14/07/17
Tổ chức khủng bố Boko Haram, Nigeria, đã bắt giữ bé gái
Fatima của bà Fatsuma. Nhưng sau một năm bị giam giữ, em đã trốn thoát và hiện
đã đoàn tụ với gia đình tại một trại tỵ nạn dành cho những người phải di tản vì
cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố này. Người mẹ nói rằng đứa con gái 14 tuổi
của bà đã không còn một chút tin tưởng nào nơi bà nữa. Suốt ngày nạn nhân của
Boko Haram ngồi im thin thít. Nếu có phá vỡ sự thinh lặng thì cũng chỉ để bày tỏ
sự giận dữ mà thôi. Với bà Fatsuma, con gái bà đã hoàn toàn thay đổi. Bà tin rằng
chính vì bị Boko Haram buộc phải chứng kiến cảnh họ giết anh trước mặt mình
nhưng không được khóc mà trái tim của Fatima đã hoàn toàn bị chai cứng. Điều
đáng lo ngại nhất là để khuây khỏa, Fatima lại hát những bài ca của Boko Haram.
Boko Haram là một tổ chức hồi giáo cực đoan được thành lập
tại Maiduguri, đông bắc Nigeria, Phi
Châu năm 2002. Giải thích Kinh Coran của Hồi giáo một cách cực đoan và chống lại
văn minh Tây Phương, Boko Haram đã biến thành một lực lượng quân sự năm 2009,
kiểm soát được một vùng rộng lớn hơn cả nước Bỉ và cũng tự xưng là một “quốc gia
Hồi giáo”. Nhưng năm 2016, trước sự phản công của một liên minh quân sự, Boko
Haram đã mất dần lãnh thổ. Cuộc chiến do Boko Haram gây ra đã làm cho trên
20.000 người thiệt mạng. Nhưng vết thương do tổ chức khủng bố Hồi giáo này tạo
ra vẫn không bao giờ được chữa lành.
Vì không có những dữ liệu chính thức, hiện vẫn chưa biết
được có bao nhiêu đứa trẻ như Fatima đã trốn thoát khỏi sự giam giữ của Boko
Haram. Các tổ chức nhân đạo ước tính có đến hàng chục ngàn nạn nhân đã và đang
chịu khổ đau trong thân xác cũng như tinh thần vì bị bắt cóc, đầu độc và đối xử
dã man. Có những đứa trẻ chỉ mới 3 tuổi bị kéo ra khỏi giường ngủ và ném vào bao bố; những em 6 tuổi đã bị cưỡng bách phải
chứng kiến cảnh cha mẹ bị hành hạ và giết chết. Còn các thiếu niên thì lại bị bắt
phải cầm súng chiến đấu trong một cuộc chiến mà chúng hoàn toàn không hiểu là
gì.
Thế giới chỉ thật sự biết đến Boko Haram và tội ác của tổ
chức này vào đêm 14 tháng Tư năm 2014. Trong đêm đó, các chiến binh của Boko
Haram đã tấn công vào phòng ngủ tại một ký túc xá của một trường trung học ở Chibok và bắt đi
276 nữ sinh. Cuộc bắt cóc này đã làm phát sinh phong trào “Hãy đưa con gái
chúng tôi về” (Bring Back Our Girls), nhờ đó gây được ý thức trong cộng đồng thế
giới về số phận của những các nạn nhân của Boko Haram.
Ngày 6 tháng Năm vừa qua, sau 3 năm bị giam giữ, 82 trong
276 nữ sinh bị bắt cóc đã được Boko Haram trả tự do để đổi lấy 5 lãnh tụ của họ
bị Chính phủ Nigeria giam tù. Được về đoàn tụ với gia đình trong trại tỵ nạn
hay tại quê nhà, các em này vẫn không bao giờ có được cuộc sống bình thường.
Đây là tình trạng chung của tất cả những thiếu nữ nào đã từng bị Boko Haram bắt
cóc. Đón nhận các em trở về nhưng các cộng đồng vẫn chưa chuẩn bị đủ để đối phó
với những vết thương hầu như không thể chữa lành của các em. Hầu hết đều đã bị
đánh đập, bỏ đói và bị cưỡng bách phải tham gia vào các cuộc tàn sát diễn ra
như những nghi thức. Rất nhiều em bị hãm hiếp. Fatima vẫn sống mãi với những cơn ác mộng về những ngày em bị cưỡng bách phải
ném đá một cặp vợ chồng vì phạm tội ngoại tình. Em nói: “Tôi không muốn làm điều
đó. Nhưng nếu chúng tôi không ném đá, họ sẽ giết chúng tôi. Ngay cả khi bạn
khóc, họ cũng sẽ dùng báng súng để tống vào hông bạn”.
Hiện Chính phủ Nigeria đang dồn mọi nỗ lực vào việc ổn định
vùng đã từng bị Boko Haram kiểm soát và bảo đảm an ninh để 2 triệu người phải
di tản vì cuộc chiến có thể trở về nhà. Nhưng đối với những người đã từng bị
Boko Haram bắt cóc, nhà chưa hẳn là một mái ấm. Các cộng đồng của họ nhìn họ bằng
nửa con mắt vì xem họ như những cảm tình viên của Boko Haram hoặc ruồng bỏ họ
vì cho rằng trong thời gian bị giam giữ họ đã bị tẩy não. Bạn bè, hàng xóm và
ngay cả gia đình cũng chế nhạo họ như những “annoba”, tức cùi hủi. Đây là từ
thường được dùng để chỉ vi khuẩn Ebola vốn có thể lây lan cho bất cứ ai đến gần
các nạn nhân. Không được chữa trị, các nạn nhân bị Boko Haram bắt cóc sẽ không
bao giờ có thể tái hội nhập vào xã hội. Và dĩ nhiên nếu không cảm thông với nỗi
khổ đau họ đã trải qua, các cộng đồng cũng không bao giờ có thể đón nhận họ.
Một số chuyên gia tâm lý làm việc với những đứa trẻ đã từng
bị Boko Haram bắt cóc cho biết nhiều em hầu như trở thành câm điếc. Nhưng khi họ
mang đồ chơi đến thì các em bất thần có một phản ứng bạo động: các em vặn cổ
các con búp bê, còn các chiến xe nhựa thì các em đập nát. Sau vài tuần lễ làm
việc, các chuyên gia tâm lý mới hiểu rằng trong thời gian giam giữ các em, Boko
Haram đã đánh đập các em mỗi lần các em gây tiếng động. Các chiến binh của tổ
chức khủng bố này dạy các em sử dụng đồ chơi (dĩ nhiên của Tây Phương) là một
điều xấu. Bất cứ em nào bị bắt gặp đang cầm đồ chơi trong tay đều bị đánh đập
tàn nhẫn.
Một bé trai 12 tuổi bị giam giữ hơn 2 năm cho biết: tất cả
các em bị bắt cóc đều bị buộc phải học thuộc lòng Kinh Coran. Chỉ cần đọc sai một
chữ, các em cũng có thể bị đánh đập. Những lúc không phải học Kinh Coran, các
trẻ em trai phải đi do thám hoặc tải vũ khí. Còn các trẻ em gái thì phải đi lấy
nước, củi cũng như giặt quần áo.
Mỗi ngày các em phải tham dự các lớp học về các hình phạt:
từ trộm cắp đến phạm thượng, ngoại tình và bất tuân phục. Hầu như ngày nào các
em cũng phải chứng kiến 5, 6 lần xử tử. Một bé gái tên là Yakura đã bị bắt cóc
khi chỉ mới được 4 tuổi. Hai năm sau, em đã trốn thoát được. Yakura nói rằng em
không bao giờ có thể xóa bỏ khỏi trí óc hình ảnh của những cuộc xử tử. Theo các
chuyên gia tâm lý, ngày nào cũng phải chứng kiến những hình ảnh hãi hùng như thế,
trẻ con trở thành vô cảm trước bạo động và như vậy cũng thường dễ trở thành bạo
động; chỉ cần một cuộc cãi vã nhỏ nhặt cũng có thể đưa các em tới chỗ bạo động.
Các chiến bình Boko Haram thường buộc trẻ con phải giết chính cha mẹ mình nếu họ
bị tình nghi ủng hộ chính phủ. Một đứa trẻ có thể giết được cha mẹ mình thì
đương nhiên cũng có thể làm bất cứ điều gì.
Đại diện của Quỹ Nhi Đồng của Liên Hiệp Quốc UNICEF tại
Maiduguri cho biết nhiều trẻ em trai bị buộc phải cầm súng chiến đấu cho Boko
Haram. Bị tẩy não hay bị cưỡng bách, các em đành phải cầm súng tấn công vào
chính làng mạc và dân chúng. Ngay các trẻ em gái, một khi bị tẩy não, cũng trở
thành chiến binh của Boko Haram. Fatima G, một bé gái đã từng bị bắt cóc cùng một
lúc với Fatima, vẫn còn bị ám ảnh về việc nhiều người bạn của em đã bị Boko
Haram biến thành những người ôm bom tự sát. Thông thường những em này được đối
xử một cách đặc biệt và được đầu độc bởi hào quang sáng chói của “từ đạo”. Một
số được cho dùng ma túy. Fatima G chỉ biết được số phận của những người bạn của
mình khi nghe nói có những cuộc đánh bom tự sát và khi các chiến binh Boko
Haram mở tiệc ăn mừng. Nhưng cứ mỗi lần xảy ra một vụ tấn công tự sát do các bạn
của mình thực hiện, Fatima G chỉ biết thinh lặng cầu xin Thượng Đế cứu các bạn
của mình và các nạn nhân của họ. Em cho biết ít nhất 15 em trong số các bạn của
mình đã chết vì đánh bom tự sát. Theo lời khai của 82 nữ sinh Chibok được trả tự
do dạo tháng Năm vừa qua, có 11 em trong số 276 em bị Boko Haram bắt cóc đã bị
biến thành những trái bom tự sát. Tối ngày 25 tháng Sáu 2017 vừa qua, 6 thiếu nữ
đánh bom tự sát đã tấn công vào nhiều mục tiêu tại Maiduguri. 15 người thiệt mạng
kể cả các thiếu nữ đánh bom tự sát. Kể từ năm 2014 đến nay, Boko Haram đã sử dụng
ít nhất 117 thiếu nhi để thực hiện những cuộc đánh bom tự sát. Có trên 80 phần
trăm những em này là bé gái. Nhiều em chỉ mới 6 tuổi. Sở dĩ các bé gái được
Boko Haram dùng để đánh bom tự sát là bởi vì xã hội thường xem các em là những
thành phần vô hại cho nên ít khi chận lại để xét hỏi.
Sống dưới trướng của Boko Haram thì bị hành hạ, sử dụng để
đánh bom tự sát và nhất là bị hãm hiếp, nhưng trốn thoát hay được trả tự do để
về đoàn tụ với gia đình và hội nhập vào cộng đồng cũng không yên. Đó là số phận
bi thảm của các bé gái bị Boko Haram bắt cóc.
Tất cả những bé gái hay thiếu nữ nào bị hãm hiếp hay bị cưỡng bách phải
lấy các chiến binh của Boko Haram đều bị gọi một cách khinh bỉ là “vợ của
Boko”. Các cộng đồng nơi họ trở về tái hội nhập thường ruồng rẫy họ vì cho là họ
đã ăn nằm với kẻ thù. Trở lại trường học thì mang mặc cảm, lập gia đình cũng
không xong, mà làm ăn trong làng cũng bị tẩy chay. Những đứa trẻ mang giọt máu
của các chiến binh Boko Haram lại càng bị
khinh bỉ hơn: cộng đồng và gia đình xem chúng như những đứa trẻ nguy hiểm và bị
phù thủy ám hại. Nhiều đứa trẻ chào đời trong một hoàn cảnh bất hạnh như thế
thường bị cộng đồng và đôi khi ngay cả
gia đình tìm cách sát hại.
Dada là một bé gái ở làng Banki, đông bắc Nigeria. Khi bị
Boko Haram bắt cóc em chỉ mới được 11 tuổi. Em đã bị cưỡng bách phải lấy một
chiến binh Boko Haram. Lúc đó em chưa hề có bất cứ một ý niệm nào về việc mang
thai. Em chỉ biết rằng chỉ vài tháng sau khi bị ép làm vợ người chiến binh này,
bụng em đã bắt đầu lớn dần. Em đã trốn thoát được khi bào thai đã được 8 tháng.
Trên đường chạy trốn, em đã sinh đứa bé và sau đó được đoàn tụ với gia đình tại
Maiduguri. Dada ôm con trong lòng chẳng khác nào một người chị gái ôm đứa em.
Em không dám trở về làng, vì sợ bị ruồng rẫy cũng như lo cho số phận của đứa
con. Giấc mơ trở thành cô giáo của em cũng tan thành mây khói. Em chỉ còn lại một
chút hy vọng là con mình được cắp sách đến trường. Em hứa với lòng là sẽ không
bao giờ tiết lộ cho đứa bé cha nó là ai.
Nhưng muốn hay không, cũng như Fatima và bao nhiêu nạn
nhân khác của Boko Haram, Dada sẽ chẳng bao giờ quên được cơn ác mộng về tổ chức
khủng bố Hồi giáo cực đoan này.
(theo Aryn Baker,
Boko Haram’s Other Victims, Time July 10/July 17, 2017)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét