Chu Thập
10.06.11
Đi chơi “nhỏ” hay nói cho xôm
là du lịch bỏ túi thì tôi quyết định nhanh và không phải mất giờ chuẩn bị vì
không phải làm gì ngoại trừ coi lại xăng nhớt cho con ngựa già, thảy lên xe ít
mì gói nước uống, cần câu…là xong. Không cần “book” cái gì hết, cũng không cần
phải bẩm báo cho ai hết.
Thế nhưng nếu làm một chuyến
đi “lớn” có liên quan đến máy bay, khách sạn, tàu thuyền…thì câu chuyện có
khác. Với thời đại ‘online’ này, tôi hơi bị trục trặc. Đời có khi thật tréo
ngoe, cái dễ của người lại là cái khó của mình. Có nhiều thứ trong thời đại này
đứa con nít cũng làm được thì “ông già” này lại lúng túng. Chốn nhà quê như
tôi, dốt Internet là một thất bại mà không có Internet phải coi là một đại thất
bại, chẳng khác gì ‘cóc ngồi đáy giếng’…đóng.
Cái gì bây giờ cũng giao dịch “online” (trên mạng) mà tôi vẫn chỉ biết “to be
in line” (xếp hàng). Bởi vậy, hễ tính chuyện “đại sự” thì tôi lại phải làm phiền
xấp nhỏ cho mấy cái chuyện “online”. Phải công nhận là thấy tụi nó làm dễ ợt mà
ham. Không đầy vài tiếng đồng hồ, cũng không cần chờ đến giờ hành chánh để giao
dịch, email của tôi hiện lên đầy đủ mọi giấy tờ cần thiết. Tôi chỉ việc in ra,
theo đó mà thi hành là có một chuyến đi vui vẻ.
Nhờ hoài mà không thử tập làm
một mình tôi thấy cũng tự ái. Vả lại tôi coi có vẻ cũng…dễ ăn. Vì vậy, chuyến
đi sắp tới tôi tuyên bố sẽ chuẩn bị mình ên. Muốn chắc ăn, tôi kêu một đứa ngồi
bên cạnh trong khi mua vé máy bay trên mạng. Trót lọt! Thừa thắng xông lên, tôi
tự mình đọc các quảng cáo phòng trọ nơi xứ lạ quê người rồi cũng bắt chước lần
trước, điền vào những ô trống có sẵn, cung cấp chi tiết cá nhân, trả tiền đàng
hoàng rồi nhấn “submit”. Xong xuôi cũng thấy hiện lên hai chữ “cám ơn”, tôi
khoái chí mở mail ra chiêm ngưỡng thành tích thì…Chẳng hiểu sao đã đọc đi đọc lại
mọi chi tiết mà cuối cùng cái ngày tôi điền vào hoàn toàn trật lất. Thế là lại
phải cầu cứu. Chuyện ngắn biến thành chuyện dài. Sau lần đó, tụi nhỏ lên mặt,
nói tôi chưa thể “độc lập” để giao dịch online, vẫn cần có người “kèm trẻ”.
Rồi thì mọi thứ cũng chuẩn bị
xong (dưới sự giám sát) cho một chuyến đi. Tôi chỉ còn phải chuẩn bị thực phẩm
cho gà vịt, dặn dò người hàng xóm bằng một cái list đầy đủ chi tiết những việc
cần làm là có thể yên tâm đánh một giấc chờ trời sáng đáp xe lửa ra phi trường.
Háo hức không ngủ được tôi ngẫm nghĩ: chuẩn bị đi chơi kiểu “tiền online” quả
khác xa với “hậu online”. Tôi chưa quen với kiểu này nên cảm giác trồi sụt lung
tung. Nhưng nếu chuẩn bị xong xuôi thì chuyến đi có vẻ trở nên dễ dàng, an toàn,
không lệ thuộc người khác và nằm trong ngân quỹ hơn. Như mọi người, tôi thích
có được những bất ngờ lý thú khi đi chơi bao nhiêu thì lại sợ cái cảnh ‘có biết đâu niềm vui đang nằm trong thiên
tai’ bấy nhiêu. Thế nên, tôi thấy “chịu đèn” với những sắp xếp, chuẩn bị
chu đáo mà các dịch vụ “online” mang lại. Dù chưa đủ bản lĩnh lăn vào chốn ta
bà để chọn những thứ “tốt nhứt mà rẻ nhứt”, tôi thấy mình cũng bớt lạc hậu một
chút. Nó cũng làm cho niềm háo hức sắp được đi chơi cố hữu trong tôi tăng thêm.
Một chuyến du hành tới một không gian mới đang chờ đợi tôi.
Những ngày chờ đợi lên đường
cũng háo hức và có khi còn vui hơn cả cuộc hành trình và điểm đến. Nhớ lại thời
trung học, xa nhà, cứ mỗi lần đến kỳ thi nghỉ giữa khóa hay nghỉ hè là lên ruột.
Vừa lo vừa háo hức. Nhứt là cái đêm chờ sáng để lên đường về nhà sau những
tháng ngày xa cách. Vui đến nỗi không thể chợp mắt. Dường như sự chờ đợi cái
đang đến làm cho chúng ta vui hơn là khi mình đã chiếm hữu được nó.
Mặc dù chân có đường chỉ du lịch,
tôi biết mình chẳng bao giờ có thể đạt được thành tích của vị giáo hoàng quá cố
Gioan Phaolo II: trong 25 năm làm thủ lãnh Giáo hội công giáo đã đi lại vòng
quanh thế giới nhiều hơn bất cứ nhân vật lịch sử nào. Tôi cũng chẳng dám so
sánh với đương kim bộ trưởng ngoại giao Úc Kevin Rudd: chưa đầy một năm đã thực
hiện những chuyến công du mà tổng cộng chiều dài cũng đã bằng khoảng cách từ
trái đất lên mặt trăng. Nhưng nếu so với mấy ông bạn chăn trâu giờ này vẫn còn
là dân cày ở cái làng quê chó ăn đá gà ăn muối, thì quả thật tôi là một ông
hoàng du lịch. Mấy ông bạn của tôi dường như quanh năm ngày tháng chỉ biết có mỗi
một lộ trình: sáng ra ruộng tối về nhà trên một đoạn đường đất dài không quá một
cây số. Cùng lắm thỉnh thoảng một vài người cũng làm một chuyến gọi là đi xa để
thăm con cháu. Nhưng xa lắm cũng chỉ là Sài Gòn hay Hà nội là cùng. Kiến thức về
con người, địa lý và lịch sử, có thể tôi hơn mấy ông bạn của tôi vì tôi đã đi
được khá nhiều “ngày đàng”. Nhưng liệu có dám nói rằng tôi có nhiều “sàng
khôn”, có cuộc sống hạnh phúc, thanh thản và bình an hơn mấy ông bạn của tôi
không? Tôi tin rằng họ có được niềm vui mà tôi đã đánh mất: đó là niềm vui được
sống cuộc sống thanh đạm, hưởng những thú vui nhàn tản, đơn sơ trước mắt như cảnh
đồng ruộng bao la bát ngát quanh năm ngày tháng, được khề khà bên ly rượu đế với
con cá lóc nướng trui, con chuột đồng thui, được ngồi lim dim thả cần câu bên
con sông nước trong vắt hay đêm nằm nghe tiếng ếch nhái kêu. Chân đã đóng cái
thứ phèn mà chẳng có nước nào có thể tẩy xóa, giọng nói quê mùa mà có cố gắng sửa
cách mấy cũng để lòi cái đuôi “đồng chua nước mặn”, cho nên tôi không thể nào
quên được những cái thú nhà quê ấy. Bây giờ, ở đâu và đi đâu, nhứt là khi tuổi
già cứ sồng sộc đến, tôi lại càng thấy những kỷ niệm ấy trồi lên một cách mãnh
liệt. Càng trân quý những kỷ niệm ấy, tôi lại càng thấy tiếc nuối những gì mình
chưa kịp hưởng thì nó đã đi qua và chẳng bao giờ trở lại. Quả thật, “không ai tắm hai lần trong một dòng sông”.
“Nước sông là thời gian, thời gian trôi
đi không bao giờ lấy lại được nữa. Ví như nước sông dù có một lúc nào đó ngừng
lại đợi ta trở về nhẩy xuống, thì ta trở về cũng không còn là ta thủa trước. Ta
đã đổi thay rất nhiều rồi.” (Trần Mộng Tú, Ba Mươi Sáu Năm Sau, Việt luận
20/5/11)
Tưởng may mắn hơn người vì có
đường chỉ du lịch trên bàn chân, thực ra tôi cũng chỉ là người đứng núi này
trông núi nọ. Cái hiện tại và đang có, tôi không lo hưởng thụ cho ‘tới bến’ mà
chỉ ngóng trông cái chưa đến và có khi không bao giờ đến.
Thời trung học, tôi thích câu
ngạn ngữ Pháp “Un tiens vaut mieux que
deux tu l’auras” (thà có một đồng trong tay còn hơn hai đồng chưa có). Bây
giờ nhìn lại cuộc đời đã xanh rêu, tôi thấy mình đã đánh mất quá nhiều cái đang
có để chạy theo những chiếc bóng.

Sau cuộc giác ngộ ấy, Eckhart
Tolle bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm của mình và làm cố vấn tâm lý cho nhiều người.
Năm 1995, sau nhiều lần viếng thăm Canada, ông đã quyết định sang định cư tại
nước này. Ông hiện đang sống với vợ tại Vancouver, Britisch Columbia.

Quả thật, chỉ có sống giây
phút hiện tại một cách sung mãn con người mới có được sự bình an trong tâm hồn.Trong
cuốn sách có tựa đề “Peace in Every Step”
(an bình trong mỗi bước đi), tác giả Nhất Hạnh đã viết: “Mỗi buổi sáng, khi chúng ta thức dậy, chúng ta có hai mươi bốn giờ mới
để sống. Thật là một món quà quý báu! Chúng ta có khả năng sống như thế nào để
hai mươi bốn giờ này mang lại an bình, vui tươi và hạnh phúc cho chúng ta và
cho người khác. An bình đang hiện diện ở đây và bây giờ, trong chúng ta và
trong mọi sự chúng ta làm và thấy…Chúng ta không cần phải đi đâu xa để hưởng bầu
trời trong xanh. Chúng ta không cần phải rời bỏ đô thị hay khu xóm của chúng ta
để chiêm ngưỡng đôi mắt của một đứa bé xinh đẹp. Ngay cả không khí chúng ta hít
thở cũng có thể mang lại cho chúng ta niềm vui.”
Theo đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà
lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, sự biến đổi nội tâm của mỗi cá nhân là điều
khó thực hiện, nhưng đó là con đường duy nhứt để mang lại hòa bình cho thế giới.
Ngài nói: “Bình an trước tiên phải có
trong tâm hồn mỗi người. Và tôi tin rằng tình yêu, sự cảm thông và lòng vị tha
là nền tảng cho hòa bình. Một khi những đức tính này được phát huy trong một cá
nhân, thì người đó sẽ tạo được một bầu khí an bình và hài hòa. Bầu khí ấy sẽ tỏa
lan từ cá nhân đến gia đình, từ gia đình đến cộng đồng và ngay cả đến toàn thế
giới”.
Suy ngẫm về những lời khuyên của
những bậc thày tinh thần trên đây, tôi thường tự nhủ: nếu như đã không tìm ra
được một lối sống an bình và hạnh phúc thì “đi
đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Đâu cần phải đi đâu xa để tìm kiếm niềm
vui, hạnh phúc và sự bình an, bởi lẽ nó nằm ngay trong ta, ngay trong giây phút
này đây và ở ngay đây. Tôi đã từng nhìn thấy những người sánh vai nhau đi du lịch
nhưng cuối cùng chỉ dành thì giờ cho những cắn đắng, gây gỗ, bất hòa.
Nhớ lại chuyến đi Cruise từ
Sydney đến New Caledonia. Đây là chuyến “du hí” xa nhứt của tôi kể từ khi được
làm công dân Úc. Du khách trên chuyến tàu dường như không đợi đến lúc đặt chân
lên đảo mới “vui chơi”. Với đủ mọi thứ sinh hoạt, vừa bước xuống tàu thì cuộc
vui đã bắt đầu ngay từ sáng đến tối cho đến lúc trở về Úc. Tôi nhìn lại hải
trình ấy như hình ảnh của chính hành trình cuộc sống, xuyên qua đó, niềm vui đến
mỗi ngày và trong từng phút giây chứ không đợi đến lúc về đến bến bờ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét