Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

Cũng một kiếp người…


Chu Thập
12.02.13

Chúa nhựt vừa qua, đi lễ, tôi nghe vị linh mục mở đầu bài giảng một cách khác thường. Ông kêu gọi cử tọa hãy thử tưởng tượng đang tham gia một cuộc bầu cử chính trị. Họ sẽ chọn một trong 3 ứng cử viên với những đặc tính cá nhân như sau: ứng cử viên thứ nhứt là một “hũ chìm” tầm cỡ, mỗi ngày ông nốc cả chai Whisky, đó là chưa kể bia; ông thứ hai thì mắc phải tật ngủ li bì, mỗi ngày ông thức dậy sớm nhứt là lúc 10 giờ sáng; ông thứ ba là một con người đức độ, kỷ luật và chẳng hề vướng phải một tật xấu nào. Sau khi công bố lý lịch cá nhân của ba ứng cử viên trên đây, vị linh mục kêu gọi giáo dân hãy bỏ phiếu bầu chọn người nào họ cho là có khả năng và đức độ nhứt để lãnh đạo. Kết quả cuộc bỏ phiếu “tự phát” cho thấy phần lớn cử tọa đã giơ tay ủng hộ ứng cử viên thứ ba. Sau đó, vị linh mục mới tiết lộ danh tánh của ba ứng cử viên. Ứng cử viên có thành tích bê tha rượu chè không ai khác hơn là tổng thống Theodore Roosevelt (1858-1919), một trong những tổng thống nổi tiếng nhứt của Hoa kỳ trong thời Đệ Nhứt thế chiến. Ổng là vị tổng thống trẻ nhứt trong lịch sử Hoa kỳ và đồng thời cũng là tổng thống đầu tiên được trao tặng giải thưởng Nobel Hòa Bình.
Tôi không nghe rõ tên của ứng cử viên thứ hai; có lẽ cũng là một chính trị gia nổi tiếng trong lịch sử thế giới. Nhưng ứng cử viên thứ ba, người luôn sống theo kỷ luật sắt và xem ra trổi vượt hơn cả về đức độ, lại mang một cái tên mà nghe đến có lẽ ai cũng phải khiếp sợ: Adolf Hitler, tên đồ tể đã gây ra Thế chiến thứ hai và sát tế đến 6 triệu người Do thái trên khắp Âu châu. Thì ra, trong lịch sử nhân loại, có khi những con người yếu đuối, bất toàn, đầy dẫy những khuyết điểm lại viết được những trang sử vẻ vang. Trái lại, không thiếu những kẻ giả nhân giả nghĩa lấy bộ mặt đạo đức để lừa mị và che đậy những hành tung bạo ngược, vô đạo của mình.
Cách mở đầu bài giảng của vị linh mục không chỉ gây một ấn tượng mạnh khiến tôi đã chăm chú lắng nghe trọn bài giảng 10 phút. Nó cũng lay động và đảo lộn cách suy nghĩ theo lối “trông mặt mà bắt hình dong” của tôi. Tôi thấy mình dễ bị lóa mắt bởi những thứ hào nhoáng bên ngoài và nhứt là dễ bị đánh lừa bởi những bộ mặt đạo đức hơn là thực chất bên trong. Nếu sinh ra và lớn lên ở ngoài Bắc, có lẽ tôi cũng đã quỳ mọp xuống để tôn thờ con người suốt đời sống đạm bạc, hy sinh ở độc thân vì tổ quốc, đề ra một mẫu mực mà cho tới nay những người cộng sản Việt nam vẫn cứ tiếp tục ra rã đề cao như một “tấm gương đạo đức” để mọi người phải noi theo. Ông “đạo đức” đến độ, sau khi ra lệnh giết người hàng loạt trong vụ Cải cách ruộng đất, đã khóc ròng và lấy khăn lau nước mắt để phủi sạch trách nhiệm của mình trong tội ác. Ông “đạo đức” đến độ đã phát động được cuộc chiến “thần thánh” chống Mỹ cứu nước khiến cho bao nhiêu mạng sống của người dân hai miền phải bị tế sát trên bàn thờ xã hội chủ nghĩa. Có lẽ cũng như nhiều người ở ngoài Bắc, biết đâu tôi lại chẳng bỏ phiếu để không những bầu con người đó làm lãnh tụ mà còn tôn thờ thành thần tượng là khác.
Là con người phàm tục, tôi thấy mình thích đi tìm thần thánh ở giữa trần gian và trong khi đi tìm thần thánh, có lúc tôi không còn muốn chấp nhận thân phận yếu đuối của con người.
Mới đây, tôi lại cảm thấy sửng sốt đến gần như hụt hẫng khi nghe tin Đức giáo hoàng Benedictô XVI bất thần tuyên bố từ chức. Đây quả là một trong những biến cố lịch sử lớn nhứt trong thế kỷ 21 này. Cách đây hơn 5 thế kỷ cũng đã có một vị giáo hoàng từ chức. Chuyện giáo hoàng từ chức không phải là chuyện chưa từng xảy ra trong  Giáo hội vốn có đến 2 ngàn năm lịch sử và hiện đang qui tụ trên  một tỷ người. Giáo luật của Giáo hội này cũng có một khoản tiên liệu việc một đức giáo hoàng có thể từ chức. Nhưng vốn quen thuộc với danh xưng “Đức thánh cha”, tôi vẫn cứ nghĩ rằng một con người được phong “thánh” ngay từ trần gian này lẽ ra không được phép từ chức, tức tỏ ra yếu đuối, ngay cả về phương diện thể lý. Nhưng trong tuyên ngôn từ chức, vị giáo hoàng này giải thích rằng ngài buộc phải từ chức vì thấy mình không còn đủ sức khỏe, tức khả năng thể lý, để lãnh đạo Giáo hội nữa.
Trong những ngày vừa qua, các cơ quan truyền thông thế giới vẫn chưa cạn lời để ca tụng cũng như chỉ trích vị giáo hoàng mà nhiều người cho là “bảo thủ” này. Riêng tôi, tôi khâm phục vị giáo hoàng này. Ngài quả là một con người can đảm. Và sự can đảm cao cả nhứt chính là nhận ra mình là một con người yếu đuối, với sức lực và khả năng có giới hạn, cộng với tính bất toàn và có thể sai lầm của mình. Tôi không dám so sánh vị giáo hoàng này với người tiền nhiệm của ngài là Đức Gioan Phaolo II. Trong mắt tôi và dĩ nhiên, dưới ống kính của các cơ quan truyền thông thời đại, hình ảnh cuối đời của vị giáo hoàng người Balan đã làm cho mọi người ái ngại: đôi tay ngài lúc nào cũng run lẩy bẩy, hơi thở thều thào, nói hay đọc diễn văn một cách hết sức khó nhọc, bước đi lạng quạng…Có lẽ không thiếu những tiếng nói gợi ý cho ngài từ chức. Nhưng ngài vẫn một mực quyết tâm đi cho đến hết cuộc hành trình dương thế với niềm xác tín rằng nỗi đau đớn trong thân xác mà ngài đang trải qua là một sứ điệp về ý nghĩa của đau khổ được nhắn gởi cho con người thời đại. Tôi không dám phê phán một vị giáo hoàng đã được Giáo hội tôn phong lên bậc chân phước và nay mai sẽ được phong thánh. Nhưng hình ảnh của một Giáo hội mà một vị giáo hoàng già nua, bệnh tật, yếu nhược muốn giới thiệu với thế giới ngày nay không khỏi làm cho tôi ái ngại. Hình ảnh đó nhắc nhở cho tôi rằng dù ở ngôi vị nào, con người thì vẫn là con người với tất cả giới hạn của nó.
Trong khi ngưỡng mộ tài năng, đức độ của Đức Gioan Phaolo II, tôi lại càng khâm phục sự can đảm của Đức Benedictô hơn khi ngài lấy lý do tuổi tác và sức khỏe để tuyên bố từ chức.
Chuyện một vị giáo hoàng làm nên lịch sử khi tuyên bố từ chức lại càng củng cố tôi trong niềm xác tín: “Sai lầm là chuyện thường tình của con người”. Có sai lầm là bởi yếu đuối. Với niềm xác tín ấy, tôi luôn tự nhắc nhở không những chẳng phải tôn thờ bất cứ con người nào lên hàng thần tượng hay thần thánh mà còn phải tỏ ra cảm thông, độ lượng trước những yếu đuối và sai lầm của người khác.
Ý tưởng này đã âm ỉ trong tôi trong thời gian gần đây kể từ khi tin về sự ra đi của nhạc sĩ tài ba Phạm Duy được loan tải rộng rãi trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Có lẽ chưa có cái chết của bất cứ nhạc sĩ Việt nam nào đã tạo được nhiều âm vang cho bằng cái chết của nhạc sĩ Phạm Duy. Đã có không biết bao nhiêu bài viết và phản ứng về sự nghiệp và nhứt là nhân cách của người nhạc sĩ đa tài và cũng đa tình này. Khen cũng nhiều mà chê cũng không ít.
Tôi chẳng có tư cách nào để phê bình ông. Cả đời tôi chẳng bao giờ có tham vọng trở thành nhạc sĩ hay ca sĩ. Biết đủ 7 nốt nhạc để xướng âm và ngâm nga năm ba bài hát là quá sức rồi. Tôi cũng chẳng có bất cứ quan hệ hay kỷ niệm nào với nhạc sĩ Phạm Duy. Tên tuổi ông thì quá cao sang, tôi thì quá thấp bé. Nhưng cũng như hầu hết người Việt nam “baby boomer” (sinh sau thời Đệ nhị thế chiến), tôi hít thở không khí nhạc của ông. Tôi thích nhứt bài “Nha Trang ngày về” của ông, bởi vì nó gợi lên cho tôi nhiều kỷ niệm về thành phố biển nơi tôi đã sống nửa đời người trước khi vượt biên đổi đời. Tôi còn nhớ lần đầu tiên khi về lại Nha Trang sau gần 30 năm xa cách, tôi cũng ra biển, nghe sóng vỗ và ngân nga bài hát ấy, cho dẫu đó chưa phải là tâm tình của mình.
Tôi nhớ về nhạc sĩ Phạm Duy như thế đó. Tôi có theo dõi cuộc hành trình của ông: từ khu kháng chiến “dinh tê” về Hà nội, từ Hà nội trốn chế độ cộng sản để di cư vào Nam, từ Việt nam tỵ nạn sang Hoa kỳ và từ Hoa kỳ lại trở về Việt nam hồi năm 2005. Tại sao ông bỏ Mỹ để trở về Việt nam là nơi ông đã bỏ ra đi? Những người viết về ông đã đưa ra nhiều lối giải thích. Người thì bảo ông về Việt nam vì kế sinh nhai. Người thì nói ông về đó vì “tự ái”: tại sao bao nhiêu bản “nhạc vàng, nhạc sến, nhạc đồi trụy” của một số nhạc sĩ Miền Nam trước kia được chế độ cộng sản cho phổ biến, còn nhạc của ông thì không? Cũng không thiếu người bảo ông mò về Việt nam để kiếm “bồ nhí”. Chỉ có trời mới biết được những lý do sâu kín khiến người nhạc sĩ nổi tiếng đa tình này về nước “phục lụy” chế độ cộng sản.
Tôi chẳng dám làm thày bói để đoán mò hay phân tách gia để mổ xẻ tâm tư của ông. Tôi chỉ biết ông là một nhạc sĩ tài ba và nhạc của ông đã nuôi dưỡng tâm tình của tôi và của không biết bao nhiêu người Việt nam khác trong hằng bao nhiêu năm qua. Tôi chưa một lần tôn ông làm thần tượng. Với tôi, ông cũng chỉ là một con người và nhứt là một con người “yếu đuối”.
Tôi thưởng thức hay hát nhạc của ông cũng như đọc những bài thơ hay những tác phẩm văn chương của một số văn nghệ sĩ Miền Bắc trước khi họ đi theo hay bị bắt buộc phải đi theo chế độ cộng sản như Nguyễn Tuân, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên hay ngay cả Tố Hữu...Phải có những lúc để cho rượu điều khiển một Nguyễn Tuân mới có thể xuất đầu lộ diện với con người thật của mình: “Chính nhờ biết sợ mà tao sống cho đến ngày hôm nay”. Người ta không thể không cảm thông với con người nói lên lời ấy với những giọt nước mắt rơi lả chả “giọt rơi xuống đất, giọt rơi vào lòng”. Thật đáng khâm phục, bởi vì đó là một con người dám nhận mình đã sống một cách hèn nhát.
Có lẽ bất cứ ai nhắm mắt xuôi tay cũng đều để lại tiếc thương. Với nhạc sĩ Phạm Duy, tôi thấy “tiếc”. Tiếc quá. Giả như ông không trở lại Việt nam trong những năm cuối đời thì sự ra đi của ông sẽ để lại biết bao kính phục và thương nhớ nơi người Việt nam hải ngoại. Nhưng tôi vẫn thấy “thương” ông. Thương ở đây là “thương cảm” cho một kiếp người đầy truân chuyên, khi lên voi, lúc xuống chó. Xét cho cùng, cuộc đời của người nhạc sĩ tài ba này là cả một bí ẩn, bí ẩn như kiếp người mà mỗi người mang theo xuống mồ.
Trong một bài viết về nhà văn Mai Thảo, nhà phê bình văn học Nguyễn Mạnh Trinh có trích dẫn một bài thơ tứ tuyệt được khắc trên một bia mộ:
Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.
Tác giả giải thích: “Bài thơ nhan đề “Không hiểu”. Mở ra với cái hữu hạn của con người và đóng lại với cái vô hạn của cuộc sống. Có mấy ai thông kim bác cổ hiểu được tất cả sự việc? Dù, cả khi cuối đời, khi đã trải đủ ngọt bùi đắng cay của kiếp nhân sinh? Chỉ, khi đã nằm trong ba tấc đất, nhìn ngôi sao sáng để đọc được cái lẽ huyền vi của đất trời” (Nguyễn Mạnh Trinh, Mai Thảo: Tháng Giêng tưởng niệm, VL18/1/13).
Mỗi người, dù có thông minh, đĩnh đạc, tài ba đến đâu, cũng đều có những giới hạn và thiếu sót. Nhưng cuộc đời, dù là cuộc đời của những con người khốn khổ, nghèo hèn, mạt rệp, đần độn…cũng vẫn là vô hạn. Chính vì cuộc đời vô hạn mà “chẳng sao khi đã nằm trong đất, đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi” cho nên bao lâu còn sống ở dương thế, đứng trước những bất toàn, yếu đuối và lầm lỡ của người khác, chẳng có thái độ nào đúng đắn hơn là sự cảm thông.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét