Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

Hoa Kỳ: những người bị lãng quên


18.11.16
Những người bị lãng quên ở Mỹ dĩ nhiên không phải là đám đông thầm lặng đã bỏ phiếu để đưa ông Donald Trump lên làm tổng thống thứ 45 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ mà là những người thổ dân đang sống trong khu biệt lập “Pine Ridge” trong Tiểu bang Nam Dakota. Đây là nhóm người có tuổi thọ thấp nhất tại Tây Bán Cầu và 80 phần trăm dân số đang thất nghiệp.
Donald Morrison là một trong những cư dân đang sinh sống tại khu biệt lập này. Nhà của người đàn ông này chỉ có một phòng và nằm khuất sau một hàng cây. Phải đi bộ nửa cây số đường đất lồi lõm mới đến được nhà ông. Nhưng đây chính là quê cha đất tổ của ông. Chú và anh của ông đang sống trong một ngôi nhà tiền chế bên cạnh. Xác của những chiếc xe hơi rỉ sét nằm ngổn ngang trong sân phía trước nhà. Cách đó vài thước là một ngôi nhà tiền chế mục nát. Ông đã từng sống trong ngôi nhà này đến cả hai chục năm trước khi được một hội từ thiện xây cho ông một căn nhà nhỏ hồi năm 2011.
Năm nay đã 60 tuổi, ông Donald và gia đình ông chưa rời một bước ra khỏi mảnh đất quê hương này. Họ vẫn tiếp tục sống mà không màng đến ánh sáng văn minh từ bên ngoài. Mỗi ngày họ dùng bình điện xe hơi và máy phát điện trong vài giờ. Nước nóng để tắm giặt được đun sôi bằng củi. Họ chỉ tắm giặt mỗi tuần một vài lần.
Được thiết lập năm 1889 và được đặt tên là “Trại 334”, Khu biệt lập dành cho người thổ dân tại Pine Ridge rộng hơn một triệu mẫu. Thoạt tiên khu này được dành để giam giữ những tù nhân chiến tranh gốc thổ dân. Hiện nay khu này đã trở thành lãnh thổ dành riêng cho Bộ lạc Oglala Lakota, một bộ lạc thuộc sắc dân Sioux.
Cũng giống như các khu biệt lập dành cho người thổ dân trên khắp nước Mỹ, 38 ngàn thổ dân trong khu biệt lập Pine Ridge sống hoàn toàn tách biệt với sinh hoạt kinh tế và phát triển chung của Hoa Kỳ. Là một trong những khu biệt lập nghèo nhất nước Mỹ, Pine Ridge có tỷ lệ thất nghiệp lên đến tám chín chục phần trăm. Theo một thống kê năm 2007, mức thu nhập trung bình hằng năm của người dân tại đây chỉ có khoảng 4000 Mỹ kim. Một cuộc nghiên cứu do Văn phòng Thống kê của Hoa Kỳ thực hiện hồi năm 2014 cho thấy có trên 52 phần trăm người thổ dân thuộc bộ lạc Oglala Lakota, một trong ba quận hạt của Pine Ridge, sống dưới mức nghèo đói.
Dĩ nhiên nghèo đói làm phát sinh đủ thứ tệ nạn và bệnh tật. Theo thống kê, có hơn 80 phần trăm cư dân tại đây bị nghiện rượu. Một phần tư trẻ em sinh ra đã phải chịu những hậu quả trầm trọng từ  tật nghiện rượu của cha mẹ chúng. Tuổi thọ của đàn ông chỉ có khoảng 48 năm và của đàn bà là 52 năm. Đây là tuổi thọ thấp thứ nhì tại Tây Bán Cầu, chỉ sau Haiti.
Tỷ lệ lao phổi và tiểu đường cao gấp 8 lần so với mức trung bình trên toàn quốc. Trong khi đó tỷ lệ ung thư cổ tử cung nơi nữ giới cao gấp 5 lần so với mức trung bình trên toàn quốc.
Nhờ có bình điện từ chiếc xe Ford cũ kỹ được gắn với một máy phát điện, ông Donald có thể xem truyền hình vài tiếng đồng hồ mỗi đêm trước khi đi ngủ.
Ông và anh chị em của ông chưa bao giờ được cấp sách đến trường. Mặc dù có thể hiểu được tiếng Anh, ông vẫn không thể nói được bất cứ ngôn ngữ nào một cách lưu loát ngoài tiếng mẹ đẻ của ông là tiếng Lakota. Mặc dù trên các đài truyền hình có diễn ra những cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump, ông Donald nói rằng ông chỉ có thể hiểu được những nội dung tóm tắt mà thôi. Nhưng ông nói: “Điều đó chẳng có gì quan trọng đối với chúng tôi ở đây”. Cả ông Trump lẫn bà Clinton đều đã không đá động đến những nhu cầu của người thổ dân nơi đây. Nhiều cư dân của khu biệt lập Pine Ridge nói rằng họ bị xã hội quên lãng, bị các chính trị gia và nhà nước bỏ rơi.
Sau nhiều năm thương lượng với chính quyền địa phương để có được điện nước, người dân ở Pine Ridge vẫn không có điện và cũng chẳng có được giọt nước nào.
Ông Donald và người anh Roland 67 tuổi của ông chỉ nhận được phiếu thực phẩm trong hai tuần đầu của mỗi tháng. Hai tuần còn lại, họ sống nhờ thịt hộp và mì gói do các tổ chức từ thiện tặng. Nếu quà tặng của các tổ chức từ thiện không đủ để sống và nếu có dư chút đỉnh tiền để đổ xăng, ông Donald lái xe đến thành phố gần nhất cách chỗ ông ở khoảng 45 cây số để thu lượm những thùng thịt hộp được thải ra từ một nhà máy chế biến.
Riêng người anh Roland của ông Donald dạo tháng Tư vừa qua mới lần đầu tiên được rời khỏi khu biệt lập. Ông được máy bay đưa đến một bệnh viện để giải phẫu vì xương chậu bị vỡ do té ngã trên tuyết lúc đi kiếm củi. Dĩ nhiên, ông phải trả các hóa đơn y tế. Ông thú nhận không thể kiếm đủ 2000 Mỹ kim để thanh toán món nợ này, bởi vì ông phải đợi đến năm sau mới có thể đi làm được.
Hôm 8 tháng 11 vừa qua, hai anh em người thổ dân này có đi đến một phòng phiếu. Nhưng họ đến đó không phải để bỏ phiếu mà chỉ để được uống cà phê miễn phí. Phóng viên của Đài Al Jazeera có điện thoại nhiều lần đến văn phòng của chính quyền địa phương để tìm hiểu về sự kiện trên đây, nhưng chính quyền địa phương không trả lời điện thoại.
Chính quyền địa phương tại Pine Ridge có thẩm quyền xét xử những hành vi phạm pháp của các cư dân trong khu biệt lập. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, chính phủ liên bang đã ban hành nhiều luật lệ để hạn chế thẩm quyền của chính quyền địa phương.
Hiện nay có trên 5.1 triệu người Mỹ tự nhận là thổ dân toàn phần hay bán phần. Nhưng có đến một nửa không sống trong những khu biệt lập. Mặc dù có những hoàn cảnh khác nhau, thu nhập tính theo đầu người của người thổ dân Mỹ chỉ bằng khoảng một nửa của người Mỹ trung bình và tỷ lệ nghèo của họ cao gấp 3 lần so với người Mỹ khác.
Theo Nick Estes, một sinh viên đang dọn luận án tiến sĩ về lịch sử của người thổ dân tại Đại học New Mexico, tình trạng nghèo đói cha truyền con nối của người thổ dân tại khu biệt lập Pine Ridge bắt nguồn từ chính lịch sử thực dân của Hoa Kỳ. Cũng theo người sinh viên tiến sĩ này, bà Clinton lẫn ông Trump và hệ thống chính trị của Hòa Kỳ đều không thể mang lại những giải pháp lâu bền cho các cư dân Pine Ridge hoặc 566 bộ lạc thổ dân khác được Chính phủ Liên bang chính thức thừa nhận. Tình trạng nghèo đói hiện nay của nhiều cộng đồng thổ dân bắt rễ từ những cuộc tàn sát, thanh lọc chủng tộc, cướp đất và những thất hứa mà người thổ dân tại Bắc Mỹ phải gánh chịu. Estes viết: “Người thổ dân nghèo không phải vì họ không thể hội nhập vào cuộc sống văn minh. Trước khi người thực dân đến, chúng tôi không bị xem là những người nghèo. Chúng tôi sống sung túc”.
Ngày 29 tháng 12 năm 1890, quân đội Mỹ đã tiến hành một trong những cuộc tàn sát đẫm máu nhất đối với người thổ dân Bắc Mỹ tại Wounded Knee. Tại đây, lính Mỹ đã giết từ 150 đến 300 người thổ dân Lakota vì họ phản đối việc chính phủ áp đặt ranh giới các khu biệt lập. Sau cuộc thảm sát, người dân được mướn đào huyệt để chôn tập thể các nạn nhân. Trên 100.000 người thổ dân bị cưỡng bách phải vào học trong các trường Kitô Giáo. Được Tổng thống Ulysses Grant đề ra năm 1869, chính sách cưỡng bách giáo dục này kéo dài cho đến cuối thế kỷ 20. Cũng như trường hợp thổ dân Úc, trẻ em thổ dân Mỹ bị tách ra khỏi gia đình để đưa đến các trường học. Tại đây, các em phải chịu hàng loạt những lạm dụng, từ cưỡng bách đồng hóa đến lao động và lạm dụng tình dục.
Năm 1973, tại Pine Ridge, khoảng 200 thành viên của Phong trào Thổ dân Mỹ (American Indian Movement), một tổ chức bênh vực quyền dân sự được thành lập năm 1968, đã chiếm khu Wounded Knee để phản đối cuộc đàn áp chính trị do một chủ tịch bộ lạc là ông Dick Wilson chủ xướng. Được Chính phủ Liên bang hậu thuẫn,  Ông Wilson đã thành lập một đội dân quân để đàn áp những người bất đồng chính kiến. Những người biểu tình đã yêu cầu ông Wilson từ chức và chính phủ liên bang phải tôn trọng các thỏa ước. Sau 71 ngày đối đầu với các lực lượng an ninh, những người biểu tình rút lui khỏi Wounded Knee mà không đạt được yêu cầu là ông Wilson phải từ chức. Có cả chục người biểu tình đã bị giết nhưng Chính phủ Mỹ không muốn can thiệp.
Năm 1977, một người tranh đấu của Phong trào Thổ dân Mỹ lãnh hai bản án chung thân vì đã giết hai nhân viên FBI tại Pine Ridge. Nhiều nhà tranh đấu cho rằng người này chỉ là một tù nhân chính trị.
Ngoài tình trạng nghèo đói, sinh viên tiến sĩ Estes còn cho rằng việc cảnh sát giam giữ và giết người thổ dân cũng gắn liền với chế độ thực dân.
Nhưng nạn nhân chính của nghèo đói, nghiện ngập và thất học tại Pine Ridge vẫn là trẻ em. Cheryl Locke là một cô giáo đã dạy tại đây 16 năm. Chào đời gần Wounded Knee, Cheryl đã ra khỏi khu biệt lập để theo học đại học. Sau khi tốt nghiệp, cô đã trở về sinh quán để phục vụ cộng đồng của mình. Cô giáo này cho biết: các học sinh của cô phải sống trong những điều kiện tồi tàn nhất; nhà thì nhỏ, giường lại không có; nhiều gia đình phải sống chung chạ dưới một mái nhà. Hầu hết các học sinh đến trường trong trạng thái mỏi mệt. Thiếu tài trợ của chính phủ, cô giáo Cheryl chỉ còn trông đợi sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện.
Cha mẹ nghiện ngập, con cái bơ vơ lạc lõng. Đó là tâm trạng của nhiều thanh thiếu niên thổ dân tại Pine Ridge. Nhiều em chỉ còn biết tìm đến cái chết để được giải thoát. Giữa tháng 12 năm 2014 và tháng hai năm 2015, đã có 5 thiếu niên tuổi từ 12 đến 15 tự tử. Người lớn lại càng có nguy cơ tự tử nhiều hơn. Nguyên nhân dĩ nhiên chính là nghèo đói. Nghèo đói dẫn đến nghiện ngập, trộm cắp, buôn bán ma túy và những tội ác khác.
Jerome High Horse, 66 tuổi, hiện đang nỗ lực kiến tạo Pin Rigde một môi trường an toàn cho cư dân vốn đang phải chiến đấu với nghèo đói và những vấn đề khác. Sau giờ làm việc như một kỹ sư, người cha của 7 đứa con này dành giờ nhàn rỗi để thực hiện các dự án từ thiện. Sinh ra và lớn lên cùng với 9 anh chị em trong một ngôi nhà chỉ có 2 phòng ngủ, ông Jerome hiểu được thế nào là nghèo khổ. Nhưng thoát ra khỏi cảnh nghèo và sự quên lãng của chính phủ như ông không phải là điều dễ dàng đối với phần lớn dân chúng tại khu biệt lập này. Ông kể lại những lạm dụng mà các học sinh thổ dân phải trải qua tại các trường của các Giáo hội Kitô. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông đã gia nhập quân đội và phục vụ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Năm 2010, ông và vợ ông về hưu. Họ đã trở về Pine Ridge và thành lập một tổ chức từ thiện lấy tên là “Các gia đình cùng làm việc với nhau” (Families Working Together). Tổ chức này thu thập quà tặng từ khắp nơi trên toàn quốc bao gồm tiền bạc, thực phẩm, dụng cụ xây cất và các nhu yếu phẩm khác. Họ đang cố gắng xây nhà hoặc sửa nhà cho những người đang phải sống trong những khu ổ chuột.
Ông nói: “Họ (người Mỹ) đã tìm cách tiêu diệt chúng tôi cho nên mới dồn chúng tôi vào khu biệt lập này. Đây là một nơi để nhốt tù binh. Họ nghĩ rằng chúng tôi sẽ chết. Nhưng đây là đất nước của chúng tôi. Chúng tôi đã sinh ra từ đất nước này. Do đó, chúng tôi vẫn tồn tại và có mặt ở đây cho tới ngày hôm nay. Chúng tôi vẫn còn hiện diện tại đây”.
(theo:http://www.aljazeera.com/indepth/features/2016/10/life-pine-ridge-native-american-reservation)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét