Chu Thập
25.11.16
Bất cứ người di dân và tỵ nạn nào cũng có một câu chuyện
đẹp để kể lại. Câu chuyện của người y tá tên là Khaled Naanaa, 31 tuổi, đến từ
Syria là một trong những câu chuyện đáng được lắng nghe và chia sẻ.
Anh bắt đầu câu chuyện bằng một lời tán dương dành cho
quê hương mới của mình: “Với tôi, Úc Đại
Lợi cũng giống như thiên đàng trên Trái Đất”. Cách đây không lâu, người y
tá này phải ngày đêm sống dưới những cuộc dội bom, những viên đạn bắn sẻ và những
cuộc giải phẫu để cắt cụt chân của các nạn nhân. Anh nói: “Tôi đã đi từ địa ngục
đến thiên đàng. Đây quả là một cảm nghiệm kỳ diệu”.
Cách đây 9 tháng, Khaled bị kẹt lại trong một thành phố bị
vây hãm có tên là Madaya, một thành phố cao nguyên cách Thủ đô Damascus khoảng 40
cây số về hướng Tây Bắc và sát biên giới Liban. Trong tư thế chẳng đặng đừng,
người y tá này trở thành nhân viên y tế duy nhứt phải trông coi bệnh viện duy
nhứt trong một thành phố mà trẻ con đang chết dần chết mòn vì đói khát.
Cùng với vợ và đứa con gái được đến Úc Đại Lợi an toàn,
Khaled hy vọng rằng câu chuyện mà anh muốn kể lại sẽ là một bằng chứng để tố
cáo tội ác chiến tranh của Chính phủ Syria. Nhưng dĩ nhiên, xuyên qua câu chuyện,
anh cũng muốn nhắn gởi một thông điệp: thiên đàng mở ra khi con người biết mở rộng
vòng tay để đón nhận người khác!
Khaled lớn lên ở Thủ đô Damascus. Tại đây anh đã tốt nghiệp
đại học với bằng cử nhân y tá. Sau khi ra trường, anh hành nghề như một y tá
chuyên về giải phẫu và gây tê mê trong các bệnh viện công. Một buổi tối tháng
Tư năm 2011, khi anh đang trực tại Quân y viện Tishreen thì một chiếc xe tải dừng lại trước cửa bệnh viện. Người ta lần lượt
đưa xuống những người bị thương trong một cuộc biểu tình chống chính phủ. Cách
đó hai tháng, một cuộc nổi dậy chống nhà độc tài Assad đã bùng nổ và nay bất cứ
một người biểu tình ôn hòa nào cũng đều có thể bị quân đội chính phủ bắn. Nhưng
bệnh viện cũng không còn là một nơi an toàn. Trước sự chứng kiến của Khaled,
thay vì chữa trị những người bị thương, các đồng nghiệp của anh lại bắt đầu
đánh đập họ và tra tấn họ. Khaled đã không hùa theo cách cư xử độc ác ấy. Anh
đã bí mật gia nhập vào một mạng lưới nhân viên y tế “chui” tại Damascus để chữa
trị cho những người bị thương trong các cuộc biểu tình chống chính phủ. Với mạng
lưới này, việc chữa trị có thể diễn ra bất cứ nơi nào, ngay cả trong nhà bếp.
Các thành viên của mạng lưới này không cho ai, kể cả người thân, biết hoạt động
của họ.
Năm 2012, Khaled
di chuyển đến Thành phố Madaya là nơi đang được phe nổi dậy kiểm soát. Tại đây,
anh mở một trung tâm điều dưỡng và một phòng giải phẫu dã chiến. Phụ tá của anh
là một sinh viên nha khoa và một bác sĩ thú y. Tại đây, không có ngày nào mà
không có pháo kích, oanh tạc và các cuộc tàn sát. Khaled làm việc không ngừng
nghỉ. Nhờ các băng hình được quảng bá trên YouTube, người y tá này đã tự học để
thực hiện các cuộc giải phẫu. Với 40.000 cư dân của Madaya, anh đã trở thành “Bác
sĩ Khaled”.
Tháng 7 năm 2015, tình hình tại Madaya trở nên tồi tệ
hơn. Thành phố đã từng được phe nổi dậy kiểm soát bị quân đội chính phủ và đồng
minh là các nhóm dân quân Liban thuộc phong trào Hezbollah bao vây. Thành phố
hoàn toàn rơi vào tình trạng nội bất xuất ngoại bất nhập. Quân đội chính phủ và
đồng minh Hezbollah xây đài quan sát, gài mìn và đặt người bắn sẻ xung quanh
thành phố. Không còn bất cứ một lối thoát nào cho người dân Madaya. Lương thực
tiếp tế ngày càng hiếm. Trẻ con không có đủ thực phẩm và ngay cả nước uống, chớ đừng nói đến
sữa. Dạo đầu tháng 10, một đoàn xe cứu trợ của Liên Hiệp Quốc vào được Madaya.
Nhưng lương thực chỉ đủ cho vài tuần lễ. Cũng như mọi người đang bị vây hãm, mỗi
ngày Khaled chỉ được ăn một bữa gồm toàn đậu hoặc cháo lỏng. Đã mệt lả vì thiếu
ăn, Khaled lại phải làm việc gấp đôi vì số người bị thương tích ngày càng nhiều
do tìm cách trốn khỏi thành phố và bị quân đội chính phủ bắn xối xả vào người. Do
thương tích và nhứt là đói khát, số người chết ngày càng nhiều. Nạn nhân đầu
tiên chính là các trẻ em. Khaled nói rằng anh sẽ không bao giờ quên được những
ánh mắt trên khuôn mặt trẻ thơ.
Thế giới bên ngoài đã nhìn thấy được những gương mặt trẻ
thơ tại Madaya được các Đài truyền hình CNN và BBC phổ biến. Đó chính là những
bức hình do Khaled chụp và gởi đi. Tại New York, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc,
bà Samantha Power đã nhắc đến những bức hình ấy trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Bà nói: “Hãy nhìn những bức hình đầy ám ảnh của những thường dân, kể cả trẻ
con, ngay cả thơ nhi, tại Madaya, Syria. Nhưng đây không chỉ là những bức ảnh,
mà là hàng trăm ngàn con người đang bị vây hãm, bỏ đói có kế hoạch”.
Trước áp lực của cộng đồng thế giới, Chính phủ Assad đành
cho phép Liên Hiệp Quốc và Hồng Thập Tự chuyển thức ăn đến Madaya. Khi nhìn thấy
đoàn xe cứu trợ xuất hiện, Khaled nói: “Đây là ngày hạnh phúc nhứt trong đời tôi. Tôi không nghĩ là mình sẽ có lại
một hạnh phúc như thế”.
Sau khi phơi bày cho thế giới thấy kế hoạch bỏ đói người
dân mà Chính phủ Syria đang thực hiện tại Madaya, Khaled đã bị đe dọa giết chết.
Chính vì vậy mà một đêm giá rét của tháng Giêng vừa qua, anh đã cùng với vợ con
trốn thoát khỏi Madaya. Họ đã phải đi bộ suốt hai đêm xuyên qua những bãi mìn để
đến được biên giới Liban. Sau tám tháng chờ đợi và sống chui nhủi, Khaled và vợ
con anh đã được đến Úc theo chương trình tỵ nạn của chính phủ nước này dành cho
người Syria. Mặc dù đang có cuộc sống ổn định và an toàn tại Perth và xem Úc Đại
Lợi như thiên đàng tại thế, người tỵ nạn Syria này nói rằng không có ngày nào,
giờ nào, phút nào anh không hướng về Madaya và tự hỏi: “Khi tôi đang ăn uống (ở đây), người dân Madaya đang sống như
thế nào?” (x. http://www.abc.net.au/news/2016-11-21/newest-australian-tells-of-life-under-siege-in-madaya).
Câu chuyện trên đây của người tỵ nạn Khaled đã được đăng
trên trang mạng của Đài ABC với tựa đề “Từ hỏa ngục đến thiên đàng” (From hell
to heaven). Đây là một cuộc hành trình với một kết thúc có hậu. Với tôi, đó là
một câu chuyện đẹp. Thay cho một lời tạ ơn với đất nước đã đón nhận mình,
Khaled đã nhìn nhận: “Với tôi, Úc Đại Lợi cũng giống như thiên đàng trên Trái đất”.
Là một người tỵ nạn như Khaled, tôi cũng đã từng nói như thế về quê hương mới của
mình. Và tôi nghĩ rằng câu chuyện có hậu của Khaled cũng là câu chuyện của bất
cứ một người tỵ nạn nào. Có lẽ bất cứ một người Việt tỵ nạn nào cũng có thể kể
lại một cuộc hành trình “từ hỏa ngục đến thiên đàng” như Khaled. Và với rất nhiều
người, cuộc hành trình từ hỏa ngục cộng sản đến thiên đàng của một đất nước tự
do có khi còn bi thảm gấp trăm lần so với cuộc hành trình của Khaled.
Trong “Câu chuyện buồn ngày Tạ Ơn”, được đăng trên báo
Người Việt tại Mỹ, người viết tạp ghi Huy Phương nhắc đến hai người bạn cũ mà
ông cho là đã “mất”. Mất không phải vì khuất núi, mà vì do hoàn cảnh gia đình đổ
vỡ hoặc vì theo tiếng gọi của con tim đã trở về Việt Nam cho nên không còn liên
lạc với tác giả. Tác giả Huy Phương gọi đây là một “câu chuyện buồn ngày Tạ Ơn”
bởi vì “trong bữa ăn sum họp cuối tháng 11 tại Hoa Kỳ, những người chồng, người
cha này không có mặt”. Nhưng nếu lấy Hoa Kỳ là điểm đến của một cuộc hành trình
“từ hỏa ngục đến thiên đàng” thì ở khởi đầu câu chuyện của hai người này đều là
một câu chuyện đẹp. Sau một thời gian tù đày dưới chế độ Cộng Sản, họ đã được
đón nhận vào “Đất Hứa” Hoa Kỳ. Một người tâm sự: “Không có nước Mỹ, thì giờ này con trai tôi đang ôm bình cà rem ở chợ Cồn,
làm sao mà trở thành kỹ sư như hôm nay”. Còn người kia, mỗi khi nói đến cuộc
đổi đời trên quê hương mới, cũng đều nghĩ đến “những ngày đạp xe đi giao mối cà phê giữa Sài Gòn nắng gắt, bữa đói bữa
no”. Sang Mỹ trong vòng hơn mười năm, anh nào cũng khá giả, có một ngôi nhà
tươm tất, và mới chục năm trở lại đây, về hưu, ai cũng có đồng lương cao...
Chắc chắn đây là một phần của câu chuyện đẹp mà mỗi năm
nhân Ngày Tạ Ơn tại Hoa Kỳ, trong bữa cơm sum họp gia đình, rất nhiều người Việt
tỵ nạn đều muốn nhắc lại. Nhắc lại để, cũng như mọi người dân Mỹ từ thời lập quốc
đến nay, tạ ơn Thượng Đế đã cho họ có cơ hội làm lại cuộc đời hay cho họ được sống
trong một đất nước mà rất nhiều người dân từ hầu hết các nước trên thế giới, kể
cả những nước tự xưng là thù nghịch của Hoa Kỳ, đều xem như một “Đất Hứa” hay
như “ một giấc mơ”. Nhắc lại để mãi mãi ghi nhớ rằng Hoa Kỳ là một đất nước của
người tỵ nạn và di dân nói chung. Nhắc lại để tự hào rằng sự vĩ đại đích thực của
Hoa Kỳ không chỉ đến từ sự phồn thịnh vất chất, sức mạnh kinh tế hay quân sự,
mà chính là từ nét đa văn hóa và tinh thần khoan nhượng giữa mọi sắc dân làm
nên bản sắc dân tộc. Với tôi, Hoa Kỳ quả là một đất nước vĩ đại, bởi vì họ có
Ngày Tạ Ơn.
Quê hương thứ hai của tôi là Úc Đại Lợi không có Ngày Tạ
Ơn. Người Việt tỵ nạn ở Úc có lẽ không có cơ hội để mỗi năm một lần sum họp bên
bàn ăn gia đình và ôn lại cuộc hành trình từ “hỏa ngục đến thiên đàng” và bày tỏ
lòng biết ơn đối với đất nước đã cưu
mang mình, nhứt là với các nhà lãnh đạo đã mở rộng cánh cửa để đón nhận người tỵ
nạn. Cố Thủ tướng Malcolm Fraser chắc chắn đã không phạm bất cứ sai lầm nào khi
mở cửa đón nhận người tỵ nạn Việt Nam hồi thập niên 1970. Tôi cũng không nghĩ rằng
vị thủ tướng thứ 22 của Úc này đã sai lầm khi mở cửa đón nhận người tỵ nạn và
di dân từ Liban vào cùng một thời kỳ như đương kim Tổng trưởng di trú Peter
Dutton đã lên án (x. http://www.sbs.com.au/news/article/2016/11/21/peter-dutton-says-it-was-mistake-bringing-lebanese-refugees-australia). Cũng như Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi cũng là một đất
nước của người di dân. Đất nước này có vĩ đại hay không là do chính sách đa văn
hóa mà linh hồn chính là tinh thần khoan nhượng.
Không có một Ngày Tạ Ơn để tôi công khai bày tỏ lòng biết
ơn đối với quê hương mới của mình. Nhưng cũng như người tỵ nạn Khaled đến từ
Syria, lúc nào tôi cũng xem quê hương mới là “thiên đàng trên Trái Đất”. Đó là
cách tôi nói lên lòng biết ơn của tôi. Là một trong những đức tính cao quý làm
nên nhân cách, lòng biết ơn giúp tôi biết sống nên người tử tế hơn. Với tư cách
là người tỵ nạn, lòng biết ơn giúp tôi biết sống khoan nhượng hơn trong quan hệ
giữa người với người và nhứt là trong một đất nước đa văn hóa như quê hương mới
của tôi.
Ứơc sao tất cả mọi người đang ở địa ngục trần gian đều được
vào “thiên đàng trên Trái đất” như tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét