Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2017

Mùa cá tháng Tư



Chu Thập
07.04.17
Buổi tối 31 tháng Ba vừa qua, đứng câu cá một mình trong một góc hồ, tôi nghĩ miên man đến “Cá tháng Tư”. Tôi học được cái trò nói dối và gạt gẫm vô hại nhưng dễ thương này kể từ khi bước chân lên bậc trung học hồi cuối thập niên 1950. Nói chung, trước năm 1975, cứ mỗi tối 31 tháng Ba, tôi thường nằm vắt tay lên trán để suy nghĩ và tìm cho bằng được một lời nói dối thật độc đáo để đánh  lừa người khác, thường là những tên ngây ngô dễ tin và dễ mắc bẫy nhứt. Thích thú  nhứt là khi chính mình bị một ông giáo sư gạt. Nhưng sung sướng hơn vẫn là lừa được một ông giáo sư. Có đau cách mấy thày trò cũng chỉ biết nhìn nhau để cười trừ mà thôi.
Là dân câu cá tôi vẫn thắc mắc không biết tại sao ngày tự do nói láo và gạt gẫm lại được gọi là “cá tháng Tư” (Poisson d’ Avril). Có người giải thích rằng sở dĩ cá được nhắc đến vào ngày đầu tháng Tư  vì đây là lúc chấm dứt thời gian chay tịnh của Kitô Giáo. Trong suốt 5 tuần lễ được gọi là “Mùa Chay”, cá phải là món ăn chính của các tín hữu. Dân hảo cá như tôi cứ đến “Mùa Chay” lại mang mặc cảm tội lỗi vì thấy mình chẳng có “chay tịnh” gì cả! Nhưng tại sao lại gắn liền “cá tháng Tư” với chuyện được phép nói dối để lừa người khác thì tôi vẫn không tìm thấy mối liên hệ nào cả.
Về nguồn gốc của “cá tháng Tư”, tôi thích lối giải thích có liên quan đến  chuyện câu cá hơn. Theo lối giải thích này, tại một số nước ở Âu Châu, mùa câu cá bắt đầu vào ngày mùng một tháng Tư hoặc để cho cá sinh sản, mùa câu cá cũng chấm dứt vào ngày này. Để làm  quà cho dân câu cá và cũng để chế diễu họ một chút chăng, người ta biếu họ một con cá mòi. Món quà lại được kín đáo đặt nhẹ lên lưng người câu cá. Vì dân câu thường mặc những bộ quần áo rộng thùng thình cho nên không hề hay biết có con cá ở phía sau lưng. Con cá mòi  dần dần bị phân hủy và thối rã. Nạn nhân bị chọc quê mà không hề hay biết.  Từ đó mới phát sinh thói quen tặng những món quà nhỏ để chọc cười. Thật ra, các văn khố lịch sử tại nhiều nước ở Âu Châu cho thấy mùa câu khai mạc hay chấm dứt không hẳn vào ngày một tháng Tư. Thành ra lối giải thích trên đây về nguồn gốc của “cá tháng Tư”xem ra cũng không có tính thuyết phục. Dù sao, vì câu cá cũng là một thứ ghiền, dân câu có lúc cũng ngớ ngẩn và liều đến độ chẳng màng đến thời tiết, sóng gió nguy hiểm và giờ giấc cho nên bị tổ trác là chuyện thường. Nếu có  xem dân câu là nạn nhân của “cá tháng Tư” thì cũng hợp lý thôi!
Đã lâu lắm rồi tôi không còn là nạn nhân của “cá tháng Tư” và tôi cũng chẳng còn cảm thấy thú vị để tham gia vào cái trò nói dối vô hại và dễ thương này nữa. Trò chơi này có lẽ đã chấm dứt với tôi  kể từ khi cả nước Việt Nam đã trở thành một thứ ao “cá tháng Tư”. Thật ra, phải nói mùa “cá tháng Tư” đã bắt đầu ở Việt Nam từ năm 1945 khi ổng tổ của dối trá  đọc bản tuyên ngôn độc lập. Ngay từ lúc ấy, Cựu hoàng Bảo Đại đã nhận ra điều đó khi ông ngao ngán tâm sự với Thủ tướng Trần Trọng Kim: “Chúng mình già trẻ mắc lừa bọn du côn” (x. Lệ Thần Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, Sài Gòn, Nxb Vĩnh Sơn, 1969, trg 146). Không riêng Cựu hoàng Bảo Đại, Thủ tướng Trần Trọng Kim và không biết bao nhiêu người Việt Nam khác, cả thế giới cũng bị “bọn du côn” đánh lừa trong suốt cuộc chiến Việt Nam. Thế giới bị lừa đến độ trao giải Nobel Hòa Bình cho  đại diện của một chế độ chỉ biết cai trị bằng súng đạn, dùi cui, nhà tù và gây đau thương tang tóc cho cả dân tộc. Ngày nay trong chế độ ấy, từng giờ từng phút người dân cứ phải “ăn cá tháng Tư” của dối trá, lọc lừa  đến độ gần như đánh mất khái niệm về sự thật. Thật vậy, trong một chế độ xây dựng trên sự dối trá, sự thật chỉ còn là một danh từ vô nghĩa.
Tôi không biết thế giới này sẽ đi về đâu khi ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo “dân túy”. “Dân túy”, nói như Đức Phanxicô, nhà lãnh đạo của Giáo hội Công giáo, luôn dẫn đến độc tài, bởi lẽ chế độ độc tài nào cũng xây dựng trên dối trá. Tôi không nghĩ rằng một lãnh tụ “dân túy” như Tổng thống Donald Trump có thể thiết lập được một chế độ độc tài tại Hoa Kỳ, cho dẫu qua những lời tuyên bố, cách hành xử của mình, ông luôn tỏ ra không màng đến sự thật.
“Phải chăng Sự Thật đã chết rồi?” Đó là câu hỏi được đăng trên trang bìa của tạp chí Time số ra ngày 3 tháng Tư vừa qua, sau khi ký giả Michael Scherer của tạp chí này đã có cuộc phỏng vấn kéo dài 20 phút đồng hồ với Tổng thống Trump. Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Trump tự nhận mình là một người “có trực giác rất mạnh” và trực giác của ông luôn luôn đúng. Chẳng hạn, theo ông, ai cũng bảo rằng bà Hilary Clinton sẽ chiến thắng vẻ vang trong cuộc bầu cử vừa qua, nhưng riêng ông, ông tin chắc rằng mình sẽ thắng và ông đã thắng. Ai cũng bảo rằng người dân Anh sẽ không bao giờ bỏ phiếu để tách khỏi Liên Âu, riêng ông đã tuyên bố ngược lại và ông đã đoán đúng. Ông đã mô tả Thủ đô Brussels, Bỉ Quốc như một “lò khủng bố” và sự thật đã xảy ra đúng như thế.
Nhưng nhà “tiên tri” Trump không phải lúc nào cũng tiên đoán đúng. Chẳng hạn ông khăng khăng bảo rằng Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh “nghe lén” ông tại tòa nhà Trump Tower của ông khi diễn ra cuộc vận động tranh cử hồi năm ngoái. Nhưng cho tới nay chẳng có ủy ban điều tra nào tìm ra bằng chứng về cáo buộc này. Cả ông lẫn bộ sậu của ông đều tìm cách cãi chày cãi cối mà không hề nhận rằng mình đã đoán mò hoặc tiếp nhận thông tin từ những nguồn không đáng tin cậy.
“Tiên tri” Trump luôn tỏ ra gàn dở khi biện minh cho những lời tuyên bố vô căn cứ của mình. Chẳng hạn, tại một cuộc biểu tình quy tụ những người ủng hộ ông ở Tiểu bang Florida dạo tháng 2 vừa qua, ông khẳng định như đinh đóng cột rằng “mới tối hôm qua đây” (last night) đã xảy ra một cuộc khủng bố tại Thụy Điển do người di dân (Hồi giáo) thực hiện. Sự thật chẳng có bất cứ một biến cố nào như thế đã xảy ra vào hôm tối trước đó tại Thụy Điển. Chính phủ Thụy Điển đã phải yêu cầu Tòa đại sứ Mỹ tại Stockholm đưa ra một lời giải thích thích đáng về chuyện này. Nhưng vài ngày sau, cảnh sát Thụy Điển có bắt giữ một số người sau khi có xảy ra một cuộc bạo động tại một khu ngoại ô có đông người di dân sinh sống. Chộp được cơ hội, nhà “tiên tri” Trump liền bảo: “Thấy chưa, tôi đã báo trước mà!”
Không bao giờ nhà “tiên tri” này nhìn nhận mình lỡ lời hoặc nói gàn nói dở. Chẳng hạn, ông khẳng định một cách chắc nịch rằng có ít nhứt 3 triệu lá phiếu bất hợp pháp của người di dân lậu đã được dồn cho ứng cử viên Clinton khiến ông phải thua bà này đến cả 3 triệu phiếu phổ thông. Đưa ra một con số mà không có bất cứ bằng chứng nào, nhưng ông vẫn không chịu nhìn nhận rằng mình đã “nói bừa”, ông lại gỡ gạc với ký giả Scherer: “Tôi đang thành lập một ủy ban về chuyện này”.
Theo nhận định của ký giả Scherer, cuộc nói chuyện giữa ông và nhà “tiên tri” càng kéo dài,  thì “sự phân biệt giữa sự thật và dối trá càng lu mờ”. Trong cuộc vận động tranh cử, ông khẳng định rằng thân phụ của Thượng nghị sĩ Ted Cruz đã âm mưu để  ám sát cố Tổng thống John F. Kennedy. Ngày nay sau khi được bầu làm tổng thống, tiên tri “Trump”, người luôn xem các tin tức của các cơ quan truyền thông đại chúng là “giả” và coi truyền thông là “Kẻ thù của nhân dân Mỹ”,  lại nói rằng đây là nguồn tin ông đọc được từ báo The National Enquirer. Điều mỉa mai là tại Mỹ ai cũng biết rằng đây  là một tờ báo lá cải không đứng đắn!
Khi ký giả Scherer gợi ý rằng ông phải lên tiếng xin lỗi vì những lời tuyên bố như thế, nhà “tiên tri” liền nói: “Tôi chỉ trích dẫn báo chí mà thôi”.
Theo ghi nhận của ký giả Scherer, lúc còn là một doanh gia, Tổng thống Trump luôn đề cao điều mà ông gọi là “dối trá chiến thuật” (strategic falsehood). Ông luôn cố tình nói lên những điều không thật để thu hút thính giả. Và cũng với tật cố hữu là không bao giờ nhìn nhận mình sai lầm để phải lên tiếng xin lỗi, ông lại ngụy biện và nói quanh co. Chẳng hạn, dưới thời Tổng thống Obama, Bộ Lao Động cho công bố một thống kê cho thấy có sự hạ giảm trong tình trạng thất nghiệp tại Hoa Kỳ. Tổng thống Trump liền nói rằng đây là một con số thống kê giả hiệu. Thế rồi, mới đây khi cũng chính Bộ Lao Động này đưa ra bằng chứng cho thấy nạn thất nghiệp đã giảm, Tổng thống Trump liền nhận định xuyên qua một phát ngôn viên: “Trước kia con số này có thể sai, nhưng nay thì rất đúng”. Đúng như người Việt Nam thường nói, “miệng nhà quan có gan có thép”, nghĩa là muốn nói sao cũng được, muốn lộng giả thành chân cũng được. Nhưng bình luận về việc xem thường sự thật của Tổng thống Trump, báo The Wall Street Journal xem ra đã vẽ ra một chân dung chính xác hơn khi so sánh ông với “một gã say rượu, cố bám vào một chai rượu Gin trống rỗng, nhưng đầy những chuyện bịa đặt”.
Nhưng liệu “tiên tri” Trump có thể tiếp tục cho người dân Mỹ ăn “cá tháng Tư”mãi như thế không? Triết gia Hannah Arendt (1906-1975), như được tạp chí Time trích dẫn, có nói rằng “Sự Thật có tính độc tài”. Chính vì vậy mà Sự Thật luôn bị các bạo chúa thù ghét. Theo ký giả Scherer, “mặc dù Tổng thống Trump chỉ xuất hiện như một bạo chúa trong đầu óc của những người chống đối ông kịch liệt nhứt, trong thực tế ông thường ăn nói chẳng khác nào một bạo chúa”. Bước vào tuần lễ thứ 3 sau khi nhậm chức tổng thống, ông đã bắn đi một thông điệp trên Tweeter như sau: “Bất cứ cuộc thăm dò tiêu cực nào cũng đều là tin giả”. Tỷ lệ  ủng hộ của dân chúng Mỹ dành cho ông như được Viện thăm dò dư luận Gallup công bố đã xuống dưới mức 40 phần trăm sau khi Hạ Viện do Đảng Cộng Hòa của ông kiểm soát đã không thông qua được chương trình bảo hiểm y tế của ông.
Một mức ủng hộ thấp như thế cho thấy người dân Mỹ đã bắt đầu chán “cá tháng Tư” của Tổng thống Trump. Nền tảng vững chắc của quốc gia có nền dân chủ lâu đời nhứt thế giới này vẫn là Sự Thật. Chính vì vậy mà thế hệ người Mỹ nào cũng đều thuộc nằm lòng huyền thoại về cây đào của vị tổng thống tiên khởi của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ là George Washington. Theo câu chuyện được truyền tụng, khi được 6 tuổi, cậu bé Washington đã được tặng cho một chiếc rìu. Một hôm cậu bé đã lỡ tay chặt đứt cây đào của cha cậu. Người cha đã nổi giận. Ông muốn biết ai là thủ phạm. Cậu bé Washington đã đến trước mặt cha và nói: “Con không thể nói dối. Chính con là người đã dùng rìu để đốn cây đào”. Người cha liền ôm cậu con trai vào lòng và nói rằng sự lương thiện của con mình còn có giá trị hơn cả ngàn cây đào.
Trong mắt tôi, lúc nào Hoa Kỳ cũng vĩ đại. Có mất đâu mà phải “làm cho vĩ đại trở lại”! Vĩ đại ở chỗ được xây dựng trên Sự Thật và sự lương thiện, nhứt là của những nhà lãnh đạo đất nước. Mà đâu chỉ có một quốc gia hùng mạnh mới vĩ đại. Con người ai cũng có thể trở thành “vĩ đại” nếu họ sống cho Sự Thật cho đến cùng.









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét