Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017

Eritrea: Bắc Hàn của Phi Châu!

24/11/17
Từ trên máy bay nhìn xuống, người phụ nữ Eritrea cảm thấy nôn nóng vì sắp sửa được nhìn lại quê hương. Ở tuổi trung niên, người phụ nữ này đã từng trốn khỏi xứ sở và xin tỵ nạn tại Đức. Một phóng viên của báo Der Spiegel muốn hỏi tên, những chị đã từ chối, bởi vì tại Eritra, bỏ nước ra đi một cách bất hợp pháp có thể bị giam tù.
Từ Đức, người phụ nữ Eritrea trở về quê hương như một khách du lịch. Tại phi trường Asmara, mọi thủ tục về hải quan đều đã diễn ra một cách tốt đẹp. Chị mang về cho gia đình rất nhiều quà cáp và chỉ định ở lại quê hương 2 tuần lễ.
Theo các số liệu của Chính phủ Eritrea, chỉ trong năm vừa qua thôi, đã có 116.000 người tỵ nạn Eritrea về thăm quê hương. Theo giải thích của một viên chức Phần Lan từng làm việc với người tỵ nạn Eritrea, Chính phủ Ertrea không làm khó dễ những người tỵ nạn nào muốn trở về thăm quê hương, bởi vì xuyên qua một loại thuế mà chính phủ nước này gọi là “thuế phát triển”, người tỵ nạn mang về một số ngoại tệ đáng kể cho quốc gia nghèo đói này. Dù vậy, không phải vì đã đóng thuế thì đương nhiên được những tên côn đồ “tự phát” của chế độ để yên cho đâu. Nhiều trường hợp đã xảy ra cho thấy nhiều người hồi hương biến mất không để lại một vết tích nào hoặc cuối cùng nằm bóc lịch trong các nhà tù bí mật.
Trong một bản phúc trình gần đây nhất, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã tố cáo Chính phủ Ertrea về những vụ bách hại công dân, tra tấn, hãm hiếp, hành quyết và thủ tiêu. Các chuyên gia pháp lý của Liên Hiệp Quốc cũng lên án chính sách quân dịch và lao dịch như một “tội ác về nô lệ hóa”. Đây chính là lý do đã khiến hàng ngàn người Eritrea trốn khỏi đất nước. Thật vậy chỉ trong vài tháng đã có đến 5000 thanh niên thiếu nữ bỏ trốn.
Cuối năm 2015, Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc cho biết con số tỵ nạn từ Eritrea lên đến gần nửa triệu, tức 10 phần trăm của tổng số dân chỉ có khoảng 5 triệu người. Trong số những người tỵ nạn Eritrea nộp đơn xin tỵ nạn tại Đức trong năm vừa qua, 92 phần trăm đã  được chính phủ nước này đón nhận, trong khi đó trong năm 2017, chỉ có 81 phần trăm người Syria được Đức nhận. Nhưng đây là nhóm tỵ nạn được Đức đón nhận nhiều nhất.
Khi nộp đơn xin tỵ nạn, người Eritrea thường nại đến những vi phạm nhân quyền. Eritrea đã từng bị Liên Hiệp Quốc lên án vì những thành tích vi phạm nhân quyền. Bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc khẳng định rằng Eritrea sử dụng những “biện pháp độc tài” để khủng bố người dân.
Thật ra, nhìn thoáng qua, chẳng có dấu hiệu nào cho thấy người dân Eritrea, nhất là tại Thủ đô Asmara đang bị nhà nước khủng bố. Trong các khu buôn bán, người dân vẫn tấp nập đi lại; các thiếu nữ mặc quần jeans vẫn đi lại trên các đường phố; đàn ông thì vẫn ngồi tán gẫu trong các tiệm cà phê. Cuộc sống ở Eritrea xem ra vẫn bình thường như tại các nước tự do khác. Tuy nhiên, du khách có thể bị đánh lạc hướng vì cái vẻ bình thường ấy, bởi vì sự khủng bố và bách hại tại Eritrea thường là vô hình.
Thật vậy, Chính phủ Eritrea vạn bất đắc dĩ mới để cho các ký giả ngoại quốc đến thăm viếng đất nước của họ, bởi vì hầu như ký giả nào sau một vòng thăm viếng cũng đều mô tả bộ mặt thật của một quốc gia mà họ so sánh với một chế độ bưng bít như một Bắc Hàn ở Á Châu. Tổ chức “Các phóng viên không biên giới” cảnh cáo rằng Eritrea là một trong những nước nguy hiểm nhất cho các ký giả. Nhưng một phóng viên của báo Der Spiegel nói rằng trong suốt một tuần lễ có mặt tại Eritrea, ông không nhận thấy có bất cứ dấu hiệu nào chứng tỏ mình bị theo dõi trên từng cây số.
Lý do là Bộ trưởng Thông tin Eritrea, ông Yemane Gebremeskel, đã đón tiếp các phóng viên của báo Der Spiegel tại một cao ốc giữa thủ đô. Tòa nhà này là trụ sở của ba cơ quan truyền thông của nhà nước là đài truyền hình, đài phát thanh và một hãng thông tấn. Đây là hãng thông tấn duy nhất của Eritrea. Vì mọi cơ sở truyền thông đều nằm trong tay nhà nước cho nên tại Eritrea không hề có tự do báo chí và tự do ngôn luận.
Nhưng Bộ trưởng Thông tin  nói rằng tại Eritrea vẫn có  tự do báo chí và tự do ngôn luận. Ông giải thích: mọi người dân nước ông đều có thể “lang thang” trên mạng lưới thông tin toàn cầu; họ có thể theo dõi các đài ngoại quốc như BBC, CNN, Al-Jazeera. Dĩ nhiên, người dân Eritrea hoàn toàn có tự do để sử dụng Internet, nhưng tốc độ của Internet tại nước này lại chậm như rùa. Chính phủ hạ giảm tối đa tốc độ như thế là để dễ bề kiểm soát và theo dõi. Ngoài ra, vì tốc độ Internet quá chậm cho nên người dân cũng đành bỏ cuộc thôi!
Ở tuổi 65, ông Gebremeskel là một người ốm o còm cõi. Cũng như hầu hết các thành viên khác trong nội các chính phủ, vốn xuất thân là du kích quân trong cuộc chiến giành độc lập, Bộ trưởng Thông tin Eritrea không thích mặc “đồ lớn” khi đi làm.
Biện hộ cho quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận tại đất nước ông và lên án thái độ thiếu khách quan của các phóng viên nước ngoài, Bộ trưởng Thông tin Eritrea đan cử trường hợp của bà Sheila Keetharuth. Là một luật sư người Mauritius, bà này đã từng góp phần soạn thảo bảo phúc trình của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Nhưng ông Gebremeskel mỉa mai rằng bà Sheila toàn bịa chuyện về Eritrea. Ông nói rằng bà này chưa hề đặt chân đến đất nước của ông. Ông đã có lý khi bảo rằng bà Sheila chưa bao giờ đặt chân đến Eritrea, bởi vì chính phủ của ông có cho phép bà đến Eritrea bao giờ đâu!
Người đứng đầu cơ quan tuyên truyền của Chính phủ Eritrea đã có sẵn giải đáp cho mọi câu hỏi. Kể lể với các phóng viên của báo Der Spiegel, ông dùng ngón tay để tính nhẩm các con số thống kê. Theo thống kê từ bên ngoài, mỗi tháng có ít nhất 5000 người Eritrea bỏ trốn ra nước ngoài. Nhưng Bộ trưởng Thông tin Eritrea nói rằng đó chỉ là một con số tưởng tượng. Theo ông, sự thật chỉ có vài trăm người thôi. Còn tại sao người dân lại bỏ nước ra đi? Ông trả lời: “Vì Liên Âu nhận bất cứ người tầm trú nào”. Ông giải thích rằng nhiều người chỉ muốn đến các nước Âu Châu để làm việc hay học hành mà thôi. Theo ông, di dân nằm trong bản chất con người và lúc nào cũng còn đó. Về thành tích vi phạm nhân quyền của Eritrea ư? Bộ trưởng Thông tin nước này biện minh rằng ở đâu mà chẳng có vi phạm nhân quyền. Ông cho rằng bản phúc trình phóng đại của bà Sheila là một phỉ báng đối với Eritrea. Còn về chuyện cưỡng bách quân dịch hay lao dịch, ông nói rằng có thể đó là gánh nặng đối với một số người, nhưng Ertrea cần có những biện pháp như thế để phát triển và bảo vệ xứ sở.
Theo ông Gebremeskel, Ertrea cần phải trang bị để chống lại nước láng giềng hùng mạnh là Ethiopia, Ethiopia đã nhiều lần tấn công Eritrea. Theo người đứng đầu guồng máy tuyên truyền của Eritrea, bất cứ ai am hiểu lịch sử của nước ông đều hiểu rằng cần phải có cưỡng bách quân dịch. Lịch sử mà ông Gebremeskel nói đến là lịch sử của 30 năm chiến tranh giải phóng chống lại Ethiopia. Cuộc chiến này chỉ kết thúc vào năm 1991. Hai năm sau, Eritrea tuyên bố độc lập.
Kể từ đó, Tổng thống Isaias Afwerki muốn xây dựng Eritrea thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa. Vì muốn đất nước của ông tự túc tự cường cho nên ông khước từ mọi viện trợ của nước ngoài. Nhưng không có sự giúp đỡ của ngoại quốc, Eritrea đã phải quằn quại trong một cuộc chiến mới với Ethiopia kéo dài từ năm 1998 đến năm 2000. Cuộc chiến này đã đánh đổ hoàn toàn mọi viễn kiến của Tổng thống Afwerki. Chỉ vì tranh nhau một mảnh đất khô cằn mà cuộc chiến giữa hai nước đã làm cho khoảng 100.000 thiệt mạng và hủy hoại nền kinh tế của một quốc gia còn non trẻ.
Năm 2009, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã áp đặt một cuộc cấm vận  vũ khí chống lại Chính phủ Eritrea. Liên Hiệp Quốc tố cáo nước này bí mật yểm trợ cho các dân quân Hồi giáo cực đoan tại Somalia.
Hiện nay Eritrea vẫn còn phải đối đầu với một mối đe dọa thật sự từ Ethiopia. So với Eritrea, Ethopia có một quân đội hùng mạnh hơn nhiều và lúc nào cũng muốn tìm đường ra Biển Đỏ. Chính phủ Eritrea nại đến mối đe dọa này để biện minh cho việc đặt 200.000 binh sĩ nam lẫn nữ luôn trong tình trạng báo động cũng như quân sự hóa xã hội. Cứ được 18 tuổi, tất cả mọi thanh niên thiếu nữ Eritrea đều phải đi quân dịch hoặc bị cưỡng bách  phải phục vụ trong một số ngành khác như xây dựng, nông nghiệp và giáo dục. Dân chúng Eritrea luôn được nhắc nhở về mối nguy hiểm của kẻ thù truyền kiếp là Ethiopia. Các hình ảnh về cuộc chiến tranh giải phóng được treo đầy trong các hành lang của Bộ Thông tin và trong các công thư, người ta thấy vô số những cảnh đề cao các anh hùng dân tộc trong cuộc chiến. Trên một ngọn đồi nhìn xuống thủ đô, dân chúng lúc nào cũng phải ngước nhìn lên một đài kỷ niệm được dựng lên từ những mảnh vụn của các chiếc xe tăng, súng ống, đạn dược được sản xuất tại Liên Xô và được Eritrea tịch thu được từ quân đội Ethiopia.
Toàn bộ xã hội Eritrea đều bị quân sự hóa. Đây chính là lý do tại sao dân chúng tìm cách bỏ nước ra đi. Một người đàn ông 66 tuổi, được phóng viên của báo Der Spiegel tiếp xúc, đã xin được dấu tên như bất cứ người dân nào muốn nói chuyện với người nước ngoài. Người đàn ông này nói: “Bạn không thể ăn nói tự do ở đây. Nếu bạn ăn nói tự do, bạn sẽ “biến mất” tức khắc”. Ý ông nói đến việc bị bắt cóc hay thủ tiêu rất thường xảy ra tại Eritrea.
Dân chúng Eritrea không bao giờ quên được điều đã xảy ra cho một nhóm người gọi là G-15. Đây là một nhóm gồm những cựu chiến binh xuất sắc và là đảng viên. Sau cuộc chiến biên giới với Ethiopia, họ đã kêu gọi những cuộc cải tổ dân chủ. Cho đến nay, Eritrea vẫn chưa có Hiến Pháp. Lần cuối cùng dân chúng được đi đến phòng phiếu là năm 1993. Đó là lần duy nhất người dân tham gia cuộc trưng cầu dân ý về độc lập. Nhóm G-15 đã bị bịt miệng. Một số đã trốn thoát được, nhưng năm 2001, 11 người trong nhóm đã bị giam tù để chia sẻ số phận của hàng ngàn người chống chế độ. Nhưng cho tới nay, người ta vẫn chưa biết rõ con số những người bị chế độ giam tù là bao nhiêu.
Tổng thống Afwerki nay đã 71 tuổi. Ông vẫn là lãnh tụ của đảng duy nhất đang cầm quyền tại Ertrea. Và cũng giống như bất cứ nhà độc tài nào, ông luôn sống trong tình trạng lo sợ, không biết sẽ bị các thuộc hạ lật đổ lúc nào. Dù vậy, ông chỉ hiểu được một thứ ngôn ngữ là ngôn ngữ của bạo lực. Trong những năm chiến đấu, ông đã từng chặt đầu bất cứ người nào bất đồng ý kiến với ông. Có người cho rằng Tổng thống Afwerki hiện đang có một hội chứng mà người ta gọi là “Hội chứng Gorbachev”, tức lo sợ rằng cơ cấu quyền lực của mình sẽ sụp đổ nếu chấp nhận cải tổ.
Eritrea vẫn tiếp tục là một trong những nước nghèo nhất thế giới, bị cô lập với các nước láng giềng và không còn nhận được viện trợ từ các đồng minh cũ. Ngoài Trung Cộng, Cuba và một vài nước Á Rập cũng như một số công ty Gia Nã Đại và Úc Đại Lợi hiện đang khai thác một số khoáng sản, Eritrea không có quan hệ tốt đẹp nào với các nước khác.
Eritrea đúng là một Bắc Hàn tại Phi Châu. Còn nếu lạc quan hơn một chút thì bảo rằng Eritrea là một Cuba tại Phi Châu cũng chẳng sai.

(theo: http://www.spiegel.de/international/world/eritrea-a-visit-to-africa-s-north-korea)



Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2017

Nước Mỹ và niềm mơ ước của tôi

Chu Thập
17/11/17
Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Việt Nam để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh khối các nước Á Châu-Thái Bình Dương gọi tắt là APEC. Dân chúng Việt Nam dưới chế độ độc tài đảng trị cộng sản nô nức đi đón ông. Đó là vinh dự họ cũng đã từng dành cho những người tiền nhiệm của ông Trump như các Tổng thống Bill Clinton, George W Bush  và Barack Obama. Từ “thiên đàng xã hội chủ nghĩa”, trái tim người Việt Nam lúc nào cũng ngong ngóng hướng nhìn về Mỹ.
Dạo tháng Sáu vừa qua, Trung tâm Pew đã thực hiện một cuộc thăm dò dư luận tại 37 nước. Kết quả cuộc thăm dò cho thấy  hình ảnh của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump đã xấu đi rất nhiều. Vào lúc Tổng thống Barack Obama kết thúc hai nhiệm kỳ kéo dài 8 năm, tỷ lệ của người nước ngoài đánh giá cao về Hoa Kỳ lên đến 64 phần trăm. Nay dưới thời Tổng thống Trump, tỷ lệ này chỉ còn 49 phần trăm.
Nhưng lạ lùng quá, tại cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tại quốc gia cộng sản trá hình Nga, tỷ lệ những người “thích” Mỹ ngày càng cao. Riêng tại Việt Nam, hồi năm 2014, số người có cái nhìn tốt đẹp về nước Mỹ là 76 phần trăm. Nay con số những người có cái nhìn đầy thiện cảm đối với Mỹ lại lên đến 84 phần trăm.
Theo một bản phúc trình được cho phổ biến cùng một lúc với cuộc thăm dò của Trung tâm Pew, “công chúng trong vùng Á Châu- Thái Bình Dương thường có một cái nhìn tích cực hơn về những tư tưởng và cách sống của Hoa Kỳ”.
Kết quả cuộc thăm dò cho thấy: cứ 10 người Việt tại cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì có đến 7 người nói rằng phổ biến những giá trị của Hoa Kỳ là một điều tốt đẹp nên làm. 69 phần trăm những người Việt trong nước được Trung tâm Pew phỏng vấn đều nói rằng họ thích lý tưởng dân chủ của người Mỹ.
Nước Mỹ đối với số đông người Việt trong nước vẫn còn là đất nước của niềm mơ ước. Thật ra, theo nhận định của một phóng viên của đài Al-Jazeera, chính vì nghèo khổ mà người Việt đang sống dưới chế độ cộng sản lúc nào cũng nuôi dưỡng nhiều niềm mơ ước: mơ ước được sống, mơ ước được học hành và dĩ nhiên mơ ước được định cư ở Mỹ!
Mỗi năm có gần 31 ngàn sinh viên Việt Nam đi du học tại Hoa Kỳ. Trong số những nước gởi sinh viên đi du học ở Mỹ nhiều nhứt, Việt Nam đứng hàng thứ 5. Còn về chuyện đầu tư vào Mỹ để được cấp thẻ thường trú, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Cộng. Theo loại chiếu khán EB-5 của Hoa Kỳ, bất cứ nhà đầu tư ngoại quốc nào chịu bỏ ra 500 ngàn Mỹ kim để tài trợ cho bất cứ một doanh nghiệp nào sử dụng ít nhứt 10 nhân viên, sẽ được cấp thẻ xanh. Dĩ nhiên, có được 500 ngàn Mỹ kim trở lên đã được coi là “đại gia” ở Việt Nam rồi, bởi vì thu nhập mỗi năm của người Việt Nam tính trung bình chỉ mới được khoảng 2.200 Mỹ kim. Được chia đều như vậy là phúc đức tám đời rồi. Tại một số nơi như miền quê của tôi và trong họ hàng bà con của tôi, có khi phải trày vi tróc vẩy mà vẫn  chưa chắc đã kiếm được mỗi ngày một Mỹ kim. Đối với những thành phần nghèo rớt mồng tơi này, Hoa Kỳ sẽ mãi mãi là một giấc mơ không bao giờ thành hiện thực.
Nhưng ít ra, dù có nghèo đói cỡ nào, họ vẫn còn một chút tự do và cơm thừa canh cặn rơi rớt từ bàn ăn dư dật của giai cấp thống trị hay các “đại gia” theo đóm ăn tàn và làm giàu trên xương máu của người nghèo. Mỗi khi nhìn về Việt Nam, tôi thường nghĩ đến một thành phần đáng được nghĩ tới và đáng  được nể trọng hơn, nhứt là nhân chuyến viếng thăm Việt Nam của một tổng thống Mỹ. Đó là các tù nhân lương tâm, những nhà bất đồng chính kiến hiện đang bị giam giữ trong vô số những nhà tù “nhỏ” tại Việt Nam.
Trong số các tù nhân lương tâm, tôi đặc biệt nghĩ đến Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Lý do khiến tôi nhớ đến người phụ nữ này trước tiên vì cô là người đồng hương Nha Trang của tôi. Người thiếu phụ tương đối còn trẻ này là một người dùng ngòi bút của mình để lên tiếng bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ môi sinh. Ngoài ra chị còn tham gia xuống đường và giương cao những biểu ngữ phản đối Trung Cộng tại một số số địa điểm du lịch ở Nha Trang, nơi hiện đang tràn ngập du khách từ quốc gia cộng sản khổng lồ này. Tại một số nơi khác, Mẹ Nấm còn phân phát bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền cho người dân hoặc lên tiếng phản đối Bắc Kinh đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam cũng như phản đối công ty thép Formosa làm ô nhiễm môi trường biển ở Miền Trung.
Mẹ Nấm đã bị bắt bắt cách đây đúng một năm. Tháng Sáu vừa qua, chị bị kết án 10 năm tù. 10 năm tù chỉ vì hành xử một trong những quyền tự do căn bản của con người là quyền được nói lên tiếng nói của mình! Đối với các nước dân chủ, nhứt là Hoa Kỳ, bỏ tù con người chỉ vì họ thực thi quyền tự do căn bản của họ, đây quả là một tội ác tày trời.
Ai theo dõi câu chuyện của Mẹ Nấm mà không biết xót xa quả là người không có trái tim. Bởi lẽ hôm 26 tháng Mười 2017 vừa qua, biết tổng thống Trump và phu nhân sẽ đến Việt Nam, đứa con gái của chị tên là Nguyễn Bảo Nguyên, còn gọi là Nấm, 11 tuổi, đã viết thư gởi cho Đệ nhứt Phu nhân Melania Trump để xin can thiệp cho mẹ mình được về đoàn tụ với gia đình.
Dạo tháng Ba vừa qua, chính bà Melania Trump đã vinh danh và trao giải thưởng “Phụ nữ Can đảm trên Thế giới” cho Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Chính vì vậy mà trong lá thư gởi cho bà Trump, em Bảo Nguyên đã viết: “Xin Bà hãy giúp gia đình con được đoàn tụ vì con biết mẹ con chẳng làm gì sai cả và chính Bà cũng đã trao giải thưởng Phụ Nữ Can Đảm cho mẹ con”. Biết Đệ nhứt Phu nhân sẽ cùng với chồng đến Việt Nam, lá thư còn nhấn mạnh: “Con có đọc trên mạng và biết gia đình Bà sẽ tới thăm Việt Nam dự Hội nghị APEC. Chỉ còn vài ngày nữa là đã tới sinh nhật con và em con, mà không có mẹ bên cạnh”.
Không biết bà Trump có đọc những lá thư của em Nấm không và trái tim của bà có còn biết rung động không. Chỉ biết là sau khi tháp tùng chồng từ Hawaii sang Nhật Bổn, Nam Hàn rồi Trung Cộng, đi đâu cũng được đón rước rình rang, bà lặn luôn. Thật nghiệp em Nấm. Một chút hy vọng và một món quà sinh nhựt đã tan thành mây khói!
Về phần mình, không biết ông Trump có được bà Melania cho đọc ké mấy lá thư của em Nấm không. Có điều khiến tôi cứ thắc mắc hoài, không hiểu tại sao chỉ vài  ngày trước khi ông lên đường đi Á Châu, chính ông là người đã cho công bố ngày 7 tháng Mười Một vừa qua là Ngày Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản. Một thông cáo của Tòa Bạch Ốc giải thích rằng ngày 7 tháng Mười Một là ngày đánh dấu đúng 100 năm cuộc cách mạng Bolshevik tại Nga dẫn tới việc thành lập Cộng hòa Liên bang Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết và khai sinh ra các chế độ cộng sản trên khắp thế giới. Theo Tòa Bạch Ốc, ngày này cũng gợi lại hơn 7 thập niên đen tối qua đó đã có hơn 100 triệu người bị sát hại và vô số nạn nhân của bóc lột, bạo động và những hành động hủy diệt không thể kể xiết.
Thông cáo của Tòa Bạch Ốc nói rõ: dưới các chế độ cộng sản, các công dân khao khát sự tự do đều bị nô lệ hóa bởi nhà nước qua việc sử dụng bạo động, gieo rắc sợ hãi và hăm dọa.
Ngày 7 tháng 11 không chỉ tưởng nhớ những nạn nhân quá cố. Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh rằng trong ngày này, “chúng ta tưởng nhớ những người đã thiệt mạng và tất cả những người tiếp tục phải chịu đựng dưới chế độ cộng sản. Trong sự tưởng nhớ và vinh danh tinh thần của những ai đã tranh đấu dũng cảm giúp làm lan tỏa tự do và cơ hội trên khắp thế giới, Hoa Kỳ tái khẳng định quyết tâm không lay chuyển để mang ánh sáng tự do tới với tất cả những ai khao khát một tương lai tươi sáng, tự do hơn”.
Tôi đọc đi đọc lại đoạn này mấy bận. Không biết Tổng thống Trump có nghĩ đến cam kết trên đây khi đặt chân đến hai nước cộng sản Trung Cộng và Việt Nam là hai chế độ độc tài và độc ác  hiện vẫn còn đang bóp nghẹt mọi thứ tự do căn bản của con người và cụ thể là đang giam tù tất cả những ai thực thi những quyền tự do căn bản này không. Tại Trung Cộng, ông và đồ tể Tập Cận Bình đã áo thụng vái nhau không tiếc lời. Ông đã được “hoàng đế đỏ” Tập Cận Bình mời vào Cấm Thành và tiếp đãi như một ông vua. Mới hôm trước lên án các chế độ cộng sản, hôm sau lại lên tiếng ca ngợi chế độ ấy. Tôi thực tình không hiểu nổi Tổng thống Trump và nước Mỹ của ông. Còn tại cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nơi mà ngày 7 tháng 11 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng với các  chóp bu của đảng cộng sản kéo nhau vào một hội trường để tưởng niệm một biến cố mà ông khẳng định là đã “mở ra một thời đại mới cho lịch sử nhân loại”, Tổng thống Trump đã không dành được nửa  lời cho hai chữ “nhân quyền” như các vị tiền nhiệm của ông thường làm. Toàn bộ bài diễn văn của ông đọc tại Việt Nam chỉ xoay quanh chuyện “làm ăn”. Ông kêu gọi các nước hãy trả lại “công bình” cho Hoa Kỳ. Cứ như bao lâu nay nước Mỹ bị thế giới bóc lột! Phải chăng đó là cách ông gián tiếp đại diện vợ mình để trả lời cho em Nấm?
Tôi chưa bao giờ “chống Mỹ cứu nước” cả, nhứt là chống Mỹ “đểu” như mấy ông Việt cộng: miệng thì ra rả chống Mỹ, nhưng con thì gởi học bên Mỹ và tiền bạc ăn cướp của dân thì tẩu tán sang Mỹ để mua nhà hay đầu tư. Tôi không chống Mỹ nhưng cũng chẳng bao giờ xem Mỹ như một đất nước của niềm mơ ước. Về nước Mỹ, nếu có một điều tôi mơ ước thì điều đó là: mong cho nước Mỹ vẫn tiếp tục vĩ đại và ngày càng vĩ đại. Vĩ đại không phải vì có nền kinh tế và quân sự hùng mạnh nhứt thế giới, mà vĩ đại ở chỗ, như thông cáo của Tòa Bạch Ốc về ngày 7 tháng Mười Một, “quyết tâm không lay chuyển để mang ánh sáng tự do tới với tất cả những ai đang khao khát một tương lai tươi sáng và tự do hơn”. Từ trong bóng tối ngục tù, hẳn Mẹ Nấm phải buồn lắm vì “ánh sáng tự do” chị hằng mong ước đã không được nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump mang đến cho chị. Và dĩ nhiên, có lẽ buồn hơn cả mẹ mình, em Nấm đã chẳng thấy được “một tương lai tươi sáng và tự do hơn” mà em đã nài nỉ Đệ nhứt Phu nhân Melania Trump mở ra cho em.
Việt Nam hẳn phải có rất nhiều người buồn vì “ánh sáng tự do” đã không chiếu rọi đủ vào cuộc đời tăm tối của họ và cánh cửa của “tương lai tươi sáng và tự do” đã bị khép lại.
Và cũng thật đáng buồn cho tôi. Mẹ Nấm chưa bao giờ được hít thở không khí tự do thực sự nhưng lại đem cuộc đời mình tranh đấu cho một “tương lai tươi sáng và tự do hơn” cho thế hệ con mình. Còn tôi thì đã sống trong tự do hơn nửa đời người, nhưng tôi thấy mình chưa làm được một mảy may của Mẹ Nấm.






Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

Zimbabwe: bên bờ vực thẳm!



17/11/17

Mới đây, nếu không có hai sự kiện “lạ lùng”, thế giới có lẽ đã quên hẳn Zimbabwe, một quốc gia nghèo nàn lạc hậu tại miền Đông Nam Phi Châu.
Trước hết là việc Tổ chức Y tế Thế giới của Liên Hiệp Quốc gọi tắt là WHO (World Health Organization) chọn Tổng thống Zimbabwe, ông Robert Mugabe làm đại sứ thiện chí của Tổ chức để kêu gọi chống lại những căn bệnh không lây lan. Người đưa ra quyết định trên đây là ông Tedros Ghebreyesus. Ông Tedros, người Ethiopia,  đã trở thành người Phi Châu đầu tiên được bầu làm Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế Giới. Theo giải thích của ông Tedros, ông Mugabe có thể dùng vai trò của mình “để gây ảnh hưởng trên toàn vùng”. Trong bài diễn văn đề cử ông Mugabe làm đại sứ thiện chí của Tổ chức, Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới đã mô tả Zimbabwe mà ông Mugabe đã cai trị bằng bàn tay sắt từ đúng 30 năm nay  là “một đất nước đặt vấn đề y tế vào trọng tâm của các chính sách để chăm lo sức khỏe cho mọi người dân”.
Lời biện hộ trên đây của ông Tedros dành cho nhà độc tài Mugabe dĩ nhiên chỉ làm trò cười cho cả thế giới, bởi vì ai mà chẳng biết thành tích  vi phạm nhân quyền của ông Mugabe và tình trạng sắp sụp đổ của Zimbabwe. Trước những phản ứng quyết liệt của nhiều nước, ông Tedros đã rút lại quyết định của ông.
Sự kiện thứ hai khiến cho Zimbabwe được thế giới chú ý tới là một nữ ký giả người Mỹ đã bị giam tù vì đã phóng đi một “tuýt” trong đó bà gọi ông Mugabe là một người “ích kỷ và bệnh hoạn”.
Trước một tòa án tại Thủ đô Harare, nữ Ký giả Martha O’Donavan đã bị kết án vì tội “phản động”, khinh thường hay nhục mạ nhà lãnh đạo độc tài 93 tuổi này. Mặc dù cao tuổi như thế, nhưng nhà độc tài này vẫn được Đảng ZANU-PF của ông đề cử để tiếp tục tranh cử tổng thống vào năm tới.
Dưới trướng của nhà độc tài này, nhiều chuyện đã và đang xảy ra tại quốc gia nghèo nàn lạc hậu này khiến cho thế giới chỉ biết lắc đầu hoặc cười trừ.
Hiện nay tỷ lệ thất nghiệp tại Zimbabwe là 90 phần trăm. Trước đây, người ta bảo ở Việt Nam triệu phú chạy đầy đường. Từ lâu nay Zimbabwe đã qua mặt và bỏ Việt Nam rất xa: người dân nào ở nước này cũng đều là ngàn tỷ phú! Muốn mua một ổ bánh mì hay một tờ báo cần phải có cả bao bố tiền!
Chuyện đồng bạc như giấy lộn của Zimbabwe đã xảy ra vào lúc có cuộc suy trầm kinh tế thế giới vào năm 2008. Năm 2009, để đối phó với tình trạng lạm pháp leo thang, ông Mugabe đã cho đổi tiền. Chỉ trong tích tắc, chút tiền dành giụm của người dân biến thành trờ giấy vô nghĩa. Lạm phát gia tăng đến  500.000.000.000 phần trăm! Chỉ cần đọc con số này cũng đủ thấy chóng mặt! Vào thời điểm đó, một ổ bánh mì trị giá khoảng 40 xu Mỹ kim, nhưng tính ra tiền Zimbabwe thì lại trên 100 ngàn tỷ!
Cách đây một năm, để gọi là đẩy mạnh kinh tế, Chính phủ Mugabe lại cho phát hành công trái phiếu. Nhưng với một ngân hàng dự trữ trống không và một nền kinh tế hoàn toàn kiệt quệ, chẳng  có biện pháp nào có thể cứu vẫn tình thế. Bóng ma của cuộc suy trầm năm 2008 và lạm phát phi nước đại đang ám ảnh người dân Zimbabwe. Ai còn có chút đỉnh tiền để dành đều mang ra để đi mua sắm và tích trữ. Chính phủ lại ào ạt cho in thêm tiền. Đã leo thang, nay lạm phát lại tăng thêm 348 phần trăm nữa. Nhiều nơi, người dân đã dùng tiền giấy để vấn thuốc lá!
Kim ngạch xuất cảng của Zimbabwe rất hạn chế. Lâu nay, nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong kinh tế của nước này. Nhưng kể từ khi đất đai của người da trắng bị truất hữu, hoạt động sản xuất hầu như dậm chân tại chỗ. Thủ đô Harare đang bị tê liệt vì thiếu khan hiếm xăng dầu.
Về điện, cả nước Zimbabwe lệ thuộc vào công  ty điện lực  Eskom do Chính phủ Nam Phi quản lý. Nhưng nay Zimbabwe không chịu hay đúng hơn không còn khả năng để trả tiền nữa. Đầu năm nay, Eskom đã đe dọa sẽ cúp điện. Không trả tiền thì không có điện. Mà trả tiền thì đào đâu ra mà trả. Đàng nào Zimbabwe cũng không có lối thoát.
Gặp khủng hoảng kinh tế, nhiều nước chỉ còn biết trông cậy vào kỹ nghệ du lịch để kiếm ngoại tệ. Hy Lạp chẳng hạn, mới đây đã xem thu nhập từ kỹ nghệ du lịch như chiếc phao cứu hộ trong cuộc khủng hoảng vì nợ nần chồng chất.
Zimbabwe đã chẳng còn chiếc phao nào để bám vào. Zimbabwe  một đất nước đẹp với nhiều vườn thú hoang bao la  và nhất là với thác Victoria Falls được xem là hùng vĩ nhất thế giới. Người dân lại niềm nở hiếu khách. Bên ngoài Phi Châu, du khách từ Hoa Kỳ, Anh Quốc, Ái Nhĩ Lan và Đức đã từng xem Zimbabwe là một trong những địa điểm du lịch đáng đến nhất. Nhưng nay nhiều du khách đã không muốn trở lại Zimbabwe nữa. Lý do thật đơn giản: Zimbabwe đã trở thành một nơi quá mắc mỏ để viếng thăm!
Mới đây, chính phủ Zimbabwe ra lệnh đóng thuế du khách ngoại quốc 15 phần trăm. Một loại thuế như thế đã có tác dụng ngược. Số lượng du khách giảm, nhưng các dịch vụ du lịch lại tăng giá. Hiện nay có đến 50 phần trăm khách sạn và nhà trọ bỏ trống. Ngoài ra sở dĩ du khách ngoại quốc không muốn đến Zimbabwe nữa vì họ sợ cảnh chặn đường xét hỏi và đóng thuế của cảnh sát. Cảnh sát có thể chận xe du lịch lại kiểm tra, đưa giấy phạt và đòi tiền bất cứ chỗ nào.
Du khách từ Nam Phi chiếm đến một phần ba số du khách ngoại quốc đến Zimbabwe. Nhưng vì đồng tiền Nam Phi hiện đang tụt giá, người dân nước này cũng hạn chế việc đi du lịch ra nước ngoài. Rốt cuộc kỹ nghệ du lịch của Zimbabwe lãnh đủ!
Nhưng thật ra, Chính phủ Zimbabwe xem ra chẳng quan tâm nhiều đến kỹ nghệ du lịch và dương như cũng chẳng màng đến kinh tế.
Đảng ZANU-PF, tức đảng đang cầm quyền vẫn muốn chiến thắng trong cuộc bầu cử được tổ chức trong năm tới. Cho đến nay, ông tổng thống 93 tuổi vẫn còn được xem là ứng cử viên duy nhất của Đảng. Kinh tế có èo uột và sắp chết đi nữa, chính phủ cũng không màng tới. Đảng ZANU-PF đang bỏ tiền ra để vận động cho cuộc bầu cử. Bộ trưởng Tài chính, ông Patrick Chinamasa vừa lên tiếng cảnh cáo về tình trạng kinh tế suy sụp, đã bị ông Mugabe cho về vườn tức khắc. Bất cứ ai kêu gọi cải tổ cơ cấu cũng đều bị loại trừ.
Giáo sư Southall, thuộc trường đại học Witwatersrand, Johannesburg, Nam Phi nhận định: “Zimbabwe mượn tiền để sống và cũng mượn thời giờ để sống”. Mượn thời giờ để sống có nghĩa là không biết sẽ sụp đổ lúc nào.
Với diện tích gần 400 trăm ngàn cây số vuông, Zimbabwe là một đất nước đóng kín trong đất liền, bắc giáp Zambia, đông giáp Mozambique, tây giáp Botswana và nam giáp Nam Phi.
Dân số hiện nay của Zimbabwe là 13 triệu người. Đã từng là vựa lúa của toàn vùng, nhưng kể từ năm 2000, vì hạn hán và nhất là vì hậu quả của cuộc cải cách ruộng đất qua đó các chủ nông trại  da trắng bị truất hữu và đất đai được chia cho người da đen, Zimbabwe đã hầu như không còn đủ khả năng để nuôi sống dân mình. Rất nhiều người Zimbabwe đã bỏ nước ra đi để kiếm sống. Phần lớn di dân lậu vào Nam Phi. Tất cả cũng chỉ vì chế độ độc tài của ông Mugabe.
Ông Mugabe sinh năm 1924 tại làng Kutama, mạn tây nam thủ đô Harare. Ông đã từng theo học trong các trường của các linh mục Dòng Tên. Sau một thời gian đi dạy học, ông gia nhập phong trào giải phóng đất nước, lúc bấy giờ đang bị người Anh cai trị. Không bao lâu, ông trở thành lãnh tụ trong cuộc chiến giành độc lập chống lại thiểu số người da trắng. Năm 1980, sau 11 năm bị giam tù, ông trở thành thủ tướng đầu tiên của một quốc gia Zimbabwe độc lập. Sau đó, ông trở thành trở thành tổng thống  của nước này. Và từ đó cho đến nay, chưa có một đối thủ chính trị nào có thể đánh bại ông trong các cuộc bầu cử. Trong cuộc bầu cử vào năm tới, chắc chắn ông cũng sẽ chiến thắng. Còn không, như vợ ông, bà Grace Mugabe, đã bắn tiếng, bà sẽ “nối ngôi” ông để cai trị đất nước.
Cai trị bằng bàn tay sắt, ông Mugabe đặc biệt kiểm soát tất cả mọi cơ quan truyền thông trong nước. Tất cả mọi đài phát thanh và những tờ báo chính tại Zimbabwe đều phải trở thành loa tuyên truyền của chế độ. Luật truyền thông được ông Mugabe ban hành đòi hỏi các ký giả  trước khi hành nghề phải được một ủy ban nhà nước duyệt qua lý lịch. Cảnh sát thường xuyên bắt giữ và trục xuất các kỷ giả ngoại quốc nào đến Zimbabwe làm việc mà không có phép của chính phủ.
Trong một bản phúc trình được cho công bố hồi năm 2015, Tổ chức Freedom House (Nhà Tự Do) có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết “các ký giả thường xuyên bị đe dọa, tấn công, bắt giữ và giam cầm một cách tùy tiện”. Ngoài ra cảnh sát, các viên chức chính phủ và ngay cả những người ủng hộ chính phủ cũng như đối lập đều tìm cách cắt hệ thống liên lạc của các ký giả với bên ngoài, cũng như tìm cách tống tiền.
Không riêng các ký giả ngoại quốc hoặc các thành phần đối lập, ngay cả những nhân vật có thế giá trong Chính phủ Zimbabwe cũng có thể trở thành đối tượng bị Tổng thống Mugabe tìm cách loại trừ. Như trường hợp Phó tổng thống Emmerson Mnangagwa. Là cánh tay mặt của ông Mugabe, ông Mnangagwa được xem là một trong những người có nhiều quyền lực nhất trong chính phủ, nhất là vì nhờ thế lực của ông đối với các lực lượng an ninh. Vậy mà mới đây, vì có bất đồng với bà vợ đầy tham vọng của ông Mugabe, ông Mnangagwa đã bất thần bị cách chức. Đó là số phận của một người mà vợ ông Mugabe đã có lần gọi là một con rắn cần phải chặt đứt đầu.
Hai ngày sau khi bãi nhiệm phó tổng thống của mình, ông Mugabe đã tố cáo ông ta đã dùng pháp thuật để âm mưu chống lại ông. Ông Mnangagwa đã bỏ trốn ra nước ngoài vì bị đe dọa giết chết.
Cho đến gần đây, ai cũng nghĩ rằng ông Mnangagwa, người được mệnh danh là “cá sấu” trong cuộc chiến giành độc lập, sẽ là người kế vị ông Mugabe. Nhưng bà Grace Mugabe đã tung ra tín hiệu cho thấy chỉ có bà mới có thể kế vị chồng mình. Có thể đây là lý do thúc đẩy ông Mugabe ra tay loại trừ ông phó tổng thống của mình.
Việc loại trừ ông Mnangagwa chỉ xảy ra vài ngày sau khi bà Grace bị dân chúng la ó trong một cuộc biểu tình ủng hộ ông Mugabe tại một thành phố ở miền Nam Zimbabwe. Cảnh sát đang truy lùng người đã xúi giục dân chúng phản đối bà Grace. Người này được cho là một người ủng hộ ông Mnangagwa.
Việc bãi nhiệm ông Mnangagwa và truy lùng người ủng hộ ông diễn ra trong chiến dịch bắt bớ những người bất đồng chính kiến tại Zimbabwe. Việc nữ ký giả Mỹ Martha O’Donavan bị kết án 20 năm tù vì tội gọi là “nhục mạ” ông Mugabe cũng diễn ra trong bối cảnh ấy.
Bao lâu ông Mugabe vẫn còn tiếp tục cai trị Zimbabwe hoặc nếu vợ ông sẽ là người kế vị ông, thì đất nước này rồi ra cũng sẽ rơi vào một tình trạng tuyệt vọng như một quốc gia Phi Châu khác là Somalia mà thôi.
Theo một bản tin của Đài BBC, quân đội Zimbabwe đã chiếm đài phát thanh quốc gia. Trong một tuyên ngôn được đưa ra hôm thứ Hai 13 tháng Mười Một vừa qua, Tư lệnh quân đội Zimbabwe, ông Constantino Chiwenga giải thích rằng quân đội phản đối việc Tổng thống Mugabe bãi nhiệm Phó tổng thống Mnangagwa. Liệu đây có phải là tin vui giữa giờ tuyệt vọng cho người dân Zimbabwe không hay lại là khởi đầu của một giai đoạn mới đen tối hơn?

(Nguồn:
-http://www.news.com.au/travel/world-travel/africa/country-on-the-brink-of-collapse
-http://www.latimes.com/world/africa/la-fg-zimbabwe-mnangagwa)







Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

Cái Tôi và Sự Hiểu biết


Chu Thập
10/11/17

Mới đây, một ông bạn có gởi cho tôi một bài viết của tác giả Từ Thức, bên Pháp. Bài viết khiến tôi phải giật mình và nhìn lại bản thân để tự vấn lương tâm.
Với tựa đề “Cái Tôi của người Việt”, tác giả xem ra khẳng định một cách chắc nịch rằng người Việt là một dân tộc kiêu căng. Tác giả mở đầu bài viết với nhận xét: “Tôi gặp không biết bao nhiêu người (Việt) vỗ ngực, tự cho mình là vĩ nhân. Không phải chỉ vỗ ngực, còn trèo lên nóc nhà gào khàn cổ: tôi giỏi quá, tôi phục tôi quá, tại sao tôi tài ba đến thế? Một lần ngồi nhậu với 5 ông, có cảm tưởng ngồi với 5 giải Nobel văn chương. Những ông như vậy, nhan nhản”.
Tác giả nêu một câu hỏi đáng suy nghĩ: “Phải chăng đó là nét đặc thù của một dân tộc đầy tự ti mặc cảm?”  Tôi nghĩ nếu xem đó là nét đặc thù của mấy ông cộng sản Việt Nam thì chẳng sai chút nào. Rước voi về dày mả tổ, chém giết đồng bào ruột thịt của mình không chút xót thương, vậy mà sau đó vẫn có thể ưỡn ngực tự xưng là “lương tâm nhân loại”, “đỉnh cao trí tuệ loài người”. Kiêu căng như thế thì còn gì lố bịch bằng. Nay từ hố sâu của nghèo nàn, lạc hậu mới ngoi lên được một chút, làm gì cũng muốn được đưa vào các kỷ lục thế giới của sách “Guinness Book of World Records”, tiến sĩ thì chạy đầy đường. Nhưng chắc chắn 3 triệu đảng viên cộng sản Việt Nam không hề là đại diện của cả dân tộc Việt Nam.
Trong quan hệ với người đồng hương, ở trong nước cũng như tại hải ngoại, tôi cũng có gặp một số người “nổ” như mấy ông việt cộng . Nhiều người khoe khoang một cách lố bịch, ngây ngô và ấu trĩ. Nghe họ “nổ” chỉ biết cười và chửi thầm trong bụng!
Nhưng dĩ nhiên, không phải tất cả mọi người Việt tôi quen biết hay tiếp xúc đều như vậy cả. Từ một vài trường hợp hoặc rất nhiều trường hợp đi nữa để quơ đũa cả nắm là một lý luận không nghiêm chỉnh.
Thời Pháp thuộc, trên báo Đông Dương Tạp Chí, trong một số ra năm 1914, cụ Nguyễn Văn Vĩnh cũng đã từng đưa ra một nhận xét về người Việt: “An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng cười, mà dở cũng hì, phải cũng hì mà quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng mọi việc hết nghiêm trang”. Xem ra “cái gì cũng cười” có thể là một nét chung của người Việt hơn là thói kiêu căng.
Theo tôi, ở đâu và thời nào cũng có người khiêm cung và kẻ kiêu căng cả. Chỉ nhìn vào một mình ông Donald Trump và gần một nửa dân số Mỹ bầu ông lên làm tổng thống hoặc chỉ dựa  một số khẩu hiệu như “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” mà bảo rằng người Mỹ là một dân tộc kiêu căng...là một kết luận vội vàng, không chín chắn.
Nhưng bảo rằng ông Trump là một con người kiêu căng, thích khoe mẽ là điều chẳng sai chút nào. Kiêu căng và kiêu căng một cách lộ liễu là một yếu điểm. Ứng cử viên Trump đã thu hút được nhiều cử tri Mỹ nhờ tính bạo mồm bạo miệng và tật “nổ” văng miểng của ông. Nhưng đó cũng là một thứ gậy ông đập lưng ông đối với ông.
Tuần qua, Ủy ban điều tra về việc “thông đồng” giữa ban vận động của ứng cử viên Donald Trump và Nga do công tố viên đặc biệt Robert Mueller lãnh đạo, đã cho công bố danh sách của một số cố vấn của ông Trump có dính líu đến vụ này. Trong 3 nhân vật được nêu dích danh và bị truy tố, đáng chú ý hơn cả là ông George Papadopoulos, cố vấn về chính sách ngoại giao của ứng cử viên Trump. Hồi tháng trước, ông này đã nhận tội man khai với Cơ quan Điều tra Liên bang FBI và hiện đang tích cực hợp tác với Ủy ban điều tra của ông Mueller. Một bức hình được công bố cho thấy trong một cuộc họp hồi năm 2016 do ông Trump chủ tọa, ông Papadoulos có mặt trong hàng ngũ “bộ sậu” của ông Trump.
Theo tài liệu vừa được cho công bố, ngày 5 tháng Mười 2017 vừa qua, ông Papadoulos đã nhận tội  khai man với cơ quan FBI về việc ông có tiếp xúc với người Nga để lấy hồ sơ mật về bà Hillary Clinton mà Nga đã đánh cắp được.
Tổng thống Trump là người thích khoe về đủ thứ thành tích của mình. Nào ông là một người rất thông minh. Nào ông đã từng là một sinh viên xuất sắc. Nào ông là một tổng thống trong năm đầu của nhiệm kỳ đã lập  được nhiều thành tích hơn bất cứ tổng thống nào. Nhứt là mới đây, ông đã “nổ” rằng ông là “một trong những người có trí nhớ vĩ đại nhứt từ trước tới nay”.
Vậy mà sáng thứ Sáu vừa qua, trong lúc chuẩn bị lên đường thực hiện chuyến công du kéo dài 12 ngày tại Á Châu, khi được các phóng viên hỏi ông có nhớ về cuộc họp với ông Papadoulos không và ông này là ai, tổng thống Trump tỉnh bơ trả lời: “Tôi không nhớ nhiều về cuộc họp đó. Đó là một cuộc họp rất không quan trọng. Cuộc họp đó diễn ra lâu lắm rồi. Tôi không nhớ nhiều về cuộc họp”.
Thật tội nghiệp cho ông Papadoulos. Dạo tháng Ba vừa qua, nghĩa là chỉ cách đây không đầy 8 tháng, trong một cuộc gặp gỡ với ban chủ bút của báo The Washington Post, Tổng thống Trump nhìn nhận rằng ông Papadoulos đã từng là một cố vấn về chính sách ngoại giao trong cuộc vận động bầu cử. Vậy mà khi nội vụ đổ bể ra, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, bà Sarah Huckabee Sanders nói rằng ông Papadoulos là người chỉ đóng một vai trò không đáng kể trong cuộc vận động tranh cử của ông Trump. Một cố vấn thân cận khác của tổng thống Trump còn mỉa mai rằng ông Papadoulos chỉ là một tên lon ton (planton) chỉ để sai vặt và pha cà phê.
Riêng Tổng thống Trump, trong một “tuýt” được bắn đi sáng thứ Ba tuần qua, đã viết: “Rất ít người biết thiện nguyện viên trẻ, ít quan trọng tên là George” (tức Papadoulos).
Tôi vẫn cố gắng làm “trạng sư của quỷ” để biện hộ cho việc Tổng thống Trump không còn nhớ rõ cuộc họp của “bộ sậu” của ông chỉ mới diễn ra cách đây hơn một năm. Làm tổng thống Mỹ và lãnh đạo cả thế giới, đa đoan với không biết bao nhiêu chuyện, nếu không có người bên cạnh để  nhắc nhở, thì làm sao nhớ hết mọi chuyện, mọi người và mọi chi tiết được. Vả lại, quên sót là giới hạn thường tình của con người thôi.  Nhưng khổ nỗi, làm trạng sư không công như tôi khó mà thắng nổi trong trường hợp ông Trump, bởi vì ông đã lỡ tuyên bố mình là “một trong những người có trí nhớ vĩ đại nhứt từ trước tới nay”. Tự nhiên, cứ nghĩ tới thái độ huênh hoang, tự đắc của ông, tôi lại nhớ đến nhận xét của vợ một người bạn của tôi. Ông bạn tôi là người thích bông đùa. Cứ sau một lần diễu cợt của ông, bà vợ lại kê tủ đứng vào miệng ông: “Thùng bể kêu to!”
Tôi nhớ có đọc được ở đâu đó một bài học về thái độ từ tốn khiêm cung mà một người cha muốn dạy cho cậu con trai của mình. Một hôm hai cha con đang đi trên một đoạn đường vắng lặng. Người cha hỏi cậu con: “Ngoài tiếng chim đang hót ra, con còn nghe được tiếng gì khác không?” Người con dừng lại, lắng tai một lúc rồi trả lời: “Thưa cha, con nghe có tiếng xe ngựa nữa”. Người cha liền nói: “Đúng vậy. Đó là tiếng động của một chiếc xe ngựa trống không, nghĩa là không có chuyên chở gì cả”. Người con ngạc nhiên hỏi lại: “Nhưng mình chưa nhìn thấy chiếc xe ngựa mà. Sao cha biết đó là một chiếc xe ngựa trống rỗng?”
Người cha mới ôn tồn giải thích: “Từ âm thanh dội lại, con có thể biết đó là một chiếc xe ngựa trống không. Xe ngựa càng trống rỗng thì tiếng động càng to”. Về sau, khi ra đời, mỗi khi nhìn và đánh giá về người khác, người con trai thường nhớ lại nhận xét và bài học của người cha.
Thiên nhiên cũng cho tôi nhiều bài học như thế. Ai đó cũng đã đưa ra một nhận xét: sông càng sâu thì càng tĩnh lặng, nhánh lúa càng trĩu nặng thì càng cúi đầu. Người càng học cao hiểu rộng và giàu những giá trị tinh thần thì càng từ tốn, khiêm cung; trái lại, kẻ càng nông cạn thì càng khoe khoang. Tác giả Từ Thức có ghi lại cuộc sống âm thầm của một cặp vợ chồng già sống bên cạnh nhà ông ở Paris. Theo nhận xét của tác giả, hai ông bà sống trong một ngôi nhà bình dân, ăn uống đạm bạc như một cặp vợ chồng nghèo. Nếu không được mách bảo thì chẳng có ai biết đó là một cặp vợ chồng nổi tiếng trong thế giới âm nhạc. Bà vợ tùng là một nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng, đã từng đoạt 7 giải nhứt khi còn học ở nhạc viện Paris và về sau trở thành một giáo sư âm nhạc được nhiều người biết đến. Còn ông là một trong những nhạc sư và nhà soạn nhạc cổ điển lớn nhứt của hậu bán thế kỷ 20. Cả hai đều là những nhân vật đã từng chiếm một địa vị quan trọng trong bất cứ một tài liệu âm nhạc cổ điển nào. Vậy mà họ vẫn có thể sống một cách âm thầm như một cặp vợ chồng già ít được ai chú ý tới.
Albert Einstein thường được gán cho những câu hỏi có hàm ý nói đến cái ngu dốt vô tận của con người và đề cao sự khiêm tốn. Có người bảo ông đã từng nói: “Cái tôi và sự hiểu biết tỷ lệ nghịch với nhau. Hiểu biết càng nhiều, cái tôi càng bé. Hiểu biết càng ít, cái tôi càng to.”
Hiểu cho rộng ra, hiểu biết đích thực không chỉ có nghĩa là thu thập hay nhét vào đầu một số kiến thức, mà trước tiên chính là biết mình. Với nhà hiền triết Socrates, ông tổ của triết học Tây phương, biết đích thực là biết mình và biết mình ngu. Đông Tây đã gặp nhau, bởi vì minh triết Đông phương cũng nói rằng càng học càng thấy mình ngu. Thật ra ngu như thế là ngu khôn. Ngu như thế, theo Phật Giáo, chính là giác ngộ.
Một hôm có một giáo sĩ Bà La Môn bắt gặp Đức Phật đang ngồi thiền dưới một gốc cây. Ông rất đỗi ngạc nhiên về sự thanh thản và bình tâm của Đức Phật. Hình ảnh này khiến vị giáo sĩ Bà La Môn nhớ lại một thần voi có chiếc ngà lớn. Ông liền hỏi Đức Phật: “Ngài có phải là một vị thần, một thiên thần hay một thần linh không?” Đức Phật trả lời không, rồi giải thích rằng Ngài chỉ là một người chứng tỏ được một sức mạnh mới trong con người. Theo Đức Phật, con người vẫn có thể sống trong thế giới đầy xung đột và khổ đau này mà vẫn có thể đi vào quan hệ hài hòa với người khác nếu biết dẹp bỏ cái tôi của mình. Rồi Ngài nói với vị giáo sĩ Bà La Môn, “xin hãy nhớ đến tôi như một người đã tỉnh ngộ” (x. Karen Armstrong, The Case for God,  The Bodley Head, London  2009,  trg 316).
Tôi vẫn tự nhận mình là một phật tử. Dĩ nhiên theo cách thế riêng của tôi, bởi vì tôi chưa từng xuống tóc, quy y, mặc áo cà sa, đi lễ chùa, ăn chay hoặc cúng dường...Tôi chỉ biết rằng mình phải luôn cố gắng sống lời Đức Phật dậy: dẹp bỏ cái tôi kiêu căng, khoác lác để có được quan hệ hài hòa với mọi người và nhờ vậy thân tâm mới an lạc.




Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

Uzbekistan: lò cung cấp chiến binh cho “Quốc gia Hồi giáo”


10/11/17

Hôm thứ Ba 31 tháng Mười  vừa qua, một người thanh niên 29 tuổi tên là Sayfullo Habibullaevic Saipov đã lái một chiếc xe tải tông vào một đám đông tại Manhattan, New York, Hoa Kỳ khiến cho 8 người bị thiệt mạng và nhiều người bị thương. Các cuộc điều tra cho thấy thủ phạm là một chiến binh của tổ chức khủng bố “Quốc gia Hồi giáo” (ISIS).
Chiến thuật dùng xe để tông vào đám đông không phải là điều mới lạ. Điều đáng chú ý là chiến binh này lại một người Uzbekistan. Anh chỉ mới đến Hoa Kỳ hồi năm 2013 theo một chương trình di dân đặc biệt thường được mệnh danh là “Green card lottery”. Với chương trình này, chính phủ Mỹ cấp thể xanh, tức thường trú, cho các di dân tay nghề từ những nước có ít người di dân đến Mỹ. Saipov đến Mỹ với tư cách đó.
Uzbekistan, Kazakhstan, Turkmenistan, Tajikistan và Kyrgyzstan là 5 cựu Cộng hòa Xô Viết tại Trung Á. 5 nước này hiện đang được xem là những lò cung cấp chiến binh cho “Quốc gia Hồi giáo”. Tổ chức khủng bố này đã bị đánh bật ra khỏi hai cứ địa chính là  miền Bắc Iraq và Raqqa, Syria. Nhưng điều đó không hề có nghĩa là tổ chức này đã hoàn toàn bị đánh bại. Không kể đến nhiều sào huyệt gần như vô hình tại nhiều nước Tây Phương và rải rác tại một số nước Á Châu như Phi Luật Tân, Nam Dương, Bangladesh... “Quốc gia Hồi giáo” hiện vẫn tiếp tục chiêu mộ nhiều chiến binh từ 5 cựu cộng hòa Xô Viết trên đây. Theo ước tính, có trên 5000 chiến binh từ các các quốc này đã xâm nhập vào Iraq và Syria. Riêng Cộng hòa Uzbekistan đã cung cấp khoảng 1.500 chiến binh.
Trong một giai đoạn kéo dài hơn 15 tháng, được “Quốc gia Hồi giáo” chiêu mộ và huấn luyện, các chiến binh xuất phát từ Uzbekistan đã thực hiện nhiều cuộc tấn công giết người hàng loạt tại các nước Tây Phương.
Dạo tháng Tư vừa, một công dân Uzbekistan tên là Rakhmat Akilov, người đã từng xin tỵ nạn tại Thụy Điển, nhưng bị từ chối, đã lái một chiếc xe tải tung vào khách bộ hành tại Thủ đô Stockholm khiến cho 4 người bị thiệt mạng.
Trước đó, ngày 1 tháng Giêng, tại một hộp đêm ở Thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, 39 người bị giết chết và 70 người bị thương khi họ đang mừng năm mới. Thủ phạm cũng là một người Uzbekistan tên là Abdulgadir Masharipov. Sau khi Masharipov bị bắt giữ, cảnh sát Thổ đã lục soát nhà của anh. Họ đã tìm thấy 2 khẩu súng, nhiều thẻ SIM điện thoại và một số tiền mặt lớn.
Tháng Sáu năm 2016, tại Phi trường Ataturk, cũng ở Thủ đô Istanbul, 45 người bị thiệt mạng và trên 230 người bị thương trong một cuộc tấn công khủng bố. Những tên khủng bố xuất phát từ miền Bắc Caucasus Nga, Kyrgystan và Uzbekistan.
Không phải tất cả những tên khủng bố xuất phát từ Trung Á  đều thuộc  hạng cá kèo chỉ đâu đánh đó. Trái lại, một số đã từng nắm giữ những địa vị chủ chốt trong hạ tầng cơ sở của “Quốc gia Hồi giáo”. Gulmurod Ghalimov một trong những nhân vật như thế. Ông đã từng là chỉ huy trưởng của một đơn vị cảnh sát tại Cộng hòa Tajikistan. Năm 2015, mặc dù đang mang lon trung tá, ông đã đào ngũ và gia nhập vào tổ chức “Quốc gia Hồi giáo”. Cũng trong năm đó, ông sang Syria. Ghalimov đã đóng một vai trò quan trọng trong việc chiêu mộ người Tajikistan và các chiến binh khác từ Trung Á để chiến đấu cho “Quốc gia Hồi giáo”.
Các cơ quan truyền thông của “Quốc gia Hồi giáo” như Trung tâm Truyền thông al-Hayat và Thông tấn xã Amaq, đã từng cho phổ biến nhiều bản tin nhìn nhận con số đáng kể những kẻ đánh bom tự sát xuất phát từ Trung Á. Những tên khủng bố này đã được gởi sang Iraq để chiến đấu chống lại  quân đội Iraq và nhất là các lực lượng người Kurk là những lực lượng chủ chốt trong chiến dịch giải phóng Mosul, Iraq và Raqqa, Syria.
Các hoạt động quân sự của Liên quân Quốc tế chống “Quốc gia Hồi giáo” cũng như các cuộc hành quân của quân đội Iraq và các lực lượng người Kurk tại Iraq và Syria đã loại ra khỏi vòng chiến nhiều chiến binh từ Trung Á. Một số bị giết chết và một số đã đầu hàng. Tuy nhiên, các chiến binh còn sống sót đã trốn khỏi chiến trường. Có thể họ đã trở về nguyên quán hoặc đã xâm nhập vào các nước Tây Phương.
Các chiến binh của “Quốc gia Hồi giáo” xuất phát từ Trung Á không chỉ là cánh mày râu. Bên cạnh họ còn có cả những phụ nữ liễu yếu đào tơ. Một tiểu đoàn gồm toàn nữ chiến binh có tên là al-Khansaa đã được chính thủ lãnh của “Quốc gia Hồi giáo” là Abu Bakr al-Baghdadi thành lập. Trong hàng ngũ nữ chiến binh này có rất nhiều người được chiêu mộ từ Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyztan và Kazakhtan.
Từ Trung Á, “Quốc gia Hồi giáo” cũng chiêu mộ được rất nhiều trẻ em vào việc đánh bom tự sát. Dạo tháng Mười Một năm 2016, tổ chức khủng bố này đã cho phổ biến một băng hình cho thấy 4 thiếu niên cầm súng xử tử các tù binh Iraq và Kurk. Trong 4 thiếu niên này có một em chỉ mới 10 tuổi đến từ Uzbekistan. Một em khác xuất phát từ Kazakhtan. Những đứa trẻ có mặt trong băng hình đều mặc quân phục, trong khi các tù binh mặc quần áo màu da cam. 4 thiếu niên có mặt trong băng hình trên đây chỉ là một trong rất nhiều nhóm khủng bố trẻ em được “Quốc gia Hồi giáo” chiêu dụ và huấn luyện tại Trung Á.
Sự tan rã của “Quốc gia Hồi giáo” tại Iraq  và Syria đã ảnh hưởng nhiều đến việc chiêu dụ các chiến binh từ Trung Á, cách riêng từ Uzbekistan. Con số các chiến binh từ Trung Á chiến đấu tại Iraq và Syria đã giảm thấy rõ. Nhưng trái lại, hệ thống chiêu mộ qua các trang mạng lại ngày càng gia tăng, nhất là trong hàng ngũ những người Uzbekistan hiện đang sinh sống tại Âu Châu và Bắc Mỹ.
Để đạt mục tiêu này, “Quốc gia Hồi giáo” đã khai thác triệt để tờ báo có tên “Istok”. Đây là một tạp chí Nga ngữ được phổ biến rộng rãi tại các nước Trung Á . “Quốc gia Hồi giáo” cũng sử dụng một trang mạng bằng tiếng Nga có tên là “Furat Media” để mở rộng mạng lưới vốn đã có sẵn tại Trung Á.
Về phần mình, phản ứng của các chính phủ Trung Á trước làn sóng “cực đoan hóa” của “Quốc gia Hồi giáo” không những không không hữu hiệu mà còn mâu thuẫn nhau là khác. Tại Uzbekistan, chế độ độc tài không bao giờ chấp nhận cải tổ, lại còn nặng tay sử dụng guồng máy an ninh để đàn áp. Các tổ chức khủng bố như “Quốc gia Hồi giáo” và Phong trào Hồi giáo Uzbekistan lợi dụng tình thế để khai thác bất mãn và chiêu mộ chiến binh.
Ngày 30 tháng Mười vừa qua, “Quốc gia Hồi giáo” đã tung lên các trang mạng xã hội nhiều thông điệp và biểu ngữ bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau để kêu gọi mở các cuộc tấn công trong ngày Halloween (Lễ âm hồn) vừa qua. Không rõ cuộc tấn công tại Manhattan hôm 31 tháng Mười vừa qua có nằm trong kế hoạch của “Quốc gia Hồi giáo” không, nhưng biến cố này hoàn toàn phù hợp với chiến thuật và lời nhắn gởi nhắm đến các nước Tây Phương: sự sụp đổ của “thủ đô” Raqqa của “Quốc gia Hồi giáo” có thể dẫn đến sự tan rã của tổ chức này về mặt địa lý, nhưng tổ chức này vẫn sống mạnh và tiếp tục bành trướng!
Thật vậy, trong năm vừa qua, “Quốc gia Hồi giáo” đã thành công trong việc sản sinh một đội ngũ thánh chiến quân mới, biết sử dụng các kỹ thuật mới và mở các cuộc tấn công ít tốn kém, nhưng đạt nhiều công hiệu. Trong chiến thuật mới này, các chiến binh được chiêu mộ từ Uzbekistan đã tỏ rõ điều đó. Saipov, người đã dùng xe tải hạng nhẹ tấn công vào đám đông tại Manhattan là một điển hình của những thánh chiến quân mới của “Quốc gia Hồi giáo”.
Người thanh niên Uzbekistan 29 tuổi này được chú ý một cách đặc biệt đến bộ râu đen và rậm trên khuôn mặt anh. Tại quê hương Uzbekistan của anh, anh đã không bao giờ được phép để một bộ râu như thế. Tại quốc gia Trung Á nay, một bộ râu như thế được xem như dấu hiệu của cực đoan tôn giáo. Mặc dù tuyệt đại đa số dân theo Hồi giáo, nhưng Uzbekistan lại giới hạn những thực hành tôn giáo của người dân. Tất cả mọi giáo sĩ Hồi giáo đều bị chính phủ thanh lọc trước khi thi hành chức vụ. Tất cả mọi cơ sở tôn giáo và giáo dục của Hồi giáo đều bị chính phủ kiểm soát và bị mật vụ xâm nhập vào để theo dõi. Những ai hành hương đến thánh địa Mecca tại Á rập Saudi đều phải trải qua một cuộc kiểm tra nghiêm nhặt của chính phủ và phải được các nhân viên chính phủ tháp tùng trong suốt cuộc hành hương. Mọi tụ tập để đánh dấu giờ chấm dứt của mỗi ngày chay tịnh trong tháng Ramadan đều bị cấm ngặt. Ngày lễ kết thúc tháng Ramadan, tức ngày Eid al Fitr, cũng không được tổ chức. Cho đến nay, trẻ em dưới 18 tuổi không được phép vào các đền thờ Hồi giáo. Nhà độc tài Islam Karimov, người vừa mới qua đời hồi năm ngoái, đã đặt các đảng phái Hồi giáo ra ngoài vòng pháp luật. Ông đã cho giam tù và tra tấn hàng chục nhà tranh đấu Hồi giáo. Chính phủ có cả một danh sách đen những người bị xếp vào hạng tôn giáo cực đoan. Theo một bản phúc trình mới đây của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, những người có tên trong sổ đen không được làm nhiều việc cũng như ra nước ngoài. Họ phải thường xuyên trình diện với cảnh sát để bị thẩm vấn. Tân tổng thống Uzbekistan, ông Shavkat Mirziyoyev, đã rút ngắn lại danh sách, nhưng hiện vẫn còn 18.000 người!
Mục đích của tất cả những biện pháp trên đây là để chống lại Phong trào Hồi giáo Uzbekistan, một phong trào thánh chiến xuất hiện sau khi Liên Xô sụp đổ (cho đến năm 1991, Uzbekistan là một cộng hòa Xô Viết). Phong trào Hồi giáo Uzbekistan là một phong trào luôn tìm cách áp đặt luật Hồi giáo Sharia vào Uzbekistan. Sau khi phong trào này bị Tổng thống Karimov loại trừ, các chiến binh của phong trào đã tản mác đi khắp các nước Trung Á và Afghanistan và năm 2001, sau khi Afghanistan bị Hoa Kỳ và các nước Đồng minh xâm chiếm, các thánh chiến quân của phong trào đã len lỏi vào các bộ lạc tại Pakistan. Từ đây, họ đã mở các cuộc tấn công vào Uzbekistan và Tajikistan. Nhưng kể từ năm 2014, Phong trào Hồi giáo Uzbekistan đã đầu quân cho “Quốc gia Hồi giáo”.
Dĩ nhiên,các biện pháp cứng rắn của chế độ độc tài tại Uzbekistan đã không giải quyết dứt điểm được chủ nghĩa cực đoan trong nước. Các chiến binh của phong trào cực đoan rút vào hoạt động trong bóng tối và cuối cùng ra hải ngoại.
Năm 2014, nhận thấy các biện pháp mạnh đã không chận đứng được phong trào Hồi giáo cực đoan, nhà độc tài Karimov đã cầu cứu Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhưng nhà độc tài Nga này cũng đang bận đương đầu với các nhóm hồi giáo cực đoan tại Syria cho nên cũng đành nhắm mắt làm ngơ trước sự kiện hàng ngàn công dân Nga gia nhập hàng ngũ các chiến binh của “Quốc gia Hồi giáo”. Năm nay, Nga đã qua mặt Á rập Saudi và Tunisia để trở thành nước cung cấp nhiều chiến binh nhất cho “Quốc gia Hồi giáo”. Dĩ nhiên, phần lớn những chiến binh Nga đều đến từ các vùng Hồi giáo của Nga. Họ dễ dàng cấu kết với các chiến binh cũng nói tiếng Nga từ các nước Trung Á và tiếp tục liên lạc với nhau một khi đã xâm nhập vào các nước Tây Phương.
Hiện vẫn chưa biết được Saipov đã bị “cực đoan hóa” ở đâu. Chỉ có một điều chắc chắn là các biện pháp cứng rắn của chế độ độc tài tại Uzbekistan đã hoàn toàn thất bại trong việc loại trừ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Không còn một lãnh thổ “Quốc gia Hồi giáo” để đầu quân, các chiến binh được sản sinh tại những nơi như Uzbekistan sẽ tìm cách xâm nhập vào những nơi khác, đặc biệt là các nước Tây Phương.

(Nguồn:
http://edition.cnn.com/2017/11/01/opinions/uzbekistan-isis-recruiting
https://www.theatlantic.com/international/archive/2017/11/uzbekistan-terrorism-new-york-sayfullo-saipov)