Chu Thập 10.11.2010
Có nhiều lý do
khiến tôi phải hạn chế việc xem truyền hình. Có lời khuyên của các nhà lãnh đạo
tôn giáo kêu gọi nên bớt xem truyền hình để dành nhiều thì giờ hơn cho sinh hoạt
gia đình hay đời sống tâm linh. Có lý do sức khỏe như: để được khỏe mạnh, “nên
đi ngủ sớm và thức dậy sớm”. Nhưng có lẽ lý do chính là vì tôi ghét các màn quảng
cáo trên truyền hình của Úc đại lợi. Đang xem một chương trình đầy thú vị, tức cành
hông chết được khi bị cắt ngang và cưỡng bách phải xem những trò quảng cáo nhảm
nhí, vô duyên và vô nghĩa. Nhưng mấy nhà làm quảng cáo nếu không lì lợm và trơ
trẽn như mấy ông cộng sản thì cũng rành tâm lý của người xem: họ bắt mình xem
mãi cho đến khi nhập tâm thôi.
Trong những màn
quảng cáo đã được nhập tâm có lẽ tôi thích nhứt là màn quảng cáo du lịch giới thiệu đảo Kangaroo
Island, bởi vì nó đã thực sự tác động trong tâm trí tôi, mặc dù tôi không bao
giờ chú ý đến xuất xứ và chủ ý của tác giả. Đó là cảnh một cặp vợ chồng trung
niên đang đi vội vã trên một bờ biển hoang vắng, thơ mộng. Bỗng có một nhân
viên “công lộ” với máy chụp hình tốc độ trên tay xuất hiện. Trái với lệ thường,
nhân viên này là một thanh niên có khuôn mặt hiền từ, dễ thương. Anh chận họ lại
và nhắc rằng đây là một nơi phải “nắm tay nhau mà đi khoan thai”. Sau đó, thay
vì ghi phạt, anh ta lấy giấy viết một lời cảnh cáo với nội dụng vắn tắt chỉ có
một chữ “Relax J!”.
Với vốn liếng
Anh ngữ “ăn đong” của tôi, mặc dù đã nghe từ này không biết bao nhiêu lần, tôi
vẫn thấy mình chưa nắm vững nội dung và cách sử dụng chính xác của nó. Tìm một
từ tương đương trong tiếng Việt thì tôi chịu thua. Lần cuối cùng tôi nghe từ
này là cách đây hơn một tuần khi tôi phải vào bệnh viện để chẩn đoán về chứng
chóng mặt. Thấy mặt tôi cứ nhăn nhó như “khỉ đột”, các bác sĩ và y tá luôn miệng
bảo tôi “relax”. “Relax” thế nào khi bụng dạ tôi cào cấu và đầu tôi thì quay cuồng.
Tức mình quá, về
nhà tôi bèn tham khảo ý kiến của “ông thầy” tôi trong quyển sách gối đầu giường
“Don’t Sweat the Small Stuff” (nhằm
nhò gì ba chuyện nhỏ). Tiến sĩ Richard Carlson, tác giả của cuốn sách, giải
thích: “Relax nghĩa là gì? Mặc dù nghe từ
này hàng ngàn lần trong cuộc sống của chúng ta, nhưng rất ít người thực sự hiểu
được ý nghĩa sâu xa của nó.
Khi
bạn hỏi người khác (như tôi đã làm rất nhiều lần) “relax” nghĩa là gì, thì hầu
hết đều trả lời rằng từ này chỉ điều mà chúng ta muốn hoãn lại cho tương lai:
như sẽ làm khi đi nghỉ hè, khi đi cắm trại, khi về hưu hay sau khi đã làm mọi
điều khác đã. Dĩ nhiên, điều này có nghĩa là, trong hầu hết mọi lúc khác, ta cứ
phải bị căng thẳng, giao động, vội vã và điên loạn. Rất ít người nhìn nhận điều
đó. Nhưng thực tế là như vậy. Phải chăng đây không là lý do tại sao nhiều người
trong chúng ta sống như thể cuộc sống lúc nào cũng lâm vào trường hợp “khẩn cấp”?
Phần đông chúng ta hoãn lại việc “thư giãn”...” (Richard
Carlson, sđd, trg 145)
Theo ông, cần phải
xem việc “thư giãn” như một trạng thái thường xuyên của tâm hồn hơn là điều
chúng ta hoãn lại để sẽ làm sau.
Giải thích trên
đây của tiến sĩ Richard Carlson tạm cho tôi một chút “relax”. Nhưng tôi cũng chưa thấy hài lòng lắm.Tôi bèn tra khảo một
tác giả quen thuộc khác là Lâm Ngữ Đường, với cuốn sách nổi tiếng “Một Quan niệm về Sống Đẹp” (bản dịch
Nguyễn Hiến Lê). Không phải là một chuyên gia tâm lý, nhưng dựa trên minh triết
Đông phương, nhứt là Lão Trang, ông đề ra một cách nhàn tản rất hợp với người Á
đông. Tôi đặc biệt thích cái cách ông viết về nghệ thuật nằm nghỉ trên giường. Theo
ông, rất ít người nhận được sự quan trọng của nghệ thuật nằm trên giường, mặc dầu
chín phần mười những phát minh lớn lao về triết học, khoa học đã xuất hiện
trong óc các nhà bác học khi họ nằm trên giường, hồi hai giờ hay năm giờ sáng.
Ông giải thích:
“Nghỉ ngơi trên giường là một thái độ về
thể chất và tinh thần. Ta cắt hết liên lạc với thế giới chung quanh, lui về thế
giới tâm tư của ta trong một tư thế nghỉ ngơi, bình tĩnh hợp với sự trầm tư. Có
một cách thích nghi, thư thái để nằm trên giường. Khổng Tử, một nghệ thuật gia
về lối sống, không bao giờ nằm thẳng cẳng cứng đơ như một cái xác ở trên giường
và luôn luôn nằm nghiêng, mình co quắp lại. Tôi cho rằng quắp chân lại mà nằm
là một lạc thú ở đời. Tư thế của cánh tay cũng là một điều rất quan trọng để
cho thân thể được khoan khoái và tinh thần được mẫn nhuệ…Nằm như vậy thì thi sĩ
nào cũng có thể làm được những câu thơ bất hủ, triết gia nào cũng có thể cải
cách được tư tưởng của nhân loại và khoa học gia nào cũng có thể tìm ra được những
phát minh đánh dấu một thời đại.” (Lâm Ngữ Đường, sđd, trg 175)
Theo tác giả Lâm
Ngữ Đường, nằm trên giường không chỉ là để nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt
nhọc hay để xả hơi sau một ngày tiếp xúc với đủ mọi hạng người, mà còn là một
cách để tự vấn lương tâm, để điều chỉnh và sửa đổi tính nết. Ông viết: “Thà mười giờ mới tới bàn giấy, bình tĩnh tự
chủ, còn hơn là tới đúng chín giờ hoặc sớm hơn mươi mười lăm phút để giám thị
nhân viên như một tên áp giải nô lệ hồi xưa, rồi nổi dóa lên về những cái lặt vặt.”
(sđd)
Tôi đã từng “ngủ
nướng”. Nhưng đạt được cái thái độ “thượng thừa” như tác giả đề ra thì chưa bao
giờ. Cho nên tôi cũng không thỏa mãn lắm với cái lối “relax” của ông.
Tôi liền gõ hai
chữ “relax” hay “relaxation” vào Google. Tôi lại lạc vào một rừng chữ nghĩa. Nhưng
nói chung, nội dung của các bài viết được đưa lên Wikipedia đều khẳng định rằng
cần phải biết cách “relax” để bảo đảm
cho sức khỏe, tìm lại đam mê, niềm vui và hưng phấn cho cuộc sống. Một tác giả
khẳng định: “Sức khỏe của bạn là trách
nhiệm của bạn.”
Sang phần tập “relax”, tôi thấy các tác giả đưa ra mấy
bước sau. Trước hết phải nhìn nhận rằng “căng thẳng” là điều tự nhiên và tốt
cho cuộc sống. Ít hay nhiều, ai cũng bị căng thẳng. Căng thẳng có thể khích thích
và mang lại động lực cho cuộc sống.
Sang bước thứ
hai là chuẩn bị “relax”, các tác giả
khuyên chúng ta rằng một khi đã nhìn nhận có những căng thẳng có tác hại tiêu cực
trên cuộc sống, lúc đó cần phải đối phó bằng “relax” và một trong những cách relax tốt nhứt là “đi ngủ”, bởi vì
trong lúc ngủ, tâm trí của chúng ta tiếp tục học được những điều mà chúng ta
không thể có được trong lúc bận rộn. Giấc ngủ phục hồi thân xác bằng nhiều cách
mà khi thức chúng ta không thể làm được.
Bước thứ ba là
phải thiết lập một thời khóa biểu và kỷ luật cho việc “relax”. Đến đây, khi đi vào chi tiết, các “chuyên gia” về “relax” nhắc nhở chúng ta về việc thực
hành các kỹ thuật “hít thở”: thở chậm lại, hít sâu vào bằng mũi, thở ra bằng miệng
và tập trung tư tưởng vào đó. Đây là cách tốt nhứt để có được sự bình tĩnh.
Cũng trong những chỉ dẫn chi tiết, các chuyên gia lại bảo chúng ta phải có kỷ
luật trong việc ăn uống: giảm đường, cà phê, chất béo và ăn nhiều rau quả, trái
cây v.v. và nhứt là tập thể dục đều đặn. Đây là cách thế tốt nhứt để giảm sự
căng thẳng.
Dĩ nhiên, các
tác giả cũng không quên khuyên chúng ta phải thường xuyên làm “vệ sinh tâm
trí” bằng cách tránh những cảm xúc tiêu
cực, suy nghĩ một cách tích cực và đừng tự trách mình quá đáng, hãy lên danh
sách những việc làm ưu tiên trong ngày, thực hành việc “thiền niệm”.
Ngoài ra, các
tác giả cũng gợi ý việc nuôi và chơi với thú vật nuôi trong nhà. Theo họ đây là
một trong những liệu pháp hiệu nghiệm nhứt để thắng vượt sự căng thẳng.
Những nghệ sĩ
còn cho chúng ta một lời khuyên lý thú khác về “relax”: Họ luôn phải “relax”
ngay trong những giây phút biểu diễn căng thẳng mà không ai nhận ra. Thật vậy,
làm sao một nhạc sĩ có thể biểu diễn mấy tiếng đồng hồ với những điệu nhạc du
dương mềm mại mà các bắp thịt trên tay, cổ và vai luôn trong trạng thái căng thẳng.
Một người thày dạy nhạc đã từng nhận xét: điều khó nhất để dạy cho một nhạc
sinh không phải là làm sao để xử dụng nhạc cụ nhưng mà là làm sao để có thể
chơi nhạc một cách “relax”. Một vài
phút thư giãn xen kẽ với tập trung làm việc là điều chúng ta có thể áp dụng từ
kinh nghiệm của các nghệ sĩ.
Tác giả nào cũng
nhìn nhận rằng “cười là liều thuốc tốt nhứt”. Y khoa giải thích rằng nụ cười
làm tiết ra chất endorphin là tố chất chống lại sự căng thẳng, giúp “relax” và nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống
không chỉ có “làm việc”.
Cuối cùng, quan
trọng hơn cả, cần phải thiết lập quan hệ tốt với người xung quanh.
Duyệt qua những
lời khuyên trên đây của bậc thức giả lẫn nhà chuyên môn, tôi cảm thấy được “an ủi”
phần nào vì hầu hết các kỹ thuật trên đây tôi đều đã và đang thực tập.
Về ăn uống, tôi
luôn theo một chế độ dinh dưỡng rất nghiêm túc: tôi giảm đường đến mức tối đa,
tôi không màng đến cà phê, thuốc lá hay rượu chè, tôi cũng không đụng tới gia vị
mặc dù lúc nào cũng thèm “nhỏ rãi”,
tôi ăn nhiều rau cỏ và trái cây; nói chung tôi chỉ xử dụng những thức ăn nào được
ghi chú “Low GI, Low cholesterol, Fat free”…Chế độ ăn uống của tôi còn “nghiêm
nhặt” hơn cả đề nghị của các chuyên viên về dinh dưỡng dành cho người cần kiểm
soát lượng đường trong cơ thể.
Tôi cũng tập thể
dục bằng nhiều cách như đi bộ và làm vườn. Đây là thời khóa biểu mà tôi ít bỏ
qua. Về hít thở thì từ lâu tôi cũng tập luyện theo phương pháp Yoga. Thiền sư
Thích Nhất Hạnh là một hướng dẫn viên tốt cho tôi rất nhiều trong điều này. Ngủ
thì khỏi nói, ngày nào tôi cũng cố gắng ngủ cho đủ tám tiếng đồng hồ.
Và dĩ nhiên,
theo lời khuyên của màn quảng cáo “relax”
trên, mỗi năm tôi cũng đi du lịch vài ba lần.
Nhưng xét cho
cùng, như tiến sĩ Richard Carlson đã nói, “relax”
phải được hiểu như là một trạng thái thường xuyên của tâm hồn hơn là những kỹ
thuật, dù có được thực hành một cách nhuần nhuyễn đến đâu. Trạng thái tâm hồn
đó, theo tôi nghĩ, chính là cái tâm bình an của con người và cái tâm bình an chỉ
có khi người ta có được những quan hệ tốt đẹp với người xung quanh.
Tôi có thể tập
luyện để có được một thân thể cường tráng, khỏe mạnh, nhưng tâm hồn tôi vẫn có
thể là một lò thuốc súng chứa đầy cừu hận. Có biết bao nhiêu lực sĩ như thế
trên võ đài, trên sân vận động.
Tôi có thể giam
mình vào một chế độ ăn uống kham khổ mà tâm hồn vẫn có thể sôi sục tham sân si
và bao nhiêu dục vọng khác.
Tôi có thể leo
lên đỉnh núi cao để thiền niệm mà tâm hồn vẫn cứ mãi bị giam hãm trong ích kỷ
hoặc vẫn bị ám ảnh bởi những khuôn mặt “khó ưa”.
Thật vậy, tôi
không thể nào “relax” bao lâu cái tâm
của tôi chưa được bình an. Và cái tâm của tôi chưa được bình an bao lâu quan hệ
của tôi với người xung quanh, nhứt là những người gần gũi thiết thân với tôi,
chưa được hài hòa.
Kinh nghiệm cho
tôi thấy rằng tôi cảm thấy vui vẻ, lạc quan, yêu đời và như vậy “relax” khi tôi thấy mình biết tôn trọng,
yêu thương và phục vụ những người chung quanh. Tôi biết rằng một hành động tử tế
dù nhỏ đến đâu cũng làm cho người khác vui và làm cho tôi vui hơn. Văn sĩ Mark
Twain nói rằng ông có thể “sống được hai
tháng bằng một lời khen tặng”. Mỗi ngày ra ngõ, gặp lũ trẻ chơi trên con đường
cụt phía trước nhà, có người khó chịu vì sự ồn ào và sự giao thông bị cản trở.
Riêng tôi, chỉ cần một cái vẫy tay chào của tôi được một nụ cười thân thiện của
lũ trẻ đáp trả, đủ làm cho tôi thấy thêm một ngày sống có ý nghĩa. Một cử chỉ tử
tế, nói như Scott Adams, dù nhỏ đến đâu, cũng giống như một hòn đá cuội ném xuống
mặt hồ, tạo ra một làn sóng vô tận.
Có vô số cử chỉ
để “relax”, nhưng không có cử chỉ “relax” đích thực nào mà không liên hệ đến
người khác. Cũng giống như “ngáp”, khi một người tỏ ra mệt mỏi và ngáp thì những
người khác đang hiện diện cũng sẽ ngáp “lây”. Khi chúng ta nhếch môi cười, chắc
chắn sẽ có nụ cười đáp lại. Thế là mọi người có thể cùng nhau “relax J!”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét