Chu Thập
6.11.12
Cuộc bầu cử tổng
thống Mỹ đã được tôi theo dõi với tất cả say mê và hồi hộp chẳng khác nào Giải
Túc Cầu Thế Giới. Và cũng như nhiều người Việt tỵ nạn khác, trái tim tôi
nghiêng hẳn về đội Cộng hòa. Nghe ứng cử viên cộng hòa Mitt Romney chiến thắng
trong cuộc tranh luận đầu tiên, tôi mừng. Thấy ông thua điểm trong hai cuộc
tranh luận còn lại, tôi buồn. Tôi đi theo vết chân ông trong từng tiểu bang.
Rất dễ hiểu, tôi ủng
hộ Cộng hòa vì một lý do rất đơn giản: cũng như nhiều người Việt tỵ nạn khác,
tôi nghĩ một cách đơn giản rằng chỉ có Cộng Hòa mới “chống cộng”, chỉ có cộng
hòa mới dám làm dám chọi với mấy chế độ độc tài. Tôi phục lăn ông tổng thống cựu
tài tử đóng phim cao bồi Ronald Reagan: đứng trước bức tường Berlin chia cách
Đông và Tây Đức, ông dám nói thẳng với “đồng chí” tổng bí thư cộng sản Liên Xô
Mikhail Gorbachev: “Hãy đạp đổ bức tường này đi”. Chỉ có ông mới dám “tháu cáy”
anh cộng sản Liên xô khi đề ra cuộc chiến tranh không gian và buộc anh này phải
chạy đua cho đến lúc kiệt sức và té nhào mới thôi!
Tôi cũng hết sức cảm
phục khí phách của ông tổng thống cộng hòa “cao bồi Texas” George W. Bush. Chỉ
có ông mới dám thẳng thừng gọi đích danh ba nước “mất dạy” Iran, Irak và Bắc
Hàn là “cái trục Ma quỷ”. Và cũng chỉ có ông tổng thống cộng hòa này, liền sau
cuộc khủng bố 11 tháng 9 năm 2001, mới dám đưa quân sang xâm chiếm Irak và truy
lùng bọn khủng bố ở tận sào huyệt bên Afghanistan.
Thích cộng hòa,
cho nên dĩ nhiên tôi không thể chơi với mấy anh Dân Chủ. Tôi không mấy nể phục
cái ông tổng thống tài ba và đào hoa Bill Clinton. Dẻo miệng nói sao cũng được,
nhưng lại mang tiếng “bội thề” khi phải ra cung khai trước công chúng về chuyện
dan díu của mình với một cô tập sự viên trong Tòa bạch ốc. Tôi lại càng không
ưa cái anh Barack Obama ba hoa chích chòe, hứa hẹn đủ thứ mà xem ra chẳng làm
được gì cả. Ngoài ra, do những xác tín cá nhân, tôi dứt khoát không bỏ phiếu
cho ông, vì ông công khai ủng hộ hôn nhân đồng tính và cho phép phá thai.
Về chuyện ủng hộ Cộng
Hòa hay Dân Chủ trong cuộc bầu cử vừa qua, tôi đã có thái độ rõ ràng và dứt
khoát như thế. Nhưng nhìn lại, tôi mới thấy mình thật nông nổi. Có ông tổng thống
Mỹ nào trắng ra trắng và đen ra đen hẳn đâu. Nhiều khi ra tranh cử nói vậy, đến
lúc cầm quyền không phải vậy. Nhớ lại thời chiến tranh Việt nam. Rõ ràng là dưới
thời một tổng thống Dân chủ là Lyndon B. Johson mà quân đội Mỹ được ào ạt đưa
vào Việt nam. Ai bảo Dân Chủ không chống cộng? Thế rồi lại chính dưới thời một
tổng thống cộng hòa Richard Nixon mà Miền Nam Việt Nam đã bị bán đứng cho cộng
sản, sau khi ông tổng thống này sang tận Trung Cộng bắt tay với đồ tể Mao Trạch
Đông. Ai bảo Cộng Hòa triệt để chống cộng?
Tôi thấy các ông tổng
thống Mỹ, dù thuộc Đảng nào, cũng giống nhau hết. Ông nào cũng có thể nói một
cách trắng trợn như tổng thống Richard Nixon khi sang Trung quốc hồi năm 1972:
Hoa kỳ bắt tay với Trung Quốc là trước tiên vì quyền lợi của mình. Dù thuộc Đảng
nào, ông tổng thống Mỹ nào cũng vì nước Mỹ mà thôi, chớ hơi sức đâu mà để ý đến
mấy chuyện mà họ cho là bao đồng ở Việt nam của tôi!
Xét cho cùng, Cộng
hòa hay Dân Chủ có lẽ cũng chỉ là cái áo khoác bên ngoài. Bên trong cái áo khoác
ấy là gì mới là điều quan trọng và cái bên trong ấy thường là một điều “kỳ lạ”
khó hiểu.
Hai tiếng “kỳ lạ”
mà tôi sực nhớ đến là ngôn ngữ của một trong những vị tổng thống nổi tiếng nhứt
trong lịch sử Hoa kỳ là Abraham Lincoln. Tạp chí Time số ra ngày 5 tháng 11 vừa
qua đã dành nhiều trang để nói về ông tổng thống này. Theo tạp chí Time, trong
một số bài tự sự, tổng thống Lincolm đã tự mô tả mình như “một thanh niên kỳ lạ,
không bạn bè, vô học, không một đồng xu dính túi” khi ông rời bỏ làng mạc để gia nhập vào “thế giới” văn
minh. Chữ “kỳ lạ” được tôi dịch từ tiếng Anh “strange” do chính ông Lincoln xử dụng. Về sau, những nhà xuất bản
Toàn tập các tác phẩm của ông nhận thấy chữ này có thể gây ngộ nhận và lúng
túng chăng cho nên họ mới sửa lại thành “ stranger” , nghĩa là “người lạ”.
Kỳ thực, khi tự mô
tả như một người “kỳ lạ”, tổng thống Lincoln
thực sự muốn nói rằng ông là một người chẳng giống ai. Các đối thủ của ông đã tặng
cho ông một tên riêng chẳng thanh tao chút nào là “Gorilla” (Khỉ đột), bởi vì
người ông cao lớn lại có hai cánh tay dài quá khổ và cặp lông mày rậm rạp trông
chẳng khác gì khỉ. Vậy mà khi nói, giọng ông lại cao và the thé nghe chẳng hấp
dẫn chút nào.
Chính vì “kỳ lạ”
không giống ai mà vị tổng thống thứ 16 của Hoa kỳ này rất lạc lõng cô độc. Có
thể nỗi buồn vì cái chết của người mẹ trẻ và người em gái khó nguôi ngoai chăng
mà tổng thống Lincoln thích sống đơn độc hơn là đi vào thâm giao với người
khác. Luật sư đồng nghiệp của ông là ông William Herndon viết rằng ông “không
bao giờ có một người thân tín. Ông là con người trầm lặng và khép kín chưa từng
thấy”.
Sau khi tổng thống
Lincoln qua đời, nhiều người bắt đầu thu thập tài liệu để viết tiểu sử của ông.
Nhưng không có lấy hai người đồng ý với nhau về tính khí của vị tổng thống lừng
danh này. Người thì bảo ông là một con người đầy tham vọng. Kẻ khác lại cho rằng
ông không có chút mảy may tham vọng nào. Người thì quả quyết rằng ông là mẫu
người vui vẻ nhứt chưa từng thấy. Người lại nói rằng ông là người buồn bã nhứt.
Với người này, ông là người có một ý chí sắt đá.Với người khác, ông là người hầu
như chẳng có chút ý chí nào. Có người đề cao ông như một con người có trái tim
nhân hậu. Nhưng cũng không thiếu người tố cáo ông là một bạo chúa. Tác giả của
quyển tiểu sử đầu tiên về Abraham Lincoln là ông J.G Holland viết rằng con người
thật của ông chính là tổng hợp của những mâu thuẫn nói trên.
Chính vì những mâu
thuẫn này mà tổng thống Lincoln được lắm người ủng hộ và ca ngợi nhưng cũng bị
lắm kẻ dèm pha và tố cáo. Ông được ca tụng như một “Nhà đại giải phóng”, nhưng
đồng thời cũng bị chỉ trích như một kẻ kỳ thị chủng tộc. Ông được tung hô như một
vị anh hùng giải phóng người nô lệ nhưng cũng bị tố cáo như một dụng cụ của các
kỹ nghệ gia. Ông vừa được ca ngợi như một người xây dựng hòa bình vừa bị chê cười
như một kẻ gây hấn, được yêu mến vì tranh đấu cho tự do nhưng cũng bị chỉ trích
vì chống lại các quyền tự do dân sự.
Chính vì những mâu
thuẫn ấy mà tổng thống Lincoln được cả Cộng hòa lẫn Dân chủ đều ca ngợi. Cả hai
Đảng đều xem ông như một tổng thống vĩ đại của lịch sử Hoa kỳ. Từ cuộc đời và
tính khí đầy mâu thuẫn của ông, họ có thể học được bài học về “quân tử”. Một
thí dụ điển hình cho thấy tính quân tử của con người đày mâu thuẫn này là cách
xử đẹp của ông với một đối thủ là ông Edwin Stanton, người đã từng gọi ông là “con
khỉ khốn nạn có đôi cánh tay dài” . Mặc dù bị ông luật sư này luôn xem thường,
ông vẫn đặt ông ta ngồi vào ghế Bộ trưởng Chiến tranh.
Theo tạp chí Time,
tổng thống Lincoln cũng dạy cho các vị tổng thống tương lai đức tính nhẫn nhục.
Nhiều người chỉ trích ông đã chờ đợi quá lâu trước khi công bố tuyên ngôn bãi bỏ
chế độ nô lệ. Nhưng con người luôn nhẫn nhục chịu đựng này lúc nào cũng hành động
theo nguyên tắc “mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời”.
Cùng với sự nhẫn
nhục, ông cũng chứng tỏ một óc khôi hài cao độ. Tất cả những ai biết rõ ông đều
mô tả ông như một người dí dỏm. Chẳng hạn, khi có người tố cáo ông là người hai
mặt, ông liền trả lời: “Nếu tôi có hai mặt, bạn nghĩ tôi chịu mang cái bản mặt
này sao?”
Tựu trung, “kỳ lạ”
vẫn là từ diễn tả đúng nhứt cho con người và cá tính của tổng thống Lincoln.
Khi nhìn lại dung mạo của các vị tổng thống Mỹ mà tôi biết được, dường như tôi
thấy vị nào cũng “kỳ lạ” cả. Dù có thuộc Cộng Hoa hay Dân Chủ, mỗi ông đều có
thế giới riêng của mình; chẳng có ông nào giống ông nào.
Từ chuyện bầu cử tổng
thống Mỹ, suy nghĩ mông lung và lạc đề một chút, tôi cũng nhận thấy rằng “kỳ lạ”
không chỉ là thuộc tính của những vị tổng thống Mỹ, mà là đặc điểm của mỗi một
người có mặt trên hành tinh này. Ai cũng là một tổng hợp của những mâu thuẫn:
trong mỗi người đều có thiên thần và ác quỉ, trong mỗi người đều có thiện có
ác. Chính vì thế mà trên trái đất này, chẳng có ai là người “hoàn hảo” theo
đúng nghĩa. Mỗi người, vì là “cá nhân”,
cho nên đều là một thế giới đầy bí hiểm. Ông bà ta đã bảo: sông sâu còn có kẻ
đo, nào ai lấy thước mà đo lòng người!
Thiên thần và ác
quỉ hiện diện trong cùng một cá nhân, cho nên cuộc sống của mỗi người, xét cho
cùng, cũng là một cuộc song đấu liên lỉ giữa thiện và ác. Cuộc sống của cá nhân
và mối quan hệ với tha nhân sẽ tốt đẹp hơn khi sự thiện thắng cái ác. Chuyện kể
về một nông dân và một người thợ săn là hàng xóm của nhau. Người thợ săn nuôi một
đàn chó săn rất dữ tợn. Chúng thường nhảy qua hàng rào để rượt đuổi đàn cừu của
người nông dân. Có lúc nhiều con cừu bị thương tích nặng nề. Người nông dân liền
đem chuyện trình lên quan phủ. Sau khi lắng nghe câu chuyện, quan phủ bảo: “Ta
có thể phạt người thợ săn và bắt anh ta xích hoặc nhốt đàn chó lại. Nhưng anh sẽ
mất đi một người bạn và có thêm một kẻ thù. Anh muốn điều gì: một người bạn hay
một kẻ thù?”
Dĩ nhiên, người
nông dân chỉ muốn có bạn hơn là thù. Quan phủ liền hiến cho anh một cái kế rất
hay. Về đến nhà, anh bắt ba con cừu con tốt nhứt của mình và mang tặng cho ba cậu
con trai nhỏ của người thợ săn. Đám trẻ vui thích suốt ngày vì được quấn quít
bên mấy con trừu con. Để bảo vệ mấy con thú, người thợ săn liền làm một cái cũi
để nhốt đàn chó lại. Từ đó trở đi, đàn chó không bao giờ quấy rầy đàn cừu của
người nông dân nữa. Cảm kích trước cử chỉ đẹp của người nông dân đối với mấy đứa
con của mình, người thợ săn cũng đáp lễ và mang những chiến lợi phẩm sang biếu
người nông dân. Cứ thế, hai bên biếu qua biếu lại những gì họ có và dĩ nhiên đã
trở thành những người bạn tốt của nhau.
Chuyện đơn sơ
nhưng không thiếu phần thâm thúy. Nếu ai cũng biết chiến đấu chống lại cái ác
trong bản thân và khơi dậy điều thiện nơi người khác thì mối quan hệ giữa người
với người chỉ có thể tốt đẹp hơn mà thôi.
Cái thế giới “kỳ
lạ” của mỗi người cũng là một thế giới bí hiểm đầy huyền nhiệm. Con người có thể
đi mãi lên Hỏa Tinh để thám hiểm, nhưng chắc chắn sẽ chẳng có ai có thể đi vào
nội tâm sâu thẳm của người khác hay ngay cả của chính mình. Hiểu được chính
mình đã là điều khó, hiểu được người khác lại càng là điều bất khả thi hơn. Con người chỉ có thể đi vào cái thế giới “kỳ
lạ” của người khác bằng sự cảm thông mà thôi. Cảm thông là cùng chịu đựng, cùng
đau khổ với người khác vì những bất toàn và thiếu sót của họ.
Mọi thứ trên đời
này đều có thể mai một và qua đi. Nhưng tấm lòng cảm thông thì vẫn mãi mãi còn
đó. Cảm thông đưa chúng ta đi vào thế giới thâm sâu của người khác, hiểu hơn cái thế
giới “kỳ lạ” của chính mình và dĩ nhiên cũng làm cho chúng ta lớn lên trong
nhân cách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét