Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

Ánh mắt trẻ thơ


Chu Thập
26.8.16

Thế Vận Hội Rio de Janeiro đã kết thúc. Những kỷ lục mới, những hình ảnh của lễ nghi khai mạc và kết thúc Thế Vận Hội có lẽ vẫn còn đọng lại trong tâm trí nhiều người. Riêng tôi, lạ quá, trong những ngày vừa qua tôi chỉ nghĩ đến hình ảnh của cậu bé Syria ngồi bất động như một pho tượng trên một chiếc xe cứu thương. Cậu bé tên là Omran Dagneesh 5 tuổi này quả là một “thiên thần ở một nơi không có hòa bình”.
Trong một bài phóng sự dành cho Đài Truyền Hình BBC, nhà văn kiêm kiến trúc sư Mỹ gốc Syria, Lina Sergie Attar đã theo dõi và ghi lại những chuyển động của pho tượng sống ấy. Cậu bé ngồi trên chiếc ghế của xe cứu thương, hoàn toàn bất động. Cậu nhìn về phía trước mà không hề nháy mắt. Nhưng rồi bức tượng lại cử động. Cậu sờ vầng trán ướt đẫm máu me của mình, rồi nhìn hai bàn tay cũng vấy máu của mình. Sau một phút do dự, cậu bé chùi tay vào thành ghế, một cách vô tư như thể đang tìm kiếm một đồ chơi.
Một lần nữa thế giới lại sửng sốt về hình ảnh của một đứa bé. Hình ảnh của em đã tràn ngập trang bìa của tất cả những tờ báo lớn trên thế giới cũng như các trang mạng xã hội. Hình như gần đây cứ mỗi dạo cuối hè thì thế giới lại chú ý đến thảm kịch của Syria xuyên qua những hình ảnh của những đứa trẻ đang đau khổ. Cách đây 3 năm, thế giới đã nhìn thấy hình ảnh của những đứa trẻ bị nghẹt thở vì bom hơi ngạt tại vùng ngoại ô Ghouta của Thủ đô Damascus. Những đứa trẻ này trông chẳng khác nào những con búp bê bằng sành được xếp thành hàng dài để tô lên một lớp phấn sáp.
Cách đây một năm, thế giới cũng đã bị chấn động bởi  bức hình của một bé trai Syria khác tên là Alan Kurdi, chết đuối và trôi dạt vào một bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ khi cùng với gia đình vượt biển sang Hy Lạp như hàng triệu người tỵ nạn khác. Alan Kurdi đã trở thành biểu tượng của số phận của triệu triệu người tỵ nạn trên khắp thế giới trong năm 2015.
Cuối hè năm nay dường như biểu tượng ấy lại được kế tục trong “pho tượng” Omran Daqneesh. Nhưng tiếc thay, theo nhà văn Lina Sergie Attar, mỗi năm những hình ảnh như thế đã được hàng triệu triệu “dân cư mạng” “thích” (like) và tức khắc gợi lên cơn phẫn nộ,  lòng trắc ẩn, sự cảm thương cũng như thúc đẩy những cuộc quyên góp và trao tặng cho các tổ chức cứu trợ và từ thiện, nhưng chỉ vài tuần hay vài ngày sau đó, dưới ánh mặt trời chẳng có gì mới mẻ, mọi sự đều trở lại như cũ, người ta quên đi hình ảnh của thảm kịch của người dân Syria và trên 65 triệu người đang quằn quại trong các trại tỵ nạn trên khắp thế giới. Những cuộc không kích của Chính phủ Syria và Đồng minh Nga vẫn cứ tiếp tục trút xuống trên người dân vô tội. Tổ chức khủng bố “Quốc gia Hồi giáo” vẫn cứ tiếp tục hành hạ và tàn sát người dân trong những vùng họ kiểm soát. Số người chết ngày càng nhiều và cuộc khủng hoảng tỵ nạn ngày càng leo thang. Cộng đồng thế giới và Liên Hiệp Quốc cũng đành bó tay chào thua. Một năm nữa sắp kết thúc. Một mùa hè nữa lại đến. Rồi đây có lẽ một hình ảnh đau thương khác của trẻ thơ cứ đến hẹn lại xuất hiện.
Các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học, cảnh  người dân tan tác chạy trốn, những trái bom dội xuống, những cuộc tra tấn...kể từ năm 2011 đến nay, bất cứ một hành động tàn bạo nào của chiến tranh cũng đều trực tiếp ảnh hưởng đến trẻ thơ. Bởi lẽ tất cả mọi trẻ thơ như cậu bé Omran, kể từ lúc mở mắt chào đời với tiếng khóc cho đến nay chỉ biết có mỗi một thực tại  là chiến tranh. Đối với hàng triệu trẻ em chào đời và lớn lên trong cuộc nội chiến tại Syria, cuộc sống hàng ngày lúc nào cũng u ám, nhưng tương lai của các em lại càng ảm đạm hơn. Ở trong nhà, các em là mục tiêu của những cuộc không kích và hỏa tiễn. Sống trong những vùng bị bao vây, dù từ bên nào, các em cũng chỉ biết đói khát và bệnh tật. Cắp sách đến trường là điều chỉ có trong trí tưởng tượng của nhiều em. Còn nếu có được đi học thì trường học hay con đường dẫn đến trường lúc nào cũng có thể biến thành tử địa. Nếu cùng với gia đình trốn sang biên giới của một nước khác, rất có thể các em sẽ bị cưỡng bách phải lao động để giúp đỡ gia đình. Đó là chưa kể đến vô số những hiểm nguy đang chờ đợi trước mắt như chết chìm giữa đại dương, bị nhốt trong các trại giam...Và cuối cùng, nếu được may mắn đặt chân đến một nơi an toàn tại một nước khác ở Tây Phương, các em có thể trở thành nạn nhân của kỳ thị và ngay cả thù hận. Đi đâu, ở đâu các em cũng đều bị ruồng bỏ.
Đó là sự thật mà có lẽ “pho tượng sống” Omran Daqneesh muốn nói lên bằng cái nhìn thinh lặng và cam chịu của em. Em nhìn vào ống kính truyền hình. Em nhìn vào lương tâm của bất cứ ai nhìn em để nói lên chính sự thinh lặng của thế giới trước nỗi khổ đau tột cùng của trẻ con và người dân Syria cũng như tất cả mọi người tỵ nạn trên khắp thế giới. Gần gũi với Omran Daqneesh hơn cả có lẽ là số phận của trên 700 ngàn trẻ em Yemen đang chết dần chết mòn vì bom đạn và thiếu ăn trong cuộc chiến tranh vô nghĩa mà có lẽ thế giới gần như không muốn nhắc đến.
Kể từ ngày thứ Tư 17 tháng 8 vừa qua, khi bức hình của “pho tượng sống Omran Daqneesh” được phổ biến đi khắp thế giới, ánh mắt của cậu bé đã không ngừng theo đuổi tôi để tra vấn và cảnh cáo tôi về một trong những hiểm nguy khủng khiếp nhứt trong cuộc sống con người. Đó là thái độ dửng dưng, bất động, sự vô cảm và xem thường cái ác. Một cách nào đó, đó là cái chết của lương tâm. Đó là thông điệp mà có lẽ cậu bé Omran Daqneesh muốn gởi đến cho riêng tôi bằng cái nhìn thinh lặng của cậu.
Năm 1960, Adolf Eichmann, người được xem là kiến trúc sư của cuộc diệt chủng người Do Thái do Đức Quốc Xã chủ xướng trong thời Đệ nhị Thế chiến, đã bị cơ quan tình báo Do Thái Mossad bắt giữ và đưa về Jerusalem để xét xử. Trong chiến tranh, Eichmann được Hitler bổ nhiệm làm giám đốc đặc trách việc chuyên chở người Do Thái vào các trại tập trung. Ông là người phối hợp tất cả mọi chuyến xe lửa chở người Do Thái đến các lò sát sinh ở Đông Âu. Khi Đức Quốc Xã sụp đổ, Eichmann trốn sang Á Căn Đình, Châu Mỹ La Tinh. Tại đây ông làm đốc công trong một xưởng ráp xe Mercedes Benz của Đức. Ông hy vọng sẽ sống “yên lành” và vô danh  trong quãng đời còn lại.
Nhưng một người nổi tiếng như ông làm sao có thể qua mắt được cơ quan tình báo Mossad. Dù vậy, họ cũng đã phải bỏ ra suốt một  thập niên mới bắt được ông. Tháng 5 năm 1960, Eichmann đã bị bắt và dẫn độ về Jerusalem để chịu xét xử. Đây có lẽ là một trong những vụ án nổi tiếng nhứt của thế kỷ. Báo The New Yorker của Mỹ đã cử một phóng viên nổi tiếng là bà Hannah Arendt (1906-1975) đến Jerusalem để theo dõi và tường thuật về vụ án.
Hannah Arendt chào đời trong một gia đình Do Thái tại Wilhelmine, Đức năm 1906. Trong thời kỳ theo học thần học tại Đại học Marburg, bà đã từng gặp gỡ và làm quen với triết gia nổi tiếng Martin Heidegger. Năm 1933, bà bị cơ quan mật vụ Gestapo của Đức Quốc Xã bắt giữ vì tội thu thập tài liệu về cuộc tuyên truyền bài Do Thái. Bà trốn sang Paris, nhưng bị bắt lại và đưa về một trại giam ở Đức. Nhưng một lần nữa, bà đã may mắn đào thoát được và cùng với chồng di dân sang Hoa Kỳ và hành nghề ký giả. Năm 1951, bà đã cho xuất bản tác phẩm “Nguồn gốc của các chế độ toàn trị” (The Origins of Totalitarianism) trong đó bà so sánh Đệ tam Đế chế của Đức Quốc Xã với Chế độ Cộng sản của Stalin.
Cuộc xét xử đồ tể Eichmann được Ký giả Arendt theo dõi và tường thuật đã kéo dài 14 tuần lễ. Ông đã bị kết án với 15 tội ác chống lại nhân loại. Tháng 5 năm 1962, Eichmann đã bị treo cổ. Đây là vụ xử tử duy nhứt trong quốc gia Israel kể từ khi nước này được thành lập hồi năm 1948.
Bài phóng sự về vụ xét xử Eichmann do bà Arendt thực hiện có tựa đề “ Eichmann in Jerusalam: A Report on the Banality of Evil” (Eichmann tại Jerusalem: phóng sự về việc xem thường cái Ác). Kết thúc bài phóng sự, bà Arendtd đã để lại một thuật ngữ rất thường được nhắc đến mỗi khi nói đến cái Ác là “The Banality of Evil” (xem thường cái Ác). Theo nữ ký giả này, Eichmann đã phạm tội ác khi tham dự vào cuộc diệt chủng người Do Thái với tất cả ý muốn tự do và quyết tâm của ông. Sau Hitler, ông là nhân vật chủ chốt trong cuộc diệt chủng. Nhưng Ký giả Arendt cho rằng ông tham gia vào cuộc diệt chủng không vì theo chủ trương bài Do Thái, cũng chẳng vì ác ý và cũng chẳng vì bất cứ một ý thức hệ nào. Ông phạm tội ác chỉ vì muốn tuyệt đối tuân lệnh cấp trên là Hitler và vì muốn được thăng tiến trong sự nghiệp mà thôi. Hiểu một cách đơn giản về thuật ngữ  “xem thường cái Ác” của Ký giả Arendt, nơi đồ tể Eichmann không có khả năng phân biệt thiện ác, không có ý thức về tội ác hay đúng hơn, lương tâm hoàn toàn bị tê liệt. Ông có thể là một “quái vật” vì đã phạm tội ác tày đình, nhưng ông là một mẫu người bình thường như mọi người Đức bình thường khác, những người đang sống vui vẻ và hài hòa với những người láng giềng Do Thái, bỗng một hôm biến thành đồ tể để đi săn lùng họ.
Ngày nay, nếu muốn đi tìm những con người “xem thường cái Ác” như đồ tể Eichmann, có lẽ người ta chỉ cần tìm đến với tổ chức khủng bố “Quốc gia Hồi giáo”. Với tổ chức khủng bố này, bất cứ một con người vô tội nào cũng có thể là đối tượng để tàn sát và tàn sát bằng những cách thế mà có khi thế giới văn minh không dám tưởng tượng tới: lạnh lùng, dửng dưng, vô cảm như máy móc! Trước đây, tổ chức này “cực đoan hóa” thành phần thanh niên thiếu nữ. Nay như vừa mới xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ hay tại Iraq, những kẻ ôm bom tự sát để giết hại những người vô tội lại là trẻ con. Làm sao có thể tưởng tượng được trường hợp một chiến binh của tổ chức này tại Iraq đã cài bom vào cậu con trai mới 12 tuổi của mình và sai đi tự sát để giết hại những người vô tội?
Nghĩ đến điều mà ký giả Arendt gọi là “xem thường cái Ác”, tôi không thể không nghĩ đến một Tổng thống Assad của Syria và ngay cả một tổng thống Nga Vladimir Putin, những người đã có thể nhẫn tâm sai ném bom vô tội vạ xuống những khu dân cư ở Aleppo để tạo ra một pho tượng sống như Omran Daqneesh.
Dĩ nhiên, nói đến những kẻ “xem thường cái Ác”, trong một mức độ nào đó, tôi cũng nghĩ đến điều thường được gọi là thái độ “vô cảm” trong các xã hội cộng sản như Trung Cộng hay Việt Nam: vô cảm trước tội ác, vô cảm trước nỗi khổ đau của người đồng loại.
Nhưng càng ngắm nhìn “pho tượng sống Omran Daqneesh” tôi lại càng nghĩ đến chính mình và lời cảnh cáo của cậu bé với cái nhìn câm lặng này. Ánh mắt thơ dại ấy như trách móc tôi rằng trong cuộc sống, biết bao  lần tôi cũng đã “xem thường cái Ác” và nhứt là vô cảm trước nỗi khổ đau của người đồng loại.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét