Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2023

Quýt ngọt trồng ở Hoài Bắc!

 



Chu Văn

                                                                                 

Tôi mê câu cá cho nên cũng mê biển. Mê đến độ, như một lời trối trăn, tôi thường mượn mấy câu thơ của Du Tử Lê để nài nỉ nhà tôi:

“Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

Đời lưu vong không cả một ngôi mồ

Vùi đất lạ thịt xương e khó rã

Hồn không đi sao trở lại quê nhà”.

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, bậc chân tu tài trí và đức độ vừa mới viên tịch, cũng đã gợi lên cho tôi một niềm cảm hứng sâu xa khi ông để lại chúc thư với ý nguyện được “rải tro cốt ra Thái Bình Dương để được tan theo biển, bốc thành mây trời, lang thang khắp cõi hư không”(1).

Tôi thấy hình như nhiều người dân Úc cũng mong muốn được đưa ra biển như tôi. Ở những ghềnh đá quen thuộc nơi tôi thường quăng câu, tôi đọc được những tấm biển tưởng nhớ người thân với dòng chữ ngắn gọn: “đã đi câu! (gone fishing).  Chết chẳng phải là trở về với biển ư? Không biết thực sự có một ngôi vườn “địa đàng” nào mà vì bất tuân, ông bà Adam và Eva đã bị Thượng Đế tống cổ ra khỏi không. Nhưng cứ như khoa học ngày nay đã mở mắt cho tôi được nhìn thấy, thủy tổ của muôn loài trong đó có loài người đã chẳng từ biển mà ngoi lên sao. Không biết có phải vì vậy mà trong tiềm thức thẳm sâu trong da thịt tôi, lúc nào tôi cũng mơ được quay về với biển?

Tôi mê biển bởi vì biển đã đưa tôi đến bến bờ tự do. Tôi mê biển vì có lẽ chỉ có nhờ biển, hồn tôi mới có thể “trở lại quê nhà”. Tôi mê biển vì mỗi lần gặp căng thẳng trong cuộc sống, tôi luôn được biển vỗ về, ủi an. Tôi mê biển vì lúc nào biển cũng thì thầm mời gọi tôi buông bỏ. Tôi mê biển vì biển luôn mang lại cho tôi sự thanh thản và nhứt là muốn dạy tôi biết cảm thông.

Tôi đã có được những cảm nghiệm như thế khi lần đầu tiên trở về thăm thành phố biển Nha Trang sau hơn 40 năm xa cách. Những ngày nằm ngửa phơi mình trên biển, nhìn sang bên cạnh thấy toàn người Nga, có lúc tôi chỉ thấy hình ảnh của người Nga ở công viên Lênin Hà Nội hiện ra với vô số những lá cờ búa liềm chập chờn trong mắt. Nhưng biển đã bảo tôi rằng những thanh niên thiếu nữ, những cặp vợ chồng trẻ và những đứa trẻ người Nga đó chẳng có ăn nhập gì với người Nga ấy và nhứt là với tên sát máu mặc áo dân chủ tên là Vladimir Putin. Cũng như tôi cách nay hơn 40 năm, họ đã bỏ phiếu bằng chân; họ đã trốn chạy cái chế độ vô đạo và bạo tàn ấy...Biển đã dạy tôi biết thế nào là cảm thông!

Không biết những người Nga mà tôi đã gặp ở bãi biển Nha Trang cách đây gần một năm có còn ở đó không, bởi vì thành phố biển này hiện đang tràn ngập người Trung Quốc. Lẽ ra du khách đông, kinh tế khởi sắc, người ta nên mừng mới phải. Nhưng trong một bài phóng sự với tựa đề “Nha Trang, “Phố Tàu” giữa Việt Nam”, tác giả ký tên Người Sài Gòn” đã nói đến cái cảnh chán chê của người dân Nha Trang trước làn sóng du khách người Trung Quốc xâm chiếm thành phố của mình. Ở “những trục đường chính, nhiều khi người Việt phải né đường cho từng tốp người Trung Quốc ầm ầm đi qua”. Còn ở quán cà phê thì “không khí kinh hoàng hơn, vì họ đã chiếm lĩnh hết cái khoảng không gian an bình mà người Nha Trang đang thụ hưởng, nhiều người đã phải chạy làng vì không thể chịu nổi cái âm thanh “xí lô xí la” xa lạ đó.

Nhưng theo tác giả, tại các quán ăn thì khủng khiếp hơn: người Trung Quốc “tranh giành nhau từng xuất ăn”. Một bà chủ quán cơm mô tả: “Họ như một bầy thú đói!” Bà ngao ngán than thở: “Họ làm tui mất hết khách Việt thân quen, vì đụng tới người Tàu là bà con chạy mất dép, nhưng biết làm sao?” Trong các khách sạn có dọn buffet ăn sáng thì cảnh tượng càng náo loạn hơn. “Họ rào rào như tằm ăn dâu, nhanh như ảo thuật; phần ăn, phần thì giấu đem theo trong túi xách, túi quần, thậm chí đút vào trong ngực”. Riêng bên trong khách sạn, mỗi khi khách Trung Quốc thuê thì khách sạn gần như “tan nát”, vì không căn phòng nào còn nguyên vẹn sau một đêm bị họ quậy nát, hôi hám không thể chịu nổi. Một nhân viên phục vụ mếu máo: “Mỗi lần dọn phòng cho họ là em rụng rời, tởm đến ngày hôm sau còn sợ. Họ không cho một xu, mà còn hành hạ đủ kiểu, phòng nào có khách đàn ông là em chỉ dám đứng bên ngoài ra dấu - không dám vào trong vì không biết sẽ xảy ra chuyện gì, sợ lắm” (2).

“Họ như by thú đói”. Nhận xét như thế của một bà chủ quán cơm ở Nha Trang về những du khách Trung Quốc quả là tàn nhẫn. Nhưng nó lại gợi cho tôi những lời thì thầm đầy oán trách và mỉa mai của người Miền Nam về người cộng sản: “sâu bọ lên làm người, người xuống hàng chó ngựa”. Sự đảo lộn trong trật tự xã hội như thế là điều đã và đang thật sự xảy ra trong các chế độ cộng sản như đã được mô tả trong “Trại súc vật” (Animal Farm) của nhà văn Anh George Orwell ngay từ đầu thập niên 1940.

Nhiều người Việt, nhứt là những người bài Trung hay muốn thoát Trung bằng mọi giá, có lẽ rất thích thú khi đọc “Người Trung Quốc xấu xí” của tác giả Bá Dương. Nhưng trông người lại nghĩ đến ta. Liệu người Việt Nam đang sống dưới chế độ cộng sản có ít “xấu xí” hơn không? Có lẽ kể từ thời cộng sản “cướp” chính quyền ở Miền Bắc và từ năm 1975 áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên toàn cõi Việt Nam, chưa bao giờ đạo đức xuống cấp, con người Việt Nam bại hoại như ngày nay. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh, người đã sống ở Miền Bắc cho đến năm 1975, đã so sánh sự khác biệt giữa chế độ cộng sản Miền Bắc và chế độ tự do Miền Nam như sau: “Bản chất của chế độ ngụy là xấu vậy mà không hiểu sao nó lại đào tạo con người giỏi thế. Cứ mở miệng ra là cảm ơn với xin lỗi. Ngồi ở trong nhà, có ai đi ngoài đường chõ miệng hỏi cái gì mà mình trả lời không xong, cắp đít đi thẳng, không thèm cám ơn một tiếng, thì không cần nhìn, mình cũng biết ngay đó là dân Bắc Kỳ” (3).

Ông Hoài Thanh chỉ nói đến sự “xấu xí” của người Việt Nam dưới chế độ cộng sản ở Miền Bắc. Ngày nay, không cần phải là người biết tinh tường quan sát, một người Nhật chỉ cần đến Việt Nam vài ngày cũng nhận ra một điều đáng buồn về người Việt, bất luận là dân Bắc hay dân Nam: “Người Việt không biết xếp hàng. Người Việt chửi hay còn hơn hát. Người Việt cúi rạp mình trước quyền lực bất công mà chẳng dám lên tiếng. Người Việt nhìn đâu cũng thấy cơ hội để mánh mung, lọc lừa...”(4).

Ký giả Ngô Nhân Dụng đã nêu lên câu hỏi: “Tại sao đạo lý suy sụp?”  Kể lại kinh nghiệm đói năm 1945, tác giả không cho rằng những “thói ích kỷ, ăn cắp, tham nhũng, chiếm đoạt bây giờ là do kinh nghiệm đói tạo ra. Những kẻ biết và dám “mánh mung, lừa lọc, tham nhũng “chắc chưa bao giờ nhịn đói một bữa. Năm 1945, hai triệu người chết đói, nhưng người Việt vẫn giữ được đạo lý”.

Theo ký giả Ngô Nhân Dụng, độc tài tự nó không khiến cho người dân bỏ mất đạo lý. Ông nêu lên hai trường hợp cụ thể là Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Người dân ở hai nước này đã phải sống dưới chế độ độc tài quân phiệt nhiều năm, nhưng họ vẫn sống lương thiện, thật thà, tin tưởng lẫn nhau, tôn trọng công ích. Tác giả cho rằng chế độ độc tài nào cũng cai trị bằng bạo lực và gian dối. Nhưng theo ông, các tướng lãnh ở hai nước này có lẽ không tàn ác và gian trá bằng chế độ cộng sản. Sự khác biệt giữa chế độ quân phiệt và chế độ cộng sản là “giới quân phiệt chỉ dùng bạo lực và gian dối như các “phương tiện” bất đắc dĩ, trong khi đó với cộng sản thì “độc ác” và “gian trá” nằm trong bản chất của họ.Chính sự độc ác và gian trá từ trong bản chất của người cộng sản  là mảnh đất mầu mỡ cho cái xấu và cái ác phát sinh, nẩy nở và tồn tại trong xã hội.

Người Trung Quốc hay người Hoa nói chung và người Việt Nam có lẽ ai cũng thuộc nằm lòng giai thoại về cây quýt ngọt trồng ở Hoài Bắc của Án Tử, một vị tướng nước Tề  thời Chiến Quốc. Ngày nọ Án Tử sang thăm nước Sở. Vua nước Sở đãi tiệc trọng thể. Nhưng để làm nhục ông, vào giữa bữa tiệc, vua Sở cho lính điệu một người bị cáo vào và cho biết đây là một người nước Tề phạm tôi ăn trộm. Vua Sở mỉm cười chế nhạo: “Người quý quốc hay trộm cắp nhỉ!” Án Tử bình tĩnh trả lời: “Chúng tôi thiết nghĩ cây quýt mọc ở đất Hoài Nam có quả rất ngọt, nhưng đem sang trồng ở đất Hoài Bắc thì quả lại chua. Đó là do thủy thổ khác nhau mà sinh ra thế. Người ở nước Tề chúng tôi không quen trộm cắp, nhưng sang nước Sở lại sinh ra ăn trộm là vì thủy thổ giữa bản quốc và quý quốc khác nhau chăng?”

“Nhân chi sơ tính bổn thiện”. Tự bản chất, chẳng có người Trung Quốc hay người Việt nào là xấu xí cả. Nhưng chính cái chế độ tự bản chất là gian trá và tàn bạo đã khiến cho người dân bị tha hóa và trở nên đồi bại. Ở bãi biển Nha Trang tôi đã nhìn người Nga với một sự cảm thông cao độ. Ở đó, tôi cũng sẽ nhìn người Trung Quốc như những nạn nhân đáng thương hại và đáng cảm thông hơn là những con người “xấu xí” đáng phỉ nhổ hay nguyền rủa. Sự cảm thông luôn nhắn nhủ tôi nhìn lại chính bản thân mình. Nếu còn lại trong nước có lẽ tôi cũng bị cuốn trôi và nhận chìm trong dòng nước bẩn thỉu của dối trá, độc ác hay theo nhận xét của du khách người Nhật, tôi cũng “nhìn đâu cũng thấy cơ hội để mánh mung, lọc lừa”.

Tôi đã “vượt biển” để đi tìm tự do. Những đất nước tự do nơi tôi đã và đang sống không chỉ mang lại cho tôi cuộc sống ấm no, mà còn và nhứt là nâng cao và củng cố ý thức về đạo đức trong tôi.  Với tôi, đạo đức đơn giản là biết nghĩ đến người khác. Thời nào và ở đâu, đạo đức cũng được tóm gọn trong khuôn vàng thước ngọc: “Những gì ngươi không muốn người khác làm cho ngươi thì cũng đừng làm cho họ”. Mỗi ngày, những công thức đơn giản của phép lịch sự như xin vui lòng, xin lỗi và cám ơn mà tôi thốt lên như một bản năng thứ hai luôn nhắc nhở tôi về khuôn vàng thước ngọc ấy.

Trong những ngày này, hình ảnh của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ lúc nào cũng rực sáng trong tôi. Giờ này có lẽ vị chân tu này đã từ biển “bốc hơi thành mây trời”, thảnh thơi “lang lang trong cõi hư vô”. Và dĩ nhiên tôi hiện cũng đang bị ám ảnh bởi hình bóng của một nhân vật lịch sử khác là chính trị gia Mỹ Henry Kissinger, người  vừa mới ra đi. Ra đi để đi đâu, tôi không biết. Chỉ có điều, đã là người và nếu  là người có lương tâm thì những năm tháng cuối đời của một người có tuổi thọ đáng kể như ông có lẽ không để cho ông được “yên nghỉ” trước vô vàn những tiếng tru tréo, than khóc, nguyền rủa của vô số nạn nhân trên khắp thế giới mà điều được gọi là “chính sách thực dụng” (realpolitik) của ông, một chính sách không màng đến những giá trị đạo đức và mạng sống của người khác mà chỉ biết đến quyền lợi của Hoa Kỳ và nhứt là tham vọng cá nhân của ông...đã cướp đi mạng sống (của họ).

Từ biển khơi, tôi thường nghe vọng lại tiếng than khóc của không biết bao nhiêu người Việt đã bỏ mình vì hai chữ tự do. Lẫn trong tiếng than khóc ấy, tôi cũng nghe được lời nhắn nhủ từ biển: hãy sống cho ra người tử tế, lấy nhân nghĩa để đối xử với nhau!

 

  

Chú thích

1. Hầu hết các báo ở Việt Nam “né” tin Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch, Người Việt 25/11/2023

2. Nha trang, “Phố Tàu” giữa Việt Nam, Nguyễn Sài Gòn/ Người Việt

3. Sự khác biệt giữa hai miền Nam – Bắc là lòng tử tế, Nguyễn Văn Lục, Đàn Chim Việt Info

4. Tại sao đạolý suy sụp? Blog Ngô Nhân Dụng, Đài VOA

Thứ Năm, 17 tháng 8, 2023

Đứng giữa đại lộ số 5...

 



Chu Văn

Sống xa cộng đồng người Việt tỵ nạn cho nên thỉnh thoảng tôi phải tìm đến những khu ngoại ô của thành phố Sydney, nơi có đông người Việt sinh sống để mua sắm, giao dịch và thăm viếng người thân và bạn bè.

Với tôi, đến những khu có đông người Việt tỵ nạn sinh sống cũng giống như trở về quê hương. Thưởng thức một tô phở, ăn một ổ bánh mì thịt, uống một ly nước mía, nhâm nhi một ly cà phê sữa đá...hay ngay cả nghe được tiếng Việt của một thời cũng thấy “đã” lắm!

Nhưng trong những năm gần đây, tôi nhận thấy bộ mặt của những khu phố có đông người Việt tỵ nạn ở Úc sinh sống đã có phần thay đổi. Đi bát phố, tôi nghe có những giọng nói lạ hoắc. Nhiều người nói đó là giọng của người “nước Bắc”. Bước vào một số cửa tiệm như thực phẩm Á Châu, hải sản, tiệm ăn và ngay cả dược phẩm...cũng nhận ra ngay chủ nhân đều là người “nước Bắc”. Hư thực thế nào không biết, nhưng có người bảo đó là những thứ kinh doanh “rửa tiền”.

Tôi vẫn còn nhớ như in: năm 54, trong làn sóng người Bắc di cư vào Nam, có nguyên một làng đã “quá cảnh” ở làng tôi . Họ đã lưu lại trong làng tôi đến cả nửa năm và sau đó phân tán vào những khu định cư trên khắp miền Nam. Duy chỉ có một gia đình, không rõ vì lý do nào đó, đã chọn làng tôi làm quê hương mới và định cư cho tới ngày nay. Cả làng chúng tôi gọi tổ phụ của gia đình này là “ông Bắc Kỳ”. Chúng tôi chưa bao giờ có bất kỳ  ý nghĩ kỳ thị hay miệt thị nào đối với gia đình “ông Bắc Kỳ” di cư này.

Tôi chỉ thực sự nghe nói và biết có người “nước Bắc” kể từ sau năm 1975. Lần về thăm quê hương mới đây, tôi đã đi rảo qua một vòng từ làng trên xuống xóm dưới trong làng tôi. Có cả chục ngôi nhà cổ kính do ông bà tổ tiên để lại nay thuộc quyền sở hữu của những người “nước Bắc”. Chủ nhân cũ của những ngôi nhà này là những cựu sĩ quan, nhân viên chính phủ trong đó có một ông đại tá và một ông dân biểu; tất cả  đều bị bắt đi “học tập cải tạo”. Một số chết rũ tù. Con cái họ hoặc bị đày lên kinh tế mới hoặc bỏ làng ra đi.

Chuyện làng tôi có lẽ chỉ là một nét chấm nhỏ trong bức tranh toàn cảnh của miền Nam sau năm 1975. Trong chuyến về thăm quê hương, tôi có ghé Đà Lạt là nơi tôi đã sống cả chục năm. Tôi có cảm giác như người mất phương hướng. Chỉ sau Tết vài ngày mà Đà Lạt nóng rực như miền duyên hải. Không rõ người “nước Bắc” ở đâu mà tuôn vào thành phố nghỉ mát này đông đến nỗi buồng phổi của thành phố là những rừng thông bạt ngàn bị chặt phá vô tội vạ và nhà cửa mọc lên như nấm. Hai tiếng “Đà Lạt” giờ đây đối với tôi chỉ còn là một kỷ niệm đẹp chỉ có trong mơ.

Phải nhìn nhận rằng ngày nay người “nước Bắc” đã có mặt khắp nơi chứ không riêng gì miền Nam hay những nơi có đông người Việt tỵ nạn định cư. Ngay cả vùng tôi ở là nơi mà số người Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay, tôi cũng “phát hiện” được một số phụ nữ mà tôi thường gọi là những “cô Bắc Kỳ”. Tôi gọi bằng “cô” vì họ đáng tuổi con cháu của tôi. Họ định cư trong vùng tôi qua ngả hôn nhân, nghĩa là lập gia đình với người Úc. Phần lớn đều có cuộc sống ổn định. Trong số những “cô Bắc Kỳ” này, có một cô rất thân quen với gia đình tôi. Cứ nghe giọng “Hà Nội 75” của cô, tôi không thể không liên tưởng đến nữ ca sĩ Ái Vân. Còn nhìn mái tóc ngắn của cô thì tôi lại hình dung ra “cô Bắc kỳ nho nhỏ, hớt demi garcon” của cố nhạc sĩ Phạm Duy. Không biết có phải để lấy lòng những người tỵ nạn cộng sản như gia đình tôi không, cứ mỗi lần đề cập đến chuyện trong nước, cô đều hằn học thốt lên: “Bọn cộng sản chúng nó!” Thì ra theo cô cho biết: ông bà cô, người Thanh Hóa, đã từng là nạn nhân của những vụ đấu tố trong thời cải cách ruộng đất. Nhưng không rõ làm cách nào mà cha cô đã ngoi lên và len lỏi vào được Hội nhà văn ở Hà Nội. Có lẽ nhờ vậy mà cô được gởi đi du học ở Mỹ. Về nước cô được tuyển vào làm việc trong tòa đại sứ Úc ở Hà Nội. Tại đây cô đã quen biết và lập gia đình với một chuyên gia về xây dựng của Úc. Sau một thời gian làm việc và sống tại rất nhiều nước trên thế giới, họ đã trở về Úc và sống trong một khu thượng lưu trong vùng tôi ở. Quen biết và thân nhau, nhưng lúc nào tôi cũng “giữ kẽ” với cô. Dạo tháng Tư vừa qua, biết những người vượt biên như gia đình tôi buồn vì nỗi buồn mất nước, cô an ủi: “Cũng “nhờ” bọn cộng sản chúng nó mà mình mới có ngày nay”.

“Cũng “nhờ” bọn cộng sản chúng nó”, tôi cũng thường có cái nhìn lạc quan ấy mỗi khi nhìn vào cộng đồng người Việt rải rác trên khắp thế giới cũng như chính bản thân mình. Dĩ nhiên, cũng như cô bạn “Bắc kỳ nho nhỏ” của tôi, tôi không bao giờ cảm nhận được bất cứ thứ “ơn bác và đảng” nào trong cuộc sống của mình. Nếu phải nói “nhờ bọn cộng sản chúng nó” thì quả thật phải sống với người cộng sản, phải  trải qua những năm sống dưới chế độ cộng sản, tôi mới thực sự hiểu được thế nào là cộng sản. Tôi vẫn xem trải nghiệm đó là một trong những vốn quý trong cuộc sống.

Gần đây, kể từ khi tuyên bố ra tranh cử tổng thống vào năm 2024 tới đây, cựu Tổng thống Donald  Trump đã tung ra một lá bài xem ra rất hấp dẫn và có lẽ đã thu hút được không ít người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Lá bài đó là “chửi” cộng sản. Dịp lễ Giáng Sinh và Phục Sinh, vốn là những ngày  lễ kêu gọi xây dựng hòa bình của Kitô giáo cũng như Ngày Lễ Mẹ dạo tháng Năm vừa qua, ông đã chúc mừng tất cả mọi người, kể cả bọn “cộng sản và Marxit ” mà ông không tiếc lời để mạt sát. Trong rất nhiều dịp, ông xem việc đánh bại chủ nghĩa cộng sản tại Mỹ là cuộc chiến cuối cùng của ông.  Nhiều chính khách cộng hòa đồng minh của ông cũng lập lại một điệp khúc do ông khởi xướng.

Tôi không biết ông Trump có thật tình “chống cộng” không. “Chống cộng” kiểu gì mà vừa mới nhậm chức tổng thống, ông đã mời đồ tể cộng sản đáng sợ nhứt hiện nay là Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc sang biệt thự Mar a Lago của ông để chúc mừng và cho cháu ngoại hát bằng tiếng Hoa để vinh danh nhà độc tài. Chống cộng kiểu gì mà hễ có dịp là lên tiếng ca ngợi lãnh tụ cộng sản này và bày tỏ mong ước được làm tổng thống mãn đời như đồ tể này. Còn với lãnh tụ cộng sản khát máu của Bắc Triều Tiên là Kim Jong-un thì khỏi nói: sau một vài lần gặp gỡ với lãnh tụ cộng sản này, ông vô cùng cảm kích khi nhận được những lá thư mà ông gọi là “thư tình” do người “tình” Kim Jong-un gởi cho ông. Riêng với chế độ cộng sản Việt Nam thì bức hình chụp ông cầm cờ đỏ sao vàng giương lên cao với vẻ mặt rất đắc thắng khi được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ở Hà Nội, cũng đủ để tôi thấy ông “chống cuội” hơn là chống cộng. Một người tỵ nạn cộng sản như tôi cứ mỗi lần nhớ lại hình ảnh đó đều cảm thấy như ai đó đang đâm vào chính trái tim của mình. Bởi lẽ lá cờ đó đối với tôi là biểu tượng của vô số tội ác mà những người cộng sản Việt Nam đã và đang gây ra cho dân tộc tôi từ gần cả thế kỷ nay.

Tôi đã từng sống dưới chế độ cộng sản. Tôi dám tự hào rằng mình hiểu cộng sản hơn ông Trump. Từ khi “cướp” được chính quyền cho đến nay, những người cộng sản biết rõ hơn ai hết rằng thiên đàng trần gian trong đó không còn cảnh người bóc lột người, trong đó mọi người đều bình đẳng như nhau, hạnh phúc và sung sướng vô tận như nhau...chỉ là một cái bánh vẽ. Họ dùng đủ mọi thứ khí giới để bắt người dân phải hả miệng ra để nhai cái bánh vẽ ấy. Phải đợi cho đến năm 1991, một bồi bút là thi sĩ Chế Lan Viên mới dám mô tả cái cảnh ăn bánh vẽ  ấy: “Chưa cần cầm lên nếm anh đã biết là bánh vẽ. Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn cầm lên nhấm nháp. Chả là nếu anh từ chối, chúng sẽ bảo anh phá rối đêm vui, bảo anh không có khả năng nhai và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc...Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?”

Cái bánh vẽ ấy, mặc dù chẳng còn người dân nào trong cộng hòa “xạo hết chỗ nói” này phải há miệng ra để nhai nữa và cũng chẳng còn bất cứ một đảng viên nào tin nữa, nhưng vẫn  cứ được tô vẽ và trưng bày trên khắp mọi hang cùng ngõ hẻm. Năm vừa qua, phải uống một thứ “bùa mê ngải lú” cực mạnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới có đủ trơ tráo và vô liêm sỉ để cho in cuốn sách “một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”(1). Ngay cả ngày nay mà phát không để dân chúng sử dụng vào việc gói hàng...có lẽ cũng chẳng còn ma nào muốn đụng tới.

Dối trá vẫn tiếp tục là linh hồn của chủ nghĩa cộng sản. Đồng hành với dối trá là độc ác, tham lam, vô cảm và vô liêm sỉ. Tôi chỉ sống dưới chế độ cộng sản hơn 5 năm. Tôi đã hiểu được thế nào là cộng sản. Nhưng sự hiểu biết của tôi có lẽ chỉ bằng một góc của tiến sĩ Hà Sĩ Phu, người đã suốt một đời cố gắng sống cho ra “người” dưới chế độ cộng sản. Tôi rất tâm đắc với những suy nghĩ của ông về người cộng sản: “Nhiều người còn đinh ninh chân lý “Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương; nếu là chim hãy là chim câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim (hoa) cương; NẾU LÀ NGƯỜI HÃY LÀ NGƯỜI CỘNG SẢN!”.

Nhưng tích lũy từ thực tiễn và nhận thức, xin thực tình muốn có lời bàn ngược lại: NẾU LÀ NGƯỜI XIN CHỚ LÀ NGƯỜI CỘNG SẢN!

Tại sao vậy?

Xin nói rõ thêm một chút về Luật “HAI KHỬ MỘT” mà tôi đã viết trước đây . Tại sao lại có sự ràng buộc giữa 3 yếu tố Lương tâm-Trí tuệ và Cộng sản?

-        Đã thông thái và Cộng sản thì không lương thiện (phải mưu mẹo gian hùng)

-        Đã lương thiện và Cộng sản thì không thông thái (phải nhẹ dạ nông cạn)

-        Đã lương thiện và đủ thông thái thì không Cộng sản (trót theo, cũng tỉnh ngộ)

Con người, với tính “Người”, có 2 đặc trưng là Lương tâm và Trí tuệ (tượng trưng bởi Trái tim và Khối óc, tức TÂM và TRÍ). Nhưng Chủ thuyết CS chống lại cả hai giá trị đó:

– Về lý thuyết thì ảo tưởng phi khoa học nên mâu thuẫn với TRÍ.

– Về hành động thì chủ trương “đấu tranh giai cấp một mất một còn” làm chết 100 triệu người nên mâu thuẫn với chữ TÂM.

(Mục tiêu nêu lên thì cao đẹp, nhưng biện pháp thi hành đều chống lại mục tiêu). Sai lầm của TRÍ làm cho TÂM cũng dần xấu đi.

Trở thành người Cộng Sản (CS) là do có Tâm mà thiếu Trí, hoặc có Trí mà thiếu Tâm. Nếu biết bổ sung cái phần mình thiếu, để có đủ TÂM và TRÍ thì không còn là CS nữa. Nhiều người CS về sau đã từ bỏ đảng của mình chính là như vậy.

Ngược lại, người suốt đời vẫn tự hào và kiên trì cố thủ CS thì mất cả 2 “tính Người” đặc trưng là TÂM và TRÍ như trên phân tích thì sao còn gọi là NGƯỜI được nữa? Cho nên Liên hiệp các nước Âu châu mới kết luận Chủ nghĩa CS là chống Nhân loại (Nghị quyết 1481). Chủ nghĩa CS không phải một học thuyết khoa học như họ tự nhận mà chính là một Tôn giáo có hại nên là một Tà giáo không hơn (*).

Vậy “Nếu là người thì chớ là người CS”, vì đó là cấp bậc thấp hơn so với Con người đúng nghĩa.”(2)

Luận về người cộng sản, tiến sĩ Hà Sĩ Phu đã nhắc đến sự kiện hồi năm 2006 Liên Hiệp Âu Châu đã thông qua Nghị Quyết số 1481 để lên án tội ác chống lại nhân loại của các chế độ cộng sản. Thật ra, không cần có một nghị quyết của Liên Hiệp Âu Châu để quăng chủ nghĩa cộng sản vào sọt rác của lịch sử. Ngay chính người cộng sản cũng đã tự đào hố để chôn cái thứ chủ nghĩa đồi bại ấy. Ngày nay, người cộng sản hiện nguyên hình là một đảng cướp không hơn không kém và lãnh đạo cộng sản cũng chỉ là một “bọn” lưu manh theo đúng nghĩa. Với tôi, chẳng còn có chủ nghĩa hay ý thức hệ gì cả, mà chỉ là một đám lưu manh, côn đồ, độc ác. Do đó, ngày nay, với riêng tôi, “chống cộng” sẽ chỉ còn là “chém gió” hay gào thét, chửi rủa một cái thây ma thối tha đã bị chôn vùi trong đống rác của lịch sử. Với tôi, chống cộng chính là nói không với dối trá, lưu manh, độc ác, vô cảm và vô liêm sỉ. Ngày nay, có lẽ không cần phải sống dưới chế độ cộng sản để nhận ra những “ác tính” ấy. Nhiều lúc tôi tự hỏi: liệu tôi có thể ra rả “chống cộng” mà vẫn thần phục một tên lưu manh nào đó tuyên bố đứng giữa đại lộ số 5 ở New York và bắn giết người giữa thanh thiên bạch nhựt không? Chắc chắn lương tâm, tức ý thức muốn sống như con người không cho phép tôi sùng bái một tên lưu manh như thế.

Là người tỵ nạn, tôi chống cộng. Nhưng chẳng đi đâu xa và cũng chẳng cần chống ai cả. Chống cộng là chống lại lưu manh, dối trá, độc ác, vô cảm và vô liêm sỉ trong chính con người của tôi. Tôi học được bài học đó từ văn hào Nga Alexander Solzhenitsyn, tác giả của quyển tự truyện nổi tiếng “Quần đảo Gulag”. “Ở trong tù Solzhenitsyn dần dần nhận thức ra sự dối trá cơ bản của tư duy ý thức hệ: tư tưởng cho rằng người xấu làm điều ác, cho nên chúng ta chỉ cần loại bỏ họ. Hoàn toàn không phải như vậy. "Biên giới giữa thiện và ác không đi qua giữa các nhà nước, và cũng không đi qua giữa các giai cấp hay giữa các đảng phái chính trị - mà đi ngay qua tim của mỗi người". Sau khi thấu hiểu sự thật này, Solzhenitsyn đi đến một kết luận khác - "sự thật của tất cả các tôn giáo trên thế giới : mọi tôn giáo đều đấu tranh với cái ác ở trong con người (ở trong mỗi người)"(3)  Ông đã cám ơn “nhà tù vì luôn hiện diện trong đời ông” để nhắc nhở ông về cái ác trong chính con người của mình.

Cũng như Solzhenitsyn, tôi cũng muốn mượn lời của cô bạn “Bắc Kỳ” của tôi để thốt lên “Cũng nhờ bọn cộng sản chúng nó”, mà tôi ngộ ra chân lý: sự dối trá và lưu manh, sự độc ác, tính vô cảm và vô liêm sỉ ở ngay trong chính tôi. “Chống cộng” là chống lại những “ác tính” ấy trong chính bản thân tôi và lên tiếng chống lại những hành vi dối trá, lưu manh, độc ác của bất kỳ ai.

 

 

 

 

 

 

Chú thích

1.Tâm huyết với bài viết của tổng bí thư Nguyễn Phú Trong, Tạp chí Cộng sản 14/8/2023

2.Hà Sĩ Phu, Nếu là người, chớ là người cộng sản Báo Tiếng Dân, 25-2-2023

3.”The Gulag Archipelago”: An Epic of True Evil, The Wall Street Journal, số ra ngày 6/5/2023, bản dịch của Trần Quốc Việt, Thông Luận 14/5/2023

 

 

 

 

Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2023

Thiện căn ở tại lòng ta

 

 

Chu Văn


Mới đây, về Việt Nam, nhân dịp ghé Tây Ninh để thăm gia đình người thân, tôi được bạn bè rủ làm một chuyến “du lịch tâm linh” đến núi Bà Đen. “Du lịch tâm linh” hiện đang là một sinh hoạt tín ngưỡng và tôn giáo rất thịnh hành ở Việt Nam. Hình như ở tỉnh nào cũng có một khu du lịch tâm linh. Tôi chưa có dịp và cũng không có đủ điều kiện hoặc là một tín đồ thuần thành để hành hương đến những nơi xa xăm ở miền Bắc. Thành ra, tiện dịp ghé Tây Ninh, tôi thấy không nơi nào thuận tiện hơn là Núi Bà Đen  để quan sát và thử nghiệm thế nào là “du lịch tâm linh” một lần cho biết.

Đầu thập niên 1980, chỉ vài tháng sau khi đến tỵ nạn tại Pháp, là một tín hữu công giáo, tôi đã hăm hở tìm đến một số trung tâm hành hương nổi tiếng của Giáo hội Công giáo ở Âu Châu như Đền thờ Thánh Phêrô ở Roma, thành phố Assisi, quê hương của Thánh Phanxicô, người được tôn vinh như sứ giả của hòa bình thế giới và nhứt là Trung tâm Thánh Mẫu Lộ Đức ở miền Nam nước Pháp. Vào thời điểm đó, sau hơn năm năm trải nghiệm thế nào là sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa vô thần trong đó các sinh hoạt tôn giáo bị theo dõi, hạn chế một cách nghiêm nhặt, tôi rất thèm được tham gia các cuộc biểu dương tôn giáo. Không những được chiêm ngưỡng các di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc cổ kính, tôi cũng thật sự xúc động khi được hòa nhập vào giữa một đám đông những người xa lạ nhưng cùng chia sẻ một niềm tin.

Vừa thoát ra khỏi một chế độ vô thần, những đám đông mà tôi đã nhìn thấy tại những trung tâm hành hương của Kitô giáo ở Âu Châu quả đã tạo ra một ấn tượng mạnh trong tôi. Nhưng so với cái đám đông đã cùng với tôi “du lịch tâm linh” đến núi Bà Đen thì xem ra số khách du lịch hoặc tham gia cuộc hành hương tại các trung tâm tôn giáo ở Âu Châu chẳng là gì cả. Đoạn đường từ bãi đậu xe đến trạm cáp treo đưa lên đỉnh núi Bà Đen dài cả cây số dầy nghẹt người. Phải mất gần một tiếng đồng hồ để đi bộ qua đoạn đường ấy. Nhiều người cho biết: dịp Tết vừa rồi, có người phải chờ 2, 3 ngày mới được đặt chân lên cáp treo! Bạn không cần phải đi, đám đông tự động đẩy bạn đi tới. Từ đám đông ấy, tôi nghe đủ giọng nói: từ giọng Bắc “75” đến giọng “trọ trẹ” sô viết nghệ tĩnh cho đến giọng chả chớt dễ thương của người Miền Nam. Mà vé khứ hồi lên xuống cáp treo đâu phải rẻ. Trùm sò như tôi, mà phải chi ra gần 25 Úc kim để có được một vé “du lịch tâm linh” lên đỉnh núi Bà Đen, tôi cũng thấy tiếc lắm! Nhưng nghĩ lại thấy cũng đáng đồng tiền bát gạo. Thật ra, tôi bỏ tiền ra không phải để được lên đến một đỉnh núi cao gần cả 1000 thước để chiêm ngắm tượng Bà Đen, mà chính là để cảm nghiệm được tình cảm tôn giáo của đám đông. Phải nhìn nhận rằng phần lớn những người lên đỉnh núi Bà Đen không chỉ thuần đi du lịch như tôi, mà để thể hiện niềm tin tôn giáo hay tín ngưỡng của họ. Trong số những người đến ngước mắt nhìn lên tượng Bà Đen cao ngất ngưỡng trên đỉnh núi, tôi thấy có rất nhiều người trẻ. Già trẻ, lớn bé, ai cũng đều tỏ ra thành tín trong cử chỉ khấn vái và cầu khẩn của họ.

Là khách “du lịch tâm linh”, nhưng tôi không khấn vái cầu xin bất cứ điều gì trước tượng Bà Đen, mà là cố gắng nhìn vào bức tranh tổng thể của các sinh hoạt tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay.

Việt Nam bây giờ thay da đổi thịt lắm! Đó là cảm nhận mà không chỉ du khách nước ngoài đến Việt Nam mới có, mà ngay cả nhiều người Việt, sau nhiều năm sống ở ngoại quốc, nay về thăm nhà cũng đều nhìn nhận như thế. “Thay da đổi thịt” về mọi mặt, nhứt là về phương diện tôn giáo và tín ngưỡng. Đi thoáng qua một vòng từ Bắc chí Nam, liệu có ai còn bảo rằng ở Việt Nam có bách hại tôn giáo không. Dĩ nhiên, Việt Nam vẫn tiếp tục bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa vào “danh sách các quốc gia đáng bị theo dõi một cách đặc biệt” về những vi phạm nghiêm trọng đối với tự do tôn giáo. Một cách cụ thể, một số tôn giáo có tổ chức như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất vẫn tiếp tục bị đặt ra ngoài vòng pháp luật; chư tăng, ni và chùa nào không theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà người dân thường gọi là “Giáo hội nhà nước” hay “Giáo hội quốc doanh” đều bị cô lập, xách nhiễu đủ điều. Tại Tây Nguyên, đồng bào Thượng cũng bị bách hại một cách trắng trợn vì niềm tin tôn giáo của họ. Cũng tại Tây Nguyên, tại một số nơi, chính quyền địa phương dùng vũ lực cản trở một cách thô bạo việc cử hành thánh lễ của các linh mục công giáo...Nhưng thủ đoạn đối với tôn giáo của chính quyền cộng sản Việt Nam  mà Hòa thượng Thích Không Tánh, phó viện trưởng Hội đồng Điều hành của Tăng đoàn Giáo hội Việt Nam Thống Nhất, gọi là “trấn, phân, cô, kéo” (trấn áp, phân rẽ, cô lập, lôi kéo)(1) là điều mà có lẽ du khách nước ngoài hay ngay cả người trong nước không thấy được. Bức tranh tôn giáo dễ bắt mắt nhứt vẫn là cảnh chùa chiền, nhà thờ nguy nga đồ sộ mọc lên như nấm. Người ta cũng chưa bao giờ được thấy ở Việt Nam những cuộc biểu dương tôn giáo “hoành tráng” như hiện nay. Con số các nhân sự tôn giáo thì khỏi nói: tu viện, chủng viện đầy ắp tu sinh. Cũng chưa bao giờ con số nhân sự tôn giáo được gởi đi tu học ở nước ngoài nhiều như hiện nay. Phải nhìn nhận, dưới một chế độ vẫn tiếp tục tự xưng là vô thần, sinh hoạt tôn giáo khởi sắc hơn bao giờ hết. Nhưng dĩ nhiên cái giá mà các tôn giáo có tổ chức phải trả quá đắt! Là người công giáo xuất phát từ Giáo phận Nha Trang, tôi đặc biệt theo dõi một diễn biến gần đây nhứt. Đó là việc Tòa Thánh đã bổ nhiệm một tân giám mục cho giáo phận này. Về nhận nhiệm sở, một trong những việc đầu tiên của vị giám mục là phải đi trình diện với chính quyền địa phương. Trong dịp này, lãnh đạo tỉnh đã nhắc nhở giám mục tân cử và các chức sắc trong giáo phận phải “tiếp tục tuyên truyền, dẫn dắt giáo dân gắn bó, ủng hộ các chủ trương, chính sách, định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh...” Về phần mình, tân giám mục giáo phận Nha Trang cũng “khẳng định sẽ tiếp tục chung tay, đồng hành cùng với địa phương dẫn dắt, động viên chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động đồng bào công giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp cho sự nghiệp phát triển, kinh tế của tỉnh”(2). Quả là “tốt đời đẹp đạo”!  Đảng được vinh quangmà đạo cũng khởi sắc!

Là người có niềm tin tôn giáo, nhưng tôi không lượng giá sức sống của một tôn giáo dựa trên con số tín đồ, lực lượng nhân sự, những nơi thờ tự nguy nga đồ sộ và nhứt là những cuộc lễ hoành tráng với cờ xí và phẩm phục tung bay rợp trời. Sức sống và sức mạnh của niềm tin tôn giáo trước tiên và thiết yếu phải được thể hiện qua vai trò “tiên tri” của tôn giáo, một cách cụ thể tôn giáo phải trở thành tiếng nói của sự thật và cuộc chiến chống lại dối trá và độc ác. Tôi chưa nhìn thấy được một sức sống như thế trong các tôn giáo có tổ chức ở Việt Nam. Chế độ cộng sản ở Việt Nam vẫn mãi mãi là một chế độ độc tài xây dựng trên dối trá và độc ác. “Chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” là góp tay xây dựng và củng cố chế độ dối trá và độc ác ấy, trong khi sứ mệnh của tôn giáo là giúp cho con người sống cho ra người lương thiện và tử tế hơn. Đã dối trá và độc ác thì đừng vỗ ngực rêu rao niềm tin tôn giáo của mình. Còn trong chính trị, đã dối trá và độc ác thì đừng nói đến chủ trương và chính sách tốt!

Có người cho rằng “một ông thánh làm chính trị tồi thì cũng vẫn là một chính khách tồi. Ngược lại, một tên lưu manh làm chính trị giỏi, biết cách sử dụng quyền lực cho những mục tiêu lớn và tốt, thì cũng vẫn là một chính khách giỏi”(3). Do đó, theo tác giả, đánh giá một nhà chính trị, chỉ cần dựa vào chính sách của họ. “Với ông Minh (Hồ Chí Minh) cũng vậy”. Tác giả cũng cho rằng chủ trương và các chính sách của Hồ Chí Minh, cụ thể những cuộc đấu tố tàn ác trong Cải Cách Ruộng Đất, cuộc truy sát tàn bạo thời Nhân văn Giai phẩm và nhứt là cuộc chiến “thần thánh” nướng cả mấy triệu đồng bào ruột thịt trên bàn thờ xã hội chủ nghĩa...chẳng ăn nhập gì với cái tâm dối trá và độc ác của ông cả!

Nhìn lại lịch sử thế giới kể từ sau Đệ nhứt Thế chiến, tôi nhận thấy một điều: trong tất cả các lãnh tụ cộng sản, từ Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông đến Hồ Chí Minh, Polpot và nay Kim Jong Un của Bắc Hàn và Tập Cận Bình của Trung Quốc hay Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam...không có người nào mà không lưu manh, dối trá và độc ác. Theo tôi, người có Tâm lương thiện có thể là một chính khách không thành công, nhưng chắc chắn không cho phép mình đề ra những chính sách tồi bại, độc ác. Thành ra, không thể đánh giá một người làm chính trị mà không màng đến tư cách và những giá trị đạo đức. “Phải đề cao các giá trị đạo đức đối với những người làm chính trị. Phải xem đó là yếu tố bắt buộc và quan trọng nhất” (4).

Không những các chính trị gia mà người dân nếu thực sự muốn sống trong một thể chế dân chủ cũng phải xem trọng các giá trị đạo đức. Dân trí không chỉ có nghĩa là người dân có trình độ học vấn và hiểu biết nhiều, mà còn phải đặt trọng tâm vào những giá trị đạo đức và lương tâm.

Nói đến dân trí, tôi không thể không liên tưởng đến nền dân chủ của Hoa Kỳ. Quốc gia có nền dân chủ lâu đời nhứt thế giới, có nền kinh tế thịnh vượng nhứt thế giới này hiện đang trải qua cuộc khủng hoảng về dân chủ. Nói như bà Liz Cheney, người đã bị Đảng Cộng Hòa trục xuất ra khỏi Đảng vì tham gia cuộc điều tra của Hạ Viện về vai trò của cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc bạo loạn tại Quốc hội ngày 6 tháng Giêng năm 2021, vấn đề hiện nay của chính trị Mỹ là “chúng ta đang bầu chọn những tên ngu đần” (5). Không những ngu dần, một tên lưu manh, dối trá như cuội, vô đạo, vô pháp, ngồi xổm trên Hiến pháp và Luật pháp như Donald Trump hiện vẫn được hơn 80 phần trăm cử tri của Đảng Cộng Hòa bái lạy tôn thờ như Chúa Giêsu...Tôi ngờ về dân trí của một bộ phận không nhỏ người Mỹ!

Dân trí và dân chủ đích thực chỉ có thể và phải được xây dựng trên lương tri, tức khả năng biết phân biệt thiện ác, phải trái cũng như nhìn nhận và tôn trọng sự thật. Lúc nào tôi cũng biết ơn đất nước Úc Đại Lợi. Một đất nước có một vị trí khiêm tốn về mọi mặt nhưng lại là một trong những nơi đáng sống. Bởi, tôi luôn nhìn thấy nỗ lực của chính phủ trong việc nâng cao mọi mặt của mọi người dân trong một xã hội đa văn hóa và đương nhiên rất đa dạng. Dân Úc đa số không “trung thành” với một đảng phái. Chính phủ luôn phải lắng nghe người dân và quân bình trong chính sách. Nhờ vậy, tôi thực sự hiểu được thế nào là dân chủ và đồng thời lúc nào cũng cảm thấy được thúc đẩy để nâng cao dân trí của chính mình. Tựu trung nâng cao dân trí với tôi cũng có nghĩa là cố gắng sống theo lương tâm, tôn trọng sự thật và sống cho ra người. Trí phải luôn dựa trên tâm.


Trước khi tham gia chuyến “du lịch tâm linh” ở Núi Bà Đen, tôi cũng đã làm một cuộc du lịch tâm linh thực sự có ý nghĩa ở Bảo Lộc. Nghe nói cách thị xã Bảo Lộc khoảng 20 cây số có một ngôi chùa có tên là Linh Quy Pháp Ấn, thường được khách thập phương và thiện nam tín nữ tìm đến để ngắm bình minh và “săn mây” nơi Cổng Trời. Một buổi sáng nọ, nhà tôi và tôi thức dậy thật sớm, gọi taxi chở đến nơi để xem ngôi chùa có thực sự là “Cổng Trời” không. Tôi vẫn thường tự nhận là một Phật tử và dĩ nhiên theo cách thế riêng của tôi, bởi vì tôi chưa hề thí phát quy y, niệm Phật, cúng dường hay ngay cả ăn chay...Dù chưa thấm nhuần giáo lý nhà Phật, nhưng những điều căn bản mà Đức Phật đã dạy thì quả thật tôi luôn cố gắng sống theo.




Tôi cứ tưởng điểm đến của cuộc “du lịch tâm linh” ở Bảo Lộc là Chùa Linh Quy Pháp Ấn. Thế nhưng, chính con đường hẹp đầy đá sỏi dẫn lên chùa mới thực sự là nơi để tôi cảm nghiệm được thế nào là “du lịch tâm linh”. Phải mất hơn nửa tiếng để lội bộ lên chùa và cứ mỗi 50 hay 100 bước, du khách không thể không dừng lại trước một tấm bảng để suy gẫm về một câu kinh Phật. Tất cả mọi câu kinh đều nhắc nhở tôi về thế nào là sống cho ra người lương thiện và tử tế. Mặc dù cuối cùng, tôi đã đến đỉnh núi và đứng trước cửa chùa để ngắm bình minh. Nhưng có lẽ ánh bình minh của lương tâm trong tôi mới thực sự mở mắt tôi để tôi biết cố gắng phân biệt thiện ác hầu sống cho ra người lương thiện và tử tế hơn.

Chu Văn

Chú thích

1. Nhà báo Song Chi phỏng vấn Hòa thượng Thích Không Tánh vietbao.com/a316168/hoa-thuong-thich-khong-tanh-thu-doan-cua-nha-cam-quyen-viet-nam-doi-voi-ton-giao-la-tran-phan-co-keo

2. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Tân Tuân tiếp tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh và giám mục tân cử giáo phận Nha Trang... https://www.vietnam.vn/chu-tich-ubnd-tinh-nguyen-tan-tuan-tiep-tong-giam-muc-giuse-nguyen-chi-linh-va-giam-muc-tan-cu-giuse-huynh-van-sy/

3. Tôi không cần biết ông Hồ Chí Minh có mấy vợ (Nguyễn Hưng Quốc) https://thongluan.net/2023/05/20/toi-khong-can-biet-ong-ho-chi-minh-co-may-vo-nguyen-hung-quoc/

4. Việt Hoàng: Giải mã hiện tượng “cuồng Trump” https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/18115-gi-i-ma-hi-n-tu-ng-cu-ng-trump

5. Cheney on the problem with American politics... https://thehill.com/homenews/campaign/4070139-cheney-on-the-problem-with-american-politics-were-electing-idiots/

Thứ Năm, 11 tháng 5, 2023

Từ Thức về Làng

 


Chu Văn

 

Tôi trốn khỏi Việt Nam tính đến nay cũng đã hơn 40 năm. Mãi đến gần 30 năm sau, tôi mới mon men về thăm nhà. Nói là thăm nhà, nhưng vì “sợ” đủ thứ cho nên tôi không dám công khai gặp gỡ người thân mà chỉ lang thang đi thăm thú những nơi mà trước năm 1975, vì chiến tranh tôi chưa hề được đặt chân tới. Chỉ mới gần đây thôi tôi mới bạo dạn hơn để về thăm làng cũ và gặp lại người thân trong gia đình cũng như một số người quen trong làng.

Tôi chỉ còn một bà chị già ở Việt Nam. Sau bao nhiêu năm xa cách, gặp lại chị, thấy chị vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn, tôi mừng. Riêng các cháu, con của các anh chị và cô em, tôi đếm không xuể. Có những đứa, khi tôi ra đi, chỉ mới tập tễnh cắp sách đến trường và rất nhiều đứa chưa sinh ra, vậy mà nay cũng đã làm ông làm bà. Tôi vui vì thấy ai cũng có nhà có cửa, có cuộc sống ổn định. Có người có cả xe hơi. Và cũng có người không hiểu làm cách nào cũng ngoi lên làm “đại gia” trong làng!

Thăm người thân trong gia đình, tôi cũng rảo một vòng để thăm và hỏi thăm về những người bạn thời tuổi thơ và niên thiếu. Chỉ còn lại năm ba người nay đã lên hàng tiên chỉ trong làng. Phần lớn, tôi chỉ còn biết mượn lời thi sĩ Vũ Đình Liên để ngậm ngùi tưởng nhớ: “Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ”.

Nhớ những người bạn thời muôn năm cũ, tôi cũng ngẩn ngơ đứng nhìn hai con sông của thời tuổi thơ. Sông Cái chạy dọc theo làng và đổ ra biển Nha Trang. Còn Sông Con thì uốn khúc xuyên qua làng để chảy vào Sông Cái. Dòng nước trong thấy đáy của hai con sông này là nơi mà con rái con là tôi đã bì bõm tập bơi, tập câu cá và học đủ thứ “kỹ năng” để sống còn trong đời sống thôn dã. Tuổi thơ đẹp như chuyện thần tiên của tôi đã gắn liền với 2 con sông đó. Vậy mà nay , đứng nhìn 2 con sông, tôi cũng muốn thốt lên: “hồn ở đâu bây giờ”. Quả thật, hai con sông thân yêu của tôi cũng đã chết: người ta đã hút lấy hết xương tủy của hai con sông là sạn và cát khiến chúng chỉ còn là những dòng nước đục ngầu, dơ bẩn. Chẳng có gì buồn bã cho bằng không thấy bóng dáng của bất kỳ một đứa trẻ nào trên 2 con sông đó nữa! Không biết “đất nước” Việt Nam có đang chết không, nhưng rõ ràng là “nước” của hai con sông của làng tôi đã chết!

Có lẽ tôi thuộc “mạng thủy” cho nên cứ thấy sông nước và biển là  muốn “nhào xuống”. Tôi được may mắn là lớn lên, làm việc và sống nhiều năm ở Nha Trang trước khi trốn khỏi Việt Nam. Thành ra, trong chuyến về thăm quê cũ, tôi dành nhiều thời gian để đi lại những nơi quen thuộc của thành phố biển này. Trong số những nơi quen thuộc ấy, tôi đã dừng chân rất lâu ở Hòn Chồng, nằm  ở phía Bắc Nha Trang. Một lần nữa, tôi lại ngẩn ngơ đứng nhìn những đổi thay quá sức tưởng tượng của tôi. Các cao ốc làm tôi choáng ngợp đã đành, mà lạ quá, bờ biển đẹp và dòng nước trong xanh lại cũng làm tôi cảm thấy lạc lõng. Sở dĩ cái cảm giác ấy xâm chiếm tôi là bởi cái bãi biển thân yêu ngày xưa của tôi ngày nay tràn ngập một đám người “mắt xanh, mũi lõ, tóc vàng sợi nhỏ” mà không ai bảo ai, tất cả đều biết đó là người Nga. Dân địa phương cho biết: trước kia, du khách đến bãi biển Nha Trang hầu hết là người Tàu từ Trung Quốc. Nay, vì Covid 19, chính sách phong tỏa của Trung Quốc đã giới hạn sự đi lại của người dân, số du khách từ quốc gia cộng sản này đến Nha Trang có phần giới hạn. Bù lại, trên bãi biển, tôi thấy người Nga còn đông hơn cả người Việt Nam. Một ông bạn già của tôi giải thích rằng trước kia bãi biển Nha Trang là điểm đến của rất đông du khách từ các nước Tây Phương, nay hễ cứ thấy người Nga là họ bỏ đi nơi khác.

Những người Nga mà tôi thấy trên bãi biển Hòn Chồng hầu hết là những cặp vợ chồng trẻ có một hai đứa con còn nhỏ. Không biết có phải do bất đồng ngôn ngữ không, phần lớn đều tỏ ra lạnh lùng, xa lạ. Thời “Mỹ Ngụy”, trẻ con Việt Nam thường chạy theo sau đuôi những người lính Mỹ để “hello”, “ok salem”, nay tôi chẳng thấy có đứa trẻ nào tỏ ra thân thiện với người Nga. Tôi không hiểu tại sao người Nga tỏ ra lạnh lùng, mà người Việt cũng chẳng niềm nở hay thân thiện đối với họ.

Phản ứng đầu tiên của tôi trước cảnh người Nga tràn ngập bãi biển thân yêu của tôi là phẫn nộ. Không hiểu sao với tôi Nga lúc nào cũng  đồng nghĩa với “ cộng sản”. Nhưng theo dõi tin tức về thắng cảnh du lịch nổi tiếng của Nam Dương là Bali, tôi lại thấy cảm thông hơn với những người Nga đang có mặt trên bãi biển Nha Trang của tôi. Bali chưa bao giờ có đông du khách Nga cho bằng ngày nay. Họ tìm đến Bali vì họ trốn chạy cuộc chiến tranh xâm lược tại Ukraine của nhà độc tài Vladimir Putin. Dù chỉ tạm bợ, nhưng họ chiếm lấy công ăn việc làm của người Nam Dương cho nên bị người dân địa phương tẩy chay(1). Họ có mặt tại Nha Trang vì họ cũng đã bỏ phiếu bằng chân như tôi đối với chế độ độc tài của Putin. Tôi không biết họ làm gì để sinh sống. Xuất phát từ một nước Nga đang bị phá sản vì tham vọng đế quốc của nga hoàng Putin, những cặp vợ chồng trẻ bỏ nước ra đi chắc chắn không phải là những người giàu có. Chắc họ cũng phải bương chải để độ nhựt qua ngày. Tôi đã từng chứng kiến cảnh một người đàn ông Nga đứng buôn thúng bán bưng giữa một ngã tư gần bờ biển.

Sự hiện diện của đông đảo người Nga trên bãi biển Nha Trang không thể không làm tôi liên tưởng đến một người Nga tên là Lenin hiện đang được chế độ cộng sản Việt Nam sùng bái như một ông thánh sống. Cái chủ nghĩa do ông khai sáng đã chết ngay trên quê hương của ông và đã bị Nghị Viện Âu Châu quăng vào sọt rác, nhưng vẫn tiếp tục được tuyên xưng như một tín điều ở Việt Nam. Tượng của ông đã bị giựt sập tại hầu hết các nơi trên thế giới, nhưng vẫn đứng ngạo nghể giữa thủ đô của Việt Nam. Dĩ nhiên, bên cạnh ông lúc nào cũng có người học trò trung kiên của ông là Hồ Chí Minh. Dưới bóng của Lenin, tượng đài của Hồ Chí Minh vẫn chiếu sáng  trên mọi ngõ ngách của đất nước Việt Nam. Bóng của ông phủ lấp mọi hang cùng ngõ hẻm của đất nước. Ngay cả trong một số chùa chiền, ông cũng chễm chệ  ngồi ngang hàng hay ngay cả trên Đức Phật.

Sở dĩ sự hiện diện của người Nga tại thành phố biển Nha Trang của tôi làm tôi liên tưởng đến Lenin để rồi không thoát khỏi nỗi ám ảnh của người đã và đang được Việt Nam tôn thờ như một vị thánh sống là bởi vì trong những ngày về thăm quê hương, ở đâu tôi cũng cảm thấy như bị ngộp thở vì thứ chủ nghĩa đồi bại mà người đó đã cóp nhặt và áp đặt lên đất nước tôi. Cũng như nhà thơ Trần Dần của thời nhân văn giai phẩm, ở đâu tôi cũng “chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”, đi đâu tôi cũng thấy đất nước bị nhuộm bằng màu máu của “búa liềm” và “cờ đỏ sao vàng”. Dưới bóng của Hồ Chí Minh, chế độ cộng sản được ông nhào nặn và áp đặt lên toàn cõi Miền Nam Việt Nam, như kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng, người sáng lập và lãnh đạo Phong trào “Tập hợp Dân chủ Đa Nguyên” thường nói, người cộng sản hiện diện tại Miền Nam cho đến nay vẫn là một “lực lượng chiếm đóng” hơn là một chế độ dân chủ. Dưới là cờ “búa liềm” và “cờ đỏ sao vàng” là chiếc thòng lọng “331” được tròng vào cổ bất cứ ai “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.” Việc mới đây kỹ sư Nguyễn Lân Thắng bị chiếc thòng lọng “331” siết cổ là một điển hình. Hành vi chống phá chế độ của ông có thể chỉ là một cái cớ. Tội tày đình của ông chính là “xúc phạm” Bác Hồ, “vị cha già kính yêu của dân tộc”.

Lạ thật, nhiều nhà trí thức hay bất đồng chính kiến trong nước hiện nay, dù có phê phán hay lên án chủ nghĩa cộng sản và chế độ độc tài , vẫn một mực tôn vinh Hồ Chí Minh. Ngay cả một nhà văn nổi tiếng là bà Dương Thu Hương, người vừa mới được trao tặng giải thưởng cao quý của Pháp là Cino del Luca, cho dù, nói theo ngôn ngữ của bà, muốn “ỉa” vào mặt giới lãnh đạo cộng sản hiện nay, vẫn cứ tôn sùng Hồ Chí Minh. Trong một bài “suy ngẫm về đất nước và Hồ Chí Minh” được đăng trên đài BBC ngày 1 tháng Ba năm 2009, bà đã tuyên xưng: “Tôi thấy ông thật sự là một người vĩ đại...Nếu dân tộc Việt Nam đủ trưởng thành để nhận thức được điều đó thì họ sẽ hãnh diện vì đã có ông, Hồ Chí Minh” (2). Tôi không biết bà nghĩ gì về chiến dịch Cải cách Ruộng đất, những cuộc truy lùng thời Nhân văn Giai phẩm và nhứt là cuộc chiến “thần thánh” do chính ông phát động khiến cho hàng chục triệu người dân Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc bị mang ra sát tế trên bàn thờ xã hội chủ nghĩa. Nếu “dân tộc Việt Nam đủ trưởng thành để nhận thức được điều đó”, nghĩa là công khai nhìn nhận con người dối trá và độc ác của Hồ Chí Minh, cũng như các nước trong khối Đông Âu đã từng làm đối với Lenin và các lãnh tụ cộng sản khác hồi cuối năm 1989, thì  mới mong Việt Nam thực sự có dân chủ.

Với tôi, sau 48 năm xâm chiếm Miền Nam,  những người cộng sản cai trị đất nước dưới ngọn đuốc dẫn đường của Hồ Chí Minh chẳng khác nào các cai tù. Cho đến nay, cả nước vẫn tiếp tục là một nhà tù. Tất cả mọi cánh cửa lớn đều khép kín. Từ ngày gọi là mở cửa và đổi mới, một vài cánh cửa sổ được mở ra để dân chúng được hít thở. Bị giam dưới tầng đáy địa ngục, được hít thở một chút không khí từ bên ngoài, đã có lúc rất nhiều người Việt Nam tự nhận mình là một trong những dân tộc “hạnh phúc” nhứt trên thế giới. Khi một chút không khí từ bên ngoài thổi vào một vài cánh cửa sổ của nhà tù, nó cũng mang vào không biết bao nhiêu luồng khí độc. Tôi cảm nhận được điều đó khi trao đổi với các cháu của tôi. Một cô cháu suốt ngày ôm cái điện thoại cầm tay để tỏ ra “ngang tầm  thời đại” đã nguyền rủa Tổng thống Joe Biden không tiếc lời. Tôi hỏi tại sao, cháu tôi nói: vì ông ta “Dân Chủ”. Một người cháu khác ở Đà Lạt khoe không bao giờ đi chích ngừa Covid và cho biết đã thủ sẵn trong nhà rất nhiều thuốc ký ninh. Cháu tôi cho biết lý do: cựu Tổng thống Trump đã bị nhiễm Covid, ông đã được chữa lành chỉ nhờ uống thuốc chống sốt rét! 

Gần đây, trong những lần gặp gỡ và trao đổi với người thân và bạn bè,  tôi “sợ” tình cảm bị sứt mẻ đến nỗi không bao giờ dám chủ động nhắc đến tên ông Trump. Vậy mà họ cứ tự động đưa ông vào câu chuyện. Hầu hết là khen ngợi và ngay cả tôn vinh ông như rất nhiều người Việt Nam ở Mỹ. Một người em họ của bà xã tôi, hiện đang làm chủ một công ty trang trí nội thất có lẽ lớn nhứt ở Vũng Tàu, mặc dù không tán thành tư cách của ông Trump, vẫn ca tụng ông về nghệ thuật “kinh bang tế thế” của ông. Tôi không ngạc nhiên về sự sùng bái mà nhiều người Việt Nam trong nước dành cho ông Trump. Ở thành phố Bảo Lộc, một buổi chiều không biết làm gì, tôi chui vào một nhà sách được xem là lớn nhứt trong thành phố. Dĩ nhiên, cơ sở văn hóa nào ở Việt Nam cũng đều nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của nhà nước cộng sản. Đập vào mắt tôi nhiều nhứt là hầu như tác phẩm nào của ông Trump cũng đều được dịch sang tiếng Việt và được trưng bày ở nơi dễ bắt mắt nhứt. Trong số những cuốn sách của ông trùm bất động sản này, có cả những cuốn viết về Trường Đại Học Trump (về nghệ thuật tiếp thị 101, làm thế nào để sử dụng những ý tưởng có công hiệu nhứt trong tiếp thị!). Không biết những người sùng bái ông Trump ở Việt Nam có bao giờ biết rằng Đại học Trump chỉ là một thứ đại học ma chuyên lường gạt những người nhẹ tin và sau khi mánh lới của ông đã bị phanh phui ông đã bị phạt  phải đền trả đến 25 triệu Mỹ kim không?

Nếu sự dối trá của ông có đầu độc được nhiều người Việt Nam trong đó có rất đông những người thân quen của tôi là bởi vì nhà nước cộng sản Việt Nam đã cố tình hé mở những cánh cửa sổ  của nhà tù để cho những luồng gió độc hại của dối trá và các thuyết âm mưu thổi vào mà thôi.

Việt Nam đã biến thành một nhà tù từ 48 năm qua. Tôi may mắn được trốn thoát khỏi nhà tù đó. Tôi vẫn tiếp tục xem tư cách tỵ nạn của tôi là một thứ vốn quý giá nhứt trong cuộc đời của tôi. Hàng năm, cứ đến tháng Tư, tôi luôn ý thức về tư cách ấy. Tôi vượt thoát ra khỏi nhà tù cộng sản là để chống lại dối trá, độc ác và vô cảm vốn là bộ mặt thật của người đã rước chủ nghĩa cộng sản vào cày xéo đất nước tôi và hiện là linh hồn của chế độ cộng sản. Tư cách tỵ nạn luôn nhắc nhở tôi rằng trong cuộc đời không có gì quý hơn là sống cho Sự Thật và những giá trị nhân bản gắn liền với sự thật. Đối lại câu nói dối trá và sáo rỗng của Hồ Chí Minh là “Không có gì quý hơn Độc Lập, Tự Do” như tôi đã thấy trong nhà tù cộng sản Việt Nam từ 48 năm qua, tôi chỉ muốn bắt chước giáo sư và nhà văn Nguyễn Thanh Việt khi kết thúc quyển tiểu thuyết “The Sympathizer” (kẻ nằm vùng) nổi tiếng của ông: “Không có gì mới thật sự là quý hơn độc lập tự do”. Khi xuống tàu vượt biên, trên người tôi chỉ còn lại  một chiếc quần đùi. Quả thật,  tôi “không có gì hết”, nhưng đó cũng chính là lúc tôi cảm nhận được điều quý giá và ý nghĩa nhứt trong cuộc đời: đó là chống lại Dối Trá, Độc Ác, Vô Cảm và sống chết cho Sự Thật.

 

 

Chú thích:

1.   “They don’t respest us”: Backlash in Bali as Russians flee war.

https://www.aljazeera.com/economy/2023/3/15/they-dont-respect-us-russians-face-backlash-in-ba

2.   Dương Thu Hương nghĩ về Hồ Chí Minh https://baotiengdan.com/2023/05/02/duong-thu-huong-nghi-ve-ho-chi-minh/

 

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2022

Tập tành viết lách



Thi Văn

Hôm nọ, có người bạn thấy tôi hí hoáy viết nên đùa: “Bây giờ có giờ để tập tành viết lách rồi há!” Tôi chỉ cười. Một cách nào đó, cũng đúng.

Tuy nhiên, với tôi, khi đã rời ghế nhà trường, khi đã không còn phải viết theo một đề tài do ai đó đưa ra, chúng ta không còn trong giai đoạn “tập tành viết lách” nữa. Ngữ pháp có thể chưa hoàn chỉnh. Cấu trúc có thể chưa mạch lạc. Cách viết có thể chưa đủ sức chuyển tải. Những điều đó không thể “giáng cấp” ai đó vào loại “tập tành viết lách” nếu như họ đang diễn tả “chủ đề” do chính họ lựa chọn. 

Trước đây tôi thích chọn "ngôn ngữ" yên lặng, nhất là trong thời đại thông tin toàn cầu. Cho đến nay, tôi vẫn tin sức mạnh của sự yên lặng. Bởi ít ra, trong khi sự ồn ào và hỗn loạn của thông tin toàn cầu và các mạng xã hội có thể mang đến đủ mọi hỉ nộ ái ố cho những người trong và ngoài cuộc, yên lặng thường không làm chuyện đó. 

Với tôi, yên lặng cũng là một cách phát biểu tư tưởng của mình. Yên lặng cũng có “tiếng nói” của nó. Tôi đã chọn cả hai, nhưng yên lặng nhiều hơn. Tôi biết nhiều người cũng như vậy. Nhất là nếu đang phải sống trong một xã hội thiếu quyền tự do ngôn luận. Giữ yên lặng. Vừa nhàn vừa yên thân. 

Thế nhưng khi nhìn thấy sự lạm dụng quyền tự do thông tin và phát biểu thiếu trách nhiệm của nhiều người trên thế giới mạng, tôi phải tự hỏi, yên lặng vào lúc này có còn thật sự đúng lúc hay không?Làm sao để giữ được quân bình giữa yên lặng và lên tiếng?

Làm sao để có thể sống hoà đồng giữa những ồn ào bất tận và sự yên lặng trong lành?

Cuối cùng tôi chọn lên tiếng cho “yên lặng” bằng những dòng chữ. Với tôi, viết lách là cách tốt nhất để “đấu tranh” cho yên lặng. Vì chúng ta thường đọc bằng mắt chứ không đọc bằng miệng. Chữ viết có thể tôn trọng yên lặng nhưng những cách phát biểu tư tưởng khác như nói, hát thì không. Tôi mong là những người ồn ào cũng phải biết tôn trong sự yên lặng của người khác. Đừng gán hay nhét vào miệng họ những gì không phải của họ khi cho rằng "đâu có ai phản đối!" 

Tôi luôn cám ơn cuộc đời vì đã được sống ở một nơi mà tôi có thể “viết” mà không phải “lách”. Tôi thương những người hoặc phải chọn yên lặng hoặc phải tìm mọi cách để phát biểu tư tưởng mà không liên lụy cho chính mình và gia đình. Một nhạc sĩ trẻ trong nước đã chẳng từng viết: "Mỗi đêm ta ngồi ta viết, ta chỉ mong không bị cấm ngăn" đó sao? Tôi đã từng ở trong hoàn cảnh đó, nhìn đâu cũng thấy bị rình rập. Cảm giác đó đã khiến tôi không còn muốn nói thật những gì mình nghĩ đến độ tôi thấy mình mất bản năng bộc lộ ý kiến. Lúc nào cũng đắn đo. Cho nên, nói rằng tôi đang “tập tành viết lách” cũng đúng một phần là vậy. Tôi đang tập “nói” trở lại. Tôi đang tập lấy lại bản năng hồn nhiên của một con người như nhà thơ Phùng Quán đã viết: “yêu ai thì nói là yêu, ghét ai thì nói là ghét, dù ai cầm dao dọa giết, cũng không nói ghét thành yêu”. 

Và qua “viết lách”, tôi đang “tập” làm người. 

Bởi lẽ, người ta đã chẳng thường cho rằng “văn là người” đó sao?

Thi Văn