Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2019

Bao giờ tôi mới được thương?


Chu Thập
15/12/19
Mới đây, tôi có nghe nhắc đến một ca khúc cũ có tựa đề “ When will I be loved?”( Khi nào tôi mới được yêu?). Tuy Anh ngữ của tôi  vẫn còn trong tình trạng “ăn đong”, tôi vẫn nghe và hiểu được chút đỉnh ca từ của bài hát. Nhờ ông Google mách bảo, tôi mới biết tác giả của ca khúc này là ca nhạc sĩ Phil Everly thuộc ban nhạc The Everly Brothers. Nhưng với ca khúc này người được nhắc nhớ nhiều hơn cả lại là nữ ca sĩ Linda Ronstadt. Được đưa vào danh sách 10 ca khúc hay nhứt trong năm 1960, nhưng bài hát này đã lên tới hạng nhì vào năm 1975 qua tiếng hát của Linda Ronstadt. Danh tiếng của người nữ ca sĩ 73 tuổi này vẫn còn tiếp tục vang dội cho đến ngày nay, thành ra mới có chuyện để nói.
Số là tối thứ Bảy ngày 7 tháng Mười Hai vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tổ chức tại Trung tâm Kennedy một bữa tiệc để vinh danh một số nhân vật nổi tiếng. Và một trong những người nổi tiếng ấy là bà Linda Ronstadt. Không rõ vì cớ sự nào mà đương kim Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lại chú ý đến bà Ronstadt một cách đặc biệt. Thật vậy, trong bài diễn văn khai mạc, ngoại trưởng Pompeo nhắc đến ca khúc “When will I be loved” và nói riêng với người ca sĩ già: “Thưa bà Ronstadt, xin cám ơn và chúc mừng bà. Và tôi muốn nói: công việc của tôi là đi khắp thế giới. Tôi muốn biết “bao giờ tôi mới được thương?”
Trong bữa tiệc, khi được trao “micrô”, bà Ronstadt mới trả lời cho Ngoại trưởng Pompeo. Trước hơn 200 khách dự tiệc, vốn là một người ăn nói bộc trực và đã từng chỉ trích chính phủ của Tổng thống Donald Trump, người nữ ca sĩ cao niên này đã đứng lên và nhìn thẳng vào ông Pompeo rồi nói: “Tôi muốn được nói với ngài Pompeo, người đã thắc mắc không biết bao giờ mình mới được thương rằng: khi nào ông thôi ủng hộ ông Donald Trump”.
Trong những năm gần đây, nhứt là trong các liên hoan nghệ thuật, việc các tài tử giai nhân bày tỏ lập trường chính trị của mình đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Trong số những nữ ca sĩ tỏ rõ lập trường chính trị của mình, rất nhiều người trẻ hơn bà Ronstadt nhiều. Như trường hợp các cô Adele, Rihanna hay Taylor Swift. Nhưng hầu hết đều lên tiếng chống lại ông Trump trong những sinh hoạt nghệ thuật hơn là trong các cuộc tập hợp chính trị.
Việc bà Ronstadt “lên lớp” Ngoại trưởng Pompeo ngay trong một bữa tiệc do chính Bộ Ngoại giao đứng ra tổ chức quả là chuyện không bình thường. Trong giới nghệ thuật, bà Ronstadt nổi tiếng là một người khó tánh. Bà nói và làm điều bà muốn chớ không chịu làm theo điều người khác muốn hay ra lệnh cho bà phải làm. Nói cho cùng, như câu điệp khúc trong bài “When will I be loved?” dường như muốn nhấn mạnh, bà Ronstadt luôn muốn bày tỏ tinh thần độc lập của bà: bà không màng đến chuyện được người khác thích hay không thích, thương hay không thương !
Tạm gác chuyện chính trị sang một bên, câu hỏi “Bao giờ tôi mới được thương?” được Ngoại trưởng Pompeo đã tự đặt ra cho chính mình hơn là cho bà Ronstadt không thể không gợi lên cho tôi một câu hỏi khác quan trọng là: yêu và được yêu, điều nào quan trọng hơn?
Tất cả mọi người, từ lớn chí bé, ai cũng đều cảm thấy khao khát mãnh liệt được yêu thương. Đó là nhu cầu cơ bản nhứt của con người. Tất cả mọi cuộc nghiên cứu đều cho thấy rằng sau khi sinh ra, nhứt là trong 6 tháng đầu tiên, những đứa trẻ sơ sinh nào thiếu sự ôm ấp vỗ về đều sẽ bị chấn thương về tâm lý.
Vì được yêu thương là nhu cầu cơ bản nhứt cho nên hầu hết đều tin rằng được yêu thương và được quan tâm tới là yếu tố quyết định cho hạnh phúc của con người. Hầu như ai cũng đều xem quan hệ tốt đẹp với người khác là điều tối cần để có được một cuộc sống hạnh phúc.
Tuy nhiên, bên cạnh nhu cầu được yêu, còn có một nhu cầu căn bản khác song song với nhu cầu này mà có lẽ nhiều người không muốn nhìn nhận: đó là nhu cầu yêu thương và quan tâm đến người khác. Nhu cầu này cũng mãnh liệt như cầu được yêu. Tỏ tình yêu thương, cư xử tử tế hay cảm thông với người khác không những làm cho họ được hạnh phúc mà cũng mang lại hạnh phúc cho chính mình.
Nếu phải trả lời cho câu hỏi của Ngoại trưởng Pompeo “Bao giờ tôi mới được thương?”, có lẽ tôi sẽ khuyên ông nên nghĩ đến việc phục vụ và yêu thương hơn là nghĩ đến chuyện người khác có yêu thích mình hay không. Trên đời này chẳng có ai được mọi người yêu thích cả. Con người ta vốn khó tính. Ca dao Việt Nam đã đưa ra nhận xét thật chí lý: ở sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười ở hẹp người chê. Chẳng có ai làm vừa lòng mọi người và được mọi người yêu thương cả. Hiền lành và yêu thương ngay cả kẻ thù như Chúa Giêsu mà còn bị thù ghét huống chi là người trần. Nhưng được yêu thương cũng chưa hẳn là thước đo của hạnh phúc đích thực. Tướng cướp nào cũng có kẻ đi theo. Bạo chúa nào cũng có người sống chết cho. Có ai được dân chúng Đức yêu thương cho bằng bạo chúa Hitler hay có ai được tôn thờ tại Trung Cộng cho bằng bạo chúa Mao Trạch Đông. Chính trị gia tráo trở nào cũng có khối người phục lụy. “Hội chứng Stockholm” vốn là điều rất thường xảy ra trong quan hệ giữa người với người: người ta vẫn có thể thương kẻ đang bắt giữ mình làm con tin!  Tôi nghĩ đến hội chứng ấy khi nhìn cả nước Bắc Hàn khóc lóc thảm thiết trước cái chết của nhà độc tài Kim Jong Il hồi năm 2011. Có lẽ chẳng có nguyên thủ quốc gia nào được dân chúng yêu thương cho bằng ông. Ngày nay có lẽ dân chúng Bắc Hàn cũng tiếp tục bày tỏ một sự “yêu thương” như thế đối với con của ông là đương kim Chủ tịch Kim Jong Un. Nhà độc tài hay bất cứ một chính trị gia giảo hoạt lưu manh nào mà chẳng rung đùi thích chí khi được người dân tung hê và sẵn sàng hy sinh mọi sự vì mình.
Được yêu quả là một nhu cầu cơ bản của con người. Nhưng con người có thực sự hạnh phúc hay không là khi nhu cầu yêu thương và quan tâm đến người khác được thỏa mãn.
Về nhu cầu này, tôi nghĩ Ngoại trưởng Pompeo nên tìm đọc lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng này nói: “Lời khuyên của tôi là nếu bạn cần phải ích kỷ thì hãy ích kỷ một cách khôn ngoan. Người khôn ngoan phục vụ người khác một cách chân thành, đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của mình. Có như thế cuối cùng bạn sẽ hạnh phúc hơn. Thứ ích kỷ khiến phải đấu đá, giết người, trộm cướp, nói những lời độc địa, quên phúc lợi của người khác sẽ chỉ dẫn đến mất mát cho chính bạn mà thôi”.








Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2019

Sự thật dưới thời Liên Xô và ở Mỹ dưới thời Donald Trump



Garry Kasparov
                                                                               Chu Thập chuyển ngữ 

Tôi sinh trưởng trong chế độ toàn trị Liên Xô. Chế độ này đã tìm cách khống chế, bóp méo và kiểm soát sự thật. Thực tại là bất cứ điều gì Đảng đặt ra trên các bản tin hàng đêm hay trên những tờ báo của Đảng như Pravda, tức “Sự Thật” và Izvestia, tức “Tin Tức”.
Vào thời đó, ngay cả đối với những người thực sự tin tưởng chủ nghĩa cộng sản, ngày càng hiển nhiên là những điều mà người ta nói với chúng tôi không hề phù hợp với thế giới mà chúng tôi nhìn thấy xung quanh mình. Như người ta vẫn nói đùa: “Không có tin tức trong sự thật và không có sự thật trong tin tức”. Khoảng cách giữa sự thật và dối trá quá lớn; cuộc sống không được cải thiện và thông tin ngày càng rỏ rỉ xuyên qua Bức Màn Sắt. Chối bỏ thực tế đã trở thành một sự xúc phạm quá nặng nề đối với phẩm giá của chúng tôi. Mà phẩm giá vốn là một yếu tố bị đánh giá thấp trong tinh thần cách mạng.
Tôi đã từng sống qua nhiều cuộc cách mạng làm thay đổi thế giới. Tôi là một  công dân của thời hậu Liên Xô. Quốc gia nơi tôi sinh ra đã ngưng hiện hữu kể từ năm 1991. Tại Nga, chúng tôi đã hưởng được chút tự do trong không đầy một thập niên trước khi Vladimir Putin mở ra giai đoạn hậu dân chủ. Vì chống lại thảm trạng này cho nên tôi đã lưu vong sang Hoa Kỳ. Nay quê hương mới của tôi lại lâm vào một cuộc chiến đấu nguy hiểm, một cuộc chiến đấu để không trở thành quốc gia cuối cùng của thế giới hậu sự thật.
Tổng thống Donald Trump và các đảng viên Cộng Hòa bênh vực ông trong Quốc Hội đã chạy theo ông để tuyên chiến với thực tế hiển nhiên. Các bài tường thuật có tính phê phán (bị gọi) là “tin giả”, các ký giả tường thuật các sự kiện là “ kẻ thù của nhân dân” (một câu nói của chính Vladimir Lenin), những thuyết âm mưu giả tạo không ngừng được lập đi lập lại và các công chức làm chứng hữu thệ về những biến cố có đầy đủ chứng cớ bị dán cho nhãn hiệu “Những người không bao giờ ủng hộ Trump” (Never Trumpers).
Vì không thể thay đổi được các sự kiện, Tổng thống Trump và những người ủng hộ ông tìm cách lái cuộc tranh luận vào một thế giới khác trong đó sự thật là bất cứ điều gì họ nói trong ngày hôm nay. Ông Trump lập đi lập lại không biết bao nhiêu lần cùng những lời dối trá và điều đáng lo ngại hơn là những người ủng hộ ông không hề nhận ra rằng đó là những lời dối trá hoặc họ chẳng màng tới. Toàn cầu hóa và mạng lưới thông tin toàn cầu có thể đã làm cho thế giới này được thu hẹp lại, nhưng hiện chúng ta đang trải nghiệm một sự phản tác dụng: sự thật đang bị “địa phương hóa”.
Mạng lưới thông tin toàn cầu lẽ ra phải chiếu rọi ánh sáng sự thật vào trong mọi hang cùng ngõ hẻm của thế giới, chấm dứt độc quyền thông tin của các nhà độc tài. Nhưng nó cũng đã trở thành một hệ thống chuyên chở với tốc độc ánh sáng những lời dối trá và tuyên truyền. Như một tấm gương vỡ, mỗi mảnh phản chiếu một hình ảnh bị bóp méo thay vì một thực tại duy nhất.
Không dễ theo dõi những cuộc biểu tình tại Iran bởi vì chính phủ nước này có thể ngăn chận việc tiếp cận với mạng lưới thông tin toàn cầu trên toàn quốc. Tại bất cứ nước nào, theo dõi những cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Hong Kong dễ hơn là tại Trung Cộng bởi vì nước này kiểm soát rất chặt chẽ. Nga giam tù các nhà báo mạng và đóng cửa các tổ chức không chính phủ trong khi tung ra trên toàn quốc và khắp thế giới những thông tin giả.
Đã đến lúc cần phải báo động về con đường đen tối mà ông Trump đang dẫn dắt Hoa Kỳ bước vào. Tại Liên Xô, chúng tôi đã không thể chọn lựa nguồn tin tức nào để theo dõi. Người Mỹ có vô số chọn lựa, nhưng nhiều người lại tự nguyện giới hạn vào một số nguồn tin tức họ ưa thích. Đặc biệt đối với những người ủng hộ ông Trump, chối bỏ thực tế là một phù hiệu danh dự, một biểu tượng của tín đồ thuộc về một giáo phái!
Nếu bạn chỉ  theo dõi các cuộc điều trần về luận tội trên Đài Fox News, bạn sẽ nghĩ rằng mọi sự đều tốt đẹp cho Tổng thống Trump. Bất cứ câu nói nào xem ra bãi tội ông, mặc dù không có nhiều câu nói như thế, được lập đi lập lại không ngừng chẳng khác nào một câu thần chú. Đã có rất nhiều bằng chứng bất lợi cho ông  được trưng ra, nhưng như thể  không hề hiện hữu.
Sự chia rẽ đảng phái về thực tế nằm trong một cuộc chiến rộng lớn hơn của ông Trump. Đó là cuộc chiến chống lại sự lương thiện, pháp trị và những giá trị truyền thống cũng như đồng minh của Hoa Kỳ. Đây chính là mô thức của quyền lực địa phương, sự kiện địa phương và giá trị địa phương mà lâu nay Putin và Tập Cận Bình đang đeo đuổi. Chẳng có thiện hay ác. Đừng đưa chuyện luân lý ra để bàn cãi về những trại tập trung ở Trung Cộng hay những vụ dội bom của Nga xuống các bệnh viện tại Syria.
Các công ty của Hoa Kỳ cũng hùa theo: mới đây Apple thay đổi các bản đồ bên trong Nga vốn đã cho thấy việc Nga sáp nhập một cách bất hợp pháp lãnh thổ Crimea của Ukraine (Google đã làm điều đó từ nhiều năm trước !)
Các công ty kỹ thuật khổng lồ của Hoa Kỳ tỏ ra hài lòng trong việc giúp Putin tạo ra một thực tế giả tạo bên trong ranh giới Nga. Apple và Google xem ra muốn đứng lên chống lại Cơ quan Điều tra Liên bang FBI, chứ không phải FSB, tức KGB của Nga. Nhu liệu là quyền lực mềm và các công ty Mỹ đang phản bội các giá trị của quốc gia đã từng giúp họ thành công bằng cách ve vãn các nhà độc tài. Các công ty kỹ thuật biện bạch bằng cách nói rằng đây chỉ là chuyện kinh doanh chứ không phải chính trị. Nghe chẳng khác nào các hãng phim Hollywood khi họ cắt xén các cuốn phim và sa thải các nhân viên người Do Thái vì áp lực của Đức Quốc Xã hồi thập niên 1930.
Sự thật là gì? Trong kỷ nguyên của các sự kiện vùng, nó tùy thuộc vào chỗ bạn đang đứng, kênh truyền hình bạn đang theo dõi và đảng nào bạn ủng hộ. Nhưng không thể có một thực tại đỏ và một thực tại xanh cũng như không thể có một  tấm bản đồ bên trong Nga khác với một tấm bản đồ bên ngoài Nga. Cuối cùng ông Trump đang đối diện với những hậu quả của những hành động  của ông, mỗi người cũng nên bắt đầu nhìn thẳng vào các sự kiện.

Garry Kasparov: I lived in the post-truth Soviet world and I hear its echoes in Trump’s America
Garry Kasparov hiện là chủ tịch của Tổ chức “Renew Democracy Initiative” (Canh Tân Sáng Kiến Dân Chủ). Ông đã từng là vô địch thế giới về môn cờ vua (chess).

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2019

Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt


Chu Thập
1.12.19
Cách đây một tuần, lên tiếng trong chương trình “Fox & Friends” của Đài Fox News, Tổng thống Donald Trump tuyên bố: “Chúng ta cần phải đứng về phía Hong Kong, nhưng tôi cũng đứng về phía Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông ta là một người bạn của tôi...Tôi muốn hai bên hợp tác với nhau. Đúng không?” Nhưng hôm thứ Tư 27 tháng Mười Một 2019 vừa qua, ông đã đặt bút ký 2 đạo luật được lưỡng đảng trong Quốc Hội thông qua: một là đạo luật Nhân quyền và Dân Chủ, hai là đạo luật Bảo vệ Hong Kong. Đạo luật thứ nhứt cho phép áp đặt các biện pháp chế tài đối với các viên chức Trung Công và Hong Kong nào dính líu đến các vụ vi phạm nhân quyền. Còn đạo luật thứ hai ngăn cấm việc bán cho cảnh sát Hong Kong các thứ khí giới được sử dụng để chống lại đám đông như hơi cay, súng hơi và đạn mã tử. Đây là những thứ khí giới được sản xuất tại Tiểu bang Pennsylvania và đã từng được cảnh sát Hong Kong sử dụng để chống lại các đám đông biểu tình.
Hành động của Tổng thống Trump đã được người dân Hong Kong hoan hô hết mình. Tối thứ Năm 28 tháng Mười Một vừa qua, người dân Hong Kong một lần nữa đã xuống đường và lần này, nhằm ngày Lễ Tạ Ơn ở Mỹ, họ đã bày tỏ lòng biết ơn với Nước Mỹ và đặc biệt tung hô Tổng thống Trump như một vị anh hùng. Bên cạnh những lá cờ Mỹ, người ta thấy có rất nhiều biểu ngữ ghi lại các “tuýt” của Tổng thống Trump. Nổi bật nhứt là “tuýt” trong đó tổng thống Trump gởi đi một bức ảnh đã được “phục chế” (photoshop) rất tinh vi nhưng cũng vô cùng lố bịch: đầu là đầu của Donald Trump, nhưng mình thì lại là mình của võ sĩ “Rocky Balboa” được hóa thân trong loạt phim “Rocky” do tài tử vai u thịt bắp Sylvester Stallone thủ diễn.
Trên khắp thế giới đã có vô số phản ứng và bình phẩm về bức hình “đầu Donald Trump, mình Rocky Balboa” này. Có người đã đặt bức hình này bên cạnh một bức hình thật và mới nhứt của tổng thống Trump, một cụ già 73 tuổi, bụng phệ, béo phì với lời  ghi chú: “ảo tưởng chống thực tế” (Delusion vs. reality)!
Riêng tôi, khi nhìn vào bức hình “đầu Donald Trump, mình Rocky Balboa” này, tôi lại nghĩ đến chuyện cổ tích Việt Nam “Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt”. Ngày xưa có một người thanh niên tên là Trương Ba rất cao cờ. Tiếng đồn vang khắp nơi. Từ Trung Quốc, nghe tiếng Trương Ba, một tay cao cờ tên là Kỳ Như liền khăn gói sang Việt Nam để tỉ thí cho bằng được. Sau một hồi thi đấu, thấy Kỳ Như lâm thế bí, Trương Ba mới kiêu hãnh bảo: “Nước cờ này dù có Đế Thích xuống đây cũng đừng có hòng mà gỡ nổi”.
Từ trên thiên đình, nghe câu nói hỗn xược của Trương Ba, Đế Thích liền cỡi mây xuống tận nhà Trương Ba và mách nước cho Kỳ Như. Thoạt tiên, Trương Ba tức giận, nhưng nhìn kỹ thấy cụ già râu tóc bạc phơ, mặt mũi không có vẻ là người trần, nên sụp lạy xin lỗi: “Ngài hẳn là thần Đế Thích, tôi người trần mắt thịt không biết, xin ngài thứ lỗi cho”. Nói đoạn liền sai người nhà mua rượu, giết gà để khoản đãi. Đế Thích thấy Trương Ba là người có bụng chân thành nên tặng cho một nén hương và bảo: cứ mỗi lần cần đến, cứ thắp lên một cây, ông sẽ xuống ngay. Nói xong, Đế Thích cỡi mây bay về thiên đình.
Từ đó, Trương Ba thỉnh thoảng lại dọn cỗ mời Đế Thích xuống chơi. Nhưng không rõ vì một nguyên do nào đó, Trương Ba bị thần chết mang đi một cách đột ngột. Sau khi chôn cất chồng, trong lúc dọn dẹp nhà cửa, vợ anh mới thấy có một nén nhang cất trên mái nhà. Chị đốt nén hương. Thế là từ thiên đình, Đế Thích đã nhận được tin. Ông liền cỡi mây xuống thăm người vợ góa. Khi biết trong xóm có một người hàng thịt vừa mới qua đời, Đế Thích liền cho hồn Trương Ba nhập vào người hàng thịt. Trước sự ngỡ ngàng của hàng xóm, người chết bỗng nhỏm dậy và chẳng nói chẳng rằng đi thẳng về nhà Trương Ba. Vợ Trương Ba biết rõ đây là chồng mình nên mừng rỡ đón vào. Giữa lúc đó thì vợ con người hàng thịt cũng chạy theo níu lấy người nhà của mình. Hai bên giằng co mãi cho nên quan trên phải can thiệp. Ông cặn kẽ hỏi hai bên về sở thích và tài năng của người nhà của họ. Họ hàng của người hàng thịt cho biết lúc còn sống ông chỉ giỏi một chuyện là mổ heo. Còn bên nhà Trương Ba thì lại bảo ngón sở trường của anh là đánh cờ. Quan liền sai đem một con heo đến để xem tài của người hàng thịt. Anh chàng lớ ngớ không biết phải làm thế nào. Quan lại cho mời một số cao thủ đến để thử tài người vừa sống lại. Không ngờ anh ta đi những nước cờ không ai địch nổi. Quan liền phán: đây đích thị là Trương Ba. Thế mới có chuyện: “Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt”.
Chuyện cổ tích trên đây đã được kịch tác gia  Lưu Quang Vũ, người đã cùng với vợ là diễn viên Xuân Quỳnh qua đời trong một tai nạn giao thông đầy bí ẩn hồi năm 1988, dựng lại thành một vở kịch trong đó Trương Ba đã dốc hết tâm sự và cũng qua đó nhà soạn kịch muốn nhắn gởi một thông điệp: một trong những điều quý giá nhứt của con người là được sống trọn vẹn với những giá trị mình có và theo đuổi. Nếu không được sống là chính mình mà phải sống gởi, sống nhờ, sống giả tạo thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa. Trong con người luôn diễn ra một cuộc chiến cam go: sống là phải không ngừng chiến đấu để làm chủ những bản năng thấp hèn và hoàn thiện nhân cách.
Đây chính là ý tưởng mà kịch tác gia Lương Quang Vũ muốn nhấn mạnh qua các cuộc đối thoại giữa Trương Ba và Đế Thích cũng như giữa Trương Ba và xác anh hàng thịt. Trong cuộc gặp gỡ với Đế Thích, hồn Trương Ba đã khẳng định: “Không thể bên trong một đàng bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”.
Đoạn kết của vở kịch là khung cảnh hồn Trương Ba chập chờn trong màu xanh của cây lá trong vườn ở trên bậc cửa, trong ánh lửa, nơi cầu ao, trong cái cơi đựng trầu cau, con dao giẫy cỏ...Cho dù không còn sống trên cõi đời nhưng Trương Ba vẫn được người thân quý mến như xưa. Trong cái nhìn của mọi người thân, Trương Ba vẫn bất tử, vẫn là “con người trong sạch thẳng thắn”. Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ muốn nói lên ý nghĩa thật sự của cuộc đời: con người vẫn tiếp tục sống qua chính cuộc sống lương thiện, vị tha của mình!
Thời thanh niên tôi có thử học một vài môn võ như Judo, Vovinam và Hiệp Khí Đạo. Học mãi mà chẳng đạt được cái “đai” nào cả, mặc dù thỉnh thoảng tôi cũng có  tròng vào người bộ áo võ thuật để chụp hình. Nếu có ai đó “phục chế” mấy tấm hình cũ và cho tôi đeo đai đen chẳng hạn, chắc tôi phải độn thổ mất, chớ đừng nói tới chuyện cắt đầu tôi để gắn vào thân của một võ sĩ nào đó.
Hiện tôi cũng còn luyện võ. Không phải võ mồm. Không phải để đánh ai, mà để chiến đấu chống lại những bản năng thấp hèn của mình. Thứ võ này sao mà khó quá. Luyện mãi mà vẫn thấy mình lên được “đẳng” nào cả!







Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2019

Thượng Đế cũng phải khóc!



Chu Thập
24/11/19
Thời gian gần đây, tuy mùa hè chưa đến, nhưng Úc Đại Lợi cũng đã chìm  ngập trong khói lửa vì nạn cháy rừng. Ngày nay, dựa trên các chứng cớ khoa học, hầu như ai cũng đều nhìn nhận rằng một số thiên tai là hậu quả của hiện tượng khí hậu thay đổi mà con người đã và đang góp phần tạo ra. Tuy nhiên, cũng không thiếu người phủ nhận hiện tượng và đi tìm giải thích ở những nguyên nhân sâu xa hơn. Như trường hợp tuyển thủ Rugby nổi tiếng của Úc Đại Lợi là anh chàng Israel Fulau. Nổi tiếng trong thể thao, Fulau cũng nổi tiếng vì những lời tuyên bố gây tranh cãi. Mới đây, vào giữa lúc bao nhiêu người Úc phải lâm cảnh chết chóc và nhà tan cửa nát vì các trận hỏa hoạn, cựu tuyển thủ 30 tuổi này đã lên tiếng giảng dạy: “Trong những tuần lễ vừa qua, tôi đã theo dõi các biến cố xảy ra tại Úc Đại Lợi như thiên tai, cháy rừng và hạn hán. Con người đang hủy hoại trái đất. Họ đã bất tuân luật lệ, vi phạm các chuẩn mực và xé bỏ giao ước muôn đời. Do đó một lời nguyền đang đốt cháy trái đất. Con người phải gánh chịu vì tội lỗi của họ”.
Thoạt nghe qua, tôi thấy nội dung của lời giảng dạy của Fulau cũng chẳng khác bao nhiêu so với những lời giảng dạy mà tôi đã từng nghe từ miệng của bất cứ mục sư hay linh mục nào.
Nhưng người cựu tuyển thủ này không dừng lại ở đó. Anh khẳng định rằng các trận hỏa hoạn làm cho 6 người bị thiệt mạng và bao nhiêu nhà cửa bị thiêu rụi là một sự trừng phạt của Thiên Chúa trước tội ác tày đình của Úc Đại Lợi là hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và cho phép phá thai. Anh lên lớp: “Hỡi các người, Thiên Chúa đang nói với các người đó. Úc Đại Lợi cần phải sám hối và xóa bỏ các luật này và quay về đường ngay nẻo chính”.
Bài giảng kéo dài 10 phút của ông “mục sư” trẻ này đã đưa tôi trở về thời niên thiếu. Thời đó, tôi nhìn đâu cũng thấy tội và nhìn đâu cũng thấy bàn tay trừng phạt của Thiên Chúa. Tôi đã được nhào nặn như thế. Trong con mắt thơ dại của tôi, hình ảnh ông kẹ và bà chằng của vị linh mục quản xứ và các bà xơ là một phản ảnh của dung mạo “dữ dằn” của một Thiên Chúa mà tôi cho là ánh mắt lúc nào cũng theo dõi rình rập tôi và bàn tay lúc nào cũng sẵn sàng để giáng xuống một sự trừng phạt đích đáng. Thật ra, trong việc uốn nắn và dạy dỗ tôi trong niềm tin tôn giáo, phải nói bà mẹ “đạo đức” của tôi có nhiều công trạng nhứt. Lúc nào bà cũng nói đến chiếc đồng hồ không ngừng gõ nhịp “đời đời, đời đời” trong hỏa ngục. Bất cứ hành vi nào của con người cũng được mẹ tôi quy ra tội và cân đo bằng một hình phạt tương xứng. Ngày Chúa Nhựt mà bỏ lễ, trốn đi câu cá hay bắt dế là phạm tội trọng. Mà hễ phạm tội trọng thì đương nhiên chết phải sa hỏa ngục tức khắc. Ngay cả “làm việc xác” ngày Chúa Nhựt cũng là một tội trọng. Thành ra, lúc nào mẹ tôi cũng căn dặn anh em tôi: làm gì thì làm, ngày Chúa Nhựt không được trèo cây, Chúa sẽ phạt “chết tươi ăn năn tội chẳng kịp” thì chỉ có nước đi hỏa ngục “đời đời kiếp kiếp chẳng cùng” mà thôi!
Phải thú nhận rằng, thời niên thiếu, bên cạnh vô số những kỷ niệm đẹp nhứt trong cuộc đời, lúc nào tôi cũng cảm thấy bị “khủng bố” và phải sống trong sợ hãi triền miên.Tôi “giữ đạo” vì sợ. Quan hệ của tôi với Thiên Chúa là quan hệ của sợ hãi hơn là kính mến.
Cũng may, càng thêm tuổi đời, niềm tin tôn giáo của tôi càng được tinh  luyện: hình ảnh của một Thiên Chúa lúc nào cũng rình rập để trừng phạt con người ngày càng vơi đi để nhường chỗ cho một Thiên Chúa gần gũi hơn để tha thứ, để cảm thông, ngay cả để khóc trước nỗi  khổ đau của con người hơn là trừng phạt. Thật ra, nhân loại dường như cũng ngày càng trưởng thành hơn để không còn quy cho Thiên Chúa những hình phạt mà con người phải gánh chịu.
Trong cuốn sách “Brief Answers To Big Questions” (Những giải đáp ngắn cho những câu hỏi lớn) được xuất bản năm 2018, tức một thời gian ngắn sau khi ông qua đời, nhà bác học nổi tiếng Stephen Hawking viết rằng khoa học ngày càng trả lời cho những câu hỏi vốn trước kia thuộc lãnh vực tôn giáo. Trước kia, con người cho rằng Thiên Chúa làm mọi sự: động đất, bão lụt, cháy rừng, hạn hán, mất mùa và mọi thứ ôn dịch, nếu không là một lời cảnh cáo của Thiên Chúa thì cũng là sự trừng phạt mà Ngài giáng xuống trên con người vì  tội lỗi của họ. Ngày nay, khoa học nói với tôi rằng tất cả mọi thiên tai đều là những hiện tượng tự nhiên của trời đất. Tôi tin các nhà khoa học. Gần đây, với bản tuyên ngôn mang chữ ký của 11.000 khoa học gia trên khắp thế giới kêu gọi hãy có hành động tức khắc chống lại khí hậu thay đổi, tôi thấy rằng đây là một hiện tượng mà con người không thể ngay cả nhân danh tôn giáo để phủ nhận.
Tệ hại hơn cả việc nhân danh tôn giáo để phủ nhận một hiện tượng tự nhiên, có người còn nại đến uy danh của Thiên Chúa để sát hại vô tội vạ người đồng loại của mình. Thật ra đâu chỉ có tổ chức khủng bố “Quốc gia Hồi giáo” mới nhân danh Đấng Allah vĩ đại để biện minh cho hành động tội ác của họ. Trong phần cuối của bài diễn văn về tình trạng liên bang dạo tháng Giêng năm 2003, trước khi đem quân sang đánh Iraq,  Tổng thống George W. Bush cũng đã nại đến Thiên Chúa để tiến hành cuộc xâm lăng. Tổng thống Bush nói: “Người Mỹ là một dân tộc tự do. Họ biết rằng tự do là quyền của mỗi một con người và tương lai của mọi dân tộc. Tự do mà chúng ta trân quý không phải là quà tặng của Hoa Kỳ cho thế giới mà là quà tặng của Thiên Chúa cho nhân loại”.
Mặc cho Liên Hiệp Quốc và rất nhiều nước Tây Phương có phản đối, Tổng thống Bush vẫn ra lệnh cho quân đội hùng mạnh của Hoa Kỳ tấn công và xâm chiếm Iraq để gọi là đem “món quà tặng của Thiên Chúa” là tự do đến cho dân tộc Iraq. Có thể sau cuộc xâm lăng của Hoa Kỳ, nhân dân Iraq đã được giải thoát khỏi ách cai trị độc tài của Saddam Hussein và hưởng được tự do. Tổng thống Bush và nhiều người Mỹ hẳn cũng hãnh diện vì đã hoàn thành “sứ mệnh” được Thiên Chúa trao phó là mang tự do đến cho nhân dân Iraq.
Trên đồng bạc của Hoa Kỳ lúc nào cũng có câu “Chúng tôi tin tưởng nơi Thiên Chúa” (In God we trust). Nhiều người Mỹ vẫn tự hào mình là một dân tộc “dưới quyền Thiên Chúa” (a nation “under God”). Vì luôn được Thiên Chúa ưu ái dẫn dắt cho nên nhiều người cũng tin rằng ngay cả nguyên thủ quốc gia của họ cũng được Thiên Chúa tuyển chọn. Đương kim Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục được rất nhiều người tin tưởng như người được Thiên Chúa chọn (The Chosen One) và sai đến để chấn hưng các giá trị truyền thống của Hoa Kỳ. Chính vì vậy mà ông vẫn được tin tưởng và ủng hộ ngay cả khi nếu ông có tỉnh bơ rút súng bắn  người ở đại lộ Fifth Avenue, New York ngay giữa thanh thiên bạch nhựt.
Tôi không tin có môt Thiên Chúa như thế. Hoặc như tác giả Ký Gà của tờ Thời Báo bên Giã Nã Đại đã mỉa mai, nếu Thiên Chúa đã tuyển chọn Tổng thống Trump thì có lẽ Ngài đã say xỉn!
Là một người hữu thần, tôi tin có một Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã dùng cả cuộc sống và cái chết của Ngài để tỏ lộ. Đó là một Người Cha yêu thương và tha thứ hơn là trừng phạt. Đó là một Thiên Chúa mà tôi chỉ có thể cảm nhận được sự hiện diện và tác động qua những cử chỉ yêu thương, tha thứ, cảm thông, khoan nhượng và tử tế hơn là thái độ thù hận, hung hăng và ích kỷ của con người.








Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2019

Phân hóa quốc Hoa Kỳ



Chu Thập
Christine M nói rằng người dượng ghẻ của cô đã không bay đến Tiểu bang Utah để dự đám cưới của cô. Lý do là vì 2 người có lập trường chính trị khác nhau: cô là người chống Tổng thống Donald Trump, còn ông thì lại phò Trump. Justin M sẽ không đội cái mũ có khẩu hiệu MAGA (Make America Great Again, “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump) tại quê quán của mình là thành phố Boston vì sợ bị làm nhục. Richard G, một cử tri không ủng hộ đảng nào tại Tampa, Tiểu bang Florida, thì lại dán trước cửa nhà khẩu hiệu “No Political Zone” (khu vực phi chính trị), sau khi bị nhiều bạn đồng nghiệp của mình, vốn là những người ủng hộ ông Trump, khiêu khích ông tranh luận về những đề tài chính trị nóng bỏng nhất.
Mano Benavente,  một người thuộc đảng Cộng Hòa tại Tiểu bang North Carolina, đưa ra nhận xét: “Hiện nay tranh luận chính trị là một cuộc đấu võ  đẫm máu”.
Trên đây chỉ là một vài mẩu chuyện điển hình về thực tế mà người Mỹ hiện nay đang phải đương đầu. Nhiều bậc phụ huynh không còn muốn cho con cái mình lấy những người thuộc một đảng khác. Có đến 35 phần trăm những người thuộc đảng Cộng Hòa và 45 phần trăm những người ủng hộ đảng Dân Chủ có chủ trương như thế. Những người công nhân, như ông Richard G, cho rằng không nên đưa chính trị vào chỗ làm việc. Và phần đông người Mỹ không muốn đưa chuyện của Tổng thống Trump ra bàn bạc trong bữa tiệc gia đình nhân ngày Lễ Tạ Ơn hàng năm. Một số người có lý để lo ngại rằng Hoa Kỳ đang trên bờ vực của một cuộc Nội Chiến.
Trong năm 2019 này, chỉ có một điều hiện đang liên kết mọi người Mỹ lại với nhau. Điều đó là: họ đang chia rẽ biết chừng nào!  Thật vậy, theo Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo (The Public Religion Research Institute), có 91 phần trăm người Mỹ cảm thấy Hoa Kỳ đang bị phân cực và 74 phần trăm cho rằng họ “cực kỳ” chia rẽ!
Hiện nay chính trị là giềng mối chính gây căng thẳng cho người Mỹ. Theo Trung Tâm Nghiên Cứu Pew (The Pew Research Center) khoảng 50 phần trăm những người ủng hộ đảng Cộng Hòa và gần 60 phần trăm những người theo đảng Dân Chủ nói rằng thảo luận về một số vấn đề có tính đảng phái như phá thai, di dân hay kiểm soát súng đạn, có thể tạo ra căng thẳng và thất vọng. Và cường độ căng thẳng có thể dẫn đến những chứng như tức ngực, nhức đầu và mất ngủ. Thành ra không có gì phải ngạc nhiên khi có nhiều người Mỹ nhìn nhận rằng họ mất ngủ và bị trầm cảm vì những căng thẳng chính trị.
Nhưng tệ hại hơn nữa, sự phân hóa chính trị lại gia tăng nguy cơ bạo động. Một khi đã bắt đầu tự nhận mình thuộc đảng này hay đảng kia, người ta tự cô lập và ngày càng có cái nhìn cực đoan. Theo các số liệu của 2 cuộc thăm dò trên toàn quốc, 15 phần trăm người Mỹ tự nhận thuộc đảng Cộng Hòa và 20 phần trăm theo đảng Dân Chủ cho rằng đất nước Hoa Kỳ sẽ tốt đẹp hơn nếu những người thuộc đảng bên kia “chết tiệt” cho rồi! Và gần 10 phần trăm những người tự nhận thuộc về đảng này hay đảng kia nghĩ rằng bạo động là điều có thể chấp nhận được nếu ứng cử viên thuộc đảng kia thắng cử. Mặc dù những cá nhân suy nghĩ như thế chỉ là một thiểu số, nhưng một suy nghĩ như thế quả là điều đáng báo động.
Dĩ nhiên, đây không phải là lần đầu tiên có một sự phân hóa chính trị như thế tại Hoa Kỳ. Thời kỳ lập quốc, tổng thống Mỹ đầu tiên, George Washington, đã cảnh cáo về những nguy hiểm của óc bè phái. Trong bài diễn văn từ giã, ông nói: “Nó (óc bè phái) khuấy động cộng đồng bằng những sự ganh tỵ không có nền tảng và nuôi dưỡng bạo động và nổi loạn”.
Những lời cảnh báo của vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ đã trở thành hiện thực không đầy 100 năm sau đó khi vấn đề nô lệ làm cho cuộc Nội Chiến bùng nổ. Cuộc chiến tranh này đã ngốn 750.000 mạng người, tức khoảng 2 phần trăm dân số. Tuy nhiên vào năm 1865, khi cuộc chiến kết thúc, người ta vẫn không thấy được một tương lai đoàn kết cho Hoa Kỳ.
Tính từ Cuộc Đại Khủng Hoảng cho đến Chiến Tranh Việt Nam, Thế kỷ 20 đã được đánh dấu bằng những giai đoạn chia rẽ về bất bình đảng kinh tế, ý thức hệ chính trị và việc sử dụng sức mạnh quân sự. Dù vậy, qua những giai đoạn ấy, lúc nào Hoa Kỳ cũng tìm được thế quân bình. Còn hiện nay, quả lắc đồng hồ dường như đã nghiên hẳn về cực điểm.
Cách đây 40 năm, hầu hết các đơn vị bầu cử đều trong tình trạng bấp bênh, nghĩa là không nghiêng hẳn về một đảng nào. Nay con số này chỉ còn lại một nửa. Ngày càng có nhiều người dọn đến những nơi mà họ nghĩ là sẽ không còn phải gặp những người không có cùng lập trường chính trị với họ.
Thật ra, phần lớn người Mỹ không phải là những người sống chết cho đảng phái. Họ là “đám đông mệt mỏi”, uyển chuyển trong chính trị và cởi mở để thỏa hiệp, nhất là khi họ muốn thấy có luật pháp rõ ràng về một số vấn đề như cải tổ luật sở hữu súng đạn chẳng hạn. Tưu trung, phần đông người Mỹ vẫn còn tỏ ra tha thiết với những giá trị cốt lõi làm nên bản sắc dân tộc của họ hơn là những bất đồng về quan điểm chính trị.
Tại một bữa tiệc được mệnh danh là “Đi tìm nước Mỹ” (Looking for America) được tổ chức tại Bảo tàng viện Lịch sử của Thành phố El Paso, Tiểu bang California,  khách mời được đề nghị mang đến một kỷ vật nói lên mối liên hệ của họ với cộng đồng.
Andrea Beltran, một văn thi sĩ có khuynh hướng tự do, đã chia sẻ tấm thẻ thông hành của bà cố nội của cô hồi năm 1920. Lúc đó nội tổ của cô chưa phải là công dân Mỹ. Theo Andrea Beltran, tấm thẻ thông hành này cho thấy “căn cước” là một điều rất khó để định vị và định nghĩa”. Trong bầu khí mà cô cho là “nặng mùi chủ nghĩa ái quốc và dân tộc” hiện nay, bà cố nội của cô nhắc nhở cô rằng nếu chỉ dựa trên thẻ khai sinh để xác định ai mới thực sự là người Mỹ là một điều vừa phức tạp vừa nguy hiểm.
Một thực khách khác là ông John Moye, một người thuộc đảng Cộng Hòa nhưng ôn hòa, mang theo một bài báo của tờ El Paso Times hồi năm 1944. Bài báo kể lại kinh nghiệm của cha ông, một tù binh trong thời Đức Quốc Xã. Cha ông đã nhập ngũ một ngày sau khi Trân Châu Cảng bị Nhật Bản tấn công. Ông đã bị bắt làm tù binh 10 tháng và sau đó trở về Texas. Ông Moye nhấn mạnh rằng bài báo đã cho thấy vào cao điểm của Đệ nhị Thế chiến, “người Mỹ đã xả thân hy sinh và không đòi hỏi phải được đáp trả nhiều”. Theo ông, đây là tinh thần ái quốc thực sự mà ông sợ rằng người Mỹ hiện nay đã đánh mất.
Tuy không đồng quan điểm chính trị, nhưng cả cô Beltran lẫn ông Moye đều muốn nhấn mạnh đến những giá trị nền tảng của Hoa Kỳ. Cô Beltran đã chọn tấm thẻ thông hành của một người không phải là công dân Mỹ để nói đến tính phức tạp và đồng thời cũng là vẻ đẹp của bản sắc người Mỹ: đa chủng tộc, đa văn hóa, đa ngôn ngữ được xây dựng trên sự đóng góp của người di dân. Quan niệm hẹp hòi về bản sắc dân tộc chỉ làm thiệt hại cho đất nước mà thôi!
Về phần mình, ông Moye nêu cao tầm quan trọng của sự xả thân hy sinh của bậc tiền bối khi nói đến bản sắc dân tộc. Thời đó, người Mỹ đoàn kết với nhau xung quanh cùng một chính nghĩa và ý thức mạnh mẽ về cộng đồng của mình. Ngày nay, đối với nhiều người, chính nghĩa và ý thức về cộng đồng đã trở thành thứ yếu.
Sự kiện hai người khác chính kiến như cô Beltran và ông Moye đã có thể ngồi chung trên một bàn ăn cho thấy, cho dẫu không có cùng một lập trường chính trị, người Mỹ vẫn có thể ngồi lại với nhau.


Thứ Hai, 4 tháng 11, 2019

Hãy nói về cuộc đời khi tôi không còn nữa


Chu Thập
4/11/19
Vì kém trí nhớ tôi ghét học thuộc lòng. Dó chính là lý do tôi không thích thơ và vì không thích thơ cho nên tôi dốt thơ. Có lận lưng được vài câu để “chém gió” thì hầu hết cũng đều là những câu đã được phổ nhạc. “Khúc Thụy Du” của thi sĩ Du Tử Lê, người vừa mới ra đi hôm mùng Bảy tháng Mười vừa qua, là một điển hình. Tôi thuộc vài câu trong ca khúc được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc này là nhờ tiếng hát của ca sĩ Tuấn Ngọc và câu mở đầu trong bài hát là câu tôi ưng ý nhứt, nhưng cứ ngẫm nghĩ mãi mà vẫn không hiểu được hết ý của tác giả. “Hãy nói về cuộc đời khi tôi không còn nữa”, không biết nhà thơ có muốn giải thích câu thơ mở đầu ca khúc không khi ông than thở: “Sẽ lấy được những gì /Về bên kia thế giới”.
Dù sao cứ mỗi lần nghe câu “Hãy nói về cuộc đời khi tôi không còn nữa”, tôi đều nghĩ đến thông điệp mà bất cứ ai khi nằm xuống, dù an bình hay tức tưởi, dù nguyên vẹn hình hài hay tan xương nát thịt, dù được ca ngợi hay nguyền rủa...cũng đều nhắn gởi cho người còn sống.
Tôi đặc biệt nghĩ đến 2 người nổi tiếng vừa mới ra đi cùng một ngày, hôm 27 tháng Mười vừa qua. Trước hết là Ivan Milat, kẻ giết người hàng loạt khét tiếng nhứt trong lịch sử Úc Đại Lợi. Với 7 án tù chung thân, cho tới lúc ra đi vì bệnh ung thư ở tuổi 74, Milat vẫn không hề để lộ bất cứ một dấu hiệu nào của hối hận và thốt lên bất cứ một lời xin lỗi nào với thân nhân của các nạn nhân.
Nhưng thành tích giết người của Milat chẳng nhằm nhò gì so với con số nạn nhân của Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lãnh của tổ chức khủng bố “Quốc gia Hồi giáo”, người vừa bị quân đội Mỹ săn lùng và hạ sát.
Khác nhau về con số nạn nhân, về cường độ của sự hung ác, nhưng từ cổ chí kím, mẫu số chung nối kết tất cả những hung thần trong lịch sử nhân loại vẫn là: sự hối hận và hai tiếng “xin lỗi” không hề có trong trái tim và cửa miệng của họ! Nơi họ không hề có phân ranh giữa thiện và ác.
Nghĩ đến sự độc ác của con người đối với người đồng loại của mình tôi thường liên tưởng đến cuốn phim “Những tên sát nhân bẩm sinh” (Natural Born Killers) do đạo diễn Mỹ Oliver Stone thực hiện hồi năm 1994. Cuốn phim kể lại câu chuyện của một đôi trai gái đã từng là nạn nhân bị lạm dụng lúc còn nhỏ. Họ đã gặp nhau, yêu nhau và trở thành những kẻ giết người hàng loạt. Điều mỉa mai là đôi tình nhân giết người hàng loạt này lại được các cơ quan truyền thông ngưỡng mộ và đề cao!
Tôi luôn lạc quan về bản tính con người. Giáo lý Kitô Giáo dạy tôi rằng dù có bị hoen ố vì điều gọi là tội nguyên tổ, còn người vẫn không hoàn toàn bị sa đọa. Minh triết của Đông Phương lại bảo “nhân chi sơ tính bản thiện”. Tôi tin ở “bản thiện” của con người. Nhưng cái “bản thiện” ấy chỉ là một hạt giống. Nó  cần được ươm trồng, tưới tẩm và chăm bón mới có thể nẩy mầm, triển nở và sinh hoa kết trái. Không được dạy dỗ và sống giữa xã hội loài người, dù cho bản tính có tốt đến đâu, con người không thể lớn lên như một người bình thường, nghĩa là biết phân biệt phải trái hay thiện ác. “Được nuôi dưỡng bởi chó sói” (Raised by Wolves) là một chủ đề rất quen thuộc trong phim ảnh, ca nhạc của các nước Tây Phương. Trong một ca khúc có tựa đề “Được nuôi dưỡng bởi chó sói”, ca nhạc sĩ Bono của nhóm U2 đã nói đến sự độc ác bẩm sinh của con người khi chứng kiến một vụ đặt bom tại Thành phố Dublin, Ái Nhĩ Lan vào năm 1974, ngay lúc ông đạp xe đến trường. Điệp khúc “Được nuôi dưỡng bởi chó sói” cứ được lập đi lập lại như có ý nói lên rằng nếu không được nuôi dạy một cách bình thường, con người không thể phân biệt được thiện ác và như vậy có thể cư xử một cách tàn bạo, độc ác với người đồng loại.
Thánh Mười Một hàng năm, theo truyền thống của Kitô Giáo, là tháng dành để đặc biệt tưởng nhớ người quá cố, suy tư về sự chết và dĩ nhiên thân phận con người. Lời mời gọi của thi sĩ Du Tử Lê “Hãy nói về cuộc đời khi tôi không còn nữa”, đến thật đúng lúc. Không nơi nào dễ gợi lên những suy tưởng về thân phận con người cho bằng nghĩa trang, nhứt là khi đứng trước ngôi mộ của người thân. Có ai đi vào nghĩa trang mà không nghe văng vẳng lời nhắc nhở: “bụi tro trở về bụi tro” (ashes to ashes, dust to dust). Nhớ đến thân phận “bụi tro trở về bụi tro” cũng có nghĩa là ý thức về những giới hạn, bất toàn của mình về thể chất lẫn tinh thần. Kiếp sống mong manh như hoa sớm nở tối tàn đã đành mà tinh thần cũng đầy dẫy những khuyết tật luôn lôi kéo con người chạy theo những bản năng thấp hèn. Do đó, ý thức về kiếp “bụi tro trở về bụi tro” cũng đồng nghĩa với ý thức về đòi hỏi phải khiêm tốn.
Thời trung học, khi học về hai chữ “khiêm tốn” trong một số ngôn ngữ Tây phương (humilitas,humilité, humility), tôi được các giáo sư dẫn giải rằng từ này bắt nguồn từ tiếng La Tinh “humus” có nghĩa là “đất”. Do đó, khiêm tốn cũng có nghĩa là ý thức về nguồn gốc “bởi đất” hay “tro bụi” mà ra của mình. Chính trong ý nghĩa ấy mà thời xa xưa mỗi khi bày tỏ sự sám hối, người Do Thái thường rắc tro trên đầu hay nằm lên tro bụi. Nhưng dù có thuộc truyền thống văn minh nào đi nữa và dù có sử dụng biểu tượng nào đi nữa, cốt lõi của sự khiêm tốn vẫn là  ý thức về thân phận bất toàn của mình và bày tỏ sự hối hận về những lồi lầm của mình, nhứt là khi những lỗi lầm ấy xúc phạm hay làm tổn thương người khác cách này cách khác.
“Hãy nói về cuộc đời khi tôi không còn nữa”, câu thơ thi sĩ Du Tử Lê đã khiến tôi nghĩ đến cái chết của lãnh tụ Baghdadi của “Quốc gia Hồi giáo”. Nghĩ đến người đã bị giết chết, tôi cũng không thể không liên tưởng đến kẻ chiến thắng là Tổng thống Donald Trump. Các cơ quan truyền thông của Mỹ và cả thế giới đã bàn luận rất nhiều về giọng điệu của ông khi loan báo về việc quân đội Mỹ hạ sát ông Baghdadi. Nghe lại giọng điệu huênh hoang và đắc thắng của Tổng thống Trump, tôi lại nghe vọng lại lời ước nguyện  của một trong những vị tướng lãnh tài ba của Hoa Kỳ là ông Douglas MacArthur (1880-1964): “Lạy Chúa, xin làm cho con thành một người con biết hãnh diện và đứng vững trong chiến bại và khiêm tốn và tử tế trong chiến thắng”.
Tôi cũng nghĩ đến đứa cháu ngoại 6 tuổi của bà chị tôi. Một hôm đang lúc ngồi bên cạnh nó, tôi hắt hơi liên tục mấy cái. Thấy tôi cư xử như chẳng hề có chuyện gì đã xảy ra, nó quay sang tôi và nhắc: Ông Mười “say sorry” đi!  Sự nhắc nhở của nó làm tôi nhớ lại cuốn sách có tựa đề “Tất cả những gì tôi thật sự cần biết, tôi đã học ở nhà trẻ” (All I need to know I learned in Kindergaten) của tác giả Robert Fulghum mà tôi đã đọc cách đây rất lâu. Thì ra ở nhà trẻ, người ta đã dạy cho đứa cháu ngoại của bà chị tôi biết “xin lỗi” mỗi khi làm một điều gì đó có thể làm tổn thương hay làm phiền người khác.
Thật ra, không những ngay từ tuổi thơ, mà ở bất cứ giai đoạn nào trong cuộc sống, ai mà chẳng cần phải học sống khiêm tốn trong cách cư xử với người đồng loại của mình. Và đã là học, nhứt là học  làm người thì không bao giờ có ngày mãn khóa.


Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2019

Nguy hiểm của những nhà lãnh đạo điên cuồng



David P. Barash Ph.D
Chu Văn chuyển ngữ
Có cả một lịch sử dài của những nhà lãnh đạo bệnh hoạn và lịch sử này vẫn tiếp diễn.
Người ta kể rằng văn sĩ Mỹ Francis Scott Key Fitzgerald (1896- 1940) đã có lần nói với văn hào Ernest Hemingway: “Người giàu khác với anh và tôi”. Hemingway đáp lại: “Đúng vậy, họ có nhiều tiền hơn”. Cũng thế, nhiều người giả định rằng các nhà lãnh đạo quốc gia khác với bạn và tôi và không chỉ vì họ thường có nhiều tiền hơn, mà vì sức khỏe tâm thần của họ cũng được cho là ổn định hơn.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp sự ổn định (tinh thần) của các nhà lãnh đạo chính trị bị đặt vấn đề và một số khác thì rõ ràng là bệnh hoạn. Đây là trường hợp của hoàng đế La Mã Caligula. Ông này nổi tiếng vì thói hoang dâm và vì đã ra lệnh giết người để mua vui. Đó là chưa kể đến những bại hoại khác. Vào thời Trung Cổ ở Pháp có vua Charles VI. Ông này tin rằng mình được tạo thành bằng kiếng và lo sợ mình có thể bị vỡ bất cứ lúc nào. Tại Bavaria có Ludwig II, người được mệnh danh là ông vua điên. Ông này mắc chứng mà ngày nay người ta gọi là bệnh Pick, một chứng lú lẫn. Ngoài ra ông còn bị bịnh lẫn do phần não phía trước và hai bên thái dương bị hoại và rối loạn nhân cách. Riêng vua George III của nước Anh mắc chứng đa ngôn (logorrhea), lúc nào cũng cảm thấy có nhu cầu phải nói và viết đến độ thường không ai hiểu ông muốn nói gì. Ngoài ra ông cũng còn mắc chứng tâm thần phân liệt.
Trên đây chỉ là một vài ví dụ rất hạn chế. Chúng ta có thể kết luận một cách chắc chắn rằng nắm giữ một vai trò chính trị có nhiều trách nhiệm không đương nhiên là một bảo đảm để khỏi mắc bệnh tâm thần.
Nữ văn sĩ kiêm ký giả người Anh Rebecca West (1892-1983) có nói: “Chỉ có một phần trong chúng ta là lành mạnh. Chỉ có một phần trong chúng ta yêu thích khoái lạc, sống hạnh phúc lâu dài, sống tới 90 tuổi và chết bình an...” Không cần phải có cả một kho tàng khôn ngoan để nhận ra rằng bệnh tâm thần mãn tính không phải là nguyên nhân duy nhất khiến con người có cách hành xử “điên cuồng”: chúng ta thường hành động vì nhận thức sai, vì nóng giận, vì thất vọng, vì cố chấp, vì muốn báo thù, vì kiêu hãnh và vì óc giáo điều, nhất là khi bị đe dọa. Hơn nữa, trong một số hoàn cảnh -  như khi cả hai bên đều tin rằng chiến tranh là điều không thể tránh được hoặc bị áp lực phải tránh mất mặt- một hành động điện rồ, kể cả gây chết người, lại được xem là hợp lý, ngay cả được coi là điều không thể tránh khỏi.
Khi ra lệnh tấn công Trân Châu Cảng, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản giải thích rằng “Đôi khi cần phải nhắm mắt lại và nhảy xuống khỏi Đền Thờ Kiyomizu” (một nơi tự tử nổi tiếng bên Nhật). Trong thời Đệ nhất Thế chiến, Hoàng đế Wihelm viết bên lề một tài liệu chính phủ rằng “Ngay cả nếu chúng ta bị tiêu diệt đi nữa thì nước Anh cũng ít nhất mất Ấn Độ”.  Trốn trong hầm trú ẩn trong những ngày cuối cùng của Đệ nhị Thế chiến, Adolf Hitler ra lệnh làm điều mà ông ta hy vọng sẽ là sự hủy diệt hoàn toàn của Đức, bởi vì ông cảm thấy dân chúng đã “bỏ rơi” ông.
Cả hai vị tổng thống Woodrow Wilson (1856- 1924) và Dwight Eisenhower (1890- 1969) đều đã bị tai biến mạch máu não trầm trọng trong lúc còn làm tổng thống Hoa Kỳ. Boris Yeltsin, tổng thống Liên bang Nga từ năm 1991 đến năm 1999, đều được biết đến như một người nghiện rượu đến độ cứ sau mỗi lần uống xả láng là nói năng không mạch lạc và mất phương hướng. Người ta chẳng biết liệu Điện Cẩm Linh có bất cứ kế hoạch nào không để đối phó với những cuộc khủng hoảng quân sự dưới thời của Yeltsin.
Richard Nixon cũng là một tay nghiện rượu nặng, nhất là khi gặp căng thẳng khi phải đối phó với vụ Watergate khiến cho ông cuối cùng đành phải từ chức. Trong thời gian đó, Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger đã làm một bước phi thường là đòi hỏi phải được thông báo về bất cứ lệnh nào của tổng thống có liên quan đến vũ khí nguyên tử trước khi được thực hiện.
Mặc dù đi ngược lại Hiến Pháp, nhưng một cách khôn ngoan, ông Schlesinger và trong một mức độ nào đó, Henry Kissinger, Cố vấn An ninh Quốc gia, đã can thiệp để ngăn ngừa chiến tranh, nhất là chiến tranh nguyên tử, nếu Tổng thống Nixon ra lệnh. Với tư cách là thường dân, cả Yeltsin lẫn Nixon, nếu bị men rượu làm cho yếu nhược, đều không được cho phép lái xe. Vậy mà vì ở vị trí lãnh đạo, họ lại có toàn quyền đề khởi động một cuộc chiến tranh nguyên tử!
Trong thời gian tại vị, Tổng thống Donald Trump, vì những nét đặc biệt trong tư cách của ông, đã từng bị nhiều người xem là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia. Có thể do tâm bệnh, ông nổi tiếng là người nói dối liên tục và có những triệu chứng đáng lo ngại như tinh thần bất ổn, bốc đồng, kỷ ái, chống xã hội và nhiều căn bệnh mà theo nhiều chuyên gia về tâm bệnh, khiến ông không có đủ khả năng để đảm nhận nhiều chức vụ trong quân đội và chính phủ, chứ đừng nói đến chức vụ tổng thống.
Nixon (và chúng ta) đã may mắn có được một Bộ trưởng Quốc phòng sẵn sàng ngăn cản tổng thống. Nay, các viên chức đã từng đóng vai trò đó như cựu Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster, cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và cựu Đổng lý Văn phòng John Kelly, đều đã ra đi. Cuộc điều tra luận tội hiện nay đã khiến cho tổng thống Trump có những hành động và lời nói ngày càng kỳ quái: nhìn dưới khía cạnh tâm bệnh học, ông ta không còn thuốc chữa!
Thêm vào đó còn có sự kiện đáng sợ là theo luật pháp, chỉ mình ông có đủ quyền để ra lệnh sử dụng vũ khí nguyên tử và dù có lập trường chính trị nào đi nữa, tình hình hiện nay vẫn rất đáng lo ngại đối với mọi người.

David P.Barash, Ph.D là một nhà sinh vật học về tiến hóa; ông hiện là giáo sư về tâm lý học tại Đại học Washington. Tác phẩm mới nhất của ông là cuốn “Through a Glass Brightly: using science to see our species as it really is” (Nhìn xuyên suốt qua một tấm kính: sử dụng khoa học để nhìn thấy chủng loại của chúng ta đúng với thực chất của nó)


Thứ Năm, 17 tháng 10, 2019

"Khi Đồng Minh tháo chạy" hay là "Hết Thuốc Chữa"




Bài Viết từ thân hữu Ký Gà (Thời Báo Canada)
Kể Chuyện Cuối Tuần có nhiều cái khó hết biết luôn. Đầu tiên là phải kiếm chuyện – không phải gây gổ mà là tìm cho ra một chuyện đáng để kể với độc giả Thời Báo (những người hết sức khó tánh). Rồi khi có kiếm ra được chuyện thì lại cực khổ với việc chọn cho bằng được một cái tựa nói lên được nội dung, ý nghĩa của chuyện, và phải nghe cho được một chút.
Tuần nầy, sau khi kiếm (được) chuyện, KG vướng vô nỗi phân vân giữ hai cái tựa: “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” và “Hết Thuốc Chữa”.
Phân vân vì cả hai tựa đều trúng với nội dung, và đều…hay cả.
Tựa thứ nhứt hay bởi là chôm của người ta, và chủ nhơn của 5 chữ đó là một vị tiến sĩ, không hay sao được. Khỏi nói bạn đọc chắc cũng biết đó là tên một cuốn sách của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng trưởng Kế hoạch của Việt Nam Cộng hòa. Cuốn nầy trong một buổi ra mắt năm 2005 ở Cali đã bán sạch 1000 quyển tại chỗ!
Và cũng khỏi phải nói, ai cũng hiểu ngay rằng từ “Đồng minh” mà Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng đã dùng là để chỉ Huê kỳ, “đồng minh” đã bỏ rơi chánh quyền Việt Nam Cộng hòa và nhơn dân Miền Nam hồi năm 1975.
Nói nhiều về chuyện nầy chỉ làm thêm đau lòng, chảy nước mắt.
Mà cái tựa thứ hai, Hết Thuốc Chữa cũng hay luôn. Bởi nó chánh xác được sử dụng để nói lên kết quả xét nghiệm và hội chẩn của nhiều y sĩ chánh trị về vị nguyên thủ của cái nước đồng minh lại vừa tháo chạy một lần nữa.
Sau khi phân vân, KG thấy nên xài cả hai. Hồi xưa, thỉnh thoảng có những tuồng cải lương các tuồng cải lương được đặt tên như vầy: “Đứa Con Hai Dòng Máu” hay là “Vì Con Nên Mẹ Có Chồng”, vì cả hai đều nói lên nội dung của vở tuồng.
Và “Khi Đồng Minh Tháo Chạy”hay là “Hết Thuốc Chữa” đều liên can tới một nhơn vật đang làm mưa làm gió đương thời.
Giải thích rồi nghen, xin bắt đầu kể chuyện.
Cuối tuần trước, Huê kỳ đã công bố quyết định rút quân Mỹ ở Syria. Chi tiết của công bố nầy là các lực lượng của Thổ nhĩ kỳ sẽ trách nhiệm các khu vực hiện đang do lực lượng người Kurd kiểm soát ở bắc Syria và các binh sĩ Huê kỳ đang có mặt ở đó sẽ rút đi.
Công bố đó được đưa ra sau cuộc nói chuyện qua điện thoại giữa ông tổng thống màu da cam (kêu vậy bởi thiệt sự cả tóc lẫn da của ổng đều có một màu như vậy, KG không kỳ thị màu da) của Huê kỳ và ông Erdogan, tổng thống Thổ.
Ngay sau công bố nầy, dư luận lập tức ồn ào và so sánh hành động của Huê kỳ, thiệt sự là quyết định cá nhân của ông Châm, bởi nhiều tướng tá đã khẳng định ổng không “tham vấn” ai hết, khác với màn bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa năm 1975 mà Tiến sĩ Hưng đã kêu bằng “Khi Đồng Minh Tháo Chạy.”
“Người Kurd” trong nội vụ là những chiến binh của nhóm YPG, nằm trong Liên minh SDF (Lực lượng Dân chủ Syria). Mới cách đây ít lâu, ông Châm khoe đã dưới sự lãnh đạo của ổng, Huê kỳ đã “hoàn toàn chiến thắng Nhà nước Hồi Giáo (ISIS).” Ổng nói dóc, thực tế là chính liên minh SDF, trong đó cái xương sống là nhóm YPG gồm vài chục ngàn chiến binh dân quân người Kurd, mới là những dũng sĩ đã đánh bại lực lượng Hồi giáo ISIS. Huê kỳ chỉ giúp vũ khí và lâu lâu bỏ vài trái bom chơi.
Hồi năm 2017, chính Huê kỳ đã xác nhận lực lượng Kurd là cần thiết trong hoạt động tái chiếm tổng hành doanh của Nhà nước Hồi giáo ở Raqqa.
Sở dĩ người Kurd uýnh hăng như vậy là vì đây là quê cha đất tổ của họ, và vì họ tin rằng khi đã xóa sổ được bọn “giặc cờ đen” trong khu vực nầy, họ sẽ được quốc tế – và Huê kỳ, ghi công và bảo vệ để họ sống còn trên quê hương mình, không bị người Thổ đánh đuổi tới mức diệt chủng. Trong lúc đó, Thổ nhĩ kỳ coi người Kurd và nhóm YPG đáng ngại hơn cả ISIS, thậm chí xếp họ vô hàng ngũ “khủng bố”.
Tạp chí Blomberg bình luận: “Quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bật đèn xanh cho một cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chống lại các chiến binh người Kurd ở miền bắc Syria đã bỏ rơi một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo trước một tương lai vô định.”
Facebooker Trương Nhân Tuấn viết (chánh xác) trên trang của ổng như vầy: “Đối với dân quân Kurdes, tổng thống Trump đang hát bài «khi đồng minh tháo chạy». Hôm trước ông Trump có «tuýt» tuyên bố Mỹ đã «chiến thắng» trước ISIS. «Mission accompli», Mỹ rút quân. Có điều «chiến thắng» này ông Trump quên vinh danh các chiến sĩ Kurdes. Quân Mỹ chỉ hiện diện trong khu vực (ranh giới Thổ-Syria) khoảng 2.000 quân, chủ yếu lo về hậu cần, tiếp liệu cho «nững chiến sĩ nơi sa trường» là quân Kurdes. Việc tháo chạy của Mỹ là một hành vi phản bội, được chim bẻ ná, được cá bẻ câu. Tệ hại hơn cả lúc bỏ rơi VNCH.”
Ngay cả một số thượng nghị sĩ Cộng hòa, đảng của Châm, cũng phê phán ảnh. TNS Lindsey Graham, người đã từng ủng hộ Châm than thở: “Hành động bỏ mặc đồng minh của chúng ta (người Kurd ở Sirya) cho người Thổ Nhĩ Kỳ thật là một thảm họa và là một cơn ác mộng!” Ổng tiên đoán…trúng: “Bằng việc bỏ rơi người Kurd, chúng ta đã gửi đi tín hiệu nguy hiểm nhất có thể – Mỹ là một đồng minh không đáng tin cậy và chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên hoành hành theo những cách nguy hiểm.” Sau khi tiên đoán …trúng như vậy, ông Graham thú nhận luôn: “lời nói xạo kinh khủng nhất của chánh quyền Trump là ISIS đã bị hoàn toàn đánh bại”.
Báo USA Today nhận xét như vầy: “Hành động phó mặc đồng minh như chú cừu giữa bầy sói Thổ-Sirya-Iran quả đúng là “một vết nhơ cho người Mỹ không hơn không kém”.
Ngay sau quyết định của ông Châm, biết rằng cửa đã mở, Thổ nhĩ kỳ mở cờ trong bụng. Ba bữa sau, hôm thứ Tư, ông Erdogan cho mở chiến dịch “Mùa Xuân Hòa bình”, điều quân vô khu vực sau khi oanh tạc và pháo kích vô các vị trí của dân quân YPG Kurd và các kho đạn dược xung quanh các thị trấn biên giới Thổ – Syria. Dân chúng, đa số là người tỵ nạn Syria, lại một lần nữa bỏ chạy tán loạn. Có tin YPG chết mất ít người.
Nãy giờ, chắc bạn đọc đã rõ vụ “đồng minh tháo chạy”, nhưng thắc mắc, chớ còn “hết thuốc chữa” ở đâu?
Thủng thẳng chút, nó đây nè, nó cũng liên hệ / liên can / liên lạc tới chuyện Huê kỳ bỏ rơi đồng minh Kurd.
Số là sau quyết định của mình về việc để cho con gà tây Thổ nhĩ kỳ mổ bầy gà tre Kurd bị chỉ trích, Châm vội vã tìm cách chống chế. Ảnh “tuýt” rằng ảnh sẽ dòm chừng Erdogan, và nếu thằng Thổ nầy làm chuyện gì bậy bạ (off limits), ảnh sẽ trừng phạt nó.
Nguyên văn cú tweet của anh như vầy: “Như tui đã mạnh mẽ tuyên bố trước đây và cần nhắc lại, nếu Thổ Nhĩ Kỳ làm bất cứ điều gì mà tui, theo sự khôn ngoan tuyệt vời và chưa ai sánh bằng của tui, coi là vượt quá giới hạn, tui sẽ phá hủy và xóa sổ hoàn toàn nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ (Trước đây tui đã từng đã làm (vậy) rồi!)…”
Khoa học, đặc biệt là y học thời nay, đã có những bước nhảy vọt vĩ đại. Rất nhiều thứ bịnh từng được coi là nan y, khó trị, nay đã có thuốc chữa, kêu bằng thuốc đặc trị. Thậm chí tới những bịnh coi bộ sẽ hổng có cách chi trị dứt cho nổi, y khoa đã tìm ra thuốc, hoặc các phương pháp để giữ cho nó không, hoặc chậm phát triển, tỷ như bịnh AIDS, bịnh ung thư, vân vân…
Vậy nhưng có một loại bịnh không có thuốc. Nói cho ngay là có đó, nhưng người bịnh hổng chịu uống, làm sao khỏi? Đó là những bịnh tâm thần và những người bịnh tâm thần.
Hổng có cách gì trị được cho người bịnh nếu họ không chịu dùng thuốc, phải hông? Đặc biệt là ở thời nay, khi người bịnh có quyền từ chối được chữa trị.
Bạn để ý khúc“theo sự khôn ngoan tuyệt vời và chưa ai sánh bằng của tui” chớ!
Khúc đó đã chứng tỏ căn bịnh vĩ cuồng của ông tổng thống Huê kỳ đã tới thời “hết thuốc chữa”.
Bệnh vĩ cuồng hồi xưa Tây kêu bằng mégalomanie, Ăng lê kêu bằng megalomania, từ chuyên môn y học nay kêu bằng “Rối loạn nhơn cách ái kỷ” (Narcisisistic Personality disorder viết tắt là NPD, hổng phải…NDP nghen).
Cẩm nang chẩn đoán của Hội Y sĩ Tâm thần học Huê kỳ (America Psychiatric Association / APA) nói các triệu chứng / biểu hiện của bịnh đó như vầy:
1 – Khoa trương về sự quan trọng của bản thân và muốn người khác trọng vọng mình.
2 – Liên tục hạ nhục, bắt nạt và coi thường người khác
3 – Lợi dụng người khác để đạt được lợi ích cho mình.
4 – Thiếu sự đồng cảm về các tác động tiêu cực mà họ gây ra cho tình cảm, ước muốn và nhu cầu của người khác
5 – Lúc nào cũng bận tâm với những huyển hoặc về quyền lực, thành công, sự thông minh, sức hấp dẫn… (của mình)
6 – Tự cho rằng mình là có một không hai, siêu đẳng và phải liên kết với những người hoặc tổ chức đặc biệt hoặc địa vị cao khác.
7 – Có nhu cầu được người khác luôn ngưỡng mộ mình.
8 – Cho rằng mình có quyền hưởng sự đối xử đặc biệt và sự vâng lời, tuân thủ của người khác.
9 – Hết sức ghen tị với những người khác, và tin rằng những người cũng khác đang ghen tị với mình như vậy.
Hội APA nói chỉ cần có biểu hiện của từ 5 điểm trên đây trở lên thì đã được coi là mắc chứng NPD – vĩ cuồng, rồi.
Bạn thấy ông đương kim tổng thống Huê kỳ có được bao nhiêu điểm?
Nếu bạn cần nhắc lại, thì đây nè:
– Ổng không từ một cơ hội nào để khoe khoang cách thành tích, sự tài giỏi, sự khôn ngoan, sự giàu có của mình, cái gì của ổng cũng phải nhứt.
– Ổng luôn than thở rằng mình bị chơi xấu, bị thiệt thòi, như bị hụt giải Nobel, bị thiệt thòi “cướp mất” hai năm trong nhiệm kỳ của mình không để cho ra tài trị nước.
– Ổng luôn tìm cách tiếp cận các nhơn vật mà ổng cho là vĩ đại (như Putin, Ủn và Tập) trong lúc luôn hạ nhục những người mà ổng coi là thấp hơn ổng…
– Mới gần đấy, ổng từng xác nhận rằng mình là “the chosen one”, người được Trời chọn (hổng biết để làm gì, và nếu xui mà có, thời chắc bữa đó Trời đang xỉn, nhưng Châm phát biểu như vậy khi uýnh Trung cọng bằng đòn kinh tế.)
Cũng cần phải kể thêm vô đó là chuyện ổng làm cho KG nín hổng nổi, phải nói về ổng hoài…
Ký Gà