứ đều khan hiếm thì giá cả cũng tăng khiến cho dân chúng phải lâm vào tình trạng thiếu dinh dưỡng và đói khát. Gần 18 triệu người Yemen, tức 80 phần trăm dân số Yemen hiện đang lệ thuộc vào thực phẩm cứu trợ để sống còn. Theo Ngân hàng Thế giới, “hơn 8.4 triệu người có nguy cơ chết đói”.
Cuộc phong tỏa do Á rập Saudi và các nước đồng minh áp đặt cũng góp phần tạo ra dịch tả tại Yemen. Lý do thật dễ hiểu: không đủ thuốc men để chận đứng dịch bệnh. Theo một bản phúc trình của Tổ chức Y tế Thế giới, từ giữa tháng Tư năm 2017 đến tháng Bảy năm 2018, đã có hơn 1.1 triệu trường hợp bị dịch tả được ghi nhận. Ít nhất có 2.310 cái chết vì dịch tả, phần lớn là trẻ con. Kể từ khi thống kê về dịch tả được thiết lập vào năm 1949, đây là trận dịch tả tệ hại nhất trên thế giới. Từ giữa năm 2010 đến năm 2017, tại một nước nghèo khác là Haiti, đã có 800.000 trường hợp bị dịch tả được ghi nhận. Người ta tưởng đây là con số cao nhất trong lịch sử. Nay chỉ trong nửa năm, Yemen đã qua mặt Haiti về con số người bị dịch tả. Nguyên nhân chính khiến dịch tả lây lan chính là nguồn nước uống bị nhiễm độc bởi rác rưởi, vốn không thể thu dọn vì chiến tranh, kế đó là hệ thống cống rãnh bị tàn phá và các nhà máy lọc nước bị bắt buộc phải ngưng hoạt động vì thiếu nhiên liệu. Đây là kết quả của những cuộc dội bom do Á rập Saudi và các nước đồng minh của vương quốc này thực hiện.
Theo những tiêu chuẩn của công pháp quốc tế về nhân đạo, phong tỏa Yemen để gọi là chận đứng việc Iran cung cấp vũ khí cho phe nổi loạn Houthi hoặc để gọi là tự vệ...và tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng thấy tại Yemen là một hành động không thể biện minh được. Hoa Kỳ vẫn tiếp tục bảo vệ lập trường ấy bằng cách yểm trợ cho những cuộc không kích do Á rập Saudi và các nước đồng minh của vương quốc này thực hiện. Ngoài ra,  bom chùm mà Hoa Kỳ cung cấp cho Á rập Saudi và các nước đồng minh của vương quốc này để truy kích các lực lượng Houthi xem ra cũng là một hành động khó biện minh được. Loại bom này đã bị 120 nước trên thế giới lên án trong một thỏa ước được ký kết hồi năm 2008. Dạo tháng Năm năm 2016, dưới thời Tổng thống Barack Obama, Hoa Kỳ đã tuyên bố chấm dứt việc cung cấp loại bom này cho Á rập Saudi. Quyết định này đã bị Tổng thống Donald Trump đảo ngược. Cuộc nội chiến tại Yemen ngày càng khốc liệt và nạn nhân chính không ai khác hơn là thường dân, nhất là trẻ con.
Tình trạng thê thảm hiện nay của Yemen đã bắt đầu từ Mùa Xuân Á Rập năm 2011. Người dân Yemen đã xuống đường chống lại nhà độc tài Ali Abdullaj Saleh. Trước sức mạnh của quần chúng, Saleh đã cầu cứu Á rập Saudi và Hoa Kỳ để chống lại lực lượng nổi dậy của bộ lạc Houthi được Iran hậu thuẫn. Theo Hồi giáo thuộc hệ phái Zaydi, vốn rất gần gũi với hệ phái Shiite, người Houthi đã lập ra một phong trào chính trị lấy tên là Ansar Allah để gọi là bảo vệ quyền lợi của họ chống lại Sunni vốn là hệ phái của đa số dân Yemen.
Để có được sự yểm trợ của Hoa Kỳ và Á rập Saudi, Saleh đã gọi người Houthi là công cụ của Iran vốn là kẻ tù chung của Hoa Kỳ và Á rập Saudi. Mối thù chung này đã khiến cho quan hệ giữa Hoa Kỳ và Á rập Saudi ngày càng gắn bó hơn, nhất là dưới thời Tổng thống Trump. Mối thâm tình giữa người con rể của Tổng thống Trump là ông Jared Kushner và thái tử kế vị của Á rập Saudi là ông Mohammed bin Salman càng làm cho quan hệ giữa hai nước thêm bền chặt hơn. Thật ra, quan hệ thắm thiết giữa Hoa Kỳ và Á rập đã có ngay dưới thời các vị tiền nhiệm của Tổng thống Trump. Mặc dù lên án hành động tàn sát dân lành của nhà độc tài Bashar al-Assad của Syria, chính phủ của Tổng thống Barack Obama lại tỏ ra dửng dưng trước bao khổ đau của người dân Yemen vì những cuộc không kích do Á rập Saudi và các nước đồng minh thực hiện. Cho tới tháng Tám năm 2016, Chính phủ Obama vẫn còn cung cấp cho Á rập Saudi một số lượng vũ khí trị giá đến 115 tỷ Mỹ kim.
Nhưng cho tới nay, Hoa Kỳ vẫn chưa đạt được những mục tiêu đề ra tại Yemen: các tổ chức khủng bố vẫn còn đó và Iran vẫn tiếp tục yểm trợ cho người Houthi. Những cuộc ném bom bằng máy bay không người lái do Hoa Kỳ thực hiện chỉ trở thành một cái cớ để tổ chức Khủng bố al-Qaeda rêu rao rằng cuộc chiến chống khủng bố của Hoa Kỳ trong thực chất chỉ là một cuộc chiến chống người Hồi giáo. Chính vì vậy mà cuộc chiến tại Yemen càng khốc liệt, tổ chức khủng bố này xem ra lại càng bành trướng nhờ sự hỗn loạn mà chiến tranh đã tạo ra.  Sự can thiệp của Á rập Saudi vào Yemen, ngoài cuộc khủng hoảng nhân đạo tại nước này, lại ngày càng làm cho liên minh Houthi và Iran thêm khắng khít hơn. Ngoài ra, những cuộc không kích của Á rập Saudi và các nước đồng minh của nước này cũng như các vụ dội bom bằng máy bay không người lái của Hoa kỳ ngày càng khiến cho nhiều người Yemen, vì phẫn uất trước cảnh nhà tan cửa nát, ruộng vườn bị phá hủy và nhất là cái chết tất tưởi của người thân, ngày càng ngả theo tổ chức Khủng bố al-Qaeda.
Cuộc chiến chống khủng bố như Hoa Kỳ, Á rập Saudi và các đồng minh của nước này vẫn rêu rao, rốt cục, như báo Le Monde Diplomatique đã nhận định, đã biến thành một “cuộc chiến của và cho khủng bố” (a war of and for terror).

(theo: Yemen’s descent to hell, https://mondediplo.com/openpage/yemen-hell)

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

Trong Thiên Đàng, ai cũng đều nói sự thật



Chu Thập

Mấy ngày vừa qua, ngày nào tin tức cũng nói đến bão Florence ở Mỹ và bão Mangkhut ở Phi Luật Tân. Bão lụt gây chết chóc là điều khó tránh khỏi. Tại một nước nghèo như  Phi Luật Tân, con số thiệt hại cao về nhân mạng trong các trận bão lớn là chuyện thường tình. Bão Haiyan xảy ra hồi năm 2013 chẳng hạn đã làm cho ít nhứt 6.300 người Phi thiệt mạng. Nhưng giàu có như bên Mỹ, số người chết vì bão lụt có khi cũng rất cao. Trận bão Katrina tại New Orleans, Tiểu bang Louisiana hồi năm 2005 đã cướp đi mạng sống của ít nhứt 1.245 người. Riêng tại Porto Rico, lãnh thổ của Hoa Kỳ trong vùng Vịnh Caribe, trận bão Maria hồi năm ngoái đã sát hại trên dưới  3.000 người.
Bão Maria đã để lại một chấn thương khó lành trong lòng người dân Porto Rico đã đành mà, theo ví von của nhiều cơ quan truyền thông Mỹ, cũng đã biến thành một cơn bão táp do chính Tổng thống Donald Trump tự gây ra cho mình.
Dạo tháng Năm vừa qua, Trường  Y tế Công cộng TH Chan School of Public Health thuộc Đại học Harvard đã cho công bố một bản phúc trình theo đó có đến 4.600 người Porto Rico bị thiệt mạng do bão Maria. Đại học George Washington cũng đã mở cuộc điều tra và kết quả được công bố cho thấy con số người chết vì bão Maria được ước tính từ 2.658 đến 3.290 người.
Tuy nhiên, trong một “tuýt” được bắn đi hôm 13 tháng Chín vừa qua, Tổng thống Trump phủ nhận con số thiệt hại nhân mạng nói trên. Theo ông, con số này là do Đảng Dân Chủ thổi phồng và bịa ra ra để “bêu xấu” ông vì đã không điều hành được một cuộc cứu trợ hữu hiệu.
Sự phủ nhận của Tổng thống Trump về con số người chết do bão Maria gây ra đã làm dấy lên sự phẫn nộ từ nhiều phía. Đương kim Chủ tịch Hạ viện do Đảng Cộng Hòa kiểm soát, dân biểu Paul Ryan tuyên bố: “Tôi không có lý do nào để tranh cãi về con số. Đây chỉ là những sự kiện xảy ra khi một trận bão dữ dội tàn phá một hòn đảo lẻ loi”.
Tại Tiểu bang Florida, nơi có một cộng đồng Porto Rico quan trọng, đương kim thống đốc tiểu bang là ông Rick Scott, thuộc Đảng Cộng Hòa, đã lên tiếng xác nhận con số tử vong trong trận bão Maria tại Porto Rico. Ông nói: “Tôi không đồng ý với tổng thống. Một cuộc điều tra độc lập cho biết có hàng ngàn người chết và Thống đốc Rossello (lãnh thổ Porto Rico) đã đồng ý (về con số này).” Một số dân cử Cộng hòa tại Florida, ngay cả những ứng cử viên “gà nhà”  được Tổng thống Trump ủng hộ, cũng lên tiếng bác bỏ sự phủ nhận của ông.
Gay gắt nhứt có lẽ là phản ứng của bà Carmen Yulin Cruz, Thị trưởng San Juan, Porto Rico. Bà gọi Tổng thống Trump là một người “ảo tưởng, bệnh hoạn, tâm lý bất ổn không có chút ý thức nào về thực tế”. Trong nhiều “tuýt” được gởi đi để đáp trả lại sự phủ nhận của Tổng thống Trump về con số người chết, bà Cruz nói thẳng với ông: “Trong thế giới thực, người ta đang chết trước mắt ông đó! Ông có thể tìm cách bắt nạt chúng tôi bằng những “tuýt” của ông. Nhưng Chúng Tôi Biết: Sự Sống của Chúng tôi là Quan trọng”.
Ông bà chúng ta dạy: nói có sách mách có chứng. Viết luận văn hay diễn văn, chép nguyên một bài hay một câu nói của người khác mà không chỉ rõ xuất xứ hay tên tuổi của tác giả, thường được gọi là “đạo văn”.  Nói nôm na, hành động này được  gọi là “chôm chĩa” hay “ăn cắp”. Còn đưa ra một khẳng định mà không có bằng chứng nào để yểm trợ là “phịa”,là  “dựng chuyện” hay gọi đúng tên là dối trá. Trường hợp Tổng thống Trump chỉ đích danh Đảng Dân Chủ là tác giả của con số trên dưới 3000 người chết vì bão Maria tại Porto Rico mà không đưa ra một bằng chứng nào cả, nhiều người tỏ ra lịch sự hơn đã dùng một từ rất hoa mỹ là “thuyết âm mưu” (conspicacy theory) 
(xhttps://www.news.com.au/technology/environment/donald-trumps-staggering-new-conspiracy-theory).
Đây không phải là lần đầu tiên tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ tung ra một “thuyết âm mưu”.
Trong thời gian tranh cử, khi nói về cuộc khủng bố 11 tháng Chín năm 2001, ông khẳng định: “Tôi đã theo dõi khi Trung tâm Thương mại Thế giới sụp đổ và tôi đã “thấy” tại thành phố Jersey, Tiểu bang New Jersey, là nơi có hàng ngàn và hàng ngàn người nhảy mừng khi tòa nhà sụp đổ. Hàng ngàn người vui mừng”.
Về Tổng thống Barack Obama, Tổng thống Trump đã từng nói như đinh đóng cột rằng Tổng thống Barack Obama không hề chào đời trên đất Mỹ. Mãi cho đến lúc ông Obama trưng ra giấy khai sinh của mình, ông mới chịu rút lại thuyết âm mưu này. Về một đối thủ lợi hại trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc là thượng nghị sĩ Ted Cruz, ông khơi khơi cáo buộc rằng cha của ông này đã từng tham gia vào âm mưu ám sát cố Tổng thống John F. Kennedy.
Về kết quả bầu cử tổng thống hồi cuối năm 2016, ông tuyên bố rằng có từ 3 đến 5 triệu lá phiếu bất hợp pháp, dĩ nhiên được dồn cho ứng cử viên Hillary Clinton, khiến ông thua bà này về số phiếu phổ thông. Ông đã cho thành lập một ủy ban để điều tra, nhưng chẳng tìm được bằng chứng nào. Ông cũng đã từng khơi khơi khẳng định rằng Tổng thống Obama ra lệnh đặt máy nghe lén ông.
Về việc khí hậu thay đổi và trái đất bị hâm nóng vì khí thải, Tổng thống Trump không ngần ngại tuyên bố rằng đây là một “cú lừa” (hoax) của Trung Cộng.
Trong thời gian tranh cử, một phóng viên bà con với Tổng thống George W. Bush tung ra một cuốn băng thường được gọi là “Access Hollywood” trong đó có ghi lại những lời nói của ông Trump có nội dung vừa tục tĩu vừa xúc phạm đến nữ giới. Thoạt tiên ông nhìn nhận đó là những lời nói bông đùa  của giới mày râu trong phòng tắm. Nhưng sau đó, ông lại bảo rằng giọng nói  được ghi âm có thể không phải là của ông. 
(x.https://edition.cnn.com/2018/09/13/politics/donald-trump-conspiracy-theories/). 
Trên đây chỉ là một số “thuyết âm mưu” tiêu biểu của Tổng thống Trump.
Truyền thông Mỹ mà Tổng thống Trump gọi là “kẻ thù của nhân dân” có thể tỏ ra bất công khi không chịu đề cao những thành quả kinh tế dưới thời ông và ngay cả tung ra những “tin giả” về ông. Nhưng  những “thuyết âm mưu” trên đây là chuyện có thật chớ không phải do những kẻ có ác ý gán bừa cho ông. “Thuyết âm mưu” là một cụm từ hoa mỹ để chỉ những điều dối trá không đúng sự thật. Miệng nhà quan có gang có thép. Dường như Tổng thống Trump muốn chứng tỏ rằng khi có quyền lực trong tay con người ta có thể thay trắng đổi đen và lộng giả thành chân.
Thật ra, nếu so sánh với các lãnh tụ của các chế độ cộng sản hay trong các chế độ độc tài hoặc đang có khuynh hướng độc tài, có lẽ Tổng thống Trump chưa phải là cao thủ trong nghệ thuật về “thuyết âm mưu”.
Hãy nói đến “bậc thày” Vladimir Putin.
Mới đây, các nhà điều tra của Anh Quốc đã tìm ra đủ bằng cớ cho thấy có 2 người Nga can dự vào việc dùng chất độc Novichok để sát hại nhân viên tình báo nhị trùng  Sergei Skripal và con gái của ông tại thành phố Salisbury, miền Nam Anh Quốc dạo tháng Ba vừa qua. Anh Quốc tin rằng 2 người Nga này là nhân viên của Cơ quan Quân báo Nga GRU. Các nhà điều tra Anh đã cho phổ biến mặt mũi và những thước phim được ghi lại về 2 người Nga này khi họ đi đến gần nhà ông Skripal vào thời điểm xảy ra vụ đầu độc. Những vết tích của chất độc Novichok cũng đã được tìm thấy trong phòng khách sạn tại Luân Đôn, nơi 2 người Nga này đã tạm trú.
Thế nhưng, hồi tuần qua, khi xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia Nga, 2 người này đã phủ nhận mọi cáo buộc và khẳng định rằng họ không hề biết ông Skripal là ai khi đến thăm thành phố Salisbury. Họ chỉ đến thành phố này như khách du lịch. Tổng thống Putin cũng khẳng định rằng 2 người này chỉ là “thường dân”. Người Việt Nam ở Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hẳn phải hiểu rõ hơn ai hết thế nào là “thường dân”. Nó không thể không làm họ liên tưởng đến “quần chúng tự phát” trà trộn trong những đám đông  để hành hung những người biểu tình ôn hòa.
Trong cuộc phỏng vấn, một trong 2 người tự xưng là Ruslan Boshirov. Hai người cho biết họ là những nhà doanh nghiệp chuyên cung cấp thực phẩm và thuốc bổ cho những người chuyên tập thể dục. Họ nói rằng họ quảng cáo các dịch vụ của họ một cách rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Nhưng các nhà điều tra không tìm thấy có bất cứ người nào tên là Ruslan Boshirov có liên quan đến kỹ nghệ này cả. Ngoài ra, 2 người Nga này cũng không chịu trình sổ thông hành hay bất cứ chi tiết nào về chỗ ở, gia đình hay nơi làm việc của họ.
Trong cuộc phỏng vấn, 2 người Nga này giải thích rằng họ đến Salisbury là để được chiêm ngắm ngôi thánh đường lịch sử nổi tiếng của thành phố. Thế nhưng, theo những thước phim ghi lại được, thay vì đi bộ đến ngôi thánh đường chỉ cách nhà ga xe lửa chừng 15 phút , họ lại trực chỉ về hướng nhà của ông Skripal. Các nhà điều tra Anh tin rằng chính họ đã cài chất độc vào nắm tay cánh cửa nhà của ông Skripal. Bởi lẽ chính buổi chiều ngày 2 người Nga này đến Salisbury, ông Skripal và cô con gái của ông đã ngất xỉu trong một công viên ở trung tâm thành phố.
Hai người Nga này còn cho biết, ngoài ngôi thánh đường nổi tiếng ở Salisbury, họ còn có ý định đi thăm di tích lịch sử nổi tiếng với những tảng đá thời tiền sử có tên là Stonehenge. Nhưng vì thời tiết xấu cho nên họ đã bỏ ý định. Theo dõi cuộc phỏng vấn, dân chúng Anh đã cười nhạo về sự dối trá này bởi vì trong 2 ngày thứ Bảy và Chủ nhật họ có mặt tại Salisbury, không hề có tuyết rơi và nhiệt độ ở đó chỉ có 5 độ C, ấm hơn ở Mạc Tư Khoa đến cả 12 độ và trung tâm di tích lịch sử Stonehenge vẫn mở cửa.
(https://www.dw.com/en/salisbury-poisoning-suspects-story-what-doesnt-add-up).
Màn trình diễn của hai “thường dân” Nga trên đây thật ra chỉ là một tấn tuồng mà đạo diễn không ai khác hơn là Tổng thống Vladimir Putin. Tất cả mọi tấn tuồng của ông Putin đều được dàn dựng theo một nguyên tắc: chối bỏ sự thật! Sau khi đưa quân sang xâm chiếm Crimea của Ukraine và phát động phong trào ly khai ngay trên đất Ukraine, ông Putin có thừa lý lẽ để biện minh cho hành động cướp đất và gây rối của mình. Các cơ quan tình báo Mỹ cũng đã trưng đủ bằng cớ về việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ và Chính phủ Mỹ cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga. Nhưng sau mỗi lần gặp ông Putin, Tổng thống Trump đều cho biết ông đã gạn hỏi về chuyện này và lúc nào ông Putin cũng nói : không hề có chuyện đó. Và Tổng thống Trump nói rằng ông “tin lời” tổng thống Putin.
Đại đa số người dân Nga ủng hộ ông Putin và “tin lời” ông Putin cũng như người dân Trung Cộng “tin lời” Chủ tịch Tập Cận Bình. Dường như quyền lực, nhứt là quyền lực xây dựng trên dối trá, lại có sức  tạo được “niềm tin”!
Nga vừa cho tổ chức một cuộc tập trận được xem là vĩ đại nhứt, ngay cả còn vĩ đại hơn  dưới thời Liên Xô. Điều đáng lo ngại cho cả thế giới là Quân đội Giải phóng của Trung Cộng cũng tham dự vào cuộc tập trận. Sát cánh bên nhau, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã bày tỏ một tình hữu nghị “môi hở răng lạnh” chưa từng có trong lịch sử của hai nước.
Một trật tự thế giới mới đang hình thành từ sự dối trá. Tôi cảm thấy bi quan và lo sợ. Nhưng tôi đã đọc được một lời an ủi đầy khích lệ: “Nền văn minh nhân loại sẽ bị hủy hoại nếu chúng ta chỉ biết sống cho chình mình và chỉ biết quan tâm trong cuộc đời mình mà không nghĩ đến người khác và các thế hệ về sau. Cho nên chỉ cần bắt đầu bằng sự tử tế, liêm chính và tinh thần trách nhiệm, thì một ngày nào đó những tinh thần và giá trị này sẽ loan tỏa sâu rộng và truyền lại cho các thế hệ mai sau” (x.Phạm Phú Khải,chúng ta đang sống thế giới nào? https://ethongluan.org/index.php/doc-bai-luu-tru/2097-chung-ta-dang-s-ng-th-gi-i-nao-ph-m-phu-kh-).
Riêng giáo sư tâm lý học Jordan Peterson, trong cuốn sách được xem là bán chạy nhứt hiện nay “12 Rules for Life” (12 qui luật cho cuộc sống), đã đưa ra một lời khuyên mà tôi thấy không thể không xem như một đề tài suy gẫm mỗi ngày: “Nếu bạn cảm thấy yếu đuối, bị bỏ rơi, chán nản, hoang mang, hãy cố gắng nói sự thật. Trong Thiên Đàng ai cũng đều nói sự thật cả. Đó là điều làm nên Thiên Đàng. Hãy nói sự thật. Nếu không thì ít nhứt, đừng nói dối” (Joradn Peterson, 12 Rules for Life, An Antidote to Chaos, Penguin Random House, Uk,2018, trg 230)








Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

Trung Cộng: hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung



21/09/18
Dạo tháng Tám vừa qua, Cao ủy  Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã cho công bố một bản phúc trình cho thấy có tới một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong những điều kiện chẳng khác nào trại tập trung tại tỉnh Tân Cương. Tại Tân Cương, một vùng tự trị ở miền Tây Trung Cộng, hiện có khoảng 10 triệu người thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ, tuyệt đại đa số là tín đồ Hồi Giáo. Tỷ lệ người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ là một điều đáng  quan ngại: cứ 10 người có một người “mất tích trong các trại tập trung”.
Ông Gay McDougall, Chủ tịch Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Bài trừ Kỳ thị Chủng tộc, cho rằng có tới 2 triệu người Duy Ngô Nhĩ và nhiều nhóm thiểu số Hồi Giáo khác bị giam giữ trong “các trại (học tập) chính trị để tẩy não”. Họ không có một tội nào khác ngoài việc thực thi niềm tin tôn giáo của họ là Hồi Giáo. Tại Tân Cương, đối với chính quyền cộng sản, Hồi Giáo đồng nghĩa với phản động, ly khai và khủng bố.
Nhưng sự kiện có đến một triệu người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương bị giam giữ trong các trại tập trung chỉ là phần nổi của cả một chính sách đồi bại bao quát hơn: đó là chủ trương thanh lọc chủng tộc nhắm vào  người Duy Ngô Nhĩ. Dĩ nhiên, dưới chế độ cộng sản, “trại tập trung” không thể không gợi lại những hình ảnh khủng khiếp của cuộc sát tế người Do Thái do Đức Quốc Xã chủ xướng trong thời Đệ nhị Thế chiến hoặc việc giam giữ người Mỹ gốc Nhật Bản tại Hoa Kỳ cũng trong thời Đệ nhị Thế Chiến hoặc các nhà tù được mệnh danh là “trại tập trung cải tạo” dưới  chế độ cộng sản ở Việt Nam. Không thiếu những tài liệu được các cơ quan truyền thông của Hoa Kỳ phổ biến cho thấy Trung Cộng gọi đích danh Hồi Giáo là một thứ “bệnh tâm thần” và mục tiêu tối hậu của chế độ này là phải tiêu diệt tôn giáo này bằng một cuộc thanh lọc chủng tộc có hệ thống mà việc giam giữ trong các trại tập trung chỉ là một phần nổi.
Nằm sát biên giới với Mông Cổ về hướng Đông Bắc, Tân Cương là một vùng mà sắc tộc chính là người Duy Ngô Nhĩ. Đầu Thế kỷ 20, Tân Cương đã tuyên bố độc lập. Nhưng năm 1949, sau khi thôn tính toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc, Mao Trạch Đông đã ra lệnh xâm lăng Tân Cương và biến quốc gia này thành một tỉnh tự trị đặt dưới quyền cai trị độc tài của Trung Cộng.
Ngoài tôn giáo là Hồi Giáo, xét về chủng tộc, người Duy Ngô Nhĩ cũng gần gũi với những người láng giềng khác như Kyrgyzstan, Kazakhstan và các sắc dân Thổ khác hơn là Hán tộc. Người Duy Ngô Nhĩ vẫn gọi Tân Cương là Đông Turkistan. Ngoài ra, mặc dù bị sáp nhập vào Trung Cộng, người Duy Ngô Nhĩ vẫn duy trì ngôn ngữ riêng của họ là tiếng Turki.
Cho tới nay, nhiều người Duy Ngô Nhĩ vẫn nại đến nguồn gốc lâu đời của họ và nhất là sự bách hại tàn bạo của Trung Cộng để tiếp tục tranh đấu giành lại độc lập. Đáp lại cuộc tranh đấu của người Duy Ngô Nhĩ, Trung Cộng đã đưa hàng loạt người Hán xâm nhập vào lãnh thổ Tân Cương. Chiến lược này đã biến người Duy Ngô Nhĩ thành một thiểu số trên chính quê hương của họ và như vậy không còn khả năng để chiến đấu giành độc lập.
Cuộc khủng bố ngày 11 tháng Chín năm 2001 tại Hoa Kỳ đã cung cấp thêm cho Trung Cộng một cớ khác để đè bẹp người Duy Ngô Nhĩ. Chạy đua với Hoa Kỳ về mọi mặt, Trung Cộng cũng muốn qua mặt Hoa Kỳ về chủ trương bài Hồi Giáo.  Quốc gia Cộng sản khổng lồ này đã chộp lấy chiến dịch “Cuộc chiến chống Khủng bố” do Hòa Kỳ đề xướng để đồng hóa Hồi giáo với Khủng bố. Người Duy Ngô Nhĩ đã trở thành vật tế thần không thương xót của Trung Cộng trong cuộc chiến không phải để chống khủng bố cho bằng tiêu diệt cả một dân tộc.
Có thể nói Hồi Giáo là bản sắc của người Duy Ngô Nhĩ. Việc biểu lộ niềm tin tôn giáo của họ gắn liền với ngôn ngữ và văn hóa của họ. Nhưng Cuộc chiến chống khủng bố mà Trung Cộng tung ra nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ không chỉ có mục đích bóp nghẹt mọi khát vọng độc lập của họ mà còn nhằm tiêu diệt họ.
Từng bước một, để đạt mục tiêu này, năm 2015, Trung Cộng đã ra lệnh ngăn cấm sinh viên, giáo viên và nhân viên hành chính thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương không được phép  tuân giữ tháng Chay Tịnh Ramadan của người Hồi giáo. Họ không chỉ bị cấm tuân giữ tháng Chay này nơi công cộng. Cảnh sát còn vào từng gia đình để theo dõi và ngay cả đe dọa.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cùng với lệnh cấm trên đây, Trung Cộng còn cho nhân viên công lực đi thẩm tra các giáo sĩ Hồi giáo, theo dõi chặt chẽ các sinh hoạt tôn giáo trong các đền thờ, đuổi  các giáo viên dạy môn tôn giáo và các học sinh ra khỏi trường học, giới hạn việc thông tin liên lạc của người Duy Ngô Nhĩ với gia đình hay bạn bè đang sống ở hải ngoại cũng như sàng lọc môn văn học trong các trường tại Tân Cương.
Trong những năm gần đây, toàn tỉnh Tân Cương gần như đã trở thành một thứ nhà tù mở để giam giữ người Duy Ngô Nhĩ. Con đường tất yếu dành cho những ai dám công khai thực hành niềm tin tôn giáo của họ sẽ là trại tập trung “cải tạo” để gọi là “chữa trị” khỏi “căn bệnh” Hồi Giáo và dĩ nhiên để tiêu diệt sắc tộc Duy Ngô Nhĩ.
Với Trung Cộng, Hồi Giáo là một “căn bệnh ý thức hệ” không những cần phải bị trừng phạt, mà còn phải chữa trị.
Kể từ năm 2013, các nhà tù mà Trung Cộng gọi bằng một danh từ hoa mỹ là “trại tập trung cải tạo” ngày càng nhiều và càng lớn. Trong các nhà tù thường là quá tải này, các cai tù được giao nhiệm vụ phải chữa trị “căn bệnh Hồi Giáo” bằng một loạt những hành động cưỡng bách hoàn toàn ngược lại với những thực hành tôn giáo của người Duy Ngô Nhĩ như: buộc họ phải ăn thịt heo và uống rượu (cả hai đều là những điều cấm kỵ đối với Hồi Giáo), bắt họ phải học thuộc lòng và hát các bài “thánh ca” của Đảng Cộng Sản, buộc họ phải học tiếng Quan Thoại và theo những khóa học khác để xóa bỏ tôn giáo và văn hóa của họ.
Bị giam giữ và bứng khỏi gia đình, có khoảng từ 10 đến 20 phần trăm dân số Duy Ngô Nhĩ đã hoặc đang trải qua những hành hạ và tra tấn khủng khiếp mà người ta chỉ nghe nói tới trong thời Đệ nhị Thế chiến. Càng chống cự càng bị tra tấn dã man hơn. Nhiều gia đình cho biết người thân của họ hoặc đã chết hoặc mất tích trong các trại tù ở Tân Cương. Phần lớn những người bị giam giữ trong các nhà tù ở Tân Cương là đàn ông. Song song với việc giam giữ đàn ông, chính quyền cộng sản còn cưỡng bách các phụ nữ Duy Ngô Nhĩ phải lấy người Hán. Với âm mưu thâm độc này, dân số Duy Ngô Nhĩ ngày càng giảm và người Hán ngày càng trở thành đa số tại Tân Cương.
Mối đe dọa bị giam tù là một nỗi lo sợ không ngừng ám ảnh các gia đình người Duy Ngô Nhĩ. Không ai biết mình sẽ bị bắt mang đi lúc nào. Để thực hiện cuộc khủng bố tinh thần này, Trung Cộng cho công an xâm nhập vào mọi cộng đồng của người Duy Ngô Nhĩ, dùng chính người hàng xóm, bạn học và người cùng sở để theo dõi họ. Đồi bại hơn nữa, cũng giống như tại Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Trung Cộng còn sử dụng trẻ con để theo dõi và tố cáo cha mẹ của chúng.
Mới đây trên báo The Atlantic, ký giả Sigal Samuel đã viết rằng “Cuộc khủng bố của Trung Cộng khiến cho một số người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương lo sợ rằng chính con cái họ sẽ đi tố cáo họ, hoặc vô tình hoặc do các giáo viên xúi giục phải theo dõi họ. Nếu  những đứa trẻ sống trong các gia đình bị xúi giục để theo dõi cha mẹ mình, thì trong các cô nhi viện dành cho những đứa trẻ có cha mẹ và người thân đang bị giam tù, trẻ con lại càng bị tẩy não để làm công tác do thám hơn. Trong những cô nhi viện này, trẻ con từ 6 tháng đến 12 tuổi bị nhốt chẳng khác nào trong “trại súc vật”. Đây chính là nơi chính quyền Trung Cộng thử nghiệm chương trình thanh lọc chủng tộc của họ: cả một thế hệ trẻ con Duy Ngô Nhĩ được nhào nặn thành những “con thú” để quay lưng lại với cha mẹ của chúng, tôn giáo và văn hóa của chúng để chỉ còn biết tiếng Quan Thoại, các lề thói của tộc Hán và dĩ nhiên để chỉ còn thực thi một tôn giáo mới là chủ nghĩa vô thần.
Ngoài khoảng 10 triệu người tại Tân Cương, người Duy Ngô Nhĩ cũng sống rải rác tại nhiều nơi trên khắp thế giới. Riêng tại Úc Đại Lợi, cộng đồng Duy Ngô Nhĩ chỉ có khoảng 4000 người. Nhiều người trong họ hiện đang có thân nhân và bạn bè bị giam giữ trong các trại tập trung.
Mặc dù chỉ là một thiểu số không đáng kể, cộng đồng này cũng đã qui tụ được 10.000 người ký tên vào một thỉnh nguyện thư gởi lên Quốc hội Liên bang Úc để kêu gọi chính phủ Úc tạo áp lực lên Trung Cộng hầu chấm dứt việc bách hại và thanh lọc chủng tộc đối với người Duy Ngô Nhĩ. Một phát ngôn viên từ văn phòng của Bộ trưởng Ngoại giao Úc, bà Marise Payne cho biết các viên chức của Lãnh sự Úc đã nêu vấn đề này với những người đồng nhiệm của Trung Cộng. Trong một tuyên ngôn mới đây, “chính phủ Úc bày tỏ quan ngại về tình cảnh của người Duy Ngô Nhĩ tại vùng tự trị Tân Cương.”
Liền sau khi Liên Hiệp Quốc cho công bố bản phúc trình về những cuộc đàn áp và bách hại người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, Đảng Đối Lập Lao Động cũng đã kêu gọi Chính phủ Morrison gia tăng áp lực lên Trung Cộng. Lời kêu gọi của Đảng Lao Động được đưa ra liền sau khi tại Hoa Kỳ, nhiều dân biểu và thượng nghị sĩ Cộng Hòa đã yêu cầu chính phủ của Tổng thống Donald Trump gia tăng các trừng phạt kinh tế đối với Trung Cộng.
Cho tới nay, Trung Cộng vẫn một mực bác bỏ mọi cáo buộc của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền về tình trạng của người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Trước sau như một, vẫn một giọng điệu, Trung Cộng nói rằng Tân Cương đang phải đối đầu với mối đe dọa khủng bố từ các nhóm Hồi Giáo ly khai. Trung Cộng cáo buộc rằng chính những người Duy Ngô Nhĩ đang tổ chức những cuộc tấn công khủng bố nhằm gây căng thẳng giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán, vốn đang là chiếm đa số tại tỉnh tự trị này.
Bác bỏ những cáo buộc của Bộ Ngoại giao Mỹ và Úc cũng như của Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Bộ Ngoại giao Trung Cộng vẫn bổn cũ soạn lại để khẳng định rằng “Chính phủ Trung Cộng bảo vệ quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của công dân Trung Hoa phù hợp với luật pháp”.
Đại họa nhân đạo đã từng xảy ra tại Rwanda, Đông Timor và mới đây tại Miến Điện. Một đại họa như thế rất có thể cũng sẽ xảy ra tại Tân Cương nếu thế giới nhắm mắt làm ngơ trước sự tàn bạo độc ác của Trung Cộng đối với người Duy Ngô Nhĩ.

(nguồn: https://www.aljazeera.com/indepth/opinion/china-holds-million-uighur-muslims-concentration-camps-)

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

Mật thật, người thật


Chu Thập
14/09/18
Đi thăm bà con bạn bè ở xa, tìm cho được một món quà thích hợp quả là trần ai. Như trong chuyến đi Mỹ vừa rồi chẳng hạn, vợ chồng tôi đã phải bù đầu bứt tóc và cãi cọ nhau cũng vì chuyện mua quà. Trái cây của Úc quả là đặc sản, nhưng đâu dễ mang vào Mỹ. Đồ kỷ niệm của Úc cũng đâu có thiếu, nhưng lật lưng lên xem thấy toàn “made in China”. May quá, giữa lúc đang gặp nguồn cơn bối rối, vợ chồng tôi được mấy chị ong thợ nuôi trong vườn “cứu bồ”. Dò trước hỏi sau, biết mật ong không bị cấm mang vào Mỹ, chúng tôi giảm bớt quần áo và các thứ lỉnh kỉnh khác trong hành lý để dành chỗ cho gần cả chục ký mật ong.
Đến ngày trình diện món quà đặc sản của mình cũng chẳng khác nào đi thi nấu ăn: hồi hợp  chờ đợi gia chủ thưởng thức và đưa ra phán quyết! Gia đình cô em gái tôi thuộc loại sính mật ong. Liếc nhìn vào kệ tủ trong nhà bếp, tôi thấy có đến 2 hũ mật. Tôi nghĩ bụng: vậy là mình mang củi về rừng rồi! Nhưng cô cháu út trong nhà, vốn là một tay sành điệu, đã mở ngay một hũ mật của tôi ra, nếm thử và tuyên bố: mật ong của cậu mợ khác với mật mua ở Mỹ, không ngọt gắt lại có hương vị đặc biệt!
Mở cờ trong bụng, tôi mới làm một màn quảng cáo về Úc Đại Lợi quê hương mới của tôi. Rừng ở Úc Đại Lợi chỉ trồng toàn là bạch đàn (khuynh diệp) với trên 2 ngàn loại khác nhau. Do đó, mật ở Úc được loài ong hút từ nhụy của hoa bạch đàn. Riêng nhà tôi lại nằm sát một lâm viên quốc gia dĩ nhiên cũng chỉ có cây bạch đàn. Lâm  viên này lại hoàn toàn biệt lập với các nông trại cho nên mật ong của tôi không hề bị nhiễm bất cứ thuốc trừ sâu bọ nào. Ngoài ra, trong vườn của tôi cũng gần như có đủ các loại cây trái và rau tươi. Đi theo trào lưu “hữu cơ” (organic), chúng tôi không dùng phân hóa học và cũng chẳng đụng tới bất cứ thuốc trừ sâu bọ nào. Đám ong thợ từ 2 tổ ong trong vườn của tôi có lẽ chia nhau đi làm ăn: có toán chuyên đi xa, có toán chỉ lẩn quẩn trong vườn của tôi. Pha trộn nhụy hoa bạch đàn với các loại hoa trong vườn của, nhứt là hoa thanh long, các chị ong thợ của tôi đương nhiên phải sản xuất được một loại mật “đặc sản” mà thôi!
Tôi giải thích cho gia đình cô em gái tôi hiểu về nguồn gốc món quà đặc sản của tôi, với chút hãnh diện ngầm rằng mật ong của tôi là thứ mật tinh tuyền, mật không pha chế, mật thật một trăm phần trăm!
Lâu nay, tôi  tưởng chỉ có ở Trung Cộng hay Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mới có đồ giả hay người tiêu thụ chỉ “chết bởi tay Trung Cộng” mà thôi. Nào ngờ mới đây, như hầu hết các cơ quan truyền thông trên thế giới đã loan tải, mật ong mà tôi nhìn thấy bày bán trong các siêu thị ở Úc, ở Mỹ hay tại rất nhiều nước trên thế giới, lại là mật ong giả.
Tại Diễn Đàn Kinh Tế được tổ chức ở Krynica, miền Bắc Ba Lan từ ngày 4 đến 6 tháng Chín vừa qua, ông Andreij Borovsak, thuộc Hiệp hội những người nuôi ong tại Slovenia, khẳng định rằng mật ong được bày bán trong các  siêu thị đã được Ủy Ban Âu Châu liệt kê vào danh sách của 6 loại thực phẩm nguy hiểm nhứt. Ông Borovsak giải thích rằng sở dĩ mật ong bán trên thị trường bị xem là nguy hiểm là vì được làm giả bằng cách cho “lai tạo” với đường mía, mạch nha và nhiều loại mật được làm từ các loại củ khác nhau. Được làm giả như thế cho nên mật ong được bán trong các siêu thị rẻ hơn mật ong nguyên chất và người tiêu thụ không thể nhận ra được sự khác biệt.
Ngoài ra, một phương pháp làm mật giả khác là pha trộn nhiều loại mật khác nhau và ghi một nguồn gốc xuất xứ hoàn toàn giả mạo.
Nhưng theo các chuyên gia, làm mật ong giả không phải là vấn đề duy nhứt. Ông Borovsak cảnh cáo rằng “thuốc trừ sâu được sử dụng rộng rãi trong nông nghệp vốn đang sát hại loài ong, hiện đang là một tai họa” cho thế giới.
Theo ông Borovsak, kết quả của các nghiên cứu cho thấy có đến 75 phần trăm các mẫu mật ong được xét nghiệm có chứa đựng dấu vết của ít nhứt một loại thuốc trừ sâu thuộc nhóm “neonicotinoid”. Cũng may, mức độ nhiễm thuốc trừ sâu chưa đến mức báo động cho sức khỏe con người, nhưng loài ong thì ngày càng bị nhiễm độc bởi các hóa chất khác nhau được dùng để sản xuất thuốc trừ sâu. Thuốc trừ sâu có thể ăn sâu vào trong sáp ong được ong sản xuất để làm nơi chứa mật và nuôi ong con. Ngoài ra chất neonicotinoid còn góp phần tiêu diệt loài ong.
Ong mật hiện đang là những người thợ chính giúp thụ phấn cho cây cối và hoa quả từ 30 đến 50 phần trăm. Dù vậy, theo ông Peter Kozmus, phó chủ tịch của Hiệp hội nuôi ong tại Slovenia, ong có lẽ là loài sinh vật yểu mệnh nhứt. Tuổi thọ của ong mật chỉ kéo dài khoảng 6 tuần lễ. Vậy mà chúng giúp thụ phấn cho khoảng một phần ba cây trái và rau quả trên toàn thế giới. Ông Kosmus khẳng định: “Xóa sổ loài ong mật sẽ dẫn đến mất mùa, đói kém và một tai họa chưa từng có trong lịch sử nhân loại”.
Úc Đại Lợi là một trong những nước sản xuất mật ong nhiều nhứt và cũng nổi tiếng nhứt thế giới. Tuy nhiên kể từ năm 2015, con số tổ ong và những người nuôi ong mật đã giảm đi 25 phần trăm. Lý do có sự giảm sút như thế là vì mật ong được nhập cảng vào Úc được bán với giá chỉ bằng một phần ba giá của mật ong nội địa. Nuôi ong để sản xuất mật không còn là một nguồn lợi kinh tế lớn đối với nhiều người Úc nữa.
Ủy ban theo dõi giá cả thị trường đã mở một cuộc điều tra về kỹ nghệ nuôi ong mật tại Úc Đại Lợi. Kết quả cuộc điều tra cho thấy mật ong giả được bán trên thị trường Úc là một vấn đề nghiêm trọng.
Mới đây, một cuộc điều tra do cơ quan truyền thông Fairfax thực hiện đã sử dụng một phương pháp của phòng thí nghiệm QSI của Đức để thử nghiệm các loại mật ong được bày bán trong các siêu thị tại Úc. Kết quả cuộc điều tra cho thấy khoảng phân nửa các mẫu mật ong được phân chất đều được pha chế (adulterated), mặc dù vẫn đề nhãn hiệu “nguyên chất”.
Mặc dù không phải là lục địa sản xuất nhiều mật ong, nhưng Âu Châu lại là nơi tiêu thụ mật ong nhiều nhất và Trung Cộng là nước cung cấp đến 50 phần trăm lượng mật ong nhập cảng vào Âu Châu. Ba nước nhập cảng mật ong của Trung Cộng nhiều nhứt là Anh Quốc, Bỉ và Tây Ban Nha. Trung Cộng là quốc gia sản xuất nhiều mật ong nhứt thế giới, với trung bình gần 500 triệu tấn mỗi năm. Theo các số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Thế giới, giữa năm 2000 và 2014, mức sản xuất mật ong của Trung Cộng tăng thêm 88 phần trăm. Dù vậy cũng trong khoảng thời gian này, số tổ ong lại giảm đến 21 phần trăm. Sở dĩ có tình trạng sút giảm này là vì dân số ong tại Trung Cộng đã giảm đi rất nhiều do bị thuốc trừ sâu và  tình trạng  ô nhiễm khủng khiếp sát hại  và vùng đất sống của chúng bị thu hẹp vì chính sách đô thị hóa của Trung Cộng. Số tổ ong giảm, nhưng số lượng mật sản xuất lại gia tăng: nếu không sản xuất mật ong giả thì lấy đâu để bù vào sự sút giảm năng xuất!
Mật ong của Trung Cộng tràn ngập thị trường Âu Châu là bởi mật ong của Trung Cộng rẻ như bèo. Các con buôn Âu Châu mua lại, pha chế và dán lên nhãn hiệu “cây nhà lá vườn” (x.https://www.dw.com/en/hi-honey-im-not-from-home/a-45403408).
Năm 2011, giáo sư kinh tế tại đại học San Diego, California, ông Peter Navarro, nay là Giám đốc Hội đồng Thương mại Tòa Bạch Ốc, đã cùng với tác giả Greg Autry, cho xuất bản một cuốn sách có tựa đề “Death by China, Confronting the Dragon- A Global Call to Action” (Chết bởi Trung Cộng, Đối đầu với Con Rồng - Một lời kêu gọi toàn cầu hãy hành động). Trong cuốn sách, các tác giả đã tố cáo việc Trung Cộng đầu độc cả thế giới bằng những sản phầm độc hại của họ. Chuyện ấy thì đã rõ như ban ngày. Nhưng thế giới không chỉ bị đầu độc bằng những sản phẩm độc hại của Trung Cộng, mà còn bởi cả chính sự dối trá của họ. Trước kia có lẽ chỉ có Trung Cộng mới sản xuất mật ong giả. Nay nhiều nơi trên thế giới mua lại thứ mật ong giả ấy và có lẽ đã học được lề thói dối trá cố hữu của Trung Cộng để cũng tái chế và bán lại thứ mật ong giả với với nhãn hiệu giả mạo của mình!
Ngày nay, khi vị cố vấn pháp lý chính của Tổng thống Donald Trump là ông Rudy Giuliani tuyên bố “sự thật không phải là sự thật” (truth is not truth), tôi cho rằng độc tố dối trá mà Trung Cộng đã bơm vào thế giới trong suốt mấy chục năm qua, nay đã ngấm vào mọi tế bào của các cơ cấu xã hội từ thương mại đến chính trị. Lộng chân thành giả dường như đang trở thành luật sống đối với nhiều người.
Khi “sự thật không phải là sự thật” thì đương nhiên tôi có quyền nói ngược lại mọi thứ: chiến tranh là hòa bình, tự do là nô lệ, dốt nát là sức mạnh. Hay nếu sử dụng thứ “sự thật” bị đảo lộn của những người cộng sản được tiểu thuyết gia Anh George Orwell (1903- 1950) mô tả trong hai quyển tiểu thuyết “1984” và “Animal Farm” (Trại súc vật), thì  “tất cả mọi người đều là kẻ thù”, “ tất cả mọi súc vật đều bình đẳng, nhưng có những súc vật bình đẳng hơn những súc vật khác”, “báo chí là kẻ thù của nhân dân”, “có 4 cẳng là tốt”, “có 2 chân là xấu”...
Dường như trong quyển tiểu thuyết có tựa đề “Rhinoceros” (Những con tê giác), nhà văn Pháp gốc Lỗ Ma Ni, ông Eugene Ionesco (1909-1994) muốn tố giác tình trạng dối trá của xã hội chăng khi ông tưởng tượng ra những biến cố kỳ quái trong một thành phố nhỏ, trong đó mọi người dân đều biến thành những con tê giác. Chỉ trừ có một người đàn ông tên là Berenger. Không rõ nhờ một phép lạ nào đó, ông đã thoát được cuộc dị biến tập thể của cư dân thành phố. Nhờ vậy ông mới có thể kể lại cho mọi người biết đã từng có một đại họa như thế cho cả một thành phố. Thế giới cũng luôn cần có những con người biết thức tỉnh để lên tiếng cảnh cáo về cơn đại họa mà sự dối trá có thể gây ra cho nhân loại.
Tôi bị tiểu đường cho nên không mấy hảo mật ong. Nhưng hầu như sáng nào cũng vậy, tôi có thói quen đứng “thiền” bên 2 tổ ong trong vườn của tôi. Làm việc cật lực để cung cấp cho con người  thứ mật ong tinh tuyền, dường như ngày nào loài ong cũng nhắc nhở tôi phải sống cho sự thật, cho lương tri, cho từ ái, cho cao thượng. Nói như nhà văn bất đồng chính kiến Dương Thu Hương trong một bài viết mới đây: “Một mai đây, nếu hành tinh này còn có thể tồn tại được, chắc chắn nhờ ơn phước của những con người từ ái, cao thượng, những người có Trái tim vàng chứ không thể là các lãnh tụ tôn giáo hoặc các kĩ trị gia” (x.sự cứu rỗi cuối cùng, Đàn Chim Việt Online 5/9/2018)









Thứ Hai, 17 tháng 9, 2018

Đảo quốc Nauru: khi nguồn khoáng sản đã cạn kiệt!



14/09/18
Mới đây đảo quốc nhỏ bé mất hút trong Thái Bình Dương là Nauru đã làm cho người khổng lồ Trung Cộng phải giận dữ. Số là tại Hội nghị của Diễn Đàn Các Đảo Quốc Thái Bình Dương gọi tắt là PIP (Pacific Islands Forum) được tổ chức tại Nauru hồi đầu tháng Chín vừa qua, trưởng đoàn ngoại giao của Trung Cộng tại Hội nghị đã yêu cầu ban tổ chức phải sắp xếp cho mình được phát biểu đầu tiên. Trung Cộng muốn được ưu tiên như thế vì đã bỏ ra gần hai tỷ Mỹ tim để viện trợ cho nhiều nước thuộc Diễn Đàn Các Đảo Quốc Thái Bình Dương. Nhưng vốn là nước chủ nhà, lại không có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Cộng, cho nên Nauru đã thẳng thừng bác bỏ đòi hỏi này của Trung Cộng. Được biết Nauru vẫn giữ quan hệ ngoại giao với Đài Loan, một nước mà Trung Cộng chỉ xem như một tỉnh phản loạn. Vì Nauru không có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Cộng cho nên tổng thống nước này, ông Baron Waqa đã xem thái độ của trưởng đoàn ngoại giao Trung Cộng là “xấc xược” và “lợi dụng sức mạnh để bắt nạt”.
Thế giới có lẽ biết đến Nauru qua thái độ cứng rắn của tổng thống nước này trước lối hành xử “xấc xược” của Trung Cộng. Nhưng tên của Nauru lại quá quen thuộc với người dân Úc, bởi vì nói đến Nauru, ai cũng nghĩ ngay  đến trung tâm giam giữ người tầm trú tại Nauru do Chính phủ Úc cho thiết lập và trả tiền cho Chính phủ Nauru để quản lý. Trung tâm giam giữ người tầm trú Nauru nổi tiếng không những vì một chính sách di trú gây tranh cãi của Chính phủ Úc, mà còn vì đây là nguồn thu nhập chính của Nauru.
Trước đây nền kinh tế èo uột của Nauru chỉ dựa vào việc khai thác quặng mỏ phosphate. Với dân số chỉ vỏn vẹn có 10.000 dân, vậy mà kể từ thập niên 1970, khi nguồn khoáng sản đã cạn kiệt, nền kinh tế của Nauru hầu như đang trên đà sụp đổ.
Hiện dưới lòng biển Nauru vẫn còn những quặng mỏ có chứa một số kim khí như nickel, cobalt và manganese là những chất rất cần cho kỹ nghệ năng lượng sạch. Đây có thể là cái phao cứu hộ cho một nền kinh tế đang hấp hối. Nhưng phải chờ cho đến năm 2025, một số công ty ngoại quốc như DeepGreen của Gia Nã Đại mới khởi công khai thác.
Trong khi chờ đợi, Nauru chỉ còn biết trông chờ vào một nguồn thu nhập èo uột từ trung tâm giam giữ người tầm trú do Úc Đại Lợi cho thiết lập trên chính lãnh thổ của mình. Kể từ năm 2013, khi trung tâm giam giữ và thanh lọc người tầm trú được mở cửa trở lại, Úc Đại Lợi đã và đang cung cấp khoảng hai phần ba tổng sản lượng của Nauru trị giá khoảng 170 triệu Mỹ kim. Đây là tiền viện trợ cũng như phí tổn phải trả cho Chính phủ Nauru để mướn đất và thuê người quản lý trung tâm.
Tuy nhiên, con số người tầm trú được Chính phủ Úc đưa đến trung tâm giam giữ và thanh lọc tại Nauru ngày càng thưa dần. Một số được đi định cư ở Mỹ, một số được đưa trở lại Úc. Trung tâm ngày càng trống, điều đó có nghĩa là thu nhập của Nauru cũng ngày càng ít hơn. Nền kinh tế vốn đang sống dựa vào thu nhập này lại phải lao đao.
Trước đây, Nauru vốn là một trong những quốc gia giàu nhất  trên thế giới nếu tính theo thu nhập đầu người. Nhưng nay, đảo quốc này chỉ còn gợi lên cho thế giới lịch sử của một thời thực dân bóc lột, đê tiện và quản lý kém.
Năm 1968, Úc Đại Lợi trao lại chủ quyền cho Nauru sau khi Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan và Anh Quốc đã khai thác đến cạn kiệt quặng mỏ phosphate của nước này và gây ra những thảm họa tồi tệ nhất về môi sinh.
Được biết đến với tên chính thức là Cộng hòa Nauru, quốc gia hải đảo này đã từng là nơi định cư của người Micronesia và Polynesia từ cả một ngàn năm trước Công nguyên. Vào Thế kỷ 19, Nauru bị sáp nhập và xem như một thuộc địa của Đế quốc Đức. Sau Đệ nhất Thế chiến, Nauru được giao ba nước Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan và Vương quốc Anh đồng cai trị. Trong thời Đệ nhị Thế chiến, Nauru bị quân đội Nhật Bản chiếm đóng. Sau chiến tranh, Nauru được giao cho Liên Hiệp Quốc điều hành và năm 1968, nước này mới chính thức trở thành một quốc gia độc lập.
Thoạt nhìn, Nauru trông chẳng khác nào một thiên đàng trong Thái Bình Dương. Nhưng việc khai thác phosphate đã biến Nauru thành một vùng đất lồi lõm không những không còn phù hợp cho việc canh tác mà cũng khó khăn cho cả việc xây cất.
Ít nhất hai lần, vào năm 1963 và năm 1970, Chính phủ Úc đã đề nghị đưa 10.000 dân Nauru đến định cư tại một vùng đảo ngoài khơi tiểu bang Queensland, nhưng kế hoạch này đã bị dân chúng Nauru phản đối.
Vào cao điểm, thu nhập từ quặng mỏ phosphat có thể lên đến 1.7 tỷ Úc kim. Nhưng kể từ ngày Nauru được độc lập, khoản thu nhập này đã bị phung phí.
Vào khoảng năm 2002, lấy lý do đồng Úc kim xuống giá, Nauru  tuyên bố phá sản và không đủ khả năng để trả nợ. Tài sản ở nước ngoài như tòa nhà Nauru House tại Melbourne và Downtowner Motel tại Carlton và Khách sạn Mercure tại Sydney bị truất hữu. Nhiều chính phủ kế tiếp nhau vừa tham nhũng vừa tiêu pha công quỹ một cách hoang phí. Ngân hàng Trung ương vỡ nợ, bất động sản ở hải ngoại bị truất hữu, ngay cả máy bay cũng bị tịch thu ngay trên phi đạo.
Trong tình thế tuyệt vọng như thế, Nauru chỉ còn biết đưa ra lá bài “chủ quyền quốc gia”. Trong thập niên 1990, quốc gia hải đảo này đã biến thành một nơi rửa tiền. Chính phủ Nauru bán tất cả những gì còn bán được như sổ thông hành, thông hành ngoại giao với quyền miễn tố. Khách hàng của Nauru dĩ nhiên là Mafia Nga và ngay cả tổ chức khủng bố Al-Qaida. Chỉ trong năm 1998, đã có khoảng 70 tỷ Úc kim của Mafia Nga được rót vào các ngân hàng của Nauru.
Năm 2002, cùng với Ukraine, Nauru đã bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách  những nước chuyên rửa tiền và bị áp đặt những trừng phạt kinh tế nặng nề. Theo Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ, Nauru nổi tiếng về việc cho phép thành lập những ngân hàng ma.
Phải mất một thời gian điều tra và làm việc với Chính phủ Nauru, Cơ quan Đặc nhiệm Tài chính Quốc tế gọi tắt là FATF mới có thể đưa nước này trở lại “khuôn phép” của thế giới tài chính thế giới. Năm 2002, Nauru đã thông qua luật chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Các ngân hàng ma cũng nhanh chóng bị xóa sổ.
Tuy nhiên, năm 2016, nại lý do Nauru chưa tuân thủ các quy định của  thế giới về việc rửa tiền, ngân hàng Westpac đã gởi thư cho các khách hàng để loan báo rằng ngân hàng chấm dứt các dịch vụ tại Nauru. Hiện nay tại Nauru ngân hàng duy nhất còn hoạt động là ngân hàng Bendigo, vốn chỉ mới khai trương vào năm 2015.
Cách đây vài tuần lễ, Bộ trưởng Tài chính Nauru, ông David Adeang, loan báo rằng Nauru hoàn toàn tuân thủ các quy định về an ninh tài chính và thuế khóa của Ủy ban Âu Châu và đã được đưa ra khỏi danh sách những nước chuyên rửa tiền.
Bộ trưởng Tài chính Nauru khẳng định rằng kể từ khi ông Waqa được bầu làm tổng thống, Nauru đã nỗ lực để gỡ lại danh dự vốn đã bị làm cho hoen ố bởi các chính phủ trước vì tham nhũng.
Kinh tế của Nauru cũng đã có phần khởi sắc kể từ năm 2013 nhờ cho phép Úc tái lập trung tâm giam giữ và thanh lọc người tầm trù trên lãnh thổ của mình.
Chính phủ Úc Đại Lợi đã thử nghiệm việc giam giữ và thanh lọc người tầm trú tại Nauru kể từ năm 2001, sau biến cố thường được mệnh danh là cuộc khủng hoảng Tàu Tampa. Tháng Tám năm 2001, một chiếc tàu hàng của Na Uy tên là MV Tampa vớt 433 thuyền nhân, phần lớn là người Hazara từ A Phú Hãn. Chính phủ Úc đã từ chối thỉnh cầu của Tàu Tampa được phép đi vào lãnh hải Úc. Do đó, khi tàu Tampa đi vào lãnh hải Úc, Thủ tướng John Howard đã ra lệnh cho lực lượng đặc nhiệm của Úc xông lên tàu. Chính phủ Na Uy đã nại đến công pháp quốc tế để tố cáo chính phủ không thi hành nghĩa vụ phải cứu giúp những người đang gặp nạn trên biển. Chỉ vài ngày sau đó, Chính phủ Úc đã thông qua Luật bảo vệ biên giới (Border Protection Bill) theo đó, để khẳng định chủ quyền của mình, Úc Đại Lợi có quyền “quyết định ai được phép vào và cư ngụ tại Úc Đại Lợi”. Song song với luật này, chính phủ Úc cũng đưa ra điều được gọi là “Giải pháp Thái Bình Dương” (Pacific Solution) theo đó người tầm trú sẽ được đưa qua Đảo quốc Nauru để được thanh lọc. Úc Đại Lợi đã thương lượng với Chính phủ Nauru và Papua New Guinea để thành lập hai trung tâm giam giữ và thanh lọc người tầm trú.
Tại Nauru, trung tâm giam giữ và thanh lọc người tầm trú đã hoạt động cho đến năm 2007. Trong suốt thời gian này, việc thanh lọc cho thấy hầu hết những người tầm trú không phải là những người phạm pháp hay khủng bố, mà là những người đã trốn chạy các cuộc bách hại cần được bảo vệ. Phần lớn đã được cho tái định cư tại Úc Đại Lợi.
Dưới thời Chính phủ Lao Động, trung tâm giam giữ và thanh lọc người tầm trú tại Nauru được mở cửa trở lại. Năm 2012, khi trở lại cầm quyền, Chính phủ Liên Đảng cũng tiếp tục cùng một chủ trương, nghĩa là giam giữ người tầm trú tại Nauru với hy vọng họ sẽ bỏ cuộc và xin định cư tại đảo quốc này. Chính sách này bị chỉ trích từ nhiều phía. Các ký giả ngoại quốc không được phép vào trung tâm để làm phóng sự.
Việc giam giữ người tầm trú tại Nauru rất tốn kém. Năm 2017, một Ủy ban Thượng viện Úc nhận được một bản phúc trình cho biết kể từ năm 2012, việc giam giữ người tầm trú tại Nauru và đảo Manus của Papua New Guinea (PNG) đã ngốn của ngân sách liên bang ít nhất 5 tỷ Úc kim.
Từ số tiền khổng lồ này chỉ có một số nhỏ góp phần vào việc phát triển kinh tế của Nauru và PNG. Phần lớn được chi cho việc bảo trì, trả lương cho nhân viên làm việc trong trung tâm, phí tổn pháp lý và y tế v.v.
Nhưng dù sao Nauru vẫn là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất. Chính phủ Nauru nhận được tiền cho việc định cư người tầm trú, các dịch vụ công cộng, công ăn việc làm cho người dân địa phương. Nói chung, kinh tế của Nauru gia tăng nhờ trung tâm giam giữ người tầm trú.
Kinh tế của Nauru hầu như hoàn toàn lệ thuộc vào Úc Đại Lợi và chính sách giam giữ người tầm trú tại Nauru của nước này. Ngân sách 2018-2019 của Nauru cho thấy Úc Đại Lợi phải gánh lấy ít nhất hai phần ba thu nhập của Nauru. Năm vừa qua, sự đóng góp của Úc vào tổng sản lượng của Nauru lên đến 165 triệu Úc kim. Ngoài ra, trong năm tài khóa 2018-2019, Úc viện trợ cho Nauru 26 triệu Úc kim.
Khách du lịch Úc cũng mang lại một sức sống mới cho hãng hàng không Nauru Ailines. Hiện nay, Ngân hàng Phát triển Á Châu và Úc Đại Lợi đang tài trợ cho Nauru để tân trang hải cảng duy nhất của Nauru. Trong khi chờ đợi, phương tiện di chuyển duy nhất để đến quốc gia hải đảo này là máy bay.
“Lộ phí” hàng không hiện đang là một nguồn thu nhập đáng kể đối với Nauru. Nhưng một khi nguồn khoáng sản đã cạn kiệt, một khi chỗ dựa là trung tâm giam giữ người tầm trú không còn hoạt động nữa, thì liệu nguồn thu nhập từ “lộ phí” hàng không có đủ để vực dậy nền kinh tế của quốc gia hải đảo này không?


(theo: https://www.theguardian.com/world/2018/sep/04/corruption-incompetence-and-a-musical-naurus-riches-to-rags-tale)





Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018

Chuông chùa, chuông giáo đường


Chu Thập
07/09/18

Khi một nhân vật lịch sử nằm xuống, người ta thường thu thập những giai thoại về họ. Về cố thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, người ta thường nhắc đến câu chuyện có liên quan đến quyển tiểu thuyết nổi tiếng của văn hào Ernest Hemingway có tựa đề “For Whom the Bell Tolls” (Chuông gọi hồn ai đó), được xuất bản hồi năm 1940. Chuyện kể về một thanh niên Mỹ tên là Robert Jordan đã tình nguyện gia nhập vào Đội quân Quốc tế theo phe Cộng Hòa để chống lại phe Quốc gia do nhóm Phát xít yểm trợ trong cuộc chiến Tây Ban Nha (1936-1939).
Năm lên 12 tuổi, tình cờ nhặt được hai chiếc lá thật đẹp từ một cành cây trước nhà, cậu thiếu niên McCain đã chạy vội vào phòng đọc sách của cha mình để tìm một cuốn  sách hầu ép những chiếc lá này. Cậu muốn giữ những chiếc lá như một kỷ vật mang lại may mắn. Cuốn sách mà cậu tìm thấy trước tiên chính là quyển tiểu thuyết “Chuông gọi hồn ai đó” của văn hào Hemingway. Trang sách cậu tình cờ mở ra lại nằm ngay trong chương 10 của quyển sách. Đây là trang mô tả về sự tàn ác của chiến tranh. Cậu đã bị lôi cuốn tức khắc và đã đọc hết cuốn sách. Nhân vật Robert Jordan đã gợi lên trong cậu một niềm cảm hứng sâu xa: cậu mơ ước mình cũng có được “lòng can đảm và tinh thần cao thượng” như nhân vật chính của cuốn sách.
Trong cuốn hồi ký có tựa đề “Worth the Fighting For” (Một cuộc chiến xứng đáng để chiến đấu cho), được xuất bản năm 2002, Thượng nghị sĩ McCain đã viết như sau: “Từ rất lâu, Robert Jordan là một nhân vật mà tôi ngưỡng mộ hơn hầu hết mọi người khác trong đời sống thật cũng như trong tiểu thuyết. Anh ta là một người gan dạ, luôn quyết tâm và có khả năng, lại biết hy sinh quên mình, anh có đầy đủ những tính chất làm nền tảng cho lòng can đảm mà tác giả Hemingway đã mô tả như là một nét dễ thương khi đứng trước áp lực, một người đàn ông sẵn sàng hy sinh tính mạng chứ không bao giờ chịu bán rẻ danh dự của mình” (x. http://thoibao.com/chuong-goi-hon-john-mccain/).
Thời trung học, tôi chưa có đủ khả năng để đọc nguyên bản “Chuông gọi hồn ai đó” bằng Anh ngữ. Nhưng bản dịch bẳng tiếng Pháp “Pour qui sonne le glas”, thì tôi lại rất quen thuộc. Quả thật, câu chuyện gợi lên nhiều cảm hứng cho giới trẻ. Nhưng với riêng tôi, cứ mỗi lần nghe nhắc đến tựa đề của quyển tiểu thuyết, tôi lại nhớ đến tiếng chuông chùa và chuông giáo đường trong làng tôi.
Làng tôi, một làng quê thuộc tỉnh Khánh Hòa, miền Trung Việt Nam, là một trong những ngôi làng có truyền thống “tôn giáo đề huề” nhứt.  Một nửa họ hàng của tôi theo Công giáo, một nửa theo Phật giáo hay Đạo ông bà. Bên ngoài nhà thờ hay nhà chùa, ai cũng đều là ông bà, cô bác, cô dì, anh chị em với nhau. Biểu tượng của 2 tín ngưỡng nổi bật trong làng tôi là tiếng chuông chùa và chuông giáo đường. Sáng tối trưa chiều, hầu như ngày nào tôi cũng “phải” nghe tiếng chuông. Bên kia con sông Con chia cách làng làm hai là tiếng chuông chùa. Bên này bờ sông là tiếng chuông nhà thờ.
Tiếng chuông chùa nghe âm u, buồn thảm, nhứt là những ngày mưa gió, nhưng cũng luôn có sức gợi lên ray rứt và sám hối. Trong một truyện viết về một vùng nông thôn, nhà văn Nguyễn Khải trong nước đã nói đến sức mạnh cải hóa của tiếng chuông chùa. Vào giữa lúc chế độ cộng sản có thái độ nghi kỵ cũng như nỗ lực tiêu diệt tôn giáo, nhà văn Nguyễn Khải kể lại câu chuyện của một ông huyện ủy được bổ nhiệm về một vùng quê. Một trong những công tác đầu tiên của ông là cho sửa lại một ngôi chùa đổ nát, sau đó mời một nhà sư về tụng kinh gõ mõ. Ông huyện ủy tin rằng sớm một hồi chuông, tối một hồi chuông, tên cướp nào, dù sừng sỏ đến đâu, nghe mãi rồi có lúc cũng phải hồi tâm.
Tiếng chuông từ giáo đường của tôi có đủ âm điệu vui buồn. Nhưng hình như buồn nhiều hơn vui. Tuần bảy ngày có đến sáu buổi sáng tôi phải nghe “tiếng chuông gọi hồn” từ tháp chuông nhà thờ của tôi. Thời đó, sáng  nào trong nhà thờ cũng có “lễ mồ”, tức lễ cầu hồn. Người ta dựng lên một ngôi mồ giả giữa nhà thờ. Mồ giả được phủ bằng một lớp vải đen được vẽ lên với mọi cảnh của tang chế như những giọt nước mắt, những chiếc đầu lâu, những chiếc xương...Trên bàn thờ cũng như các cây cột trong nhà thờ, người ta treo toàn những tấm liễn màu đen...5 giờ sáng, tiếng cầu kinh của vị linh mục và cung điệu buồn thảm bằng tiếng La Tinh của ca đoàn được kèm theo những tiếng chuông cứ mỗi phút gõ đều một cái. Lễ cầu cho người quá cố cũng là một lời mời gọi hồi tâm và sám hối!
Nhưng buồn thảm nhứt vẫn là tiếng chuông bất thần vang lên từng tiếng đứt quãng giữa ban ngày. 9 tiếng báo hiệu có một phụ nữ trong xóm đạo vừa thở hơi cuối cùng. Còn 7 tiếng thì nghe khủng khiếp hơn: một người đàn ông, nhứt là một người lính chết trận bất thần được đưa về gia đình mà không có một lời báo trước.
Tôi không biết tựa đề “Chuông gọi hồn ai đó” của quyển tiểu thuyết của nhà văn Hemingway có gợi lên trong Thượng nghị sĩ McCain cùng những cảm xúc và suy nghĩ như tôi không. Chỉ biết rằng suốt cuộc đời binh nghiệp và chính trị của ông, lúc nào ông cũng nhập vai một trách trọn vẹn vào nhân vật Robert Jordan của quyền tiểu thuyết. Trong đám tang của ông, nhiều người đã nói đến những đức tính và lý tưởng cao đẹp mà ông là hiện thân. Dù không muốn nhìn nhận ông là một anh hùng quốc gia đi nữa thì ít ra cũng không thể hẹp hòi đến độ không dành cho ông sự kính trọng vì lòng can đảm, tính cương trực, tấm lòng vị tha  và sự công minh của ông. Có người tôn ông lên bậc quân tử. Cũng có người so sánh ông với cố Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofy Anan và gọi ông là người chính trực.
Quả thực ông có nhiều đức tính để tôi nhìn vào như một tấm gương. Tuy nhiên, với tôi ông cũng chỉ là một con người như mọi người khác, nghĩa là cũng từng có những yếu đuối, lầm lẫn, sai lạc. Trong những ngày cuối đời, ông đã cố gắng viết một di chúc để lại cho nhân dân Mỹ. Ở ngưỡng cửa của sự chết, nhìn lại cuộc đời, con người thường tỏ ra sáng suốt hơn lúc nào hết cho nên họ thường nói lên những điều khôn ngoan. Trong di chúc của Thượng nghị sĩ McCain tôi chú ý đến câu ông viết trong phần mở đầu: “Tôi đã cố gắng phục vụ đất nước trong danh dự. Tôi đã có những sai lầm, nhưng tôi hy vọng rằng tình yêu của tôi đối với nước Mỹ sẽ được tính để bù sớt cho những sai lầm đó”. Trong dòng kế tiếp, ông nhắc lại: “Cũng như hầu hết mọi người, tôi cũng đã có những hối tiếc”.
Đọc những lời tự thú trên đây và nghe văng vẳng bên tai “Chuông gọi hồn ai đó”, tôi cho rằng  chân dung của Thượng nghị sĩ McCain đã tỏa sáng hơn khi ông nhìn nhận mình đã có những yếu đui, sai lầm. Suốt cuộc đời, ông đã sống can đảm. Cuối đời, ông lại càng tỏ ra can đảm hơn khi thú nhận mình đã có lúc sai lầm. Theo ngôn ngữ tôn giáo, ông đã tỏ lòng sám hối. Sám hối, hiểu một cách thấu đáo, chính là dám đào sâu trong lương tâm của mình và nhìn nhận sự thật. Nhìn nhận sự thật, sống chết cho sự thật...đó mới thực sự là can đảm.
Thời buổi này, có lúc tôi cảm thấy hoang mang vì không biết rồi đây “sự thật” sẽ đi về đâu. Nhứt là mới đây, trong một cuộc phỏng vấn trên đài NBC ở Mỹ, luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump là ông Rudolph Giuliani , khi tìm cách biện minh cho thân chủ của mình, đã tuyên bố: “Sự thật không phải là sự thật” (Truth isn’t truth).  Hồi năm ngoái, sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Trump khẳng định rằng số người tham dự lễ đăng quang của ông đông hơn nhiều so với số người tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của người tiền nhiệm ông là Tổng thống Barack Obama. So sánh 2 bức ảnh chụp được về 2 buổi lễ, ai cũng thấy số người tham dự lễ tuyên thệ của Tổng thống Obama đông hơn nhiều so với số người tham dự lễ đăng quang của Tổng thống Trump. Nhưng vị nữ cố vấn thân cận của Tổng thống Trump là bà Kellyanne Conway lại khẳng định rằng Tổng thống Trump hoàn toàn đúng, bởi vì có những sự kiện mà bà gọi là “sự kiện khác” (alternative facts).
Thú thật, tôi chẳng hiểu “sự kiện khác” là gì. Kể từ đó, tôi luôn cảm thấy hoang mang khi người ta nói về “sự thật”. Có sự thật không? Sự thật là gì? Trả lời cho một câu hỏi như thế đâu có đơn giản. Thời mới bước chân vào ngưỡng cửa triết học, hai môn nhập môn tôi phải học là luận lý học và tri thức luận và câu hỏi đầu tiên tôi phải bù đầu bứt tóc để trả lời là: sự thật là gì?  Định nghĩa kinh điển nhứt về sự thật mà tôi học được là: sự tương hợp của trí tuệ và sự vật (adaequatio intellectus et rei). Tôi chẳng bao giờ thỏa mãn về định nghĩa này. Sự vật hay thực tại mà trí khôn của tôi tiếp cận với qua các giác quan hay qua chứng từ của người khác thường được nắm bắt bằng nhận thức của tôi. Mà nhận thức của tôi có khi lại rất giới hạn.
Thời xa xưa, trái đất bằng phẳng và mặt trời quay xung quanh trái đất đã chẳng là một “sự thật” hiển nhiên đó sao? Nếu các nhà khoa học không chứng minh ngược lại thì có lẽ nhân loại vẫn cứ tiếp tục bám vào “sự thật” ấy. Có những điều tôi cho là sự thật nhưng người khác lại bảo là sai lầm. Triết gia kiêm khoa học gia Pháp Blaise Pascal (1623-1662) đã chẳng nói: “Sự thật bên này dãy núi Pyréneés lại là sai lầm bên kia dãy núi đó” (Vérité en decà des Pyrénées, erreur au delà). Sự thật lúc này có thể  không phải là sự thật lúc khác và sự thật của người này có khi không phải là sự thật đối với người khác. Thí dụ, về hiện tượng trái đất bị hâm nóng, trong khi các khoa học gia cho rằng đó là một hiện tượng thật đã và đang xảy ra thì có người lại quả quyết là không đúng vì mùa Đông ông ta vẫn cảm thấy lạnh và tuyết vẫn rơi. Tin vào cảm nhận và giác quan giới hạn của mình để phủ nhận những dữ kiện dựa trên những bằng chứng khoa học là một điều nguy hiểm vì dù thông minh cách mấy, ai cũng có giới hạn.
Định nghĩa thế nào là sự thật không phải là điều dễ dàng. Thuyết phục người khác về sự thật lại càng khó hơn. Chỉ có điều: tôi biết một cách chắc chắn là có sự thật! Sự thật cũng giống như không khí tôi hít thở từng phút từng giây. Tôi chỉ biết có không khí và thế nào là không khí khi tôi bị ngộp thở. Cũng thế, tôi thường biết có sự thật khi tôi nói dối. Và có con người nào có mặt trên mặt đất này mà đã không ít hay nhiều nói dối?
Kinh nghiệm đầu đời của tôi không phải là cảm nghiệm được sự thật cho bằng biết nói dối. Và trong hơn 70 năm sống kiếp con người, tôi ý thức rằng có sự thật và thế nào là sự thật mỗi khi tôi nói dối. Khi tôi phạm pháp như trốn xâu lậu thuế hay cướp của giết người và bị đưa ra trước tòa, luật sư giỏi có thể cãi cho tôi trắng án, nghĩa là vô tội. Nhưng sự thật như thế nào thì chỉ có tòa án lương tâm của tôi mới biết mà thôi!
Ngày nay, tôi không còn nghe được tiếng chuông chùa hay chuông giáo đường nữa. Nhưng từ trong đáy thẳm tâm hồn của tôi, lúc nào cũng có tiếng “chuông gọi hồn ai đó” luôn nhắc nhở tôi về sự thật. Sự thật không phải là điều để định nghĩa, lý luận, tranh cãi mà là để thực thi, để sống, nhứt là để phán xét chính tôi. Không cần phải đợi xuống mồ, khi tôi không còn hay không muốn nghe tiếng “chuông gọi hồn ai đó” nữa, thì đó là lúc tôi đã chết rồi.