Thứ Hai, 22 tháng 6, 2020

Hoa Kỳ nạp đạn cho Trung Cộng đàn áp Hong Kong


Kathryn Diss

Chu văn chuyển ngữ

Những cuộc biểu tình rầm rộ  và những hành động cuồng nộ đầy bạo động trên khắp nước Mỹ trông giống hệt như những cảnh nổi bật kéo dài hàng tháng ở Hong Kong.

Những biểu tượng của chính phủ, như các trụ sở cảnh sát và tòa nhà chính phủ, đã bị giật sập và đốt cháy.

Tuy nhiên, mặc dù trong căn bản cội rễ của sự phẫn nộ tại Hoa Kỳ  khác với nguyên nhân (dẫn đến những cuộc biểu tình) của người dân Hong Kong, động lực thúc đẩy phong trào (ở Hoa Kỳ và Hong Kong) lại giống nhau: đòi hỏi công lý cho mọi người!

Các nhà lãnh đạo trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ, đã không ngừng lên án những hành động tàn bạo của cảnh sát Hong Kong đối với những người biểu tình đòi dân chủ.

Trong nhiều tháng hồi năm trước, hàng triệu người đã lo lắng theo dõi, họ dự báo rằng Bắc Kinh sẽ đưa Quân đội Giải phóng Nhân dân đến đàn áp các cuộc biểu tình theo kiểu tàn sát tại Thiên An Môn (dạo tháng Sáu năm 1989).

Điều đó đã không hề xảy ra.

Năm ngoái, tôi đã có mặt trong giới truyền thông để theo dõi trong lo sợ khi cuộc biểu tình ôn hòa đầu tiên bên ngoài trụ sở của hội đồng lập pháp Hong Kong bị nhận chìm trong hơi cay.

Những cuộc biểu tình đã trở nên ngày càng bạo động và hủy hoại trong hàng tháng trời sau khi thế hệ trẻ nhận thấy không còn có cách nào để giữ lại thành phố của họ. Chính vì vậy mà họ tìm cách phá hủy các cơ sở kinh doanh đã từng mang lại quá nhiều thịnh vượng cho Trung Cộng.

Mặc dù người Mỹ gốc Phi Châu đã từng là đối tượng của sự tàn bạo của cảnh sát tại Hoa Kỳ, nhiều người Mỹ và khắp nơi trên thế giới đều không chờ đợi để thấy một sự đáp trả mạnh tay như thế trong vùng đất của tự do.

Tại Hoa Kỳ,  quyền phản đối của người công dân được bảo vệ theo tu chính án thứ nhất của Hiến Pháp. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình, mặc dù bùng phát do chính sự tàn bạo của cảnh sát, trong nhiều trường hợp đã bị đáp trả với nhiều bạo lực hơn.

 

Lãnh đạo quốc gia cần phải xoa dịu các mối căng thẳng

 

Tôi đến Hong Kong lần thứ ba khi cảnh sát bắn loạt đạn đầu tiên vào một người biểu tình. Điều này chỉ xảy ra sau năm tháng bất ổn.

Trong hai tuần lễ liền, đã có ít nhất 11 người bị giết chết trong những cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ. Và đã có ít nhất 10.000 người bị bắt giữ, hơn tổng số những người bị giam giữ trong những cuộc biểu tình hồi năm ngoái tại Hong Kong.

Có lẽ thật là ngây ngô để nghĩ rằng sự việc rồi ra sẽ bị lên án nặng nề trong một quốc gia mà việc sở hữu súng đạn là chuyện thường tình và được đánh giá cao cùng với việc cảnh sát có vũ trang, vốn được bảo vệ một cách chặt chẽ bởi các nghiệp đoàn, sử dụng bạo lực.

Để xoa dịu các mối căng thẳng, cấp lãnh đạo quốc gia cần phải hiểu được thế nào là nỗi lo âu, bày tỏ thiện cảm và nhìn nhận sự kỳ thị chủng tộc có hệ thống vốn đang ám ảnh các cơ quan công lực thi hành luật pháp.

Thay vào đó, Tổng thống Donald Trump lại dán lên những người biểu tình cái mũ “côn đồ” và đã cảnh cáo trong một “tuýt” rằng “khi có cướp của thì sẽ có súng nổ”.

Vào giữa lúc hỗn loạn đang tràn lan và các thành phố bị đốt phá không chỉ vì cái chết của ông George Floyd tại Minneapolis, mà còn vì tình trạng bất bình đẳng chủng tộc đã kéo dài hàng trăm năm, Tổng thống Trump lại tước đoạt khỏi Hong Kong những đặc ân về thương mại.

Ông tuyên bố rằng Hong Kong “không còn tự trị đủ” khỏi Trung Hoa Lục Địa và gọi những luật an ninh mới do Bắc Kinh áp đặt là một “thảm kịch” cho các quyền tự do của Hong Kong.

Vậy mà chỉ vài ngày sau đó, ông lại đe dọa đưa quân đội đến đàn áp chính người dân của mình để chấm dứt các cuộc biểu tình trên đất nước của mình.

Trong một bài diễn văn truyền hình cho toàn quốc, Tổng thống Trump tuyên bố ông là tổng thống của “luật pháp và trật tự” và cảnh cáo các thống đốc tiểu bang phải “khống chế trên các đường phố”, bằng không ông sẽ đưa quân đội đến “để nhanh chóng giải quyết vấn đề cho họ”.

Thế rồi, trong một khoảnh khắc được tính toán để biểu dương sức mạnh và quyền lực, ông rời nơi trú ẩn an toàn của Tòa Bạch Ôc để đến chụp một bức ảnh bên ngoài Nhà thờ St John, với quyển Kinh Thánh cầm trên tay.

Với sự canh phòng của ông, thủ đô Hoa Kỳ, vốn được rất nhiều người trên khắp thế giới xem như một biểu tượng của thế giới tự do, nay đã biến thành một pháo đài được trang bị tận răng.

Cung cách các lực lượng cảnh sát thi hành nghĩa vụ của họ để bảo vệ luật pháp và trật tự trong những ngày trước và sau đó đã gợi lên những suy nghĩ tương tự.

Dường như không màng đến những thước phim về những hành động của họ được điện thoại di động ghi lại và tin tưởng rằng luật pháp sẽ bảo vệ họ cho nên cảnh sát thường xuyên sử dụng dùi cui, lựu đạn cay và đạn mã tử đối với những người biểu tình.

Tại Atlanta, Tiểu bang Georgia, sáu cảnh sát viên đã bị buộc tội sau khi cảnh sát đã lôi 2 người ra khỏi xe của họ, ném họ xuống đất và dùng súng điện bắn vào người họ.

Tại Buffalo, Tiểu bang New York, một cụ già 75 tuổi bị nứt sọ vì bị cảnh sát xô ngã xuống đất. Sau đó, Tổng thống Trump tuyên bố rằng cụ già này có dính líu đến tổ chức tả khuynh Antifa (phong trào chống Phát Xít) và sự té ngã của ông là một sự “dàn dựng”.

 

Cách đối phó của Hoa Kỳ phản ảnh thái độ của Bắc Kinh đối với Hong Kong

 

Các phát ngôn viên của chính phủ Trung Cộng và các cơ quan truyền thông quốc doanh đã tung ra những cuộc tấn công chống lại chính phủ Mỹ. Họ cho phát tán những đoạn phim cho thấy cảnh sát Hong Kong đã biết “tự chế” nếu so sánh với các hành động đã được nhìn thấy tại Hoa Kỳ. Những thước phim có chú thích “Cảnh sát Hong Kong đã tự chế như thế nào!” đã được truyền đi trên trang mạng Weibo, một trang mạng giống như Twitter.

Khi một số cuộc biểu tình tại Mỹ trở nên bạo động, phát ngôn viên  bộ ngoại giao Trung Cộng, bà Hoa Xuân Ánh, đã tấn công Washington. Trên trang mạng Twitter, bà Ánh viết: “Tôi không thở được”, để đối lại một “tuýt” của phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ, ông Morgan Ortagus, khi ông này phê bình chính phủ Trung Cộng về chính sách của họ đối với Hong Kong.

Truyền thông cũng trở thành đối tượng của sự xách nhiễu của cảnh sát. Mặc dù việc sử dụng bạo lực và bạo động gia tăng ở Hong Kong, các cơ quan truyền thông của Tây Phương vẫn được tự do đi lại và thu thập hình ảnh của hiện trường đang diễn ra trước mắt chúng tôi, kể cả những hành động tàn bạo của cảnh sát. Trong nhiều dịp, chúng tôi đã được những người biểu tình hoan nghênh và bảo vệ. Họ cám ơn chúng tôi vì nói cho thế giới biết chuyện của họ. Đây là thứ tự do mà tôi cũng đã trông đợi sẽ có ở Hoa Kỳ. Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien nói rằng “có sự khác biệt giữa đất nước chúng ta và nhiều nước độc tài khác, bởi vì khi một điều như thế xảy ra, chúng tôi sẽ cho điều tra”. Ông còn nói thêm: “Người dân của chúng ta phản đối. Họ đòi hỏi chính phủ của họ phải cải thiện. Và chúng tôi đứng về phía những người phản đối”. Nhưng cũng trong cùng buổi nói chuyện, ông O’Brien lại tố cáo những phần tử cực đoan và đổ lỗi cho những kẻ gây rối từ bên ngoài đang khích động sự rối loạn trong những cuộc biểu tình.

Đây cũng chính là bài bản mà Bắc Kinh đã từng sử dụng để giải thích về tình trạng bất ổn tại Hong Kong. Trong nhiều tháng, báo chí Tây Phương, cũng như các viên chức của chính phủ Mỹ, đã xem  hành động mạnh tay của các lực lượng an ninh tại Hong kong như là một trong những yếu tố dẫn đến những cuộc biểu tình. Tuy nhiên, khi những cảnh người biểu tình và các ký giả bị cảnh sát hành hung tràn ngập các trang mạng xã hội, thì chính phủ và những người ủng hộ Tổng thống Trump lại không nhìn những sự kiện này bằng cùng một cái nhìn như thế.

Nhiều cựu tướng lãnh và nhân vật cấp cao trong quân đội đã công khai lên án việc tổng thống Trump đe dọa sử dụng quân đội. Mặc dù có vô số bằng chứng cho thấy cảnh sát sử dụng bạo lực, trong 2 tuần lễ qua vẫn có nhiều khoảnh khắc cho thấy các nhân viên công lực đứng về phía những người biểu tình: họ quỳ gối và khoác tay cùng tiến bước với những người biểu tình.

 

Thật quá lắm rồi!

 

Sự sôi sục và phẫn nộ bùng phát khi phong trào này mới khai sinh đã tan biến dần khiến cho nhiều người tự hỏi liệu nó có còn đủ sự hăng say và sức mạnh để tiếp tục không.

Ông Floyd không phải là người da đen đầu tiên chết dưới tay cảnh sát, nhưng lần này xem ra khác. Một người thuộc phong trào Tranh đấu cho Tự Do có mặt trong cuộc biểu tình tại thủ đô Washington nói: “Xem một người đang chết trên truyền hình toàn quốc và theo dõi tất cả 8 phút 46 giây quả là một điều khủng khiếp. Điều này không thể xảy ra nữa”.

Sự ủng hộ ngày càng vững chắc, lan rộng và đa diện. Những cuộc biểu tình đã diễn ra trên toàn nước Mỹ, trong tất cả 50 tiểu bang và tại Thủ đô Washington, qui tụ nhiều người thuộc mọi tuổi tác, màu da và giai cấp. Một người biểu tình tên là Zeus nói: “Chúng tôi chỉ xin chính phủ đối xử với chúng tôi như những con người. Đây không phải là điều chúng tôi muốn thấy xảy ra cho thế hệ tương lai của chúng tôi.”

Một cuộc nghiên cứu mới nhất cho thấy mức ủng hộ của người Mỹ dành cho phong trào “Black Lives Matter” đã lên đến 53 phần trăm, tức tăng 11 phần trăm kể từ khi Ahmaud Arbery bị giết chết hồi tháng Hai vừa qua.

Lần nay, các chính quyền địa phương và các thành phố xem ra cũng sẵn sàng hơn để tỏ rõ lập trường. Họ ủng hộ những lời kêu gọi hãy giải tán cảnh sát hay cắt giảm việc tài trợ cho cảnh sát để dành cho những chương trình đối phó với những bất bình đẳng chủng tộc.

Những phong trào bắt nguồn từ quần chúng do giới trẻ và những người thuộc thế hệ Z khởi xướng đang lên tiếng nói “thôi đã quá đủ rồi” và kêu gọi thay đổi.

Năng lực và sự kiên trì của những người biểu tình ở Hong Kong phần lớn xuất phát từ giới trẻ. Họ biết rằng lãnh thổ của họ sẽ bị Trung Cộng cai trị xuyên suốt cuộc sống của họ. Họ không có gì để mất. Theo đúng nghĩa, họ chiến đấu cho chính tương lai của họ.

Cái chết của ông Floyd đã trở thành một giây phút lịch sử phơi bày những bất bình đẳng thâm căn cố đế mà đại dịch Covid-19 là một điển hình.

Cũng rất giống với người dân Hong Kong, ở đây (Hoa Kỳ) thế hệ tương lai cũng đang kêu gào phải chấm dứt ngay (những bất bình đẳng).

Trách nhiệm của phong trào này là bảo đảm rằng ông Floyd đã không chết đi một cách vô ích, mà trở thành xúc tác cho một sự thay đổi thật sự.

 

Nguyên tác: Kathryn Diss, Donald Trump accused China of “Smothering” Hong Kong. Then he threatened US protesters with military action (Donald Trump tố cáo Trung Cộng “siết cổ” Hong Kong. Thế rồi ông lại đe dọa sử dụng quân đội chống lại những người biểu tình ở Mỹ)

Kathryn Diss là thông tín viên của Đài ABC Úc Đại Lợi tại Bắc Mỹ

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Triết lý tri kỷ


Chu Văn

Gần đây không hiểu sao tôi lại cảm thấy sợ người đồng hương. Sống xa cộng đồng người Việt, tôi cũng thèm gặp gỡ bạn bè và người thân. Gặp nhau để thăm hỏi, hàn huyên, chia sẻ, nhưng thế sự nóng bỏng lúc nào cũng dẫn đến hai đề tài “nhạy cảm” là đại dịch Covid-19 và nạn kỳ thị chủng tộc. “Nhạy cảm” là bởi vì thế nào cũng chạm đến nhà lãnh đạo quyền thế và nổi tiếng nhứt thế giới hiện nay là Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cứ đụng đến ông là người đồng hương của tôi gân cổ cãi cho đến cùng. Theo cuộc thăm dò bỏ túi của tôi, cứ 10 người Việt tỵ nạn ở Úc mà tôi có dịp trao đổi, thì có đến 8, 9  người ủng hộ Tổng thống Trump hết mình. Luận cứ chung mà người đồng hương của tôi đưa ra để bênh vực, bảo vệ và ngay cả sống chết cho Tổng thống Trump là: ông là nhà lãnh đạo duy nhứt trên thế giới dám “đánh” Trung Cộng và chỉ có một mình ông mới có thể đánh gục Trung Cộng và như vậy chế độ cộng sản ở Việt Nam mới sụp đổ. Thòng theo luận cứ ấy là một bản án rất rạch ròi: đã chống cộng mà chống Trump thì chỉ có việt cộng nằm vùng!

Về phần những người đồng đạo công giáo của tôi, lời biện hộ dành cho Tổng thống Trump  thường xoay quanh tam đoạn luận: phá thai và đồng tính luyến ái là tội ác, tổng thống Trump chống lại hai tội ác này, vậy phải ủng hộ ông. Trong cuộc tranh luận, thỉnh thoảng tôi có trích dẫn nhận định của Đức Đạt Lai Lạt Ma là người đã khẳng định rằng Tổng thống Trump là người “không có một nguyên tắc đạo đức nào cả”. Tôi cũng không quên lập lại lời của Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô khi ngài nói về chủ trương xây tường biên giới của Tổng thống Trump: “Một người chỉ nghĩ đến việc xây tường, dù ở bất cứ nơi nào, chớ không phải xây cầu, không phải là tín hữu Kitô” (1). Những lời như thế của các nhà lãnh đạo tinh thần xem ra chẳng có giá trị nào đối với nhiều người đồng đạo công giáo của tôi ở Úc. Sự ủng hộ cuồng nhiệt của họ dành cho tổng thống thứ 45 của Mỹ được xây dựng trên một niềm tin không thể lay chuyển là: ông là người được Thiên Chúa tuyển chọn và sai đến cho nên dù ông có vô đạo đến đâu vẫn được Ngài che chở, phù hộ!

Xa lắc xa lơ tận “Miệt Dưới” mà người đồng hương của tôi còn say mê tổng thống Trump như thế thì huống gì ngay trên đất Mỹ. Theo dõi phản ứng của nhiều người Việt ở Mỹ mỗi khi có một tin bất lợi cho Tổng thống Trump, tôi thấy khiếp quá! Trên một số báo mạng Việt ngữ như CaliToday và Người Việt...những người ủng hộ ông buông ra những lời bình luận mà tôi không dám đọc chớ đừng nói tới chuyện chép lại nguyên văn ở đây. Chưa bao giờ ngôn ngữ Việt Nam lại rơi vào tình trạng hạ cấp, đê tiện và bẩn thỉu đến thế!

Suy nghĩ về hiện tượng đa số người Việt tỵ nạn ủng hộ Tổng thống Trump đến mức cuồng nhiệt như thế tôi thường liên tưởng đến câu châm ngôn tiếng Pháp học được thời Trung Học: “Hãy nói cho tôi biết bạn thường chơi với ai, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai” (Dis-moi qui tu hantes, je te dirai qui tu es). Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Ai mà chả muốn làm bạn với những người có cùng  suy nghĩ, quan điểm, niềm tin, sở thích...giống mình. Châm ngôn này lại càng có giá trị hơn trong quan hệ vợ chồng. Vợ chồng là bạn đời của nhau. Không phải chỉ có hợp nhãn mà còn phải hợp nhau trong rất nhiều phương diện mới có thể ăn đời ở kiếp với nhau. Cho tới nay tôi vẫn cứ thắc mắc không hiểu sao cặp vợ chồng Mỹ Conway vẫn còn có thể sống với nhau. Là cố vấn của Tổng thống Trump, bà vợ Kellyanne Conway bênh vực ông chủ của mình cho tới cùng, ngay cả sẵn sàng bóp méo sự thật, trong khi đó ông chồng George Conway thì lại là người kịch liệt công kích Tổng thống Trump. Tôi vẫn không hiểu họ chia sẻ cho nhau điều gì trên bàn ăn, trong phòng ngủ và nhứt là dạy dỗ con cái họ như thế nào.

“Hãy nói cho tôi biết bạn thường chơi với ai, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai”. Châm ngôn này cũng đúng trong việc chọn mặt gởi vàng. Tôi ủng hộ một nhà lãnh đạo vì tôi nhìn thấy trong ông hay bà những giá trị mà tôi trân quý. Tôi chạy theo một nhà lãnh đạo vì nơi ông hay bà tôi thấy phản ảnh những điều tôi đang ôm ấp trong lòng mà không dám nói ra hay không làm được. Tôi thích giải quyết vấn đề bằng bạo lực cho nên tôi chọn những nhà lãnh đạo có chủ trương cai trị bằng bàn tay sắt. Tôi có óc kỳ thị đối với một số cộng đồng thiểu số cho nên tôi bỏ phiếu cho nhà lãnh đạo nào có chủ trương như tôi...Hay biết đâu vì sống theo nguyên tắc “cứu cánh biện minh cho phương tiện” cho nên tôi cũng sống chết cho nhà lãnh đạo nào biết gian dối, lưu manh, miễn là đạt được mục đích mà tôi cũng đang hướng tới. 

Với tôi, nhà lãnh đạo nào, nhứt là lãnh đạo quốc gia, cũng phải là một tấm gương cho tôi noi theo, bởi lẽ nhà lãnh đạo được coi là người đại diện cho những giá trị cao quý nhứt của một quốc gia. Là tấm gương để tôi noi theo, nhà lãnh đạo cũng là “tấm gương” để tôi soi mình. Xét cho cùng, trong một nhà lãnh đạo mà tôi ủng hộ và nhứt là tôn thờ, tôi cũng nhận ra chính mình. Tôi ủng hộ nhà lãnh đạo nào thì tôi là người như thế hay muốn được như thế. Hitler không phải tự nhiên trở thành một nhà độc tài khát máu. Ông cũng chẳng có ba đầu sáu tay để có thể tàn sát 6 triệu người Do Thái. Ông đã được người dân Đức bỏ phiếu bầu lên. Chủ trương thù hận đối với người Do Thái của ông đã âm ỉ ngay trong lòng nhiều người dân Đức. Nhiều người Đức đã nhận diện được chính mình trong con người của Hitler. Họ “biết mình” xuyên qua tấm gương soi là Hitler.

Tôi thường đo lường chiều sâu của tình bạn qua hai chữ “tri kỷ”. Trong cuộc sống, chẳng có gì quý giá bằng có được một người bạn tâm giao “biết mình”, hiểu mình. Dĩ nhiên, cần được người khác “biết mình” là một nhu cầu quan trọng. Nhưng tự mình “tri kỷ”, tự mình biết mình có lẽ còn quan trọng hơn. Và nhà lãnh đạo nào, dù là chính trị hay tinh thần, cũng đều là tấm gương soi để tôi nhận ra chính mình.

Tôi vẫn nhớ mãi lần đi thăm một người bạn thời tỵ nạn hiện đang sống ở Mỹ. Với bằng cấp và công việc ông đang làm, tôi xếp ông vào hạng trí thức trong xã hội. Ông có một cô con gái rượu vừa mới tốt nghiệp đại học. Bầu khí gia đình, nhứt là trên bàn ăn, lúc nào cũng nóng lên vì cuộc tranh luận chính trị: bạn tôi ủng hộ Tổng thống Trump hết mình, nhưng cô con gái thì lại chê bai ông Trump thậm tệ. Lẽ ra tôi nên đứng ở thế trung lập để làm trọng tài, nhưng không hiểu sao một hôm tôi lại đứng về phía cô con gái và đưa ra một số nhận định về tư cách của Tổng thống Trump. Thế là ông bạn tôi lại cho nổ tung một trái bom tấn: “Bộ anh tưởng người Mỹ chúng tôi “ngu” cả sao khi ủng hộ Tổng thống Trump”. Tôi chỉ biết đáp trả bằng sự thinh lặng, để mặc cho hai cha con họ tiếp tục cuộc đấu khẩu. Tự nhiên tôi lại nghe văng vẳng bên tai câu nói của cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu: “Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn, cho nên quân nó dễ làm quan”.

Trong các thứ hiểu biết, biết mình là thứ biết quan trọng nhứt và trong các thứ ngu, có lẽ ngu nhứt là không biết mình ngu hay ảo tưởng về mình. Câu chuyện “Triết lý Tri kỷ” của thi hào Mỹ gốc Liban Kahlil Gibran (1883-1931) gợi lên cho tôi ý nghĩ ấy. Sau khi đọc bài đối thoại về thuyết “tri kỷ” của nhà hiền triết Hy Lạp Socrates, một thanh niên nọ mới thấy cần phải đi sâu vào tận đáy lòng để biết mình. Đứng trước tấm gương, anh nhìn thẳng vào con người xấu xí của mình, suy nghĩ về hình thù cái đầu, khuôn mặt và tứ chi của thân thể anh. Điều lạ lùng là bất kỳ nét xấu xí nào trong người của anh cũng đều có sự tương đồng nơi các bậc vĩ nhân trong nhân loại. Người anh lùn, nhiều bậc vĩ nhân cũng lùn. Trán anh thấp, nhiều bậc vĩ nhân cũng có trán thấp. Mũi anh dài và gãy, nhiều bậc vĩ nhân cũng có cái mũi như thế. Mắt anh sâu,  nhiều bậc vĩ nhân cũng có mắt sâu vậy. Môi anh dày có khác chi nhiều bậc vĩ nhân. Hai cái tai dài của anh, tuy trông hợp với đầu của một con thú, lại cũng giống như tai của biết bao nhiêu bậc vĩ nhân. Má anh lõm ư? Nhiều bậc vĩ nhân cũng thế thôi. Cằm anh lẹm thì đã sao? Nhiều bậc vĩ nhân cũng thế thôi.

Đó là xét về thể lý. Còn nói về một số thói quen, người thanh niên tự nhận xét: đôi khi anh để bốn năm ngày không rửa tay chân mặt mày. Anh bảo có khác gì Beethoven đâu. Anh cũng thích nghe lỏm chuyện ngồi lê đôi mách của các bà các cô. Mà đã sao? Một số bậc vĩ nhân cũng thế thôi. Nói gì đến tật tham ăn, anh đâu có thua gì nhiều bậc vĩ nhân!

Suy nghĩ một lúc, người thanh niên “đưa những đầu ngón tay nhơ bẩn sờ lên trán rồi tiếp tục nói: “Đây chính là ta. Đây là con người thật của ta! Ta có tất cả những đức tính của các bậc vĩ nhân từ đầu lịch sử tới bây giờ. Một thanh niên như ta có những đức tính ấy, cốt để hoàn thành những công việc lớn”.

Thi sĩ Kahlil Gibran kết thúc bài thơ ngụ ngôn như sau: “Sau đó, hắn để nguyên bộ đồ hôi hám ngả lưng trên mặt giường nhơ bẩn rồi ngủ thiếp đi ngay, tiếng ngáy vang động khắp bầu trời mưa”(2).

Tôi không biết tổng thống thứ 45 của Mỹ có biết bài thơ này không. Nhưng xem chừng nơi người thanh niên trong bài thơ tôi lại thấy phảng phất vài nét nơi tổng thống Trump khi ông tuyên bố mình là một “thiên tài ổn định”, là người thông minh nhứt, là người cái gì cũng nhứt hết...Nhìn qua tấm gương lãnh tụ này, biết đâu những người ủng hộ và sùng bái ông lại chẳng nhận ra bản thân họ.

Người thanh niên trong bài thơ của thi sĩ Kahlil Gibran khi đọc thuyết tri kỷ của Socrates có lẽ quên mất rằng chính nhà hiền triết này cũng đã từng nói: “Tôi biết rằng tôi chẳng biết gì”. Phải chăng ông chẳng muốn nói rằng cái biết thực sự là biết mình ngu.

Sống suýt soát cùng một thời kỳ với Socrates, một nhà hiền triết của Á Châu là Lão Tử dường như cũng muốn dạy cùng một điều khi ông nói: “Quân tử thịnh đức dung mạo như ngu”: bậc quân tử có đức hạnh thường khiêm cung như kẻ ngu đần.

 

Chu Văn, 22/6/20

 

 

1.https://edition.cnn.com/2016/02/18/politics/pope-francis-trump-christian-wall/index.html

2.https://www.wattpad.com/527995933-l%E1%BB%9Di-thi%C3%AAng-kahlii-gibran-tri%E1%BA%BFt-l%C3%BD-tri-k%E1%BB%B7


Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2020

Khi báo chí là kẻ thù của nhân dân...


Ruth Ben-Ghiat

Chu Văn chuyển ngữ

“Ông là người tối cần thiết cho ai?” Ngày mùng Hai tháng Sáu 2020 vừa qua, một viên cảnh sát ở New York đã hét lên như thế vào mặt ông Robert Bumsted, một chuyên viên thâu hình có mang thẻ hành nghề của hãng thông tấn  AP và nhiếp ảnh viên Maye-E Wong cũng thuộc hãng AP. Cả hai đều đang tìm cách tường thuật về một cuộc biểu tình. Được yêu cầu phải rời bỏ hiện trường, hai nhà báo này đã nhấn mạnh rằng ký giả được xem là “những nhân viên tối cần thiết” cho nên không thể bị cưỡng bách phải rời bỏ hiện trường.

Một phần của cuộc đối đầu trên đây đã được ghi lại và Phân bộ Cảnh sát ở New York cho biết sẽ xem xét sự việc “càng sớm càng tốt”. Bà Lauren Easton, phát ngôn viên của hãng thông tấn AP đã trả lời cho câu hỏi của viên cảnh sát trên đây như sau: “Vai trò của các ký giả là nhân danh công chúng để tường thuật tin tức”.

Hiện nay tại Hoa Kỳ, vai trò đó xem ra khiến bạn bị đe dọa. Hai tuần lễ vừa qua đã được đánh dấu không chỉ bằng làn sóng biểu tình phản đối sự tàn bạo của cảnh sát và kỳ thị chủng tộc trong xã hội Mỹ tiếp theo việc ông Geoge Floyd bị sát hại một cách khủng khiếp, mà còn bởi một sự thù nghịch chưa từng có đối với báo chí. Tổ chức US Press Freedom Tracker (được điều hành bởi Sáng Hội Tự Do Báo Chí, với sự cố vấn của Ủy Ban Bảo Vệ Các Ký Giả, Viện Knight First Amendment Institute của trường Đại học Colombia, Tổ chức Ký Giả Không Biên Giới và nhiều tổ chức khác) đã ghi nhận trên 380 vụ kể từ ngày 26 tháng Năm 2020 vừa qua; ít nhất có 56 vụ bắt giữ, 78 vụ tấn công thể lý (trong số này 50 vụ do cảnh sát chủ động), 49 vụ xịt hơi cay và 89 ký giả bị thương vì đạn cao su. Những người biểu tình cũng tấn công các ký giả: một phóng viên của Đài Fox News đã bị tấn công và đuổi khỏi một cuộc biểu tình bên ngoài Tòa Bạch Ốc, nhưng cảnh sát vẫn là tác nhân chính của những vụ tấn công.

Đối với một số ký giả, phản ứng này là một lời cảnh cáo. Nhiếp ảnh viên Carolyn Cole của báo Los Angeles Times là người từng công tác tại những vùng có xung đột trên thế giới, nhưng giác mô của cô lại bị hư hại tại Minneapolis khi cảnh sát xịt hơi cay vào mắt trái của cô trong lúc cô đang làm phóng sự về một cuộc biểu tình tại đây. (Sau vụ này, cảnh sát trưởng Minneapolis, bà Medaria Arrandondo đã xin lỗi các ký giả). Lên tiếng thay cho nhiều người, nhiếp ảnh viên Cole nói: “Tôi đã không ngờ họ trực tiếp tấn công chúng tôi”.

Chẳng có gì phải ngạc nhiên cả: xếp các ký giả vào một “nhóm” trong số những kẻ thù công cộng là một hiện tượng điển hình của các xã hội độc tài hơn là các nền dân chủ. Là một hệ thống chính trị, các chế độ độc tài nhắm tiêu diệt các chuẩn mục dân chủ là sự minh bạch và trách nhiệm cũng như dẹp bỏ hay lèo lái nguồn thông tin nào không ủng hộ cái nhìn về thực tế chỉ phục vụ riêng cho cá nhân nhà lãnh đạo. Tự báo chí luôn luôn là nạn nhân hàng đầu.

Báo chí độc lập không phải là một khái niệm mà các chế độ độc tài nhìn nhận. Như tại Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan chẳng hạn, hoặc là bạn đứng về phía nhà lãnh đạo để ca ngợi ông, hoặc là bạn bị xem như một kẻ thù chính trị bị tố cáo tổ chức những “cuộc săn lùng phù thủy” nhắm vào ông. Hàng trăm ký giả Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bắt giữ trong cuộc đàn áp tiếp theo vụ đảo chính dạo tháng Bảy năm 2016 chống lại Tổng thống Erdogan. Theo Trung tâm Stockholm Center for Freedom, tính đến ngày 8 tháng Năm năm 2020, hiện vẫn còn 88 ký giả đang bị giam tù, 77 người khác đang chờ đợi bị xét xử và 167 người khác đang phải trốn tránh hoặc lưu vong: họ bị buộc phải trốn khỏi quê hương như những tội phạm dưới mắt ông Erdogan.

Tổng thống Trump đã công khai ca ngợi ông Erdogan và các nhà chuyên chế khác. Và chúng ta biết rằng ông luôn có ý định giam tù những ký giả nào mà ông cho là chỉ trích ông. Năm 2017, tân tổng thống Mỹ đã từng  hỏi giám đốc của Cơ quan Tình báo Liên bang FBI lúc bấy giờ là ông James Comey rằng liệu điều đó (tức bỏ tù ký giả) có thể làm được không. Cai trị trong một nền dân chủ còn đang hoạt động, Tổng thống Trump không kiểm soát được báo chí quốc gia như các đồng nhiệm độc tài của ông. Chính vì vậy mà trong nhiều năm qua ông đã khích động dân chúng thù ghét các ký giả. Ông biến sự thù hận này thành nét nổi bật của nhiệm kỳ tổng thống của ông. Chúng ta thường nghe nói rằng Trump là một người bất tài và lười biếng, nhưng ông đã không hề như thế trong vấn đề này. Ông đã kiên trì và nhất quán trong việc biến các ký giả theo cái nhìn của ông.

Dĩ nhiên, sự thù nghịch đối với truyền thông không phải là một điều mới mẻ. Truyền thông hữu khuynh đã từng tố cáo các cơ quan truyền thông dòng chính, ngoại trừ Fox News, là thiên vị và đáng bị nguyền rủa. Tuy nhiên, phần lớn người Mỹ đã không bày tỏ sự hung hãn mà nhiều người đang có đối với những nhóm khác bị ông Trump chĩa mũi dùi vào như người Hồi giáo, di dân và dân da màu. Tổng thống Trump đã gia tăng tấn công để biến các ký giả thành đối tượng của thù ghét. Triệt hạ báo chí là một phần chính trong các cuộc vận động của ông khi bắt đầu ra tranh cử. Miệt thị và chế nhạo các phóng viên có tên tuổi đã trở thành cung cách bình thường của ông đối với những người ủng hộ ông trước và sau cuộc bầu cử. Không khó mấy để nhận ra những người đã mang những chiếc áo thun kêu gọi đấu tố báo chí. Không mấy chốc xem truyền thông như đáng bị trừng phạt đã trở thành một phần trong cái nhìn về thế giới của những người ủng hộ ông Trump.

Khi các cuộc biểu tình bắt đầu và những cuộc tấn công nhắm vào báo chí cũng bắt đầu, Tổng thống Trump gia tăng cường độ cuộc chiến bôi nhọ báo chí. Trong một “tuýt” bắn ra hôm 31 tháng Năm vừa qua, ông đổ lỗi cho các ký giả vì sự bất ổn xã hội, đồng hóa họ với những người tranh đấu trong phong trào chống phát xít Antifa mà ông chụp lên cái mũ khủng bố. Tổng thống Trump viết: “Truyền thông què quặt đang làm bất cứ điều gì trong khả năng của họ để gieo rắc hận thù và tình trạng hỗn loạn”. Ông gọi các ký giả “là những người thật sự xấu xa với một chương trình hành động bệnh hoạn”. Những lời như thế thật khó mà khuyến khích hạ giảm bạo động đối với truyền thông.

Liệu điều này có liên hệ đến việc các cảnh sát viên hành hung các ký giả trên đường phố không?  Một bản tường trình của Cơ quan Điều tra Liên bang hồi năm 2015 đã cho thấy cảnh sát trên toàn quốc đã có mặt trong bầu khí cực đoan ấy. Bản tường trình đã thu thập tài liệu về những “mối liên hệ tích cực” giữa các nhân viên thi hành công lực trước kia và hiện nay với những thành phần da trắng thượng đẳng và các lực lượng chống dân chủ khác vốn xem bạo động như một phương tiện để thay đổi chính trị và đối phó với những người bị xem là kẻ thù.

Chúng ta biết rằng Tổng thống Trump đã khích động chủ nghĩa cựu đoan và cực hữu đủ loại ngay từ năm 2015, khi ông “tuýt” lại phim ảnh của những người Tân Đức Quốc Xã, ủng hộ các nhóm dân quân có vũ trang tấn công vào các thủ phủ tiểu bang và thuê những thành phần cực đoan như cố vấn đặc trách di dân Stephen Miller để quảng bá việc ông ủng hộ những ai chạy theo các ý thức hệ kỳ thị chủng tộc và thượng tôn da trắng.

Chúng ta không thể nào xem thường sức mạnh mà Tổng thống Hoa Kỳ cảm nhận được từ việc cảm thấy mình là người chính danh. Trong trường hợp này, sức mạnh ấy châm ngòi cho việc sử dụng bạo lực nhắm vào các ký giả là những người bị chối bỏ quyền được làm công việc của mình mà không sợ bị hành hung.

Điều chúng ta đang chứng kiến trên các đường phố hiện nay, với quá nhiều ký giả bị tấn công và ngay cả bị bắt giữ để biến họ thành  những tội phạm dưới mắt công chúng như Tổng thống Trump muốn, là hậu quả của 5 năm thiếu bảo vệ trước một chiến dịch tuyên truyền rất có hiệu quả. Đây là một cố gắng có hệ thống nhằm biến cả một nhóm người Mỹ thành “kẻ thù của nhân dân”. Đây là một thuật ngữ cắm rễ sâu trong lịch sử của các chế độ độc tài mà chính phủ Trump đã sử dụng để thủ lợi.

Những người Mỹ nào ngày nay đang ủng hộ việc hành hung các ký giả và các chiến dịch chống báo chí của Tổng thống Trump nên suy nghĩ về điều này: các nhà độc tài có thể bắt đầu bằng việc bêu xấu một nhóm, như di dân hay người Mỹ gốc Phi Châu, nhưng trước sau gì hành động bêu xấu ấy cũng không tha những nhóm khác. Những ai hôm nay vui mừng khi thấy các ký giả bị còng tay kéo đi không hề biết rằng rồi đến ngày họ cũng sẽ bị như thế.

Ruth Ben-Ghiat, How Journalists Become Objects of Hate, CNN June 11th, 2020.

Tác giả là một cộng tác viên thường xuyên của Đài CNN .Là giáo sư về lịch sử và nghiên cứu về Ý học tại Đại học New York. Bà chuyên viết về các chế độ độc tài và tuyên truyền.

 


Thứ Hai, 8 tháng 6, 2020

Bạo động là con đẻ của dối trá


Chu Văn


Mỗi lần nh
ớ đến cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, tôi luôn nghĩ đến câu nói để đời của ông: “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm”. Và kèm với câu nói đã trở thành danh ngôn ấy, tôi cũng luôn nhớ đến một cử chỉ đẹp của ông trong mùa hè đỏ lửa năm 1972. Theo những hình ảnh được các phóng viên ngoại quốc cũng như đài truyền hình Việt Nam ghi nhận, ngày 6 tháng Sáu năm 1972, sau khi quân lực Việt Nam Cộng Hòa tái chiếm tỉnh  Quảng Trị, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã đến thăm nhà thờ công giáo La Vang đổ nát. Vào bên trong nhà thờ, ông đã quỳ gối trên đống gạch vụn, làm dấu thánh giá và cầu nguyện. Là một tín hữu Kitô, tôi thực sự xúc động khi theo dõi cử chỉ biểu lộ niềm tin một cách thành tâm của vị nguyên thủ quốc gia.

Trong những ngày vừa qua, sở dĩ  cử chỉ quỳ gối của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hiện về trong ký ức của tôi là bởi vì chưa bao giờ thế giới nhìn thấy hay nghe nói đến cử chỉ này nhiều cho bằng lúc này tại Hoa Kỳ cũng như tại rất nhiều nước khác ở Âu Châu, Á Châu và Úc Đại Lợi. Hầu như trong bất cứ cuộc biểu tình nào để đòi hỏi công lý cho người đàn ông da đen George Floyd bị một cảnh sát da trắng sát hại, người ta cũng đều thấy có những người, kể cả cảnh sát, quỳ gối. Ngay cả các chính trị gia và các tuyển thủ của các đội thể thao nổi tiếng trên thế giới cũng đã quỳ gối mặc niệm. Người ta quỳ gối để ghi lại thước phim dài 8 phút 46 giây qua đó viên cảnh sát da trắng đã dùng đầu gối quỳ đè lên cổ một người vô phương tự vệ đến nghẹt thở. Người ta quỳ gối trong thinh lặng để đối lại nét mặt vô cảm đến độc ác tàn bạo của viên cảnh sát trước những lời van xin tha thiết của nạn nhân. Người ta quỳ gối để kêu gọi trả lại ý nghĩa cao đẹp của cử chỉ quỳ gối : quỳ gối để bày tỏ lòng sám hối, khiêm tốn, khoan nhượng, cảm thông...chớ không phải để thể hiện sự độc ác tàn bạo và vô nhân đạo.

Không gì tráo trở và bỉ ổi bằng đánh tráo ý nghĩa của những cử chỉ cao đẹp. Trong những ngày gần đây, khi theo dõi chuyện ở Việt Nam, tôi nhận thấy nhiều người Việt trong cũng như ở nước ngoài đã chú ý một cách đặc biệt đến lời tuyên bố của một bị cáo trong một phiên tòa ở Việt Nam. Bị cáo là bà Diệp Thị Hồng Liên, người đã từng là Trưởng phòng Khảo thí Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình ngoài Bắc. Tại phiên tòa xét xử 15 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi Trung học Phổ thông năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình, bà Liên đã tuyên bố: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”. Xưa nay và ở đâu, ai cũng đều xem tư thế “thẳng lưng” là biểu tượng của tính lương thiện. Nhưng khi biện minh cho hành động gian lận của mình, người đã từng đứng đầu một cơ quan giáo dục lại cho rằng khi mọi người đều xấu thì có sống lương thiện, chính trực và thanh liêm cũng là “xấu”.

Nhiều người cho đây là một câu nói vô liêm sỉ. Người ta nhắc lại giai thoại về cuộc đối thoại giữa một chính trị gia và nhà thơ nổi tiếng thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc là Khuất Nguyên (340-278 trước Công nguyên) và một ông lão đánh cá. Khuất Nguyên bị các quan gièm pha. Nhà vua tin lời các quan cho nên loại ông ra khỏi triều đình. Trông ông thất thểu, một ông lão đánh cá mới hỏi cho biết cớ sự. Khuất Nguyên trả lời: “Đời đục, một mình ta trong; người say có một mình ta tỉnh cho nên ta mới bị ruồng rẫy”. Lão đánh cá mới khuyên: “Đời đục cả, sao không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho đục một thể; loài người say cả, sao ông không ăn cả bả, húp cả hèm cho say một thể? Việc gì mà phải lo xa, nghĩ sâu, để cho đến nỗi phải bị ruồng bỏ?”(1)

Triết lý sống của ông lão đánh cá như được thể hiện qua câu nói của bà Liên quả là cách suy nghĩ và hành động của những người vô liêm sỉ. Nhưng với tôi, bà Liên cũng chỉ là sản phẩm của một chế độ được xây dựng trên dối trá. Ông quan tòa xét xử bà, nếu có được ngồi chễm chệ trên ghế thẩm phán để xét xử người khác, có lẽ cũng chẳng liêm sỉ hơn. Luật ông dùng để xét xử là luật rừng và công lý ông nại đến để cầm cân nẩy mực cũng chỉ là công lý của bạo lực. Bà Liên có thể là một người vô liêm sỉ, nhưng câu nói và hành xử của bà phản ảnh đúng cái xã hội đồi bại do chế độ cộng sản dựng lên. Trong chế độ mà dối trá là bản chất, mọi thứ đều bị đảo lộn. “Thẳng lưng” là khuyết tật. Giải phóng là đàn áp. Tự do là nô lệ. Công lý là dùi cui, báng súng, nhà tù. Nhứt là kể từ khi “đạo đức cách mạng” được áp đặt lên nhân dân Việt Nam, thì đạo đức có nghĩa là dối trá, lươn lẹo, lưu manh, vô cảm, tàn nhẫn. Người dám đứng thẳng để sống lương thiện và lên tiếng đòi hỏi công lý bị xem là phần tử phản động, xấu xa. Kẻ độc ác, tàn bạo, lưu manh...lại được tán dương là người tốt!

Để có thể xây dựng và duy trì một chế độ trên nền tảng của dối trá, người ta buộc phải sử dụng bạo lực. Văn hào Nga Alexander Solzhenitsyn (1918-2008), tác giả của quyển tiểu thuyết nổi tiếng “Quần đảo Gulag”, đã giải thích: “Bạo lực chỉ có thể được che đậy bởi dối trá và dối trá chỉ có thể được duy trì bằng bạo lực. Bất cứ ai đã một lần tuyên bố xem bạo lực như phương pháp (hành động) thì đương nhiên bị buộc phải xem dối trá như nguyên tắc”.

Câu nói trên đây của văn hào Solzhenitsyn không khỏi làm tôi nghĩ đến cách hành xử của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong những ngày vừa qua khi ông kêu gọi  sử dụng bạo lực để đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa của người dân.

Nhà tỷ phú địa ốc đã hơn 6 lần khai phá sản, trốn thuế, dựng lên một đại học ma, lợi dụng Quỹ từ thiện cho mục đích chính trị này ...là một minh họa hùng hồn cho liên minh giữa bạo lực và dối trá.

Không phải một sớm một chiều mà tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ có chủ trương sử dụng bạo lực. Bạo lực đã có sẵn trong máu của ông. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí Playboy hồi năm 1990, khi được hỏi về việc Trung Cộng đàn áp dã man cuộc biểu tình ôn hòa của sinh viên Trung Hoa tại Quảng trường Thiên An Môn dạo đầu tháng Sáu năm 1989, tỷ phú địa ốc Trump tuyên bố: “Khi các sinh viên tràn vào Quảng trường Thiên An Môn, chính phủ Trung Quốc đã gần như đè bẹp được. Rồi  chúng trở nên bạo động và hung dữ, nhưng họ (chính phủ Trung Quốc) đã dùng sức mạnh để dẹp yên. Điều này cho thấy sức mạnh của bạo lực. Hiện nay đất nước của chúng ta bị xem là yếu...bị cả thế giới sỉ vả”.

Khi được hỏi về tình hình ở Liên Xô, tỷ phú Trump nói rằng ông thấy chẳng có gì để ngưỡng mộ chủ tịch Liên Xô lúc bấy giờ là ông Mikhail Gorbachev, mặc dù nhà lãnh đạo này đã được trao tặng giải Nobel Hòa Bình vì đã giúp giới hạn vũ khí hạt nhân, chấm dứt chiến tranh lạnh và ngăn chận những vụ vi phạm nhân quyền. Ông Trump khẳng định: “Ông ta “không đủ cứng rắn”, vì đã để cho chế độ cộng sản sụp đổ!” (2).

Thì ra thế. Bây giờ thì tôi hiểu được tại sao đương kim tổng thống Mỹ ra lệnh sử dụng quân đội để đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa. Chê bai ông Gorbachev là “hèn yếu”, nhưng lại đề cao sức mạnh bạo lực của Trung Cộng, Tổng thống Trump lúc nào cũng muốn tỏ ra mình là người hùng mạnh bằng bạo lực: bạo lực trong lời nói với các đối thủ chính trị và bất cứ ai bất đồng ý kiến với ông, bạo lực bằng súng đạn với những người biểu tình ôn hòa. Trong một cuộc phỏng vấn ngày 14 tháng Tư 2016, ứng cử viên Trump đã tỏ ra tâm đắc với câu “mắt đền mắt, răng thế răng” trong Cựu Ước của Do Thái giáo (3).

Bạo lực là con đẻ của dối trá. Tôi có thể chủ quan khi đánh giá về trí tuệ, tâm lý, tính khí, tư cách của Tổng thống Trump. Nhưng tôi dám khẳng định như đinh đóng cột rằng nơi ông không hề có bất cứ một làn ranh nào giữa sự thật và dối trá. Báo The Washington Post và toán kiểm chứng sự kiện của tờ báo đã xác quyết rằng  tính đến ngày 3 tháng Tư năm 2020, nghĩa là chỉ trong 1.170 ngày lãnh đạo quốc gia, Tổng thống  Trump đã đưa ra tất cả 18.000 lời tuyên bố dối trá. Tính trung bình mỗi ngày ông nói dối 15.38 lần (4). Không biết “thằng Cuội” của Việt Nam hay người gỗ Pinocchio của nhà văn Ý Carlo Collodi có đủ sức để tranh tài nói dối với Tổng thống Trump không?

Dối trá là một phạm trù đạo đức. Một trong những nhà lãnh đạo tinh thần có thế giá nhứt trên thế giới hiện nay là Đức Đạt Lai Lạt Ma chắc chắn đã nghĩ đến kỷ lục dối trá của Tổng thống Trump khi Ngài khẳng định trong một cuộc phỏng vấn dành cho Đài BBC rằng: “ Hôm nay ông ta nói một điều. Hôm sau ông ta lại nói ngược lại. Nhưng tôi nghĩ rằng ông ta là người thiếu nguyên tắc đạo đức” (5).

Dùng bạo lực để biện minh cho dối trá, tổng thống Trump cũng dùng cả biểu tượng tôn giáo để che đậy sự dối trá. Tôi chưa từng thấy có hành động nào lố bịch và trơ trẽn cho bằng dùng bạo lực để dẹp tan một đám biểu tình ôn hòa rồi đến trước cửa giáo đường để chụp hình với quyển Kinh Thánh được giơ lên hay đứng mỉm cười trước tượng của một vị thánh công giáo là Đức Gioan Phaolô II.

Chưa bao giờ quốc gia vĩ đại Hoa Kỳ lại rơi vào tình trạng thê thảm như hiện nay. Vào giữa lúc con số người chết vì đại dịch Covid-19 đã lên quá 112.000 người, Hoa Kỳ còn rơi vào hỗn loạn chưa từng thấy. Tôi không dám làm thày dùi. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu thay vì chụp hình với Quyển Kinh Thánh, Tổng thống Trump hãy đến trước cửa của trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York để đọc câu trích từ Sách Tiên tri Isaia: “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến” (Isaia 2,4), còn nếu như để khỏi mang tiếng là tổng thống  của riêng người Mỹ theo Kitô Giáo, ông hãy đến quỳ gối trước tượng Nữ Thần Tự Do để suy gẫm những vần thơ của nữ thi sĩ Emma Lazarus: “Hãy trao cho ta đám người kiệt sức, nghèo khổ, đám người nheo nhóc khao khát hơi thở tự do, những người khốn khó rác rưởi trôi dạt từ bờ bến chen chúc. Hãy gởi đến cho ta những kẻ không nhà, bị dông tố vùi dập. Ta giương ngọn đèn bên cánh cửa vàng”....nếu Tổng thống Trump làm được như thế, nước Mỹ may ra mới hết hỗn loạn và thực sự “vĩ đại trở lại”.

Chu Văn

 1. https://baotiengdan.com/2020/05/27/mot-cau-noi-vo-liem-si-ai-cung-gu-minh-thang-lung-se-thanh-khuyet-tat/

2. https://www.goldcoastbulletin.com.au/donald-trumps-tough-rhetoric-borrowed-from-china-according-to-his-own-1990-interview/news-story/c209528d14eef6b14e4fa72cb1708f00

3.https://www.politico.com/blogs/2016-gop-primary-live-updates-and-results/2016/04/trump-favorite-bible-verse-221954

4.https://www.psychologytoday.com/au/blog/the-nature-deception/202004/is-president-trump-outliar

5.https://www.theguardian.com/world/2019/jun/27/dalai-lama-says-donald-trump-has-a-lack-of-moral-principl