Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

Thực và Đạo



Chu Thập
24/08/18
Tôi “yêu” Úc Đại Lợi, quê hương thứ hai của tôi. Đi đâu rồi nhìn lại, tôi vẫn thấy “quê hương” của mình là nhứt. Ăn cây nào rào cây nấy. Có thể tôi chủ quan. Nhưng mới đây, khi tạp chí Economist của Anh công bố danh sách của 10 thành phố đáng sống (livable) nhứt trên thế giới, tôi thấy mình có đủ lý do để tự hào về đất nước mình đã chọn làm quê hương thứ hai. Trong 10 thành phố đáng sống nhứt này, Melbourne đứng hàng thứ 2, Sydney đứng hàng thứ 5 và Adelaide đứng hàng thứ 10. Với dân số vừa mới bước vào ngưỡng cửa 25 triệu dân cách đây một tháng, Úc không phải là một nước lớn. Còn nếu lấy tổng sản lượng quốc gia ra để “đấu” với những người khổng lồ như Hoa Kỳ hay Trung Cộng, Úc chỉ là một cậu bé tí hon. Vậy mà đất nước này năm nào cũng có nhiều thành phố lọt vào danh sách 10 thành phố đáng sống nhứt. Công dân Úc không có lý do gì để không tự hào về đất nước của mình.
Nhìn sang người anh em của Úc trong khối Thịnh vượng chung là Gia Nã Đại, tôi tin chắc là người dân ở đó cũng phải có cùng một niềm tự hào như tôi. Trong danh sách 10 thành phố đáng sống nhứt theo sự bầu chọn của tạp chí Economist, Gia Nã Đại cũng có tới 3 thành phố: Calgary được xếp tới hàng thứ 4, Vancouver hàng thứ 6 và Toronto hàng thứ 7.
Tôi đã đến Toronto. Còn Vancouver, tôi chỉ mới nghe người Việt tỵ nạn ở Gia Nã Đại quảng cáo. Riêng Calgary, dạo tháng Bảy vừa qua, tôi đã “mục sở thị”. Trong gần một tuần lễ ở chơi với ông bạn nối khố từ lúc thiếu thời, tôi  đã được đưa đi thăm thú một vòng thành phố và những vùng ngoại ô của thành phố này. Nếu không có mùa đông hơi khắc nghiệt đối với lớp da thiếu mỡ của một người Á Châu như tôi thì quả thật Calgary là một thành phố đáng sống nhứt theo những tiêu chuẩn được tạp chí Economist chỉ ra như văn hóa, hạ tầng cơ sở, bảo hiểm y tế, tội ác và xung đột, giáo dục...Riêng ông bạn của tôi dường như muốn cho tôi thấy một khía cạnh khác của Calgary. Một hôm ông chở vợ chồng tôi đi dọc theo một con sông bao quanh thành phố. Khi đến gần trung tâm thành phố, ông chỉ vào một tòa nhà khá khang trang. Khang trang đến độ một số người Việt tỵ nạn từ xa đến tưởng đó là một khách sạn, định vô mướn phòng. Nhưng bạn tôi giải thích: đó là một trung tâm dành cho người vô gia cư (homeless). Thành phố Calgary là một nơi đáng sống là phải bởi vì ngay cả người vô gia cư cũng có nơi ăn chốn ở như mọi người!
Không hiểu sao hình ảnh của “khách sạn” dành cho người vô gia cư ở thành phố Calgary cứ đeo đuổi tôi suốt cả tuần khi tôi đến thăm gia đình cô em gái ở Orange County, Tiểu bang California,  tiểu bang giàu nhứt nước Mỹ với nền kinh tế đứng hàng thứ 5 trên thế giới. Trong tiểu bang này, thành phố Los Angeles phải được xem là biểu tượng của sự thịnh vượng và danh tiếng về mọi mặt của nước Mỹ.
Trong gần một tuần lễ ở đó, tôi đã  đi và đến phi trường Los 4, 5 lần. Và lần nào, từ thủ đô người Việt tỵ nạn tại Orange County cũng phải mất khoảng một tiếng đồng hồ để đi trên xa lộ xuyên bang 405 chạy ngang qua phi trường. Hệ thống xa lộ là biểu tượng của sự giàu có của Hoa Kỳ. Một tên nhà quê đến từ “Miệt Dưới” như tôi chỉ biết há mồm để trầm trồ ngưỡng mộ sự vĩ đại của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Mỗi bên xa lộ có đến 5,7 “len”, “len” nào cũng “nêm” cứng xe cộ.
Có lẽ không quen với cảnh giàu sang và náo nhiệt của quốc gia vĩ đại và giàu có nhứt hành tinh này chăng, có lúc tôi thấy ngộp thở. Ngộp thở vì nhìn hai bên xa lộ chỉ thấy bức tường chắn tiếng động mà tuyệt nhiên không có bất cứ màu xanh nào của cây rừng hay công viên. Ngộp thở vì nhìn đâu cũng chỉ thấy nhà máy, cơ xưởng và trung tâm thương mại. Nhưng ngộp thở nhứt với tôi có lẽ là bầu trời xám xịt bao phủ 24/24 thành phố Los và ngay cả những vùng phụ cận. Có lúc tôi tưởng như mình đang ở giữa thành phố Bắc Kinh của Trung Cộng, tuy chưa đến nỗi phải đeo khẩu trang mỗi khi ra đường. Ngay biển và những bờ biển thật đẹp như Huntington beach, Seal beach, Newport beach... cũng được phủ xuống một lớp “khói mù” (smog) dày đặc. Màu xanh da trời hay màu xanh của biển ở Los có lẽ chỉ còn có trong tranh!
Cộng với nạn cháy rừng và sức nóng của mùa hè, tôi không biết người ta còn có đủ khí để thở trong lớp “sương mù” ấy không. Nhớ lại “khách sạn” của người vô gia cư tại Calgary, tôi thấy tội nghiệp cho những người vô gia cư ở Los. Tôi không biết những người vô gia cư ở thành phố Los, thành phố được mệnh danh là “thủ đô” của người vô gia cư, có thở nổi dưới bầu trời dày đặc khói mù và oi bức ấy không.
Để giúp vợ chồng tôi cảm được thế nào là cuộc sống vô gia cư ở Lo Angeles, một linh mục Việt Nam làm việc cho người vô gia cư đã đưa chúng tôi đi một vòng “thủ đô” của họ. Phải mất nửa tiếng đồng hồ lái xe mới có được một cái nhìn khái quát về “thủ đô” này. Trên vỉa hè của rất nhiều dãy phố ngay trong trung tâm thành phố Los, người vô gia cư dựng lên những túp lều bằng ni lông, cát-tông hay giấy bạt vừa đủ không gian cho một người để nằm. Ngồi trong xe có máy lạnh, nhưng tôi vẫn cảm được cái nóng đốt cháy da thịt của mùa hè ở Los. Vậy mà theo vị linh mục này cho biết: dân số vô gia cư ở thành phố Los theo con số chính thức là khoảng 50 ngàn người. Nhưng ông nói rằng trong thực tế con số ấy có thể cao hơn. Phần lớn là người Mỹ gốc Phi Châu.
Nhớ lại hình ảnh của “khách sạn” của người vô gia cư tại Calgary bên Gia Nã Đại, rồi nhìn xuống những túp lều của những “Chú Tom” (như ai đó đã gọi người Mỹ gốc Phi Châu một cách khinh miệt!) tôi thấy xót xa. Những trang sử đen tối của chế độ nô lệ vào thời kỳ lập quốc của Hoa Kỳ lại hiện về trong tâm trí tôi. Có thể tách lìa sự phồn vinh và phú cường của đệ nhứt siêu cường thế giới khỏi lịch sử ấy không? Hoa kỳ có thể trở thành một cường quốc không nếu không có hàng hàng lớp lớp đời này qua đời khác những người nô lệ da đen bị bóc lột tất cả từ khi chào đời đến lúc lìa đời không? Và khi sự giàu có lại san sát với cảnh nghèo thì liệu đó có phải là sự phồn vinh đích thực không và một sự giàu sang phú quý như thế có thể khỏa lấp được lương tâm của mình để thực sự sống hạnh phúc và bình an không?
Có lẽ tôi thường suy nghĩ theo lối “triết lý cùn” của một người nghèo nên luôn cho rằng sự giàu sang không đương nhiên mang lại hạnh phúc đích thực cho con người. Nghĩ xa hơn tôi cũng cho rằng sức mạnh kinh tế và nhứt là quân sự của một quốc gia cũng không đương nhiên mang lại hạnh phúc cho người dân và nhứt là biện minh cho sự chính danh của một chế độ.
Tôi có ý nghĩ ấy khi đọc một bài phóng sự mới đây của Đài BBC về cuộc sống của người dân Nam Hàn. Bài phóng sự mở đầu với hình ảnh của một người đàn ông đang ngồi câu cá dọc theo một bờ đá. Những đứa con của ông đang chơi đùa bên cạnh. Phóng viên của Đài BBC viết rằng người đàn ông này đang quảng cáo không công cho một chiến dịch của Chính phủ Nam Hàn có tên là “Worabel”,  nghĩa là “cân bằng việc làm và cuộc sống”.
Theo Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế gọi tắt là OECD, Nam Hàn là một trong những quốc gia có số người phải làm việc nhiều giờ nhứt trên thế giới: trên 20 phần trăm công nhân Nam Hàn phải làm hơn 50 giờ một tuần và phần lớn không nghỉ hơn phân nửa số ngày nghỉ mà họ có quyền lấy.
Dĩ nhiên, làm việc quá tải như thế cho nên nhiều người bị căng thẳng và rơi vào trầm cảm khiến cho tỷ lệ tự tử ở Nam Hàn lên rất cao. Ngoài ra, làm việc quá nhiều cũng khiến cho sinh xuất của Nam Hàn ngày càng giảm. Người phụ nữ sợ sinh đẻ bởi vì họ sợ vác thêm gánh nặng của việc nuôi dạy con cái.
Sự phát triển kinh tế của Nam Hàn quả là một phép lạ tại Á Châu. Ngày nay, các sản phẩm của Nam Hàn như xe hơi, thiết bị gia dụng, điện thoại tinh khôn... tràn ngập khắp thế giới. Ngay cả kỹ nghệ điện ảnh của Nam Hàn cũng xâm chiếm thị trường thế giới. Thu nhập trung bình  tính theo đầu người của người dân Nam Hàn trong năm nay đã lên đến 30.000 Mỹ kim. Từ xe BMW đến phòng vệ sinh được điều khiển từ xa (remote control)...bất cứ thứ xa xỉ nào trên thế giới, họ cũng đều có cả. Tuy nhiên kể từ năm 2013, nếu so sánh với các nước khác trong Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế, sự hài lòng với cuộc sống của người dân Nam Hàn lại ở dưới mức trung bình.
Chính vì vậy mà trong chiến dịch vận động bầu cử, Tổng thống Moon Jae-in đã tung ra khẩu hiệu “Người dân là trước hết” (People first). Ông muốn thấy người dân phải được hạnh phúc chớ không chỉ biết làm quần quật suốt ngày để làm giàu. Trong thông điệp đầu năm 2018 vừa qua, ông nói rằng “Tự nó con số (30.000 Mỹ kim) không quan trọng. Điều quan trọng là phải bảo đảm cho người dân hưởng được cuộc sống tốt đẹp hợp với số thu nhập tính theo đầu người là 30.000 Mỹ kim ấy”. Tựu trung, với khẩu hiệu “Người dân là trước tiên” của ông, đương kim tổng thống Nam Hàn mong muốn cho người dân được thực sự hạnh phúc.
Thật ra, Nam Hàn không phải là quốc gia duy nhứt hay đầu tiên quan tâm đến hạnh phúc của người dân. Kể từ năm 2012, Anh Quốc cũng đã làm một bài tính từ bảo hiểm y tế, công ăn việc làm và giáo dục để đề ra những chính sách khả dĩ giúp người dân được sống hạnh phúc. Riêng các Tiểu vương quốc Á Rập Thống Nhứt mới đây đã lập thêm một bộ mới lấy tên là “Bộ Hạnh phúc và Phúc lợi” với tham vọng trở thành một trong những nước hạnh phúc nhứt trên trái đất vào năm 2021.
Nhưng nói đến hạnh phúc của người dân, không thể không nói đến bước đi tiên phong của Vương quốc Bhutan, quốc gia có đa số dân theo Phật Giáo nằm ở phía Đông Hy Mã Lạp Sơn. Kể từ năm 2008, quốc gia này tuyên bố đặt Tổng sản lượng Hạnh phúc lên trên phát triển kinh tế. Năm 2016, Tổng thống Moon đã viếng thăm Bhutan. Cảm hứng từ những gì đã quan sát được ở Bhutan chăng, ông cũng muốn đưa hạnh phúc của người dân lên trước hết, xem hạnh phúc của họ như điều kiện tiên quyết của phát triển kinh tế.
Dân giàu nước mạnh. Có người dân và chính phủ nào không mong muốn điều đó. Nhưng thế nào là giàu mạnh? Và có phải giàu mạnh bằng mọi cách, mọi giá hay không? Thời xa xưa các đế quốc và các nước thực dân đã làm giàu bằng tài nguyên cướp bóc từ  các nước thuộc địa và nhứt là trên xương máu của người nô lệ. Ở Thế kỷ 20, trước khi xảy ra Đệ nhị Thế chiến, Đức quốc xã của Hitler và nước Ý dưới thời Benito Mussolini là 2 nước có nền kinh tế mạnh nhứt nhì Âu Châu. Hai nhà độc tài này đã dùng kinh tế để biện minh cho những chính sách vô nhân đạo của họ. Gần đây hơn, với chủ trương “mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”, Trung Cộng đã làm giàu và làm giàu bằng mọi cách, kể cả phá hủy môi trường và nhứt là chà đạp và tước đoạt tất cả mọi quyền căn bản của người dân. Nói đâu cho xa, kể từ lúc mở cửa, kinh tế Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể. Nhưng liệu sự phát triển kinh tế ấy có biện minh được cho chế độ độc tài đảng trị, bán nước của đảng cộng sản không?
Kinh tế không phải là tất cả. Sự sống còn và sức mạnh đích thực của một quốc gia còn phải dựa vào những giá trị khác như nhân bản, đạo đức mà kinh tế và sự giàu có không thể mang lại được. Một nguyên thủ quốc gia đích thực không chỉ là một nhà kinh tế giỏi, mà còn phải là người đại diện và xiển dương những giá trị nền tảng làm nên sức mạnh và sự vĩ đại đích thực của một quốc gia. Thời nào người dân cũng đòi hỏi nơi nhà lãnh đạo tài ba và đức độ. Nói một cách đơn giản, hơn ai hết, nguyên thủ quốc gia phải là một người có tư cách.
Xét cho cùng, như “nhà đạo” của tôi dạy: con người không chỉ sống bằng cơm bánh! Làm giàu một cách bất lương là điều đáng phỉ nhổ. Nhưng giàu có mà không san sẻ, sớt chia cho người nghèo cũng là một cách sống không phải đạo. Một cuộc sống có ý nghĩa, đáng sống còn phải được xây dựng trên những giá trị nhân bản và đạo đức nữa.







Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2018

Phụ nữ và khí hậu thay đổi




24/08/18
Khí hậu thay đổi là một hiện tượng khó chối cãi. Bão lụt, hạn hán, cháy rừng và những đợt nóng kéo dài tại nhiều nơi trên thế giới đã tạo ra nhiều thiệt hại về đủ mọi phương diện cho con người. Trong số những nạn nhân phải gánh chịu nhiều thiệt hại nhất, nữ giới là số đông.
Một cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng vào khoảng năm 2050, số người tỵ nạn vì những hậu quả của khí hậu thay đổi trên khắp thế giới có thể lên đến 150 triệu người, trong số này 80 phần trăm sẽ là phụ nữ và trẻ con. Phụ nữ ở những vùng nông thôn của Nam bán cầu như Phi Châu, Á Châu, Châu Mỹ La Tinh và các vùng Á Rập sẽ là những người bị thiệt thòi nhiều nhất vì hạn hán, đói kém và thời tiết khắc nghiệt.
Theo một bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc, có đến 80 phần trăm những người phải di tản vì khí hậu thay đổi là phụ nữ. Vì đóng vai trò “nội trợ” và ngay cả cần câu cơm của gia đình, người phụ nữ dễ bị tổn thương hơn đàn ông khi xảy ra lụt lội và hạn hán. Tại rất nhiều nước nghèo, phụ nữ phải gánh lấy trách nhiệm sinh đẻ và nuôi dưỡng con cái, nhất là trong những cộng đồng vẫn còn lệ thuộc vào nông nghiệp. Tại những nước lệ thuộc vào nông nghiệp, 80 phần trăm lực lượng lao động là phụ nữ.  Trong những nền kinh tế còn lệ thuộc vào nông nghiệp và thời tiết, người phụ nữ lại thường ít được hưởng những cơ may và phương tiện sống như đàn ông. Họ ít được học hành, ít được hưởng chăm sóc y tế, ít được hưởng các tài nguyên, vật lực và tiền bạc cũng như ngay cả các quyền căn bản của con người. Thị trường lao động thường cũng không được mở rộng cho phụ nữ. Tình trạng bất bình đẳng nam nữ tại nhiều nước cũng khiến phụ nữ không có được tiếng nói trong xã hội và ngay cả những chính sách có liên quan đến họ. Chính vì bị đẩy ra bên lề xã hội mà người phụ nữ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đối phó với những thiên tai do khí hậu thay đổi tạo ra.
Khi dịch bệnh Zika xảy ra tại một số nước Châu Mỹ La Tinh chẳng hạn, phụ nữ và trẻ em là những người phải hứng chịu nhiều hơn ai hết những tác hại của khí hậu thay đổi. Nói chung, tại những nước nghèo, khi xảy ra dịch bệnh hay thiên tai, đàn ông vẫn luôn được ưu tiên  tiếp cứu hoặc được chăm sóc kỹ hơn cũng như được bảo đảm về lương thực và tài chính hơn. Đây là trường hợp điển hình tại Bangladesh vào năm 1991 khi quốc gia này phải trải qua một trận bão làm cho 140.000 người bị thiệt mạng: có đến 90 phần trăm nạn nhân là phụ nữ!
Thỏa ước Paris 2015 về việc giảm bớt khí thải để đối phó với hiện tượng trái đất hâm nóng và khí hậu thay đồi, được hầu như mọi quốc gia trên thế giới ký kết, đã nhìn nhận rằng phụ nữ là những người phải gánh chịu nhiểu hậu quả nhất của hiện tượng khí hậu thay đổi.
Nhìn qua một số nước nghèo trên thế giới, người ta mới thấy rõ những hậu quả của hiện tượng khí hậu thay đổi mà nữ giới phải gánh chịu. Chẳng hạn như tại miền Trung của lục địa Phi Châu, nơi có đến 90 phần trăm Hồ Chad đã biến mất vì hạn hán, các nhóm dân sống bằng du mục bị đe dọa nhiều nhất. Khi mực nước hồ ngày càng thấp, nguồn nước ngày càng hiếm, người phụ nữ phải đi bộ rất xa để kiếm nước. Có trên 60 phần trăm các gia đình tại vùng Hạ Sahara Phi Châu tùy thuộc vào người phụ nữ để tìm ra nguồn nước, kín nước và mang nước về cho gia đình. Khí hậu thay đồi, nạn phá rừng và hiện tượng sa mạc hóa khiến cho việc đi tìm nguồn nước ngày càng trở nên khó khăn hơn. Người phụ nữ lại phải mất nhiều thì giờ hơn để tìm nước, kín nước và mang nước về cho gia đình.
Hindou Oumarou Ibrahim, người đang điều hợp Hiệp hội Phụ nữ và Dân Chad, đã giải thích với phóng viên của Đài BBC: “Trong mùa khô, đàn ông đi xuống phố...bỏ mặc cho đàn bà phải trông nom cộng đồng”. Mùa khô càng dài thì phụ nữ càng phải làm việc cật lực hơn để nuôi sống và chăm sóc gia đình mà không được một sự trợ giúp nào. Ông Ibrahim nói: “Phụ nữ là những người dễ bị tổn thương...Họ phải làm việc quá cực nhọc”.
Nhưng không chỉ phụ nữ tại vùng nông thôn mới gánh chịu những hậu quả của hiện tượng khí hậu thay đổi. Nhìn chung, trên khắp thế giới, ngay cả tại những nước giàu có, ở đâu phụ nữ cũng dễ lâm vào cảnh nghèo đói và ít có cơ hội để vươn lên về mặt kinh tế và xã hội như đàn ông. Mỗi khi thiên tai xảy ra, hạ tầng cơ sở bị hư hỏng, công ăn việc làm ít hơn và nhà cửa bị hư hại, tình trạng của người phụ nữ lại càng thê thảm hơn.
Trong đợt nóng tại Âu Châu năm 2003, người ta tính số nạn nhân nữ giới vẫn cao hơn đàn ông. Năm 2005, khi cơn bão Katrina tàn phá thành phố New Orleans, Tiểu bang Louisana, Hoa Kỳ, những người phụ nữ gốc Phi Châu là thành phần phải gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất. Bà Jacquelyn Litt, giáo sư về Giới tính và Phụ nữ học tại Đại học Rutgers cho biết: “Tại New Orleans, trước khi bão Katrina xảy ra, tỷ lệ nghèo của người Mỹ gốc Phi Châu đã rất cao. Hơn phân nửa những gia đình nghèo trong thành phố là những gia đình của những bà mẹ đơn chiếc. Họ nhờ vào các tổ chức độc lập của cộng đồng để sống qua ngày. Cơn bão Katrina đã làm suy yếu những tổ chức độc lập ấy khiến cho nhiều người phải di tản. Phụ nữ và trẻ em là những người gặp nhiều rủi ro hơn ai hết”.
Liền sau những thiên tai như thế, các trung tâm tạm cư đã được thiết lập, nhưng lại không được trang bị đầy đủ để nâng đỡ các phụ nữ. Sân vận động thể thao Superdome tại thành phố New Orleans vốn có một sức chứa rất lớn. Nhưng sau cơn bão Katrina, sân vận động này không những không thể chứa hết những người di tản mà cũng không có đủ những phương tiện vệ sinh cho các phụ nữ.
Không những không được chăm sóc đầy đủ, những người phụ nữ di tản còn phải đối phó với nạn bạo hành, tấn công tình dục và ngay cả hãm hiếp.
Số phận của người phụ nữ tại những vùng nông thôn của Úc Đại Lợi cũng không khá hơn. Tình trạng hạn hán lâu dài luôn tạo ra nhiều vấn đề cho các nông gia và gia đình của họ. Áp lực lại càng đè nặng hơn trên người phụ nữ khi họ phải đưa vai gánh vác cả gia đình không những về mặt vật chất mà còn cả về tinh thần và tâm lý nữa.
Khí hậu thay đổi có thể là một hiện tượng tự nhiên, nhưng lại do con người góp phần làm  cho hiện tượng này thêm nhanh hơn và trầm trọng hơn và khí hậu thay đổi ảnh hưởng ít hay nhiều đến cuộc sống con người là cũng do những cơ cấu xã hội của con người. Thiên tai do đó không tác hại đồng đều đến mọi người. Người giàu ít bị thiệt hại hơn người nghèo và đàn ông cũng ít bị tổn thương hơn đàn bà.
Sau trận sóng thần xảy ra tại Á Châu hồi năm 2004, một bản phúc trình của Tổ chức Từ thiện Oxfam của Anh Quốc ghi nhận rằng tại ba nước Sri Lanka, Nam Dương và Ấn Độ, số người đàn ông sống sót cao hơn đàn bà 3.1 phần trăm. Theo một cuộc nghiên cứu được Trường Kinh tế thuộc Đại học London, Anh Quốc thực hiện hồi năm 2007, thiên tai lúc nào cũng sát hại nhiều phụ nữ hơn đàn ông. Trung bình số phụ nữ bị thiệt mạng trong thiên tại cao gặp năm lần đàn ông. Tỷ lệ này càng cao hơn tại những nơi phụ nữ bị thiệt thòi về kinh tế và xã hội hơn đàn ông. Nhìn chung, phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi về kinh tế hơn đàn ông và cuối cùng không có đủ phương tiện để thoát khỏi hoặc thích nghi với những hậu quả của khí hậu thay đổi. Người ta không biết rõ nguyên nhân tại sao có sự chênh lệch về tử xuất giữa đàn ông và đàn bà khi xảy ra thiên tai. Tuy nhiên nhìn chung tại những nước bị sóng thần, đàn ông thường có khả năng bơi lội hơn đàn bà và trong khi đàn ông tìm cách tẩu thoát thì đàn bà lại phải ở lại để trông nom con cái và người thân trong gia đình.
Một cuộc nghiên cứu khác được thực hiện trong suốt 25 năm cũng ghi nhận rằng thiên tai rút ngắn tuổi thọ của đàn bà hơn của đàn ông. Khi xảy ra thiên tai, số phụ nữ bị thiệt mạng nhiều hơn đàn ông và họ cũng chết trẻ hơn đàn ông. Ở những nước mà phụ nữ có nhiều sức mạnh hơn về mặt kinh tế và xã hội, sự khác biệt này được giảm sút rất nhiều.
Một khi đã nhận ra sự thiệt thòi mà người phụ nữ phải gánh chịu vì thiên tai do khí hậu thay đổi tạo ra, các chính phủ và các tổ chức hoạt động để đối phó với hiện tượng khí hậu thay đổi, ngày càng quan tâm đến tiếng nói của người phụ nữ trong việc soạn thảo kế hoạch và chính sách.
Liên Hiệp Quốc đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải quan tâm đến giới tính trong việc đối phó với khí hậu thay đổi. Tuy nhiên, cho tới nay số phụ nữ có mặt trong các tổ chức hoạt động để đối phó với khí hậu thay đổi vẫn chưa tới 30 phần trăm.
Ở cấp địa phương, tỷ lệ này còn thấp hơn. Bà Diana Liverman, một nhà khoa học chuyên về môi sinh giải thích rằng “phụ nữ thường ít tham gia vào những quyết định đối phó với khí hậu thay đổi, do đó tiền bạc rốt cục lại vào túi đàn ông hơn là đàn bà”.
Số phụ nữ chiếm đến nửa dân số thế giới. Lẽ ra họ phải có một tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc đối phó với khí hậu thay đổi. Hơn nữa, theo ông Hindou Oumarou Ibrahim, đối phó với  “khí hậu thay đổi không phải là chuyện tranh giành quyền lực, mà là chiến đấu để sống còn”. Và dĩ nhiên, trong thế giới ngày nay, nhất là tại những nước nghèo hay đang phát triển, không ai phải tranh đấu để sống còn cho bằng phụ nữ.
Theo một bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc về Phụ nữ (UN Women Watch), mặc dù là nạn nhân phải gánh chịu nhiều thiệt thòi và tổn thương nhất trong các thiên tai do khí hậu thay đổi tạo ra, phụ nữ lại chính là những người mang lại niềm hy vọng lớn lao nhất cho nhân loại.
Bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc về Phụ nữ nhấn mạnh rằng  phụ nữ thường có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm có thể được sử dụng để tìm ra những chiến thuật hữu hiệu hầu thích nghi và đối phó với khí hậu thay đổi. Hơn nữa vì trách nhiệm của họ trong gia đình và cộng đồng, người phụ nữ có thể góp phần vào việc đề ra những chiến thuật giúp đối phó với khí hậu thay đổi.

(theo:
-https://www.bbc.com/news/science-environment-
-https://www.1millionwomen.com.au/blog/why-climate-change-worse-women-and-how-we-can-make-it-better/
-https://www.greenpeace.org.au/blog/female-focus-women-impacted-climate-change/)

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2018

Hồi đầu thị ngạn



Chu Thập
17/08/18
Hai cụ Bùi Tín và Tô Hải vừa mới ra đi. Sinh cùng một năm 1927, hai cụ ra đi cùng ngày chỉ cách nhau 15 giờ. Cùng thuộc thế hệ thanh niên có học thức, cùng được nung nấu bởi những lý tưởng cao đẹp, cùng sôi sục bởi một lòng yêu nước nồng nàn và cùng bị chế độ cộng sản lừa gạt để biến thành văn nô bồi bút, cả hai ở cuối đời đều thức tỉnh và đều lên tiếng chống lại chế độ độc tài cộng sản, tranh đấu cho tự do dân chủ. Phong cách diễn đạt có khác, nhưng xét cho cùng, cả hai đều có chung một thái độ nội tâm là lòng sám hối, sám hối đến độ như cụ Tô Hải, tự nhận mình là “một thằng hèn”. Cuộc chiến của hai cụ không chỉ là một cuộc chiến cho tự do dân chủ và chống lại chế độ độc tài khát máu, mà thiết yếu là một cuộc chiến giữa lương tri - lẽ phải và độc ác- dối trá, giữa thiện và ác ngay trong chính bản thân của hai cụ.
Đây cũng chính là cuộc chiến trong chính nội tâm của rất nhiều nhà văn, nhà thơ dưới chế độ cộng sản. Gần nhứt là trường hợp ông Đoàn Kế Tường - Đoàn Thạch Hãn, một nhà báo nhà  thơ nổi tiếng trong chế độ cộng sản qua đời năm 2014. Theo “lý lịch trích ngang” của ông Đoàn Kế Tường được tác giả Tưởng Năng Tiến ghi lại trong bài “Đoàn Kế Tường và Đoàn Thạch Hãn” (x. Người Việt online 8/8/2018), ông sinh năm 1949 tại Quảng Trị với tên thật là Đoàn Văn Tùng. Năm 13 tuổi, ông được vào học Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu, sau đó vào Trường Bộ Binh Thủ Đức, ra trường chọn Lực lượng Đặc biệt, rồi đào ngũ về quê Quảng Trị, làm lính địa phương quân và do “cơ duyên tình cờ”, trở thành phóng viên địa phương của báo Sóng Thần. Gia nhập làng báo, ông sử dụng một số bút hiệu như Đoàn Kế Tường, Đoàn Thạch Hãn, Đoàn Thiên Lý, Đoàn Nguyễn... Không chỉ viết văn, nhà báo Đoàn Kế Tường còn làm thơ. Nhiều thi phẩm của ông đã được xuất bản trước năm 1975.
Cộng sản vào, ông bị bắt năm 1976 vì tham gia tổ chức phục quốc. Những “tội” khác của ông lại được khui ra như làm báo trước năm 1975, viết nhiều bài phóng sự chiến trường ca ngợi quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
Bị giam tù và sống chung với Đoàn Kế Tường lâu ngày, tác giả Tưởng Năng Tiến cho biết “Tường thường bị giằng co giữa thiện và ác. Lúc có thăm nuôi, Tường hào sảng lắm, đem phát cho những “con mồ côi” trong phòng. Tường bảo “Kệ mẹ hắn, ăn cho đã rồi mai nhịn. Đó là tính THIỆN của Tường”.
Nhưng theo tác giả Tưởng Năng Tiến, “khi giỏ thăm nuôi trống không, Tường không nhịn được mồm. Lúc đó, tính ÁC lộ ra. Tường không ngần ngại “xoay sở” bằng nhiều cách để có tí muối, tí đường, tí thuốc lào. Tường còn táo tợn đến độ “kết bè” với vài bạn tù “ bặm trợn” dọa nạt một số tù gốc Hoa có nhiều quà thăm nuôi hòng có thêm cái ăn chờ đợt thăm nuôi kế tiếp...”
Ra tù, Tường làm cho báo Công An, với bút hiệu Đoàn Thạch Hãn. Ông viết nhiều bài ca ngợi chế độ cộng sản và bôi nhọ anh em phục quốc. Dĩ nhiên, khi ông nằm xuống, báo chí “lề phải” trong nước đã không tiếc lời để ca tụng ông.
Tác giả Tưởng Năng Tiến, vốn là người độ lượng, đã nhận định về người bạn tù của mình: “Tường có lần tự phán “mình rất tiếc đã tự bôi đen đời mình quá nhiều”. Giá Tường được sống trong môi trường khác, tôi tin cái THIỆN trong anh sẽ lấn cái ÁC”.
Có lẽ một sự cảm thông như thế cũng nên được dành cho rất nhiều nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà trí thức trong chế độ cộng sản. Vào cuối đời, hầu như giới văn nghệ sĩ nào ngoài Bắc cũng đều ít hay nhiều tỏ dấu sám hối. Thật ra, như tác giả Tưởng Năng Tiến đã nhận định: “Trước cường quyền và bạo lực thì hèn và nhát để bảo vệ lấy thân là phản ứng chung của nhân loại, chứ chả riêng của một giới người hay dân tộc nào cả. Uy vũ bất năng khuất không phải là một chọn lựa dễ dàng, nhất là khi phải đối diện với thứ nhà nước toàn trị (cùng tất cả những thủ đoạn ti tiện, đốn mạc, đê hèn và tàn ác) như chế độ hiện hành ở Việt Nam”.
Trong mỗi một con người, lúc nào cũng đều diễn ra cuộc chiến giữa lương tri và dối trá, giữa thiện và ác. Có người đã chiến thắng. Có người đã ngã gục. Có người té ngã rồi lại đứng lên. Tất cả mọi người, cách này hay cách khác, đều nhắc nhở tôi rằng sống là chiến đấu và chiến đấu liên lỉ để chống lại sự dối trá, chống lại cái Ác ngay trong chính bản thân mình. Đó là cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa sự thật và dối trá, giữa can đảm và hèn nhát, giữa tình thương và hận thù, giữa cảm thông và ác cảm, giữa khoan nhượng và cố chấp, giữa tôn trọng và thành kiến.
Hình như, trong lãnh vực văn học, nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc đã có lần chia sẻ rằng nửa cuộc đời trước được ông dành để học và nửa cuộc đời còn lại, ông dành để điều chỉnh, để phê phán, để gạn lọc và ngay cả loại bỏ những gì mình đã học được. Sở học của tôi chưa tới đâu. Óc phê bình của tôi cũng chưa đủ sắc bén. Nhưng tôi thấy cũng phải tự thú rằng nửa cuộc đời phía trước, tôi đã sống và biện minh cho rất nhiều thành kiến và nửa cuộc đời còn lại tôi phải vất vả chiến đấu chống lại những thành kiến có sẵn trong máu của tôi hay được tiếp nhận qua văn hóa và ngay cả tôn giáo của tôi.
Chuyện xảy ra trong 2 ngày 11 và 12 tháng Tám năm 2017 vừa qua  tại thành phố Charlottesville, Tiểu bang Virginia hẳn đã tạo ra một chấn động mạnh trong xã hội Mỹ. Cuộc biểu dương lực lượng của phong trào thượng tôn da trắng có tên là “Unite the Right” (đoàn kết phe hữu) đã kết thúc với cái chết thảm thương của một người thuộc phe biểu tình ôn hòa. Nhìn từ bên nào, ai cũng nhận thấy rằng biến cố này đã tạo ra hay đúng hơn đã mở rộng thêm một sự rạn nứt vốn đã âm ỉ từ lâu trong xã hội Mỹ vì vấn nạn kỳ thị chủng tộc.
Đâu cần phải nhìn vào xã hội Mỹ để thấy và hiểu thế nào là kỳ thị chủng tộc. Kỳ thị chủng tộc nằm trong chính DNA của tôi. Lúc nhỏ, mỗi khi người Thượng từ trên núi xuống các làng mạc, mang theo đủ thứ hoa quả và gia cầm để đổi lấy muối, tôi đã nhìn họ như bọn “mọi rợ”, kém thông minh, kém văn minh, kém đủ thứ. Thời Đệ nhứt Cộng hòa, khi người Thượng được khuyến khích hội nhập vào xã hội của người Kinh, họ được  nâng lên một cấp là “người Việt Nam mới”. Dù có “mới” cỡ nào đi nữa, trong mắt tôi, họ cũng vẫn là người Việt Nam hạng hai thôi!
Khinh miệt người Thượng đã đành, niềm tự hào về “bốn ngàn năm văn hiến” của dân tộc Việt Nam cũng hướng con mắt kênh kiệu và khinh miệt của tôi về “đám” người Chàm, người Miên, người Lào và ngay cả người Thái...như những dân tộc thấp kém hơn người Việt Nam. Thời chiến tranh, cái “đám” dân Phi Luật Tân ăn bốc lại càng không thể “bình đẳng” với người Việt Nam ăn đũa của tôi! Nói gì cái “đám Mỹ đen” trong quân đội Mỹ! Thời Pháp thuộc, cứ thấy mấy ông Tây đen trong đám lính đánh thuê của Pháp là đã khiếp, nay mấy ông Mỹ đen đã to con, đen thui lui,  nhìn thấy chẳng ưa được chút nào. Tôi không hiểu được và cũng không chấp nhận được sự kiện có những người phụ nữ Việt Nam thời Pháp thuộc và thời Mỹ can thiệp vào chiến tranh Việt Nam lại đi lấy mấy ông Tây đen và Mỹ đen! Người ta đã chẳng gọi họ một cách khinh bỉ  là “me Tây”, “me Mỹ” đó sao?
Tôi đã lớn lên như một tên kỳ thị chủng tộc và ít hay nhiều, trong trường học cũng như trong gia đình, tôi đã được dạy để kỳ thị những người không cùng màu da với mình. Không chừng nhiều người Việt Nam có lẽ cũng chẳng hơn gì tôi. Trong chuyến đi Mỹ vừa rồi, khi trao đổi về vấn đề di dân, tôi biết được rằng vợ của một người bạn của tôi đã ngăn cấm không cho con gái của họ tiếp xúc hay kết thân với người Mỹ đen. Một người bạn tỵ nạn khác của tôi hiện đang sống ở Cali cũng nói rõ: không thể chấp nhận cho 2 đứa con của mình làm quen hay chơi với người Mỹ đen. Về lại Úc, tôi có kể lại chuyện ấy cho một người bạn vốn rất cởi mở trong nhiều vấn đề, đặc biệt là hôn nhân đồng tính. Nhưng người bạn này lại lắc đầu nói: không thể để cho con của mình lấy Mỹ đen vì thấy nó “làm sao” ấy! “Làm sao” như thế nào thì ông bạn của tôi không giải thích, nhưng tôi hiểu được rằng thành kiến đối với người Mỹ gốc Phi Châu dường như đã ăn sâu trong đầu óc của tôi và rất nhiều bạn bè của tôi.
Đâu chỉ có kỳ thị chủng tộc, kỳ thị phụ nữ cũng đã mọc rễ sâu trong tâm thức của tôi. Kỳ thị phụ nữ ngay trong gia đình của tôi: con trai lúc nào cũng được cưng chiều, cho ăn cho học đầy đủ, còn con gái thì phải ở nhà giúp gia đình, chăm sóc cha mẹ già yếu và rốt cục cũng chẳng được chia cho một tấc đất nào. Thập nữ viết vô đã đành, mà “mười đứa con gái cũng không bằng hòn dái của đứa con trai”. Truyền thống văn hóa và gia đình khinh miệt phụ nữ như thế đã đành, mà “nhà đạo” của tôi cũng đâu có chịu bênh vực cho phụ nữ. Tôi đã lớn lên trong niềm tin tôn giáo với cái nhìn miệt thị đối với nữ giới. “Chức tước” trong “đạo” của tôi chỉ dành cho nam giới. Chỉ có đàn ông mới được làm “thày cả” và chỉ có con trai mới được “giúp lễ”. Đàn bà con gái tuyệt nhiên chớ nên bén mảng lên bàn thờ.
Tôi là một người kỳ thị. Chính sách Đa Văn Hóa của nước Úc đã lần hồi mở ra cho tôi một cái nhìn rộng rãi hơn về sắc dân và văn hóa khác. Nếu sinh ra và lớn lên hay tỵ nạn ở Mỹ, biết đâu tôi lại chẳng chụp lên những người không cùng màu da, chủng tộc và tôn giáo của tôi đủ loại mũ: Mễ là bọn hiếp dâm và buôn bán ma túy, Hồi giáo là bọn khủng bố, da đen là lũ người đần độn, lười biếng, các nước Phi Châu là hố xí, di dân lậu là súc vật...!
Hơn nửa cuộc đời phía trước, tôi đã sống với đủ loại thành kiến và kỳ thị. Thành kiến và kỳ thị đã nhào nặn suy nghĩ và hướng dẫn hành động, nhứt là cái nhìn và cách đối xử của tôi với người khác.
Cũng như hai cụ Bùi Tín và Tô Hải, tôi thấy đã đến lúc tôi phải nhìn lại và đấm ngực tự thú: tôi là một thằng hèn! Hay như nhà văn Nguyễn Khải, người cũng đã gần hết một cuộc đời làm bồi bút để cúc cung phục vụ chế độ cộng sản, tôi thấy cũng đã đến lúc phải lên đường để “đi tìm cái tôi đã mất” vì thành kiến và kỳ thị. Có quay đầu nhìn lại tôi mới có thể tìm lại được cái tôi đích thực của mình.
Đó là cái tôi của “nhân chi sơ tánh bổn thiện”.











Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

Ấn Độ: một ngôi làng sạch kiểu mẫu




17/08/18

Ấn Độ là một trong những nước ô nhiễm nhất thế giới. Một sông Gange dơ bẩn hay những khu ổ chuột lầy lội đầy rác rưởi thường là hình ảnh nổi bật trong mắt du khách nước ngoài. Tuy nhiên, dưới mắt của phóng viên Malin Ferehai của  báo The New York Times, Ấn Độ cũng có những ngôi làng sạch kiểu mẫu thu hút rất nhiều du khách. Một trong những ngôi làng như thế là Mawlynnong, nằm ở miền Đông Bắc Ấn Độ.
Nằm khuất trong những ngọn đồi xanh tươi ở phía đông Tiểu bang Meghalaya giáp giới với Bangladesh, làng Mawlynnong chỉ có vỏn vẹn 500 cư dân. Nhưng mỗi ngày có cả ngàn du khách từ khắp nơi đổ xô đến đây để chiêm ngắm cảnh đẹp, sự trật tự và sạch sẽ của ngôi làng này.
Vào giữa lúc những thành phố lớn của Ấn Độ như Delhi, Mumbai và Kolkata hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngày càng lớn về rác rưởi, thủ tướng Ấn, ông Narendra Modi đã xem Mawlynnong như một ngôi làng kiểu mẫu. Trong một bài nói chuyện hàng tháng trên đài phát thanh hồi năm 2015, thủ tướng Ấn nói rằng ông rất vui mừng vì có một ngôi làng kiểu mẩu tại miền đông bắc nơi người dân đã có thói quen duy trì được sự sạch sẻ trong làng.
Năm tới, 2019, là năm Ấn Độ kỷ niệm sinh nhật thứ 150 của cha già dân tộc Mahatma Gandhi. Mahatma Gandhi là người đã từng hô hào dân chúng sống sạch sẽ và vệ sinh. Chính vì vậy mà chính phủ Ấn Độ đã lấy năm 2019 làm năm “Làm Sạch Ấn Độ” và chọn làng Mawlynnong làm kiểu mẩu cho chiến dịch này. Một trong những mục tiêu của chiến dịch “Làm Sạch Ấn Độ” là gia tăng việc sử dụng nhà vệ sinh tại vùng quê Ấn Độ. Tại làng Mawlynnong, mỗi nhà đều có một nhà vệ sinh riêng.
Làng Mawlyinnong được nổi tiếng nhờ một bài viết được đăng trên tạp chí Discover India (khám phá Ấn Độ). Bài viết này khẳng định rằng Mawlynnong là ngôi làng sạch nhất của Ấn Độ. Theo bài phóng sự, dọc theo tất cả mọi con đường trong làng Mawlynnong, nơi nào cũng có chổi và thùng rác bằng tre. Và theo một cư dân được bài báo trích dẫn, từ 14 năm qua, làng Maylynnong không còn sử dụng bao bì nhựa nữa. Ngoài ra, truyền thống trồng trọt và làm vườn, vốn đã được truyền thụ từ đời này qua đời khác, cũng góp phần vào việc giữ cho ngôi làng luôn được sạch sẽ.
Du lịch thường là một con dao 2 lưỡi: vừa mang lại lợi nhuận vừa kéo theo nhiều hệ quả về môi sinh. Giữ cho làng Mawlynnong lúc nào cũng được sạch sẽ là một thách đố lớn đối với dân làng. Laphrang Khong Thoherm, 62 tuổi và các thành viên khác của Hội đồng làng đã tìm được một giải pháp: mỗi ngày, dân làng đều quét sạch những con đường làng; những giỏ rác bằng tre được đặt ở khắp nơi và rác rưởi được cho vào thùng rác để biến thành phân và đem đi bón ruộng vườn, đặc biệt những vườn chuyên trồng trầu cau.
Ông Thohrem giải thích rằng truyền thống giữ cho làng được sạch đã có từ rất lâu, mặc dù chẳng có ai nghĩ rằng làng của họ sẽ trở thành một làng kiểu mẫu có sức thu hút du khách từ những nơi khác. Là một người chuyên cất nhà mới, ông Thohrem cho biết Hội đồng làng đã đưa ra quy định là không ai được cất nhà cao hơn 2 tầng, để khỏi che khuất cảnh quang xanh tươi, trật tự và sạch sẽ của ngôi làng.
Phần lớn cư dân của làng Mawlynnong thuộc sắc dân Khasi. Khasi là sắc dân chính của Tiểu bang Meghalaya, chiếm đến 48 phần trăm dân số của tiểu bang. Nhờ các nhà truyền giáo Tây Phương, tiếng Khasi đã được viết theo mẫu tự La Mã. Hiện nay có tới 85 phần trăm dân số Khasi trong Tiểu bang Meghalaya theo Kitô Giáo. Một thiểu số vẫn còn thực hành tôn giáo cổ truyền của họ.
Theo cuộc kiểm tra dân số được thực hiện trên toàn Ấn Độ hồi năm 2011, hiện có khoảng 1.41 triệu người Khasi sinh sống trong Tiểu bang Mehhalaya. Đây là một trong những sắc dân còn theo mẫu hệ trên thế giới. Con cái vẫn giữ tên họ của người mẹ và người mẹ thường để gia tài lại cho những đứa con gái nhỏ nhất trong gia đình. Riêng tại làng Mawlynnong, cần phải là người Khasi mới có thể mua đất trong làng. Nếu không thì cần phải được một người Khasi ưng thuận.
Luật này có mục đích giảm bớt con số những nhà đầu tư địa ốc từ bên ngoài muốn đến Mawlynnong để khai thác và như vậy cũng kiểm soát được mật độ dân số.
Phần lớn cư dân Mawlynnong theo Kitô Giáo. Trong làng hiện có ba nhà thờ. Một trong ba nhà thờ này là nhà thờ Hiển Linh đã có trên cả trăm tuổi.
Làm vườn là cách sinh sống truyền thống của người dân Mawlynnong. Vừa bước chân vào làng, du khách sẽ đọc được câu chào đón: “Chào mừng quý khách đến Mawlynnong”. Mawlynnong theo tiếng địa phương có nghĩa là “Ngôi Vườn của Thiên Chúa”. Mục sư Lumlang Khongterm, 48 tuổi, hiện là quản nhiệm của nhà thờ Hiển Linh, cho biết kinh nghiệm làm vườn của người dân làng đã được truyền từ đời này sang đời khác.
Ngôi nhà cổ xưa nhất trong làng Mawlynnong hiện đang thuộc về bà Patrolyne Khongsni, 60 tuổi. Bà cho biết ngôi nhà này đã được xây cất vào thập niên 1940. Người Khasi chỉ đến định cư tại làng Mawlynnong từ thập niên 1900. Bà Khongsni hiện sống với một người anh và gia đình của ông trong ngôi nhà được cha ông của họ để lại. Bà cho biết mẹ bà là người đã tập cho bà làm vườn. Làm vườn đã trở thành một trong những sinh hoạt chính của bà. Ngày nào bà cũng ra vườn, tỉa cây, trồng hoa xung quanh nhà.
Trước kia, làng Mawlynnong hoàn toàn sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Nhưng kể từ năm 2000, con đường nối liền ngôi làng với thế giới bên ngoài đã được thiết lập. Nhiều cư dân xem đây như một cơ hội để phát triển ngành du lịch. Nhưng cũng không thiếu người lo sợ rằng làn sóng du khách ngày càng đông có thể phá vỡ sinh thái và cảnh quang của ngôi làng.
Thật ra, kể từ khi du khách đổ xô vào làng Mawlynnong, bộ mặt của ngôi làng đã thay đổi nhiều và nhiều người dân làng đã bắt đầu than phiền rằng những truyền thống tốt đẹp của làng đã biến mất.
Mục sư Khongthem tin rằng khi dân làng bắt đầu ăn nên làm ra nhờ làn sóng du khách, não trạng của họ cũng thay đổi. Vị mục sư này nói: “Chúng tôi đã đánh mất vẻ đẹp quyến rũ của mình và đó là điều đáng tiếc”.
Với lượng du khách ngày càng đông, với sự chú ý của các tạp chí du lịch cũng như chính quyền cũng như viễn ảnh của sự giàu có nhờ du lịch, ngày càng có nhiều cư dân Mawlynnong mở nhà trọ để đón khách.
Một gia đình có sáng kiến cất nhà sàn trên một ngọn cây. Du khách chỉ cần trả 30 Rupees, tức khoảng 50 xu Mỹ kim để leo lên trên đó và nhìn thấy nước láng giềng Bangladesh. Baieng Shem, 28 tuổi, chủ của ngôi nhà sàn này cho biết có ngày số du khách lên đến cả trăm người. Gia đình anh có thêm được một thu nhập khá lớn.
Sunita Khongtiang, 30 tuổi, một người mẹ có 4 đứa con, hiện đang cùng với chồng làm chủ một tiệm ăn. Cô Khongtiang đã chộp lấy cơ hội làm ăn cách đây 14 năm khi du khách bắt đầu tìm đến làng Mawlynnong. Lúc đầu chỉ là một quán ăn nhỏ, nay tiệm ăn của cô đã phải mướn tới 30 nhân viên. Mở cửa suốt ngày, tiệm ăn lúc nào cũng đông khách.
Về phần mình, anh Banjothiaw Kharrymba, 32 tuổi, một thành viên của hội đồng làng, nói rằng dân làng vẫn tiếp tục làm đẹp ngôi làng của mình bằng cách gia tăng trồng các loại hoa. Anh hãnh diện chia sẻ: “Chúng tôi đã được bầu chọn làm ngôi làng sạch nhất Á Châu. Chúng tôi thấy cần phải nỗ lực hơn để có ngày chúng tôi sẽ trở thành ngôi làng sạch nhất thế giới”.
Theo người thanh niên này, điều đáng đề cao nhất về làng Mawlynnong chính là người dân làng. Anh cho biết người dân làng của anh luôn tỏ ra hợp tác và đóng góp. Mỗi khi hội đồng làng yêu cầu bất cứ điều gì, người dân luôn hưởng ứng. Anh nói: “Người dân mà không được như thế thì bạn sẽ chẳng tạo dựng được một ngôi làng như thế”.
Thật ra, sống sạch sẽ vốn là một truyền thống đã ăn sâu vào tâm thức của người dân Mawlynnong trước khi tước hiệu “làng sạch nhất” được tặng cho họ. Cách đây hàng bao thập niên, tất cả mọi gia cầm đều được người dân mang ra khỏi làng. Nguồn lợi tức của họ dựa vào canh nông hơn là gia súc.
Thói quen bỏ rác rưởi vào thùng rác là điều vẫn còn xem là “bất thường” tại Ấn Độ. Trong quốc gia có trên một tỷ người này, người ta thường vứt rác bất cứ nơi nào họ cho là thuận tiện. Ném rác từ xe ra ngoài, ném rác ra đường phố: đó là chuyện rất “bình thường” ở Ấn Độ. Nhưng tại làng Mawlynnong, ngay cả những người ăn trầu cũng cố gắng giữ bã trầu hay nuốt vào bao tử hơn là nhổ bừa bãi ra đường.
Hội đồng làng cũng đưa ra những biện pháp nhằm duy trì lối sống nông nghiệp của người dân để tránh cho họ không quá bị lệ thuộc vào làn sóng du khách. Chẳng hạn, người dân làng không thể kinh doanh du lịch nếu chưa được 18 tuổi. Ở tuổi này, mọi người đều đã được dạy cho những phương pháp canh tác đất đai trong những khu rừng ngoài làng. Nghề nông vẫn là kế sinh nhai chính của dân làng. Thành ra, hầu hết những người kinh doanh trong ngành du lịch đều xem lợi nhuận kiếm được từ du lịch như một thu nhập phụ. Để giữ cho làng luôn được sạch, hội đồng làng đóng thuế tất cả những chuyến xe buýt chở du khách vào làng. Số tiền thu được sẽ được dùng để thuê người quét dọn các con đường trong làng. Ngoài ra, hội đồng làng cũng ra luật cấm uống rượu trong làng. Luật này nhắm đến du khách hơn là người dân làng.
Nhìn chung, làng Mawlynnong hiện đang bị đặt trước một thách đố lớn: hoặc là mở cửa đón tiếp du khách nhờ đó gia tăng thu nhập cho người dân hoặc giảm bớt số lượng du khách để giữ cho làng luôn được sạch sẽ. Henry Kharymba, một hướng dẫn viên du lịch lâu năm trong làng, vừa đếm tiền thu được từ các chuyến xe buýt vừa càu nhàu: “Trước đây làng là một thiên đàng, nay là hỏa ngục”. Ông than phiền rằng rằng du khách đến làng, uống rượu, chửi thề trước mặt các thiếu nữ và trẻ em trong làng. Ông nói: “Chúng tôi phải nói với du khách rằng đây không phải là một công viên. Đây là một ngôi làng”, nhất là một ngôi làng đã được tiếng là “làng sạch nhất Á Châu” và đang nỗ lực để trở thành ‘làng sạch nhất thế giới”.
Dạo tháng trước, tất cả những người đàn ông trong làng Mawlynnong đã họp nhau trong hội trường của làng để thảo luận về luật cấm sử dụng rượu bia trong làng. Trọng tâm của cuộc thảo luận là câu hỏi: có đáng để đón tiếp du khách không?

(nguồn:
-https://www.nytimes.com/2018/08/08/travel/a-village-in-india-where-clean-living-became-a-tourist-attraction
-https://india.blogs.nytimes.com/2014/03/10/cleanest-village-questions-its-blessings-amid-influx-of-visitors)

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2018

Tôi không có kẻ thù!



Chu Thập
10/08/18
Trong 2 tuần lễ thăm viếng người thân và bạn bè ở Bắc Mỹ, tôi thường được hỏi: thích sống ở đâu nhứt?
Tại Quận Cam, nhà cô em gái tôi nằm ngay phía sau chợ ABC, một trong rất nhiều chợ bán thực phẩm Á Châu lớn nhứt tại Tiểu Sài Gòn. Từ nhà đi bộ ra chợ chỉ mất 3 phút. Đi thêm vài phút nữa là tới khu Phúc Lộc Thọ. Ở đâu cũng thấy giống Sài Gòn. Chợ búa ở đâu cũng có. Trái cây nhiệt đới từ Mễ Tây Cơ do chính người Việt trồng thì ê hề, mà giá lại rẻ mạt. Một trái mít ráo to tổ chảng giá không đến 10 Mỹ kim!...Thích sống ở Mỹ quá đi chớ!
Sang Gia Nã Đại, tôi cũng được người thân và bạn bè đặt cùng một câu hỏi: thích sống ở đâu nhứt! Cuộc sống của người Việt tỵ nạn ở Gia Nã Đại xem ra không đến nỗi ồn ào náo nhiệt như ở Mỹ. Cảnh trí ở Gia Nã Đại xem ra yên tĩnh và hiền hòa. Giá sinh hoạt ở Gia Nã Đại cũng không cao như ở Úc. Tuy nhiên, khi được hỏi: thích sống ở đâu nhứt, lúc nào tôi cũng trả lời: ở đâu quen đó! Tôi đã chọn Úc Đại Lợi làm quê hương thứ hai. Tôi đã quen với cuộc sống ở đây. Đây là “ao nhà” của tôi. Tôi thích sống ở đây hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới!
Lẽ ra có một câu hỏi khác mà người thân và bạn bè của tôi ở Bắc Mỹ nên đặt ra cho tôi là: thích đi du lịch ở đâu nhứt?  Tôi là người thích ngao du. Trước khi dừng chân ở Úc, tôi cũng đã lang thang qua rất nhiều nước, nhứt là Âu Châu. Tôi cũng đã sống và làm việc bên Phi Luật Tân đúng 15 năm. Tôi chưa đi hết các nước Á châu. Nhưng nếu phải chọn một địa điểm du lịch để trở lại, tôi luôn luôn nghĩ đến Thái Lan trước tiên.
Nói đến Thái Lan, hầu như người Úc nào cũng nghĩ đến những bãi biển ở Phuket hoặc Chiang Mai. Nhiều người Việt có lẽ nghĩ đến đủ loại trái cây nhiệt đới chỉ có ở Thái Lan. Riêng tôi thích đến Thái Lan để học cách con người cư xử tử tế với nhau. Có người xem du lịch như một sự trốn chạy (escape!) khỏi cuộc sống thường ngày. Có người đi du lịch để nghỉ ngơi, thư giãn, để thưởng lãm, để hưởng thụ những thú vui không có ở quê nhà. Cũng có người nhấn mạnh đến khía cạnh “sinh thái” của du lịch. Riêng tôi lại nghĩ đến những bài học “nhân sinh” mà mình có thể học được từ cách cư xử của người khác. Thái Lan là một trong những ngôi trường ấy.
Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh của những người Thái chơn chất, hiền lành, thân thiện, lương thiện, hiếu khách, tử tế mà tôi đã tiếp xúc tại những vùng quê. Ở xứ Phật này, dường như ở đâu tôi cũng thấy những phật sống. Giáo lý Phật giáo ở Thái Lan không chỉ là kinh kệ để tụng niệm hay Phật Pháp chỉ để tuyên xưng hay bênh vực, mà là để sống. Dĩ nhiên không phải sống như các tu sĩ trong chùa, mà như những con người sống giữa đời thường luôn biết lấy nhân nghĩa để đối xử với nhau.
Lần đầu tiên đi du lịch ở Thái lan cách đây bốn năm, tôi muốn đi tìm câu trả lời cho những chuyện hải tặc thời vượt biên. Nhưng tôi không tìm ra một vết tích nào trên những khuôn mặt hiền hòa của những người dân tại những làng chài lưới mà tôi đã được chào đón và lưu lại trong thời gian ở đây. Sự hiền hòa tử tế của những người tôi đã tiếp xúc làm cho tôi hướng sự tìm hiểu đất nước Thái Lan qua một hướng mới: tử tế và biết ơn.
Mới đây, với cuộc giải cứu đội banh thiếu niên bị mắc kẹt trong hang động Luang Tham, tỉnh Chiang Rai, Bắc Thái Lan, tôi lại càng nhận ra ảnh hưởng sâu đậm của giáo lý Phật Giáo đối với cuộc sống của người dân Thái hơn. Lâu nay, tôi chỉ hiểu lơ mơ rằng vào chùa tu là để tập sống buông bỏ, vô chấp. Nay qua các thiếu niên được giải cứu khỏi hang động, những người trở về từ cõi chết nhờ bàn tay cứu nạn của cả thế giới, tôi mới hiểu thêm rằng vào chùa tu trước hết là để tập sống và thể hiện lòng biết ơn và xuống núi để nhập thế thiết yếu cũng là để bày tỏ lòng biết ơn.
Tôi biết rằng sau khi được giải cứu, trừ một em là tín đồ Kitô Giáo, 10 em khác trong đội banh thiếu niên đều xuống tóc quy y. Trong một đất nước mà đại đa số dân chúng theo Phật Giáo, xuống tóc quy y, ngắn hay dài hạn, là một cử chỉ bày tỏ lòng biết ơn. Nay sau một thời gian xuất gia, các thiếu niên này đã trở lại với cuộc sống bình thường. Trước khi rời bỏ cổng chùa, các em đã tham dự một nghi thức rất trang trọng qua đó một lần nữa, các em đã bày tỏ lòng biết ơn đối với thế giới. Vào chùa với lòng biết ơn và vào đời cũng với lòng biết ơn: phải chăng đó không là tâm tình nền tảng nhứt của người Phật Tử chân chính? Cứ mỗi lần nghĩ đến Thái Lan, hình ảnh của những tì kheo mỗi buổi sáng lặng lẽ đi khất thực, gương mặt bình thản toát lên niềm an bình sâu xa...luôn hiện lên trong tâm trí tôi. Họ luôn nhắc nhở tôi về lòng biết ơn đối với “thế giới”, với cuộc sống, với mọi người. Biết ơn là phải, bởi vì trong cuộc sống này có bất cứ điều gì tôi có hay làm ra, mà không là quà tặng nhưng không của thế giới này. Thái Lan đã dạy tôi điều đó. Tôi thích trở lại Thái Lan để trau dồi tâm tình biết ơn ấy.
Thật ra, đâu chỉ từ cổng chùa tôi mới học được bài học về lòng biết ơn. Các chuyên gia tâm lý cũng không ngừng nhắc nhở tôi về tầm quan trọng của lòng biết ơn trong cuộc sống con người. Biết ơn là một cử chỉ và là một cách sống cho thấy nhiều lợi ích về đủ mọi khía cạnh trong cuộc sống như sức khỏe, hạnh phúc, sự thỏa mãn với cuộc sống và cách thế con người quan hệ với người khác. Lòng biết ơn giúp cho con người biết tập trung vào hiện tại và trân quý những gì mình đang có hơn là mải mê chạy theo những ảo ảnh. Khi bày tỏ lòng biết ơn, tâm trí con người cũng sẽ hướng đến những điều tích cực trong cuộc sống để bù đắp cho khuynh hướng tự nhiên của đầu óc lúc nào cũng chỉ nghĩ đến những mối đe dọa, những nỗi lo âu và những khía cạnh tiêu cực của cuộc sống. Lòng biết ơn tạo ra những cảm xúc tích cực như vui tươi, phấn khởi, yêu thương và hài lòng. Lòng biết ơn có thể vực dậy cả một cuộc sống tưởng đã chìm sâu trong hố thẳm của thất vọng. Tôi đọc được đâu đó tâm sự của Nick Vujicic, một người Úc sinh ra không có tay chân, nhưng đã chiến đấu cho tới cùng để thành danh. Ông chia sẻ: “Người ta thường hỏi làm thế nào để tôi có thể sống hạnh phúc khi tôi chẳng có tay mà cũng chẳng có chân. Câu trả lời nhanh chóng của tôi là: tôi không có chọn lựa! Tôi có thể tức giận vì không có tay chân hoặc tôi có thể biết ơn vì mình có một mục đích. Tôi đã chọn lòng biết ơn”.  Nói cho cùng, lòng biết ơn mang lại sự thanh thản và an bình cho con người. Người biết ơn không có kẻ thù. Họ không thù hận.
Tôi nghĩ đến nhà văn Trung Hoa Lưu Hiểu Ba (1955-2017), khôi nguyên Giải Nobel Hòa Bình năm 2010. Tôi tin rằng cũng như hầu hết những con người yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới và hơn ai hết, ông là người luôn sống tâm tình biết ơn, bởi vì dù có bị đàn áp cho đến chết, ông vẫn một mực tuyên bố mình không có kẻ thù và không nuôi dưỡng thù hận trong lòng. Nhân dịp tưởng niệm đúng một năm ngày ông qua đời, hôm 13 tháng Bảy 2018 vừa qua, một nữ điêu khắc gia người Đài Loan là bà Aihua Cheng đã cho trưng bày tại một công viên ở Đài Bắc tác phẩm bằng đồng của bà. Tượng của nhà văn Liêu Hiểu Ba được đặt bên cạnh một chiếc ghế trống để nhắc lại sự kiện ông đã không được nhà cầm quyền Trung Cộng cho phép đến Oslo, Na Uy để nhận Giải Nobel Hòa Bình. Nhưng cùng với một cánh hoa hồng, nghệ sĩ Aihua Cheng đã cho khắc lên dòng chữ “Tôi không có kẻ thù” được trích dẫn từ bài diễn văn nhận giải của ông, được nữ diễn viên và đạo diễn nổi tiếng của Na Uy là bà Liv Ullmann đọc tại buổi lễ trao giải ngày 10 tháng Mười Hai năm 2010.
Trong bài diễn văn, nhà văn Lưu Hiểu Ba kể lại hành trình và cuộc tranh đấu cho tự do và dân chủ của ông tại Trung Cộng, từ lúc ông bước chân vào đại học, ra trường, dạy học trong nước cũng như được thỉnh giảng ở nước ngoài cho đến lúc bị cấm viết và bị giam tù. Trong một đoạn, ông viết: “Tôi vẫn muốn nói với chế độ này (chế độ cộng sản Trung Cộng), tức chế độ đang tước đoạt tự do của tôi, rằng tôi vẫn kiên trì trong niềm xác tín mà tôi đã bày tỏ trong “Tuyên ngôn Tuyệt thực Lần thứ hai” cách đây 20 năm: tôi không có kẻ thù và tôi không hận thù. Không có một viên công an nào đã theo dõi, bắt giữ và thẩm vấn tôi, không có một công tố viên nào đã buộc tội tôi và cũng không có một thẩm phán nào đã xét xử tôi là kẻ thù của tôi cả....Hận thù có thể làm thối rữa trí khôn và lương tâm con người. Não trạng hận thù sẽ đầu độc tinh thần của một dân tộc, khích động những cuộc chiến đấu dã man và gây chết chóc, tiêu hủy óc khoan nhượng và tình người của một xã hội cũng như ngăn cản một dân tộc tiến tới tự do và dân chủ. Chính vì vậy mà tôi hy vọng có thể vượt qua những gian khổ của mình...để lấy thiện chí cao độ nhứt đối lại sự thù nghịch của chế độ và lấy tình thương để đẩy lui hận thù”.
Nhà văn Lưu Hiểu Ba đã chết rũ tù. Trung Cộng vẫn không bao giờ từ bỏ chế độ độc tài đảng trị. Cuộc tranh đấu cho tự do và dân chủ của nhà văn Lưu Hiểu Ba xem như thất bại. Nhưng chiến thắng mà ông đã đạt được lớn lao hơn nhiều. Đó là chiến thắng trên hận thù trong chính bản thân của ông.
Có nhiều thứ chiến tranh. Nhưng chiến tranh nào, ngay cả chiến tranh thương mại, cũng đều  gây ra đau thương tang tóc và mất mát cho con người, dù ở bên nào. Chỉ có một cuộc chiến duy nhứt đáng để chiến đấu và sống chết cho đó là cuộc chiến chống lại sự thù hận trong chính bản thân. Nhà văn Lưu Hiểu Ba đã chứng tỏ điều đó. Ông mới thực sự là người chiến thắng. Ông đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh cam go nhứt trong cuộc sống của một con người.
Khi chiêm ngắm hình ảnh của những cầu thủ thiếu niên Thái Lan vào chùa xuống tóc quy y để bày tỏ lòng biết ơn với thế giới và sau đó từ giã cổng chùa cũng để một lần nữa nói lên hai tiếng cám ơn với thế giới, tôi không thể không nghe văng vẳng bài ca khải hoàn của nhà văn Lưu Hiểu Ba “Tôi không có kẻ thù và tôi không thù hận”.
Tôi tin rằng lòng biết ơn luôn có sức dập tan ngọn lửa thù hận trong tôi. Biết ơn với chính thân xác tôi, một thân xác đã bị bóc lột, đối xử tệ bạc và đày đọa do cuộc sống bừa bãi thiếu kỷ luật, thiếu trách nhiệm và ích kỷ của tôi. Biết ơn với thiên nhiên, với môi trường sống, với không khí tôi hít thở từng giây từng phút, với nguồn nước uống tôi có mỗi ngày, với biết bao nhiêu cảnh trí mang lại cho tôi an bình và niềm vui sống. Và trên hết, biết ơn với cả thế giới, với những người xung quanh tôi, những người tôi gặp gỡ mỗi ngày, những người tôi chưa từng quen biết...Có ai mà không cách này cách khác là ân nhân và thày dạy của tôi. Xin được mãi mãi “cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy ta có thêm một ngày mới để yêu thương” (Kahill Gibran), nhờ đó ta mới được bình an và hạnh phúc.








Thứ Hai, 13 tháng 8, 2018

Phi Châu và bàn tay lông lá của Nga



10/08/18
Dạo cuối tháng Giêng 2018,  một chiếc máy bay vận tải khổng lồ Ilyushin-76 của Nga đã hạ cánh xuống phi trường Bangui, Thủ đô Cộng hòa Trung Phi. Đây là chuyến bay đầu tiên trong 9 chuyến bay đã chở hàng tấn khí giới của Nga đến cung cấp cho Chính phủ Cộng hòa Trung Phi.
Những chuyến bay như thế vốn đã được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chuẩn thuận để giúp trang bị khí giới cho quân đội của Cộng hòa Trung phi nhằm đối đầu với các lực lượng phiến loạn trong nước.
Cùng với những chuyến bay này, Nga cũng gởi đến Cộng hòa Trung phi 175 huấn luyện viên quân sự. Nhưng núp bóng đàng sau các huấn luyện viện quân sự này còn có nhiều công ty của Nga hiện đang rất hâm hở để khai thác tài nguyên thiên nhiên vốn rất phong phú của Cộng hòa Trung phi.
Tại Nga, hầu như công ty và tài phiệt nào cũng đều phải “móc ngoặc” với Tổng thống Vladimir Putin hay giới thân cận của ông. Chính vì vậy mà các ký giá độc lập tại Nga luôn để mắt theo dõi các công ty làm ăn ở nước ngoài.
Hôm chủ nhật cuối tháng Bảy vừa qua, tin tức cho biết có 3 ký giả người Nga đã bị giết tại Công hòa Trung Phi. Ba ký giả này đã đến Cộng hòa Trung phi để theo dõi hoạt động của các công ty Nga.
Công tác của 3 ký giả này được tài trợ bởi Trung tâm Điều tra do một tỷ phú Nga đang sống lưu vong ở nước ngoài là ông Mikhail Khodorkovsky sáng lập. Là người đã từng bị Tổng thống Putin giam tù nhiều năm,  ông khodorkovski viết trên trang mạng xã hội Facebook rằng 3 ký giả nói trên làm việc cho một dự án điều tra về “Những tên lính đánh thuê người Nga”.
Cái chết của 3 ký giả này đã lôi kéo sự chú ý của thế giới về tham vọng và các hoạt động ngày càng gia tăng của Nga tại vùng Trung bộ Phi châu. Cái chết này cũng đồng thời vạch trần mối quan hệ mật thiết giữa Điện Cẩm Linh và các công ty Nga, cả 2 hiện đang phối hợp an ninh với việc khai thác hầm mỏ và các hoạt động khác.
Ba ký giả Nga bị giết chết tại Cộng hòa Trung Phi hôm chủ nhật vừa qua đã sử dụng chiếu khán du lịch để đi qua ngã Ma Rốc, Bắc Phi. Họ đã không trình báo cho Tòa đại sứ Nga cũng như chính quyền Cộng hòa Trung Phi về sự hiện diện của họ, bởi vì họ muốn  điều tra các hoạt động của một công ty Nga được biết đến với tên PMC Wagner. Chính vì vậy mà họ đã không được phép viếng thăm  một địa điểm ở phía nam Thủ đô Bangui. Tại địa điểm này, trong một tòa nhà đổ nát đã từng thuộc về ông Jean Bedel Bokassa, cựu “hoàng đế” Cộng hòa Trung Phi, các huấn luyện viên quân sự Nga đang cho đặt căn cứ của họ. Ngôi nhà nằm sát một phi đạo.
Vì không được phép đến địa điểm nói trên, 3 ký giả Nga đã hướng về phía Bắc để tìm đến một mỏ vàng tại Ndassima. Mỏ vàng này hiện đang được một công ty Nga khai thác. Nhưng theo Trung tâm Điều tra của tỷ phú Khodorkovsky, họ đã đi lạc đường.
Theo các viên chức của Cộng hòa Trung phi, các ký giả Nga đã quên lời cảnh cáo là không nên di chuyển trong đêm tối cho nên đã bị phục kích tại một địa điểm cách thành phố Sibut 32 cây số về hướng Bắc. Họ đã bị những người quấn khăn trên đầu và nói tiếng Á Rập phục kích và bắn chết vì họ không chịu dừng xe và trao nộp các thiết bị. Nhờ sống sót, người tài xế của họ đã tri hô cho mọi người biết.
Alain Nzilo, một ký giả chuyên theo dõi sự hiện diện ngày càng gia tăng của người Nga tại Cộng hòa Trung Phi, đã nói với Đài truyền hình CNN rằng ông rất ngạc nhiên về địa điểm của vụ phục kích. Trong những tháng gần đây, sự hiện diện của các phiến quân trong vùng này đã giảm, bởi vì các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc hiện đang tuần tra trong vùng và ngay cả quân đội Cộng hòa Trung phi cũng hành quân trong vùng này.
Ký giả Nzilo cũng ngạc nhiên về sự kiện các phiến quân đã để cho người tài xế chở 3 ký giả Nga được tự do. Theo ông, thông thường các tài xế là những người đầu tiên bị giết chết chứ không phải người ngoại quốc.
Công ty  Nga PMC Wagner là một công ty bí mật: không có địa chỉ, không có số điện thoại và cũng chẳng có sổ sách nào cả. Công ty này chiêu mộ hàng trăm cựu binh sĩ Nga. Trong số này nhiều người đã từng thuộc tổ chức “spetsnaz”, tức lực lượng đặc biệt Nga. Trong những năm vừa qua, con số những người được công ty PMC Wagner chiêu mộ đã xuất hiện ngày càng nhiều tại những vùng có xung đột.
Năm ngoái, Hoa Kỳ đã trừng phạt công ty PMC Wagner vì đã nhúng tay vào các hoạt động của phong trào ly khai tại miền Đông Ukraine. Công ty này cũng đã đóng một vai trò quan trọng tại Syria, là nơi mà hàng chục người lính đánh thuê Nga đã bị giết chết hay bị thương trong những trận không kích của Hoa Kỳ dạo tháng Hai vừa qua khi họ tấn công vào các lực lượng ly khai được Hoa Kỳ yểm trợ. Một trong những mục tiêu mà công ty PMC Wagner nhắm tới là những mỏ dầu lớn nhất của Syria tại tỉnh Deir Ezzor.
Mới đây, công ty PMC Wagner cũng đã bắt đầu hiện diện tại Sudan là nước láng giềng của Cộng hòa Trung Phi. Thật vậy, theo một phúc trình của Liên Hiệp Quốc, công ty PMC Wagner đã huấn luyện cho một số binh sĩ Cộng hòa Trung phi tại Sudan. Hồi tháng Mười Một năm ngoái, tổng thống Sudan, ông Oamr al-Bashir đã gặp Tổng thống Putin tại Sochi và xin ông này “bảo vệ để chống lại các hành động gây hấn của Hoa Kỳ”. Tổng thống Sudan cũng xin Nga gởi các chuyên gia quân sự đến Sudan để “tái trang bị cho quân đội Sudan”.
Tại Cộng hòa Trung Phi, ký giả Nzilo cho biết Nga đang kết hợp các công tác nhân đạo với việc huấn luyện quân sự và khai thác hầm mỏ. Ký giả này nói rằng người Nga hiện diện một cách tỏ tường tại ba mỏ chính của Cộng hòa Trung Phi và họ chú ý một cách đặc biệt đến việc khai thác kim cương và vàng. Một nguồn tin khác tại Cộng hòa Trung Phi đã nói với Đài CNN rằng đôi khi người Nga còn cho thành lập những trung tâm y tế di động cho người dân địa phương. Những trung tâm y tế này cũng đồng thời hoạt động như những trạm huấn luyện quân sự và cung cấp khí giới.
Theo Đài CNN, các công ty Nga đã và đang hoạt động tại Cộng hòa Trung phi, Sudan và Syria đều trực tiếp có quan hệ với một người Nga tên là  Yevgeny Prigozhin. Ông này  thường được mệnh danh là “đầu bếp của Putin” vì những quan hệ thân thiết của ông với Điện Cẩm Linh, nhất là với cá nhân Tổng thống Vladimir Putin. Sở dĩ được gọi là “đầu bếp của Putin”, vì ông này chỉ huy các dịch vụ cung cấp thực phẩm cho Điện Cẩm Linh
Tháng Hai vừa qua, một đại bồi thẩm đoàn tại Hoa Kỳ đã buộc tội ông Prigozhin vì vai trò chủ chốt của ông trong Công ty Nghiên cứu Internet tại thành phố St.Peterburg. Công ty này đã thiết lập những trang mạng giả hiệu tại Hoa Kỳ để lũng đoạn cuộc bẩu cử tổng thống hồi năm 2016.
Prigozhin điều khiển cả một hệ thống công ty Nga, trong đó có công ty Concord Management and Consulting (chuyên về quản lý và tham vấn). Ông Prigozhin và công ty của ông nằm trong số 3 công ty Nga và 13 người Nga bị tố cáo nằm trong nhóm đã tạo ra những thông điệp tuyên truyền gây tranh cãi trên mạng trực tuyến nhằm phá bĩnh đời sống chính trị và dân chủ tại Hoa Kỳ. Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ nói rằng công ty Wagner được điều hành bởi một người có tên là Dmitry Utkin. Ông này cũng bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách những người bị trừng phạt, vì đã từng là giám đốc của công ty Concord Management and Consulting.
Nhìn chung, hiện nay Nga đang tìm cách gây ảnh hưởng tại Trung Đông cũng như Phi Châu. Những nước bất ổn là mục tiêu hàng đầu của Nga. Cộng hòa Trung Phi là một điển hình. Lợi dụng sự mệt mỏi và lơ là của Pháp, Nga đang tìm cách trám chỗ.
Theo một bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc được cho công bố ngày 23 tháng Bảy vừa qua, chỉ trong năm nay các huấn luyện viên quân sự Nga đã phân phối khí giới và huấn luyện cho 900 nhân viên an ninh Cộng hòa Trung Phi. Dạo tháng Ba vừa qua, Bộ Ngoại giao Nga giải thích rằng hoạt động huấn luyện của Nga hoàn toàn phù hợp với những trừng phạt do Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt lên Cộng hòa Trung Phi.
Một người Nga tên là Valery Zakharov, đã được bổ nhiệm làm cố vấn an ninh cho tổng thống  Cộng hòa Trung phi, ông Faustin –Archange Touadera. Ông này đã từng đứng ra thương thảo với các nhóm phiến quân chống chính phủ.
Nhưng cho tới nay, người ta vẫn chưa rõ loại khí giới nào đã được Nga không vận đến Cộng hòa Trung Phi hoặc chuyển vận vào nước này xuyên qua Cameroun. Bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc hồi tháng trước ghi nhận rằng các bên đều cam kết cho phép mở cuộc thanh tra về kho vũ khí tại Trại Camp de Roux ở Thủ đô Bangui. Nhưng cho tới nay một cuộc thanh tra như thế vẫn chưa được tiến hành.
Một nguồn tin ngoại giao nói với Đài CNN rằng các cuộc chuyển vận vũ khí Nga vào Cộng hòa Trung Phi luôn diễn ra một cách bí mật. Bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc cũng nhìn nhận rằng việc Nga cung cấp vũ khí cho Cộng hòa Trung Phi cũng khiến các tổ chức phiến quân chống chính phủ gia tăng tái vũ trang. Các nhóm này đã nhận được các loại súng liên thanh từ nước láng giềng Sudan. Tháng Sáu vừa qua, một toán huấn luyện viên quân sự Nga và khóa sinh của họ đã bị một nhóm phiến quân phục kích. Một người Nga đã bị thương trong trận phục kích.
Cuộc xung đột đẫm máu tại Cộng hòa Trung Phi không cho thấy có dấu hiệu giảm sút. Nhưng một quốc gia đã từng gắn bó với Pháp Quốc nay bất thần có một quan thày mới.
Tháng Mười vừa qua, Tổng thống Touadera đã gặp gỡ với Bộ trưởng Ngoại gia Nga Sergei Larov tại trung tâm nghỉ mát Sochi, nhằm vào lúc các công ty Nga vừa đổ xô vào Công hòa Trung Phi để làm ăn. Tháng Năm vừa qua, Tổng thống Touadera cũng đã đến Mạc Tư Khoa để gặp Tổng thống Putin.
Hiện vẫn chưa rõ Nga đang có “ý đồ” gì tại Cộng hòa Trung Phi, một trong những nước nghèo nàn và bất ổn nhất trên thế giới. Phải chăng Nga chỉ muốn khai thác tài nguyên thiên nhiên phong phú của nước này, nhất là quặng  mỏ trong đó Uranium là đáng kể nhất. Hay Nga chỉ muốn cắm lá cờ của mình vào giữa lòng Phi Châu, trong một quốc gia giáp giới với sáu nước khác. Dù thế nào đi nữa, bàn tay lông lá của Nga đã bắt đầu thò ra tại nhiều nước Phi Châu. Và trong một quốc gia mà nhà cầm quyền và tài phiệt hiện đang cấu kết với nhau, tham vọng bá quyền cũng luôn đi đôi với khai thác và bóc lột mà những nước nghèo như Cộng hòa Trung Phi khó thoát khỏi.

(https://edition.cnn.com/2018/08/04/africa/russia-journalists-car-intl/index.html)