16.9.16
Trong cuộc vận
động bầu cử tổng thống tại Phi Luật Tân năm 2016, ông Rodrigo Duterte, thị trưởng
Davao, đã cam kết nếu đắc cử, ông sẽ xóa bỏ tội ác, ma túy và tham nhũng trong
chính phủ nội trong ba tháng đầu tiên. Ông nói: cá trong Vịnh Manila sẽ được
nuôi dưỡng bằng xác của 100.000 tên tội phạm!
Trong một bữa
tiệc mừng chiến thắng tại Thành phố Davao, nơi ông đã làm thị trưởng hơn 20
năm, tổng thống đắc cử kêu gọi mọi công dân hãy trang bị súng ống để giết những
kẻ buôn bán ma túy. Ông nói: “Quý vị cứ thẳng tay nếu có súng, tôi đứng đàng
sau quý vị”.
Sau bài diễn
văn nhậm chức, một lần nữa ông Duterte cũng lập lại lời kêu gọi trên đây. Cuộc
chiến chống ma túy của tân tổng thống Phi được dân chúng cũng như Quốc hội hoan
nghênh nhiệt liệt.
Thật ra, điều
được gọi là những vụ xử tử bên ngoài tòa án, nghĩa là không thông qua một cuộc
xét xử nào, không phải là điều mới mẻ tại quốc gia hải đảo này. Theo Tổ chức Ân
xá Quốc tế, dưới thời cố Tổng thống Ferdinand Marcos, tức cho đến năm 1986, đã
diễn ra không dưới 3200 vụ xử tử ngoài tòa án như thế. Tuy nhiên, cường độ của
những vụ xử tử như thế ngày càng gia tăng kể từ khi ông Duterte tuyên thệ nhậm
chức tổng thống Phi.
Theo một bản
phúc trình của cảnh sát quốc gia Phi được Đài truyền hình Al Jazeera phổ biến,
tính từ ngày 1 tháng 7 đến 5 tháng 9 vừa qua, đã có 1.466 nghi phạm bị giết chết
trong những cuộc hành quân của cảnh sát. Ngoài ra còn có 1.490 người bị tình
nghi có dính líu đến ma túy cũng bị các toán dân phòng giết chết. Như vậy, chỉ
trong 2 tháng kể từ khi ông Duterte nhậm chức tổng thống, đã có trên dưới 3
ngàn người bị tình nghi có dính líu tới ma túy bị sát hại. Cũng theo phúc trình
của cảnh sát quốc gia, 15 ngàn nghi phạm khác bị bắt giữ và khoảng 686.000 người
tự ý nộp mình cho cảnh sát. Cảnh sát Phi cho rằng cuộc chiến chống ma túy, tuy
chỉ mới bắt đầu được 2 tháng đã thành công đáng kể: việc cung cấp ma túy bất hợp
pháp tại nước này đã giảm đi đến 90 phần trăm.
Metamphetamine
mà tiếng Phi gọi là “Shabu” là loại thuốc kích thích thông dụng nhất hiện nay tại
Phi Luật Tân. Trong khối các nước Đông Nam Á, Phi Luật Tân là nơi có tỷ lệ sử dụng
loại thuốc này cao nhất. Theo một cuộc thăm dò chính thức được thực hiện năm vừa
qua, có khoảng 1.8 triệu người Phi sử dụng thuốc này. Tuy nhiên, trong bài diễn
văn đầu tiên của ông, Tổng thống Duterte cho biết, dựa trên những dữ liệu của
Cơ quan phòng chống ma túy của Phi Luật Tân, hiện có tới 3 triệu người Phi nghiện
ma túy và con số này ngày càng tăng. Một số chính trị gia ủng hộ ông Duterte
còn cho rằng con số người nghiện ma túy tại Phi Luật Tân có thể lên đến 6.7 triệu
người.
Kể từ khi nhậm
chức tổng thống ngày 30 tháng 6 đến nay, ông Duterte đã thực hiện những cam kết
của ông. Tính trung bình, mỗi ngày có khoảng 36 người bị cảnh sát hoặc các dân
quân đeo mặt nạ bắn giết công khai mà không thông qua một cuộc xét xử nào. Mặc
cho Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ có lên tiếng cảnh cáo về hành động vi phạm nhân
quyền này, Tổng thống Duterte vẫn bình chân như vại. Không những thế, ông còn
lên tiếng nhục mạ tất cả những ai dám lên tiếng chỉ trích ông. Điển hình nhất
là việc ông có những lời lẽ xúc phạm đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon
cũng như Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Điều đáng lo
ngại nhất hiện nay chính là sự ủng hộ của dân chúng Phi dành cuộc chiến chống
ma túy của ông Duterte. Có đến 91 phần trăm dân chúng Phi ủng hộ chiến dịch bài
trừ ma túy này. Ông Duterte hứa sẽ ân xá cho bất cứ viên cảnh sát hay người nào
tham gia vào các cuộc xử tử ngoài tòa này.
Một cách nào
đó, Tổng thống Duterte cũng tự ân xá cho
chính mình. Ông đã đưa con trai và con gái của ông lên làm thị trưởng và phó thị
trưởng Thành phố Davao. Ông không chấp nhận bất cứ một cuộc điều tra nào về những
cáo buộc liên quan đến tài sản kết xù hiện nay của gia đình ông. Điều đáng sợ
hơn nữa là ông Duterte đe dọa sẽ dẹp bỏ hai ngành lập pháp và tư pháp nếu hai
cơ quan này cản trở các chương trình hành động của ông. Khi bị Chủ tịch Tối Cao
Pháp Viện chỉ trích, ông nại đến lý do an ninh để ban hành thiết quân luật. Trước
các lời chỉ trích, ông tuyên bố: “Cứ tin tôi đi. Tôi không màng đến chuyện nhân
quyền”.
Tung ra cuộc
chiến không khoan nhượng chống ma túy, Tổng thống Duterte cũng tuyên chuyến với
rất nhiều người trong cũng như ngoài Phi Luật Tân. Giáo hội Công giáo, vốn là
Giáo hội có đông tín hữu nhất tại Phi Luật
Tân, đã lên tiếng cảnh cáo về chủ trương xử tử không cần xét xử của ông
Duterte. Trong một bài giảng trong một thánh lễ dạo đầu tháng 8 vừa qua, Đức tổng
giám mục Socrates Villegas đã nói: “Tôi thật không còn tin nổi. Nếu quả đây chỉ
là một cơn ác mộng thì xin hãy đánh thức tôi dậy và cho tôi biết sự thật không
phải như thế. Tôi không thể chịu đựng được nữa”. Vị giám mục chủ tịch của Hội đồng
Giám mục Phi Luật Tân còn viết trên trang mạng riêng của mình: “Từ một thế hệ gồm
những người nghiện ma túy, lẽ nào chúng ta lại biến thành một thế hệ của những
tên sát nhân trên đường phố?”
Với số người
bị xử tử mà không cần xét xử, với số người bị bắt giữ và nhất là số người tự ý
nộp mình, cuộc chiến bài trừ ma túy của Tổng thống Duterte xem ra đã đạt được
thành công mỹ mãn. Tuy nhiên, liệu bạo lực có phải là liều thuốc tốt nhất cho
cuộc chiến này không?
Năm 2003,
Thái Lan phải đương đầu với một hợp chất đáng sợ gồm có methamphetamine và
caffeine. Thủ tướng lúc bấy giờ là ông Thaksin Shinawatra cũng đã tung ra một
cuộc chiến chống ma túy cũng quyết liệt như cuộc chiến đang diễn ra tại Phi. Chỉ
trong 3 tháng đầu sau khi ông Thaksin mở chiến dịch, đã có 2.800 người bị giết
chết. Những cuộc điều tra sau này cho thấy không có đến phân nửa số người bị giết
chết có dính líu đến ma túy và hàng ngàn người bị cưỡng bách phải trải qua những
chương trình cai nghiện không lành mạnh. Lúc đầu, cuộc chiến chống ma túy tại
Thái Lan xem ra rất thành công: cuối năm 2003, đã có trên 73 ngàn người bị bắt
giữ, trên 23 triệu viên thuốc có tên là “Yaba” bị tịch thu và 320 ngàn người
nghiện ngập tự nộp mình để được chữa trị. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó,
Bộ trưởng Tư pháp của Thái Lan, ông Paiboon Koomchaya đã phải thú nhận: “Cả thế
giới đều đã thất bại trong cuộc chiến chống ma túy, chứ không riêng Thái Lan”.
Ông cho biết: con số người sử dụng ma túy tại Thái Lan đã gia tăng. Một chỉ số
cho thấy cuộc chiến đã thất bại: con số tù nhân ngày càng gia tăng!
Liệu cuộc
chiến chống ma túy của Tổng thống Duterte có thành công không? Hiện nay chưa ai có thể đoán được. Chỉ biết rằng
cách hành xử của ông không khỏi gợi lại trong tâm trí nhiều người Phi thời tổng
thống Ferdinand Marcos, một nhà độc tài được ông Duterte ca tụng như một anh
hùng dân tộc. Với ông Duterte, Phi Luật Tân đang trở lại với thứ văn hóa mà một
giáo sư người Phi được mời giảng dạy tại đại học NYU Abu Dhabi là ông Miguel
Syjuco gọi là “văn hóa vô trừng phạt” (culture of impunity). Ông Duterte được mệnh
danh là “The Punisher” (kẻ trừng phạt). Trong thực tế, kẻ trừng phạt này không
những muốn đứng trên trên pháp luật để tự ân xá cho mình mà cũng nhắm mắt làm
ngơ trước vô số tội phạm của những tai to mặt lớn trong xã hội Phi. Nói cách
khác, trong xã hội Phi vẫn tồn tại những người đứng trên luật pháp.
Trước hết
hãy nhìn lại trường hợp cựu Tổng thống Joseph Estrada. Ông tài tử mà trình độ
văn hóa luôn bị dân chúng đem ra chế diễu cũng như có thành tích trăng hoa
không ai bằng này đã bị kết án tù chung thân vì tham lạm công quỹ đến cả 80 triệu
Mỹ kim. Vậy mà ông đã được người kế vị là nữ Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo
ân xá và hiện nay đang ngồi chễm chệ trên ghế thị trưởng của Thành phố Manila.
Ngoài ra bà con của ông, những kẻ ít nhiều có dính líu vào các thành tích tham
nhũng của ông đều hiện đang là thượng nghị sĩ và dân biểu quốc hội. Ngay cả một
tình nhân của ông hiện cũng đang làm thị trưởng của một đặc khu dưới quyền kiểm
soát của ông.
Cũng thế nữ
Tổng thống Arroyo cũng đã từng dính vào một danh sách dài những vụ tham nhũng
trong suốt nhiệm kỳ 9 năm của bà. Sau khi ngồi tù bà bị quản thúc tại gia. Vậy
mà đang lúc bị quản thúc tại gia bà vẫn được tái cử vào quốc hội. Vài tuần trước
khi Tối Cao Pháp Viện mà phần lớn thẩm phán đều do bà Arroyo bổ nhiệm tuyên bố
bà hoàn toàn trắng án, bà Arroyo đã được
chính ông Duterte ân xá. Mặc dù vẫn còn phải đối mặt với một cáo trạng khác về
tham nhũng và do đó bị cấm xuất ngoại, bà Arroyo vẫn được bổ nhiệm vào ghế phó
chủ tịch quốc hội.
Điển hình nhất
về thứ “văn hóa vô trừng phạt” này là gia đình cố Tổng thống Marcos. Sau cuộc
cách mạng thường được mệnh danh là “sức mạnh người dân” (people’s power) dạo
tháng 2 năm 1986, gia đình tổng thống đã bỏ nước chạy sang Hawaii. Họ mang theo
vô số tài sản mà cho tới nay chẳng ai ước tính được bao nhiêu và quốc gia cũng
chẳng lấy lại được đồng nào. Năm 1989, ông Marcos qua đời. Vợ ông, bà Imelda,
người phụ nữ thường được mệnh danh là đệ nhất phu nhân với 2000 đôi giày và con
cái họ đã hồi hương. Mặc dù có dính líu đến hơn 20 năm cai trị độc tài và tham
nhũng của ông, họ đã nhởn nhơ về nước và trở lại nắm giữ những chức vụ quan trọng
trong guồng máy cai trị. Trong cuộc bầu cử vừa qua, người con trai lớn của cố tổng
thống Marcos là ông Ferdinand Marcos Jr đã ra tranh cử chức phó tổng thống (tại
Phi Luật Tân, người ra tranh cử chức phó tổng thống không đứng chung liên danh
với người tranh cử chức tổng thống). Ông chỉ thua đối thủ của mình khoảng 200
ngàn phiếu. Mặc dù trên toàn quốc vẫn còn diễn ra những cuộc phản đối và các vụ
kiện về tội ác của cố tổng thống Marcos vẫn đang tiếp diễn, nhà độc tài này đã được chính tổng thống
Duterte xá giải và tên tuổi của ông đã được đánh bóng trở lại. Mới đây, ông
Duterte đã ra lệnh di chuyển cái xác ướp của ông Marcos từ một lăng tẩm có máy
điều hòa không khí ở phía bắc Manila về nghĩa trang của các bậc anh hùng dân tộc
để được tống táng với một nghi thức trang trọng nhất. Nhà độc tài đã từng ban bố
lệnh thiết quân lực và phạm không biết bao nhiêu tội ác trong suốt 2 thập niên
cầm quyền đã trở thành một anh hùng dân tộc.
Trong một
bài viết được đăng trên tạp chí Time số ra ngày 5 tháng 9 vừa qua, Giáo sư
Syjuco đã nhận định về chiến dịch bài trừ ma túy của Tổng thống Duterte bằng cách trích dẫn một câu nói của Thi sĩ La Mã
Juvenalis (thế kỷ thứ 2 trước công nguyên): “Ai sẽ canh phòng chính những kẻ
canh phòng?” (quis custodiet ipsos custodes?). Với câu nói này, có lẽ giáo sư
Syjuco muốn ám chỉ đến viễn ảnh của một chế độ độc tài mà Tổng thống Duterte muốn
áp đặt lên đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét