Thứ Hai, 20 tháng 1, 2020

Tôi không biết người này!


Chu Thập
21.01.20
“Thấy sang bắt quàng làm họ” là chuyện thường tình trên thế gian này. Cũng như rất nhiều người, tôi cũng thích lân la đến gần những nhân vật nổi tiếng. Với hy vọng hão huyền kiếm được vài mảnh vụn từ bàn ăn danh vọng và tiếng tăm của họ. Còn gì sung sướng bằng có được chữ ký của họ hay có được tấm hình chụp chung với họ. Tôi vẫn còn giữ mãi bức hình chụp với Đức Gioan Phaolô II hồi cuối thập niên 1990. Tôi vẫn sống mãi với cái cảm giác lâng lâng khi được bắt tay nhà lãnh đạo của hơn 1.2 tỷ người  công giáo này. Dĩ nhiên, trong ký ức của nhà lãnh đạo tinh thần này hẳn không có bất cứ một dấu vết nào của một tên vô danh tiểu tốt như tôi. Mỗi ngày gặp gỡ không biết bao nhiêu người, chụp hình chung với không biết bao nhiêu người và ký tên không biết bao nhiêu lần, các nhân vật nổi tiếng làm sao nhớ hết mặt mũi chớ đừng nói đến tên họ của những người đã một lần gặp gỡ họ cách này hay cách khác.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump  là người có nhiều quyền lực và dĩ nhiên cũng là nhân vật nổi tiếng nhứt trên thế giới hiện nay. Mỗi ngày ông gặp gỡ và chụp hình chung với biết bao nhiêu người. Cũng như các nhân vật nổi tiếng khác trên thế giới, tôi tin chắc là ông cũng không thể nào nhớ hết những cái bắt tay hay những tấm hình ông chụp chung với người khác. Tuy nhiên, một “thiên tài ổn định” như ông, với một khối óc thông minh và trí nhớ sắc sảo không ai sánh bì như ông vẫn thường tự nhận, chắc chắn không thể quên được một số người mà cách này hay cách khác ông đã có quan hệ với. Thành ra, tôi cứ thắc mắc không hiểu tại sao một nhân vật hiện đang được nhắc tới rất nhiều trong vụ điều tra luận tội ông là ông Lev Parnas lại hoàn toàn bị xóa khỏi bộ nhớ của ông. Lev Parnas là một tỷ phú sinh trưởng tại Ukraine dưới thời nước này còn thuộc Liên Xô. Năm 23 tuổi, ông đến định cư tại Tiểu bang Florida. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây trên Đài MSNBC, ông này nói rằng “Tổng thống Trump biết một cách chính xác điều đang diễn ra. Ông biết rõ đường đi nước bước của tôi...Tôi đã không làm bất cứ điều gì nếu không có sự đồng ý của ông Rudy Giuliani hay của tổng thống”.
Ông Parnas chỉ bắt đầu quan tâm đến chính trị khi ông Trump ra tranh cử tổng thống. Ông đã tham gia vào các cuộc vận động bầu cử của ông Trump và trở thành một trong những người đóng góp rất hào sảng cho ứng cử viên Trump. Theo ký giả Adam Entous của báo The New Yorker, ông Parnas cho biết đã gặp gỡ với ông Trump rất nhiều lần, nhưng hai người chỉ thật sự “biết nhau” kể từ khi ông Trump ra tranh cử tổng thống hồi năm 2016. Sau khi ông Trump đắc cử, ông Parnas trở thành phụ tá đắc lực của ông Giuliani, luật sư riêng của ông Trump và đại diện cho ông này để thu thập những tài liệu bẩn về cha con ông Joe Biden, người được xem là một trong những ứng cử viên sáng giá nhứt của Đảng Dân Chủ và là đối thủ nặng ký của ông Trump trong cuộc bầu cử vào cuối năm nay.
Cùng với lời khai trên đây, ông Parnas cũng trưng dẫn một số bức hình chụp riêng với Tổng thống Trump. Nhưng Tổng thống Trump vẫn một mực quả quyết: “Tôi không biết người này!”.
Thật ra không riêng gì ông Parnas, mà hình như bất cứ ai có dính líu đến bất cứ hồ sơ bất lợi nào cho tổng thống Trump cũng đều bị xóa khỏi bộ nhớ của ông. “Tôi không biết người này!” đó là câu thần chú rất linh nghiệm thường được ông Trump tụng niệm mỗi khi gặp rắc rối với người nào đó.
Trong một cuộc họp báo dạo tháng Mười Một năm 2018, khi được hỏi về ca sĩ nhạc Rap Lil Jon, người đã cho biết ông đã từng gọi anh là “Chú Tom” (Uncle Tom), Tổng thống Trump trả lời: “Tôi không biết Lil Jon là ai. Tôi thực sự không biết”. Thật ra, Lil Jon đã hai lần tham gia tranh tài trong chương trình truyền hình thực tế “The Celebrity Apprentice” của ông Trump. Trong một “tuýt” bắn đi hồi năm 2012, ông đã từng gọi anh là một “người tuyệt vời” và là một “người bạn lớn”. Tên của ca sĩ nhạc Rap nổi tiếng này bị xóa khỏi bộ nhớ của Tổng thống Trump chỉ vì anh dám phê bình cách hành xử tồi tệ của ông.
Cũng vậy, khi một cựu nữ tiếp viên tại Trump Tower tiết lộ rằng tuy không có sự đồng ý của cô ông đã hôn lên môi cô, Tổng thống Trump thẳng thừng bác bỏ điều đó cũng bằng câu: “Tôi không biết cô ta và tôi chưa từng gặp cô ta”.
Đáng ngạc nhiên nhứt có lẽ là số phận của luật sư George Conway, chồng của bà Kellyanne Conway, cố vấn cao cấp của ông Trump. Bị luật sư Conway chỉ trích, ông lên Twitter bắn lại cái “tuýt” của giám đốc vận động tranh cử của ông: “Tổng thống Hoa Kỳ không biết ngay cả ông ta là ai”. Nhưng sau đó, báo The Washington Post cho phổ biến một lá thư ông viết hồi năm 2006. Trong lá thư người sẽ là tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ đã cám ơn ông Conway vì đã giúp ông giải quyết một vấn đề liên quan đến các cao ốc của ông. Trong phần ghi chú của lá thư, ông còn viết cho ông Conway: “Ông có một tiếng nói thật mạnh. Chắc chắn đây là vốn liếng không tồi cho một luật sư kiện tụng hàng đầu”.
Bỉ mặt nhứt có lẽ là ông George Papadopolos, một thành viên của toán cố vấn ngoại giao của ông. Trong một cuộc phỏng vấn với báo The Washington Post, ông nói rằng ông Papadopolos là một  cố vấn về năng lượng và dầu hỏa, một người tuyệt vời” . Ông còn tuýt cả một tấm hình ghi lại một phiên họp trong đó ông Papadopolos ngồi cách ông chỉ có 3 người. Vậy mà khi ông này gặp chuyện rắc rối, Tổng thống Trump vẫn có thể tỉnh bơ tuyên bố: “Tôi không biết ông ta. Tôi thấy ông ta ngồi đồng bàn với tôi. Đó là điều duy nhứt tôi biết về ông”.
Ông cũng có cùng một giọng điệu đối với Wikileaks, trang mạng đã từng làm việc với tình báo Nga để phổ biến các điện thư của bà Hilary Clinton. Trong cuộc vận động bầu cử hồi năm 2016, chính ông là người đã thường xuyên nhắc đến Wikileaks. Ngay cả trước một đám đông ủng hộ ông, ông đã nói: “Tôi yêu Wikileaks”. Nhưng khi người sáng lập Wikileaks là Julian Assange bị bắt tại London, Tổng thống Trump tuyên bố: “Tôi chẳng biết gì về Wikileaks”.
Cay đắng hơn cả có lẽ là trường hợp ông Gordon Sondland, đại sứ Hoa Kỳ bên cạnh Liên Âu. Ông này đã tặng một triệu Mỹ kim cho ủy ban tổ chức lễ nhậm chức của ông Trump. Nhờ vậy ông được bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Âu. Trong cuộc điều tra luận tội ông Trump, ông Sonland cho biết đã từng nói chuyện qua điện thoại với ông và khai những điều bất lợi cho ông. Phản ứng trước sự kiện này, Tổng thống tuyên bố: “Tôi không biết nhiều về ông. Tôi  không có nói chuyện nhiều với ông”.
Riêng về quan hệ với đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Trump cũng ca một bài tương tự. Từ năm 2015 đến năm 2016, ông nói rằng ông có “mối quan hệ ” với ông Putin, rằng ông Putin đã tặng cho ông một món quà, rằng ông đã nói chuyện với ông ta và “biết rất nhiều về ông ta”. Nhưng kể từ khi có cuộc điều tra về việc Nga can thiệp vào bầu cử nhằm đưa ông lên làm tổng thống, ông Trump liền khẳng định: “Tôi không biết ông Putin là ai” “tôi không có quan hệ nào với ông Putin” và “tôi không biết Putin”.
“Tôi không biết người này!”. Dù cho Tổng thống Trump có lập đi lại câu thần chú này, ông không phải là người đầu tiên sử dụng nó. Ai cũng biết rằng thánh Phêrô, người môn đệ thân tín nhứt của Chúa Giêsu và về sau được Ngài đặt làm thủ lãnh Giáo hội, đã từng nói câu đó về Thày mình. Khi Chúa Giêsu bị bắt, thánh Phêrô cố lẻn vào bên trong sân của dinh vị thượng tế, người đứng ra xét xử Ngài. Nghe giọng nói của thánh nhân, một phụ nữ mới hỏi ngài có phải là người đã từng sống với Chúa Giêsu không. Thánh Phêrô liên chối bai bải: “Tôi thề là chẳng biết người các ông nói đó”. Như Chúa Giêsu đã báo trước, gà chưa kịp gáy 2 lần thì ông đã chối Ngài đến ba lần. Nghe tiếng gà gáy và nhớ lại lời của Thày mình, thánh Phêrô liền chạy ra ngoài và Kinh Thánh đã ghi lại: Ngài đã “khóc lóc thảm thiết”. Hẳn đó phải là những giọt nước mắt đẹp nhứt trong lịch sử của Kitô Giáo! Tổng thống Trump, người được 80 phần trăm tín hữu Tin Lành tại Mỹ ủng hộ và người luôn khoe thành tích về việc bảo vệ Kitô Giáo, hẳn rành về câu chuyện này hơn ai hết!
Đọc lại chuyện của thánh Phêrô và tự vấn lương tâm, tôi có ý nghĩ: còn để cho lương tâm cắn rứt thì có lẽ ai cũng cảm thấy hối hận và sám hối vì đã chối bỏ, khước từ hay loại trừ một người nào đó.
Và cả tôi nữa, viết đến đây, tôi chợt nhớ là tôi không những đã từng “làm ngơ” ai đó mà còn chối bỏ chính căn cước của tôi: một người tỵ nạn, một người vô tổ quốc, một người từng nghèo đói, một người từng nhờ sự bao dung của người khác để tồn tại.
Thật buồn thay, tôi cũng đang chối bỏ chính mình!











Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2020

Nhân tâm...tùy mạng mỡ!



Chu Thập
14.1.20
Sau mùa nghỉ lễ Giáng Sinh và Năm Mới vừa qua, tôi đứng lên bàn cân để xem mình có đủ sức thực hiện quyết tâm đầu năm là giữ cho vòng bụng không phình ra thêm một ly nào không. Kể từ khi biết mình bị tiểu đường và nhớ lời cảnh cáo của bác sĩ: “lượng đường trong máu tăng theo tỷ lệ thuận với vòng bụng”, lúc nào tôi cũng theo dõi sự phát triểu của cái bụng.
Những suy nghĩ và triết lý vụn vặt của tôi thường xoay quanh cái bụng. Thời thanh niên, nhìn mấy ông ba Tàu vừa sói đầu vừa to bụng trong thị trấn nhỏ của tôi là Thành, tôi cứ nghĩ rằng cái bụng phệ là biểu hiện của sự giàu sang và khỏe mạnh. Không hiểu học được ở đâu, thằng bạn nối khố sát bên cạnh nhà tôi lúc nào cũng tìm cách thuyết phục tôi rằng chỉ cần mỗi buổi tối ăn một ổ bánh mì nóng có trét bơ là “to con” và khỏe mạnh. Cùng với những buổi sáng tập tạ dựa theo những chỉ dẫn trong “bắp thịt trước đã” của tác giả Phạm Tấn Tươi, hai đứa cũng đua nhau mỗi tối “thộn” bánh mì nóng cho đầy bụng!
Sau năm 1975, dưới thời “chó chết” của mấy ông cộng sản, có tối đến nằm mơ may ra mới thấy mình to bụng và to con. Cho nên, đầu thập niên 1980,  thoát khỏi thiên đường cộng sản, chạy sang các nước thừa mứa thịt thà, bơ sữa và rượu bia, tôi mới ăn trả thù. Chỉ trong một tháng “tối sâm banh, sáng sữa bò”, vòng bụng của tôi phình ra, thể trọng của tôi tăng thêm gần 20 ký! Nhưng đó cũng là lúc tôi bắt đầu nghe người dân Tây Phương bàn tán xôn xao về mỡ (cholesterol) trong máu và vô số những chứng bệnh do mỡ trong máu tạo ra. Tôi chợt nhớ lại lời dặn của cha tôi.
Cha tôi chỉ là một nông dân thất học và cũng có vô số tính hư tật xấu. Nhà tôi lại nghèo cho nên tuy là con trai út, tôi chẳng hưởng được bất cứ phần gia tài nào do cha tôi để lại. Tuy nhiên,  có một thứ kho báu mà lúc nào tôi cũng thấy cần phải tiếp nhận từ cha tôi: đó là cách sống của ông! Cha tôi không bao giờ đụng tới rượu bia. Không biết có phải do ghét Tây và chống Mỹ cứu nước không, không bao giờ ông dùng thuốc Tây. Cứ  sau mỗi bữa ăn, ông uống hai viên cao lô hội (aloe vera) như thuốc nhuận trường. Và đây là lời “vàng ngọc” mà cha tôi đã để lại: “hễ cái bụng tốt thì mọi thứ đều tốt”. Cả đời không hề biết đến thuốc Tây, vậy mà ông đã tỉnh bơ sống khỏe mạnh cho đến lúc 95 tuổi!
“Hễ cái bụng tốt thì mọi thứ đều tốt”. Tôi đã nghiệm thấy lời của cha tôi đúng trong rất nhiều trường hợp. Táo bón là điển hình của một cái bụng không tốt. Táo bón làm cho nhức đầu và nhức đầu thì đương nhiên dễ cau có. Thành ra táo bón tạo ra cái “mặt táo bón” dễ ghét!
“Hễ cái bụng tốt thì mọi thứ đều tốt”. Tốt cả thể lý lẫn tinh thần. Người có cái bụng tốt thường cũng là người “tốt bụng”. Điều ấy cũng dễ hiểu: khỏe mạnh thì đương nhiên cũng vui vẻ và vui vẻ thì cũng dễ cảm thông, rộng lượng, quảng đại. Người Tây Phương xem trái tim là biểu tượng của tình yêu và là “trụ sở” của mọi cảm xúc. Người Á đông như Việt Nam chẳng hạn thì lại chú tâm đến cái bụng. Thật ra, con người ta thường suy nghĩ bằng cái bụng và từ cái bụng. Bụng đói không có tai cho nên dễ làm liều đã đành, mà bụng đầy phè cũng dễ khiến cho con người suy nghĩ lệch lạc.
Năm nay, lên bàn cân thấy vòng bụng của mình không thay đổi bao nhiêu, tôi mừng. Mừng vì thấy mình không nằm trong số tăng ký trung bình của người Úc sau mỗi kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh và Năm Mới. Theo Cơ quan Dinh Dưỡng Úc Đại Lợi (Nutrition Australia), trung bình người Úc tăng từ 0.8 đến 1.5 ký sau mỗi Mùa Giáng Sinh. Một cuộc nghiên cứu mới vừa được phổ biến trên tạp chí The BMJ Christmas cũng cho thấy  người dân của những nước giàu có thể tăng trung bình từ 0.4 đến 1 ký lô mỗi năm, thường là vào dịp nghỉ lễ Giáng Sinh.
Lâu nay đã có nhiều báo động về tình trạng quá ký và béo phì của người Úc. Một cuộc thăm dò được thực hiện cách đây gần 15 năm đã cho thấy có đến 53.6 phần trăm người Úc bị xem là quá ký và 18 phần trăm được xếp vào hạng béo phì. Vào năm 2016, tỷ lệ này tăng đến mức chóng mặt: 65 phần trăm bị xem là quá ký và 29 phần trăm trong số này được liệt kê vào hạng béo phì. So với năm 1995, tý lệ này đã tăng gấp đôi. Vào lúc đó, chỉ có 30 phần trăm người lớn bị xem là quá ký và tỷ lệ người béo phì chỉ có 11 phần trăm. Điều này cho thấy cứ đà này, người Úc ngày càng quá ký và béo phì.
Nhìn sang các nước giàu có khác, người ta cũng thấy một hiện tượng tương tự. Trung tâm Toàn quốc Thống kê về Y tế (The National Center for Health Statictics) ước tính rằng tại Mỹ trong 2 năm 2015-2016, có khoảng gần 40 phần trăm người lớn từ 20 tuổi trở lên bị xem là quá ký và trên 30 phần trăm là béo phì. Tỷ lệ này ngày càng gia tăng chớ không giảm. Hiện tượng này hiện cũng đang xảy ra tại quốc gia có nền kinh tế đứng hàng thứ nhì trên thế giới là Trung Cộng. Hiện có khoảng một phần năm trong số hơn một tỷ dân của quốc gia khổng lồ này bị xem là quá ký hay béo phì. Trước kia, Trung Cộng được xem là một trong những nước có số người gầy nhiều nhứt thế giới. Nay với sự phát triển kinh tế tăng tốc đến mức chóng mặt và trên đà chạy theo văn minh tiến bộ của các nước Tây Phương, Trung Cộng đã trở nên ngày càng quá ký và béo phì.
Thời trẻ, tôi nhìn vào cái bụng phệ như dấu hiệu của sự giàu sang và khỏe mạnh. Ngày nay, một ít hiểu biết phổ thông về y tế đã mở mắt cho tôi để nhận ra rằng cái bụng phệ là giềng mối của không biết bao nhiêu bệnh tật từ tiểu đường đến tim mạch và trí não. Các nước giàu có có thể “mạnh” về nhiều lãnh vực, đặc biệt là kinh tế và quân sự. Nhưng với cái bụng phệ luôn đi trước, người dân của những nước giàu có ấy không đương nhiên “giàu” và “mạnh khỏe” ngay cả về mặt tinh thần.
Có thực mới vực được đạo. Đồng tiền liền khúc ruột. Cái bụng phệ thường thúc đẩy con người suy nghĩ theo chiều hướng “chỉ có kinh tế”, “kinh tế trước hết”. Năm 1992, trong cuộc vận động bầu cử tổng thống Mỹ, chiến lược gia của ứng cử viên Bill Clinton là ông James Carville đã tung ra khẩu hiệu “The economy, stupid” (Vấn đề chính là kinh tế, biết chưa, đồ ngu!). Nhờ chiến lược này, ứng cử viên Bill Clinton đã đánh bại Tổng thống George Bush Cha và 4 năm sau, ngay cả khi bị đàn hặc te tua vì vụ bê bối tình dục, ông vẫn được người Mỹ ủng hộ. Nay, cũng có nhiều suy đoán rằng Tổng thống Donald Trump cầm chắc trong tay sẽ giành thêm một nhiệm kỳ nữa bởi vì kinh tế Mỹ đang lên như diều gặp gió.
Nếu chỉ dựa vào kinh tế để đánh giá một nhà lãnh đạo hay một đảng cai trị thì không nơi nào đảng cầm quyền và lãnh tụ của đảng này đáng được đề cao cho bằng Trung Cộng. Sau hơn ba thập niên, Trung Cộng đang từ một nước nghèo đã biến thành một cường quốc chỉ sau Hoa Kỳ. Nhưng cũng sau hơn 3 thập niên thực hiện “phép lạ kinh tế”, có lẽ Trung Cộng mới chợt nhận ra rằng cái giá mà họ phải trả cho cái “phép lạ kinh tế” ấy là vô số những thiệt hại và mất mát không gì có thể bù lại: môi trường sống bị khai thác đến cạn kiệt và hủy hoại, các giá trị đạo đức và nhân bản làm nên sức mạnh đích thực của con người hoàn toàn bị chà đạp và xóa bỏ. Cái bụng ngày càng phình ra của người dân Trung Cộng chỉ có thể là dấu hiệu của sự nghèo nàn về nhiều mặt và bệnh hoạn. “Phép lạ kinh tế” nào cũng có cái giá của nó.
Úc Đại Lợi dù chưa từng hưởng một “phép lạ kinh tế” nào nhưng cái tội “đào đất lên bán” cũng đủ làm cho đất nước này đang phải trải qua một thảm nạn cháy rừng chưa từng có trong lịch sử Úc Đại Lợi. Xem kinh tế là tất cả và ưu tiên cho nên cứ “đào đất lên bán”, bất kể môi trường sống có bị hủy hoại, thiên nhiên có bị tàn phá...Nay quốc gia miệt dưới này mới chợt nhận ra rằng kinh tế không phải là trên hết và tất cả mà cần phải đo lường giá trị của một quốc gia dựa trên những tiêu chí khác như phẩm chất cuộc sống người dân, phẩm chất của môi trường, những giá trị đạo đức và nhân bản giữa người với người và giữa người với thiên nhiên...
Có người nói “nhân tâm...tùy mạng mỡ”. “Mạng mỡ” có thể hiểu theo cả hai nghĩa. Để có thân hình đẹp người ta thường đi hút mỡ. Có lẽ cũng phải “hút” cả mạng mỡ nhân tâm để có thể có những ước muốn lành mạnh cho bản thân, có những cái nhìn hiểu biết và thông cảm với những người khác trong xã hội và nhứt là biết sống có trách nhiệm với thiên nhiên và môi trường sống.





Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2020

Xung đột với Iran có thể là điều không thể tránh khỏi...




                                                 Maximilian Popp, Spiegel online
                                                  Chu Thập  chuyển ngữ.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump không ngừng nhấn mạnh rằng ông không hề muốn có chiến tranh với Iran. Nay, sau vụ giết chết tướng Qassem Soleimani,  xung đột có thể là điều không thể tránh khỏi. Đây là cái  giá phải trả vì một chính sách ngoại giao dựa trên ngẫu hứng hơn là các chuyên gia.
Tổng thống Trump muốn làm mọi sự khác người; ông sử dụng mặc cả hơn là sự liên minh, gây áp lực hơn là chiến thuật. Ngay cả trong hàng ngũ những người chỉ trích ông Trump cũng có nhiều người cho rằng ngoại giao có thể là một điều không tốt. Xét cho cùng, ngay cả các vị tiền nhiệm của Tổng thống Trump cũng đều đã phải vất vả trong nhiều năm để tìm ra những giải pháp cho một loạt những vấn đề xem ra không có giải pháp như A Phú Hãn, Ba Tư, Bắc Hàn.
Tổng thống Trump đã hoàn toàn đoạn tuyệt với chính sách ngoại giao truyền thống của Hoa Kỳ. Ông loại bỏ các chuyên gia trong Bộ Ngoại giao và không màng đến những phương thế ngoại giao như thương lượng, trao đổi và cân nhắc các quyền lợi (của quốc gia). Nguyên tắc chỉ đạo của ông là “đạp đổ”. Ông cho rằng ông có thể giải quyết các cuộc xung đột chỉ bằng trực giác và trí tưởng tượng của ông. Xét cho cùng, phải chăng các công ty kỹ thuật ở Thung lũng Silicon đã chẳng làm thay đổi bộ mặt thế giới bằng những phát mình của họ đó sao?
Tuy nhiên, nay mọi người đều thấy rõ cung cách làm việc của ông Trump hoàn toàn thất bại. “Đạp đổ” có thể là một phương thức thích hợp đối với Google và Facebok, nhưng không có giá trị đối với sinh hoạt chính trị trên toàn cầu.
Hôm thứ Ba (31/12/2019) vừa qua, có lẽ với sự chỉ đạo của Ba Tư,  các dân quân Shiite đã tấn công Tòa đại sứ Mỹ tại Baghdad và Đại sứ Mỹ đã phải cùng với nhân viên tòa đại sứ di tản. Đêm thứ Năm (2/01/2020), với một hỏa tiễn bắn vào Baghdad, Hoa Kỳ đã đáp trả bằng việc giết chết tướng Qassem Soleimani, chỉ huy trưởng của Lực Lượng Quds của Ba Tư. Tưóng Soleimani vốn được coi là nhân vật quyền lực thứ nhì tại Ba Tư và cuộc ám sát ông không gì khác hơn là một hành động tuyên chiến. Cũng gần đúng vào lúc đó, nhà độc tài Bắc Hàn Kim Jong Un đe dọa sẽ cho thử nghiệm những vũ khí nguyên tử mới. Cả hai cuộc khủng hoảng đều đã được Tổng thống Trump hứa sẽ kiềm chế nay đã trở thành nguy ngập và đe dọa hơn trước đó.

Hành động điển hình của tính bốc đồng của Tổng thống Trump

Việc giết tướng Soleimani là một hành động điển hình của tính bốc đồng của Tổng thống Trump. Thủ đoạn nhằm bất ngờ thay đổi hướng đi, đưa ra những lời đe dọa và tấn công bất ngờ đã không giúp Hoa Kỳ thoát ra khỏi mớ bòng bong Iraq-Ba Tư-Syria. Hoa Kỳ lại tiếp tục bị lôi cuốn vào những cuộc xung đột ở Trung Đông. Kể từ khi Hoa Kỳ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, rút ra khỏi hiệp ước hạt nhân với Ba Tư, nước này đã thay đổi hướng đi. Ba Tư đã đáp trả lại chiến thuật tạo “áp lực tối đa” của Tổng thống Trump bằng những những hành động khiêu khích như tấn công các cơ sở của Hoa Kỳ tại Trung Đông. Chế độ Ba Tư hy vọng rằng sự đánh trả của họ có thể buộc Chính phủ Trump phải trở lại bàn hội nghị.
Nay dường như các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng giữa 2 bên có thể dẫn đến đại họa. Việc Hoa Kỳ giết chết viên tướng quan trọng nhất của Ba Tư, một người được chế độ đề cao như một anh hùng dân tộc và nhà cách mạng chiến đấu cho tự do, đã đánh dấu sự liên tục của cuộc đối đầu này. Đây là một hành động bi thảm bất ngờ mà Ba Tư khó có thể nhắm mắt làm ngơ để không đáp trả. Tổng thống Trump đã nói rằng ông không hề muốn có chiến tranh, nhưng một loạt  hành động của ông lại dứt khoát dẫn đến chiến tranh.
Đây là mối nguy hiểm lớn nhất mà thế giới đang phải đối diện với, nhưng đây không phải là hậu quả nguy hiểm duy nhất của chính sách đối ngoại  bốc đồng của Tổng thống Trump. Nhà độc tài Kim Jung Un của Bắc Hàn cũng là một người khó đoán trước. Trong nhất thời, xem ra nhà lãnh đạo Bắc Hàn đã đáp ứng một cách tích cực với cách hành xử riêng của ông Trump và ngưng chương trình hạt nhân để đổi lấy những nhượng bộ về kinh tế. Tuy nhiên, trong “thông điệp” đầu năm vừa qua trong đó ông đã trực tiếp đe dọa Hoa Kỳ, người ta đã thấy rõ hơn bao giờ hết rằng với Kim Jung Un, nắm trong tay Bom (nguyên tử) quan trọng hơn là quan hệ kinh tế tới Hoa Kỳ.

Ngẫu nhiên phát động một cuộc chiến

Sự thất bại của ông Trump là một bài học cho chính phủ Mỹ và Âu Châu. Ba hoa hiếu chiến có thể thích hợp cho các cuộc vận động chính trị, nhưng không thể có chỗ đứng trong ngoại giao. Chính sách đối ngoại thường vừa khó khăn vừa nguy hiểm. Nó đòi hỏi sự kiên trì, khiêm tốn và thiện chí muốn thỏa hiệp.
Hiệp ước Nguyên tử với Ba Tư do cựu Tổng thống Barack Obama chủ xướng đã không ngăn cản được chính phủ nước này gây xáo trộn trong vùng và tướng Qassem Soleimani là công cụ quan trọng nhất để thực hiện điều đó. Tuy nhiên, nỗ lực của Tổng thống Obama nhằm mổ xẻ vấn đề Ba Tư thành từng mảnh là một hành động đúng đắn. Những cuộc xung đột rộng lớn cần phải được giải quyết từng bước một hơn là bằng một sự “ngã giá” duy nhất: bạn ngưng phát triển vũ khí hạt nhân và chúng tôi sẽ nới lỏng các cuộc cấm vận. Đây là cách thức hoạt động của ngoại giao. Âu Châu cần phải tiếp tục đi theo hướng này.
Bắc Hàn là một thí dụ điển hình cho thấy việc tham gia của các chuyên gia chính trị quan trọng biết chừng nào. Tuy nhiên, Tổng thống Trump không hề có bất cứ sự tôn trọng nào dành cho các chuyên gia. Loại trừ hàng loạt các viên chức chính phủ, ông đã cho Bộ ngoại giao “ra rìa” và trong các cuộc thương nghị (của ông) với Bình Nhưỡng, người ta đã cảm nhận được sự ngu dốt ấy. Ông Trump hoàn toàn dựa vào tình bạn mà ông nghĩ là ông đã có với nhà độc tài Kim Jong Un; ông không chịu hiểu – và dường như quanh ông cũng chẳng có ai nói với ông - rằng đối với Kim, có trong tay vũ khí hạt nhân là điều rất quan trọng để nắm giữ quyền lực. Đây là lý do duy nhất để giải thích tại sao ông Trump không thể bảo đảm được ít nhất tạm thời Bắc Hàn ngưng chương trình hạt nhân để đổi lấy cuộc họp thượng đỉnh với Kim tại Hà Nội.
Không có gì sai trái để đưa ra những sáng kiến ngoại giao một cách can đảm và bất ngờ. Việc cựu Thủ tướng Đức Willy Brand xích lại gần với khối Cộng sản Liên xô đã làm cho thế giới trở thành một nơi an toàn hơn. Nhưng các sáng kiến ngoại giao cần phải được chuẩn bị một cách chu đáo và áp dụng một cách chu đáo. Ngoại giao là một hoạt động nghiêm chỉnh. Ai không tiếp cận ngoại giao bằng tất cả sự nghiêm trọng cần thiết sẽ có nguy cơ tạo ra chiến tranh một cách ngẫu nhiên.