Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Phi Luật Tân: 30 năm sau cuộc cách mạng “Sức mạnh Quần chúng”


19.2.16

Ngày 25 tháng 2 tới đây, Phi Luật Tân sẽ kỷ niệm  đúng 30 năm cuộc cách mạng thường được mệnh danh là “Sức mạnh Quần chúng” (People Power Revolution). Ngày 25 tháng 2 năm 1986 đã có gần 2 triệu người dân Phi, không có tấc sắt trong tay, đã xuống đường để lật đổ nhà độc tài Ferdinand Marcos.
Đây là một trong những cuộc cách mạng đầu tiên được thế giới theo dõi qua màn ảnh truyền hình. Người lãnh đạo cuộc cách mạng, bà quả phụ Corazon “Cory” Aquino, mà người chồng, Thượng Nghị Sĩ Benigno Aquino đã bị sát hại ngay khi vừa đặt chân xuống Phi trường Manila sau một thời gian tự nguyện lưu vong tại Hoa Kỳ, đã đánh bại được một trong những nhà độc tài sừng sỏ nhất Á Châu để đưa Phi Luật Tân trở về con đường dân chủ.
Cuộc cách mạng ôn hòa này đã ảnh hưởng đến rất nhiều cuộc nổi dậy khác của người dân trên khắp thế giới để lật đổ các chế độ độc tài. Trong hai năm 1987 và 1988, cảm hứng từ cuộc cách mạng “Sức mạnh Quần chúng” ở Phi Luật Tân,  người dân Nam Hàn cũng đã đứng lên để lật đổ nhà độc tài Chun Doo Hwan. Năm 1988, người dân Miến Điện cũng đã xuống đường chống lại chế độ quân phiệt. Một năm sau đó, các sinh viên Trung Quốc cũng đã vượt qua sợ hãi để biểu tình một cách ôn hòa tại Quảng trường Thiên An Môn. Người dân Miến Điện và các sinh viên Trung Quốc đã không thể chống chọi được với dùi cui và họng súng của chế độ quân phiệt và cộng sản. Nhưng họ cũng đã chứng tỏ cho thế giới thấy được sức mạnh của dân chúng khi họ dám đứng lên chống lại các chế độ độc tài.
Theo dấu chân của người dân Phi và sự thành công trong cuộc cách mạng ôn hòa là cuộc nổi dậy của sinh viên Nam Dương trong hai năm 1997 và 1998. Sau hơn 30 năm cai trị với bàn tay sắt, Tổng Thống Suharto cũng đành phải nhượng bộ trước sức mạnh vũ bão nhưng ôn hòa của đám đông. Cách Phi Luật Tân đến cả nửa vòng trái đất, nhà văn Vaclav Havel, thần tượng cách mạng của người dân Tiệp trong cuộc nổi dậy năm 1989 và sau này lên làm tổng thống Cộng Hòa Tiệp dưới thời hậu Cộng sản, đã nói trong một cuộc viếng thăm Phi Luật Tân rằng cuộc cách mạng “Sức mạnh Quần chúng” của người dân hải đảo này đã mang lại niềm cảm hứng cho ông và những nhà bất đồng chính kiến ở Đông Âu dưới thời Cộng sản. Ngay cả khi nguồn gốc của cụm từ “Sức mạnh Quần chúng” có bị quên lãng đi nữa, người ta vẫn tiếp tục áp dụng nó cho những cuộc nổi dậy tại Serbia năm 2000, tại Georgia năm 2003 và nhất là gần đây tại Tunisia và Ai Cập hồi năm 2011 và tại Ukraine năm 2014.
“Sức mạnh Quần chúng” của người dân Phi đã trở thành biểu tượng của một cuộc nổi dậy tự phát và ôn hòa của người dân để lật đổ một chế độ độc tài. Trái với chủ trương cho rằng cuộc chuyển giao quyền hành và tiến tới dân chủ có thể đạt được nhờ những thỏa hiệp giữa những thành phần ôn hòa trong chế độ độc tài và phe đối lập ôn hòa, các cuộc cách mạng “Sức mạnh Quần chúng” cho thấy người dân có thể lật đổ chế độ độc tài và tiến thẳng đến dân chủ mà không cần phải thông qua một thỏa hiệp nào. “Sức mạnh Quần chúng” đã chứng tỏ rằng những thành phần đối lập ôn hòa có thể lật đổ một chế độ độc tài mà không cần phải có một cuộc cách mạng đẫm máu. Xét cho cùng, tự chúng, những cuộc cách mạng có thể diễn ra một cách dân chủ và ôn hòa.
Tuy nhiên, trong trường hợp Phi Luật Tân, cũng như tại nhiều nước khác, sau những cuộc cách mạng ôn hòa lật đổ các nhà độc tài, “Sức mạnh Quần chúng” lại dẫn đến một cuộc chuyển giao đầy xáo trộn. Vì khủng hoảng kinh tế và những khó khăn do một chế độ độc tài quá lâu để lại, chính phủ của Tổng thống Cory Aquino đã suýt bị lật đổ vì những cuộc đảo chính sau khi bà mở ra các cuộc thương thuyết với các phiến quân vốn đã quậy phá liên tục trong suốt thời kỳ thiết quân luật dưới thời Tổng Thống Marcos. Tại đảo Mindanao, Miền Nam Phi Luật Tân, các phiến quân Moro đã tranh đấu trong suốt 40 năm qua để thiết lập một Quốc gia Hồi giáo trong một đất nước có trên 85 phần trăm dân số theo Công giáo. Cuộc xung đột kéo dài trong 4 thập niên qua đã cướp đi mạng sống của trên 120 ngàn người. Mãi cho đến năm 2012, chính phủ Phi mới đạt được một thỏa hiệp hòa bình với các phiến quân Moro. Qua thỏa hiệp này, chính phủ Phi dành nhiều quyền tự trị hơn cho người Hồi giáo tại đảo Mindanao. Nhưng hiện nay chính phủ Phi vẫn còn phải đương đầu với một tổ chức Hồi giáo cực đoan có tên là Abu Sayyaf. Vốn có liên hệ mật thiết với tổ chức khủng bố Al-Qaeda, nhóm Abu Sayyaf vẫn liên tục mở các cuộc tấn công tại đảo Jolo, cũng nằm ở Miền Nam Phi Luật Tân.
Kể từ năm 1969, chính phủ Phi cũng phải đương đầu với một cuộc chiến tranh du kích do các phiến quân Cộng sản có tên là Quân đội Nhân dân (New People’s Army) phát động. Sau một loạt thương thuyết hồi tháng 2 năm 2012, chính phủ đã đạt được một thỏa thuận với các phiến quân Cộng sản. Tuy nhiên, giữa chính phủ và nhóm phiến quân này vẫn chưa có được một sự tin tưởng hoàn toàn.
Dưới thời bà Cory Aquino, kinh tế Phi rất  èo uột sau khi các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là từ Nhật Bản, đã chuộng những nước láng giềng ổn định hơn tại Đông Nam Á như Mã Lai và Thái Lan. May mắn cho Phi Luật Tân là người kế vị bà Aquino, Tổng Thống Fidel Ramos, một trong những tướng lãnh đã ủng hộ cuộc cách mạng “Sức mạnh Quần chúng”, đã kiểm soát được quân đội, tái lập ổn định chính trị và đưa ra nhiều cuộc cải tổ trong nhiệm kỳ tổng thống của ông từ năm 1992 đến năm 1998. Đây là thời kỳ kinh tế Phi Luật Tân được xem là khởi sắc nhất.
Tuy nhiên, ngay cả dưới thời Tổng Thống Ramos, Phi Luật Tân cũng vẫn không vượt qua được một số những căn bệnh trầm kha của xã hội như nghèo đói, bất bình đẳng, tình trạng y tế và giáo dục tồi tệ. Chính vì vậy mà vì bất mãn triền miên, đám đông nghèo Phi đã dồn phiếu cho một chính trị gia “dân túy” nhất trong lịch sử nước này là ông Joseph Estrada. Xuất thân là một tài tử điện ảnh chuyên thủ vai những anh hùng “trừ gian diệt tặc”, ông Estrada đã thu phục được đám đông quần chúng nghèo. Ông đã đạt được một chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1998. Được người dân gọi một cách thân mật là “Erap” (đọc trại từ chữ “pare” trong tiếng Phi có nghĩa là “bạn”), ông Estrada hứa sẽ luôn luôn là một người “bạn dân”, nhất là của người nghèo. Mặc dù đã làm những nỗ lực đáng kể để giúp dân nghèo và lãnh đạo đất nước vượt qua được cuộc khủng hoảng kinh tế tại Á Châu, ông Estrada đã không tránh khỏi những cáo buộc về cuộc sống thiếu đạo đức và nhất là tham nhũng của ông. Đây là những cáo buộc mà Giáo hội Công giáo, giới doanh nghiệp cũng như các nhà tranh đấu trong xã hội dân sự đưa ra. Hạ viện đã bỏ phiếu bãi nhiệm ông Estrada. Nhưng Thượng viện đã thất bại trong việc buộc tội ông. Do đó, được sự yểm trợ của quân đội, giới thượng lưu và trung lưu mới phát động một cuộc xuống đường cũng tại con đường EDSA, nơi đã từng diễn ra cuộc cách mạng “Sức mạnh Quần chúng”. Mặc dù vẫn tiếp tục được đa số dân nghèo ủng hộ, ông Estrada cũng đành phải từ chức. Phó tổng thống, bà Gloria Macapagal-Arroyo, lên kế vị, nhưng không được hầu hết mọi thành phần xã hội Phi ủng hộ.
Năm 2009, bà Cory Aquino, linh hồn của cuộc cách mạng “Sức mạnh  Quần chúng”, qua đời vì bệnh ung thư. Năm sau, con trai trưởng của bà, ông Noynoy Aquino quyết định ra tranh cử tổng thống. Ông được đa số cử tri Phi ủng hộ vì sự thanh liêm và quyết tâm giữ cho gia đình và bạn bè của ông không dính vào những tai tiếng của tham nhũng. Là một người độc thân, Tổng Thống Aquino lại càng tránh được những lạm dụng quyền hành và tham nhũng mà các đệ nhất phu nhân hay đệ nhất phụ nhân Phi thường mắc phải.
Kể từ năm 2010 đến nay, với mức tăng trưởng 6 phần trăm, kinh tế Phi Luật Tân được xem là tương đối ổn định. Một phần vì Tổng Thống Aquino đã không phải trải qua những cuộc đảo chính như những người tiền nhiệm của ông. Được tổ chức “Transparency International” (Minh bạch Thế giới) nâng lên trên bậc thang “trong suốt”, Chính phủ Aquino không những được giới doanh nghiệp và các tổ chức của xã hội dân sự Phi ủng hộ, mà còn được sự tín nhiệm của các cơ quan tín dụng và tổ chức viện trợ thế giới. Tuy nhiên, gần đây chương trình cải tổ của Tổng Thống Aquino lại vấp phải một số những chướng ngại như mua phiếu trong các cuộc bầu cử, tệ nạn buôn lậu ngày càng lan rộng, hạ tầng cơ sở nghèo nàn, phạm pháp gia tăng, hệ thống tư pháp lỏng lẻo và nhất là sự hoành hành của các tổ chức phiến quân Cộng sản và Hồi giáo tại Miền Nam Phi Luật Tân. Ngoài ra,  nghèo đói và thất nghiệp vẫn  tiếp tục gia tăng. Lâu nay kinh tế Phi Luật Tân vẫn dựa vào việc cung cấp dịch vụ và nhất là kiều hối của 10 phần trăm dân số đang làm việc ở ngoại quốc. Sản xuất nông nghiệp và kỹ nghệ vẫn còn trì trệ.
Phi Luật Tân sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 5 tới đây. Sau 6 năm tương đối được ổn định chính trị dưới thời Tổng Thống Noynoy Aquino, nay giới trung lưu và thượng lưu nước này lại bắt đầu lo ngại về cuộc vận động của một nhân vật cũng có khuynh hướng dân túy không kém gì  ông Estrada trước kia. Nhân vật này chính là đương kim phó tổng thống Jejomar C. Binay. Hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận, ông Binay đang đưa ra lá bài “dân nghèo”. Nhưng cũng như ông Estrada, ông Binay bị giới trung lưu và thượng lưu Phi cáo buộc về tham nhũng trong suốt thời kỳ ông làm thị trưởng Makati, trung tâm thương mại của thành phố Manila. Tuy nhiên, người nghèo vẫn ủng hộ ông vì không những ông xuất thân từ giới nghèo mà còn vì những chính sách an sinh xã hội dành cho người nghèo khi còn làm thị trưởng Makati. Ngoài ra, trong thời gian gần đây, với tư cách là phó tổng thống, ông Binay cũng đã đề ra nhiều chương trình trợ giúp người dân Phi đang làm việc ở nước ngoài cũng như các thành phần kém mắn trong xã hội Phi. Với nhiều chủ trương khác với chính sách của chính phủ, phó tổng thống Binay tự đặt vào thế đối lập với Tổng Thống Aquino. Phi Luật Tân có lối bầu cử “không giống ai”: tổng thống và phó tổng thống không đứng cùng một liên danh khi ra tranh cử! Trong rất nhiều trường hợp, phó tổng thống thường đứng vào thế đối lập với tổng thống.
Nếu ông Binay đắc cử tổng thống Phi, nhiều người lo ngại rằng rồi đây lịch sử cũng sẽ lập lại: một tổng thống được dân nghèo ủng hộ nhưng thiếu trong sạch rất có thể sẽ bị truất phế qua một cuộc cách mạng “Sức mạnh Quần chúng”. Trong khi cuộc cách mạng này đã trở thành niềm cảm hứng cho người dân tại nhiều nước trên thế giới, thì tại Phi Luật Tân, nó vẫn còn là một thứ vũ khí “nguy hiểm” được sử dụng để lật đổ một nhà lãnh đạo được chính dân chúng bầu lên.


(theo http://thediplomat.com/2016/02/philippine-people-power-thirty-years-on/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét