Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Hạt giống đã được gieo trồng



Chu Thập
21/07/17
Nhà văn bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba đã ra đi. Xác ông đã được hỏa thiêu. Trong cái nhìn duy vật của chế độ cộng sản Trung Quốc, ông đã hoàn toàn trở về hư vô.  Với những người cộng sản Trung Quốc, ông là  một thứ ung nhọt đã được cắt bỏ, một gánh nặng đã được ném đi. Các nhà lãnh đạo Tây Phương có lẽ cũng đã thở ra nhẹ nhõm.
Năm 2008, khi ông Lưu Hiểu Ba và những người bạn của ông đã lấy tên “Linh Bát Hiến Chương” (Hiến chương 08) để đặt cho bản tuyên ngôn trong đó họ đã kêu gọi tổ chức những cuộc bầu cử tự do và xây dựng chế độ dân chủ, họ đã dựa vào một bản tuyên ngôn nổi tiếng là “Hiến chương 77” được một  nhà văn bất đồng chính kiến Tiệp Khắc là ông Vaclav Havel và các bạn của ông cho công bố hồi năm 1977. “Hiến chương 77” ra đời vào giữa lúc đất nước của ông Vaclav Havel bị đặt dưới gọng kìm tàn bạo của Liên Xô.
Cũng như ông Lưu Hiểu Ba, ông Vaclav Havel đã trải qua nhiều năm tù tội. Thế nhưng, khi Tiệp Khắc được tự do, ông đã trở thành tổng thống. Tù nhân nổi tiếng nhứt thế giới là ông Nelson Mandela cũng đã trải qua một cuộc hành trình tương tự: sau 27 năm dài  bị giam giữ, ông đã trở thành tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi. Và cuối cùng,  ông đã ra đi với hào quang của một vĩ nhân.
Nhà văn Lưu Hiểu Ba đã không được may mắn như hai vị tổng thống trên đây. Không những ông đã không trở thành tổng thống của một Trung Quốc tự do, mà còn phải ra đi khi chưa mãn hạn tù. Ông chỉ mới thi hành được 8 năm của một bản án 11 năm tù vì tội gọi là “khích động lật đổ chính phủ”. Cũng như cố tổng thống Nelson Mandela, nhà văn Lưu Hiểu Ba đã được trao tặng Giải Nobel Hòa Bình. Nhưng ông đã không được phép đến Oslo để nhận giải thưởng ấy. Ngay cả khi sức khỏe đã hoàn toàn suy sụp sau 8 năm bị tù đày, ông Lưu Hiểu Ba cũng không được Trung Cộng cho phép đi ngoại quốc để chữa bệnh.
Giữa ông Lưu Hiểu Ba và rất nhiều nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng trên thế giới quả có quá nhiều khác biệt. Các chế độ dân chủ trên thế giới, nhứt là các nước Tây Phương, đã luôn tỏ ra rất hăng say để lên tiếng bênh vực và tranh đấu cho các ông Vaclav Havel, Nelson Mandela và nhà bất đồng chính kiến Nga Andrei Sakharov. Tên tuổi của họ lúc nào cũng được nhắc đến trên sân khấu chính trị của các nước Tây Phương. Không có một hội nghị thượng đỉnh hay bất cứ một cuộc hội họp quốc tế nào mà người ta không vinh danh họ và tạo áp lực lên các chế độ độc tài. Người ta sẵn sàng thương thuyết và ngay cả mặc cả để họ được trả tự do hoặc ít ra cuộc sống tù tội của họ được cải thiện.
Nhưng với trường hợp của ông Lưu Hiểu Ba thì một thứ nhiệt thành và hăng say như thế đã hầu như tắt lịm. Tại hội nghị thượng đỉnh khối 20 vừa qua ở Hamburg, Đức Quốc,  tấm thân “hộ pháp” của Chủ tịch Tập Cận Bình đã hầu như phủ trùm lên hội nghị. Hôm thứ Sáu 14 tháng Bảy vừa qua, nhân dịp được mời đến Pháp tham dự lễ quốc khánh của nước này, tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã dành cho các ký giả một cuộc phỏng vấn chung. Một ký giả của Trung Cộng đã hỏi cảm nghĩ của hai ông về Chủ tịch Tập Cận Bình. Tổng Pháp liền lên tiếng ca ngợi: Chủ tịch Tập Cận Bình là “một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhứt của thế giới chúng ta”. Về phần mình, ông Trump cũng  ca một bài tương tự:  chủ tịch nhà nước Trung Cộng là “một người bạn, một nhà lãnh đạo tài ba, một con người rất tốt”. Cái bóng của Chủ tịch Tập Cận Bình quá uy nghi và đe dọa chăng, mà mặc dù nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba, Khôi nguyên Giải Nobel Hòa Bình, chỉ mới qua đời vì tù tội trong một chế độ độc tài ngày hôm trước, hai nhà lãnh đạo Tây Phương đã không có lấy một tiếng để lên án cái chết rũ tù của ông. Thật là oái oăm khi những nhà lãnh đạo lúc nào cũng lên tiếng kêu gọi bảo tồn nền văn minh Tây Phương, tức văn minh của tự do và dân chủ, lại lên tiếng ca ngợi một đồ tể sát hại những người tranh đấu cho những giá trị của Tây Phương! Ít ra ngày hôm sau, Tổng thống Macron cũng đã gỡ gạc được phần nào  khi lên Twitter để “vinh danh ông Lưu Hiểu Ba, Khôi nguyên Nobel Hòa bình, nhà tranh đấu vĩ đại cho tự do”. Còn Tổng thống Trump vẫn im thin thít. Không biết tên tuổi của nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng này đã có lần nào xuất hiện trong bộ nhớ của ông không?
Còn các nhà lãnh đạo của Úc Đại Lợi của tôi thì sao? Cho tới nay, Thủ tướng Malcolm Turnbull vẫn giữ thinh lặng. Miệng ông thì lúc nào cũng nói đến hai chữ “Tự Do”. Mới đây tại London, Anh Quốc, ông nói: “Để bảo vệ tự do, chúng ta không thể không kìm hãm những kẻ thù của tự do”. Nghe hay quá, nhưng Trung Cộng là kẻ thù số một của tự do thì thủ tướng của tôi lại chẳng dám hở môi đụng tới. Tôi chỉ biết mượn lời của Ký giả Elaine Pearson của viện Lowy Institute để thốt lên: “Úc Đại lợi thinh lặng về trường hợp ông Lưu Hiểu Ba là một điều nhục nhã” (x. https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/australia-shameful-silence-liu-xiaobo).
Ít ra ở Tây Phương, một nước nhỏ như Na Uy đã không tỏ ra quá sợ hãi trước sức mạnh kinh tế của Trung Cộng. Tính đến năm 2010,  hầu như toàn bộ lượng cá hồi của Na Uy đều được xuất cảng sang Trung Cộng. Trung Cộng quả là một đối tác thương mại quan trọng của quốc gia Bắc Âu này. Tuy nhiên, không phải vì quyền lợi kinh tế mà Na Uy làm ngơ trước hồ sơ vi phạm nhân quyền của Trung Cộng. Chính vì vậy mà năm 2010, Na Uy đã trao giải Nobel Hòa bình cho ông Lưu Hiểu Ba. Trong buổi lễ trao tặng được tổ chức tại Thủ đô Oslo, Na Uy còn chọc giận Trung Cộng hơn nữa khi cố tình để một chiếc ghế trống để lên án sự kiện Trung Cộng không cho phép ông Lưu Hiểu Ba sang Na Uy nhận giải thưởng. Ngày nay, quan hệ giữa hai nước có thay đổi, nhưng ít ra cũng có một lần, liên quan đến nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba, Na Uy đã không tỏ ra quá khiếp đảm trước Trung Cộng.
Thật ra, đâu phải chỉ  có các nước Tây Phương ngày nay mới khiếp  sợ Trung Cộng. Chính chế độ cộng sản Trung Quốc mới thực sự là kẻ đang lo sợ. Có chế độ độc tài nào mà không lo sợ. Nếu không lo sợ họ đã không tìm cách bịt miệng người dân và cai trị bằng dùi cui, báng súng và nhà tù. Sự kiện ông Lưu Hiểu Ba và bao nhiêu nhà bất đồng chính kiến bị giam tù và chết rũ tù là bằng chứng không những tố cáo một chế độ độc tài khát máu mà cũng nói lên nỗi sợ hãi của họ. Họ sợ tiếng nói của tự do, dù chỉ là của một con người không có lấy một tấc sắt trong tay như ông Lưu Hiểu Ba.
Cũng như người thanh niên đã từng đứng trước đoàn xe tăng trong cuộc đàn áp những người biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng Sáu năm 1989, ông Lưu Hiểu Ba cũng đã một mình đứng lên đối đầu với chế độ. Ông đã không sợ mất cuộc sống sung túc và an toàn. Đang là một giáo sư tại Hoa Kỳ, ông đã bỏ quay về nước để tranh đấu cho tự do. Dừng chân ở Úc Đại Lợi và được chính phủ nước này cho được tỵ nạn chính trị, ông cũng đã về nước một lần nữa để đối đầu với chế độ độc tài. Sức mạnh duy nhứt giúp ông tỏ ra không sợ hãi trước cường quyền chính là tình yêu thương. Trong bài diễn văn nhận giải Nobel Hòa bình được nữ Tài tử Liv Ullmann đọc, ông đã trích một đoạn trong những lời tự biện hộ của mình trước một tòa án của Trung Cộng hồi năm 2009 như sau: “Lời tuyên bố sau cùng (của tôi): tôi không có kẻ thù”. Trong lời biện hộ này, ông đã khẳng định rằng ông không hề thù oán những kẻ đã bỏ tù mình. Trong một tác phẩm có tựa đề “Không hận không thù” ông viết rằng biến cố Thiên An Môn đã dạy cho ông bài học về sức mạnh của tình thương; tình thương đã giúp ông biết được đâu là điều quan trọng nhứt trong cuộc sống. Từ trong nhà tù, ông chia sẻ niềm xác tín và cũng là sức mạnh của ông: “Thù hận làm hư hỏng cả lý trí lẫn cái tâm của con người” và “nhìn người khác như kẻ thù là phá hoại đức khoan dung và tình nhân đạo trong xã hội”.
Tình thương yêu là sức mạnh đã giúp ông không còn biết sợ hãi trước bạo quyền. Nó cũng đã nâng đỡ ông trong suốt những năm tháng tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận và nhứt là 8 năm tù tội và bệnh hoạn.
Ông Lưu Hiểu Ba đã ra đi vào lòng đất. Nhưng chính quyền cộng sản Trung Quốc vẫn còn sợ ông. Trên tất cả các trang mạng vốn luôn bị họ kiểm soát, những người cộng sản Trung Quốc đã nhanh chóng kiểm duyệt tất cả những bài viết hay bình luận nào liên quan đến ông. Ngay cả những lời chia buồn với người vợ yêu quý của ông là bà Lưu Hà và gia đình của ông được bày tỏ trên mạng lưới Internet cũng không thoát khỏi sự kiểm duyệt của họ. Nhưng ít nhứt cũng có một thông điệp của một người vô danh gởi đi từ Trung Quốc đã lọt ra ngoài và đến tay một ký giả ngoại quốc. Thông điệp đã  được báo the Wall Street Journal cho phổ biến. Nhắn gởi cho chế độ cộng sản Trung Quốc, thông điệp có nội dung nguyên văn như sau: “Các ông muốn chôn vùi ông và chôn vùi trong bùn nhơ. Nhưng các ông đừng quên rằng ông là một hạt giống”.
Nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba quả là một hạt giống. Hạt giống có được dìm xuống đất mới nẩy mầm. Đây chính là hình ảnh đẹp và chính xác nhứt để nói về cuộc sống và sức mạnh của ông.
Hình ảnh này gợi lại cho tôi lời khuyên của ai đó mà tôi không nhớ tên: đừng quan tâm đến những thành quả bạn sẽ gặt hái mà hãy nghĩ đến những hạt giống bạn gieo trồng.
Tôi thường nhìn lên sườn đồi phía sau nhà. Tôi gọi đây là vùng “kinh tế mới của tôi”. Vốn là đất thuộc lâm viên quốc gia, nhưng mảnh đất đã được tôi khai phá. Tôi trồng một số cây mà ít nhứt cũng phải 10 hay 15 năm nữa may ra tôi mới nhìn thấy được thành quả của công lao “mồ hôi nước mắt” của mình. Tôi tự an ủi, đời mình không thấy được hoa trái thì sau này cũng sẽ có người hưởng được thôi, bởi vì tất cả những gì tôi đang thụ hưởng chẳng phải là hoa quả mà những người đi trước tôi đã gieo trồng đó sao.
Nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba đã nằm xuống. Cuộc tranh đấu bất bạo động và ôn hòa của ông và ngay cả cuộc sống và cái chết  của ông, dưới mắt nhiều người, có lẽ chỉ là một thứ phí phạm vô ích. Chế độ cộng sản Trung Quốc vẫn còn đó. Trung Cộng xem ra vẫn ngày càng bành trướng và quyền lực kinh tế  của họ ngày càng làm cho thế giới nể phục và khiếp sợ. Nhưng nếu biết nhìn ra hạt giống tình thương mà ông đã gieo trồng thì chắc chắn cái chết của ông không phải là vô nghĩa hay vô ích. Bởi lẽ cuối cùng chỉ có tình thương mới thực sự mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, làm cho cuộc sống trở nên đáng sống cũng như có sức cải tạo xã hội.








Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

Để nhớ và để quên


Chu Thập
11/02/14

Trong những điều bình dị trong cuộc sống, có lẽ hai cái hồ “Thủy ngư canh” (Aquaponics) trong vườn đàng sau nhà tôi là nơi giúp tôi thư giãn nhiều nhứt và đồng thời cũng gợi lên cho tôi nhiều bài học quý giá nhứt. Ngay từ đầu, những người giúp thiết kế “hệ thống” chăn nuôi và canh tác này đã cảnh cáo chúng tôi rằng chúng tôi sẽ “mất” rất nhiều thì giờ vì nó. Mất giờ không phải vì phải bỏ công chăm sóc, cho bằng vì thích thú.Cứ đứng ngắm đàn cá trong hồ “ăn chơi” khỏe mạnh và rau cỏ xanh tươi trên bồn là chúng tôi cứ phải ngất ngây có khi cả  hàng giờ. Với phương pháp phối hợp chăn nuôi ở dưới và canh tác ở trên, “Thủy ngư canh” là một điển hình về cân bằng sinh thái. Cặn bã do cá thải ra được vi khuẩn có trong nước “chế biến” và được bom lên tưới rau xanh trồng trên bồn. Rau xanh lọc nước và trả lại vào hồ. Cá lúc nào cũng có nước sạch để thở và để “vui chơi”. Có những hôm tự nhiên cá biến ăn. Đây là dấu hiệu cho thấy cặn bã trong hồ không được “tái sinh”. Cũng có lúc rau trên bồn trông cũng “buồn”. Điều này có nghĩa là cân bằng sinh thái đã bị phá vỡ. Tựu trung, trong phương pháp “Thủy ngư canh”, cần phải làm thế nào để cá cũng như rau không phải bị đầu độc vì chất thãi hay cặn bã từ thực phẩm.
Những lúc đứng “thiền” bên hồ “Thủy ngư canh”, tôi rút ra được một bài học quý giá cho bản thân: thân thể tôi không thể nào khỏe mạnh nếu “cặn bã” từ thức ăn do tôi tiếp nhận không được thải ra ngoài mà vẫn cứ “ở lì” trong tôi. Bài học này lại được củng cố qua bài nghiên cứu có tựa đề “Tử thần ở trong đường ruột già” của bác sĩ Gen JM Dillague mà một người bạn vong niên vừa mới gởi đến cho tôi. Như thường lệ, cứ nhận được một “bài học” nào có liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe là tôi đọc ngấu nghiến và giữ lại để nghiền ngẫm. Theo bác sĩ Dillague, nguyên nhân của bệnh tật trong con người có thể bắt nguồn từ sự tích tụ cặn bã bên trong cơ thể. Ông khuyên chúng ta hãy thử tưởng tượng cơ thể chúng ta như một cái hồ nuôi cá kiểng trong nhà. Giống như cái hồ này, 70% cơ thể chúng ta là dung dịch nước. Các tế bào của chúng ta giống như các con cá vàng đang bơi tung tăng trong khung cảnh hồ cá đầy nước. Lý do khiến cá chết không phải vì chúng ta không cho cá ăn mà vì chúng ta đã không giữ cho nước được sạch sẽ. Cơ thể chúng ta cũng chẳng khác nào một cái hồ nuôi cá kiểng. Chất độc hoặc cặn bã cũng có thể tích tụ trong cơ thể chúng ta. Chúng có thể đi vào các tế bào và can thiệp vào chức năng của các tế bào hoặc làm biến dạng DNA trong tế bào khiến cho các tế bào trở nên bất thường do đó không còn hoạt động theo đúng chức năng của chúng hoặc tạo ra những kết quả bất thường.
Trong cơ thể con người, một trong những bộ phận có nhiệm vụ phải loại trừ cặn bã độc hại chính là ruột già. Ruột già chính là “cái thùng rác” của cơ thể. Nó có nhiệm vụ tháo đổ rác rưởi và cặn bã từ cơ thể ra ngoài. Cách thức ăn uống, lối sống và việc xử dụng thuốc men đã đưa đến chỗ tích lũy chất cặn bã hoặc phân trong ruột già. Sự thất bại trong việc tiêu trừ cặn bã một cách đúng mức đã đưa đến sự tồn động chất cặn bã trong cơ thể.
Theo phân tích của bác sĩ Dillague, phân trong ruột già chính là cặn bã tích tụ từ thức ăn và tất cả những gì cơ thể chúng ta tiếp nhận. Phân bị tồn động đang tan rã hoặc thối rữa trong ruột già tạo ra chất độc cùng chất hơi khí thẩm thấu vào mạch máu và tích tụ lại trong các mô và các bộ phận trong cơ thể. Một khi cái thùng rác là ruột già đã đầy tràn mà không bị đổ đi nhưng lại tiếp tục nhận thêm rác thì đương nhiên số rác thặng dư ấy sẽ tràn ra các mô tế bào xung quanh và thấm vào hệ thống trong cơ thể. Và dĩ nhiên, một thân xác đầy cặn bã bẩn thỉu sẽ không tránh khỏi vô số những hậu quả như bệnh ngoài da(mụn, viêm, ngứa), nhức đầu, cảm mạo thường xuyên, viêm xoang mũi, ho, hơi thở dốc, tức ngực, táo bón, ăn không tiêu, đau nhức bắp thịt và khớp xương, thiếu năng lực, lên cân... và cuối cùng “dở hơi”, khó tính. Hèn chi người ta thường nói đến những bộ mặt “táo bón”!
“Cặn bã” trong cơ thể ảnh hưởng đến tính khí con người là chuyện không thể chối cãi được. Nhưng không chỉ có cơ thể mới tích lủy cặn bã. “Cặn bã” trong tinh thần có khi còn độc hại hơn nhiều. Kinh nghiệm cho tôi thấy có những điều tôi muốn quên đi hoặc tống khứ ra bên ngoài mà vẫn không làm được. Trong những “cặn bã” vẫn cứ mãi bám vào thành trì của ký ức ấy, độc hại nhứt có lẽ là nỗi cay đắng, muộn phiền và nhứt là sự thù hận.
Tôi hoàn toàn cảm thông với tác giả viết tạp ghi mà tôi cho là sâu sắc nhứt hiện nay là nhà văn Huy Phương. Trong bài viết có tựa đề “ Có những điều khó quên” đăng trên báo Người Việt số ra ngày 9 tháng 2 vừa qua, nhà văn Huy Phương đã kể lại một cơn ác mộng mới đây của ông, trong đó ông thấy mình “ đang ở trong nhà tù cộng sản với niềm vô vọng không biết ngày nào mới được thả về”. Đây cũng là cơn ác mộng mà nguyên một tháng trời khi mới trốn khỏi Việt Nam, đêm nào tôi cũng trải qua. Có điều theo tác giả Huy Phương, “sau bao nhiêu năm tù đày và cả cái đất nước tôi(tác giả) đã sống nhiều năm khi ra tù đã mang lại cho tôi nỗi ghê sợ và căm ghét chế độ cộng sản như thế nào, nhưng nếu nói tìm lại một khuôn mặt quản giáo coi tù hay vệ binh nào đã để lại cái ấn tượng khổ đâu cho tôi trong suốt những năm tù, thì tôi không tìm ra”. Thay vì nhớ những khuôn mặt “cộng sản” thứ thiệt ấy, ông lại bị ám ảnh bởi những kẻ mà ông gọi là những người đâm sau lưng chiến sĩ. Họ là những người cùng đơn vị, cũng mang thân phận tù đày như ông, nhưng trong chốn lao tù, đã “trở mặt” để hảm hại đồng đội của mình bằng những hành động hèn hạ, bẩn thỉu. Tác giả Huy Phương viết rằng đã hơn “35 năm trôi qua” nhưng ông chưa quên được hình ảnh của những người như thế. Lại càng khó quên hơn nữa khi gặp lại những con người đó trên đất Mỹ.
Tôi hiểu được nỗi đau của nhà văn Huy Phương. Ông chia sẻ: “ Nhiều lúc vô tình, tôi gặp những anh “đội trưởng” đâm sau lưng chiến hữu mà tôi đã kể ở trên, ở một quán cà phê đông người nào đó ở trên đất Mỹ. Phần đông, hình như họ đã quên những gì họ đã làm hay họ giả vờ quên, nhưng với tôi thì không, tôi không bao giờ quên họ, mặc dù thường tôi vẫn bào chữa cho họ, cho rằng chẳng qua vì quá yếu đuối. Cả một quá khứ đau đớn hiện ra với tất cả tên tuổi và hình ảnh của những nạn nhân là những bạn tù của tôi. Có lẽ đó là một khuyết điểm của cá nhân tôi, nhưng ở đời, “tiết trực” thì dễ nhưng “tâm hư”mới là khó. Người ta nói nhiều điều có thể tha thứ, nhưng không thể quên. Nếu quên được thì tôi đã không bao giờ có những giấc mơ thấy mình đang còn ở trong trại tù, như cơn ác mộng đêm qua”.
Tôi nghĩ có lẽ đó cũng là tâm tình mà nhà văn Nguyễn Thư Hiên, tác giả của quyển hồi ký nổi tiếng “Đêm giữa ban ngày”, đã muốn gởi gắm qua truyện ngắn có tựa đề “ Ông thông gia” , sáng tác đã lâu, nhưng vừa được đăng lại trên Đàn Chim Việt Online hôm 8 tháng 2 vừa qua. Tác giả kể lại nỗi khổ tâm và dằn vặt của một người Việt tỵ nạn tại Đức. Ông này trước kia ở ngoài Bắc, chuyên môn buôn bán đồ cổ, làm ăn khá thành công, nhưng bị một tên công an cướp của và cho vào tù mà không hề được xét xử. Oái ăm là tỵ nạn sang Đức, ông gặp lại tên công an ấy, cũng đến được bến bờ tự do như một người tỵ nạn. Nhưng éo le hơn nữa là thằng con trai của ông lại đi thương đứa con gái của tên công an ấy và xin được cưới cô ta làm vợ. Vì không muốn giáp mặt với kẻ thù, cho nên ông đã nhờ một người bạn ( người kể lại câu chuyện) đóng vai người cha nuôi  để đi hỏi vợ cho con ông. Chuyện còn tréo cẳng ngổng hơn nữa là người kể chuyện, khi giáp mặt với cha của cô gái, mới biết rằng hắn cũng chính là tên công an đã từng làm phụ tá trong một cuộc hỏi cung những người bị bắt trong một cuộc vượt biên không thành ở Sài Gòn mà ông có tham dự vào. Như vậy, cha cô dâu không chỉ là kẻ thù của cha chú rễ, mà còn là kẻ thù của người đóng vai cha nuôi của chú nữa. Người kể chuyện chia sẻ: “ Điều này tôi giấu, không nói ra. Nếu tôi nói, có thể “cô” Lương(cha chú rễ) sẽ cảm thấy lòng căm thù của “cô” được san sẻ. Nhưng, khốn nạn thay, không phải vì được san sẻ mà hận thù nơi “ cô” nhẹ đi. Có khi nó còn nặng thêm, vì “cô” thấy nó có lý hơn”.
Tác giả kết thúc câu chuyện như sau: “ Chỉ có thời gian mới có khả năng xóa đi hận thù. Mà thời gian đủ để xóa là bao lâu thì không ai biết, không ai có thể chỉ ra.
Ba năm liền, hai ông thông gia không giáp mặt nhau, không gủi cho nhau một lời hỏi thăm. Năm thứ tư, tôi bắt gặp hai kẻ thù một thời đi cùng nhau ở quảng trường Brandenburg. Giữa hai người là đứa cháu mới chập chững biết đi. Nó tin cậy giao hai bàn tay bé tí cho hai ông nó dắt”.
Tôi nhớ có đọc ở đâu đó câu nói: “Dường như sứ mệnh chính yếu của con người trên mặt đất này là nhớ”. Ngay cả những người mà chúng ta cho là không còn trí nhớ cũng vẫn cứ nhớ. Tôi thích trí nhớ của những người này. Phần lớn họ nhớ lại những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ hơn là những gì đã làm cho họ phải đau khổ. Có lẽ nỗi đau lớn nhứt trong đời người là cứ phải nhớ đến kẻ thù của mình. Đây là thứ “cặn bã” tinh thần độc hại hơn cả, nhưng lại khó tống khứ ra ngoài hơn cả. Nhưng cũng như nhà văn Nguyễn Thư Hiên, tôi tin rằng thời gian có khả năng xóa đi hận thù. Chỉ có thời gian mới có thể giúp chúng ta tiêu trừ được thứ cặn bả khủng khiếp nhứt trong con người là lòng hận thù. Dĩ nhiên, nói đến thời gian là nói đến hoàn cảnh, nhưng đồng thời cũng phải có những cố gắng của con người. Những viên thuốc xổ có khi làm “tháo dạ”, buộc phải  để cho “Tào Tháo rượt”. Nhưng sau khi những cặn bã đã được tống khứ ra ngoài, bụng dạ lại cảm thấy trống rỗng, nhẹ nhàng, thoải mái.
Bên hồ “Thủy ngư canh”, những lúc “nhập thiền” để chiêm ngắm đàn cá và nhìn hoa cỏ xanh tươi, tôi thấy tâm hồn thanh thản và lạc quan. Lạc quan là bởi vì, cũng như bao nhiêu cặn bã trong hồ cá luôn được hóa giải để nuôi sống rau cỏ, tôi cũng tin rằng thời gian cũng có sức loại trừ những cặn bả của hận thù, ích kỷ ra khỏi tâm hồn tôi để tôi chỉ còn nhớ những điều tốt đẹp mà cuộc sống đã và đang mang lại cho tôi, nhứt là vô số nghĩa cử mà người khác đã làm cho tôi.






Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

Hoa Kỳ: văn hóa súng đạn!


28/07/17
Một buối tối tuần vừa qua, một người phụ nữ Úc đang sống tại Hoa Kỳ đã gọi số 911 để báo tin cho cảnh sát về một hành động khả nghi đang xảy ra trong khu vực bà đang ở. Một viên cảnh sát đã đến và nã súng vào người phụ này. Nguyên nhân của vụ nổ súng khiến người phụ nữ thiệt mạng hiện vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Người phụ nữ Úc tên là Justine Ruszczyk đã định cư tại Minnesota từ năm 2014. Bà đã đính hôn với một người Mỹ. Cái chết của bà đã trở thành một trong những tin hàng đầu tại Mỹ và Úc trong những ngày vừa qua và làm nóng lên cuộc tranh luận vốn đã sôi nỗi về việc mang súng của nhân viên công lực cũng như của thường dân tại Hoa Kỳ.
Theo một bản phúc trình của Cơ quan Điều tra Liên bang FBI của Hoa Kỳ hồi năm 2014, nước này hiện đang có khoảng 900.000 nhân viên công lực.
Nước nào mà chẳng có nhân viên công lực. Nhưng trên thế giới hiện nay chỉ có 19 nước, trong đó có Anh quốc, Ái Nhĩ Lan, Băng Đảo và Na Uy, không  để cho các nhân viên công lực của họ phải mang khí giới. Ba phần tư các nước tại các đảo ở Nam Thái Bình Dương cũng không trao khí giới vào tay các cảnh sát viên. Vậy mà tại những nước trong đó cảnh sát không mang khí giới tỷ lệ giết người bằng súng ống thấp hơn rất nhiều so với những nước trang bị khí giới cho cảnh sát. Có lẽ đây là lý do tại sao, mặc dù phần lớn các nước trên thế giới trang bị khí giới cho nhân viên công lực, một số lại chọn không để cho cảnh sát của họ mang khí giới.
Tại Hoa Kỳ, theo các số liệu của Cơ quan FBI, trong năm 2015 vừa qua, đã có 41 cảnh sát viên bị giết chết trong lúc thi hành công vụ. Với Chương trình “Báo cáo về tội ác của nhân viên công lực”, FBI cũng cho biết thường dân bị cảnh sát giết chết được xếp vào loại “sát nhân có thể biện minh được”.
Theo Chương trình nói trên, từ năm 2008 đến năm 2012, mỗi năm tại Hoa Kỳ có khoảng 400 người bị cảnh sát giết chết. Nhưng nhiều tổ chức bênh vực nhân quyền nói rằng con số này có thể cao hơn. Các tổ chức này nói rằng sở dĩ con số nạn nhân bị cảnh sát giết chết thấp là vì các bản báo cáo của cảnh sát thiếu minh bạch. Theo báo the Washington Post, chỉ tính đến tháng 7 năm nay thôi, con số thường dân bị cảnh sát giết chết đã lên đến 547 người. Tuy nhiên, hầu như cảnh sát viên nào dính líu đến những vụ bắn giết như thế cũng đều được trắng án. Trong năm 2017 này, tính đến nay cũng đã có 3 vụ cảnh sát bắn chết thường dân. Các cảnh sát viên cho biết họ đã phải rút súng và bóp cò vì sợ cho tính mạng của họ. Các cuộn băng ghi lại những gì đã diễn ra tại hiện trường đã được các luật sư trình ra trước tòa án và bồi thẩm đoàn. Nhưng trong cả ba trường hợp, tất cả các cảnh sát viên đều được trắng án.
Con số thường dân tại Hoa Kỳ bị cảnh sát giết chết không chỉ đặt vấn đề về việc cảnh sát Mỹ mang khí giới trong lúc thi hành công vụ mà con nói lên một thực trạng đáng lo ngại là con số thường dân Mỹ có trang bị súng ống. Văn hóa súng ống vẫn mãi mãi là một vấn đề không có giải pháp tại Hoa Kỳ.
Theo một bản phúc trình của Viện Công lý Quốc gia (NIJ: National Institute of Justice) được công bố năm 2009, con số súng ống mà thường dân Mỹ đang sở hữu lên đến 310 triệu. Trên toàn thế giới hiện có khoảng 650 triệu súng ống nằm trong tay thường dân. Điều này có nghĩa là người Mỹ chiếm đến gần một nửa số khí giới  của tư nhân trên toàn thế giới. Đứng hạng nhì thế giới về khí giới của tư nhân, Ấn Độ cũng chỉ có khoảng 46 triệu súng ống hiện nằm trong tay thường dân. Nhìn chung, theo một cuộc thăm dò được tổ chức “Thăm dò về vũ khí nhẹ” (Small Arms Survey) có trụ sở tại Thụy Sĩ thực hiện, kể từ năm 2007, con số khí giới do thường dân sở hữu đã gia tăng. Đây là cơ hội để các công ty sản xuất khí giới ăn nên làm ra!
Theo tổ chức “Thăm dò về vũ khí nhẹ”, rất khó biết được con số khí giới nhẹ hiện có trong tay thường dân trên toàn thế giới: rất nhiều khí giới không được khai báo, các tổ chức buôn bán khí giới bất hợp pháp cũng che đậy và nhất là tại những vùng có xung đột vũ trang, việc kiểm soát và thăm dò lại càng khó khăn hơn.
Nhưng theo các số liệu có thể tin tưởng được, Hoa Kỳ vẫn luôn chiếm giải quán quân về số khí giới của thường dân tính theo đầu người. Theo một cuộc nghiên cứu của Trung tâm Thăm dò Pew Center, cứ 10 người Mỹ thì có 4 người cho biết hoặc là đang  có một cây súng trong tay  hoặc là đang sống trong một ngôi nhà có súng. Cũng theo cuộc thăm dò này, 48 phần trăm người Mỹ nói rằng họ đã lớn lên trong một gia đình có trang bị súng ống.
Cuộc thăm dò nói trên cũng cho biết: 66 phần trăm những người đang có khí giới tiết lộ rằng họ có nhiều loại khí giới khác nhau. Gần ba phần tư những người đang có khí giới trong tay nói rằng họ không thể tưởng tượng được tại sao không sở hữu khí giới.
Yemen, một quốc gia nghèo nàn lạc hậu bên Trung Đông và hiện đang trải qua một cuộc nội chiến tàn khốc từ hơn 2 năm qua,   đứng hàng thứ hai trên thế giới về tỷ lệ sở hữu khí giới tính theo đầu người.  Nhưng nếu so với Hoa Kỳ thì số người thực sự có khí giới cũng chẳng là bao.
Dĩ nhiên, chơi gươm thì chết vì gươm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới Who (World Health Organization) Hoa Kỳ là một trong những nước phát triển trên thế giới có tỷ lệ chết vì súng ống cao nhất. Các số liệu của năm 2010 cho thấy con số người Mỹ chết vì súng ống cao gấp 51 lần so với Vương quốc Anh. Theo một cuộc nghiên cứu được cho công bố trên báo the Journal Pediatrics (báo khoa nhi đồng) hồi tháng trước, chỉ riêng trẻ con thôi, con số trẻ em Mỹ chết vì thương tích do súng ống gây ra mỗi năm lên đến trên 1.200 em.
Có đến hai phần ba những người Mỹ đang có súng ống trong tay nói rằng lý do chính khiến họ mua súng là để tự vệ. Tuy nhiên, cuộc thăm dò của Trung tâm Pew Center lại cho thấy phần lớn những cái chết gắn liền với súng ống đều là những vụ “mình tự bắn mình” mà thôi! Những vụ tự tử bằng súng ống tại Hoa Kỳ cao gắp 8 lần so với các nước phát triển khác.
Dĩ nhiên  tỷ lệ sát nhân bằng súng ống tại Mỹ thấp hơn nhiều nước Châu Mỹ La Tinh. Theo cuộc thăm dò của tổ chức “Thăm dò về vũ khí nhẹ”, El Salvador hiện là nước Nam Mỹ có tỷ lệ sát nhân bằng súng ống cao nhất thế giới. Tại nước này, cứ 100.000 dân thì có hơn 90 người chết vì súng ống.
Từ năm 2010 đến năm 2015, một quốc gia khác tại Nam Mỹ là Honduras cũng có tỷ lệ sát nhân bằng súng ống rất cao: cứ trong 100.000 dân thì có khoảng 67 người bị giết chết bằng súng ống.
Venezuela cũng có một tỷ lệ rất cao về những vụ giết người bằng súng ống như thế.
Tuy nhiên nếu xét về những vụ thảm sát, tức những vụ bắn giết gây thiệt mạng cho nhiều người một lúc, thì chẳng có nước nào qua mặt được Hoa Kỳ. Hoa Kỳ vẫn đứng đầu thế giới về những vụ bắn giết tập thể và ở nơi công cộng.
Cuộc tấn công tại Orlando, Tiểu bang Florida hồi năm 2016 đã làm cho 49 người thiệt mạng. Đây là cuộc tàn sát có đông nạn nhân nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Năm 2012, tại Newtown, tiểu bang Connecticut, một thanh niên 20 tuổi tên là Adam Lanza, sau khi giết mẹ, đã cầm súng đến một trường tiểu học và bắn giết 26 em học sinh và một số giáo viên của trường. Năm 2007, 32 người đã bị giết chết trong một vụ thảm sát tại Trường đại học Kỹ thuật Virginia Tech. Trước đó, khủng khiếp hơn nữa, vào năm 1999, một học sinh đã xách súng bắn xối xả vào trường trung học Columbine, Tiểu bang Collorado. Cuộc thảm sát đã làm thiệt mạng 13 người và gây thương thích cho 20 người khác. Đó là những cuộc bắn giết làm thiệt mạng nhiều người. Còn chuyện bắn giết lẻ tẻ xảy ra như cơm bữa thì có lẽ kể ra không xuể.
Những cuộc bắn giết như thế luôn làm nóng dậy những cuộc tranh cãi về việc kiểm soát súng ống tại Hoa Kỳ. Nhưng oái oăm thay, cứ sau một cuộc thảm sát, số người đòi hỏi phải có súng riêng để tự vệ  lại cũng nhiều hơn. Và dĩ nhiên, luật lệ kiểm soát và hạn chế việc bán súng cũng trở nên lỏng lẻo hơn.
Dạo tháng Hai vừa qua, đương kim Tổng thống Donald Trump đã ban hành một biện pháp nhằm xóa bỏ những luật hạn chế việc tư nhân chiếm hữu và sử dụng súng ống dưới thời Tổng thống Barack Obama. Khi đưa ra những hạn chế này, Tổng thống Obama đặc biệt nhắm đến những người mắc bệnh tâm thần. Những người ủng hộ luật kiểm soát súng ống của Tổng thống Obama tin rằng luật này giúp ngăn ngừa được một số vụ tự tử và những cái chết do tai nạn vì súng ống gây ra. Tuy nhiên kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống và Đảng Cộng Hòa kiểm soát cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện, luật kiểm soát súng ống của Tổng thống Obama đã bị đảo ngược. Đặc biệt Hiệp hội Súng Toàn quốc (National Rifle Association) và Liên hiệp các Quyền Tự do Dân sự Mỹ (American Civil Liberties Union) đã kịch liệt chống lại luật kiểm soát súng dưới thời Tổng thống Obama. Liên hiệp các Quyền Tự do Dân sự Mỹ cho rằng không nên gắn liền bạo động với tâm thần. Trong một lá thư gởi cho Quốc hội, Liên hiệp này lập luận rằng không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy có sự liên hệ giữa bệnh tâm thần và bạo động, mà trái lại chính những người mắc bệnh tâm thần mới là nạn nhân của bạo động.
Như vậy, phe bảo vệ nền văn hóa súng ống tại Hoa Kỳ lúc nào cũng thắng thế!
Có lẽ Hoa Kỳ vẫn không chịu học bài học về việc kiểm soát và hạn chế súng ống của tư nhân tại nhiều nước trên thế giới. Nhìn chung, bất cứ nơi nào có hạn chế súng ống tư nhân, nơi đó người ta đều thấy các vụ thảm sát giảm hẳn.
Úc Đại Lợi là một trường hợp điển hình. Tại quốc gia miệt dưới này, từ năm 1987 đến năm 1996 đã xảy ra tất cả 4 vụ thảm sát bằng súng ống. Dĩ nhiên so với Hoa Kỳ, con số này chẳng thấm vào đâu. Hơn nữa dân số Úc không bằng một phần mười dân số Mỹ.
Được nhắc đến nhiều nhất là vụ thảm sát xảy ra tại Port Arthur, Tiểu bang Tasmania  dạo tháng Tư năm 1996. Liền sau cuộc thảm sát này, người dân Úc đã kịch liệt  chống lại việc cho phép tư nhân mang súng ống. Trước áp lực của dân chúng, Quốc Hội Úc dưới thời Thủ tướng John Howard đã thông qua những biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ việc cho phép tư nhân sử dụng súng ống. Kể từ đó đến nay, không còn một vụ thảm sát nào xảy ra tại Úc Đại Lợi nữa.

(Nguồn:http://edition.cnn.com/2017/07/19/world/us-gun-crime-police-shooting-statistics/index.html?sr=homepage-australia)





















Nga: bất đồng chính kiến và bệnh viện tâm thần.


21/07/17
Ilmi Umerov là một nhà tranh đấu thuộc sắc dân Tatar tại Crimea. Tháng Tám năm vừa qua, khi ông đang điều trị về bệnh tim tại một bệnh viện thì một toán lực lượng đặc biệt của Nga đã đến áp tải ông vào một bệnh viện tâm thần.
Ông Umerov đã bị giữ tại bệnh viện tâm thần 21 ngày. Trong suốt thời gian này, nhà tranh đấu 59 tuổi này, mặc dù bị tiểu đường lẫn Parkinson, vẫn không được cho sử dụng thuốc thang đầy đủ. Kết quả là bệnh trạng của ông ngày càng trầm trọng.
Người con gái của ông là cô Ayshe Umerov đã nói với một phóng viên của Đài Al-Jazeera rằng sang ngày thứ tư sau khi bị đưa vào bệnh viện tâm thần, ông đã ngất xỉu. Dù vậy các y sĩ làm việc trong bệnh viện vẫn không chịu chữa trị cho ông. Sau khi được trả tự do, ông Umerov phải mất nhiều tuần lễ mới hồi phục.
Ông Umerov đã bị giam giữ trong một phòng cùng với khoảng 20 bệnh nhân khác, tất cả đều là những người bị rối loạn tâm thần nặng. Ông cho biết: các chuyên gia tâm lý trị liệu bảo ông rằng ông phải nhìn nhận rằng mình đã làm sai và như vậy mọi người sẽ để yên cho ông.
Một trong những luật sư của ông Umerov là ông Emil Kurbedinov còn cho biết thêm là trong các bệnh viện tâm thần, bệnh nhân thường không được cho phép đi tắm và phải chờ đợi cả 17 tiếng đồng hồ mới được cho ăn uống. Cô Ayshe Umerov cũng nói rằng cô và các luật sư của cha cô không được phép vào thăm ông trong tuần lễ đầu tiên khi ông bị giam trong bệnh viện tâm thần.
Theo ông Robert van Voren, giám đốc của Liên minh Sáng kiến Toàn cầu về Tâm lý Trị liệu (Federation Global Initiative on Psychiatry), một tổ chức chuyên theo dõi những vụ vi phạm nhân quyền trong các bệnh viện tâm thần và một số nhà tranh đấu cho nhân quyền, trường hợp của ông Umerov và hàng chục người khác cho thấy Nga hiện đang tái lập việc sử dụng các bệnh viện tâm thần của thời Liên Xô để loại trừ những nhà bất đồng chính kiến .
Vài tháng trước khi giam giữ ông Umerov vào bệnh viện tâm thần, các lực lượng an ninh của Nga đã mở một cuộc điều tra về những hoạt động ly khai của ông.
Đã từng là  quận trưởng tại Bakhchisaray của Crimea, ông Umerov đã lên tiếng phê bình gay gắt việc Nga xâm chiếm Crimea dạo tháng Ba năm 2014.
Ông Rustem Umerov, cha của ông Umerov, là một trong những người sống sót sau lệnh cưỡng bách của Stalin buộc người Tatar phải rời bỏ Crimea hồi năm 1944. Trong cuộc hành trình dài từ Crimea sang Trung Á, chỉ có khoảng 46 phần trăm những người bị lưu đày còn sống sót.
Ông Umerov đã chào đời tại Jizzakh, Uzbekistan. Năm 16 tuổi, lần đầu tiên ông bị mật vụ Nga KGB theo dõi vì đang rải truyền đơn kêu gọi người dân Tatar “lên tiếng” về cuộc lưu đày. Nhưng cũng kể từ đó ông đã từ từ leo lên các bậc thang trong sự nghiệp chính trị mà cao điểm là chức vụ phó thủ tướng Crimea từ năm 1994 đến năm 1997.
Việc chính quyền Nga bắt giữ ông Umerov đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng thế giới. Mạng lưới Theo dõi Nhân quyền đã gọi đây là một “hành động nhục nhã khi sử dụng bệnh viện tâm thần để buộc ông phải câm miệng và làm hoen ố thanh danh của ông”.
Cùng với ông cũng đã có nhiều nhà bất đồng chính kiến khác phải bị đưa vào các bệnh viện tâm thần như thế. Một bản phúc trình được tổ chức Liên minh Sáng kiến Toàn cầu về Tâm thần cho công bố dạo tháng Tư vừa qua cho biết kể từ năm 2012 đến tháng Tư năm 2017 đã có trên 30 nhà bất đồng chính kiến và các ký giả  bị đưa vào các bệnh viện tâm thần. Có người bị giam giữ đến cả 10 năm.
Hầu hết các trường hợp trên đây xảy ra tại Nga và Crimea, kể từ khi Nga xâm chiếm vùng này. Ngoài ra, tại Uzbekistan và Kazakhstan cũng đã xảy ra những trường hợp tương tự. Theo ông Van Voren, có lẽ con số những trường hợp như thế còn cao hơn nhiều so với những gì đã được chính thức nêu lên trong bản phúc trình.
Theo các tài liệu lịch sử, khi các phương pháp “hợp pháp” để trừng trị một nhà bất đồng chính kiến không còn hiệu quả nữa, chính quyền Nga liền sử dụng các bệnh viện tâm thần để đàn áp các thành phần đối lập.
Dưới thời Liên Xô, vào thập niên 1960, các bệnh viện tâm thần được sử dụng để giam giữ hàng trăm ngàn nhà bất đồng chính kiến. Trong giai đoạn đó, bên kia “Bức Màn Sắt”, thế giới bên ngoài không hề biết có một phương pháp đàn áp dã man như thế.
Theo ông Van Voren, chỉ sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, thế giới mới nhìn thấy được những bằng chứng hiển nhiên theo đó, Giám đốc KGB lúc bấy giờ là ông Yuri Andropov và một nhóm phụ tá đặc biệt của ông đã sử dụng các bệnh viện tâm thần như một hệ thống để đàn áp những nhà bất đồng chính kiến. Các văn phòng của KGB tại các cộng hòa khác như Ukraine, đã nhận được các chỉ thị với đầy đủ chi tiết từ Trung ương để sử dụng các bệnh viện tâm thần như một biện pháp phòng ngừa hay để loại trừ những “phần tử phản động” ra khỏi xã hội.
Sử dụng các bệnh viện tâm thần để trừng phạt là một phương pháp rất thuận lợi, bởi vì không như trong các nhà tù, việc giam giữ trong các bệnh viện tâm thần là vô thời hạn. Tù nhân chỉ có thể được thả nếu chịu nhận hành động “sai trái” của mình. Bằng cách đó, các bệnh viện tâm thần có thể giúp các chế độ cộng sản thực hiện “giấc mơ” xây dựng một xã hội đồng bộ về mọi mặt.
Dưới thời Liên Xô, sức khỏe tinh thần phải lệ thuộc vào  ý thức hệ cộng sản. Chủ trương này đã được Chủ tịch Nikita Khrushchev đề ra trong một bài diễn văn hồi năm 1959. Ông nói rằng “có những người đang chống lại chủ nghĩa cộng sản...Rõ ràng là tâm thần của những người như thế không được bình thường”. Một người có sức khỏe tinh thần bình thường phải là một người đi theo chủ nghĩa cộng sản. Vào thập niên 1960, trên toàn lãnh thổ Liên Xô, chỉ có một thứ bệnh duy nhất mà các triệu chứng nhìn thấy được là “có tư tưởng chống Liên Xô”, “ ảo tưởng về cải tổ” và “ấu trĩ”. Tóm lại, đó là thứ bệnh mà chỉ có việc giam giữ trong các bệnh viện tâm thần mới có thể chữa trị được mà thôi!
Với một chủ trương như thế, hầu như bất cứ hành động, tư tưởng hay lời nói nào gợi lên việc chống đối chế độ cũng đều bị gán cho nhãn hiệu “tâm thần”. Dưới thời Liên Xô, đã có không biết bao nhiêu người bị chẩn đoán mắc bệnh tâm thần và bị đưa vào các bệnh viện tâm thần chỉ vì họ có những quan điểm chính trị khác với chế độ. Một khi bị đưa vào bệnh viện tâm thần, bệnh nhân bị cho chích điện mà không cần thuốc tê mê hoặc phải dùng một lượng lớn về thuốc an thần và insulin. Sau chiến tranh lạnh, một ủy ban điều tra tại Moscow đã ghi được tên tuổi của  khoảng 2000 tù nhân chính trị chỉ riêng tại 5 bệnh viện ở Nga.
Khoảng cuối thập niên 1980, khi Bức màn sắt bắt đầu sụp đổ trên toàn Đông Âu, việc sử dụng các bệnh viện tâm thần để loại trừ những nhà bất đồng chính kiến đã được phơi bày; Nga đã bị loại ra khỏi Hiệp hội Tâm lý Trị liệu của thế giới.
Việc sử dụng các bệnh viện tâm thần để giam giữ các nhà bất đồng chính kiến chỉ chấm dứt vào thập niên 1990. Nhưng kể từ khi ông Vladimir Putin lên làm tổng thống Nga từ năm 2000 đến nay, việc sử dụng các bệnh viện tâm thần để loại trừ các nhà bất đồng chính kiến lại được tái lập. Dù đã có nhiều bằng chứng được trưng dẫn, các chuyên gia tâm lý trị liệu của Nga vẫn chối cãi. Trước kia, họ bảo là vì chống Liên Xô mà thế giới mới bịa đặt những chuyện như thế. Nay họ lại cho rằng vì chống Nga của ông Vladimir Putin mà thế giới cũng phịa ra những chuyện như thế! Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Nhật báo Nga Novye Izvestiia hồi năm 2015, chuyên gia tâm lý Mikhail Vinogradov nói rằng sử dụng các bệnh viện tâm thần để đàn áp những nhà bất đồng chính kiến là “chuyện tưởng tượng”. Theo ông, phần lớn các cuộc chẩn đoán đều cho thấy nhiều người thực sự mắc bệnh tâm thần chứ không phải vì chính phủ muốn loại trừ hay đàn áp họ.
Ngày nay, cũng như dưới thời Liên Xô, các nhóm tranh đấu cho nhân quyền và các chuyên gia đều khẳng định rằng giam giữ các nhà bất đồng chính kiến vào các bệnh viện tâm thần là một biện pháp phòng ngừa chứ không chỉ là trừng phạt. Nói cách khác, để ngăn ngừa mầm mống “phản động, chính phủ Nga dưới thời Liên Xô và Chính phủ Vladimir Putin cho rằng tốt nhất là nên đưa những kẻ bị tình nghi “phản động” vào các bệnh viện tâm thần.
Giáo sư Gerhard Mangott, hiện đang giảng dạy tại phân khoa chính trị học của Đại học Innsbruck, Áo Quốc, nói rằng dùng các bệnh viện tâm thần để trừng phạt người bất đồng chính kiến là một tín hiệu để cảnh cáo các công dân rằng họ liệu hồn đừng có chỉ trích chính phủ.
Ông Sergei Kovalev, một nhà tranh đấu cho nhân quyền đã từng làm cố vấn về nhân quyền cho Tổng thống Nga Boris Yeltsin nói rằng sử dụng các bệnh viện tâm thần để trừng phạt là chủ trương của Chính phủ Nga nhằm xây dựng một chế độ không có đối lập.
Theo ông Umerov, hiện chính quyền Nga tại Crimea cũng đeo đuổi một chủ trương như thế.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Báo Hromadske của Ukraine dạo tháng Năm vừa qua, tức một thời gian ngắn trước khi bị bắt giữ, ông Umerov nói rằng điều mà chính quyền Nga mong muốn nhất là dân chúng phải tỏ ra “trung thành” (theo kiểu “trung với đảng hiếu với dân” của mấy ông cộng sản Việt Nam). Sở dĩ chính quyền Nga tại Crimea đòi hỏi như thế là bởi vì hiện nay dân chúng Crimea nói chung vẫn không nhìn nhận quyền của Nga tại Crimea hay chính quyền mà Nga đã dựng lên tại vùng này.
Theo ông Kurbedinov, luật sư của ông Umerov, sau khi ông bị bắt giữ hồi tháng Tám năm ngoái, cũng đã có thêm 10 người Tatar khác bị đưa vào một bệnh viện tâm thần tại Crimea.
Theo ông van Voren, “việc tái lập biện pháp sử dụng bệnh viện tâm thần để đàn áp phe đối lập gắn liền với tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ tại Crimea và nhất là do việc chính quyền địa phương tại đây cảm thấy có nhiều tự do hơn để đàn áp phe đối lập hơn là trước kia. Tại Crimea kể từ khi bị Nga xâm chiếm năm 2014, pháp quyền ngày càng bị thay thế bởi độc tài.
Tatar là một nhóm sắc dân Thổ đã di cư đến Crimea từ giữa Thế kỷ 13 đến Thế kỷ 17 sau Công nguyên. Mãi cho đến giữa Thế kỷ 20, họ là sắc dân chính chiếm đa số tại đảo này. Nhưng tháng Năm năm 1944, Stalin ra lệnh trục xuất toàn bộ dân Tatar ra khỏi Crimea, ngay cả những gia đình của các quân nhân đã từng phục vụ trong quân đội Liên Xô. Hầu hết đã bị đày sang Trung Á, nhất là Uzkekistan. Mãi cho đến năm 1967, một số mới được phép trở về Crimea. Hiện nay người Tatar chỉ còn chiếm khoảng 12 phần trăm dân số Crimea. Crimea đã bị “nga hóa” và với lý do này, Vladimir Putin đã đem quân sang xâm chiếm Crimea để gọi là giải phóng người Nga khỏi Ukraine!

Nguồn:
-         https://en.wikipedia.org/wiki/Crimean_Tatars


Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

Văn minh và khoan nhượng


Chu Thập
14/07/17

Carlos Downell là một người vô gia cư nổi tiếng tại Hoa Kỳ. Thật ra tên tuổi của ông chỉ được nhắc đến sau khi ông qua đời. Ông chết ngày 18 tháng Bảy năm 2012, khi được 58 tuổi. Sau khi ông ra đi người ta đã thu thập được những suy tư vụn vặt của ông và cho xuất bản dưới tựa đề: “Lạc lõng trên nước Mỹ: những suy tư về cuộc sống không nhà” (Lost in America: Essays on Homelessness). Phần lớn những suy tư này được ông Downell viết trong nhà tù, thường là trên những mảnh giấy vệ sinh hay giấy lau mặt. Qua những suy tư ấy, ông Downell đã giải bày một cuộc sống vô cùng khốn khổ. Và nỗi đau mà ông đã nói lên được cũng chẳng khác bao nhiêu so với số phận của hàng trăm ngàn người mỗi đêm phải ngủ bờ ngủ bụi hay trên hè phố tại Hoa Kỳ hay bất cứ ở đâu.
Cô đơn có lẽ là điều khủng khiếp nhứt đối với người không nhà không cửa. Downell tâm sự: “Đôi khi tôi phải khóc. Để khóc tôi phải trùm mền, thu mình lại, nhắm mắt và khóc. Trong thinh lặng, tôi khóc với chính mình. Lúc nhỏ tôi đã học được cách khóc không ra tiếng. Tôi học khóc như thế vì khi tôi còn nhỏ, nếu bà tôi nghe tôi khóc trong phòng, bà sẽ la lên: “Mày có nín không hay là tao sẽ vào phòng mày để làm cho mày nín khóc”. Tôi đã không được phép khóc. Chính vì vậy mà, cũng như tôi đã học được nhiều điều khác, tôi cũng đã học khóc trong thinh lặng, với chính mình”.
Con đường dẫn đến cuộc sống vô gia cư và tù tội của Downell có lẽ cũng giống như những hoàn cảnh đã đẩy đưa không biết bao nhiêu người vào cuộc sống không nhà. Bỏ nhà ra đi, ăn cắp vặt trong các cửa tiệm, tập uống rượu, lạm dụng thuốc ho sirô và cuối cùng là cần sa và ma túy...tưởng đó là những thứ giúp mình thoát khỏi cô đơn, nhưng càng nghiện ngập và lún sâu vào cuộc sống vô gia cư, Downell  càng cảm thấy  cô đơn và tuyệt vọng.
Trong một đoạn khác, ông viết: “Đôi khi tôi khóc và không hiểu tại sao tôi khóc. Đôi khi tôi hiểu. Đôi khi tôi chỉ chơi đàn tây ban cầm. Đây là đường giây trực tuyến của tôi với Thượng Đế. Đây là điện thoại “nguyên tử” của tôi. Tôi đã lạc mất trong sa mạc quá lâu. Tôi đã ở trong sa mạc suốt cuộc đời tôi. Xin hãy đem mưa đến cho tôi” (x.www.psychologytoday.com/blog/the-existential-shrink/201707/lost-in-america).
“Mưa” mà con người khốn khổ này nói đến là những giọt nước mắt của chính mình mà ông cho là có sức thanh tẩy và chữa trị. Nhưng “mưa” mà sa mạc cõi lòng của ông cần đến có lẽ cũng là sự cảm thông của người đồng loại.
Có lẽ hơn bất cứ một sự giúp đỡ nào, điều mà những người vô gia cư như ông Downell cần đến nhiều nhứt chính là thái độ khoan nhượng và cảm thông. Cái nhìn thông thường của nhiều người đối với những người vô gia cư thường là khinh miệt và lên án. Ngày ngày xách cập đi làm, chạm trán với những người ngồi trên hè phố van xin một đồng xu nhỏ để sống qua ngày, người ta chẳng nghĩ trong bụng rằng đó là hạng người lười biếng, chỉ biết hút xách và sống dựa vào người khác đó sao. Có ai hiểu được nỗi cô đơn đang gậm nhấm tâm hồn của những kẻ mà hoàn cảnh đã đưa đẩy vào con đường cùng như thế không?
Nhiều lúc tôi cũng có cái nhìn đầy thành kiến và miệt thị như thế đối với những người vô gia cư và những người nghiện ngập. Những lúc một cái nhìn như thế lóe lên trong ánh mắt của tôi, tôi cảm thấy như nhân cách của mình bị thui chột đi một phần nào. Với tôi, không gì hạ giảm nhân cách cho bằng thành kiến, thái độ bất khoan nhượng và thiếu cảm thông.
Hôm nay 14 tháng Bảy (quen gọi bằng tiếng Pháp là Quatorze Juillet) là ngày Quốc khánh của Pháp quốc. Tôi không thể quên ngày này vì Pháp là trạm dừng chân đầu tiên của tôi trong bước đường tỵ nạn. Tôi đã chọn Pháp làm nơi để đặt chân đến trước tiên trong thế giới tự do bởi vì muốn hay không, ít hay nhiều, tôi cũng đã thấm nhuần văn hóa Pháp. Từ cách suy nghĩ, diễn tả và ngay cả trong việc tuyên xưng và thực hành niềm tin tôn giáo của mình, cho tới giờ phút này tôi thấy mình vẫn không thể nào ra khỏi cái khung của văn hóa Pháp. “Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu” đã nhào nặn tôi với những “nhân nghĩa lễ trí tín” của Khổng giáo. Nhưng “một trăm năm đô hộ giặc Tây” cũng đã để lại một dấn ấn khó tẩy xóa trong bản sắc của tôi.
Chế độ thực dân của Pháp và bao nhiêu nếp hằn trên dân tộc tôi đã trở thành lịch sử. Tôi không thể ngồi đó mà nguyền rủa quá khứ. Ngày hôm nay tôi nhớ đến nước Pháp và bày tỏ lòng biết ơn với đất nước này vì đã mở rộng vòng tay để đón nhận tôi, cho tôi được hít thở không khí tự do và nhứt là tập cho tôi biết sống tinh thần khoan nhượng và cảm thông.
Cuộc Cách mạng ngày 14 tháng Bảy năm 1789 không chỉ là ngày phá ngục Bastille, không chỉ gợi lên một thời kinh hoàng tiếp theo sau đó, mà thiết yếu là hô lớn 3 chữ :Tự do, Bình đẳng và Huynh đệ. Cuộc cách mạng ấy cũng không bùng nổ một cách tự phát mà đã âm ỉ từ nhiều thập niên trước với phong trào thường được gọi là “Thế kỷ Ánh sáng” (Siècle des Lumières hay gọi bằng Anh ngữ là Age of Enlightment). Một trong những nhà tư tưởng nổi bật nhứt trong thời kỳ khai sáng này là Francois Marie Arouet (1697-1778) thường được biết đến dưới bút hiệu Voltaire. Ông đã hai lần bị giam vào ngục Bastille chỉ vì tranh đấu cho quyền tự do tư tưởng và ngôn luận của con người. Ông được gán cho một câu nói thời danh: “Tôi không tán thành điều bạn nói, nhưng tôi sẽ tranh đấu cho tới chết  để bảo vệ quyền được nói điều đó của bạn”. Đây chính là tư tưởng cốt lõi của Phong trào “Thế kỷ Ánh sáng”. Các triết gia của thời kỳ này đứng lên chống lại chế độ quân chủ độc tài cũng như tinh thần bất khoan nhượng của Giáo hội Công giáo vào thời đó.
Cuộc Cách mạng năm 1789, một cách nào đó, cũng là cuộc cách mạng của tự do và tinh thần khoan nhượng. Pháp đã tặng cho Hoa Kỳ bức tượng Nữ thần Tự Do để khẳng định tinh thần khoan nhượng ấy, bởi vì Nữ thần Tự Do là biểu tượng của Tự do, Công lý và Dân chủ. Những ý niệm nền tảng ấy không thể đứng vững được nếu không có tinh thần khoan nhượng.
Ngày 14 tháng Bảy hằng năm, tôi thấy mình phải biết ơn nước Pháp. Dù chỉ là một trạm dừng chân ngắn ngủi của tôi trong đời tỵ nạn, Pháp quốc đã mở ra cho tôi cánh cửa của tự do và khơi dậy nơi tôi tinh thần khoan nhượng và cảm thông. Bỏ nước ra đi, người Việt tỵ nạn chẳng tìm đến Trung Cộng, chẳng gõ cửa Liên Xô hay Nga hoặc bất cứ quốc gia Hồi Giáo nào. Chúng ta tìm đến các nước Tây Phương. Ngày nay, làn sóng tỵ nạn từ nhiều nước Trung Đông hay Phi Châu, Afghanistan, Miến Điện...cũng chỉ muốn được định cư tại một nước Tây Phương. Dĩ nhiên, tại các nước Tây Phương, người tỵ nạn sẽ có được một cuộc sống ấm no, đẩy đủ đã đành, họ cũng hưởng được không khí tự do và cũng như tôi, họ cảm nhận được thế nào là khoan nhượng và cảm thông.
Văn minh Tây Phương cũng chính là văn minh của khoan nhượng và cảm thông. Nền văn minh ấy sẽ chết nếu khoan nhượng và cảm thông không còn là hơi thở của các nước Tây Phương. Bảo tồn nền văn minh Tây Phương cũng chính là đề cao và bảo vệ những giá trị ấy.
Trong chuyến đi Âu Châu vừa qua để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh khối G20 của các nước có nền kinh tế mạnh nhứt thế giới hiện nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chọn Ba Lan làm trạm dừng chân đầu tiên của ông. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Tôi hiểu lý do tại sao tổng thống Mỹ chọn Ba Lan làm bãi đáp đầu tiên ở Âu Châu. Trong Liên Âu, Ba Lan, một quốc gia toàn tòng công giáo,  hiện đang đi ngược lại đường lối chung của khối để không nhận người tỵ nạn. Đương kim Tổng thống Ba Lan, ông Andrzej Duda, cũng bài ngoại, chống di dân, nhứt là người Hồi giáo như Tổng thống Trump. Trong bài diễn văn đọc tại Ba Lan, Tổng thống Trump đã nhắc đến hai chữ “Tây Phương” 10 lần và “văn minh của chúng ta”, tức văn minh Tây Phương 5 lần. Ông đặt câu hỏi: “Vấn đề căn bản của thời đại chúng ta là liệu Tây Phương có còn ý chí để sống còn không. Chúng ta có tin tưởng vào những giá trị của chúng ta để bằng mọi giá phải bảo vệ chúng không? Chúng ta có tôn trọng đủ các công dân của chúng ta để bảo vệ biên giới của chúng ta không? Chúng ta có ước muốn và can đảm để bảo tồn nền văn minh của chúng ta trước những kẻ muốn đảo lộn và phá hủy nó không?”
Với tôi, văn minh Tây Phương không chỉ là Kitô Giáo, là những ngôi thánh đường nguy nga, là nhạc cổ điển và nhứt là không chỉ là kỹ thuật và khoa học. Văn minh Tây Phương ngày nay có lẽ cũng chẳng còn là văn minh của riêng người da trắng. Một nước Tây Phương như Hoa Kỳ có lẽ cũng chẳng còn là một nước của riêng người da trắng. Ở mãi miệt dưới như Úc Đại Lợi, dù có được xem như một nước Tây Phương đi nữa, người da trắng cũng không còn là đa số  và Kitô Giáo cũng chẳng còn là tôn giáo nổi trội nữa. Nhưng những giá trị nền tảng làm nên một nước Úc Đại Lợi đa văn hóa và bảo tồn nền văn minh Tây Phương vẫn còn đó. Và cốt lõi của những giá trị đó chính là tinh thần khoan nhượng.
Với tôi, không có khoan nhượng thì cũng chẳng có văn minh. Tôi nghĩ một cách đơn giản như thế khi nghĩ đến mấy ông bà cộng sản Việt Nam. Miệng họ lúc nào cũng ra rả kêu gọi xây dựng “nếp sống văn minh”. Ra khỏi bưng biền rừng rú, họ cũng biết chưng diện như người Tây Phương. Các lãnh đạo của họ cũng có mặt trong các Hội nghị Thượng đỉnh của thế giới. Nhưng họ có thực sự “ngang tầm thời đại” về văn minh chưa? 
Mới đây, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người đồng hương Nha Trang của tôi bị những người cộng sản Việt Nam kết án 10 năm tù chỉ vì  thực hiện một trong những tự do căn bản nhứt là quyền được bày tỏ ý kiến của mình. Tôi cho đó là một hành động thiếu văn minh. Bởi lẽ chỉ có những người xài luật rừng mới cư xử với người đồng loại của mình như thế. Xét cho cùng, tất cả mọi chế độ độc tài đều là những chế độ thiếu văn minh.
Tôi không ủng hộ những cuộc biểu tình bạo động chống lại các hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo quốc gia. Nhưng nhìn vào một số những gương mặt đại diện cho các nước thuộc câu lạc bộ của khối G20  và một số người được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh vừa qua ở Hamburg, Đức, tôi chỉ thấy xót xa. Không hiểu sao  sự hiện diện của Thủ tướng cộng sản Nguyễn Xuân Phúc, của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip và nhứt là Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Cộng và của Tổng thống Nga Vladimir Putin...chỉ gợi lên trong tôi  hình ảnh của dùi cui, báng súng, nhà tù và bao nhiêu nhà bất đồng chính kiến đang bị giam giữ.
Với tôi, “thực hiện nếp sống văn minh” trước tiên là phải biết chấp nhận và tôn trọng những khác biệt của người khác và nhứt là biết cảm thông đối với những người khốn khổ xung quanh mình. Người văn minh thực sự thiết yếu phải là người biết sống khoan nhượng và cảm thông.
Và tận cùng của cảm thông và khoan nhượng chính là tôn trọng và bảo vệ Quyền của mỗi một con người được sống như một Con Người.