29.7.16
Mới đây, tin
cô Qandeel Baloch, người được mệnh danh là “Kim Kardashian của Pakistan” bị một
người anh sát hại để bảo vệ danh dự gia đình, đã làm cả thế giới chấn động.
Với những bức
ảnh và băng hình gây tranh cãi, người thiếu nữ 26 tuổi này đã thu hút được một
đám đông đáng kể tại một quốc gia Hồi giáo bảo thủ. Nhưng tối ngày 15 tháng 7 vừa
qua, trong lúc đang ngủ trong nhà của cha mẹ cô tại Muzaffarabad, một khu ngoại
ô của thành phố Multan thuộc tỉnh bang Punjab, cô đã bị một người anh bắt đem
đi và siết cổ cho đến chết.
Sau khi bị bắt
giữ, Waseem Ahmed Azeem, tên sát nhân, đã dõng dạc tuyên bố rằng ông giết cô em
gái chỉ vì cô đã đưa lên Facebook những hình ảnh làm tổn hại danh dự của gia
đình.
Trong khi
nhiều người, nhất là những người tranh đấu cho nữ quyền tại Pakistan lên tiếng
ca ngợi cô Baloch như biểu tượng của sự giải phóng phụ nữ, thì cũng không thiếu
những người dùng các trang mạng xã hội để “ăn mừng” vì có thêm một phụ nữ được
sát hại để bảo vệ danh dự gia đình.
Theo Đài
BBC, hồi năm ngoái đã có khoảng trên 1000 phụ nữ bị người thân sát hại vì bị
cho là đã làm tổn thương danh dự của gia đình. Trong bản phúc trình hàng năm mới
đây, Ủy ban Nhân quyền Độc lập có trụ sở tại Pakistan cho biết có trên 900 phụ
nữ bị bạo hành về tình dục và khoảng 800 người đã tự tử hay toan tự tử. Trong
năm 2014, khoảng 1000 phụ nữ đã bị giết chết vì tay người thân để gọi là bảo vệ
danh dự gia đình. Phần lớn các nạn nhân hoặc bị bắn hoặc bị đánh đập cho đến chết.
Nhưng bị tạt át xít là điều rất thường xảy ra. Được chú ý nhiều nhất là trường
hợp bị ném đá đến chết của cô Farzana Parveen bên ngoài Tòa án Tối cao tại
Lahore hồi năm 2014. Người phụ nữ này đã tự động kết hôn ngược lại với ý muốn của
gia đình. Cha, anh, người anh họ và ngay cả người mà cô đã bị buộc phải đính
hôn với đã toa rập với nhau để giết cô.
Vấn đề giết
hại phụ nữ để bảo vệ danh dự gia đình tại Pakistan đã tạo cảm hứng cho một cuốn
phim tài liệu có tựa đề “A Girl in the River-The Prize of Forgiveness” (Một cô
gái trong dòng sông: Giá của sự tha thứ). Cuốn phim đã nhận được trao tặng giải
Oscar trong năm nay. Trong bài diễn văn nhận giải thưởng, đạo diễn của cuốn
phim, cô Sharmeen Obaid Chinoy nói rằng sau khi xem cuốn phim, Thủ tướng Nawaz
Shariff cho biết sẽ nỗ lực chấm dứt tệ nạn giết người vì danh dự gia đình.
Mặc dù Thủ
tướng Nawaz Sharif khẳng định rằng giết người thân để bảo vệ danh dự gia đình
là điều không hề có trong giáo huấn của Hồi giáo, nhưng trong thực tế phần lớn những tội ác như thế
không hề được mang ra xét xử.
“Giết người
vì danh dự gia đình” trong tiếng Urdu, ngôn ngữ chính thức của Pakistan, được gọi
là “Karo-kari”. Thoạt tiên, “Karo-kari” là từ dùng để chỉ những kẻ ngoại tình.
Về sau, ý nghĩa của từ này được nới rộng để nói đến nhiều hình thức khác nhau của
những hành động được xem là vô luân. Và hành động vô luân thì vô số kể: từ việc
ngoại tình đến việc từ chối không tuân thủ một cuộc hôn phối được gia đình dàn
xếp hoặc có cử chỉ lả lơi và ngay cả bị hãm hiếp. Không cần có đầy đủ chứng cớ
mới trở thành nạn nhân của những vụ giết người vì danh dự gia đình. Trong nhiều
trường hợp, chỉ cần bị nghi ngờ hoặc do một lời tố cáo vu vơ người phụ nữ cũng
có thể bị mang ra hành hình. Một khi người phụ nữ bị dán lên nhãn hiệu “kari”
thì những thân của chị tự cho mình có quyền sát hại chị và ngay cả kẻ ngoại
tình với chị để gọi là bảo vệ danh dự gia đình. Trong phần lớn các trường hợp,
nạn nhân của những vụ tấn công đều là phụ nữ và hầu hết những kẻ tấn công là đàn
ông trong gia đình hay ngay cả trong cộng đồng. Cũng không thiếu những trường hợp
người phụ nữ bị người nhà sát hại vì những lý do hoàn toàn không ăn nhập gì đến
danh dự gia đình như để giải quyết việc thừa hưởng gia tài, dàn xếp chuyện
tranh chấp trong gia đình hoặc ngay cả để bỏ vợ và cưới một người khác. Các tổ
chức bênh vực nhân quyền tại Pakistan đã không ngừng nhấn mạnh rằng các nạn
nhân thường là những phụ nữ muốn được kết hôn theo ý muốn của họ. Trong những
trường hợp như thế, các nạn nhân thường là những người đang nắm giữ trong tay một
số tài sản mà các thành viên nam trong gia đình không muốn để mất nếu người phụ
nữ lấy một người đàn ông bên ngoài gia đình.
Trong một bản
phúc trình được cho công bố năm 1999, Tổ chức Ân Xá Quốc Tế khuyến cáo rằng Chính
phủ Pakistan đã không tìm cách ngăn chận những vụ giết người vì danh dự gia
đình khi không cho mở các cuộc điều tra và trừng phạt thích đáng những kẻ sát
nhân. Theo các tổ chức bênh vực quyền phụ nữ,
người phụ nữ Pakistan bị xem như một vật sở hữu hay một thứ “danh dự của
gia đình” cần phải bảo vệ bằng mọi giá. Ý niệm này đã ăn sâu vào cuộc sống xã hội, chính trị và kinh tế của quốc
gia Hồi giáo này đến độ chính phủ nhắm mắt làm ngơ trước thảm trạng của các phụ
nữ bị người thân trong gia đình sát hại. Sở dĩ chính phủ Pakistan gặp khó khăn
trong việc thi hành luật pháp là vì có quá nhiều vùng được tự trị và cai quản bởi
những lãnh tụ cực đoan. Người dân trong những vùng tự trị này phải tuân thủ các
luật lệ địa phương hơn là luật của chính phủ liên bang. Các vụ giết người vì
danh dự gia đình thường xảy ra ở những vùng tự trị hơn các nơi khác. Tỉnh bang Punjab
là nơi có tỷ lệ giết người vì danh dự gia đình cao nhất nước. Tại những vùng tự
trị, các vụ giết người như thế thường cũng không được báo cáo và do đó cũng khó
được điều tra. Một lý do khác khiến các vụ giết người như thế không được báo
cáo và điều tra là vì không bị xem như tội ác. Những kẻ giết người được xem như
những người thi hành công lý và bảo vệ trật tự xã hội, trong khi đó nạn nhân lại
bị xem như những người phạm tội ác và gây xáo trộn trật tự trong xã hội. Thành
ra, giết người vì danh dự gia đình hoàn toàn đảo lộn ý niệm “phải trái”, “đúng
sai”, “thiện ác” trong xã hội Pakistan. Kẻ giết người trở thành nhà vô địch bảo
vệ công lý, còn nạn nhân trở thành tội phạm và bị tố cáo vì hành vi “tội ác”.
Cô thân cô thế trong một xã hội mà mình không có tiếng nói, nhiều nạn nhân của
những vụ tấn công và giết người vì danh dự gia đình không còn một chọn lựa nào
khác hơn là tự tử .
Như Thủ tướng
Nawaz Sharif đã khẳng định, Hồi giáo không hề đề cao hành động giết người vì
danh dự gia đình. Luật pháp Pakistan cũng không hề cho phép một hành động giết
người như thế. Tuy nhiên vì không tích cực cho điều tra và trừng phạt những kẻ
sát nhân, Chính phủ Pakistan đã không tìm cách ngăn ngừa hành động giết người
vì danh dự gia đình. Như bất cứ một kẻ sát nhân nào, những kẻ sát hại người phụ
nữ để bảo vệ danh dự gia đình lẽ ra cũng phải bị truy tố và đem ra xét xử.
Nhưng trong thực tế, cảnh sát và các công tố viên thường nhắm mắt làm ngơ trước
những hành động sát nhân như thế.
Sự thất bại
của Chính phủ Pakistan trong việc đưa ra những biện pháp thích đáng để chấm dứt
tệ nạn giết người vì danh dự gia đình nói lên phần nào sự yếu kém của guồng máy
cai trị, tình trạng tham nhũng và nền kinh tế èo uột của nước này. Khi không
còn tin tưởng ở chính phủ nữa, người dân thường chạy đến các truyền thống bộ tộc.
Tại một số vùng quê của Pakistan, người dân sống theo nguyên tắc “phép vua thua
lệ làng”: hội đồng bộ tộc gồm toàn đàn ông quyết định mọi chuyện và những quyết
định của họ có giá trị cao hơn luật pháp quốc gia. Quan niệm về công lý và cách
thực thi công lý trong các bộ lạc cũng thường được xây dựng trên bạo động.
Trên nguyên
tắc, Pakistan là một quốc gia cam kết tôn trọng và bảo vệ quyền của người phụ nữ.
Tháng 3 năm 1996, nước này đã phê chuẩn Công ước CEDAW (Convention on the
Elimination od All Forms of Discrimination against Women), tức Công ước về việc
loại trừ mọi hình thức kỳ thị đối với phụ nữ. Khi phê chuẩn Công ước này,
Pakistan cam kết sẽ loại trừ mọi luật pháp có tính kỳ thị và thiết lập những cơ
chế và tòa án để bảo vệ phụ nữ.
Đã có một số
dấu hiệu cho thấy Chính phủ Pakistan muốn tỏ ra tôn trọng Công ước về việc loại
trừ mọi hình thức kỳ thị đối với phụ nữ. Tháng 9 năm 2010, Bộ trưởng Tư pháp của
tỉnh bang Punjab đã loan báo rằng những tội ác chống lại phụ nữ, kể cả giết người
vì danh dự gia đình, sẽ bị đem ra xét xử theo Luật Chống Khủng Bố của quốc gia.
Trước đó, năm 2008, trước áp lực của quốc tế cũng như những tổ chức tranh đấu
cho nhân quyền trong nước, Pakistan đã thông qua một luật theo đó kẻ giết người
vì danh dự gia đình có thể bị tử hình hay bị tù 7 năm.
Tuy nhiên,
các tổ chức bênh vực nhân quyền và quyền của người phụ nữ, đã không tin tưởng rằng
luật nói trên được thi hành một cách nghiêm chỉnh. Bằng chứng là thay vì bị trừng
phạt, những kẻ sát nhân vẫn tiếp tục được tự do bằng cách trả một món tiền bồi
thường cho người thân của các nạn nhân. Sở dĩ có chuyện “bù qua cấn lại” một
cách dễ dàng như thế và kẻ sát nhân vẫn không bị trừng phạt là vì trong nhiều
trường hợp, gia đình của nạn nhân và gia đình của nguyên cáo cũng là một. Luật
pháp Pakistan vẫn tạo ra một kẽ hở để những kẻ sát nhân trong những vụ giết hại
vì danh dự gia đình thoát khỏi mạng lưới công lý một cách dễ dàng. Dạo tháng 3
năm 2005, Quốc hội Pakistan đã bác bỏ một dự luật nhằm củng cố luật pháp chống
lại việc giết người vì danh dự gia đình. Quốc hội đã tuyên bố rằng luật này
không hợp với luật Hồi giáo Sharia. Một năm sau, luật này được thông qua. Tuy
nhiên luật này có được triệt để áp dụng không là một chuyện khác.
Dạo tháng 3
vừa qua, sau khi cô Sharmeen Obaid Chinoy nhận giải Oscar vì cuốn phim tài liệu
“A Girl in the River: The Price of Forgiveness”, những vụ giết người vì danh dự
gia đình vẫn tiếp tục. Tại Lahore, Mohammad Rehmat đã giết cô con gái 18 tuổi của
mình chỉ vì cô không chịu cho biết trong 5 tiếng đồng hồ trước đó cô đã ở đâu
và làm gì. Ngày hôm sau tại làng Noorshah, Mohammad Asif đã bắn hạ hai cô em
gái chỉ vì không chấp nhận “lối sống” của hai cô.
Cuốn phim
tài liệu của cô Sharmeen Obaid Chinoy không những là tiếng nói của các nạn
nhân, mà còn là một thông điệp cho thấy phim ảnh có thể mở ra con đường cho sự
thay đổi xã hội trong một đất nước mà văn hóa và tôn giáo được sử dụng như một
vũ khí để nhục mạ và sát hại phụ nữ hơn là nâng cao phẩm giá của họ. Tiếc thay,
đối với nhiều người Pakistan hiện nay, gây ý thức để thay đổi xã hội vẫn còn bị
xem như một điều tối kỵ và có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét